Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Hồ Lugu - Nữ Nhi quốc

Topic gốc: Hồ Lugu và huyền thoại Nữ Nhi quốc


Chuyến đi đã kết thúc từ hơn 1 tháng, vậy mà giờ mới viết được vài dòng. Năm mới đến, chả có gì cho nhà ta, ngoài một topic này vậy.

Từ lâu rồi, đọc bài viết của nhà báo Nguyên Bình về "hồ Lugu trên cao nguyên Minh Châu", rồi lại nhớ topic kêu gọi đi của bác Kận (hình như thế) cách đây 2 năm, giờ trôi đâu đâu. Thế mà rốt cuộc 3 người cũng đến nơi đó.

Tìm trên mạng thông tin "Cao nguyên Minh Châu", nhưng chả có cái cao nguyên nào tên như thế cả. Thì ra cả cụm từ đó có nghĩa là "Viên ngọc sáng trên cao nguyên", tức là để ví hồ Lugu như một viên ngọc. Chứ làm gì có cái cao nguyên Minh Châu nào đâu ! Té ra nhà báo cũng dịch hớ thôi...


Thực ra thì hồ Lugu cũng chỉ là một điểm trong hành trình dài Đại Lý - Lệ Giang - Lugu - Shangrila của bọn tớ thôi, nhưng mấy cái kia mọi người đi nhiều rồi, có mỗi hồ Lugu là mới...


Gương ngọc xanh thắm trong nắng chiều đầu đông, cứ tưởng tượng vào mùa tuyết phủ trắng, thì gương hồ chắc còn lung linh hơn nữa...



Và mỗi sáng mai thức dậy với đàn chim trong màn sương sớm, chao ôi là bình yên



Chuyến đi được dập ròm từ cả tháng, nhưng quyết định thì rất nhanh chóng. Cuối cùng cũng chỉ có 3 người, trong đó người biết tiếng Trung nhiều nhất là ... tớ, với cái vốn khoảng 1 - 2 trăm chữ Tàu, chỉ biết đọc, không nghe được, không nói được !

Tham khảo lịch trình của các đoàn đi trước rất chi là cẩn thận. Sau đó thống nhất với nhau là: Tuyết thì đứa nào cũng biết hết rồi, không lạ nữa, leo núi thì cũng Fan cả rồi, không máu nữa, lại xem ảnh các bạn nhiều rồi, do đó:

- Leo Ngọc Long tuyết sơn à ? Cắt !
- Đi Mai Lý tuyết sơn à ? Xoẹt
- Khe Hổ nhảy ư ? Thiến !

Dưng mà sẽ đi Thúc Hà cổ trấn, và hồ Lugu huyền thoại. Chà chà, món Lugu này mới là hay đây, hình như chưa ai trong hội Phượt đến đây cả. Hơn nữa, các đoàn đi đông thường thuê xe, còn đây chỉ có xe khách công cộng thôi, ngôn ngữ tay chân là chính.

Và thế là hành trình đã đi:

Hà Nội - Lào Cai: 300km
Lào Cai - Côn Minh: 580km
Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang: 460km
Lệ Giang - Hồ Lugu: 270km
Hồ Lugu - Lệ Giang: 270km
Lệ Giang - Shangrila: 250km
Shangrila - Đại Lý: 400km
Đại Lý - Côn Minh: 350km
Côn Minh - Nam Ninh: đi tàu nên chả biết
Nam Ninh - Bằng Tường - Hà Nội

Chi phí từ Hà Nội - Lào Cai: Vé tàu + Visa + ăn uống
Tổng chi phí từ khi qua cửa khẩu Hà Khẩu cho đến khi về Hà Nội: 2000 Yuan
Tỉ giá hôm đi từ Lào Cai là 1 Yuan = 2830 VND



 Để mọi người đỡ thắc mắc (sao đi tốn có thế thôi à, đi thế nào nhờ,...) dưới đây là lịch trình chi tiết của bọn tớ, mọi người tham khảo. Đi 3 người nên hoàn toàn trông chờ vào xe khách, cũng dễ cho việc thay đổi linh hoạt lịch trình. Cái gì thích là làm luôn, cái gì không thích là bỏ luônnnnnnnn...

Vì không biết tiếng, không tham khảo được hết các thông tin nên chắc là vẫn còn nhiều thiếu sót, có lúc thời gian bị gấp, hơi phí một chút.

Một ấn tượng rất rõ rệt về mùa đông, đó là màu sắc lá. Dọc đường Côn Minh lá còn xanh, đường lên Lệ Giang lá dần vàng. Đường đi Lugu lá vàng rực rỡ nao lòng. Càng đến gần Shangrila lá càng sang nâu và úa dần. Đến Shangrila chỉ còn cành, hết lá vàng lá xanh... Đường về màu sắc quay ngược lại, chuyển từ nâu sang vàng rồi xanh. Đẹp mê mệt.


Đêm 0 (20/11/2009): Tàu SP3 Hà Nội - Lào Cai, đến nơi 6h sáng

Ngày 1:
Xuất cảnh lúc 7h30, mất 1 giờ mới xong, từ đó tính theo giờ TQ.
Đến bến Hà Khẩu (thẳng cửa khẩu) lên xe đi Côn Minh lúc 10h20 (125Y/người)
Đến bến xe Nam Côn Minh lúc 19h30, nhưng hỏi xe đi Lệ Giang không có (???). Phải đi taxi ra bến Tây mất 28Y. Hết xe nằm đi Lệ Giang, thế là đi xe nằm Đại Lý (125Y), mùi hôi dã man.

Ngày 2:
3h sáng đến Hạ Quan - Đại Lý, chuyển xe đi Lệ Giang (40Y/người). Tìm nhà nghỉ trong phố cổ, phòng 3 (120Y) vứt đồ đi chơi, ăn uống ở chợ phía Nam
Chiều vào Mộc phủ (45Y), tối tiếp tục chơi bời.

Ngày 3:
Sáng tiếp tục chơi 1 lúc, thuê 3 cái xe đạp (15Y/cái)
Nhằm hướng núi tuyết, đạp xe đến cổ trấn Thúc Hà, chơi, lạc đường, đi cổ trấn Bạch Sa, rồi về Lệ Giang (tổng cộng khoảng hơn 30km, khốn khổ cho mấy bộ ấm chén). Tối đi chơi tiếp

Ngày 4:
8h30 xe express đi Lugu (73Y), đèo cao vực sâu và dã quỳ vàng mê mải, tiếp đến bạch quả, du lá lại vàng mải miết.
12h xe đến Ninh Lương ăn trưa, vào cửa Lugu (vé 78Y) (cái này có khi tránh được). Đến Lugu lấy phòng thích mê tơi Husi tea House (150Y), thuê xe đạp đi vòng quanh thôn Lạc Thủy, xào xạc lá vàng (10Y/3 xe). Tối xem biểu diễn (98Y).

Ngày 5:
Một buổi sáng êm đềm đến mềm nhũn tim và chân tay ở Lugu...
Ra hồ chơi, không kịp thời gian đi thuyền. Dạo quanh thôn, 10h lên xe về (65Y), đến Ninh Lương ăn trưa. 5h chiều xe vừa về đến Lệ Giang, kịp nhảy chuyến xe cuối đi Shangrila (42Y). Lá vàng cuối chiều càng đi xa càng rụng nhiều...
Trên xe đi Shangrila 3 người ngồi cuối hát ngêu ngao và kể chuyện bậy, cười rúc rích suốt, mặc kệ các bạn Tàu. 9h30 đến Shangrila.

Ngày 6:
Một buổi sáng bình yên trèo lên núi Bảo Sơn ngắm Shangrila, lá vàng đã rụng hết. Đi vào chùa, dạo cổ trấn. Chiều đi tu viện Songzanlin (85Y), tối về tham gia nhảy nhót ở quảng trường.

Ngày 7:
Đi xe về Đại Lý (67Y), ăn trưa dọc đường. Chiều đến Đại Lý, ra hồ Nhĩ Hải, dạo phố...

Ngày 8:
Sáng ra "nhòm" chùa Tam Tháp (120Y, đắt quá không vào), về dạo một lúc. 10h30 lên xe về Côn Minh (85Y), về đến bến Tây lúc 4h. Lại phải taxi (30Y) về ga tàu hỏa, mua vé tàu nằm đi Nam Ninh chuyến 6h (210Y).

Ngày 9 (29/11/2009):
6h sáng về đến Nam Ninh, ra khỏi ga đi xe bus số 6 về bến Lãng Đông, mua vé xe Vạn Đức liền chuyến về thẳng Hà Nội (150Y). Về đến nhà lúc 4h chiều.


Demo ảnh khung cửa kính to đùng, chỗ nghỉ ở hồ Lugu, ôi bình yên mê tơi. Nằm ở đây mà nghe nhạc và ngắm bình minh thì lãng mạn chết mất...


 
Xin một lần cảm ơn những sắc màu Lệ Giang


Và cảm ơn một màu trời xanh đến thế, để chúng tôi tiếp tục gặp viên ngọc xanh Lugu












Hồ Lugu nằm giữa núi non hiểm trở, trong nhiều năm gần như bị quên lãng. Những người sống quanh hồ là tộc Mosho (Môsô), là tộc Mẫu hệ cuối cùng được biết đến. Những tên gọi quanh vùng đều có gốc là tiếng Mosho, chứ không phải tiếng Hán. Người Hán sau này đến đây đã tìm cách phiên âm các tên gọi của người Mosho.

LUGU, trong tiếng Mosho, thì LU nghĩa là hồ nước trên núi, GU nghĩa là ngôi làng. Như thế LUGU nghĩa là hồ nước của những ngôi làng. Khi người Hán lên, mới dùng từ Lô (Lư) Cô để gọi Lugu. Lô Cô là một cái tên khi đọc thì giống Lugu, nhưng chả có ý nghĩa gì trong tiếng Hán cả.

Tên Lugu thực ra không phải chính thức trong tiếng Mosho. Họ gọi hồ một cách tôn kính là Xinama, nghĩa là Hồ Mẹ. Một lần nữa các bạn Tàu lại phiên âm nó thành Tạ-Nạp-Mễ, lại một cái tên vô nghĩa khác.

Ngọn núi rất đẹp nằm cạnh hồ được coi là nơi Nữ thần Gemu ngự, hoặc cũng chính là hóa thân của Nữ thần. Gemu là vị Nữ thần vĩ đại chủ quản cả vùng đất này, bảo hộ cho tộc Mosho. Người Hán lại phiên âm là Cách Mẫu, họ còn gọi ngọn núi Gemu là núi Sư tử, một loài vật mà người Mosho chả thấy bao giờ.

Hòn đảo nhỏ chính giữa hồ có tên là Hewawu, nghĩa là Người con gái đẹp... được phiên thành Tức-Oa-Nga

Tiếc rằng người Mosho không có chữ viết, phải dùng chữ Tạng và chữ Hán, cho nên đến nay nhiều người cứ tưởng tên hồ, tên núi, tên đảo là tiếng Hán, thực ra có phải đâu.

Những thứ gì đẹp nhất, lớn nhất, rộng nhất.... đều mang hình ảnh người Phụ Nữ, không hề có bóng dáng của người đàn ông...

Hồ Mẹ Lugu và núi thần Gemu (cũng là hồ Lô Cô và núi Cách Mẫu hay Sư Tử sơn). Hồ này rộng khoảng 10 lần hồ Tây, nằm ở độ cao 2700m so với mặt biển, nơi sâu nhất gần 100m.





 Cận khách Ong
(Ghi chú: gọi là Cận khách vì khách này... bị cận)


 Vùng đất này đã được biết đến từ lâu, nhưng gần đây mới nhiều thông tin, đơn giản vì đường sá cách trở quá. Mặc dù không phải quá xa xôi hẻo lánh, nhưng vì núi cao vây bọc bốn phía, giao thông khó khăn, nên ít người vào đây. Du lịch tại đây mới chính thức bắt đầu từ năm 1992... Trước kia, đường vào rất vất vả hiểm trở, muốn từ Lệ Giang lên phải đi vòng rất xa để tránh núi cao. Mấy năm gần đây, đường đã được làm thông, xe khách chạy thường xuyên lắm.

Chúng tôi từ trước ngày đi đã dong ruổi xe đạp đến bến mua vé, nên lấy được những ghế ngồi hàng đầu tiên, được ngắm nhìn trọn vẹn phong cảnh, và thuận tiện để có thể tác nghiệp. Chuyến xe rời Lệ Giang lúc 9h sáng, rẽ sang hướng đông bắc, theo một con đường đẹp leo dần lên một con đèo cao, rất cao. Trời xanh ngắt, hai bên đường là thông xanh, trên ngọn đã ngả sang màu nâu. Mùa đông rồi mà.

Đường lên đèo khá tốt, lại không dốc lắm, nên không cảm giác đèo cao. Nhưng rồi đến khi đổ đèo mới gọi là phê. Không phải vô cớ khi con đường này được coi là một trong những con đường có cảnh đẹp nhất Vân Nam - một tỉnh nổi tiếng về cảnh sắc non nước.

Khi tôi định đứng ra phía trước để chụp thì anh tài ra hiệu về chỗ một cách nghiêm khắc. Đường đèo khá nguy hiểm mà. Tay lái anh này cũng dẻo phết.

Qua lớp cửa kính ôtô





Trước kia, để tránh dãy núi này, phải đi vòng xa hơn cả trăm km, vì sau dãy núi lại là cả một dòng sông sâu. Giờ đây đường cứ thế leo lên.

Từ đỉnh đèo, đường lại đổ xuống. Và lần này thì bọn tớ ồ lên, khi trước mắt là những khúc cua nổi tiếng của con đường 991 đất Vân Nam. Xe lao xuống dốc rất nhanh, nhưng không đảo lắc nhiều do đường khá tốt. Tuy vậy cũng rất khó để có thể chụp được những bức ảnh đẹp.

Khúc cua gấp 8 lần này nhìn thấy lúc đi, nhưng không thể chụp được. Đường về (cũng bác tài đó) thấy ba đứa háo hức chụp ảnh quá, đã dừng lại trên đỉnh dốc, khuyến mại 15 phút, khiến ba đứa hớn hở tung tăng lao ngay ra bắn phá. Những hành khách khác xì xồ gì đó, nhưng chả ai xuống xe cả.



 Và rồi bên đường bỗng bạt ngàn dã quỳ vàng rực rỡ trong nắng mùa đông. Xe phóng vùn vụt, loang loáng những màu vàng. Chợt thấy như mình ở Tây Nguyên, hay trên con đường Mộc Châu một chiều nào...

Lạ thật, bên kia núi, cũng độ cao ấy chỉ toàn thông xanh rì, thì bên này không còn thông, chỉ có dã quỳ vàng ruộm mê hồn...






 Tiếp sau con dốc ngoằn ngoèo uốn kéo, hẻm núi hiện ra hùng vĩ trước mắt chúng tôi. Từ trên cao, con đường uốn lượn đầy dã quỳ hút xuống đáy hẻm, nơi dòng sông Kim Sa xẻ giữa hai vách núi.

Sông Kim Sa chính là thượng nguồn của Dương Tử. Từ Tây Tạng, dòng Kim Sa chảy theo hướng đông nam, đến gần Lệ Giang thì ngoặt lên phía Bắc, tạo ra Khúc quanh đầu tiên (Trường Giang đệ nhất loan), mà bạn nào thuê xe từ Lệ Giang đi hầu như cũng ra đó chụp ảnh. Ngoặt lên hướng bắc một đoạn thì chính là Khe Hổ nhảy mà đoàn nào đi cũng mất nửa ngày leo xuống leo lên. Chảy lên hướng Bắc vài trăm km nữa thì sông lại ngoặt xuống phía Nam, và đây chính là nơi con đường cắt ngang.

Nếu thả bè từ Khe hổ nhảy, thì chắc 3 - 4 ngày sau sẽ trôi đến đây.

Nhìn cảnh hùng vĩ này tôi lại nhớ đến sông Đà, sông Chảy, thượng nguồn của dòng Hồng Hà sông Mẹ quê hương, những nơi tôi và bạn bè cũng đã từng vượt các cung đường trên xe máy. Ba người nói với nhau : "Cung đường này mà có xe máy phượt thì phiêu phải biết, hoa đẹp thế kia, đường phê nhường này...."




Từ trên vách núi, con đường lại uốn lượn lao xuống, dã quỳ vẫn vàng mải miết. Trong suốt gần một giờ đồng hồ, xe chạy giữa bạt ngàn hoa.

Con đường tiếp tục quanh co đến hơn 10 khúc nữa mới đến gần bờ sông. Xưa kia bắc ngang sông chỉ có cây cầu treo dân sinh, ôtô không qua được, nên con đường đến đây là dừng. Để đi Lugu phải đi đường khác, vòng xa hơn trăm km nữa. Về sau người ta đã xây một cây cầu lớn bắc ngang sông nối thông hai bên dòng Kim Sa.

Nhưng khi chúng tôi đến, thì ngay bên cạnh cây cầu ximăng lại còn một cây cầu bêtông cao lừng lững nữa rất đẹp. Cây cầu rất cao, nhưng nhìn nó, tôi chợt bỗng nao nao, khi chợt nhớ đến cầu Hang Tôm trên sông Đà ở quê hương. Cây cầu cao vút kia được xây vì sao? Phải chăng nơi đây lại sắp có một công trình thuỷ điện nữa? Và những cây cầu cũ một ngày nào đó sẽ lại ngập trong làn nước dưới một lòng hồ lạ lẫm, phá tan cảnh quan nơi này???

Vượt cầu qua sông, giật mình vì giống dòng sông Đà đến thế...


 Con đường bám vắt vẻo trên triền núi, dọc theo dòng Kim Sa. Qua cầu một đoạn là đường xấu hẳn đi, lổn nhổn đá, nhưng không có dấu hiệu sạt lở. Dã quỳ vẫn đi theo chúng tôi, nhưng thưa dần, và có vẻ như càng ở thấp, màu hoa càng bớt rực rỡ.

Đôi lúc ở ngôi nhà bên đường tôi thấy viết mấy chữ "có cá to". Có lẽ dòng sông này có nhiều cá lội ngược, hoặc sống trong một số khu nước lặng hơn, thỉnh thoảng bơi ra sông và bị bắt rồi lên mâm? Nhìn bên kia núi, thỉnh thoảng lại gặp vài ngôi nhà bám cheo leo bên mép núi, có nơi tưởng chừng như nếu không buộc lại, nhà sẽ trôi thẳng xuống sông lúc nào không biết.




 Con đường lại tiếp tục chạy bên cạnh dòng Kim Sa gần hai chục cây số nữa. Nhưng rồi cũng đến một lúc phải chia tay dòng sông này.

Từ điểm này, dòng sông ngược lên hướng Bắc, còn con đường đi sang hướng Đông, nhắm đến hồ Lugu. Ngã ba này khiên tôi nghĩ ngay đến Mã Pì Lèng với dòng Nho Quế.

Và bỗng có một mong muốn là nếu có cơ hội, phải xuống... tè xuống sông này cho thỏa chí !


 Rời khỏi dòng Kim Sa, một đoạn sau đường lại rất tốt. Cung đường này mới được làm (hay làm lại?), phẳng lì. Hai bên đường trồng hàng cây du còn chưa kịp lớn, lá vàng xao xác. Vạch vôi dưới đường và trên thân cây trắng toát, trong màu trời xanh thắm. Tôi lim dim mắt, để mình trôi đi giữa những sắc màu.

Một cung đường thật đẹp.

Trưa, xe đến Ninh Lương, thị trấn gần hồ Lugu nhất. Từ đây vào Lugu còn hơn 70km nữa. Xe dừng ăn trưa ở một quán trong nhà cuối thị trấn. Trong khi ba người còn đang lần chần ngó nghiêng thì người khác đã ào vào chỉ chỏ, lấy hết mấy thứ ngon nhất là nấm rồi. Thế nên kinh nghiệm là nếu lần sau có bạn nào đến đây thì cứ nhảy vào trước, chọn cái gì ngon đi. Bưng ra ăn rồi, chủ nhà mới tính tiền. Giá cũng hợp lý...

Đường giữa hai hàng du đang mùa vàng lá


Ninh Lương



 Đến Ninh Lương, nghĩa là chỉ còn 70km nữa thôi. Tuy nhiên 70km này lại ngốn hết 3 tiếng đồng hồ !

Từ Ninh Lương, đường hẹp hẳn lại và nhiều ổ trâu ổ voi. Khu vực này thì các bạn Tàu đi xe rất lộn xộn, bất chấp luật lệ. Do đó xe khách chạy rất chậm, thường xuyên phải tránh các xe công nông, người đi đường, xe ngược chiều. Có lúc tắc cả đường chỉ vì chiếc công nông bỗng dưng chết máy. Cảnh sắc cũng khô cằn hơn, đất đai trải rộng không cây cỏ. Đang mùa đông, đất đai đang độ nghỉ, màu xanh thưa thớt. Nhưng bù lại, vào vùng này, sắc màu váy áo của các cô gái dân tộc thiểu số lại rực rỡ sặc sỡ hơn hẳn.

Tại đây có một sắc dân mà chúng tôi không biết là dân tộc gì, váy áo rất đẹp. Độc đáo nhất là phụ nữ có một chiếc mũ cực kì to trên đầu. Đó là một tấm cứng hình thang to tướng dựng thẳng sau đầu, bọc vải đen. Một số cô gái làm đỏm còn buộc lên đó những chiếc khăn nhiều màu sắc. Váy áo các cô rất sặc sỡ tung tăng trên đường. Các bà già choàng chiếc khăn màu đen to, nên trông xa đen sì sì.

Có vẻ trang phục các cô gái ở đây không giống dân tộc Nakhi (người TQ phiên âm là Nạp Tây - Naxi). Xe chạy lắc lư nhiều quá, rất khó chụp được ảnh các cô, tớ chỉ có tấm ảnh đằng sau này là còn nét thôi...


 Rồi đến chỗ cửa bán vé thắng cảnh hồ Lugu. Đắt phết, 78Y một vé.
Cửa bán vé là một cổng chào chặn ngang đường, WELCOME TO LUGU LAKE ! bên cạnh là một quầy có ghi Ticket Office. Hai ba anh mặc đồ dân tộc Nakhi thơ thẩn chắn ngang đường.
Các xe khách to đều dừng lại đây. Bác tài quay lại nói một hồi xì xồ, bọn tớ chả hiểu gì hết. Thấy có khoảng chục người trông dáng là dân du lịch xuống mua vé, số còn lại vẫn ngồi bình chân như vại trên xe, cười nói ăn uống rỉ rả. Thôi, đến đây thì mua vé thôi. Nhà Ong vào xếp hàng vào mua 3 vé, xong lại lên xe. Xe chạy qua cổng, cũng không ai lên soát vé hay xé vé gì hết. Và trong toàn bộ thời gian ở Lugu, cũng không ai hỏi vé bọn tớ cả.

Đồng thời có một số xe khách nhỏ chạy qua cửa vô tư. Đây là đường giao thông huyết mạch nối Ninh Lương với Vĩnh Ninh, người dân vẫn qua lại nhiều, chỉ khách du lịch mới phải mua vé. Tớ đoán là nếu nói là đi vào Vĩnh Ninh thì không sao, và chỉ các xe du lịch to mới phải dừng lại mua vé. Kể cả số vé mua cũng không ai kiểm soát hỏi han. Do đó sau này có đoàn nào đi, tớ nghĩ nếu liều mạng thì thử cứ ngồi ì trên xe không mua vé xem sao, hoặc có xuống thì 1 người mua lấy 1 - 2 vé thôi, vì cũng có ai kiểm soát gì đâu, mà giá vé thắng cảnh của các bạn TQ thì đắt khỏi nói.

Hoặc có đoàn nào không đi xe express thì bắt xe đi Ninh Lương, rồi đi xe nhỏ (12 chỗ) đi Vĩnh Ninh, thì cũng chạy qua cổng vèo một cái...

Sau khi qua cổng, đường lại dốc ngược lên cao. Núi dựng đứng như tường thành. Phải vượt con đèo vắt qua dãy núi trước mặt kia...




 Chuyến xe leo lên cao, cao nữa, vượt lên các khúc quanh...

Và bỗng mọi người trong xe ồ lên thích thú: Một miếng ngọc xanh thắm giữa các ngọn núi hiện ra



 Đây là bản đồ Lugu, lấy trên Wikimapia


Hồ Lugu rộng bằng khoảng 10 lần hồ Tây, nằm trên độ cao 2700m so với mực nước biển. Một dải núi chia hồ làm hai phần, phía Bắc rộng hơn.

Ngọn núi Gemu (Cách Mẫu) nằm ở phía Bắc, so bóng xuống hồ, mùa đông tuyết sẽ phủ trắng đỉnh núi. Giữa hồ có 5 hòn đảo, đảo Heiwawu nằm giữa hồ, các bạn Tàu gọi là Tức Oa Nga (phiên âm thành Xiwae), đảo Liwubi nằm ở đầu dải núi chia hồ làm đôi, đảo Buwa và Dazu đều nằm gần bờ.

Sát hồ, phía Nam là thôn Loushui (Lạc Thuỷ), ngày xưa chỉ là bến thuyền đánh cá, nay trở thành nơi khách du lịch nghỉ, và có bến thuyền đi thăm hồ.

Về phía Bắc có thôn Lige (Lý Cách) là nơi người Mosho cư trú lâu đời, nằm ngay dưới chân mạch núi Cách Mẫu. Xa về phía Tây Bắc là làng Vĩnh Ninh. Tương truyền khi xưa Hốt Tất Liệt chinh phục Vân Nam, đi qua đây thấy phong cảnh đẹp đẽ đã đặt cho tên Vĩnh Ninh, với nghĩa là mãi mãi yên ổn (Tất nhiên là ông í nói tiếng Mông Cổ, không đặt tên Hán, mà là đám bộ hạ người Hán của ông í đặt). Thế là Vĩnh Ninh trở thành thị trấn trung tâm của cả vùng. Thổ ti đất này cũng đặt ở đó.

Giữa Vĩnh Ninh và hồ Lugu còn có 3 hồ nhỏ nữa...

Về phía Đông Nam, là một vùng đầm lầy, nhiều cỏ lau mọc, nên gọi là Thảo Hải (hồ cỏ). Nghe nói cưỡi ngựa đi dạo trên Thảo Hải và ngắm hoàng hôn cũng là một trải nghiệm tuyệt vời (tất nhiên bọn tớ chưa có cơ hội thử).

Nhìn từ đài vọng cảnh phía Nam hồ lên núi Cách Mẫu ở phía Bắc



Màu trời, nước hồ xanh thẳm, xứng với cái tên "Viên ngọc trên cao nguyên" (Cao nguyên minh châu)




 Rời điểm ngắm cảnh trên núi, xe đưa chúng tôi xuống thôn Lạc Thủy nằm sát bên hồ.

Tại trạm dừng xe, nhảy vào trong, tôi mừng rơn khi thấy danh sách các chuyến xe quay về Lệ Giang gồm: 10am, 12am, 15.30am. Nghĩa là chúng tôi có nhiều lựa chọn để thưởng thức Lugu trọn vẹn. Hơn nữa, trên bản đồ có thấy vẽ đường bộ đi từ Vĩnh Ninh đến Shangrila mà không cần quay lại Lệ Giang.

Thế nhưng, khi tôi trỏ thay vào tấm bảng thời gian đó, thì cô nàng bán vé xua tay "mấy yểu" (không có) liên tục, và gõ gõ vào mỗi chữ 10am. Anh tài cũng đứng bên cạnh nói liên tục, dù chúng tôi cũng "pú tủng" liên tục. Rốt cục hiểu rằng vào mùa này, một ngày chỉ có 1 chuyến xe về Lệ Giang lúc 10am, và cũng không có xe khách đi Shangrila.

Đến lúc này do hạn chế quá lớn về ngôn ngữ nên không thể dám liều chọn phương án khác để đi Shangrila hay về Lệ Giang, chúng tôi đành ngậm ngùi mua vé chuyến hôm sau.

Nếu sau này có bạn nào khác đi và nói tiếng Trung tốt, có thể hỏi xe nhỏ (loại 12 chỗ) thường xuyên chạy Vĩnh Ninh - Ninh Lương, rồi chuyển xe Ninh Lương - Lệ Giang, để chủ động hơn. Hoặc đến Vĩnh Ninh hỏi xem có xe nào đi Shangrila không; còn chúng tôi, vì từ trước đến giờ chưa có thông tin của đoàn nào đến đây, nên không dám liều, kẻo vỡ lịch trình. Thôi thì cứ xe express ghế êm, với cũng anh lái xe hôm nay, mai lại quay lại vậy...


Những ngôi nhà gỗ thôn Lạc Thủy



 Sau khi xuống xe, chúng tôi chìa cái tên nhà nghỉ Husi teahouse ra, thế là anh lái xe lấy điện thoại gọi ngay cho nơi đó. Vài phút sau, một anh chàng ra đón chúng tôi về chỗ nghỉ. Nơi này với tầng một là quán, tầng trên là phòng nghỉ, phụ chung. Giá cả khá đắt, chỉ có anh chàng nói được 1 - 2 từ tiếng Anh, còn lại là giao tiếp chân tay. Cô bé tiếp tân chỉ lên tấm bảng gỗ trên tường: 2 bed room: 120Y; 3 beds room: 150Y. Nhưng thấy cái cửa sổ kính to đùng là chúng tôi OK luôn, dù công trình phụ phải dùng chung.

Cùng là phòng với cửa kính nhìn ra hồ, còn 2 phòng đôi, và một phòng tập thể với giường tầng chứa được đến chục người nữa.

Có chỗ nghỉ rồi, tôi xuống nhà ra hiệu hỏi xem có xe nào chở chạy đi chơi các vùng quanh đây không, đi sâu vào Trung Hải tử, đi Ligé, đi núi Cách Mẫu. Nhưng không thể hiểu được nhau. Hỏi đi thuyền thế nào, anh chàng chỉ ra phía bến thuyền, nhưng chiều rồi, cũng không có thuyền... Thế là cuối cùng chúng tôi lại điệp khúc xe đạp, rướn mông đạp trên những con đường đầy đá của thôn Lạc Thuỷ.


Những ngôi nhà của người Mosho làm bằng gỗ toàn bộ


 Hòn đảo Liwubi, có nghĩa là đảo có nhiều chim, nằm ở cuối dải núi nhô ra giữa hồ. Xưa kia trên đảo là nơi nghỉ ngơi của Thổ ti đất này (là phụ nữ), nay trên đảo là một ngôi chùa theo phong cách Tạng.




Đảo Hewawu, nghĩa là người con gái đẹp, nằm giữa phần hồ phía Bắc. Trên đảo cũng có một ngôi chùa nhỏ. Trong nắng chiều, mái chùa dát đồng lấp lánh lên trong nắng. Gần bờ là những đàn chim mòng nổi bập bềnh trên mặt nước.

Bình yên quá


(Trông gần thế thôi, chứ từ bờ ra đảo khoảng 2 - 3km, từ đảo sang đến bờ bên kia cũng phải 3 - 4 km)


Sự tích hồ Lugu

Truyền thuyết của người bản xứ Mosho kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, nơi này vốn không có hồ, mà chỉ là một thung lũng núi đẹp đẽ xanh tốt. Giữa thung lũng có một ngôi làng trù phú sung túc, người dân chăn thả súc vật khắp thung lũng và các sườn núi quanh đó.

Tuy nhiên không phải ai cũng sung túc. Trong làng có một cậu bé mồ côi không người thân thích, cậu phải đi chăn bò và cừu cho mụ nhà giàu trong làng. Ngày ngày cậu lùa bò, cừu về phía chân núi. Cậu thường xuyên bị cơn đói hành hạ mà không có gì ăn, nên nhiều khi mệt quá ngủ thiếp đi. Một ngày kia, cậu ngủ gục trong cơn đói, thì nữ thần Gemu báo mộng cho cậu, nói với cậu rằng: "Con hãy đi về hướng bắc, tìm đến một hang đá sau mấy cây to, trong đó có một con cá rất lớn, con hãy cắt thịt nó mà ăn, nhưng mỗi ngày chỉ được cắt một lần, và không được nói cho ai biết cả".

Cậu bé tỉnh dậy, lùa bò về hướng bắc, quả nhiên tìm thấy chiếc hang bên sườn núi. Cậu vào hang, và ngạc nhiên sao, ở cuối hang có một con cá rất to nằm vừa khít ở đáy hang, cứ như nó bị nút chặt ở đó vậy. Con cá vẫn sống, cậu bé đói quá bèn cắt một miếng thịt của nó và nướng ăn, thì mùi vị thơm ngon tuyệt vời. Nhớ lời dặn của nữ thần, cậu đi về và không nói cho ai biết. Ngày hôm sau cậu quay lại, thì lạ thay, chỗ thịt bị cắt hôm trước đã liền lại, mà con cá vẫn sống. Thế là từ đó, mỗi ngày cậu đều đến đó cắt thịt cá ăn, không còn lo đói.

Mụ chủ nhà dần phát hiện ra cậu bé làm thuê có vẻ béo tốt lên, lại chẳng ăn cả cơm thừa của mụ. Mụ tìm mọi cách tra hỏi, và cuối cùng cậu bé đã không giữ được bí mật của mình. Mụ tức tốc đến chiếc hang, nhìn thấy con cá thần, mụ vô cùng sung sướng, nhưng lại cũng lo sợ sẽ bị người khác chiếm mất.

Thế là mụ gọi người nhà, quyết lôi con cá về làm của riêng. Mụ buộc con cá vào 9 con bò, 9 con ngựa để kéo. Và cuối cùng con cá bật ra khỏi chỗ kẹt.

Nhưng đó cũng là khi điều bất hạnh giáng xuống: con cá nằm ở cuối hang bịt kín một nguồn nước. Khi nó bị lôi ra, nước từ trong hang lập tức phun ra khủng khiếp. Chỉ trong chốc lát nước cuốn trôi tất cả, cả thung lũng và ngôi làng xinh đẹp xưa kia đã biến thành một hồ nước mênh mông, chính là hồ Lugu ngày nay.

Khi đó, ở cuối làng, có bà mẹ kia đang chuẩn bị cho lợn ăn, hai con của bà chơi ở bên cạnh. Bỗng nhiên nước tràn đến, bà mẹ chỉ kịp bỏ hai đứa con nhỏ vào chiếc máng lợn, máng nổi lên mặt nước, nhưng chỉ có thể chở được hai đứa trẻ. Bà mẹ chìm xuống mặt nước sâu mãi mãi.

Hai đứa trẻ đó trở thành tổ tiên của tộc Mosho, họ gọi hồ Lugu là Hồ Mẹ để tưởng nhớ mẹ mình. Và từ đó những con thuyền của người Mosho trên hồ đều có hình cái máng lợn, và gọi là thuyền máng lợn.


Người Mosho đến nay vẫn tin rằng con cá thần xưa kia giờ vẫn còn đang sống trong hồ. Ai nhìn thấy nó sẽ gặp may mắn suốt cuộc đời.

Truyền thuyết xa xưa, đã thật xa xưa...

Núi Nữ thần Gemu, hồ Mẹ, và con thuyền máng lợn trong chiều...


 

Nữ Nhi quốc


Người Mosho (Mosou, Môsô, Mousho, Ma Toa) sống quanh hồ là một nhánh của dân tộc Nakhi (Naxi - Nạp Tây), là tộc người có chế độ mẫu hệ mạnh nhất còn lại đến hiện nay.

Theo truyền thống, tất cả con sinh ra đều sống với mẹ, nhiều người không biết và cũng không cần biết cha mình là ai. Trong ngôn ngữ cổ của người Mosho còn không có từ "cha", cũng không có hôn nhân chính thức.

Khi cô gái đến tuổi 13, mẹ cô sẽ cho ở một căn phòng riêng. Buổi tối đến, anh chàng nào thích cô sẽ đến tán tỉnh làm quen, và nếu cô gái đồng ý, chàng sẽ ngủ qua đêm tại đó; sáng hôm sau chàng về nhà với mẹ chàng. Những chàng trai như thế được các cô gái gọi là Axia, và các cô gái được gọi là Xiaba. Nếu muốn mối quan hệ được bền chặt và chính thức, mẹ của chàng trai sẽ sang gặp mẹ cô gái nói chuyện, để buổi tối chàng có thể vào cửa nhà nàng tự do. Nhưng sáng ra chàng lại về nhà chàng, làm việc ở nhà mẹ chàng; chàng chỉ làm chồng khi đêm đến.

Khi không còn thích nhau nữa, họ chia tay nhau một cách tự do; "đến với nhau tự nguyện, chia tay nhau tự do" trở thành truyền thống, và phong tục này được gọi là "Tẩu hôn".

Đứa con sinh ra, nếu là con trai thì nhiệm vụ dạy dỗ nó trở thành một người đàn ông thuộc về các ông cậu, ông bác, tức là anh em trai của mẹ, vẫn sống dưới cùng một mái nhà. Như thế đứa trẻ không cần đến sự chăm sóc của cha, và cũng không cần biết cha là ai. Một gia đình Mosho gồm nhiều thế hệ, trong đó bà Tổ mẫu ở một phòng riêng, đàn ông ở chung, các phụ nữ khác (và con của họ) ở phòng riêng. Mỗi khi đêm đến, ai cũng có cuôc sống riêng của mình... Do vậy nhà của một gia đình thường khá lớn.

Những ngôi nhà bên bờ hồ nước


 Vì truyền thống "đến với nhau tự nguyện, chia tay nhau tự do", những người trong nền văn hoá khác (như nhiều tác giả bài viết về nơi này) sẽ nghĩ rằng người Mosho không chung thuỷ, là lăng nhăng, là "thoáng" về mặt tình yêu và tình dục. Nhưng đó là những suy nghĩ xa lạ đối với nền văn hoá của họ, là cách đánh giá chủ quan mà thôi.

Từ đó, người ta đã thêu dệt nên những câu chuyện như chàng trai nào đã bị một cô gái thích thì sẽ bị cô ta chiếm lĩnh cho đến khi kiệt quệ, nào là một người đàn ông dân tộc khác lạc vào đây suốt nhiều năm không thoát được,..., và rồi người ta tưởng tượng đến một chốn có đời sống luyến ái cộng đồng thoải mái... Thực ra có rất nhiều AxiaXiaba chỉ biết đến nhau suốt cả cuộc đời, và nói chung họ không có hai tình nhân cùng một lúc. Người phụ nữ Mosho rất biết giữ gìn tình cảm của mình, họ không dễ dàng đến với một người xa lạ

Trong cuộc sống, người phụ nữ Mosho rất đảm đang và làm tất cả các việc, từ việc nhà đến chăn thả gia súc, trồng cấy, và là người quyết định trong nội bộ gia đình. Nhưng không có nghĩa là đàn ông hoàn toàn lép vế. Người đàn ông sẽ phải làm những việc nặng nhọc hơn, như lên rừng đốn củi, ra hồ đánh cá, chăn thả nơi xa. Và đặc biệt, người đàn ông đảm nhiệm việc buôn bán giao thương giữa các làng Mosho, nên họ thường đi xa. Đây cũng là cơ hội để họ tìm đến với các cô gái ở làng khác, và cũng vì thế những đứa con càng ít biết đến cha.

Người nơi khác đến - do đó - ít thấy đàn ông ở trong làng, và trong nhà thì nữ nhiều hơn, nên tưởng lầm rằng ở vùng này nhiều nữ ít nam, thừa nữ thiếu nam. (còn 1 nguyên nhân nữa là nhiều nam đi tu làm lạtma) Và rồi thêm lần nữa người ta tô vẽ lên cái truyền thuyết rằng đàn ông đến đây sẽ bị phụ nữ chiếm hữu và phải phục vụ như một tên nô lệ. Rồi họ đặt cái tên Nữ Nhi Quốc cho nơi này.

(Trong bài báo của ông nhà báo gì nói rằng trong 15 nghìn người Mosho thì có 10 nghìn nữ. Tôi không tin điều này, và cũng chưa tìm thấy nguồn tin nào nói điều này, kể cả website về văn hoá Mosho).



Người Mosho xưa kia theo tôn giáo bản địa, tôn thờ Nữ thần Gemu của dân tộc, cũng là Nữ thần núi, nữ thần thiên nhiên. Họ lập một ngôi đền dưới chân núi thiêng để thờ cúng nữ thần, và những người làm việc tế lễ đều là phụ nữ.

Tuy nhiên, khi Phật giáo Tây Tạng truyền đến, thì tín ngưỡng bản địa dần lùi về sau. Tất cả người Mosho đều theo Phật giáo, và lập một tu viện ở Vĩnh Ninh, lớn hơn đền thờ nữ thần nhiều. Trên hai hòn đảo giữa hồ cũng dựng lên hai ngôi chùa Tạng. Trong những gia đình Mosho, cứ hai người con trai thì gần như một người vào tu viện làm lạtma. Khi có đại lễ, họ thỉnh Đại lạt ma từ Lệ Giang, Shangrila đến. Trong lĩnh vực tôn giáo, đàn ông vì thế lại nắm giữ vai trò tu sĩ. Những chàng trai ở nhà phải nghe lời mẹ, bà ngoại, nhưng khi đã là lạtma thì mọi người đều phải tôn trọng.

Quanh vùng hồ Lugu, có nhiều miếu thờ Phật giáo Tạng truyền, dưới hình thức một đống đá xây cao, hình tròn, với nhiều chữ Tạng trên đó.


Và buổi sáng sớm, chúng tôi đã được xem một nghi thức tế lễ của người Mosho tại một ngôi miếu như thế...


Một ngôi miếu bằng đá ở chân núi, cạnh thôn Lạc Thuỷ.


 Chiều đã đổ bóng....



 Những tia nắng đầu tiên của ngày mới




Và đàn chim bay rộn lên trong nắng



 Buổi sáng ở bên hồ có lẽ là kỉ niệm đẹp nhất của chuyến đi. Bình yên, bình yên tuyệt đối, tưởng như chưa bao giờ mình được hưởng cảm giác bình yên !

Hứa với nhau sẽ dậy trước bình minh, nhưng rồi chả ai muốn dậy sớm. Cũng may là xung quanh hồ là các dãy núi cao, nên bình minh đến muộn. Trời thì ửng lên rồi nhưng mặt trời còn lười nhác chưa lên khỏi núi, nên nắng bình minh sẽ vẫn còn đợi được.

Từ trong những chiếc chăn ấm sực, chúng tôi quay người nằm nhìn ra mặt hồ mờ hơi sương. Bản nhạc vang lên êm dịu. Có lẽ cũng không cần nói gì, chỉ cần nhìn thôi, và cảm nhận một ban mai đang đến. Nếu được ở đây thêm một ngày, chắc chắn tôi sẽ nằm ườn cho đến khi ngoài kia nắng xiên vào mắt. Nhưng thôi, chỉ có một ngày ở đây, tôi quyết định chui ra khỏi chăn và xuống với mặt hồ.


Trong phòng nhìn ra


 Và từ dưới nhìn lên hai kẻ lười nhác chưa chịu xuống





 Và kịp đón ánh mặt trời đầu tiên








 Buổi sáng bên hồ, các chàng trai không còn cầm lưới đi đánh cá nữa. Họ chèo thuyền chở du khách đi ra đảo. Mỗi thuyền có hai người chèo, một chàng trai và một cô gái. Thuyền lướt đi trong nắng sớm, đẹp như một bản tình ca...





 Có những con thuyền đơn côi trên bến. Đã cả đời tận tuỵ, nay nằm đây trong một vũng nước nhỏ cạnh hồ lớn mênh mông, mà nhớ về tháng ngày qua.

Không phải là mũ đỏ, mà là những chiếc khăn màu đỏ rực của các cô gái Mosho. Theo truyền thống, các cô gái Mosho không bao giờ cắt tóc, tóc dài được vấn lên đầu thành một vành lớn. Các cô cài hoa tươi và các đồ trang sức bằng bạc, đá màu lấp lánh lên tóc. Trời lạnh, các cô quàng một tấm khăn lớn màu đỏ lên đầu, có khi còn buộc lại ngang mặt.

Để chống lại cái lạnh vùng cao nguyên, các cô gái, chàng trai đều có một tấm da cừu hoặc da bò còn lông quấn ngang người, ấm áp và cũng phong trần.




 Bên bờ hồ có một miếu thờ xây bằng đá hình tròn, phía trên xếp đá thành hình nón, có những hòn đá phẳng ghi tiếng Tạng. Đỉnh miếu là một cột buộc nhiều dây treo các lá cờ màu sắc sặc sỡ, mỗi lá cờ đều in một bài kinh Phật. Trước miếu là một lò đốt hương ám khói đen sì.

Buổi sáng đó, chúng tôi lặng lẽ nhìn một cuộc cầu nguyện nhỏ của các bà già Mosho, những bậc Tổ mẫu đáng kính và có quyền lớn nhất trong các gia tộc mẫu hệ này.

Có hai bà đến ngôi miếu, mỗi người đều cầm trên tay một ít cành thông tươi, mấy quả thông khô, cành thông thô. Một bà dọn dẹp lò hương cẩn thận, đem nước rảy lên quanh lò, rồi cẩn thận xếp các cành thông khô, quả thông vào trong, thắp lên một ngọn lửa nhỏ...



 Sau đó bà bỏ các cành thông tươi lên trên ngọn lửa, và rắc vào đó một ít hương liệu đựng trong chiếc túi gấm nhỏ treo trước ngực...

Từ ống khói trên đỉnh lò, một cuộn khói dày đặc bốc lên, toả vào không gian một mùi thơm ngai ngái. Trời lạnh quá nên khói không bốc lên cao, mà dần dần lại chìm xuống.

Bà thứ hai cũng bước tới bỏ cành thông, quả thông của mình vào lò, rắc hương liệu, khiến cuộn khói càng đậm đặc hơn.

Rồi cả hai, một người cầm chuông quay, một người cầm tràng hạt, bắt đầu đi vòng quanh miếu theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa lầm rầm đọc kinh. Cả hai cứ thế cặm cụi đi, lầm rầm đọc, cứ thế, cứ thế, không biết bao nhiêu bước chân, bao nhiêu vòng quanh miếu, bao nhiêu vòng quay của chiếc chuông, bao nhiêu hạt gỗ lần qua tay...

Có lẽ cuộc đời cũng như những vòng tròn đó thôi, luân hồi, vô tận...






 Ngôi miếu bằng đá, làn khói trong nắng sớm, và những bóng người đi vòng quanh, vòng quanh... tôi sẽ không bao giờ quên





 Cho dù đã rời khỏi Lugu, nhưng cái màn sương buổi sớm đó vẫn sẽ luôn bay trong mắt mỗi khi nhìn thấy một gương hồ