Thứ Tư, 6 tháng 6, 2007

Xứ Quảng

TOPIC GỐC


Xứ Quảng

Mặc dù VN có đến mấy tỉnh có chữ Quảng, nhưng chỉ một nơi người ta gọi là Xứ Quảng mà thôi: Quảng Nam.

Viết cái topic này để đóng góp với các bác. Các bác nhiều chuyến hoành tráng quá.

Quảng Nam tách ra từ Quảng Nam-Đà Nẵng được mười năm nay. Xưa vùng đất này thuộc vương quốc Chăm pa (Chiêm Thành) cổ, dần dần trong quá trình Nam tiến, người Việt đuổi và tiêu diệt người Chăm, nên người Chăm ở Quảng Nam gần như không còn nữa.
Quảng Nam cũng là đất có kinh đô cổ nhất của người Chăm: Trà Kiệu, có di sản thế giới là Thánh địa đầu tiên của người Chăm: Mỹ Sơn, và di sản Hội An.
Về thiên nhiên, Quảng Nam có mấy bãi biển đẹp: Cửa Đại, Tam Thanh. Miền phía tây là núi giáp Lào. Hồ Phú Ninh cũng là một hồ nước nhân tạo rất đẹp với rừng được bảo tồn và trồng mới.
Người dân hiền hòa, thật thà, món ăn xứ Quảng có tính đặc trưng: ít vị nhưng vị nào ra vị ấy, mạnh và gắt.

(Chỗ này nếu cần sẽ viết chi tiết sau)

Topic này tớ sẽ không lôi Hội An vào, vì Hội An có lẽ phải có một topic riêng mới đủ, mà tớ thì không rành Hội An như các bác khác.
Last edited by Chitto; 16-06-2007 at 01:18 PM.

Mặc định

Sông núi sẽ viết sau, đoạn này nói về các di tích Chămpa cổ còn lại trên đất Quảng Nam.

Công trình Chămpa ở xa nhất phía Bắc là ở Huế, Đà Nẵng còn một số di tích, Quảng Nam còn những di tích chính sau:
- Thánh địa Mỹ Sơn
- Kinh đô Trà Kiệu: đã hoàn toàn không còn gì
- Phật viện Đồng Dương: chỉ còn nền
- Tháp Bằng An
- Tháp Chiên Đàn
- Tháp Khương Mỹ

Tháp Bằng An
(Trên quyển bản đồ hành chính ghi là tháp Bằng Sơn)

Theo quốc lộ 1 cũ đi qua thị trấn Vĩnh Điện, sát cửa ngõ thị trấn có một con đường rẽ phải, khoảng 2km là đến tháp Bằng An, được coi là cái linga to nhất Đông Nam Á

Last edited by Chitto; 19-06-2007 at 02:04 AM.

Mặc định

Tháp Bằng An là ngôi tháp Chăm bát giác duy nhất còn lại. Niên đại xây dựng của tháp Bằng An - theo như tấm bảng giới thiệu - là vào thế kỷ 11. 

Tuy nhiên theo một số tài liệu, thì tháp được dựng sớm hơn. Theo tấm bia đá được khắc khoảng năm 875 - 977, có ghi lại là vị vua Bhadravarman II của vương quốc Chămpa dựng một ngọn tháp Linga Paramesvara (Linga tối thượng), hình một linga khổng lồ, tượng trưng cho Thần Shiva, hình ảnh linh thiêng nhất của Thượng đế. Hình tượng Linga luôn là trung tâm điểm trong thế giới quan của người Chămpa, không hề dung tục, mà thiêng liêng thần thánh.
Nếu tháp Linga Paramesvara trong bia chính là tháp Bằng An, thì tháp này đã có từ trước tấm bia đó.




Hình dạng Linga đặc biệt của tháp ai cũng có thể nhận ra. 

Cũng như tất cả các tháp Chăm khác, cửa tháp quay về hướng Đông để đón Mặt Trời. Phần sảnh kéo dài thành cửa, gồm cửa chính và 2 cửa phụ hai bên. Năm 1940, công chánh Pháp sửa lại bịt phần dưới 2 cửa phụ thành 2 cửa sổ, nên tháp này là tháp Chăm duy nhất có cửa sổ theo kiểu ấy !!! 
(ngày nay nhiều bác nhà ta bảo tồn di tích cũng y hệt thế)
Last edited by Chitto; 19-06-2007 at 02:05 AM.

Mặc định

Cũng giống như hầu hết các tháp Chăm, tháp xây bằng gạch, trang trí bằng đá sa thạch. Đỉnh tháp đã rơi mất từ lâu, nên đứng giữa lòng tháp có thể thấy cái lỗ tròn trên đỉnh, và vì thế trong tháp khá sáng, chứ không tối om như nơi khác.
(Giống thật quá đi mất).


Ngày nay giữa tháp có một bàn thờ nhỏ thờ Linh vật Linga nhỏ bằng đá, một Linga sứt mẻ mất một góc, và đứng trơ trọi mà không có Yoni hứng đỡ, và một bát hương của người Việt cắm đó, lạnh lẽo và hờ hững. Chắc hẳn những di vật khác đã thất lạc hoặc di cư vào bảo tàng mất rồi.


Một Linga nhỏ nằm chính giữa một Linga vĩ đại, là hình ảnh của một thế giới quan thần thánh sinh sôi. Phải chăng bên ngoài là Vũ trụ vô tận, bên trong là bản thể kết tinh?


