Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

Hà Tây, từ quá khứ lại về quá khứ

TOPIC GỐC TẠI PHUOT.VN

Hà Tây, từ quá khứ lại về quá khứ

Thế là từ 1/8/2008, không còn tỉnh Hà Tây nữa.

Vốn xa xưa, không có địa danh Hà Tây, thì giờ không còn Hà Tây, cũng đâu có gì là lạ ?

Thế nhưng, dường như người ta đã quen thuộc với miền đất đó, đến nỗi giờ mất đi, cũng thấy một phần chua xót và cô quạnh.

Địa danh Hà Tây

Thực tế xa xưa không có địa danh Hà Tây. Hà Tây vốn không phải là tên địa danh cổ, không có nghĩa là phía tây của sông nào hết, mà là ghép của đất Hà Đông và Sơn Tây cũ. 

Sơn Tây lấy theo tên Chính trấn Sơn Tây, một trong tứ chính trấn (Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông) của thành Thăng Long. Nhưng đất Sơn Tây xưa rộng lắm, mà đất Sơn Tây thuộc Hà Tây giờ chỉ là một phần thôi.

Trấn Sơn Tây xưa thường được gợi nhớ mang mang qua câu "Xứ đoài mây trắng

Còn Hà Đông lại cũng là tên mới đặt của vùng đất mang cái tên dân gian là Cầu Đơ dưới thời thuộc Pháp. 

Khi nhà Nguyễn đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, cái tên đất Cầu Đơ dân dã không đẹp, nên người ta lấy chữ Hà Đông trong một câu của Mạnh Tử nước Tàu từ xưa "Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ tức ư Hà Nội" (nghĩa là : Hà Nội bị tai hoạ thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội), mà Hà Đông và Hà Nội đều là địa danh chỉ cả một vùng của Tàu.

Như thế, địa danh Hà Tây mang trong nó cả một phần văn hóa Việt, văn hóa Tàu, lại cả phần người Pháp nữa.

Mặc định

Đất Hà Tây có núi cao, có sông dài, có đầm hồ rộng, có hang động sâu, có đồng ruộng mênh mang. Hà Tây có lịch sử lâu dài với những ngôi làng cổ, những vị anh hùng dân tộc, những di tích ngàn xưa rải rác khắp nơi thể hiện nền văn minh lúa nước và lịch sử dân tộc.

Trước hết là NÚI.

Nói đến Xứ Đoài - Sơn Tây, không thể không nói đến ngọn núi Ba Vì, hay núi Tản Viên, sừng sững chắn phía trời tây, ngọn Núi Tổ của nước Việt, Đại long mạch quan trọng nhất trời Nam. 

Giữa đồng bằng cạnh dòng sông Đà hung dữ, núi Ba Vì vượt cao lên hùng vĩ, ba ngọn nhấp nhô, chân kéo dài một quãng. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Sơn Tinh ngự tại núi Tản, Thủy Tinh ở dòng Đà giang, cùng vì nàng Mỵ Nương con vua Hùng mà năm năm dâng nước đánh nhau. 



Tản Viên sơn

Trong đại long mạch nước Việt, Tản Viên sơn là Tổ sơn, Núi tổ. Tuy không phải núi cao nhất, nhưng tất cả các núi đều chầu về. Xa phía bắc từ dải Hoàng Liên Sơn, các cánh cung núi Sông Gâm, Bắc Sơn, phía đông là dãy Đông Triều, phía nam là dãy Trường Sơn đều chầu về Núi Tổ. Gần thì dãy Tam Đảo bên kia sông Hồng là ngự án bảo hộ của núi Tản Viên.

Vị thần ngự trên Núi Tổ Ba Vì - Tản Viên Sơn Thánh - cũng được tôn là Nam Thiên Thần Tổ - Vị thần tổ tiên của bách thần trời Nam, là vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử. Thần đã ở đây, gắn liền với đất này từ muôn đời, mà Sơn Tinh lấy Mỵ Châu (nhầm, Mỵ Nương) là một hóa thân của Thần.

Hình tượng vị thần núi Tản không chỉ lưu truyền trong tâm thức người Việt, mà người Mường anh em cũng tôn núi Ba Vì là núi Vua, trị vì bởiThánh Cả Ba Vì. Truyền thuyết kể rằng đền Thượng trên đỉnh núi cheo leo do chính Thần làm phép đưa các thợ mộc lên núi dựng, rồi làm phép đưa xuống, cho đến khi chết cũng không dám hé răng.

Để tôn thờ Thần, mấy trăm làng quanh vùng đều thờ Tản Viên làm Thành hoàng. Ngoài ra còn dựng bốn toa đền lớn làm Hành cung của Thần, gọi là Tứ cung, mà tòa Đông Cung chính là đền Và ở Sơn Tây. 

Theo truyền thuyết, Thần cùng Mỵ Nương là tổ của Bách nghệ, dạy dân các nghề và làm ra lễ hội cùng các trò vui. Cao Biền đã từng muốn trấn yểm nơi này nhưng Thần bay qua nhổ nước bọt xuống tỏ ý khinh thường, Cao Biền phải than rằng Linh khí nơi đây mạnh quá...



Núi Ba Vì không chỉ thiêng liêng trong tâm linh người Việt, mà còn là một vườn quốc gia gần Hà Nội nhất. Núi cũng là nguồn của những con suối tạo ra ghềnh thác trong các khu du lịch.

Ngọn suối và thác được biết đến nhiều nhất, và khai thác sớm nhất là Ao Vua. Chỉ nhớ rằng hồi bé tí bé ti, đã nghe "người lớn" và các anh chị lớn hào hứng kể về dã ngoại ở Ao Vua, với những câu chuyện thật hay ho. Hồi ấy không thể hình dung nổi phong cảnh non nước thế nào.

Lần cuối đi Ao Vua cách đây cũng dễ đến gần mười năm, không biết có những thay đổi thế nào. Chỉ nhớ cái thác đầu tiên rất đẹp, rót thẳng xuống một ao nước sâu, chính ao đó gọi là ao Vua. Nơi đây người ta thêu dệt truyền thuyết về Sơn Tinh và Mỵ Nương. Ngược suối lên mãi là những ghềnh đá, dốc đá leo lên núi.

Năm cấp ba, đi đến nơi đây trong cơn mưa tầm tã, nhưng vẫn leo trèo như điên, trượt ngã như điên, bầm dập chân tay, đói rã họng, mà vẫn hò hét vô cùng sung sướng.

Tiếp theo Ao Vua, các dòng suối khác cũng được khai thác du lịch, tạo nên nào là Khoang Xanh, nào là Thác Đa, Suối Tiên...

Những ngọn suối hồi xưa đó không chỉ là chốn dã ngoại thích thú, mà còn là cái bẫy chết người, với những vụ chết đuối bi thảm...

 Đá Chông

Rất nhiều người hỏi tớ về khu K9 - Đá Chông, xem có gì hay không.

Thực tình chả lẽ bảo là "làm quái có cái gì". Đây là khu vực quân đội bảo vệ, trước kia từng chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về đây bảo quản khi miền bắc bị bom Mỹ đánh phá. Chiến tranh qua đi, nơi đây vẫn được bảo vệ, để "đề phòng" chuyện tương tự xảy ra !!!

Trong khu vực này, muốn vào phải xin giấy phép từ Hà Nội. Vào xong rồi, thì lại cũng đi ra, nhạt nhẽo như mọi chỗ nhà nước quản lý khác. Có vài cái xe quân sự và cả dân sự, cái nhà tưởng niệm, mấy dãy nhà làm việc. Cái ao to to, đám cây cao cao, đám bụi rậm rậm. ... 


Còn cái tên Đá Chông có từ đâu? Có từ ba hòn đá tự nhiên dựng ở giữa bãi đất, nhọn chĩa lên giời làm ba mũi, trông giống mấy mũi chông. Thế thôi !!



 Các trục đường

Đường trục băng ngang Hà Tây gồm đường 32 thẳng Hà Nội - Sơn Tây; đường Láng - Hòa Lạc; đường 6 từ Hà Đông đi Lương Sơn và lên Hòa Bình, đường 21B từ Ba La Bông Đỏ đi Vân Đình chùa Hương nối sang Phủ Lý, đường 1 cũ và Pháp Vân - Cầu Giẽ đi phía nam.

Trước kia thì đường gần và tiện nhất từ Hà Nội đi Sơn Tây là đường 32, qua Trôi, Phùng, Phúc Thọ.

Nhưng từ khi PMU18 sập, thì con đường 32 cũng sập theo. Tất cả những dang dở trên mặt đường, những cầu cống, vũng lầy, đá sỏi... vẫn còn nguyên như đã từng vậy mấy năm rồi. Cũng chính trên đường này một tối cách đây 1 năm tớ đã tông phải một cục bê tông cực to giữa đường, đến lún cả càng trước xe máy.

Đường đầy bụi, ổ gà ổ voi. Mưa xuống thì gặp cả một đầm lầy giữa đường là thường. Đôi đoạn ngang qua thị trấn đường rất đẹp, nhưng liền đó là những khúc không thể gọi là đường.

Sông Đáy

Dòng sông mang đậm chất Hà Tây nhất có lẽ là dòng sông Đáy.

Nếu phía bắc Sơn Tây bao bọc bởi sông Đà, sông Hồng cuồn cuộn để dồn về Hà Nội, thì dòng sông Đáy xa xưa cũng xuyên qua đất Hà Tây từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Có lẽ xưa sông Đáy thông với sông Hồng, cũng mênh mang lắm, cũng dữ tợn lắm. Chả thế mà đi về phía Hà Tây, thế nào cũng gặp con đê tả sông Đáy được đắp rất kiên cố, uốn lượn suốt một chiều dài sông. Chỉ có đê tả (đê phía đông) sông Đáy thôi, để bảo vệ cho vùng đất Thăng Long không bị ngập. Phía bên hữu (phía tây) không có đê. Có thể thấy mùa nước lụt, nước sông mang phù sa sẽ tràn ra ruộng đồng bên phải sông. 

Dòng sông Đáy xưa nối thông với các hệ thống sông khác: sông Nhuệ, sông Hoàng Long ở Ninh Bình, kênh nhà Lê ở Thanh Hóa. Vì thế, ngồi thuyền từ Hà Nội có thể đi khắp các tỉnh phía Bắc, vào đến Thanh Hóa được. Thời Lê - Trịnh, vua Lê chúa Trịnh khi qua đời, đám tang đều rước bằng thuyền theo các dòng sông để vào Lam Kinh chôn cất, mà sông Đáy là một lộ trình không thể thiếu.

Đầu thế kỉ trước, những người đi chùa Hương có thể lên thuyền từ tít tận gần Hà Đông, xuôi thuyền mất một ngày mới đến bến Đục, rồi từ đó vào chùa.

Nhưng rồi thời gian biến đổi, biển xanh thành nương dâu. Khúc sông Đáy ngang qua đất Hà Tây giờ đã cạn đi rất nhiều, và nhiều chỗ hoàn toàn đã không còn là sông. Mặc dù đường bộ vẫn phải qua đê sông, cầu qua sông rất cao, nhưng dòng sông cạn nước, chỉ còn là con lạch, những dãy ao bèo, rau muống. Nước không đủ tưới, chứ không nói gì đến giao thông đường thủy như xưa kia.

Một dòng sông đi vào ca, vào thơ mà còn dần mất đi, thì một cái tên tỉnh Hà Tây không còn cũng đâu có gì là lạ.

Mặc định By CVN

Nghe như văn ấy nhỉ!

Có một số thông tin không chính xác hoặc không rõ ràng.

1. "Nếu phía bắc Sơn Tây bao bọc bởi sông Đà, sông Hồng cuồn cuộn để dồn về Hà Nội"
Phía bắc Sơn Tây không được bao bọc bởi sông Đà.

2. "Có lẽ xưa sông Đáy thông với sông Hồng, cũng mênh mang lắm, cũng dữ tợn lắm"
Bây giờ sông Đáy cũng vẫn thông với sông Hồng. 

3. "Chả thế mà đi về phía Hà Tây, thế nào cũng gặp con đê tả sông Đáy được đắp rất kiên cố, uốn lượn suốt một chiều dài sông. Chỉ có đê tả (đê phía đông) sông Đáy thôi, để bảo vệ cho vùng đất Thăng Long không bị ngập. Phía bên hữu (phía tây) không có đê. Có thể thấy mùa nước lụt, nước sông mang phù sa sẽ tràn ra ruộng đồng bên phải sông."
Điều này chỉ đúng với đoạn sông từ đập Đáy đên Ba Thá thôi. Từ Ba Thá trở đi thì đê có cả 2 bên bờ sông.

4. "Đầu thế kỉ trước, những người đi chùa Hương có thể lên thuyền từ tít tận gần Hà Đông, xuôi thuyền mất một ngày mới đến bến Đục, rồi từ đó vào chùa."
Những năm 70 của thế kỷ trước người ta vẫn đi Chùa Hương bằng đò như thế.

5. "Nhưng rồi thời gian biến đổi, biển xanh thành nương dâu. Khúc sông Đáy ngang qua đất Hà Tây giờ đã cạn đi rất nhiều, và nhiều chỗ hoàn toàn đã không còn là sông. Mặc dù đường bộ vẫn phải qua đê sông, cầu qua sông rất cao, nhưng dòng sông cạn nước, chỉ còn là con lạch, những dãy ao bèo, rau muống. Nước không đủ tưới, chứ không nói gì đến giao thông đường thủy như xưa kia.":
Đó không phải do thiên nhiên biến đổi, mà do năm 1937, người ta xây cái Đập Đáy ở gần Phùng (Đan Phượng). Khi có lũ thì người ta mới mở cái đập ra để phân lũ. Nhớ trận lũ năm 1971, nước sông Đáy cũng mấp mé mặt đê. Tuy nhiên, từ khi có Đập Đáy thì cũng chỉ có đoạn sông từ đó đến Ba Thá là cạn nước, còn từ Ba Thá trở đi, dòng sông Đáy lụa là vẫn đẹp, vẫn nên thơ như ngàn đời nay.

6. "Một dòng sông đi vào ca, vào thơ mà còn dần mất đi, thì một cái tên tỉnh Hà Tây không còn cũng đâu có gì là lạ."
Như trên đã nói, dòng sông Đáy xinh đẹp chưa từng mất đi, chỉ có lòng người hời hợt chóng quên mà thôi.


bên bờ sông Nhuệ

Theo đường 32, qua Cầu Giấy rồi Cầu Diễn.

Ngày xưa hồi bé hay về vùng Tây Mỗ chơi với người cậu. Ông cậu có căn nhà vách bằng đất bên bờ sông Nhuệ, ở vùng Tây Mỗ. Chỗ đó gần một trạm bơm lấy nước sông Nhuệ vào đồng.

Hồi ấy bé quá chẳng nhớ gì nhiều, chỉ nhớ là khu vườn của cậu lan xuống sát mép sông, trồng ngô, trồng mía. Vườn trên trồng dưa lê, cà chua. Mùa ngô thì bà ngồi rang ngô trong bếp, bốc ngô mới rang nóng mà ăn, thích lắm. Nhưng chỉ để nguội đi thôi là ngô rắn lại khó nhai.

Buổi chiều ngồi trong vườn nhìn xuống những người chèo thuyền dọc sông Nhuệ, chầm chậm, chầm chậm, cứ nhìn thấy thuyền này đi hút khuất sau rặng cây, thì lúc sau lại có thuyền khác chèo qua. Ông cậu và mấy ông anh hàng xóm nhảy ùm xuống sông bơi qua bơi lại. Chiều hết thuyền thì gạn nước sông đánh phèn dùng đánh răng rửa mặt, và khi hết nước mưa thì cũng làm nước ăn luôn.

Rồi ngày cùng hai anh nhà hàng xóm dẫn chó ra đồng bắt chuột. Vì là thằng trẻ con nên chỉ đứng ở trên bờ ruộng. Rồi về các anh nướng thịt chuột cho ăn, mặc kệ bà cấm tiệt không được ăn thịt chuột.

Nhớ ngôi nhà một người quen gần đó, có cái giếng không có thành. Buổi chiều tối họ lấy tấm ván đậy lên, còn ban ngày để hở hoang hoác thế; trẻ con sợ chết khiếp.

Đã có những ngày tuổi thơ, đuổi lợn sổng chuồng, đuổi bắt con cáo chui vào vườn bắt gà... bên bờ sông Nhuệ.

Và lần nào về cũng bị lây rất nhiều chấy từ mấy bà chị hay chơi cùng. Trứng chấy trắng cả đầu ra...

Sông Nhuệ ngày xưa giờ có còn thế không?

(Bác CVN vào confirm phát nhờ ?)

 Quán Linh Tiên

Ngang đất Trạm Trôi, trong đám bụi mù, chợt nhìn thấy cái biển nhỏ đề : Linh Tiên Quán, nhớ ra một vùng cổ xưa.

Truyền thuyết kể rằng Quán Linh Tiên do Lữ Gia - tể tướng thời nhà Triệu, cho lập từ thế kỉ 2 trước Công Nguyên. Quán là nơi thờ phụng của Đạo giáo (hay đạo Lão), thờ Lão Tử hóa thân thành Tam Thanh. Trải mấy nghìn năm biến thiên lịch sử, thay đổi triều đại, luôn có những Đạo sĩ tu hành ở đây.

Nhưng rồi đạo sĩ chẳng còn, không ai coi sóc, Quán biến thành Chùa, chùa Linh Tiên. Nhưng chùa vẫn giữ nguyên các bộ tượng thờ Đạo giáo, chỉ thêm tượng Phật. Rồi lại cả tượng Nho giáo như Khổng Tử cũng được thờ. Thế là thành ra Tam Giáo đồng nguyên.

Vào thăm quán, nghe trống chiêng rộn rã. Thì ra đang có một buổi "tiệc" quan Hoàng Ba !!! Té ra chùa bây giờ lại còn là trung tâm tín ngưỡng thờ đạo Mẫu của người Việt nữa. Một bà đi lễ nói nhỏ : "Quán này thiêng lắm, hầu các ngài rồi cầu gì cũng được".

Thế là thành Tứ Giáo rồi, Lão, Phật, No, Mẫu cùng ngồi chung một tòa điện.

Cho nên trong quán, thấy cả tượng Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Trấn Vũ, Cửu Diệu tinh quân của Lão; tượng Khổng Tử, Văn Xương của Nho; tượng Phật, Bồ tát, Hộ pháp, Thánh tăng của Phật; lại cả các mũ áo giấy của Mẫu. Vừa lộn xộn lại vừa hòa hợp một cách thú vị.



Mặc định

Xuôi tiếp đường 32, chả mấy chốc gần đến Phùng. Rẽ phải, đi lòng vòng vào làng Đại Phùng, một làng cổ xưa đất Sơn Tây.

Làng Đại Phùng giờ cũng đã thay đổi hết rồi. Toàn nhà mới cả. Có cả một khu nhà ba tầng có vẻ dân thành thị về mua đất xây nhà, trông khác với kiểu dân quê có tiền xây lên.

Còn một chút này giữa làng: chợ làng họp ngay trước cổng đình, mấy hàng rau cá, dăm chục trứng gà


Bà già bán hàng khô trước đình Đại Phùng



Bên góc đình xưa




Đền Hát Môn

Rời Đại Phùng một quãng, tôi đến với Hát Môn. Xưa kia, đây là nơi Hai Bà Trưng tuẫn tiết.

Ngày nay, đền Hát Môn mới được trùng tu lại, khang trang hơn, nhưng cũng mất đi phần cổ kính.

Chợt nhớ trước kia hai ngôi đền nổi tiếng thờ Hai Bà, một ở Mê Linh (là kinh đô của Hai Bà trong truyền thuyết) thì ở Vĩnh Phúc; một ở Hà Tây nơi Hai Bà tuẫn tiết thì ở Hà Tây; giờ cả hai thuộc về Hà Nội cả rồi.


Gốc đa bên đê cạnh đền Hát Môn



Mặc định

Từ đất Sơn Tây, nhìn xa về phía Bắc. Sau những xóm làng, vượt qua dòng sông Hồng mênh mông, là dãy Tam Đảo trải dài, một Đại long mạch của đất Việt.


Một mảnh quê




Đường làng



Mặc định

Những người dân Hà Tây, nay về Hà Nội, nhưng có phải thế là thay đổi được cuộc sống nông thôn từ ngàn xưa đâu.

Vẫn gặp bên đường, những chiếc gàu sòng tát nước. Và đôi lúc cả những chị đong đẩy gàu dai...





Mấy cánh hoa sen bên ruộng xanh rì. Giờ ruộng này chắc đã chín vàng và gặt hết rồi.




Thành cổ Sơn Tây

Cổ ư? Hình như cũng chưa cổ lắm. Một khoảng thời gian hai trăm năm, đủ làm già chết vài thế hệ người, nhưng chưa đủ một đời cây đa già đi.

Thành Sơn Tây xưa là một trọng trấn phía tây của Thăng Long. Thời Nguyễn cũng được xây Vọng lâu giống kiểu kỳ đài, tường cao hào sâu. Nhưng có nghĩa gì đâu với binh hỏa của người Pháp. Chả mấy mà gạch vụn đá tan, phế tàn lở đổ.

Chiều trong nơi đó, cũng chẳng bình yên




 


Mặc định

Quanh Sơn Tây là những địa danh đã nổi tiếng, như Đường Lâm, Ba Vì,..., ngày nào, lúc nào ở đó chả có du khách.

Theo một lối mòn vậy, tớ đi đến đền Và.

Đền Và được gọi là Đông Cung của Tản Viên Sơn Thánh. Khắp vùng này thì Thánh Tản Viên là tối uy tối linh, cả trăm làng thờ ngài; nhưng bốn ngôi đền lớn nhất là Đông Tây Nam Bắc cung, thì Đông cung là đền Và.

Xưa kia đền nằm giữa một rừng lim, chắc cũng u linh lắm. Giờ thì lim cũng mất nhiều rồi, chỉ còn một vạt nhỏ thôi, mà xen vào đó là keo trồng trên khoảng đất trống phía sau đền.



Đền Và cũng đã xuống cấp và đổ nát nhiều. Những cột gỗ mục ruỗng, mái ngói xô lệch. Vào trong ẩm mốc buồn bã, dù rằng người đi lễ cũng không vắng. Cổng đền nhìn thẳng ra núi Ba Vì, là nơi Tản Viên ngự.

Cái thích nhất ở đền là bức tường đá ong rất dày bao quanh. Tường cao khoảng mét rưỡi hai mét, dày một mét, rộng ở dưới chân. Giờ thì tường cũng chỉ để ngăn cách chứ không bảo vệ được gì, vì người ta làm thang trèo qua cả rồi. Nhưng dù sao, cũng tạo được một khoảng không tĩnh lặng riêng.



Mặc định

Rời đền Và, xuyên qua cánh đồng lúa, đến với làng Phụ Khang.

Làng Phụ Khang cũng thuộc Đường Lâm, cách làng Mông Phụ một đoạn đường. Đây cũng là làng cổ đá ong, yên tĩnh và êm ả. Lại ít người qua lại hơn Mông Phụ. Ngôi đình làng cũng nhỏ bé, nghèo nàn đổ nát mất rồi...

Một góc nhà 


Tường gạch đá ong



Mặc định

Từ Phụ Khang sang Mông Phụ cũng gần. Ngôi làng này mọi người trong này cũng viết khá nhiều, ảnh cũng nhiều, nên cũng chẳng có gì đáng nói lắm.

Đình Mông Phụ mới trùng tu, các phần gỗ mục nát đã được thay bởi gỗ mới.

Những điêu khắc cũng may chưa bị hỏng nhiều, nên vẫn còn nguyên bản. Các tấm cốn trạm trổ rồng ổ khá độc đáo, mang nhiều chất dân gian.



Mặc định

Làng Đường Lâm dường như đã quá quen thuộc với nhiều người.

Trong làng có ngôi chùa Mía cũng rất nổi tiếng rồi, là ngôi chùa có nhiều tượng cổ nhất Việt Nam, với gần ba trăm pho tượng, bằng đủ loại chất liệu: đất, đá, gỗ, đồng.

Một ngôi chùa miền bắc đậm chất không thể nhầm lẫn...




Mặc định

Những pho tượng chùa Mía


Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 10:52 PM


Mặc định

Ngồi uống nước trước cổng chùa Mía, tôi chợt nhớ đến cái Tết cách đây mấy năm, khi tôi cũng đến chùa Mía. Năm đó tôi gặp trong chùa một người khá nổi tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng thời đó: tướng Nguyễn Cao Kỳ về thăm quê.

Ông Nguyễn Cao Kỳ để ria mép, đội mũ nồi, đi lại khoan thai, thăm chỗ nọ chỗ kia trong chuà, có mấy người thuộc đội ngũ truyền thông lăng xăng. Ông vào nhà khách của chùa nói chuyện với mấy vị ni sư. 

Tôi cũng không nhớ rõ ông nói những gì, nhưng nhớ nhất một đoạn ông ta dừng lại và bảo, đại ý: Tôi ra đi từ đây cách đây mấy chục năm, giờ quay lại vẫn thấy cảnh không có gì thay đổi, vẫn làng ấy ruộng ấy, chùa ấy cây ấy...

Câu nói đó không phải để nói rằng làng quê vẫn yên bình đẹp đẽ như xưa, mà để nói rằng làng quê vẫn NGHÈO như xưa.




Trong chùa Mía, pho tượng nổi tiếng nhất là tượng Quan Âm tống tử. Thực ra tớ cũng chưa thấy được rõ vì sao pho tượng này được ca ngợi nhiều thế, và được coi là pho Quan Âm tống tử đẹp nhất trong các chùa.

Chả thế mà người Đường Lâm có câu ca dao:
"Tiếng rằng chùa Mía làng ta
có pho Tống tử Phật bà Quan Âm
"



Những cây cột gỗ rất lớn có từ mấy trăm năm, sứt sẹo, bong tróc, mốc thếch vì thời gian, chống đỡ mái nhà cho một hang đá nơi đặt các pho tượng thần bí, kì lạ.



Mặc định

Năm cũ nói chuyện cũ mới.

Vừa đọc báo thấy đền Và ở Sơn Tây mới "được" bước vào giai đoạn đại trùng tu. Vì được bơm tiền nên họ sẵn sàng làm lại toàn bộ, dù ngôi đền còn vững chán. Thế là dỡ hết, dỡ sạch, phá cả một đoạn tường gạch đá ong cổ để ô tô dễ dàng đi vào. Gác chuông gác trống, nghi môn... gì cũng dỡ đến tận sát mặt đất hết.

Thế là cái cổng này đi đứt rồi.


Cả mấy gian điện thờ này nữa

Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 10:53 PM.


Mặc định By Gianker

Topic này trôi lâu quá rồi. Hà Tây, Bắc Ninh... luôn là những điểm đến cực kỳ thân quen. Đối với mình, ngay từ nhỏ, đã bị ấn tượng với cái giản dị, nâu sầm của làng xã, với cái trầm mặc, đơn sơ của những ngôi chùa, ngôi đình... 

Một góc nhìn của Đình So.. Ở nơi này, ngồi nói chuyện, uống chèn trà ven đường, mọi người bảo dù được đổi tên là Hà Nội, nhưng với những người dân nơi đây, vùng này vẫn mãi là Hà Tây, vì Hà Nội thực sự là rất khác.





Nhìn từ xa




Mặc định

Đôi rồng đá bậc thềm của đình So cũng thuộc loại của độc lắm đấy, hình như là duy nhất có kiểu này.

Thường rồng đá làm bậc có 2 kiểu: rồng nguyên con và long vân, tức là rồng ẩn vào mây, hay mây hình rồng. Đôi rồng này của đình So lại chỉ có đầu và đuôi, còn khúc thân hoàn toàn chỉ là thành bậc thẳng tắp, nghĩa là không có thân. Mà đầu rồng cũng được cách điệu rất đẹp, phải nói là rất độc đáo, nửa rồng nửa mây, không hẳn long vân mà cũng không hẳn chân long.

Chỉ sợ phơi gió sương, lại chỗ đường xe trong làng lại qua, trẻ con chơi đùa, có ngày sứt hỏng mất. Hoặc đại gia chơi đồ cổ nào một đêm tối sai tay chân đến bứng về, thì nguy to.

Mặc định

Về bộ tranh Thập điện Diêm vương chùa Trăm gian, các nơi viết không thống nhất về niên đại. Như trong bài báo trên (và một số bài báo khác) thì viết là các bức này gần nghìn năm. Đó là do "nhà báo" lấy theo tuổi đời của ngôi chùa. 

Chùa thì theo lịch sử được dựng từ đời Lý, cách đây gần nghìn năm thật. Nhưng thực tế tất cả các công trình bằng gỗ đều được làm lại từ đời Lê, cách đây khoảng 400 năm. Như thế các bức tranh khắc gỗ kia có tuổi lâu nhất cũng chỉ khoảng 400 năm mà thôi.

Những chạm khắc gỗ cổ nhất ở Việt Nam còn lại cũng chỉ từ đời Trần, lâu nhất là khoảng 700 năm, chứ lấy đâu ra đồ gần nghìn năm. Viết phóng đại lên tí cho nó hấp dẫn.

Nói về nạn ăn cắp cổ vật, thì đến tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Tây Phương, cao đến 2m, nặng mấy trăm cân còn bị trộm khênh mất, đến giờ hai mươi năm chưa tìm được. Tượng chùa Mễ Sở cao gần 3m cũng bị khuân lên ôtô, nhà chùa phát hiện ra đuổi chục cây số lấy lại được, đưa ra chính quyền thì kẻ trộm với chính quyền gần như là một, cho nên đâu lại vào đấy.

Mặc định

La hán chùa Trăm Gian - cũng giống như là ở chùa Tây Phương, chùa Mía, thực ra là các Tổ của dòng Thiền tông, chứ không phải La hán theo truyền thống Trung Quốc (500 vị) như được tạc thành tượng ở chùa Bái Đính. 

Do đó bức tranh khắc gỗ trên có thể là vị Tổ thứ 13 là Ca-Tỳ-La-Ma. Khi đó có con rắn lớn (mãng xà vương) định ăn thịt, nhưng ông đã thuyết pháp khiến con rắn cũng phải kính trọng, không dám làm hại.

Một số tượng Tổ tôi có viết ở đây: 18 tượng Tổ chùa Tây Phương.

Các pho tượng La hán hay tượng Tổ do nghệ nhân sáng tác không nhất định theo khuôn mẫu như tượng Phật, do đó không phải lúc nào cũng phân biệt được chính xác hình dạng và hành trạng của các vị đó. Có những vị có biểu tượng đặc biệt (như có con rắn ở trên) thì còn nhìn nhận ra được, nhưng có nhiều vị không có đặc trưng đó.

Hà Tây, từ quá khứ lại về quá khứ

Cuối năm, có một ngày rỗi, lại tìm về núi Tổ - Ba Vì. Ba Vì của ngày xưa là một nơi thiêng liêng, là linh địa của người Việt và cả người Mường, ngọn núi trấn giữ đồng bằng sông Hồng, là kết nối của miền ngược với miền xuôi. Do đó dù núi chẳng phải cao nhất, dù sông không phải lớn nhất, nhưng núi Tản - sông Đà vẫn luôn là hình tượng rõ ràng nhất về non sông.

Một vạt dã quỳ đơn sơ bên đường, vàng chút thôi, nhưng cũng đủ ấm.



Lên một chút là khu nghỉ dưỡng ở cốt 400. Đây là khu vực người Pháp đã quy hoạch từ những năm 1940, đã từng có xây dựng nhưng rồi dang dở. Giờ đây khu nghỉ dưỡng này có lẽ cũng chỉ đón khách đoàn đặt trước, bởi dịch vụ xem ra cũng không có gì.

Bên cạnh khu này có triền núi với thông thoáng đãng, đi dạo cũng có chút thi vị.



Rồi đường tiếp tục leo lên cao hơn nữa. Càng lên cao càng lạnh. Dù rằng ở dưới chân núi nóng nực bao nhiêu, thì lên đến đây cũng đều lạnh. Cũng vì thế người Pháp trước kia đã từng quy hoạch toàn bộ khu vực thung lũng ở cốt 1000 giữa hai đỉnh núi làm khu nghỉ mát, và dự định sẽ phát triển còn hơn Tam Đảo.

Last edited by Chitto; 07-09-2011 at 06:56 PM.


Núi Ba Vì có ba ngọn, ngọn ở giữa là Ngọc Tản, hay Tản Viên, Tản nghĩa là cái tán ngọc, tán tròn, vì đoạn gần đỉnh dốc dứng, hơi thắt lại. Truyền thuyết kể rằng Đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh, vị đứng đầu của Tứ Bất Tử người Việt ngự trên đỉnh núi này. Ngài là Thần Tổ của bách thần đất Việt, nên được tôn là Nam Thiên Thần Tổ. Ngự ở đây, ngài trấn giữ giữa trời và đất, giữa núi và sông, giữa thần và người.

Người ta kể rằng do đỉnh núi thắt lại nên không ai leo được lên đỉnh, nhưng chính Thánh Tản đã làm phép đưa một số thợ lên đỉnh núi để dựng một ngôi đền nhỏ, là đền Thượng. Vì đền dựng cheo leo bên vách núi nên rất nhỏ, rất đơn sơ, thế nhưng vô cùng linh thiêng. Người nào thật tâm thành, chí nguyện, mới có thể lên đó để cầu nguyện với Thần.

Ngày nay, con đường lát đá đã được dẫn thẳng lên đỉnh núi, hơi dốc một chút nhưng vẫn dễ đi.




Đường lên đỉnh Ngọc Tản, nhìn xuống mới thấy trên núi cao trong lành thế nào !

Toàn bộ vùng đồng bằng bên dưới, độ cao dưới 1000m đều bị bao phủ trong một lớp mây mù, hơi ẩm. Lớp mây mù này nếu ở dưới sẽ không cảm nhận thấy, nhìn lên trời chỉ hơi mờ mờ. Nhưng đứng trên đỉnh núi nhìn xuống mới thấy nó giăng ngang, trải ra vô tận. Trong lớp mù đó còn có bao nhiêu khói bụi của các nhà máy, của đốt rơm rạ, của khí thải, của tất cả những thứ gọi là nhân thế.

Vượt lên trên, màu trời xanh ngăn ngắt. Trời vẫn xanh như thế, nhưng chẳng qua người ta không thấy được trời xanh...



Last edited by Chitto; 07-09-2011 at 06:57 PM.


Hà Tây, từ quá khứ lại về quá khứ

Đền thờ Thánh Tản Viên mới làm lại, chỉ là một gian nhỏ. Chỗ này vách đá lõm vào trong tạo thành một hõm đá, người ta làm thêm một mái chìa ra ngoài, thế là tạo thành một "ngôi đền" kiểu "một mái".

Tuy nhiên, người bỏ công dựng cái nếp đền này là theo thờ Tứ phủ, nên phía trước thiết lập ngay chỗ để lên đồng. Trong đền thì bày tượng lung tung của Tứ phủ, xanh đỏ lòe loẹt, chán chẳng buồn chụp. Bên cạnh thì có ngay một gian nhà còn to hơn "đền" của người "trông giữ", dân tình thường gọi là "nhà đền".

Bên cạnh có lối leo lên đỉnh núi. Xưa kia không ai dám lên đỉnh, vì đó là nơi thiêng liêng nhất, nơi Thần ngự. Nhưng nay bậc thang làm đến đó, và trên đó cũng đang xây dựng.

Leo lên đến đỉnh, tôi thực sự chán ngán khi chính giữa vị trí cao nhất là một pho tượng đồng mới đúc, với tên đề Mẫu Cửu trùng thiên !!!

Than ôi, giờ đây cái kiểu thờ cúng đạo Mẫu đã lấn át đến độ chiếm chỗ của Thần Tổ nước Việt. Một vị Mẫu mơ hồ được dựng ra từ thế kỉ 16 đã chiếm trọn chỗ cao nhất, ngồi cả trên đỉnh của vị Thần chung Việt - Mường có từ thuở Hùng Vương. Pho tượng tay phải cầm cuộn sách, tay trái bưng hình Bát quái, một thứ pháp khí Dịch học và Đạo giáo; một pho tượng lai căng.

Đáng buồn. Bức ảnh này chẳng phải để đẹp đẽ gì, mà chỉ là cho thấy cái pho tượng mới đang ngồi lên đầu Thánh Tản.

Last edited by Chitto; 07-09-2011 at 06:57 PM.


Truyền thuyết kể rằng xưa kia Cao Biền làm tiết độ sứ, đi khắp nơi để trấn yểm long mạch đất Giao Châu, rất nhiều thần bị Cao Biền diệt. Cách diệt thường là ra vẻ lập đàn cúng tế thần, rồi khi thần hiện lên thì sát hại. Hoặc là lấy kim khí yểm vào các chỗ hiểm để chặt đứt long mạch. Đến Tản Viên, Cao Biền định biết là nơi linh khí tụ hội nên ra sức trấn yểm, nhưng Thánh Tản chỉ bay qua và nhổ nước bọt vào.

Ấy thế mà ngày nay, người ta lại trấn cả lên đầu núi một pho tượng đồng ! Theo quan niệm cổ thì đồng, sắt, vàng là đồ trấn yểm rất mạnh.

Ba đỉnh núi, thì ở giữa là Ngọc Tản, nơi Thánh Tản - Sơn Tinh ngự. Một bên là ngọn núi Vua, một bên là núi Ngọc Hoa. Núi Vua ngụ ý là nơi dành cho Vua Hùng, còn Ngọc Hoa là tên công chúa con vua Hùng, (có sách nói Ngọc Hoa chính là tên của Mị Nương, vợ của Sơn Tinh). Ngọn núi Vua cao nhất, sau đó mới đến Ngọc Tản, rồi Ngọc Hoa. Như thế cũng đúng vì Cha sẽ ở cao hơn con gái và con rể. Nhưng Ngọc Tản ở vào chính giữa, nên thiêng liêng nhất. Hơn nữa Hùng Vương thì ngự ở núi Nghĩa Lĩnh - Phong Châu, nơi đây chỉ là tượng trưng mà thôi. Một bên là nơi vọng về cha, một bên là vợ nhìn về, cái thế của Tản Viên uy nghiêm là thế.

Gần đây ở gần đỉnh núi Vua có dựng đền thờ Hồ Chí Minh. Cá nhân tôi không thích thú gì với điều này, nên quyết định không đến đó. Các cụ xưa bảo một nước không có hai vua, một núi không có hai Thần. Nay thì trên đỉnh đầu đền Thượng có tượng đồng trấn giữ, bên kia có đền thờ HCM dòm sang, liệu Thánh Tản có phải đang bị xâm chiếm đất đai quá nhiều rồi không ??? 

Từ đỉnh Tản Viên nhìn sang đỉnh núi Vua:

Last edited by Chitto; 07-09-2011 at 06:58 PM.


Hà Tây, từ quá khứ lại về quá khứ

Có người hỏi làng Kim Quan, nên tôi đến Kim Quan !!!

Làng Kim Quan gần Liên Quan, ven bờ sông Tích. Hình như xưa cũng có nhiều nhà cổ đá ong lắm. Nhưng giờ thì chẳng còn mấy nữa. Những ngôi nhà cũ giờ xây lại hai ba tầng cả rồi. Một số nhà nhiều tiền thì lại dùng đá ong làm tường cho nó phong cách, nhưng chỉ là sự bắt chước thô sơ...

Còn lại vài ngõ cũ. Vào trong ngõ, một người đàn bà vừa ra khỏi nhà, lân la hỏi chuyện. Nói muốn tìm chỗ nào còn nhà cổ đá ong, ba hớn hở bảo ngay: bên kia kìa, có mấy ngôi nhà mới xây bằng đá ong đẹp lắm, to lắm. Thôi thế thì thôi. Thấy bảo không thích nhà mới, bà cười cười : "Thế có cho tiền không để tôi mở cửa mà vào xem nhà"... 



Ba Vì

Lần này quay lại núi Ba Vì, từ xa đã thấy trên đỉnh cao nhất, đỉnh Vua (nằm bên trái), có cái gì đó là lạ...


Đỉnh Vua giờ có cái đền thờ CT. Hồ Chí Minh. Trèo lên đến nơi, thì ra nó là cái này:


Hỏi ra được biết đây sẽ là cái tháp 13 tầng, trên cùng treo một quả chuông. Xung quanh mỗi tầng sẽ để các tượng ông HCM nhìn ra xung quanh.
Vừa buồn vừa buồn cười. Xưa nay dựng tháp 13 tầng chỉ để thờ Phật, và cách để tượng trên các tầng nhìn ra xung quanh cũng chỉ là dành cho Phật, với ý nghĩa Tam thiên thế giới chư phật phổ độ chúng sinh. Ngày nay lại có thêm một kiểu mới...


Tháp đang xây dở, sau khi hỏi thăm, tớ trèo lên đỉnh tháp. Xung quanh là dàn giáo bằng sắt và gỗ, cầu thang toàn các tấm gỗ đóng dở, cũng nguy hiểm. Nhưng cuối cùng cũng lên đến đỉnh tháp. Tiếc là xung quanh toàn cột và xà, không thể lấy được ảnh toàn cảnh.

Dự trù hết tháng 7 tháp sẽ hoàn thành, khi đó lên đỉnh nhìn sẽ rất đẹp. Tuy nhiên vì lên lúc đang làm dở, nên sẽ có những ảnh độc mà sau này không bao giờ chụp được, chẳng hạn cái chóp tháp...

Đứng từ trên, nhìn sang đỉnh thứ ba của núi Tản thì thế này:


Khúc sông Hồng ở đằng xa, và hồ Suối Hai




Hồ Suối Hai gần hơn


Và hồ Đồng Mô bên này