Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2003

Mỹ thuật với những kẻ ngoại đạo

TOPIC GỐC: http://ttvnol.com/threads/my-thuat-voi-nhung-ke-ngoai-dao.106061/


Mỹ Thuật với những kẻ ngoại đạo

Tôi không phải dân Mỹ Thuật, chắc chắn tôi không bao giờ là dân Mỹ thuật.

Tôi không học Mỹ thuật mà cả nhà tôi cũng chưa có ai dính líu gì đến Mỹ thuật cả. 
Ừ thì cũng có cái nàng Mona Lisa của ông Leonardo de Vince treo trên tường thay vào chỗ Người đàn bà xa lạ của ông nào người Nga ấy (người ta bảo treo cái Bà ấy khó ngủ lắm), và lục trong đống sách cũ thì cũng có dăm ba quyển Mỹ thuật Ngày nay, nhưng mà vẫn không liên quan gì hết.

Vậy là tôi viết về những cái tôi không hiểu, nhưng tôi nhìn bằng con mắt của kẻ hồn nhiên đón nhận cái đẹp giống như ánh sáng, cần thiết và sống động, chả biết tại sao.

Căn nhà tôi ở là một tác phẩm xấu nhất của những người thợ quét vôi nghiệp dư, tức tôi và mấy ông bạn hăng hái, mỗi khi có việc thì kéo đến ngay. Mà tôi lại được toàn quyền xử lý hai cái buồng ấy, cho nên nó là mảnh đất bao la cho những nhát chổi hào hùng. Những cái chổi chặt nham nhở bằng dao phay, nhúng vào thứ dung dịch trộn bởi một lọ ve mua ở Cát Linh với một xô vôi tôi đầy sạn xách từ cách đấy mấy khu nhà, hớn hở tung khắp nhà.

Này thì dọc này, này thì dọc nữa này.
"Hùng ơi, kê cho tao cái thước vào chỗ kia,.... khiếp, mà kẻ gì mà toe toét thế, để đấy tao, tao thử với, mày tham thế...."
Cứ thế, ngang dọc, nhễ nhại, bức tường ướt rượt một thứ nhờ nhờ không rõ là màu gì, não nề nhìn xuống mấy thằng con trai vênh váo xốc xếch và tự hào.

Và ba năm rồi, nhà tôi không quét vôi lại.
Còn đó rõ ràng dấu tích lúc tôi chọc vào sưòn nó, nhát chổi đậm hẳn, ấn một cái như tiếng nó kêu oái. Kia là lúc vì cười mà lệch cái thước, đường chỉ xiên lên trên. Tiếng cãi nhau vì thiếu vôi lướt qua chỗ kia, với mảng tường nhợt nhạt nước ve cũ.

Mai về, tường nhà có đẹp hơn không ?




--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Từ ngày bé, bốn bức tường và cái trần sần sùi bê tông của khu tập thể cũ kỹ ấy đã gợi biết bao điều.
Này đây là hai cái vết đế ủng của thằng cha nào đó dẫm lên khi bê tông chưa khô, nhưng không phải??? Đó là hình một người đàn ông đội khăn cao tít lên giống như các bộ phim Ả Rập đấy chứ ? Rồi con lợn con với cái mõm hếch nổi lên trên trần ? Nó không chân, không thân, không tai, nhưng đúng là cái đầu con lợn rồi.
Đám lỗ chỗ trên tường mà vôi không bịt vào được càng tạo nhiều cảm giác. Hồi bé những đêm ngủ một mình thường tưởng tượng đủ thứ, để rồi nghĩ rằng khi mình ngủ sẽ có một bàn tay từ cái đống mặt người lạo xạo bềnh bàng kia thò ra, sờ khắp nơi....
Ba nhát chổi quét vôi không thẳng gợi đến một mũi thuyền chênh chếch lướt đi qua lớp sóng vệt ngang, qua màn mưa xiên dọc, nhoà nhạt, mênh mang. Con thuyền đó mãi nghiêng, biển mãi bình lặng và mưa mãi dạt dào.
Một thứ trang trí lớn nhất, xa xỉ và quái đản nhất cho bức tường là cái giá sách lênh khênh với gần tới cái trần nhà thấp tè. Hàng trăm quyển sách được tích luỹ qua cả chục năm đi Nga của Bố - và cũng chừng ấy năm nó nằm trên giá, không ai lôi xuống.
Thỉnh thoảng trong khi đuổi chuột, tôi vẫn tìm lại được vài tờ giấy viết từ thời lớp 3 giắt trong kẽ sách, vài bức tranh bút dạ nguệch ngoạc....
Cái giá sách ấy rặt sách bìa cứng đủ các màu lam, đỏ, lục, cam, vàng... mốc meo theo thời gian, xô lệch bởi long lóc. Đó là giang sơn của chuột nhắt, gián, thạch sùng, nhện, mọt, nhậy và cả rết nữa.
Nhưng đó quả là một vật trang trí đồ sộ to nhất nhà, lại đập ngay vào mắt tất cả những ai vừa bước vào, làm choáng ngợp những đôi mắt và cái đầu non nớt không hiểu thế nào là "sách không đọc, không làm cảnh, không bán đồng nát được".
Lâu lắm rồi có lần tôi giở hết đống đó ra để lau và xếp lại. Thế là mảng tường đằng sau nó - bất khả xâm phạm với những cuộc quét vôi - hiện ra với cả một lịch sử thăng trầm : Nào là vết bút chì tôi vạch vào khi bé tí và chưa có giá sách, mầu vôi ềnh ệnh của mười mấy năm trước, vài bộ xương thạch sùng dẹp lép dán chặt vào tường, mảnh mai trắng nhờ. 
Sau khi xếp xong cho cao thấp gần nhau, tôi có một tác phẩm nữa, quyển nào còn nguyên vẹn không rách rời chắp vá thì được khoe mẽ ra ngoài, hớn hở phô vài chữ thếp vàng còn sót lại. Đến lần quét vôi tôi chỉ dỡ xuống và đưa lên với đúng thứ tự chứ thấy không còn sức cũng như cảm hứng mà xáo trộn nó lên lần nữa. 
Mỗi cuộc cách mạng như thế chỉ làm kinh hoàng lũ sinh vật từ mấy thế hệ đã cư trú trong đó. Để rồi giông bão qua đi, chúng lại xây tổ ấm.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng




Thẳng hàng với nhau là ba cái cửa, thông thống khiến mùa hạ gió có thể thốc tung tất cả, cuốn bụi mù mỗi cơn giông mùa hạ, ve vẩy gió những đêm nóng nực.
Cửa sổ phòng ngoài thẳng ra hành lang - một thứ lối kiến trúc thể hiện tinh thần tập thể XHCN tuyệt vời. Dù bạn đang làm gì trong nhà, người nhàn cư ngoài hành lang cũng có thể ngắm nghía bạn một cách vô tư - rất vô tư với những người vô ý thức, đến nỗi có lần tôi đứng trong nhà chắn rồi mà họ còn nghiêng đầu nhìn qua vai tôi để xem trong nhà tôi có gì.
Cái ô cửa đó thiết kế vừa khéo để những người có chiều cao trung bình như tôi khi đứng thì mắt vừa chạm phía trên cửa, còn những người đàn bà - những người rất hào hứng khi nhìn vào nhà người khác - thì thật vừa vặn.
Vì vậy dù bên ngoài là một tán dâu da xoan xanh mát la đà, tôi vẫn đau lòng mà chăng ngang một cái rèm cửa lơ nhạt, cho phù hợp với màu ve loang lổ. Cái rèm bằng thứ vải mua ngoài chợ không mặc cả, lâu ngày bám bụi ngả màu, tung tẩy trước mỗi cơn gió, làm căn phòng ngoài nửa kín nửa hở trước con mắt của những kẻ thèm thuồng muốn nhìn vào nhưng không đủ can đảm thò tay kéo rèm ra. 
Bên trên là mấy ô kính mờ để ánh sáng lọt vào, cũng được dăng ngang bằng một lớp rèm cùng màu, do tự tay tôi khâu, chăng. Một ô kính bị vỡ do bọn trẻ con ném vào, trở thành đường chuyển giao đồ vật của những người đến mà không gặp tôi.
Cái ô cửa đó là mảnh trời tuổi thơ, khi tôi thường xuyên bị nhốt trong nhà. 
Đó là bầu trời đen kịt giận dữ kéo dông, là trắng xoá mưa rào, là nắng chói trưa hè. Là một con chim sâu nhỏ trên cành xoan ngay đó mà không sao với tới, là chiếc đuôi diều vướng trên dây điện, là vầng mây cuộn lên cuối trời. 
Là nắng quái rực qua mảng tường khu nhà phía trước, là ánh trăng quầng hiện góc xa mây, là chiếc xe bình bịch ròn rã phía dưới, là tiếng đập chiếu bồm bộp của bà bên kia, là tiếng rao "Ai đổi bún đê" những sáng chủ nhật xa xưa.
Khung cửa ấy là tiếng gọi của thằng bạn thân mỗi sáng đi học, để rồi mặt nó to lù lù nghiêng vào (nó hơi cao), là ánh mắt thập thò của lũ trẻ con xem tôi vẽ bậy bạ, hay chán chơi với nhau mà kéo qua các nhà....
Thôi kéo rèm lại nhé. Chỉ còn một màu xanh lơ nhạt hoà vào màu tường loang lổ.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Vui quá, mọi người vào đây nói chuyện như những người bạn, kể lại mọi chuyện, kể lại những cảm giác của mình. Đó là điều Chitto luôn mong muốn.
Hãy kể về những kỷ niệm thơ ấu nữa đi Dacam.
Hãy nói về những đêm hè trên sân thượng nữa đi Pakita.
Hãy viết về Hà Nội nữa đi Cobalt.....
Hãy nói thực lòng mình, chân thật như những con mắt, và muốn nói gì thì nói, miễn là nói về những cái đẹp, những lưu giữ trong lòng mình.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Cửa đằng sau nhà nhìn ra cái chợ. Chợ đông đúc nhộn nhạo từ bao giờ ?
Khi xa xưa làm gì có chợ ở đó. Chỉ là màu xanh rì của cây. Cây và cây, lá và cành. Ông cụ tầng 5 nhà đối diện thường xuống chăm mảnh đất chung đó, mảnh đất lầy lội bẩn thỉu, lững thững. Me, ổi, hồng xiêm,.... ngợp mắt.
Cây lớn lên xanh mát thì người cũng già đi bạc trắng.
Rồi khi người ta nhận ra đất đai còn quý hơn vàng. Nhà nhà lấn, quây. Những hàng cây xanh ngã xuống cho những mái xi măng mốc thếch trắng loá mắt trong nắng trưa mọc lên. Rồi lục, rồi hồng của quần áo phơi phấp phới, của rác rưởi tầng trên quẳng xuống.
May quá, vẫn còn 2 cây, một cây muỗm và một cây me, trong mảnh đất duy nhất sót lại. Vẫn xanh, vẫn ngợp trời, vẫn còn những chú chim gọi mỗi buổi sáng. Thật hạnh phúc khi mỗi sáng nghe tiếng chim ngoài cửa, tiếng chim tự do chứ không cằn cỗi chói lói như lũ chim trong ***g. Con chim gì nhỉ ? Nó đen và to, nghiêng nghiêng trên cành me.
Và chợ xôn xao. Từ trên nhìn xuống thấy thấp thoáng nón trắng, ngơ ngác rau xanh, hồng hào cà chua, lốm đốm chuối vàng, cam rực trong giỏ, và ngợp vì hoa.
Ba hàng hoa đứng ngay đầu đường, từ trên, mỗi sáng có thể thấy dẫy hoa hồng, cúc, ngày nào cũng vậy. Hoa đủ xa để không thấy sự tàn tạ bó ép của những lớp giấy báo, đủ gần để không nhầm nó với những mẹt hàng khác. Hoa đủ tươi để sắc màu rỡ ràng với những giọt nước lung linh, đủ héo để mỗi chiều dọn hàng còn rơi rớt lại bao nhiêu cánh thắm.
Khung cửa sau nhà, may mắn sao lại là cả thế giới.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Cũng như tất cả những khu tập thể xây dựng vào cuối những năm 70 - đầu 80 khác, cái nhà của tôi cũng có một cái sàn lát bằng những viên gạch men một màu.
So với những sàn xi măng thô kệch sần sùi của những khu cũ hơn, thì cái sàn gạch men bóng đó quả là lý tưởng. Không đọng cát bụi này, lau đi thì sạch và có thể nằm ra này, không đi dép vào nhà này.... Nhưng viên gạch vàng nâu không thẳng đường chỉ ấy, Mẹ đã mất bao nhiêu ngày lau cho sạch những vôi vữa rơi rớt lại, để cho tôi được lăn trên đó mà không phải sợ bẩn.
Mỗi nhà lát một khác. Nhà hàng xóm gạch màu đỏ nâu, có nhà là những hình bình hành ba màu khiến có cảm giác đó như những bậc thang ngắn liên tiếp lên cao dần hay thụt xuống mãi, không để ý thì không sao, nhưng nhìn mãi thì nhức cả đầu. 
Tôi vẫn thấy màu vàng nâu của gạch nhà tôi là dễ chịu nhất. Hay bởi vì mình đã quen thuộc với nó quá.
Đây đó những vệt loang của mấy lần đánh rớt nước chanh, nước cam, dấm xuống. Thứ axid nhẹ kia làm hỏng men gạch - thứ men thật tồi tệ - thành những chấm trắng tròn hay cả một mảng méo mó. Lâu dần những vệt đó cũng mờ đi, nhưng không bao giờ hết được.
Đôi khi những hàng kiến dài trên nền gạch giống như một đường chỉ xiên xẹo trên một manh áo ghép từ hàng trăm mảnh vuông. Đường chỉ chuyển động, xê dịch, ngược xuôi như chia tấm áo kia thành những phần lệch lạc mà bỗng rộng thênh thang. Đêm hè mát lạnh và chiều đông buốt giá....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Lũ trẻ của những khu tập thể xa xưa gắn liền với những cái hàng rào. Hàng rào cây xanh ngắt chứ không phải những cọc sắt tường gạch lởm chởm nhọn hoắt hay lạnh lẽo như bây giờ. Hàng rào là người bảo vệ và là người bạn, chiếc cầu với thiên nhiên rộng mở.
Có ai không thích những chùm hoa và quả găng ? Hoa tím nhẹ nhàng thương thương, chùm nhỏ lặng lẽ ẩn mình trong vòng lá xanh non mỡ màng. Găng luôn xanh, nhựa sống lan đến từng đầu lá, đọng lại trên hoa tím cả sáng đầy sương, chiều đầy gió. Hoa không có hương, mỏng mảnh mà bỗng nở xoà trong mắt lũ trẻ. 
Và quả găng. Dường như nắng của cả trưa hè đọng lại trên những chùm - quả nhỏ bằng đầu đũa ửng màu vàng cam ấy. Trĩu trịt, mà vẫn lọt thỏm trong tay, gợi đến những chùm quả ngọt của phương Tây trong hoạ báo, nơi chả được đến bao giờ. Giá mà quả găng ăn được nhỉ ? Trông ngon thế, căng bóng tròn trịa đầy khao khát. 
Một chùm, lại một chùm trong vòm lá, hoa và quả găng là cả một khu vườn ngon ngọt trong mắt chúng tôi.
Nhưng ngọt ngào thực sự phải là hoa râm bụt. Cành xanh mềm mại, lá ráp hơn, dầy hơn găng, hoa cũng nhiều hơn, ngậm ngùi đỏ chót hay bung xoà như lũ râm bụt tây. Nhưng râm bụt ta ngon hơn, ngọt hơn nhiều.
Này nhé, ngắt lấy bông hoa nào đã lớn, bỏ đài xanh đi, kê miệng vào hút một cái. Trong mấy bông thể nào cũng có bông có mật trên trong, một chút thôi, nhưng ngọt ngào đến thế. 
Cẩn thận những bông già quá nhé, có thể có sâu bên trong đấy.
Cái lũ râm bụt tây tuy to, nhuỵ dài có thể cầm treo như đèn ***g lên được, nhưng lại không có mật đâu.
Râm bụt hút mật xong rồi, thì bẻ năm cánh xoè ra, khẽ thôi không rụng hết cánh. Trèo lên tầng 5 thả xuống.... Chiếc chong chóng hoa bỗng toả thành màu hồng nhạt, quay mãi quay mãi cho đến khi chạm đất. Cái màu hồng nhạt khác hẳn sắc đỏ tươi, nhoà hơn, tròn hơn, đầy hơn mà cũng phôi pha hơn.
Găng ơi, râm bụt ơi, có còn ở đâu bên những con đường rào kín lối vào tuổi thơ ?
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Vật trang trí sống động nhất trong nhà là chiếc bể cá.
Cái bể đó có từ khi học lớp 10, với đôi thần tiên ba vạch tung tăng, đôi cá vàng ục ịch, mã giáp thong thả.
Thần tiên ba vạch là loại cá cảnh gợi đến nhiều kỉ niệm nhất, khi còn bé tí đã mê mải ngắm chúng ở công viên. Chúng có cái vẻ trầm tư đài các, đôi mắt đỏ, ba vạch đen đều đặn thoáng lên những hình ảnh xa xưa, mà khi nghiêng đi khẽ lấp lánh biêng biếc. 
Tôi không thích những con có vây quá to rách mướp như giẻ rách. Cá của tôi đuôi dài nhưng gọn, khoẻ mạnh, thanh thoát. Chúng thoắt lướt mình từ bên này sang bên kia, rồi lại lặng lẽ im lìm một đôi, trên và dưới. Ở chúng thấy những sự đối xứng tự nhiên vui mắt. Này nhé, một đôi râu dưới, vây trên vây dưới bằng nhau cong vút, ba phần đen ba phần trắng, đuôi cũng chia đôi, và cá cũng có một đôi. 
Chúng là những hình hoạ tuyệt vời, sống động, chỉ với hai màu đeu biếc và trắng long lanh, một hình khối đều đặn, đủ rộng để khoe mình, đủ mỏng để lả lơi, đủ độ lan toả để vui lòng người ngắm.
Thần tiên có vài loại, ba vạch, kim sa, vẩn thạch, tam tài. Kim sa trắng lấp lánh như dát bạc, yếu đuối mà mỏng mảnh. Vẩn thạch đen hùng dũng, mỗi tội bao giờ đuôi cũng lê thê rách rưới, khiến cái màu đen huyền bí bỗng trở nên lố bịch, đã thế lại điểm những vệt trắng bẩn bẩn. Tam tài giống một miếng thịt sống với thân trắng nhờ, mảng đen mảng đỏ.
Vì thế tôi chỉ thích Thần tiên ba vạch mà thôi. Có đôi cá nuôi đến hơn 2 năm, rồi một buổi thấy nó nằm im lìm dưới đáy bể, những vẩy nhỏ li ti rụng ra lóng lánh như cát dưới đáy. Phải chăng Thần tiên thanh cao, khi đã chết cũng nằm nghiêng nghiêng duới đáy chứ không nổi lên như lũ cá vàng phễnh bụng ?
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Trăng à, ừ thì trăng nhé.
Trong đời tôi, có nhiều lần ngắm trăng rồi. Từ trên bờ đê, chỉ xem sao đổi ngôi, nằm ngửa nóc nhà xem các chòm sao, thả thuyền giữa hồ Ba Bể ngắm bóng trăng mờ qua màn mây.
Nhưng lần ngắm trăng Tâm Linh và Huyền hoặc nhất, là đêm Rằm tháng Bẩy trên chùa Hoa Yên - Yên Tử.
Tháng bảy âm gần 9 năm trước.
Một đoàn 15 người trèo lên Hoa Yên trong cái nắng mệt lử.
Và đêm, đêm nhẹ xuống trên núi với những màn sương lam trong sắc lá rừng ngút ngàn. Khi đó Yên Tử hoang sơ hơn bây giờ, và ngoại trừ đoàn ra, chỉ còn 2 bà vãi trong chùa.
Sương lan ra khắp núi, mờ hơn. Rồi bỗng rạng lên, là trăng rằm vằng vặc. Giữa muôn trùng núi cao, vượt lên tán những cây tùng cổ thụ bảy trăm năm, vầng trăng tròn từ thuở khai thiên lập địa, vầng trăng của muôn ngàn hồn khổ đang chờ mong siêu sinh tịnh độ đêm này.
Một tiếng chuông. Tiếng mõ, tụng kinh khe khẽ. 
Mấy đứa ra ngoài chân khu tháp. Nằm ngửa gổi đầu lên chân thằng bạn.
Gió rì rào. Cành tùng nghiêng ngả. Cây gạo già gầy guộc.
Trăng chênh chếch. Ánh của nó thao thiết, quặn khúc chảy tràn.
Thiếp đi một lúc. Tỉnh dậy vẫn trăng, và những người bạn vẫn rì rầm nói chuyện. Trăng vẫn đó, gió vẫn đó, lặng thầm tháp vẫn đó.
Mà mình thì qua một giấc mơ.
Yên Tử ơi, đến bao giờ lại có đêm trăng năm ấy?
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như oán thương ai chùng tơ lòng
Hồ Ba Bể đêm ấy đã xa. Vỗ tay mà hát : Ngồi rằng ngồi í tựa í a a a có mấy mạn à an, ới ơ ấy ơ ờ thuyền là ngồi tựa có a mạn thuyền.....
Trăng in là in mặt í nước í có mấy a ấy a càng nhìn
là càng nhìn non nước càng xinh, ởi là ớ hội hừ....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Tôi không biết mấy về quán. Phải chăng có cái gì đó ở những cái quán khiến lòng mình không yên?
Cái quán ấy nằm bên một con đường đầy bụi, xe cộ đầy. Chẳng có gì cả. Không vôi quét tường, không gạch lát sàn. Hai thanh sắt thành hình chữ X lớn mỗi bên đỡ cái mái phi-rô xi măng uốn sóng nóng hầm hập. Tường trát vữa mộc, sàn láng xi măng. Hai tâm cửa sắt cực to chiếm hết phía quay ra phố. Tóm lại chỉ có xi măng, và sắt.
Thằng ấy nó bán sữa chua bịch và hũ, mà dân miền nam gọi là yaourt, kem chuối, bịch đậu xanh,... lung tung. Từ sáng đến tối và từ tối đến sáng. 
Cái bàn gỗ ọp ẹp không sơn, gỗ cũng mộc, là nơi nó quẳng lên bàn những bịch sữa chua, sau khi đã bắt đưa tiền trước và bỏ vào trong cái hộp gỗ khoá lại bên dưới.
À, trong cái gian hàng đó có một cái võng, và thứ có giá trị nhất là cái tủ lạnh để chất những thứ nó bán. Với nó mỗi vết nứt trên tường, mỗi đàn kiến đi, mỗi vết tróc lở đều in sâu, đều nhớ rõ. Bởi nó không có việc gì để làm hết. Nó không có bạn, không có ai hỏi thăm ngoài những câu "bán cho...". 
Nhưng nó có một con chó. Con chó là người bạn của nó suốt hai năm.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Một chiều xuống.
Chiều ở đây kéo dài đến 9 giờ rưỡi, trời vẫn còn sáng. Khoảnh vườn tàn bạc dưới màu sẫm của trời. Cây cối thẫm hơn, lá cũng như rõ hơn. Xanh lá, xanh cỏ.
Giữa thảm cỏ điểm những bônh hoa dại nhỏ li ti. Hoa vàng, hoa trắng, đơn giản, tình cờ nhưng cũng diệu kỳ biết bao. Dường như cỏ dành cho hoa và hoa dành cho cỏ.
Trưa đã từng nắng. Chiều đã từng mưa. Khoảnh vườn này gần thật, cách một lớp kính trong. Mùa đông thì thật cách trở, bởi ngoài là tuyết trắng lạnh lùng, trong là hơi ấm sực người. Còn mùa hè bỗng như hoà vào nhau. Cái nóng làm gần những con mắt với tự nhiên, với cây cỏ sinh sôi.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Khi co mình trong chăn, trong cái cõi ấm áp giả tạo của những thứ từ những người khác tạo ra, bỗng thấy một sự bình yên và tự nhiên cũng thật lạ lùng, không thật và không trần trụi như vẫn tưởng, mà cứng ngắc, gầy guộc, khô héo đến độ muốn duỗi hết tất cả ra, thẳng thớm, ngay ngắn giống như những người đi vào cõi chết, đến nỗi cái tiếng gió ở đâu xa cũng chẳng thể nhầm với tiếng thở như vẫn nhầm tưởng mỗi lần cơn ngủ chưa đến ngay, mà sột soạt tưởng đến tiếng lá rơi năm ngoái, rơi mãi không đến đất, bởi nó biết rằng khi đến đất thì tiếng của nó sẽ tắt, cái hình ảnh của nó trong mắt người ta sẽ hết, cái màu sắc không còn được hình dung tưởng tượng nữa, rồi người ta sẽ đi tìm những màu sắc khác, tiếng rơi khác để mà vẽ, mà nghe, rồi đổ nhạc, đặt thơ, lại lầm tưởng rằng cái ý nguyện muốn làm được gì đó trong đầu mình là thơ là nhạc, chẳng hiểu rằng đó chỉ là thứ chuyển động nhất thời, chỉ như một viên đá lăn xuống triền dốc, hoặc cùng lắm là như chính chiếc lá quằn quại kia, có cố lắm, mong lắm, rơi trong một năm, rời trong năm nữa, rồi thì cũng đến, làm sao giống được cái gọi là sự bình yên tĩnh lặng của những khoảnh khắc vĩnh cửu, không sâu mà chìm, không nặng mà đè, không đẹp mà cảm, không thanh mà nghe, hay như một tia sáng mỏng mảnh cũng chỉ trong phút chốc, nhanh đến mức đôi mắt thường không động hàng mi cũng gần như chẳng hề nhận thấy, mà kịp làm di ảnh lại cả một trời, hay như ánh chớp đến rực rồi đi, để lại bàng hoàng kinh ngạc, hét tiếng kinh hoàng cả đời, cả người, kì lạ mà gần gũi từ thuở hồng hoang, tràn lan nửa trời nửa biển, cao thẳm thẳm trong cõi điên cuồng, hay như một nụ mầm chợt bừng lúc nào chẳng ai hay, ôm ấp cả vạn ngàn nẩy lộc, cố vươn cái sức sống mảnh mai khó nhọc tự bao giờ ẩn dấu, gieo rắc những niềm hi vọng đơn sơ....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Sắc
Khung cửa xanh lá cành hoan lạc
Một nửa tâm tím ngắt đếm người
Có ai hồng ánh mắt cười
Ai vơ cỏ úa bẻ rời rễ khô
Vàng nắng quái ngập ngừng hấp hối
Một loài dâu như máu đọng rời
Ô hay, hoang nhạt một trời 
Chưa chờ sương đến nói lời tàn tro
Buồn nỗi nỗi thắm lời nhớ nhớ
Khói tàn hoang ai bảo rằng lam
Tay ai trơn trắng cho cam
Lòng ta huyền hoặc đêm sang bao giờ
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Có thằng trù ẻo cho mình già chóng chết đây mà !!!!!!
Còn lâu mới 30 nhá.
Khi dưới 20 tuổi, tớ nghĩ sự sống là ở Trái tim.
Khi dưới 24 tuổi, tớ nghĩ : Trái tim và Máu
Bây giờ, tớ nghĩ : Máu và Trái tim.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Đa tạ quí vị và các bạn.
Sinh nhật năm nay có mấy bông hoa màu đỏ của ông bạn, trên những cành xanh trong chiếc bình nhựa nâu.
Món cuốn do tay tớ làm có trứng rán vàng, thịt lợn hồng mỡ trắng, dưa chuột xanh thẫm, .... (+ một số thứ).
Nồi lẩu bốc mả nâu đất xì xụp sôi, chìm đắm trong đó là những lát thịt bò thái vội tươi tắn điểm những chấm gừng nhàn nhạt....
Thôi đ ek nói nữa. Thèm
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng




Hai tuần vừa qua mắt được ngắm quá nhiều cái đẹp, đến nỗi gần như bão hoà.
Thứ nhất là trời đẹp này. Đến Ams bọn nó bảo: mấy ngày trước trời mưa, hôm nay lại nắng đẹp thế này. Nơi đây nắng là đẹp, trời trong xanh đến vô cùng, và cứ mỗi khi chiều xuống, thì tất cả, tất cả lại rực lên một màu vàng huy hoàng trên những công trình, trên màu mây, trên mặt người.
Thứ hai là nước đẹp này. Những con kênh, mặt biển ở xứ đê biển Hà Lan, dòng sông hiền hoà thành phố Gent, con sông thành Rome, sông Seine, các ngõ ngách thành Venice đều gợn sóng dạt dào, lóng lánh dưới ánh mặt trời, soi bóng những toà nhà, những cây cầu bằng đá cổ kính, bằng gạch rêu phong, bằng gỗ cọt kẹt hay dát vàng rực rỡ.
Thứ ba là cây cối đẹp này. Vườn tượng trong rừng Antwerp mờ ảo trong nắng sớm, muôn giọt sương lung linh trên lá. Kìa trong bóng rừng một cô gái mảnh mai chạy thoáng, tà áo tung lên. Thân hình mảnh mai như một thiên thần, đùa vui với ngàn cây xào xạc. Đại lộ Champ Elyseé với hai hàng phong quyến rũ mà nghiêm trang....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Được chitto sửa chữa / chuyển vào 19:21 ngày 01/10/2003