Mặc định

Quote Originally Posted by Chuoiday Xem bài
cái linh vật được thờ trong tháp là cái gì vậy thế bác anson?
Trung tâm điểm thế giới của người Chămpa là bộ đôi sinh thực khí Linga-Yoni, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hình tượng này mang rất nhiều ý nghĩa từ đơn giản đến phức tạp.

Hình tượng Linga-Ioni (L-I) nguyên ủy chính là cơ quan sinh dục nam-nữ, là cái đã-đang-sẽ tạo ra sự sống. L-I là khởi nguyên, duy trì, và tiếp tục của sự sống. Vì vậy nó trở thành linh thiêng vô cùng. 

Linga hình trụ thẳng đứng, là cái tạo dựng, định hướng, gốc nguồn, là trục của Vũ trụ. Ioni nằm ngang, là cái chứa đựng, sinh sôi, nâng đỡ, là nền của Vũ trụ. Linga đứng thẳng trên Ioni cũng như núi Mehru (Hán Việt là núi Tu Di) đứng giữa mặt đất và biển cả, là Trời-Đất, Đực-Cái, Cõi Thực Tại - Vô Thực Tại, mà cõi Thực Tại là nơi của Thần và người, cõi vô Thực tại là của ma quỷ, cõi chết.

Do đó, Linga dần trở thành biểu tượng, ngẫu tượng của Thượng Đế tối cao vô thượng. Thượng đế Ishavara trong Ấn Độ giáo tách thành ba đấng Brahma, Visnu, Shiva. 
Brahma (Phạm Thiên) là Sáng tạo, khởi thủy, sau sự Sáng tạo vĩ đại, đã chuyển hóa vào cả vũ trụ. 
Visnu (Tỳ Nữu) là Bảo tồn, bảo vệ cho vũ trụ thời mới hình thành, duy trì trật tự cho đến khi Shiva xuất hiện. Visnu chỉ thỉnh thoảng trở lại thế giới hiện thân dưới dạng hình của một số vị thần-người như Rama, Phật.
Shiva (Thấp Bà) là Hủy diệt. Nhưng hủy diệt để rồi lại tái tạo. Sự sinh sôi và hủy diệt ở giai đoạn sau Brahma đều do Shiva, cho nên Shiva trở thành hiện thể của Thượng đế tối cao.

Mặc định

Quote Originally Posted by anson Xem bài
Tháp Chiên Đàn 
Linh vật được thờ trong Tháp

(Tại sao ảnh ko hiện ra?)

Trong bộ Linga-Ioni mà bác Anson chụp này, đây là cái Linga đầy đủ nhất. 
Linga đầy đủ gồm ba phần: Phần dưới cùng hình vuông là tượng trưng của Brahma, phần giữa hình bát giác là Visnu, phần trên hình tròn là Shiva.

Những Linga tôn thờ Shiva tối thượng thì chỉ lấy phần tròn làm chính, như cái Linga ở trung tâm Mỹ Sơn


Linga đặt trong tháp thờ, bao giờ cái khe ở đầu cũng quay về hướng Đông (nghĩa là nếu đó là dựng đứng từ một người đàn ông nằm ngửa  , thì chân anh ta quay về đông, đầu quay về tây, nếu đầu ngẩng dậy sẽ nhìn về đông)

Ioni bên dưới thường là hình vuông, loại tròn như ở Chiên Đàn hiếm có hơn. Ioni là hình dạng của tử cung có khe chảy ra. Cái rãnh chảy ra đó quay về hướng bắc, nghĩa là nếu đây là một người đàn bà nằm ngửa, thì đầu cô ta quay về nam, chân về bắc, vuông góc với người đàn ông. Hai vật này là trung tâm thì hai người thần thánh là hai hướng của vũ trụ.

Trong lễ hội người Chăm, người ta sẽ dùng nước trong, nước thơm, sữa,... dội lên đầu Linga, nước sẽ chảy xuống Ioni, chảy qua rãnh ở phía bắc, nước chảy ra đó được coi là nước thần thánh, được dùng để lau lên người, dội lên đầu...

(Trình bày về Linga-Ioni thế này đủ chưa?)
Last edited by Chitto; 05-08-2007 at 07:38 PM.

Mặc định

Trước cửa Bằng An có tượng hai con thú, gọi là Gajasimha, hình nửa như sư tử, nhưng lại có cái vòi ngắn quay lên trên. Mỗi con đều có cái diềm đeo cổ khá rộng.
Hai con thú này có niên đại thế kỉ 11 - 12, do đó nhiều tài liệu cho rằng tháp dựng thời này. Nhưng cũng có thể hai con thú được thêm vào sau khi tháp dựng. 


Nhìn những hiện vật Chămpa mà buồn cho nền văn hóa Việt. Hầu như không còn di vật, hiện vật gì nữa từ thế kỉ 10. Thậm chí trước thế kỉ 10, nước Việt còn không phải của người Việt.
Last edited by Chitto; 18-06-2007 at 12:40 PM.

