Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Sắc màu Tứ Xuyên - Thu 2012


TOPIC GỐC

04-11-2012, 11:51 AM

Trong box này đã có nhiều topic chia sẻ về Tứ Xuyên quá rồi, rất chi tiết, cụ thể và đầy cảm xúc nữa.

Do vậy tôi chỉ chia sẻ hình ảnh là chính.

Lịch trình của đoàn. Lịch trình này không chuẩn bị chi tiết từ trước, không đặt phòng, thuê xe trước nên có nhiều thay đổi liên tục, tùy tình hình mà bàn bạc và quyết định.
Thành viên: 10 người, 5 nam 5 nữ.

Ngày 1. Hà Nội - Hữu Nghị - Nam Ninh - bay Thành Đô chuyến 21h30
Ngày 2. Lạc Sơn Đại Phật - Nga Mi - Kim Đỉnh
Ngày 3. Nga Mi - Thành Đô
Ngày 4. Thành Đô - Songpan - ngủ tại Songpan
Ngày 5. Songpan - Hoàng Long - Cửu Trại Câu
Ngày 6. Cửu Trại Câu
Ngày 7. Cửu Trại Câu - Văn Xuyên - Tứ Cô Nương
Ngày 8. Tứ Cô Nương
Ngày 9. Tứ Cô Nương - Thành Đô
Ngày 10. Thành Đô
Ngày 11. Thành Đô - Quảng Châu - xe đêm
Ngày 12. Hữu Nghị quan - Hà Nội.

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Có những khoảng thời gian, hoặc khoảnh khắc để lại nhiều cảm xúc nhất, mà những bức ảnh không thể nào ghi nhận.

Tôi nhớ đêm trăng trên núi Nga Mi, khi bạn đồng hành âm thầm chui đến 9 người vào một căn phòng đôi khách sạn, một mình đi lên Kim Đỉnh. Trời trong, trăng sáng, một hai vì sao sáng nhất lấp lánh trên trời. Dưới chân pho tượng Phổ Hiền, hàng trăm ngọn nến cháy tỏa ánh sáng vàng ấm áp. Những tầng mây lớp lớp đã chìm ở phía dưới xa, gió thì lạnh buốt nhưng có thế mới thấy được sự bao la của trời đất, và sự hùng vĩ của pho tượng.

Mấy đêm sau đó, chúng tôi lại vượt qua con đèo cao 4481m giữa một đêm trăng khác. Lúc này cả không gian sáng mờ lên trong đêm trăng, biển mây dần chìm xuống. Những đỉnh núi tuyết sáng lên lấp lánh. Dù bên ngoài lạnh dưới không độ, nhưng tất cả đều mở cửa sổ xe đón nhận khoảnh khắc đó. Và đêm đó tại hiên nhà nghỉ, tuyết rơi trắng nhẹ nhàng.

Cũng là tuyết rơi, tôi nhớ khi tuyết rơi mờ trời đất ở Hoàng Long, cả núi non ngập một màu bạc, để rồi chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tuyết tan, đất trời lại xanh ngắt và vàng rực. Cũng là tuyết rơi, nhưng tuyết ở Tứ Cô Nương lại rơi trong nắng. Đám mây trên đầu thả tuyết xuống không che được ánh mặt trời buổi chiều chiếu vào vàng rực núi non.

Những khoảng thời gian ấy, nếu có gặp lại, thì cũng là một cách khác rồi.

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Một vài hình ảnh đáng nhớ


Đêm trăng Kim Đỉnh


Tuyết trắng Hoàng Long


Tuyết đang tan
 

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Con đèo Hoàng Long trong nắng


Cửu Trại Câu với những màu sắc dường như không có thực, dù lá đã rụng gần hết rồi






Từ con đèo 4481m, Tứ Cô Nương ngạo nghễ cuối trời


Và trầm mặc soi dòng nước lặng lẽ



Và rồi, cuối cùng là những chú panda lười nhác, không trắng muốt như trong tranh, nhưng vẫn đáng yêu vô cùng



Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Lạc Sơn Đại Phật mọi người nói nhiều, viết nhiều, tìm trên mạng cũng đầy ắp rồi.

Từ Thành Đô đi xe bus từ bến xe Tân Nam môn, cứ 20 phút một chuyến, rồi lại chuyển xe bus khác (1 tệ/người). Có hai cách vào Đại Phật. Nếu theo cửa riêng của công viên Đại Phật thì chỉ mất vé Đại Phật thôi (50Y / người - thẻ SVQT). Nhưng xe lại chạy thẳng đến cửa Đông phương Phật đô. Nếu đi cửa này phải mua cả vé của công viên này, thêm 40Y nữa.

Do đó nếu ai chỉ định xem Đại Phật thì nhớ đòi xuống cửa trước.

Công viên Đông Phương Phật đô là mặt sau ngọn núi có Đại Phật Lạc Sơn, các bạn Tàu mới làm lại sau này. Họ đục vào núi các phiên bản của một số pho tượng Phật, hang Phật nổi tiếng. Chính giữa là tượng Phật phiên bản của hang Đôn Hoàng. Hai bên là các hang phiên bản của Mạc Cao, Long Môn..., có cả pho tượng Phật nằm tạc vào núi dài hơn 170m. Tuy là phiên bản nhưng cũng được làm khá cẩn thận, trong một không gian đẹp.

Muốn xem kĩ hết công viên Đông phương Phật đô này cũng phải mất nửa ngày, cho nên nếu không có nhiều thời gian thì đừng vào rồi lại phải vội vàng và tốn mất 40Y.


Bức khắc đá Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm


Hang đá nơi có tượng Quán Âm cũng được đục chạm tinh xảo, nằm bên cạnh tượng Phật Đại Nhật phiên bản Đôn Hoàng



Các bạn Tàu cũng coi Phật như một ông thần để cầu cúng, nên khóa đôi cũng dính lủng lẳng ngay dưới chân Phật.


Đứng trên cao nhìn xuống, cầu thang dốc đứng như Angkor



Từ dưới nhìn lên, lại lủng lẳng những khóa là khóa


Hai bên trải rộng là các hang Phật khác, và đây chỉ là một khu vực trong toàn bộ tổng thể rất rộng của Đông phương Phật đô (Dafu Fado)



Đại Phật

Tất nhiên đã đến Lạc Sơn thì không thể không thăm Đại Phật. Pho tượng khổng lồ tạc vị Phật tương lai Di Lặc từ thế kỉ 8 (Maytreia).

Trước khi bị hình tượng ông Bố đại hòa thượng béo tròn cười hềnh hệch lấn át vào thế kỉ thứ 10, thì hình tượng Phật Di Lặc vẫn mang chuẩn mực các pho tượng Phật với các tướng tốt: tóc xoắn ốc trên đầu, mắt nhắm hờ, cười an lạc.

