Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2003

Chuyện làng Ven

Gốc: Chuyện làng Ven

(30 May 2003)

1.
Mưa, mưa cả ngày.

"Nước sông lên to quá, thế này thì đò làm sao sang được, trên huyện không thằng nào về xây cho cái cầu tử tế thay cho cái thanh sắt kia đi à". Vừa xua bầy vịt vào trong lều, lão vừa lẩm bẩm.
Cái thói quen lẩm bẩm một mình đến với lão chả biết từ bao giờ. Phải chăng từ hồi lão bị bọn trẻ con đánh bả mất con chó vàng của lão. Người ta không biết vì người ta ít khi nghe thấy, mà lão càng không nhớ vì lão cũng không biết mình nói một mình.
Lão chăn vịt ở bên sông dễ đến hơn chục năm nay rồi ấy nhỉ. Từ cái đận lụt năm Dậu nước ăn vào đồng thành cái đầm Trấu thì vịt của lão đã lạp cạp chúi đầu xuống đám chân rạ sũng ướt rồi. Cái lều của lão dựa vào khóm tre ba lần tốc mái tranh, cũng như những thằng mang tiếng hộ đê đòi dỡ mấy lần làm củi đun, (thực ra là vòi mấy con vịt bầu của lão), thế mà vẫn chơ vơ trèo trẹo ở đó. Cái cây tre buộc túm lá chuối trên đầu lão chống, lão dùng để xua, có lẽ cũng vài năm rồi.

Nghe tiếng trời gầm là lão đã lo. Cái thứ mưa này không chơi được, nó cứ là làm nước sông tràn hết vào đầm Trấu, có thêm tôm cá đấy, vịt của lão có cái ăn mà đỡ phải đi xa đấy, nhưng mà người ta không sang sông được.

Chả hiểu sao không liên quan đến lão, mà lão vẫn mong có người sang sông....


2.
"Lại thế rồi, chúng mày cứ làm khổ ông, làm khổ bọn bên kia sông với lại cái bọn bên này,...."

Lão ngồi rên rỉ bên siêu nước đun bằng mấy thanh tre cắm vào cạnh ba viên gạch vồ nung dối, màu đen phòi cả lên giữa thân gạch. Ừ thì lão đang nung tiếp cho chúng đây. Nhưng mà cái sự nung sau khi đã vứt khỏi lò, có làm chín thêm được viên nào đâu. Cũng như cái bệnh thấp khớp ấy. Ngày trước cụ lang Mí Lù bảo lão uống liền 4 thang thuốc của cụ ấy đưa thì đỡ nhiều lăms, thế mà lão chỉ vì một hôm giông đi xua vịt đến tối là lỡ mất một hôm không uống, sau có bổ thêm mấy cũng chả ăn thua gì.

"Mẹ mày, cái lũ chúng mày đói thì tao lại không à", lão lầm bầm khi mấy con vịt bị xua về sớm lục xục trong cái chuồng cót ép ngay bên lều. Cũng mưa thế này, cũng nghe tiếng nước cuộn như thế kia, mà sao khác thế, khác hồi hai chục năm trước thế ?
Lão chả buồn nghĩ nữa. Mai mà không hết mưa thì cứ xua chúng nó ra, kiếm được gì thì kiếm. Nhức thế này chắc chả theo được. Mất con nào thì cũng chiu thôi. Mà lạ, hồi trước để mất bao nhiêu còn chả nghĩ, giờ lại nghĩ. Đến mụ ấy còn...

Thôi đã bảo chả nghĩ nữa cơ mà. Mai chặt mấy cành tre gài lại cái mái kia vào không chả mấy đỗi gió lại tung hết. Cái thằng cả Bu bảo đến chằng lại tấm liếp mà chả thấy nó đâu, chỉ được cái hứa suông, hứa thế thì hồi trước tao có mà hứa cả tổng này đi vác võng cũng được à. Mà cái võng này cũng sắp đứt dây rồi không kiếm cái thừng khác xâu vào thì có lúc rơi phịch xuống đất ấy chứ. Cái võng từ hồi con mụ ấy...

Đấy, đã bảo không nghĩ lung tung nữa. Gặp thằng cả Bu phải hành nó một trận. Đã hứa mà không đến..



.
3.

Chờ cho mấy thanh nứa ẩm xì đầy khói cháy đến cong cả tàn tro, siêu nước vẫn chưa sôi hẳn. Nhưng thôi, đổ vào cái gói mì này cũng được rồi. Mì của bố thằng cả Bu mua cho ngon hơn là ở quán bà Thủy, mì gì mà bở bở, bỏ vào chưa được tí đã nát ra rồi. Buôn gian bán lận cũng vừa vừa chứ. Cái thằng cả Bu cứ gọi lão là ông, ông họ xa tít mù, có khi cũng chả họ hàng gì, nhưng làng xã cứ nói thế thì biết thế. Mà được cái thằng đấy nó cũng hay qua lại, lão thì lão chả cần, nhưng có nó qua lão cũng còn có người để mà bảo “Mày chặt cho tao cây tre, khúc trên pha thành bó lạt mai tao đem sang chợ”. Lão thì ai cũng mày tao hết, đến bà Thủy mà có lúc lão cũng mày tao, chắc chỉ có cụ lang Mí Lù với sư ông chùa Thất Lục là không thôi.

Nhưng mà ăn mì không, lão chả buồn nuốt nữa. Lão lại thèm rượu. Lão không uống được mấy, chính vì thế lão lại muốn uống, cho nó chóng say. Say một mình thì lão say, còn với mấy thằng canh đê thì chẳng thà lão đổ xuống đất còn hơn. Hoặc giả bố con nhà cả Bu có đến mà lão còn rượu thì cũng bắt con vịt bó bùn nướng mà uống vài chén, rồi có khi hai bố con nó còn ngồi đấy thì lão đã lơ mơ mất rồi. Hôm nay lão cũng muốn lơ mơ.

Cái chai lăn lóc góc lều, nùi lá chuối khô rơi ra một bên.

Lão ngửa nghe tiếng mưa đang ngớt dần. Thế thì lão sang bên sông một cái.


4.

Hồi hôm lão đã lấy ở quán bà Thủy một chai, nhưng mà đang bận lũ vịt ngoài bên đê nên không tiện xách, lão bảo bà ấy dúi vào dấu dưới gầm quán. Được cái quán ấy gần bờ, lúc nào cần lão đi qua, giả vờ cúi xuống là lôi chai ra thôi. Rượu có hơi đất có khi hoá hay, mụ ấy ngày trước cũng hay chôn rượu nếp dưới đất cả tháng, đào lên, cứ gọi là ngọt lừ, ăn tí là say, lão thì chóng say mà sao mụ ấy vẫn hay làm?

Mưa mùa này đến rõ hãi mà tạnh cũng chóng, chả thế mà trời đã quang cả ra. Trăng đã lại loáng loàng trên nước sông lờ đờ kia kìa. Trông lờ đờ thế nhưng xiết lắm đấy, bao nhiêu năm với con sông này lão lại chẳng rõ quá à. Rõ nên lão chả ngại, mà sang sông lúc nước to thế này cũng thấy vui vui, cứ như hồi bé cưỡi con trâu dữ, ghê ghê nhưng vẫn cưỡi được.
Lão cởi cái nút buộc dây mũi ở gốc tre. Buổi sáng buộc thế nào mà cởi mãi chả được thế này ? Cái nút cột chèo mọi khi lại khó thế à? Hay tay mình nó nhác rồi.
Đã thế không đi nữa, lão quay vào thôi.
Lão quay vào thật.
Nhưng rồi lão lại đi ra. Trăng sáng sau cơn mưa thế kia mà đi ngủ sớm, cái chân lại nhức thế này thì chả ngủ được.

Lúc sau là lão đã ở giữa dòng rồi.
Cái cây chèo khua đều đều, lượn tránh những chỗ nước xoáy. Đáy con sông này có gì có khi lão cũng thuộc chứ nói gì nước. Nhiều người vẫn gọi cái thuyền của lão là đò, bởi lão cũng hay chở người làng, dân chợ qua sông mà chả lấy đồng nào, nhất là những lần nước to thế này. Nhưng đấy là người quen thôi, hay người lão biết, lão không ghét, hoặc như bà Thủy, lão ghét nhưng mà cần. Chứ người không quen biết thì có năn nỉ trả tiền lão cũng chả đi. Lão lấy tiền làm gì đâu. Mụ ấy với lão đâu phải vì tiền.

Loáng quáng thế nào, lấy xong chai rượu thì cái thằng tướng cướp với con Nống lại ở đấy. Lần mò gì thế không biết. Không có tao thì chúng mày đêm có khi sờ được cả rắn nước đấy.


5.

Cái chèo trong tay lão lại đều đều. Lần này chậm hơn, cẩn thận hơn, không như lúc sang sông lão chèo hơi ngược dòng, giờ vì có thêm người nên con thuyền lão để trôi xuôi xuống dưới, rồi lựa mà sang ngang, cho nó dễ. Chứ cứ cố ngược về gần bến đò có khi lật thuyền thì đi thăm hà bá cả ba như chơi.
Các cụ hồi xưa nói là "Bà" ở sông này khi thường cũng gia ân hiền hậu, nhưng những đêm trăng là "Bà" hay cưỡi thuồng luồng tuần hà, gặp ai không tránh là "Bà" lôi xuống.
Cũng lạ, nơi khác người ta kính Ông, vùng này lại tế bà. Hình như Bà là quận chúa thời xưa, oan khuất sao đó mà trầm mình nơi sông này, thế rồi thành thần, thành hà bá, thành Bà Thuỷ. Ồ mà cũng lạ, sao lại là Bà Thuỷ nhỉ ? Có giống bà Thuỷ bán tạp nham trong chợ không? Liệu khi Bà nổi giận, có khiếp bằng lúc cái giọng xoe xoé vóng vót từ cái miệng trầu đỏ lòm của bà bán rượu chửi bọn mua quịt không nhỉ ? Bà ta cũng Thuỷ đấy, mà sao toàn bán điêu với lại chửi người ghê thế.

Hồi trước còn bé, lão cũng cùng mụ ấy được nghe cụ từ kể chuyện Bà Thuỷ độ cho người tốt ngã sông khỏi chết đuối mà lại dấn lật thuyền quân gian cho trôi xác đến cửa miếu bà mới nổi lên, mụ ấy cứ ngồi dúm lại gần lão, mắt đăm đăm nhìn lên. "Đấy, nếu không được Bà hoá phép cho cây lau bỗng dai như dây mây, thì thằng Phó đã thụt bãi lầy từ cái đêm đi đánh giậm rồi ấy à", cụ từ mắt kèm nhèm toàn gỉ, tay gãi loạo quạo dọc ống chân mốc meo bảo thế.
Mụ ấy sợ dúm, còn lão thì cứ túm tay lôi ra bờ sông "để cho Bà Thuỷ lôi xuống ngắm đáy sông", lão làm cho mụ ấy hét váng bờ sông mới chịu buông.
Một đận dài mụ ấy nhất định không chịu ngồi thuyền lão để qua sông, bởi "anh hay báng bổ Bà, Bà lật thuyền lúc nào không biết", mụ ấy nói lão, lão tức ghê, lại càng hay báng bổ bà hơn. Có lần lão còn chờ đêm trăng ra bờ sông vạch quần mà đái, mà thách Bà lên đấy. Giỏi thì lên lôi lão xuống đi. Lão nhớ, cho đến cái lần cuối cùng lão chở mụ qua sông mụ cũng nhắc lại.

Lão bao nhiêu lần đi lại trên sông trong đêm, mà có đêm nào gặp Bà Thuỷ đâu. Ấy thế nhưng khi gặp lũ trẻ con, lão lại doạ "Chúng mày cấm có dại mà bơi sông, Bà Thuỷ bà ấy lôi tuột xuống đấy thì tao chỉ có đứng trên bờ mà vái, đấy, như ông Phó đấy, đi đánh giậm đêm gặp Bà, Bà lôi xuống, may vớ được cái dây mây chứ không thì..."
Ấy thế mà bọn nó cũng có đứa tin.

Đêm nay lại có những hai đứa. Hình như hai đứa này lão cũng nói chuyện Bà Thuỷ rồi, thôi lão chả nói nữa kẻo lại nhàm, chúng nó lại cười như lão cười ông từ hồi xưa....


6.

“Mấy con mẹ với thằng cha chúng mày mà nhìn thấy chúng mày thế này, lại chả tế lên ấy à, rồi là đến khổ với lão Phó, cái lão khó tính đến vênh cả ván”. Lão chẹp miệng than khi hai đứa kia đã lên bờ. Ấy là lão nhớ lại cái thời ông Phó đóng cái thuyền cho lão. Ông ấy chắc tay nghề lắm, đồ mộc trong làng này, trừ khi đồ tế tự ngoài đền phải thỉnh ở làng Cầu, hay bây giờ chúng nó chơi sang mua đồ trên tỉnh, còn không thì ông ấy làm, sửa được cả. Cái thuyền này cũng tay ông ấy đấy. Bào đục, trám nhựa, đốt hong, cùng em trai, ông ấy làm riêng cho lão. Mà em trai ông ấy chính là bố thằng Tèo chứ đâu, ông ấy là trưởng cái họ bên đấy, chặt chẽ lắm.

Thôi thì chúng mày cứ về nhanh nhanh lên không ông ấy biết lại chửi. Gớm, cái thuyền người ta thường hun một ngày, ông ấy làm cho lão đốt đến hơn hai đêm, xong rồi còn dặn lão đủ thứ. Kĩ tính quá, lão đâm ngại.

Thế nhưng kĩ mấy rồi cũng phải cũ lão Phó ạ. Đêm qua chở ba người, nước dò vào nhiều quá, cái thuyền kể ra cũng đáng hết đời từ lâu, nhưng lão vẫn dùng, mà người ta vẫn tin lão nên cứ đi thôi, chứ còn chốc chốc lại phải lấy cái bát sắt men thủng tát nước ra ngoài. À mà cái bát sắt men ấy cũng của ông Phó cho, ông ấy cho ngay từ khi đóng xong thuyền, bảo lão đề tát. Ông ấy tính đến cả thế nữa giời ạ. Bát từ thời thằng Tàu, men trắng bên trong, xanh ngoài, ngâm nước mãi nó thủng đến dăm lỗ đen sì. Kể ra hồi trước cũng toàn dùng ăn tốt, nhưng giờ chúng nó dùng bát sứ tàu hoa đỏ chứ ai dùng bát sắt.
Hồi đêm sang sông một mình, lão chỉ tát đại khái (mưa to nước đầy cả thuyền), nhưng lúc về có thêm hai đứa, chúng nó phải hì hụi tát ra. Dưới ánh trăng, thằng Tèo thì dùng tay, con Nống dùng bát sắt, hắt ra ngoài những vầng sáng bạc. Lão thấy hay hay. Lão lại nhớ những đêm đi tát nước hồi trước. Lão thì mong có mụ ấy đi tát cùng lắm, nhưng mụ ấy ngượng, nên chả chịu. Bây giờ chúng nó vẫn tát nước đấy, nhưng trông ngứa mắt thế nào ấy…


7. (7 June 2003)

Bây giờ chúng nó vẫn đi tát nước, nhưng mà tát nước đêm là để chim nhau, lão lại chả lạ, chứ máy bơm cũng có rồi, tát với tiếc gì. Không phải như hồi trước, ngày nóng quá mới phải tát đêm cho nó mát, mà nhiều khi đến gần sáng mới về.
Lão thích những lúc tát nước đêm, dù rằng tát nước đêm là lão lại nhớ đến cô Cam, và nhớ đến mụ. Làng đồn đại lão có tình ý với cô Cam cũng từ sau đêm tát nước, làm lão khổ sở lên được.