Mặc định

Rời cái Linga khổng lồ Bằng An, vừa qua thị trấn Vĩnh Điện là đến cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn. Con sông Thu Bồn đi vào văn vào thơ, bởi nó đẹp quá. Dòng sông rộng, phẳng lặng, nước trong xanh với bờ thoai thoải. Dòng sông này còn trở thành bút danh cho một nhà văn. Nơi đây còn gắn với huyền tích bà Thu Bồn của người Chăm.

Sông Thu Bồn là con sông Mẹ của người Chămpa cổ. Cũng có thể nói đây là con sông di sản, bởi xuôi dòng sông này, có thể gặp các di tích: Mỹ Sơn, lăng bà Thu Bồn, Trà Kiệu, và cuối cùng là Hội An.

Cầu Câu Lâu mới là một trong những cây cầu lớn nhất miền Trung, đứng trên cầu nhìn xuống cây cầu cũ được dựng từ thời đất nước còn chia cắt, như một nét vẽ thẳng. Có cảm giác khi mùa nước lũ lên, cây cầu ấy chắc còn đẹp hơn nữa.





Last edited by Chitto; 03-05-2010 at 08:35 PM.

Mặc định

Đường rẽ trái sang Hội An ngay trước cầu Câu Lâu.
Qua Câu Lâu, đến ngã ba Nam Phước rẽ sang phía tây là con đường 610 vào Mỹ Sơn.

Cách Nam Phước 9 km là kinh đô Trà Kiệu cũ của vương quốc Chămpa cổ. 
Về lịch sử Chămpa, trong wikipedia có khá đầy đủ. Trà Kiệu trở thành kinh đô trong khoảng thế kỉ 6-7 dưới thời vương triều thứ 4 của Lâm Ấp, với tên Sinhapura nghĩa là kinh đô Sư tử. Trà Kiệu đã từng bị nhà Đường, rồi Đại Việt tàn phá nhiều lần. Nhất là sau khi kinh đô Chămpa dời vào Đồng Dương thì lại càng hoang phế.

Đến thời Nguyễn, khi di dân tràn vào sinh sống trong khu vực thành cũ, thì những gì trên mặt đất đã hoàn toàn bị xóa sạch. Những di tích cũ chỉ còn tìm thấy khi đào sâu xuống đất. Những di vật cổ hoặc đã bị đem về Pháp, hoặc về bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, nên không còn nhiều.

Mặc định

Tên gọi Trà Kiệu, theo một tài liệu, thì là từ chữ Chà Kiều.

Giữa Trà Kiệu có một quả đồi cao khoảng 50m, gọi là núi Bảo Châu, hay núi Trọc, núi Trược. Thời xưa, đây là ngọn núi quan trọng trong kinh thành, vì theo vũ trụ quan Ấn Độ giáo, núi chính giữa là biểu tượng của Meru, trên đỉnh núi có ngôi đền lớn thờ Thượng đế Ấn giáo. Kinh thành Trà Kiệu lấy núi này làm trung tâm.

Khi các di dân - đặc biệt là Công giáo - tràn vào đây, đã dựng nhà thờ trên lưng chừng núi. Theo truyền thuyết, quân triều đình nhà Nguyễn bao vây để diệt tín đồ Công giáo tại đây vào tháng 9/1885. Vào ngày 21/9/1885, Đức Mẹ mặc áo trắng đã hiện ra trên nóc nhà thờ, tín đồ Công giáo chiến thắng quân triều đình. Từ đó núi Bảo Châu trở thành Thánh địa công giáo của cả vùng, nhà thờ được gọi là nhà thờ Mẹ Trà Kiệu. 
(Hình như chỉ thua mỗi thánh địa La Vang)

Nhà thờ trên đỉnh núi hiện nay do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế. Tượng Đức Mẹ ở giữa có phong cách rất khác, hình Đức Mẹ xõa tóc, áo gió thổi bay rất sinh động, gần gũi.




Mặc định

Dấu tích của kinh thành Trà Kiệu không còn mấy. Xung quanh núi Bảo Châu nhà dân mọc lên che khuất cả tầm nhìn.
Ngay ở cổng của khu nhà thờ Trà Kiệu, có một cái quán nước bán cả vài đồ lưu niệm, và ông chủ quán có một bộ sưu tập nhỏ những bức tượng, phù điêu Chămpa. Ông ấy nói rằng nhiều người đã đến xin mua nhưng không bán, và có dự định lập một bảo tàng nhỏ ngay dưới chân núi, trưng bày những hiện vật còn sót lại mà ông thu thập được.

Bao quanh nhà thờ Trà Kiệu là một bức tường trên đó gắn kín những tấm biển cung tiến của giáo dân đối với nhà thờ này, thể hiện sự sùng kính đối với Mẹ Trà Kiệu. Cũng không khác gì lắm so với việc ở chùa làm bia ghi tên người công đức, có điều họ thể hiện sự thành kính, đức tin chân thành hơn, với những lời tỏ sự biết ơn Đức Mẹ.


Khi tớ lên thì trong nhà thờ đang có một số giáo dân từ nơi khác đến làm lễ, đọc kinh và hát thánh ca, nên không tiện chụp ảnh nhiều hơn nữa.

Mặc định

Có người bảo dải đất có cây mọc cao và nhà kia là tường thành của Trà Kiệu cũ. Đất nơi đó chắc và cao hơn hẳn xung quanh - đã thành đồng ruộng. Do đó trong những năm có nước lụt từ sông Thu Bồn dâng lên, tràn đến đây thì dải đất đó vẫn không bị ngập. Còn về phía xa, vượt qua cả dãy núi kia sẽ là thánh địa Mỹ Sơn.



