Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2003

Chưa phải là xưa

TOPIC GỐC: http://ttvnol.com/threads/chua-phai-la-xua.140015/

Chưa phải là xưa

Cứ mỗi ngày qua là hình như những ngày cũ lại dễ dàng được gọi là "ngày xưa", hồi xưa. Ấy thế nhưng nó gần lắm, dễ chạm vào ngay không ấy. Này, mở quyển album cũ ra, thế là tha hồ kể lại "ngày xưa", dù mới đây thôi....

Đã ở trên đời này cũng lâu lâu để thỉnh thoảng ngồi nhớ lại cái thuở chưa nên gọi là xưa, thế nhưng vẫn thích nói chữ đó.

Hà Nội để lại trong trí nhớ những gì nhỉ ? Từ ngày còn ở Núi Bò, cái ngôi nhà ọp ẹp xưa ấy hình như phai quá lâu rồi, đến nỗi khi người lớn tuổi hơn nhắc lại thì cũng chỉ cười cười mà rằng : Vâng, hồi trước cũng ở Núi Bò đây. Vâng thế thôi, chứ còn nó thế nào thì cũng lại nhăn nhở cười hì hì ....


Vậy mà đôi khi cũng muốn nói lại về cái thời chưa phải là xưa ấy


--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Hôm qua đang viết bài thì mạng bị die, bao nhiêu công viết thế là mất sạch.
------------------------------------------------------------------------------------
Chẳng nhớ gì về căn nhà đã quá cũ kĩ trong kí ức, vậy mà lại nhớ về cái máy nước đầu ngõ và cái cống sau nhà.
Hà Nội một thời xách nước.
Hà Nội một thời xách nước, khi mà mọi đôi vai của những người đàn ông, đàn bà, đến cả người già cũng phải quen với chiếc quang gánh sóng sánh hai thùng nước, và đến những bàn tay trẻ con cũng thường phải hằn đỏ lên vì chiếc quai xô bằng sắt. 
Chiếc vòi sắt từ trụ xi măng nhiều khi không có khóa và cũng chẳng cần khoá, bởi mọi giọt nước chảy ra từ đó đều được nâng niu hứng lấy bởi những bàn tay khô cằn chai sạn. Tiếng nước chảy, hay tiếng gọi nhau báo có nước là một âm thanh vui tai trong cả khối phố. 
Hà Nội một thời xách nước, khi mà vòi nước trở thành nơi tụ họp của cả khu phố, xóm ngõ, mọi câu chuyện nở ra xung quanh cái khoảnh vuông xây xi măng, giữa những xô, chậu, rau, gạo, quần áo, chăn chiếu và những đứa bé trần truồng tắm táp. Đó là ban ngày. 
Ban đêm, khi cả thành phố chìm trong bóng tối, thì đầu phố, dưới ánh đèn đỏ quạch, mẹ vội vã đem chậu quần áo ra giặt. Nhưng cũng không phải chỉ mình mẹ, bởi có những cô bác khác cũng đang chờ nơi đó, có điều yên ả, chậm rãi , và mệt mỏi hơn. 
Bố cũng bỏ dở công việc để xách về hai xô, cho sáng mai đôi vai mẹ đỡ mệt hơn. Những chiếc xô nhôm, thùng sắt, chiếc chậu Liên Xô, là đồ hứng nước cả khi trời mưa nhà dột.
Có những khi ba giờ sáng, thức dậy, chẳng thấy bố mẹ đâu. Bởi một điều đơn giản : Nước chảy.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Được chitto sửa chữa / chuyển vào 13:07 ngày 17/11/2003


Bé tí, mẫu giáo khu Núi Bò. 
Đường đến đó phải qua chiếc cống đằng sau nhà, kê bằng mấy viên gạch xi măng hay mấy thanh gỗ.
Cái nhớ nhất - thiết thực nhất - là bát và thìa.
Cái thời bao cấp, toàn dân dùng bát sành, bát sắt, thì lũ trẻ con được dùng hẳn bát nhựa nhá. Bát sắt tầu trong lòng men trắng mà bên ngoài thì rằn ri, nhiều khi men bị nổ đen sì. Bát sành thì cái nào cũng ve lòng, ờ, mà giờ nói đến ve lòng có khi nhiều người cũng không biết là thế nào ấy chứ. 
Bát nhựa mầu trắng đục, trơn tru hơn, có rơi cũng không vỡ, và nhẹ nhàng hơn với lũ trẻ con. Chiếc thìa nhôm cán thẳng của Việt Nam có khắc hình con rồng là thứ mà lũ trẻ giành giật nhau để có được, chứ chẳng đứa nào thích thìa inox của Liên Xô, vì nó trơn nhẵn mà chẳng có hình gì cả. 
Và thế là sẵn sàng đổi cho nhau một miếng thức ăn để có được chiếc thìa đó, dù rằng thức ăn có gì đâu? 
....

--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Một ngày của hoa, đường phố, cổng trường, và những ngôi nhà nào đó tràn ngập sắc màu rực rỡ của hoa. Thật nhiều loại, hoa ly lộng lẫy, hồng bùng cháy, cúc rực vàng, cùng những thạch thảo, hồng môn, rum, lay ơn, phăng, ?.
Nhớ trước kia, ngày nhà giáo, loại hoa độc chiếm là hoa cánh ****. Những cành hoa màu trắng, hồng, da cam, tím, mỏng manh, năm cánh giản đơn như chính cuộc sống thời đó. Một bó hoa thật to và dài, chỉ một loài hoa, nhưng thật rực rỡ, vui mắt. Cũng làm gì có những lớp giấy bóng cầu kì; chỉ một mảnh giấy trong đã là đủ lắm, bởi tất cả những thứ vỏ bọc hình thức đó sẽ được bỏ ra ngay.
?oA, cô có bình hoa to quá,?? và thế là những đứa học trò vội vã tháo bó hoa của mình ra, cắm chung vào với những cành hoa của người khác. Chẳng ai phân biệt được, bởi đâu cũng là cánh **** rung rinh, đâu cũng là những sắc màu đơn giản mà tươi thắm ấy.
Cũng có những bông hoa hồng. Hồng bạch cánh trắng hồng, cuộn chặt như ẩn giấu tất cả hương thơm của mình vào trong. Thật lạ là khi bóc từng cánh thì chỉ thấy một màu trắng tinh khôi, thế nhưng từ giữa lòng đóa hoa thì màu hồng phơn phớt vẫn dịu dàng tỏa ra. Đứng giữa những cành măng ta mỏng mảnh, những cành hồng gai sắc, lá xanh thẫm luôn là bức tranh về những bông hoa đẹp nhất mà tôi từng nhớ và sẽ luôn nhớ.
Bây giờ gần như không còn giống hồng bạch ta đó nữa. Những lớp lá măng mỏng cũng chẳng thể tìm đâu.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Cái này thì xưa hẳn này : Núi Bò hiện nay, xưa kia là Vạn Bảo sơn, thời Lý có nhiều đền thờ thần ở đó. Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi rất dốc, nên mỗi khi có lễ tế trên đền, khi kiệu thần rước lên đỉnh, để giữ cho kiệu được cân, người khiêng phía trước phải cúi khom người đến mức gần như bò xuống, nên về sau mới gọi là núi Bò.
Vạn Bảo sơn đã từng là ngọn núi quan trọng của kinh thành Thăng Long thời Lý, xem ra chỉ thua đàn Nam Giao. Tuy vậy đến đời Trần thì suy dần, và nhiều quan lại làm dinh thự ngay dưới chân, và cả trên núi. Ngày nay thì không còn dấu tích gì nữa.
Núi Bò khác hẳn núi Nùng. Thực sự thì Nùng Sơn chính là núi cổ trong thành Hà Nội, tức là núi Long Đỗ, nơi có điện Kính Thiên. Còn núi Nùng trong Bách Thảo hiện nay tên gốc là núi Sưa, gò đất do chúa Trịnh đắp. Về gần đây, đó là nơi nam nữ - xin lỗi - nùng nhau (tìm nhau, từ cổ), nên mới thành cái tên dân dã là núi Nùng.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Trời trở lạnh, mọi người dường như ấm hơn trong những chiếc áo khoác đủ màu sắc, và đây đó, vẫn thấy đôi tấm áo len đan lấy gò lưng trên những chiếc xe đạp cũ kĩ.
Cuộn len, đôi kim đan và những đồ đan dở đã từng là người bạn đồng hành, luôn đi theo trong túi của mọi người mẹ, người vợ, người chị. Bất cứ ở đâu, khi có thời gian rỗi là đôi tay đã phải vất vả ngày đêm với công việc, với dưa cà mắm muối, gạo nước chồng con, lại cặm cụi và thoăn thoắt đưa những đường đan chau chuốt. Hai ngón tay trỏ nhanh nhẹn đưa sợi len vòng qua mũi kim, ngón tay út kéo sợi ra xa cho khỏi vướng, và đôi kim đan múa lên những vòng tròn khéo léo.
Cuộn len nhỏ lại, để tấm khăn, tấm áo dài thêm.
Khi nhỏ, một công việc yêu thích là ngồi cuộn len cho Mẹ. Những bó len dài màu xanh, màu đỏ, hồng, vàng? từ tận nơi phương xa gửi về, được dỡ ra, cuộn thành từng cuộn tròn. Ngang dọc, cuộn len lăn đi, đôi kim đan vót bằng tre đã bóng lên sau bao năm. Những đường cuộn, xoắn, sóng, đơn, kép hòa vào nhau, cho áo con thêm ấm, khăn con thêm dầy.
Mỗi khi có một kiểu đan mới học được, những người Mẹ, người chị lại trao đổi với nhau, cho vạt áo thêm hài hòa, phong phú. Cái mũ len chỉ hở hai con mắt, trùm kín đến tận cổ lại được cẩn thận thêm vào một quả bông tròn lúc lắc. Hình như cái khó đan nhất là găng tay, và chả mấy ai có găng tay, nếu có thì cũng là chiếc găng mà bốn ngón liền làm một.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thắc mắc : những nút len cuối cùng được thắt thế nào cho không bị xổ ra, và chiếc khăn hay tấm áo nào là những đường len cuối cùng của Mẹ ?
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Giở một quyển sổ cũ để đọc lại vài dòng mà những người trước kia viết cho nhau, chợt vui vui khi nhìn thấy cái gáy vở đóng bằng chỉ đã cũ.
Hà, bây giờ có ai còn dùng vở phải đóng bằng chỉ nữa đâu. Tất cả là vở đóng sẵn bằng ghim, bìa cũng đã sẵn, lại còn in mấy con chim hay trái đất, có cả nhãn vở sẵn rồi.
Trước kia, thời cấp 1 thì những quyển vở ô ly là bắt buộc, với hàng kẻ sẵn để chữ được thẳng lối, quyển vở bé bé. Lên đến cấp 2 rồi, được dùng vở 5 hào 2 rồi !!!!.
Chẳng biết cái giá 5 hào 2 một thếp giấy 25 tờ kẻ ngang kích thước gần A4 là từ khi nào, chỉ biết rằng cái giá đó gắn liền với loại giấy đó, cho đến tận khi người ta không còn mua giấy về đóng như trước nữa (hay vẫn còn dùng nhỉ ???).
Hai chục thếp giấy mua về, một mảnh bìa xanh thật to để đó, cắt ra vừa vặn với mỗi thếp giấy. 
Chuẩn bị nào, một chiếc dùi giấy làm từ cái nan hoa mài nhọn, một cái kim khâu bao to, những sợi chỉ được chập đôi, chập 4 để sẵn.
Dùi ba cái lỗ đúng vào đường gập trên thếp giấy, gồm cả bìa xanh, luồn chỉ từ lỗ ở giữa, ra một lỗ ở đầu, vòng qua lỗ kia rồi quay lại giữa, kéo căng chỉ mà thắt một cái nút thật chặt. Thế là hoàn thành một cuốn vở. Nếu lúc nào không để ý thì nó sẽ xộc xệch ngay, lại phải làm lại. Những ngày như thế đau hết cả tay, đỏ lằn lên bởi vì cố dùi, cố kéo. Nhìn những quyển vở đã đóng xong thấy vui vui.
Giấy bây giờ càng ngày càng nhỏ lại, số trang cũng bớt đi, từ vở 100 trang còn 96, và rồi 80. Nhìn cuốn vở mỏng thấy cứ gian gian thế nào !!!!
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Năm nay đào không đẹp. 
Những cánh hoa ít hơn, trên những cành gầy guộc. Lộc không xanh, nụ không nhiều, hoa ít thắm.
Từ bao giờ, người ta chơi đào cây thật nhiều, thay cho đào cành. Ồ lạ, khi người ta cứ phải uốn éo cái thân cây đào cho vặn hết bên nọ đến bên kia. Người ta gọi là đào thế đây. Ừ, thì thế, thế gì mà lạ thế ? Sao cứ phải cong cong như chữ S, èo uột tựa mình con rồng đời Lý ?
Thôi, hãy để cây đào tự nhiên. Đào tượng trưng cho sự thanh cao, cốt cách, trong phong sương giá lạnh mới trổ hoa, cũng như người quân tử, tựa cô gái tiết hạnh, chỉ trong gian khổ mới bừng thắm những vẻ đẹp hết mình.
Những người quân tử không ẹo ọ, những người liệt nữ chẳng uốn mình để làm vui cho người khác. 
Đào có thể nghiêng, có thể gãy, nhưng chớ để đào phải vẹo vọ thân mình......
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Chưa phải là lâu, nhưng cũng đã một năm, từ ngày lập ra cái topic này. 
Cũng lại sắp một ngày 20 tháng 11 nữa.
Ngồi xem tivi, một chương trình nhạt nhẽo, vô vị kinh khủng, nhưng bật lên để trong nhà có tiêng người nói.
Hồi chưa phải là xưa ấy, cả tầng có được một nhà có vô tuyến, là một niềm hạnh phúc. Tối đến, cả tầng sẽ kéo sang đó xem.
Nhà có một cái vô tuyến bố gửi từ Liên Xô về, nên tối nào cũng phải ăn cơm sớm. Điện đắt, lại chỉ được dùng 45 số một tháng, mà lại thường xuyên mất, cho nên thường dùng cả đèn dầu thắp nữa.
Ấy, bảy giờ đến rồi, đó là nhạc chương trình "Những bông hoa nhỏ". Ngày ấy sao mà mê nó đến thế. Một tuần có được 2-3 ngày có phim hoạt hoạ của Nga thì thật là sung sướng. Xem đến mê mải. Hoặc là Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống cũng được. 
Vớ phải mấy cái màn rối của Việt Nam thì chán ốm. Thứ nữa là mấy màn kịch kọt vớ vẩn của mấy cậu thiếu niên. À, mà một cậu ngày xưa, bây giờ thỉnh thoảng thấy vẫn đóng trên ti vi. Không nhớ nữa. Hồi đấy có cái kịch "vai người khác đóng", không có gì thì đành xem.
Chán nhất là chương trình Những bông hoa nhỏ mà lại có các màn múa hát. Ối già, buồn ngủ díp mắt.
Một thời mà quanh đi quẩn lại phim Đông Âu và Liên Xô rõ nhiều. Khoái nhất là Bôm Bốp - Đi A Nốp....