TOPIC GỐC TẠI ĐÂY: http://www.phuot.vn/threads/160491
Mongolia - thênh thang những con đường
Chuyến đi mới kết thúc hai ngày. Từ những thảo nguyên mênh mang, sa mạc hun hút, những mặt hồ rờn rợn, rơi về chốn thành phố khói bụi, thế là ốm luôn.
Chuyến đi này chắc sẽ không sâu nặng như Tibet, như Trung Đông, nhưng cũng tha thiết một nỗi nhớ về tự do trên những con đường dài mãi về phía trước.
Có những câu chuyện vui, có cả câu chuyện buồn, có những thảo nguyên xanh, và cả những hoang mạc cháy nắng, có những cơn mưa lạnh buốt, và những ngày oi bức.
Có những phút nhong nhong trên lưng ngựa, ê ẩm trên lưng lạc đà và cả vật vã trên chuyến xe lắc như điên băng qua những con đường đất gập ghềnh.
Có những đêm trăng sáng vằng vặc lạnh tê và có những đêm vọng từ xa về tiếng hát.
Có những mỏm núi trơ trọi và những cánh đồng ngập hoa.
Có những chiều tắm hồ và những ngày bụi đường đóng dầy trên tóc.
Có những phút lặng câm nghe thời gian trôi và có những lúc ngồi trầm ngâm nghe tiếng đọc kinh trong tu viện cổ.
Có những bữa ngon lành căng bụng và những lúc đói ngấu ngán ngẩm nhìn những món không sao nuốt nổi.
Có hương thơm hoa cỏ và mùi hôi gia súc, có vị béo ngậy thơm ngon của thịt nướng và vị gay gắt của món sữa ngựa chua....
Còn nhiều, còn nhiều nữa.
Last edited by Chitto; 26-09-2016 at 19:28.
Một vài hình ảnh
29-07-2014, 18:51
Chỉ vài hình ảnh thì sẽ không thể mô tả được chuyến đi, nhưng thôi, cứ đưa đây nhưng gợi nhắc những ngày đã sống.
Bạn đồng hành
Không phải bạn đồng hành nhưng đẹp quá
Và đây là bức ảnh tôi thích nhất
Cung đường
Mongolia không nằm trong kế hoạch năm nay hoặc cả vài năm nữa của tôi. Nhưng đến nửa năm không đi đâu, mệt mỏi với những công việc, và trước áp lực sẽ ùa về tiếp theo, tôi đồng ý với chuyến đi do Nheva rủ.
Cũng vì không nằm trong kế hoạch, nên khác với những chuyến đi trước, tôi hoàn toàn không tìm hiểu gì về miền đất sẽ đến, chỉ quan tâm những thứ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho chuyến đi thôi. Nào là cần mang những gì, ăn uống ra sao, đồ cá nhân thế nào.... chứ còn các điều khác không được quan tâm nhiều lắm. Do đó cảm nhận Mongolia tuy bớt sâu sắc nhưng lại có phần tự do.
Người Mongolia gần như không biết tiếng Anh, một số người trung niên thạo tiếng Nga. Các thành phố cách rất xa nhau, và cũng không phong phú về du lịch. Do đó chúng tôi thuê một landtour bản địa là Oogii, đi với hai chiếc xe. Toàn bộ cung đường trong 14 ngày với hơn 3000 km như sau:
Ngày 1: Ulaanbaatar - Baga Gazariin Chuluu (280km)
Ngày 2: Baga - Tsagan Suvarga (220km)
Ngày 3: Tsagan - Yoliin Am (230km)
Ngày 4: Yoliin - Khongoryn Els (180km)
Ngày 5: Khongoryn - Bayan zag (150km)
Ngày 6: Bayan - Ongiin Hiid (200km)
Ngày 7: Ongiin Hiid - Kharkhorin (350km)
Ngày 8: Kharkhorin - Khorgo (310km)
Ngày 9: Khorgo
Ngày 10: Khorgo - Moron (320km)
Ngày 11: Moron - Khovsgol (140km)
Ngày 12: Khovsgol - Moron (140km)
Ngày 13: Moron - Amarbaysgalant (500km)
Ngày 14: Amarbaysgalant (250km)
Số các km đường nhựa không nhiều, chỉ chiếm khoảng 1/4. Chủ yếu là đường đất xuyên qua thảo nguyên, núi non, sa mạc.
Bài này sẽ để tóm tắt những thông tin, kinh nghiệm của chuyến đi, hiện giờ chưa viết ra hết được.
Chúng tôi làm việc với Oogii, một landtour với giá 52usd/ người / ngày. Di chuyển bằng 1 xe van Liên Xô và 1 xe 7 chỗ Nhật.
Oogii sẽ có trách nhiệm thực hiện các cung đường, lo việc ăn uống, chỗ ngủ, vé vào cửa các điểm tham quan, lịch trình có 1 chuyến cưỡi lạc đà và 1 chuyến cưỡi ngựa.
Giá trên không bao gồm tiền mua đồ ăn thêm (dê nướng, thịt nướng, hoa quả mà chúng tôi mua ở chợ), chi phí tắm, đi thuyền, cưỡi hoặc chụp ảnh tuần lộc, chụp ảnh với đại bàng.
Chuyến đi dài và đoàn 12 người nên cũng có những tình huống phải xử lý.
Ngày 10/7 tôi đổi tiền tại sân bay là 1usd = 1832 Tugrisk. Sau đó tại 1 chợ đổi được 1835.
Chi phí không kể vé máy bay: Landtour: 14 x 52 = 728 usd.
Hostel tại Ulaanbaatar 3 đêm: 6 + 12 + 12 = 30 usd.
Các thứ khác: ăn uống thêm, đi thuyền, mua đồ thêm, quà: 150 usd.
Last edited by Chitto; 31-07-2014 at 21:10.
Dùng nước
Chuyện đầu tiên nói đến khi đi Mông Cổ là chuyện dùng Nước.
Người Mông Cổ rất quý nước, và dùng nước vô cùng tiết kiệm. Không phải chỉ những người sống giữa thảo nguyên, sa mạc, mà ngay cả những người sống cạnh nguồn nước dồi dào như sông hồ, giếng lớn, cũng đều dùng nước rất tằn tiện. Nước chỉ để uống, rất ít rửa mặt và tay chân. Rửa bát đĩa thì chỉ hai gáo nước cho cả chồng hàng chục chiếc, rồi sau đó lấy khăn lau. Nước tắm là xa xỉ. Ngay trong các thành phố thì các nhà (không phải nhà xây cao tầng) vẫn dùng nước do xe téc chở đến giữ trong các can nhựa loại 20 lít.
Do đó ngay ở thành phố, các nhà riêng vẫn luôn có WC dựng ở góc xa với hình thức đào hầm sâu và bắc gỗ bên trên. Các thành phố đều có nhà tắm công cộng, nơi người ta (và du khách) trả tiền để được tắm. Chúng tôi 2 lần ở guest house thì muốn tắm cũng phải trả tiền 2000 - 3000 Tugriks (1T = 11.6 VND).
Do đó chúng tôi có kinh nghiệm là nước uống do Oogii mua theo lốc 8 chai, sau khi uống xong chúng tôi đều giữ lại vỏ chai. Khi đến nơi có nguồn nước (suối, giếng, nhà tắm công cộng) thì lấy đầy các chai đó mang theo, dùng làm nước rửa, đánh răng... Những chai nước đó Oogii và lái xe còn uống luôn và tỏ ra thích uống hơn là nước chai đóng sẵn.
