Thứ Năm, 4 tháng 4, 2002

Vũ trụ - Thiên văn học Phương Đông


TOPIC GỐC: http://ttvnol.com/thienvanhoc/54934


Ở đây mọi người đã thảo luận rất hay về Thiên văn học, Chitto không dám múa rìu qua mắt thợ, tuy nhiên cũng xin góp một chút theo khía cạnh phương Đông, mà cụ thể là Trung Hoa cổ đại và trung đại.

Quan điểm về Vũ trụ của TQ là : Hư vô sinh Thái CựcThái Cực sinh Lưỡng NghiLưỡng Nghi sinh Tứ tượngTứ tượng sinh Bát quáiBát quái biến hoá khôn cùng.
Theo một vòng lớn (Đại luân) là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm và quay lại từ đầu.

Hư vô là trống rỗng không có gì.
Thái Cực là Một điểm duy nhất khởi đầu, thủy nguyên của Vạn vật.
Lưỡng nghi là Âm và Dương
Tứ tượng là Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần
Bát quái là Càn Khảm Cấn Chấn Tốn Ly Khôn Đoài
Biến hoá khi chồng quẻ thành Kinh dịch
(Hai cái sau đi xa khỏi Thiên Văn học rồi)

Dương và Âm là hai bản thể không bao giờ tách rời, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, cái này thịnh thì cái kia suy và ngược lại. 
Nếu trong một tổng thể lớn thì luôn luôn có phần tử mang tính Âm và phần tử mang tính Dương. Nhưng mỗi phần tử nếu xét riêng nó là một tổng thể thì nó lại là tổng hoà của Âm và Dương. Đã có Dương khắc có Âm. Giống như cục nam châm bao giờ cũng có cực nam cực bắc nhưng khi chặt ra thì mỗi phần lại có cực nam cực bắc của nó.

Dương là những yếu tố sáng, nóng, động, tích cực, nam, phát triển, mở rộng...
Âm là yếu tố tối, lạnh, tĩnh, tiêu cực, nữ, suy thoái, thu hẹp....
Nếu biểu diễn Dương là vạch liền: ----- và Âm là vạch đứt: -- -- thì chu kỳ vũ trụ như sau:
O --> 1--> ----- và -- -- là Lưỡng nghi
Tứ tượng: Nhật: là vầng Thái Dương: mặt trời: ====
Nguyệt: vầng Thái Âm: mặt trăng: == ==
Tinh: Thiếu Âm: là các vì sao: 
Thiếu Dương: là các "vì sao" ban ngày, ánh sáng của nó bị ánh sáng của Thái Dương che khuất.

Hãy xét với quan điểm hiện đại của Thiên văn học hay Vật lý hiện đại thì xem ra người Trung hoa cổ đại đã khái quát hoá từ lâu rồi.

Hư vô: không có gì cả, không có thông tin, đó là trước khi hình thành Vũ trụ, không có Thời gian, Không gian....

Thái Cực: hình thành Chất điểm ban đầu của Vụ nổ Lớn
Và rồi: Big Bang: Thái Cực đã hình thành, chứa đựng trong nó tất cả những nguồn gốc Vật chất của Vũ trụ, nhưng những nguồn gốc này vẫn chưa phân tách.

Lưỡng NghiDương và Âm: hạt và phản hạt, sóng và phản sóng, điện tích dương và điện tích âm, lực đẩy và lực hút,... Âm Dương luôn tồn tại: Lỗ đen và Lỗ trắng, Vật chất và phản Vật chất.....

Chu kỳ của Tứ tượng: 
Thái Dương: sự phát triển mở rộng mạnh mẽ: Vũ trụ giãn nở nhanh đồng đều về mọi hướng, không có khái niệm tâm, mà mọi hướng đều giãn nở, các lực đẩy (yếu tố Dương) rất mạnh, Dương là cực thịnh. Tuy nhiên trong lòng nó cũng đã có những lực hút (yếu tố Âm)
Thiếu Dương: sự phát triển đó chậm lại. Vẫn giãn nở nhưng không còn nhanh như trước, khi các lực đẩy (Dương) đã không còn thắng được các lực hút (Âm) thì sang giai đoạn sau
Thái Âm: sự suy thoái, khi lực hút (Âm) đủ mạnh thì Vũ trụ co lại rất nhanh
Thiếu Âm: Vũ trụ co lại chậm dần
Để đến lúc nào đó trở về Vụ Co lớn - Big Crunch.
Không phải kết thúc, mà bắt đầu cho một chu kỳ mới. Quá trình lặp lại....

Trong Phật giáo cũng có chu kỳ tương ứng là: Thành - Trụ - Hoại - Không, tương tự trên.
Tuy nhiên tư tưởng của Phật giáo còn cao hơn một bậc. 
Đó là "Tam thiên vũ trụ" "Ngoài Vũ trụ này còn Vũ trụ khác".
Như vậy một chu kỳ trên cũng chỉ là một khoảnh khắc trong một Chu kỳ vĩ đại hơn, của những Thực thể vĩ đại hơn mà con người có thể không nhận thức được.
Và khái niệm đó mở rộng đến Vô cùng vô tận.


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Thuyết Âm - Dương đặc trưng bởi vòng tròn Đại luân, Âm thịnh Dương suy, Âm thăng Dương giáng, trong Âm có Dương và ngược lại.
Khái niệm này đâu có xa lạ với Thiên Văn học. Mọi Vật chất đều song hành với cái đối lập của nó hoặc cái bổ sung cho nó.
Đời sống một ngôi sao cũng không khác gì Vũ trụ. Từ các hạt Vật chất, bụi khí...bị lực hút tác động mà tập trung lại (Giống như thần thoại Trung Hoa: Khí nặng mà đục đọng lại thành Đất, khí nhẹ mà trong bay lên thành Trời).
Khi một ngôi sao phát sáng, đó là thời kỳ Thái Dương của nó. Có thể nói Mặt trời hay vầng Thái Dương của chúng ta đang ở trong thời kỳ Thái Dương của nó. Và kéo theo là sự sống trên Hành tinh xanh cũng đang ở vào thời thịnh.
Nhưng rồi các ngôi sao hay Mặt trời cũng không thể sáng mãi. Yếu tố Dương (sinh nhiệt, ánh sáng, quá trình đốt cháy, lực đẩy...) không còn đủ mạnh để duy trì. Bản thân ngay trong khi đang Thái Dương thì các yếu tố Âm (mất nhiệt, lực hút...) vẫn tồn tại, nay mạnh hơn. Tổng hoà cân bằng yêu cầu các yếu tố Dương suy yếu, nhưng vẫn mạnh hơn yếu tố Âm. Giai đoạnThiếu Dương chờ đợi để chuyển sang giai đoạn Thái Âm. Giai đoạn này ngôi sao suy sụp nhanh chóng. Các lực hấp dẫn mạnh hơn lực đẩy, năng lượng từ các phản ứng không giữ được cân bằng nữa. Và ngôi sao đổ sụp vào trong. Nó đang Chết. Các lực hút cực mạnh có thể biến ngôi sao thành Lỗ đen. Lỗ đen là một hình ảnh của Thái Âm, của suy thoái tột độ.
Nhưng không hẳn ngôi sao nào cũng suy sụp thành lỗ đen. Nó chậm lại, đó là Thiếu Âm. Nhiều trường hợp hình thành sao lùn trắng. Một chu kỳ mới ở cấp độ nhỏ hơn hình thành.

Thuyết Âm Dương trong Thiên Văn đi kèm với thuyết Ngũ hành: Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ.
Thuyết Âm Dương có từ thời Thượng cổ, Tam Hoàng Ngũ đế tức là 2800 năm trước CN, còn thuyết Ngũ hành thịnh vào đời nhà Tần 200 năm trước CN.

Người Trung Hoa cổ đại đã phân loại các ngôi sao trong Vũ trụ theo năm cấp độ sáng hoàn toàn đúng với quan sát ngày nay, và năm cấp độ sáng đó cũng tương ứng với Ngũ sắc của Ngũ hành. Đó là

Màu xanh: màu của hành Mộc : những sao bề mặt nóng nhất, trên 20.000 oC
Màu trắng: màu của hành Kim: những sao nhiệt độ 10 - 15 nghìn độ
Màu vàng : màu của hành Thổ: sao bề mặt nóng 6000-9000 độ
Màu đỏ: màu của hành Hoả: sao nóng 2000 - 5000 độ
Màu đen: màu của hành Thuỷ: sắp nguội hẳn

Mặt trời của chúng ta thuộc loại sao màu Vàng

Tiêu biểu cho các sắc màu là các vì sao mang màu sắc rõ rệt bằng mắt thường thấy được. Ví dụ sao Tâm Tú là tượng trưng cho màu đỏ của các sao (không phải Sao Hoả)
Trong sử ký Tư Mã Thiên về Thiên văn có chỉ ra năm ngôi sao tượng trưng cho ngũ sắc. Đặc biệt ngôi sao tượng trưng cho màu Vàng thì đến nay sau 2000 năm nó đã chuyển sang màu Đỏ hoàn toàn. Đó là hiện tượng nguội của sao duy nhất mà con người nhìn thấy bằng mắt thường cho đến nay.

Ngũ hành còn tượng trưng cho năm phương:
Mộc thuộc phương Đông
Kim thuộc phương Tây
Thuỷ thuộc phương Bắc
Hoả thuộc phương Nam
Thổ thuộc phương trung tâm


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Tôi thật không hiểu Dr Slump có đọc bài của tôi không nữa.
Tôi đang nói là màu sắc của sao (không phải Sao; Sao Thuỷ không phải là sao (hằng tinh) mà là hành tinh), màu sắc được phân chia để nhận định cho dễ dàng.
Còn ngôi sao nguội đi là hiện tượng nhìn thấy bằng mắt thường duy nhất nhân loại chứng kiến, chứ có ai bảo sau 2000 năm thì sao nguội từ Vàng thành đỏ đâu? Không hiểu bác này nghĩ gì mà viết như vậy???
--------------

Thường hay nhầm lẫn giữa các sao có màu sắc thuộc ngũ hành với các Sao Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ vì các Sao (viết hoa) này không phải sao mà là hành tinh. Vì vậy nếu viết sao thuỷ là hoàn toàn sai.

Sao Thuỷ gần Mặt trời nhất, có sắc xanh nhưng rất khó nhìn thấy đặc biệt trong điều kiện thành phố hiện nay.
Sao Thuỷ người Trung hoa gọi là Bắc Thần ngũ khí Thuỷ Diệu, trông coi bởi Thuỷ Đức tinh quân và cho rằng Thuỷ hội tụ bởi 5 khí. 

Sao Kim là Sao quan trọng nhất, sáng nhất bầu trời vào lúc sáng sớm và trước khi trời tối. Sao Kim mang sắc Trắng rất rõ, được gọi là Tây Đoài Thất khí Thái Bạch, hay Hàm Trì Kim tinh, trông coi bởi Thái Bạch Kim Tinh là ông già họ Lý. Sao Kim còn được gọi bằng hai tên khác là Khởi minh tinh (Sao báo trời sáng) và Trường Canh tinh (Sao báo đêm dài tới - vì vậy Thái Bạch Kim Tinh còn được gọi là Lý Trường Canh) 
Phương Tây đặt tên Sao Thuỷ là vị thần báo tin vì Sao này chuyển động quanh mặt trời với chu kỳ ngắn nhất. Còn phương Đông coi vị tinh chủ của Sao Kim là Sứ giả của trời.

Sao Hoả mang màu đỏ, hành tinh mà chúng ta quan tâm nhiều nhất có tên gọi là Nam ly Tam khí Vân Hán, hoặc còn gọi là Huỳnh Hoặc Tam khí Hoả đức. Hành tinh này chuyển động lệch chu kỳ quanh mặt trời so với trái đất nên người Trung Hoa cổ đại thấy nó di chuyển không theo quy luật, lúc tiến lúc lui trên trời đêm nên cho nó là huyễn hoặc nhất, nên cũng được coi là điềm báo về tai hoạ (Sao Huỳnh hoặc lâm vào địa phận cung Tử Vi là Vua gặp nạn...) Đọc truyện TQ thấy nói lửa Tam muội, cũng là do Tam khí ở đỉnh cao hội lại, lửa này không gì dập nổi.

Sao Mộc, to nhất hệ Mặt trời, được gọi là Đông chấn Cửu khí Mộc Đức, vì được cho rằng Mộc vào phương Đông do 9 khí hợp lại mà thành. 

Sao Thổ có màu hơi vàng được gọi là Trung Ương Nhất khí Thổ Tú. 

Năm Sao trên cùng với Mặt trời - Sao Thái Dương do Thái Dương Thiên vương làm chủ và Mặt trăng - Sao Thái Âm do Thái Âm thiên vương làm chủ hợp thành Thất chính (Bẩy Thiên thể chính yếu)
Nếu thêm hai ngôi nữa là La Hầu và Kế Đô tạo thành Cửu diệu. Thỉnh thoảng còn thêm hai ngôi Khí và Bột thành 11 Đại diệu. 

(Bốn ngôi sao sau Chitto cũng không biết chính xác là hằng tinh nào sáng thế mà được xếp vào hàng những thiên thể quan trọng nhất của Thiên tượng - việc đối chiếu các ngôi sao trong Thiên văn học phương Đông với Thiên văn học hiện đại mong các chuyên gia trong box nói chính xác giúp)

Quan điểm này tuy mang tính thần thánh nhưng cũng là những quan sát cực kỳ quan trọng. Đó là một trong những ghi chép chính xác về các hiện tượng Thiên văn. Ví dụ việc phát hiện quỹ đạo của Sao Hoả cũng như Tuế sai đã được người Trung Hoa biết từ lâu rồi.

Bản thân người Trung Hoa cũng cổ đại cũng đã hiểu Sao Thuỷ không có màu sắc thuộc hành Thuỷ, chứ không phải chờ đến khi Dr Slump phát hiện.

-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Được sửa chữa bởi - chitto vào 06/04/2002 12:52

Có ba tên gọi hay bị nhầm lẫn: sao Bắc Đẩu (hay Bắc Cực)chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Thiên Cực.

Sao Bắc Cực chỉ hướng Bắc theo trục Bắc - Nam của Trái đất. Nhưng do Trục Trái đất không đẳng hướng mà quay vòng (tuế sai) theo chu kỳ khoảng 25.800 năm nên sao Bắc Cực cũng thay đổi. Hiện giờ Bắc Cực nằm trong chòm Tiểu Hùng, nhưng trước đây nằm trong chòm Vũ Tiên, rồi Thiên Long, đến khoảng năm 10.000 sẽ là sao trong chòm Tiên Hậu, khoảng năm 14000 nằm trong chòm Thiên Cầm.

Chòm sao Bắc Đẩu gồm 7 ngôi (Bắc Đẩu thất tinh) chính là chòm Đại Hùng tinh. Trước khi Văn minh phương Tây du nhập thì TQ vẫn chỉ gọi là chòm Bắc Đẩu, sau này mới dịch "The Great Bear" là Đại Hùng tinh - con gấu lớn.
Bắc Đẩu thất tinh gồm 7 ngôi rất sáng hình cái gầu, từ dây đi lên là các ngôi Dao Quang, Khai Dương, Ngọc Hoành, Thiên Quyền, Thiên Cơ, Thiên Toàn, Thiên Xu.
Ngôi sao Thiên Quyền tuy không sáng bằng các ngôi sao kia nhưng ở vị trí chính giữa nên được coi là ngôi quan trọng nhất của chòm này, là chủ tinh, nơi ở của Trung Cung Bắc Cực Tử Vi đại đế, mà dân gian gọi là ông Bắc Đẩu, người viết sổ Sinh cho nhân loại.
Bởi vậy khi cúng sao xin thọ, người ta xếp 7 ngọn đèn theo hình chòm Bắc Đẩu, trong đó ngọn đèn giữa ứng với sao Thiên Quyền được coi là đèn Bản mệnh.

Ngược lại Bắc Đẩu chuyên sinh là Nam Tào chuyên tử. Tuy nhiên người TQ ở Bắc bán cầu thì không thể xác định chòm sao nào hoặc ngôi sao nào là sao Nam Tào được, nên chỉ có tên mà không có thực, người ta cho Nam tào là chòm sao gồm 9 ngôi.

Sao Bắc Thiên Cực không trùng với sao Bắc Cực, mà lệch một chút về phía chòm Bắc Đẩu (Đại Hùng). Sao Bắc Thiên Cực cố định, không thay đổi khi trục quay của Trái đất đảo.

Trong Sử ký Tư Mã Thiên có ghi : "Tần Thuỷ Hoàng làm cung A Phòng, đổi Tín cung thành Cực miếu để bắt chước sao Thiên Cực, sai làm đường phức đạo từ cung A Phòng vượt qua sông Vị mãi đến tận Hàm Dương để bắt chước con đường của sao Thiên Cực, sao này qua sông Ngân Hà đến tận sao Dinh Thất" (Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ)

Không biết sao Thiên Cực có phải là sao Bắc Thiên Cực không? nếu đúng thì do Trái đất quay, các chòm sao dịch chuyển tương đối so với Thiên hà của chúng ta nên nhìn thấy sao di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác so với Ngân Hà.
Nhưng nói chung, ngoại trừ các Sao Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ, không có sao nào chuyển động so với các sao khác cả, chỉ có các hành tinh thôi.

Bác nào chỉ dẫn giúp, không biết có bao nhiêu sao chuyển động tương đối trên bầu trời so với Ngân Hà và các ngôi sao khác?


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Tiện ảnh của đ/c Zazu, Chitto vẽ thêm mấy chữ vào các vì sao trong chòm sao Bắc Đẩu.



Có thể thấy người Trung Hoa cổ đại không nhận thấy chỗ của ngôi sao Khai Dương thực ra là hai ngôi sao.
Cũng không có gì là lạ, bởi họ chỉ quan sát bằng mắt thường.

Cũng rất lưu ý là theo quan niệm Trung Hoa, phương vị 
trên bầu trời không giống phương vị dưới mặt đất.
Người Trung Hoa cho rằng phương Bắc của Mặt đất mới chính là phương Trung Tâm của bầu trời.

Do đó vị trí của chòm sao Bắc Đẩu được coi là trung tâm của bầu trời. Họ gọi đó là Trung Thiên Bắc Cực

Các vị vua khi ngồi lưng quay về Nam, mặt nhìn về Bắc, tức là nhìn về trung tâm bầu trời, vì coi mình là Thiên tử con trời nên phải luôn hướng về Cha - Trời.

Và Nam Thiên môn - cửa trời phía nam là quan trọng nhất, vì cửa này nhìn xuống thế giới.

Quan niệm này không có gì vô lý cả. Vì nếu ta đứng ở những nơi khác nhau trên mặt đất thì Cực Bắc luôn là phía Bắc của chúng ta. Nhưng nếu ta đứng ở ngay trên Cực Bắc của Trái Đất thì đâu là hướng Bắc đâu là Nam? Khi đó không có hướng Bắc nữa, và mọi hướng đều là hướng Nam. Như vậy có thể coi Cực Bắc là một trung tâm thế giới về phương vị.

Xung quanh Trung Thiên (tức phía Bắc của trái đất) có các hướng của nó Đông Tây Nam Bắc. Các hướng của bầu trời không cố định như hướng trên mặt đất mà quay theo sự chuyển động của các chòm sao.

Bốn phương này được đại diện bởi bốn chòm sao rất lớn là Thanh LongBạch HổChu Tước và Huyền Vũ. (cũng ứng với 4 màu của 4 phương)

-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Tạm thời nói về Vũ trụ lớn và nhỏ tí vậy. Mối liên hệ để lần sau.

Thực ra tư tưởng Đại Thiên Vũ trụ (Vũ trụ lớn - Tự nhiên) và Tiểu thiên Vũ trụ (Vũ trụ nhỏ - con người) có chịu ảnh hưởng một phần của tư tưởng Phật giáo.

Vũ trụ là Tổng hoà của Âm Dương, là một tổng thể (hay Hệ thống như Pakita). Bao giờ một tổng thể cũng gồm hai phần Âm và Dương hợp thành, nhưng không thể tách thành một phần Âm và một phần Dương riêng biệt. Giống như Nam châm vậy. Và đặc biệt là Trong Âm có Dương và trong Dương có Âm.

Nếu coi Nhân loại là một Tổng thể thì gồm Âm và Dương - Nam và Nữ. 
Nhưng không phải người Nam thì toàn là Dương. Xét trong Nhân loại, so sánh với bên cạnh là Nữ thì họ mang thuộc tính Dương, nhưng nếu xét riêng họ thì lại là một tổng thể mới của Âm và Dương.

Đại thiên Vũ trụ tức Vũ trụ Tự nhiên Chitto đã nói qua rồi, đặc biệt bốn chu kỳ Thái DươngThiếu DươngThiếu ÂmThái Âm.
Đạo Phật có tương ứng bốn giai đoạn của Đại thiên Vũ trụ là Thành - Trụ - Hoại - Không.
(Với sự vật thông thường là Sinh - Trụ - Dị - Diệt)

Với một con người nào đó, có nhiều cách để phân tách thuộc tính Âm và Dương của họ. Ví dụ thể xác là Dương thì Ý thức (hoặc tên khác là Linh hồn) là Âm. 

Nếu trong tổng thể Ý thức thì Lý trí có thể coi là Dương và Tình cảm là Âm. Nếu tổng thể Lý trí thì Thiện là Dương mà Ác là Âm. Cứ thế phân chia mãi không thể hết được.

Nếu tổng thể Thể xác: quá trình Tăng trưởng là Dương thì Suy thoái, lão hoá là Âm; quá trình tích tụ là Dương thì tiêu hao là Âm....
Nếu xét toàn bộ chu kỳ sống của con người là một chu kỳ Âm Dương thì cũng không ngoài Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm.

Con người sau khi sinh ra thì tăng trưởng phát triển rất nhanh trong những thời gian đầu. Cả thể chất và ý thức đều đang trong chu kỳ Thái Dương
(Khoa học cho thấy con người từ 0-5 tuổi thu thập lượng thông tin bằng tổng số thông tin trong cả cuộc đời còn lại thu thập vì đó là những thông tin cơ bản: nhìn, nghe, nói, hành động)
Sau đó con người tăng trưởng chậm dần. Vẫn tăng nhưng chậm lại: Thiếu Dương. Và đến 25 tuổi thể chất không tăng trưởng nữa. Thời kỳ Dương của đời sống thể chất dừng lại.

Từ đây thời kỳ suy thoái bắt đầu. Suy thoái lúc đầu rất chậm gần như không nhận thấy, Thiếu Âm của con người thường rất dài. Còn khi họ suy thoái và nhanh chóng sụp đổ vào giai đoạn Thái Âm thì đã sắp kết thúc một vòng tròn của cuộc sống.

Tương ứng với Đạo Phật là Sinh, lão, bệnh, tử 

Nhưng trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Không phải trong thời kỳ tăng trưởng nhanh là hoàn toàn không có suy thoái. Ngay cả khi con người tăng trưởng nhanh nhất thì hàng ngày cũng có hàng triệu tế bào già lão và chết đi, để được thay thế bằng những tế bào mới. Nhưng sự sinh sôi nhanh và nhiều hơn lượng chết đi, hay Dương đang mạnh hơnÂm. Ngược lại trong thời kỳ già lão, thì vẫn có hàng triệu tế bào sinh ra, lớn lên, nhưng lượng chết đi nhiều hơn, Âm lấn át.
Với một tế bào cũng phải qua các chu kỳ : hình thành, phát triển, suy thoái và chết đi.

Nghĩa là nếu phân tách về mặt thể chất, thì thuyết Âm Dương trong Vũ trụ như thế nào thì với con người cũng như vậy.

Mặt Ý thức: Nếu coi Tri thức là Dương, Tiềm thức là Âm, thì hai cái luôn quyện chặt và còn phức tạp hơn thể chất.

Coi quá trình tích luỹ (nhớ) là Dương, quá trình thải loại (quên) là Âm thì con người cũng không khác Vũ trụ.
Khi trẻ, học nhiều nhớ nhiều, Thái Dương của kiến thức.
Lớn dần, quá trình nhớ chậm lại, không thể học nhiều như trước, là Thiếu Dương. Và rồi đến giai đoạn quên, quên nhanh thành lú lẫn. Thiếu Âm và Thái Âm của kiến thức vận động trong Tri thức.

Không phải trong giai đoạn Thái Dương chỉ có nhớ mà không quên. Luôn luôn có quên, tức là trong Dương có Âm và ngược lại, khi quên nhiều điều thì người ta lại nhớ đến một số điều (có khi vô bổ). Và ngay khi quên, thực ra lại cũng có thể là nhớ vào trong Tiềm thức.

Bốn giai đoạn của trí tuệ không nhất thiết trùng với thể chất.

Đấy mới là Thể chất và Trí tuệ.

Còn nếu nói Tình cảm, Tinh thần rộng hơn thì còn phức tạp nữa. Và nếu lại còn xét thêm hành động cá nhân, hành động xã hội....(để lúc khác không người đọc chán quá).

Vậy mỗi con người phức tạp có kém gì một vũ trụ? Vũ trụ có gì thì con người xét về một khía cạnh nào đó cũng có cái đó. Vũ trụ huyền bí bao nhiêu thì con người có khi còn khó hiểu hơn.