Cô Cam nhà neo người, mình cô ấy đồng áng vất vả, lão cũng thấy thương. Thương là thương thế thôi, chứ lão nào có nghĩ gì đâu. Mà thực ra làng này ai cũng thế, chứ nào phải mình lão.
Năm ấy vốn đã hạn, bờ ruộng nhà cô Cam lại phải cái ổ chuột, thế có khổ không. Chuột thì vốn mùa bừa gieo mạ cũng không sợ, chỉ sợ nó phá lúa vụ mùa thôi. Nhưng cái hang cũ ở bờ thì thật thậm tệ. Tát được bao nhiêu, sáng mai ra ngẩn ngơ cả người vì nước đâu hết cả? Mò ra cái hang cũ vỡ thì đã muộn rồi.
Khổ, ruộng nhà cô Cam thế là sắp đến lúc gieo mạ chỉ còn xâm xấp bùn, mà giời nắng to, chỉ ngày là cạn hết mất. Lão lúc ấy rỗi rãi, mới nhận cùng ra tát nước một đêm giúp nhà cô ấy, nào có ý gì đâu. Lão đến giờ vẫn nhớ, khổ thế, dù muốn quên mà vẫn nhớ. Cũng giăng thế này, quầng lên, hai người hai bờ ruộng choãi chân, cầm cái sợi thừng buộc vào cái gầu sòng, đu người theo nhịp gầu, đều đặn, cứ thế, cứ thế. Nước lúc đầu đổ oạp vào bùn, chả thấy đâu, rồi cũng dần xăm xắp. Lão không thấy mệt mấy, làm nhiều nó quen rồi, cái tính lão không ngồi yên được, với khi ấy lão còn trẻ, một đêm thế ăn thua gì. (chứ không phải như bây giờ). Cái nhà cô Cam cũng dai sức lắm, trông thế thôi mà dẻo tay. Mà miệng cô ấy lại còn nói đủ thứ chuyện nữa chứ. Nào là chuyện bà Xủi bên chợ hôm trước ngã trẹo chân, không đi bán trầu vỏ được khiến cô ấy phải lên tận chợ Cầu thế nào, rồi là chuyện có ông đi từ tận trên huyện về xin thuốc cụ lang Mí Lù chữa hắc lào cho trâu thế nào; gớm sao nhà cô ấy lắm chuyện thế không biết. Chuyện trong làng, ra hàng tổng, rồi lên tận xã tận huyện. Nhưng như thế cũng vui tai.

Lão không biết nhiều, nhưng mà lão lại kể lại chuyện ông từ năm trước vào quét hậu cung đình làng nhặt được cái mảnh sành, khăng khăng là cái bát từ thời đức Thánh, mà có biết đâu là chính lão quẳng vào. Cô Cam cô ấy cứ là cười rũ lên, tí nữa tuột cả dây gầu, bảo lão nghịch thế, ông ấy mà biết được ông ấy đánh cho quắn đít, dù lớn thế này rồi ông ấy vẫn đánh đấy.

Cái nhà cô Cam cũng khéo lắm, con mắt có đuôi thế kia cơ mà, mỗi khi cười tít là cứ sắc ra sắc. Sau đêm tát nước cô ấy đi đâu trong làng cũng khen lão tốt, lão hiền. Ấy thế mới khổ. Cô ấy lại còn qua nhà lão, tay bưng bát canh mùng tơi nấu cua, bảo là cho nó mát, trong làng mấy người nhìn thấy, họ cứ cười tủm tỉm. Lão không để ý, mà có ai ngờ đâu miệng làng, truyền nhau bảo là lão với cô Cam đấy, hai người phải lòng nhau đấy, lão thì hiền mà cô ấy cũng khéo, được lắm rồi. Hình như cô Cam cô ấy cũng biết nhưng chả nói gì. Lão thì không biết, thế mới khổ, có lúc bà Sửu đi qua cười bảo “thế đến bao giờ anh mới nói cho tôi biết đấy?”, lão tưởng nói chuyện lão với mụ, hơi đỏ mặt lên, bà ấy cười phá ra, rồi đi. Lão nào có biết là mọi người tưởng lão với cô Cam….


8. (7 June 2003)

Rồi thế là mụ ấy giận. Làm sao lão quên được cái giận của mụ ấy. Lão không bao giờ quên. Nhưng khi đó lão cũng ngốc lắm cơ, nói thế nào nhỉ?
Giá mụ ấy cứ tức điên lên mà chửi bới như bà Thuỷ bán rượu, cái lần bà ấy thấy lão chồng ngồi trong quán bia ôm, bà ấy tế cả mả tổ nhà người ta lên, làm cả chợ táo tác. Hay là hờn dỗi làm mình làm mẩy vật vã kêu khóc trên giường như cái Chip hôm trước ý, kêu là thằng Tdna cặp bồ với cô K. nào đó, đòi bỏ cơm, đòi tự tử…. Đấy, cứ như thế thì lại dễ, lão còn biết đường mà giải thích, mà phân bua. (Tất nhiên là giờ lão nghĩ lại thế thôi, chứ cái Chip khi đó đã đẻ ra đâu).

Đằng đây không. Mụ vẫn lẳng lặng đến với lão. Không nói câu nào. Vẫn ngồi xuống đưa cho lão bắp ngô luộc như mọi lần, khâu lại giúp lão cái đường chỉ tuột. Mụ ấy chỉ im hơn, chả nói chẳng rằng. Lão lờ mờ đoán ra, nhưng lão cứ nghĩ chắc không phải mụ ấy giận đâu, mụ ấy giận thì phải nói chứ, khóc lóc chứ, thế chắc là mụ ấy không nghĩ gì đâu.

Thế nhưng hình như không phải. Lão thấy có gì đó khang khác, cố chọc mụ ấy, bảo “Mình ra đình, anh có trò này hay lắm, trêu ông từ một phen…”. Mụ ngửng lên cười, vẫn cái dáng hất sợi tóc ra, khoé miệng tươi ra. Nhưng không phải mụ đang cười, mà là mụ cố cười cho lão khỏi nghi thôi. Đôi mắt mụ lặng lẽ, mụ chỉ nói “Thế à”. Rồi thôi. Lão biết mụ không như ngày thường. Nhưng mà sao thế ? có gì thì nói đi chứ cứ thế này thế thì làm thế nào ?

Lão rối cả lên. Chả nhẽ lại thanh minh rằng với cô Cam không có gì đâu, chỉ là làm giúp một đêm, coi như cô em gái thôi mà..? Nhưng mụ có nói gì đâu mà thanh minh, thế hoá ra là thú tội à, cung khai à ?mà lão có tội tình gì chứ?. Cái im im của mụ ấy còn khiến lão khổ hơn là mụ mắng lão, ghét lão. Mụ cắm cúi khâu, chậm lắm, thắt nút chỉ rất chặt, mấy sợi tóc xoã xuống trước mặt không buồn vén. Này, nói gì đi chứ, lão lại gần khe khẽ vén tóc lên cho mụ, mụ cũng chả động đậy.
Đã thế lão cũng tức, mình có làm gì đâu mà đòi giận, cái kiểu đấy đây không chịu được, có gì thì nói ra, lão còn biết đường chứ. Giờ nghĩ lại lão thấy mình cũng dở tệ. Lão bực mình nên bỏ ra ngoài bờ đê ngồi, cũng chả nói câu nào. Kệ, đấy giận thì đây cũng thế.

Lão ngồi lâu lắm, chả biết đến bao lâu nữa. Lúc về thì mụ về nhà rồi, mà nhà lão thì mọi thứ sắp xếp gọn ghẽ, lại cả nồi cơm vùi dưới bếp gio nữa. Mụ ấy đã ngồi chờ lão về, mà lão thì ngồi bờ đê chả về. Lão lại hối. Lão làm gì bây giờ….





 9. (8 June 2003)

Nhưng mụ ấy cũng không phải là người giận lâu. Mà rốt cục người nào thắt thì người ấy cởi thôi. Cái cô Cam nhanh mồm nhanh miệng, khéo léo, cứ cười nói cả ngày, thực ra cô ấy cảm ơn lão thế thôi, chứ cô ấy thích anh cu Tỏi, người xóm dưới. Cô ấy cũng là người có tình nghĩa đấy, thấy lão cứ hay đi một mình thì mới quan tâm, chứ lão hơi dỗi là cô ấy cũng thôi, mà cũng không giận lão.
Rồi thì người ta cũng biết, mà mụ ấy thì cũng phải biết. Cô ấy hay đến nhà anh cu Tỏi lại bằng mấy lần đến nhà lão ấy à, sau khi lão tránh cô ấy. Anh cu Tỏi cũng xinh giai, nhanh nhẹn lắm, kể ra thì làng này cũng mấy cô thích cơ, nhưng mà cùng với cô Cam là hợp duyên rồi. Đấy, cứ nghe anh ấy ra đồng trêu cô Cam, gọi
“Mướp bí là mướp bí ơi,
“Anh hái anh nấu một nồi mới cam
,vui thế thì làm gì cô ấy chả thích, cô ấy mới hò lại
“Anh hái thì nhớ nhẹ tay
“Còn để dây này cho nó lên cây.
Rồi hai bên ruộng cười rũ ra, mấy bà già dưới ruộng, già còng lưng rồi, mà cũng cười phô hàm răng đen xì ra, bảo “chúng mày xấu dây tốt củ cả”.

Lão nghe thấy mà thấy mình ngố thế, chả bao giờ biết nói những câu duyên dáng ý nhị như thế với mụ, chỉ cứ toàn “Đấy có thích ổi vườn ông lang không ? Đây trèo hái trộm cho”, thế thì làm sao cô Cam cô ấy thích được. Nhưng hình như mụ lại thích thế.
Cứ nghĩ lan man mãi. Ừ, rồi mụ ấy cũng giận lão một thời gian đấy. Phải cái tính lão cũng ngang phè ra, hai bên cùng chả nói, cho nên lão cứ cắm cúi, có lúc nhìn thấy mụ đi qua cũng cố tình ngoảnh đi, ròi lén nhìn thấy mụ đứng lại giả vờ sửa cái nón, có ý chờ lão đến, thì lão lại nghênh nghênh đi như không có chuyện gì.
Cho đến khi cô Cam với anh cu Tỏi hò với nhau dưới sông
“Anh đi bể, em cũng đi sông
“Anh trồng cây vải, nhãn lồng em chăm
“Em dệt lụa, anh sẽ lên non
“Tìm chim loan phượng dù mòn đôi chân
(Xin lỗi các bác em bịa, chứ làm quái gì có cái dân ca nào thế này laugh1.gif )
Ấy là họ hứa hẹn với nhau, như loan như phượng , đi sông đi bể cũng có nhau. Mụ nghe thấy, chỉ tủm tỉm cười, chả hiểu mụ cười cái gì, nhưng rồi với lão lại như xưa.

Lão cũng vui khi thấy cô Cam với anh cu Tỏi thân thiết thế. Lạ nhỉ ? Lão thấy sướng hẳn lên khi họ đi cùng nhau ra ngoài đồng. Lão ấy với mụ cũng thế, nhưng mụ hay xấu hổ, toàn dấu mọi người, cho nên cũng không nhiều người biết.

Cho đến khi ông giáo Linh về làng……


10. (10 June 2003)

Rồi đến ngày ông giáo Linh về làng.

Ông giáo Linh cũng chỉ ngang lão thôi, nhưng là ông giáo đi học ở tận trên Thủ đô nên cả làng cứ gọi là ông. Thủ đô xa lắm, trong làng có mấy người ra được đến đấy đâu. Thế mà ông giáo ở những hơn mười năm, lấy hết cái chữ của chúng nó. Rồi vì sao đó ông giáo về làng, không nói ra bao giờ nên cũng không ai biết tại sao. Hình như tình duyên dở dang sao đó. Đoán mò thế thôi.

Hồi ông giáo mới về, cái nhà cũ của gia đình ông ấy chỉ còn cái nền, nên ông từ mắt toét cho ông ấy ở trong một gian trái đình làng. Ông từ cũng yếu lắm rồi, có người ở cùng cũng đỡ.
Ông giáo có học có khác, nói đâu ra đấy, lúc đầu người làng hơi ngại, nhưng sau quí ông giáo lắm. Mà không như những ông Tây học khác toàn nhạo Thành hoàng, ông giáo khi mới về đã bưng mâm xôi gà thắp hương lễ Thánh, không bái lạy như các bà, nhưng chắp tay cung kính lắm. Lại còn nói vanh vách sự tích của đức Thành làng nữa. Ông từ chỉ biết có chắp tay vái, với lại ê a mấy bài văn tế thổ địa, chứ đâu biết nhiều như ông giáo. Thế nên ông giáo mới được ở chái của đình làng.

Rồi mỗi khi có dịp, ông giáo lại nói chuyện, ừ toàn chuyện khoa với học, hay lắm, ông ấy có duyên, chỉ cây tre, cây đa gì cũng nói được. Bọn thanh niên càng về sau càng khóai. Lão cũng thấy hay hay. Mụ ấy cũng hay hỏi ông giáo nhiều thứ lắm.

Rồi một chiều, lão ra sông.
Một đám gái làng bơi ở sông như mọi ngày. Nhưng.
Quái, ai như mụ đang bơi ở đó ?
Lạ thật.

Sông mùa này nước lặng, nhiều người vẫn bơi là chuyện thường, nhưng mụ ấy bơi thì chuyện lạ lùng thật. Lão biết mụ bơi cũng giỏi, tuy vậy chỉ bơi trong ao, trong đầm thôi, chứ từ hồi ông từ kể chuyện Bà Thủy thì mụ cấm có bao giờ ra sông nữa. Mụ bảo người nhà mụ có huông chết nước, bà tổ cô bị Bà Thủy dìm, mấy đời rồi, nên trong nhà mụ không ai được bơi sông, chỉ bơi ao chuôm thôi.
Thế mà hôm nay mụ dám bơi sông.

Lão ngạc nhiên, lạ quá.
Đến khi mụ lên bờ chỗ góc bụi tre xa xa, là nơi bọn con gái thay đồ ướt, (đã thành lệ, chỗ ấy dành riêng cho các bà các cô, trai làng cấm bén mảng, đứa nào xớ rớ, các bà trong làng chửi cho từ sáng đến tối), thì lão đứng chờ.
Gặp mụ, lão hỏi sao dám bơi, từ xưa đến nay có bao giờ thế đâu, không sợ Bà Thủy à.
Mụ cười bảo "Có Bà Thủy nào đâu, chẳng qua mọi người cứ nói thế, chứ ông giáo bảo không có đâu, mà ông giáo cũng bào làm gì có huông chết nước...."

Lão chẳng nhớ được lúc đấy lão nói gì nữa. Lão già rồi nên cũng quên nhiều. Nhưng mà bao nhiêu lần lão kéo mụ ấy ra sông, cho mụ không sợ Bà Thủy, bao lần bảo mụ cứ xuống, có gì lão đỡ, cũng bao lần nói làm gì có huông chết nước, nhưng mụ vẫn không xuống, không chịu tin. Lão mà kéo là mụ hét ầm lên rồi giận lão, nên lão không dám nữa.

Còn giờ, ông giáo Linh chỉ nói thế thôi, mụ ấy đã ra sông bơi rồi.
Ừ, mụ ấy tin ông giáo hơn tin lão. Lão nghĩ thế.
........


11. (14 June 2003)

Thế đấy, mụ ấy nghe lời ông giáo Linh hơn nghe lão, lão có là cái gì đâu, lão chỉ toàn doạ mụ ấy thôi mà. Nên lão thấy tưng tức với ông giáo. Tự nhiên không còn muốn nghe ông ấy nói chuyện nữa. Lão lánh đi.

“Ờ mà cái đận đấy tao dở thật”, lão lẩm bẩm nhớ lại. Với chính lão lão cũng xưng là tao.

Hai hôm nay lão nhức mệt khắp người. Hình như đêm sang sông đi lấy rượu lão gặp lạnh hay sao ấy. Người cứ sởn sởn khó chịu là. Cả đời lão có ốm mấy khi, nên hôm qua lão vẫn xua lũ vịt ra ngoài đồng cho đi mót thóc rơi. Nhưng vẫn thấy thế nào ấy, ghê ghê trong người.
Đến ngày thứ ba thì lão ốm thật. Không đến nỗi liệt giường nhưng sờ đến cái gáo dừa múc nước ở cái lu đầu nhà, lão thấy chóng mặt, quay quay trong đầu. Hớp một hớp mà thấy lạnh hết sống lưng.

Lão đành phải thả lũ vịt ra, mặc kệ bọn nó lạch bạch đi, được cái bọn vịt này cũng khôn, đến chiều là tự biết quay về, nhiều hôm lão say rượu chúng nó vẫn về đủ chả thiếu con nào. Với lại lão vẫn còn bị cám, không thả ra cũng không sao, nhưng chúng nó quàng quạc bên tai cả ngày mệt lắm, lại dang dức đầu thế này.

Cúi xuống mò vào chuồng vịt nhặt trứng, lão thấy lảo đảo muốn ngã, nhưng trụ lại được. Hôm nay được hai chục trứng. Vỡ mất ba quả, lại cái con khoanh nâu muốn ấp đây mà, không chịu đi cùng bầy, thấy lão thò tay vào cứ kêu quạc quạc. Có giữ được không mà ấp cho nó khổ hả con, rồi cũng vỡ hết như mấy lần trước thôi. Nhưng thôi lão cũng để lại mấy quả đó. Lão thấy nó tội tội, cả bầy đi rồi, mình nó ở lại, chịu nhịn đói để ấp ôm cho ổ trứng, hai mấy ngày liệu được mấy con. Sao cái phận làm mẹ, làm vợ nó khổ thế, vì con mà héo mòn hết cả đi, rồi lũ con cũng đến lúc vào miệng người thôi. Lão thở dài.

Thế là không sang chợ để bán trăm trứng được rồi. Định để hẳn mấy ngày rồi sang mà lại cảm thế này. Các bà bên đấy có qua đây thì qua chứ lão không cầm được chèo đâu. Nằm trong lều, lão đun qua lấy hai quả lòng đào mà hút. Gạo còn, mắm muối còn, đun nồi cháo cho nó đỡ.

Nằm một mình lão chả làm sao tránh được nghĩ ngợi. Không nằm võng nữa, đu đưa chóng mặt lắm, lão nằm trên chõng, trở người cọt kẹt.
Hồi ấy lão cũng bị ốm một lần. Đi đặt ống lươn với cá trê ở bờ mương, rồi thế nào ngủ quên trên bờ, sương xuống đến sáng thế là ốm thôi. Ốm nhưng được kha khá lươn, cá. Thì cũng lại mụ ấy nấu cháo cho lão. Lão chỉ ăn cháo, bao nhiêu lươn mụ ấy mất công gỡ thịt cho vào cháo, lão bảo mụ ấy ăn đi, chứ lão thấy tanh không ăn được. Mụ ấy nấu ngon lắm, nhưng mụ ấy cũng cứ ngại người làng, nên đến nấu cho lão xong rồi, kiếm cớ bảo đến chỗ ông Mí Lù xin thuốc, bát lươn trút lại vào nồi chứ không ăn.

Đấy là sau cái hồi mụ bơi ở sông, lão thấy tưng tức mụ. Đáng ra như thế cũng không sao, nhưng thấy mụ đi ra lão lại bỗng cáu. Người ốm thường hay cáu, mụ biết thế mà sao vẫn đi? Hay là lại ông giáo ông giếc? Lão nhìn nồi cháo càng thấy đắng miệng...
 

(31 Oct 2003)



Lão chăn vịt giờ thôi không chăn vịt nữa, dù rằng câu chuyện hồi lão còn chăn vịt còn dài lắm, thức đến mấy đêm liền cũng không nói hết.
Lão giờ có một bà xinh tươi ngày ngày đưa lão qua sông, lão đi làm tử tế rồi, lão vui tươi hơn rồi, lão không nhớ nhung, không thương xót ai cả.

Nhưng chuyện về lão hồi trước thì vẫn còn nhiều lắm, kể mấy đêm cũng không hết được.

Lão chưa bao giờ gặp lại Mụ của lão, như cô Cam Táo, người ngày xưa tát nước đêm giăng với lão kể. Cô ấy hình như có lúc cũng thấy tiêng tiếc cái thời còn trẻ nên nghĩ quẩn ấy mà.
Lão còn nhiều kỉ niệm lắm, nhưng phải quên đi thôi, dù rằng kể mấy đêm cũng không hết được 


12. (27 June 2004)

Ông giáo Linh rồi cũng đến ngày rời làng mà đi, để lại bao lưu luyến trong lòng người Làng.
Người ta từng đồn về ông rất nhiều, rất nhiều, cho đến lúc ông đi, cũng chả biết thế nào là phải. À, mà ông lại theo cái nghiệp học, biết bao giờ mới hết.

Ông đi rõ xa. Thế là chẳng còn ai chỉ cây tre, cây chè, cây chuối để nói chuyện.
Thế là chả còn ai nói chuyện thành hoàng với chuyện bà Thủy nữa.


Ấy, nhưng ông giáo Linh đi, thì làng lại có cô Khoai về.

Cô Khoai trẻ trung xinh xắn, dễ thương lắm. Con mắt to tròn, cười cứ lóng lánh, lóng lánh. Cái miệng rõ tươi, nở ra như bông hoa đào, hàm răng hơi khấp khểnh một tí, nhưng với bọn trai làng thì thế trông càng duyên. Cứ mỗi lần cười là như muốn rụng cả hoa cả lá ra.

Cô Khoai đã từng đi thi hoa hậu huyện 2 lần, lần thứ hai được hẳn giải bốn cơ đấy. Còn được hẳn giải mái tóc đẹp. Bởi thế mà cô chải tóc một ngày dễ chừng mươi lượt. Thỉnh thoảng hôm trời giông gió, cô ra ngòai bờ đê thả tóc. Kể như người thường mà làm thế, chắc tưởng bị chập cheng; nhưng cô Khoai mà thả tóc thì ối người ra xem.

Buồn, thì cô hát :
Còn duyên là duyên ngồi gốc, gốc dâu da
Hết duyên là duyên là duyên ngồi góc, góc chuồng gà, ấy gà nhổ lông...

Bởi thế, cô bảo chả bao giờ muốn hết duyên.

Có người nói rằng, cái duyên của cô, ở với ông giáo Linh mất rồi. Chẳng phải ngẫu nhiên, mà khi ông giáo đi thì cô mới về làng. Cái nghĩa của hai người lớn lắm, từ hồi trên thành phố kia. Nhưng duyên trời không cho. Duyên trời không cho, lòng người còn vương vấn mãi làm gì. Duyên trời không cho, tình đời còn hỏi han mãi làm gì.

13. (30 June 2004)

Chiều. Gió sông thổi vào mát rượi. Làng đang vụ mùa, những gánh thóc vàng óng, những bó rơm mới đập thơm nồng, cái máy đập lúa đạp bằng chân, tiếng ù ù còn đâu đây. Những con trâu cần mẫn đi vòng quanh, vòng quanh cái sân gạch, dậm cho ra hết những hạt thóc sót.
Đàn vịt vào mùa này đi mót thóc dưới chân gốc mạ, béo lên trông thấy. Phải cái mấy năm dùng nhiều thuốc sâu quá, tôm cá đi cả. Lão chăn vịt thờ dài.

Lão thở dài ngoài đê. Trên bờ đê cũng chợt có người thở dài.
Cô Khoai ngồi ở xa cái bến sông, nhìn các bà ra khỏa nước. Nước lóng lánh trên tóc họ, trên mặt họ, trên ngực họ, như những hạt ngọc, như mắt cô. Người làng lam lũ, cái chân, cái tay không được trắng trẻo, nhưng cũng dẻo, cũng điệu lắm. Đấy, cứ nhìn cái điệu vấn tóc của cô Cam, của Mụ kia thì biết.

Chẳng thế mà ông giáo Linh vẫn bảo làng là cội nguồn, là gốc của mọi cái đẹp trên đất Việt này.
Chẳng thế mà cụ Lang Mí Lù vẫn bảo làng là bà mẹ sản sinh ra mọi cây cỏ cho con người trên đất này.


Cụ lang thì vẫn cặm cụi bốc thuốc, còn ông giáo Linh thì đã đi tận nơi đâu.
Hai người thở dài, người thì mừng vì điều ấy, mà có hay đâu sau này sẽ cũng hối tiếc về điều ấy
Người thì buồn vì điều ấy, mà biết đâu sau lại biết ơn điều ấy.


Ông giáo đi rồi. Chẳng còn ai chỉ cây tre, cây chè, cây chuối mà nói chuyện nữa.....

14. (30 June 2004)

Từ ngày ông giáo Linh đi, Lão chăn vịt (khi đó còn chưa chăn vịt và cũng chưa lên lão), mừng thầm trong dạ. Thì đấy. Cái vẻ háo hức khi đến đình của mụ biến mất, cái kiểu hí hửng dấu dấu diếm diếm lão chuyện hôm nay ông giáo kể gì, ông giáo giải thích cái gì cũng không còn, cái điệu nhấp nháy mắt mà cười cười bảo lão "tồ vừa chứ, làm gì có bà Thủy".... cũng chả thấy.

Nhưng Mụ trầm trầm, lại có vẻ như suy nghĩ hẳn đi. Mụ hay nhìn. Và mụ nhìn. Nhìn xa hơn những lũy tre làng. Nhìn xa hơn cả cội nguồn con sông Ven, nhìn xa xuôi nguồn sông, ra cửa bể, vượt cửa bể.
Mụ mơ đến những miền xa.
Còn lão, lão không hiểu được điều đó.

Cô Khoai, cô thì đã quá hiểu điều đó. Cô đã từng vượt xa cả cửa sông con, sông cái, vượt cả bể mênh mông của cõi cách ngăn, mà về đây, mà tìm bến đậu cho chính mình. Cô nghĩ rằng, cái chí bay mãi của con chim rồi cũng phải cạn, cái lòng khao khát tri thức rồi cũng phải mòn. Có điều, có điều.... bao giờ, bao giờ ???



Lão chăn vịt đến đằng sau cô Khoai lúc nào chả biết. Người ta thấy cô duyên, chứ trong mắt lão còn ai duyên hơn Mụ ?
Vì thế lão cũng coi cô còn xấu hơn cô Cam.

"Này, Khoai ốm à, mà sao thở mạnh thế?"

"À, ốm thì không ốm, nhưng mà ôm. Ôm nhiều thứ lắm." Cô Khoai hững hờ. Cô cũng chả biết mình nói chuyện với ai.

"Có cần giúp việc gì, đây làm cho một chân

"À, giúp cũng được, nhưng không cần. Có nhiều người lắm, người tôi muốn giúp, người muốn giúp tôi, người muốn tôi giúp người cần giúp, nhưng chả ai được toại ý cả..."

Lão ngồi xuống cạnh cô Khoai. Lão chẳng nghĩ đến chuyện nếu Mụ nhìn thấy, mụ lại có thể giận lần nữa....
(17 Apr 2005)
Làng sắp lên phố rồi. Cái tên làng Ven cũng sắp đổi rồi hay sao ấy. Đấy là thấy người ta nói thế. Dân làng lao xao lên một dạo rồi cũng sẽ lại yên đi. Chỉ chừng nào xe ủi, máy xúc, cần cẩu về xây chung cư rồi thì hãy hay.

Từ lâu, trên bến sông vắng bóng cái thuyền cũ kỹ của lão chăn vịt. Vịt bị H5N1, không ai dám động, mà cô cán bộ thú y trên xã về bảo phải đem tiêu hủy sạch đi, nên cũng không thấy bóng lão nữa. Lão đi đâu, không ai hay. Có người bảo ra hỏi thằng cháu lào là thằng Bu, thì nó cũng lại sắp rời làng chuyển nhà lên thành phố. Lên ấy, thằng cu con của nó có chỗ học tốt hơn, được chơi với lũ bạn thành thị, chứ không chân đất đầu trần như cái làng này. Ông Phó cũng không đóng đồ mộc cho làng nữa. Hàng ấy trên phố về nhiều rồi, có cả cái hiệu to đùng giữa làng rồi, ông chỉ còn cặm cụi sửa lại mấy cái bàn ghế cũ, tòan đồ cũ thôi mà, những cái mà hàng mộc không thèm sửa, thì người ta mang đến cho ông.

Vắng tiếng đàn vịt về mỗi chiều từ đầm Trấu, vắng tiếng các bà các cô í ới bên sông. Vắng cả tiếng chao chát của bà Thủy mỗi chiều tan chợ. Vắng cái bóng đi về của bà Cam. Bà ấy cũng theo lên thành phố ở với con trai, con dâu rồi, chẳng biết thế nào. Người ta nói ở ngòai thành phố ấy, các cụ già sẽ được con cháu cho lên ngồi trên hẳn nhà tầng, tầng ba tầng bốn, một ngày ba bữa được người làm - mà người thành thị gọi là Osin - mang cơm lên tận nơi, rồi thì chỉ ngồi xem vô tuyến suốt thôi. Cấm có ra đường, kẻo va chạm xe cộ, thì tốn tiền thuốc lắm.

À, mà còn cô Khoai ngày xưa, giờ là bà Khoai. Bà vẫn xõa tóc mỗi chiều, tỉ mẩn nhổ bớt đi vài sợi tóc bạc. Tóc bà đen lắm, dù chừng ấy năm, nhưng cũng chỉ điểm vài sợi trắng, mà có sợi nào, bà lại nhổ đi. Bà bảo: Đến bao giờ còn nghĩ đến ông giáo, thì tóc bà còn đen. Lúc nào thôi nghĩ, thì bà sẽ bạc trắng ra ngay.

Thế đấy, tóc bà có bao giờ bạc? Làng có bao giờ còn lại hết những ngày xưa.

Lũy tre làng vẫn đấy, nhưng thưa thớt nhiều rồi.
Con sông vẫn chảy, nhưng nước đục hơn trước
Cầu đang sắp xây, con đò liệu có quay về......
(28 Apr 2005)
Chuyện làng Ven (Tiếp, phần bao nhiêu rồi chả nhớ, vì là đổi mới nên đánh bừa từ 1001. )


1001.
Làng Ven vào thời kỳ đổi mới, hết hợp tác xã nhá, mà phải sang doanh nghiệp tư nhân với công ty cổ phần. Ấy thế nên từ khi cầu bắc qua sông xây xong, thì cũng lắm người qua lại.

Hôm ấy, một chiếc ôtô màu trắng sữa nhẹ nhàng trờ bánh tới làng, dừng lại, phịt ra một luồng khói làm bay tung mấy đám rơm, rồi mới tắt máy hẳn. Lũ gà loác quác chạy tránh sang một bên, rồi lại lúc cúc chui xuống gầm xe tìm những hạt thóc lép còn sót. Từ cánh cửa sau xe mới mở ra, một chiếc giày bóng lộn màu nâu, rồi đến một ống quần màu xám thò ra, rồi thò ra cái nữa y như thế.

Lúc sau thì người đó đã chĩn chện đứng giữa làng, chun chun mũi. Người đó đeo kính râm, tóc hơi dài, chải bóng mượt, rẽ ngôi giữa, mặc áo vét đen, áo sơ mi trắng, đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh có ống kính tê lê dài như cây giò lụa trước bụng, tay phải cầm tăm xọc vào miệng, tay trái vứt tờ giấy thơm trắng tinh vừa dùng xì mũi xuống đất. Lũ gà bu lại. Người thanh niên lái xe bước ra theo, cũng lịch sự không kém. Rồi một cô trông còn trẻ, ăn mặc nhiều màu lắm Mấy bà trong làng thập thò. Bọn trẻ tuy không còn lạ với ô tô bình bịch, nhưng lần đầu tiên thấy cái máy ảnh to dài như thế, cũng không khỏi chỉ chỏ.

Tưởng ai, té ra bác Net và cậu Rút. Gớm. Thế mà lại phải đeo kính với lại ngồi xe, làm chả ai nhận ra cả. Nét vốn là người đến làng sau, lại nhiều năm làm ăn bôn ba kiếm tiền, giờ thành ông chủ, nay lại thấy về làng. Người phụ nữ kia thì chưa ai biết cả.
….

Chiều xuống chầm chậm, chiếc xe chỉ lăn bánh được trên vài con đường đủ rộng, còn thì đôi giày da bóng lộn phải chịu khổ sở đưa tấm thân ông Nét đi chui chỗ này luồn chỗ nọ. Không phải ông tìm nhà người thân hay là tìm mộ gì cả, vì chỉ thấy ông lầm rầm bàn bạc với cậu Rút hoặc với người phụ nữ, chứ chả thấy hỏi ai người làng.

Cuối cùng, cả ba đến nhà cụ lang Mí Lù. Trong nhà, khói mờ mịt, quyện vào hơi thuốc ngai ngái. Cụ lang đang ngồi nhìn chăm chăm vào cái chảo sao thuốc đặt trên lò, tay đảo đều thanh tre cho thuốc khỏi cháy. Thấy khách đến, cụ ngẩng lên, đôi mắt vẫn tinh anh lắm. Thì khám bệnh cho người, Vọng, văn, vấn, khiết, cái nhìn vẫn phải là đầu tiên mà.

Trên miệng chiếc chén tống da lươn, làn khói mỏng liệng nghiêng mang theo hương ngâu ngan ngát. Trà của cụ lang Mí Lù bao giờ cũng có hương vị đặc biệt, cả làng không ai có. Xoạch. Chiếc bật lửa Zippo xoáy một vòng điệu nghệ quanh tay cậu Rút. Điếu thuốc ba số phịt khói như cái xe lúc nãy, rồi thả cả tàn xuống chén trà còn đầy…
 
 1002. (Apr 2005)

- Chả giấu gì cụ, lần này tôi về làng, là muốn kiếm phần đất đèm đẹp… ông Nét cất giọng

- Ông định lập sinh phần à? - cụ lang xoay chén trà, hơi nhích mép

- Sinh phần là cái gì thế - Rút chen ngang

Đưa mắt lườm Rút, ông Nét quay sang cười cười: Cụ cứ nói đùa, trông tôi, nhiều người cứ gọi là ông, là bác, rồi là đoán tôi 50, thậm chí 60 tuổi, rồi đoán tôi thế này thế nọ. Nói thật với cụ - ông xuống giọng – tôi chỉ thích tiền chứ chả cần cái danh là già… ông bỗng cười phá lên như bị cù vào mạng mỡ.

- Xây sinh phần thì chưa đến lúc, tôi còn tráng kiện lắm. Ấy, nhưng như các cụ ngày xưa vẫn nói, đi đâu về đâu thì cũng cần cho mình cái chỗ dừng chân. Lâu nay tôi đã nhắm làng này rồi, muốn làm cái chỗ nghỉ ngơi bây giờ và … ông định nói cái gì đó nhưng kịp giữ được…. Làng ta sơn thủy hữu tình,…

- Sông thì có, chứ núi thì không – cụ lang chậm rãi đáp

- Không sao, không có thì ta đắp. Chỉ một cái xe ben, mấy chục ngày là đắp núi, đào hang, xong tuốt. Ý tôi đã quyết rồi, muốn đến đây là để hỏi ý cụ, vì nghe nói cụ có nhiều mẹo – à quên – nhiều kinh nghiệm.

Và cũng chả để cho cụ lang kịp nói gì, ông Net bắn luôn: - Cậu Rút đây thì cụ biết rồi, còn cô này là,…, à, là người quen của tôi, cũng là con của người bạn của ông họa sĩ Ưu Ưu người làng ở trên tỉnh. Nhà cô ấy có truyền thống làm các tấm biển hiệu, ông thân sinh đã từng làm áp phích cho mấy kì đón khách nước ngoài với lại quảng cáo Cocacola chỗ đường ra sân bay ý, cái nào nhà cô này làm cũng đẹp cả, nên người ta quen gọi cô ấy là cô Biển Đẹp.
1003. (28 Apr 2005)

Nghe được giới thiệu, Biển Đẹp cười tít mắt. Rồi chả kịp cho cụ lang kịp hớp nước, cô kế luôn lời ông Nét bằng một tràng:

- Cháu là thấy làng ta đẹp lắm, mà giá như đặt thêm nhiều tấm biển hướng dẫn, rồi biển quảng cáo, biển trang trí thật hoành tráng vào, thì Tây cũng phải đến nườm nượp. Này nhé, ngoài chỗ đầu cầu thì phải treo biển: Làng Du lịch Văn hóa Sinh thái Ven – Wéo Căm, cháu đã nghĩ rồi, màu nâu, chữ vàng vàng, cho nó có chất dân tộc cụ ạ. Vào làng thì làm cái biến hình đứa bé ở truồng chăn trâu thổi sáo, lội giữa đồng nước, cá tôm tung tăng. Cái miếu thì gắn biển Di Tích lịch sử văn hóa – cấm vi phạm. Cụ ạ, thời buổi này cái gì ghi cấm vi phạm thì người ta mới đến xem nhiều.

Trong làng có ngôi chùa Mốc, tên chữ hình như là chùa Thất Lục, thì cháu sẽ làm cho cái biển “Thất Lục thiền viện” sơn màu cánh sen, chả mấy chốc mà bán vàng hương chạy phải biết. Như nhà cụ đây, phải treo biển Nhà thuốc Đông y danh tiếng Gia truyền, giữa nhà cụ vẽ âm dương với thanh xà bạch xà cho cháu.

- Thời buổi này, các ông tai to mặt lớn bị nhiều bệnh lắm, chỉ cần như ông Nét đây giới thiệu là họ đến cửa cụ ầm ầm – cậu Rút chen vào

…..

Câu chuyện còn rôm rả cho đến khi mặt trời xuống dưới rặng tre cuối làng. Vâng, rôm rả vì ba người khách thay nhau nói. Còn cụ lang thì đã lơ mơ ngủ mất từ lúc nào.

Lúc ba người ra về, cụ lang mở đôi mắt tinh anh, bảo: Tôi hỏi khí không phải, ông đang đau ở đâu thế?

Ông Nét hơi giật mình, lắc đầu, không nói gì.


Bước ra cửa, trả lời cho ánh mắt dò hỏi của Rút và Biển Đẹp, ông chẹp lưỡi rồi bảo: “Thầy thuốc hám tiền, nhìn ai cũng thấy bệnh để đòi chữa cả”.

Rút thêm vào – Đúng rồi, anh còn tráng kiện thế này cơ mà. À, gái làng này xinh quá, hay rồi ta mở thêm cái trung tâm Giáo dục giới tính ở đây…

- Để em kẻ cái biển màu hồng….. giọng cô gái lẫn vào tiếng máy xe ô tô tan loãng vào cuối chiều.
 
1004. (30 Apr 2005)

Biển Đẹp ra ngoài thành phố. Cả Bu – mà từ khi ra thành thị đổi tên là Hưng cho nó đỡ nhà quê – hất hàm hỏi: Thế nào, làng anh đẹp không? Anh nói có sai đâu. Biển Đẹp cười. Biết rồi, đẹp nhất là cái khúc sông với cái đầm nước trong vắt ấy. Em đã tính rồi, chỗ ấy quây lại thành khu câu cá thư giãn, hay vịt đạp nước, cuối tuần dân thành phố về sẽ chen nhau ngã cả xuống đầm cho mà xem. Nhưng phải đổi tên đi, đầm Trấu nghe quê lắm, thành đầm Thanh Long, à mà không, có bầy vịt ấy thì phải gọi là đầm Thiên Nga, thế nhé, đầm Thiên Nga. Cái biển em sẽ kẻ thật to, không vuông hay chữ nhật mà cong như cổ con vịt ấy…

Cả Bu chợt chùng mình xuống. Những hình ảnh cũ ùa về. Gã nhớ cái đầm Trấu ấy, hồi bé vẫn ra đấy tập bơi, thỉnh thoảng lặn xuống túm cẳng mấy con vịt của Lão chăn vịt, cười váng mặt nước khoái trá. Lão chăn vịt mà biết thì ăn đòn quắn đít. Cũng chả biết họ hàng thế nào mà lão ấy lại là ông họ xa của gã. Cái cần trúc bóng loáng với túm lá chuối khô, phất phơ, phất phơ.

Ừ, bụi chuối đầu nhà gã hồi trước, cũng định bỏ đi rồi. Buồng thì rõ dài, nhiều nải nhưng không ngọt, dấm mãi vẫn không ngọt. Chỉ có cây hồng xiêm là ngọt, chịu khó ủ vào thùng gạo, gọt ra ngọt sắc, mà lại không có mấy hột. Vẫn thường đem biếu lão chăn vịt hay ông Phó đấy. Rồi thế nào cũng được lại chục trứng của lão, hay cái chén gỗ, khúc con tiện xinh xinh của ông Phó đem về. Hồi bé gã thích mấy cái đó, để thành một hàng chỗ cửa sổ nhìn ra bụi chuối. Về sau chơi chán, thấy con gà nhà ai đi qua vườn là gã vung tay ném luôn, lâu dần rải rác khắp nơi không còn cái nào….

Ơ, anh có nghe không đấy hử? Cái chùa đổi thành Thiền viện nhá? … Giọng Biển Đẹp léo nhéo đưa gã về thực tại. Cái cổ tay tròn như con tiện ông Phó làm thuở nào huơ huơ trước mắt gã, vòng mã não leng keng…

Cơ mà gã có quyền gì mà đổi tên cơ chứ? Gã không có quyền, mà gã cũng không thể làm được, gã không được làm. Làng vẫn là làng, là của muôn khuôn mặt, muôn dáng hình đã nghiêng xuống, đổ mồ hôi, của những ngón chân cái bấm sâu vào đất bùn, của những bàn tay chai sạn và nứt nẻ…. Gã đã là trưởng thôn, nhưng gã đã không làm trưởng thôn. Mọi người cũng không nài nỉ, vì biết không nài nỉ được. Quyết rồi, gã ra thị xã quyết tâm lập đại nghiệp, chừng nào chưa thành đại gia là gã còn chưa thỏa. Rồi gã gặp Biển Đẹp, tâm đầu ý hợp. Giờ vẫn tâm đầu ý hợp.
 
1005. (30 Apr 2005)

Nhưng gã vẫn không dứt hẳn làng được. Gã còn một sản vật quý giá. Đó là căn nhà ba gian gỗ lim lợp ngói, mồ hôi công sức của gã mấy năm trời, cũng là người làng góp sức dựng lên, khang trang rộng rãi. Gã đã tự hào lắm, vì chẳng phải chỉ là căn nhà riêng gã, mà còn là nơi bàn chuyện, rồi sổ sách của làng ở cả đấy. Bao lần họp công điểm, chấm công, ai thế nào gã đều ghi lại cả. Một hòm to. Không thể mang đi, gã đành tạm để lại. Mảnh đất ấy chưa bán, mà cũng khó bán lắm, không phải, tại gã không nhẫn tâm mà bán. Gã để lại cho làng.

Hồi mới gặp, biết chuyện ấy, Biển Đẹp giãy nảy lên. Một đống tiền thế mà lại để ở đó chả ai trông nom là sao? Rồi đứa nào nó vào nó khoắng sạch thì cái công anh tom góp ra cái gì, hay là chờ thằng nào vào chiếm vườn mới tiếc? Chà, hay định về sau dấm dúi cưới vợ về giấu ở quê, đây biết rồi nhá.
Ông Nét thì chồm người sang hỏi: Thế cái nhà ấy làm theo kiểu cổ à? Bây giờ nhiều nhà giàu ngòai thành phố họ tìm mua nhà cổ đấy, đang là mốt đấy, mấy trăm triệu bạc chứ không chơi đâu. À nhưng chưa phải cổ thì cũng khó đấy, kể ra mất một ít thuê bọn giả cổ nó mông má cho…….

Gã chẳng nói gì. Gã không biết là nên bán nó đi hay không, hay giữ căn nhà ấy lại. Công sức của gã, gã muốn làm gì cũng được. Nhưng mà sao thấy xót. Không biết. Hay là….


1006.
(Chúc mừng sinh nhật Bu ngày hôm qua) (30 Apr 2005)

Gã nhớ cái nhà ấy, nhưng cũng chỉ một thoáng thôi. Trước mặt gã, Biển Đẹp còn đẹp hơn cái nhà ấy nhiều. Thực ra gã gặp Biển Đẹp từ lâu lắm rồi, nhưng cũng không biết, và không để ý lắm. Ông chú ruột gã không có con trai, có nhà ở thành phố, mấy lần ra đó chơi, dần gã đâm thích thành phố. Rồi ông chú gã có công vụ đi tây đến mấy năm liền, để lại sản nghiệp là cái quán trọ gần chợ ga. Lúc đầu gã không định rời làng, nhưng rồi lại ra thành phố.

Cùng làng có Kem cũng giúp gã quản lý quán trọ. Gã mơ có lúc nó thành khách sạn nhiều sao, khi đó gã sẽ tắm ở cái bể bơi trên sân thượng, các em ở hàng thẩm mỹ viện vây quanh. Khăn tắm này anh, nước thơm này anh, hoa quả này anh. Gã thấy trên phim các đại gia thường được thế.

Ngày mới ra, gã khoái các em gái xinh tươi ở cửa hàng thẩm mỹ viện đối diện lắm. Cô Lý người làng cũng làm ở đó. Người ở đó ai cũng tươi cười xinh xắn. Họ không vấn tóc, kẹp tóc như ở làng đâu, mà làm cách nào ấy, tóc cứ đẹp như mấy cô quảng cáo dầu gội trên ti vi, cô thì ngắn, cô thì dài. Kể ra không ai tóc dài bằng bà Khoai, nhưng màu sắc thì thích mắt lắm. Họ ăn mặc cũng thích mắt nữa. Để lộ cái cần lộ. Khi đi thì chẳng gánh gì mà cũng ngúng nguẩy, cong như con tôm rang. Đúng là người làm về sắc đẹp có khác. Giá như bà Khoai hồi trẻ mà mặc đẹp như họ thì đỗ hoa hậu huyện là các chắc rồi. Sau này xây khách sạn, chắc chắn gã sẽ đến tận nơi mời các em sang giúp cho mình, trả lương thật cao, chỉ đề chào người ta với lại cầm khăn tắm cho gã thôi.

Gã vào nhà, nhìn bức tường phẳng mà vẫn thấy đồi núi các em, nhìn ra ngoài cửa sổ mà như thấy tận trong các em, nhìn căn bếp bồ hóng nhờn nhợn mà như thấy làn da trắng hồng, nhìn khuôn mặt cau có của mụ bán rau mà tưởng là nụ cười thiên thần của các em, tiếng giòn tan như ngọc lua khua lẫn trong tiếng bát rửa lạch cạch, mỡ nhầy nhụa lờ đờ lượn trên mặt chậu nước gạo.

Gã vào phòng. Gã kéo nhạc. Hồi trước ở làng gã được ông Phó dậy cho kéo nhị, cũng biết dăm ba điệu, nhưng chẳng ra bài bản gì. Vỗ bụng hát ê a, tiếng đàn ẽo oặt đưa đẩy tâm tư. Cơ mà người thành thị người ta kéo Vi ô Lông, chứ ai kéo nhị. Thế là gã đi học Vi Ô Lông, nhưng người ta chê gã tay cứng, không kéo được.
 
1007. (30 Apr 2005)

Thế thì gã làm cái gì mà tay cứng vẫn làm được. Gã làm thơ. Gã đau đáu viết được bài thơ “Lắm Tình”, sau khi trả giá bằng đôi chân sưng vù nốt muỗi đốt và đôi mắt sưng mọng. Sáng ra gặp Kem, gã đem khoe bài thơ mới làm được.

“Anh muốn chui vào em, thật sâu thật sâu,….” – Mày làm như là cái ổ rơm bu nhà mày đấy à?
“Anh muốn ngập ngụa trong em, thật lâu thật lâu,…” – Mày đang tả cái vũng bùn ở đồng làng à?

Thế có điên không cơ chứ? Kem lại còn với theo: Mày làm bài “Lắm Tiền” có khi người ta lại thích hơn đấy.

Nhưng quyết chí, gã sẽ đem in.
Thế là gã nhớ ra bên cạnh có cửa hàng làm biển hiệu, với câu khẩu hiệu to oành : “Chuyên viên cao cấp chuyên về các loại Biển, In ấn, photocopy, đánh máy chữ”.

Đem sang đó, gã gặp Biển Đẹp đang ngồi ghi hí hoáy cái gì đó. Gã ngập ngừng tiến đến…

“Anh muốn chui vào em, thật sâu thật sâu,…” – Biển Đẹp nhìn gã nghi ngờ xem gã sâu được đến mức nào
“Anh muốn ngập ngụa trong em, thật lâu thật lâu,…” – Lại nhìn một lúc nữa….

Thế rồi phong ba bão táp đổ lên đầu gã. Khốn khổ, vì gã chưa kịp giải thích là thơ ấy dành cho các em Làm đẹp chứ không phải cho Biển Đẹp….


1008. (1 May 2005)

Biển Đẹp nổi giận thực sự. Cô ngỡ gã trai cạnh nhà này có ý gì đó với mình chăng? Có tình ý gì thì cũng không thể thô thiển thế được, người ta con nhà đàng hoàng, có ý gì thì cũng phải đi đúng trình tự cái đã chứ, đầu tiên là lân la này, tới nữa là trò chuyện này, rồi mới tặng thơ…. Đàng này, chứng tỏ là kẻ không tử tế.…Những ngôn từ dùng để đối phó với những người quỵt tiền được cô áp dụng rất chuyên nghiệp như xưa nay cô từng áp dụng. Bu đứng như trời chồng.

Xung quanh, ngoài hàng phố đã có người nhòm vào. Cậu chạy việc trong nhà vội vàng phân bua: “Hắn định quỵt tiền, cô ấy đang thương lượng”. Rồi như mọi lần, cậu ta đóng chặt cửa.

Trong nhà, Bu cũng nóng. Cái oai phong trưởng thôn đã trở lại ngùn ngụt. Gã quát rằng gã đến thuê in đàng hoàng, cần thì gã trả tiền, không muốn in thì cũng nói cho tử tế. Đây không làm gì mà đã loa cái mồm lên như thế, đừng tưởng ở đây lâu rồi thành cáo, thành bà cô già rồi thích làm gì thì làm nhé. Đây có muốn thì là muốn các em bên Làm Đẹp kia kìa, người đâu mà cái giọng chưa gì đã chua thế, chua thế ?

Biển Đẹp sững người. Cô bấy giờ mới biết mình nhầm, hớ to rồi, xấu hổ quá. Nhưng cũng như tất cả những người biết mình sai nhưng không chịu nhận lỗi khác, và cũng giống như tất cả những cô gái đang kiếm chồng nhưng lại không muốn để người khác biết mình đang kiếm chồng, hoặc ít ra là tưởng người khác không biết mình đang mót chồng, cô liền đốp chát trả ngay bằng tất cả khả năng vốn từ của một cô gái quen công việc giao tiếp:

- Thì đi mà đem sang bên ấy, đem ngay đi, in iếc cái gì. Nhà này chuyên làm biển hiệu với in khổ lớn, nhá. Không phải là nơi tiếp tay cho việc tán tỉnh gái nhà lành, nhá, In ở đây rồi sau này ai bạ cái gì cũng đem đến in à - hả? Thành cái chợ à - hả? Không biết thì phải hỏi xung quanh xem nhà này làm ăn thế nào đã - nhá? Nhà này nhà đàng hoàng - nhá !!!

Bu đùng đùng bỏ ra thật, đem thơ sang bên kia đường thật.

Biển Đẹp ngồi phịch xuống, hơi thở dồn dập, bộ căng tròn ngực phập phồng phập phồng, mặt đỏ bừng, nóng hừng hực. Không biết nóng vì lẽ gì. Môi mím lại, răng hàm trên cắn chặt môi dưới, bàn tay cầm bút di nát cả tờ giấy. Chả biết mình có lý hay vô lý nữa. Vẫn còn uất lắm, nhất là câu cáo già và bà cô già. Uất lắm.

Tất cả là tại thằng Bu cả !!!
1009. (1 May 2005)

Bu đem thơ sang cho các em Làm Đẹp, chép tay nắn nót. Không chỉ một bài Lắm Tình, mà còn Lắm Tình 2, Lắm Tình 3, gã cũng đem sang. Vừa để tỏ lòng mình, vừa muốn để cho cái đứa ngoa ngoắt cửa hàng làm biển biết tay. Quần áo bảnh bao hơn, gã thêm chiếc kính cho tử tế. Lúc đầu là gọng đồi mồi, sau đổi sang bằng sừng đen, rất oách.

Nhưng gã đã phải thất vọng nhiều. Các em Làm Đẹp người đẹp chân dài nhưng trí ngắn (đấy là gã tự nhủ thế) nên không hiểu được tâm tình và thơ của gã. Các em ấy chỉ quen đo người ta bằng vòng 3 thôi, tức là cái vòng nơi có để ví tiền ấy mà (cũng là gã nghĩ thế), các em làm sao hiểu được hồn thơ của gã. Rồi đến lúc gã xây khách sạn nhiều sao, sẽ không thèm mời các em ấy đến tiếp tân và cầm khăn tắm cho gã nữa.

Không chỉ không hiểu được, các em ấy còn đem ra cười đùa rầm rĩ với nhau. Mỗi lần thấy gã đi qua là các em ấy réo rít lên là sao anh không thêm thơ Nắm Tình, Tắm Tình, Ẵm Tình đi, cái đấy thích hơn. Rồi cứ là cười rung rúc như cú kêu hoặc rú lên. Hoặc bĩu môi ra, hoặc nghênh cái mặt lên đến nỗi lúc ăn cơm bát va hết cả vào cằm. Cầu trời cho cái hội ấy cơm va hết vào cằm, chết đói hết đi.

Nhưng gã điên người nhất là một lần nhìn thấy Biển Đẹp đi từ cửa hàng đó ra, mái tóc mới ép và chải màu, tay cầm những bài thơ của gã chép trên giấy hồng, cười mủm mỉm. Biển Đẹp không thấy gã, nhưng cái điệu cười ấy cũng khiến gã tức phát điên, và cũng như Biển Đẹp trước kia, gã thấy xấu hổ, nhưng lại không thể tự nhận mình sai, để rồi lại càng uất hơn. À, thì nó đã sang đó ton hót rồi, cố tình làm mình phải bẽ mặt.

Tất cả là tại cái con Biển Đẹp cả !!!

1010. (2 May 2005)

Biển Đẹp lại cắn môi như hôm nào. Không phải vì tức, mà vì thấy buồn cười và suy nghĩ. Đáng đời cái gã nhố nhăng, ti toe mà đã mò sang các em Thẩm mỹ!. Sáng nay sang đó làm đầu, thấy bọn nó cười đến suýt ngã chổng vó, cô giả vờ không biết gì, lân la hỏi, và rồi có tập thơ của gã Bu trong tay. Cô xúm vào cùng mấy đứa, tha hồ nói xấu gã, chê gã tàn bạo, đến nỗi ai nghe thấy cũng tưởng nói đến gã Châu Quỳ hay ít ra cũng là Hàn Mặc Tử ở giai đoạn cuối.

Lần trước gã đến, vì giận quá nên cũng chả nhớ được bài thơ của gã ra làm sao nữa, còn lần này cô có cả tập. Ngồi một mình đọc kỹ từng bài, cô bĩu môi. Thơ gì mà nửa thô tục nửa ngô nghê, lại chẳng có vần vèo gì cả. Giống y như văn xuống dòng. Cái đồ cao ngạo, tự cho mình là làm thơ kia à. Sao mà trên đời lại sinh ra kẻ khùng thế không biết. Trông thì trí thức, đeo kính cơ đấy. Ra cái vẻ

Cô chả thích cái thể loại ấy. Làm sao thích được. Làm thơ là phải thế này chứ, cô phải cho gã sáng mắt ra….

Thế rồi bàn tay cô viết thoăn thoắt, rồi cũng di đi di lại, xóa xóa dập dập.
Cô đang làm thơ, lại làm thơ đây.
1011.

Nhớ hồi còn đi học, thỉnh thoảng cô cũng làm thơ. Cô giáo dậy văn có lần khen thơ cô trước lớp, rồi giúp cô chỉnh sửa nữa. Cô giáo dậy văn cũng hay thơ, giờ về hưu, không biết đi đâu, nhưng sự ủng hộ ấy đã khiến Biển Đẹp tự tin làm nhiều thơ hơn, và có lẽ cũng hay hơn. Cô như thấy mình đã là một thi sĩ, dù là thi sĩ ở tuổi học trò. Cái niềm vui và tự hào ấy khiến cô bay bổng.

Ngày ra trường, cô mang những ước mơ để bay xa. Nhưng cuối cùng, đôi cánh ấy tả tơi khi cô kế tục sự nghiệp cái cửa hàng của người cha để lại. Những đám màu sắc rối tung. Phải làm sao cho nổi bật nhất. Không phải như thơ, kín đáo và làm người ta liên tưởng, suy tư. Các tấm biển phải làm sao cho người ta chả cần liên tưởng mà vẫn phải nhớ. Xanh, đỏ, rực rỡ, hào nhoáng, đẹp mã bên ngòai và tệ hại bên trong. Hãy lật đằng sau tất cả các tấm biển ra mà xem. Rặt một thứ ván ép hạng bét, hoặc những đám băng dính chằng chịt. Nó khác hẳn thế giới thơ mà cô từng mơ ước. Ngày ngày tiếp đủ mọi loại người, con tim cô đâm khô, bàn tay đâm cứng, chai sạn với thơ ca mất rồi.

Cô nhìn quanh phòng. Những cuộn giấy can chồng chất. Các tấm bảng mi ca, bảng nhựa, bảng gỗ chờ được dán lên. Khung nhôm, bóng đèn, keo dán… chất đống ngòai kia. Đâu đó bên dưới chúng là chiếc hòm gỗ để những quyển nhật ký, trong đó có ép những chiếc lá khô, và chép những bài thơ ngăn ngắn mà đã có thời cô tự hào.

Gạt bỏ cái đơn đặt hàng tấm biển quán Karaoke sang một bên, cô lại bắt đầu chép lại, nắn nót hơn.
1012.

Cả Bu biết thế là tuyệt vọng lắm rồi. Các em chân dài mông cong ấy không hiểu được thơ của gã. Xem ra chẳng có ai hiểu thơ của gã cả. Đến như ông bạn chí cốt cũng chỉ nghĩ đến kinh doanh kem, mượn cái mặt tiền nhà trọ để bán kem.

Như hôm gã đọc “Ta nhìn ra ngoài cửa sổ / Vệt trắng đứng giữa hai rèm cửa /…” thì Kem bỗng vỗ vai gã đánh bộp một cái, kêu toáng lên “Cám ơn mày, tao nghĩ ra rồi. Mấy hôm nay tao nghĩ mãi làm kem màu gì cho nó độc đáo. Giờ tao làm kem màu trắng thôi. Màu mè thì bọn kem nước đá nó cho phẩm màu vào, mình mà giống nó thì ra gì. Giờ tao chỉ làm kem sữa bán thôi, quảng cáo là ăn kem này tốt sữa, thế nào cũng đông khách”. Nói rồi bươn bả đi làm kem sữa, bỏ mặc gã một mình với bài thơ dang dở.

Đơn độc. Gã bỗng nhớ làng. Gã nhớ ông Phó dậy gã kéo nhị, thằng Sìn hay cùng gã bàn chuyện ghẹo gái làng, nhớ lão chăn vịt thỉnh thoảng gọi gã đến uống rượu. Lên đây không có ai, chỉ toàn là kiếm tiền, toàn là sao cho hàng chạy, khách đông. Đến thơ người ta cũng không còn thời gian mà đọc, đừng nói gì làm. Gã lạc lõng giữa những đám người mà gã thấy như đang bi bô những ngôn từ của kẻ chưa tiến hóa. Với gã, con người là phải biết về âm nhạc, dù là âm nhạc của cây nhị hay cái đàn đáy bọc da rắn. Con người, là phải thăng hoa tình cảm qua thi ca. Chốn thị thành này, người ta ưa tiếng đếm tiền loạt xoạt hơn tiếng cười tiếng hát.

Một sáng, bưu tá đưa đến cho gã một phong thư dày thật dày. Mở ra. Một quyển sách mỏng in thật đẹp.

Tập thơ của gã !
1012.

Gã ngơ ngẩn. Trong lòng trống rỗng, không phải vì không vui, mà là mọi trạng thái đã triệt tiêu lẫn nhau hết rồi, sự thắc mắc, sự sung sướng, sự tự hào, bối rối, ngượng ngùng. Dường như trong giây lát gã bống ngớ ngẩn như khi mới được sinh ra. Gã trân trân nhìn tiêu đề tập thơ : Lắm Tình – tác giả: Hưng.

Gã lật ra như một cái máy. Những bài thơ của gã, cùng ngày tháng mà gã đã làm nó nhảy múa bên trong. Dài, ngắn, như một dòng sông lúc nông lúc sâu, lúc chậm lúc nhanh. Gã nhận ra chính gã trong những dòng chữ in nghiêng nghiêng trên nền giấy trắng đó. Nhưng dường như cũng không phải gã, vì gã thích viết tay rồi, nhưng in ra cũng tốt.

Giở đến trang cuối cùng, một bài thơ ngăn ngắn bỗng làm gã ngạc nhiên. Đó không phải là thơ của gã. Gã chả bao giờ viết cái thơ câu chằn chặn thế này, vần vèo thế này.

Em chẳng cần những lời nồng nàn vô nghĩa
Em chẳng cần khúc vĩ cầm réo rắt đê mê
Em chỉ cần tình anh con sóng tràn về
Liếm bờ em dải cát dài hong nắng cháy…


Gã nhăn mũi. Gã không làm thơ nửa Xuân Diệu nửa Xuân Quỳnh thế này. Rồi dòng cuối. À, mà là một dòng ghi “Đáp lại những bài trên”. Gã chợt tỉnh ra. Hiểu ra.

Gã cảm thấy không còn đơn độc.
Lời xin lỗi làm lành quá ngọt ngào.


Kết cục thế nào hẳn các độc giả yêu quý có thể tự đoán ra. Chả cần nói nữa
 
1014. (4 May 2005)

Thằng Bu đi, làng họp lại.

Sìn ra tranh chức trưởng thôn. Hắn đã mấy năm luồn ngóc này ngách nọ trên Thành Thị*, giao du các tay anh chị lừng danh, và cả bố già Ảo Thành Chân. Tên thật hắn là gì không ai rõ, hồi ở trên thành phố làm chân bảo kê chuyên nghiệp cho cái Chợ to nhất, thì gọi là Phan Đặng Hoắc Cơ. Tha hồ chặt chém, đứa nào không vừa ý là cho tiệt đường làm ăn, bao nhiêu hàng hóa hắn chỉ một câu “tịch” là người ta mất trắng.

Làm dân anh chị mãi cũng chán, hắn tỏ ý muốn làm người lương thiện thử xem sao. Ảo Thành Chân vê sợi râu mọc ở bên má (béo quá râu chỗ khác không mọc được) cười bảo : Chú muốn làm lương thiện thì anh mừng quá, ừ, chú cứ tự nhiên làm lương thiện, xong rồi kể cho anh nghe, anh học theo chú. Rồi vỗ vào vai hắn ba cái. Vai hắn như có ba cục than hồng đặt vào, cục sau to hơn cục trước. Mà sống lưng lạnh buốt, bàn tay mồ hôi ra tong tỏng.

Phải bày ra một vụ giả vờ là bọn đàn em lật, trốn về làng, làm lại giấy tờ, đổi tên là Sìn cho dân dã, lại đặt ra câu chuyện hồi bé hay xin các thứ để lòe mọi người. Tuy vậy hắn không đi tay không. Hắn đủ khôn ngoan để đi đêm, kiếm cho mình những mối quan hệ mà các đại ca của hắn cũng không biết. Vì thế hắn được làm công chức, nắm giữ trọng trách quy hoạch đất cát cả vùng này. Cái đấy hắn khoe ra. Cả làng sợ lắm. Lơ mơ mà phật lòng thằng này, nó chỉ kẻ roẹt một cái, là con đường ô tô đâm thẳng vào nhà, không thì nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên gì cũng thành khu đất quy hoạch, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, làm khu công nghiệp như chơi. Lơ mơ là tan cửa nát nhà, bơ vơ tha hương cầu thực ngay ấy.

Thế là cả làng đồng thanh mời hắn làm trưởng thôn. Lúc đầu hắn khiêm nhường nhún mình, sau rồi hắn nắm hai bàn tay vào nhau, giơ lên cao lắc lắc, luôn miệng: Cảm ơn mọi người đã ủng hộ tôi, xin hết lòng hết sức, xin tận tâm phục vụ,… (giống hệt cách Ảo Thành Chân làm khi đứng trước hai kì Đại hội). Thế là hắn làm trưởng thôn thay cả Bu !!!


(*: Thành thị Việt Nam)
 
1015.

Sìn tuyên bố: Phải làm sao cho làng ta lừng danh cả nước, không ai không biết. Phải dân chủ, phải có 5 chánh tổng ! Khung thì hắn định sẵn rồi.

Ra đình làng, hắn công bố cho mọi người biết:

Này nhé, cụ lang Mí Lù, người của Nho học, già cả trọng vọng nhất, làm lang cũng như làm bác sĩ. Ấy là .

Ông Phó, một đời nông dân chân chất, về sau hay làm mộc, nhưng cũng là nông dân từ khi mẹ ông còn úp lồng bàn vào bụng. Ấy là Nông.

Tiểu Vũ, học hành công nghệ, sau này cũng chỉ làm đến thằng công nhân cho tư bản bóc lột thôi. Ấy là Công.

Họa sĩ Ưu Ưu, chiến sĩ một đời không mỏi cho sự nghiệp dân chủ, ấy là Binh.

Con trai ông giáo Linh, vì sinh ra ở Tây, học Tây học, giờ về làng làm đại lý cho công ty chuyên thu mua Mít, chuyên về thu mua Xơ, nên gọi là Sơ Mít. Cu này học Thương mại trường Kinh tế, đích thị là dân buôn bán, ấy là Thương.

Vậy là Hội đồng làng ta, Sĩ Nông Công Binh Thương đủ cả. Cấm ai chê vào đâu được.

Thằng Sìn tính rồi, cụ lang, ông Phó già cả, chỉ ngồi góc nhà nói lầm bầm như ma xó cả ngày. Ông Ưu Ưu thì chỉ quan tâm đến sự nghiệp cách tân xã hội ở đâu đâu. Tiểu Vũ thì thấp cổ bé họng, nếu có tân tiến quá cũng dễ trị, đưa vào cho có đủ phụ lão lẫn thanh thiếu niên, còn Sơ Mít chỉ mải mê làm ăn, với việc làm thì thờ một chữ Nhàn. Ấy vậy là Sìn khỏi phải lo. Già thì bảo cổ hủ, trẻ thì bảo nông nổi, kiểu gì cũng có cách áp chế.
1016.

Lúc ấy bỗng sư ông chùa Mốc lảo đảo đứng dậy lè nhè bảo:

- Còn thiếu, còn thiếu. Thời buổi tự do tín ngưỡng, cần đoàn kết mọi thành phần xã hội. Phải có chân đại diện Tôn giáo. Sư tôi xin tự ra ứng cử làm thành phần thứ 6 gọi là Tăng. Sĩ Nông Công Binh Thương Tăng!. Xin một tràng vỗ tay !!

Các bà già vỗ tay ầm ầm. Các bà này vẫn thường lê la trong chùa để kể xấu con cháu, tán thưởng sư lắm. Vốn làng có sư Quý, làm đến trưởng ban tuyên truyền Thiền học của Thư viện Hoa Sói, nhưng đi biền biệt, lại hay hỏi vặn, chả như sư cụ dễ thương thích buôn chuyện và ăn ngon, nên các bà ủng hộ rầm rầm.

Sìn lại gần sư, nhìn vào mặt sư rồi bảo:

- Được, chỉ phiền sư ông đóng thêm mỗi 100 gạch nữa cho làng là thể nào chả được lên chiếu trên, rồi bấy giờ Hội đồng làng sẽ xét.

Sư ông méo mặt. Dù mang tiếng tu trong chùa Mốc nhưng sư cũng hiểu rõ thế nào là “gạch cho làng” của thằng Sìn. Tiu nghỉu ngồi xuống.

Sìn quay đi, lầm bầm: Sư mà cứ hồn nhiên như cô tiên thế. Tiên Sư ! 
1017. (6 May 2005)

Sư không tranh cử Hội đồng được, cũng ấm ức. Đống sỏi đằng sau chùa ném sang vườn chuối đã vơi hết. Chả có viên nào quay lại (*). Nhưng thôi, ông Nét về làng làm ăn, sư cũng lân la muốn kiểm một chân. Xem ra không làm chức dịch thì làm bạn với nhà đầu tư cũng được.

Sư bảo Nét: Quan bác tuy mệnh phát tài phát lộc, nhưng để an tâm, cứ là phải cúng sao giải hạn, sửa cái lễ xôi gà sang đình, cái lễ oản quả vào chùa tôi. Mà sang hơn thì làm hẳn cái thủ lợn. Nếu bận quá để tôi sắm luôn cho cũng được. Mấy bà vãi già trong làng ngày xưa làm mậu dịch viên lâu năm, chân tay cẩn thận, đảm bảo làm gà tự làm, xôi tự đồ, sạch sẽ cho ông, không phải lo.

Thấy sư cứ xoắn xuýt, ông Nét không nỡ chối, nhưng vướng chân quá đẩy sang cho Biển Đẹp. Rồi cứ như là bia gặp lạc rang ý.

Sau có một buổi biết nhau, thì sư ngồi gần Biển Đẹp mà rằng: “Nhà chùa xem ra nhà em là có tướng con ngan, khật khưỡng mà sang hết chỗ nói, con cháu ăn mười đời cũng không hết phúc. À mà nhà em biết chuyện Phật chỉ trăng chưa?”

Thấy Biển Đẹp háo hức, sư giả bộ ngấm nghĩ chán rồi thủng thẳng kể: Ngày xưa Phật dạy học trò, xòe bàn tay phải mình ra, tay trái chỉ vào giữa mà bảo: “Tay ta tròn như mặt trăng, các đường các chỉ tay đều như mặt trăng cả. Chừng nào các con tu hành mà tay tròn được như mặt trăng giống tay thầy thì sắp đạt chính quả rồi đấy”. Úi, nhà em xòe tay ra thầy xem nào, bàn tay em là tay chuối ngự cúng Phật, ngũ khâu đẹp như thỏ ngọc thế này, hiếm có lắm, chịu khó tu hành thì cũng gần thành tay mặt trăng rồi đấy. Cổ tay tròn lẳn thế kia, y tay Quan Âm ấy. À mà nhà em nghe chuyện Niêm hoa Hi tiếu chưa?”

Biển Đẹp lúc này thẽ thọt mỉm cười lắc đầu. Sư lại rủ rỉ kể: Ngày xưa Phật dạy, gọi ông Ca Diếp đến bảo : Ngươi xòe tay ra, như bông hoa sen mới nở, để ta chỉ điểm cho, ấy là Niêm hoa – tay sư nắm lấy năm quả chuối ngự của Biển Đẹp.

Chả biết sư làm thế nào mà Biển Đẹp cười rin rít lên không thành tiếng. Sư tiếp: Ấy, đúng thế đấy, ông Ca Diếp cười lên, tức là Hi tiếu, tiếu hi hi ấy mà, thế rồi sau thành A la hán. Nhà em cứ chịu khó đến chùa đọc kinh lễ phật rồi thì là phúc đẳng hà sa, à mà còn chuyện ông Mục Liên…..
 

1018.

Biển Đẹp chăm về làng, mà mỗi lần về lại càng ở lại lâu hơn. Bu đã bắt đầu thấy nghi ngờ khó chịu.

Rồi một hôm, Biển Đẹp về muộn lắm. Bên nhà trọ trông sang, cửa hàng biển tối om om mà Bu lòng như lửa đốt. Mãi tối mới thấy tiếng lạch cạnh, gã bổ ra ngoài. Trời ơi sao về muộn thế? Có làm sao không, xe hỏng à, hay là có chuyện gì mà muộn thế. Biển Đẹp ơ hờ, không sao cả, về muộn, thế thôi. Nghe giọng “không sao cả” thì lại càng sốt ruột. Hay là lại léng phéng chỗ nào? Hay là thằng Sìn dở trò gì, bảo anh cho nó một mẻ, hay thằng sư chùa Mốc à. Này, cẩn thần đấy, thằng đấy là lừa lấy tiền của mấy bà trong làng rồi đấy, không biết à…

Biển Đẹp hơi giật mình. Tí xíu thôi. Nếu Bu hỏi câu đấy lần trước thì cô còn lo, chứ hôm nay cô đã chuẩn bị kĩ rồi. Người nhiều kinh nghiệm như mình ai lại không lo trước dăm ba đường trốn nợ?

Vào nhà, mặt mũi tươi cười hỏi: Anh biết hôm nay em gặp ai không?

Gặp ai?

Gặp cô giáo dậy văn cũ, cô giáo mà khen em làm thơ hay ấy. Hóa ra cô giáo nghỉ hưu về làng, trông trẻ và viết thơ, là cô Hoàng Yến đấy. Bọn trẻ cô trông ngoan lắm, đứa nào cũng thuộc thơ của cô. Sau này mà có con đem gửi cô thì yên tâm phải biết. Úi, cô giáo tốt ghê lắm, cứ giữ em lại ăn cơm với cô (quái, cơm chay các vãi làm kiểu gì, giả gà giả mực giống thế, lại không béo), cô lại còn cho em hoa quả vườn nhà cô mang về này.

Biển Đẹp bày ra bàn la liệt cam, chuối. Bu cận thị, chứ nếu tinh mắt gã sẽ nhận ra trên nải chuối còn dính đầy tàn hương.
1019.

Bà Yến về làng trông trẻ. Con cái bà đã phương trưởng, nhưng chưa đứa nào chịu lấy vợ lấy chồng cho bà có cháu bế. Những ngày trước còn đi dậy ở trường phổ thông, lũ học sinh nghịch như quỷ sứ, bà phát mệt với chúng nó, nhưng cũng vui. Về hưu rồi, có trường dân lập cũng mời bà về dậy văn, nhưng được một kỳ là họ lịch sự từ chối. Bà cũng gật đầu hiểu lẽ đời mà về quê.

Bây giờ người ta khác lắm, bà không quen được. Đấy, như cái trường bà dậy khi trước, giờ thành trường điểm. Người ta cứ gọi là chạy chọt cho con vào ầm ầm. Vào rồi, mười phần thì đến mấy phần là không con người này cũng cháu người nọ, hoặc dây mơ rễ má, con người bạn buôn của cô hiệu phó, thằng cháu nhà ông thông gia với ông phòng tài vụ,…, nên chả thể nào làm gì được chúng nó. Cứ mỗi kỳ thi học kì đến là “phiếu bé ngoan” gửi gắm nhiều như bươm bướm. Người xin một, người xin hai điểm. Khốn nạn là cái môn Văn, là môn quan trọng ngang với Toán, nhưng lại chả có khung điểm chuẩn gì cả, muốn cho mấy điểm là tùy cô giáo, nên người ta càng hay xin xỏ.

Bà bức bối và xót xa.

Bọn học trò phổ thông của bà có đứa viết văn phân tích nhân vật chị Dậu thế này: “Chị Dậu là điển hình về người đàn bà có hương sắc và giỏi đẻ nhưng giỏi nhất là chạy chọt. Chị đã biết chạy từ cửa trương tuần, lý trưởng, đến thẳng nhà nghị Quế, lên hẳn quan trên tỉnh, chạy vào tận giường cụ cố tổ. Chị biết bán đi mấy con chó để lo lót cho chồng từ ở tù lên thẳng làm lý trưởng làng, mỗi tội đúng lúc cụ cố định ký giấy thì công an ập vào, may chị chạy thoát được trong đêm đen tối như cái tiền đình của chị nên công an không đuổi kịp. Sau chuyện này chắc chắn chị sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hơn, tiến theo con đường cách mạng. Con của chị là cái Bé, từ nhỏ mẹ đã đi đánh giặc suốt nên rất giỏi chăm em, mỗi lần có tiếng pháo là nó trèo lên ngọn dứa xem mẹ chạy về chưa”.

Thế mà cứ phải cho 8 điểm, 9 điểm văn cơ đấy.

Bà biết làm sao dậy dỗ được chúng nó. Chúng nó lớn rồi, viết văn chưa thành câu nhưng hôn nhau đã thành tiếng, cặp nhau đã có bầu rồi. Bố mẹ chúng nó chạy 500$, 1000$ để vào trường, rồi thì nghĩ là cứ tiền là xong. Mỗi lần thế bà chỉ muốn về hưu nhanh lên.

Về hưu về làng thôi. Làm thơ và trông trẻ.
(16 May 2005)
1020.

Như để phần nào khiến cho cái trào lưu văn hóa thô thiển từ thị thành đừng ăn quá sâu vào đầu óc lũ trẻ con làng Ven, giữ lại lấy phần nào tâm hồn của bụi tre, bến nước, và để giải tỏa nỗi lòng, bà Yến làm thơ, thật nhiều thơ.

Những câu thơ của bà ai nghe cũng thuộc, câu thơ hát về làng quê yên ả, về mỗi bàn chân trần trên mảnh ruộng khô sau mùa gặt, mỗi sợi tóc mai bay trong làn gió mang hương lúa, mỗi cánh cò trắng lấp lóa trên đồng vàng, trên lóng lánh sóng nước dòng sông. Câu thơ của bà đưa tiếng róc rách mái chèo con đò nhỏ của lão chăn vịt, như đang khua vỡ mặt trăng loang loáng trong đêm, như tiếng chuông chiều buồn chầm chậm từ tam quan chùa làng, tiếng nhị kéo nỉ non cuối xóm hòa với tiếng lá tre xào xạc, lá dừa rì rầm của chiều.

Bà như dấu tích của một thời chưa quá vãng, vừa mới đấy mà cũng chửa kịp nghe, kịp nhớ. Bà viết cho mọi người như cho chính hồn mình. Nghe thơ bà, người ta bỗng thấy mình bé lại, nhỏ đi, rồi lại tan ra mênh mông trên mảnh đất này. Đôi khi khắc khoải như trong một chiều hè, qua cơn mưa nhỏ bỗng bừng lên nắng quái, rừng rực để cháy hết khát khao, để lặng lại thành ban tối lấp lánh một ngôi sao nhỏ.

Bà dậy cho lũ trẻ bà trông những bài thơ nhỏ, để chúng quen, và yêu tiếng làng quê, tiếng thì thầm của hòn đất nâu dưới chân cha, của đường chỉ bạc trên vai áo mẹ, tiếng lao xao mưa giữa trời. Đơn giản và gần gũi.

Một hôm, bà sang nhà cụ lang Mí Lù. Nhắp chén nước chè ngan ngát, bà chợt như nhớ ra, bảo: Ấy chà, chả biết rồi còn có được xem lại cái lễ hiến Cô cho Bà nữa không nhỉ??

Cụ lang dừng tay đảo thuốc, nhìn bà tủm tỉm. Hiểu rồi. Muốn phục hồi vốn cổ đây mà….
  
1021.

Hồi xưa, xưa rồi, bốn năm một lần vào mồng năm tháng tư âm lịch, làng có hội tế Bà Thủy. To lắm, tuy không phải thành hoàng làng, nhưng Bà là vị thần ở khúc sông này, ngày xưa cũng là con chúa con vua gì đó, không hiểu sao chưa thành gia thất mà trẫm mình ở đây, rồi hiển linh hành Hà bá.
(Xin độc giả đừng nhầm với bà Thủy bán rượu ở chợ bên sông)

Lễ cúng Bà Thủy diễn ra hai ngày, nhằm kì nước sông cạn. Có lẽ xa xưa các cụ mong muốn cầu được mưa thuận gió hòa, có nước ngọt tưới cho đồng làng chăng, mà lễ hội Bà phải ra tận sông để tế, phải múc nước té lên giời….

Trong lễ, hay nhất là đoạn hiến Nữ quan, mà người làng quen gọi là Hầu cận cho Bà, mà đơn giản nữa thì là Cô. Nữ quan phải là một cô gái chưa đến mười lăm tuổi, tóc dài, mặt mũi xinh đẹp, con nhà tử tế hiền thục. Cô được mặc đồ gấm vóc, cổ đeo hạt trai, tóc búi gài thoa vàng, ngồi trên kiệu do bốn trai làng lực lưỡng khiên. Cô không phải làm gì cả, chỉ việc ngồi khoanh tay trên kiệu, lọng che hai bên. Kiệu thần vị của Bà đi đến đâu thì kiệu Cô đi liền sau đó, nhưng bao giờ cũng thấp hơn kiệu Bà một tầm. (Ngồi kiệu thì thích cực, mỗi tội ngồi lâu không được xuống, ê chân và nhất là …. mót lắm, mà không dám kêu. Có cô khi sắp hết lễ mếu máo đòi xuống ngay để … đi giải).

Khi đám tế ra đến sông, bốn trai làng khiêng kiệu Cô phải chạy ra giữa sông, càng xa càng tốt. Thực ra chỗ ấy đã được họ dò từ trước mấy ngày rồi, chứ không thụt chân xuống thì chết. Nước ướt hết người khiêng kiệu, rồi dần ngập lên đến tận người ngồi trên kiệu. Nữ quan cũng phải ướt. Rồi kiệu hạ xuống cho Cô phải ướt sạch, Cô gái hét toáng lên. Người làng cười vui hớn hở. Cô hét lên tức là đã làm Hầu cận của Bà rồi. Càng hét to thì càng tốt, mưa gió mới thuận hòa. Nhiều cô được cha mẹ dậy hét từ trước cả tuần lễ.

Cô gái nào được làm Hầu cận cho Bà thì bao giờ cũng được người ta quý trọng, vì cô đã là bậc á thần. Và có một lệ đặc biệt. Đó là bố mẹ cô được quyền chọn chồng, và đánh tiếng nhà trai, chứ không phải chờ nhà trai mai mối. Ai được Cô chọn thì cũng vui mừng, bởi có bóng của Bà ở trên, con cái đầy nhà, phúc lộc dồi dào. Đó là niềm tự hào cho cô và cả gia đình nữa.

Đấy, vui thế, mà sao lâu lắm rồi không thấy làm lại nhỉ.
1022.

Cái đận năm Thìn ấy, chắc cụ lang còn nhớ, các cụ trong làng còn nhớ cả…. Giọng bà giáo Yến rủ rỉ nhắc lại.

Ừ, các người già trong làng chả ai quên. Đận ấy năm trước hạn lắm, ruộng khô nứt cả ra, lòng sông chỉ còn một chút nước, lội sang cũng được. Người làng chờ mong đến lễ Bà để cầu mưa. Thế rồi chưa đến lễ người ta đã tìm xem ai được làm Cô. Người ấy là quan hệ đến vận mệnh của làng chứ chả chơi. Đây rồi. Cô Hồng Thủy, con ông phú hộ họ Đoàn đã được các cụ trong làng chấm. Cô vừa mười bốn tuổi, người nhỏ nhắn, răng trắng đều, tiếng lanh lảnh, nước da trắng bóc. Lại tên là Thủy, thì đúng là đáng để hầu Bà.

Biết mình được chọn, cô sung sướng vô cùng. Trong đời cô lần đầu tiên thấy mình quan trọng đến thế. Trước thì bố cứ mắng: mày suốt ngày chơi nhởi, rồi ma nào thèm lấy. Giờ thì nếu thích, cô chọn ai cũng được. Nghe tin cô được chọn, có nhà đã thấy sang qua lại dò ý. Cô cả thẹn chui tụt trong buồng, chọc một lỗ trên vách để nhìn trai làng, xem ai ưng ý.

Lế tế năm ấy, kiệu cô ra được đến tận giữa sông. Nước cạn quá, nên chẳng thể nhúng cho cô ướt hết như những lần trước được. Rồi, tiếng thét của Cô vang lên thật là dữ dội. Bốn trai làng giật mình suýt vứt kiệu xuống. Tiếng thét cao như tiếng chảo sắt xiết vào nhau, vang như tiếng cồng của ông từ. Giọng Cô khỏe quá, hơi gần như không đứt, dễ chừng ông từ đánh ba hồi chín tiếng trống nó vẫn lanh lảnh. Tiếng này chưa hết cô lại lấy hơi để thét tiếp. Vang động cả khúc sông, át hẳn tiếng hò reo của dân làng trên bờ.

Làng vui chưa từng thấy. Quả là chọn không lầm người. Tháng sáu mưa về sầm sập. Tháng bảy tháng tám, lũ cuốn trôi ruộng vườn, lụt trắng cả làng….. Mênh mông là nước. Đúng là Hồng Thủy.


Năm sau, cô Hồng Thủy đổi tên là Đoàn Chi Thủy
(16 Feb 2006)
1020. (tiếp 1016)

Từ ngày đòi dự vào Đình làng không được, Sư ông chùa Mốc đâm ra buồn tình. Ngày thường các bà vãi cái tay dẻo là thế, giờ trông cứ như đám củi khô. Cái tay Biển Đẹp xòe tròn, giờ trông chả khác cái bánh dày giã chưa kĩ, bèn bẹt mà lại khít khịt thế kia. Chả thích.
Thế đấy, cái danh cái lợi cái quyền nó khiến sư quắt quay ra. Ngày biếng ngủ, đêm biếng ăn. Cả tháng giời nằm bẹp trong chùa.

Buồn ơi là buồn, sư lọ mọ sang thăm bà giáo Yến. Bà này chắc là tình lắm - sư nghĩ thế.

Này nhé, là giáo viên dậy văn trên hẳn tỉnh ấy, thế mà về làng, chuyên nghề dụ dỗ đút bột vào mồm mấy đứa trẻ, cùng lắm là nhét vào mồm chúng mấy câu vè à ơi. Thế là không có người xướng họa, không có bạn tri âm đâu nhé. Chuyện, cả làng này, còn mấy ai thuộc văn vần hơn Sư nữa, mấy chục bài kinh, đọc như hát hay, lại thỉnh thoảng bói Kiều, bói sấm nữa. Làu làu ra.

Chiều, hì hụi lôi đôi giày ra đánh lại xi (quát ngậu bà vãi già đang thập thò trong cửa). Thay đôi này vào, chứ ai lại đi guốc như mọi bận. Vận cái áo cánh lụa trơn vào trong, cái áo này mới chỉ bận hồi chùa nhận bằng "Di tích lịch sử văn hóa cấp huyện" - do ông Nét chạy chọt hộ - thôi đấy. Vẫn khoác nâu sồng cho đỡ khác thường, sư đội lên đầu cái mũ cối mới.

Ra ngoài rồi còn quay lại, lục tủ lấy cái đồng hồ Seiko đeo vào. Phải biết giờ giấc cho chính xác. Mấy quyển sách cũ nó nói lúc gà lên chuồng là phụ nữ họ cũng hay mềm lòng lắm !!!


Gớm, có một đoạn đường đến đầu nhà bà giáo Yến mà sao hôm nay gặp lắm người thế không biết. Mà cha bố chúng nó, lại cứ chào tướng lên thế. Sao thường ngày lên chùa chả thấy mặt, mà giờ cứ xoen xoét cái mồm? Ghét !!!.

Bụi tre xao xác giũ nốt đám lá úa, tần ngần gỡ những cánh tay đang đan vào nhau. Lá chuối lật phật vào chiều. Vài đứa trẻ cuối cùng đã về.

Đèn vừa lên cũng là lúc sư đến gần cửa nhà bà ấy. Cái cớ đến nhờ bà viêt hộ mấy câu thơ cho lễ kỉ niệm 1 tháng ngày nhận bằng di tích lập bập ở môi.

Bỗng nghe trong nhà tiếng bà giáo Yến ngâm nga

"Bắt đầu sư cụ ra tay
"Vừa vào chốn ấy xóa ngay muộn phiền....


Giọng êm ái như tiếng dòng sông, yêu yêu thế. Sư ngất ngây, chuông mõ réo rắt trong lòng....

1021.

........

- Đấy các ông xem đi !

Cầm quyển sổ dầy cộp quẳng đánh toẹt một cái xuống bàn, thằng Sìn mặt hằm hằm, tiếng phì cả ra ngoài kẽ răng nghe rin rít.

Các xóm trưởng co rúm người lại. Cứ nghĩ đến cảnh hôm nó dọa kẻ toẹt đường cái vào thẳng nhà mình, cũng hằm hằm thế này, mà đã thấy gớm. Ông chánh Sơ Mít với cụ Phó thì quay sang nhìn nhau đầy ý nhị, mồm như nhai cái gì đó, nhưng chả mở ra.

Chỉ có cô Biển Đẹp là vẫn cười hơn hớn. Từ hồi chủng chẳng gì với Bu trên thị xã, về làng kẻ biển, rồi trúng cái chân quản lý loa phóng thanh, lúc nào cũng thấy cô tươi.

Nhẹ nhàng cầm quyển sổ bìa đã bong tróc, còn mờ mờ mấy chữ "Hộ tịch", bên trong đầy ự những trang giấy đã quăn góc vì bị những ngón tay nhấp nước bọt vê vào góc lật giở quá nhiều, cô khẽ lùa móng tay sơn đỏ chấm kim tuyến vào giữa, giở ra.

- Cơ mà sao cơ ạ ? - giọng ngây thơ như chưa bao giờ biết thằng Bu.

- Cứ về cuối ấy, cái chỗ gấp mép đánh dấu ấy - Sìn vẫn cấm cẳn, chưa hết bực mình.

Cô Biển Đẹp nhẹ nhàng giở đến gần cuối trang của cuốn sổ. Liếc xung quanh thấy mấy cặp mắt hấp hé nhìn sang, cô tủm tỉm cố tình giở chậm lại. Rồi bống mắt cô tròn xoe, miệng cô rộng ra. Chả cần đợi Sìn nói, cô xướng lên rõ to:

- Ngày... tháng ...., Thị Huyên xin đổi tên là LẠT ĐẮC CÔI
- Ngày... tháng ...., ...... đổi là ĐỖ LỆ MI
- ....... đăng kí với tên GIA CỔN LẠC MÊ
- ...... đăng kí với tên MẬT NẠI
- ...... đăng kí với tên NHŨ LA GIÁC MÔ
- ..... đăng kí tên Á MIÊU HOÀNG
1022. (3 Jun 2006)

Cô Biển còn chưa xướng xong, thì có tiếng cười ré lên từ phía dưới. Rồi uỵch một cái. Ngoảnh lại thì ra cô Cam vì cười to quá nên ngã cả khỏi ghế.

Sìn mắm môi mắt lợi, nhưng cũng không nhịn khỏi cười. Hắn dẩu mỏ ra rồi bảo - Đấy, các cụ các ông các bà xem, chứ tôi nắm giữ cái hộ tịch làng này, đâu có dễ dàng gì. Ít nữa rồi ra trong làng tên tây tên tầu, tên Ả Rập, tên Zim-ba-bu-ê, tên Thổ Nhĩ Kì, thì còn lấy đâu ra chỗ mà viết. Rồi biết đằng nào mà thu thuế. Thuế của xã chứ có phải trò đùa đâu.

Bá Dân nẫy giờ mải ngồi vuốt bụng và nhổ lông mũi, ngoảnh ra buông: - Cứ tính mỗi lần hai ngàn. Bố bảo cũng chả đổi. Mà mỗi chữ ba trăm. Xem nào, Lạt Đắc Côi, vị chi chín trăm, mà thêm hai cái dấu, mỗi cái trăm nữa là nghìn mốt, lấy chung thành ba nghìn cho tròn. Thời buổi này triện của chánh có phải củ khoai đâu....

Ai cũng biết ông Dân chạy cái bá hộ mất mấy ngàn. Mà đấy là còn nhờ có bà Khoai sốt sắng chạy đi chạy lại các cửa ỏn ẻn giúp cho, chứ như người khác thì phải cả vạn bạc. Người ta biết ông xót tiền lắm, nhất là sau khi cô Biển chỉ nhờ mỗi cái có cái tay tròn với lại quen biết từ nhà Bu đến nhà sư, mà leo lên cái ghế Lý chỉ tốn có chưa đến nghìn, thì ông ức ra mặt. Cứ thấy ai có sự gì thì ông chỉ muốn đè người ta ra mà lột tiền, để bù lại cái khoản mà ông cho là mất oan ấy. Được đeo cái băng rốn đỏ mà mà mất từng ấy, càng ngày ông càng thấy không đáng.

Bởi thế mà lúc đầu định sau khi chạy Bá hộ, ông nhắm cái chân thứ chỉ, nhưng giờ chả thấy nói năng gì nữa.

Sìn lườm lườm nhìn Bá Dân, hắn vẫn đang nghi ngờ cha này trốn thuế xã, nhưng chưa tìm được chứng cớ. Nay thấy cha này chỉ nói chuyện tiền nong, hắn lại càng bực bõ. Thế là hắn quyết. Giằng lấy quyển hộ tịch từ tay cô Biển, hắn giơ ra phía trước dư dứ, rồi xẵng:

- Gì gì cũng được, đây không làm nữa. Được đồng nào hay không đây cũng không thèm. Từ giờ các chánh tự mà lo lấy việc hộ tịch này.


Ơ ớ, ô hay chửa, ô hay ..... tiếng chánh Xơ Mít rơi tõm vào tiếng khụt mũi đánh khịt của cụ lang Mí Lù....  
1023. (4 Jun 2006)

Bà giáo Yến thẽ thọt cầm lấy quyển sổ, nhỏ nhẹ rằng: - Ừ thì thôi, họ thích thế thì cứ cho họ thế, làm gì mà phải tiền nong, cái gì quá thì thôi.

Bà ấy vốn thế, lúc nào cũng nhẹ nhàng, lúc nào cũng lửng chửng, lúc nào cũng.....

-... vẫn có những người tên hay quá đi chứ, như đây này.... - bà dò tay theo quyển số - có cậu Nguyễn Viết Nam, tên hay thế cò....

Nói đến đây thì bà dừng phắt lại, nửa chữ "còn gì" vừa thập thò nơi đầu lưỡi thoắt đã chui tụt vào trong. Chả là bà nghĩ lại giận cái thằng...

Thằng Viết Nam tên hay thế, mà mồm lúc nào cũng chỉ thích tây với tây, lúc nào cũng xổ tiếng tây, bà giáo là thậm ghét. Cậu ta nhem nhẻm "Ái he vờ tờ ri li yền mai dz", oai lắm cơ.

Hôm bà giáo ngâm nga đọc thơ, thì nó thò ngoài cửa vào xổ một tràng:

"Hi xi len cờ ri - phờ rô dần tia sờ ợp dơ hát - ao ợp na thinh át âu..."

(he silent cry
frozen tears of the heart
out of nothing at all)

chả giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ gì cả. Bà giáo ân cần bảo: "Cháu nói thế nào để mọi người nghe với" thì nó đốp lại "cháu với chiếc gì, Ai (I) với Iu (You) hết, thế nó mới dân chủ, bình đẳng". Trong làng nó chả chịu kiêng gì ai. Chỉ có ai tây tây, tên tây tây là nó thích nhất.


Hôm trong chùa Thất Lục, sư cọ đang ê a: "Nam mô Thích Ca Mâu Ni phật..." iswear.gif
thì nó đứng ngoài lại chõ vào "Sít đờ ha ta Gau Ta Ma* chứ Thích thiếc Ca kiếc gì"

Ông sư tức lắm, xổ ra một tràng:

Tu lị - tu lị - ma ha tu lị - ma bà ha
Tu tu lị - ha ma tu lị - ma hà ta
Già la phạt đá - già ha phạt đá - la hà phạt đá
án chỉ đá - già la phạt đá - án đề bà w00t.gif

Đấy, mày có giỏi thì dịch đi !!!!

Từ đấy nó chỉ sợ ông sư đem Tu lị ra vặn thôi.




*Siddhartha Gautama.
 
1024. (10 Jun 2006)

Sìn tức rồi. Sìn chả làm nữa. Sìn muốn đi buôn.

Về làng lâu lâu, lại đâm nhớ thành thị. Nhớ những lúc lăn lộn trong đám giang hồ trên đó, nhớ cái vỗ tay vào lưng như ba quả tạ của Ảo Thành Chân. Có lẽ phải rời làng một chuyến cho nó chai sạn sắt đá hơn, chứ cứ ẻo lả với mấy bà mấy cô, nó vữa người ra.

Nhưng, cũng như mọi kẻ nhìn ra trông rộng khác, cũng như cái việc nắm được bản đồ địa chính của làng (cái này mới là quan trọng, chứ còn Hộ tịch, xì, muỗi), hắn cũng phải cài cắm để yên tâm lúc đi ra ngoài. Chả phải chọn đâu xa. Tị Mỏ đấy chứ đâu.

Tị vốn chào đời oái oăm, vào giờ Tị năm Ngọ, mà lại là ngày mồng ba tết năm Ngọ. Ức lắm, chỉ chậm có 3 ngày mà con mình phải mang tiếng thua tuổi con nhà người, đã thế, để không kém nhà nào, đặt tên là Tị, lâu rồi quen đi, đố ai dám nói là tuổi Ngọ? Thế nên gã được mang tên là Tị.

Kể ra cái làng này cũng nhớ dai thù vặt. Mà thói đời, cái gì càng cố thì càng hỏng. Được đặt tên là Tị, nhưng cả làng ai cũng biết là sinh năm Ngọ cứ có phải năm Tị đâu. Bởi thế người ta còn réo luôn là Tị Ngọ. Càng ức, mà càng ức lại càng bực chính mình. Nhà gã cho gã ra lăn lộn ngoài đời sớm, tránh láng giềng đi, đỡ rác tai.

Nghe chừng Tị Ngọ cũng bôn ba, lên xuống nhiều nơi. Thỉnh thoảng về làng thăm hỏi, lâu dần rồi người ta chả để ý đến năm sinh, nhưng mà cái tên Tị "Ngọ" vẫn cứ thỉnh thoảng còn nghe, những muốn đổi tên, cơ mà có lần cụ lang Mí Lù lầm rầm: "Tị là kiêng, tị thủy là rẽ được nước, tị hỏa là tránh được lửa, chả phải vừa", gã nghe lỏm được, lấy làm đắc ý. Hung cát gì cũng được. Tị tức là phải tránh xa....
1024.

Lại thói đời, lúc chả tránh thì lại tránh được. Vài năm quay về, thì người ta không gọi gã là Tị Ngọ nữa, mà gọi là Tị Mỏ. Tức có sừng có mỏ. Thậm thụt trong làng : "Sừng tức là Sìn, còn Mỏ.... ghê lắm, không phải vừa, cẩn thận vẫn hơn...."

Tị Mỏ từ đó oai trong làng, cười nói đấy, nhanh nhẩu đấy mà mắt gườm gườm trông như thằng sắng đá. Chiến sĩ dân chủ Ưu Ưu gật đầu hẳn hai cái "Giọng tuyên truyền giỏi, hành động nhanh gọn kiên quyết, cho đi làm cách mạng. Được". Ông Ưu Ưu mà đã nói "Được" thì tức là "Cực tốt", đã nói "Tốt" thì tức là đồ bỏ đi.

Bởi thế, nên Sìn giao hẳn việc canh chợ cho Tị. Cái chợ này có từ lâu lắm, bên kia sông. Từ ngày bắc cầu, thành ra tiện mà gần. Buôn bán, chao chát hàng ngày. Tị lại lôi kéo Lộ chủ cửa hàng bán xe máy Đài Loan ra bao thầu cả chợ nữa, thị Lộ vốn nhiều, thế mạnh, lại canh ti với cai thầu chợ, thế lực nghiêng cả làng.

***

Sìn đi đi về về, việc làng, việc hộ tịch giao cả cho các chánh. Nhưng chỉ cần Tị Mỏ, Thị Lộ rút phắt "dế" ra, A lô một cái, là y như rằng lại thấy mặt ở làng. Thời buổi khoa học hiện đại có khác, nhanh thật.

Đến ông sư cũng sắm cái máy đọc kinh tự động, ra rả cả đêm điếc tai hàng xóm....
1025.

Tị Mỏ đang ngồi ở trong cái điếm canh chợ, thì Thị Lộ xồng xộc chạy vào. Trời đang nóng như quạt chả, mà nhìn cái mặt thị còn nóng hơn.

- Hừm, lại chuyện gì hử Tiểu Bàng? - gã vẫn âu yếm gọi thế, như là thị vẫn gọi gã là Tí Mỡ í

- Còn chưa bán được cái nào, mà cái bọn vàng vàng đỏ đỏ, váy ngắn quần vá, toàn kiếm cớ nhảy lên xe tôi chụp ảnh. Thế thì còn bán được cho ai nữa .... - thị dấm dẳn.

Chả là trong làng, rộ lên mốt mới. Mà mốt đầu tóc, quần áo, thì phải có xe mốt. Nhưng không có tiền thì làm thế nào? Toàn là cố tình rình trèo lên xe mới cửa hàng thị Lộ để khoe, chụp ảnh, nên thị ức

Mốt gì thế nhỉ? À, các cô nàng, rồi các anh chàng nữa, đua nhau tóc vàng tóc đỏ, bôi màu lòe loẹt. Ấy là họ bắt chước trên thành thị, nghe nói trên ấy màu vàng màu đỏ còn bôi cả lên những chỗ khác nữa ấy chứ, xá gì trên đầu. Rồi váy thì ngắn đến nỗi người mặc phải khó khăn lắm mới có thể chạm được hai mép váy đằng trước với đằng sau (đấy là khi chúng thách nhau làm thế, chứ bình thường có ai lại làm thế bao giờ).

Chưa bằng cái mốt quần áo vá, cứ gọi là vá tầng vá lớp, dầy cộp khiếp lên được. Có đứa mặc áo ba lỗ, chơi cả miếng vá cắt từ áo cũ của người khác to tướng giữa lưng áo. Có đứa thì vá tầng đến mấy tầng, tầng thì vải bò, tầng thì vải lanh, tầng lại bao tải. Có đứa áo toàn là miếng vá, chả có miếng nào là áo thật ngoại trừ mấy cái khuy
(Có hôm Tị Mỏ cũng mua thử mặc cái quần vá 7 tầng, vốn định khoe Thị Lộ, chẳng may bà Khoai nhìn thấy phán một câu "bình thường thôi" nên gã chả mặc nữa...)

Đã thế, Tị Mỏ phải làm vừa lòng Thị Lộ .....
1026. (12 Jun 2006)


Nếu đang ở giữa làng giữa chợ, mà gặp:

- Tóc vàng tóc đỏ ngứa mắt thì làm thế nào?

- Cắt, cắt - các bô lão đồng thanh

- Tóc vốn ngắn quá không cắt được thì làm thế nào?

- Xịt xịt - Tị Mỏ tay giơ cao bình xịt loại xi đen (chuyên dùng mông má xe cũ) của Thị Lộ

- Váy ngắn quá thì làm thế nào?

- Tịch thu váy tại chỗ !!!!! scared.gif blushing.gif
 
1027.

Chánh Sơ Mít đi qua đầm Trấu, gió to thổi bay quyển Playboy đang cầm xuống đầm. Thế là quần sắn lên tận bẹn, Chánh lội xuống vớt.

Vớt xong quay lên bờ, thì Thị Lộ đã hằm hằm đứng đó từ lúc nào. Chỉ tay vào quần của Chánh, Thị bảo:

- Quần ngắn quá, phạm qui. Phạt.

Chánh chẹp miệng: - Trông ngoại diên nó ngắn, nhưng cái nội hàm nó dài lắm đấy...
 
 


 

 

 













  




Thứ Năm, 22 tháng 5, 2003

Những tác phẩm muôn đời

TOPIC GỐC: http://ttvnol.com/threads/nhung-tac-pham-muon-doi.110889/

Những tác phẩm muôn đời

Giống như đa phần mọi người Việt, tôi không hiểu biết mấy về Mỹ thuật, đặc biệt Mỹ thuật hiện đại.
Tôi chỉ muốn tập hợp nơi đây, để đôi khi ngắm lại những tác phẩm của các bậc thầy trong Hội hoạ, Điêu khắc mà thôi. Những tác phẩm mà dù người không am hiểu về Mỹ thuật cũng phải dừng lại lặng ngắm.

Tôi chỉ làm công việc cóp nhặt link từ các trang web gửi vào đây.
Và cũng vì không biết về Mỹ thuật nên chắc chắn những tác giả tác phẩm sẽ không được chú thích đầy đủ, chính xác. Vì vậy rất mong sự đóng góp của các bạn để chú thích đầy đủ hơn.

Và cũng mong các bạn góp cùng những tác phẩm, tác giả mà các bạn yêu quý.


--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

MỤC LỤC
Isaac Levitan trang 1- 4
Ivan Shiskin trang 4- 6
Ivan Polenov trang 6- 7
Alexay Savrasov trang 7
Arkhip Kunji trang 7
Ivan Aivazovski trang 8- 11
Mikhain Vrunbel trang 11
Illya Repin trang 12
Ivan Kramskoy trang 12
Leonardo da Vinci trang 13-14
Michelangelo Bunarroti trang 15- 18
Auguste Rodin trang 18-