Thứ Tư, 23 tháng 4, 2008

Phố

Hôm nay Hà Nội lại lạnh rồi
Lạnh như cái thuở mới lên mười
Bước chân ra đầu phố
Phố đổ gió đầy trời

Bỗng nhiên thấy mình trong phố cổ
Ngõ vòng để gió đuổi hụt hơi

Xuôi hết Hà Trung sang Yên Thái

Ngẩn ngơ tìm đền thờ Ỷ Lan
Chuếnh choáng nhìn đám người xa lạ
Đền xưa giờ đã hóa cửa hàng

Bún chả Hàng Mành hun điếc mũi
Tiếng gõ Hàng Thiếc nhức mù tai
Nồng nồng Thuốc Bắc tay thấy ấm
Loẹt lòe Hàng Mã mắt thật dài
Hàng Khoai ồn ã hoa ngập ngõ
Đồng Xuân nháo nhác những bờ vai

Thanh Hà cửa ô nghiêng đê cũ
Có chờ Chợ Gạo họp sớm mai
Có nghe tiếng hát đêm Hàng Lược
Những kẻ cầm chầu có còn ai
Thê Húc chạnh lòng thương Cầu Gỗ
Thái Cực hồ xưa đã tàn phai

Gió không nỡ thổi theo người nữa
Gió ở sau lưng gió thở dài

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2008

Di tích đất Hải Dương

Hải Dương - quê ngoại - là một vùng đất cổ, với nhiều di tích dấu ấn của các triều đại. Hải Dương xưa còn gọi là Trấn Hải Đông, một trong Tứ chính trấn của Thăng Long, thời Mạc còn lập Dương Kinh ở đây.

Hải Dương có 2 di tích ở bậc Đặc biệt quan trọng, là khu Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Côn Sơn gắn với Trúc lâm đệ nhị tổ Huyền Quang, với Ức trai Nguyễn Trãi, với Tư đồ Trần Nguyên Đán; Kiếp Bạc là đền thờ Trần Hưng Đạo lớn nhất, trên thái ấp của ông. Ngoài ra còn rất nhiều di tích ở cấp Quốc gia, và vô vàn di tích cấp tỉnh. Côn Sơn, Kiếp Bạc đã đi từ cách đây 18 năm, và quay lại thăm cách đây mấy tháng. Trong 18 năm cũng đã thay đổi nhiều.

Tuần rồi về Hải Dương, tranh thủ qua thăm được một số nơi:

1. Núi An Phụ
Xưa là vùng đất của An Sinh vương Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn, anh của Trần Thái Tông. Đỉnh núi An Phụ có chùa Cao, và nay có đền An Sinh thờ Trần Liễu. Từ đỉnh núi có thể nhìn ra toàn bộ vùng Kinh Môn, bao quát đến phía Hải Phòng.
Để lên đỉnh núi, phải phóng xe ngược những con dốc 14%. Gần đỉnh núi là tượng đài Trần Hưng Đạo bằng đá rất lớn, với bức phù điêu đất nung dài mấy chục mét mô tả cuộc kháng chiến chống quân Mông.

2. Chùa Đồng Ngọ
Còn gọi là chùa Cập Nhất, vì nằm ở thôn Cập Nhất. Nhưng dân gian lại gọi là chùa Cửu Phẩm, vì trong chùa có một tháp Cửu phẩm Liên hoa bằng gỗ hơn 300 năm, được tạo từ thời Thiền sư Chân Nguyên. Tháp cao đến 5 - 6m, gồm 9 tầng, 6 cạnh. Mỗi tầng và cạnh có 3 pho tượng gỗ, đứng trên hai lớp hoa sen. Tổng cộng 3 x 6 x 9 = 162 tượng gỗ, và mấy trăm cánh sen chạm trổ rất đẹp.
Trong chùa còn có pho tượng Quan Âm nhiều tay cổ nhất Việt Nam còn lại, có từ đời Mạc.

3. Chùa Giám
Tên chữ là Nghiêm Quang tự, là ngôi chùa cổ mà xưa kia Thiền sư Đại danh Y Tuệ Tĩnh từng tu hành và chữa bệnh cứu người. Ngôi chùa cổ còn nguyên vẹn, rất đẹp. Giữa chùa cũng có một tòa tháp gỗ Cửu phẩm Liên hoa, thậm chí còn đẹp hơn chùa Đồng Ngọ. Trên toàn Việt Nam chỉ còn 3 tòa tháp gỗ này thôi (tòa thứ 3 ở chùa Bút Tháp). Sau chùa có tượng thờ Tuệ Tĩnh mới đúc bằng đồng.
Bên cạnh chùa là đình Giám, và cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc nam, tiếp nối truyền thống của Thánh tổ sư Tuệ Tĩnh xưa kia.

4. Đền Quát
Đền thờ Yết Kiêu, nằm ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc. Đền dựng lại nhỏ hẹp, nhưng có hai tượng phỗng đá, hai ngựa đá, hai voi đá, hai sấu đá rất đẹp, là di vật cổ. Trước đền có một đầm nước rộng, tương truyền là nơi Yết Kiêu bơi lội thuở nhỏ.

5. Đình Huề Trì
Nằm ở chân núi An Phụ. Ngôi đình gỗ cổ này có kiến trúc đặc biệt nhất trong các đình làng Việt đã biết, bởi nó kiến trúc hình vuông, chứ không phải chữ Công, chữ Đinh, chữ Tam, hay bất cứ kiểu nào khác đã từng gặp.


Ngoài ra còn vào thăm vài nơi: chùa Sếu (Đông Cao), chùa Đồng Bào ngoại, đình đền chùa Đồng Bào nội, chùa Đồng Neo.
Còn một số nơi chưa đến nhưng sẽ đến: khu Phượng Hoàng nơi Chu Văn An về trí sĩ, Tinh Phi cổ tháp thờ bà Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ duy nhất thời phong kiến, chùa Thanh Mai nơi có tháp Trúc Lâm Đệ tam tổ Pháp Loa, đền Gốm bên bến Bình Than của Lục Đầu giang....

Oài, chỗ nào cũng muốn đến thì làm sao được nhở?


_____________________________________

Chùa Giám

Chỉ cách đường 5 vài km, chùa Giám nằm bình yên giữa xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Xưa chùa tên là Hải Triều tự, rồi Nghiêm Quang tự, là nơi xưa kia Thánh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh từng tu hành bảy trăm năm trước.

Chùa vỗn không phải nằm ở đây, mà cách đến vài km, mới được dời về mấy chục năm trước, nhưng giữ nguyên vẹn cấu trúc. Các cụ xưa dựng đền chùa bằng mộng gỗ chứ không dùng đinh, nên khi cần có thể dỡ toàn bộ ra rồi di chuyển đến vị trí khác dựng lại, mà vẫn đẹp như xưa. Chùa theo kiến trúc trăm gian, nội công ngoại quốc. Từ ngoài vào, qua Tam quan đến một hồ sen, sân gạch, rồi bái đường, thiêu hương, thượng điện, tòa phẩm, hậu điện, nhà tổ. Một bên là điện mẫu, nhà tăng, giảng đường, nhà khách, bên kia là đình Giám, khu khám chữa bệnh theo gương Thánh Y bảy trăm năm trước.

Nhà phẩm bằng gỗ ba tầng, tuy không được như tháp chuông chùa Keo, nhưng bên trong có tòa Cửu phẩm Liên hoa rất đẹp tạc cuối thế kỉ 17, hơn 300 năm rồi. Tòa tháp gỗ cao đến 6m, 9 tầng, 6 cạnh, mỗi cạnh mỗi tầng có 3 tượng, tổng cộng 162 pho. Tòa Cửu phẩm liên hoa có một trục giữa đặt trên cối đá, nên có thể quay được. Mỗi khi niệm phật mà quay tháp một vòng, thì lời niệm ấy được nhân lên vô số lần. Chín tầng tháp, từ Hạ phẩm Hạ sinh, Hạ phẩm trung sinh, Hạ phẩm thượng sinh lên đến Thượng phẩm Thượng sinh là những phẩm chứng quả trong cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà.



 _____________________________

Đồng Ngọ

Tại sao lại là Đồng Ngọ nhỉ? Đồng là cùng, Ngọ là Sung mãn tốt tươi. Dường như tên chùa là một lời cầu mong được sung túc trọn vẹn.

Chùa có lịch sử rất lâu đời, theo bia trùng tu ghi thì có từ thế kỉ 10, dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Sau tổ Chân Nguyên đời Lê trùng tu trở nên rộng lớn. Trong chùa cũng có ngọn tháp Cửu phẩm Liên hoa còn gọi là Cối kinh bằng gỗ, làm vào cuối thế kỉ 17, mới được sơn son thếp vàng lại rực rỡ. Tháp cũng 9 tầng, 6 cạnh, 162 pho tượng Phật và Bồ tát của khắp chín bậc cõi Tịnh Độ. Mỗi cạnh có 16 cánh hoa sen lớn nhỏ, tổng cộng 864 cánh sen, mỗi tượng Phật ngồi trên một đài sen 27 cánh, Bồ tát trên đài sen 18 cánh. Tổng lại không biết bao nhiêu cánh hoa sen?

Mỗi lần quay một vòng, lời cầu nguyện sẽ được nhân lên 3,453,400 lần, bằng công sức tụng cả một đời.




 

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

Cha mẹ & Con

Hắn đến chơi nhà Tr., người bạn học của hắn thời Đại học, và đến giờ là người bạn đại học gần gũi hắn nhất. Cu Tít chạy khắp nhà, rất bướng, nhưng cũng rất thông minh. Hình như những đứa thông minh thường hay bướng, vì chúng phát hiện những điều chưa được hợp lý hoàn toàn trong cuộc sống. Vợ chồng chúng nó nhìn con cười tủm tỉm. Hắn đùa rằng hắn sẽ đỡ đầu thằng bé nhá, cùng họ với hắn mà. Giờ cu Tít được gần 4 tuổi.

Hắn ngồi nhìn Tr., thằng bạn ấy. Hắn không biết nói gì.

Cu Tít mắc bệnh. Bệnh Máu Trắng.

Thằng bạn đau đớn kể: Thằng cu biết lắm, nó kêu "Con đau lắm, bố ơi, bố cứu con"...

Bố mẹ nó đã đưa con sang Singapore mấy tuần nay, chỉ tạm thời kéo các chỉ số về một mức vừa phải, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Có một cách là cứu điều trị theo một phác đồ trong một thời gian là 9 tháng, với tỉ lệ thành công chưa đến 40%.

Nhưng chi phí thật là lớn đối với một gia đình như bạn hắn.

Nếu như là một gia đình đủ giàu có như các đại gia đang nhan nhản khắp nơi, thì bạn hắn đã có thể nghĩ đến việc ghép tủy, nhưng không thể, không thể, tiền, tiền...

Hắn không biết liệu rằng, hắn sẽ ra sao nếu như gặp cảnh đó.

...........
...........

Hắn đã bắt đầu blog này gần 2 năm trước với một người bạn đã từng bị cùng bệnh, đã bình phục, với điều kiện phát hiện rất sớm và chăm sóc tại Mỹ. Còn con trai bạn hắn, số phận sẽ thế nào với nó ???