Điều cơ bản là Âm Dương phải hoà hợp.

Một đứa trẻ bị mắc bệnh Lùn già, đang là Thái Dương của cuộc đời, bỗng Âm lấn át, chuyển nhanh sang Thái Âm. Nó chỉ 10 tuổi mà thể chất đã như một ông già. Vòng tròn quá ngắn.
Một đứa trẻ tích luỹ năng lượng (Dương) nhưng cũng cần tiêu hao (Âm). Nếu tích luỹ mà không vận động cho tiêu hao (Dương thịnh Âm suy) thì chả hay ho gì. Nó bị bệnh. 
Ngược lại tích luỹ ít mà tiêu hao nhiều thì lao lực.

Y học Trung Hoa cho con người có các đường Kinh (Dương) và các đường Lạc (Âm) khi Kinh và Lạc gặp nhau thì cho một Huyệt. 

Đại thiên Vũ trụ và Tiểu thiên Vũ trụ quan hệ mật thiết với nhau. Để bài sau vậy, dài quá rồi.


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Hôm trước đọc trên VnExpress thấy thuyết String. Tức là BigBang chỉ là một "Nút" trong một quá trình vô cùng vô tận các Vũ trụ nối tiếp nhau. Thế thì lại càng đúng với Thuyết của Phương Đông.

Đại thiên Vũ trụ bắt đầu từ Hư vô (0), rồi có Thái cực (1 = 20 , Tách thành Lưỡng Nghi: Âm và Dương ( 2 = 21) chuyển thành Tứ tượng (4 = 22) sinh ra Bát quái (8 = 23) chồng thành các quẻ Kinh Dịch (64 quẻ = 26) từ đó biến hoá không cùng (nhưng không phải biến hoá vô kỉ luật mà luôn theo nguyên lý 2n với n đến vô cùng)

Nếu nói theo kiểu Sinh học nhé.
Ban đầu chả có gì, rồi khi bào tử được thụ tinh, con người đã có mầm. Trong đó chứa đựng cả thuộc tính của người Cha (Dương) và người Mẹ (Âm). Bào tử nhân đôi, nhân đôi mãi...theo nguyên tắc 2n cho đến khi ra đời. Khi ra đời rồi nguyên tắc sinh sản của tế bào không đổi. Mỗi tế bào là tổng hoà Âm Dương và có chu kỳ riêng nó không khác với chu kỳ vũ trụ (Hấp thụ năng lượng có thể coi là Dương, ngược với nó là tiêu hao năng lượng, hoặc tăng trưởng và lão hoá...)

Nhiều tế bào thành một cơ quan. Cơ quan nào cũng phải theo chu kỳ Sinh ra, phát triển, suy thoái, huỷ diệt cũng là chu kỳ vũ trụ.
Trong tổng hoà cơ thể, có cơ quan mang thuộc tính Âm (ngũ tạng) và thuộc tính Dương (lục phủ) mới tạo thành con người.

Các chu kì sống của con người cũng tương đồng với vũ trụ.
Trong vũ trụ, chu kỳ Vũ trụ sinh ra (BigBang), giãn nở, co lại và huỷ diệt (BigCrunch) là chu kỳ lớn nhất.
(tuy nhiên nếu thuyết String thì đó cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi những chu kỳ có thể vĩ đại hơn nữa, vô cùng vô tận).
Trong mỗi bộ phận, lại có các chu kì: các sao hình thành, toả sáng, nguội dần, tắt đi.

Một ngôi sao như Mặt Trời, Trái Đất là một tổng thể nhỏ hơn, cũng có các chu kỳ....
Một năm là một chu kỳ: Mùa Xuân là Thiếu Dương, mùa hè là Thái Dương, mùa Thu là Thiếu Âm, mùa đông là Thái Âm.

Nhỏ hơn nữa là một ngày: Sáng là Thiếu Dương, trưa là Thái Dương, chiều là Thiếu Âm và tối là giai đoạn Thái Âm...

Có thể nói các chu kỳ biến đổi của mọi sự vật hiện tượng đều không ra ngoài chu kỳ đó. Con người (Tiểu thiên Vũ trụ) càng như vậy. Tổng hoà Âm Dương luôn tồn tại. Nếu nó mất cân bằng thì sinh chuyện ngay.

Con người vào sáng sớm khi Vũ trụ vào giai đoạn Dương thì cũng phải hoạt động theo, khi trời tối thì cũng phải nghỉ ngơi. Tất nhiên có người đảo ngược lại nhưng như vậy là không đúng tự nhiên sẽ dẫn đến việc đảo ngược các chu kỳ sinh học. Biểu hiện ra ngoài sẽ thành các bệnh.

Nhưng nếu chỉ có tuân theo Đại thiên Vũ trụ thì con người chỉ là một phần của vũ trụ lớn, chứ làm sao thành một vũ trụ riêng dù là nhỏ được.

Điều cơ bản là con người không chỉ làm một bộ phận giống như các hằng tinh, hành tinh, thiên thể, mà có thuộc tính riêng, mang tính Vũ trụ riêng.

Khi Trời sáng, con người cũng "Sáng" theo. Nhưng trời vào trưa nóng quá, khí Dương thịnh quá thì con người lại đi tìm cái mát, khí âm bù vào. Con người điều chỉnh Tự nhiên để phù hợp với Vũ trụ của riêng mình.

Và hành vi tư duy cũng là của riêng mình. Nó là một chuỗi các mắt xích: Thu nhận, xử lý, lưu trữ, loại bỏ, cũng là những chu kỳ của Vũ trụ nhưng chịu ảnh hưởng bởi chính những "lực" của riêng của con người chứ không giống vũ trụ ngoài.

Con người điều chỉnh vũ trụ của mình, nên mỗi người có một vũ trụ riêng, không ai giống ai, cũng như các Thiên hà không giống nhau hoàn toàn được. Nếu đọc hết bản đồ gene của con người thì cũng không khác đọc hết các hằng tinh, hành tinh, vệ tinh trong một thiên hà.

Nếu ghi nhận toàn bộ thông tin của một con người (chỉ một người thôi) từ khi sinh ra đến khi chết đi, những gì con người đó làm, suy nghĩ, tư duy, hành động...thì chắc chắn còn nhiều và phức tạp hơn ghi lại thông tin về các sự kiện trong hàng tỉ năm của một thiên hà.

Hành vi tư duy của con người với chính mình thì tưởng như đơn giản, nhưng hiểu được có gì trong lỗ đen còn dễ hơn hiểu những gì trong đầu con người.
Chỉ có những người sống bằng thần kinh thực vật thì mới vận động theo chu kỳ vũ trụ thông thường. Còn con người thường thì mỗi hành động khác thường của họ không khác gì mộtKỳ Dị của không gian.

Viết nhiều mệt quá.


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


To Crazy: Không sao đâu. Hôm qua "hai mặt một lời" với bác ATC, thì không sợ lọc chữ đó đâu.

Chỉ sợ nói nhiều mọi người chán thôi. Mà đang từ thiên văn lại đánh quàng sang con người thế này không hiểu có lạc đề không nhỉ?
--------

Nói thêm một chút về Tin học. Cơ sở của thông tin chính là hai chữ số 0 và 1, về vật lý thì đó là mạch điện mở và đóng. Không khác gì Âm Dương. Người Trung Hoa lý hiệu Âm là một vạch đứt ( -- -- ) và Dương là vạch liền ( ------ )
Vì vậy Thái Dương là hai vạch liền ( ====Thái Âm là hai vạch đứt ( == ==
Quẻ Càn (Trời) trong Kinh dịch là ba vạch liền (=====), quả Khôn (đất) là ba vạch đứt.(== ==)

Nếu nói con người chỉ có thể xác và một số yếu tố trí óc nhất định, thì cái cấu tạo nên cơ bản nằm ở gene sinh học.
Gene đó được tổng hợp từ gene của cha mẹ.

Nếu bây giờ bản đồ gene đọc được hết, và được mã hoá trong thông tin là một chuỗi 1 và 00 và 1 nối tiếp thì thông tin cơ bản về con người chính là một chuỗi 0-1: Âm và Dương.
(Nếu viết ra giấy thì cần một quyển sách khoảng 300 nghìn trang) Chuỗi Âm Dương đó là sự tổng hợp từ các chuỗi Âm Dương của cha mẹ.

Có những phần của gene quy định các cơ quan, mà mỗi phần đều cấu thành từ âm dương 0 - 1. Không có con người nào hoặc bộ phận nào hoàn toàn dương hoặc hoàn toàn âm, dù xét trong tổng thể rộng hơn thì nó mang thuộc tính âm hoặc dương nếu so sánh với bộ phận khác.

Vậy nếu đọc hết bản đồ gene mà lại sinh sản vô tính thì từ một tế bào, bằng cách thay đổi mỗi khoảng 0 - 1 tương ứng có thể cho ra một người theo ý muốn: Một cô gái Chân dài đến nách, tóc vàng mắt xanh, mồm rộng đến cho lọt nắm đấm....không bệnh tật...
Gene còn quy định một số tính cách: gene nóng giận, ôn hoà...
Vậy thì sẽ tạo ra một cô vợ suốt ngày chỉ biết chiều chồng, chăm lo gia đình không ham muốn mốt này mốt nọ, không đòi hỏi gì, mà thông minh, nói gì cũng hiểu. Sướng quá.

Có người nói nếu sinh sản vô tính thì đâu cần Âm Dương nữa. Cũng không phải, vì không thể sinh sản từ cục đá cục gạch, mà phải từ tế bào, từ thực thể sống. Mà một thực thể sống thì đã tồn tại trong nó yếu tố âm dương rồi. Mỗi tế bào đều có gene là tổng hợp âm dương.
Sinh sản từ tế bào cừu cái sẽ cho ra một con cừu cái chứ không thể con cừu đực được. Bởi từ tế bào cừu "mẹ", thuộc tính nổi trội trong tổng hoà loài cừu là thuộc tính âm.

Nhưng cũng không chỉ có vậy. Con người được quy định từ khi hình thành là bởi gene. Nhưng từ khi được nuôi dưỡng trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra thì lại biến chuyển theo những quy luật không phải chỉ gene quy định. Hai đứa trẻ song sinh cùng trứng có gene rất giống nhau (nhưng không hoàn toàn giống - sự kết hợp âm dương của cha và mẹ còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời gian không gian khác). Khi sinh ra rất giống nhau, khi lớn lên hình thức cũng tương đối giống. Nhưng nhân cách, tính cách có thể khác hẳn.


Yếu tố ngoại cảnh (Đại thiên Vũ trụ) và yếu tố xã hội (các Tiểu thiên vũ trụ khác) ảnh hưởng rất khác tới những con người.

-------
Còn nhiều điều nữa, ví dụ trả lời Pakita về Kinh mạch, tư tưởng, vai trò con người nhưng e không đúng chỗ. Mọi người nghĩ thế nào?



-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Được sửa chữa bởi - chitto vào 27/04/2002 09:32

Lâu lắm không vào đây, vì cái box 7X Hà Nội giờ lắm chuyện quá.

To Pakita: 
Lý thuyết Kinh mạch của con người có được từ xa xưa, đến giờ vẫn chưa biết chính xác là từ ai.
Ghi chép về Kinh Lạc, các mạch và huyệt trong con người sớm nhất là trong Hoàng Đế nội kinh, con người có 365 Chính huyệt, bằng số ngày trong năm. Đến giờ người ta mở rộng ra có đến hàng ngàn Kỳ huyệt, Tân huyệt, huyệt theo ngày giờ...

Hoàng Đế (tên riêng, không phải tước vị hoàng đế của các vua Trung hoa) là một trong Tam hoàng: Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế: Ba vị thần thánh tối cao.

Phục Hi, tương truyền là Nhân tổ phụ, tức là Tổ loài người, đồng thời là người đã tìm ra Dịch lý, tức là Lý thuyết Âm Dương mà tôi nói từ đầu đến giờ. Hay nói khác đi, là tượng trưng cho những kiến thức, nhận thức về Vũ trụ của người Trung Hoa.
(Cửu thiên huyền nữ Nữ Oa là Nhân tổ mẫu)

Thần Nông, là vị đã sáng tạo ra việc Trồng cấy, nuôi trồng, đồng thời tìm ra các vị thuốc; tượng trưng cho kiến thức con người về chinh phục, biến cải thiên nhiên, nhằm phục vụ cho con người.
(Chòm sao Thần Nông - hay gọi theo phương tây là Thiên Hát - con Bò Cạp - là chòm lớn nhất bầu trời mùa hè. Lạc Long quân tổ nước Việt ta là cháu sáu đời của Thần Nông)

Hoàng Đế, vị vua đặt ra quy luật cho riêng con người, là người đặt ra Hoàng Đế nội kinh, chỉ rõ Kinh mạch con người, các phép tu luyện, biến chuyển. Hoàng Đế còn đặt ra Nhân luân: những quy luật sống cơ bản của con người: Tam cương và Ngũ thường.
Hay nói khác đi là tượng trưng cho việc cải tạo chính bản thân con người, vận động chính con người.

Lý thuyết của Nội kinh dựa trên lý thuyết Âm Duơng, bởi Phục Hi có trước, Hoàng Đế có sau. Tuy nhiên Hoàng Đế nội kinh hiện nay có là từ đời Hán (-200; 200Cn) biên soạn viết lại, nên không biết chính thức bản gốc thế nào, có thể coi là kiến thức đời Hán.

Ba vị trên được gọi là Khai thiên Tịch địa Thái hạo Hoàng Thượng đế.
(Thượng đế mở trời định đất tối cao - có phần quan trọng không kém Ngọc Hoàng Thượng đế)

Mê tín mà cũng không phải. Tất cả những gì ta bàn luận về Vũ trụ, về kiến thức khoa học, đều là thông tin, kiến thức thu nhận được về tất cả mọi sự vật hiện tượng vào trong trí não, tư duy con người.
Ngưòi Trung hoa đã thể hiện những ý tưởng đó qua Tam Hoàng, là tổng hợp nhận thức về Vũ trụ, Cải biến thiên nhiên, và Bản thân con người.

Đường Kinh có 12 đường, gồm 6 dương và 6 âm, Lạc có 15 đường.
Sáu đường Kinh dương chạy từ ngoài vào trong, sáu đường Âm chạy từ trong ra ngoài cơ thể, nối tiếp với các đường Lạc, các nút chính là các huyệt. 
Những luồng khí công chạy theo các đường kinh lạc luân chuyển qua 365 huyệt tương ứng 365 ngày trong năm. Vì vậy còn có phép bấm huyệt châm cứu theo ngày giờ.
Các thời huyệt (huyệt theo ngày giờ) là một thể hiện rõ ràng về mối liên hệ giữa Đại Thiên vũ trụ với Tiểu thiên vũ trụ. Vũ trụ vận động thì các luồng khí huyết trong con người cũng vận động theo quy luật.

Còn cụ thể việc tìm ra huyệt đạo thế nào thì đến giờ có ba lý thuyết:
1. Kinh nghiệm ngẫu nhiên: khi người ta đau đớn thì xoa bóp cho bớt đau, dần nhận thấy có những vị trí, con đường có tác dụng đặc biệt, ghi nhận lại mà thành huyệt (hơi đơn giản quá) 
2. Do tập nội công, những người tập nhiều có thể tự cảm nhận được sự vận hành trong bản thân để dẫn đến kiến thức (hơi khó hiểu với người thường không tập khí công)
3. Do mổ xác tử tù, giống phương Tây, các thầy thuốc tìm ra con đường Kinh mạch bằng kiến thức của họ khi mổ xác người chết. (hơi mơ hồ vì chỉ có một số huyệt trùng với đầu mối và đám rối thần kinh thôi, và cũng chỉ có một số đoạn Kinh Lạc trùng với dây thần kinh hoặc mạch máu thôi)
Người TQ đã phẫu thuật người từ xưa rồi, tuy nhiên không hiểu được như người phương Tây, ví dụ họ cho con người ta suy nghĩ là bằng Tim (tâm).

Việc cảm nhận vũ trụ đặc biệt phát triển ở Tây Tạng, nơi các tu sĩ thường xuyên di chuyển trên các đỉnh núi để tìm đúng vị trí tiếp nhận nguồn năng lượng từ vũ trụ.
(Nếu thích có thể đọc cuốn "Con đường mây trắng" đã in và xuất bản)

----

Thôi, bài sau quay lại Thiên văn nhé.


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Việc tại sao người Trung Hoa cổ đại có thể có những lý thuyết như thế cũng giống câu hỏi: Tại sao có loài người vậy.

Mỗi một giống người, tuỳ thuộc những yếu tố khác nhau mà có những đặc điểm khác nhau.
Người phương Tây có xu thế thích tìm tòi khám phá, mổ xẻ đến chi tiết mọi cái mà họ chưa biết, trong khi đó Phương Đông có xu thế khái quát hoá cái đã biết và thích tìm hiểu chi tiết cái họ đã biết phần nào.
Bởi thế người phương Tây có nhiều phát minh được phát triển rộng rãi
Còn người Trung Hoa thường Bí mật, gia truyền không đưa ra người ngoài.

Tư tưởng Phương Đông mà cụ thể là Trung Hoa (Còn tư tưởng Ấn Độ chưa nói đến) thực ra cũng là khái quát những quan sát.

Theo truyền thuyết thì Phục Hi (3000 trCN) nhìn thấy Rùa đội Hà Đồ và Lạc Thư nổi trên sông Hoàng mà biết đến Âm Dương Bát quái gồm 8 quẻ 3 hào.

Chu Văn Vương (800 trCN) bị giam ở Dữu Lý dựa vào đó mà viết nên Dịch lý, chồng thành 64 quẻ 6 hào.

Khổng Tử (500trCN) chú giải ra thành Kinh Dịch, rồi các đời sau cứ thế viết tiếp chồng thành 4096 quẻ 12 hào...

Vậy rõ ràng Lý thuyết liên quan đến quan sát, kinh nghiệm có tính kế thừa để hoàn chỉnh dần.
Lý thuyết thời Phục Hi (thời chứ không phải một người cụ thể) rất sơ khai chỉ là Âm Dương bát quái, đến Chu Văn Vương cách 2 nghìn năm sau mới tương đối hoàn chỉnh. Khoảng thời gian này đủ cho tư duy con người đạt đến mức độ đó.

Và bởi vì con người là sản phẩm của tự nhiên, tư duy phản ánh tự nhiên cũng phụ thuộc vào tự nhiên.

Trái Đất nơi con người hình thành thể chất và tư duy thật đặc biệt khi chỉ có mỗi một mặt trăng. Thành ra chỉ có mỗi một Vật thể lớn trên bầu trời ban ngày và Ban đêm.
Hơn nữa trục quay lại nghiêng. Nếu không nghiêng thì làm gì có các mùa.

Bởi vì Trái Đất trục nghiêng, nên dễ nhận thấy chu kỳ nóng - lạnh thay đổi mà hình thành khái niệm năm ứng với một vòng quay.
Rồi lại chu kỳ sáng - tối của ngày - đêm.
Nhân loại cũng như các động vật bậc cao đều chỉ có hai giống đực và cái.
....
Những trí tuệ sơ khai chưa nhận thức ra điều đó rõ ràng thì sau nhiều thế hệ, với đặc tính thích khái quát, người Trung Hoa đã sáng tạo ra học thuyết về vũ trụ theo kiểu Âm Dương. Và họ thấy nó có thể giải thích được những điều thắc mắc cần lý giải nên họ ngày càng đào sâu phát triển nó cho thêm hoàn chỉnh.

Nếu nhân loại hình thành trên Sao Hoả, nơi có 2 mặt trăng (vệ tinh) hay Sao Mộc có đến 15 vệ tinh; hoặc trục Trái đất không nghiêng, ở đâu cũng chỉ có một mùa thì chắc là không có thuyết Âm Dương !!!!

Thuyết Ngũ hành có lẽ cũng có từ việc con người có 5 ngón tay. Có thể nói việc có 5 ngón tay ảnh hưởng rất nhiều đến kiến thức Nhân loại. Mọi dân tộc, ngôn ngữ đều chọn 10 làm cơ số.

Thuyết Ngũ hành không khác với phương Tây nhiều lắm.

Xét qua quan điểm của nền Văn minh Hy Lạp:
Thế giới sinh ra từ cõi hỗn mang hư vô Khaôx (tiếng Anh là Chaos - hỗn độn)
Từ Khaôx sinh ra 5 Nguyên LýĐất (Gian - nữ thần Gaia) Bóng tối vĩnh cửu(Erebe) Đêm đen (Nix - tiếng Anh là night và tiếng Pháp là nuightĐịa Ngục (Tartare) và Tình Yêu (Erox - Tình yêu hay là lực để giao hoà các yếu tố khác lại vơi nhau)

Từ sự giao hoà của năm Nguyên lý này mà có Không khí (Eter - tiếng Anh là air) Ánh sáng (Hemere) Ngày (Jour - tiếng Pháp vẫn là jour)
Từ Gian (Gaia) hình thành Bầu trời (Uranox), Núi non (Montane - tiếng Anh mountain, tiếng Pháp Montagne), Gaia với Uranox sinh ra Đại dương (Okeanox - tiếng Anh Ocean), Cronox cai quản bầu trời (sinh ra Dớt - Zeus - tiếng La Mã Jupiter)
(Podeidong - Tiếng La mã Neptun là Thần cai quản các đại dương chứ không phải yếu tố đại dương)

Học thuyết của Platon về cấu tạo thế giới cũng từ năm nguyên tố: Đất, Lửa, Nước, Ánh sáng, Không khí.

Có điều việc phát triển các học thuyết phụ thuộc rất nhiều vào chế độ chính trị.

Pline (TK I CN) đã biết rằng Trái Đất hình tròn khi quan sát tàu biển vào cảng, vậy mà với lý thuyết Kinh Thánh thì con người phải tin là Trái Đất phẳng như cái đĩa đến mười mấy thế kỷ sau
Heron ở Alexandri (Ai Cập ngày nay - 50 Trước CN) đã khám phá ra công dụng của hơi nước cũng như trình bày một kiểu máy hơi nước có cả tay đòn. Chỉ một chút nữa thôi là có máy hơi nước. Thế mà 1700 năm sau cái máy ấy mới thực sự ra đời. Lý do là các vị vua căm ghét khoa học và chỉ mê tín thần thánh cũng như các học thuyết cổ hủ đã xoá bỏ nó.
Cũng như khi các triều đại thay thế nhau thì hay tìm cái mới, lý thuyết mới chứ không thích kế thừa nhiều lắm.

Còn người Trung Hoa vốn không thích cái mới bằng kế thừa cái cũ và đào sâu thêm nó. Vì vậy chỉ có một hai học thuyết chính, đào sâu mãi thì cũng phải có kết quả chứ.


-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Rất cảm ơn các bạn đã quan tâm.
Chitto không phải học về Nhân Văn, mà học về Toán và làm về Toán giống như nhiều người ở đây.

Có lẽ những người học Toán Lý thì hiểu các vấn đề Vật Lý học hiện đại dễ hơn. 

Các tư tưởng Triết học liên quan rất nhiều đến Toán học. Thực ra thuyết Âm Dương có khác nhiều lắm với Toán học đâu?

Nếu nói là huyền bí khó hiểu thì Thuyết Tương đối của Einstein còn khó hiểu gấp ngàn lần.

Một người không quan tâm đến Vật lý hiện đại thì làm sao có thể có khái niệm được về không gian 4 chiều trong đó Thời gian là một chiều.
Nếu chỉ học Nhân văn chắc không thể hiểu nổi khái niệm Nón Thời gian, Kỳ dị của Không gian, lỗ đen, bức xạ, xu thế dịch về phía đỏ, Nguyên lý bất định, phương trình Friedman...
Cho nên các bạn hiểu được các khái niệm đó, hiểu được phương trình vật lý đẹp nhất Thế kỷ 
E = mc2 
(một cách tương đối đủ dùng) thì các bạn còn giỏi hơn nhiều những người thuộc làu Kinh dịch.

Phương Đông huyền bí chẳng qua vì chúng ta không quan tâm đến nó mà thôi. Khi xưa vua Tự Đức tuyên bố làm gì có cái đèn nào treo ngược, ông vua này thấm nhuần Khổng Mạnh lắm nhưng biết quái gì về điện cơ chứ.

Những điều trình bầy ở đây cũng chỉ là nêu ra một cách nhìn về cùng một vấn đề : Vũ trụ quan.

Nếu như Vật lý học hiện đại đi tìm sâu xa về Vi mô và Vĩ mô của Vũ trụ, cuối cùng để làm gì? Để mở rộng tri thức, tư duy con người. Bởi tất cả những cái ta nói là Biết về vũ trụ cũng chỉ là nhận thức thành thông tin trong trí não. Vậy nếu như có một sai lầm trong nhận thức toàn bộ nhân loại thì sao? Nếu có một lực, một phuơng thức nào đó tác động đến trí tuệ nhân loại thì có thể tất cả nhận thức đều sai lầm so với thực tế.

Thực tế là thế nào? Đó cũng là cái được phản ánh vào trí não, nhưng nếu tất cả đều sai thì Thực tế phản ánh trong trí óc có còn là thực tế khách quan ở ngoài không? 

Ví dụ trước kia tất cả đều tin vào "thực tế" là trái đất ở giữa bầu trời, Mặt trời mặt trăng quay quanh... cho đến một ngày kia người ta biết rằng tất cả cái cho là Chân lý thì đều sai bét !!!

Với ba chiều không gian thì Trái đất quay quanh mặt trời, nhưng nhỡ ra trong nhiều chiều khác (Hawking đưa ra 11 chiều cơ mà) thì trái đất lại ở giữa thì sao? Hoá ra Chân lý ta đang tin hiện nay lại cũng không phải là thực tế....

(Nghe chắc trừu tượng khó hiểu quá??? những cái này nhiều khi thuộc về vấn đề Tự nhận thức, nói mãi không hiểu, nhưng đến lúc nào đó ngồi một mình lại bỗng thấy rõ như ban ngày)

Lý thuyết Phương Đông chẳng qua là tư tưởng khái quát những nhận thức mà con người Trung Hoa cho là Chân lý. Cái Chân lý đó hiện nay chưa sai, cũng bởi nó luôn được hoàn chỉnh và người ta dùng những tri thức tiên tiến phù hợp hoá nó mà thôi.
Còn tư tưởng nguyên thuỷ chắc gì đã đúng.
Và nếu tư duy con người phát triển nữa, tìm ra nhiều cái nữa thì có thể nó lại sai, rồi có khi lại đúng !!!

Hà hà.
Thôi những chuyện này nhé.
Lần sau sẽ viết truyện cổ tích. Truyện cổ tích về sự hình thành vũ trụ, theo các nền văn minh khác nhau.



-------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Lý thuyết khởi nguyên Thế giới của người Trung Hoa có một đặc điểm rất tiến bộ đó là : Vạn vật đều do quá trình tự vận động mà hình thành chứ không có Đấng Sáng Thế.

Tư tưởng phương Đông đã tiến rất xa ngay từ đầu khi cho rằng: Tự nhiên là Tối cao Vô thượng, con người chỉ là một sản phẩm của Tự nhiên. Vũ trụ có trước, vật chất có trước, rồi mới hình thành con người, và tư duy con người chỉ là một bộ phận của nhận thức tự nhiên.

Nhiều Tôn giáo và các Lý thuyết về Thế giới khác của phương Tây đều dựa trên một Đấng Tối cao, một Người có trước tất thẩy, sáng tạo ra tất thẩy. Đấng Tối Cao đó không chỉ sáng tạo ra Vật chất để tạo ra Thế giới này mà còn tạo ra Con người.

Tạm dùng một danh từ chung là Thượng Đế để chỉ Đấng đã tạo ra thế giới, và Thượng Đế mang những tên khác nhau trong các nền văn minh khác nhau. (Jehovar, Allah, ReAtoum, Brahma,...) 

Với người Ai Cập cổ đại, giữa cái hoang sơ mênh mông, cái đầm lầy mờ mịt bỗng nhô lên thế giới trên một bông hoa sen màu xanh, như một hòn đảo, và được bao phủ bởi bầu trời. Nhưng cũng chưa có ánh sáng cũng như bất cứ cái gì khác. Rồi bỗng tự sinh ra một vị Thần tối cao - Thượng Đế là ReAtoum, đã bằng cách khạc nhổ mà tạo ra các vật thể của thế giới, núi non đất đai cây cối thú vật... thế giới. Từ vị thần này sinh ra cả các thần khác.

Các thần cai quản thế giới vật chất đó đều sinh ra từ ReAtoum: Chou, Tefnount, Geb, Nout, Osiris, Isis, Seth, Nephthys... cai quản, tượng trưng cho mọi lực lượng, từ mặt trời mặt trăng, các vì sao, dòng sông Nil, lửa, nước, cõi sống và chết.

Người Ai Cập không đi xa hơn để tìm hiểu về thế giới, vì họ theo Đa thần giáo, tin tưởng vào việc các thần làm là điều con người không biết được, không nên biết. Khi con người đang sống, họ chịu sự cai quản của thần Thượng Đế Rea và thần Pha - thần mặt trời. Khi họ chết đi , họ đến thế giới của thần Osirs, Isis, và Anubis.

Thần thánh là tối cao, không nguời nào có hy vọng trở thành thần được, chỉ hi vọng được thần ưu ái. Các vị vua (Pharaon - con thần Pha) là cao nhất trong con người, tuy nhiên vẫn không phải là thần. 


Trong văn minh Hy Lạp, không có Thượng Đế, mà chỉ có Thần vương, vua của các thần, là Dớt (Zeud, tiếng La Mã là Jupiter) - thần dồn mây mù và giáng sấm sét (mưa, yếu tố cơ bản của nông nghiệp) Dớt vì mạnh hơn nên làm vua, nhưng cũng có thể bị thần khác lật đổ, tức là không Tối Cao. Trước đó Dớt cũng đã lật đổ cha mình, và cha Dơt cũng lật đổ ông của Dơt. Không có thần nào là tuyệt đối cả. 

Từ Khaox - Vực thẳm hỗn mang sinh ra 5 Nguyên lý: Gaia, Nix, Erep, Tartar, Eros giao hoà bởi tình yêu Eros mà sinh thành Trời - Uranox, Biển - Pongtox,....và toàn bộ vật chất. Khi đó các thần đẻ ra các thần, và sống như những con người. Thế giới do các thần cai quản, nhưng các thần không sinh ra thế giới, không ai tạo ra thế giới. Các thần có thể vận dụng thế giới, sử dụng các lực lượng vật chất đó vào mục đích của mình mà thôi.

Tuy nhiên vẫn tồn tại khái niệm Tuyệt đối là Số Mệnh.

Và "một hôm" các thần chán với việc sống một mình, đã nặn đất sét, luyện với vàng và sắt để tạo ra con người, toàn những người đàn ông (vì các thần to nhất là đàn ông mà). Những chàng trai khốn khổ này sống vất vả quá, thấy thế thần Promete đã lấy trộm Lửa trao cho loài người.

Để trả thù, Dớt đã sai xiềng Promete, đồng thời sai làm một người khác giống các nữ thần (Bản thân Dớt cũng rất khổ vì bà vợ là nữ thần Hôn nhân và Sinh nở Hera) Người phụ nữ đầu tiên đó là Pangdor, được trao cho người đàn ông hạnh phúc (hay tội nghiệp) đầu tiên là Epimete. Và từ đó giống người sinh sôi nảy nở.

Như vậy con người là một sản phẩm tuỳ hứng của thần thánh. Thần thánh cũng là một giống người cao cấp. 


_______________________________
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Với người Do Thái cổ, Thượng Đế của họ là Chúa Trời (Jehovar - Yahvé trong tiếng Do Thái, tiếng Pháp là Le Dieu, tiếng Anh là The God, the Creator). Khi vào Trung Hoa được gọi làThiên Chúa, sang Việt Nam được gọi là Chúa Lời (tiếng Việt cổ: blời - lời - giời - trời)

Thiên Chúa là vĩnh hằng, một lúc nọ (chả biết là khi nào, và tại sao) bỗng muốn tạo ra "một cái gì đó"

Thế là Chúa Trời bảo "Hãy có mặt đất và trời" thế là có đất, trời, nhưng hỗn độn tối tăm và mênh mông là nước. 

Ngày thứ hai Chúa Trời bảo "Hãy có ánh sáng chiếu sáng mặt đất" Và thế là có mặt trời mặt trăng, các vì sao. Chúa tách ngày ra khỏi đêm, đặt thành các mùa.

Ngày thứ ba Chúa nói "Nước hãy rút đi" và thế là nước rút về chỗ trũng thành biển cả, để lộ các núi non, địa hình. 

Ngày thứ tư Chúa tạo ra các giống cây cỏ. 

Ngày thứ năm Chúa tạo ra các giống thú vật. 

Đến ngày thứ sáu Chúa nặn đất sét thành một người giống hệt Chúa, gọi là Adam và thổi thánh linh thần khí của Chúa vào đó, rồi rút một xương sườn của Adam tạo thành Eva

Ngày thứ bẩy là ngày nghỉ của Thiên Chúa
(Theo Kinh Cựu Ước - Sáng Thế ký)

(Nếu Chúa không nghỉ mà nói thêm vài câu nữa thì chúng ta ngày nay còn có những gì?? chắc có vài trái đất !!!)

Nhưng trước khi có Adam thì đã có Chúa và các Thiên thần rồi!!! Các thiên thần có cánh và cũng "ở đâu đó" như Chúa trước khi có Thế giới.

Theo Cơ Đốc giáo thì Chúa linh thiêng và cao cả hơn hẳn con người, vì Chuá có thể tạo ra tất thẩy. Nhưng thực tế Chúa lại là người, mà lại là người đàn ông, vì Adam giống Chúa, mà Adam là người đàn ông!!! Con người có linh hồn do Chúa ban cho, vậy Chúa cũng có Linh hồn, có điều đó là Linh hồn tối cao. Nhưng như vậy Chúa có đầy đủ thuộc tính của một con người.

Hoá ra Vũ trụ, Thế giới con người chỉ là một sản phẩm từ các "Con người" khác cao cấp hơn. Lý thuyết này rõ ràng là vấp phải sự quẩn quanh. 

Theo Kinh Thánh, Chúa đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy, do đó sau sáu ngày làm việc, con người cũng phải nghỉ vào ngày thứ bẩy - ta gọi là Chúa nhật hay Chủ nhật (chữ Chúa và Chủ trong tiếng Hán viết giống nhau) nhờ đó mà ngày nay ta mới có nghỉ ngày thứ bẩy. Tuy nhiên lại tạo ra một cơ số rất lẻ trong thời gian.

Khi tôn giáo của người Do Thái cổ được Chúa Giêsu rao giảng, bộ kinh trên trở thành Cựu Ước, và Thiên Chúa có thêm tên gọi là Chúa Cha (bên cạnh là Chúa Con - Giêsu và Chúa Thánh thần - thánh linh thần khí Thiên Chúa ở mọi nơi)

Nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần , Amen
(Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa thánh thần, xin cúi đầu)


Người Hồi giáo "mượn" lý thuyết của người Cơ Đốc, mỗi tội gọi không gọi Thượng Đế là Chúa Trời mà là Đấng Allah, còn cũng có Adam, Eva, Đấng Allah cũng tạo ra thế giới trong 6 ngày..... không khác gì.

Có câu chuyện vui rằng có một người đã từng hỏi một thầy tu: Trước khi tạo ra thế giới thì Chúa làm gì?
Thầy tu bí quá không trả lời được bèn bảo: Khi đó Chúa tạo ra địa ngục để dành cho những kẻ đặt ra những câu hỏi như vậy!!!
Người đó không dám hỏi nữa.
Nhưng nếu có ai đó lại hỏi: trước khi tạo ra Địa ngục thì Chúa làm gì? - thì chết ông thầy tu.
Và khi đó các Thiên thần cũng như Chúa đứng ở đâu khi chưa có bầu trời, chưa có các vì sao, chưa có các đám mây và mặt đất? 

Khi thuyết Vụ nổ lớn Big Bang ra đời, Toà Thánh và Giáo hoàng Jean Paul II đã lập tức tuyên bố đó là khi Thiên Chúa sáng thế, và Vụ co lớn Big Crounch chính là ngày Tận thế.

(Cũng nên biết rằng đến tận thập kỷ 90 của thế kỷ 20 - năm 1994 nếu không nhầm - Toà Thánh mới tuyên bố rằng Gallileo Gallile là vô tội)


_______________________________
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Trả lời riêng nvl về bài viết "Thuyết Ngũ hành là sai lầm, chỉ có Dịch Lý mới đúng"

Không biết bạn đã đọc kỹ bài đó chưa và suy nghĩ thế nào?
Bài viết đó tác giả đã cho Dịch lý là đúng, và dựa vào đó thì thuyết Ngũ hành là sai vì nhiều lý do.
Chitto không muốn viết dài ở đây, vì đây là box Thiên Văn. Tuy nhiên trình bày ý kiến một chút

Thuyết nào cũng chỉ là thuyết, Ngũ hành hay Dịch lý cũng chỉ là một cách nhìn về Thế giới, nên sai hay đúng cũng là tương đối, sai cũng là điều có thể khi nhận thức và tư duy thay đổi.
Còn các lý thuyết không tương đồng là điều hiển nhiên.

Theo ý kiến riêng của Chitto, tác giả đã đi sai con đường của Phương Đông khi áp dụng tư duy phương Tây vào Ngũ hành và Dịch lý. Bản thân Phương Đông là sự khái quát và trừu tượng, còn tác giả lại tách riêng các nguyên lý, trở thành tư duy Siêu hình.

Phải hiểu rằng Kim không nhất thiết là kim loại, Mộc không có nghĩa chỉ là cây cối, Thuỷ không có nghĩa là nước...đơn thuần với nghĩa chúng ta cảm nhận. Màu của hành Thuỷ là đen, nhưng nước trong suốt chứ có đen đâu? Màu của hành Hoả là đỏ, nhưng thực ra nhìn lửa thấy vàng chứ có đỏ đâu? ...Sao Thuỷ không có màu của hành Thuỷ...Vậy nhưng tác giả đã nhất thiết phải cho các hành trong ngũ hành theo đúng từ ngữ mà nó đề cập, nên đã quá tách biệt và cụ thể hoá mà bỏ qua tính khái quát của Ngũ hành.

Bên cạnh đó tác giả lại phân tích tính không đối xứng của số 5. Tại sao không đối xứng, là vì tác giả so sánh Dịch và Ngũ hành, thì tất nhiên một bên số chẵn một bên lẻ làm sao khớp nhau được. Cố tình áp đặt thì khập khiễng là tất nhiên. Tác giả đã coi Dịch lý là Chân lý tối cao nên cái gì khác Dịch lý đều coi là sai. Nhưng Dịch lý chắc gì đã đúng?

Nếu lấy Dịch lý làm chuẩn, cơ số chân lý là 2 ( 21, 22, .....2n) thì chắc là phải bác bỏ bao nhiêu khoa học khác, ví dụ thời gian: tuần có cơ số 7, giờ, phút, giây, năm có cơ số 12, hệ đếm có cơ số 10...

Điều cơ bản là tiếp nhận cách nhìn khoa học và kết hợp nó trong các mối quan hệ tổng hoà.
Mọi sai đúng đều là tương đối theo tư duy nhất định.


_______________________________
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Được sửa chữa bởi - chitto vào 02/06/2002 15:02


Tư tưởng của người Ấn Độ (cũng là phương Đông) bao hàm cả thuyết duy vật và thần thánh.

Khởi thuỷ của Vũ trụ là Hư không, khi đó chỉ có bóng tối vô cùng, hỗn mang thăm thẳm. Khi đó không có gì, cả Cái Tồn Tại (Hữu thể, Thực hữu, Thực tại, tiếng Phạn là Sat) và Cái Không Tồn Tại (Phi thể, Vô hữu, Phi thực, Asat) đều chưa có và đều hỗn độn.

Ban đầu là Cái Tồn Tại tách khỏi Cái Không Tồn Tại. Cái tồn tại là thế giới của Người, Thần thánh..., của Sự sống.
Cái Không Tồn Tại là thế giới yêu ma, của cái chết, thế giới bên kia.
(Có phần giống Dương và Âm, thế gian và cõi âm)

Khi đó giữa Cõi Tồn Tại sinh ra một Đấng Vô thượng Tối cao, một Thượng Đế là Demo (hoặc Ishvara), một đấng (người) không phải nam cũng không phải nữ, vô hình vô ảnh, chỉ là một Thực thể sống sáng loà, là chủ của mọi vật trong Cõi Thực tại.

Thượng Đế đó không tồn tại lâu mà tách thành Ba vị thần Tối cao (ba lực lượng lớn nhất của Vũ trụ) của người theo đạo Hindu (ba vị này là đàn ông)

1. Brahma : (Phạm Thiên) Thần Sáng tạo, đây là lực lượng tạo ra mọi sự, mọi vật sinh ra đều có hình ảnh của vị thần này. Màu đặc trưng của Thần là màu Đỏ. Thần là hiện thân của Đấng Sáng thế Ishvara.

2. Vishnu : (Tỳ Nữu) Thần Bảo vệ, Thần Tồn tại, bảo toàn cho sự sống, sự tồn tại của vạn vật, màu đặc trưng là màu Trắng. Đây là vị thần hiền từ và nhân ái nhất, được ngưỡng mộ nhất.

3. Shiva: (Phù Hộ) Thần Huỷ diệt, là Thần đem đến sự tận diệt cho mọi sự. Thần đặc trưng bởi màu Đen. Tuy nhiên Thần cũng sinh sôi, thần có vợ là Shakti (có đầu voi và 6 tay). Người theo đạo Hindu thờ kính vị thần này nhất, bởi lại Shiva lại là thần sinh ra các thần, sinh ra các yếu tố vật chất theo lệnh của Brahma, đồng thời kính sợ bởi tính huỷ diệt của Thần, nếu Thần phù hộ thì sẽ không bao giờ bị huỷ hoại, ngược lại nếu thần tức giận thì... đi tong.

Như vậy từ Thượng Đế - Quy luật tối cao đã hình thành các yếu tố cấu thành về mặt vận động của vật chất.

Còn Vật chất, khi cái Tồn Tại xuất hiện thì cũng xuất hiện Trời và Đất, là hai thực thể lớn. Trời đất giao hoà sinh ra Indra, làm Thần vươnggiữa trời và đất.

Bỏ qua tính mê tín, thì cũng có thể thấy rõ tính nhận thức của người Ấn Độ về sự vận động. Dù sự vận động đó nằm trong tay ba vị thần (con người) nhưng bản thân các thần cũng phải đấu tranh với những thế lực từ Cõi Không Tồn Tại, để giữ cho Vũ trụ được cân bằng.

Nếu Cái Tồn tại mạnh hơn Cái Không tồn tại, thì thế giới này còn bình yên.
Khi Cái Không tồn tại mạnh hơn, thế giới sẽ nguy khốn.


-------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Đến khi Phật giáo ra đời, tư tưởng khái quát và khoa học hơn tuy nhiên cũng trừu tượng khó hiểu hơn.
(Phật giáo ra đời sau Ấn Độ giáo nhiều, và kế thừa nhiều lý thuyết của Ấn Độ giáo)

Phật giáo gọi Sat là SắcAsat là Vô Sắc, và thêm Không giới. Sắc giới và Vô sắc giới cùng với Không giới tạo thành Tam giới, là căn bản của thế giới. 

Phật giáo không công nhận có Thượng Đế sáng tạo, mà tất cả là một chu kỳ khép kín vô cùng vô tận (Luân hồi). Tất cả đều theo Thành - trụ - hoại - không (với Vũ trụ) hay sinh - lão - bệnh - tử (Con người), sinh - trụ - dị - diệt (sự vật) mà vận động. 
Không có bắt đầu và không có kết thúc. Không có con người nào cao quý hơn ngưòi khác, vì vậy không thể có thần thánh. Không có người nào thiện hay ác hơn người nào trong bản chất, chỉ có người có hành vi tốt hơn, thiện hơn người khác thôi. 
Phật không có nghĩa là thần thánh hay có quyền lực với thế giới. Phật là bậc Giác hạnh viên mãn, tức là cao hơn Giác ngộ và Giác tha.

Sắc giới là nơi của con người đang sống, của những sự kiện cảm nhận được.

Vô sắc giới là nơi của linh hồn, nơi cuộc sống luân hồi

Không giới là chốn không có cả Sắc lẫn Vô sắc, là tận cùng của cảm nhận, khi con người không còn cảm nhận. Không, có ngay trong lòng Sắc, mà Sắc cũng hiện hữu trong Không. Khi tư duy thấu hiểu thì khi đang là Sắc mà cũng là Không.

(Sắc sắc không không, trong Không có Sắc, trong Sắc có Không - có phần khác và khó hiểu hơn nhiều thuyết trong Dương có Âm trong Âm có Dương của Trung Hoa)

Một tư tưởng tiến bộ là thuyết Nhân quả: không có sự kiện, sự tồn tại nào là tách biệt, độc lập hoàn toàn với tất cả các yếu tố khác. Một sự kiện xảy ra đều là Quả của những sự kiện khác (trước đó), và là Nhân của nhiều điều (sau đó). Tính duy vật lịch sử khá rõ. Sự vận động không thể tự nó sinh ra mà phải có những lực tác động, khiến nó thay đổi, và khi nó thay đổi thì cũng có thể dẫn đến những hậu quả khác.

Thế giới, theo Phật giáo, là vô cùng vô tận, không bao giờ có giới hạn. Thời gian và vận động là vô cùng vô tận.

Phật nói có Tam thiên (ba ngàn) Thế giới, ngoài Vũ trụ này còn vô số vũ trụ khác, trong thế giới này chứa đựng thế giới khác. Vũ trụ vận động xoay vòng, hết vũ trụ này sang vũ trụ khác, đều thuộc Sắc giới và Vô sắc giới. Chỉ có Không mới ra ngoài thế giới.

Chiều quay ngược chiều kim đồng hồ là chiều quay của Vũ trụ, vì vậy biểu tượng của Phật giáo là chữ thập ngoặc gốm 4 cánh tượng trưng cho 4 giai đoạn của Chu kỳ Luân hồi quay ngược chiều kim đồng hồ.

Tuy nhiên tư tưởng Phật giáo mang tính Siêu hình nhiều hơn khi coi nhận thức của con ngưòi về thế giới là Vô minh, Ảo giả. Các lý thuyết chủ yếu đi sâu về Nhân sinh quan chứ không nhiều về Vũ trụ quan.


-------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Nếu nói rằng người phương Đông dùng nó để coi bói "nhiều hơn" thì hoàn toàn không chính xác.
Nếu ta biết rằng đó là một cách nhìn tổng thể toàn diện, thì với mọi thứ, nó đều áp dụng được.
Trong đó coi bói (nhìn về tương lai) chỉ là một bộ phận rất nhỏ của cái tổng quan đó.

Lý thuyết phương Đông là Vũ Trụ quan và Nhân sinh quan. Tức là rộng hơn rất nhiều. Dựa vào đó người ta giải thích mọi hiện tượng trong tự nhiên, ngay cả thời gian. Và còn giải thích cả về con người nữa. Hành vi, ứng xử, tâm lý, đều giải thích bởi lý thuyết đó.

Nếu bạn nào đọc Kinh Dịch thì có thể thấy đấy còn là một lý thuyết về Luân Lý và Chân Lý, con đường để dẫn tới sự hoàn thiện.

Tất nhiên đó là lý thuyết, học thuyết, một cách nhìn nhận và giải thích. Còn nó đúng sai đến mức nào thì tuỳ thuộc quan điểm, cách nhìn nhận của từng người, từng nền văn hoá.

Bạn thấy rằng nhiều người đã coi bói dựa trên cơ sở lý thuyết này và đã đạt được những thành tựu nhất định. Coi bói là một lĩnh vực thuộc loại huyền bí nhất, mà vẫn có thành tựu, thì trong lính vực ít huyền bí hơn chắc chắn sẽ càng có thể thu được những thành quả lớn hơn.

Trong thời gian quá dài chúng ta đã hoàn toàn chỉ dựa trên lý thuyết của Mác Lênin vào Vũ trụ quan mà quên mất một lý thuyết rất khoa học, thậm chí không biết đến. Vì thế mới nghĩ rằng nó "Chỉ dùng để coi bói". Còn nếu nhìn rộng ra thì ở VN nói riêng và các nước Hán hoá nói chung trong hàng nghìn năm qua, mọi mặt của đời sống đều có sự can thiệp của lý thuyết này. 


-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Về chuyện Kỳ môn Độn giáp thì thật khó mà xác định có được bao nhiêu % sự thực.
Các truyện mang tính thần thoại hay truyện chưởng rất hay có môn này, nên dựa vào đó không tin được.

Còn Tam quốc diễn nghĩa cũng 7 thực 3 hư, nên cũng không nên tin hoàn toàn.

Tuy vậy có quá nhiều điều trong tự nhiên mà con người chưa giải thích được. Bản thân Chitto cũng đã một lần gặp hiện tượng kỳ lạ trong rừng. Lần đấy đi 10 người mà có một sự lẫn đường không thể chấp nhận được. Không chỉ thế, mà còn không thể giải thích được tại sao lại có sự nhầm lẫn đó, ngay cả bằng sự giải thích logic nhất.

Lần đó 10 người đã phải chấp nhận đó là một bí mật không giải thích được. Khi ra khỏi rừng, hỏi một ông bộ đội, ông bảo rằng "Chuyện như vậy trong rừng có thể xảy ra, nhưng cũng không giải thích được".

Tất nhiên đó là trong rừng, nên sẽ có những điều không suy luận thông thường được. Nhưng từ đó suy rộng ra, có thể thấy trong một số trường hợp địa hình, thời gian, ánh sáng nào đó, có thể gây đến những sự nhầm lẫn về định hướng, ước lượng khoảng cách... không chỉ cho một mà thậm chí một số đông người.

Việc lập Thạch trận, thực ra nhiều sách đã tìm cách giải thích. Chuyện Rút đất cũng vậy, một phần mang tính huyền bí, một phần có thể do thời gian đó đã biết lợi dụng một số địa hình phức tạp, trong thời gian và không gian cụ thể có thể gây ảo giác, bên cạnh chuyện xây dựng một mê cung.

Hơn nữa, sự thực là ông Bùi Long Thành có thể làm hàng trăm người chuyển biến trạng thái tâm lý, lý trí mạnh mẽ, thì cũng rất có thể có những người có khả năng lớn hơn, gây tác động xa hơn, nhưng cũng không thể làm mãi mãi được.

Chuyện "đối thủ đuổi mãi, ta vẫn đi thong thả mà địch không đuổi được" không phải chỉ ở Tam quốc, mà trong sách Phật cũng đã nói đến chuyện đó. Việc này mang nhiều tính huyền bí và chưa có thực chứng. Nhưng nếu có thì cũng có thể quan sát dưới khía cạnh Khinh công - một khả năng có thật.

Nói chung, vấn đề này giải thích theo Đông phương cũng vẫn là huyền bí. Người ta cho rằng chính sự chuyển dịch Âm Dương, của các quẻ có thể làm chuyển dịch không chỉ vật thể mà còn chuyển biến cả sự nhận thức của con người. Trong các quẻ, có quẻ tĩnh và quẻ động, âm thành dương và ngược lại. Nếu sự chuyển dịch đó đối phương không biết thì không thể phá được.
Do đó chỉ cần chuyển một hòn đá cũng làm tất cả vận động thay đổi.

Chỉ có điều ai là người có thể chuyển dịch được Âm Dương, khi đó là một thuộc tính tự nhiên khách quan, thì cũng thật là khó tin. 
Nếu ai đọc quyển "Khổng Minh" thì thấy được những điều mà La Quán Trung tôn vinh ông thì quá nửa là Hư cấu.


-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Về chuyện lạc trong rừng thì cũng không hẳn như Kankulli nói, vì 10 người bạn của Chitto đều đã suy luận như vậy nhưng không đúng. Nhưng đó không phải là vấn đề ở đây.

Vấn đề chịu sự ảnh hưởng của Vũ trụ thì phương Đông có lẽ đã đi trước phương Tây rất nhiều.
Một trong những biểu hiện đó là Phong thuỷ (sẽ nói sau). Nhưng phong thuỷ mới chỉ là mức thấp, chọn nơi phù hợp với các luồng nước, hướng gió, thế đất...

Cảm ứng điện từ - đó là cách gọi của phương Tây về vấn đề này. Nhưng nên nhớ đó là cách nhìn của phương Tây - hay nói khác đi là Khoa học hiện đại đang cố giải thích, mà những điều này được phương Đông giải thích đã rất lâu rồi bằng lý thuyết của mình. 

Thật lạ, là những khoa học ra đời sau lại cố giải thích cho khoa học ra đời đã lâu (nhưng khoa học hiện đại không chấp nhận).

Vũ trụ - Đại thiên Vũ trụ - là tổng hoà Âm Dương. Con người - Tiểu thiên Vũ trụ - cũng là tổng hoà âm dương, và liên hệ mật thiết (cái này đã nói ở những bài trên), bởi thế việc thay đổi yếu tố Âm dương trong ngoại cảnh có thể tác động đến con người.

Tây Tạng - nền văn hoá giao hoà của Phật giáo Ấn độ và Trung hoa có lý thuyết rất sâu về Vũ trụ tuyến. Nếu đọc "Hành trình về phương Đông" hoặc "Con đường mây trắng" (đã xuất bản), thì thấy nói rất rõ về điều này.
Người phương Đông tin rằng có những Vũ trụ tuyến mang một năng lượng đặc biệt chiếu từ vũ trụ xuống trái đất. Nếu con người có đủ khả năng lãnh hội được năng lượng này thì rất tốt. Ngược lại, không đủ khả năng mà cố thì sẽ chỉ làm tổn hại. Mục đích của lãnh hội lại rất đơn giản : Để hoà nhập và thấu hiểu thiên nhiên, trở thành một phần của thiên nhiên, làm sao cho tổng hoà Âm dương trong cơ thể gần hơn với Vũ trụ.

Nhưng vũ trụ tuyến thay đổi rất nhanh, chỉ rất ít người có khả năng biết được nó sẽ chiếu xuống đâu, lúc nào. Những nơi đó tu sĩ Tây Tạng thường lập các đàn tràng Mạn Đà la để cảm ứng và tiếp nhận nó. Khi đã hoà nhập với Vũ trụ thì mới khai mở được các khả năng và tâm linh của con người.

Nhưng đó là tự mình nhận các tác động từ Vũ trụ. Còn việc lôi kéo người khác vào thì thật khó làm được.
Khổng Minh có thể cảm nhận những điều đó rất rõ, nhưng lôi được đoàn quân hàng vạn của Lục Tốn vào thì hơi khó, vì lám sao biết trước được thời gian Lục Tốn sẽ đến đó?
Trừ khi nơi đó luôn luôn chịu ảnh hưởng rất mạnh từ vũ trụ. Nhưng cũng không phải, vì rõ ràng có rất nhiều người đi qua đó mà chẳng làm sao.
Hoặc giả khi có đông người thì các hiệu ứng mới phát sinh? Nói chung đó là chuyện tương đối hư cấu.



-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Quan niệm về sự hình thành Vũ trụ của Trung Hoa:

Số của trời đất, 129.600 năm gọi là một Nguyên, chia làm 12 Hội: Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, mỗi Hội là 10.800 năm.

Khi đó vào cuối hội Tuất là lúc tất cả tối tăm mờ mịt (Hư vô). 
Sang đến hội Hợi tất cả còn hỗn độn, tuy đã có Thái Cực nhưng vẫn còn hỗn độn chưa phân chia. Trải 5400 năm, hội Hợi sắp hết quay lại từ đầu, chuyển sang hội Tý, mới dần dần tách biệt Lưỡng Nghi.

Sang hội Tý, trời đất bắt đầu có rễ, Âm Dương giao hoà thành gốc của vạn vật. Trải 5400 năm, đúng giữa hội Tý, những thứ nhẹ trong bay lên thành Trời, tạo ra Nhật Nguyệt Tinh Thần tức là Tứ Tượng. Cho nên nói Trời (Càn) mở ở Tý.

Trải qua 5400, hội Tý sắp hết, dần sang hội Sửu, đất dần dần ngưng kết. Lại trải qua 5400 năm, đúng giữa hội Sửu, những thứ nặng đục ngưng xuống tạo ra Nước, Lửa, Núi, Đá, Đấtgọi là Ngũ hình (năm hình thái mặt đất - khác thuyết Ngũ hành mãi về sau mới có), cho nên nói Đất (Khôn) mở ở Sửu. 

Lúc này giao hoà Âm Dương mà sinh ra Bát quái: 
Càn - Trời; Khảm - Nước; Cấn - Núi; Chấn - Sấm; Tốn - Gió, Ly - Lửa; Khôn - Đất; Đoài - Đầm.

Lại qua 5400 năm, đúng vào hội Dần, sinh Người, sinh Thú, sinh Chim, gọi là Tam Tài. Cho nên nói Người sinh ra ở Dần.
Người đầu tiên đó là Phục Hi và Nữ Oa (Vô thượng Nhân tổ phụ và Nhân tổ mẫu), hai con người do Âm Dương giao hoà mà thành.

Có thuyết nói đó là Bàn Cổ và Nữ Oa. Còn Bàn Cổ có phải là thuộc họ Phục Hi không thì Chitto cũng không rõ.

Vậy các thần thánh của người Trung Hoa là ai, đó là các Con người, con người xương thịt bình thường, nhưng do quá trình tu luyện (luyện tập) mà có những khả năng phi thường có thể chế ngự thiên nhiên và cai quản thiên nhiên.

Ngọc Hoàng Thượng Đế - ông vua của Thiên đình chẳng qua là một ngươi đã tu hành rất nhiều kiếp nên có thể có khả năng lên Thiên đình. Ngọc Hoàng cũng sẽ bị đánh bại, có thể bị thương tổn vì ông ta là một sản phẩm của tự nhiên. Ngọc Hoàng còn có sau Phục Hi và như vậy càng có sau tự nhiên, tuy nhiên có khả năng điều khiển tự nhiên.

Rõ ràng những con số về thời gian đưa ra là quá ngắn so với thực tế, nhưng cũng đã thể hiện được tư tưởng rõ ràng về tự nhiên, về vũ trụ của người Phương Đông. Tư tưởng này đã hoàn toàn phủ nhận lý thuyết Sáng Tạo thế giới của Thiên Chúa. (Thiên Chúa tạo Vũ trụ có 6 ngày!!!)
Con người là một sản phẩm của Tự nhiên chứ không phải Tự nhiên là sản phẩm của con người.
Vũ trụ đã tạo ra con người (Sự sống) chứ không phải Con người tạo ra Vũ trụ.

Hơn nữa trong lý thuyết trên có một điểm rất mở: Đó là trước khi có Vũ trụ (hội Tý) thì đã có ít nhất là một Nguyên trước đó. Hay nói khác đi là người Trung Hoa cũng đã có nhận thức rằng: trước khi có Vũ trụ thì là cái gì? Vì vậy trong trục thời gian của Lý thuyết ấy cũng đã để trống một chỗ cho những sự kiện trước khi có Thái Cực. Họ chỉ nêu ra giả thuyết của họ từ khi có Vũ trụ mà thôi, còn trước đó là hàng bao nhiêu Nguyên, bao nhiêu Hội thì không nhận thức được.


-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Trích:
lúc viết Xem bài viết

Xin sửu chữa lai vài điều mà CHITTO đưa ra
Thiên hệ từ tring chu dịch nói rằng:" thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ trượng , tứ trượng sinh bát quái"

Nói theo chitti là hư vô sinh thái cực thật là vô lí hết sức, cái không làm sao sinh ra cái có được, ngay cả cái chân không trong vật lí hiện đại cũng chứa vô số hạt chuyển hoá lẫn nhau kia mà.


Tôi có cảm tưởng bạn mới chỉ đọc qua một lần bài viết đầu tiên rồi viết, nên có phần vội vàng.
Trước hết bạn nên sửa các lỗi chính tả đã. Từ tiểu thiên vũ trụ rồi bàn đến Đại thiên sau.

Có lẽ tôi hơi kém hiểu biết nên không hiểu bài viết của bạn để sửa chữa cái gì?
Cái khác duy nhất là quan niệm không có Hư vô?

Bài viết của tôi không phải là lý thuyết của tôi, mà là lý thuyết của phương Đông. Vì vậy bạn đừng nói là Chitto vô lý(không phải Chitti đâu). Tôi chỉ là người chuyển giao lại cái ý niệm của tiền nhân, và hoà nó vào trong khoa học và cách nhìn nhận hiện đại thôi. Nếu bạn có hứng thú, ta cùng tranh luận về quan điểm này.

Tôi làm một ánh xạ từ tư duy phương Đông sang lý thuyết phương Tây, còn hình như bạn làm ngược lại? Bạn dùng tư duy phương Tây để mổ xẻ phương Đông?

Nên nhớ rằng đây chỉ đều là Lý thuyết, việc kiểm chứng chắc còn cần rất nhiều thời gian để xem xét.
Thuyết Bigbang, Thuyết Tương đối, Thuyết tiến hoá,.... đều chỉ là Thuyết, là tư duy trừu tượng, chuẩn tắc, và con người còn đang đi tìm hiểu xem liệu thuyết đó có đúng không, tức là thực chứng, chứ đó chưa phải là Chân lý.
Không ai gọi là Định luật tương đối, Chân lý Bigbang cả.

Trong topic này tôi không chỉ đề cập đến lý thuyết Dịch học mà cả Ngũ hành, một chút Phật giáo, một chút Ấn giáo, và tôi cũng không coi cái nào hoàn toàn là chân lý cả.

Cho nên Tư duy phương Đông chẳng qua cũng chỉ là một thuyết. Việc thuyết đó có vô lý hay không, chấp nhận được hay không còn tuỳ vào cách nhìn và trình độ hiểu biết của mỗi người.



-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Tư duy phương Đông mang tính kế thừa truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác để hoàn chỉnh hơn.
Chỉ xét tại một thời điểm thì chưa nêu hết được kết quả của nó.

Vũ trụ quan Trung Hoa thời thượng cổ cho đến cổ đại, hay lý thuyết từ thời đại Phục Hi cho đến Xuân Thu, là Nhị nguyên, chỉ có Âm Dương.
Quan niệm thời đó là Vũ trụ cấu thành bởi Âm và Dương, cụ thể là Càn và Khôn, tức Trời và Đất. Quan điểm này không khác gì vô số tôn giáo và tư duy cổ đại của các dân tộc, nền văn minh khác.
Càn tượng trưng cho Dương, Khôn tượng trưng cho Âm. Càn làm chủ, tác động, lúc mới đầu, Khôn làm ngưng kết và thành vật. Vạn vật khởi sinh từ giao hoà Âm Dương.
Lúc này chưa có khái niệm Thái Cực.

Qua đến thời Chiến quốc cho đến Hán, theo Hệ từ Thượng truyện trong Kinh Dịch, hình thành khái niệm Thái Cực, là nguồn gốc vũ trụ. 
Thái Cực có nghĩa là cao hơn hết, lớn hơn hết, trước hết tất cả. Thái Cực là khí tiên thiên linh căn bất sinh bất diệt, huyền diệu trong đó tiềm phục hai yếu tố Âm Dượng.
Vũ trụ quan trở thành Nhất nguyên : Một nguồn gốc. Ta có thể tạm coi nó tương ứng với Bigbang.
Như vậy từ một điểm, từ Một bản thể Có là nguồn Hai bản thể, sinh ra vô cùng vô tận.

Quan điểm Dịch học này tương đối hoàn chỉnh, nhưng các triết gia cổ đại khi so sánh với học thuyết Đạo giáo của Lão tử thì có một chỗ chưa thống nhất.
Đạo Đức kinh của Lão tử cho nguồn gốc Vũ trụ là từ ĐạoĐạo sinh Một, Một sinh Hai, sinh ra vạn vật.
Hai trong Đạo đức Kinh chính là Lưỡng nghi, Âm dương.
Như thế Một là cái bản thể , tức là Thái Cực.
Vậy thì trước Thái Cực còn là Đạo.
Đạo Giáo hiểu chữ Đạo theo nghĩa Vô vi, là Không
Từ Không mới sinh ra , từ  mới sinh ra Âm Dương, rồi vạn vật.

Dung hoà lại, Chu Đôn Hi đời Tống nêu lý thuyết Vô Cực.
Từ Vô Cực (Hư Vô) sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng....
Từ Không rồi mới đến Có.

Và cho đến nay đã một nghìn năm, lý thuyết này vẫn được chấp nhận.


-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Quay lại với lý thuyết hiện đại.

Bạn Dacthang cho rằng lý thuyết Không sinh Có là vô lý, không thể chấp nhận được, và nói rằng trong Chân không vẫn có các hạt, các sóng... Như vậy bạn đã nhầm.

Chân không vẫn chính là vật chất, vẫn là tổng hoà âm dương, vẫn có nguồn từ cái Có.
Chân không thực ra đâu phải là Không, mà là hữu thể, là vật chất rồi.
Ta còn tư duy và còn nhận thức được về nó, thì nó hiển nhiên là tồn tại trong không gian, trong thời gian, là sự hình thành từ sau Thái Cực. Chân không không phải Hư vô.

Bạn nói "Cái không sinh ra cái Có". Nếu đã là "cái Không", thì tức là có bản thể rồi. Không (hay Vô Cực, Hư vô hay Không có) là khác với Cái Không. Cái Không và Cái Có nhiều khi có thể hiểu là Âm Dương, hai mặt đối lập. Nhưng Không hay Hư vô thì không có cả Âm Dương.

Phật Giáo phân biệt ra Sắc giới, Vô sắc giới, và Không giới.

Nếu chấp nhận lý thuyết Bigbang (hiện tại vẫn phải chấp nhận nó thôi), từ cách đây 13,7 tỉ năm (không chính xác).
Tại điểm thời gian 0, khi xảy ra Bigbang, thì Vũ trụ đang chính là Thái Cực.
Nhưng khác với lúc đó, mà không phải đi theo trục thời gian (+) để đến thời điểm này, thì Vũ trụ có không?
"Trước" Bigbang, thì chưa hình thành vũ trụ. (Tạm dùng là trước bởi không có từ khác diễn tả) Vậy lúc đó sẽ là cái mà TQ gọi là Vô Cực, Hư vô. Chính sau Vô Cực này mới đến Thái Cực - Bigbang.
Đó là "nơi" "lúc" mà ngay cả thời gian, không gian không tồn tại, và tư duy con người chỉ nhận thức về nó chứ không phản ánh được gì hết.

Tất nhiên việc áp đặt là không thể trùng khớp và khập khiễng. Nhưng tư duy đó cũng đâu phải là không đáng để xem xét.
Tư duy về cõi Không, Vô Cực, Hư vô là một điểm rất quan trọng trong Đạo Lão, Đạo Phật.


-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Bài này là ý nghĩ của tôi về Không - CóCái không - Cái có, và không, cũng như Hư vô, Vô cực.

Như bài trước tôi đã viết rõ, sự phân biệt (của tôi) về Không - không - Cái không. Tôi tạm thời viết hoa chữ Cái Không và Cái Có để dễ phân biệt trong bài viết.

Cái không, một khi đã có từ Cái, tức đã là một thứ mang tính phản ánh được, nhận thức được, nhưng nó không có một hoặc một số tính chất nào đó. Cái Không, hay rõ hơn là Cái Không Có, là ngược lại với Cái Có, nhưng cả hai đều thuộc về những thứ mà tư duy nhận thức, phản ánh và suy diễn, tập hợp được. 

không - viết thường - là một từ thông thường dùng trong ngôn ngữ, (zero, not, no, nill, none)

Còn Không (viết hoa) - theo tôi - là một khái niệm, một phạm trù khác, thuộc về trừu tượng. Không, mang nghĩa không có Cái Có cũng không có Cái Không Có, không phản ánh cụ thể trực giác vào nhận thức con người.

Nếu hỏi một người : Anh có tiền không?
Người đó nói : Tôi không có tiền - anh ta có một Cái Không.

Nhưng nếu đó là một người tiền sử, còn chưa hề biết tiền là cái gì, thì anh ta không thể trả lời được, bởi anh ta không biết tiền là cái gì nên làm sao biết được là mình có hay không có?
Đó là một hình ảnh đơn giản của Không.

Vì khái niệm trên nên tôi nói rằng "Cái Không và Cái Có nhiều lúc có thể coi là biểu hiện của Âm và Dương", bởi Cái Không và Cái Có là biểu hiện ra việc có và không có một thuộc tính nào đó. Tôi không có thuộc tính Nữ, đối với tính Nữ giới, tôi là một hình ảnh của Cái Không. Và tôi là nam, tôi là một hình ảnh của Cái Có đối với thuộc tính Nam. 
Tôi không hề đồng nhất Cái Không và Cái Có với Âm và Dương, mà tìm sự tương hợp giữa chúng. Tôi không vơ đũa cả nắm, và chắc cũng không tư duy đến mức vô lý không thể chấp nhận được.
(Xin lỗi Dacthang, nhưng khi tranh luận bạn không nên dùng những cách nói võ đoán như trên khi bạn chưa đọc kĩ cũng như chưa hiểu được ý người viết)


Nhận thức con người càng ngày càng tăng, thì càng nhiều Cái Không và Cái Có hình được biết đến, nhưng Không không vì thế giảm bớt mà ngược lại, càng nhiều thêm.

Thời cổ đại, khi không phản ánh và nhận thức được về không khí, người ta nghĩ rằng chỗ "trống rỗng" thì không có gì hết.
Vì thế mới gọi là không khí, không trung, và cho đó là một hình ảnh của Không.

Nhưng khi hiểu biết hơn, người ta biết rằng nơi đó vẫn tràn ngập những vật chất, và rõ ràng con người cảm nhận được, phản ánh được. Không khí lại mang thuộc tính  mất rồi. Nó chỉ là một Cái Không đối với mắt, mũi, chứ vẫn là Cái Có đối với tai, tay, và tư duy.
Lúc đó, người ta nghĩ nơi không có cả không khí thì chắc là không có cái gì khác, và cho rằng đó thực sự là nơi của Không, nên gọi là Chân không (thực sự là Không).

Nhưng đến nay, ta lại biết rằng ngay cả cái Chân Không thì cũng không phải là Không. Nó có thể là một Cái Không đối với các giác quan, với nhìn, với nghe, với ngửi, với nếm. Ta nói : Không có gì hết, không mùi vị, không nghe được, không nhìn được.....nhưng vẫn không phải là Không, bởi như Dacthang nói, nó vẫn chứa vô số yếu tố, và quan trọng nhất là con người vẫn tư duy và phản ánh được về nó.

Như vậy khi càng nhận thức cao hơn, dường như khái niệm về
Không càng bị đẩy lùi.
Nhưng trong tư duy, ta không biết rằng rằng Không có thể hàm chứa những Cái Không và Cái Có hay không, con người chưa nhận thức được đến mức đó. 

Trước Bigbang, liệu có cái gì hay không? 
Thực ra con người cho đến nay không thể tư duy, không thể nhận thức, không thể phản ánh được về thời điểm đó. Ta chấp nhận rằng đó là Không. 
Khi nhận thức cao hơn, có lẽ đến lúc sẽ biết được trước Bigbang là gì, cái gì là nguồn của Bigbang. Thế thì có phải Không ngày hôm nay sẽ sinh ra Cái Không và Cái Có của ngày mai?

Hư Vô hay Vô Cực trong lý thuyết phương Đông kia có thể hiểu là khởi nguồn, nơi, lúc mà chính con người không nhận thức được, để sinh ra một cái mà con người nhận thức được.
Đạo - Vô vi - không phải là Cái Không, mà còn cao hơn, ở mức không phân biệt Cái Không và Cái Có. Đó là mức Không, mức Hư Vô, Đạo.

Lão tử nói trong Đạo Đức kinh: Nếu đã viết ra được Đạo có nghĩa là gì, thì đó không còn là Đạo nữa.
Câu nói đó cho thấy khái niệm Đạo - Không như thế nào.

(Những điều này nhiều khi mang tính Triết học hơn là khoa học thực chứng)

-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Rõ ràng về việc phân biệt này tiếng Việt ta còn nghèo nàn, rất khó để viết cho đúng ý nghĩa của tư duy.
Như trong bài trên tôi phải dùng quá nhiều lần chữ Không, mặc dù không muốn thế (lại một lần nữa dùng, hì hì).

Trung văn có các từ : Bất, Phi, Vô, Không
Tiếng Anh có : Zero, No, Not, None, Null, Nil, Neither
Tiếng Việt có mỗi : Không 

Quả là khó khi diễn tả. 
Hôm nay tôi đọc một loạt bài viết tranh luận khá hay về việc có Thượng Đế hay không.
Thượng Đế không nhất thiết là Con người hoặc con người Siêu Việt, mà là một khái niệm Nguyên Thuỷ, một Quy Luật tối cao vô thượng, một Bản thể Chân Lý uyên nguyên Vô tận.

Hiểu theo khái niệm đó thì Vô Cực - nơi vẫn có thể tồn tại Cái Không và Cái Có - cũng có thể là một kiểu Thượng Đế. Thượng Đế là nơi tàng giữ những hệ thống quy luật, chân lý mà con người càng ngày càng tìm cách tiếp cận.

-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng



Trích:
lúc viết Xem bài viết
Thế thì tâm lý không phải là một dạng vật chất đặc biệt hay sao, mà ngành vật lý lại là nghành nghiên cứu sự tương tác của vật chất nữa kia mà.
việc đưa tâm lý học vào lý thuyết vật lý là rất gần với vũ trụ quan Phương đông.


Thế có thể nói ngược lại như thế này được không:

Mọi kiến thức (Vật lý chỉ là một) là sự phản ánh một hiện thực (khách quan hay không chưa hoàn toàn dám chắc) vào tư duy con người.
Vậy khi tư duy thay đổi, nhận thức kia cũng thay đổi.
Nhận thức thay đổi thì quy luật Vật lý kia cũng thay đổi.
Vậy một quá trình tâm lý nào đó có một tác động sâu rộng đến tư duy toàn bộ nhân loại thì có thể làm thay đổi cả Vật lý ?

Như trước kia - với một lòng tin vào Kinh Thánh và Thiên Chúa đến vô cùng - mọi người phương Tây đều tin rằng thế giới phẳng dẹt, các tinh cầu (mặt trời, mặt trăng, sao...) đều bay quanh trái đất. Người phương Đông cũng tư duy như vậy.
Có thể nói họ không thể hình dung được nếu Trái đất hình cầu thì "người ở bên kia" phải lộn đầu xuống đất 

Nhưng khi tư duy nhiều hơn, dựa vào việc đi vòng quanh thế giới, mà tư duy bắt buộc phải thay đổi và công nhận thế giới hình tròn, và xoay quanh mặt trời.
Trong không gian 3 chiều đi một vòng tròn, nhưng trong 2 chiều thì là đường thẳng. Vậy với tâm lý tư duy không gian 3 và 4 chiều hiện nay, các quy luật Vật lý đang đúng, nhưng sang đến tư duy 11 chiều chẳng hạn, tất cả có thể sẽ vứt đi hết, mà chỉ còn tâm lý không đổi, tư duy là thay đổi thì sao?? Lúc đó Tâm lý đúng hay Vật lý đúng?

Nói đùa vậy thôi.
Người ta đang cố tìm hiểu Tính vật lý của các hiện tượng tâm lý, các quá trình tâm lý. Nghĩa là mô tả hiện tượng Tâm lý phức tạp qua các đối tượng để tư duy đơn giản hơn. VD : giận dữ tức là tăng nồng độ chất (nào đó) trong khu vực (nào đó) của não....gây ra hiện tượng tăng nhịp đập của tim, tăng hô hấp...., tức là mô tả một khái niệm rất chung (giận dữ) qua những đối tượng được chuẩn hoá (chất hoá học, khu vực não, nhịp độ...).

Chẳng qua là mô tả một khái niệm tư duy qua các khái niệm tư duy đơn giản hơn để (hi vọng) hiểu và điều khiển nó.

Nghĩa là dùng tư duy hiện tại để phản ánh cái hiện tại. Khi đó có thể dùng Vật lý để mô tả tư duy, mô tả tâm lý. Nhưng rõ ràng dùng cái đơn giản mô tả cái phức tạp thì khó có thể mô tả được hết. Cho nên dùng Vật lý giải thích Tư duy và Tâm lý cũng chỉ được một phần rất hạn chế mà thôi.



-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Trong các lý thuyết phương Đông thì Phật giáo là đi sâu vào Tâm lý con người nhiều nhất. Sẽ nói sau vậy.

Lý thuyết Dịch học được áp dụng trong Kinh Dịch chú trọng vào đạo lý, luân lý làm người, ứng xử xã hội hơn là Tâm lý. Trong Kinh Dịch, Tâm lý đều được chuẩn hoá theo quy luật, chứ không đề cập tâm lý tự do muôn hình vạn trạng của con người.

Tôi cũng chỉ thử đưa ra cách nhìn nhận về Tâm lý - Tư duy theo lý thuyết Dịch học một chút thôi.

Tâm lý là hiện tượng của riêng sự sống (con vật cũng có tâm lý)
Khi đứa trẻ trong bào thai, sự sống đã có, nhưng tâm lý chưa có.
Đó là giai đoạn Hư vô - Vô cực của Tâm lý. Nhưng mầm sự sống đã có.
Vào thời điểm nó được sinh ra, "chào đời", đó là Thái Cực Tâm lý của nó. Nó là một tổng hoà của tất cả những thứ sẽ có trong tương lai, mà đồng thời lại là một điểm vừa tiếp sau cua Hư vô, chưa có gì.

Sinh ra rồi, một thứ sẽ bùng nổ ngay là Bản năng, hay "Cái Nó" trong tâm lý học Freud. Hãy tạm coi như đó là mặt Âm của Tâm lý (Âm hay Dương chỉ là tương đối). Đứa trẻ sẽ có bản năng khóc, bú.... và nó cũng đã có cảm nhận về đau đớn, êm ái, nóng, lạnh... nhưng chưa đủ mạnh, đủ rõ nét như về sau. 

Rồi dần dần yếu tố Xã hội xuất hiện, mà Freud gọi là cái Tôi và cái Siêu Tôi, gồm Tình cảm, Lương tâm, Nhận thức..... lúc đầu yếu hơn yếu tố bản năng, nhưng ngày càng nhiều hơn. Tạm coi đó như mặt đối lập của Bản năng (tạm coi là Dương đi). Đứa trẻ biết thích Mẹ hơn người khác, không thích sự mắng mỏ, vui, giận....đã hình thành

Khi càng lớn dần, hai yếu tố đó càng nhiều hơn, phức tạp hơn, phát triển hơn, hoà chặt lấy nhau, trong cái này có cái kia.
Tất nhiên yếu tố Xã hội ngày càng lớn mạnh, nhưng không vì thế mà Bản năng không sinh sôi nảy nở.

Trong cái tổng hoà Dương - Xã hội lại cũng phân tách. Ví dụ Dương là Lý trí, Âm là tình cảm. 
Trong cái tổng hoà Âm - Bản năng, tính thiện là Dương mà tính Ác là âm.

Trong Cái Bản năng cũng có mầm của cái Xã hội.
Rõ ràng Bản năng của một đứa trẻ ngày nay có khác với bản năng một đứa trẻ thời tiền sử, nguyên thuỷ của con người. Đứa trẻ ngày nay không có bản năng săn băn hái lượm, hú,.... như thời tiền sử. Hàng vạn năm cái Xã hội đã ăn vào cái Bản năng, từ đời này truyền qua đời khác.

Như vậy tưởng như một đứa trẻ sinh ra không có gì về Tâm lý, nhưng thực ra từ cái Hư vô đó đã tiềm tàng một Thái Cực rộng lớn bao la của tâm lý.
(............)



-----------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Cố viết nốt mấy bài cuối cùng của topic này.

Người TQ cổ đại cũng đã chia các chòm sao theo các phương vị. Từ đời Chu về trước đã đặt tên các sao.
Có 28 sao rất sáng gọi là Nhị thập bát tú chia thành 4 khu vực quanh hoàng đạo (tất nhiên không sáng bằng 11 Đại diệu: Thái dương, Thái âm, Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ, La hầu, Kế đô, Khí, Bột). Bên cạnh đó là Tam viên: ba chòm Tử vi, Thái vi, Thiên thị.

4 khu vực của Nhị thập bát tú tương ứng với 4 phương vị, bốn màu sắc, bốn linh vật là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, mỗi phương 7 ngôi sao mang tên các con vật.

Đông Phương: khu vực Thanh Long (rồng xanh) phương và màu của Mộc; bao gồm:
1. Giác Mộc Giảo (cá sấu)
2. Cang Kim Long (rồng)
3. Đê Thổ Bức (dơi)
4. Phòng Nhật Thố (thỏ)
5. Tâm Nguyệt Hồ (cáo)
6. Vĩ Hoả Hổ (hổ)
7. Cơ Thuỷ Báo (báo)

Bắc Phương: khu vực của Huyền Vũ (rùa đen) phương và màu của Thuỷ.
8. Đẩu Mộc Giải (con giải)
9. Ngưu Kim Ngưu (trâu)
10.Để Thổ Lạc (nhím)
11.Hư Nhật Thử (chuột)
12.Nguỵ Nguyệt Yến (chim yến)
13.Thất Hoả Trư (lợn)
14.Bích Thuỷ Dư (cừu)

Tây Phương: khu vực [grey]Bạch Hổ (hổ trắng)[/grey] phương và màu của Kim:
15.Khuê Mộc Lang (chó sói)
16.Lâu Kim Cẩu (chó nhà)
17.Vị Thổ Trệ (chim trĩ)
18.Mão Nhật Kê (gà)
19.Tất Nguyệt Ô (quạ)
20.Chuỷ Hoả Hầu (khỉ)
21.Sâm Thuỷ Viên (vượn)

Nam Phương: khu vực của Chu Tước (chim sẻ đỏ) phương và màu của Hoả:
22.Tỉnh Mộc Hãn (bò)
23.Quỷ Kim Dương (dê)
24.Liễu Thổ Chương (cheo)
25.Tinh Nhật Mã (ngựa)
26.Trương Nguyệt Lộc (hươu)
27.Dực Hoả Xà (rắn)
28.Chẩn Thuỷ Dẫn (giun)

Trong 28 ngôi sao thì có 9 con là thú nuôi, một con sống trong nhà nhưng không phải thú nuôi (chuột), 17 con thú hoang và một con thần thoại (rồng); Tương tự như 12 con giáp vậy.

Bốn phương này ảnh hưởng rất lớn đến Văn hoá những nước Hán hoá như Việt, Hàn, Nhật.


--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


12 cung Hoàng Đạo tương ứng với Nhị Thập Bát Tú đại khái như sau: 

1. Aries (Bạch Dương) : Lâu, Vị 

2. Taurus (Kim Ngưu) : Mão, Tất. 

3. Gemni (Song Tử): Chủy, Sâm, Tỉnh. 

4. Cancer (Cự Giải) : Quỉ, Liễu, Tinh. 

5. Leo (Sư Tử) : Chương, Dực, Chẩn. 

6. Virgo (Xử Nữ) : Giác, Cang. 

7. Libra (Thiên Xứng) : Đê, Phòng, Tâm. 

8. Scorpio (Thiên Yết) : Vĩ, Cơ. 

9. Sagittarius (Nhân Mã) : Đẩu Ngưu. 

10. Capricorn (Ma Yết) : Nữ, Hư. 

11. Aquarius (Bảo Bình) : Nguy, Thất. 

12. Pisces (Song Ngư) : Bích, Khuê. 

Tư tưởng về Ngũ hành trong Vũ trụ quan được vận dụng trong Phong thuỷ.

Một ngôi nhà lý tưởng phải hội đủ ngũ hành : Tả thanh long (mộc), hữu Bạch hổ (Kim), tiền Chu tước (hoả), hậu Huyền vũ (thuỷ).
Nghĩa là nếu bên trái có dòng nước chảy (thanh long), bên phải có gò đồi, núi (bạch hổ), trước mặt có đường cái (chu tước), sau lưng có ao đầm (huyền vũ), khi đó ngôi nhà ở vào chỗ Trung cung - Thổ, là lý tưởng.

Thăng Long - Hà Nội hiện tại nằm đúng ở thế đó.

Bên phía Đông - Mộc có sông Hồng là Thanh Long

Phía Bắc - Thuỷ - có hồ Tây là Huyền vũ
Mặc dù tên gọi hồ Tây nhưng thực ra hồ nằm ở phía Bắc Kinh thành. Kinh thành Thăng Long đời Lý nằm trên đất khu Ba Đình hiện nay, nên hồ Tây đúng ở phía Bắc.

Phía Tây - Kim - có khu đồi núi là Bạch hổ : núi Cung, Khán, Vạn Bảo, Cột Cờ, Nùng, Sưa, ....
(cái này có viết trong topic Nhảy đến topic khá rõ)

Phía Nam - Hoả - từ cửa Đại Hưng có đường Thiên lý là Chu Tước.

Kinh thành chính là Trung Ương - Thổ 

--------------------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng




Hôm nay có người PM cho, mới biết có topic này tiếp tục được thảo luận. Rất vui vì có người tham gia. Tôi xin dùng từ Thảo luận thay cho Tranh luận nhé, vì ?" như tôi đã từng viết rõ - trong này là các học thuyết của nhân loại chứ không phải của tôi, vì thế tôi nêu ra chứ không phải là sáng tác ra, không thể là tranh luận (có tính hơn thua), mà thảo luận (với tính trình bày). Tôi cũng mong rằng trong thảo luận, mọi người sẽ đọc kĩ bài của nhau, hiểu được các ý của nhau.

Trước hết, về việc hiểu tư tưởng phương Đông và phương Tây. Thực ra cái này nên đưa sang box Học Thuật, nhưng viết ở đây cũng được.


Trích:
myDalat viết Xem bài viết
...các triết thuyết phương Đông tìm cách khái quát vấn đề để áp dụng cho chính bản thân con người - mục tiêu phục vụ chủ yếu - với mong muốn hòan thiện bản thân con người trước nhất, ...Bằng con đường này, bản thân mỗi con người sẽ trở nên tốt hơn, gần với Chân-Thiện-Mỹ hơn, và qua đó sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nếu một người biết thuộc làu và hiểu (một cách tương đối đủ dùng) Kinh Dịch, thì họ sẽ hiểu lý lẽ của trời đất và có biện pháp tu chỉnh để bản thân không đi ra hỏi Đạo của trời đất, thì đó là một con người tốt. Ngược lại, nếu một người hiểu về khái niệm Nón Thời gian, Kỳ dị của Không gian, lỗ đen, bức xạ, xu thế dịch về phía đỏ, Nguyên lý bất định, phương trình Friedman... thì thử hỏi bản thân người đó có lợi ích gì cho bản thân và xã hội chưa ?


Theo tôi (và cũng như tôi đã viết), thuộc làu Kinh Dịch không phải là khó, bởi chỉ có mấy trăm câu. Vì vậy thuộc làu Kinh Dịch thì chỉ là chuyện vô nghĩa.

Nhưng hiểu được nó thì mới thật vô cùng gian nan. Đến Khổng Tử là thánh nhân mà cũng phải than ?oNếu cho ta sống thêm vài năm nữa thì có thể hiểu và giảng được Kinh Dịch?. Theo tôi, để hiểu được nó và vận dụng được nó, phải đến tuổi Tri thiên mệnh (50), nghĩa là phải trải nghiệm rồi mới thấu hiểu được. Cho nên việc ?odùng? nó mà sống đúng, phải chăng cũng chỉ là việc của những tiền nhân răn dạy hậu thế, thậm chí là những điều họ không làm được. Lúc đó ?othuộc làu? hay không không quan trọng, mà tư tưởng mới là quan trọng.
(Từ xưa đến nay, mấy người sống và làm đúng được như con đường mà các tiền nhân dạy đâu. Chính tiền nhân cũng chưa làm được, mà gửi gắm lại cho hậu thế để mong có người đạt được).

Ngược lại, khoa học (phương Tây) lại được giảng dạy theo từng bước. Nếu bảo viết lại tất cả những gì Toán học, Vật lý đã viết thì chắc chẳng ai làm được, vì nhiều quá. Thuộc làu nó là quá khó. Nhưng để hiểu được nó thì lại không quá khó. Chỉ cần người chăm chỉ một chút, học hết phổ thông (18 tuổi) là có thể hiểu được khá sâu về Vật lý, Toán học, thêm chút quan tâm thích thú là hiểu được Thiên Văn. Nhưng các công thức khoa học phương Tây chỉ cần sai một ly là đi một dặm.

Phương Tây không đi vào Nhân sinh quan theo kiểu phương Đông, nhưng thành tựu của họ với đời sống thế nào, hẳn ai cũng thấy.

Vậy trong 2 cách tiếp cận, cái nào ?othuộc làu? dễ hơn cái nào, cái nào hiểu dễ hơn cái nào nào, mọi người có thể tự thấy.

Trong số những người tôi đã từng gặp cho đến nay, số người hiểu được Khoa học thì nhiều, số người sống được theo Trung đạo, Quân tử thì chưa có ai cả.

Vả, bao nhiêu người phương Tây đâu có biết Kinh Dịch hay Kinh Phật, Vũ trụ với họ là do Thiên Chúa tạo ra trong 6 ngày, thế nhưng họ sống đâu có kém sung sướng, kém lòng tốt, kém nhân ái so với người châu Á ta đâu? Các Lý thuyết Vũ trụ liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống người ta nhiều đến thế không? Mỗi dân tộc, nền văn hóa đều có triết lý cho mình cả mà.

Một lần nữa nhắc lại: Đây chỉ là các Thuyết. Không ai dám nói nó là Chân lý. Vì thế Trung đạo cũng là vô nghĩa, vì đâu dám nói cái nào là Đúng, cái nào là Sai, để mà có cái Trung?

Thôi, chấm dứt vấn đề cái nào có đóng góp nhiều hơn, vì đó không phải mục đích topic này.

Lần sau tôi sẽ trình bày về vấn đề Hư Vô sinh Thái Cực. Thực ra cái này tôi đã viết trong trang 6 rồi, bạn có thể đọc lại ở đó.

(Lại dài quá rồi)

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
myDalat viết Xem bài viết

Tôi nghĩ ở đây bạn Chitto đã lẫn lộn khi cố tình ghép Dịch lý vào Phật giáo

Dịch lý coi vũ trụ, khởi thủy là một thể duy nhất là Thái Cực, tức là một thể hỗn độn, hỗn mang. Tương ứng với Vô minh trong kinh Phật.


Đến cái này mới là chỗ cần phải thảo luận rõ hơn. Tôi sẽ viết rõ về Hư Vô trong Dịch, trong Đạo, và trong Phật.

1. Vấn đề có Hư Vô trong chu kỳ Vũ trụ của Dịch học hay không.

Nếu đọc lại trang 6, 7, tôi đã viết rất nhiều về khái niệm Cái không, Không rồi. Hư Vô là Không.

Kinh Dịch là một tư tưởng rộng lớn và kéo dài qua hàng ngàn năm, chứ không phải chỉ của một thời, của một người nào cả. Vì vậy nếu nói Dịch thì phải nói Dịch của thời nào.
Kinh Dịch của tôi nói đến là Kinh Dịch hiện nay chúng ta đang đọc, được viết hệ thống chi tiết và gần như không đổi từ Tống, Minh, Thanh cho đến nay. Trong Kinh Dịch đó, từ Hư Vô sinh Thái Cực.

Nếu là Dịch thượng cổ Tiên Tần, thì ngay cả Thái Cực cũng không có đâu. Các thầy bói đời Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng có vẽ ba vạch tám quẻ, sáu vạch sáu tư quẻ thì cũng không có đồ hình Thái Cực, vì nó là tác phẩm của đời Hán. Vậy thì từ Phục Hi, qua đến gần 2000 năm mới có thêm tư tưởng Thái Cực.

Lại qua hơn 1 nghìn năm nữa, Chu Đôn Hi đời Tống mới đưa thêm ý tưởng Hư Vô (hay Vô Cực) vào trước Thái Cực. Và dù vai trò của Hư Vô không quan trọng lắm, bởi đó là cái để dung hòa với Đạo của Lão Tử, và mô tả trạng thái không nhận thức nổi, nhưng cho đến nay, nó đã là phần chính thức trong Dịch học rồi.

Vậy thì trạng thái Hư Vô - Vô Cực mà tôi viết trong bài không phải là cái sai gì của tôi, vì nếu sai thì đó là cái sai của các nhà Dịch học từ đời Tống (thế kỷ XII) đến nay.





Được chitto sửa chữa / chuyển vào 00:21 ngày 21/02/2005

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Theo tôi, có khái niệm Hư Vô vào trước Thái Cực, thì Vũ trụ quan trong Dịch cũng không có gì sai.

Nếu ta chấp nhận Thuyết BigBang, thì BigBang là Thái Cực. Thái Cực là trạng thái mà ta có nhận thức, có phản ánh, có tư duy. BigBang thế nào, người ta có thể mô tả được, là cao độ của mọi lực, mọi hạt, mọi sóng, là tổng hòa Âm Dương tột cùng.

Thế còn Vũ trụ ?otrước(*)? BigBang là gì? Đó là trạng thái mà con người chưa nhận thức nổi, không thể phản ánh, không có thông tin, nhưng không có nghĩa là nó vĩnh viến là không. Vậy sinh ra Thái Cực cũng có thể là một trạng thái nào đó, có điều ta không thể tư duy được. Đó là Hư Vô.

(*) không có từ khác nên buộc phải dùng từ trước, dù rằng từ khi có Vũ Trụ thì mới có Thời gian.

Ngược lại, nếu không chấp nhận thuyết BigBang (vì chỉ là Thuyết thôi mà), thì nguồn gốc Vũ Trụ từ đâu, không nhẽ nó hằng hữu mãi mãi với các lực Âm Dương? Xem ra, lại càng nhiều chỗ cho Hư Vô đứng.

Xét về mặt tư duy của người Trung Hoa, theo tôi, có lẽ nhận thức đầu tiên của họ về Vũ trụ là về hình tượng: Trời đất, nước lửa, núi non, sấm chớp,?., sau đó là đến sự thay đổi mùa xuân hạ thu đông, mặt trời mặt trăng tròn khuyết, từ đó mới hình thành tư tưởng Âm Dương. Hệ Từ truyện viết: Thánh nhân ngửa đầu xem tượng trời, cúi đầu xem hình đất mà vạch ra bát quái.
Vậy phải chăng tư tưởng là đi ngược lại: Từ tứ tượng, bát quái, rồi mới nghĩ đến Lưỡng Nghi? 2000 năm sau đặt ra Thái Cực, nghìn năm sau nữa đặt ra Hư Vô. Nghĩa là càng về sau nhận thức và khái quát càng về gần gốc rễ.

Biết đâu sắp tới hoặc sau này có người còn nghĩ ra cái trước cả Hư Vô ???

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
myDalat viết Xem bài viết
Tôi nghĩ ở đây bạn Chitto đã lẫn lộn khi cố tình ghép Dịch lý vào Phật giáo

Dịch lý coi vũ trụ, khởi thủy là một thể duy nhất là Thái Cực, tức là một thể hỗn độn, hỗn mang. Tương ứng với Vô minh trong kinh Phật.

...từ Vô minh (Avijjà) sinh Hành, rồi từ Hành sẽ sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục căn, Lục Căn sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái), Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sanh, Sanh sinh Lão, Lão sinh Bệnh, Bệnh sinh Tử, Tử lại ra sinh Vô minh (vòng Thập nhị nhân duyên) hay tóm gọn hơn là Thành - Trụ - Hoại - Không như Chitto đã nói. Hư vô, cũng là một khái niệm chỉ cái Vô minh vậy nên không thể ghép Hư vô sinh Thái cực được. 


2. Hư Vô ?" Vô minh trong Phật giáo.

Theo tôi, có lẽ tác giả myDalat hơi nhầm lẫn. Trong Kinh phật tôi không tìm thấy từ Hư vô ?" Vô Cực ở đâu cả. Không có khái niệm Hư vô. Bạn cho rằng Hư vô của Vũ trụ chính là Vô minh, không chính xác.

Chính trong bài của bạn cũng đã nói lên điều ấy : ?oVô minh ?" Hành - Thức - Danh sắc - Lục căn ?" Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu ?" Sinh ?" Lão - Bệnh - Tử - Vô minh (vòng Thập nhị nhân duyên).

Câu của bạn đã chỉ rất rõ, thông qua chữ Nhân : Đó là vòng của tâm thức, tư duy Con Người, chứ không phải của Vũ Trụ, của Vật chất rồi. Vô minh không thể và không bao giờ là trạng thái của Vũ trụ được, mà chỉ là trạng thái nhận thức của con người thôi. Cho nên nó không thể là Hư vô.

Vũ trụ làm gì có Hành, có Thức, có Lục Căn? Con người khi không nhận thức đúng đắn, hoặc ở trạng thái khởi đầu, tận cùng của Nhận thức là Vô minh, chứ Vũ trụ không Vô minh. Vũ trụ rất ?ominh?, theo Phật, Vũ trụ có cái nguồn uyên nguyên vô tận là Chân Như cơ.

Khái niệm Vô minh và Ảo giả thể hiện tính Siêu hình của Phật giáo, bắt nguồn từ Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo coi sắc thể và cấu trúc quanh con người được hình thành bởi một tâm thức, tâm thức này chịu sự tác động của ảo giác. Phật giáo gọi ảo giác này là Vô minh và có thể coi đó là ?otâm ô nhiễm?.

A la hán Mã Minh nói : "Khi không nhận rõ sự nhất thể (Chân Như) thì vô minh và phân biệt liền hiện, và tất cả mọi dạng của tâm ô nhiễm liền phát?"
Hay như Tôn Giả Xá-Lợi-Phất: ?oVô minh là không biết , không biết tức là vô minh?đối với năm thọ ấm mà không thấy, không biết như thật, không có vô gián đẳng, ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này gọi là vô minh?

Vậy nên Vô minh của Phật giáo là trạng thái Ý Thức, không phải, và cũng không liên quan gì đến Hư Vô là trạng thái Vật Chất trong Vũ Trụ của Dịch cả. Phật giáo không có từ Hư vô, chỉ có Không, Vô Sắc thôi.

Vì vậy, tôi chưa thể chấp nhận những nhận định mang tính võ đoán áp đặt này:

Trích:
myDalat viết Xem bài viết
.. những điều bạn Chitto nêu ra còn thiếu xót, thì bạn phải chấp nhận có người khác bổ xung để hòan thiện hơn, vì đây là một dạng "Public Knowledge", nếu có bạn lại lấy những thiếu xót này làm dẫn chứng trong một nghiên cứu khác thì phải chăng bạn đang làm một chuyện phản khoa học 




Được chitto sửa chữa / chuyển vào 00:54 ngày 21/02/2005

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Viết bài mấy hôm rồi mà không thấy myDalat, không biết thế nào????

Như vậy, Thập nhị nhân duyên không phải là Vũ trụ quan, cũng không phải Nhân sinh quan, mà là chu trình của nhận thức, là Nhân quả luân hồi của Tâm, từ quá khứ, qua hiện tại đến vị lai.
Thực ra ngay Thập nhị Nhân duyên cũng không thống nhất giữa các Kinh.

Theo như kinh ghi lại lời Phật Nguyên thủy của Tiểu thừa, tạng Pali, chỉ có 10 nhân duyên, không có Vô minh và Hành. Trong Hán văn Đại thừa mới có đủ 12.
Cũng phải ghi lại cho chính xác 12 nhân duyên là : Vô minh ?" Hành ?" Thức ?" Danh sắc ?" Lục nhập ?" Xúc (lục căn, lục trần, lục thức) ?" Thọ - Ái ?" Thủ - Hữu ?" Sinh ?" Lão tử
(http://www.thuvienhoasen.org/tsncph5-05-thapnhinhanduyen.htm)

Vốn không định viết về Vũ trụ quan Phật giáo, bởi nó quá phức tạp và mang nhiều tính trừu tượng, khó hiểu (trước hết là với tôi, nên sau đó sẽ là khó cho người đọc). Nhưng vì bạn myDalat đã nêu ra đây nên lại thấy muốn viết.

Hôm qua đọc lại một số kinh, cũng như các bài luận giải, phân tích, thì thấy các tác giả trong và ngoài Phật giáo cũng không thống nhất quan điểm về thế giới quan Phật giáo. Có tác giả cho là Nhất nguyên (như Ấn Độ giáo), có người viết là nó Đa nguyên, với Vạn pháp, mà cũng có thể là Không nguyên, bởi tất cả là Không nếu xét về tư duy tột cùng.

Thực ra dùng các ý tưởng của nền Văn hóa, văn minh khoa học này để đánh giá nền văn minh khác không được hợp lý lắm, vì chẳng hạn người theo Phật đâu cần quan tâm và phân biệt khái niệm Nhất hay Nhị hay Đa mà bảo họ Nhất nguyên, Đa nguyên?

Thế nhưng ở đây, tôi đành phải đứng trên cái nền quan niệm kiến thức khoa học hiện đại chung của chúng ta hiện nay để viết vậy. Vì vậy nếu có chỗ nào không phù hợp với các tác giả Phật giáo hoặc Phật tử thì cũng mong đóng góp để hoàn chỉnh.


----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Cũng giống như tư tưởng Dịch lý hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm, những gì của Phật giáo ngày nay ta có cũng là quá trình tổng hợp lâu dài. Trong suốt sáu trăm năm đầu của Phật giáo, tất cả đều chỉ là khẩu truyền, về sau mới ghi chép lại, vì thế nên nó phải là tác phẩm, tư tưởng của hàng ngàn người chứ không phải chỉ của Phật Thích Ca (563 - 483 TCN), dù bắt nguồn từ Phật.
Và cũng vì thế nó có đến hàng chục bộ kinh, dài hàng vạn trang, nhiều nhất trong số các tôn giáo, lý thuyết, và cũng không thống nhất nhau.

Tác phẩm chính thức để lại, ngoài dựa vào trí nhớ và truyền khẩu của các đệ tử từ khi Phật nhập diệt (chết), còn được kết tập mấy lần, cách nhau mấy trăm năm. Rồi lại còn được viết bởi hai tác giả là Mã Minh và Long Thọ, nên rất phong phú đa dạng.

Hôm qua đọc bài diễn giải Bát Nhã Ba la mật đa Tâm kinh (chỉ có 262 chữ), có 1 câu mà hai hòa thượng (đều nổi danh) còn mỗi người một ý, nói gì đến Tam Tạng kinh từ hơn 2000 năm trước.


Trích:
Circlops viết Xem bài viết

Không ai bảo triết học PĐ sai cả, nhưng những giáo lí nó đưa ra không thể dùng để nguỵ biện cho những hệ quả phi logic và sự mê tín do nó mang lại. Triết học do con người sáng tạo ra và rồi lại chính là con người hiểu nó theo cách hiểu mê tín và chủ quan, thế thì cái gì là cái đúng ở đây?


Cũng nói thêm với Circlops, việc Mê tín hay không phụ thuộc vào giới cầm quyền, giới kiếm được lợi từ triết lý. Phải nói thật ra Vũ trụ quan Kinh Dịch xét ra còn ít làm cho người ta mê tín hơn bất cứ triết thuyết tôn giáo nào khác.

Từ cái Vũ trụ quan Ki tô giáo đã đem lại Đêm trường Trung cổ cho châu Âu, đến tận khi có Phục Hưng. Vũ trụ quan Hồi giáo cũng tương tự.

Còn Dịch không biến thành tôn giáo, mà chỉ là triết lý. Các thầy bói dùng nó, đến nay cũng không dám nói họ sai hết, trong khi Nhà thờ - với tư tưởng Chúa ?" đã giết bao nhiêu người.
Gần đây nữa, cái Vũ trụ quan và triết lý Mark Lenin, đem lại được những gì cho con người?

Còn các nhà khoa học phương Tây hiện nay (mà ta đang thọ giáo), họ dựa vào chính họ hơn là triết lý. Nhiều người lại cho rằng việc đi tìm các chân lý khoa học cũng là tìm hiểu về Chúa - Thượng Đế - một Quy luật tối thượng ?" chứ không phải ông Chúa biết nói chuyện trong Kinh thánh?.


----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Hôm trước đã viết một bài về Vũ trụ quan Phật giáo, nhưng rồi khi càng đọc lại các tài liệu, lại thấy có gì đó không ổn, nên không thể post lên được. Cho nên mấy hôm rồi cũng không có bài nào.

Hơn nữa, một mình độc thoại cũng buồn. Những ý tưởng về Dịch học xem chừng cũng không nhiều người hứng thú, dù rằng nó cực kỳ trong sáng, logic. Còn logic Phật giáo lại còn trừu tượng hơn gấp mấy lần, không những thế lại còn có nhiều trường phái, hàng chục tác giả lớn không nhất thiết thống nhất về tư tưởng....

Hay là lôi Thông Thiên sang đây, coi như đó cũng là một cách nhìn về Vũ trụ?

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Dưới đây là cách suy nghĩ của tôi, và tôi trình bày theo hướng này về Vũ trụ quan Phật giáo. Những điều này có thể không hoàn toàn đúng với, nhưng như tôi đã nói, Phật giáo bản thân nó cũng có hàng chục trường phái, quan điểm rồi.

Trong bài ở trên, tôi có viết đến từ Không nguyên, thực ra hình như không có khái niệm đó. Có chăng, bên cạnh Nhất nguyên, Nhị nguyên, Đa nguyên là có Vô nguyên ?" không rõ nguồn ?" mà thôi. Còn tôi tự cho là Không nguyên.


Theo đúng tiến trình, lúc đầu người Ấn Độ đi tìm hiểu rất sâu về cái Cội nguồn, bản chất Vũ trụ, trước hết là Vũ trụ Vật chất rồi đến Vũ trụ tinh thần, mà một dòng khá logic là Áo Nghĩa thư, là Nhất nguyên, lấy Phạm Thiên (Brahman) làm nguồn cho tất cả, từ Vũ trụ đến Bản ngã con người (Attman), rồi đồng nhất Attman với Brahman.

Phật Thích Ca, sau quá trình tìm hiểu học tập, lúc đầu có tìm hiểu, trải nghiệm trạng thái tư duy vũ trụ từ Vật chất, nhưng rồi đã chuyển hẳn sang tư duy về Tâm thức, tinh thần, cho nên khi đó ông dần loại bỏ các vấn đề Vũ trụ vật chất mà chuyển sang Vũ trụ tinh thần, kết hợp lại rồi lại loại bỏ, để cuối cùng giác ngộ giải thoát về ?oKhông Vật chất mà cũng không Phi vật chất? (Tự tính Không). Trạng thái này rất trừu tượng, và có lẽ dành cho kinh điển hoặc các vị đã đạt đạo. Do đó có người cho rằng Vũ trụ quan của Phật khác Ấn Độ giáo, và không còn đề cập đến Vũ trụ vật chất nữa, coi nó chỉ là sự Nhiễu tâm thức.

Nhưng rồi cũng vì tư tưởng Không nó vượt ra ngoài tri thức quá nhiều người, vốn quen phải từ cái Vật chất để cảm nhận, nên hàng trăm năm sau, các tác giả kế tục lại lấy Vũ trụ vật chất để giải thích trước, rồi đem Không (không Vật chất không Phi vật chất) nói sau, bởi vậy lại có sự tương đồng nhất định với Ấn Độ giáo, Áo nghĩa thư. Những tác giả sau này như Mã Minh, Long Thọ, dùng những cách khác nhau để giảng vể Vũ trụ, rồi hướng đến tâm lý một cách gần và rõ ràng, logic hơn Phật nguyên thủy.

Thế nên ở đây lại trở lại Nhất nguyên.


----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
nvl viết Xem bài viết

... Bàn luận về đạo Phật có lẽ hơi vượt quá phạm vi của box này.


Quả thật là bàn về các Triết thuyết ở đây thì hơi lạc đề một chút, chứ chưa chắc là đã "Vượt quá phạm vi của box", vì chắc rằng không ít các thành viên trong box cũng quan tâm và có thể hiểu các tư tưởng đó, và hiểu sâu sắc hơn tôi nữa - khi họ đã ưa thích Thiên Văn - Vũ trụ.

Một số cái có thể là hợp lý với box Học Thuật hơn, nhưng mà tôi cũng vẫn muốn đưa ở đây, vì có tính logic hợp lý, và nhiều vấn đề liên quan đến kiểm chứng thực nghiệm. Gần đây mới đọc sơ qua cuốn "Đạo của Vật lý" thì thấy những gì tôi nói ở đây cũng không khác nhiều lắm so với quyển đó, nhưng có thể ngắn gọn hơn, "pha tạp" hơn.

Mà bản thân box Học Thuật, tôi không khoái như ở đây. Đôi khi pha tạp một tí cũng vui. Bên cạnh những kĩ sư, nhà vật lý,...., lại xuất hiện một thầy bói hoặc ông sư cũng góp phần làm phong phú cái thế giới này hơn, nhỉ?

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trở lại từ một trong những bài đầu tiên ở topic này, về Cửu diệu: 9 Thiên thể chính trên bầu trời, gồm Thái Dương, Thái Âm, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, La Hầu, Kế Đô, hai thiên thể cuối cùng là cái gì.

Cách đây hơn 1 năm, tôi đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư, thấy nói về nó, định viết rồi mà quên béng mất.
Hai thiên thể La Hầu và Kế Đô thực tế lại là hai thứ không có thật. Đó là sản phẩm của người Ấn Độ được người Trung Hoa tiếp nhận, thông qua Phạn lịch, được truyền cùng thời Phật giáo.

Khi có hiện tượng Nhật thực, nguyệt thực, người Trung Hoa cho rằng đó là do quái vật khổng lồ ăn mất mặt trời mặt trăng (chó sói ăn trăng ?" nên mới gọi là ?othực?), còn người Ấn Độ tiến bộ hơn một chút khi cho rằng đó là do hai thiên thể rất lớn, tối đen che lấp mất. Hai thiên thể đó trên bầu trời và được gọi là Rahu và Kethu, sau Trung Hoa phiên ra là La Hầu và Kế Đô.

Mỗi tội họ không biết được rằng đó chính là Mặt trăng ?" Thái Âm và bóng của Trái đất (cái này thì người phương Tây thời Trung cổ cũng không biết được - dù rằng trước CN, ở Hi Lạp đã nghĩ ra điều đó).

Dù không có thật, trong Văn học và Chiêm tinh, hai thiên thể này vẫn xuất hiện, như là biểu hiện của sức mạnh, bóng tối, sự đe dọa, xâm chiếm, phá hủy. Vị thần cai quản (Tinh chủ) của hai thiên thể này cũng có quyền lực ngang hàng với Thất chính, trở thành Cửu diệu Tinh quân. 9 Diệu tinh với các cung điện là nơi ở của 9 Tinh quân, nên gọi là Cửu Cung, để rồi khi cúng sao giải hạn thì thường lập đàn theo Cửu cung Bát quái Thất tinh? (Chín cung sao ?" Tám quẻ Kinh dịch ?" Bảy ngôi bắc đẩu)

Các tên tiếng Phạn tương ứng: Sao Thủy - Bhuda ; Sao Kim - Sukra ; Sao Hỏa - Angaraka ; Sao Mộc - Brhaspati ; Sao Thổ - Sanaiscara (hay Sani).

Trong Tử Vi thì La Hầu là hung tinh (sao rất xấu) của phái nam, vì nó che mặt trời (Thái Dương ?" nam), ứng vào tháng 1 và 7 âm lịch. Còn Kế Đô là hung tinh của nữ giới, vì nó che mặt trăng (Thái Âm ?" nữ), ứng vào tháng 3 và 9 âm lịch.




Được chitto sửa chữa / chuyển vào 05:43 ngày 07/03/2005

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Ngày mai đi đảo Quan Lạn cùng box Du Lịch. Năm ngóai ở bãi Minh Châu, không bị ánh đèn làm lóa mắt, có thể nhìn thấy muôn vàn sao, rất rõ và đẹp. Không biết năm nay bãi Sơn Hào có thế không? Nhiều khả năng là có nhiều ánh đèn sẽ làm lóa mắt.

Trích:
theloveoflife viết Xem bài viết


Em muốn hỏi mục đích trong việc nghiên cứu thiên văn học của phương Đông và của phương Tây khác nhau và thay đổi qua các thời kỳ như thế nào? Chiêm tinh phương Tây có tương đương với công việc "xem Thiên Văn " của các quân sư Trung quốc ngày xưa không?


Theo tôi, mục đích quan sát có những phần chung và cũng có những phần khác nhau. Chỉ ngắn gọn như sau

Với phương Đông, cụ thể là Trung Hoa, quan sát thiên văn gồm những mục đích chính sau:

- Phục vụ nông nghiệp: dựa theo hiện tượng bầu trời mà tính các thời điểm gieo trồng, cấy hái.

- Làm lịch. Âm dương Lịch TQ phải làm lại hàng năm, chứ không có lịch thống nhất từ đầu đúng cho nhiều năm.

- Tính các ngày tiết khí: vốn thuộc về lịch mặt trời, nhưng kết hợp với mặt trăng để tính ra.

- Đoán tương lai, cái này phần nào giống Chiêm tinh phương Tây. Mỗi hiện tuợng lạ đều được ghi chép tỉ mỉ vì cho rằng đó là điềm báo.

- Xác định hướng cho xây dựng

- Khoa Tử vi: chỉ mượn tên các ngôi sao, thực chất không phải là quan sát thiên văn

- Hình thành nên hệ thống triết học từ quan sát thiên văn, đi vào đời sống văn hóa tinh thần rất nhiều.

Dừng lại ở đó


Với phương Tây, từ Hy Lạp, Ai Cập quan sát thiên văn có các mục đích chính:

- Làm lịch.

- Xác định phương hướng cho xây dựng và di chuyển, đặc biệt trên biển. Đặc trưng địa lý khiến ngưòi phương Tây cổ đại phải đi trên biển nhiều, nên việc xác định phương hướng được chú trọng hơn ở TQ, vốn chỉ lấy Bắc Cực như biểu tượng Trời trong xây dựng, ít khi đi trên biển

- Chiêm tinh. Chiêm tinh phương Tây bao gồm quan sát thiên văn, rồi hình tượng hóa trên quả thiên cầu, sau đó tách khỏi quan sát thực sự, mà chỉ mượn các chòm sao để nói lên ý tưởng.

- Một số hiện tượng được coi là điềm báo, nhưng ít được tin hơn so với phương Đông.

- Trở thành một môn khoa học thực sự, cùng với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật vào thế kỷ XVI. Từ đây Thiên Văn đã là một ngành rất lớn của Khoa Học, dùng kiến thức của tất cả các khoa học tự nhiên như Vật Lý, Hóa, Toán, Tin,...., cùng các phát minh mới nhất của loài người.

Với phương Tây, xác định mùa vụ nông nghiệp dựa vào mặt trời, nước sông lên xuống hơn là trăng sao, như lúa nước phương Đông. Triết học, văn hóa của phương Tây cũng rất ít liên quan đến thiên văn, không như phương Đông.

Có lẽ đó là do tư tưởng tôn giáo: với phương Tây thì tất cả do Chúa định đoạt, thiên văn chỉ là để nhận thức; khác với TQ cho rằng các vị thần trên các thiên thể có thể tác động đến con người, nên xem thiên tượng như là điềm báo.


Cũng vì thế, Trung Hoa rất thịnh hành khoa học "Quan sát thiên văn" mà không giải thích tìm hiểu nguyên nhân, nghiên cứu sâu, vì cho rằng nghiễm nhiên nó là thế, và các quan sát là liên tục không bao giờ bị gián đoạn.

Ngược lại, phuơng Tây luôn muốn tìm hiểu nghiên cứu và giải thích các hiện tượng đó theo quan niệm khoa học, và họ tiến xa hơn về mặt khoa học thực chứng. (Tuy nhiên điều này chỉ được tiến hành từ thế kỷ XVI, còn thời Trung cổ thì không có thành quả gì)





Được chitto sửa chữa / chuyển vào 23:07 ngày 21/07/2005

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Nếu bạn đọc các bài viết trước của tôi thì bạn có thể tự thấy câu trả lời.

Trích:
de viết Xem bài viết
de id=quote>
Ở phương Đông còn có nước nào có nền thiên văn học phát triển nữa? Nhật Bản, Ấn Độ , các nước Trung Đông ...có thành tựu nào về Thiên văn học không ạ?
Tình hình Việt Nam thì như thế nào?


Bên cạnh TQ, Ấn Độ cũng có những quan sát thiên văn rất có ý nghĩa. Và khá nhiều thành tựu thiên văn TQ cũng có được từ sự giao lưu với Ân Độ. Tuy vậy người Ấn Độ không có một hệ thống ghi chép kỹ lưỡng và chi tiết như Trung Hoa, do nhiều nguyên nhân về xã hội lịch sử, dù rằng Tóan học của Ấn Độ rất phát triển.

Nhật Bản dựa nhiều vào thành tựu, văn hóa Trung Hoa, có thể có những nghiên cứu riêng, nhưng không có mặt nào nổi trội vượt được Trung Hoa, nên trong các tài liệu tôi từng đọc không thấy đề cập gì đến Nhật Bản.

Tương tự như vậy, Việt Nam, Triều Tiên chỉ tiếp thu và vận dụng kiến thức thiên văn của Trung Hoa, mà không có sáng tạo gì thêm. Trong một số giai đoạn nhất định, có thể các triều đại thay đổi cách tính lịch, nhưng nói chung vẫn không có được phát kiến gì mới.

Nếu theo khoa học hiện đại, thì so với TQ, Việt Nam có vị trí địa lý ở phía Nam nhiều hơn rất nhiều, nên đáng ra có thể quan sát những chòm sao phương Nam mà người TQ không thể biết được. Nhưng có lẽ do trình độ hạn chế, cũng như tư tưởng cho những kiến thức của TQ đã là chuẩn mực rồi, nên không có tài liệu nào khác. Nếu nhìn một số bức trướng vẽ các chòm sao của triều Nguyễn thì có thể thấy tính ước lệ cách điệu mà kém khoa học thế nào.


----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
cccvn viết Xem bài viết

Tuyệt vời Chitto.
Bạn vẫn còn thiếu, mới chỉ nói về triết lý Phương Đông với Vật lý hiện đại mà chưa nói đến thuyết của nhà Phật với Vật lý.
Vật lý càng phát triển càng tiến về tiệm cận với thuyết nhà Phật.


Hơn 2 năm trước, tôi đã có ý định viết về Vũ trụ quan Ấn - Phật trong topic này, khi luận về Không (có thể xem lại trang 7-8 của topic). Tuy vậy tôi đã dừng lại.

Thứ nhất, là vì để đề cập đến Phật giáo, cần phải có một lượng kiến thức về triết lý Phật nhất định, nếu không, khi đọc sẽ trở thành một mớ bòng bong, lẫn lộn rối rắm và mù mờ. Còn nếu muốn trình bày cho rõ ràng thì chắc phải mất nhiều thời gian và trang viết lắm. Trong khi đó, qua các bài từ trước đó, có thể thấy các thành viên khá khó khăn khi đọc bài của tôi về thuyết Âm Dương - đơn giản hơn rất - rất nhiều so với các thuyết Chân Như, Vô Minh, Ảo Giả,...., của Phật giáo.

Thứ hai, khi nói đến Phật, thì cũng rất khó phân tách là Phật giáo hay Ấn giáo. Thực ra Phật giáo đi sâu về Nhân sinh quan, hơn là Vũ trụ quan. Vũ trụ quan Phật giáo chịu ảnh hưởng của Ấn giáo. Mà nói về Ấn thì phức tạp không kém gì Phật, với Phạm Thiên, Ngã,....

Thứ ba, tôi không dám chắc mình đã đủ hiểu về Vũ trụ quan Phật - Ấn. Cái đó phải dựa trên sự chiêm nghiệm chứ không chỉ là đọc lý thuyết. Nếu chỉ trình bày dưới khía cạnh như tôi hiểu có thể chưa chính xác, dù mất nhiều công, vẫn có thể không đủ và khiến người đọc rối rắm trong mớ ngôn từ.



----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Theo ý kiến của tôi, cho rằng "Vật lý tiệm cận với Phật giáo" chưa được hợp lý. Đó là ý kiến của khá nhiều người có khuynh hướng nghiêng về Phật giáo, và tìm thấy trong đó những tư tưởng rất đặc biệt, rất cao siêu, mà đa số những người khác chưa nhận thấy.

Tất nhiên, nếu ta cố gắng ghép những mặt phù hợp với nhau của Vật Lý và Phật giáo, thì cũng dễ dàng tìm thấy điểm chung, và nhiều người cho rằng Phật giáo đã đi trước. Nhưng nếu với những người khác, thì không nhất thiết như vậy.

Bản thân Phật rất ít nói về Bản thể thế giới, vì đi tìm Bản thể thế giới ở bên ngoài chưa phải con đường đúng. Phải tìm bản thể ở ngay bên trong con người, và trong quá trình đi tìm Bản thể đó, cũng phải quên luôn đi là ta đang tìm cái gì.

Nếu nói theo kiểu Phật giáo, thì Vật Lý, khoa học,...., đều thuộc về cái thế giới Sắc hoặc cao lắm là Vô Sắc. Còn Phật muốn đạt trạng thái Không, nghĩa là không phải Sắc cũng không phải Vô Sắc, dù rằng Sắc cũng là Không và Không cũng là Sắc. Người ta phải trải qua Vô minh (chưa thấu hiểu), qua Vô minh tận (hết việc chưa thấu hiểu), để đến chỗ "Vô Vô minh diệc Vô minh tận" - không phải Vô minh cũng như là Hết vô minh.

Vậy xác định Vật Lý là ở trạng thái nào? Có người theo Phật giáo cho rằng Khoa học Vật Lý là đi tìm đến cái Hết Vô minh, nhưng có người lại cho rằng đấy là sa vào Vô minh.

Cách nhìn nhận của hai người trên - theo Phật - lại chính là Vô minh rồi. (mọi người đọc có hiểu được không?)

Vậy, cho rằng "Vật lý tiệm cận với Phật giáo", thì phải nói điều đó nằm trong hệ quy chiếu nào, với cách thức tư duy nào. Thực tế là khá nhiều người phương Tây ngày càng chú ý tới thuyết Phật, nhưng cũng chỉ rất ít trong số đó là thực sự tìm hiểu được với đúng bản chất của nó, còn đa số tìm hiểu chỉ như là một lĩnh vực mới mà họ chưa được biết.
Ngược lại, còn nhiều (hơn) người phương Đông tìm hiểu khoa học phương Tây, để thấy những điều khác. Có người bỏ thuyết Thiên chúa giáo để sang Phật giáo, và cũng có người ngược lại.

Tôi nghĩ rằng chỉ nên tìm hiểu những sự Tương đồng, Phù hợp giữa các thuyết, chứ nói "thuyết này tiệm cận về thuyết kia" thì cũng chỉ là trên một khía cạnh nào đó mà thôi.

Nếu xem xét Phật giáo dưới khía cạnh Tôn giáo, thì Phật giáo được xếp vào loại Không Thần luận.

Nếu Độc Thần, thì chỉ duy nhất một Thượng đế, chẳng hạn Thiên Chúa giáo, Hồi giáo

Nếu Đa Thần, thì có nhiều thần, chẳng hạn Ai Cập, Hy Lạp, Bắc Âu

Nếu Vô thần, thì không chấp nhận có thượng đế, chẳng hạn Lão giáo, Nho giáo, Ấn giáo (trong một số thời kì)

Còn riêng Phật giáo là Không Thần : không phải Một thượng đế, không phải nhiều Thần, mà cũng không phải Vô thần. Nếu ai còn quan tâm có Một, Nhiều, hay Không có Thần, thì đều là còn ở trong cõi Sắc, Vô Sắc, mà chưa đến được với bản chất Chân Như của Vạn thể.

Tất cả mọi sự, kể cả Thượng đế, Thần,.... (và vì vậy là việc có bao nhiêu) đều chỉ là chịu những Nghiệp, là sự tác động của Ngũ Uẩn mà thành. Nó sẽ Thành, sẽ Trụ, sẽ Hoại, và sẽ Không. Khi đó, có hay không có Thần, có ít hay có nhiều Thần, đều KHÔNG KHÁC GÌ NHAU.

Trong phần tôi viết ở site www.thienvanvietnam.com, tôi có tham vọng viết về Thế giới trong các thuyết của: Lão giáo (Đạo - Đức), Đạo - Nho (Lý - Khí), Ấn (Phạm Thiên, Ngã), Phật (Chân Như, Vô Thương), nhưng đến lúc này nó vẫn đang là tham vọng.
Có lẽ khi sống nhiều hơn nữa, hiểu nhiều hơn nữa mới có thể viết được. Chỉ sợ lúc đó những điều viết ra lại xa với người đọc quá 

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Trong topic này đã đề cập rất nhiều đến Vũ trụ quan, Thiên văn học Trung Hoa. Nhưng còn một nền khoa học phương Đông - thật là thiếu sót nếu không đề cập đến nó. Đó là Thiên văn học của Ấn Độ cổ.

Nền Văn minh Ấn Độ chứa đựng những yếu tố rất riêng, và nhiều điều huyền bí thuộc loại bậc nhất trên thế giới. Họ có nhiều thành tựu khoa học lớn, đặc biệt trong Toán học, Triết học.

Hệ chữ số với cơ số 10 hiện nay mà ta đang dùng có nguồn gốc từ Ấn Độ, chuyển qua Ả Rập, rồi mới đến châu Âu, từ đó lan tỏa ra thế giới. Những phương pháp tính toán của họ - có phần tiếp thu từ Hy Lạp, Ai Cập cổ đại, đã đuợc nghiên cứu, phát triển, để rồi quay trở lại châu Âu thông qua những người Ả Rập Hồi giáo.

Trong Thiên Văn học, người Ấn Độ cũng đã có những thành tựu rất lớn, theo tôi, tổng kết lại có một số điều sau:
- Khái niệm Vũ trụ vô cùng vô tận, không có Thượng đế sáng thế
- Đã có chủ thuyết Nhật tâm từ rất sớm
- Đã có ý tưởng Trái đất hình tròn, và tính chu vi trái đất
- Quan sát các hành tinh, các ngôi sao, cho rằng các ngôi sao cũng là những mặt trời
- Tính tóan chính xác các chu kỳ các sao
- Có ý tưởng về lực hấp dẫn
- Xác định tuổi vũ trụ là những con số rất lớn - hàng chục tỉ năm, hơn hẳn những nền văn minh khác chỉ cho rằng vũ trụ có vài nghìn, cùng lắm là vài trăm nghìn năm.
Các tư tưởng, thiên văn của người Ấn Độ thời thượng cổ, được ghi lại trong bộ kinh Vedas (Vệ Đà ), trong phần cổ nhất là Rig Védas.

Rig Vedas được hình thành vào khoảng 2500-2000 năm trước Công nguyên, lưu truyền suốt mấy nghìn năm qua phương thức truyền khẩu. Điều đặc biệt là người Ấn Độ có khả năng truyền khẩu kiến thức vô cùng chính xác, nên ta có thể tin rằng những văn bản ghi lại về Vedas sau này tôn trọng gần như nguyên vẹn giá trị từ thuở sơ khai của nó.

Trong Rig Védas, người Ấn Độ tin rằng mặt đất là một con sò vĩ đại, chống đỡ bởi bốn con voi khổng lồ. Bốn con voi này lại đứng trên lưng một con rùa, bơi trên biển cả sâu thăm thẳm.

Các vị thần trong Rig Védas đựoc gọi là Devas, nghĩa là Ánh sáng, mà biểu hiện là mặt trời, mặt trăng, và các vì sao. Các thần có còn xuất hiện cho con người chiêm bái nữa không?

Bầu trời luôn có liên hệ trực tiếp với con người, là cơ sở cho khoa chiêm tinh phát triển. Người Ấn Độ cổ đại luôn trăn trở với câu hỏi: Liệu ngày mai, mặt trời có còn tiếp tục mọc nữa không?

Thời kỳ này, vũ trụ quan là địa tâm, họ coi các thiên thể quay quanh trái đất.
Và điểm cố định trên trục bầu trời là sao Cực Dhruva. Trục vũ trụ xuyên từ đây xuống một ngọn núi huyền thoại là Núi Meru (Tu Di).

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Viết tiếp đi Tú ! Đợt này không có thời gian nên không viết gì được nữa. Mỗi giai đoạn chỉ có thể làm được 1 việc thôi.

Nói thêm về các sao cổ đại, cụ thể là Tử Vi Viên.
Hệ thống các chòm sao nhỏ trong Tử Vi Viên như hiện nay là được dần tập hợp, hoàn chỉnh qua nhiều đời.

Thời Tư Mã Thiên viết Sử Ký (100 Trước Công nguyên), có lẽ các sao không được hoàn chỉnh như vậy. Trong Sử Ký, Thiên quan thư viết ngắn gọn như sau về khu vực cung Tử Vi (tạm dịch):

"Trung cung là sao Thiên cực, nơi sáng nhất, Thái Nhất thường ở nơi đó, bên cạnh là ba sao Tam Công, có Tử (Thái Tử) liền vào, sau có Câu bốn sao, cuối cùng có sao lớn là Chính phi, còn lại ba ngôi hậu cung liền vào đó. Vòng ngoài khoanh lại bởi mười hai sao phiên thần. Gọi là cung Tử Vi.

Phía trước miệng của Đẩu là ba ngôi sao, lệch về phía bắc, lúc nhìn thấy lúc không, là Âm Đức, có sao Thiên Nhất. Bên trái Tử Cung có ba sao là Thiên Thương, bên phải là Thiên Bang, phía sau là chỗ của sáu sao ở gần sông hán là Các Đạo"

Chú giải những ý trên:

1. Trung cung là chỉ khu vực Tử Vi, bốn cung còn lại là Thương Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ

2. Thiên Cực hay Bắc cực tinh tọa gồm 5 ngôi

3. Thái Nhất là vị thần tối cao thời đó, không còn ai ở trên Thái Nhất. Thiên đế các phương chỉ là hầu cận của Thái Nhất, về sau vì đặt ra ngôi Thiên hoàng Đại (thượng) đế nên mới chuyển Thái Nhất thành Thái Ất, và mới có sao Thiên hoàng Đại đế.
Trong Đạo đức kinh của Lão Tử cũng tôn Thái Nhất là thủy tổ của vũ trụ.
Tử Vi viên là cung của Thái Nhất, Thái Vi là ly cung,

4. Tư Mã Thiên viết bên ngoài Thái Tử chỉ có 3 ngôi hậu cung, thực ra là 4 ngôi.

5. Chòm Câu tức Câu Trần, thời Tư Mã Thiên mới tính có 4 ngôi, về sau là 6 ngôi.

6. Thời Tư Mã Thiên, các tường bao của Tử Vi viên chỉ có 12 sao, sau mới thành 15 sao (Tử vi tả viên 8 sao, hữu viên 7 sao)

7. Sông Hán, hay là thiên hà, Doanh Thất, tức ở gần vào khu vực Ngân Hà, gần phía cung Bắc (Huyền Vũ)

Như vậy thời Tư Mã Thiên, mới chỉ nhắc đến các chòm Bắc Cực (4 ngôi), Câu Trần (4 ngôi), Tử Vi viên (12 ngôi), Bắc Đẩu, Thiên Bang, Thiên Thương, Âm Đức, Thiên Nhất, Tam Công, Thiên Lý.

Còn các chòm nhỏ: Thiên Sàng, Thượng Thư, Ngự Nữ, Trụ Sử, Thiên Trụ, Ngũ Đế Tọa, Lục Giáp, Đại Lý, Cống, Hoa Cái đều không thấy nhắc đến.

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Bản đồ sao đời Minh

Khu vực Bắc Cực - cung Tử Vi



Khu vực Nam Cực - các chòm sao mới thêm vào từ đời Minh (sau khi có sự giao lưu với phương Tây và những chuyển hải hành của Trịnh Hòa)


Bản đồ sao tổng thể, với 4 cung, 28 chòm (đánh dấu bằng các chấm màu)

Màu xanh là Thanh Long phương Đông
Màu đỏ là Chu Tước phương Nam
Màu trắng là Bạch Hổ phương Tây
Màu đen là Huyền Vũ phương Bắc


Cung Thanh Long phương Đông. Th

Gồm các chòm (G): Giác - (C): Cang - (Đ): Đê - (F): Phòng - (T): Tâm - (V): Vĩ - (C): Cơ



Sách cổ giải thích về hình dáng cung Thanh Long như sau: Thanh Long - Sử ký Tư Mã Thiên chép là Thương Long, và về sau gọi Thương Long hay Thanh Long đều đưọc:
Giác 2 sao là sừng của rồng
Cang 4 sao là cổ của rồng
Đê 2 sao là ngực của rồng
Phòng 4 sao là vai + chân của rồng
Tâm là bụng, tim rồng. Sao Đại Hỏa (Antares), còn gọi là sao Thương ở giữa, là Đế tinh, tượng trưng cho vua.
Vĩ là đuôi rồng
Cơ là phần cuối của đuôi rồng, hoặc phân do rồng.... ị ra.

Lâu lắm rồi bỏ mặc topic. Quay lại đã mọc xanh rêu.

Cung Chu Tước phương Nam.
Chu Tước hay Chu Điểu, con chim (sẻ) đỏ, màu của hành Hỏa, phương Nam.
Gồm các chòm (tú): Tỉnh (T), Quỷ (Q), Liễu (L), Tinh (T), Trương (Tr), Dực (D), Chẩn (Ch).



Quỷ là mào chim
Liễu là mỏ chim
Tinh là cổ chim
Trương là diều của chim
Dực là cánh của chim
Chẩn là đuôi chim.

Cung Bạch Hổ phương tây.
Bạch hổ ứng với hành Kim, màu trắng, mùa thu.
Gồm: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm



Hình tượng của Hổ chỉ nằm ở hai chòm là Chủy và Sâm.

Chủy là đầu hổ, Sâm là ngang lưng và các chân của Hổ.
Thực ra đây chính là chòm Orion của phương Tây.

Cung Huyền Vũ phương Bắc.



Huyền Vũ đại đa số dịch là Rùa đen. Tuy vậy Vũ không nhất thiết là con rùa, mà có thể hiểu là một dạng linh vật, vừa rùa vừa rắn.

Huyền Vũ gồm Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích

Huyền Vũ tượng hình một khu nhà lớn.
Đẩu là cột cờ bên ngoài
Ngưu là nơi buộc ngựa, để xe
Nữ là cửa
Hư là thềm
Nguy là nhà trước
Thất là nhà chính
Bích là tường sau.

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Trích:
Fairydream viết Xem bài viết
Thư giãn ngoài lề. Phát hiện mới về thiên văn học phương đông (xin không để nguồn)
-------------
Qua các phần trích dẫn ở trên, quí vị quan tâm cũng nhận thấy rằng các chòm sao thiên cực bắc ?" theo các nhà khoa học ?" lần lượt theo thứ tự thời gian và có tên gọi là:
?" Vũ Tiên (hơn 7000 năm tr.CN).
?" Thiên Long (gần 3000 năm tr.CN).
?" Tiểu Hùng Tinh (hiện tại).


Đọc bài này của tác giả nào kia thì buồn cười không chịu được. Thứ nhất là về khái niệm:
Không có "Chòm sao Thiên cực bắc". Chỉ có "Thiên Cực bắc" và Sao Bắc Cực.
Chắc hẳn người viết bài không hiểu khái niệm Thiên Cực bắc, sao Bắc Cực, và chòm sao chứa sao Bắc Cực.

Nhưng cái đó không quan trọng bằng chuyện sự trùng hợp tên các chòm sao. Các tên : Vũ Tiên, Thiên Long, Tiểu Hùng chả có liên quan gì với thời cổ đại cả, đơn giản là vì nó dịch tên các chòm Hy Lạp, tức là mới có rất gần đây (cái này xem topic "một số bản đồ sao cổ"). Thế thì làm sao liên quan đến thời cổ đại được.

Nếu những kiến thức thiên văn TQ cổ đại, thì phải là những cái tên như : Tử Vi, Câu Trần, Các Đạo, Hoa Cái,...., những cái tên đó chả có gì giống với Tiên, Long, Hùng cả.



Được chitto sửa chữa / chuyển vào 00:22 ngày 11/03/2007

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Trích:
leduyone viết Xem bài viết
Thuyết Bigbang mới đề ra ở thế kỷ XX hay là từ thời cổ đại do Lão tử nêu lên bằng thuyết âm dương? đây là điều tôi ấp ủ suy nghĩ lâu nhưng nay có topic này tôi thấy rất hay.
Bạn có nghĩ Âm và Dương tương ứng với hạt (vật chất) và phản hạt (phản vật chất) không?


Thuyết Âm Dương không phải của Lão Tử.

Thuyết Âm Dương là học thuyết thượng cổ, không có ai là tác giả cả. Phục Hi (huyền thoại) vẽ đồ hình bát quái, nhưng cũng không ai nói Âm Dương là do Phục Hi nghĩ ra, mà nó đã là bản thể, Phục Hi chỉ dựa vào đó để hình thành bát quái.

Lão Tử chỉ viết Đạo Đức Kinh, trong đó có đề cập, vận dụng Âm Dương, nhưng cái cốt lõi của Đạo Đức Kinh là Đạo, và sau đó mới là Đức. Đạo của Lão Tử bao gồm tất thảy, kể cả Âm Dương cũng chỉ là thuộc tính, thể tính, trạng thái chuyển hóa của Đạo mà thôi.

"Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, sinh vạn vật".

Một - có thể hiểu là Thái Cực
Hai - là Lưỡng Nghi: Âm Dương.

Như thế, Đạo còn là khởi thủy trước cả Thái Cực, trước cả Âm Dương. Đời sau còn đặt ra là : Thái Hư - Thái Thủy - Thái Sơ - Thái Cực.

Nếu tương ứng BigBang với Thái Cực, thì Thái Hư, Thái Thủy, Thái Sơ, và ĐẠO còn là tiền BigBang.

Vũ trụ quan từ thời thượng cổ đến trước Lão Tử là Nhị nguyên: Âm - Dương. Từ Lão Tử đã hình thành Vũ trụ quan Nhất nguyên.

Một cách đơn giản, nếu coi Âm Dương là vật chất và phản vật chất cũng ... tạm được. Tuy nhiên đó chỉ mới là hiểu sơ sài, đơn giản về Âm Dương thôi.

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
leduyone viết Xem bài viết
Ý mình không đề cập đến điều đó. mình quan tâm tới việc "hình thành vũ trụ bằng vụ nổ lớn" thì có phải là người xưa đã có họcthuyết rất rõ ràng ( và chính xác) rồi không? Trình độ nhận thức vũ trụ của họ rất giỏi. (Tôi không đề cập tới tôn gíao và duy tâm).
Cái ông gì (quên tên rồi) đề ra thuyết Bigbang có khi nào ổng đọc thuyết âm dương rồi "xào nấu" lại không.!!!


Nếu bạn đọc lại các bài tôi đã từng viết trong topic này (vài năm trước) thì chuyện này tôi đã nói rồi.

Nhiều người có kiểu suy luận rất hay là chỉ tìm những cái giống nhau giữa các học thuyết, rồi cho rằng cái này "có trước", vậy nó là người "đi trước", tiên phong, những cái phát hiện sau (có thể chẳng liên quan gì) thì là bắt chước, học sau...

Thường họ chỉ quan tâm tìm ra cái giống nhau, nhưng cố tình lờ đi những cái khác nhau.

Như tôi đã nói trong bài trên, cái Thuyết Âm Dương (mà bạn đang đọc ấy) nó đâu có phải từ thời thượng cổ ở Trung Quốc có ngay đâu. Thời cổ xưa TQ, họ đâu đưa ra thuyết nào về việc "Vũ trụ ra đời thế nào" đâu. Họ chỉ nghĩ đơn giản về quá trình vận hành của vũ trụ, cho rằng có HAI nguyên lý, Hai loại "khí" cơ bản là Âm và Dương kết hợp lại mà thành vũ trụ. Như thế trong thuyết cổ, thì chẳng có cái gì tương ứng với BigBang hết. Vũ trụ tự nó chuyển hoá từ Âm Dương, không có bắt đầu, không có kết thúc tuyệt đối.

Hoặc như thuyết Bàn Cổ, thì lại càng mơ hồ và chả giống gì với Bigbang.

Đến cả ngàn năm sau, người TQ mới có thuyết Thái Cực, cho rằng có một Khởi Thủy của tất thảy là Thái Cực, và thuyết này có thể cho gán với Lão tử. Như thế, từ Vũ trụ luận Nhị Nguyên (HAI) đã sang Nhất nguyên (MỘT). Từ đó mới hình thành khái niệm Thái Cực, mà người sau gán cho nó tương ứng BigBang.

Rồi các đời về sau còn cố giải thích nữa, nữa.... Những thuyết mà nay ta đọc về Âm Dương là kết quả của khoảng hai nghìn năm suy luận, cho đến thời Tống, Chu Đôn Di đưa thuyết Vô Cực, thuyết Lý Khí... thì mới có cái mà bạn đọc ngày nay.

Cho nên nói thuyết Nhất nguyên (Một nguồn) mà tương ứng với Bigbang trong Vật lý là do người TQ đã nói trước rồi, là một điều gán ghép áp đặt.

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Nếu nói về chuyện nơi nào đầu tiên nghĩ ra thuyết hình thành Vũ Trụ giống như Bigbang thì có lẽ cả chục nền Văn hóa tranh nhau mất !

1. Trung Quốc thì đem thuyết Vô Cực - Thái Cực, thế thì Bigbang chính là lúc Thái Cực để sinh ra các yếu tố. Thuyết Thái Cực nếu tính là Lão tử, thì 500 năm TCN.

2. Người Do Thái, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo cùng chung thuyết Sáng Thế, nói rằng BigBang là lúc Thiên Chúa (Allah) "tạo ra" thế giới, là "Ngày đầu tiên của vũ trụ mà kinh thánh đã nói". Thuyết này có từ 1500 năm TCN.
Và thực tế, khi thuyết BigBang ra đời, Giáo hoàng Jean Paul II đã tuyên bố : "BigBang là ngày Sáng thế, các nhà Vật lý hiện đại đã chứng minh sự đúng đắn của Kinh thánh" !!!
(Bạn có chấp nhận thế không? Hiện nay hầu hết các nhà vật lý hiện đại đều vẫn theo Thiên Chúa giáo đấy !)

3. Người Ấn Độ đưa ra thuyết từ Quả trứng nở ra vũ trụ. Thế thì gán Bigbang cho quả trứng đấy. Thuyết này có từ 2500 năm TCN.

4. Người Hy Lạp cho rằng từ Khaox - Hỗn mang sinh ra 5 nguyên lý, tạo thành Vũ trụ. Lúc hình thành 5 nguyên lý đó là Bigbang nhé ? Thuyết này có từ 700 năm TCN.

5. Thuyết Ai Cập

6. Thuyết Babylon

....

Có tha hồ các thuyết về Vũ trụ của các nền văn minh, văn hóa, và đều dễ dàng tìm được sự tương đồng với BigBang trong các thuyết đó: Vũ trụ sinh ra từ một thời điểm mà trước đó không có gì cả. Sau thời điểm đó mới hình thành vạn vật, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp.

Cho nên thuyết BigBang là BigBang, dựa trên nghiên cứu vật lý, chứ còn tranh xem đâu là nguồn ý tưởng cho BigBang, thì Toà thánh Vatican đã giành nó từ lâu rồi, chả có phần cho Trung Quốc đâu.

Vì vậy, trong các bài viết, tôi đã viết là : Thuyết Thái Cực Âm Dương rất tương đồng với thuyết Bigbang. Tương đồng thôi nhé, bởi các thuyết khác cũng có tương đồng đấy.

Vũ trụ là Nhất nguyên mà !



Được chitto sửa chữa / chuyển vào 11:37 ngày 05/05/2007

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
neo99son viết Xem bài viết
Thiên văn học ngày nay còn được dùng để dự báo các hiện tượng, sự việc trong tương lai nữa không?, nếu có thì bạn có thể đưa ví dụ ?


Hình như câu hỏi của bạn chưa nói rõ ý bạn muốn hỏi.

Nếu đúng nghĩa đen của câu hỏi đó, thì:
Dự báo các hiện tượng vũ trụ trong tương lai luôn là một trong những mục tiêu lớn nhất của Thiên văn học. Chưa bao giờ các nhà thiên văn ngừng việc tìm hiểu vũ trụ để dự báo cả.
Họ ngày đêm tìm cách quan sát, tính toán không phải chỉ để tìm hiểu bản chất các hiện tượng đã và đang xảy ra, mà còn những điều sẽ xảy ra: Mặt Trời sẽ thế nào, Trái Đất sẽ thế nào, tiểu hành tinh có quỹ đạo sẽ cắt ngang quỹ đạo Trái Đất hay không... Điều đó quá rõ.
Thiên văn như vậy là để dự báo ở tầm Vĩ Mô cho cả thế giới.

Còn nếu ý bạn hỏi về việc dùng Thiên văn Dự báo theo kiểu chiêm tinh, tức là dự đoán ở tầm Vi mô, cho từng người, từng sự vật, thì xét về chính thức, không còn nữa.

- Khoa quan sát thiên tượng của TQ, dùng hiện tượng thiên văn để dự đoán cho triều đình, cho từng người đã không còn ai kế thừa. Những chuyện như: sao (này) lâm vào địa phận (kia), điềm báo có (gian thần) loạn... đều được coi là không liên quan. Những yếu tố có tính khoa học được gìn giữ, còn yếu tố mê tín không được công nhận.

- Khoa Tử Vi dùng để dự báo, mặc dù dùng tên các ngôi sao, nhưng hoàn toàn không phải Thiên Văn. Họ chỉ mượn tên các ngôi sao, đặt thêm tên mới, để nói lên những khái niệm thuộc về Vũ trụ quan Nhân sinh của họ. Đó không phải là Thiên Văn.

- Khoa Chiêm Tinh của châu Âu trung cổ để dự báo đã không còn được chính thức công nhận là khoa học hoàn toàn. Những yếu tố thuộc về quan sát, ghi nhận, giải thích hiện tượng có tính khoa học, thì đã thành nền tảng cho Thiên văn học hiện đại, còn những yếu tố mê tín chỉ còn là chuyện lịch sử, không được công nhận là có liên quan với thiên văn.

- Thỉnh thoảng có vài sự kiện thiên văn được ghi nhận để đánh giá lịch sử, kiểu như "theo Kinh thánh, trước ngày Jesus ra đời tại máng cỏ, có 3 vị hiền triết phương Đông nhìn thấy 1 vì sao lớn bay xuống Jerusalem, nên đi về phía đó để tìm đấng Mesia". Nếu công nhận sự kiện đó, có thể suy ra khoảng thời gian Jesus ra đời gần vào ngày có sao chổi bay qua bầu trời. ...

Như vậy, xét về tính Dự báo, thì tính dự báo mang tầm Vĩ mô của Thiên văn là vô cùng quan trọng: Từ trường, Gió mặt trời tác động đến trái đất, loài người, tác động của các thiên thể đến Trái Đất, đến Sức khỏe, sự biến đổi trong tương lai.
Còn dự báo Vi mô thì hoặc mang tính mê tín, hoặc huyền bí không giải thích được, nên cũng không được phát triển hoặc chính thức công nhận là khoa học.

Lưu ý là phải phân biệt giữa Thiên Văn và Vũ trụ quan mượn tên các thành tố thiên văn.



Được chitto sửa chữa / chuyển vào 10:29 ngày 12/06/2007

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Lâu lắm quay lại topic này một tí, để viết một chút về Thiên văn học Ấn Độ.

Thiên văn học Ấn Độ có những thành tựu rất lớn, có đóng góp và liên quan không ít với thiên văn học Babylon, cũng như thiên văn học phương Tây.

Những kiến thức thiên văn cổ nhất được tìm thấy trong các kinh sách thời văn minh Vệ Đà (Veda) 2000 năm trước Công nguyên, tuy muộn hơn văn minh Babylon nhưng cũng có nhiều thành quả và nhận xét đáng kể.

Sau khi tiếp nhận những kiến thức thiên văn từ Babylon truyền vào, và sau đó là của Hy Lạp, cùng với sự phát triển của tóan học, thiên văn Ấn Độ có phát triển mạnh vào thế kỉ 6 và thế kỉ 11. Sau thế kỉ 11 thì không còn nhiều công trình đáng kể nào nữa.
Với hệ đếm phát triển rất sớm, phát minh ra số 0 - cũng đồng thời là hệ cơ số 10, người Ấn Độ đã biết dùng những con số rất lớn, mà trước đó người phương Tây hay Trung Quốc chưa bao giờ có thể viết ra.

Dưới đây là một số đơn vị đo thời gian trong Thiên văn của người Ấn Độ

1 Asu = 4 giây
1 Pala = 6 Asu
1 Ghati = 60 Pala
1 Ngày = 60 Ghati
1 Tháng = 30 ngày (có điều chỉnh)
1 Năm = 12 tháng (có điều chỉnh)
1 Yuga = 432000 năm
1 Manu = 72 Yuga = hơn 31 triệu năm
1 Kalpa = 14 Manu = hơn 435 triệu năm

Kalpa là nửa ngày Brahma (Phạm Thiên), một Kalpa là đêm, một Kalpa là ngày. Cứ hai Kalpa là một ngày đêm.

1 Ngày đêm Brahma = 2 Kalpa = gần 871 triệu năm.
1 Tháng Brahma = 30 Ngày đêm Brahma = hơn 21,6 tỉ năm
1 Năm Brahma = 12 Tháng Brahma = hơn 313,5 tỉ năm
1 Mahakalpa (Vô lượng thọ kiếp) hay 1 Vòng đời Brahma (Chu sinh Phạm Thiên) = 100 năm Brahma = hơn 31 Nghìn tỉ năm

Chỉ với con số Tháng Phạm Thiên đã lớn hơn tuổi vũ trụ trong các dự đoán hiện nay.



Được chitto sửa chữa / chuyển vào 21:28 ngày 29/10/2007

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
Thohry viết Xem bài viết
-5 hành tinh trên trời có thể nhìn thấy bằng mắt thường tồn tại trong cả thiên văn học Đông và Tây.
-Ở phuơng Tây, người ta gọi chúng theo tên các vị thần : Mercury, Venus... như mọi người đã biết.
-Phương Đông: lấy tên các ngôi sao theo ngũ hành: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ.
Vậy có thể kết luận, tên 5 hành tinh nhìn thấy được của hệ MT được đặt độc lập nhau ở phưong Tây và phương Đông. Chỉ có điều, không biết là trong văn hóa Đông phương, khái niệm ngũ hành xuất phát từ 5 hành tinh này, hay 5 hành tinh này được đặt tên theo ngũ hành?.


Như mọi người đều biết, Thiên văn học là ngành khoa học có thuộc loại sớm nhất, cùng thời với những truyền thuyết, cổ tích xa xưa, có trước các triết thuyết, lý thuyết, học thuyết rất nhiều.

Học thuyết Ngũ hành ở Trung Quốc chỉ bắt đầu phát triển từ đời Tần, trước đó tuy có mầm mống nhưng không mạnh mẽ và thành học thuyết rõ ràng. Trong khi đó Thiên văn học đã có từ rất xa xưa. Theo truyền thuyết, người đầu tiên đặt tên các ngôi sao và chòm sao là Vu Hàm, từ thời nhà Thương, tuy nhiên không có ghi chép chính thức nào còn lại. Nếu có, thì chắc chắn tên các hành tinh không thể là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ được.

Thời Chiến Quốc, có những nhà thiên văn ghi chép lại thành sách, nổi danh nhất là Thạch Thân nước Vệ, Cam Đức nước Yên (khoảng 350TCN) viết các cuốn Thiên văn, Thiên văn chiêm, Thạch Thị tinh kinh bạc chiêm, bản đồ sao Thạch Thị hỗn thiên đồ. Tất cả đều đã thất truyền.

Nhưng có một tác phẩm kế thừa còn nguyên vẹn, là Thiên Quan Thư, một trong 12 thiên của Sử Ký Tư Mã Thiên, tiếp đó là Thiên Văn Chí của Hán Thư, Thiên Văn Chí của Tấn Thư, ghi chép chi tiết.

Trong Thiên Quan Thư, không dùng Kim Tinh, Mộc Tinh, Thổ Tinh, Hỏa Tinh, Thủy Tinh, mà dùng các từ sau:

Thìn Tinh (Sao Thủy). (âm Thìn còn đọc là Thần)
Thái Bạch Tinh (Sao Kim).
Huỳnh Hoặc Tinh (Sao Hỏa)
Tuế Tinh (Sao Mộc)
Điền Tinh (Sao Thổ)

Các tên đó có những ý nghĩa khác nhau, phần nhiều dựa trên quan sát về chu kì chuyển động của các hành tinh.

- Chu kì chuyển động biểu kiến của Sao Kim khoảng 3 tháng, ngắn nhất trong các hành tinh (không tính Mặt Trăng), nên được coi là gốc của chuyển động các Chi. Thời xưa gọi tất cả 12 chi từ Tí (hạt trong đất) đến Hợi (cây chết đi) là "Thiếp thìn" hay "thiếp thần".
Từ Thìn (thần) này có rất nhiều nghĩa, ngày, giờ, cho đến các hành tinh cũng đều có thể gọi chung là Thần.

- Sao Kim có ánh sáng trắng sáng nhất nên gọi là Thái Bạch. Ngoài ra còn tên Trường Canh Tinh, Khởi Minh Tinh (Sao Đêm dài, Sao Báo Sáng), đều từ quan sát thực tế.

- Sao Hỏa có chu kì chuyển động biểu kiến rất khó hiểu với người xưa, vì lúc tiến lên, lúc lùi xuống, nên gọi là Huỳnh Hoặc.

- Sao Mộc có chu kì khoảng 12 năm, là gốc để tính lịch pháp, nên gọi là Tuế Tinh (Sao tính năm).

- Sao Thổ có chu kì dài nhất, khoảng 30 năm, tên gọi là Điền Tinh có nghĩa là "Lấp đầy" (điền vào chỗ trống cũng là nghĩa này).





----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Như vậy các tên gọi Hành tinh cổ của TQ đều xuất phát từ sự quan sát, ghi chép quan sát. Có thể trước các tên Thái Bạch, Huỳnh Hoặc... cũng đã có những tên khác nữa, nhưng không được truyền lại, không phổ biến. Sách thiên văn cổ nhất hoàn chỉnh là Thiên Quan Thư ghi tên đó, nên chấp nhận đó là tên cổ nhất. Và như vậy, đến đời Hán, và cả đời Tấn, cho đến về sau này, và cả bây giờ, thì các tên đó vẫn là tên được dùng.

Thời Tư Mã Thiên, thuyết Ngũ hành đã thịnh hành, nhưng trong Thiên Quan Thư, thì sự liên tưởng Ngũ hành lên thiên văn lại không ở các hành tinh, mà là ở các định tinh.
- Tiêu biểu cho Hỏa, thì lấy sao Tâm (Antares), sao đó tên là Đại Hỏa; sắc đỏ
- Tiêu biểu cho Kim thì lấy sao Thiên Lang (Sirius): sắc trắng
- Tiêu biểu cho Mộc thì lấy sao Sâm nhất (Rigel): sắc xanh
- Tiêu biểu cho Thổ thì sao Sâm tam (Betelgeuse): sắc vàng (nhưng đến nay đã đỏ)
- Tiêu biểu cho Thủy thì lấy sao Khuê (d-Andromeda): đỏ tối - sắc đen.

Như vậy chắc chắn thời đó chưa đặt tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cho hành tinh. Và các tên này cũng không được các triều đại chính thống dùng. Tôi chưa đọc nổi Thiên Văn Chí trong Hán Thư, Hậu Hán thư, Đường thư, Tống thư, ... nên không biết trong đó dùng thế nào, thế nhưng, qua việc đọc Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử thông giám cương mục,..., thì sách sử Việt Nam không hề dùng các tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ tinh, mà vẫn dùng Thái Bạch, Huỳnh Hoặc, Thìn Tinh, Tuế Tinh... Như vậy theo tôi nghĩ, các tên Ngũ hành không phải là tên chính thức trong thiên văn - lịch sử (thiên văn và chép sử là một quan - Thái sử).

Vậy tên đó vào từ thời nào? Tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu kĩ, nhưng theo tôi nghĩ, tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ có lẽ xuất hiện muộn hơn, ít nhất phải sau đời Hán.




Được chitto sửa chữa / chuyển vào 00:15 ngày 19/12/2007

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Đọc truyện Tây Du Ký thì có xuất hiện tên gọi Thái Bạch Kim Tinh, tức là ghép cả hai tên Cũ - Mới, và khi nói đến Cửu Diệu cũng đề cập Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tức là đến đời Nguyên - Minh đã có dùng cách gọi này.

Theo tôi, những tên gọi này có thể liên quan đến việc du nhập và phát triển của Phật giáo vào TQ, đặc biệt phát triển đời Lương - Tùy - Đường, thể hiện rõ trong việc tiếng TQ tiếp nhận thêm một loạt khái niệm mới, và thiên văn cũng thế. Chẳng hạn khái niệm La Hầu, Kế Đô từ Ấn Độ. Để dịch tên các hành tinh trong tiếng Phạn sang, có thể họ đã dùng các khái niệm Ngũ Hành. Còn Rahu và Kethu của Phạn văn, vì vốn thiên văn TQ không có, nên bắt buộc phải phiên âm thành La Hầu và Kế Đô.

Tương tự, là các khái niệm Diêm Vương, Long vương, Bốn thiên vương, Bốn Thiên môn, 4 Đại bộ châu, 4 Đại hải, 33 tầng trời, 18 tầng địa ngục, tầng trời Đao Lợi, Đâu Suất, vốn là của Phật giáo truyền sang.

Có thể trong quá trình truyền - dịch văn hóa, yếu tố nào mà từ TQ tự có thì họ giữ, yếu tố nào không có thì phải chấp nhận mới, nhưng vẫn dùng từ Hán nên nhiều lúc tưởng là của TQ, hóa ra chưa chắc.





Được chitto sửa chữa / chuyển vào 00:20 ngày 19/12/2007

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
Thohry viết Xem bài viết

Cám ơn bác Chito đã dày công sưu tập, phải nói là nhiều thông tin bổ ích.
Có cái đoạn sau thì em có vẻ hơi nghi hoặc:

Quote: ''''Vậy tên đó vào từ thời nào? Tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu kĩ, nhưng theo tôi nghĩ, tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ có lẽ xuất hiện muộn hơn, ít nhất phải sau đời Hán.''''

Hình như trong Đông Chu đã có nhắc tới ngũ hành ở đâu đó ?


Bạn trích một câu thế thì hơi dễ nhầm. Câu đó trong một đoạn, ngụ ý là tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cho các hành tinh, tức Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, xuất hiện muộn hơn, chứ không phải là Ngũ hành khi đó chưa có.

Như bài đầu tiên tôi có nói, thời Chu đã có tư tưởng Ngũ hành rồi, tuy nhiên tư tưởng này thực sự trở thành học thuyết là ở cuối Chu, đầu Tần, mà người áp dụng thuyết này nhiều nhất chính là Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng cho nhà Chu là Hỏa đức, mình diệt được Chu, thì phải là Thủy đức, vì Thủy khắc Hỏa. Do đó cờ, mũ, áo... đều lấy sắc đen, số thì chọn số 6, tháng thì lấy tháng 10 làm gốc.
(Có thể tham khảo Sử ký Tư Mã Thiên - Tần Thủy Hoàng bản kỷ)

Thuyết ngũ hành này thịnh vào Tần - Hán, và như bài trên có nói, ngay cả sắc của các sao trên trời cũng đã được chia theo Ngũ hành rồi.

Tuy vậy, việc phân chia đó khi đó chưa áp dụng cho các Hành Tinh, nên các Hành tinh chưa hề có tên Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
Fairydream viết Xem bài viết
Điều này có phải cũng đúng như với các tên gọi Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Đông Chí. Lấy các tên gọi của phương Đông cùng chỉ một hiện tượng thiên văn để gọi cho các khái niệm tương ứng của Phương Tây. Thay vì với Xuân Phân phương tây gọi là Vernal equinox . Vernal equinox nghĩa xuất phát từ la tin "đêm bằng ngày" lại được dùng bằng Xuân Phân có nghĩa giữa mùa xuân.
??


Trong 4 từ trên thì Xuân phân, Thu phân có trước, Hạ chí, Đông chí có sau.

Vào đầu thời Chu, cho đến tận năm 484 TCN có lẽ vẫn chỉ phân ra có hai mùa Xuân và Thu. Do đó Xuân thu là chỉ trọn một năm, chỉ thời gian tuần hoàn. Thời Xuân Thu, kinh Xuân Thu... là vì thế. Khi đó chưa chính thức phân chia mùa Đông và Hạ.

Theo tôi, có lẽ trước thời Chiến quốc thì chỉ có Xuân phân - Thu phân, là hai ngày (hoặc hai tiết) xác định giữa mùa Xuân và mùa Thu theo lịch pháp Trung Hoa.

Nếu thế thì đến đời Chiến quốc hoặc muộn hơn thì mới chia thành 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, khi đó mới có thể ra đời Đông chí và Hạ chí được. Việc phân chia 4 mùa căn cứ vào đuôi chòm Bắc Đẩu (Đẩu thược) quay xung quanh Thiên Cực Bắc để phân định. Thiên Quan thư của Tư Mã Thiên cũng khẳng định cách phân chia mùa này, và mỗi mùa chia làm 3 tháng thứ tự là Mạnh - Trọng - Quý.
Cũng vì ra đời sau, nên không dùng Đông phân - Hạ phân mà lại là Đông chí - Hạ chí.

Thời Chu lấy đầu năm là đầu tháng 11 âm lịch bây giờ, do đó tháng 11 âm lịch gọi là tháng Tí. Khi đặt ra Đông chí, thì Tháng đầu năm bao giờ cũng phải là tháng có chứa ngày Đông chí.

Các tiết khí gồm 24 tiết khí thì đến đời Tần Thủy Hoàng mới đầy đủ. Và đến năm 104TCN, đời Hán Vũ Đế lịch Thái Sơ mới hoàn chỉnh, tính toán chi tiết các tiết khí, ngày Phân và ngày Chí, và dời ngày đầu năm về tháng Dần (tháng 3 của lịch nhà Chu - Tần), tháng Dần trở thành tháng 1.

Cho đến bây giờ, sau hơn 2000 năm, thì truyền thống lấy tháng Tí là tháng 11 âm vẫn còn. Người Việt nhiều người vẫn có thói quen gọi tháng 11 âm là tháng Một, sau đó là tháng Chạp.
(Một - Chạp - Giêng - Hai).



Được chitto sửa chữa / chuyển vào 22:45 ngày 19/12/2007
Trong bài viết của mask trên forum thuviencongdong có câu
"Phương Đông có thể không có tên gọi hoàng đạo, xích đạo trời cũng ko có khái niệm hoàng đạo cắt xích đạo trời gì cả. Có thể họ diễn giải theo cách khác."

Tôi khẳng định các nhà TVH TQ cổ đại đã nắm rõ về Hoàng đạo, xích đạo trời rồi. Cách gọi tên Hoàng đạo đã có từ cổ xưa, còn Xích đạo thì sau này dịch từ phương Tây. Bên cạnh Hoàng đạo là đường đi của Mặt Trời, họ còn có Bạch đạo là đường đi của Mặt Trăng. Xích đạo trời thì gọi là Thiên Nhai (chân trời).

Theo ghi chép thì khi Trương Hành (thế kỉ thứ 2) khi tạo Thiên cầu bằng đồng để nghiên cứu thiên văn, đã tạo ra hai vòng tròn của Hoàng đạo và Thiên nhai, cắt nhau một góc (không nhớ bao nhiêu, vì khi đó tính góc theo kiểu TQ, không chia làm 360 độ mà chia làm 8 cung ứng với quẻ Bát quái, hoặc 12 cung ứng với 12 chi, rồi chia 10, mỗi độ khi đó ứng với 3 độ phương Tây), và chỗ cắt nhau đó đã được đánh dấu chi tiết ứng với các chòm sao. Đó chính là hình ảnh cụ thể về Xuân Phân và Thu Phân từ thời Hán.

Trên bia Thiên Văn Đồ (đời Tống, thế kỉ 12), có thể thấy rõ hình ảnh hai vòng tròn, là Thiên nhai (Xích đạo trời) và Hoàng đạo, cắt nhau ở vị trí đối xứng. Vị trí đó chính là Xuân Phân và Thu phân.

Thiên văn đồ được xác định là vẽ lại theo các tài liệu thiên văn cổ xưa hơn, do đó có thể thấy Hoàng đạo, Thiên nhai, Xuân phân, Thu phân đã có từ rất xa xưa. (Tôi sẽ tìm lại xem trong Thiên quan thư, Tư Mã Thiên có nói đến từ Hoàng đạo, Xuân phân, Thu phân không)

Thiên văn đồ (tk 12)







Được chitto sửa chữa / chuyển vào 14:06 ngày 21/01/2008

Tôi đã tra lại Thiên Quan Thư của Tư Mã Thiên (thế kỉ 1 TCN), trong đó có 1 đoạn như sau (dịch)

Thị chính tứ thời: Trọng xuân Xuân Phân, tịch xuất giao Khuê, Lâu, vị đông ngũ xá, vi Tề; Trọng hạ Hạ Chí, tịch xuất giao đông Tỉnh, Dư Quỷ, liễu đông thất xá vi Sở; Trọng thu Thu Phân, tịch xuất giao Giác, Cang, Đê, Phòng đông tứ xá, vi Hán; Trọng đông Đông Chí, thần xuát giao đông phương, dữ Vĩ, Cơ, Đẩu, Khiên Ngưu câu tây, vi trung quốc. Kì xuất nhập thường dĩ Thìn, Tuất, Sửu vị.

(Xem 4 mùa chính: giữa mùa xuân là Xuân Phân, xuất hiện sao Khuê, Lâu, Vị ở phía đông 5 xá, đất Tề; giữa mùa hạ là Hạ Chí, xuất hiện ở phía đông là Tỉnh, Quỷ, Liễu, phía đông 7 xá, đất Sở; giữa mùa thu là Thu Phân, xuất hiện Giác, Cang, Đê, Phòng ở phía đông 4 xá, đất Hán; giữa mùa đông là Đông Chí, xuất hiện phương đông là Cơ, Vĩ, phía tây là Khiên Ngưu, đất Trung quốc. Khi xuất nhập ở vị trí Thìn, Tuất, Sửu)

Như vậy 4 từ Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Đông Chí ít nhất đã có từ đời Hán, thế kỉ 1 TCN (mà chắc còn phải sớm hơn); chắc chắn không phải dịch từ những từ phương tây, và có thể khẳng định những ngày này là thuộc lịch Trung Quốc (Âm lịch).

(mask có thể copy đoạn này sang bên thuviencongdong để khẳng định điều này, tôi xin đảm bảo tính xác thực của đoạn văn bản trên).



----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Người Trung Quốc không chỉ xác định chính xác thời điểm Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí, mà còn xác định đó là những thời điểm quan trọng của Vũ trụ, là những ngày quan trọng bậc nhất trong Tự nhiên.

Điều đó được thể hiện thông qua việc cử hành những lễ Đại tế đều phải thực hiện vào các ngày này.

Theo lịch sử, thì lễ tế Trời ở Thiên Đàn - Bắc Kinh, TQ - bao giờ cũng phải thực hiện vào đúng ngày Đông Chí. Trong ngày này đích thân Hoàng đế phải đứng vị trí chủ tế. Lễ tế Trời của Trung Quốc cũng chính là lễ tế Thiên Giao, hay Nam Giao do đàn tế trời bao giờ cũng đặt ở phương Nam, khi tế thì quay mặt về phía Bắc, tức Thiên Cực bắc, nơi Thượng đế ngự.

Đối xứng với Thiên Đàn ở phía nam, phía bắc là Địa đàn. Tế Địa đàn thực hiện vào đúng ngày Hạ Chí.

Nhật đàn là đàn tế Mặt Trời, ở phía Đông, tế vào ngày Xuân phân.

Nguyệt đàn là đàn tế Mặt Trăng, ở phía Tây, tế vào Thu phân.

Bốn đàn tế với bốn lễ tế được đặt vào đúng 4 ngày, cho thấy sự tính toán thiên văn, lịch pháp, cũng như sự đánh giá cao ý nghĩa của các thời điểm này trong năm. Những ngày tế này do đó không phải được xác định bởi lịch Mặt trăng đơn thuần, mà phải kết hợp lịch Mặt trời tính toán khoa học, chính xác.


----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
Hero_Zeratul viết Xem bài viết
Nhưng trong bản đồ này, chòm sao Khuê cũng không ?ogiống hoàn toàn? với 3 chòm trong bài viết của bạn (bức ảnh thứ 3 cũng là do mình tìm được trên mạng từ cách đây khá lâu)

Tại trang 16 cùng topic, anh Chitto cũng đã giới thiệu 1 bản đồ sao đời Minh. Chòm sao Khuê trong bản đồ này có 16 ngôi nhưng cũng chẳng ?ogiống hoàn toàn? với bất kỳ chòm sao Khuê nào trong các bản đồ trên.
http://www9.ttvnol.com/forum/thienvanhoc/54934/trang-16.ttvn 


Tớ đồng ý với Hero.

Các chòm sao Trung Quốc trong một số trường hợp mang tính hình tượng riêng, và thậm chí có lúc không có sao tương ứng trên bầu trời nữa.

Chẳng hạn như chòm Cửu Khảm, trong bản đồ sao cổ TQ vẽ có đến hơn 30 sao, nhưng quan sát trên bầu trời khu vực đó lại chỉ có được chưa đến 10 sao. Cũng chưa biết vì sao lại vẽ nhiều sao đến thế.

Cũng có ngôi sao rất sáng trên bầu trời, thì bản đồ sao TQ lại không đặt cho nó cái tên nào hết.

Đối chiếu giữa bản đồ sao đời Minh, hoặc bản đồ sao cổ nhất là bản đồ Đôn Hoàng với bản đồ sao hiện đại, thì có nhiều chỗ không khớp.

Chẳng hạn quanh sao Bắc Cực trong bản đồ sao TQ cổ có 4 ngôi ở xung quanh, là bốn sao Tứ trụ, nhưng thực tế không nhìn thấy những sao đó.

Do đó, có thể có những cách vẽ khác nhau về các chòm sao TQ cổ, và sự đối chiếu đôi khi mang tính tương đối, không hoàn toàn chính xác được.

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trích:
Fairydream viết Xem bài viết

Cũng xin hỏi anh em về hiện tượng Ngũ Tinh Liên Châu có phải đó là khi 5 hành tinh cùng thấy được trên bầu trời. Trong sử có trường hợp nào diễn ra hiện tượng này rồi sau đó ghi nhận là có một biến cố nào đó hay là năm sinh của một ai đặc biệt không (cũng có thể là trùng hợp)


Được fairydream sửa chữa / chuyển vào 21:20 ngày 04/02/2008


Ngũ tinh Liên châu đúng là việc nhìn thấy cả năm hành tinh ở gần nhau trên bầu trời, còn được gọi là "ngũ tinh tụ", không nhất thiết phải chập vào nhau làm một (giao hội). Liên châu - thể hiện thẳng giống như một chuỗi hạt. Mà mặt phẳng quĩ đạo các hành tinh gần trùng nhau, thì khi chúng gần nhau trên bầu trời thì hiển nhiên là phải gần thẳng hàng với nhau rồi, không thể nhấp nhổm được.

Như vậy, Ngũ tinh liên châu (không phải giao hội) không phải là quá hiếm, vì việc "gần nhau" có thể rất tương đối. Các nhà chiêm tinh sẽ tùy nghi mà nói. Ngũ tinh liên châu được có thể là báo hiệu điềm lành, tốt đẹp, nhưng cũng có thể là điềm gở, tai họa cũng được, vì còn tùy thuộc khu vực mà nó tụ hội. Và quan trọng hơn là những người chiêm tinh nói thế nào cho có lợi. Nếu khi đang có việc cần vui mừng, thì các quan chiêm tinh sẽ báo ngay là điềm vui, còn nếu không thì ỉm đi hoặc bảo là điềm gở cũng chả sao.

Hiện tượng này được ghi nhận trong Thiên Quan Thư - Sử ký Tư Mã Thiên như sau: "Nguyên niên, đông thập nguyệt, Ngũ tinh tụ vu đông tỉnh". Nghĩa là năm đầu tiên đời Hán Cao Tổ, tháng 10 mùa đông, ngũ tinh liên châu tại chòm Tỉnh phương đông.

Tuy nhiên, theo tính toán của TVH hiện đại thì vào tháng 10 năm đó (206TCN), chỉ có Sao Thổ, Sao Mộc là rất gần nhau ở khu vực chòm Tỉnh. Nhưng đến tháng 6 năm sau thì 5 hành tinh đều nằm rất gần nhau ở khu vực chòm Tỉnh.

Khi Tư Mã Thiên viết sử ký vào 100 năm sau, có lẽ ông cũng ghi theo trí nhớ hoặc lưu truyền trong triều nhà Hán, sự kiện Ngũ tinh tụ báo hiệu điềm lành (Hán Cao Tổ mở đầu nhà Hán) mà không thể kiểm chứng được, nên ghi nguyên văn như vậy.

Do đó có thể thấy việc Ngũ tinh tụ không phải là khi chúng chập làm một, mà chỉ cần cùng xuất hiện gần nhau, nếu nằm trong một trong 28 Tú thì đã là cực kì tốt và hiếm có rồi. Và hiện tượng này mang tính hình tượng hơn là có ý nghĩa thực tế.



Được chitto sửa chữa / chuyển vào 02:34 ngày 17/02/2008

----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Trong Chiêm tinh, Tử vi bói toán thì để "dễ nói", khi Ngũ tinh liên châu thì được cho là sẽ nhân gấp nhiều lần cái Phúc cũng như cái Họa.

Người có Phúc, có đức thì khi gặp hiện tượng này, cái phúc sẽ tăng gấp bội. Kẻ tham lam, tàn ác, thất đức thì sẽ gặp tai họa khôn lường. Nếu vua sáng tôi hiền, thì đây là điềm báo đất nước hưng thịnh. Nếu vua tối thì điềm mất nước.

Giả sử có chuyện là một ông vua đang trị vì, và một người khác nổi dậy muốn cướp ngôi. Nếu gặp Ngũ tinh tụ, quan chiêm tinh của vua sẽ nói với vua là "dấu hiệu này cho thấy sẽ dẹp được giặc"; của người khởi nghĩa sẽ nói là : "dấu hiệu này cho thấy sẽ giết được vua, lên ngôi thay".

Tóm lại, kiểu gì cũng có lời dự báo đúng. !!!



----------------------------------------------------
Sống trên đời sống cần có một tấm lòng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét