Tôi không biết nên bắt đầu topic này như thế nào nữa.
Không giống những chuyến đi và những topic trước, hình như có gì đó khiến tôi chậm lại, phải chậm lại, từ từ với tất cả những gì sẽ chia sẻ. Khi lập topic "Vùng nóng Trung Đông" bằng điện thoại tại nơi đó, tôi cũng chưa thể viết nhiều. Và khi topic bị mất đi, cũng là một điều níu kéo.
Lập topic về cả chuyến đi có lẽ cũng hơi quá dài, mà tôi thì thích nhìn sâu về từng miền đất nhỏ hơn là cả một khoảng mênh mông. Cũng vì thế, có lẽ topic này sẽ bắt đầu và chủ yếu viết về Jerusalem, nơi tôi đã từng mong ước đến, và đã đến, trong một chuyến hành trình đầy trắc trở nhưng cũng thật sâu, rất sâu.
Có lẽ tôi viết sẽ rất chậm, mong mọi người thông cảm...
Hành trình dài
Ai Cập
Jerusalem - the Holyland
Eilat to Jaffa
Desert land
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem
Chuyện đi Jordan:
Sau khi vào Israel, chúng tôi đến Tel Aviv, đến ĐSQ Jordan tại Tel Aviv để hỏi. Nhưng họ nói chỉ xét Visa sau khi nộp 3 tuần. Hộ chiếu Việt Nam được xếp cùng một giỏ với mấy nước có khủng bố như Pakistan, Afganistan. Thất vọng lần 1.
Chúng tôi ra một công ty dịch vụ du lịch ở ngoài, họ nói làm dịch vụ chắc chỉ nửa ngày là xong, đồng thời có Re-entry visa Israel để quay lại. Đến chiều quay lại hỏi thì họ trả lời: "sớm nhất cũng phải sau 2 tuần". Thất vọng lần 2.
Đến Jerusalem, lại cố lần nữa, nhân viên công ty dịch vụ nói cũng phải 2 tuần. Tuy nhiên nếu mua tour đi Petra của họ, họ có thể lo cho, và nói có vẻ rất chắc chắn. Chúng tôi quyết định mua tour 2 ngày Petra, đi từ cửa khẩu Eilat-Aquaba. Đến hôm sau họ viết mail nói là "tao cũng không chắc được cho mày, mày phải xuất cảnh Israel, sang Jordan nếu người của tao giúp lo được nhập cảnh thì tốt, không thì chúng ta đành chấp nhận có rủi ro là chúng mày có thể không đi được Jordan, tao cũng chẳng kiếm được đồng nào". Lại phấp phỏng.
Sáng hôm sau ra cửa khẩu, phải xuất cảnh Israel trước. Tưởng bọn Tour giúp gì, nó chẳng giúp gì hết. Hải quan Israel nói: Mày chỉ có Single Visa, nếu mày quay về trong ngày thì được, qua ngày mai thì đừng mong vào lại. Thất vọng lần 3 trong khi vẫn phấp phỏng phía trước. Ra làm việc lại với nhà Tour, chuyển thành tour 1 ngày. Sang Jordan thì nhà tour bên Jordan làm được, đóng cho cái dấu nhập cảnh loại riêng dù không có visa. Thực ra với dấu đó có thể ở lại khu vực Aquaba trong vòng 1 tuần, tuy nhiên buộc phải trở lại để về Israel trong ngày. Do vậy chuyến đi Petra trở nên gấp rút. Cũng tiếc nhưng không có lựa chọn nào khác.
Dead Sea
Sodom
Israel
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem
Street name and Florentine hostel
Weather
Tel Aviv
Jordanian Embassy
Florentine district
Old Jaffa
Old Jaffa
Mái vòm đá của giáo đường Hồi. Họ xây thật khéo, các tảng đá không được mài nhẵn nhưng được xếp khít để chèn vào nhau mà không sập.
Từ giáo đường nhìn ra Cột đồng hồ
Mediterranean Sea
Đi dọc biển đêm đó, gió khá mạnh và lạnh. Tôi thấy mông lung. Cách xa nhà, không biết mọi người ở nhà đang làm gì.
Đi chậm lại sau hai bạn đồng hành, nhìn trời mây, hít thật sâu rồi nhắm mắt lại, nghe tiếng sóng, tiếng gió, thốt nhiên như thấy không biết mình đang ở đâu nữa. Có cái gì đó chao đảo và quay chầm chậm xung quanh, rồi lặng đi đến độ hình như mình không còn đứng trên mặt đất nữa. Chỉ một khoảnh khắc thôi, nhưng hình như thu vào trong suy nghĩ cả một vùng không gian, một quãng thời gian quá dài. Cái cảm giác mình đang lằng lặng bay giữa hiện tại về quá khứ, về thuở chưa có mình, nhưng đã có biển cả. Mình có là cái gì đâu. Khi mình nhận biết mọi sự thì cái không gian quanh đây đã cũ kĩ cổ điển lắm rồi.
Jewishs
Etzel House
HaTachana
Khu nhà ga cũ trở thành một bảo tàng mở, một không gian thư giãn rất đặc biệt của người Israel, mà không nhiều du khách biết tới, trong LP về Trung Đông cũng không nhắc đến. Vào những ngày hội, người dân mang các sản phẩm đến đây bày bán như thuở xưa, đủ thứ từ hoa, quả, bánh kẹo... đến các đồ gia dụng. Ngày thường thì các ngôi nhà trong sân ga cũ và xung quanh là shop bán quần áo, mỹ phẩm, vàng bạc, và có một quán ăn, một quán bar.
Tất cả các quầy, quán trong khu vực đều phải cam kết giữ đúng không khí cũ, nghĩa là không âm thanh của loa đài, không ánh sáng khác đèn điện thông thường, không bày ra ngoài nhà. Một không khí rất dễ chịu và thư giãn khi bạn dạo bộ nơi đây. Xung quanh vắng đến nỗi rõ ràng là số người bán hàng nhiều gấp mấy lần người mua hàng, và trong quán thì số nhân viên còn đông hơn số khách. Có lẽ là chúng tôi đến không phải lúc rồi !?
Sáng hôm sau, Tel Aviv lại tràn nắng, trời xanh ngắt rất bình yên.
Chúng tôi lại đi ra phía biển. Biển lại đón chào với muôn vàn con sóng
Old Jaffa
Jaffa cổ nhìn từ phía Tel Aviv
Woman against the wind
Old and New
Hải cảng tấp nập xưa giờ không còn nữa, chỉ có một con đê chắn sóng tạo thành một âu thuyền dành cho những con thuyền buồm nhỏ, có lẽ của những người giàu có quanh đây hoặc làm du lịch. Nắng lên trên những con thuyền màu sắc, và biển thì xanh thẳm...
Chúng tôi theo một ngõ nhỏ lát đá leo lên đồi. Mấy ngõ này thông nhau vòng vèo rất hay, vắng lặng không một bóng người.
Nói thế, chứ cũng có một bóng hồng này...
Từ đỉnh đồi Jaffa nhìn xuống, biển xanh hút mắt. Đồi này hiện nay có nhiều các nghệ sĩ của Israel sinh sống. Họ sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, vào những ngày lễ hội thì trưng bày, nhưng vào mùa này, lúc chúng tôi đi có lẽ cũng sớm, nên chẳng thấy ai. Có cái cửa sổ kính bày mấy món thủ công, hình như cũng là để bán...
Kedumim square
Bye bye Tel Aviv
Từ Tel Aviv đến Jerusalem
Jerusalem
To Jerusalem
Jerusalem
Trong Kinh thánh
Đất thánh
Jerusalem
Vương quốc Israel của David và Solomon gây dựng chỉ còn lại phần phía nam là vương quốc Judea. Các vùng đất xung quanh trở thành các xứ lúc thì nằm dưới quyền vua này, lúc thuộc vương quốc khác, tranh chấp thay đổi liên miên.
Lại mấy trăm năm, khi đế quốc La Mã bành trướng, đã thâu tóm tất cả dưới quyền mình. Vương quốc Judea trở thành một vùng tự trị, đứng đầu là một dòng họ quý tộc Do Thái.
Gần đầu Công Nguyên, vị vua tự trị của Do Thái là Herod rất tài giỏi đã nắm được quyền lực mạnh. Herod cho xây dựng lại toàn thành phố Jerusalem, xây lại cả Ngôi đền Thứ hai, đào ba hồ chứa nước lớn, hàng loạt cung điện, pháo đài được xây dựng. Những bức tường lớn và vững chắc nhất được dựng trong thời kì này, vẫn còn đến ngày nay.
Thành Jerusalem dưới thời Herod, với công trình to lớn tráng lệ nhất là Ngôi đền Thứ Hai, bên cạnh là pháo đài, và hoàng cung nằm sát ngôi đền. Khu dân cư mở rộng ra khắp xung quanh. Ngày nay, các bức tường quanh Ngôi đền Thứ hai vẫn còn nguyên vẹn.
Mô hình thành phố khi đó, với Đền thờ chiếm diện tích lớn nhất. Cổng của đền là Cổng Vàng, vẫn còn đến nay nhưng đã bị bịt lại.
Jesus cũng sinh ra vào thời Herod, và chính Jesus cũng đã đến ngôi đền này để cầu nguyện, học tập.
Ngoài Jerusalem, Herod còn cho xây dựng khu cung điện - pháo đài Massada trên núi, mà sau đó là cứ điểm cuối cùng của những người Do Thái tự do, trở thành biểu tượng tự do và anh hùng sâu sắc nhất trong lòng người Do Thái (tôi sẽ viết về nơi này sau).
Người Do Thái chống lại sự cai trị của La Mã, khiến La Mã tức giận. Và năm 70, các đoàn quân La Mã tiến đánh thành phố.
Bức tranh vẽ vào thế kỉ 19 mô tả cảnh quân La Mã tiến đánh thành phố.
Sau khi chiếm được thành phố, quân La Mã phá hủy Đền Thờ, đem tất cả báu vật về Roma. Và để tiêu diệt tinh thần dân tộc của người Do Thái, La Mã dỡ ngôi đền thành 2000 tảng đá đem lên tàu về Rome, sau này làm móng của Đại đấu trường Colosseum. Rồi các tảng đá đó lại được đào về xây nhà thờ St.Peter.
Như vậy, nhà nước Do Thái độc lập thành lập khoảng năm 1000 TCN, bị tiêu diệt khoảng 500 TCN, chỉ còn là một tiểu quốc phụ thuộc tự trị, thì sự tự trị đó cũng bị mất nốt vào năm 70. Cho đến tận năm 1948, tức là sau gần 2500 năm, Do Thái mới lại trở thành một đất nước độc lập. Có lẽ không dân tộc nào có được tinh thần quật cường đến thế,
Jerusalem
St. Helena
Sau Đền thờ, Hồi giáo dựng một giáo đường lớn ở phía Nam, để hướng về Mecca, là giáo đường Al-Aqsa. Giáo đường bị đổ nhiều lần và xây dựng lại, nhưng Đền thờ lớn bát giác vẫn còn nguyên.
Hồi giáo cho phép người Kitô giáo sinh sống trong thành phố, thỏa thuận với Byzance, và các cộng đồng Kitô giáo với Thượng phụ Jerusalem vẫn ở nguyên tại đó. Nhà thờ Mộ Chúa vẫn tấp nập các tín đồ Kitô giáo, và nhà thờ này được tu sửa thường xuyên.
Chỉ có cộng đồng Do Thái giáo là bị đối xử tệ nhất.
Trong hàng trăm năm tiếp theo, dù thường xuyên biến động nhưng quyền cai trị chính vẫn thuộc về đế quốc Hồi giáo Ả Rập, người theo tôn giáo nào thì cầu nguyện ở vị trí của người đó, không xâm phạm thô bạo với nhau. Jerusalem âm thầm cho những cuộc chiến đẫm máu sắp tới.
Thập tự chinh
Muslim
Trung Đông - Israel - Jerusalem
Jaffa Gate
walls
David street
Mua bán trong phố cổ
Muristan
Holy Sepulchre
Nhà thờ Mộ Chúa
Nhà thờ Mộ Chúa
Anointing stone - Phiến đá khâm liệm
Đó có phải thực sự là tảng đá mà thân thể Chúa đã nằm lên không? Đó có phải thực sự là nơi chứng kiến cái chết của đấng Cứu thế đã hi sinh mạng sống của mình cho niềm tin vào sự sống lại hay không?
Điều đó với tôi cũng không quan trọng nữa. Tôi chỉ biết rằng, đã hàng nghìn năm qua, biết bao nhiêu triệu lượt người đã dừng lại ở đây, đã quỳ xuống và hôn lên tảng đá này, đã rơi nước mắt, đã đem hết tâm tư, đức tin, cả khổ đau và hạnh phúc, cả hèn mọn và vinh quang đến úp mặt vào đây. Điều đó chẳng đã đủ thiêng liêng và sâu xa ư? Cứ mỗi một lời nguyện cầu là một nghiệp, thì tảng đá này đã chứa đựng biết bao tâm sự của biết bao kiếp người rồi.
Và thế là dù không phải tín đồ Kitô giáo, tôi cũng làm những điều mà những người kia đang làm: quỳ xuống, áp mặt và hôn lên bề mặt nhẵn mát rượi của tảng đá, để nghe thấm qua đó hàng triệu kiếp nghiệp đã, đang, và sẽ quỳ như tôi...
Hai bạn đồng hành lúc đầu không định, nhưng sau cũng làm theo. Tôi không phải tín đồ Kitô giáo, nhưng tôi tin vào tình thương yêu và tâm linh của những con người...
Cruxifixion - Bàn thờ Thập giá
Có thể thấy khối đá gốc của đồi đá xưa kia bên dưới bàn thờ, nay được che bởi lớp kính dày. Những tín đồ sẽ đến quỳ vào dưới bàn thờ. Tại đó có một phiến đá cẩm thạch che lên, nhưng ở giữa có một lỗ tròn thông thẳng xuống đỉnh khối đá gốc bên dưới. Cái lỗ tròn đó đánh dấu nơi cây Thập giá cắm vào.
Và thế là những người đến quỳ dưới bàn thờ có thể đưa tay sờ vào tảng đá gốc, nhưng chỉ có thế mà thôi. Bên phải bàn thờ, một hàng dài những người đứng lặng lẽ chờ đợi đến lượt. Từng người, từng người một tiến đến, quỳ dưới bàn thờ, úp mặt vào đó cầu nguyện, sờ vào tảng đá gốc, rồi đi ra bên trái...
Từ bên trên, hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh nhắm mắt nghiêng đầu và đã chết, hai bên là hình ảnh hai người phụ nữ có mặt bên cạnh lúc đó, là bà Mary và Mary Magdalene, bên trên treo rất nhiều những ngọn đèn bằng bạc, vàng. Bên cạnh có một hộp nến, những người cầu nguyện có thể lấy một cây nến thắp lên rồi cắm vào hai giá nến đằng trước.
Tôi cũng làm như những tín đồ Kitô giáo, đã sờ tay vào tảng đá gốc, nơi thấm đẫm bao lời cầu nguyện. Còn một nơi Cực Thánh thứ ba nữa...
Resurrection Aedicule - Hang Phục Sinh - Mộ Chúa
Mộ Chúa
Holy Sepulchre
Người theo Kitô giáo gán cho người Do Thái tội "giết Chúa Jesus" vì vậy họ không hề thương xót những người đồng chủng với Chúa.
Người Do Thái đi khắp châu Âu, ở đâu họ cũng làm ăn giỏi, nhiều tiền, trở thành những người cho vay nặng lãi. Đã có thời mà hơn nửa vua chúa châu Âu là con nợ của người Do Thái. Sự ganh ghét, lo sợ kèm với cái cớ "giết Chúa" khiến người châu Âu bạc đãi người Do Thái.
(Về chuyện tiền bạc này, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm, và quả thật, dù chỉ vài ngày, cũng "không yêu nổi" cái cách người làm ăn Do Thái kiếm tiền bạc nghĩa).
Còn Đức Quốc xã thì với thuyết "chủng tộc thượng đẳng", các chủng hèn kém hơn như người da màu sẽ trở thành loại phục dịch chủng Aryan. Cũng theo thuyết này, trong các chủng thì chủng Do Thái có sức sống và trí tuệ rất mạnh, là mối nguy hiểm cho chủng Aryan, có thể sẽ cạnh tranh với chủng Aryan. Cho nên để bảo tồn tính thượng đẳng, chủng Aryan sẽ hạ thủ trước, tiêu diệt đối thủ của mình.
Omar mosque
Rời khỏi nhà thờ Mộ Chúa, tôi lang thang vào một nhà nguyện nhỏ cạnh đó. Trên tường ghi bằng 5 thứ tiếng kể về sự tích nơi đây, liên quan gì đó đến bà Maria, mà tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ nhớ màu sắc của những lá cờ treo quanh cái sân nhỏ ấy.
Và màu của con ngõ đá chìm trong ánh đèn vàng
Jewish quarter
Wailing wall
Bức tường lớn phía Tây của Núi Đền này như thấy hiện nay được xây từ đầu Công nguyên, dưới thời vua Herod. Tường cao ngất được xây chồng hoàn toàn bằng đá tảng, càng dưới chân đá càng to. Tuy nhiên, nền móng của tường đã có từ trước đó cả nghìn năm. Bên dưới bức tường này là hệ thống móng đá và hầm ngầm, với những tảng đá gốc chèn chặt trên núi đá.
Trong nghìn năm qua, dưới sự cai trị của La Mã, Hồi giáo, Thập tự chinh,... người Do Thái chỉ được đến đây, và họ phải cầu nguyện tại đây trong từng ấy năm, và giờ còn tiếp tục cầu nguyện. Người Do Thái trên khắp thế giới hướng về đây mỗi khi nhớ về Tổ quốc. Người ta nói rằng ở đây có một cánh cổng huyền bí, cổng Nước Mắt. Cổng này mở thẳng lên thiên đường, và chỉ mở được bằng nước mắt của những người cầu nguyện.
Có nhiều cây sống bám trên tường, mùa đông cây khô cong, nhưng khi xuân đến sẽ lại xanh tươi.
Vào khu vực này, bạn phải đội mũ che đi đỉnh đầu. Người Do Thái thì hoặc đội mũ phớt đen rộng vành, hoặc có một cái chụp nhỏ trên chóp. Như tôi đội mũ len cũng được.
Người Do Thái còn có một truyền thống nữa là viết những lời nguyện ước của mình lên giấy, rồi nhét vào kẽ của bức tường Than khóc, để gửi lên Thượng đế. Những mẩu giấy trắng rơi đầy chân tường, và trên tất cả mọi kẽ đá...
Trung Đông - Israel - Jerusalem
Jerusalem đêm
Temple Mount
Khu vực Núi Đền ngày nay thuộc người Hồi giáo quản lý. Họ có thể ra vào theo các cổng từ khu Hồi giáo tự do. Nhưng người không phải Hồi giáo thì chỉ có thể vào theo một lối quy định, kiểm soát chặt chẽ. Thời gian vào từ 7h30 đến 11h hàng ngày.
Chúng tôi theo lối bên cạnh cổng thành, qua khu vực kiểm tra an ninh, rồi theo lối cầu thang gỗ lên cao. Tít trên cao tường thành có một lối vào nhỏ...
Đường lên
Từ trên nhìn xuống Bức tường than khóc, ở gần là khu dành cho phụ nữ, bên kia là khu cho nam giới
Bước qua bức tường để vào Núi Đền, bỏ lại đằng sau những lời rì rầm cầu nguyện của người Do Thái, chúng tôi vào khu vực cầu nguyện của người Hồi giáo, mà xưa kia đã từng thuộc về Do Thái giáo, Kitô giáo.
Toàn bộ khu vực xây bằng đá, lát đá, nhưng vẫn có nhiều cây xanh. Rải rác là các phế tích của những công trình từ từ thời La Mã, Byzance.
Còn những gì đang được sử dụng thì đều là Hồi giáo.
Chúng tôi hướng về trung tâm của Núi Đền, nơi thiêng liêng nhất, nhưng cũng là nơi người Do Thái đã chấp nhận không bước vào, chờ đến ngày Đấng Messiah của họ dẫn dắt.
Nền đá ở chính giữa cao vượt lên, với bốn cầu thang lớn ở bốn phía. Phía trên mỗi cầu thang là các vòm cửa, với số lượng vòm không như nhau ở các phía.
Dome of the Rock
Đền thờ Khối đá được xây trùm lên một khối đá mà người Hồi giáo cho rằng đó là Tảng đá khởi thủy, tảng đá mà Tổ phụ Abraham đã hiến tế con trai mình cho Thượng đế, bên dưới nó có Giếng Linh hồn.
Tiếc thay, nơi này chỉ dành riêng cho người Hồi giáo, cửa đóng rất chặt với dân du lịch như chúng tôi. Đành đứng bên ngoài chụp vậy. Xung quanh Đền thờ khảm kín mosaic, nếu so với các đền Hồi giáo hoành tráng khác thì có vẻ cũng khôgn phải là tinh xảo lắm, chỉ có các hoa văn vuông đơn giản, thiếu vắng các dây hồi văn quấn quýt đan xen vốn là đặc trưng của trang trí Ottoman. Bù lại, phía trên có một dãy thư pháp Ả Rập viết các dòng kinh Qu'ran khá tinh xảo.
Bên trong đền thờ thì thế này, ảnh sưu tầm trên mạng:
Golden Gate
Olive Mountain
Người Armenia ở Jerusalem và người ở quốc gia Armenia hiện nay là một dân tộc bạn ạ. Dân tộc Armenia có lịch sử và truyền thống rất lâu đời, từ trước công nguyên rất lâu, không kém gì các dân tộc ở vùng Lưỡng Hà như Ba Tư, Do Thái... Từ khi người Do Thái lập quốc thì người Armenia cũng đã di cư nhiều nơi rồi. Cho đến trước Công nguyên thì người Armenia đã sinh sống xung quanh Jerusalem khá nhiều. Nên nhớ rằng nhà nước Do Thái đã sụp từ 500 năm TCN, và vùng đất đó có rất nhiều dân tộc khác cùng sinh sống.
Khi La Mã xâm chiếm Jerusalem, đuổi người Do Thái, thì các dân tộc khác vào sống trong thành phố, trong đó có người Armenia. Armenia cũng là dân tộc và quốc gia chấp nhận Kitô giáo từ rất sớm, thậm chí họ cho rằng họ là những người theo Kitô giáo đầu tiên, lập nên nhà thờ đầu tiên, là đất nước nhận Kitô giáo làm quốc giáo đầu tiên. Cho đến khi La Mã công nhận Kitô giáo thì họ đã định cư hàng trăm năm ở Jerusalem rồi. Ngay trong thời kì Hồi giáo nắm giữ Jerusalem, người Armenia Kitô giáo vẫn không dời đi, mà kiên trì ở lại. Và sau đó suốt cả chiều dài lịch sử, họ vẫn ở đó, dù không nhiều, nhưng luôn có.
Có thể nói khu Armenia là cộng đồng sinh sống liên tục lâu dài nhất ở Jerusalem, trải qua biến thiên lịch sử, tôn giáo, họ vẫn kiên trì bám trụ ở đó. Ngày nay đến đó, dễ thấy đây là khu bình lặng nhất, vắng vẻ nhất. Thế nhưng dường như khu vực đó cũng bí hiểm nhất, nơi mà khách du lịch hầu như không tìm hiểu được gì về đời sống người dân sau những bức tường đá.
Palestinian
Một chút quá vãng
Những viên đá này nhặt ở trên Núi Đền, đem về làm quà cho bạn bè.
Streets...
... and shops
Bên kia đường là một quầy bán các loại rau dưa muối. Màu sắc lạ nhất là món củ cải và súp-lơ muối, không biết tại sao mà cứ hồng rực lên !
Chúng tôi đi về phía cổng Damascus. Cổng này nằm ở phía Bắc, hướng về thành Damascus nổi tiếng. Thành Damascus được coi là thành phố có thể còn cổ hơn cả Jerusalem, và trong truyện Nghìn lẻ một đêm thường được nhắc đến với cái tên là thành Đa-mát, thành phố lớn thứ hai của đế chế Hồi giáo sau Bát-đa.
Phía cổng Damascus là khu buôn bán của người Hồi giáo, rất nhộn nhịp và đời sống người dân cũng sinh động hơn hẳn các khu còn lại.
Bán hoa quả
Người bán rau
Và cái cổng cổ xưa, bị vây kín bởi hàng quán. Trong cổng cũng là các cửa hàng bán các đồ mỹ nghệ, hương liệu.
Stone house
Và đây là bữa tối Giao thừa nơi xứ người của ba chúng tôi.
Archeology sites
Chợ xưa
Bethlehem
Manger square
Nativity church
Humility door
Nativity church
Nativity Giotto
Bethlehem star
@danngoc: Vâng, bình thường đến kì lạ cơ ạ.
Bên cạnh bàn thờ có Ngôi sao lại có một hang đá còn sâu xuống thêm một chút nữa, có bàn thờ nữa. Ở đó một nhóm tu sĩ Công giáo La Mã đang làm lễ Misa, ăn bánh uống rượu thánh.
Một đoàn người vừa lễ lạy tại nơi sinh Chúa xong, thì một thanh niên dẹp mọi người ra, vác một cái thang vào để ngay trước bàn thờ, chân thang kê luôn cả vào cánh sao nơi có người vừa hôn. Anh ta để nguyên giày trèo lên thang và thay một cái bóng đèn bị cháy trước đó, rồi vẫn đứng trên thang thử chọc ngoáy cái bóng đèn hỏng, một việc bình thường như tất cả các thợ điện vẫn làm.
Bình thường đến thế là cùng.
Người mình có câu "Gần chùa gọi Bụt bằng anh" mà. Cứ ở gần đấy mãi, chỉ thấy người người lễ lạy, mà không thấy hiển hiện kì diệu gì, phép màu gì cả, thì sẽ không còn thấy thiêng liêng tôn kính nữa. Rốt cục thì bàn thờ nào, tượng thánh nào mà chẳng do những đôi bàn tay lao động tạo nên? Thánh lễ nào, nghi thức nào mà chẳng do người nào đó đặt ra rồi thêm dần vào...
Bethlehem nằm trong đất Palestine, hiển nhiên khi đến thăm nơi này phải vào đất Palestine, vượt qua ranh giới Israel - Palestine.
Đến được nơi này rồi, mới cảm nhận thêm về miền đất nước mắt này.
Người Palestine là dân tộc định cư ở đất này từ rất xa xưa, trước khi cả người Do Thái du cư đến. Thế nhưng trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của mình, người Palestine chỉ nằm dưới sự cai trị của các nhà nước khác nhau trên đất ấy, mà chưa bao giờ thiết lập được nhà nước của mình. Từ Summer, Babylon, Judea, Ba Tư, Hồi giáo, Ottoman,... Họ theo Hồi giáo từ khi tôn giáo này tràn lên đây.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lại nằm dưới sự quản lý của Jordan theo Hồi giáo. Khi đó người Palestine cũng không phản ứng rõ rệt. Nhưng khi chiến tranh Trung Đông nổ ra, người Do Thái tràn sang vùng đất Hồi giáo, thì người Palestine đã thấy rõ sức mạnh của người chủng tộc khác, tôn giáo khác đang bao phủ lên mình. Họ chống lại, họ muốn có một nhà nước của riêng người Palestine, họ đòi độc lập.
Tiếc thay, việc đòi độc lập khi đó đã không dễ dàng. Người Do Thái tràn sang các vùng đất, đẩy người Palestine về phía Đông, thiết lập một ranh giới, một ranh giới mà sau đó chúng tôi mới thấy nó hiện hữu thế nào.
Người Palestine không có được nhà nước chính thức, các cửa ngõ biên giới bị đóng lại, không có đồng tiền riêng.
Họ vẫn đang đấu tranh và chờ đợi.
Chúng tôi đã theo xe bus từ Jerusalem vào Palestine thật dễ dàng, đến mức không nhận ra. Nhưng từ Palestine quay lại Jerusalem lại không dễ dàng đến thế...
Bethlehem University
Đại học nằm trên một đồi cao, với những mảnh vườn nhỏ, từ đó nhìn ra những triền đồi thoai thoải.
Phía bên kia là những khu định cư Palestine đang được xây dựng.
Xa hơn về phía Bắc là các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem, nơi xảy ra những tranh chấp và là nguyên do bất đồng suốt mấy thập kỉ nay, vẫn tiếp tục là thùng thuốc súng chờ bùng nổ.
Street
Market
Vietnamese
The Wall
Thì ra đây là bức tường ngăn cách giữa vùng lãnh thổ Palestine (mà Israel xác định) và đất Israel, bức tường mà người Palestine cảm thấy đau đớn bởi nhiều người trong số họ không công nhận. Với họ, vùng đất bao quanh cả Jerusalem cũng phải là đất Palestine, chứ không phải chỉ bên này bức tường.
Bên cạnh bức tường là một lối đi hẹp đầy song sắt, chia làm đôi. Đó là lối để vào lại đất Israel. Vậy đó, chúng tôi đã hiểu chính sách chia cách này. Nếu bạn muốn rời khỏi Israel ư, rất dễ, rất thuận tiện, rất nhanh chóng, đến nỗi bạn không nhận ra rằng mình đã vượt ranh giới lúc nào. Thế nhưng từ Palestine quay lại ư, không đơn giản. Bạn sẽ phải trải qua một cuộc kiểm soát nghiêm ngặt, lạnh lùng, bởi bạn không được chào đón.
Dòng chữ Five Fingers in the Same hand ấn tượng mãi với chúng tôi, cả đến sau này.
Chúng tôi đi dọc bức tường, về phía bên trái, nơi có một trụ tháp cao như tòa nhà ba tầng. Nghe đánh cạch một cái, cái lỗ vuông be bé ở tầng một mở ra, rồi nhanh chóng đóng lại. Chỉ kịp thấy một ánh mắt dò xét nhìn qua lớp kính dày.
Người trong cái tháp đó, người của phía bên kia bức tường, theo dõi, dò xét mọi hành động của bên này.
Gần ngay cái tháp, một cây olive mọc lẻ loi. Loài cây mà xưa kia người Hy Lạp lấy để tượng trưng cho hòa bình, thống nhất của các thành bang, và vẫn được dùng là biểu tượng hòa bình đến nay, mọc ở đây thật lạc lõng.
Mây trên trời che kín màu xanh.
Và chúng tôi làm một việc - nói ra chả nhã gì cả, nhưng lúc ấy bỗng có hứng - là tè vào bức tường kia mỗi người một bãi.
Kỉ niệm với bức tường đặc biệt này một bức. Không biết trên thế giới có bao nhiêu bức tường thế này?
Checking point
Nếu ở cửa khẩu Israel, chúng tôi đã bị kiểm tra rất gắt bởi một lực lượng an ninh trẻ, chuyên nghiệp gồm cả nam và nữ, với những câu hỏi rất cẩn thận, những dụng cụ miết khắp cả balô, quần áo rồi đưa ra trước máy chuyên dụng để soi chất nổ, hoặc có thể là cả ma túy..., thì ở đây, không thấy bóng người nào.
Nơi chúng tôi bước vào là một hệ thống những rào sắt, cửa sắt quay theo một chiều, đã vào là không quay lại được, và vẫn là những lối đi hẹp chỉ đủ một người. Phía trên là những bóng đèn sáng lạnh. Nhưng, không có bóng nhân viên an ninh nào.
Có tiếng loa nhắc nhở đến lượt từng người, và nhìn lên thấy các camera, và cửa sắt tự động quay cho từng người đi vào. Tự động bỏ balô, áo khoác, và cả cởi giày ra để lên băng chuyền an ninh, và đi qua cửa kiểm tra mà không phải có người đứng rà quanh người. Đi trước chúng tôi có một cô gái Palestine, tôi đi sau cô một đoạn. Mãi khi đến giữa khu an ninh, mới thấy có một cái cửa sổ nhỏ, và đằng sau là một bóng người ngồi trong nhìn ra. Cô gái đi trước đến trước cửa đó, không chỉ phải bỏ tất cả giầy, áo, đồ mang theo, mà còn phải tự vuốt quanh người, quay các phía cho người ngồi sau cửa nhìn, và các phía có camera, cũng như trả lời các câu hỏi đặt ra.
Không khí ngột ngạt và lạnh lùng khủng khiếp. Dù mình không làm gì, cũng có cảm giác bất an.
Với hộ chiếu không phải Palestine, và nói là vừa vào thăm Bethlehem sáng nay, chúng tôi được qua nhanh chóng hơn. Rời khỏi cái ô cửa sổ kia lại là những hành lang dài, nhưng lần này là ánh đèn vàng ấm áp hơn. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã ra được ngoài ánh sáng mặt trời.
Tất nhiên là trong cái khu "checking point" sát thủ đó, chẳng thể nào dám sờ đến điện thoại, máy ảnh cho đến khi băng chuyền trả ra, chứ đừng nói gì đến chụp ảnh.
Và khi ra đến bên ngoài, tôi chụp lại một bức, ghi lại cảm giác "Hòa bình sau song sắt".