Cũng vì thế việc làm bẩn nguồn nước là điều tối kị với người MC. Việc WC thường diễn ra ngay trên đồng cỏ, đâu cũng được, miễn là xa nguồn nước.
Kể cả những khu lều sống cạnh hồ mênh mông thế này, việc dùng nước cũng rất hà tiện, và việc giặt ở hồ làm người MC rất không vừa lòng.
Last edited by Chitto; 31-07-2014 at 21:06.
Thời tiết
Tháng 7, chuyến đi gặp nhiều dạng thời tiết khác nhau ở Mông Cổ.
Ở Ulaanbaatar ngày nắng nhưng có thể có mưa to đến cực to bất chợt, sau đó lại nắng to. Trong ba đêm ngủ thì 1 đêm lạnh phải đắp chăn, hai đêm bình thường.
Trong chuyến đi, nhiệt độ phụ thuộc hoàn toàn vào việc có nắng mặt trời hay không. Khi có nắng thì rất nóng, bức bối ngột ngạt. Nhưng chỉ cần đám mây che một lúc là lại thấy lành lạnh. Đêm thường gió và lạnh. Có đêm gió to thổi tốc cả tấm che nóc lều, nhiệt độ xuống thấp. Chúng tôi có mang túi ngủ nhưng loại vừa phải thì vẫn lạnh, trong khi các khu lều không phải lúc nào cũng đủ chăn.
Đêm sa mạc cũng vẫn hơi lạnh, dù ban ngày nóng thở hồng hộc. Khi đi lên phía Bắc thì các khu lều có lò sưởi đốt củi. Nhưng khi đốt lò (gỗ thông) lửa rực lên thì lại nóng quá, mà lửa mau tắt, khi tắt lại lạnh. Gỗ thông không để than nhiều.
Vì vậy việc mang theo túi ngủ là cần thiết, nên mang loại dày đủ ấm. Khi nóng thì dùng túi ngủ làm tấm trải, vì giường đệm tại các khu lều đều hầu như không bao giờ giặt.
Trong chuyến đi có lúc gặp cầu vồng gặp cả mưa đá nữa. Còn mưa thì thường xuyên. Có cơn mưa chỉ thoáng chốc nhưng cũng có cơn mưa dai dẳng mất hai ngày.
Cầu vồng sau mưa trên thảo nguyên (by Nheva)
Di chuyển
Xe chạy đường trường như chúng tôi có thể là xe Nhật, Landcruise (ít người) nhưng thông thường nhất là loại xe van của Liên Xô. Đường sá MC chỉ có rất ít trục chính là đương nhựa, mà ngay cả đường nhựa thì cũng thỉnh thoảng chặn lại để sửa nên xe lại lao ra ngoài mà đi. Khi đó xe van phát huy tác dụng tốt, vừa nhanh vừa khỏe.
Tuy nhiên xe van lại có cái mệt là hai hàng ghế của nó quay vào nhau, nghĩa là sẽ có hai trường hợp: Hoặc là hai hàng ghế ngồi nhìn vào giữa xe, hoặc là một hàng nhìn lên phía trước như thông thường, và một hàng ghế nhìn ngược.
Chúng tôi đi hai xe, xe Nhật chở 6 người, trên đường nhựa thì ngon, đường thảo nguyên tự do thì luôn tụt lại sau khá xa so với xe van. Xe van 6 người + Oogii, trong đó Oogii ngồi ghế cạnh tài, 5 người ngồi xuôi chiều và 1 người ngồi ngược... là tôi.
Thực ra lúc đầu bạn Tú bé tí ngồi ngược, nhưng sau hơn 1 ngày thì không chịu được nên tôi ngồi vị trí đó các ngày còn lại. Đường xóc là tha hồ mà lắc và tiếng hò reo vang lên rầm trời.
Hai chiếc xe trên con đường "một trăm làn", thích chạy làn nào thì chạy:
Đồ ăn
Món "quốc hồn quốc túy" của Mông Cổ mà chúng tôi được biết suốt chặng đường, được Oogii nói là: "everywhere, every time" là một loại bánh bột giống như bánh gối. Bên ngoài là một lớp bột tròn dày cán ra, không có bột nở, ở giữa bỏ thịt cừu xắt như kiểu hột lựu, đúng ra là thái sơ sơ, thêm chút muối, chập nửa lởp bột vào thành hình bán nguyệt rồi bỏ vào rán. Món này ngày đầu tiên háo hức ăn lắm, ngày thứ hai cũng thấy OK, dù lặc lè hơn. Đến ngày thứ ba, thứ tư, rồi thứ sáu, thứ bảy... cơ số ngày, ở đâu đâu cũng thấy, thì phát sợ.
Những ngày sau dặn đi dặn lại là tránh món quốc hồn quốc túy đó ra, trong khi các bạn lái xe mỗi bữa chén ít nhất là 4 cái.
Như vậy thịt cừu, thịt dê, thịt lạc đà, thịt ngựa có rất nhiều ở Mông Cổ. Xuống phía Nam thì không có thịt bò, lên phía Bắc mới có, khiến cho những người không quen nổi với mùi hoi của các loại thịt kia thật là khổ sở. Mà trên đường đi không dùng gia vị nào khác ngoài muối, cũng như cách chế biến của họ hết sức sơ khai và du mục, nên món ăn ngày càng trở nên vất vả với nhiều người trong đoàn, và đành quay lại với truyền thống mỳ gói của dân tộc.
Nói riêng là tôi rất dễ ăn, nên bữa nào cũng chén sạch khẩu phần của mình do Oogii làm, và thường chén thêm từ 1/2 đến hơn 1 khẩu phần của người khác nữa. Số mỳ gói, cháo ăn liền, phở của tôi còn nguyên cho đến ngày về. Tôi thấy ăn được, và nhiều món ngon nữa !!!
Những món như rượu sữa ngựa, sữa chua, trà sữa, thịt nướng đá,... thì từ từ kể sau nhá.
Đặc sản
Một đặc sản mà chắc chắn ai đi MC cũng phải thưởng thức vài lần, đó là CỘC ĐẦU.
Dù cao, dù thấp, dù béo, dù gầy, dù khó tính hay dễ tính, dù cẩn thận hay hậu đậu, thì rồi bạn cũng sẽ bị cộc đầu khi ở MC.
Bạn sẽ ở lều tròn, mà người MC goi là GER (phát âm là Ghia-r), lều này có ở khắp mọi nơi. Ngay ở thành phố thì nếu ngôi nhà có đất, họ cũng sẽ dựng ger ở sân. Nhà trọ thì trên thượng cũng là ger. Trong tu viện, ngoài vỉa hè, quán bán hàng... đều là ger. Đây là tinh hoa truyền thống ngàn đời của MC.
Mà ger thì dù to, dù bé, dù cao, dù thấp, thì cái cửa cũng đều thấp cả. Và thế là kiểu gì bạn cũng phải cúi đầu thật thấp khi bước vào. Cúi trước, cúi sau, bạn kiểu gì cũng có lúc cộc đầu đánh cộp và nhăn nhó kêu um lên rằng: "Rõ ràng đã để ý rồi mà sao vẫn cộc" !!! Có lúc cúi đầu thật sâu, bước qua cửa rồi vẫn cộc, vì mái lều thấp. Có lúc cộc vì khi ngẩng lên lại đập ra sau.