Điều khác của Phật Di Lặc so với các pho tượng khác là ở thế ngồi. Trong khi các tượng Phật Thích Ca, phật Quá khứ ngồi xếp bằng thì Phật Di Lặc thường ngồi kiểu trên một cái bục, cái ghế thẳng chân xuống. Lý do là vì các vị Phật trong quá khứ đã tĩnh tại vào Niết Bàn rồi, thì Phật Di Lặc vẫn chưa xuất hiện. Hiện tại Di Lặc vẫn đang ở tại cõi trời, vẫn đang "chờ đợi" thời điểm để xuất hiện. Vì thế Di Lặc ngồi trong tư thế sẵn-sàng-đứng-dậy.

Đến ngang chỗ cầu thang xuống thăm tượng, thì chúng tôi hoảng hồn vì biển người như nêm cối đứng đó từ bao giờ. Quay vào ngôi chùa Lăng Vân cạnh đó thăm xong, quay ra tôi nhận thấy ở đầu cầu thang chỉ có thêm được vài người di chuyển. Thế là thôi, đành bằng lòng với việc ngắm ngang mặt pho tượng vậy.


Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Xe bus con đưa 10 người đến thị trấn ở chân Nga Mi. Tại đây một chú lái xe còn trẻ nhào ra thuyết phục chúng tôi đi xe chú í cho nhanh thì mới kịp. Sau một hồi tham khảo và thảo luận, chúng tôi đồng í. Xe lao như điên trên đường, không vào ngả cổng chính mà lao lên núi luôn, gã lái xe thì vừa lái vừa cãi nhau trên điện thoại. Trời xung quanh mù mịt sương khói, khung cảnh rất đẹp nhưng mờ mịt quá.

Đường leo dốc lên cao dần, xe cùng chiều đi lên thì ít mà đi xuống thì nhiều. Mãi sau mới có điểm chặn và mua vé. Thẻ sinh viên quốc tế tiếp tục phát huy tác dụng, nhưng vé vẫn còn đắt quá, 85Y/người.

Đến chỗ dừng xe, gã lái xe giục phải đi nhanh, mà bên ngoài thì trời mưa khiến chúng tôi khá ngao ngán. Đã nghe nhiều lời cảnh báo trước là nếu trên đỉnh Nga Mi có mây thì chẳng khác gì đứng ở cạnh Hồ Tây ngày trời rét và có sương cả, chả nhìn thấy gì đâu, giá cả lại đắt nữa.

Dọc đường lên cáp treo có lũ khỉ rất láo, chỉ chực xông ra cướp hoa quả của khách. Với tôi thì lũ này chưa phải đối thủ. Tay tôi xách túi táo nên chúng lao đến, thế là tôi giơ cao túi táo lên, cũng giơ một chân lên chực đạp vào bọn nhăn nhở này. Thế là bọn chúng lập tức lùi vừa đủ xa để tôi không thể đạp được, vừa đủ gần để sẵn sàng lao đến, nhe răng ra và mắt long sòng sọc. Đã thế thì tôi bước luôn bước nữa và giậm chân. Bọn phải gió khèng khẹc rồi quay ra nhào vào người khác. Anh bạn đi cùng không cương quyết bị chúng bám luôn vào người. Vãi.

06-11-2012, 08:04 AM

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Cáp treo lên Kim Đỉnh không phải loại cabin thông thường vài người ngồi để mà chụp ảnh, mà là loại cáp cabin cực lớn 100 người đứng chen chúc. Nhưng lúc đó cũng hơi muộn nên không đông người. Xung quanh lại mờ mịt trắng xóa chả nhìn thấy gì. Những người đứng trong cáp nhìn mặt cũng thấy chẳng hứng khởi gì, vì trời mù quá.

Cáp chuẩn bị dừng, chạy chậm lại, mây vẫn mù mịt xung quanh. Đột nhiên, đúng vào những giây cuối, một tia nắng rọi thẳng vào cabin, khi biển mây mù vừa trôi xuống dưới thân cáp. Tất cả òa lên sung sướng. Mặt trời hiện ra rực rỡ ngay trên một biển mây mù. Tất cả rõ ràng trong nắng: cây cối, núi non, nhà cửa.

Hớn hở chạy ra khỏi cáp treo, đi về phía Kim Đỉnh.

Và từ trên những ngọn cây xanh, pho tượng Phổ Hiền bồ tát lấp lóa.


Và rồi rực rỡ hiện ra bên trên dãy cầu thang có hai hàng voi đứng chầu. Sung sướng làm trò để chụp ảnh



 Kim Đỉnh

Cũng phải khâm phục các bạn Tàu ở khả năng Tàu hóa những thứ lấy từ người khác. Các vị Phật, các vị Bồ tát có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng đã được Tàu hóa triệt để, khiến cho trú xứ của các vị từ một nơi xa xôi nay về ngự tại xứ Tàu. Bốn Đại bồ tát (trong số khá nhiều Đại bồ tát) của kinh điển Đại thừa được xây nhà và mời về ở trên bốn ngọn núi: Phổ Hiền tại Nga Mi, Văn Thù tại Ngũ Đài, Địa Tạng tại Cửu Hoa, Quán Âm tại Phổ Đà; trong đó núi Nga Mi là cao và hùng vĩ nhất.

Pho tượng Thập phương Phổ Hiền mô tả Đại bồ tát nhìn ra tất cả các hướng, với 10 đầu chia thành ba tầng. Đây là bồ tát của Đại hạnh, của hành động trong tu hành, vì thế Phổ Hiền tay cầm cây "như ý", cưỡi voi 6 ngà tượng trưng cho việc húc đổ 6 trở ngại lớn, 6 loại giặc đến từ 6 giác quan.
(Còn Văn Thù là bồ tát của Đại trí thì cầm gươm chặt đứt vô minh, cưỡi sư tử mà tiếng rống của nó có thể thông suốt trí tuệ ngươi tu hành).
Tượng bằng đồng, đúc năm 2006, cao 48m, nặng 350 tấn.

Cái cây "như ý" trong tay Bồ tát vốn xưa là cái gãi lưng của nhà quyền quý, sau rồi được chuyển thể thành thứ đồ chơi, thứ pháp khí, thể hiện sự đạt được nguyện vọng.



Hoàng hôn tắt rất nhanh. Chẳng mấy chốc mà Mặt trời đã dần lặn trên biển mây mênh mông mờ mịt phía xa. Tất cả lại chìm vào ánh sáng mờ mờ chứ không rực rỡ nữa.

Chúng tôi xuống khu nhà nghỉ, chuẩn bị chìa cổ cho chém.

Trường đoàn nhanh nhẹn vào một khách sạn trông cũng rất ấm cúng và sang trọng, thấy còn 2 phòng đôi, một phòng 680Y, một phòng 960Y. Thằng Tàu bên cạnh khuyên là "mày nói mấy người thì chúng nó biết thế, còn sau đó vào phòng bao nhiêu người là tùy mày". Thế là lấy 1 phòng 680Y.

Mười đứa chui vào. Trong phòng khá hẹp có 2 giường, với đệm rất dày. Đẩy 2 giường về một bên, hạ 2 cái đệm xuống kê vừa khít chỗ còn lại, tạo thành một cái giường lớn loại 2m x 3,2m, đủ chỗ cho 10 người nằm theo kiểu 5 nam quay về một đầu, 5 nữ quay về đầu kia, chân đan vào nhau. Phòng này còn có lò sưởi nữa. Lại một quá trình chia nhau đi chiếm lĩnh các nhà wc tại các sảnh, tiếp tân...

 Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Trong lúc mọi người còn đang lục đục trong căn phòng hẹp, tôi một mình đi lên Kim Đỉnh, tìm những ánh sáng cuối ngày.

Trên Kim Đỉnh rất lạnh, không còn khách du lịch. Trời quang đãng. Một người đang đi thắp các ngọn đèn dưới chân tượng. Ánh sáng lung linh dần đầy lên. Tôi đứng đó, chờ những ngọn đèn được thắp xong. Thanh thản vô cùng.


Và rồi, trong cái im lặng của đất trời, trăng hiện lên.



Mặt trời vẫn còn luyến tiếc ở cuối phía Tây 


Phía bên trái là Vạn Phật đỉnh.


Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Quote Originally Posted by noguy9 Xem bài
Ở Đông phương Phật đô, ngoài những điêu khắc bạn miêu tả, mình còn thấy một điểm thú vị nữa, là hình hài một vị Phật nằm ngang ngọn núi với kích thước lớn lắm. Tương truyền sau một vụ động đất, có một phần núi bị sụt xuống, vừa vặn hiện ra phần đầu, một ít phần thân và phần chân của Phật, còn phần ngang ngực vẫn còn nguyên, đứng phía dưới cầu trông lên đúng là giống một vị Phật nằm mà không cần tưởng tượng gì lắm. Nghe lỏm một hướng dẫn viên nói rằng, đây là vị Phật duy nhất mặc áo cà sa xanh, do phía cây cối ở phần ngực vẫn còn nguyên. Bạn mình bảo, chắc lại bịa ra thôi, nhân tạo hết, nhưng khi không thể kiểm chứng được, cớ gì mà cứ đi nghi ngờ cho nó mệt người.
Cái mà bạn nghe nói nó đây, pho tượng Phật nằm được quảng cáo là dài nhất trên thế giới, dài hơn 170m. Bạn chịu khó nhìn kĩ tí, vì lúc này trời hơi mù, chụp ảnh không rõ được. Có đường leo lên tận nơi, nhưng ít thời gian nên tôi không lên. Nhìn là biết ngay tự nhiên hay là nhân tạo.




@Chuotlang: vẫn bị co lại 900px đấy chứ bạn

@Danngoc: tôi không vào bảo tàng nào cả, dù có ngày cuối ở Thành Đô có một buổi chiều rỗi, nhưng lười


Chuyện rủi ro thứ nhất

Nói chuyện may mắn ngắm hoàng hôn và đêm trăng rực rỡ ở Kim Đỉnh, thì cũng phải nói chuyện những điều không may mắn của đoàn. Nói chung có vài chuyện, đến đâu kể đến đó. Chuyện không may mắn thì chủ yếu là do con người chứ không phải thiên nhiên.

Chuyện đầu tiên thử thách thần kinh của đoàn là chuyện mất hộ chiếu.

Đoàn đi xe khách Sơn Đức liên chuyến từ 206 Trần Quang Khải - Hà Nội đi Nam Ninh. Qua cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 20km thì như lệ thường có chốt biên phòng kiểm tra hộ chiếu. Cả đoàn xuất trình thì thành viên ít tuổi nhất - 1993, cũng là lần đầu xuất ngoại không tìm thấy đâu cả. Bảo nhà xe xuống mở cốp để lôi cả balô ra tìm cũng không thấy. Biên phòng nó cũng cứ cho đi, xe chạy rồi, tất cả xúm vào lục tung người cậu ta lên : KHÔNG CÓ.

Đó là lúc cả đoàn căng thẳng nhất. Tình huống này quá bất ngờ và đáng ngại. Làm sao bây giờ. Nếu mất rồi thì cậu ta không thể đi tiếp, không thể lên máy bay. Ai sẽ ở lại cùng để giải quyết, giải quyết thế nào, bao giờ xong...Nhớ lại thì nếu quên chỉ có thể là đoạn từ cửa khẩu cho đến lên xe bus. Vì đi xe liên chuyến của Sơn Đức nên nhờ lái xe hỏi lại người ở cửa khẩu tìm hộ. Cả đoàn căng thẳng chờ đợi.

Cuối cùng tin vui òa đến: Đã tìm thấy hộ chiếu của cậu ta trên chiếc xe điện ở cửa khẩu. Xe điện này chở từ trạm Hải quan TQ ra bến xe. Sẽ có một chuyến xe sau mang hộ chiếu của cậu ta đến một trạm trung chuyển. Lái xe bus đề nghị là xe sẽ chở đoàn thẳng ra sân bay, lái xe quay lại trạm trung chuyển để lấy hộ chiếu, rồi đem ra sân bay cho đoàn, với chi phí là 300Y. Lúc đó vui quá, 300 chứ 3000 thì có khi cũng chịu.

Nói thêm là thay vì phải xuống xe bus từ đường cao tốc rồi đi bus nhỏ vào sân bay với giá 15Y/người thì xe Sơn Đức chở thẳng đoàn đến sảnh sân bay, với giá chung là 100Y cho 10 người.

Ai cũng cất được gánh nặng mang nãy giờ trên người, vì không ai dám nói ra giải pháp nào nếu mất hộ chiếu thật.

Nhật xuất

Người ta nói ở Kim Đỉnh có bốn kì quan: Nhật xuất, Vân hải, Phật quang, Thánh đăng. Ngắm mặt trời mọc từ Kim Đỉnh thì tuyệt hảo. Mùa này 6h30 Mặt trời mọc.

Tin tưởng vào đêm trăng đẹp hôm trước, 6h tôi đã mò ra khỏi phòng, 6h10 cầm đèn pin phăm phăm mò lên Kim Đỉnh. Té ra vẫn muộn, trời tối đen và mù mịt sương mà đã có chừng hơn chục cây tripod cắm chốt ở đó, cùng với tầm chục người khác lảng vảng chờ đợi. Có hai chú Tây cuốn túi ngủ ngồi ngay ở đó, xem chừng chờ đã lâu lắm, mà có khi phục cả đêm cũng nên !

6h20 thì ôi giời, người kéo lên lắm thế. Phải chen ngay lấy một chỗ, không thì toi. Chỗ ngay cạnh hai chú Tây kia. Mấy chục cái máy ảnh chĩa về phía Đông, vào cái đám mù mù mờ mờ chả ra hình thù gì, là màn sương đặc quánh. 6h30, rồi 7h, mà vẫn chả thấy mặt giời đâu, chỉ thây hơi hưng hửng lên một tí.

Một thoáng hơi sáng lên, chú Tây bên cạnh vội cầm cái thứ bên cạnh chân lên, chạm vào đỉnh đầu rồi giơ lên, hạ xuống, lầm rầm. Tôi bấy giờ mới để ý thấy đó là một cái gậy, vốn là một cành cây thẳng, trên đầu buộc vải, ở giữa có khắc cái gì đó loẳng ngoẳng. Té ra là một nghi lễ tôn giáo (sau anh này cũng nói là thế với tôi). Nhưng rốt cuộc cũng chả thấy mặt giời đâu cả.

Chờ chán rồi, cái đám người đó tản ra, nhưng vẫn đăm đắm ngắm về Đông.

Mãi đến hơn 8h, thì mới thấy thế này (nhìn cái đám mây dày bên dưới là biết làm gì có bình minh nữa)



Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Tôi thì không ngoảnh về Đông nữa, mà quay sang Tây, thì lại vớ được tí chút thế này


Nhưng nói chung là mờ mờ thế này



Xuống núi thôi, có mà chờ đến chiều may ra mới tan mây. Thời tiết lạnh phết, cóng hết cả tay.

Chuyện thuê xe

Xuống núi rồi, thực ra lúc này đoàn vẫn còn lung tung trong lịch trình lắm. Tôi mới đề nghị là tìm cách thuê xe trọn gói nhanh, rồi nếu được thì chạy đêm nay đi Hoàng Long luôn, sáng mai đến Hoàng Long, tuy vất vả nhưng tiết kiệm được 1 ngày.

Trưởng đoàn đồng ý, xuống núi thì làm giá được với một anh chàng, là xe loại 15 chỗ sẵn sàng chạy luôn trong ngày, 1300Y/ngày trả thêm tiền ăn, không trả ngủ. Đồng ý thế nhưng xe chưa đến, mà bảo là về Thành Đô rồi xe đón.

Thế là lại lên bus về Thành Đô, đến trạm nghỉ giữa đường thì thấy xe kia mò ra, một con Toyota đời thôi rồi 13 chỗ. Cãi nhau loạn cả lên. Trong lúc đó thì bus đã chạy về Thành Đô mất rồi, bỏ cả đoàn lại giữa đường. Hỏi ra thì không thể có xe khách nào chở đoàn về Thành Đô nữa, vì đây chỉ là trạm trung chuyển chứ không phải bến xe.

Sau một hồi cãi nhau rồi cũng phải lên con xe đó về Thành Đô, nhưng nhất quyết không muốn thuê con đó trọn gói. Lại phải mất một khoản cho chi phí đi đó.

Checkin vào Traffic hotel, kế hoạch di chuyển đến Hoàng Long trong đêm phá sản. Ra bến xe khách thì biết là trong mấy ngày tới không còn vé đi Hoàng Long hay Cửu Trại Câu nữa. Tất cả thành viên huy động mọi mối quen biết, nguồn thông tin để tìm xe. Rốt cục có tin bảo sáng mai có xe, 1200Y/ngày nhưng mà không biết trước chất lượng xe thế nào đâu nhé, có là phải đi thôi.

Tèn tén ten, 11h sáng hôm sau xe đến cửa khách sạn. Hóa ra chính mấy con xe chợ mà hôm trước nữa đã thấy ở bến. Còn tệ hơn con xe vừa từ chối hôm qua. Không còn thời gian suy nghĩ nữa, kiểu gì cũng phải đi.

Vì sẽ quay lại Traffic vào ngày cuối, nên một nửa đồ gửi lại đó, cũng may vì thế mà không bị chật chỗ. Xe pành pạch lên đường. Gã lái xe sinh năm 1986 mà đầu đã sắp hói đi rồi, giọng thì è è lè nhè, mắt rõ gian.

Đến chiều là biết cái gian của hắn.


Chuyện quán ăn - phần một

Chuyện dưới đây mới thực sự là kinh dị nhất của chuyến đi này, kỉ niệm kinh điển về các bạn Tàu.

CHUYỆN QUÁN ĂN - PHẦN MỘT

Số là chuyến xe khởi hành ở Thành Đô vào lúc vừa qua 12h, cả đoàn chưa ăn gì, nên giục gã tài kiếm chỗ ăn. Gã bảo cứ yên tâm, rồi sẽ có chỗ ăn. Xe chạy qua huyện Văn Xuyên - cái huyện bị tàn phá bởi động đất ấy, nay đang tái thiết - cũng muộn rồi mà gã chưa dừng.

Rồi khoảng 3h chiều thì đến một khu bên trái đường có cả loạt dãy hàng ăn, nhà nào cũng có hình con cá và con gà to tướng dán ở cửa, gã tấp vào. Nói chung là mọi người hớn hở vào bếp, lấy cá, lấy rau, rồi còn tự mình làm. Đám con trai thì lượn xung quanh. Cái khu vực quán ấy đây, cái xe 12 chỗ kia là xe bọn tớ


Sau một hồi nấu nướng, đầu bếp bưng lên một cái máng tròn to đùng cá nấu. Bọn tớ chưa bao giờ thấy cái máng nào to thế. Tí nữa, lại thêm một máng nữa. Rồi lại một máng nữa. Lúc này choáng thật sự, thi nhau chụp, lại còn giơ tay để so sánh độ to của chúng. Rồi đồ nối tiếp đồ, nhiều lắm í. Nhưng mà bọn tớ không thể ăn hết nổi ba cái máng, cố lắm cũng hết hơn 1/2 thôi. Các thứ rau thì xong rồi. Gã lái xe ngồi riêng, gã bảo gã ăn cay lắm nên ăn riêng, gã cũng có một máng cá !

Xong, lúc tính tiền, trưởng đoàn hét lên một tiếng kinh hoàng. Cái gì, cái gì ??? 1500 (một nghìn năm trăm) tệ !!!

Lúc này tớ mới biết là không hề hỏi giá trước. Một trận kịch chiến nổ ra, bọn nhà hàng mới đem cái tờ bảng giá dấu dưới đít quầy ra dí vào mặt: này nhá 88Y một cân cá nhá, con cá chúng mày 12 cân nhá (cân tàu, tức 6kg), thành ra hơn một nghìn rồi nhá, cái này chừng này nhá, cái kia chừng kia nhá. Điên cả đầu mất thôi - đấy là tôi nghĩ, chứ tôi có nghe được đâu

Trưởng đoàn tức tốc điều mấy người khác sang nhà bên cạnh hỏi giá. Sau một hồi đi về bảo bên cạnh cũng đòi 68Y/cân, có thể giảm nữa nhưng không nhiều.

Một hồi kịch chiến của trưởng đoàn - người duy nhất có khả năng nghe hiểu cái thứ tiếng địa phương ấy, người có khả năng chinh chiến trên mấy mặt trận mua bán các loại - thì gã lái xe thỏ thẻ chen vào khuyên nhủ là mỗi người nhường đi một tí nhé, mỗi bên dịu xuống một tẹo nào...

Kết thúc, chúng tôi bị chúng cắt tiết 1100Y cho bữa ăn còn thừa đầy, với một bầu máu sục sôi.

Kết luận ngay lập tức: thằng lái xe tay trong cực gian giảo. Không biết vụ này nó ăn được của mình bao nhiêu.

15 phút sau, xe lại dừng cho cả đoàn lại sà vào một hàng hoa quả, với bà cụ bán hàng phúc hậu đáng quý biết bao !
Last edited by Chitto; 08-11-2012 at 01:34 AM.


CHUYỆN QUÁN ĂN - PHẦN HAI

Nếu như câu chuyện bị chém cổ cắt tiết ở trên chỉ có thế, có lẽ mức độ kinh hãi của chúng tôi cũng chưa cao độ đến thế.

Số là sau Hoàng Long, Cửu Trại Câu, bốn ngày sau, chuyến xe lại quay lại đường này. Và gã lái xe lại dừng xe đúng cái quán cũ. Khác với lúc đi là 3h nên chỉ có xe chúng tôi, lần này giữa trưa nên cả khu vực đó rất nhiều xe to nhỏ dừng lại. Hóa ra đây là tụ điểm của đao phủ, chúng nó chém không biết bao nhiêu khách rồi. Mụ chủ quán hớn hở nhào ra.

KHÔNG, NHẤT QUYẾT KHÔNG. Chúng tao đã bị chúng mày cắt tiết một lần. Không thể điên để cho chúng mày Thắt ống tiếp được. 

Thế là trong khi gã lái xe vẫn vào ăn, thì cả bọn nhất quyết không ăn uống, ra xe, và đòi bỏ đi chỗ khác ăn. Trong lúc đó, một trận kịch chiến giữa một đoàn khách khác nổ ra trong quán. Lại một lũ gà bị mụ chủ tóm được đang giãy giụa hòng thoát thân. Gã lái xe ăn xong thì chúng tôi đòi lên xe đi. Chủ quán (lần này là một gã, không phải mụ hôm trước) ra tận xe mời mọc, nói chuyện với trưởng đoàn.

Gã nói thế nào ấy. Trưởng đoàn lại hét lên: Cái gì ???
Quay lại nói với đoàn: Lão bảo mỗi người 15 (mười lăm) tệ, đủ 6 món !

Cả lũ trố mắt nhìn nhau. Nó cho mình ăn đồ của lợn à? Hay nó lừa mình ăn mười lăm tệ rồi tiền ngồi một trăm tệ? Hay nó.... nói chung là đủ thứ nghĩ ra. Gã chủ thì nói rất là thiết tha.

Kể ra cũng hay, nhưng chúng tao sẽ xông vào bếp, giám sát từng li từng tí chúng mày. Thế là các cô trong đoàn trấn giữ bốn phía quanh bếp, liên tục thông báo ra ngoài: Nó lấy con cá tươi nguyên, bằng nửa con hôm trước; nó lấy rau mới; nó lấy cơm mới...

Lúc bưng lên, chúng tôi có đủ 6 món như hôm trước. Chỉ là thay vì 3 máng cá thừa thãi thì có 1 máng thôi, nhưng thế là cũng ăn ngon lành thoải mái rồi. Ba món rau, hai món canh.

Ăn xong đứng dậy, trả đủ 150 tệ cho bữa ăn, mà mấy ngày trước chúng tôi bị thét 1500 tệ.

Tại cùng một chỗ, hôm trước là bữa ăn đắt nhất thời đại, hôm nay là bữa ăn rẻ nhất chuyến đi.

Kinh hoàng chưa các con giời ?


Chuyện quán ăn - phần một

Quote Originally Posted by zhou Xem bài
Ôi tưởng thế nào , đoàn bạn Chitto cũng bị chém ngay đúng chỗ đoàn tớ bị chém, Tuy nhiên do chúng tớ có xem menu trước và biết là cá ở đây rất đắt nên không ăn mà ăn gà ..., gần 500 tệ cho một con siêu gà
Thì ra không phải chỉ đoàn mình bị chém ! Như vậy nơi đó là trung tâm chém du khách. Lúc về bọn tớ cũng có hỏi gà, thấy dã man tính ra 480tệ / con nên mới nhất quyết không ăn.

Đó là trung tâm chém du khách, kể cả menu cũng là chém rồi. Sự thực thì như bọn tớ lúc về ăn, thì lại là rất rẻ, mà vẫn có nguyên con cá tươi làm món. Thế là sau khi mình trải qua xương máu, lại quay lại đúng đó và biết ghê gớm thì mới được hưởng đúng giá trị. Âu cũng là bài học.

Có lẽ các đoàn sau đi Cửu Trại Câu phải lưu ý điều này, để khi đến nơi đó làm găng lên, sẽ được ăn đúng giá.


Songpan

Sau buổi chiều với bữa ăn cắt cổ, đoàn đến Songpan khoảng 8h tối. Gã lái xe đánh xe đến một chỗ gần như ra khỏi thị trấn để có nhà nghỉ, nhưng đoàn cảnh giác với gã, đòi quay lại sát thành cổ. Cuối cùng thì vào nhà nghỉ ở ngay cạnh cổng thành.

Thị trấn Tùng Phan là trị sở đất Tùng Châu có từ đời Đường, đã là một thị trấn trên con đường từ Trường An đi về phía Thổ Phồn (Tây Tạng). Khi Songtsen Gampo (Tùng Tán Can Bố) thâu tóm quyền lực ở Tây Tạng, có hỏi cưới công chúa nhà Đường Khi bị từ chối, quân của vị vua hùng mạnh này đã tiến đánh đến tận đây. Cuối cùng thì Đường Thái Tông cũng gả công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Can Bố, thực hiện một cuộc giao hảo lâu dài.

Vì vậy, ngay bên ngoài cổng thành Tùng Phan có pho tượng đá lớn tạc hình Công chúa Văn Thành đứng bên cạnh Tùng Tán Can Bố. Các bạn Tàu có ý nhấn mạnh giao hảo Tàu - Tạng đã có từ xưa, dù công chúa Văn Thành và Tùng Tán Can Bố cũng chẳng đi qua thị trấn này.


Cổng thành Tùng Phan với hai chữ Tùng Châu. Thành đá này được dựng vào đời Minh



 Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Buổi tối thành Songpan khá lạnh, chỉ có vài hàng nướng còn mở cửa muộn. Định kiếm đồ gì ăn cho ngày mai, mà cuối cùng lại cũng chỉ có bánh ngọt, ít hoa quả thôi.

Sáng hôm sau, 7h đã khua dậy, chui vào xe nhằm hướng Hoàng Long. Đi một lúc thì trời sáng, và hai bên đường thấy mờ trắng. Đó là tuyết đã phủ từ đêm. Một số người chưa được thưởng tuyết bao giờ rất là háo hức.

Xe leo dần lên, con đèo này hình như cũng gần 4000m, càng lên thì tuyết càng rơi nhiều, phủ trắng khắp nơi, và thu ngắn tầm nhìn núi non. Đến nơi cao nhất của con đèo thì thế này:


Con xe cà tàng và hướng đi về Hoàng Long


Tại đây đoàn lại xuống chụp choẹt tá lả, để rồi bị các bạn Tạng đắp người tuyết thu tiền, 10 tệ / người. Có 9 người phải nộp, chỉ trừ mỗi tớ.


Đến cổng Hoàng Long còn khá sớm, chưa có mấy xe du khách. Khắp nơi trắng một màu tuyết phủ, núi non mờ tịt trong sắc trắng.




Lúc này một số người có vẻ dễ bị lạnh, khi đi giày không đủ ấm. Tại nhà tôi đã cảnh báo phải đi giày ấm chống nước nhưng mấy thành viên nữ không nghe, toàn giày không chống nước. Thậm chí có người đi giày bệt mỏng mảnh kiểu trong nhà. Thực sự tôi rất ngán, vừa lo vừa buồn bực. Tôi còn bảo hay là thôi không vào nữa, chứ đi giày kiểu này rồi ốm lăn ra lại hỏng toàn bộ cả chuyến đi của mọi người.

Nói thế nhưng rồi cũng phải vào. Đi cáp treo lên trên núi rồi đi bộ xuống. Dự trù cho hành trình là 6 tiếng đồng hồ.


Chuyện quán ăn - phần một

Quote Originally Posted by greenline Xem bài
Mình cho rằng đi đường trường dài ngày liên tục, nhất là đường vùng cao đèo núi thì không nên chơi kiểu chạy đêm thế này.
Đúng thế, thực ra lúc đó cũng không rõ đường lên Hoàng Long lại đèo cao đến vậy.
Nguyên là lúc ở Nga Mi, khi hỏi xe chạy ngay từ trưa đi Hoàng Long, và đặt vấn đề là chạy xuyên đêm vào Hoàng Long, thì tay lái xe lại gật đầu cái rụp rất chi là chắc chắn, nên mới nghĩ là đường chắc cũng ngon. Đến khi không đi xe đó, đổi sang xe này thì ai cũng nói rằng không thể có chuyện đi vào Hoàng Long ban đêm được.

Cho nên mới nghĩ người lái xe nhận ở Nga Mi có khi chưa đi Hoàng Long bao giờ, mà nếu đi với xe chưa biết đường đó thì có khi còn toi hơn. Hoặc là người đó cứ nhận cho lũ hăng máu này khoái cái đã, rồi sau giữa đường mới thay đổi chăng?

Mua vé vào các khu du lịch thì chả thấy có vấn đề gì. Chỉ có mua vé xe khách đi đến Cửu Trại Câu và Hoàng Long thì mới nan giải trong mùa cao điểm.

 Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Nói chung là chui vào khu du lịch rồi thì chả có chuyện gì để kể cả. Chỉ là ảnh thôi. Cứ đi, ngắm, và chụp ảnh chỗ nào thích.

Có nhiều chỗ thích lắm, nhưng không chụp. Có lúc vì không muốn chụp, chỉ muốn tự do ngắm nhìn và cảm nhận.
Có chỗ thì thú thực là không chụp được. Tớ dùng máy PnS nên chả thể nào có những ảnh mê ly như các bạn DSRL.

Này thì trưởng đoàn tiếng Tàu đủ để cãi nhau phủ đầu được 90% dân Tàu


Và đây là người đi đôi giày bệt mà tớ thấy phát sốt




Hoàng Long trong tuyết

Rồi giữa đất trời trắng bạc, thấy con Rồng Vàng cuộn mình


Rộng hơn một tí


Toàn bộ khung cảnh


Lợi thế của áo đỏ



Re: Sắc trắng Hoàng Long

Quote Originally Posted by Chitto Xem bài
Lúc này một số người có vẻ dễ bị lạnh, khi đi giày không đủ ấm. Tại nhà tôi đã cảnh báo phải đi giày ấm chống nước nhưng mấy thành viên nữ không nghe, toàn giày không chống nước. Thậm chí có người đi giày bệt mỏng mảnh kiểu trong nhà. Thực sự tôi rất ngán, vừa lo vừa buồn bực. Tôi còn bảo hay là thôi không vào nữa, chứ đi giày kiểu này rồi ốm lăn ra lại hỏng toàn bộ cả chuyến đi của mọi người.

Nói thế nhưng rồi cũng phải vào. Đi cáp treo lên trên núi rồi đi bộ xuống. Dự trù cho hành trình là 6 tiếng đồng hồ.
Lại nhắc chuyện đôi giày... Uh thì cũng là một cái "nhọt" trong chuyến đi, có lẽ mình cũng nằm trong số đó chăng?

Vốn đã chủ tâm đi tìm một đôi giày chống nước, đã tìm đến vài người để hỏi thăm làm thế nào để chọn một đôi giày chống nước, chống trượt... có cả những người phượt lão luyện, nhưng chả ai để tâm đến câu hỏi ngớ ngẩn như thế... Không có được sự tư vấn. Không tìm được loại chuyên dụng như thế. Thời gian càng ngày càng sát, bận túi bụi, cuối cùng là đành vác luôn đôi bốt cao cổ có sẵn ở nhà mang đi. Vì sợ dọc đường boot đểu sẽ bị bong keo, nên trong balo luôn nhét thêm đôi giày bệt. Thú thật cái chân mình hay bị cóng, có đi giày kiểu nào, tất cỡ nào thì vẫn bị cóng chân, nhét luôn 2 miếng giữ nhiệt vào lòng bàn chân mà vẫn tê buốt, mất sạch cảm giác. 

Lúc ngồi trước cổng Hoàng Long, mình tuột đôi boot, gián lại miếng giữ nhiệt (chuyển từ lòng bàn chân lên đầu ngón chân), bọc thêm một lớp nilong để chống thấm nước... Lúc này bắt gặp ánh mắt nhìn mình một cách "chán nản". Mình im như thóc. Hê hê

May mắn cả đoàn chẳng ai bị sao.

Kinh nghiệm cho những bạn nào lỡ chuẩn bị kịp giày không chống nước là hãy bọc một lớp túi nilong vào chân trước khi đi giày, đảm bảo nước không thể thấm vào tất, vào chân..mà còn ấm ra phết.


Những cành cây phủ tuyết





Đôi lúc lại gặp dòng suối


@Chuotlang: tớ dùng máy PnS, một cục pin đủ dùng cho một ngày. Vốn chỉ có 2 cục để dự phòng, nếu hết pin thì thay. Có hai ngày ở Hoàng Long và Cửu Trại Câu phải thay pin thôi.


Những mái nhà hiện ra trong tuyết rất đẹp





Toàn cảnh




Hồ Ngũ Sắc

Nơi cao nhất cho khách tham quan ở Hoàng Long là hồ Ngũ Sắc. Ba phía là núi cao vây bọc, dòng nước từ sườn núi chảy xuống tạo thành những bậc thang đá vôi với màu vàng, màu xanh lạ lùng. 

Nếu đi sớm hơn, những bụi cây quanh hồ có màu đỏ, cam, thì mới đúng nghĩa là Ngũ sắc. Giờ thì chỉ còn bốn màu thôi: trắng, xanh, vàng, đen





Núi non hùng tráng


Một làn mây mỏng như tấm khăn vắt ngang lưng núi. Nơi đây cũng cao hơn mặt nước biển hơn 3000 mét thì phải.

Rời hồ Ngũ sắc đi xuống thì tuyết đã bắt đầu tan, những sắc màu hiện ra rõ ràng hơn







Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012







Và rồi trời xanh ngắt





greenline's Avatargreenline 





Re: Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Không biết đoàn của Chitto đi Hoàng Long thế nào, riêng mình thấy có mấy cái cần chú ý cho các bạn đi sau tham khảo:

1. Vé: Dùng được thẻ SV quốc tế, chỉ cần 1 bạn trẻ đại diện cả nhóm vào mua là ok. Chú ý rằng bạn phải dưới 24 tuổi chứ không thì dù có thẻ xịn cũng không được giảm giá.  Khác với CTC, ở Hoàng Long khi bọn mình qua cửa kiểm soát (đường cáp treo) còn bị xuất trình kèm thẻ SV để kiểm tra. Mình thì khá nhừ so với các cháu SVQT 24 tuổi nên kéo luôn mũ chụp lên đầu che cho đỡ xấu hổ. Kết quả là qua cửa ngon lành. 

2. Xếp hàng thì các bạn có trò đến nơi cứ xếp hàng vào cổng (cáp treo) ngay, còn 1 bạn thì đi mua vé. Như vậy thì tranh thủ được thời gian nhưng khi bạn đi mua vé nhảy rào chen ngang vào nhóm dễ gặp những đôi mắt hình viên đạn của những người xếp hàng xung quanh. 

3. Có nhóm khác (có vẻ là người Nhật) đi bên cạnh đoàn mình từ già đến trẻ đều cầm bình oxy, mình nhìn thấy cũng choáng. Tuy nhiên theo mình thì không cần bình oxy cầm theo vì Hoàng Long không cao lắm, hơn nữa trên đỉnh đi xuống 1 chặng lại thấy trạm oxy miễn phí. Tất nhiên nếu bạn bị sốc độ cao (triệu chứng là nhức đầu, nôn, ...) và/ hoặc trong đoàn có người già hoặc bị bệnh tim mạch, ... thì bình oxy này cực kỳ cần thiết.

4. Trang bị bắt buộc khi lên Hoàng Long là quần, áo khoác (có mũ) chống gió, chống nước (tuyết), giầy chống trơn, chống nước, miếng dán giữ nhiệt, ... Mình đi giày outdoor mà cũng suýt nữa ngã trên cái sàn gỗ đóng băng tuyết vì nó quá trơn. Ngoài ra nếu bạn đi giày outdoor cao cổ thì thoải mái đạp trên tuyết mà chơi nghịch chạy nhảy. Đợt mình đi có những chỗ tuyết dày trên 10cm, đạp vào không cẩn thận sẽ bị tuyết chui vào giầy, cóng chân khỏi nói.

5. Thuê xe riêng đi Hoàng Long thì cố gắng nên thuê xe tốt, kiểm tra xem lốp có mòn không. Bởi vì dọc đường lên Hoàng Long có những đoạn đường đóng băng hoặc tuyết rơi lúc chạy qua rất trơn trượt. 

6. Cố gắng sắp xếp thời gian đi sớm để có thời gian chơi thoải mái chứ đừng như đoàn mình 9h15 mới xuất phát từ CTC, dẫn tới việc chỉ dừng được ở 1 viewpoint dọc đường và tới 12h trưa mới đến cổng cáp treo dưới chân núi.  Mặc dù chỉ cần 4 tiếng để xếp hàng, đi cáp treo lên đỉnh và đi bộ xuống núi nhưng cá nhân mình không khoái lắm với việc đi chơi mà cứ phải vội vàng, lo canh thời gian. 

7. Nên mang theo đồ ăn trưa, đồ ăn nhẹ, nước vì trên Hoàng Long không có bán đồ ăn. Đừng thử uống nước cà phê hay sô cô la bán trên đó vì bạn sẽ phải chửi thề vì nó quá dở so với khẩu vị người VN.

8. Nếu bạn là người ham thích chụp ảnh, nên mang ống kính wide và tele, CPL, ND, GND filter và tripod. Nói thêm rằng mặc dù đi bộ xuống núi nhưng vác tất cả đồ nghề khoảng 10kg ở điều kiện không khí loãng và lạnh là một trải nghiệm muốn chửi thề. 

Hy vọng giúp ích được cho các bạn! 


Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Quote Originally Posted by greenline Xem bài
Không biết đoàn của Chitto đi Hoàng Long thế nào, riêng mình thấy có mấy cái cần chú ý cho các bạn đi sau tham khảo:
1. Đoàn này có lúc ở Cửu Trại Câu có một số người bị soát thẻ SV, nhưng không có vấn đề gì. Đoàn có 1 cậu 87 và một cậu 93, toàn cho vào mua vé, có gì lôi passport ra vẫn đúng tuổi.

2 + 6. Không hiểu đoàn kia mua vé chỗ nào. Bên này thì từ chỗ mua vé còn phải đi xe bus một đoạn mới đến chỗ có cáp treo, cho nên không có chuyện xếp hàng trước mua vé sau. Đoàn này thì đi từ Songpan sáng sớm, nên không bị đông, 9h là lên cáp treo, chơi bời đến 3h30 chiều mới xuống, mất hơn 6 tiếng !

3+4. Bọn tớ chả thấy ai bị làm sao về độ cao cả, không bình oxy, không hoạt huyết dưỡng não,... tất nhiên không nhảy nhót quá nhiều vì tuyết trơn, nhưng cũng đi hùng hục chả thấy sao cả. Trang thiết bị làm ấm thì như bài trước viết, có mấy người giày rất không đảm bảo, may là không ai bị ốm.

5. Xe đi vào của bọn tớ lúc dừng giữa đường có thuê xích cuốn vào bánh sau cho đảm bảo. Thấy các xe con khác chạy qua chẳng ai như vậy, nhưng thôi cứ cẩn thận là hơn. 

7. Đồ ăn thì không mang được gì theo, nên đến trưa bọn tớ mua cái xiên gì nướng với lại cốc canh nóng có ít thịt như là mọc ở trong ấy. Tuy không nhiều nhưng ấm và cũng thấy không đến nỗi nào.

8. Kẻ mang 10 cân máy ảnh thì chẳng thấy ảnh đâu, để tao máy ảnh loại 0,2 cân độc thoại thế này à ???


11-11-2012, 01:51 PM

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Tuyết tan, cảnh sắc thay đổi rất nhiều



3h30, chúng tôi ra cửa. Sáng nay nơi này còn ngập tuyết trắng, mù mịt trời, mà giờ thì khác hẳn



Rời khỏi Hoàng Long, chúng tôi đi ngược lại con đường ban sáng. Chỉ khác là ban sáng đi vì trời tuyết phủ nên không nhìn rõ cảnh vật hai bên, giờ thì tất cả hiện ra rõ mồn một. Núi cao trập trùng, đèo dốc quanh co.





Về phía Tây, trời u ám


Nhưng phía đông trời xanh rực rỡ




Núi tuyết

Những đỉnh núi tuyết phủ ngay bên cạnh


Trắng tinh


Gần tới đỉnh đèo, do sợi xích chằng bánh xe bị long ra, xe phải dừng lại.

Không bỏ lỡ cơ hội, lao vội ra để chụp choẹt



Panorama toàn cảnh thì thế này

 

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Giờ cho mấy cái ảnh lòe loẹt ở Cửu Trại Câu nào. Các đoàn khi đi thì đều viết là đi Cửu Trại Câu, nhưng theo tớ thì Cửu Trại Câu cũng chỉ là một phần, mà đôi khi không phải là hấp dẫn nhất, của chuyến đi.

Nguyên là hôm ở Hoàng Long, gặp MrMilan, nghe thông báo CTC lá vàng lá đỏ gần mặt nước rụng gần hết rồi, thế nên cũng không còn được đẹp như những bức demo hoành tráng trên mạng đâu. Thế nên đoàn này chỉ dành một ngày ở CTC.

Vào một phát thì tạt ngay vào Ngọa Long hải - chuỗi hồ ở chân chữ Y.


Này thì đỏ này



Thác nhỏ này


Rồi thì thác to hơn này


Này thì Lão Hổ hải này





Bắt xe sang nhánh trái, lên xem Trường hải mờ mờ trong sương khói này


Quay xuống Ngũ Thải trì xanh lè này, lá rụng hết rồi lấy đâu ra năm màu (Ngũ thải là ánh sáng năm sắc rực rỡ)






19-11-2012, 10:20 PM

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Tiếp tục ít đám màu lòe loẹt của Cửu Trại Câu nào, để cho những bác chưa đi có động lực.
(Chứ còn xem ra đám đi rồi lại không khoái Cửu Trại Câu lắm. Cá nhân tớ cũng thấy CTC không đáng ca ngợi nhiều đến thế)

Nhánh bên phải, với Khổng Tước hải liền với Ngũ Hoa hải.

Khổng tước nguyên nghĩa là con chim công, nhưng cũng đồng thời mang nghĩa là màu xanh lông công. Hồ này mang tên đó vì màu xanh thẫm kì lạ của đáy hồ.






Ngũ Hoa hải

Ngũ Hoa hải là hồ có màu sắc được cho là đẹp nhất ở Cửu Trại Câu. Màu sắc đặc biệt ấy là do đáy hồ chia thành nhiều khoảng màu xanh. Có màu xanh của rêu, màu của rong, màu của khoáng chất ở đáy hồ.

Lá bên hồ mà vàng đỏ nhiều hơn nữa chắc còn rực hơn nhiều.







Ngũ Hoa hải







Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Thì thêm vài cái màu sắc hồ nữa, cho mỗi trang topic có một ít màu, trước khi chạy sang Tứ Cô Nương







Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Chúng tôi nghỉ ở Trường Bình Câu, và chỉ dành cho Tứ Cô nương một ngày rưỡi. Thực sự thì cũng chỉ đi chơi một ngày, còn nửa ngày hôm sau chỉ lang thang, sưởi nắng và ăn lẩu gà thôi.

Sau những chặng đường dài ở Hoàng Long, Cửu Trại Câu, mọi người cũng thấm mệt nên không có nhiều cảm xúc lắm với TCN, nhưng tôi lại rất thích nơi này. Thiên nhiên, núi non, rừng cây, con suối.... hòa quyện bình yên lắm.







Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Quote Originally Posted by chaien Xem bài
Tịt rồi à Lão Chit?

Tiếp tục đi chứ.....Vụ này đi có mất 15 ngày ko Chitto?
11 ngày đi về thôi ợ.

Có người lôi lại thì cũng lại lôi lại

Tứ Cô Nương cũng đáng đi đấy chứ







Chỗ này khung cảnh đẹp tuyệt





Đặc biệt ấn tượng với đỉnh núi nhọn hoắt này




Thị trấn Trường Bình nhỏ nhắn

Buổi chiều đi về, trời rất lạnh, nhìn thấy có hai con gà đang quay trên lò than, cả lũ thèm nhỏ rãi. Hỏi ra thì 200tệ / con, chát quá nên lại đi về. Rồi thèm quá không chịu được, lúc sau lại quay ra hỏi thì bà chủ bảo là gà này có người đặt rồi, không bán được. Lại quay về không.

Đã thế hôm sau cả lũ đặt chủ nhà làm nồi canh gà rõ ngon 2 con hết 300 tệ. Canh gà nấu nấm rõ ràng ăn dôi hơn là gà nướng, 8 người ăn ngon lành.

Thị trấn Trường Bình




Những sắc màu cơ bản



Hành lang trong nắng



26-01-2013, 07:20 PM




 Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Trời còn chưa sáng, tôi bị đánh thức bởi những tiếng nổ đì đùng từ xa vọng lại.

Hé mở cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy trên núi có ánh sáng lập lòe, rồi vút lên, rơi xuống, ánh sáng của những quả pháo cây bắn lên trời. Quay vào ngủ tiếp, hơi phân vân không biết tại sao chưa sáng lại có người đốt pháo trên núi.

Bắt đầu có ánh sáng mặt trời, có nắng lên lấp lánh phía trên đỉnh núi, tôi khoác kĩ áo đi ra phía ấy, hướng lên núi nơi có pháo đốt hồi nãy.


Stupa chính của thị trấn Trường Bình



Nắng phía trên dãy núi, nhưng còn chưa chiếu xuống



Thị trấn phía dưới còn chưa ngủ dậy



Bên trên mây đã nhởn nhơ



Xuất hiện một chú ngựa thồ






Trên gần đỉnh núi có một khu mộ, với những ngọn phướn ngũ sắc dựng thẳng lên trời. Tiếng pháo là từ nơi đây, nguơì dân cúng mộ vào lúc chưa sáng.

Mấy con quạ lượn quanh. Quạ là loài chim may mắn của người Tạng, vì họ cho rằng ở đâu no đủ (có thịt để thừa) thì mới có quạ.





Nắng lên cao thêm chút nữa, thị trấn dần tỉnh ngủ


Trên đỉnh núi xa, đám mây phởn chí bay lên




Rồi nắng tràn rực rỡ




03-03-2013, 01:53 PM

Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Mùa đông đã dần qua.

Tôi nhớ bông hoa nhỏ này




Và khung cảnh này 


Chia tay Trường Bình, chúng tôi quay lại với con đèo kì vĩ đã đi qua trong đêm. Lần này là ban ngày


Chia tay Núi Tứ Cô nương ở cuối trời



Sắc màu Tứ Xuyên - thu 2012

Đường đèo






Họ đang đào đường hầm xuyên núi rồi, nghe nói đến 2014 sẽ xong, khi đó sẽ không còn đi qua đỉnh đèo này nữa.