Mỹ Sơn cách Trà Kiệu khoảng 20km. Có lẽ ngày xưa khi các vua Chămpa đi cúng tế, đoàn người phải di chuyển vất vả lắm. Hoặc tớ hình dung họ sẽ xuống thuyền, ngược sông Thu Bồn, để đến gần Mỹ Sơn sẽ lại lên bộ. Khoảng cách giữa Thu Bồn và Trà Kiệu gần hơn so với Mỹ Sơn.

Trà Kiệu nằm giữa đồng bằng, lại lấy núi làm trung tâm, ngược với Mỹ Sơn nằm ở một thung lũng giữa bốn phía là núi. Có lẽ chính vì thế mà khi Trà Kiệu đã thành bình địa thì Mỹ Sơn vẫn còn uy nghi đứng đó. Những đoàn người Việt dễ dàng cư trú ở Trà Kiệu nhưng hình như không ai biết đến Mỹ Sơn.

Mặc định

Con đường từ Trà Kiệu đến Mỹ Sơn yên bình, êm ả lượn qua những vòng đồi, có lúc đi cạnh đường ray tàu hỏa, đôi lúc gặp dòng sông Thu Bồn trong xanh. Mùa lúa chín hẳn nơi đây vàng rực.



Mỹ Sơn nằm trong lòng một thung lũng núi ở xã Duy Phú huyện Duy Xuyên. Từ cửa khu di tích, đã dựng một tòa nhà bảo tàng để trưng bày những di vật không để ngoài thực địa. Một số hàng quán đã mọc lên.
Từ cửa đi vào 700m trung tâm, là những chiếc xe zip, xe 12 chỗ chở khách trên con đường đá gập ghềnh. Rừng hai bên nhiều cây mới trồng, nhưng dễ tưởng tượng xưa kia nơi đây rừng mịt mù chắn lối thế nào, và cũng ngăn cả những cái nhìn tò mò tham lam của kẻ đi tìm của.

Mặc định

Viết về Mỹ Sơn thì có lẽ đã có quá nhiều các trang web, của các tổ chức và cả các cá nhân. Là một di sản văn hóa thế giới, được công nhận là loại hình vật thể duy nhất còn tồn tại thuộc loại này, Mỹ Sơn dành được nhiều sự quan tâm của tất cả mọi người. Những hướng dẫn viên ở Mỹ Sơn cũng rất chuyên nghiệp, sẵn sàng giới thiệu rất chi tiết cho khách du lịch tìm hiểu, bằng mấy loại ngôn ngữ.

Sau khi nước Lâm Ấp được thành lập vào khoảng năm 192, trung tâm tôn giáo và hành chính nằm ở Khu Lật, gần Huế bây giờ (nơi có một ngọn tháp vừa được tôn tạo), đến thế kỉ 4 thì các vua Chămpa dời vào Trà Kiệu, xây dựng Mỹ Sơn.

Vua Bhadravarman I (Hán Việt là Phạm Hồ Đạt) là người cho dựng Mỹ Sơn như là khu đền thờ Ấn Độ giáo của vương triều, mà cụ thể hơn là thờ Bhadresvara, tức Shiva. Từ thế kỉ 4 đến 14, nơi đây luôn là trung tâm tinh thần của dân tộc Chămpa, với nhiều công trình được dựng lên bằng gạch, bằng đá, rải rác trong một phạm vi rộng. Các công trình mang phong cách của nhiều giai đoạn văn hóa, mà đối tượng chính luôn là Linga-Yoni đặt giữa lòng các tháp.

Người Pháp - lại là người Pháp - là người tìm lại dấu tích và tìm hiểu về khu tháp này, đã ghi chép cẩn thận, phân chia thành các khu A, B, C, ..., H. Chi tiết thì tôi sẽ chả viết ra đây làm gì.

Mặc định

Bốn phía vây quanh Mỹ Sơn là núi. Con đường duy nhất ra vào là từ phía bắc, do đó du khách sẽ đến thẳng ngay phía tây của khu đền tháp, ngay sau lưng tháp chính thuở xưa - mà giờ chỉ còn là nền đá và những tấm đá lớn đổ nát.

Đặc biệt nhất trong các núi vây quanh là ngọn Mahaparvata ở phía Nam. Ngọn núi này không thẳng lên trời mà lại khum sang phía đông, giống hình một cái đầu chim khổng lồ, được coi là hình của đầu chim thần Garuda, chim thần có thể nuốt được cả mặt trời.
(Garuda là biểu tượng trên quốc huy Indonesia, Thái Lan, hàng không quốc gia Indonesia)



Tôi đến Mỹ Sơn một mình, không theo một đoàn khách nào, vào đúng buổi trưa. Và vì thế, khi các đoàn khách ồn ào qua đi, khi cả những người hướng dẫn cũng đã về nơi nghỉ trưa ở đâu đó, thì một mình ngồi lại để cảm nhận cái thiêng liêng riêng có của nơi đây. Những ngọn tháp gạch lặng yên hoàn toàn không một bóng người. Những khoảnh sân ngập nắng, ngổn ngang gạch đá. Cây cối cũng im lìm.

Thông tin chi tiết nghiên cứu về Mỹ Sơn thì nhiều quá, lấy vài cái ảnh để tưởng tượng thôi vậy.

Những bức tượng chăm bằng đá đã nổi tiếng, và được gìn giữ tại bảo tàng điêu khắc Chămpa ở Đà Nẵng. Tại Mỹ Sơn còn nhiều tượng điêu khắc bằng gạch. Có lẽ họ đã xây gạch lên rồi mới điêu khắc thẳng vào gạch, vì nhiều chỗ còn dang dở.




Mặc định




 

Mặc định

Một số Linga-Yoni tại Mỹ Sơn

Linga tại tháp chính giữa



Linga bên cạnh tháp Thư viện (nơi để đồ cúng tế)



Linga bày trong một tháp khác



Yoni đã bị mất Linga


Có thể thấy phong cách khác nhau giữa các linga, có thể liên quan đến những thời kì văn hóa khác nhau, hoặc quan niệm văn hóa khác nhau. Linga chỉ tập trung phần đầu thể hiện sự tôn thờ cao nhất đối với Shiva, mà bỏ qua Brahma và Visnu.

Những di vật này cũng đã từng chìm nổi. Bệ Yoni của tháp chính đã từng là tảng đá mài dao của một người dân trong một thời gian dài, trước khi trở về vị trí cũ của nó. Nó đã bị vỡ khi tháp sập do bom Mỹ những năm chiến tranh. Những ngọn tháp khác và vô số di vật khác không biết giờ ở nơi đâu.

Mặc định

Một số bức tượng ở Mỹ Sơn, cũng như nhiều nơi khác bị mất đầu. Không biêt phần đầu những bức tượng này về đâu. Một phần do người Pháp đã mang đi. Khi những người chiếm đóng về nước, họ không mang được cả pho tượng đi, nên đã chặt lấy đầu, là phần tinh hoa nhất.

Điều này cũng tương tự một số pho tượng chùa ở miền Bắc, tượng Khơ Me ở Campuchia.


Mặc định

Khu A nằm ở phía đông khu chính, cách một dòng suối nhỏ nước trong vắt. Có lẽ ngày xưa các tu sĩ Bà La Môn đã từng lấy nước ở đây để dội lên các Linga trong tháp.
Khu A giờ không còn gì hòan chỉnh, chỉ còn một nền tháp cũ, nhiều di vật bằng đá xung quanh, những cột đá nằm ngổn ngang, phù điêu, và bệ Yoni chính giữa tháp.



Mặc định

Những tàn tích còn lại của khu F


Ngọn tháp chính, lớn nhất ở khu F đã bị một quả bom nổ ngay bên cạnh phá sập. Đất đá trùm lên phần còn lại của tháp, chôn vùi nó trong đất.
Khi khai quật ngọn tháp, những người làm việc đã vội vàng đào bới, bỏ lớp đất phủ bên ngoài (vốn giữ cho phần còn lại không đổ nốt) nhanh quá, nên tháp tiếp tục đổ.
Ngày nay phải gia cố bằng cọc sắt và mái che, nếu không phần này cũng sẽ sập hoàn toàn.


Thung lũng Mỹ Sơn mỗi khi mưa to, nước dưới con suối cũng dâng lên đáng kể, vì đó là lối thoát nước duy nhất của cả thung lũng.

Mặc định

Nhiều tượng, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đã được đưa vào các bảo tàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Do đó trong khu di tích thấy có những khối xi măng vuông, trên có biển kim loại ghi rõ: "vị trí này có một bức tượng hình... cao... ngang..., hiện được trưng bày tại bảo tàng...". 

Bên cạnh xã Duy Phú là xã Duy Tân, nằm sát sông Thu Bồn. Tại đây có đền thờ và lăng Bà Thu Bồn, một vị thần của người Chămpa xưa, cũng đã được Việt hóa. Triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, thượng đẳng phúc thần của cả vùng châu thổ sông Thu Bồn. Hình tượng nữ thần Chămpa đã được Việt hóa một phần, trở thành một thánh mẫu Việt, cũng giống như Thiên Y A Na vậy.

Theo truyền thuyết, lăng bà Thu Bồn có từ nghìn năm trước, từ thời Chămpa. Nhưng hiện nay thì các công trình đều dựng dưới thời Nguyễn hoặc muộn hơn. Những di tích này không còn di vật gì đáng kể.

Lễ hội Bà Thu Bồn vào 12 tháng 2 Âm lịch hàng năm, là lễ hội lớn nhất của Quảng Nam.

Mặc định

Sang thế kỉ 8, 9, vương quốc Chămpa phát triển mạnh mẽ, trở thành một quốc gia hùng mạnh, đe dọa các nước xung quanh như xứ Giao Châu (còn thuộc TQ), Chân Lạp. Đến thế kỉ 9 thì chính thức gọi là Chiêm Thành.

Năm 875, vua Indravarman II định đô tại Indrapura, cách Trà Kiệu một quãng về phía Nam. Ngày nay Indrapura thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình.
Từ Nam Phước - Duy Xuyên xuôi quốc lộ 1A đến thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, rẽ phải khoảng 15km sẽ đến khu Đồng Dương.

Nơi đây là trung tâm Phật giáo rất sớm của Chămpa, bên cạnh trung tâm Ấn giáo ở Mỹ Sơn. Những ngôi đền thờ Phật rất lớn, nền khu di tích rộng cả km vuông.

Nhưng tất cả đã đổ nát do con người, thiên nhiên, chiến tranh tàn phá.
Năm 982, Lê Đại Hành của Đại Việt tàn phá Indrapura, giết hàng vạn người, phá hủy kinh thành. Đây là cuộc tàn phá lớn nhất. Sau đó còn nhiều lần tiếp tục bị tàn phá. Và bom đạn thời chiến tranh gần đây nhất đã làm nốt công việc san Đồng Dương thành bình địa.

Cũng giống như nhiều di tích Chămpa khác, các hiện vật quý giá nhất còn giữ được là tượng cổ, phù điêu,..., đã được mang về Pháp hoặc nằm trong bảo tàng Đà Nẵng.
Pho tượng quý nhất ở Đồng Dương làm bằng đồng (rất hiếm vì tượng Chămpa thường bằng sa thạch) được để ở bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ngày nay ở Đồng Dương chỉ còn một bức tường là dấu tích của khu Phật viện lớn xưa kia, cùng các khu nền móng rải rác, mà dân cư đã xâm lấn nhiều.

Mặc định

Xuôi đường 1A, cách Tam Kỳ (mới lên thành phố) chỉ vài km, bên phải đường là cụm tháp Chiên Đàn, gồm ba tháp nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa tháp quay về phía Đông.

Cụm Chiên Đàn gồm 3 tháp, dựng khoảng thế kỷ 11, 12 (ảnh bác Anson ở trang đầu).
- Tháp nam (bên trái) được dựng đầu tiên, để thờ Brahma
- Tháp giữa được dựng tiếp theo, là tháp cao to nhất, để thờ Shiva
- Tháp bắc (bên phải) được dựng sau cùng, là tháp thấp nhất, để thờ Visnu

Nóc của tháp giữa còn nguyên vẹn nhất. Tháp nam và bắc phần mái đã sập.




Trước kia đất đá phủ lấp ngang lưng chừng cả 3 tháp, cây cối mọc phủ, dây leo chằng chịt, có thể dễ dàng bám theo dây mà trèo lên đỉnh.
Thời chiến, quân đội miền Nam đã từng biến tháp phía bắc thành ụ súng, đặt đại liên trên nóc để bắn vào con đường phía trước. Chính điều này góp phần làm tháp bị hủy hoại nhiều hơn.
Last edited by Chitto; 26-06-2007 at 09:15 PM.

Mặc định

Ngoài Mỹ Sơn ra, thì Chiên Đàn là cụm di tích có nhiều di vật điêu khắc nhất.
Hầu hết các tác phẩm giá trị đã được đưa vào bảo tàng ở Đà Nẵng hoặc ngay bên cạnh tháp. Tuy nhiên, nhìn khắp tháp, cũng có thể thấy các tác phẩm đó ngự trên những bức tường gạch, hay dưới chân tháp, dưới dạng các phù điêu tuyệt đẹp.

Nơi đây có các phù điêu hình sư tử, mặt kala (mặt thú nhìn trực diện), lá đề, các vũ nữ nhảy múa, các chiến binh chiến đấu, những con voi đi thành đoàn hoặc quay vào nhau. Nhìn những phù điêu đó, có thể hình dung xã hội Chămpa một nghìn năm trước ra sao.

Điêu khắc trên thân tháp. (Bên dưới là gạch cũ nên liền với nhau, phía trên là gạch mới bù thêm vào cho tháp khỏi đổ, rời rẽ và xấu hẳn)


Hoa văn trên gạch


Vũ nữ nhảy múa bên trên những mặt kala


Phần chân tháp được khai quật khoảng năm 90 đã cho thấy những tác phẩm quý


Những con voi vây quanh hoa sen với phong cách rất lạ và đẹp


Những chiến binh chiến đấu bên cạnh những vũ nữ uyển chuyển




Mặc định


Ngồi cả giờ nói chuyện với một người đàn bà trông coi khu tháp Chiên Đàn. Bà ngày thường cũng như mọi người, chăn bò ngay trong khu tháp, hái rau má ở dưới chân tháp, dọn cỏ quanh tháp cho bò. Khó mà nghĩ đó là một cán bộ văn hóa làm ở đây đã mấy chục năm.

Bà kể về ngày trước, khi còn chưa thống nhất, chuyện hồi bé bà trèo lên đỉnh tháp bằng những cây leo, nóc tháp bị biến thành ụ súng. Rồi chuyện những năm 80 - 90, cán bộ văn hóa và chuyên gia nước ngòai về khai quật, tìm hiểu tháp thế nào. Để có thể lộ rõ những bức phù điêu như trên, người ta đã phải dùng một loại hóa chất đặc biệt đổ lên, để không ăn mòn đá mà lại sạch được chất bẩn, đồng thời rêu không mọc trên đó được. Nhờ vậy mà các bức phù điêu đã được xử lý trông như mới. Còn các bức chưa được xử lý thì đen bẩn cũ kỹ.

Mặc định

Nhưng chuyện bà nói nhiều nhất là về những người Chămpa. Vào ngày lễ hội của họ, họ vẫn về đây cúng bái để tưởng nhớ tổ tiên của họ, đã từng làm chủ mảnh đất này trong hàng nghìn năm, cho đến khi bị người Việt xâm lấn và đuổi đi.

Có lẽ dân tộc Chămpa cũng là một dân tộc đau khổ, một dân tộc Vong quốc, không còn đất nước. Họ có thể vẫn còn ở rải rác trên vùng đất xưa kia là đất nước của họ, nhưng giờ không còn nữa. Vùng đất tổ tiên xa xưa - Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam giờ hầu như không còn người Chăm, mà phải lui vào Bình Định, Bình Thuận và xa hơn nữa. Những thánh địa đổ nát, tháp thờ hoang tàn.

Người đàn bà kia kể rằng vào những ngày lễ hội, nhiều người Chăm về đây và ôm cây tháp mà khóc. Họ thấy đau xót cũng không có gì khó hiểu.

Có lẽ chúng ta vẫn còn hạnh phúc hơn họ nhiều, khi có một Tổ quốc để mà đặt trong tim và để mà trở về sau khi lưu lạc xứ người.


Mặc định

Trong các sách sử giảng dạy, người ta thường tránh nói đến cuộc tiến công chiếm đất của người Việt vào vương quốc Chiêm Thành - Chămpa. Họ chỉ gọi bằng một cái tên mĩ miều là Nam tiến. Nhưng cuộc Nam tiến ấy cũng đổi bằng biết bao xương máu của những người ở cả hai dân tộc. Bao người Việt và người Chăm đã chết, những kinh đô hoang phế và bị cướp bóc, những di tích bị đập phá để tìm vàng.

Trong lịch sử, không chỉ người Việt tấn công người Chămpa, mà quân Chămpa cũng nhiều lần kéo ra tận Thăng Long đánh đuổi vua Việt. Chế Bồng Nga 3 lần kéo quân ra bắc, vua tôi nhà Trần đã phải bồng bế nhau chạy trốn để mặc quân Chiêm Thành cướp phá.

Nhưng dòng chảy lịch sử đã ủng hộ người Việt, và người Việt đã không chỉ một lần hủy diệt kinh đô Chăm, tàn sát người Chămpa. Các vua Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, các chúa Nguyễn, là có công với người Việt, nhưng là kẻ thù đáng sợ của các vua Chămpa. Các vị vua ấy lần lượt vượt các vùng đất, các con đèo hiểm trở như Hải Vân để tiến đến phương nam.

Ngày nay, các công trình của các đời vua đó trên đất Bắc không còn gì, hoặc toàn là xây lại. Nhưng những công trình của các vua Chămpa thì vẫn còn đó hiên ngang với trời đất.

Thôi cũng đành dối lòng mà an ủi rằng đó là sự đền bù cuối cùng của thời gian cho một dân tộc văn minh nhưng vong quốc, cho một đất nước huy hoàng nhưng đã tiêu tan.

Mặc định

Rời Chiên Đàn, đi qua thành phố Tam Kỳ, đến cuối Tam Kỳ là cầu Tam Kỳ bắc qua sông Tam Kỳ, vừa qua cầu, rẽ phải vào con đường nhỏ hơn chừng nửa km là đến khu tháp Khương Mỹ.

Khương Mỹ cũng gồm 3 ngọn tháp dựng theo hướng bắc nam, xung quanh bị nhiều nhà dân vây kín, không có khung cảnh rộng như khu Chiên Đàn.



Mặc định

Tháp Khương Mỹ được xây dựng vào khoảng thế kỉ 10, trước tháp Chiên Đàn. Đối tượng thờ chính của Khương Mỹ là Visnu, là dòng sớm hơn dòng thờ Shiva.

Những hoa văn trang trí trên gạch của tháp Khương Mỹ. phong cách nơi đây khác hẳn với tháp Chiên Đàn. Những dây hoa xoắn tròn chữ S thay cho những mặt kala, lá đề. Hoa văn tập trung theo cạnh dọc chứ không phải phù điêu ngang như tháp Chiên Đàn.








Mặc định

Hoa văn đá sa thạch của những chiếc cửa giả (có hình cửa nhưng chỉ là trang trí, gạch xây bít)



Trong lòng tháp nhìn lên


Mặc định

Từ thành phố Tam Kỳ, ngay ngã tư lớn đầu tiên, rẽ trái đi khoảng gần 10km là đến biển Tam Thanh, một bãi biển ngắn, chủ yếu cho dân Tam Kỳ xuống ăn uống, nghỉ ngơi, đi trong ngày. Do đó ở đây chủ yếu là hàng quán, không có nhà nghỉ. Buổi chiều người ra tắm biển và ăn uống khá đông.

Đồ hải sản ở đây cũng khá ngon, được chế biến đơn giản.


Biển Tam Thanh năm vừa rồi có 2 trẻ em chết đuối vì tắm ở ngoài khu vực trông nom được.
Nói chung ra biển thì không thể chủ quan.

Mặc định

Những ngôi mộ cát ở Quảng Nam.

Đất gần biển ở Tam Kỳ bị gió cuốn cát phủ lên một lớp dầy. Bới cát lên là lộ ra đất, còn cát, cát cứ phủ ngập chân, trắng đến lóa mắt. Người ta đào đất cho những người đã khuất, rồi vun cát lên thành nấm. Lâu, gió thổi cát đi, họ lại vun lên.


Lũ trẻ nơi đất cát



Mặc định

Đến Tam Kỳ, Quảng Nam, không thể không nói đến món Mì Quảng nổi tiếng.

Trước, đã được ăn Mì Quảng ở Đà Nẵng rồi, tớ cứ đinh ninh đó là Mì Quảng gốc. Lần ấy ăn được một người ở Đà Nẵng mời, chao ôi bát mì mới nhiều thứ làm sao. Rau, mì, thịt nấu, thịt kho, thịt xá xíu, tôm nõn, chả, lạc rang, bánh phồng tôm,.... đại khái là rất nhiều thứ, nhiều vị.

Ấy nhưng đến khi ăn Mì Quảng ở Tam Kỳ - thực là Mì Quảng mới nhận ra rằng món mì lần trước ăn là mì thập cẩm, chứ không phải Mì Quảng nữa rồi.

Người bạn ở Tam Kỳ giới thiệu quán ở ngã ba Kỳ Lý, ngay cửa ngõ Tam Kỳ. Bát mì đơn giản thôi, trông không hề cầu kì, chỉ có mì ở dưới, một ít thịt ở trên và vài hột lạc. Nước dùng chỉ xâm xấp dưới đáy bát. Ăn kèm là rau sống, mà chủ yếu là rau đắng, rau muống chẻ, rau chuối. Gia vị có ớt tươi, chanh tươi, nước mắm nguyên chất.


Vị của Mì Quảng có gì đó rất đặc biệt, thật khó mà mô tả. Thú thực là tớ không mô tả được.

Hic hic.
Last edited by Chitto; 15-07-2007 at 02:05 AM.

Mặc định

Và đây là một món cũng được bạn tớ giới thiệu: Cơm gà bà Luận.

Đi theo đường Quốc lộ chính, gần hết Thành phố Tam Kỳ, qua gần hết các ngã tư thì mới gặp quán cơm ở bên phía đông của đường (bên trái nếu đi từ Bắc vào Nam).

Cơm nấu với nước luộc gà, thịt gà luộc, lòng mề gà xào, canh luộc gà. Rau sống gồm hành chẻ, giá sống, hành củ ngâm dấm, xoài ương. Ăn rất ngon. Quán này đông khách lắm. 

Mặc định

Đi theo con đường ngang (quên tên rồi) ở giữa thành phố Tam Kỳ khoảng gần 10km, sẽ đến khu vực hồ Phú Ninh.

Hồ Phú Ninh là hồ rộng nhất tỉnh Quảng Nam, cung cấp nước ngọt cho cả thành phố, tưới cho cả vùng đến tận Thăng Bình. Hồ rộng và có nhiều đảo nhỏ ở giữa, quanh hồ là một vùng rừng, tuy là rừng tái sinh nhưng cũng khá rậm rạp và có hệ động vật phong phú, rõ nhất là bầy khỉ.




Mặc định

Lúc đang lang thang một mình trên con đường ven quanh hồ ngập đầy lá khô và cành vụn, bỗng thấy tiếng chí chóe ở gần. Nhìn lên cây trên núi ven đường thì thấy 4 bạn khỉ đang cấu chí nhảy nhót cãi nhau rất là vui vẻ. Tớ chụp không được tốt lắm, cũng do lá khuất quá nên chỉ được thế này. 

Đám này gồm hai khỉ lớn và hai khỉ nhỏ, chắc là một gia đình nhà khỉ. Tớ chỉ chụp lúc có 2 con


Bọn này chơi đùa khá lâu, rồi dần chuyền cành đi vào sâu trong rừng

Mặc định

Con đường vòng men theo hồ dài hàng chục km, uốn lượn vòng vèo rất thích. Đi mãi vào trong mà đường vẫn rất đẹp, cây cối tuy không phải nguyên sinh nhưng xanh mát.

Có những bến nước nông, trẻ con tắm thùm thùm, thấy người lạ chụp ảnh liền nhảy lên hò hét cười nói vui vẻ.

Mặc định

Một góc bình yên




 Trên chặng đường vòng quanh hồ Phú Ninh, tôi gặp một em bé vẫy nhờ xe để đi học. Nhà của em nằm trong một xóm nhỏ bên đường, cách xa trường học đến 10km. Thế nên ngày nào em cũng đứng ra đường vẫy những chiếc xe còn trống để đi nhờ ra. Giọng xứ Quảng xưng "con" gọi "chú" của em nghe rất dễ thương.

Vùng hồ thật bình yên và con người quanh đó cũng thật an lành.

Mặc định

Từ gần huyện Núi Thành, rẽ vào phía Tây khoảng 13km là đến Hố Giang Thơm. Hố chứ không phải hồ, vì đó là một dòng suối chảy qua vùng núi đá, tạo thành một số ghềnh thác, cây cối rậm rạp nhưng không khó đi.

Đường vào khá xóc vì chưa làm.





Đi vào mùa không có nước nên không thấy được cái đẹp của Hố Giang Thơm, dù mọi người nói rằng nó cũng sẽ đẹp vào mùa nước lớn. 
Nói chung, nếu đã đi các dòng suối, thác nước ở miền Bắc, Tây Nguyên rồi, thì suối và thác nước ở đây không có gì đặc sắc.

Lúa ở Quảng Nam





Mặc định

Cái cây có cành vươn dài nhất Tam Kỳ. Cũng hiếm thấy thành phố nào để cái cành cây dài đến cả mười mấy hai mươi mét như thế 



 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét