Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Trung Đông - Israel - Jerusalem - Palestine

TRUNG ĐÔNG - JERUSALEM - PALESTINE

Tôi không biết nên bắt đầu topic này như thế nào nữa. 

Không giống những chuyến đi và những topic trước, hình như có gì đó khiến tôi chậm lại, phải chậm lại, từ từ với tất cả những gì sẽ chia sẻ. Khi lập topic "Vùng nóng Trung Đông" bằng điện thoại tại nơi đó, tôi cũng chưa thể viết nhiều. Và khi topic bị mất đi, cũng là một điều níu kéo.

Lập topic về cả chuyến đi có lẽ cũng hơi quá dài, mà tôi thì thích nhìn sâu về từng miền đất nhỏ hơn là cả một khoảng mênh mông. Cũng vì thế, có lẽ topic này sẽ bắt đầu và chủ yếu viết về Jerusalem, nơi tôi đã từng mong ước đến, và đã đến, trong một chuyến hành trình đầy trắc trở nhưng cũng thật sâu, rất sâu.

Có lẽ tôi viết sẽ rất chậm, mong mọi người thông cảm...

Hành trình dài

Hành trình bắt đầu từ những ngày trước Tết, và kết thúc vào sau Tết Tân Mão.

Chúng tôi - ba người - bay từ Hà Nội đến Cairo, với kế hoạch sau khi thăm Israel, Jordan sẽ theo hành trình kinh điển dọc sông Nil đến thăm các Kim Tự Tháp và những đền đài vĩ đại. Sau ngày đầu ở Cairo, chúng tôi đã đi sang Israel như kế hoạch. Vẫn yêu Ai Cập, đã quyết quay lại Ai Cập, nhưng lần nữa chúng tôi lại phải bỏ chạy khỏi những gì đang diễn ra lúc đó.

Tiếc rằng ngày về cũng là ngày Ai Cập hân hoan khi Mubarak từ chức. Chúng tôi vô duyên và không có may mắn được chứng kiến những ngày lịch sử của đất nước Ai Cập.

Sẽ có ngày quay lại, Ai Cập ơi !


Ai Cập

Dẫu gì thì Ai Cập cũng là nơi chào đón đầu tiên, và để lại trải nghiệm có thể nói là vô cùng hiếm có. Điều may mắn (chưa trọn vẹn) ấy chắc sẽ rất ít người được trải qua.



Để lại thành phố biến động sau lưng, sa mạc Sinai lại bày ra một quang cảnh hoàn toàn khác


Trong mọi cuộc biến động, rút cục cũng chỉ những người dân thường là phải lãnh chịu nhiều nhất. Sau bước xuống của người này và bước lên của người kia là hàng trăm mạng sống, hàng triệu giọt máu. Tuy nhiên, họ cũng đã thành công ở một mức nào đó. Mong rằng sa mạc sẽ không bao giờ quên tên họ...

Jerusalem - the Holyland

Tôi đã đến nơi thiêng liêng này, ngôi thành thánh của lịch sử, của tôn giáo, của vinh quang, của máu và nước mắt.

Hơn nửa nhân loại tin rằng đây là nơi đầu tiên Thượng đế tạo ra, cũng là nơi Thượng đế sẽ ngự trong ngày Tận thế để phán xét nhân loại. Đây là nơi nối thẳng Đất và Trời, nối linh hồn với thiên đường, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Thượng đế đó là Một, dù mang tên Jehovah, Thiên Chúa, Giêsu, Allah... thì cũng đều dựng lên một ngôi thành tương tự trên thiên đường để chờ đón các tín đồ.



Và tôi đã có được khoảnh khắc bàng hoàng hạnh phúc, khi được ở đó và chứng kiến sự diệu kì của Tạo hóa. Người ta nói rằng đây là điều may mắn tuyệt vời với những người từ nơi xa đến. Tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có được lần thứ hai nhìn thấy cảnh này.


Eilat to Jaffa

Muốn viết nhanh, viết nhiều cũng khó, bởi không biết nên viết thế nào. Muốn viết ngay về Jerusalem, nhưng lại lần chần, muốn viết chi tiết về cả chặng đường, lại cũng ngần ngại.

Thôi thì tạm điểm qua vài nét trên con đường sau khi vượt biên giới Ai Cập - Israel vậy.

Biên giới đường bộ Ai Cập - Israel từ cuối dải Gaza bên Địa Trung Hải chạy đến biển Aquaba của Hồng Hải. Phía dải Gaza thì có muốn cũng không đến được nào, cho nên chắc chắn muốn đi đường bộ phải qua cửa khẩu ở Hồng Hải.

Tận cùng của Hồng Hải là vịnh Aquaba, nơi ấy chung của cả ba nước Ai Cập - Israel - Jordan. Khu của Ai Cập là Taba, bên Israel là cả thành phố nghỉ mát Eilat, và của Jordan là đặc khu kinh tế Aquaba. Đứng từ thành phố này có thể nhìn sang nước kia và thành phố kia, nhưng để đi sang lại là cả một vấn đề, khi phải có Visa. Trên mặt biển, không có bóng tàu bè. Ven bờ biển, phần lãnh hải mỗi nước đều có hệ thống giám sát nghiêm ngặt. Chỉ có một chuyến phà từ Aquaba của Jordan sang Ai Cập, nhưng cũng không cập bến Taba, mà chạy tít xuống phía Nam. Nghĩa là không có giao thông đường biển giữa ba thành phố này.


Nửa bên trái ảnh là Eilat của Israel, còn nửa bên phải là Aquaba của Jordan. Dãy núi đằng sau là thuộc đất Jordan rồi. Biển Aquaba rất trong, nhưng dường như đầy nghi ngờ, đầy cảnh giác với tất cả mọi người.

Desert land

Rời khỏi bờ biển phía Nam, con đường 90 đưa những người khách ngược lên phía Bắc. Thành phố Eilat đông đúc xanh tươi cây cỏ vừa lùi lại sau một chút thôi, là cảnh khô cằn hoang địa đã hiện ra. Chúng tôi qua lại con đường này không chỉ một lần, mỗi lần cảnh sắc một khác, nhưng đều giống nhau ở sự hoang vắng buồn thảm, dù lúc nắng hay lúc mưa, lúc trời mù hay quang đãng.


Phía bên Đông của con đường cũng là hoang địa, nối đến dãy núi xa, núi đó thuộc đất Jordan, và khuất sau nó, xa hơn, là thành phố Petra nổi tiếng mà chúng tôi cũng sẽ đến thăm.


Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Quote Originally Posted by oilman Xem bài
Bác Chitto có thể chia sẽ về kinh nghiệm xin visa vào những nước này nhé? Thanks bác.
Visa là cả một câu chuyện dài bác ạ.

(1) Visa Ai Cập: rất dễ dàng. Có thể xin ở ĐSQ Ai Cập tại Hà Nội, 63 Tô Ngọc Vân. Có vé máy bay, book một cái hostel nào đó trên mạng, và 16$, chờ đợi vài ngày đến 1 tuần là OK. Ngoài ra, có thể mua Visa Ai Cập sau khi xuống sân bay. Chỉ cần vác hộ chiếu ra cái quầy, mua với giá 15$ là được cái tem, dán vào hộ chiếu là xong, hộ chiếu VN cũng OK. Tuy nhiên cách này với VN có thể khó vì Hải quan VN chưa chắc cho xuất cảnh nếu không thấy Visa nước đến (Ai cập). Bên cạnh đó, cái gì làm chắc được thì cứ nên làm trước, vì chính sách biết đâu thay đổi.

Lưu ý: Khi ra khỏi Ai Cập và muốn quay lại (xin re-entry visa) theo đường bộ thì phải xin ngay tại cửa khẩu trước khi xuất cảnh, chứ tại Cairo không cấp. Chỉ cần nộp lệ phí là có re-entry visa ngay. Nếu đã ra khỏi Ai Cập rồi, không thể quay lại bằng đường bộ nếu không có re-entry visa trước, họ không cấp tại cửa khẩu.

(2) Visa Israel: khi tôi đi rất khó khăn. Vì mình bay vào và ra từ Cairo, và dự trù vào ra Israel bằng đường bộ qua cửa khẩu Eilat - Taba, nên khó hơn người bay thẳng vào Israel. Nhờ một người bạn giúp, chúng tôi có thư mời đích danh từ một đơn vị ở Israel, và với 20$, sau 1 tuần có được Visa, nhưng chỉ là Single. Có bạn khác cùng đợt bay thẳng vào-ra Israel, làm việc với ĐSQ đã lấy được Visa multiple mà không cần thư giới thiệu. Lại có tin là đợt trước khó khăn, đợt này lại dễ rồi, chỉ cần có vé bay vào Israel, không cần thư mời cũng xin được Multiple Visa. 
Visa Israel nên liên lạc với chị An người Việt làm ở đó sẽ được giúp đỡ nhiều hơn.


(3) Jordan: Visa rất là nan giải, vì không có ĐSQ ở VN, phải làm thông qua ĐSQ ở Trung Quốc, và phải trước ít nhất 3 tuần. Nhưng đợt trước tôi làm thì ĐSQ ở TQ yêu cầu phải có người mang tận tay sang chứ không chấp nhận gửi Bưu chính. Có cách nữa là gửi hồ sơ sang ĐSQ Jordan ở Israel bằng đường email trước ít nhất 3 tuần. Chúng tôi cũng đã gửi sớm, tuy nhiên khi sang đến nơi họ nói vì có quá nhiều mail nên họ không biết và cũng không trả lời được.
=> Chúng tôi không có được Visa Jordan.
Last edited by Chitto; 03-03-2011 at 22:44.

Chuyện đi Jordan:

Sau khi vào Israel, chúng tôi đến Tel Aviv, đến ĐSQ Jordan tại Tel Aviv để hỏi. Nhưng họ nói chỉ xét Visa sau khi nộp 3 tuần. Hộ chiếu Việt Nam được xếp cùng một giỏ với mấy nước có khủng bố như Pakistan, Afganistan. Thất vọng lần 1.

Chúng tôi ra một công ty dịch vụ du lịch ở ngoài, họ nói làm dịch vụ chắc chỉ nửa ngày là xong, đồng thời có Re-entry visa Israel để quay lại. Đến chiều quay lại hỏi thì họ trả lời: "sớm nhất cũng phải sau 2 tuần". Thất vọng lần 2.

Đến Jerusalem, lại cố lần nữa, nhân viên công ty dịch vụ nói cũng phải 2 tuần. Tuy nhiên nếu mua tour đi Petra của họ, họ có thể lo cho, và nói có vẻ rất chắc chắn. Chúng tôi quyết định mua tour 2 ngày Petra, đi từ cửa khẩu Eilat-Aquaba. Đến hôm sau họ viết mail nói là "tao cũng không chắc được cho mày, mày phải xuất cảnh Israel, sang Jordan nếu người của tao giúp lo được nhập cảnh thì tốt, không thì chúng ta đành chấp nhận có rủi ro là chúng mày có thể không đi được Jordan, tao cũng chẳng kiếm được đồng nào". Lại phấp phỏng.

Sáng hôm sau ra cửa khẩu, phải xuất cảnh Israel trước. Tưởng bọn Tour giúp gì, nó chẳng giúp gì hết. Hải quan Israel nói: Mày chỉ có Single Visa, nếu mày quay về trong ngày thì được, qua ngày mai thì đừng mong vào lại. Thất vọng lần 3 trong khi vẫn phấp phỏng phía trước. Ra làm việc lại với nhà Tour, chuyển thành tour 1 ngày. Sang Jordan thì nhà tour bên Jordan làm được, đóng cho cái dấu nhập cảnh loại riêng dù không có visa. Thực ra với dấu đó có thể ở lại khu vực Aquaba trong vòng 1 tuần, tuy nhiên buộc phải trở lại để về Israel trong ngày. Do vậy chuyến đi Petra trở nên gấp rút. Cũng tiếc nhưng không có lựa chọn nào khác.

Chuyện vào-ra Israel:

Khi từ Ai Cập sang Israel trong lúc Ai Cập đang biến động, nhân viên cửa khẩu Israel đã nói rõ: Chúng mày có thể quay lại đây để về Ai Cập trừ khi chúng tao đóng cửa khẩu vì biến động chính trị ! Vào đất Israel thấy ngay một hãng thông tấn chầu chực phỏng vấn người từ Ai Cập sang về tình hình bên đó.

Israel - Jordan: Như trong bài trên, với visa Single Israel, người VN có thể xuất cảnh sang Jordan rồi quay lại trong ngày. 

Israel - Ai Cập: Sau khi thăm Petra, chúng tôi đã nằm lại Eilat một ngày và suy nghĩ rất căng xem nên từ Israel về hay quay lại Ai Cập để đi tiếp lịch trình đã định. Khi quay lại Ai Cập tức là phải đánh liều, vì không còn Visa vào Israel nữa, bước chân đi không thể quay lại. Cuối cùng vẫn quyết định quay lại Ai Cập, với hi vọng đi các thành phố khác Cairo, hoặc tránh khu có hỗn loạn.

Sáng hôm sau đi ra cửa khẩu Eilat - Taba, cửa khẩu vắng tanh chẳng có ai qua lại. Khi thấy mình đi Ai Cập, nhân viên cửa khẩu rất ngạc nhiên. Nói lý do là phải bay về nhà từ Cairo, thì lúc đó cô nàng nói rằng: Chúng mày được phép quay lại Israel trong vòng 48 giờ !!! Hết sức bất ngờ. Tức là nếu gặp nguy hiểm, chúng tôi vẫn có cửa quay lại Israel, dù Visa đã hết hiệu lực. Thực tình không rõ chính sách đó luôn như vậy hay chỉ áp dụng trong thời gian đặc biệt đó, ưu đãi riêng khi Ai Cập đang loạn?

Sang đến Ai Cập, chúng tôi gặp một cô gái người TQ vừa từ Cairo chạy loạn đến. Cô ấy mô tả sự kinh khủng của chặng đường: bị khám xét kĩ lưỡng 17 lần, tất cả các đồ điện tử đều bị soát kĩ, đồ ghi thông tin bị thu; mua vé xe bus nhưng xe bus bỏ khách mà chạy, phải đi taxi tốn rất nhiều tiền, không ăn không ngủ hơn 24 giờ (bình thường bus đi 5 giờ). Cô ấy nói là ở Cairo rất loạn, tất cả các đường bộ, đường sắt, đường không nội địa đều dừng, các điểm du lịch hoàn toàn đóng cửa, dân chúng gậy gộc giữ nhà và canh bọn hôi của, người nước ngoài có thể là mục tiêu tấn công...

Nghe thế thì chúng tôi cũng không có bụng dạ nào quay lại. Nhất là như bác N. với cả bao tải "súng ống" to nhỏ, hàng mớ ảnh nhạy cảm chụp ở Cairo trước đó, thì càng nguy hiểm. Thế là quay lại Israel, thậm chí chưa làm thủ tục nhập cảnh Ai Cập nữa ! Tức là cái re-entry visa xin trước đó còn chưa dùng. Rồi từ đó bay thẳng về chứ không quay lại Cairo nữa.

Cuối cùng, với Single Visa, nhưng chúng tôi có đến 3 dấu nhập cảnh, 3 dấu xuất cảnh của Israel.

Qua sự vất vả của chuyến đi, mới thấm thía câu của TGM Ngô Quang Kiệt. Cũng vì chuyện Visa và máy bay, nửa sau hành trình chúng tôi hoàn toàn bị động và không thể đi được nước nào khác nữa, dù quanh vùng có Morocco không yêu cầu Visa, Síp nữa..

Bác N. mang hộ chiếu Canada qua lại các cửa khẩu như vào rạp xem phim. Giơ hộ chiếu ra, nhòm mặt, đóng cộp dấu, là xong.
Last edited by Chitto; 03-03-2011 at 22:46.

Dead Sea

Con đường từ Eilat đi lên phía Bắc, băng qua những hoang địa khô cằn, dần dần dốc xuống. Bên đường, tôi bỗng thấy một bức tường có một vạch ngang ghi "SEA LEVEL". Thì ra đó là điểm đánh dấu nơi đất đã thấp hơn mực nước biển. Rồi thỉnh thoảng có những cây cột đề "-100 m" , "-200 m" đánh dấu độ sâu so với mặt biển. Tôi đang đi vào lòng chảo cạn sâu nhất thế giới.

Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp Biển Chết, vùng nước mặn cô lập ở nơi sâu nhất của lòng chảo, hơn 400m dưới mực nước biển. Biển Chết đã đi vào Kinh thánh, vào nhiều tài liệu cổ, là một vùng nước hoàn toàn không có sự sống, khác với các biển khác.

Từ trên đỉnh một ngọn núi nhìn xuống, Biển Chết xanh thẫm nằm cạnh một vùng đất đá hoang vu. Bên kia là dãy núi thuộc Jordan. Bản thân mặt nước Biển Chết cũng được chia đôi giữa hai quốc gia.


Sodom

Phía Tây của Biển Chết có những rặng núi đá bị phong hóa tàn tạ. Gió từ hàng triệu năm thổi miên man qua những đỉnh núi này. Có lẽ xưa kia còn có những trận mưa lớn nữa, nên đá núi mòn mỏi và bị đào khoét ngang dọc. Thỉnh thoảng giữa vùng đá mọc lên những cột đá vặn vẹo, nghiêng ngả, chờ một ngày nào đó sẽ đổ sụp xuống.

Giữa đám đá đó, tôi thấy một tấm biển đề "Lot's wife" bên đường, nhưng không kịp chụp ảnh, và nhìn theo hướng biển đó thấy lô nhô vài cột đá với hình thù kì dị. Trong số đó, đâu là bà vợ của Lot ? Rồi xa hơn, tấm biển đề "Sodom city mountain". Thì ra đám núi xa đó là hình ảnh của một thành phố tội lỗi Sodom xưa trong Kinh thánh.

Kinh Do Thái kể rằng: Vào thời của tổ phụ Abraham, em trai của ông là Lot sống ở thành phố Sodom. Ngày nọ Thượng đế Jehovah đã đến chỗ Abraham và nói sẽ hủy diệt thành phố vì nó quá tội lỗi xấu xa. Abraham cầu xin Thượng đế hãy tha cho nơi đó nếu ở đó có được mười người tốt. Thế nhưng ở ngoại trừ gia đình Lot bốn người, không một ai nữa có lòng tốt. Bởi thế Thượng đế báo cho Lot hãy rời bỏ nơi này không được quay lại nhìn. Khi Lot rời đi thì lửa từ trên trời giáng xuống tiêu hủy toàn bộ Sodom. Vợ của Lot vì quay lại nhìn nên bị biến thành một cột muối.

Cột muối vợ của Lot, nếu từ xa xưa, khi người Do Thái viết ra bộ kinh đó, chắc cũng không còn. Thôi thì hãy cứ tưởng tượng một chút vậy. Cũng như tưởng tượng rặng núi kia chính là thành phố giàu có nhưng tội lỗi đã bị thiêu hủy bởi một quyền năng vô hạn...


 Israel

Những bức ảnh màu sắc trên không phải là lúc chúng tôi từ Eilat lên Tel Aviv lần đầu, mà là những lần sau. Lúc đi, chúng tôi bắt chuyến xe đêm kia.

Cũng là một câu chuyện nhỏ, khi đến Eilat là buổi chiều tối, lại là chiều Thứ Bảy, là ngày nghỉ sabath của người Do Thái, do đó trong ngày sẽ không có xe bus từ cửa khẩu về trung tâm Eilat, thế nhưng lại có một chuyến cuối lúc 19h20 (giờ Israel, Ai Cập chênh với VN 5 tiếng). Chuyến xe này được cái chạy rất chi là vòng vèo. Khoảng cách địa lý chắc chỉ 7km, nhưng nó lượn qua lượn lại đến gần nửa giờ. Chúng tôi là những kẻ đi chơi, nên có chuyến city tour thế cũng không lấy làm sốt ruột, ngược lại, hào hứng là khác.

Đến bến xe, thấy có chỗ ghi locker, mừng vì nghĩ rằng sẽ gửi được đồ, vào mua vé chuyến 1 giờ đêm đi Tel Aviv, khoảng 6 giờ sáng đến. Ai dè khu locker không hoạt động, thế là dự định quẳng đồ ở đó rồi dạo quanh đành vứt. Bữa ăn đầu tiên trên đất Israel lúc đó có vẻ khá đắt: 30 sekken (khoảng hơn 8 usd) cho một cái kebbap và một lon nước ngọt, nhưng rồi về sau biết rằng giá đó cũng là bình thường ở nơi đây.

Điều hay là ở Israel tất cả các điểm đổi tiền đều có chung một tỉ giá: 1 usd ăn 3,6 sekken, dù ở bến tàu, bến xe, ngân hàng, hay cửa nhà nghỉ.

Chuyến xe đêm rời Eilat lúc 1 giờ, mang theo ba người Việt Nam ngáp ngắn dài.

Bến xe Tel Aviv

Tel Aviv đón chào chúng tôi với một bầu trời sầm sì nặng nề. Vào giờ này cả thành phố im lìm và tối om. Xe bus đỗ xịch ở bên vỉa hè, mọi người xuống xe để vào bến (ai không vào bến thì ra phố luôn). Còn sớm quá nên chúng tôi quyết định vào bến để nghỉ một lát, chứ bên ngoài lạnh và mưa ướt quá.

Ngay ở cửa vào đã phải kiểm tra an ninh. Khắp Israel, cứ chỗ nào công cộng là kiểm tra an ninh. Hey, hạ đồ xuống, có một ông già sẽ khám xét, và ông ta nhìn người khách mà quyết định xem có lục tung lên hay chỉ khám qua loa. Giời ạ, rồi cũng vào trong bến. Vào trong rồi mới biết mình đang đứng ở tầng thứ 7 của bến. Bến xe là cả một khối nhà nhiều tầng, với tất cả các loại cửa hàng bên trong. Các đường vòng đưa xe lên các tầng, và khách phải chọn đúng cửa mà ra.

Ngồi trong bến xe, giở LP, bản đồ và các thứ ra ngâm cứu, chờ các quầy mở cửa. Rồi hỏi vé, rồi lấy thông tin. Hôm đó là sáng Chủ nhật rồi, tấp nập người. Nhưng nhiều nhất là lính. Lính nhiều lắm, sau ngày nghỉ, họ lại đến bến xe để tỏa đi các nơi. Và cùng với lính là súng ống... Không tiện chụp họ, nên cũng chỉ có vài bức ảnh xa xa.



Mang súng và Cầu nguyện

Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới mà từ khi tái lập quốc đến giờ toàn dân đều bắt buộc phải gia nhập quân đội, bất kể nam hay nữ. Và lính nam đi đâu cũng mang theo vũ khí của mình. Vì thế việc gặp hàng chục cây súng trên đường, ở bến tàu xe,... là chuyện quá thường. Có lúc trong chuyến xe có đến 1/3 là lính và cũng chừng ấy khẩu súng.

Với nữ thì thỉnh thoảng mới thấy người có súng, nhưng mặc quân phục thì cũng rất nhiều. Mà họ dáng chuẩn, mặc đồ quân phục rất đẹp. Bên vai mỗi người đều thêu phù hiệu, có rất nhiều loại theo các quân binh chủng, đơn vị khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Có lần có cậu lính chạy ra xe đánh rơi cả 2 viên đạn trên đường, chúng tôi gọi để báo thì hắn ta nói với lại "tao đang vội, mặc kệ đi".

Cùng với việc đi lính, cầu nguyện hàng ngày cũng là nghĩa vụ của mỗi người Israel. Với nam giới, khi cầu nguyện, họ đeo một thứ dụng cụ bằng da gọi là Tefillin lên đầu và quấn chặt trên cánh tay trái, và cầu nguyện thành kính ở bất kì đâu tiện lợi. (Viết về cái này sẽ rất dài, và có lẽ nên để sau). 

Vì thế, cảnh một người lính quấn dây da cầu nguyện như thế này có thể bắt gặp dễ dàng:


Last edited by Chitto; 09-03-2011 at 21:24.



 
homeless man
 



Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Chỉ có may mắn mới giúp chúng tôi lên được chuyến xe bão táp chạy khỏi Cairo Ai-cập. Tôi mua những tấm vé cuối cùng, lên chuyến xe cuối cùng lúc nó đã chuẩn bị lăn bánh khỏi bến. Nếu chỉ chậm vài phút nữa không biết chúng tôi sẽ thế nào giữa những hàng dài xe tăng, xe thiết giáp, binh lính và người biểu tình. Bỏ lại đằng sau biết bao nuối tiếc, ngỡ ngàng. Chắc bác Chitto bay bổng không kể với mọi người cái chi tiết này, chứ tôi thì làm sao mà quên được. Còn rất rất nhiều, rất nhiều những chi tiết trên con đường phượt trong chuyến đi này mà chỉ khi bạn ở đó bạn mới thực sự cảm nhận hết. 





Đây là chuyến xe đã đưa chúng tôi rời xa Cairo, nơi chúng tôi sẽ quay lại trong một lần khác may mắn hơn.





Bạn thấy không, những người dân chạy loạn. Họ chất lên xe tất cả những gì mang được





Đây là người bạn đồng hành của tôi trên con đường chạy loạn. Ông dịch cho tôi nghe những bài viết trên tờ Nhật báo hôm đó. 
Ở đó, toàn những ảnh về cuộc biểu tình với nhiều mảng đỏ loét máu của người bị đàn áp.
.


Có thể, tôi sẽ mở một topic riêng để kể về những cái chi tiết vụn vặt như thế này, để không làm ảnh hưởng đến Chitto.


Street name and Florentine hostel

Chúng tôi đã đặt chỗ ở Florentine hostel, giá rẻ nhất kiếm được, cũng đã 17usd/mạng. Theo chỉ dẫn thì ra khỏi bến xe, tìm Solomon street rồi Elifelet str. Khi hỏi người ta đường ra Solomon street thì được chỉ được chỉ vào cái biển "To Shaman str". À, thì ra Shaman chính là Solomon.

Ra ngoài, quái lạ, người ta nói là gặp Shaman, mà chả thấy Shaman đâu. Lại chìa địa chỉ hỏi khắp nơi. Người ta bảo đi thế nào thì đi thế, dọc theo cái phố có biển là Derech gì gì đó, hoàn toàn không giống. Mãi về sau mới biết đó cũng là một cách gọi khác của Solomon/Shaman. Tra Google Map thì là Shlomo, trong LP thì là Shelomo còn trong hostel có một cái bản đồ nữa thì lại chua tên khác. 

Túm lại, cái tên đó trong tiếng Israel, phiên âm ra có cả mớ cách khác nhau. Ở Israel thì đừng có lấy tên trong sách ra hỏi, có khi đi đàng nào ấy.

Tìm mãi cũng đến số 10 Elifelet lúc 7h30. Cái cửa bé tí đáng nghi trong một khu phố khá nhếch nhác. Ấn chuông mãi không ai mở cửa, chờ mãi, bực mình, cú đỉn, đã book rồi cơ mà. Có cái khóa mã số đấy nhưng không biết số, nó lại còn ghi 9h mới làm việc. Nhờ cả người ở cạnh gọi điện lên, nó trả lời điện thoại hẳn hoi, mà mãi không thấy mở cửa. Điên quá, thì có thằng từ trong ra. Thế là cứ thế chui vào, xông thẳng lên tầng 3. Tuy không rộng rãi nhưng cũng ấm cúng, và có vẻ là một tụ điểm của nhiều dân đi bụi. Té ra nó đã gửi mail báo mã số tự mở cửa, mà mình không check nên không biết.

Florentine Hostel, gặp kha khá dân từ lung tung. Arghentina, Brazil, China, France,... Cái sân thượng căng bạt là nơi tán phét. Có ăn sáng, một PC vào mạng free, wifi. Bài đầu tiên của topic Vùng nóng Trung Đông (đã bị mất) là viết từ chỗ này.


Last edited by Chitto; 12-03-2011 at 11:21.

Weather

Thời tiết ở Israel mùa này rất thất thường, mưa nắng thay đổi liên tục. Suốt ngày đầu ở Tel Aviv trời âm u, sáng hôm sau trời nắng đẹp, nhưng được 1 lúc lại đổ cơn mưa rào rất lớn.

Chúng tôi bực bội khi chờ ở cửa Florentina hostel cũng một phần vì cứ mưa và gió khá rét, hắt nước vào, phải lôi áo mưa ra mặc. Trời sầm sì đáng ghét lắm, ban ngày mà trời tối om vì nặng mây. Mây bay thì cứ gọi là ... phăm phăm trên giời. Cũng phải, vì đây là ngay bờ biển, gió từ Địa Trung Hải mang mây và mưa trải khắp vùng. Đây cũng chính là nguồn nước quan trọng để vùng đất này trở nên trù phú hơn hẳn các sa mạc sâu hơn trong đất liền.

Chụp từ sân của Florentine Hostel


Tel Aviv

Rời hostel, chúng tôi bắt taxi đến ĐSQ Jordan, nằm ở tầng 10 một khối nhà hiện đại ở phía Đông Bắc Tel Aviv.

Thành phố Tel Aviv mới được xây dựng ngay sát khu thành Jaffa cổ, tạo thành khu Tel Aviv - Jaffa. Trong khi Jaffa thì cũ kĩ tồi tàn thì Tel Aviv hiện đại cao ráo hơn, nhà cao tầng, đường cao tốc đan xen. Tất nhiên ngay cả giữa khu hiện đại, vẫn dễ dàng nhìn thấy những chỗ xập xệ với graffity chằng chịt, đồ cũ vứt chỏng chơ. Nhưng nói chung Tel Aviv vẫn là một thành phố hiện đại và phát triển.

Trục đường Menachem Begin nối từ khu Florentine đến khu phía Đông Bắc. Thấy từ xa khối nhà bên trái có cái vòng tròn bên trên, gọi là tháp Matcal. Lúc đi chúng tôi thấy hay hay nhưng cũng không để ý. Lúc về đi bộ, lúc đi ngang qua chụp tòa nhà ấy liền có ngay một anh rất lịch sự ra chìa thẻ nói rằng: "Tôi là an ninh của tòa nhà này, đề nghị các bạn xóa ảnh chụp". Thì ra đó là tòa nhà của chính phủ và Quân sự Israel, không được chụp ảnh trực diện.

 Jordanian Embassy


Đại sứ quán Jordani ở tầng 10 tòa nhà lắp kính, nhưng bên ngoài trời âm u cũng như số phận cái Visa Jordan mà chúng tôi chờ đợi vậy. Nhận lời đáp giả "Vietnam cần 3 tuần để gửi về Amman kiểm tra", chúng tôi tiu nghỉu đi về.

Chặng đi taxi đã nhớ đường, nên chặng về cuốc bộ, và ngang ngửa đây đó. Đường dài khoảng 6 - 7km, mà trời thì cứ liên tục nắng mưa, nên cũng không dễ chịu chút nào. Khung cảnh khu vực này cũng đơn điệu, nói chung không ấn tượng gì lắm.

Florentine district

Vụ Visa không thành, chúng tôi đi dạo trong khu Florentine, là khu phố cũ kĩ nằm chơi với giữa Tel Aviv hiện đại và Jaffa cổ. Có lẽ bởi là khu đệm nên ở đây đan xen cả hai kiểu, tạo thành một nơi khá tạp nhạp. Mấy con phố nhà xập xệ, xen giữa đó là những lô đất đang đào móng để xây cao ốc, lại có chỗ cao ốc đã mọc lên sừng sững, nhòm sang bên kia đường là dãy nhà hai tầng lè tè nhếch nhác.

Không biết đâu mới là "Hồn phố cũ" ? Cái kiểu này cũng có khác gì Việt Nam ?




Thích nhìn đểu à ???


Old Jaffa

Chỉ mới hơn 3h chiều mà trời đã tối sầm sập. Chúng tôi đi về phía Nam, hướng ra bờ biển. Nơi đây có khu Jaffa, là một thành cổ, nay ghép vào sát Tel Aviv.

Jaffa cổ có lịch sử 4000 năm. Xưa kia đây là một hải cảng để giao thương của khu vực quanh Địa Trung Hải với miền đất phía Đông. Những người giao thương ở đây sớm nhất là người Ai Cập, rồi đến người Babylon, Phoenix từ 2000 năm TCN. Tiếp đó đến người Summeria, Canaan, rồi khoảng 1000 năm TCN là người Do Thái. Người Do Thái gọi cảng này là Yafo, đến nay thì phiên là Jaffa, là tên con trai của ông Noe trong truyền thuyết của họ (mà truyền thuyết và cái tên này lại có nguồn gốc từ người Babylon xưa hơn).

Điểm khởi đầu cho Jaffa cổ là một tháp đồng hồ được xây dựng từ trăm năm trước, để kỉ niệm vị vua của đế quốc Hồi giáo Ottoman khi đó đang cai trị đất này. Tháp đồng hồ kiểu châu Âu, đến nay đồng hồ vẫn chạy. Bên cạnh đó là cung điện cũ của tổng trấn Jaffa thời Ottoman.




Old Jaffa

Khu cung điện cũ giờ đây làm đủ thứ chức năng khác. Bức tường quay ra đường trước kia có những dãy phòng xây đá làm chỗ ở của người hầu quay vào trong, nay người ta đục cửa quay ra ngoài để làm chỗ buôn bán. Bên trong thì các công trình hỏng cả, chỉ còn lại các cổng đá trang trí khá đẹp, một giáo đường hồi giáo nữa thôi. 

Vào một cửa hàng quay ra đường, thấy thú vị với mái vòm đá có từ trăm năm vẫn nguyên, cô bán hàng vui vẻ đồng ý cho vào chụp ảnh. Về sau thì chúng tôi bội thực với kiến trúc đá khi ở Jerusalem, nhưng lúc này vẫn còn háo hức lắm.


Mái vòm đá của giáo đường Hồi. Họ xây thật khéo, các tảng đá không được mài nhẵn nhưng được xếp khít để chèn vào nhau mà không sập.


Từ giáo đường nhìn ra Cột đồng hồ



Mediterranean Sea

Từ Jaffa cổ, chúng tôi nhìn ra Địa Trung Hải ầm ào sóng vỗ. Mặt biển trong đêm tối xa xăm thăm thẳm. Trên trời những đám mây lớn vẫn cuồn cuộn dồn đến rồi lại lan tỏa ra khắp vô cùng.

Biển cả là nơi người ta thấy mình nhỏ bé, thấy mình vừa gần vừa xa, vừa thích vừa sợ. Biển đem cho sự sống nhưng cũng lấy đi sự sống. 



Đi dọc biển đêm đó, gió khá mạnh và lạnh. Tôi thấy mông lung. Cách xa nhà, không biết mọi người ở nhà đang làm gì.

Đi chậm lại sau hai bạn đồng hành, nhìn trời mây, hít thật sâu rồi nhắm mắt lại, nghe tiếng sóng, tiếng gió, thốt nhiên như thấy không biết mình đang ở đâu nữa. Có cái gì đó chao đảo và quay chầm chậm xung quanh, rồi lặng đi đến độ hình như mình không còn đứng trên mặt đất nữa. Chỉ một khoảnh khắc thôi, nhưng hình như thu vào trong suy nghĩ cả một vùng không gian, một quãng thời gian quá dài. Cái cảm giác mình đang lằng lặng bay giữa hiện tại về quá khứ, về thuở chưa có mình, nhưng đã có biển cả. Mình có là cái gì đâu. Khi mình nhận biết mọi sự thì cái không gian quanh đây đã cũ kĩ cổ điển lắm rồi. 


Jewishs

Chúng tôi đi dạo dọc bờ biển lộng gió, bắt gặp một bức tường với một bức vẽ thú vị. Ban ngày đây vốn là một quầy bar, nhưng vào giờ này thì chẳng chủ chẳng khách...

Chỉ còn các vị này vẫn đang say sưa trò chuyện


Trong này chỉ nhận ra vài vị, còn thì cứ ngờ ngợ mà không biết là ai...

Etzel House

Từ xa đã nhìn thấy một khối nhà xây bằng đá đổ nát nham nhở rất gần bờ biển, hứng chịu gió và có lẽ khi biển động thì cả sóng nữa. Dọc bờ biển này các tòa nhà đều xây lùi vào, để lại một dải ven bờ rất rộng, khiến cho khối nhà càng chơ vơ và nổi bật.

Lại gần mới thấy tấm đá lớn đề : Etzel House - Gidi, nơi đây là một bảo tàng, một bảo tàng thuộc loại rất nhạy cảm của xứ này. Không phải ai cũng được vào đây.


Trước Thế chiến 2, Trung Đông hầu hết nằm dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman, khi đó ở đây thì Jaffa phía Nam do người Ả Rập sinh sống, phía Bắc là khu người Do Thái sống. Khối nhà đá kia chính là điểm nằm giữa hai khu vực. Thế chiến kết thúc, Ottoman sụp đổ, quân Anh chiếm tiến vào, và có sự thỏa hiệp với Ai Cập. Nhân đó người Ả Rập từ Jaffa khiêu khích sang phía người Do Thái, nhưng họ đã đùa với lửa. Tháng 4 năm 1948, một đội quân 600 lính Do Thái, gọi là đội Etzel vượt qua ranh giới, tấn công người Ả Rập. Trận chiến nhanh chóng kết thúc với cái chết của hàng chục người Ả Rập, và kéo theo đó là người Ả Rập bỏ chạy. Mặc dù Ai Cập đòi quyền, nhưng từ đó Israel đã thực sự nắm giữ đất này, Jaffa được ghép vào với Tel Aviv. Viên chỉ huy đội quân Etzel về sau trở thành thủ tướng Israel...

Và khối nhà cuối cùng còn lại của nơi ranh giới đó là bảo tàng Etzel ngày nay, lưu giữ di tích về đội quân năm đó. Đây là kỉ niệm chiến thắng của người Israel nhưng cũng là kỉ niệm mất đất của người Ả Rập.

HaTachana

Chúng tôi đi vô định dọc bờ biển, không muốn quay lại đường cũ, nên khi thấy một đường ngang cắt qua một bãi đỗ xe thì liền đi vào. Bất ngờ là đường đó dẫn đến một khu rất thú vị, có tên gọi là HaTachana, theo tiếng Do Thái nghĩa là "Nhà ga".


Từ năm 1892, đế quốc Ottoman cho xây dựng một hệ thống đường sắt nối từ Damascus ở phía Bắc đến Ai Cập ở phía Nam. Đường sắt này đi gần bờ biển, chạy qua khu định cư của người Do Thái và người Ả Rập, và nhà ga này nằm đúng trên ranh giới đó. Từ đây còn có một nhánh đường sắt nối thẳng đến Jerusalem, và mỗi năm hàng chục vạn lượt người châu Âu hành hương đều đến Jerusalem qua ga này, sau khi đã băng ngang biển cả bằng tàu thủy và cập bến Jaffa.

Sau năm 1948, đường sắt hoàn toàn dừng lại, các đoạn đường ray đều bị dỡ bỏ. Chỉ còn lại ga này như là nhân chứng của một thời quá khứ. Người ta đã định dỡ nốt để xây nên những khu nhà cao tầng. Nhưng cuối cùng chính quyền Tel Aviv đã quyết định biến nơi đây thành địa điểm bảo tàng mở. Những khối nhà được xây lại giống cũ, các xưởng máy, cửa hàng quanh ga xưa kia được xây lại...

Khu nhà ga cũ trở thành một bảo tàng mở, một không gian thư giãn rất đặc biệt của người Israel, mà không nhiều du khách biết tới, trong LP về Trung Đông cũng không nhắc đến. Vào những ngày hội, người dân mang các sản phẩm đến đây bày bán như thuở xưa, đủ thứ từ hoa, quả, bánh kẹo... đến các đồ gia dụng. Ngày thường thì các ngôi nhà trong sân ga cũ và xung quanh là shop bán quần áo, mỹ phẩm, vàng bạc, và có một quán ăn, một quán bar.

Tất cả các quầy, quán trong khu vực đều phải cam kết giữ đúng không khí cũ, nghĩa là không âm thanh của loa đài, không ánh sáng khác đèn điện thông thường, không bày ra ngoài nhà. Một không khí rất dễ chịu và thư giãn khi bạn dạo bộ nơi đây. Xung quanh vắng đến nỗi rõ ràng là số người bán hàng nhiều gấp mấy lần người mua hàng, và trong quán thì số nhân viên còn đông hơn số khách. Có lẽ là chúng tôi đến không phải lúc rồi !?




Sáng hôm sau, Tel Aviv lại tràn nắng, trời xanh ngắt rất bình yên.

Chúng tôi lại đi ra phía biển. Biển lại đón chào với muôn vàn con sóng





 Old Jaffa

Buổi sáng ra biển và đi về phía Old Jaffa thật là đẹp. Từ xa, khu đồi của thành phố cũ hiện ra với gác chuông của nhà thờ St.Peter hiện ra. Phía ngoài của quả đồi có một tảng đá nhô lên khỏi mặt nước. Người dân từ xưa đã nhận đó là "tảng đá Andromeda".

Theo thần thoại Hy Lạp, bà hoàng Aethopia sinh được công chúa Andromeda rất xinh đẹp, nên đã ngạo mạn nói rằng ngay cả các nàng tiên của biển cả cũng không đẹp bằng. Để trừng trị sự cao ngạo này, thần biển Poseidon đã sai thủy quái tàn phá bờ biển và bắt phải xích nàng vào tảng đá giữa biển. Rất may là chàng dũng sĩ Perseus đã đến kịp và hóa đá thủy quái bằng đầu của ác quỷ Medusa.

Tảng đá Andromeda ở đâu chẳng ai rõ. Có vài nơi quanh biển Aegean nhận làm xứ Aethiopia, và cả đất Jaffa cổ này cũng nhận truyền thuyết ấy về mình. 

Thôi, cũng không quan trọng, nếu một mai có người nói nàng bị xích ở vịnh Hạ Long cũng được vậy.

Jaffa cổ nhìn từ phía Tel Aviv




Woman against the wind

Đã lên Old Jaffa vào tối hôm trước trong một đêm mây giông, buổi sáng trở lại với trời xanh ngắt. Gần ngôi nhà Etzel là một quả đồi thấp, trên ngọn đồi có một bức tượng đồng kì lạ, hình một người trùm kín một tấm vải, hai tay đưa lên và không thấy đầu, đang lao ra phía biển. Lúc đó chỉ có mình tôi leo lên đồi để ngắm kĩ bức tượng đồng. Bức tượng có tên là "Woman against the wind".

Tôi không hiểu hết được ý nghĩa bức tượng, nhưng thực sự thấy nó đẹp, một sự hoang dại khao khát, một sự chạy trốn cái tầm thường để lao đến tìm đến một cái gì khác mà cũng không ai biết là có bớt tầm thường hay không. Bức tượng dường như chính bản thể của mình chạy thoát khỏi cơ thể chật chội để hướng về biển cả bao la, chống lại những cơn gió biển đang thổi ngược lại, đang đẩy lùi tâm thức đòi tự do...


Old and New

Đi về phía Jaffa cổ, chúng tôi ngang qua bờ kè chắn sóng đã được xây từ hàng nghìn năm trước, rồi được tu bổ trong hàng thế kỉ sau, đến tận bây giờ vẫn có những tảng đá được xây thêm để giữ cho đê chắn sóng được vững vàng.

Lịch sử của khu thành cổ đồng thời là hải cảng này rất thăng trầm, với bao triều đại đổi thay. Từ những đội quân của Pharaoh, những vị vua Phoenix, vua đế quốc Summeria, Assyria, Babylon, Hồi giáo, Thập tự chinh, cho đến Napoleon, Ottoman, Anh quốc... khi muốn cai trị vùng đất này đều phải chiếm hải cảng này để làm bàn đạp trung chuyển khi chiến tranh cũng như giao thương khi hòa bình. Vì vậy trong lòng ngọn đồi vươn ra bờ biển kia là bao tầng lớp lịch sử đọng lại.

Cùng với lịch sử là tôn giáo, Kitô giáo đã thắng khi xây dựng trên đỉnh đồi cao nhất một nhà thờ với tháp chuông vươn lên ngạo nghễ. Nhưng Hồi giáo cũng không kém phần khi xây xung quanh hàng loạt giáo đường mà cứ chiều chiều là vác loa khủng ra đọc kinh vang vọng...


Từ Jaffa cổ nhìn về Tel Aviv mới là một sự hòa hợp đẹp đẽ đầy máu và nước mắt.




Hải cảng tấp nập xưa giờ không còn nữa, chỉ có một con đê chắn sóng tạo thành một âu thuyền dành cho những con thuyền buồm nhỏ, có lẽ của những người giàu có quanh đây hoặc làm du lịch. Nắng lên trên những con thuyền màu sắc, và biển thì xanh thẳm...



Chúng tôi theo một ngõ nhỏ lát đá leo lên đồi. Mấy ngõ này thông nhau vòng vèo rất hay, vắng lặng không một bóng người.



Len lỏi qua những con ngõ nhỏ lát đá, lên cao xuống thấp, chúng tôi cảm cái sự vắng lặng nơi đây. Trong sách hướng dẫn thì nói rõ ràng nơi đây là điểm du lịch hấp dẫn, thế nhưng chả có ma nào lai vãng cả. Hình như mùa này cũng không phải mùa du lịch ở đây. Có thể trời lạnh, không ai quan tâm đến biển cả, tắm biển hay đi thuyền buồm gì chăng, mà khu thành cổ lặng thế. Nhưng thế lại càng hay, một quãng trầm đúng với cái tên Old Jaffa.



Last edited by Chitto; 04-04-2011 at 23:19.

Nói thế, chứ cũng có một bóng hồng này...



Từ đỉnh đồi Jaffa nhìn xuống, biển xanh hút mắt. Đồi này hiện nay có nhiều các nghệ sĩ của Israel sinh sống. Họ sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, vào những ngày lễ hội thì trưng bày, nhưng vào mùa này, lúc chúng tôi đi có lẽ cũng sớm, nên chẳng thấy ai. Có cái cửa sổ kính bày mấy món thủ công, hình như cũng là để bán...



Kedumim square

Trên đỉnh đồi là quảng trường nhỏ Kedumim, một chỗ rất đáng yêu !

Thấy ngẩn ngơ một lúc vì đẹp quá. Màu sắc dễ thương hết sức. 


Ngay chỗ giữa hai cây cọ ở giữa ảnh là một cầu thang đi sâu xuống lòng đất. Thực ra cả khu vực này bên dưới là một hệ thống các công trình ngầm được xây dựng từ thời xa xưa, khoảng 3000 năm trước. Dưới đó là một bảo tàng, nhưng khi chúng tôi đến thì đang tu sửa. Đọc thông tin thì được biết ở đây đã từng có hệ thống hầm mộ từ thời Babylon, rồi các thời sau xây dựng thành nơi ở, cố thủ đề phòng khi bị tấn công. Những công trình với hệ thống cột được dựng thời Byzance hơn nghìn năm trước vẫn còn nguyên vẹn ngay bên dưới quảng trường.

Bye bye Tel Aviv

Buổi sáng trôi nhanh qua. Chúng tôi sẽ rời Tel Aviv để đến với Jerusalem. Nhìn lại thành phố trong ánh nắng.


Từ Tel Aviv đến Jerusalem

Jerusalem, Jerusalem, cái tên đó vang trong đầu tôi một cảm xúc khôn tả, rất quen mà cũng rất lạ.

Ba năm rưỡi trước, khi topic "Jerusalem, hành trình đến miền đất thánh" được lập, tôi đã từng nói Jerusalem nổi tiếng bởi vì nó là Số Một, và nhận được sự cười cợt của một số thành viên. Khi đó, với những gì mình biết, với những thông tin "của người khác" tôi đã viết nhiều, rất nhiều về thành phố này.

Và tôi đã nghĩ chắc chắn mình sẽ có ngày đến nơi đây, dù rằng trong topic đó mọi người có vẻ cười rằng chẳng dại gì đi vào nơi "nguy hiểm" chỉ để nhìn mấy hòn đá cũ.

Sau hơn ba năm, tôi đã đến đây, đến với thành phố mà với tôi nó là Số Một với nhiều ý nghĩa. 

Và rồi cuối cùng, vì nhiều lý do, tôi đã ở lại đây rất nhiều thời gian, nhiều hơn bất kì một thành phố nào trong tất cả các chuyến đi của tôi. Ngoại trừ những nơi tôi đã sống hoặc làm việc, chưa nơi nào lấy của tôi nhiều thời gian đến thế, chưa có con phố nào mà tôi đi qua đi lại nhiều đến thế.

Dù rằng topic kia tôi đã viết rất nhiều về Jerusalem, nhưng khi đó tôi chỉ là cóp nhặt. Còn giờ đây, tôi đã đến tận nơi, nhìn tận mắt, cảm nhận rõ ràng. Vì thế, tôi vẫn muốn viết lại, dẫu dài dòng....
Last edited by Chitto; 04-04-2011 at 23:22.

Jerusalem

Ngày mai là lễ Phục Sinh, mà mãi không tiếp tục được topic này, thấy áy náy quá.

Chúng tôi rời Tel Aviv đi về phía Đông, sâu vào trong đất liền. Đường đi băng qua những cánh đồng xanh mát. Israel là nước có nền nông nghiệp rất phát triển, đất đai canh tác được khai thác khoa học và có năng suất cao bậc nhất thế giới.

Qua cung đường này, và cả một số cung đường đi lên phía Bắc nữa, thấy khác hẳn phía Nam. Nếu như phía Nam là sa mạc khô khát, thì phía Bắc này có mưa nhiều, cây cối xanh tươi, đất đai phì nhiêu. Chẳng phải vô cớ mà xa xưa nhiều bộ tộc đều muốn chiếm lấy đất này. Những bộ tộc nhỏ bị tiêu diệt, bộ tộc mạnh hơn phát triển thành các dân tộc, và đạt đến tầm quốc gia, tranh lấn nhau, triệt hạ nhau để tìm nguồn sống.

Dân tộc Do Thái đã nâng hẳn ý nghĩa lên khi gọi đây là miền Đất Hứa: Miền đất mà Thượng đế Jehovah đã hứa ban cho tổ tiên của họ, và bằng mọi giá, họ sẽ quay lại, lấy lại đất này.


Bên đường Quốc lộ 1 từ Tel Aviv đi Jerusalem




To Jerusalem

Ngồi cuối xe cùng với tôi, phía bên kia có một cậu lính. Như viết trong nhiều bài khác, lính ở Israel rất nhiều, đi khắp nơi, mọi chỗ mọi lúc đều thấy, còn cảnh sát thì lại rất hiếm thấy. Lính đi đâu cũng mang súng, trông thì rất ngầu nhưng thực ra cũng bình thường vì họ cũng chỉ là những cô cậu thanh niên chỉ mười mấy đôi mươi. Họ cũng nghịch ngợm, cười nói, và thân thiện như tuổi trẻ của họ. Sau này ở Massada, gặp nhóm lính, chúng tôi chụp ảnh cùng rất vui.


 Jerusalem

Sau hơn một giờ trên xe, cuối cùng xe đến bến Jerusalem mới. Bến xe nằm ở phía Tây của thành phố mới, vào bến lại phải kiểm tra an ninh lần nữa. Lúc đó chúng tôi chưa biết nên cứ phải vào bến, chứ thực ra chỉ cần đi vòng quanh bên cạnh bến là bắt xe bus đến thành cổ dễ dàng. Xe bus số 20 nối bến xe với thành cổ Jerusalem.

Ngồi trên xe bus trong màn mưa nhỏ, lòng tôi trống rỗng. Trước kia mình đã háo hức để được đến đây bao nhiêu thì bây giờ thấy bình thản bấy nhiêu. Chỉ chốc nữa thôi, tôi sẽ được thấy, được đến nơi mà bao thế hệ người đã đổ máu, đã đau khổ, đã sung sướng khi đến đó. Thực ra đó sẽ là gì với tôi ? Một nơi linh thiêng ư ? Một nơi đẹp đẽ chăng ? Một điểm du lịch chỉ để chụp ảnh ? Một nơi gửi gắm tâm tư hay tò mò tìm hiểu ? Dường như tất cả đều không phải.

Dù sao thì tôi cũng sắp đến Jerusalem, thành thánh muôn đời.

Và đây, trong cơn mưa nhỏ, trời đầy mây, ngôi tháp David của thành cổ vươn lên giữa trời. Đã đến nơi.



Để hiểu được phần nào về Jerusalem, có lẽ phải lược qua cả ba mặt: Huyền thoại (trong Kinh thánh), Lịch sử, và những gì nhìn thấy thực sự hiện nay.

Trong Kinh thánh

Kinh thánh kể rằng:

Thuở khởi thủy, Thượng đế / Thiên Chúa / Jehovah tạo ra mọi thứ trong sáu ngày. Ngày mà Ngài tạo ra thế giới, ngài tạo một tảng đá, rồi một tòa núi quanh tảng đá, từ đó tỏa ra khắp nơi. Toà núi khởi thủy đó gọi là núi Moriah. Ngài tạo Adam và Eva, mười đời sau là ông Noe thoát nạn hồng thủy. Con trai ông cũng đã từng tìm về núi Moriah để lập bàn thờ Thượng đế.

Lại mười đời sau nữa, một ngày kia Thượng đế gọi ông Abram / Abraham / Abrahim bảo ông đi về miền đất mà Ngài hứa sẽ ban cho con cháu của ông, và từ ông sinh ra một dân tộc lớn, một dân tộc sẽ thờ cúng ngài đến muôn đời. Nghe lời, ông rời bỏ quê tổ ở Babylon đi về phía Tây rồi xuôi xuống phía Nam, dù đã hơn 80 tuổi. Năm 86 tuổi, ông có người con đầu với cô nữ tỳ của vợ, nhưng đó không phải là người con đích. Năm ông 101 tuổi, vợ chính của ông lúc đó đã hơn 90 tuổi mới sinh con trai là Isaac, vì thế đuổi người nữ tỳ và đứa con không chính thức vào sa mạc.

Khi đứa con lớn lên, Thượng đế Jehovah bảo ông mang đứa con lên ngọn núi cao để hiến tế nó (cắt cổ lấy máu tế, thiêu xác thành tro). Ông tuân phục và đem đứa con lên núi, nhưng khi sắp cắt cổ Isaac thì thiên sứ hiện ra bảo rằng Thượng đế chỉ thử sự trung thành của ông mà thôi. Ngọn núi mà Abram hiến tế Isaac chính là núi Moriah, và như vậy, đây là nơi thiêng liêng nhất, chính thức nhất để kính thờ Thượng đế. 

Kinh thánh cũng ghi rõ rằng trước khi Abram đến đây, vùng đất này đã có các tiểu vương quốc chia nhau cai trị rồi, nghĩa là Abram là khách, nhưng đang dần chiếm lấy đất đai vây quanh núi Moriah này. Tuy nhiên đời ông và con cháu vẫn chỉ là những người du mục du cư.

Hàng trăm năm trôi qua, lúc này hậu duệ của Abraham vô cùng đông đúc sống ở Ai Cập. Người lãnh đạo họ là Moses đã nghe lời Thượng đế và đưa họ về Đất hứa. Hàng trăm năm di cư, xâm lấn, đánh chiếm nữa trôi qua. Cuối cùng, một nghìn năm sau Abraham, vua David lãnh đạo dân Israel đã có được mảnh đất của mình. David đã trả tiền mua lại ngọn núi Moriah từ dân tộc khác. Và đến đời con ông, vua Solomon đã chính thức dựng lên Đền Thờ đầu tiên thờ Thượng đế Jehovah trên đỉnh núi Moriah. 

Vua David đã tận dụng thành phố của người bản địa ở trước đó, xây ngôi thành bằng đá. Các thế hệ sau mở rộng, thay đổi vòng thành, nhưng luôn lấy Đền Thờ làm nơi quan trọng nhất. Đó chính là thành Jerusalem thiêng liêng, và Núi Đền chính là ngọn Moriah huyền thoại, nằm trong lòng thành phố.
Last edited by Chitto; 23-04-2011 at 13:19.

Đất thánh

Ngôi đền thứ nhất được dựng dưới thời vua Solomon con trai của David, huy hoàng tráng lệ trong hơn 400 năm thì bị đoàn quân xâm lược phá hủy. Người Do Thái phải lưu vong sang đất Babylon, để thành Jerusalem cho người ngoài tàn phá. 70 năm sau, họ trở lại và xây Ngôi đền thứ hai to đẹp hơn. Họ cũng tin rằng vào một ngày nào đó, Đấng Messiah - đấng Cứu chuộc - sẽ xuất hiện, đi vào Đền thờ từ Cổng Vàng, và dẫn dắt dân Do Thái đến với Thượng đế.

Bộ kinh Do Thái - cũng chính là kinh Cựu Ước - đã kết thúc như thế, kết thúc vào thời điểm 500 năm Trước Công nguyên.

Đầu công nguyên, kinh Tân Ước ra đời, kể về cuộc đời của Jesus - mà với tín đồ Kitô giáo thì chính là hiện thân của Thiên Chúa, tức là Chúa Con. Chúa Jesus hoàn toàn vô tội đã chấp nhận chịu chết trên thập giá để lấy chính mình cứu chuộc cho loài người. Chúa Jesus được sinh ra gần Jerusalem, khi còn bé đã đến Đền thờ lễ và học, cuối cùng cũng bị xử tội tại đây, bị đóng đinh trên đồi sọ bên ngoài thành Jerusalem.

Ba ngày - tính từ ngày chết - Chúa Jesus sống lại từ trong mồ. Đó là ngày Phục Sinh, sự kiện thiêng liêng nhất với người Kitô giáo. Ba ngày cuối cùng đó của Chúa Jesus gắn liền với thành Jerusalem, do đó Jerusalem thêm một lần nữa nên thánh, cực thánh với tôn giáo lớn nhất trên thế giới.

Hơn 600 năm sau, Kinh Qu'ran của Hồi giáo lại tái khẳng định sự thiêng liêng nơi đây, và xác định tảng đá Khởi thủy mà Thượng đế Allah tạo ra nằm dưới núi Moriah. Đấng Tiên tri cuối cùng Mohammad cũng đã đi đến đây trong những ngày cuối đời, và bay lên trời từ đỉnh núi Moriah. 

Một lần nữa Jerusalem trở thành nơi cực thiêng liêng đối với tôn giáo lớn thứ nhì thế giới.

Jerusalem

Lịch sử thực sự của Jerusalem còn phức tạp và nhiều đau khổ hơn rất nhiều lần Kinh thánh nói tới.

Thực tế nơi đây là một cụm bốn ngọn đồi đá, bao quanh là một thung lũng vòng, bên ngoài có các dải núi cao hơn. Bốn ngọn đồi ở giữa thì hai trong số đó rất thiêng liêng. Thiêng liêng nhất là Núi Moriah, nơi có các Ngôi đền, và thứ hai là núi Zion, với nghĩa là đường lên Thiên đường. Từ Zion cũng trở thành Zionism là tên của Do Thái giáo.


Từ khoảng 3000 năm trước Công nguyên, những người dân bản địa (người Canaan) đã định cư tại đây. Khoảng 2000 năm TCN, đế quốc Ai Cập vươn đến tận đây, và tài liệu Ai Cập cổ đã ghi về nơi này với tên là Rusalimum, nghĩa là Hòa bình trong tiếng Canaan cổ. 

Từ khoảng 1500 TCN, người Canaan bản địa đã xây dựng những bức tường lớn chắc chắn để giữ các nguồn nước, mà về sau trở thành các bức tường thành. Khi đó xứ Canaan dần độc lập khỏi Ai Cập, và thành phố mang tên Jebus, cũng có nghĩa là Hòa bình, và đây là nguồn gốc tên gọi Jerusalem.

Khoảng năm 1000 TCN, vị vua huyền thoại David của người Do Thái du mục đã tiến đánh vị vua bản địa, và chiếm được vùng đất phía dưới thung lũng. Theo ghi chép vua David đã bỏ tiền mua quả núi Moriah để dựng đền thờ Thượng đế. Giai thoại đó có lẽ để giảm bớt tính đẫm máu khi chiếm lấy ngọn đồi đá có vị trí chiến lược này. Rồi tiếp theo, cả vùng đồi quanh đó đều trở thành nơi định cư Do Thái, mở đầu kỉ nguyên phát triển của nước Israel.

Thời kì David và con là Solomon, thành Jerusalem rất nhỏ, hình chiếc giày, với phần trên nằm lên núi Moriah, nơi dựng ngôi đền đầu tiên thờ Thượng đế, phần phía dưới là cung điện của vua và khu nhà cho tướng lĩnh, quân đội. Dân cư vẫn sống ở ngoài vòng thành.

Dù trong kinh thánh ghi chi tiết, hình ảnh của Ngôi đền Thứ nhất mà vua Solomon cho dựng để thờ Thượng đế vẫn rất mơ hồ. Trong cả trăm năm tiếp theo, bên dưới khu đồi đá được đào thành các đường hầm rất sâu để dẫn và chứa nước. Những hệ thống ngầm đó đến giờ vẫn còn nhiều dấu tích, đi ngầm dưới lòng đất và đổ về thung lũng phía Nam. 

Hình ảnh minh họa thành phố khoảng những năm 900 TCN, mà nơi cao nhất là Đền thờ.



Ngay từ khi mới lập quốc, người Israel đã chia rẽ và hình thành hai vương quốc. Để thống nhất tôn giáo và hi vọng thống nhất dân tộc, bộ Kinh Do Thái đã được viết (khoảng 700 TCN), và hoàn thiện trong khoảng 200 năm sau đó. Đây chính là bộ kinh đang được người Do Thái tôn thờ và đọc hàng ngày, cũng là bộ Cựu Ước của Kitô giáo.

Những năm 700 TCN, thành phố được mở rộng rất nhiều, nhưng khoảng 500 TCN, đế quốc Assiria rồi Babylon tiêu diệt thành phố. Khi những người Do Thái quay lại, họ dựng lại thành phố từ đống tro tàn, với Ngôi đền Thứ hai, và thành phố cũng thu hẹp lại.
Last edited by Chitto; 08-05-2011 at 01:02.

Vương quốc Israel của David và Solomon gây dựng chỉ còn lại phần phía nam là vương quốc Judea. Các vùng đất xung quanh trở thành các xứ lúc thì nằm dưới quyền vua này, lúc thuộc vương quốc khác, tranh chấp thay đổi liên miên.

Lại mấy trăm năm, khi đế quốc La Mã bành trướng, đã thâu tóm tất cả dưới quyền mình. Vương quốc Judea trở thành một vùng tự trị, đứng đầu là một dòng họ quý tộc Do Thái. 

Gần đầu Công Nguyên, vị vua tự trị của Do Thái là Herod rất tài giỏi đã nắm được quyền lực mạnh. Herod cho xây dựng lại toàn thành phố Jerusalem, xây lại cả Ngôi đền Thứ hai, đào ba hồ chứa nước lớn, hàng loạt cung điện, pháo đài được xây dựng. Những bức tường lớn và vững chắc nhất được dựng trong thời kì này, vẫn còn đến ngày nay. 

Thành Jerusalem dưới thời Herod, với công trình to lớn tráng lệ nhất là Ngôi đền Thứ Hai, bên cạnh là pháo đài, và hoàng cung nằm sát ngôi đền. Khu dân cư mở rộng ra khắp xung quanh. Ngày nay, các bức tường quanh Ngôi đền Thứ hai vẫn còn nguyên vẹn. 

Mô hình thành phố khi đó, với Đền thờ chiếm diện tích lớn nhất. Cổng của đền là Cổng Vàng, vẫn còn đến nay nhưng đã bị bịt lại.


Jesus cũng sinh ra vào thời Herod, và chính Jesus cũng đã đến ngôi đền này để cầu nguyện, học tập.

Ngoài Jerusalem, Herod còn cho xây dựng khu cung điện - pháo đài Massada trên núi, mà sau đó là cứ điểm cuối cùng của những người Do Thái tự do, trở thành biểu tượng tự do và anh hùng sâu sắc nhất trong lòng người Do Thái (tôi sẽ viết về nơi này sau).

Người Do Thái chống lại sự cai trị của La Mã, khiến La Mã tức giận. Và năm 70, các đoàn quân La Mã tiến đánh thành phố.

Bức tranh vẽ vào thế kỉ 19 mô tả cảnh quân La Mã tiến đánh thành phố.


Sau khi chiếm được thành phố, quân La Mã phá hủy Đền Thờ, đem tất cả báu vật về Roma. Và để tiêu diệt tinh thần dân tộc của người Do Thái, La Mã dỡ ngôi đền thành 2000 tảng đá đem lên tàu về Rome, sau này làm móng của Đại đấu trường Colosseum. Rồi các tảng đá đó lại được đào về xây nhà thờ St.Peter.

Như vậy, nhà nước Do Thái độc lập thành lập khoảng năm 1000 TCN, bị tiêu diệt khoảng 500 TCN, chỉ còn là một tiểu quốc phụ thuộc tự trị, thì sự tự trị đó cũng bị mất nốt vào năm 70. Cho đến tận năm 1948, tức là sau gần 2500 năm, Do Thái mới lại trở thành một đất nước độc lập. Có lẽ không dân tộc nào có được tinh thần quật cường đến thế,

Jerusalem


Kitô giáo chính thức ra đời bởi Jesus, từ cộng đồng người Do Thái tại Jerusalem truyền ra xung quanh, đến tận kinh đô Roma của La Mã. 

Người La Mã sau khi chiếm được thành phố, đã tiêu hủy các công trình của người Do Thái. Hoàng đế La Mã biến nơi đây thành thành phố La Mã, mở rộng thành phố, xây tường thành, lập ngôi đền lớn thờ thần Jupiter trên Núi Đền, đền thờ Venus trên một ngọn đồi khác. Đây là thời kì Jerusalem có quy mô rộng lớn nhất. 

Thời kì đau buồn nhất của người Do Thái bắt đầu, khi họ bị đuổi hoàn toàn khỏi thành phố, mỗi năm chỉ được vào thăm phế tích của tổ tiên một lần. Khoảng nửa triệu người Do Thái đã bị giết trong cuộc chiến với La Mã. Trong thành phố là các sắc dân khác sinh sống. Cùng với sự đàn áp người Do Thái là sự đàn áp người Kitô giáo. Những ai tôn thờ Jesus đều bị hành hình tàn khốc, thường là đóng đinh lên các cây gỗ.

Khoảng năm 300, Hoàng đế Constantinope của La Mã công nhận Kitô giáo, thì lập tức có một cuộc di cư lớn của những người Kitô giáo tràn về thành phố. Và thành phố chính thức được mang tên Jerusalem năm 325. Người Do Thái theo Do Thái giáo vẫn chỉ được vào thành phố 1 ngày trong 1 năm để than khóc tại bức tường cũ của Đền Thờ. Những ai theo Kitô giáo thì được vào thành phố sinh sống.

St. Helena

Năm 325, bà Thái hậu Helena, mẹ của Constantinope, một tín đồ mới của Kitô giáo đã từ Roma hành hương về Jerusalem. 

Tại đây, bà đã đi tìm các dấu tích của Chúa Jesus từ 300 năm trước. Theo niềm tin Kitô giáo, tại ngọn đồi nơi đặt đền thờ thần Venus, bà đã tìm được những mảnh gỗ còn sót lại của cây Thập giá đã đóng đinh Jesus xưa kia, cùng những chiếc đinh và vòng gai đội trên đầu Jesus. Ngay lập tức, bà tuyên bố nơi đó chính là đồi Sọ nơi Jesus bị đóng đinh, và phá bỏ ngôi đền thờ Venus. Toàn bộ khu vực được xây thành một nhà thờ rất lớn thờ Chúa, là nhà thờ Mộ Chúa thiêng liêng.

Trên đỉnh Núi Đền, theo một số tài liệu, bà cũng thay thế đền thờ Jupiter bởi một nhà thờ Kitô giáo.

Cùng với việc xác định nơi Jesus bị đóng đinh, bà còn xác định một loạt địa điểm khác trong Kinh thánh, như Máng cỏ Bethlehem, nền nhà Jesus thời bé, núi Sinai... và xây dựng hàng loạt nhà thờ, tu viện. Bà được tôn là vị thánh của các thánh tích.

Những nhà sử học, khảo cổ học đã cho thấy bằng chứng rằng nhiều khả năng bà Helena đã sai lầm khi xác định vị trí đồi Sọ. Tuy nhiên truyền thống lâu dài đã trở thành niềm tin vững chắc, và cho đến giờ, người ta vẫn cho rằng nơi đó đúng là nơi Chúa Jesus chết và Phục sinh.

Tượng bà Helena mang cây Thập giá thật được thờ ở Đại thánh đường St.Peter, Roma (sưu tầm).

Last edited by Chitto; 12-05-2011 at 19:46.

Sau khi Kitô giáo được công nhận và tiếp đó thành quốc giáo của La Mã, người hành hương về Jerusalem ngày càng đông. Người Do Thái cũng được quay lại thành phố, họ muốn dựng lại Đền thờ nhưng chưa làm được. Rồi La Mã chia đôi, Jerusalem thuộc Đông La Mã, hay đế quốc Byzance. Trong hàng trăm năm tiếp theo, dù ở dưới sự cai trị của Byzance nhưng thành phố cũng không hoàn toàn yên ổn bởi các cuộc chiến với Ba Tư, sự nổi dậy của người Do Thái.

Khoảng những năm 600, Mohammad tuyên thuyết về đạo Islam (Hồi giáo) tại bán đảo Ả Rập. Theo niềm tin Hồi giáo, ông là Ngôn sứ nói lại những lời của Thượng đế Allah, trong một đêm ông đã được thiên thần đưa đến Jerusalem và cầu nguyện tại Núi Đền rồi lên trời gặp Allah. Do đó ông nói rằng Jerusalem là nơi thiêng liêng nhất, và mọi tín đồ Islam khi cầu nguyện phải quay về hướng đó. 

Tuy nhiên sau đó, ông thay đổi và lấy Mecca làm nơi thiêng liêng nhất, giáng Jerusalem xuống vị trí thứ ba sau cả Medina. Tuy là thứ ba, nhưng đây vẫn là mảnh đất rất thiêng liêng, bởi theo niềm tin Hồi giáo, vào đêm cuối cùng Mohammad cũng đã bay đến Jerusalem và từ đó lên trời. Ngoài đời Mohammad chưa một lần đến Jerusalem, nhưng trong Hồi giáo thì ông hai lần đến đó trong đêm, và là hai đêm rất thiêng liêng.

Chỉ hai mươi năm sau, Hồi giáo chiếm được Jerusalem, và khoảng năm 690, Giáo chủ - vua Hồi giáo cho xây dựng ngôi đền thờ bát giác trên đỉnh Núi Đền, trên tảng đá mà Hồi giáo cho rằng là Tảng đá khởi thủy xưa. Đó là đền thờ Hồi giáo quy mô lớn đầu tiên, và vẫn còn sừng sững cho đến nay.

(Cảm ơn bác Netwalker đã chụp bức ảnh này)



@trekasia: Nó không nằm trong các link bạn ạ, nó nằm trong cả những quyển sách tôi đọc về văn minh thế giới, về Hồi giáo. Tuy nhiên tôi không định đi xa đến thế và làm chệch hướng topic, ok?
Last edited by Chitto; 12-05-2011 at 11:38.

Sau Đền thờ, Hồi giáo dựng một giáo đường lớn ở phía Nam, để hướng về Mecca, là giáo đường Al-Aqsa. Giáo đường bị đổ nhiều lần và xây dựng lại, nhưng Đền thờ lớn bát giác vẫn còn nguyên.

Hồi giáo cho phép người Kitô giáo sinh sống trong thành phố, thỏa thuận với Byzance, và các cộng đồng Kitô giáo với Thượng phụ Jerusalem vẫn ở nguyên tại đó. Nhà thờ Mộ Chúa vẫn tấp nập các tín đồ Kitô giáo, và nhà thờ này được tu sửa thường xuyên.

Chỉ có cộng đồng Do Thái giáo là bị đối xử tệ nhất.

Trong hàng trăm năm tiếp theo, dù thường xuyên biến động nhưng quyền cai trị chính vẫn thuộc về đế quốc Hồi giáo Ả Rập, người theo tôn giáo nào thì cầu nguyện ở vị trí của người đó, không xâm phạm thô bạo với nhau. Jerusalem âm thầm cho những cuộc chiến đẫm máu sắp tới.

 Thập tự chinh

Trong 400 năm tiếp theo, quyền cai trị thuộc về người Hồi giáo, nhưng người Kitô giáo Đông phương vẫn sinh sống ở Jerusalem, và hành hương về đây hàng năm.

Giáo hoàng La Mã phát động cuộc Thập tự chinh để lấy lại Thánh địa từ người Hồi giáo. Đoàn quân Thập tự chinh đầu tiên chiếm được Jerusalem vào khoảng năm 1100, họ tiến hành một cuộc thảm sát, giết tất cả người Do Thái, Hồi giáo, và thậm chí cả Kitô giáo đồng đạo đang ở Jerusalem khi đó. Các đoàn quân Thập tự chinh thiết lập các tiểu quốc Latin lấy vương quốc Jerusalem làm trung tâm.

Trong các hiệp sĩ Thập tự, Hiệp sĩ dòng Đền có vai trò lớn nhất. Họ đóng bản doanh tại Núi Đền, trong giáo đường Hồi giáo Al-Aqsa, chuyển ngôi đền Hồi giáo thành nhà thờ (chứ không phá hủy nó). Tương truyền rằng tại đây họ đã học được những khoa học bí mật từng bị chôn vùi hàng nghìn năm của vua Solomon, tìm được những bí mật về Chúa, về Chén thánh. Họ bảo hộ cho những người hành hương, đồng thời thiết lập hệ thống ngân hàng để bảo quản và luân chuyển vàng bạc giữa các khu vực họ có cơ sở.

Năm 1150, họ xây lại nhà thờ Mộ Chúa to đẹp hơn, ngôi nhà thờ đó còn lại đến ngày nay. Chính những đoàn quân Thập tự chinh tại Jerusalem đã học những kĩ thuật, nghệ thuật của Đông La Mã và Hồi giáo và đem về Tây Âu, mà tiêu biểu là kiến trúc Gothic.


Muslim


Sự cai trị của người Kitô giáo châu Âu không tồn tại lâu. Năm 1187, Sultan là Saladin đã đánh bại người Kitô giáo và chiếm lại Jerusalem về cho Hồi giáo. Núi Đền lại thành giáo đường Hồi giáo. Tuy nhiên Saladin đã không tàn sát như Thập tự quân đã làm, mà cho phép người Do Thái, Armenia, Kitô giáo được rút đi hoặc ở lại, chỉ phải đóng thuế cao hơn người Hồi giáo mà thôi. Hầu hết Công giáo La Mã (Tây La Mã) rút đi, nhưng Chính thống giáo (Đông La Mã) ở lại. 

Nhà thờ Mộ Chúa vẫn là nơi hành hương của Kitô giáo, nhưng Saladin cho dựng một giáo đường Hồi giáo ở sát bên cạnh, với tháp cầu nguyện cao vượt hẳn lên, và mỗi ngày năm lượt tiếng cầu nguyện vọng sang nhà thờ Kitô giáo.

Trong hơn trăm năm tiếp theo, rất nhiều các vua chúa châu Âu tiến hành các cuộc Thập tự chinh mong chiếm lại Thánh địa nhưng đều thất bại, họ chỉ đạt được thỏa ước là để người Kitô giáo đến hành hương mà thôi. Từ đó cho đến tận thế kỉ 20, quyền quản lý thành phố chính thức thuộc người Hồi giáo.
Last edited by Chitto; 12-07-2011 at 12:29.

Thế kỉ 16, những năm 1500, người Thổ Nhĩ Kì trở nên lớn mạnh. Vua Thổ tự nhận là Giáo chủ Hồi giáo (Caliph), cai trị Jerusalem. Vương quốc Ottoman đã tiêu diệt Byzance, rồi trở thành đế quốc hùng mạnh nhất Đông Địa Trung Hải trong hơn 400 năm.

Người Thổ theo Hồi giáo đã quy hoạch lại thành phố, xây lại các bức tường thành, các tháp canh, phân chia các đường phố và khu vực bên trong thành. Vì người Do Thái vẫn chờ đợi đấng Cứu chuộc (Messiah) sẽ vào Đền thờ qua cổng Vàng, người Thổ xây bịt kín lại cổng này. Trong thành phố có rất nhiều sắc dân theo các tôn giáo khác nhau sinh sống và tôn thờ Thượng đế của mình. Trong 400 năm sau đó, các dân tộc dần ổn định.

Khi đế quốc Ottoman suy yếu, sau Thế chiến thứ nhất, người Anh quản lý Jerusalem.

Sau Thế chiến thứ hai, năm 1948, người Do Thái thành lập nhà nước Israel, sau 2500 năm không có tổ quốc. Lúc này Jerusalem do vương quốc Jordan quản lý, Jordan không cho người Do Thái vào gần Núi Đền để cầu nguyện, và phá hủy hai Hội đường lớn nhất của người Do Thái.

Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, người Do Thái quản lý toàn bộ. Đã có những người quá khích muốn phá hủy đền thờ và giáo đường Hồi giáo trên Núi đền để xây lại Ngôi đền Thứ Ba. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Các bên thỏa thuận giữ hòa bình, và người Hồi giáo được quyền quản lý Núi Đền.

Ngày nay trong thành phố gồm 5 khu vực rõ rệt: Núi Đền nằm riêng, và bốn khu của người Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái, và Armenia (theo Kitô giáo).
Last edited by Chitto; 22-02-2012 at 10:51.

Trung Đông - Israel - Jerusalem

Sau thời đế quốc Ottoman quy hoạch lại, thành phố Jerusalem có 8 cổng vây quanh: theo chiều kim đồng hồ: (1) cổng Jaffa (2) cổng Mới (3) cổng Damascus (4) cổng Herod (5) cổng Sư tử (6) cổng Vàng (7) cổng Phân (8) cổng Zion.

Cổng Jaffa (Jaffa Gate) là lối vào chính hướng về phía thành phố mới, trục đường từ đây chạy chia đôi khu Kitô giáo và Armenia, là nơi chúng tôi nghỉ lại.
Cổng Mới (New Gate) trong khu Kitô giáo, nhỏ và vắng vẻ
Cổng Damascus nằm giữa khu Kitô giáo và Hồi giáo, cả trong lẫn ngoài là khu chợ, xe chỉ đi bộ qua được
Cổng Herod (Herod's Gate) thuộc khu Hồi giáo, vắng vẻ như cổng Mới
Cổng Sư tử (Lion Gate) thuộc khu Hồi giáo, là con đường đi sang núi Olives có xe qua lại
Cổng Vàng (Golden Gate) đã bị xây bịt kín từ 500 năm
Cổng Phân (Dung Gate) vào khu Do Thái, được mở rộng và tấp nập vì là lối vào Bức tường Than khóc và Núi Đền
Cổng Zion (Zion Gate) nằm giữa khu Do Thái và Armenia, trông thẳng ra núi Zion.

Chúng tôi vào Thành cổ qua ngả cổng Jaffa


Jaffa Gate

Vậy là với chút thông tin về thành phố thiêng liêng này, chúng tôi tiến vào theo cổng Jaffa nằm ở phía Tây thành cổ. Con đường từ bến xe buýt đến đây cũng gọi là đường Jaffa. Xưa kia những đoàn người hành hương từ bến cảng Jaffa bên Địa Trung Hải, cũng từng đi trên con đường này để tiến vào thánh địa.

Cổng Jaffa được xây dựng thời đế quốc Ottoman, là một khối vuông đưa ra ngoài tường thành. Cổng mở ra hai bên khối vuông, chứ không có cổng trực diện, để tránh việc bị tấn công phá cửa. Năm 1898, vua Đức đến thăm Jerusalem, vì cửa nhỏ và cua gấp không thể cho xe lớn đi vào, vua Thổ đã cho dỡ một phần tường thành. Ngày nay chỗ trống đó là lối vào lớn nhất, dành cho các xe lớn chạy men theo bờ tường thành.


Cổng thành cũ khá nhỏ

Last edited by Chitto; 12-07-2011 at 12:28.

walls

Từ bên ngoài cổng Jaffa nhìn về phía Nam, tháp David nổi bật trên nền trời. Khu vực đó xưa kia có một số công trình có từ thời vua David, sau đó đổ nát. Thập tự quân đã xây ở đó một tháp cao để có thể bao quát cả vùng, bên dưới có một cung điện cho vua vương quốc Jerusalem. Người Thổ đã phá tòa tháp và cung điện, nhưng sau đó lại dựng lại ngọn tháp mới, và bên dưới thành một pháo đài.

Xa hơn về phía nam, nơi có ngọn tháp nữa nhô lên, là núi Zion, một nơi thiêng liêng được cho là có mộ của vua David.


Trong cuộc chiến 1948, người Israel đã cố chiếm lấy cổng Jaffa này để tiến vào thành cổ, nhưng thất bại trước người Jordan. Phải đến năm 1967 họ mới chiếm được thành cổ. Và nay thì lính UN giữ trật tự và hòa bình mong manh của mảnh đất này.

Bước qua cổng thành, tôi hiểu rằng mỗi tấc đất ở đây đều thấm máu và nước mắt. Mỗi viên gạch ở đây đều mang những giá trị lịch sử. Mỗi tảng đá đều chứng kiến bao thăng trầm vinh nhục. Dẫu có cố công bao nhiêu cũng không thể chụp hết, đến hết các dấu tích lịch sử nơi này. Do đó nhiều lúc máy ảnh trở thành thứ vô nghĩa. Chỉ có nhìn, và cảm nhận là còn mang về được chút gì nơi đây.
Last edited by Chitto; 12-07-2011 at 12:28.

David street

Thẳng cửa Jaffa vào là con phố David (David Street), một con phố thuộc loại đông đúc nhất của thành cổ. Đây là con đường đi đến trung tâm thành cổ, nối tất cả các điểm thiêng liêng nhất, do đó không ai đến đây lại không qua phố này. Ngay đầu phố là quầy thông tin về Jerusalem, là một căn phòng rộng, nơi cung cấp bản đồ, thông tin miễn phí và hết sức chuyên nghiệp. Tại đây bạn có thể hỏi bất kì thông tin gì mà mình muốn, cách thức đi lại, các loại tàu xe,... 

Do đặt trước Hostel New Sweeden, khi vào thành cổ hỏi thì mọi người đều nói được tiếng Anh, và có vẻ ai cũng biết hết các hostel ở đây, nên chỉ ngay ra đường đến đó. Sau tôi biết trong thành cổ cũng chỉ có khoảng chục hostel và vài hotel thôi.

Hầu hết tất cả các con phố trong thành cổ đều rất nhỏ, dành cho người đi bộ. Do địa hình trên đồi nên các phố lên xuống liên tục, liên tục gặp bậc thang. Chỉ có một số loại xe chuyên dụng để vận chuyển chở rác, và an ninh là được đi vào các con "phố" này. 

Hai bên phố kín mít các cửa hàng bán đồ lưu niệm và đủ thứ khác. Và nhớ rằng luôn phải mặc cả, giảm xuống khoảng 1/2 là mua được.

Ngay lúc vào thành cổ, bác N.W gặp một ông già, ông ấy nói: "Đây là thánh địa, nhưng không phải ai cũng là người tốt, không phải ai cũng nói thật, tất nhiên tao là người nói thật" !


Mua bán trong phố cổ

Từ chỗ nghỉ ra đến nhà thờ Mộ Chúa rất gần, chỉ khoảng hơn trăm mét.

Từ phố David, rẽ qua một cổng vòm sang phố khác, thì trời bắt đầu mưa xuống. Lúc đó ngay cạnh cổng vòm có một anh chàng bán ô, bày rất nhiều loại ô. Thấy tôi đang loay hoay tìm cách che mưa, anh ta vội tiến tới, chìa chiếc ô ra.

- Bao nhiêu tiền ?
- 50 shekken !!
- Cái gì !??

Tỉ giá ở Israel là 1 đô ăn 3.6 shekken, và điều đặc biệt hay là dù đổi ở bất kì đâu cũng vậy. Từ trong chợ, ra quầy ngân hàng thì cũng thế. Sau này chỉ duy nhất một chỗ tôi thấy có tỉ giá cao hơn là 3.7 shekken nằm ở khu Hồi giáo. Giá cả sinh hoạt ở Israel rất đắt đỏ, ăn bữa tối với một cái bánh dẹp kẹp nhân, một chai nước ngọt cũng là 20 shekken rồi. Giường tầng trong dorm ở Jerusalem rẻ nhất là 56 shekken không có ăn sáng. Chuyển sang hostel tốt hơn có ăn sáng, wifi thì 70 shekken.

Với giá cả ấy thì rõ ràng gã kia quát láo. Tôi không buồn trả giá, quyết định lôi cái áo mưa mỏng đã chuẩn bị ra. Gã kia hạ giọng: 40, ok ? No - 30 vậy !???

Cuối cùng gã chốt là 10 shekken, nhưng lúc đó thấy mặc áo mưa còn tiện hơn, hai tay tự do để chụp ảnh, không vướng víu nên tôi quyết không mua.

Sau này ở các quán khác, mặc cả chỉ có thể giảm được 1/2, chứ không bao giờ thấy giá tụt xuống 1/5 như vậy cả (chưa trả lời nào đấy nhá).

Muristan

Gần đến nhà thờ Mộ Chúa, thì gặp một cổng đá rất đẹp.

Chỗ này thì hình như ai đến Jerusalem cũng chụp cả. Đây là đầu một con phố chạy đến một đài phun nước thời trung cổ, hai bên hàng quán chi chít.

Khu này gọi là Muristan, có nghĩa là bệnh viện. Thời Thập tự chinh, các thập tự quân đã xây dựng ở đây khu bệnh viện, đầu tiên là chữa bệnh cho chính đội quân của mình bị thương. Sau đó là bệnh viện chữa trị cho những người hành hương bị bệnh.

Những người ở châu Âu có bệnh hành hương về đây và cũng chữa bệnh luôn, chữa cả bệnh thể xác và bệnh linh hồn. Có lẽ thời đó ở châu Âu y học rất trì trệ còn ở phương Đông, y học tiếp thu cả của người Ba Tư, Ả Rập, Byzance nên phát triển hơn. Hơn nữa lại được tâm linh dẫn dắt, trong Kinh thánh nói nhiều về việc Chúa Jesus chữa bệnh cho người tin. Do vậy chữa bệnh ở đây rất hiệu nghiệm và ngày càng đông...

Thời gian biến đổi, giờ chỉ còn là những khu nhà bằng đá bán hàng, và một khu vườn nhỏ có tảng đá đánh dấu nơi các Thập tự quân đã từng xây dựng. Tất cả các tảng đá ở đây đều hàng trăm năm tuổi.


Holy Sepulchre

Hỏi người ở đó về Nhà thờ Mộ Chúa, họ chỉ về cuối con phố.

Một chút ngạc nhiên, khi cuối phố, khuất sau đống hàng hóa lưu niệm treo dày đặc, là một ô cửa nhỏ chỉ cao hơn đầu người một chút, mà phía trên là một tấm biển đen sì xấu xí với dòng chữ Holy Sepulchre.

Cánh cổng vào Nhà thờ thiêng liêng nhất đối với hai tỉ người Kitô giáo đây sao ? Lối vào nơi mà Chúa của hai tỉ người ngự trị, đã chết và phục sinh để cứu vớt loài người thật nhỏ bé. Chỉ cần một đoàn người đông một chút là có thể tắc nghẽn ở khung cửa này.

Thật khác xa so với những quảng trường rộng lớn, những cổng cẩm thạch vĩ đại của các nhà thờ Công giáo ở châu Âu, nơi xa hoa tráng lệ và hoành tráng với cẩm thạch, vàng bạc cẩn nạm. Nơi này khiêm nhường và bé nhỏ quá.

Lối vào nhà thờ Mộ Chúa:


Nhà thờ Mộ Chúa

Bước qua cổng nhỏ là một sân nhỏ, bốn phía là các bức tường đá thô ráp. Và ngay trước mặt là nhà thờ Mộ Chúa.

1700 năm trước, bà thái hậu La Mã Helena đã đến đây, khi đó là một ngôi đền thờ Venus dựng trên một quả đồi đá nhỏ. Bà đã xác định đây là đồi Sọ, nơi Chúa Jesus bị đóng đinh, và quả đồi to hơn bên cạnh với một hốc đá được xác định là hang đá đã chôn Chúa Jesus, rồi từ đó Chúa phục sinh. Tại một hang khác bà tìm thấy một số mảnh gỗ và vài mẩu sắt mà bà khẳng định đó là những gì còn lại của cây Thánh giá thật, và những chiếc đinh đóng vào thân thể Chúa.

Thế là ngôi đền Venus bị phá hủy. Bà cũng cho phá luôn quả đồi lớn có cái hang, và xây tại đúng vị trí cái hang một khám thờ, xây bao trùm toàn bộ khu vực bởi một nhà thờ lớn. Hai trăm năm sau, nhà thờ bị người Ba tư phá, rồi được xây lại với quy mô nhỏ. 

Lúc đầu người Hồi giáo cho phép Kitô giáo hành hương về đây, và không xâm phạm. Tuy nhiên năm 1009, người Hồi đã phá hủy nhà thờ, gây chấn động toàn thế giới Kitô giáo. Đế quốc Byzance đổ rất nhiều tiền mặc cả với Hồi giáo để được xây lại nhà thờ, nhưng cũng chỉ được một phần ở nơi Mộ Chúa, các chỗ khác vẫn hoang tàn.

Đoàn Thập tự chinh đầu tiên chiếm được Jerusalem năm 1099, nhưng họ còn chờ đến 50 năm sau mới xây lại Nhà thờ Mộ Chúa.

Và vào năm 1149, Nhà thờ Mộ Chúa mới được xây lại, với kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Nhà thờ Mộ Chúa

Sau khi Hồi giáo chiếm lại được Jerusalem, Vua-giáo chủ Hồi giáo Saladin không xâm phạm nhà thờ, nhưng giao chìa khóa nhà thờ cho hai gia tộc Hồi giáo. Và truyền thống đó vẫn tiếp tục cho đến nay.

Nhà thờ trở thành nơi Cực thánh với tất cả các giáo hội Kitô giáo. Đầu tiên ba cộng đồng Công giáo, Chính thống giáo, Armenia đều đòi quyền với nhà thờ này, sau đó các giáo hội khác cũng tham gia. Thế là năm 1853, dưới sự chủ trì của người Thổ, một thỏa thuận được đưa ra, là tất cả các công đồng này đều có quyền với Nhà thờ, và nếu không được sự đồng thuận của tất cả các giáo hội, thì khong một thay đổi sửa chữa nào được thực hiện bên trong nhà thờ. Từ đó đến nay điều luật đó vẫn được giữ, và trong nhà thờ không có thay đổi gì, vì chưa bao giờ các cộng đồng này đồng thuận.

Cũng khoảng thời gian đó, không rõ từ đâu và do ai, một cái thang được mang lên áp vào cửa số tầng hai bên ngoài của nhà thờ. Do không thể đồng thuận, không giáo hội nào có quyền mở cửa sổ và bỏ cái thang. Thế là nó vẫn tồn tại ở đó 150 năm nay.


Mặt tiền nhà thờ do Thập tự quân xây, tầng hai vẫn có cái thang vô duyên nhưng không thể bỏ được.


Anointing stone - Phiến đá khâm liệm

Lúc chúng tôi đến cũng đã là chiều, nhưng nhà thờ vẫn đông đúc. Có những tín đồ và có cả những du khách. Không khó để nhận ra sự khác biệt giữa họ, khi mà các tín đồ bước vào với vẻ thành kính và làm dấu thập, thì những du khách đơn thuần thì chỉ lảng vảng ngó nghiêng chụp ảnh.

Vừa bước qua cửa, trong không gian mờ tối, có một phiến đá nằm gần mặt đất, trước một bức tường khảm Mosaic rực rỡ.

Đó là tảng đá khâm liệm thiêng liêng. Tảng đá đánh dấu nơi mà sau khi hạ Jesus xuống từ thập giá, bà Maria và những người phụ nữ đã lau chùi thi thể Chúa, xức dầu, bó vải liệm để chuyển vào hầm mộ.

Những tín đồ Kitô giáo liền quỳ xuống, áp mặt hôn lên phiến đá đó, lầm rầm cầu nguyện. Có những người khóc nức nở. Trước khi rời đi, họ lấy những đồ trang sức xoa lên phiến đá để cầu phúc, và cố gắng xoa thật nhiều, thật nhiều lên phiến đá thiêng.

Trong khi đó, những du khách đơn thuần thì đi vòng quanh, chỉ trỏ bức khảm mô tả cảnh khâm liệm Jesus.


Đó có phải thực sự là tảng đá mà thân thể Chúa đã nằm lên không? Đó có phải thực sự là nơi chứng kiến cái chết của đấng Cứu thế đã hi sinh mạng sống của mình cho niềm tin vào sự sống lại hay không?

Điều đó với tôi cũng không quan trọng nữa. Tôi chỉ biết rằng, đã hàng nghìn năm qua, biết bao nhiêu triệu lượt người đã dừng lại ở đây, đã quỳ xuống và hôn lên tảng đá này, đã rơi nước mắt, đã đem hết tâm tư, đức tin, cả khổ đau và hạnh phúc, cả hèn mọn và vinh quang đến úp mặt vào đây. Điều đó chẳng đã đủ thiêng liêng và sâu xa ư? Cứ mỗi một lời nguyện cầu là một nghiệp, thì tảng đá này đã chứa đựng biết bao tâm sự của biết bao kiếp người rồi.

Và thế là dù không phải tín đồ Kitô giáo, tôi cũng làm những điều mà những người kia đang làm: quỳ xuống, áp mặt và hôn lên bề mặt nhẵn mát rượi của tảng đá, để nghe thấm qua đó hàng triệu kiếp nghiệp đã, đang, và sẽ quỳ như tôi...


Hai bạn đồng hành lúc đầu không định, nhưng sau cũng làm theo. Tôi không phải tín đồ Kitô giáo, nhưng tôi tin vào tình thương yêu và tâm linh của những con người...

Cruxifixion - Bàn thờ Thập giá

Từ bên cạnh tảng đá khâm liệm, có một cầu thang đá dẫn lên tầng hai của nhà thờ, là nơi đặt bàn thờ tại nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập giá.

Tại sao lại tầng hai? Nguyên vì xưa kia đây là một đồi đá (đồi Sọ - Golgotha - Calvary), và thập giá dựng trên đỉnh đồi này. Sau này người ta đã đào tất cả các phía của đồi đá, chỉ để lại một khối đá ở chính giữa, rồi xây thành nhà thờ và bàn thờ bao phủ lên trên.

Xung quanh khu vực bàn thờ này trang trí dày đặc các bức tranh khảm về sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh và Chết trên thập giá.


Có thể thấy khối đá gốc của đồi đá xưa kia bên dưới bàn thờ, nay được che bởi lớp kính dày. Những tín đồ sẽ đến quỳ vào dưới bàn thờ. Tại đó có một phiến đá cẩm thạch che lên, nhưng ở giữa có một lỗ tròn thông thẳng xuống đỉnh khối đá gốc bên dưới. Cái lỗ tròn đó đánh dấu nơi cây Thập giá cắm vào.

Và thế là những người đến quỳ dưới bàn thờ có thể đưa tay sờ vào tảng đá gốc, nhưng chỉ có thế mà thôi. Bên phải bàn thờ, một hàng dài những người đứng lặng lẽ chờ đợi đến lượt. Từng người, từng người một tiến đến, quỳ dưới bàn thờ, úp mặt vào đó cầu nguyện, sờ vào tảng đá gốc, rồi đi ra bên trái...

Từ bên trên, hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh nhắm mắt nghiêng đầu và đã chết, hai bên là hình ảnh hai người phụ nữ có mặt bên cạnh lúc đó, là bà Mary và Mary Magdalene, bên trên treo rất nhiều những ngọn đèn bằng bạc, vàng. Bên cạnh có một hộp nến, những người cầu nguyện có thể lấy một cây nến thắp lên rồi cắm vào hai giá nến đằng trước.

Tôi cũng làm như những tín đồ Kitô giáo, đã sờ tay vào tảng đá gốc, nơi thấm đẫm bao lời cầu nguyện. Còn một nơi Cực Thánh thứ ba nữa...



Resurrection Aedicule - Hang Phục Sinh - Mộ Chúa

Kinh Thánh kể rằng: Ngày mà Jesus bị đóng đinh là ngày trước ngày Sabbah (tức Thứ Sáu). Sau những giờ đau đớn, Jesus đã chết trên Thập giá. Những người phụ nữ - gồm cả bà Mary và bà Magdalene đã phải vội tẩm liệm di thể, đưa vào một hang đá ngay cạnh đó, vì hôm sau là ngày Sabbah và không ai được làm việc. Sau đó họ lăn một tảng đá lớn che cửa hang lại. Đến ngày thứ ba, tức sau Sabbah (Chủ Nhật), họ tìm đến hang thì thấy cửa hang mở rộng, bên trong không có xác ai cả. Một thiên thần (Gabriel) ngồi trên tảng đá nói rằng : Chúa đã sống lại.

Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Jesus là tín điều quan trọng nhất, cơ bản nhất của người Kitô giáo, và do đó nơi mà Chúa sống lại cũng là nơi thiêng liêng nhất. Khi xưa nơi đây là một hang đá, bà Helena đã cho phá hết xung quanh để xây bàn thờ ngay nơi đó. Về sau Thập tự chinh dựng lại Nhà thờ, đã lại dỡ bỏ bàn thờ, mà xây thành một đền thờ nhỏ bằng cẩm thạch, nằm dưới một mái vòm lớn rất đẹp. 

Tất cả còn nguyên vẹn đến ngày nay, nhưng trải nghìn năm, đền thờ đá cẩm thạch xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên do quy định bên trong Nhà thờ không có gì được thay đổi khi không có sự đồng nhất của 4 giáo hội, do đó đền thờ không tu sửa được, và họ phải lấy sắt đóng đai xung quanh để giữ cho nó khỏi đổ.

Ngày ngày, hàng đoàn người xếp hàng để đến lược được vào. Cảnh sát quốc tế giữ trật tự ở khu vực này.


Mộ Chúa

Mọi người đến đây đều phải xếp hàng. Bên trong đền thờ rất nhỏ, nên mỗi lần chỉ cho 8 người vào thôi. 

Qua khung cửa cao vừa một người, là vào một ngăn hẹp tối om. Chính giữa có một bệ đá vuông, trên đó có một khối đá nằm trong ô kính, mà truyền thuyết nói rằng đó chính là nơi thiên thần Gabriel ngồi trên để báo rằng : "Chúa đã sống lại".

Sau bệ đá đó là một ô cửa bé hơn nữa, phải cúi người chui qua. Bên trong là nơi thiêng liêng nhất: Mộ Chúa.

Đó là một ngăn nhỏ bốn phía lát cẩm thạch. Một nửa là một phiến cẩm thạch nằm tượng trưng cho nơi xác của Chúa đã đặt ở đó. Tất cả đều chỉ là những khối đá của thế kỉ 12 thời Thập tự chinh. Không còn gì của thời xa hơn nữa. Không có phiến đá gốc cổ xưa nào cả. Xung quanh là những bức tranh dát bạc, những ngọn đèn bạc và vàng treo từ trần xuống. Chỗ này chỉ đủ chỗ cho 4 người đứng. Quỳ xuống cũng là một sự khó khăn vì chật quá.....

Phiến đá cẩm thạch nơi được cho rằng đã đặt xác Jesus, và từ đó "Chúa sống lại"


Holy Sepulchre

Mái vòm bên trên đỉnh Mộ Chúa, tạo hình ngôi sao 12 dải hào quang, tượng trưng cho 12 Tông đồ, hay 12 chi tộc Israel.




Tòa nhà thờ rộng lớn này không chỉ có ba điểm thiêng liêng chính. Đó còn là một tổ hợp những nhà nguyện, bàn thờ, sảnh, hầm chứa bí mật, rất nhiều ngóc ngách và cầu thang.

Xưa kia đây là một khối núi đá, nên người ta đã đào vào đá thành các gian phòng. Bên trong khối đá lại có sẵn một số hang tự nhiên, nên lại càng thêm phần bí mật.

Đối diện ngay với mái vòm nơi có Mộ Chúa là một mái vòm lớn nữa, là nơi đặt Ngai tòa của hai tòa Giáo trưởng: Giáo trưởng Jerusalem và Giáo trưởng Armenia. Phía sau là gian cung thánh nơi để các đồ thánh bằng vàng bạc, có gian phòng kín nơi cất các mảnh gỗ còn lại được cho là từ Cây thánh giá thật...


Mái vòm bên trên gian đặt Ngai tòa có hình Chúa Jesus. Do đó từ bên ngoài nhìn vào, thấy nhà thờ này có hai mái vòm tròn.


Quote Originally Posted by bathanh53 Xem bài
- Kito giáo, chúa Jesus như vậy là cũng từ người Do Thái ra cả - Vậy nguyên cớ gì mà dân châu Âu, mà đặc biệt là bọn Quốc Xã nó lại ghét dân Do Thái và bài đạo Do Thái ghê vậy hở bác !!!
Người theo Kitô giáo gán cho người Do Thái tội "giết Chúa Jesus" vì vậy họ không hề thương xót những người đồng chủng với Chúa. 
Người Do Thái đi khắp châu Âu, ở đâu họ cũng làm ăn giỏi, nhiều tiền, trở thành những người cho vay nặng lãi. Đã có thời mà hơn nửa vua chúa châu Âu là con nợ của người Do Thái. Sự ganh ghét, lo sợ kèm với cái cớ "giết Chúa" khiến người châu Âu bạc đãi người Do Thái.
(Về chuyện tiền bạc này, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm, và quả thật, dù chỉ vài ngày, cũng "không yêu nổi" cái cách người làm ăn Do Thái kiếm tiền bạc nghĩa).

Còn Đức Quốc xã thì với thuyết "chủng tộc thượng đẳng", các chủng hèn kém hơn như người da màu sẽ trở thành loại phục dịch chủng Aryan. Cũng theo thuyết này, trong các chủng thì chủng Do Thái có sức sống và trí tuệ rất mạnh, là mối nguy hiểm cho chủng Aryan, có thể sẽ cạnh tranh với chủng Aryan. Cho nên để bảo tồn tính thượng đẳng, chủng Aryan sẽ hạ thủ trước, tiêu diệt đối thủ của mình.

Omar mosque

Đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng địa điểm nhà thờ Mộ Chúa rất có thể là sai. Trước hết là khoảng cách quá gần từ nơi này đến trung tâm thành Jerusalem, trong khi kinh thánh cho biết núi Sọ - nơi đóng đinh Jesus - nằm ở ngoài thành. Sau nữa, sưa kia người Do Thái không cho phép chôn người chết ở phía Tây thành phố, vì gió từ hướng tây thổi vào sẽ đem mùi tử khí theo. Vì thế tất cả các mộ Do Thái đều ở phía Đông. Ngoài ra còn nhiều chi tiết khác. Tuy nhiên niềm tin truyền thống đã làm đủ công việc của nó. Không cần đi đâu xa, không cần tìm gì nữa, đây là Mộ Chúa rồi !!

Khi chúng tôi bước ra ngoài nhà thờ, thì đã chiều muộn rồi. Các khóa lễ của các nhánh Kitô giáo cũng đã vãn.

Từ bên ngoài, ngôi tháp cao sừng sững bên cạnh của giáo đường Hồi giáo vọng xuống những lời kinh cầu ê a. Đây là giáo đường Omar, cũng nổi tiếng.

Khi mà Hồi giáo chiếm được Jerusalem vào thế kỉ 7, Giáo chủ - vua Hồi là Omar đã đến đây. Người Hồi giáo công nhận Kitô giáo và Do Thái giáo là "người nghe lời Thượng đế trước" nên rất tôn trọng các nhà thờ. Vì thế Omar đã cho phép nhà thờ Mộ Chúa được mở cửa đón tiếp người Kitô giáo, đồng thời cũng đã cầu nguyện bên ngoài nhà thờ. Thế kỉ 12, khi Hồi giáo chiếm được Jerusalem sau các cuộc Thập tự chinh, vua Hồi đã xây giáo đường này và đặt tên Omar. Đây là giáo đường Hồi gần nhất, nhìn thẳng vào cửa nhà thờ Mộ Chúa, và tháp cầu nguyện còn cao hơn tháp chuông nhà thờ nhiều.

Last edited by Chitto; 12-07-2011 at 12:06.

Rời khỏi nhà thờ Mộ Chúa, tôi lang thang vào một nhà nguyện nhỏ cạnh đó. Trên tường ghi bằng 5 thứ tiếng kể về sự tích nơi đây, liên quan gì đó đến bà Maria, mà tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ nhớ màu sắc của những lá cờ treo quanh cái sân nhỏ ấy.


Và màu của con ngõ đá chìm trong ánh đèn vàng



Jewish quarter

Rời khỏi khu vực quanh nhà thờ Mộ Chúa, chúng tôi lang thang trong khu Kitô giáo (Christian quarter), rồi đi sang khu Do Thái (Jewish quarter).

Người ta nói sau 7h thì thành cổ Jerusalem sẽ là một thành phố chết. Cũng không sai, khi các cửa hàng đều đóng cửa lúc 6h30, chỉ còn một số hàng ăn trong khu Hồi giáo là mở cửa muộn hơn. Các con phố vắng tanh vắng ngắt, lạnh và lặng. Những ánh đèn vàng chiếu xuống bậc đá loáng nước mòn vẹt. Những tấm biển hiệu treo đầy màu sắc cũng không làm con phố thêm ấm chút nào.

Chúng tôi vào một cửa hàng ăn của người Do Thái, ăn món bánh kẹp với cá. Khu Do Thái hầu như là các nhà nguyện, trường học, trung tâm văn hóa, thư viện, rất ít nhà dân, do đó càng vắng hơn. Ban ngày người Do Thái từ thành phố Jerusalem mới bên ngoài vào đây học tập làm việc, nghiên cứu, còn chiều là họ về nhà, bỏ lại cả một khu phố dài vắng.

Ăn xong, chúng tôi đi ra phía Núi Đền, ngọn đồi thiêng liêng nhất.

Và cuối cùng, từ trên triền đồi dốc phía khu Do Thái, chúng tôi đã thấy


 Wailing wall

Núi Đền là một ngọn đồi đá nằm cách đồi bên này một thung lũng hẹp, ngày nay trở thành nơi cầu nguyện của người Do Thái. Đây là nơi thiêng liêng nhất, nơi theo truyền thuyết Abraham đã hiến tế Isaac, nơi có khối đá Khởi Thủy, nơi dựng Ngôi đền Thứ Nhất và Thứ Hai, và nơi Hồi giáo tin rằng Mohammad đã lên trời. Sau chiến tranh Trung Đông 1967, một số người Do Thái cực đoan đã muốn phá hủy Giáo đường Hồi giáo, và dựng lên Ngôi đền Thứ Ba. Tin đó đã làm toàn thế giới Ả Rập nổi giận, đe dọa sẽ thánh chiến đến cùng. Đồng thời nhiều người Do Thái theo kinh văn cổ nói rằng đấng Messiah sẽ đến trong Hòa bình, và sẽ dựng đền, nhưng không phải bây giờ.

Thế là một thỏa thuận được đặt ra, người Do Thái không bước chân vào Núi Đền, và vẫn tiếp tục cầu nguyện ở bức tường phía Tây, hay Bức tường Than khóc.

Khu vực nhạy cảm này được kiểm soát gắt gao. Ai vào đây cũng phải qua trạm kiểm soát an ninh, soi kĩ các đồ mang theo. Nơi thiêng liêng đồng thời là nơi hiện diện đầy an ninh. Buồn thay.

Phần chân bức tường được chia làm đôi, phía bên phải dành cho phụ nữ, bên trái cho nam. Con đường dốc bằng gỗ bên góc phải là lối để vào Núi Đền cho du khách (người Hồi giáo vào lối khác, người Do Thái không bao giờ vào).


Bức tường lớn phía Tây của Núi Đền này như thấy hiện nay được xây từ đầu Công nguyên, dưới thời vua Herod. Tường cao ngất được xây chồng hoàn toàn bằng đá tảng, càng dưới chân đá càng to. Tuy nhiên, nền móng của tường đã có từ trước đó cả nghìn năm. Bên dưới bức tường này là hệ thống móng đá và hầm ngầm, với những tảng đá gốc chèn chặt trên núi đá.

Trong nghìn năm qua, dưới sự cai trị của La Mã, Hồi giáo, Thập tự chinh,... người Do Thái chỉ được đến đây, và họ phải cầu nguyện tại đây trong từng ấy năm, và giờ còn tiếp tục cầu nguyện. Người Do Thái trên khắp thế giới hướng về đây mỗi khi nhớ về Tổ quốc. Người ta nói rằng ở đây có một cánh cổng huyền bí, cổng Nước Mắt. Cổng này mở thẳng lên thiên đường, và chỉ mở được bằng nước mắt của những người cầu nguyện.

Có nhiều cây sống bám trên tường, mùa đông cây khô cong, nhưng khi xuân đến sẽ lại xanh tươi.

Vào khu vực này, bạn phải đội mũ che đi đỉnh đầu. Người Do Thái thì hoặc đội mũ phớt đen rộng vành, hoặc có một cái chụp nhỏ trên chóp. Như tôi đội mũ len cũng được.


Người Do Thái còn có một truyền thống nữa là viết những lời nguyện ước của mình lên giấy, rồi nhét vào kẽ của bức tường Than khóc, để gửi lên Thượng đế. Những mẩu giấy trắng rơi đầy chân tường, và trên tất cả mọi kẽ đá...



Trung Đông - Israel - Jerusalem

Thật là rất xấu hổ khi bỏ lửng mãi topic không xong.

Lại quay lại chuyện ở bức tường Than khóc. 

Chúng tôi qua khu kiểm soát an ninh, bước vào sân trước của bức tường. Lúc này trời tối, mưa lâm thâm ướt át và lạnh lẽo. Trước bức tường chỉ còn vài người đứng lặng lẽ. Nhưng ở góc cuối bức tường có một vòm đá rộng rãi. Đó là phần dưới của một công trình có từ nghìn năm trước, xưa kia là pháo đài - cung điện của vua Herod.

Vòm đá tạo thành một hành lang rộng đi sâu vào trong, đó là "praying hall", nơi người Do Thái cầu nguyện không ngừng nghỉ. Do trời lạnh nên tôi đội mũ len trên đầu trùm đến tận tai. Bác N. vừa bỏ mũ ra thì một người Do Thái ra hiệu phải đội mũ lên, vì theo truyền thống Do Thái thì đội mũ mới là tôn trọng tôn giáo của họ.


Bên trong vòm đá này rất ấm, vì có hệ thống sưởi. Ở đây có hàng dãy giá sách để kinh Do Thái, người Do Thái cứ đến lấy, đọc và rồi trả lại. Hầu hết họ đều mặc áo choàng đen, đội mũ đen rộng vành, một vài người không mặc áo đen thì cũng đội mũ che chỏm đầu. Và khi cầu nguyện họ liên tục cúi đầu lên xuống, tạo thành một hình ảnh rất ấn tượng... Tiếng đọc kinh rào rào khắp nơi. Khác với các cuộc đọc kinh cầu nguyện của tôn giáo khác là đồng thanh, ở đây mạnh ai nấy đọc, như là học bài vậy. Âm thanh hòa trộn với nhau có cảm giác không tôn nghiêm, nhưng rất ấm cúng gần gũi.

Last edited by Chitto; 26-08-2011 at 18:44.

Jerusalem đêm

Rời Bức tường than khóc trở về, chúng tôi lang thang trong thành phố giờ đã im lìm lạnh lẽo. Tất cả các con ngõ đều vắng ngắt, nhà cửa hai bên đóng chặt cửa, chỉ có ánh đèn vàng vọt rọi xuống các bậc đá loáng nước mưa. Cả buổi đi chỉ gặp một số người tay đút túi cắm cúi đi, không thấy khách du lịch có lẽ vì không phải mùa cao điểm. Ở chỗ bốn con phố giao nhau, là điểm nối giữa bốn khu dân cư có một đội ba người lính Liên Hiệp quốc với súng ống dùi cui đầy đủ đứng gác, họ mặc bộ đồ chống rét kín mít cả mũi miệng. Sách hướng dẫn nói rằng khi ở thành cổ nếu nghe thấy tiếng nổ thì hãy nhanh chóng kiếm một chỗ khuất và nấp vào đó. Tuy nhiên đó cũng là trường hợp vô cùng hãn hữu.

Đi dạo trong phố thế này, có nhớ về phố cổ Hà Nội, cũng có những đêm đông tôi đi dạo. Nhưng rất khác. Ngõ phố ở đây hoàn toàn lát đá không bằng phẳng, dốc lên xuống liên tục. Các con ngõ rất nhỏ vuông góc với nhau, chưa kịp hút mắt thì đã bị chắn bởi các góc đường. Những viên đá lát trăm, nghìn năm tuổi, không biết đã chứng kiến bao nhiêu biến động.



Con đường này, hình như xưa kia Jesus đã từng vác thập giá đi qua...


Temple Mount

Buổi tối hôm trước, chúng tôi đã đi "khảo sát" một vòng tất cả các vị trí có thể đến để nhìn sang Núi Đền. Ở phía bên này, các ngôi nhà xây bằng đá chen chúc, ở giữa là những con ngõ lắt léo lên xuông liên tục. Thỉnh thoảng lại có chỗ thò ra một ban công, hay trèo lên nóc của ngôi nhà khác được, và có các góc nhìn khác nhau.

Để buổi sáng, chúng tôi có một bình minh đẹp đẽ.


Toàn cảnh Núi Đền, trên cao bên trái là mái vòm dát vàng của Đền thờ Tảng đá khởi thủy (Dome of the Rock), bên phải là giáo đường Al-Quasa. Ở giữa là bức tường than khóc, con đường dốc bên phải đó là lối vào Núi Đền cho người không phải Hồi giáo.


Khu vực Núi Đền ngày nay thuộc người Hồi giáo quản lý. Họ có thể ra vào theo các cổng từ khu Hồi giáo tự do. Nhưng người không phải Hồi giáo thì chỉ có thể vào theo một lối quy định, kiểm soát chặt chẽ. Thời gian vào từ 7h30 đến 11h hàng ngày.

Chúng tôi theo lối bên cạnh cổng thành, qua khu vực kiểm tra an ninh, rồi theo lối cầu thang gỗ lên cao. Tít trên cao tường thành có một lối vào nhỏ...

Đường lên


Từ trên nhìn xuống Bức tường than khóc, ở gần là khu dành cho phụ nữ, bên kia là khu cho nam giới



Bước qua bức tường để vào Núi Đền, bỏ lại đằng sau những lời rì rầm cầu nguyện của người Do Thái, chúng tôi vào khu vực cầu nguyện của người Hồi giáo, mà xưa kia đã từng thuộc về Do Thái giáo, Kitô giáo.

Toàn bộ khu vực xây bằng đá, lát đá, nhưng vẫn có nhiều cây xanh. Rải rác là các phế tích của những công trình từ từ thời La Mã, Byzance. 


Còn những gì đang được sử dụng thì đều là Hồi giáo.



Chúng tôi hướng về trung tâm của Núi Đền, nơi thiêng liêng nhất, nhưng cũng là nơi người Do Thái đã chấp nhận không bước vào, chờ đến ngày Đấng Messiah của họ dẫn dắt.

Nền đá ở chính giữa cao vượt lên, với bốn cầu thang lớn ở bốn phía. Phía trên mỗi cầu thang là các vòm cửa, với số lượng vòm không như nhau ở các phía. 



Dome of the Rock

Tâm điểm của Núi Đền, cũng là nơi cao nhất, là Đền thờ Khối đá (Dome of the Rock). Lịch sử thăng trầm hàng nghìn năm trải qua nơi đây như là điểm hội tụ thiêng liêng.

Với niềm tin đây là Bàn thờ đầu tiên thờ Thượng đế, người Do Thái đã dựng Ngôi đền Thứ nhất, Thứ hai tại đây. Người La Mã dựng đền thờ thần, người Kitô giáo dựng Nhà thờ, và người Hồi giáo dựng đền thờ.

Đền thờ Khối đá của Hồi giáo chỉ là nơi hành hương, không phải giáo đường dành cho các lễ cầu nguyện tập thể (Mosque). Giáo đường chính là Al-Aqsa nằm về phía Nam của Đền thờ này. Đền phần dưới hình bát giác, phía trên là một mái vòm tròn theo kiến trúc Byzance, được dựng khoảng năm 690, và kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn đến nay. Phần mái vòm trước kia lợp ngói, sau đó năm 1964 vua Jordan đứng ra kêu gọi thế giới Ả Rập bỏ tiền làm lại mái bằng kim loại, bên ngoài dát vàng thật. Mái vòm trở thành biểu tượng rực rỡ nhất trong ánh nắng của Jerusalem.


Đền thờ Khối đá được xây trùm lên một khối đá mà người Hồi giáo cho rằng đó là Tảng đá khởi thủy, tảng đá mà Tổ phụ Abraham đã hiến tế con trai mình cho Thượng đế, bên dưới nó có Giếng Linh hồn.

Tiếc thay, nơi này chỉ dành riêng cho người Hồi giáo, cửa đóng rất chặt với dân du lịch như chúng tôi. Đành đứng bên ngoài chụp vậy. Xung quanh Đền thờ khảm kín mosaic, nếu so với các đền Hồi giáo hoành tráng khác thì có vẻ cũng khôgn phải là tinh xảo lắm, chỉ có các hoa văn vuông đơn giản, thiếu vắng các dây hồi văn quấn quýt đan xen vốn là đặc trưng của trang trí Ottoman. Bù lại, phía trên có một dãy thư pháp Ả Rập viết các dòng kinh Qu'ran khá tinh xảo.



Bên trong đền thờ thì thế này, ảnh sưu tầm trên mạng:



Quanh Núi Đền là những bức tường thành cao. Phía Bắc tường thành trở thành khu trường học của Hồi giáo. Lũ trẻ con Palestine trong lớp học thấy có người chụp ảnh thì cũng rất hào hứng làm dáng, cho đến khi cô giáo chúng nhắc nhở mới thôi.








 Golden Gate

Ở phía Đông của Núi Đền có một cổng, mở thẳng ra sườn núi. Xưa kia từ bên ngoài muốn lên được cổng này cũng phải leo đường núi rất khó khăn. Đó là Cổng Vàng.

Kinh Do Thái nói rằng: Đấng Cứu chuộc Messiah của người Do Thái sẽ tiến vào qua cổng này, và xây dựng lại Đền thờ. Bởi thế người Thổ Ottoman khi tu sửa thành phố cũng đã xây bịt kín cổng này luôn, để chẳng còn đường nào vào nữa. Vậy là đã hơn 500 năm qua, tòa cổng chỉ còn là một khối xây im lìm lạnh lẽo.


Olive Mountain

Đứng trong thành, chúng tôi nhìn qua các lỗ châu mai cổ xưa, nhìn sang núi Olive (Ô-liu, núi Cây dầu). Núi này nằm ngoài thành Jerusalem, rất nổi tiếng vì là nơi Jesus đã cầu nguyện lần cuối, là nơi Giuđa phản Chúa,... Ngày nay, một nửa núi là nghĩa địa của người Do Thái. Người Do Thái nào cũng mong ước khi qua đời được chôn cất nơi đây.

Thung lũng hẹp nằm giữa Núi Đền và Núi Olive là thung lũng Kidron, được cho là nơi Thượng Đế sẽ phán xử tất cả các linh hồn vào ngày Tận Thế.

Nhìn sang núi Olive



Một ngôi mộ Do Thái cổ, xây khoảng đầu Công nguyên


Quote Originally Posted by Hoangme Chua Xem bài
Có 1 điều em muốn hỏi bác Chito là Tại sao lại có khu của thiên chúa giáo Armenia tại khu thành cổ, và nó có liên quan gì đến Armenia ngày nay không.
Người Armenia ở Jerusalem và người ở quốc gia Armenia hiện nay là một dân tộc bạn ạ. Dân tộc Armenia có lịch sử và truyền thống rất lâu đời, từ trước công nguyên rất lâu, không kém gì các dân tộc ở vùng Lưỡng Hà như Ba Tư, Do Thái... Từ khi người Do Thái lập quốc thì người Armenia cũng đã di cư nhiều nơi rồi. Cho đến trước Công nguyên thì người Armenia đã sinh sống xung quanh Jerusalem khá nhiều. Nên nhớ rằng nhà nước Do Thái đã sụp từ 500 năm TCN, và vùng đất đó có rất nhiều dân tộc khác cùng sinh sống.

Khi La Mã xâm chiếm Jerusalem, đuổi người Do Thái, thì các dân tộc khác vào sống trong thành phố, trong đó có người Armenia. Armenia cũng là dân tộc và quốc gia chấp nhận Kitô giáo từ rất sớm, thậm chí họ cho rằng họ là những người theo Kitô giáo đầu tiên, lập nên nhà thờ đầu tiên, là đất nước nhận Kitô giáo làm quốc giáo đầu tiên. Cho đến khi La Mã công nhận Kitô giáo thì họ đã định cư hàng trăm năm ở Jerusalem rồi. Ngay trong thời kì Hồi giáo nắm giữ Jerusalem, người Armenia Kitô giáo vẫn không dời đi, mà kiên trì ở lại. Và sau đó suốt cả chiều dài lịch sử, họ vẫn ở đó, dù không nhiều, nhưng luôn có. 

Có thể nói khu Armenia là cộng đồng sinh sống liên tục lâu dài nhất ở Jerusalem, trải qua biến thiên lịch sử, tôn giáo, họ vẫn kiên trì bám trụ ở đó. Ngày nay đến đó, dễ thấy đây là khu bình lặng nhất, vắng vẻ nhất. Thế nhưng dường như khu vực đó cũng bí hiểm nhất, nơi mà khách du lịch hầu như không tìm hiểu được gì về đời sống người dân sau những bức tường đá.

 Palestinian

Trước khi rời khỏi Núi Đền, chúng tôi gặp một người đàn ông Palestine với trang phục truyền thống. Bắt chuyện làm quen, khi nghe chúng tôi nói đến từ Việt Nam, ông kêu lên vui vẻ và có vẻ rất phấn khởi khi gặp người Việt. Người Palestine hình như ai cũng biết VN, như chúng tôi thấy về sau, có lẽ chỉ bởi "Vietnamese fight American" - ai cũng nói câu đó. Nửa vui nửa buồn.

Điều thứ hai ông hỏi chúng tôi là chúng tôi có phải Christian không? - Không; có phải Muslim không? - Không; chúng tôi nhận là Buddish, và ông kêu : Buddish, good good ! Ở vùng đất của tôn giáo này, việc nhận mình không có niềm tin nào là một điều không khôn ngoan. Và cũng về sau cho thấy các tín đồ tôn giáo khác có thể ghét nhau, nhưng không ai ghét người Phật giáo cả, vì Buddish - peace, nhiều người nói thế.

Chúng tôi xin phép chụp ảnh, và ông vui vẻ đứng cho chúng tôi chụp, cũng như chụp cùng chúng tôi, trước khi khoe với những người Palestine khác rằng : Chúng nó là người Việt Nam đấy !



Một chút quá vãng



Những viên đá này nhặt ở trên Núi Đền, đem về làm quà cho bạn bè.



 Streets...

Chúng tôi rời Núi Đền bằng cổng Vải (Cotton Gate). Thú vị ở chỗ nếu khi vào bằng cổng ở bức tường Than khóc, phải leo rất nhiều thang để vào, thì nay đường ra phẳng phiu. Đó là vì thành phố dựng trên các quả đồi đá, do đó có chỗ cao chỗ thấp không đều. Các bức tường thành của Jerusalem do đó cũng uốn lượn theo thế đất, và đường phố cũng lên xuống liên tục.

Cổng Cotton đi thẳng vào khu phố xá buôn bán của người Hồi giáo, cho nên chúng tôi lại bắt đầu với những con phố buôn bán đủ loại mặt hàng nơi đây, mà nhiều nhất là hàng lưu niệm, hàng thủ công, hàng phục vụ niềm tin tôn giáo.


Cắt ngang những phố buôn bán là những con ngõ đá thế này


... and shops

Một cửa hàng bán các loại bột. Các loại bột là thực phẩm, hương liệu vì mùi hương tỏa ra cả một khúc phố. Anh ta khéo léo vun đống bột hai loại màu khác nhau thành một chóp cao, và trên đỉnh đặt mô hình của Ngôi đền Hồi giáo như trong Núi Đền.


Bên kia đường là một quầy bán các loại rau dưa muối. Màu sắc lạ nhất là món củ cải và súp-lơ muối, không biết tại sao mà cứ hồng rực lên !



Chúng tôi đi về phía cổng Damascus. Cổng này nằm ở phía Bắc, hướng về thành Damascus nổi tiếng. Thành Damascus được coi là thành phố có thể còn cổ hơn cả Jerusalem, và trong truyện Nghìn lẻ một đêm thường được nhắc đến với cái tên là thành Đa-mát, thành phố lớn thứ hai của đế chế Hồi giáo sau Bát-đa. 

Phía cổng Damascus là khu buôn bán của người Hồi giáo, rất nhộn nhịp và đời sống người dân cũng sinh động hơn hẳn các khu còn lại.

Bán hoa quả




Người bán rau


Và cái cổng cổ xưa, bị vây kín bởi hàng quán. Trong cổng cũng là các cửa hàng bán các đồ mỹ nghệ, hương liệu.



Stone house

Đã ngả sang chiều, và hôm đó là ngày cuối năm Âm lịch ở nhà. So với giờ ở nhà cũng sắp Giao thừa, chúng tôi vào một quán ăn trên phố.

Quán này có kiến trúc tiêu biểu của các ngôi nhà cổ ở Jerusalem: nhà xây bằng đá, làm theo kiểu các mái vòm nối tiếp nhau rất độc đáo, được dựng từ vài trăm năm trước. Các người thợ xưa hẳn phải tốn rất nhiều công sức để ghép đá thế này.


Và đây là bữa tối Giao thừa nơi xứ người của ba chúng tôi.



Archeology sites

Đã qua phút Giao thừa ở nhà, bên ngoài trời mưa lất phất. Một chút chạnh lòng và nhớ nhà.

Chúng tôi đi dạo qua những con phố giờ đã lại vắng người. Ánh đèn vàng chiếu xuống những tảng đá loáng nước, nước và ánh sáng vỡ vụn ra dưới mỗi bước chân.

Lang thang một hồi, lại đến khu Do Thái. Một con đường tối không có ai. Bên cạnh đường có một cái hố to đùng sâu hoắm, bên trên có lan can sắt. Tò mò nhìn xuống. Thì ra đó là khu khảo cổ trên đường, có cầu thang đi xuống. Theo các bậc thang sắt xuống sâu bên dưới, các tấm biển nhỏ chỉ dẫn cho thấy dấu tích của vài nghìn năm trước. Đây là những tảng đá gốc từ 1500 năm trước Công nguyên, to cỡ đầu người xếp chặt vào nhau. Trên đó là những lớp đá vuông vức to hơn nhiều, 1000 năm TCN. Rồi cả bức tường 800 năm TCN,... lên dần là dấu tích của các thời: Herod, Roman, Byzance,...

Điều lạ lùng là ngay bên trên khu khảo cổ đó là một khối nhà lớn cao 4 tầng. Người ta làm những móng cột sâu xuống lòng đá, rồi đổ bêtông cao lên để xây nhà, còn bên dưới vẫn là các dấu tích cổ xưa.

Lại dọc một con phố hai bên đường là các cửa hàng bán đồ xa xỉ, đồ thủ công mỹ nghệ. Giữa phố tự nhiên nổi lên một bệ đá như miệng giếng, trên có tấm kính trong. Tò mò nhìn xuống. Lại là điểm khảo cổ. Bên dưới tấm kính lớn là một miệng giếng sâu hút, được xếp bằng các lớp đá kích thước khác nhau. Lại các tấm biển nhỏ ghi rõ, toàn là 1000 năm, 500 năm TCN. Cả một pho lịch sử bằng đá nằm ngay dưới chân.

Những tầng di tích và phế tích, bên cạnh vẫn là ánh đèn sáng choang, nhưng vắng người.

Chợ xưa

Cứ đi lang thang qua những con phố, chúng tôi lạc vào một khu rộng nằm sâu hơn mặt đường vài mét. Dọc hai bên là hai hàng cột đá đã gẫy. Ở cuối là một bức tranh lớn mô tả khung cảnh vài trăm năm trước. Khu chợ đông đúc này đã bị lãng quên từ lâu, chìm xuống lòng đất. Chẳng còn ai buôn bán, chỉ còn những phế tích mà thôi.


Bethlehem

Hôm nay là Giáng sinh, mọi người ra đường vui chơi, tôi cũng gặp gỡ bạn bè.

Không thể không lôi lại topic này để kể về chuyến đi đến Bethlehem, nơi Chúa Giêsu giáng sinh.

Kinh Thánh kể rằng: năm ấy vua Herod của xứ Judea (một phần của Israel) tổng điều tra dân số, ai nấy phải về nguyên quán. Ông Giuse từ Nazareth trở về Jerusalem là quê gốc, cùng người vợ Maria đang mang thai sắp sinh. Vì các quán trọ quanh vùng đã kín chỗ, họ phải trú tại chuồng bò và cừu. Và trong đêm thánh đó, hài nhi Jesus ra đời trong máng cỏ. Bầu trời hiện lên một vì sao sáng chói, các thiên thần, thiên sứ ngự quanh chuồng cừu. Các mục đồng là những người đầu tiên biết về sự giáng sinh của Đấng cứu thế.


Chúng tôi bắt chuyến xe bus số 20 từ bến xe phía Bắc thành Jerusalem cổ, chạy thẳng Bethlehem, thuộc đất Palestine. Trước đây nghe nói rằng muốn vào đất Palestine phải có giấy phép, nhưng người ở trung tâm thông tin du lịch tại Jerusalem nói rằng không cần, cho nên cứ đi thẳng. Trên xe lúc đó rất nhiều sinh viên trẻ, lúc đầu tôi cũng không hiểu, sau mới biết là bến cuối của xe chính là đại học Bethlehem. Lúc đi xe cứ tà tà chạy, lại đông người, không ngồi cạnh cửa sổ nên tôi cũng không rõ đã vượt qua ranh giới Israel - Palestine lúc nào.

Câu chuyện về Palestine, về người Palestine sẽ quay lại sau, còn giờ hướng đến nơi Chúa Jesus ra đời.


Một phần đất Palestine, nhìn từ đồi Bethelehem


Manger square

Bến xe bên này đồi, thì bên kia đồi là Nativity church - Nhà thờ Giáng sinh. Các tài xế taxi mời chào, nhưng sau khi hỏi người dân thì chúng tôi tự đi, vào con đường ngắn hơn, trèo lên đỉnh đồi rồi đi xuống. Bên kia đồi là một quảng trường đẹp tên là Quảng trường Cái Máng (Manger square) để ghi nhận việc Chúa Jesus khi sinh ra được đặt trong một cái máng lót cỏ, vốn để đựng thức ăn cho bò và cừu. Tại đây có một tháp giáo đường Hồi giáo cao vút vượt hẳn lên.

Người Hồi giáo cũng tôn trọng Kitô giáo, do đó tôn trọng nơi Jesus ra đời, tuy nhiên bên cạnh nhà thờ thiêng liêng của người Kitô, thì họ xây giáo đường cao vượt hơn hẳn.


Last edited by Chitto; 25-12-2011 at 13:35.

Nativity church

Cuối quảng trường là một khối nhà xù xì xấu xí bằng đá, chính là nhà thờ Giáng sinh.

Đây là một trong những nhà thờ Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, được xây vào năm 566 trên nền môt nhà thờ trước đó bị phá hủy. Như vậy là gần 1500 năm trôi qua, nó vẫn đứng vững với những hàng cột và tường đá. Chỉ có tường bao bên ngoài và mái là bị thay đổi nhiều lần, và bề mặt bên trong cùng bàn thờ, trang trí nội thất là có thay đổi.


Ngày nay nhà thờ thuộc quyền quản lý của cả ba giáo hội Kitô: Công giáo La Mã, Chính thống giáo Hy lạp, Armenia. Từng phần trong nhà thờ được giữ nguyên, nhưng Chính thống giáo được quyền thường xuyên chăm sóc bàn thờ chính.

Humility door

Cửa vào nhà thờ xưa kia cũng khá rộng rãi. Tuy nhiên các Thập tự quân sau này đã cho xây cửa bịt lại, chỉ còn rất bé. Họ cho rằng xưa kia chính Thiên Chúa giáng trần làm người, đã sống trong một gia đình nghèo khổ, chịu khổ nhục trên thập giá, thì mọi người khi bước vào nơi thiêng liêng này đều phải cúi người, hạ thấp mình xuống chứ không được bước thẳng.

Vì thế cửa này có tên là Cửa Khiêm hạ (Humility door)

Ngày nay nhà thờ có lối thông sang phía khác, nhưng lối chính vẫn là cái cửa nhỏ bé này, nơi ai cũng phải hạ mình xuống trước khi bước vào "nhà của Chúa".


Nativity church

Bước qua cái cửa nhỏ bé, lòng nhà thờ cổ 1500 năm tuổi hiện ra với bốn hàng cột đá sừng sững. Thời gian đã in lên đây quá nhiều dấu tích. Cái mái gỗ cũng đã 500 năm tuổi. Trên tường là các mảng mosaic còn sót lại.

Bước vào đây thấy âm u lạnh lẽo, có lẽ bởi xung quanh trống trơn, chỉ có những bóng người lặng lẽ đi lại, thì thầm trò chuyện. Những ngọn đèn treo từ trên cao xuống thành những đốm lửa lửng lơ, điểm vào ánh sáng nhợt nhạt của một buổi sáng có mây.


Cuối nhà thờ là gian cung thánh, làm toàn bằng gỗ khảm vàng bạc. Hai bên có hai cái ghế dành cho tu sĩ Chính thống giáo Hy lạp và Armenia ngồi. Có một người ngồi lặng lẽ trầm tư ở đó, tưởng chừng như cũng chỉ là một pho tượng gỗ được chạm vào đó, âm u mờ tối. Những chùm đèn bằng bạc khảm vàng treo từ trên xuống làm cho khung cảnh rối rắm, và tự nhiên thấy thấp đi. Không nhìn rõ cái gì được.


Nativity Giotto

Hai bên khu vực cung thánh là hai cánh cửa và bậc thang ăn thông xuống dưới, và bên dưới mới là nơi thiêng liêng nhất : Nơi Chúa ra đời. 

Bà thái hậu Helena vào thế kỉ thứ 4 đã xác định nơi đây là máng cỏ mà hài nhi Giêsu đã nằm, và lập bàn thờ ở đó. Các thế kỉ trôi qua, người xây thêm đá xung quanh, rồi nâng bậc nhà thờ, cuối cùng cái bàn thờ cổ nằm chìm sâu xuống dưới, trong một không gian mờ tối hơn nữa, lúc nào cũng phải có ánh đèn nến thắp mới nhìn được.


Bethlehem star

Bên dưới hầm, cũng không có gì đặc biệt. Chỉ là một bàn thờ bằng đá cẩm thạch được làm lại từ thời Thập tự chinh trông na ná cái lò sưởi châu Âu.


Bên dưới nền là một ngôi sao bạc, chính giữa có lỗ tròn, bên trong lỗ cũng chỉ là một hốc đá nhẵn thín vì cả triệu lượt người đã từng sờ tay. Cũng như tại nhà thờ Mộ Chúa, tất cả mọi người Kitô giáo vào đây đều quỳ xuống trên thềm đá, lấy tay sờ vào ngôi sao, vào hốc đá, và thậm chí hôn ngôi sao.

Tôi cũng sờ tay vào hốc đá, và lấy những thứ đã từng đặt lên tấm đá nơi đóng đinh Chúa Giêsu, nơi Liệm Chúa, nơi Chúa sống lại, và nay là nơi Chúa sinh ra. Những thứ đó sẽ là những kỉ vật đặc biệt nhất của toàn chuyến đi, và có lẽ trong tất cả các chuyến tôi đã đi cho đến nay. 



@danngoc: Vâng, bình thường đến kì lạ cơ ạ.

Bên cạnh bàn thờ có Ngôi sao lại có một hang đá còn sâu xuống thêm một chút nữa, có bàn thờ nữa. Ở đó một nhóm tu sĩ Công giáo La Mã đang làm lễ Misa, ăn bánh uống rượu thánh. 



Một đoàn người vừa lễ lạy tại nơi sinh Chúa xong, thì một thanh niên dẹp mọi người ra, vác một cái thang vào để ngay trước bàn thờ, chân thang kê luôn cả vào cánh sao nơi có người vừa hôn. Anh ta để nguyên giày trèo lên thang và thay một cái bóng đèn bị cháy trước đó, rồi vẫn đứng trên thang thử chọc ngoáy cái bóng đèn hỏng, một việc bình thường như tất cả các thợ điện vẫn làm.

Bình thường đến thế là cùng.



Quote Originally Posted by danngoc Xem bài
Ảnh độc cụ ạ, nếu là ở Nhật thì không có chuyện thế này đâu, dân Nhật sẽ làm một chục thao tác thành kính trước thò tay sửa đèn.
Người mình có câu "Gần chùa gọi Bụt bằng anh" mà. Cứ ở gần đấy mãi, chỉ thấy người người lễ lạy, mà không thấy hiển hiện kì diệu gì, phép màu gì cả, thì sẽ không còn thấy thiêng liêng tôn kính nữa. Rốt cục thì bàn thờ nào, tượng thánh nào mà chẳng do những đôi bàn tay lao động tạo nên? Thánh lễ nào, nghi thức nào mà chẳng do người nào đó đặt ra rồi thêm dần vào...

Bethlehem nằm trong đất Palestine, hiển nhiên khi đến thăm nơi này phải vào đất Palestine, vượt qua ranh giới Israel - Palestine.

Đến được nơi này rồi, mới cảm nhận thêm về miền đất nước mắt này.

Người Palestine là dân tộc định cư ở đất này từ rất xa xưa, trước khi cả người Do Thái du cư đến. Thế nhưng trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của mình, người Palestine chỉ nằm dưới sự cai trị của các nhà nước khác nhau trên đất ấy, mà chưa bao giờ thiết lập được nhà nước của mình. Từ Summer, Babylon, Judea, Ba Tư, Hồi giáo, Ottoman,... Họ theo Hồi giáo từ khi tôn giáo này tràn lên đây.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lại nằm dưới sự quản lý của Jordan theo Hồi giáo. Khi đó người Palestine cũng không phản ứng rõ rệt. Nhưng khi chiến tranh Trung Đông nổ ra, người Do Thái tràn sang vùng đất Hồi giáo, thì người Palestine đã thấy rõ sức mạnh của người chủng tộc khác, tôn giáo khác đang bao phủ lên mình. Họ chống lại, họ muốn có một nhà nước của riêng người Palestine, họ đòi độc lập.

Tiếc thay, việc đòi độc lập khi đó đã không dễ dàng. Người Do Thái tràn sang các vùng đất, đẩy người Palestine về phía Đông, thiết lập một ranh giới, một ranh giới mà sau đó chúng tôi mới thấy nó hiện hữu thế nào.

Người Palestine không có được nhà nước chính thức, các cửa ngõ biên giới bị đóng lại, không có đồng tiền riêng.

Họ vẫn đang đấu tranh và chờ đợi.

Chúng tôi đã theo xe bus từ Jerusalem vào Palestine thật dễ dàng, đến mức không nhận ra. Nhưng từ Palestine quay lại Jerusalem lại không dễ dàng đến thế...

Bethlehem University

Nơi chúng tôi vào thăm là Đại học Bethlehem, đại học đầu tiên của đất Palestine, vào một cách tình cờ vì khi xe bus đỗ xuống, tất cả các thanh niên trên xe đều đi về phía ấy, và chúng tôi đi theo, rồi mới biết họ là sinh viên đi học.

Ở cổng có bảo vệ, khi chúng tôi nói là người Việt Nam muốn vào thăm, thì được mời vào một cách nhiệt tình. Những người Palestine chúng tôi gặp hình như ai cũng biết Việt Nam và háo hức với VN ! Vẫn một lý do: "Vietnam fights America".

Có điều Đại học này là do Kitô giáo lập nên, dù sinh viên có thể là Hồi giáo, Do Thái giáo, nhưng ngày ngày vẫn phải đi dưới Thập giá và hình ảnh các Thánh Kitô giáo đứng cao vòi vọi bên trên.




Đại học nằm trên một đồi cao, với những mảnh vườn nhỏ, từ đó nhìn ra những triền đồi thoai thoải. 



Phía bên kia là những khu định cư Palestine đang được xây dựng. 

Xa hơn về phía Bắc là các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem, nơi xảy ra những tranh chấp và là nguyên do bất đồng suốt mấy thập kỉ nay, vẫn tiếp tục là thùng thuốc súng chờ bùng nổ.



Street

Khu phố này ở Palestine cũng xây toàn bằng đá, có lẽ cũng đã lâu năm rồi, con đường cũng lát bằng đá đã nhẵn bóng.

Đây gần một khu chợ, và cũng na ná ở nhà ta, người Palestine mở cửa bán hàng hóa, ồn ào trò chuyện. Có điều việc bán hàng hầu như do đàn ông đảm nhiệm, phụ nữ đi mua là chính. Khu này gần trường ĐH nên có cả sinh viên ra mua.




Market

Chúng tôi ra chợ để ngắm nhìn cuộc sống bình thường của người dân Palestine. Những quả cam và hồng rất ngon. Và khi tôi hỏi giá, thì bất ngờ vì giá nơi đây chỉ bằng một phần tư so với ở Israel! Quả có xấu hơn một chút nhưng ngon không kém, và giá thì thật rẻ. Có lẽ cuộc sống hai bên biên giới sẽ còn rất nhiều điều khác nhau nữa mà mình không đủ cảm nhận hết được. Mua lấy vài cân cam và hồng, cũng không xách được và không để lâu, nhưng hiểu hơn một chút sự khác biệt giữa hai vùng đất.

Thực ra lúc này, chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ về ranh giới giữa hai vùng đất Israel và Palestine, và vẫn thắc mắc là mình đi lại dễ dàng thế, sao hoa quả giá rẻ bên này không chuyển sang bên kia? Nhưng chỉ một giờ sau là sẽ hiểu ngay thôi.


Mua quả ở chợ Bethlehem


Bán hoa quả trên phố


Vietnamese

Tôi vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Có nhiều thứ đồ bằng gỗ Olive khá đẹp.

Chọn vài món. Người bán hàng hỏi xem từ đâu tới, tất nhiên vẫn trả lời là Việt Nam. Khi hỏi giá, theo thói quen như ở Jerusalem, tôi trả giá còn 1/2. Người bán hàng lắc đầu. Khi tôi đi ra cửa thì ông ta gọi lại và bảo : "Tao bán cho mày vì mày là người VN, nếu mày là người Mỹ hay Âu thì tao phải nói giá gấp đôi nữa cơ, mà không giảm đâu". Chẳng biết là thật đến mức nào.


The Wall

Khi chúng tôi quay lại bến cũ để trở về Jerusalem, thì ngạc nhiên thay là không có xe, và người xung quanh nói là xe bus đó không chạy từ đó. Hỏi người dân thì họ nói phải đến "checking point" cơ, mới về được.

Gọi taxi, anh chàng lái taxi liền dụ đi ra thăm "the Wall", cũng không rõ lắm về cái này, nghĩ chắc là một bức tường cổ nào đó, nên bảo thôi, ra checking point luôn. Anh ta bảo: thực ra thì checking point cũng ở the Wall rồi, nhưng chỉ nhìn được một ít. Muốn nhìn được nhiều thì phải đi thêm một giờ.

Taxi chạy một lúc, cuối cùng, trước mắt chúng tôi hiện ra một bức tường, bức tường mà trước đây chưa hề nghe đến.


Thì ra đây là bức tường ngăn cách giữa vùng lãnh thổ Palestine (mà Israel xác định) và đất Israel, bức tường mà người Palestine cảm thấy đau đớn bởi nhiều người trong số họ không công nhận. Với họ, vùng đất bao quanh cả Jerusalem cũng phải là đất Palestine, chứ không phải chỉ bên này bức tường.

Bên cạnh bức tường là một lối đi hẹp đầy song sắt, chia làm đôi. Đó là lối để vào lại đất Israel. Vậy đó, chúng tôi đã hiểu chính sách chia cách này. Nếu bạn muốn rời khỏi Israel ư, rất dễ, rất thuận tiện, rất nhanh chóng, đến nỗi bạn không nhận ra rằng mình đã vượt ranh giới lúc nào. Thế nhưng từ Palestine quay lại ư, không đơn giản. Bạn sẽ phải trải qua một cuộc kiểm soát nghiêm ngặt, lạnh lùng, bởi bạn không được chào đón.



Dòng chữ Five Fingers in the Same hand ấn tượng mãi với chúng tôi, cả đến sau này.

Chúng tôi đi dọc bức tường, về phía bên trái, nơi có một trụ tháp cao như tòa nhà ba tầng. Nghe đánh cạch một cái, cái lỗ vuông be bé ở tầng một mở ra, rồi nhanh chóng đóng lại. Chỉ kịp thấy một ánh mắt dò xét nhìn qua lớp kính dày.

Người trong cái tháp đó, người của phía bên kia bức tường, theo dõi, dò xét mọi hành động của bên này.

Gần ngay cái tháp, một cây olive mọc lẻ loi. Loài cây mà xưa kia người Hy Lạp lấy để tượng trưng cho hòa bình, thống nhất của các thành bang, và vẫn được dùng là biểu tượng hòa bình đến nay, mọc ở đây thật lạc lõng.

Mây trên trời che kín màu xanh.

Và chúng tôi làm một việc - nói ra chả nhã gì cả, nhưng lúc ấy bỗng có hứng - là tè vào bức tường kia mỗi người một bãi.



Kỉ niệm với bức tường đặc biệt này một bức. Không biết trên thế giới có bao nhiêu bức tường thế này?



Checking point

Đứng nhìn bức tường chia cắt đã chán, đến lúc chúng tôi phải quay trở lại Israel.

Lầm lũi tiến vào con đường hẹp hai bên là hàng rào sắt dài hút. Với hàng rào hẹp thế này, người ta khó mà màng được cái gì cồng kềnh, và cũng không dễ dàng chạy thoát.

Tận cuối cùng của lối đi là một cửa nhỏ trổ vào bức tường bê tông. Và bên kia là cả một khu rất rộng kiểm soát an ninh. Đi nhiều nơi, nhưng tôi chưa thấy ở đâu sự kiểm soát an ninh lại lạnh lùng và ghê gớm đến thế.


Nếu ở cửa khẩu Israel, chúng tôi đã bị kiểm tra rất gắt bởi một lực lượng an ninh trẻ, chuyên nghiệp gồm cả nam và nữ, với những câu hỏi rất cẩn thận, những dụng cụ miết khắp cả balô, quần áo rồi đưa ra trước máy chuyên dụng để soi chất nổ, hoặc có thể là cả ma túy..., thì ở đây, không thấy bóng người nào.

Nơi chúng tôi bước vào là một hệ thống những rào sắt, cửa sắt quay theo một chiều, đã vào là không quay lại được, và vẫn là những lối đi hẹp chỉ đủ một người. Phía trên là những bóng đèn sáng lạnh. Nhưng, không có bóng nhân viên an ninh nào.

Có tiếng loa nhắc nhở đến lượt từng người, và nhìn lên thấy các camera, và cửa sắt tự động quay cho từng người đi vào. Tự động bỏ balô, áo khoác, và cả cởi giày ra để lên băng chuyền an ninh, và đi qua cửa kiểm tra mà không phải có người đứng rà quanh người. Đi trước chúng tôi có một cô gái Palestine, tôi đi sau cô một đoạn. Mãi khi đến giữa khu an ninh, mới thấy có một cái cửa sổ nhỏ, và đằng sau là một bóng người ngồi trong nhìn ra. Cô gái đi trước đến trước cửa đó, không chỉ phải bỏ tất cả giầy, áo, đồ mang theo, mà còn phải tự vuốt quanh người, quay các phía cho người ngồi sau cửa nhìn, và các phía có camera, cũng như trả lời các câu hỏi đặt ra.

Không khí ngột ngạt và lạnh lùng khủng khiếp. Dù mình không làm gì, cũng có cảm giác bất an.

Với hộ chiếu không phải Palestine, và nói là vừa vào thăm Bethlehem sáng nay, chúng tôi được qua nhanh chóng hơn. Rời khỏi cái ô cửa sổ kia lại là những hành lang dài, nhưng lần này là ánh đèn vàng ấm áp hơn. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã ra được ngoài ánh sáng mặt trời.

Tất nhiên là trong cái khu "checking point" sát thủ đó, chẳng thể nào dám sờ đến điện thoại, máy ảnh cho đến khi băng chuyền trả ra, chứ đừng nói gì đến chụp ảnh.

Và khi ra đến bên ngoài, tôi chụp lại một bức, ghi lại cảm giác "Hòa bình sau song sắt".