Thứ tư là những ngôi nhà thờ đẹp này.
Nơi hoành tráng lộng lẫy nhất là toà thánh Vatican, ***g lộng huy hoàng, khiến người ta choáng ngợp với những màu sắc, những pho tượng sống động đến mức tưởng như đang sắp bước ra nói chuyện với ta. Hàng chục mái vòm nhỏ, những hàng cột cẩm thạch, những cành lá dát vàng, pho tượng Pietà dịu đàng
Nhưng hai mươi ngôi nhà thờ đã vào, mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng thật đặc biệt. Nhà thờ Ams không rộng mà cao, nông, mang màu sắc thẫm mờ tối, Gent tháp chuông cao vút, nhà thờ Milan trang trí hàng ngàn bức phù điêu cầu kỳ bên ngoài, nhà thờ Florence bằng đá cẩm thạch như một bức tranh màu sắc loè loẹt, nhà thờ Pisa với tháp nghiêng đá trắng nổi tiếng, nhà thờ Venice bên ngoài bằng gạch thô soi bóng xuống kênh, Notre Dame nặng nề với hai tháp chuông, nhưng bên trong xấu ỉn....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Hì, giá mà mình cũng thon thả và mềm mại được như cô kia thì... chết cho xong.
Tiếp tục này.
Thứ năm là những bảo tàng đẹp này.
Bảo tàng Van Gogh ngày nào cũng đông nghịt người, may quá hôm đó đỡ hơn một chút. Đi dọc theo bức tường treo những tác phẩm bất hủ của ông, thấy có những cảm xúc thật khác. Với những kẻ "mù dở" về mỹ thuật như tôi thì tranh Van Gogh rất khó hiểu, khó thấy đẹp. Nhưng khi đứng trước bức tranh thật, thì sức sống của nó dường như toả ra, khác hẳn với những tờ giấy bóng thường được nhìn. Đặc biệt chân dung tự hoạ của ông mang một vẻ lạ lùng đến ngẩn ngơ.
Bảo tàng quốc gia Hà Lan, bảo tàng Vatican không vào, mà để dành cho Louvre, để rồi thấy bão hoà và mệt mỏi với hàng vạn hiện vật nơi đây. Vô thiên lủng tượng, tràn lan tranh, lổn nhổn quan tài Ai Cập, đến phát chán. Nhưng đó là cái chán giữa tràn ngập cái đẹp, để biết rằng mình không đủ thời gian và trí lực để có thể thưởng thức hết.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Ngày trở về.
Ngôi nhà đã không còn như những gì mô tả nữa. Thay đổi nhiều. Màu sắc hơn, vui mắt hơn, thuận tiện hơn.
Ừ, cũng là một vẻ đẹp , vẻ đẹp khác, hiện đại hơn. Cũng có sao đâu khi người ta thay đổi con mắt và cách nhìn. Giữ những cái cũ có điều hay mà cũng chưa chắc đã hay. Thay đổi bằng cái mới cũng vậy.
Một mảng tường màu xanh đậm với những mảng màu trắng còn lại, một màu đỏ sen với vàng nắng, đứng cạnh nhau.....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Hà Nội đã là thu
Bụi vẫn còn mê mải
Mùi khói còn vương mãi
Hà Nội thu rồi, thu lâu rồi, ai ở nơi đây cũng biết như vậy. Tiết trời không nắng rực rỡ, mà hanh hao một chút, nhạt đi một chút như người con gái chỉ khẽ cười mỉm chứ không hé làn môi, và càng không thành tiếng.
Chao ôi những con đường, xe và xe, người và người.
Tối gặp thằng bạn, hơn một năm rồi đấy mày ạ. Hè hè, thỉnh thoảng hâm hâm mà nhớ lại cái hồi trước, cái hồi hơn mười năm rồi ấy. À, đằng sau ban công nhà hắn còn trồng hoa quỳnh và hoa huệ, hôm ấy mười sáu bông hoa huệ nở, cùng với năm bông quỳnh. Rồi vặt lá roi vò nát cho thơm. Cô em nhà đối diện hình như đang hát. Làm thơ này, hát này, thắp nến lên này, nguệch ngoạc, rồi khắc vào cục nến này....
"Nhà tao xây xong rồi, thứ hai chuyển, chỗ này cho thuê,..... được phân chỗ kia, mới chỉ là...,... , ..... chỗ đấy hai........
Giờ thì phải thực dụng thôi, mĩ miều là ở chỗ có nhiều miếng, càng to càng tốt, to rồi khắc đẹp, mà cũng không nhất thiết là đẹp, miễn là to.
Hoan hô cái sự To trong cái Đẹp.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Nhớ chứ. Món nợ người ta nợ mình thì nhớ lâu mà món mình nợ người khác cũng phải nhớ kĩ.
Sẽ không có gì nhiều cả đâu, nhưng chắc chắn là có.
Đừng mong tham lam làm gì, sẽ không to đâu, nhưng hi vọng là có thể được coi là đẹp.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Hôm nay gió về, gió về nhiều quá.
Hình như khi ở giứa cái mùa thu, mùa đông, thì bỗng lại chẳng biết nói gì và viết gì, bởi mọi thứ rõ ràng quá, cụ thể quá, đơn giản quá, và bởi ta bỗng như chẳng còn là ta.
Không thị Sắc, Sắc danh Không
Ngày nào cũng phải nhuốm hồng trần



Ngoài đường thật nhiều hoa, các loại, các màu sắc, rực rỡ có, trầm lắng có, mỏng manh yếu đuối có, tràn đầy sức sống cũng có, thơm ngát có, hăng hắc có, và không hương vị gì thì càng nhiều.
Những lớp giấy bóng sặc sỡ, loè xoè giống như cái váy bồng quá rộng cho một nàng công chúa quá gầy, khiến người ta nhìn cái váy và thắc mắc bên trong chân váy có gì hơn là ngắm xem gương mặt nàng có nhan sắc đến đâu. Đôi khi nàng công chúa hoa lại càng chìm nghỉm hơn khi người ta quấn quanh cái váy xoè đó mấy lớp dây, dợ, kim tuyến xanh đỏ. Nó lòng thòng, cong queo, uốn lượn lê thê, làm nàng càng thẹn thùng tủi hổ.
Lại thèm nhớ đến những đoá hồng bạch hồi trước. Những bông hồng không rực rỡ, không tinh khôi như những cô nàng đồng loại da trắng phương tây, mà từ giữa lớp cánh ánh lên màu hồng dịu, ấm áp, tràn sức sống như ngọn lửa trong tim, dịu dàng đến muốn ghé môi hôn.
Và hãy hôn đi, hãy nương lại gần đoá hồng bạch đó, để lặng nghe hương thơm tự nhiên tràn đầy giữa những lớp cánh cuốn hờ hững, mà ẩn chứa những điều gì chưa nói.
Nhớ khi tự tay mua những cành hồng đó, tự tay bó trong một lớp giấy kính trong, để mang phong cách riêng của mình. Dù người được tặng có hiểu điều đó không, thì vẫn thấy khoái chí hơn những nàng công chúa loè xoè xanh đỏ bây giờ.....
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Năm giờ. Có tiếng gõ cửa. 
Một chàng và một chàng. Một lủng lẳng, lúc lắc, dài dòng, loã xoã, lột xột màu mè; một ấm áp, ngon lành, xinh giai, gọn gàng.
Hôm nay tất cả những lọ hoa đều đã được chu du ra thùng rác, là chỗ của chúng sau những ngày tận tụy cố gắng khoe màu khoe sắc. Mùi bốc lên kinh khủng.
Một nàng hấp háy, muộn màng, lóe chóe, vênh vênh, gấu gấu. 
Một quán tối tối, vắng vắng, lặng lặng, nặng nặng, nửa nọ nửa kia, lạnh chẳng lạnh mà ấm chẳng ấm, kín chẳng kín mà mở chẳng mở.
?..
Hẹn ít nữa.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Những ngày cuối năm lành lạnh, lên Sapa để hưởng cho trọn cái lạnh mùa đông. Sáu năm rồi quay lại, những thay đổi khiến cho nơi đây vừa đẹp lên vừa xấu đi, nhưng cái hoang sơ, cô tịch ngày nào thì hình như gần mất hết.
Mây, khắp nơi là mây, ở trong mây, đi trong mây, ăn trong mây, nói ra mây. Buổi sáng đứng cách nhau hai mét là có thể thấy những làn mây bay qua giữa hai người. Trưa bừng lên qua màn mây nhẹ, vài vạt nắng, mà vẫn xanh xao tất cả, run rẩy mọi điều.
Những mảng khách sạn bốn năm tầng khiến cái mỏng manh giữa mây của Sapa bỗng thô hơn, tựa như những khối đá, lòe loẹt mà lại lộn xộn xấu xí hơn nhiều cái khăn đỏ của cô gái Dao. Nhà nghỉ năm nào chỉ có hai tầng, bước ra là nhìn thấy cả một vạt lũng dài với con suối uốn quanh; nay đã thêm ba tầng nữa, nhưng phía trước cũng bị chắn bởi ngôi nhà khác. 
Hàng thông vẫn đó, từ cả trăm năm nay, thông đã từng vươn lên kiêu hãnh trong biển mây bồng bềnh trong ảnh của các nghệ sĩ, nay lúng túng, chơ vơ giữa những khối vàng, xanh ngày càng bò dần lên đỉnh, nhô ra bên sườn núi. Cái nét đen vẽ thẳng lên nền mây trắng nay bỗng như vệt màu lạc trên bức tranh hình học.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Sapa vẫn đẹp, vẫn đẹp với nhiều người, với mọi người. Nhưng hồn Sapa mất một phần rồi.
Vào chợ, đông đúc, chen chúc trong chiều thứ bảy và ngày chủ nhật. Những tiếng mời chào lơ lớ ?omua cái này đi này?, ?ocái này đẹp lắm này? xen trong tiếng chao chát, tiếng Tây tiếng ta lộn xộn. Ờ thì vẫn bình yên miền cao đấy, vẫn những chàng trai cô gái người Mông, người Dao mà cổ, tai, tay đầy vòng bạc, sắc màu thổ cẩm nhuốm bụi lại bỗng thật hơn, nhưng lại cũng xen vào bao nhiêu mảnh thổ cẩm dệt máy xanh đỏ như cái thói đời thường vốn nhạt nhẽo mà cứ phải cố chấm cố tô thêm vào để cho tưởng rằng là đẹp.
Mấy đứa bạn hớn hở lùng sục vào các nơi, chọn mua cái này cái kia. Cái khăn đội đầu mua ở chợ, mảnh vải trước ngực của người Dao ở bản Cầu Mây, cái áo người Mèo, đồng bạc hoa xòe của Pháp trên đường đi Cát Cát, hay cái vòng đồng bản Tả Phìn, trông chúng nó vui vẻ và thích thú lắm.
Không mua cái gì hết. Chỉ nhìn chúng nó, và nhìn những bà già Mèo áo chàm đen, cô gái Dao khăn đỏ rực xúm quanh chúng nó cất giọng mời chào (cái giọng mới lọt lỗ tai làm sao, lơ lớ, mà chỉ gặp ở người thiểu số). Muốn mua cái gì đó làm quà, nhưng tặng ai bây giờ lại là một chuyện. Thôi vậy, cái niềm vui tặng cho người khác cái gì đó giờ chợt nhẹ như hơi thở, tan rồi.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng




Hàm Rồng mờ trong mây, với thiên hình vạn trạng đám mà thằng bạn bảo rằng Thạch Lâm của tầu cũng chẳng đẹp hơn được. Luồn qua khe đá, bỗng mở ra trước mắt thảm cỏ xanh với những khối đá kì lạ, nghiêng ngửa, xô đẩy, lẻ loi, lảo đảo. Những vạt ngô xanh mướt năm trước, vườn đào mà mấy đứa hồi nào còn leo trèo hái ăn như con khỉ họ Tôn giờ không còn nữa. Thay vào đó là vườn hoa, trồng thành hàng thành luống, thành cụm thành khóm, thành mảng thành hình. Đẹp thật, cầu kì thật, và cũng bỗng nhớ.
Xuống Cát Cát à, năm nghìn nhé, à, mà thôi không lấy vé, chín người đưa hai nhăm nghìn đây; đi Cầu Mây sao: vé; trèo Thác Bạc theo bậc thang, vé; lên Hàm Rồng: vé; vào bản Tả Phìn: vé. Cái bình lặng của phong cảnh đôi khi bị làm phiền bởi tiếng sột soạt tiền giấy chứ không phải loạt xoạt váy gái Mèo, và chắc ít nữa là tiếng loảng xoảng tiền xu thay cho tiếng lanh canh vòng bạc. 
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Đào không đẹp như mọi năm. Nhưng vẫn là hoa đào.
Cái sắc màu đơn giản đó, càng như thấy giá trị thêm lên, khi mà người ta có thể quên nó đi, xa nó hơn và thậm chí đánh mất nó.
Những người bạn bên kia than thở : "Tết thế này ư?". Có lẽ mình cũng có thể than như vậy, nếu như không biết những người bạn đó thế nào. Không có màu xanh bánh chưng, không có màu đỏ hoa đào hay màu vàng hoa mai, không có màu trắng dưa hành, màu trong của miến, màu nâu của mộc nhĩ nấm hương....
Cũng không hẳn. Cũng có. Một cô giáo dậy trẻ theo chồng sang đó đã kì công cắt những mảnh giấy màu và dán thành cành đào, mọi người nói là giống lắm, giống ghê. Nhưng đào đó chẳng thể nào rụng.
À mà năm nay đào ở nhà cũng không đẹp đâu mà.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Năm nay đào không đẹp. 
Những cánh hoa ít hơn, trên những cành gầy guộc. Lộc không xanh, nụ không nhiều, hoa ít thắm.
Từ bao giờ, người ta chơi đào cây thật nhiều, thay cho đào cành. Ồ lạ, khi người ta cứ phải uốn éo cái thân cây đào cho vặn hết bên nọ đến bên kia. Người ta gọi là đào thế đây. Ừ, thì thế, thế gì mà lạ thế ? Sao cứ phải cong cong như chữ S, èo uột tựa mình con rồng đời Lý ?
Thôi, hãy để cây đào tự nhiên. Đào tượng trưng cho sự thanh cao, cốt cách, trong phong sương giá lạnh mới trổ hoa, cũng như người quân tử, tựa cô gái tiết hạnh, chỉ trong gian khổ mới bừng thắm những vẻ đẹp hết mình.
Những người quân tử không ẹo ọ, những người liệt nữ chẳng uốn mình để làm vui cho người khác. 
Đào có thể nghiêng, có thể gãy, nhưng chớ để đào phải vẹo vọ thân mình......
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Theo tớ hiểu thì hình như trong văn hoá Trung Hoa không có hoa bích đào như nhà ta. Hoa Đào là tên thuần việt. Còn TQ thì đó cũng là Mai, mai có màu hồng, màu đỏ - Hồng mai. Mai có các giống bạch mai, hoàng mai, hồng mai,....
Còn cây đào của TQ là cây đào lấy quả - hay là giống đào phai có 5 cánh nhà mình, giống đào núi ấy.
Vì thế những lời lẽ dành cho mai, có lẽ với hoa đào cũng không khác gì lắm. Cây mai của TQ nhiều khi cũng to đẹp, cũng tua tủa, thậm chí là cổ thụ, xù xì, gẫy khúc, vặn vẹo như cây đào đó, chứ không hẳn là cái giống mai trắng mong manh yếu ớt bé tí như nhà ta đâu.
Tất nhiên cái điều gầy như mai của các thục nữ thì là giống mai trắng rồi.
--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Cái đẹp thật đơn giản, phải không Hiệp.
Ăn tiết canh, lại chợt nhớ đến cái Tiết canh luận dạo nào. Thế mà cũng lâu lâu rồi.
Thế mà cũng 1 năm rồi, từ ngày gặp mấy người lần đầu. Từ ngày thằng Dacam mặc đồ da cam, mày ngồi hát, còn nó ngồi chơi đàn trong cái quán đó. Từ sau lần cuối năm nơi cuối ngõ, chưa một lần quay lại.
Cái đẹp có còn đâu nữa không? Khi chính mắt mình đã đục?