Thậm chí khi ở nhà trọ, không ở lều, có phòng rồi - vẫn cộc ! Vì cái cửa thấp quá.
Tóm lại: Cộc đầu là một đặc sản nữa của MC.
Quốc gia Mông Cổ
Quốc gia Mông Cổ ngày nay thì biên giới rất rõ ràng. Nhưng trong quá khứ thì không như vậy. Vùng thảo nguyên mênh mông là quê hương của những người du mục với các đội quân thiện chiến. Vó ngựa của họ đến đâu thì lãnh địa của họ đến đó, nên không có biên giới cương thổ rõ ràng.
Từ trước Công nguyên, những bộ lạc du mục gọi chung là Hung Nô đã quy tụ dưới trướng của các vị vua mà sử Trung Quốc gọi là Thiền Vu. Hung Nô chính là tổ tiên của người Mông Cổ ngày nay, lãnh địa không cố định mà thay đổi liên tục tùy theo sức bành trướng của họ. Họ không định cư, không xây dựng thành phố, nên khó mà nói biên giới họ ở đâu. Từ thời Chiến Quốc đến Tần Thủy Hoàng và về sau, Trung Quốc đã phải xây dựng Trường thành để ngăn họ, nên người Mông Cổ cho rằng thời Hung Nô biên giới của họ đến tận Trường thành.
Tuy nhiên khi TQ mạnh thì họ tiến đánh Hung Nô. Vị Thiền Vu nổi tiếng nhất là Attila, khi bị Hán đánh, ông đã quay sang phía Tây và đánh đến tận châu Âu, đánh phá đế quốc La Mã, tiến đánh cả Rome, trở thành "sự trừng phạt của Chúa" đối với người phương Tây, và cơn ác mộng mà ông gieo rắc ở châu Âu còn mãi đến vài trăm năm sau.
Sau thời Hung Nô, người Mông Cổ không thống nhất dưới quyền lực chung. Đến thế kỷ 13, vị vua vĩ đại nhất đã tập hợp các bộ lạc và hình thành đế quốc Mông Cổ: CHINGGIS KHAN (Gengis Khan - Thành Cát Tư Hãn). Từ đế quốc của Chinggis Khan về phía Tây đã có các vương quốc sát châu Âu, về phía Đông có đế quốc Nguyên, và hậu duệ về phía Nam là đế quốc Mogul ở Ấn Độ.
Sau thời Mông - Nguyên, Mông Cổ suy yếu và lần lượt nằm dưới tay các thế lực của Trung Quốc, Mãn Thanh cho đến khi độc lập năm 1945 sau Thế chiến 2.
Lịch sử Mông Cổ đan xen nhưng không phức tạp quá, chỉ có lãnh thổ là cả câu chuyện rất dài. Với người Mông Cổ ngày nay thì đất nước của họ nhỏ hơn những gì họ đã có rất nhiều. Phần Mông Cổ do Trung Quốc giữ (kế thừa Mãn Thanh) mà TQ gọi là Nội Mông rộng gần bằng Mông Cổ bây giờ. Người Mông Cổ do đó ác cảm với người TQ và luôn cho rằng họ đã mất quá nhiều đất vào tay TQ.
Chinggis Khan, vị Đại hãn vĩ đại. Người Mông Cổ không thờ tổ tiên nhưng luôn có tranh vẽ Chinggis Khan trong nhà hoặc lều.
Last edited by Chitto; 01-08-2014 at 23:03.
Tôn giáo văn hóa
Có bản chất du mục, người Mông Cổ không có tôn giáo đặc thù của riêng mình. Khi có người chết họ để xác ngoài đồng cho kền kền ăn, không cần mộ chí, không thờ cúng tổ tiên gì cả. Ngày nay họ đã chôn và làm bia, nhưng cũng rất đơn giản.
Thời Chinggis Khan, ông đã từng gọi các vị Lama từ Tibet, các Đạo sĩ từ TQ đến để tìm hiểu. Về sau Mông Cổ chấp nhận Phật giáo Mật tông Tây Tạng là quốc giáo của mình. Đặc biệt thời Mãn Thanh cai trị Mông Cổ, các vua Mãn Thanh theo Phật giáo Mật tông nên toàn đất Mông Cổ lập ra rất nhiều tu viện theo kiểu Tibet, dùng kinh sách chữ Tibet bên cạnh chữ Mông Cổ / Mãn Châu.
Thời Mông Cổ do Liên Xô (Stalin) cai trị, những năm 1930 - 1940, khoảng 700 tu viện bị phá hủy, hàng vạn lama bị giết, bị đuổi, chỉ còn sót lại 3 tu viện, một ở Ulaanbaatar, một ở cố đô Kharkhorin, một ở phía Bắc. Gần đây các tu viện mới được khôi phục lại một phần. Hiện nay một nửa dân Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng.
Trước khi Liên Xô tiêu diệt, Phật giáo Mông Cổ có một vị lãnh đạo tinh thần tối cao, tương tự như Dalai Lama (nhưng thấp hơn Dalai Lama), truyền được 8 đời thì chấm dứt, luôn được tôn sùng tương tự như vua và giáo chủ. Hiện nay các tu viện tại Mông Cổ thờ ảnh Dalai Lama 14 cùng các vị lãnh đạo tôn giáo của mình.
Thành phố
Mông Cổ hiện nay có gần 3 triệu dân nhưng đến hơn 1,2 triệu sống ở Ulaabaatar, chiếm 40%. Thành phố lớn thứ hai có 110 nghìn dân, thứ ba có 70 nghìn dân. Khoảng một nửa sống du mục khắp các vùng đất đai mênh mông.
Ulaanbaatar tương đối phát triển. Các thành phố khác cũng chỉ có vài thành phố có khu nhà cao tầng. Trong các khu nhà cao tầng có nhiều khu 5 tầng kiểu XHCN phong cách Liên Xô rõ nét. Ngoài ra dân thành phố sống trong các ngôi nhà 1 - 2 tầng mái dốc trải rất rộng theo các triền đồi. Điều thú vị là các ngôi nhà này có mái màu sắc rất sặc sỡ. Họ chọn các màu xanh đỏ tím vàng khác nhau đan xen, tạo thành một bức tranh vui mắt rất riêng. Rất nhiều những ngôi nhà như thế vẫn có các lều tròn (ger) ngay trong sân. Các nhà này không có hệ thống dẫn nước, mà mua nước từ xe bồn. Vì vậy nhà WC nằm bên ngoài và cách càng xa nhà chính càng tốt.
Thành phố Erdenet, thành phố lớn thứ ba ở Mông Cổ
Cuộc sống du mục
Những người Mông Cổ ở thành phố đã dần quen với cuộc sống định cư, rất khác biệt với những người du mục.
Những gia đình du mục có điều kiện thường cũng có một ngôi nhà ở các thị trấn. Các thị trấn này rải rác khắp nơi, thường có khoảng 1 - 2 trăm nóc nhà. Các nhà này là sở hữu riêng. Tuy nhiên nhà này chỉ là nơi họ trở về vào các dịp tụ họp, lễ hội. Chủ yếu thời gian họ lùa bầy gia súc đi các vùng thảo nguyên để chăn thả, và dựng lều giữa các nơi đó để trông gia súc. Trẻ con ở thị trấn đi học, cuối tuần thì đến lều cùng cha mẹ. Trai gái quen nhau ở thị trấn để nên đôi, chứ còn các lều trại thì cách nhau cả chục km.
Với thảo nguyên mênh mông, người Mông Cổ không có khái niệm sở hữu. Gia đình nào lùa gia súc đến nơi chưa có đàn nào khác thì ở lại đó. Không có sở hữu đất ở đây, nhưng có những bộ luật tục du mục nhất định, để họ không tranh chấp nhau. Một số nơi đặc thù là các nguồn nước sẽ có luật tục riêng. Các nguồn nước nếu là các dòng sông suối dài thì các đàn gia súc sẽ uống ở nơi cách xa nhau để không lẫn lộn. Nhưng có một số giếng nước thì các đàn gia súc sẽ đến uống vào khoảng thời gian khác nhau để tránh tranh chấp lẫn lộn.
Mùa chúng tôi đến là mùa hè, mưa nhiều nhất, cỏ xanh non nhất nên gia súc béo tốt nhất. Mùa thu họ sẽ đi cắt cỏ dự trữ và xây chuồng để mùa đông dồn gia súc lại. Những con tốt nhất sẽ được giữ lại, những con đến kỳ sẽ bị giết lấy thịt, da để số lượng giảm xuống, đến mùa hè năm sau sẽ sinh sản trở lại. Ngoài ra lũ gia súc có thể đào các rễ cỏ dưới đất để ăn trong mùa lạnh.
Nhiều gia đình có xe riêng để di chuyển, đi lấy nước.
Một gia đình lớn với vài gia đình nhỏ (cùng một nhà), mỗi nhà ở một ger. Ngựa, lạc đà thì có dấu sắt nung ở mông, cừu, dê thì có dấu màu ở mông, bò thì có kẹp ở tai để phân biệt.
02-08-2014, 22:12
Ulaanbaatar
Viết về cả một đất nước thì chắc là khó mà đủ. Vì thế thôi thì tôi viết luôn về chuyến đi. Chắc cũng không gõ nhiều lắm, đưa ảnh lên là chính thôi.
Ngày đầu tiên đến Ulaanbaatar là ngày cuối của lễ hội Naadam, lễ hội Quốc gia của Mông Cổ. Lễ hội này được tiến hành ở các thành phố khác nhau trong các ngày khác nhau. Vì thế khi ở Ulaanbaatar ngày 10 là chính hội thì ở Moron phải đến 24 mới là chính hội. Các bạn đến trước được xem cả buổi lễ chính ở sân vận động, còn chúng tôi đến muộn chỉ xem buổi tối ở quảng trường trung tâm thôi. Đêm ấy lại đúng là đêm rằm.
Hostel đầu tiên có cả loạt ger trên nóc, và chúng tôi nghỉ tại một trong số đó.
Ger trên nóc nhà nghỉ
Từ đó nhìn xuống thành phố, ngay ngoài kia là đồi núi xanh ngắt. Trời nằng nặng muốn mưa.
Gandantegchinlen Monastery
Hostel này nằm ngay gần tu viện Gandantegchinlen, là một trong ba tu viện còn sót lại sau thời Stalin.
Chiều tất cả lang thang vào khu này. Chỗ bán vé (4000T) đóng cửa, nhưng tòa điện chính cũng đóng cửa. Đi vòng quanh chơi thôi vậy.
Cổng tu viện theo kiến trúc Trung Quốc
Tòa điện chính theo kiểu Tibet
Ở đây rất nhiều bồ câu và dạn người. Cũng vì thế các công trình cổ đều phải rào lưới sắt quanh mái để bồ câu không đậu và làm bẩn, làm hỏng các kiến trúc. Nói chung là nhớ đến mấy hàng bồ câu quay trong chợ nhà tôi lắm rồi ấy.
Sükhbaatar Square
Buổi tối rằm Tháng Sáu âm lịch (cách đây 1 tháng rồi), cả thành Ulaanbaatar vắng ngắt. Từ hostel chúng tôi đi tìm hàng ăn mà không có. Các quán xá đóng sạch, phố phường vắng vẻ. Hóa ra họ tập trung hết về quảng trường trung tâm Sükhbaatar.
Quảng trường nằm phía Nam nhà Quốc hội - Chính phủ Mông Cổ. Mặt của tòa nhà là tượng ba vị vua: Ở giữa là Chinggis Khan, bên trái là Ogedei, bên phải là Khublai - Thành Cát Tư Hãn, Oa Khoát Đài (con trai) và Hốt Tất Liệt (chắt). Hai pho tượng hai bên Chinggis Khan là hai vị tướng cưỡi ngựa, phong cách tượng kiểu châu Âu.
Tượng anh hùng Ulaanbaatar ở giữa quảng trường
Dân tình tập trung hò hét
Đêm Naadam
Hoạt động chính của lễ hội Naadam là ba môn thể thao truyền thống: vật, cưỡi ngựa, bắn cung, diễn ra tại sân vận động. Còn tối ở quảng trường chỉ là ca nhạc.
Tôi chờ được nghe những bài dân ca truyền thống, nhưng thay vào đó là khá nhiều bài giống nhạc sàn ở VN, thậm chí có vài bài của Boney M khiến tôi xao xuyến ghê gớm vì tuổi đời của nó đã 30 năm. Sau đó là một số ca sĩ đương đại của Mông Cổ biểu diễn, khá giống nhạc phong trào của nhà mình, với ca sĩ nam hát ở giữa và ba cô gái đứng bên lắc lư phụ họa. Tôi không hiểu được tiếng, còn về giai điệu thì không ấn tượng gì.
Vào lúc gần 10h, có 15 phút hoành tráng là khi toàn bộ mặt tiền tòa nhà được dùng làm màn hình, và trên đó là những thước phim thể hiện niềm tự hào Mongolia. Người dân rất phấn khích.
Hình ảnh tái hiện những đoàn quân của đế chế Mongolia
Sa mạc mênh mông với đàn lạc đà trên con đường tơ lụa
Sau đó chương trình triền miên với các bản nhạc đương đại, tôi không thấy hấp dẫn lắm
Trăng rằm trên quảng trường
Đêm đó còn có bắn pháo hoa tầm thấp tại quảng trường. Nhưng khi đó tôi đã về hostel rồi. Vì lều tôi ngủ nằm trên sân thượng của hostel nên ra xem pháo hoa khá rõ, nhưng cũng không chụp ảnh.
Sáng hôm sau sẽ là những chặng đường chính thức đầu tiên trên thảo nguyên Mông Cổ.
Phía Nam ULB
Sáng hôm sau, rời khỏi hostel, hai chiếc xe đi về phía Nam của ULB. Đường trải nhựa phẳng lì thẳng tắp.
ULB lùi lại phía sau, ống khói nhà máy nhiệt điện phì phà cuối chân trời. Trời mờ mây và đổ mưa ở phía Nam.
Vải nguyện
Người Mông Cổ chịu ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng, cùng với đó là những tấm vải nguyện. Với tư duy đơn sơ chất phác, những gì trừu tượng cao siêu đều có thể được giải thích giản đơn đi rất nhiều.
Nếu tại Tây Tạng, những lá cờ nguyện với năm màu sắc: Lam, đỏ, vàng, trắng, lục mang những ý nghĩa tâm linh thâm sâu, có tính biểu tượng lâu đời, gắn với năm phương, năm vị Phật, năm Phật tính,... thì tại Mông Cổ, ý nghĩa đơn giản hơn nhiều.
Màu lam là trời; màu vàng là mặt trời; màu đỏ là máu; màu trắng là sữa; mà lục là cỏ thảo nguyên. Khi người dân muốn cầu với cái gì, mong muốn có được điều tốt lành từ cái gì và cho cái gì thì đem tấm vải màu đó đến buộc vào một cột chống giữa một đống đá. Đa số cầu với trời, nên vải chủ yếu màu lam.
Đơn giản thế thôi !!!
Re: Mongolia - thênh thang những con đường
Chính xác thì tôi cũng không nhớ, nhưng ít nhất là một nửa số đêm không mây. Trời rất nhiều sao và nhìn rất gần. Tôi cũng quan tâm thiên văn và từng là thành viên từ những ngày đầu của VACA nên cũng thích nhìn sao.Bạn Chitto cho mình hỏi là trong thời gian tháng 7 bạn ở Mông Cổ có bao nhiêu đêm trời trong không mây? Ban đêm bạn ra ngoài có thấy trời nhiều sao không? Mình nghe bảo Mông Cổ có hơn 200 ngày không mây trong một năm, nhưng mùa hè là mùa nhiều mây và mưa nhất. (mình thích quan sát thiên văn nên Mông Cổ nằm trong list phải đi mà chưa biết bao giờ đi được).
Tuy nhiên thời gian tôi đi gần rằm nên khi trăng bắt đầu lên thì sao cũng mờ, vì trăng rất sáng (và to). Khoảng hơn 10h tối trăng mới lên, và đến 9 - 10 giờ sáng vẫn còn. Ngoài ra đêm trời vẫn rất lạnh, nên nhìn một lúc thôi rồi lại phải chui tụt vào trong lều ! Ở Mông Cổ tháng 7 chòm Đại Hùng và các chòm quanh khu vực Bắc thiên cực rất rõ.
Steppe
Đường gần ULB trải nhựa thẳng tắp, xe phóng đến trên trăm km/h.
Thảo nguyên miền trung Mông Cổ, trời vẫn nhiều mây.
Con cháu Thành Cát Tư Hãn
Hoa cỏ
Cái lũ dê cừu này, càng lại gần thì chúng nó lại càng chạy về phía đồi xa. Nắng hửng lên rồi.
Ăn trưa
Buổi trưa dừng lại giữa thảo nguyên tại một "nhà hàng". Gọi thế cho oai, đây là một quán ăn bản địa, với những món đơn giản và truyền thống nhất, mà tiêu biểu là món "quốc hồn quốc túy" của Mông Cổ mà tôi đã nói ở trên.
Tối hôm trước ở quảng trường, tôi chỉ được ăn có một miếng con con, thấy ngon lắm. Đến lúc này mấy người phụ nữ MC làm cho chúng tôi mấy đĩa đầy, việc ăn lúc đầu cũng rất ngon, sau dần ngán vì nhiều dầu rán quá.
Baga Gazariin Chuluu
Sau khoảng 200km đường nhựa, xe lao về phía thảo nguyên mênh mông, theo những con đường mòn. Lái xe đi theo kinh nghiệm và thói quen, chứ chúng tôi chả thấy có biển báo nào, cũng như không có dấu hiệu khác biệt nào kiểu như có ngọn núi, có dòng sông, thậm chí là một cây to cũng không có.
Cũng phải nói là suốt chặng đường dài cho đến lúc này, cái cây to nhất chắc chỉ cao 50cm.
Baga Gazariin Chuluu là một khu núi đá khô cằn, với các lớp đá granit chồng lên nhau như những cái gối, mà trong sách nói rằng giống như trên mặt trăng. Trong chiều màu đá nâu đỏ hoang dại.
Tu viện cổ
Nhưng giữa vùng núi khô cằn, lại bỗng có một hẻm núi với những cội cây cao to xanh tốt. Nếu như trong suốt dọc đường chúng tôi chỉ thấy cỏ và cây bụi, thì ở đây khi gặp những tán cây này, thật là mát mắt.
Giữa khe núi có dòng nước nhỏ, và ở đó cách đây 300 năm đã có một tu viện nhỏ, dành cho một vài tu sĩ Phật giáo tu hành. Tu viện nhỏ được xây bằng đá.
Từ phía trên nhìn xuống khe núi
Hang lánh nạn
Vào những năm 1938, khi Stalin ra lệnh tàn sát Phật giáo, thì tại tu viện này có 3 vị sư. Ba vị sư đã chạy khỏi tu viện, đến một cái hang cách đó hơn 1km, trong lòng núi đá. Hang chỉ sâu khoảng 15m, phải khom người chui vào mới được. Những người dân đã lén mang nước và thức ăn đến cho ba vị. Nhưng chỉ được nửa tháng, lính Soviet phát hiện ra và đã giết cả ba.
Ngày nay cái hang trở thành nơi thiêng liêng. Tu viện hoang tàn không ai trông coi đã đổ nát hẳn, nhưng người Mông Cổ vẫn đến hang này cầu nguyện.
Trước cửa hang có một xương đầu ngựa. Khi một con ngựa tốt, trung thành chết đi, người chủ mang xương sọ của nó đến những đỉnh núi, nơi thiêng liêng để cho nó siêu thoát, đồng thời cũng cầu mong sẽ có được con ngựa tốt như thế để thay thế.
Đá
Những khối đá hình thù kì dị
Bên kia khối đá có một thung lũng xanh tươi. Mấy gia đình Mông Cổ đến đó cắm trại. Sau này tại các nơi danh thắng của MC, chúng tôi thường xuyên gặp những cảnh như thế này. Các gia đình có điều kiện sẽ mang lều trại, đồ ăn thức uống đi dã ngoại vài ngày, sống giữa rừng cây, bên khe suối...
Trại
Tít xa là những khu lều trại dành cho du khách nghỉ lại. Chúng tôi không nghỉ ở đó, mà đi xa hơn, vào nơi hoang vắng hơn...
Ger
Chiều, xe dừng lại tại một gia đình với bốn cái lều dựng giữa đồng cỏ gần một dải đá lởm chởm. Đó là nơi ngủ của chúng tôi. Đêm trước tôi cũng đã ngủ ger nhưng là trên nóc guest house ở ULB, còn giờ mới thực là ger giữa thảo nguyên.
Bên trong ger ngoài mấy cái giường còn có đồ đạc của chủ nhà: cái tủ để một số đồ, cái bàn, một hai cái ghế. Chỉ có thế thôi. Trời lạnh nhưng đóng cửa lại thì trong ger cũng rất ấm áp. Ở phía nam này chưa đến mức phải dùng lò sưởi. Việc vệ sinh thì cứ hồn nhiên quanh khu trại. Oogii chỉ mang theo 2 can nước nên chúng tôi phải dùng rất tiết kiệm, gần như rửa mặt đánh răng chỉ mỗi người một cốc con thôi.
Chiều nhuộm đỏ chân trời..
Và trăng 16 dần lên, vằng vặc
Một hình ảnh ở khu núi đá
Và buổi sáng trong vắt trên thảo nguyên
Đường đi
Rời khu trại, sáng sớm Oogii chuẩn bị đồ ăn trưa, và chúng tôi lại lên đường. Đường băng ngang thảo nguyên dần khô cằn hơn, cỏ cây thấp hơn. Chúng tôi đang đi về phía Nam.
Sau một hồi băng ngang đồng cỏ, lại gặp đường nhựa, nhưng rồi lại chẳng mấy chốc đường nhựa kết thúc.
Mây cứ như một đàn cừu thật lớn tung tăng trên trời vậy.
Dừng chân
Nơi dừng chân ăn trưa là một chòi sắt nhỏ trơ trọi giữa vùng đất khô. Trên ngọn có cột sắt cao, không biết để làm gì. Nói dại chứ đang ăn trời kéo mây oánh một phát sét xuống thì cả lũ thành BBQ hết.
Đất đai dần dần toàn sỏi và cát rồi đây.
Tsagan Suvarga
Chiều ngày thứ hai, đoàn đến Tsagan Suvarga, một khu vực núi đá có địa mạo màu sắc đan xen nằm ở phía Bắc sa mạc Gobi.
Giữa hoang mạc nổi lên một dãy núi dài 400m, cao khoảng 50m, các vách sụt lộ ra màu sắc đỏ, cam, vàng, và màu sắc còn trải rộng ra xung quanh. Tầm nhìn mênh mông, xa tít.
Trời xanh, mây trắng, đá đỏ, đất vàng...
Và đám người từ phương xa
Ngày thứ hai
Rời Tsagan Suvarga, xe lại chạy giữa mênh mông bình nguyên cát sỏi, lơ thơ cây cối.
Chiều, chúng tôi đến khu trại giữa hoang mạc, gần một bầy lạc đà vừa ầm ĩ vừa hôi hám.
Nhưng cũng có chú chó rất đáng yêu. Phía kia là người phụ nữ ngồi may vải che lều, với chiếc máy may Liên Xô, bà quay bằng tay từng mũi kim một chứ không phải là đạp chân.
Đêm thứ hai
Hoàng hôn xuống chầm chậm, 9h tối mới tắt nắng
Chân dài mải miết
Đêm giữa hoang mạc tĩnh nhưng không lặng. Vẫn tràn ngập những thanh âm dù rất nhỏ: tiếng ri rỉ của côn trùng nào đó, tiếng vo ve của mấy con ruồi nhặng giữa không trung, tiếng thở phì phà của đám lạc đà ở xa xa, tiếng rất nhẹ của gió, và cả những tiếng rì rầm gì đó không rõ của đêm...
Trăng lại lên sáng long lanh, phía xa là một cơn mưa.
(Xấu xí tí, đêm đi ra giữa hoang mạc vừa đi nặng vừa ngắm trăng, sung sướng tuyệt vời)
Ngày thứ ba
Buổi tối hoang mạc khá lạnh. Trong lều không đủ chăn, có người mang túi ngủ nhưng cũng có người không. Túi ngủ tôi mang không phải cho mùa đông nên cũng hơi lạnh. Cũng vì thế dậy khá sớm, lang thang trên đồng không.
Cái lũ làu nhàu khụt khịt cả đêm đây
Ê, tao mặc áo thời trang đẹp không mày ???
Ngày thứ ba
Những người MC ngủ đêm giữa đất trống, vì lều đã bị đám du khách thuê rồi. Cuộc sống của họ là như vậy, giữa hoang mạc, bầy gia súc, chú chó trung thành, và thỉnh thoảng có khách đến thăm.
Đêm qua, chúng tôi có một vị khách nhỏ đáng yêu này ghé thăm, mà mấy đêm sau chúng tôi lại gặp một vị như thế nữa ở chỗ khác.
Lên đường thôi, đường còn dài lắm
Một cơn mưa chặn trước mặt. Ở MC mùa này là vậy, mưa nắng đổi nhau liên tục, khiến cỏ tươi tốt, gia súc no căng hớn hở, và người cũng đỡ vất vả hơn.
Lũ gia súc này làm tốn của đoàn cả giờ đồng hồ chụp choẹt, chơi đùa
Chỗ này ở giữa giữa sa mạc Gobi, nhưng lại xanh tươi, vì đây là một dãy núi lớn, xung quanh một vùng có đất đai màu mỡ. Giữa dãy núi có một hẻm núi đặc biệt, là nơi chúng tôi sẽ đến.
Olyiin Am
Tiến vào dãy núi, hoa cỏ xanh tốt hai bên, trái ngược hẳn vẻ khô cằn bên ngoài dãy núi này. Lúc này chúng tôi đã dừng xe, đi bộ vào giữa hai dãy núi, dọc theo một dòng suối nhỏ.
Có nhiều hoa nên có ong, chỉ không thấy bướm thôi !
Một gia đình người MC rong chơi trên lưng ngựa
Đống đá với xương sọ một con ngựa quý
Lúc này may quá trời lại nắng lên rực rỡ, đám mây nặng nề đã tan.
Olyiin Am
Sâu vào tận cuối khe núi, cuối cùng chúng tôi đã thấy được điều kỳ lạ nhất ở nơi đây: Một vỉa sông băng giữa khe núi, giữa sa mạc nóng nực !!!
Mùa đông, toàn bộ khe núi với dòng suối này đóng thành một khối băng dày đến hơn 2m. Suối mùa hè, băng sẽ tan dần, nhưng đến tháng 9 mới tan hết, và sang tháng 10 thì lại bắt đầu đóng lại.
Nhiều người đã đi bộ lên trên, nên vỉa băng trông bẩn thế này. Nhưng đừng tưởng bở, bên dưới ướt nhẹp sẽ khiến những bước chân bất cẩn phải trả giá vì những cú vồ ếch. Băng rất trơn và nguy hiểm. Bên dưới chân băng bị rỗng do nước chảy xói mòn dần.
Chúng tôi đi dọc theo khe núi một đoạn dài, lúc đầu là trên, sau đó là bên dưới vòm băng
Suối băng
Sorry các bạn đồng hành vì lỡ đưa chân dung các bạn lên đây. Nhưng tôi chụp ảnh này hay mà !!!
Yolyin Am
Yolyin Am trong tiếng Mông Cổ nghĩa là thung lũng của chim ưng, và trên khe núi luôn có chim ưng bay lượn. Có lúc đến 6 - 7 con lượn vòng tròn.
Ở đây còn có một giống thú cực kì xinh, chả nhớ tên là gì, giống thỏ nhỏ nhưng tai tròn. Chả biết chúng dạn người hay nhát quá mà khi lại rất gần vẫn nằm thu lu, đến khi thò tay ra gần hơn nữa thì mới bỏ chạy rất nhanh, kiểu chạy như thỏ.
Chúng tôi còn gặp chuột sa mạc, nhảy bằng hai chân sau, có cái đuôi rất dài để giữ thăng bằng. Thế nhưng chúng nhảy nhanh quá không thể chụp ảnh được, chẳng giống mấy chú này.
Chiều ngày thứ ba
Những đứa trẻ từ bé đã quen với việc cưỡi ngựa, không cần yên, chỉ dây cương là đủ.
Chiều ngày thứ ba của cuộc hành trình, xe rời khỏi khe núi Olyiin Am, chạy dọc triền núi trải dài màu xanh.
Xe dừng lại ở một thung lũng nhỏ giữa hai triền đồi, nối tiếp với núi xa xa. Bên triền đồi, có hai người đang ngồi tâm sự. Chúng tôi cũng không hề định tọc mạch gì, chỉ là tiếng khóc to quá. Hai người phụ nữ, một người có lẽ đã uống nhiều rượu, nên không ngần ngại thể hiện cảm xúc giữa một chiều tàn tạ.
Chỉ có chú chó nhỏ vẫn vô tư chạy chơi, lúc thì rúc vào hai người, có lúc lại chạy tít ra chỗ chúng tôi chơi đùa.
Chiều
Chiều xuống buồn đến nao lòng. Chỗ chúng tôi nghỉ nằm trong một lòng chảo. Khi trèo lên đồi thì nhìn được rất xa. Phía trước là núi, bên trái là núi, bên phải cũng núi, chỉ có phía sau trải ra mênh mông hoang mạc.
Mọi người cười đùa, chụp ảnh, tạo dáng, cười nói râm ran. Trời dần lạnh. Một mình tôi đi về phía xa, trèo lên một quả đồi cao hơn để nhìn thật xa hơn nữa, nhìn về những chân mây sẫm màu, nhìn về những tia nắng mặt trời cuối ngày đang gắng gượng níu kéo cái bóng vàng. Tôi vẫn thường thích như vậy, đôi lúc tách ra để một mình ôm trọn cả không gian, thấm trọn cả cái lạnh của trời đất, ngắm trọn cả bầu trời mây đe dọa, nghe trọn cả tiếng của muôn trùng.
Nhưng giữa đỉnh đồi này, tự nhiên tôi lại có bạn ! Đó là một đống đá cầu nguyện được đắp không biết từ bao giờ. Mỗi hòn đá là một lời ước nguyện. Giờ đây tôi đang đối diện với rất nhiều lời ước nguyện. Tôi không nói gì với nó cũng như nó không nói gì với tôi, chỉ là chúng ta hiểu nhau. Tao thì vừa mới đến, lần đầu ngắm cảnh nơi đây; mày thì ở đây đã bao thuở bao năm, nhưng mày mãi mãi không đi đâu được cả. Khác nhau quá đi, nhưng dường như lúc này cũng giống nhau quá, đó là sự cô đơn nao lòng nhưng êm ả. Chúng ta biết trên đường đời sẽ luôn phải gặp sự cô đơn, nhưng sự cô đơn yên bình thanh thản đến thế này, không phải dễ dàng mà có được.
Khi mặt trời trút tia nắng cuối cùng hắt lên mây để từ đó hắt xuống, tôi lặng lẽ đi về khu trại. Nơi đó các bạn tôi đang ríu rít với món thịt ngựa nóng hổi...
Chiều đổ bóng dài
Quang cảnh này khiến tôi nhớ ngay đến bộ phim Lord of the Rings: dường như sau dãy núi kia là xứ Morgon hiểm ác??
Khu trại trong những tia nắng cuối
Ngày qua
Trong một chuyến đi luôn có những lúc vui, những lúc buồn.
Buồn không phải vì ai, chỉ là khung cảnh đó, bầu trời đó khiến ta thấy mình đang càng mất đi nhanh hơn những gì đang có. Cái cảm giác này đến không phải chỉ một lần. Những chuyến đi, những buổi chiều, những hoàng hôn.... Dù ở đâu: một chiều xưa cũ trong tuyết long lanh dưới trăng sớm, một chiều vàng rực với ánh đèn đài phun nước Trevi, một chiều lồng lộng từ trên đỉnh tháp Eiffel, một chiều lành lạnh trên hồ Ba Bể,... một chiều trên đồi lạnh buốt của phía Đông Tibet, một chiều mênh mang nước hồ Inle, một chiều bên sông nơi cuối rừng Tây Nguyên, một chiều cầu vồng rừng rực trên đất thánh Jerusalem...
Có chiều nào không sâu và không buồn? Có chiều nào không qua nhanh và không dần tăm tối.
Để ta thấy cần hơn những con người, gần gụi, thấu hiểu. Hơn hẳn bầu trời và ánh sáng kia - biết ta khao khát mà vẫn lạnh lùng sập tối, biết ta muốn ngắm nhìn mãi mà vẫn vô cảm bỏ đi.
Rồi ta cũng phải quay lại với những con người....
Sáng ngày thứ tư
Sáng, dậy sớm, một mình đi lang thang quanh thung lũng trong khi mọi người còn đang ngủ. Bình minh lên huy hoàng.
Ngày thứ tư
Bình minh quanh khu trại
Đứa trẻ đi đuổi dê và cừu trên đồng
Con ngựa này rất đẹp với bờm ba màu. Những con ngựa tốt để cưỡi luôn đứng suốt cuộc đời, cho đến khi không đứng được và ngã xuống thì nó sẽ chết.
Ngày thứ tư
Người bạn cô đơn chiều hôm trước, trong ánh nắng sớm rừng rực cháy
Một bầu trời mây mà mấy đứa gọi là mây kiểu đàn cừu
Tạm biệt ông chủ nhà đẹp lão, chúng tôi lại lên đường.
Rời xa dải núi, đất đai lại mang màu khô cằn của sa mạc. Những con đường mờ nhạt hơn giữa sỏi đá, cỏ cây thưa thớt, và mênh mông là trời.
Đường cứ dài hun hút, trên đầu có mây, phía xa có mưa, nhưng càng ngày càng oi bức nóng nực.
Chúng tôi đi về phía Tây của dãy núi, núi vẫn ở không xa, nhưng trơ trụi hơn và lộ ra màu đá xám. Một vài căn lều lẻ tẻ giữa vùng bán hoang địa, đôi lúc có vài con dê, ngựa, nhưng ít hơn hẳn ba ngày trước.
Đổi gam màu một tí.
Gần trưa, xe lại chạy gần vào rặng núi. Rồi rẽ vào một hẻm núi bên đường. Tại đây có dòng suối chảy uốn lượn. Nếu ở nhà ta thì dòng nước thế không ai quan tâm, nhưng ở đây lại là một nguồn nước quý giá.
Oogii xuống đào ở dưới suối một hõm nhỏ, rồi chờ sỏi đất lắng xuống, nước trong trở lại thì dùng nước đó đem vào nấu ăn ! Chúng tôi cũng tranh thủ lấy tất cả các chai rỗng đã uống hết nước múc cho thật đầy.
Bữa trưa là mì với phomai, tuy có chất nhưng cũng không được ngon miệng lắm. Như thường lệ, nhiều chị em chỉ ăn hết một nửa và tôi lại đánh chén hai suất.
Great Sand Dune
Bên đường xe chạy kéo dài một dải vàng nhạt, cao dần lên, cao lên nữa - đó là cồn cát lớn ở phía Tây của sa mạc Gobi. Cồn cát này có tên gọi là Khongoryn Els, kéo dài khoảng 120km và nơi cao nhất là từ 150 đến 200m. Đây cũng là điểm tận cùng phía Nam trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Một đàn lạc đà, những con thuyền của sa mạc
Khongoryn Els
Sau gần hai giờ chạy cạnh cồn cát, nơi cồn cát cao nhất đã hiện ra.
Xa thế này trông cũng bình thường, trèo lên mới gọi là vỡ mặt.
Khi chúng tôi đến gần cồn cát lớn, nghỉ tại khu ger gần nhất, thì trời còn nắng lắm. Không khí sa mạc khô nóng khó chịu vô cùng, xung quay lại mùi nữa vì có cả lạc đà, ngựa, dê. Chủ khu ger này cũng là người cho thuê lạc đà để cưỡi.
Chui vào lều cho đỡ nóng, kéo các tấm chắn quanh chân lều lên để gió lùa vào nhưng vẫn không ăn thua. Mọi người ngồi ngáp, chui ra cũng nóng, chui vào cũng nóng.
Thấy thời gian trôi vô nghĩa, tôi quyết định leo lên cồn cát một mình để ngắm hoàng hôn. Từ khu trại đến chân cồn cát khoảng gần 1km nhưng tôi đi lòng vòng nên mất đến cả giờ.
Cồn cát
Cồn cát trải dài cả trăm km, chỗ này cao vượt hẳn lên, do đây là nơi hút gió giữa hai dãy núi ở hai bên. Tôi định leo lên cồn cát từ phía này, nhưng thấy không có một dấu chân người nên ngần ngại. Biết đâu vớ phải chỗ cát lún thì đi đời. Đi có một mình lại ở chỗ không phải đường đi thông thường, gặp cái hố thụt là thôi không biết mình sẽ thành cái gì nữa.
Bởi thế tôi không dám leo lên cồn ở chỗ này, mà đi xuôi về phía Tây, nơi thấy có những người đang leo lên và tụt xuống. Chỗ đó chắc là không có nguy cơ gì rồi.
Bồn tắm
Đi dọc bờ cát, phía xa thấy có hai ao nước thông nhau, và đang có tiếng ríu ran ở đó.
Lại gần hơn thì có hai chiếc xe và một đám người lớn trẻ con, có vẻ cùng một gia đình lớn đang ra đó bơi lội tắm rửa. Họ rất vui vẻ hò hét, ngụp lặn dưới vũng nước tù mà chỗ sâu nhất chưa đến thắt lưng ấy. Cả người lớn, cả trẻ con, có chị còn bế trẻ đang bú cũng hào hứng lội. Trên bờ họ trải thảm bày thức ăn rồi nghỉ ngơi. Hóa ra đây là một chỗ picnic vui sướng với những người vùng sa mạc.
Thú thực là sau 2 ngày không tắm và giữa trời nóng nực ngột ngạt thế này, tôi cũng có ý định nhảy xuống vũng nước với họ. Nhưng khi ra đến mép nước thấy vũng đục ngầu toàn bùn, tôi phải bỏ ý định đó ngay.
Leo cồn cát
Đi bộ vẫn còn thật dễ dàng. Leo lên cồn cát mới thật là mệt nhọc. Mỗi bước chân là cát lún xuống, nhấc chân lên mỏi rã rời. Đoạn đầu đường thoải còn đi nhanh được, càng về sau càng dốc, thở ra bằng tất cả các lỗ: mũi, tai, mồm, và từng cả lỗ chân lông. Nhìn trông gần nhưng cất bước mãi mà vẫn không thấy mình lên cao thêm được bao nhiêu.
Tôi theo dấu của những người đi trước, đôi lúc thử đi cắt ngang hi vọng nhanh hơn, nhưng rồi phải từ bỏ ý định đó. Các đường mà tôi định đi cắt chéo lên đều quá dốc và cát rất trượt, bước một bức thì lại tụt xuống đến quá nửa bước. Mồ hôi chảy ra đầy người. Đành quay lại với những dấu chân cũ. Đi được 50 bước là phải dừng lại nghỉ. Phải đứng một lúc mới lấy lại hơi bình thường, chụp vài cái ảnh rồi đi tiếp.
Trông gần thế này nhưng leo lên mệt kinh.
Nhìn lại hai vũng nước phía dưới, với đàn lạc đà chở khách đang thong dong
Nhìn rộng hơn, thì ra hai vũng nước chỉ là phần sót lại của một dòng sông cổ. Dòng sông đã dần bị bồi lấp, chỉ còn một dãy những vũng nước nhỏ kéo về phía Đông, mà hai bên một ít cỏ cây mọc xanh tươi. Khu trại của chúng tôi là đám trắng trắng gần nhất trên con đường bên kia dòng sông cổ.
Đỉnh cồn cát
Sau khoảng hơn 40 phút thở hồng hộc, cuối cùng tôi cũng lên đến đỉnh của cồn cát. Từ đây nhìn toàn bộ phong cảnh của Els Khorgongo
Nhìn về phía Đông
Về phía Tây, nơi mặt trời đang dần xuống
Panorama chút
Hoàng hôn
Lại một hoàng hôn nữa rơi xuống trời Tây
Ngày thứ năm
Buổi tối ngày thứ tư của hành trình, chúng tôi có một cuộc trao đổi với Oogii về những điều còn chưa thông. Sau này còn vài lần phải bàn bạc như thế nữa.
Đêm ấy gió rất to, thổi đùng đùng lật cả tấm che nóc lều. Trăng vàng ệnh và lũ lạc đà khụt khịt cả đêm.
Sáng sớm hôm sau, mọi người lục tục dậy và gọi hỏi: Chitto ơi leo nữa không? Cuối cùng tôi lại quyết định leo lên cồn cát lần nữa, đón mặt trời lên.
Đi cùng các bạn nên leo chậm hơn chiều hôm trước, thở phì phò. Có một số người bỏ cuộc giữa chừng. Chúng tôi không mang nước vì khi đó leo sẽ rất mệt. Dù biết không có nước sẽ khát khô cổ, nhưng có nước uống vào có khi còn leo lâu hơn và mệt hơn.
Nhờ có mọi người nên có thêm vài bức ảnh đẹp
Singing sand
Chắc mọi người đã nghe về chuyện "cát hát". Những đồi cát cao như thế này tiếng "hát" rất rõ. Nó u u ù ù như tiếng máy bay phản lực bay qua bầu trời, nhưng hóa ra lại phát ra rất gần, ngay dưới chân ta.
Khi những hạt cát trôi xuống va chạm vào nhau, trượt trên nhau sẽ làm không gian ngập một thứ âm thanh là lạ. Khi không có cát trôi thì âm thanh cũng tắt.
Đoạn đường leo xuống là chúng tôi chia nhau ra trượt từng khúc để cát lúc nào cũng hát ! Cứ người này trượt thì người kia đứng lại, rồi đổi nhau. Những âm thanh ì ù đó kéo dài không dứt.
Camel riding
Món cuối cùng chúng tôi thưởng thức trước khi rời Đụn cát Lớn là cưỡi lạc đà. Lũ lạc đà nằm ngủ bên ngoài lều được dựng dậy để phục vụ khách. Bọn này có hai bướu, không phải loại to lớn, và hôi thì thật là hôi.
Chắc vì chúng không ngoan lắm nên ông già dắt lạc đà bắt các cô nương phải giữ dây các con lạc đà liền thành một dãy không rời nhau ra. Tức là ông ấy cưỡi một con, cầm cương con cô A cưỡi. Cô A cầm chặt cương con của cô B... thành một hàng 5 con. Như thế thật vướng, vì lũ lạc đà cứ chúi mũi vào bụng nhau, khụt khịt ngửi và tìm cách nhai gặp giày dép các cô.
May quá mình tôi được tự do không phải dính vào con nào, tự mình điều khiển. Cưỡi lạc đà chẳng êm ái gì, đau bàn tọa bỏ xừ vì cái yên ngồi rất chi là cứng. Tôi thì ok và còn khoái vì tự mình điều khiển, nhưng các cô kia thì nhăn nhó khổ sở thấy rõ...