Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

TOPIC GỐC: http://www.phuot.vn/threads/100199

Chuyến đi theo lời kêu gọi của Nheva đã kết thúc tốt đẹp.

Hành trình dày đặc xe cộ:

30/5: Xe khách HN - Hữu Nghị quan; xe nằm đi Quảng Châu
31/5: Chơi Quảng Châu, tối xe nằm đi Hạ Môn (Xiamen)
1/6: Đến Hạ Môn, chơi quanh thành phố. Ngắm hoàng hôn trên núi Ngũ Lão, uống trà
2/6: Đi Tuyền Châu: các điểm quanh thành phố, chiều lên Nam Thiếu Lâm gặp Phương trượng
3/6: Đi Sùng Vũ, rồi về Tuyền Châu, tối lên tàu đi Vũ Di Sơn
4/6: Đến Vũ Di: trekking, leo núi suốt cả ngày
5/6: Leo núi tiếp, ngồi bè Cửu Khúc khê, tối tàu về Hạ Môn
6/6: Tàu tiếp đi Nam Tĩnh, nghỉ Tháp Hạ, thăm các thổ lâu
7/6: Đi các thổ lâu tiếp, tối lên tàu về Hạ Môn
8/6: Chơi ở Hạ Môn, đảo Cổ Lãng Dữ
9/6: Xe nằm về Quảng Châu, tối xe về Hữu Nghị quan
10/6: Lên xe về nhà.

Topic đã được gởi đăng bởi BDK, 09/9/2013

Tổng chi phí: 3000 tệ, không kể phí VISA và tiền xe Hà Nội - Hữu Nghị quan.

Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Vài hình ảnh demo

Hoàng hôn Hạ Môn


 



Cái cây hơn nghìn năm và ngọn tháp đá 800 năm chùa Khai Nguyên - Tuyền Châu



 




Gặp Thường Định viện chủ, Phương trượng Nam Thiếu Lâm



 




Non nước Vũ Di

 






Thổ lâu Nam Tĩnh

 




Và những góc nhỏ đi về




 Hành trình kéo dài với hàng chục chuyến tàu xe, lên xuống, lên xuống. Đó là nhờ có V.C là người nói tiếng Trung như người Trung, và rất thành thạo các cách di chuyển bằng xe bus, tàu hỏa trong đất nước Trung Quốc. Chưa lần nào tôi lại được đi cùng một người cẩn thận kĩ lưỡng đến thế trong việc đi lại. Ngược lại, V.C không chuẩn bị cho bản thân mình gì nhiều, chỉ một chiếc túi khoảng 7kg là đủ toàn bộ, và cũng chỉ có một cái máy ảnh rất nhỏ để ghi lại những kỉ niệm mà thôi. V.C lo cho mọi người đủ thứ, và cùng với N.V, đây là đôi leader tận tụy. 

Còn tôi, như nhiều lần, nắm phần cầm các bác Mao của cả đoàn. Cho nên mỗi lần trứoc / trong / sau bữa ăn bọn chúng cấm tôi mở miệng vì chỉ sợ mình đòi tiền. Hội này cứ hết thì đóng thêm, mỗi lần một ít, chả dại gì giữ một cục to tướng các Mao chủ xỉ.

Ờ thì trên đường đến Hạ Môn, cũng phải có cả hai buổi ở Quảng Châu, cái lòng chảo buôn bán điên đảo rồi. Nào là chợ đồ da, chợ quần áo, chợ đồ chơi... Dân Việt, Lào, và các tỉnh phía Nam của TQ cũng đến đây mua bán chao chát cả. 

Con phố đi bộ Bắc Kinh lộ, vốn trên nền con đường trục chính của thành Quảng Châu xưa. Người ta đã để mở ra những di tích cổ, với các lớp đá lát đường từ thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh để có thể nhìn được. Nhìn xuống cũng thấy đặc điểm của xây dựng qua các thời. Thời Tống thì đá to và thô, thời Nguyên đá vụn hơn. Thời Minh và Thanh là lớp trên cùng, đá xếp dọc, chứng tỏ rất kì công và chắc chắn.


 


Trong phố có ngôi chùa, nằm lọt giữa các tòa nhà cao tầng, là chùa Đại Phật.






Đây là ngôi chùa có tượng xấu nhất trong các ngôi chuà ở TQ tôi từng vào. Và sư làm lễ thì đầy màu sắc đạo giáo, hát ê a, trống chiêng inh ỏi, màu sắc lòe loẹt. Nhưng đó cũng là phong cách chung của các sư Tàu.





Cuối phố đi bộ, một khung cảnh bình yên rất đẹp.




Hết ngày đầu trên đất Tàu.



Hạ Môn - Xiamén

Lên chuyến xe bus giường nằm hôi rình mà giá đắt (260Y) lúc tối ở Quảng Châu, 6h sáng hôm sau chúng tôi đến Hạ Môn.

Hạ Môn làmột thành phố cảng nổi tiếng của TQ, đặc biệt đây là nơi gần Đài Loan nhất theo nghĩa hành chính, bởi vì ngay ngoài biển cách thành phố có vài km là hòn đảo Kim Môn thuộc Đài Loan. Đảo Kim Môn nằm giữa lòng vịnh mà một phần vịnh là thành phố Hạ Môn, thế mà lại thuộc Đài Loan. Người Đài Loan có thể từ đảo dùng ống nhòm nhòm vào TQ lục địa.

Khu vực này cũng là nơi xưa kia Trịnh Thành Công rời lục địa đi ra Đài Loan, và cũng là nơi người phương Tây đến TQ rất sớm, thiết lập các khu phố, rồi thành nhượng địa sau chiến tranh Nha phiến. 

À mà cái từ ketchup quen thuộc cho các món ăn nhanh của Tây hóa ra có nguồn gốc ở đây, là tiếng của dân tộc Hẹ được các bạn Tây lấy sang làm của mình đấy. Hay nhờ.

Đại học Hạ Môn là một trong những đại học lớn và có uy tín nhất TQ.

Lần này đi cùng mấy chuyên gia TQ nên tôi cũng không đọc trước gì nhiều. 

Điều ấn tượng đầu tiên khi ra khỏi bến xe (bến ở trung tâm thành phố, quận Tư Minh nhưng bé tẹo) là cái toillet công cộng sạch vãi, và bà lao công cầm giẻ chùi từng li từng tí cả ngoài lẫn trong. Chắc phải làm theo giờ và sau đó đi làm tiếp ở đâu nữa nên bà í chả ý tứ gì hết, lau xong buồng bên này là hùng hục đập cửa phòng bên cạnh để lau, bất kể trong đó có người còn đang dang dở 

Hạ Môn - Xiamén

Chúng tôi (5 người) túm một chú tài có cái xe 7 chỗ để đi tìm Youth hostel (Thanh niên khách điếm theo cách gọi của các bạn TQ), nơi hẹn với V.C. Đại khái là chạy theo mấy con phố dài, và nhận xét là nơi đây khang trang đẹp đẽ lịch sự thông thoáng hơn Quảng Châu ối lần. Đại khái lòng vòng sáng gặp nhau rồi tìm phòng - vì cái hostel hết chỗ rồi - cũng gần đến trưa. Trưa thì đi ăn ngay trên cái phố thuê chỗ nghỉ, phố này đâm thẳng ra bờ biển, ban ngày thì bình thường nhưng tối đến đông vui tấp nập lắm.

Chiều, kéo nhau ra nhà ga to đùng mua vé cho mấy ngày tới. Khu này thì to rộng lắm rồi, nhưng so với lượng người kinh dị ở đây thì có vẻ cũng không ăn thua lắm.

Theo các chuyến bus, vào thăm Đại học Hạ Môn. ĐH này có khuôn viên rất rộng và xây dựng đẹp, lại gần biển và núi nên cũng là một điểm tham quan ở đây. Vào cổng phải xuất trình giấy tờ. Lần đầu thử nghiệm cái International Student Card loại hai mươi nghìn made in HCMc thấy bảo vệ nó cầm quẹt vào máy. Tưởng đâu thẻ rởm thì không quét được ai dè máy cũng quét ra roèn roẹt. Thế thì yên tâm roài.

Đại khái ĐH Hạ Môn có cái hồ ở trung tâm, xung quanh nhiều công trình nhà cửa lắm, chỉ chụp vài cái đại diện. Trong này người cũng nghìn nghịt, chả thích.

Nhà kiểu lưỡi búa, hoặc là tưởng tượng bị chém đứt phăng mất một nửa cũng được.




 

Khối nhà trung tâm, cái này thì chả đẹp.




Ở giữa hồ có hòn đảo, trên đó có một nhóm tượng đồng như kiểu các bác cách mạng đang họp bàn gì đó bí mật lắm. Nói chung lười không tìm hiểu thông tin, đi thư giãn tí cho thoải mái.


 


Ngay cổng đại học Hạ Môn là chùa Nam Phổ Đà (Nanputou).

Phổ Đà vốn là một hòn núi trên đảo nhỏ ngoài biển Chiết Giang, tương truyền là đạo tràng của Quán Thế Âm bồ tát. Ngôi chùa ở Hạ Môn mang tên Nam Phổ Đà, cũng tự nhận như một đạo tràng của Quán Âm vậy. Chùa dựng dưới chân núi Ngũ Lão từ đời Đường cách đây hơn ngàn năm, xưa trông ra biển, nhưng nay biển bị bồi lấp nên thành ra cách một đoạn xa. Thực sự những gì nhìn thấy thì là di tích thời Minh - Thanh là sớm nhất rồi, và hầu hết thì là mới dựng lại.



Lúc đến thì chính điện đóng cửa, nhòm vào thấy tượng Phật khá đẹp. Hai bên có tượng Phạm Thiên và Đế Thích chầu vào.






Đằng sau có một tòa lầu tám cạnh, trong có 4 pho tượng Quán Âm thiên thủ thiên nhãn quay ra 4 phía, là những pho tượng rất đẹp, tiếc rằng để trong lồng kính nên có vẻ trở đồ trang trí trưng bày chứ không còn là thánh tượng thiêng liêng nữa.




Chùa Nam Phổ Đà dựa vào núi Ngũ Lão, núi này nằm bên bờ biển, mà Hạ Môn lại vây quanh, do đó họ đã đào đường hầm xuyên núi để nối hai phần thành phố.

Bạn đồng hành lang thang dưới chân núi, còn tôi leo lên đỉnh. Dọc đường thấy ngọn tháp không cổ nhưng là lạ, lại gần đọc mới biết tháp thờ và có tôn trí xá lợi của Đại sư Thái Hư. Ông là người đã phát động phong trào chấn hưng Phật giáo TQ vào đầu thế kỉ 20, rất nổi tiếng với những di sản để lại với Phật giáo TQ. Ngay phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam những năm 1930 cũng luôn tự nhận là được khơi dậy từ phong trào của Thái Hư đại sư khởi xướng bên TQ. Thái Hư đại sư tu hành và làm việc nhiều năm tại chùa Nam Phổ Đà, xá lợi sau khi hỏa táng của ông được chia làm nhiều chùa trên đất TQ.

Ngọn tháp này xây theo hình thức của tháp đời Tống, mà tôi sẽ gặp và nói kĩ hơn ở sau.






Từ đỉnh Ngũ Lão nhìn xuống, ngay dưới chân là chùa Nam Phổ Đà. Hai phần ba ảnh bên trái là đại học Hạ Môn.




Mặt trời lặn trên thành phố Hạ Môn



Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Sáng hôm sau, rời Hạ Môn sớm, lên chuyến tàu cao tốc đi Tuyền Châu, mất có khoảng 30 phút. Tàu cao cấp giá cao hơn tàu thường, nhưng chất lượng cũng rất cao, có thể nói đạt đẳng cấp châu Âu. Chặng đường ngắn nên lúc tàu đạt tốc độ cao nhất cũng chỉ khoảng 200km/h rồi lại hạ xuống là đến ga Tuyền Châu rồi.

Tuyền Châu / Quanzhou / Guanzhou là thành phố lịch sử nằm bên bờ biển. Thời Tây Chu vùng đất này đã được ghi vào bản đồ Trung Nguyên. Thời Xuân Thu, đây là vùng đất thuộc nước Việt của Câu Tiễn. Thời Hán, Hán Cao Tổ gọi đây là đất Mân, rồi lại gọi là Việt quốc. Cái tên Tuyền Châu được đặt vào năm 589 dưới thời 

Tuyền Châu phát triển mạnh dưới thời Đường - Tống, là nơi giao thương buôn bán tấp nập thời xưa. Thời Tống đây là thương cảng lớn nhất ở phía Đông của Trung Hoa. Nơi đây còn được coi như một thành phố tôn giáo từ thời Đường, khi có cả sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo, và về sau là Tín ngưỡng Trung Hoa như thờ Quan Công, Thiên Hậu. Thành phố có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, nhưng chúng tôi không đủ thời gian để đi hết được.

Sau khi xuống tàu, bắt xe bus vào thành phố, chúng tôi xuống ngay ngã tư góc chùa Khai Phong - điểm di tích nổi tiếng nhất của Tuyền Châu.

Trước mặt chùa Khai Phong là đường Tây Nhai, con đường chính trung tâm thành phố, nhưng là đường cổ nên khá hẹp. Hostel đã đặt trước ở trong ngõ số 187 Tây Nhai, một hostel rất đáng yêu, nhỏ nhưng phong cách.

Hostel có chú chó tên là Hải đạo (cướp biển) rất thân thiện, và xem ra lên ảnh của du khách trú tại đây khá nhiều lần.


Chùa Khai Nguyên

Công trình cổ nổi tiếng nhất của Tuyền Châu là chùa Khai Nguyên.

Truyền thuyết kể rằng một thương gia giàu có ở Tuyền Châu nằm mơ thấy giữa vườn dâu mọc lên một cành hoa sen, do đó đã dựng chùa ở chính vườn dâu của mình năm 686, lúc đầu mang tên là "Liên Hoa tự". Sau đó chùa được mở rộng và đổi tên nhiều lần: Hưng Giáo tự, Long Hưng tự. Thời Đường Huyền Tông, những năm Khai Nguyên là thời kì cực thịnh của Trung Quốc, mỗi châu một ngôi chùa lớn nhất sẽ mang tên Khai Nguyên, nên chùa đổi tên là Khai Nguyên.

Chùa được trùng tu nhiều lần dưới các triều Tống, Nguyên, Minh. Lần trùng tu lớn nhất là thời Minh Sùng Trinh, đến nay các tòa điện chính đều mang dấu tích của triều đại này.

Vào chùa phải mua vé 10 tệ, thẻ sinh viên không có tác dụng với chùa này.

Cổng chùa Khai Nguyên




 

Sân chùa và chính điện


 


Trước sân chùa Khai Nguyên còn cây dâu cổ thụ, mà tài liệu ghi rằng đó chính là cây dâu còn lại từ vườn dâu của vị thương gia xưa kia, nghĩa là nó đã 1300 năm tuổi.






Trước chính điện có hai ngọn tháp đá nhỏ, được dựng vào năm 1114 dưới triều Tống. Hai ngọn tháp này có hình dáng khá đặc biệt, phía trên có bốn cánh tỏa lên trời. Đây là những ngọn tháp được làm mô phỏng theo các tháp vàng chứa xá lợi Phật được thỉnh từ Ấn Độ qua, có từ thời vua Asoka. Trong các cuộc khai quật người ta đã tìm thấy những tháp vàng, tháp đồng chứa xá lợi có hình dáng giống thế này chôn dưới hầm của một số ngôi chùa cổ.

Vì vậy ngọn tháp đá này ngụ ý thờ Xá lợi Phật.






Chính điện - Đại Hùng bảo điện - của chùa Khai Nguyên không thờ Tam thế Phật ba pho như thông thường, mà là năm pho tượng. Hỏi ra thì được biết đây là tượng của Ngũ phương Phật, một hình thức chịu ảnh hưởng của Mật tông.




Tòa điện này được trùng tu thời vua Sùng Trinh nhà Minh. Điều đáng chú ý là ở các đầu cột, các con sơn đỡ dầm được tạc thành hình các thiên nữ cầm nhạc cụ vươn ra rất đẹp. Đặc biệt là các thiên nữ này có cánh, điều mà trước đây các tạo hình cổ điển của Trung Quốc không có. Các thiên nữ, khẩn-đà-la dâng hoa bay lượn thường là tự bay được, không cần cánh. Nhưng ở đây có sự giao thoa văn hóa với Thiên Chúa giáo đến từ phương Tây, nên họ đã chắp thêm đôi cánh.




Sau chính điện có một tòa điện mà tôi thấy còn đẹp hơn, là điện Pháp thân Phật.

Theo quan điểm Đại thừa thì Phật có Tam thân là Pháp thân, Ứng thân, Thụ dụng thân. Pháp thân là bản thể của chư Phật, thường được thể hiện bởi Phật Đại Nhật như lai, là trí tuệ siêu việt phát xuất tất cả chư Phật.

Tòa điện này hình vuông, mái ở giữa bát giác, thoáng các phía lấy ánh sáng. Ở giữa là Phật đài, bốn phía có các bậc với các bồ tát, la hán, thiên vương đứng chầu, bậc dưới cùng có 8 vị quỷ vương canh giữ lối lên mặt mày dữ tợn.




Chính giữa đài là Pháp thân Phật - Đại Nhật như lai ngồi trên tòa sen nghìn cánh, mỗi cánh có chạm hình một vi Phật. Bốn phía là các vị hương thần, thiên nữ tấu nhạc cúng dường, cũng chính là các đấu gỗ đỡ mái chùa. Trên đầu Phật là cái tán bát giác, có những con chim vàng bay lượn.








Tháp đá

Công trình quý giá nhất của chùa Khai Nguyên là hai ngọn tháp Trấn Quốc và Nhân Thọ (Zhenguo & Renshou).

Đời Đường, khi dựng chùa thì tháp Trấn Quốc dựng trước bằng gỗ khoảng những năm 860, sau đó đổ vào năm 1155, được xây lại bằng gạch rồi lại đổ vào năm 1227. Năm 1238 đời Tống, tháp Trấn Quốc được dựng lại bằng đá vững chãi, rồi đến tháp Nhân Thọ. Hai ngọn tháp với độ cao gần 50m đã đứng vững trong tám trăm năm qua, trở thành tháp đá cổ cao nhất hiện nay ở Trung Quốc.



 




Tường tháp bằng đá dày đến gần 2m, chính giữa tháp lại còn có một trụ đá chịu lực, cầu thang chạy vòng quanh cột này kết nối với tường tháp. Chính nhờ kết cấu vững chắc này mà các trận động đất không phá hủy được tháp.

Các bác giỏi tiếng Anh vào đọc thử tác phẩm kinh điển này xem sao






Văn Miếu Tuyền Châu

Rời khỏi chùa Khai Nguyên, chúng tôi đi bộ dọc những con phố, mua hoa quả vừa đi vừa ăn. Phố xá Tuyền Châu không rộng như Hạ Môn nhưng có những nét riêng, đó là những dãy nhà 4 - 5 tầng nhưng phía trên mái ngói màu cam đồng loạt. Người dân nghèo hơn, và có những con phố cũ kĩ hơn.

Đi hết hai khối phố thì đến Văn Miếu Tuyền Châu. Đây cũng là một di tích có lịch sử lâu dài, nhưng công trình chính thì dựng vào cuối Minh đầu Thanh.

Tòa điện chính (Đại Thành điện) có hàng cột một nửa là đá chạm khắc hình rồng cuộn, xung quanh màu sắc sặc sỡ. Tượng Khổng Tử mới làm lại bằng gỗ đánh bóng. Có lẽ trong thời Cách mạng Văn hóa cụ đã bị chúng nó xử lý mất rồi. Mà cũng ngờ rằng toàn bộ công trình này là phiên bản làm lại, không biết cái gì là đồ cổ thật?




Thanh Tĩnh tự

Cách không xa Văn Miếu là Thanh Tĩnh tự, nghe tên thế thì tưởng là một ngôi chùa, nhưng không phải. Đây là một giáo đường Hồi Giáo có lịch sử hơn một nghìn năm, và là giáo đường Hồi giáo đầu tiên ở phía Đông Trung Quốc. Ngày nay nó đã đổ nát, chỉ còn bức tường phía ngoài thôi, bên trong là sân cỏ mọc cao và vài bức tường còn sót lại, thế mà các bạn Tàu vẫn muốn thu tiền mấy chục tệ, nên không ai vào cả.

(À, Văn Miếu cũng thu tiền, nhưng ai có thẻ sinh viên thì miễn, ai không có thì nộp 5 tệ) 


Quan Đế miếu

Lại ngay cạnh Thanh Tĩnh tự là Quan Đế miếu, hay Quan Nhạc miếu, ngôi miếu thờ Quan Công, và đây mới thực sự là tâm điểm hành hương của người dân. Nơi đây khói hương nghi ngút mù mịt, người dân quỳ bạt ngàn, dập đầu, xóc thẻ, xin quẻ, cúng bái xì xụp.

Nếu như ở ta hay dùng hai đồng xu để xin âm dương thì người TQ dùng hai miếng gỗ hình vỏ đỗ, khi rơi xuống đất mà một miếng sấp một miếng ngửa là được quẻ, mừng vui lắm...

Trông miếu không to cao như chùa, nhưng chạm trổ rất cầu kì, và rồng phượng thì bâu chi chít.





Sau buổi trưa ăn trong phố ẩm thực của Tuyền Châu, chúng tôi rẽ qua miếu Thiên Hậu. 

Người Việt Nam ở Miền Nam thì chắc là hầu như không ai không biết bà Thiên Hậu thánh mẫu, một nữ thần Trung Hoa mà cụ thể hơn là Phúc Kiến. Cái danh Thiên Hậu quả thật là quá to, nếu so với các vị nữ thần khác đã từng được thờ cúng trước đó. Bà nữ thần từ thượng cổ được thờ là Nữ Oa chỉ có một cái tên đó, bà tiếp theo là Vương Mẫu được coi như sư mẫu của tất cả thần tiên, nhưng cũng chỉ nằm hàng chữ Vương. Trong văn hóa TQ, Vua đàn ông là Hoàng, là Đế, thì vua đàn bà là Hậu. Thiên Hậu tức là sánh ngang với Thiên Đế. Cái này do sự tôn sùng hết sức của dân vùng biển Phúc Kiến với bà. Cũng vì được tôn sùng cực kì cao như vậy nên tượng Thiên Hậu được đội mũ miện 12 dải, loại mũ chỉ dành cho các vị đế, trên trời là Ngọc hoàng, dưới đất là hoàng đế mới được dùng.

Nếu các bạn thấy ở các khu người Hoa trên khắp thế giới hầu như đều có miếu Thiên Hậu, thì miếu Thiên Hậu ở Tuyền Châu là miếu đầu tiên lập ra thờ bà, có thể coi như Miếu tổ của các miếu. Miếu có tên chính là Thiên Hậu cung.




Bên trong sặc sỡ như thường thấy





Rời miếu Thiên Hậu, chúng tôi hướng về phía Nam Thiếu Lâm tự.

Dọc đường ngang qua một khu với cái cổng to cao, trên bản đồ du lịch ghi là "Linh sơn Thánh mộ". Đây là khu mộ của một vị truyền giáo Hồi giáo từ đời Đường, hơn một nghìn năm trước, và được coi là di tích Hồi giáo thiêng liêng nhất ở đất Trung Nguyên (không tính Tân Cương), di tích quan trọng nhất của Hồi giáo ở phía Đông TQ. Không còn thời gian nên đành bỏ qua nơi này.



Trên đỉnh núi xa là pho tượng đồng Trịnh Thành Công đang hướng ra phía đảo Đài Loan.



Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Tuyền Châu có một ngôi chùa có tiếng nữa là chùa Nam Thiếu Lâm.

Ai cũng biết danh tiếng Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn, Hà Bắc. Thiếu Lâm tự có một số chi nhánh, trong truyện chưởng Kim Dung chắc nhiều người nhớ đến Thiếu Lâm ở Bồ Điền, là nơi Lâm Viễn Đồ từng đến và có được Tịch Tà kiếm phổ (Quỳ Hoa bảo điển). Thiếu Lâm Bồ Điền trong chưởng Kim Dung nổi tiếng thế, nhưng Nam Thiếu Lâm thực lại là ở Tuyền Châu, còn Thiếu Lâm Bồ Điền lại còn nhỏ hơn nữa, chỉ là một chi nhánh thuộc Thiếu Lâm Tuyền Châu.

Cũng như hầu hết các công trình văn hóa tại TQ, chùa bị phá hủy gần sạch trong Cách mạng Văn hóa, nay mới dựng lại. Quy mô dựng lại khá lớn, chiếm trọn một mặt núi với nhiều tầng lớp và các công trình lớn như giảng đường, võ đường, khu lưu trú của tăng sinh và võ sinh.


 

Chính điện Thiếu Lâm Tuyền Châu:




Nam Thiếu Lâm

Nếu Nam Thiếu Lâm Tuyền Châu chỉ có thể, chắc tôi đã không nhớ nơi này lắm.

Nhưng câu chuyện dài thêm một chút. Lúc tôi đi vòng ở hành lang hai bên chính điện, thấy có một số bức ảnh chụp chư tăng của chùa, trong đó có Phương trượng với pháp danh Thường Định. Vị phương trượng có chụp ảnh cùng Phương trượng Bắc Thiếu Lâm - Vĩnh Tín pháp sư, cùng một số nhân vật tai to mặt lớn ở TQ khác. Vốn không thích thú gì chuyện Thiếu Lâm tự lên sàn chứng khoán và đầu óc kinh doanh năng nổ của Vĩnh Tín pháp sư, nên tôi cũng không để ý lắm.

(Ở VN không ai gọi tu sĩ Phật giáo là Pháp sư, mà dùng Đại đức, Thượng tọa, và cao nhất là Hòa thượng. Nhưng ở TQ thì cứ đi tu là có thể gọi là hòa thượng, thậm chí chú tiểu cũng gọi là tiểu hòa thượng. Vị sư có cấp cao hơn thì gọi là pháp sư, và cao nhất là đại sư. Đứng đầu ngôi chùa ở VN gọi là Trụ trì / Trú trì, còn TQ gọi là Phương trượng - tức là cái nhà vuông mỗi cạnh 1 trượng, là nơi ở của vị đứng đầu chùa).

Chiều, khi cả bọn chuẩn bị về, tôi đứng chờ trên sân, cũng có có mấy người khách TQ ở đó, thì thấy ở góc có mấy vị sư trẻ ngồi nói chuyện, có vị mặc áo may ô, có vị áo vạt. Lúc chị V ra, khi thấy chúng tôi nói chuyện bằng tiếng khác thì mấy vị sư đó hỏi, thế là sà lại nói chuyện. Các vị ấy mời ăn quả thanh mai, chua chua mát mát. Quả này hôm trước mua ăn rồi, nhưng giờ là của nhà chùa miễn phí nên thích hơn !!! Cả lũ ăn đỏ choét mồm, tán phét với sư. Có một sư trẻ biết tiếng Anh. 

Được một lúc thì vị sư trắng trẻo ở giữa bảo 1 sư trẻ vào lấy ra tặng chúng tôi mỗi người một quyển sách giới thiệu về chùa. Sách song ngữ Anh - Trung. Mở trang thứ hai, tôi nhận ra người ngồi trước mặt chính là Tu viện trưởng "The Abbot - Master Changding" - "Phương trượng pháp sư Thường Định". Thế là cả lũ khoái quá chụp ảnh chíu chít. Thì ra đây là vị sư lánh đạo thứ hai trong dòng Thiếu Lâm. Hỏi ra thì sư sinh năm 1974, học võ từ năm 13 tuổi, cùng lúc với học Phật, và trở thành Phương trượng năm 2006 khi mới 32 tuổi.

Nhìn Pháp sư Thường Định thanh nhã mặc may ô thế này ai nghĩ là cao thủ võ học, lãnh đạo 80 võ tăng và 200 võ sinh (khác hẳn với sư Vĩnh Tín béo ụt).


Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Ngày hôm sau, rời sang thị trấn Sùng Vũ, nơi còn tòa thành cổ bên bờ biển.

Thực ra cũng không phải là hấp dẫn lắm. Nơi đây ven bờ biển thành cổ dài khoảng vài km bao bọc lấy một khu dân cư. Giờ thì khu đô thị bên ngoài mới là phát triển, người ta biến bãi đất giữa thành cũ và biển thành một công viên thu tiền. Haizzz.

Đứng trên tường thành nhìn xuống






Biển cả, có hòn đá hình con rùa, cái mắt là do người ta khoét vào
(Tất nhiên là các bạn Tàu lại thêm một tràng: "Thiên hạ đệ nhất thạch quy" vào bên cạnh)



Một ngôi miếu Quan Đế trong làng, đậm chất Phúc Kiến, sặc sỡ và rối rắm




Vùng này có nghề chạm đá tinh xảo, một cột đá sa thạch chạm hình rồng rất đẹp. Nhìn kĩ thì cũng có chỗ bị gãy phải lấy keo gắn lại, nhưng nói chung là tinh xảo.





Trưa, cả đám ra bờ biển mua ghẹ, rồi lên xe về Tuyền Châu, ra quán ăn nhờ luộc.

Bữa trưa ở Tuyền Châu rất ngon, và ấn tượng mãi về món canh ngao mà con ngao nào phần thịt cũng được chẻ làm đôi theo chiều dọc.

Từ biệt hostel xinh xắn này:




Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Chuyến tàu Tuyền Châu - Hạ Môn chạy rất nhanh, tàu cao tốc mà. Về đến Hạ Môn lại đổi chuyến tàu khác đi sang Vũ Di. Lần này không phải tàu nhanh, nhưng còn mua được giường nằm. Chuyến tàu chạy xuyên đêm, 5h sáng đến thị trấn Vũ Di Sơn.

Chuyển một chuyến bus, rồi chuyến bus nữa, chúng tôi đến chân khu vực núi Vũ Di. Nơi đây có mấy nhà nghỉ nép vào chân núi bình yên quá đỗi. Cả đám sướng rơn, hớn hở nhìn ngắm. Không khí núi non trong lành tuyệt diệu.



Chuẩn bị tiếp tục hành trình




Sau những ngày gắn với các công trình của con người xây dựng, chúng tôi đi vào vùng núi non hữu tình Vũ Di. Đây là nơi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, và các bạn TQ quảng cáo thì thôi rồi.

Dải núi Vũ Di không cao, đỉnh cao nhất chỉ hơn 2000 mét, nhưng phong cảnh hữu tình, có dòng Cửu Khúc khê uốn lượn đổ ra Nhạc Dương khê, có các hẻm núi, khối đá kì lạ. Xưa kia đã có nhiều danh nhân về đây ngoạn cảnh, trong đó nổi tiếng nhất là Chu Hi, nhà triết học Tống Nho danh tiếng đã từng về đây mở trường dạy học và sống một thời gian dài. 

Vũ Di cũng có danh tiếng về giống trà quý, gọi là Đại hồng bào. Về khoản này thì có cô LM trong đoàn cứ gọi là thôi rồi về hào hứng, chuyên gia trà mà lị.

Ngắn gọn thế thôi, rồi chúng tôi đi lên phía Bắc của khu bảo tồn, ở đó có mấy điểm được đề tên trong bản đồ du lịch: Thủy liêm động, Đại hồng bào...

Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Sau nửa giờ đi bộ dọc theo con đường đá giữa rừng núi trong lành, chúng tôi đến Thủy Liêm động.

Nghe tên thì giống động Thủy Liêm của Tôn Ngộ Không, thấy có người đi trước quay ra bảo không có gì đâu. Nhưng tôi lại rất thích thú với chỗ này: Một vòm đá cong úp ra như một mái vòm cao vút. Đúng trên đỉnh, một dòng nước chảy rơi thẳng xuống. Từ đỉnh đến đáy là 80 mét, dòng nước rót xuống một ao nước nhỏ bên dưới, chỉ như một cơn mưa rào nhẹ, nếu không để ý có khi không nhận ra. Không thể nói là không kì lạ.

 

Giữa vòm đá là một ngôi nhà gỗ, cứ như trong một câu truyện cổ, nơi sống của một vị chân nhân nào đó vậy.



Ngôi nhà gỗ ở lưng chừng vách đá là nơi thờ Chu Hi cùng hai thầy học của ông, trong đó có Chu Đôn Di. Tượng đất đắp không biết năm nào nhưng đã bạc màu, nhà cũng trống tuếch. Thơ thẩn ở đây một hồi rồi chúng tôi đi tiếp.







Cũng như hầu nhiều khu du lịch phong cảnh khác ở TQ mà tôi đã đi, ở đây cũng có hệ thống đường xe buýt nối các địa điểm, mà tiền vé thì bắt buộc phải trả khi vào cổng rồi. Thông thường người ta đến Thủy Liêm xong quay ngược ra bến xe buýt để đi chỗ khác. Nhưng khi biết có con đường xuyên núi sang khe Đại Hồng Bào thì chúng tôi quyết định đi bằng hai cẳng.

Đường lúc này gập ghềnh leo lên xuống, nhưng lại chỉ có mình ta, tha hồ cảm nhận không gian, không giống như con đường to đã bắt đầu đầy người.

Đường ngang qua suối, qua nương chè, qua những chỗ còn dấu tích đường sàn bằng gỗ từ xưa... giữa vách núi, giữa cây rừng. Đôi lúc gặp người dân làm nương.








Nhờ đi con đường núi xuyên rừng, mà chúng tôi đến được một nơi tuyệt vời, đó là một ngôi chùa nhỏ trong núi, nếu nhớ không nhầm thì là Bảo Quang tự.

Ngôi chùa nhỏ nằm bên một dòng suối chảy róc rách, cửa gỗ chỉ để tạo thành một sự ngăn cách chứ không che chắn ai cả. Chùa kề bên núi, một khoảnh vườn trúc, dăm khóm hoa đỏ, mấy nếp nhà gỗ đơn sơ. Sự thanh tĩnh nơi đây thật khiến người ta không muốn dời chân. Chùa tĩnh mịnh, trước điện không có ai, nhưng mấy gian nhà sau thì có vị sư sẵn sàng mời khách chén trà thơm. 

Nếu không phải sợ muộn, chúng tôi đã không chia tay nơi ấy sớm thế.





 Bữa trưa của chúng tôi là mấy quả trứng luộc, bắp ngô trong Đại Hồng Bào. Khu này xa xôi nên cái gì cũng đắt.

Lang thang núi non, chiều sang đến khu Thiên Du, là thắng cảnh quan trọng nhất ở đây.















Một góc Phúc Kiến - thiên nhiên và con người

Thiên Du sơn là một khối đá lớn nằm bên dòng Cửu Khúc khê. Đường leo lên lắt lẻo dốc đứng, bên cạnh có một ngọn thác nhỏ. Trên đỉnh là điện Thiên Du, một ngôi đền Đạo giáo.

Thời Trung Hoa dân quốc, Đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh đã sai xây lại điện Thiên Du, tầng hai làm nơi vui chơi, đặc biệt có một sàn nhảy, và bà thích lên đây chơi và khiêu vũ. Tương truyền rằng để thể hiện quyền lực cũng như ý chí của mình, bà bắt lính phải kiệu từ chân núi lên, và ngồi nguyên trên kiệu đến tận đỉnh.

Leo lên rồi mới thấy việc vác nặng lên núi không khó, mà khó nhất là giữ một cái kiệu sao cho thăng bằng, và phải là người có thần kinh thép mới dám ngồi trên kiệu để lên đây.

Từ đường lên Thiên Du nhìn sang khối núi bên kia. Bên trên có 1 cái đình bé tí, để trèo lên đó phải leo thang sắt khá nguy hiểm, cuối cùng trong đoàn chỉ mình tôi đi.


















 


Đường lên đỉnh Thiên Du. 



Có cho tiền cũng không dám ngồi kiệu trên đường này, nhất là hồi xưa còn chưa có lan can. Có thể người thường không dám, nhưng một người như Tống Mỹ Linh - đã từng lấy ngọc trên mũ miện của Từ Hi Thái hậu gắn vào giày mình - thì dám lắm.





Toàn cảnh







Cận cảnh





Trong khi mọi người vẫn còn thơ thẩn trên đỉnh Thiên Du, tôi quyết tâm xuống núi rồi trèo sang đỉnh đối diện, từ đó chụp lại mọi người bên này.

Đường trèo lên chỉ có một mình, trơn và dốc, có đoạn là một thang sắt cao đóng vào vách đá, chứ vốn không có lối trèo bậc đá.

Đường trèo lên nhìn xuống thế này



Từ đây nhìn sang lối lên đỉnh Thiên Du. Cái đẹp nhất chính là dòng nước chảy trên xuống.

Người đời mải miết leo cao
Nước từ muôn thuở rì rào chảy xuôi