Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Có phiên chợ tên là thương nhớ



TOPIC GỐC




20-02-2012, 09:11 PM


Phiên chợ Đồng Văn những sáng Chủ Nhật nào đã đi sâu vào tâm trí những dân Phượt một lần đến đây.

Và có một phiên chợ chắc sẽ in hằn vào tim tôi, và những bạn tôi.

Phiên chợ ấy có thể lại gặp lại ở những năm sau, nhưng cũng có thể chỉ là một lần duy nhất.

Thương nhớ Đồng Văn ơi Thương nhớ Đồng văn.


Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Những hình ảnh cập nhật, đã có topic của Favourite, còn nơi đây, tôi chỉ muốn ghi lại những cảm xúc của một người "khách" giữa chợ Đồng Văn.

Và các bạn, những cảm xúc của các bạn nữa, cũng hãy cùng tôi chia sẻ. Đừng chỉ gửi vài bức ảnh chơ vơ, giống như ta đã từng chụp ảnh những người cũ mà không ghi lại gì về họ, cũng hãy ghi lại vài dòng nhé !

Trong topic này, nếu tôi có gọi các bạn bằng những cách khác lạ, chắc cũng không sao phải không?



Bọn chúng

Biết nói sao về những người đã đem đến một phiên chợ Thương nhớ đến thế. Chẳng thể kể ra đây hết, cũng không thể nói lời cảm ơn được hết. Khắc họa vài dòng, nếu có đúng sai, thì cũng cười như việc đúng sai của khi trao ảnh...

Ả hẳn là người hạnh phúc nhất, hạnh phúc nhất của phiên chợ này. Ả có từ đầu, và ả cũng là người cuối. Phiên chợ là do ả, cũng như lấy đi bao sức lực, tâm trí của ả, ả stress đến mức đã định không đi chợ, rồi ả cũng là người cười nhiều nhất, cười từ đầu chợ đến cuối chợ, từ đầu ngày đến cuối ngày. Cái giọng chua chót (không phải chua chát nhá) của ả vang lên chỗ này chỗ kia, mắt ả sáng choang như miệng ả không thể ngậm lại được cho đến hết tuần tới.
Ả xứng đáng với tất cả, và xứng đáng với hơn thế nữa chứ, cho tấm lòng và sự nhiệt tình của ả.
Cũng như, chắc ả sẽ xứng đáng với cả chục bài viết trên báo mà ả sẽ toẹt ra trong thời gian rất ngắn.


Lão vận động, lão tiền trạm, lão giao dịch. Lão phát biểu hùng hồn với chiếc mũ hàng chợ đội trên cái đầu ít khi đội mũ, và khăn xanh quanh cái cổ ít khi quấn khăn. Lão lúc đầu cũng ít cười, có lẽ phải lo nhiều việc. Nhưng đến sáng chủ nhật, và đặc biệt khi trao ảnh thì lão cũng cười không ngậm được miệng, chạy khắp chỗ nọ chỗ kia.
Giá mà lão tài trợ luôn được ba cái máy in ảnh thì tốt quá đi mất !!

Hắn có cười cũng không tươi lên được, mặt hắn hình như đã in hằn sự lo toan, sự lo toan cho mấy chục con người phải đi ra sao, về thế nào. Chỗ nào cần là người ta gọi hắn, và rồi hắn sẽ xuất hiện. Hắn là cầu nối giữa các việc có tên và không tên, nối từ kẻ đi muộn xe đến ông cán bộ văn hóa huyện, nối từ chuyện của đêm hôm trước đến đêm hôm sau và ngược lại. Hắn không cần nói to nhưng mọi người nghe hắn, và công việc xong xuôi.
Last edited by Chitto; 20-02-2012 at 10:44 PM.


Bọn chúng (tiếp)

Y nhỏ và nhanh nhẹn, chạy khắp mọi nơi, nhiệt tình một cách thái quá !! Nghe nói hồi xưa y từng kêu lũ phượt là điên, để rồi y còn điên hơn nhiều. Y trang bị tận răng quanh mình các thứ dụng cụ cho xê dịch và bắn phá. Y lăn ra chụp choẹt cho bà con, ai hở ra cái gì là y tóm cho bằng được, thò vào mọi chỗ, nhòm đến ngóc ngách không ngơi nghỉ. Chắc vì thế y đeo kính đến năm đi-ốp.
Nhưng hình như y vẫn chưa thể tìm được tác phẩm của đời y.
Và giá như y mang theo cái máy in của y thì có phải y càng thỏa sức chụp hơn hay không?

Thị đến sau hầu hết mọi người, nhưng không phải là thị làm việc sau đâu nhá. Chưa lên đến nơi nhưng từ vài ngày trước một tay thị đã nắm chỗ ngủ cho cả một đoàn quân, sắp xếp điều tiết xem anh nào phải ngủ với em nào. Cứ xem lúc thị đứng giữa chợ mới, tay lăm lăm điện thoại điều bốn năm chàng đi lo việc của hai bà bán xôi, bà bán bánh gạo, với bốn hàng rượu, ba chảo thắng cố thì biết. 
Thị bảo mọi người hô nhỏ thôi, nhảm nhí quá, nhưng thị cũng thích hô hét bỏ xừ.


Ảnh ọt thì đúng là máu me của gã, nên gã và ả quần quật với đống ảnh, cuối cùng cũng thở phào được. Gã điều quân làm thợ mộc, mua gỗ dựng giá, gã sắp xếp các bức ảnh, hớn hở vô cùng. Ảnh, chỉ việc về ảnh là gã quan tâm, còn rượu chè thắng cố mèn mén gã không hứng thú. Khi thấy ảnh của gã đến tay bà con thì gã cười đến rụng cả râu tóc, nhưng vì ảnh gã ít mà râu gã nhiều nên cũng không thưa đi là mấy, có điều tóc thì thưa quá rồi.


Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Ở nơi ấy, có con phố mà từ lâu đã mang tên Phố Cổ

Và nơi ấy, có khu chợ mới gần đây mang tên Chợ Cũ

Bao năm nay, chợ ngày thường vẫn vắng, nhưng thật đông vui mỗi Chủ nhật. Gần đây, chợ thành chợ cũ, Chủ nhật cũng lạnh lùng.

Bao người đến đây đã từng lặng người với những mảnh ngói âm dương, với hàng cột đá, xà gỗ. Còn tôi, tôi lạnh người với những chiếc bếp lò đã bị bỏ hoang, vỡ tan mỗi góc cột. Những ngọn lửa ấm reo vui bên dưới những chảo thắng cố, miếng bánh gạo, đã tắt rồi.


Thế mà, có một ngày, ngày của Phiên chợ lạ lùng, tất cả lại bừng lên, lại đông đúc nhộn nhịp tiếng cười nói, tiếng xôn xao của cả một góc trời thương nhớ...



Chảo thắng cố reo lên những tiếng lửa bập bùng, gọi mọi người về bên bàn rượu


Những chú nhóc này, một ngày kia sẽ lại ngả nghiêng bên chén rượu ngô dưới chân hàng cột đá trăm năm, chắc hẳn thế.





Đường lên chợ

Xe khách đến Hà Giang trời còn tối om, lại mưa lất phất. Những chiếc xe máy thuê phải chờ cây xăng mở cửa, rồi lầm lũi chạy ngược về Quản Bạ. "Dự báo thời tiết sẽ còn mưa rét vài ngày nữa" - tiếng một ai đó nói. Đường lên núi mờ trong sương, giá lạnh. Thế này trên cao kia chắc còn lạnh nữa.

Dừng chân ở quán café Núi Đôi tại Tam Sơn - Quản Bạ, tán phét một chốc bên cốc trà gừng, hong găng tay và nói xấu giang hồ, rồi lại lên xe chạy tiếp đến Yên Minh làm bữa trưa. Tại đây đoàn xe máy gặp hai xế hộp mang ảnh và gỗ, rồi băng đường leo dốc. Từ Yên Minh đường ngược lên cao mãi. Qua Phố Cáo, đến Sủng Là, ghé nhà Pao; bỏ qua Lũng Cú vì trời mù mịt, ghé nhà họ Vương, chiều mới đến Đồng Văn.

Đường lên Đồng Văn giữa mùa xuân


Những chiếc giá gỗ

Lấy phòng, quăng đồ rồi chạy ra chợ cũ. Những thanh gỗ chở từ xuôi lên đã bày đầy ra đó, với đinh, với búa, với cưa, với kìm. Cưa cắt đập đập, những chiếc giá để ảnh dần dựng lên, lênh khênh nhưng đủ chắc chắn. Chiều đầu tiên làm được 6 chiếc giá, mai sẽ làm thêm 4 chiếc cho đủ 10; mỗi giá 20 ảnh chia làm hai mặt trước sau, thế là đủ.

Trời rét quá, tối ngồi trong café Phố Cổ vẫn rét. Lại chuyển hết gỗ vào gửi nhờ, sợ rằng đêm có ai rét đem đống gỗ ra nhóm lửa thì toi.

Sáng hôm sau, giá ảnh dựng lên, chuyển ảnh từ xe ôtô xuống, sắp xếp rồi đặt lên.

Và thế là, những gian chợ ám khói tràn ngập những nụ cười.

Chợ vẫn vắng, mà sao lại đông đến thế, màu sắc tươi vui nữa.






Re: Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Sáng ngày Thứ Bảy, ở góc kia là những khung gỗ đã dựng từ đêm Thứ Sáu



Những thứ "trình bày" đã hòm hòm xong xuôi, hỉ hả nhìn nhau cười, và ngắm thành quả của chúng ta.




Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Từ cuối buổi sáng Thứ Bảy, chiếc máy in ảnh đã bắt đầu hoạt động, và các tay máy đã có dịp trổ tài. Bà con lúc đầu e ngại, những người đầu tiên là bà con Kinh, còn bà con Mông thì ngần ngại vì còn sợ phải trả tiền, mà nói mãi thì không phải ai cũng hiểu tiếng Việt. Nhưng rồi khi thấy những bức ảnh in ra trao tay thì bắt đầu hớn hở để chụp.

Máy in ảnh chạy thò ra rồi lại kéo vào, rồi thò ra rồi kéo vào đủ ba lần, ai nấy đều sốt ruột. Ối người thò thay cầm vội ảnh khi mặt còn trắng tinh hoặc mới chỉ có lớp màu vàng khè. Cả sáng và chiều mới chỉ in được khoảng 80 bức ảnh, mà thời gian xem ra cũng tốn khá nhiều. Sự lo lắng đã xuất hiện, làm sao in cho kịp 500 bức, làm sao để ngày mai trả ảnh được cho bà con bây giờ. Nỗi lo lắng đó đã thành sự thực vào sáng ngày hôm sau, nhưng không còn kịp có cách nào khắc phục. Thậm chí có người còn nói đến nỗi lo hơn là nếu máy in này có vấn đề gì thì kế hoạch in ảnh phá sản sao? May là điều này đã không xảy ra.

Chiều trời Đồng Văn lạnh hơn buổi sáng, mọi người chắc cũng chờ đợi một ngày mai, chưa biết ngày mai sẽ ra sao.

Các đoàn dần kéo lên cả, những gương mặt, những cái nick quen thuộc, lời chào hỏi. Có người đến để tham gia công việc, có người đến để chung vui. Đường xa và giá lạnh, sự có mặt ở đây đều là đáng quý.

Những khúc củi

Hắn nói với tôi (và một số người khác): "Có củi để đốt lửa trại đêm nay rồi, nhưng toàn củi bé, cháy hết ngay". Cần kiếm củi gộc to kia. Đi hết các nhà quanh chợ, cả hàng cơm, hàng bánh cuốn..., cũng không đâu có củi to cả.

Chiều, bốn thằng hai xe lao vào xóm Quyết Tiến đi tìm củi. Thấy nhà dân bên cạnh có cây gỗ để đó, hỏi hết quanh mà không biêt tìm ai để mua. Một cậu nhòm vào mái nhà người ta bảo củi to đây rồi. Hắn nhành mồm bảo: "Xà gác mái nhà người ta chứ củi gì mà củi!". Lại chia nhau ra đi tìm.

Tôi đi ngang một nhà, nhòm qua hàng rào đá. Kìa, bên trong là củi chứ còn gì nữa. Những khúc cây đường kính chừng hai chục phân nằm đó, và trên giá nhiều củi nhỏ. Tôi và hắn gọi cửa vào nhà. Con chó nhà ấy rất dữ, nếu không bị xích thì chắc chắn là tợp cả hai rồi, nó sủa điên cuồng. Nhà chỉ có anh chủ nhà mời vào uống trà, tỉ tê hỏi han. Quanh vùng ai cũng biết việc triển lãm cả. Rồi hai cậu kia quay lại. Bọn chúng vào thì tôi ra, mà quái sao mãi chúng không ra, nhòm vào, thì đang thấy anh chủ nhà rót mỗi thằng một chén rồi. Thảo nào.

Anh ta dẫn sang nhà bên cạnh, nơi có hai ông bà già và một đống củi, nói rằng đây là nhà duy nhất có củi to ở đây. Gần núi rừng thế nhưng củi to hiếm lắm, khó có lắm. Năn nỉ gãy lưỡi, ông già đồng ý cho hai khúc củi rõ dài với giá khá hợp lý, thì bà giả giãy lên và đẩy ông ra để bảo rằng không bán, không bán được đâu. Củi phải thuê người lấy trên núi, rẻ thì không bán được, mà nói giá đắt thì lại mất hết cả hay, nên tốt nhất là không bán. Hắn năn nỉ tiếp, trình bày tiếp, tôi lại ra ngoài. Lúc sau hắn ra mặt dài xuống và bảo hai khúc củi to đắt quá.

Nhưng không có củi, thì không có than cho cả đêm, kiểu gì cũng phải có một khúc. Thế là quay vào đành lấy một khúc đường kính đến bốn chục phân, dài chừng tám chục phân, nặng cỡ ba chục cân, mang lên xe máy chở ra.

Chiều tối hôm ấy, lão Du Già kiếm được thêm hai khúc củi to nữa. Cùng số củi nhỡ, và đám thanh gỗ thừa từ việc đóng giá, thế là thoải mái cho một đêm giao lưu.


Cái căn nhà gỗ, nơi bọn chúng tỉ tê và uống rượu, còn tôi đứng ngoài...


Tối hôm trước

Bóng tối và giá lạnh phủ xuống Đồng Văn. Cả nhà hàng Tiến Nhị náo nhiệt bởi các đoàn "dân ta" kéo đến, cười nói giao lưu, ăn uống kể lể sao cho xiết.

Khu chợ cũ với những bức ảnh lặng lẽ chờ đợi sáng ngày mai.



Chín giờ tối, lửa nổi lên, những ngọn lửa ấm xua đi giá rét và mưa bay lất phất. Mọi người vây quanh đống lửa, vây quanh lò than nướng đồ ăn đêm, và tất nhiên là không thiếu rượu giao lưu.

Mời các bạn ngoài sân, và các bạn trong ảnh một chén nhé



Biết là nói ra có lẽ cũng không nên lắm, nhưng đã là chia sẻ cảm xúc, thì tôi cũng phải nói rằng tối đó, tôi thấy hơi lạc lõng và chạnh lòng với tiếng nhạc xập xình kiểu nhạc sàn bật lên giữa khung cảnh đó. Giá như đó không phải là thứ nhạc chát bùm thì tôi đã thích hơn, đã muốn ngồi lâu hơn để nói chuyện với các bạn, hoặc đơn giản chỉ là ngồi xa ngắm ngọn lửa. Vì vậy, tôi về sớm...

Buổi sáng

Sáng ra chợ khá sớm, vì hôm qua không thức khuya nên ngủ thế là quá ngon và đủ. Đồng thời đi tìm chiếc găng tay đã làm rơi mất đêm qua trong lúc vác củi, nhóm lửa. Đôi găng này của người bạn mua tặng từ tận Tân Cương, rất ấm. May quá thấy chiếc găng nằm dưới cái rãnh bên cạnh thềm chợ.

Giữa sân chợ, những màu sắc váy áo rực rỡ đầu tiên đang quây quần. Thứ khiến những cô gái Mông đến đây tụ tập sớm thế hóa ra chính là đống lửa vẫn còn từ hôm qua. Hai gộc củi đã thành hai hộc than, và họ đang đốt những thanh gỗ cuối cùng trong bó gỗ làm giá ảnh, để ngọn lửa lại bùng lên.

Thấy rất thú vị, và chợt nghĩ: Một đống lửa đã bùng lên rất mạnh tối qua, chắc đã gần như tàn lụi trong đêm, nay lại được thổi lại, lại bốc cháy, lại sưởi ấm, lại là nơi để mọi người quây quần, trò chuyện, lại được như lửa cháy cho những tấm lòng ấm lại.

Phiên chợ Thương nhớ lần này, phải chăng cũng thế?

Thắng cố

Cùng với đống lửa còn lại từ đêm qua, góc chợ đằng kia một lúc sau nhen lên ba lò lửa cháy rực, với ba chảo thắng cố bắt đầu bốc khói. Người ta vẫn thường nói đến thắng cố ngựa, nhưng người nấu thắng cố hôm đó nói thắng cố bò mới ngon, chả biết thế nào mới là phải, hay là cả hai đều ngon?

Những miếng thịt, lòng, sách, tiết được chém nhỏ bỏ vào nhào lộn trong chảo nước. Chốc chốc lại thêm, lại thêm, và chảo cứ đầy dần lên. Chín giờ nhé, sau chín giờ, khai mạc mới múc ra nhé.

Tối hôm trước, Ả thì lo lắng không biết liệu có đủ không. Còn lúc ở chợ, Thị lại bảo "thế này mà bà con không đến thì làm sao mà hết được". Vui vui, cả hai đều lo lắng, nhưng lo lắng theo hai kiểu khác nhau. Thế nào mà chả hết !!!

Chảo khi mới bắt đầu đun


Và khi đã có thể chuẩn bị múc ra bát...



Chợ mới

Mama ATM tay hòm chìa khóa của chương trình phăm phăm đi ra chợ mới, tay cầm xập giấy ghi rõ tên tuổi, này là bà Lương Thị ?? bán rượu, này là bà XYZ bán bánh gạo, nào là bà bán xôi, để tìm bằng được. Những bốn bà bán rượu, hai bà bán xôi màu, trăm cái bánh gạo, mà đâu cả? Tìm và hỏi chả thấy đâu. Thế là Mama rút phắt điện thoại, điều quân khiển tướng. "T, đi về chợ cũ xem bà lọ bà chai về đó chưa", "H, mày ra kia đi khắp nơi hỏi bà lào bà cam ở đâu", "D, ra khiêng hai cái bàn rượu về chỗ kia...". Rồi thở phào, Mama bảo: Có điện thoại di động thật là hay, chỉ đứng đây mà quản được cả đám.

Rồi nghe điện thoại, Mama giãy nảy lên: "Sao lại dững hai bà, đâu ra đâu ra, thế còn những người kia đâu cả??". Sợ thật, thật không hổ danh tổng quản điều khiển từ xa...


Mấy người áo cam áo nâu kia đang đi lùng sục bà hàng rượu


Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Bếp nướng bánh gạo hết veo một cách chóng vánh


Tiếp đó là hai gùi xôi màu. Có bạn bảo bà gùi xôi hoạt động rất chuyên nghiệp, cứ đứa Kinh nào le te lại lấy xôi là bị đuổi ra, chỉ nắm xôi cho người Mông, người Dao, người Giáy ta thôi...

Đông quá chả nhìn rõ gùi xôi, chỉ toàn người là người



Có múa khèn, và vẫn còn xúm xít quanh gùi xôi. Rượu đã rót ra chén rồi, ai uống thì cứ bắt đầu đi thôi.



Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Đã một tuần trôi qua, nhanh thật.

Thôi còn mấy bức ảnh chụp các bạn, up lên đây nốt cho vui.

Nơi tập trung đông nhất của phiên chợ, không lúc nào không đông:





Trước khi đến lượt...



Bước ra cho chàng phó nháy bắn tỉa



27-02-2012, 10:46 AM

Câu chuyện cuối phiên

Phiên chợ thương nhớ đã tan.

Tôi nhìn lại trước khi ra về.

Ở cuối chợ, lúc này có một người đàn ông nằm co quắp với đống chăn bên cột đá. Người đi chợ nói rằng: gã người Mông ấy lười quá nên bị vợ đuổi khỏi nhà, ra nằm góc chợ cũ.

Và tôi thấy, thôi, không viết nữa



















By Hachi

Re: Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Ở cái phiên chợ đặc biệt ngày hôm đấy, tôi đã thấy :
Cô gái này đã đứng rất lâu để ngắm từng bức ảnh. Tôi không biết cô ấy đang suy nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ cô ấy đang vui. Không vui sao được khi được thấy những khoảng khắc, những nụ cười từ chính những đồng bào người thân của mình. Đúng là có những bức ảnh chứa đựng nhiều màu sắc, màu của niềm vui và hạnh phúc.



Niềm vui của người phụ nữ cầm ảnh của con mình, hay ánh mắt bẽn lẽn mà hạnh phúc của người vợ trẻ đi cùng chồng con tới nhận ảnh...



Chúng ta cũng nhận được niềm vui từ họ trong cái khoan khoái của một chú phả hơi thuốc lào, một nụ cười sơn cước rạng ngời trong chiếc khăn chùm đầu sặc sỡ..







...Vâng đó là một phiên chợ rất rất đặc biệt đối với những ai có mặt ngày hôm đó.


Những bức ảnh trên giá, chúng cứ ngày càng vơi đi. Đơn giản bởi vì có nhiều hơn những niềm vui. Những bức ảnh tìm được chủ nhân và các tác giả khó mà nghĩ được có ngày như hôm nay.

Trong bức ảnh này, anh chàng đang nhận ảnh đi cùng với vợ. Có nhiều tiếng cười vang lên khi cặp vợ chồng trẻ này nhận ảnh 



Bức ảnh này trao tại chợ mới, cô ấy hơi lưỡng lự chút và nói " sao nó không có màu như những bức khác vây". Tất cả lại cười 



Tôi đã hỏi và bà ấy nói " Đây là con trai tôi". Lát sau tôi đã thấy thằng bé bên cạnh bà. Vâng bà cũng thắc mắc là nó không có màu đấy tác giả ah 



Và hẳn là chúng ta không khó để nhận ra cô gái đang cầm bức ảnh của chính mình.



 By FAITH

Re: Có phiên chợ tên là Thương nhớ...

Phiên chợ ấy... Đồng Văn một ngày trở lại !!!

Về đến nhà vừa ngồi lọc ảnh vừa nghe bài khèn đêm hôm ấy... Nhớ những sắc áo vùng cao sặc sỡ, những nụ cười, những cái bắt tay cảm ơn thật chặt ko ngại ngùng của đồng bào khi được cầm trên tay những tấm ảnh chụp tại chỗ...

Cảm thấy vẫn còn nợ phiên chợ sáng Chủ Nhật ấy nhiều lắm... Những cái níu áo, những lời mời rượu, những câu nhắc khe khẽ, những câu nói ngại ngùng đầy sự chờ đợi... thậm chí về cuối buổi đã phải hẹn khi khác vì sợ làm bà con mất công chờ đợi mà ko kịp ra ảnh... đã cố gắng in đến những phút cuối cùng... Có những cụ bà kiên nhẫn đứng đợi ảnh từ sáng mà lục tung thẻ nhớ 4-5 bận mà ko thể nào tìm thấy, có lẽ ảnh nằm trong máy của 1 ai đó !!! Cuối buổi đã quyết định chụp lại ảnh cho các cụ bà đứng đợi ở đó vì nếu có lần sau chắc gì đã gặp lại các cụ... Anh em đã phải giấu pin máy ảnh của mình vì cứ nhấc máy lên chụp lại có thêm cả chục đồng bào lục tục đi theo ... Dọn đồ về phòng cứ tự nhủ đã làm hết sức mình...

Để về đến khách sạn là nằm vật ra, cầm điện thoại nhắn được 1 tin rồi ngủ thiếp lúc nào chẳng hay... đến khi có điện thoại mới giật mình tỉnh dậy, chắc mới chỉ chợp mắt 5-10 phút mà cảm giác đã ngủ được cả tiếng vậy, lại tiếp tục thu xếp đồ... biết là anh em đang đợi ngoài kia...

Đến bao giờ mới có lại những xúc cảm tuyệt vời ấy...

Các cụ khỏe nhé, thứ lỗi cho tụi con vì đã để các cụ phải chờ đợi quá lâu

 Cuộc gặp gỡ của thương nhớ 

http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?...&ChannelID=100

TT - Chúng tôi trở lại Đồng Văn sau một tháng hối hả chuẩn bị cho chương trình tri ân miền đất cao nguyên nơi địa đầu cực Bắc: một phiên chợ “thương nhớ” đặc biệt đầu xuân.



Từ sáng sớm đã nghe chiếc xe thông tin lưu động của huyện chạy quanh thị trấn và phát một bản tin ngắn bằng tiếng Mông - ngôn ngữ phổ thông quan trọng nhất sau tiếng Kinh với rất nhiều đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Giáy... trên cao nguyên đá. Có một triển lãm ảnh, một chương trình chụp và tặng ảnh, một bữa tiệc giao lưu ẩm thực dành cho bà con tại chợ Đồng Văn cũ trong hai ngày 18 và 19-2. (Chợ phiên tồn tại gần một thế kỷ này đã được di dời sang địa điểm mới từ tháng 8-2011, xem “Thương nhớ chợ phiên Đồng Văn”, Tuổi Trẻ ngày 27-11-2011).

Lâu lắm rồi chợ Đồng Văn cũ mới lại đông vui đến thế. Người đến xem triển lãm ảnh, người đến chụp ảnh, người đến ăn xôi màu, mèn mén, thắng cố, uống một vài chén rượu ngô và chuyện phiếm. Sắc màu tràn ngập phiên chợ “thương nhớ”. Rất nhiều lữ khách từng đến chợ Đồng Văn xúc động đến ngỡ ngàng. Với những người tổ chức, bao nhiêu lo lắng cho chương trình tri ân mảnh đất mến yêu đang theo dòng Nho Quế chảy đi.

Ở giữa gian nhà ngang, nơi đặt chiếc bàn nhỏ in ảnh trực tiếp tặng bà con, người đứng vòng trong vòng ngoài. Các tình nguyện viên háo hức chụp hình lưu niệm và chiếc máy in chạy hết công suất để in ra những bức ảnh “nóng hổi”. 300 niềm vui là 300 bức ảnh chụp. Người cầm bức hình rưng rưng cảm động, người vội vã khoe với bạn bè, tiếng nói tiếng cười rộn rã.

Tại khu vực treo 200 ảnh triển lãm, những tấm ảnh đã bắt đầu được đánh dấu bằng một sticker in chữ “Kính tặng” của chương trình. Điều đó cho biết bức ảnh đã tìm được chủ nhân. Đội trả ảnh cầm những bản in ảnh trên giấy đi xuống chợ mới và đi quanh khu vực chợ cũ tìm kiếm chủ nhân của những bức ảnh. Nhiều người thốt lên khi nhận ra người quen hay họ hàng. Tin tức về những bức ảnh đang được trao trả lan xa, nhanh đến mức người ở Phố Cáo, Sủng Là cũng lên, người ở Lũng Phìn, Mèo Vạc cũng lại...

Tất cả tình nguyện viên đều cuống quýt, vội vàng. Chúng tôi chạy từ giá ảnh này sang giá ảnh kia, đi từ góc chợ này sang góc chợ khác, nói cười hối hả khi đồng bào nhận ra chủ nhân của những tấm ảnh. Có những người nhận ra mình trong ảnh, có người là vợ con, anh trai, em gái, chồng, mẹ. Họ đã nhận ra chủ nhân và những tấm ảnh được gỡ ra khỏi giá treo và trao tặng.

Đã có quá nhiều những niềm vui khó tả, những câu chuyện không kết thúc. Ấy là khi chiếc giá ảnh cứ vơi dần. Có tấm ảnh được chính tác giả tặng lại cho nhân vật trong tác phẩm. Có tấm ảnh ban tổ chức thay mặt tác giả gửi tặng. Chúng tôi vui một thì đồng bào phải vui gấp đôi, gấp ba. Người chăm chú xem kỹ từng tấm hình, người xin nhận tấm ảnh chỉ vì “nhà em ở phía sau vách đá”.

Một nhóm tình nguyện cầm ảnh xuống tận chợ mới để tìm người vì đang bận bán hàng chưa lên xem triển lãm được. Vui thay, họ đã tìm được chủ nhân của những bức ảnh đó đang khâu giày, bán bánh gạo hay đang đi quanh chợ. Thật khó tin!

Câu chuyện về những bức ảnh tìm lại được chủ nhân khiến người làm chương trình cũng như bà con đều rơi vào một cảm xúc khó tả. Dư âm về món quà mừng xuân mới đầy ý nghĩa văn hóa mang đến cho đồng bào Đồng Văn khiến khắp thị trấn cao nguyên ấy đâu đâu cũng thấy bàn tán về triển lãm và chương trình giao lưu ẩm thực. Một bà cụ rưng rưng nắm tay tôi nói bà đã sống 80 tuổi, chưa có phiên chợ nào bà thấy vui như hôm nay. Cánh đàn ông bên bàn rượu hồ hởi: “Khi nào các chú lại lên?”.

Một phiên chợ đặc biệt của những ân tình mà bao lãng khách muốn gửi gắm lại cho cao nguyên đá, mong chia sẻ được với bà con những niềm vui tinh thần nho nhỏ, mong miền đất ấy sẽ ấm no và gìn giữ được bản sắc của riêng mình. Chúng tôi trở về và tự hỏi bao giờ lại có cuộc gặp gỡ của “thương nhớ Đồng Văn”?

THỦY TRẦN