Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Lính biên phòng

Đường 14C đã đi ngang qua khu vực của các đồn 705, 707, 709, 711, 713, 715, 717, 719, 721, 723, 725, 727, 728, 731.

Đồn 705.
Chài, các bước thứ tự đầy đủ: Gặp 1 cậu tre trẻ, chạy vào báo, một cậu tre trẻ khác ra mời ngồi, rót nước, bảo chờ Trưởng đồn. Trưởng đồn ra gặp, nghiêm trang và lạnh lùng.
- Đây là khu vực biên giới, chúng tôi có nhiệm vụ (...) Các anh chị đi đâu, làm gì qua khu vực này (...) Theo nguyên tắc đảm bảo an ninh khu vực biên giới quốc gia, chúng tôi (...)
- Ời, trước cũng có đoàn khảo sát của tỉnh đấy, mà chả thấy gì, (...)
- Các bạn ở Hà Nội hết à, tôi người quê gốc Hà Tĩnh đây..
- Mọi người đi vui vẻ nhé... nghiêm cấm chụp ảnh khu vực biên giới nhé

Đồn 707.
Ấn tượng đầu tiên là cái còng số 8 sáng choang. Đội trưởng đội địa bàn trẻ, đẹp trai
- Mọi người mang hết giấy tờ vào đây, đoàn đi đâu có việc gì (mặt đăm chiêu)
- Đây là đoàn đầu tiên đi qua khu vực này đấy
- Đây là đường Quốc lộ, mọi công dân Việt Nam đều có quyền đi trên con đường này
- Nếu đi qua các đồn mà không dừng lại, ở lại nghỉ thì không cần báo, chỉ cần báo với các trạm
- Nếu ngủ đêm khu vực này thì phải báo lại với mình
...
- Mình người Hà Nội đây, phường Quan Hoa đây,..., đi vui vẻ nhé
- Nhớ không được chụp ảnh khu vực này.

Trạm 709.
- Đề nghị cho xem các giấy tờ, để đây để ghi lại
- Nào, trước tiên là mời trưởng đoàn một chén, rồi sau đó mọi người lần lượt mỗi người một chén (rượu sắn thôi)
- Ai quê Thái Bình nào, Thái Bình đâu, ra đây nào, ai Hà Tĩnh nào... (hét to tướng)
- Ở lại đây uống rượu, rồi tối đến đồn 711 gặp chú D. ngủ lại.
- Em nào ở lại đây anh trả lương 8 triệu, bọn anh giàu lắm, toàn rừng thôi
- Thôi nếu muốn đi thì mỗi người uống 3 chén, rồi đi đâu thì đi..
- Các em mà đi rồi thì bọn anh sống làm sao nổi
- Ai có máy ảnh không, chụp ảnh đi (ngược với mọi khi quá)
- Thôi đành vậy, mọi người đi vui vẻ may mắn nhé, nếu thích rừng thì quay lại đây...

Đồn 711.
- Nhớ đi đường rẽ sang bên trái nhé, đừng rẽ phải rồi thì sang tuần sau lại phải đón bọn em ở cửa khẩu Lệ Thanh đấy, đóng thùng trả về Hà Nội đấy, rồi giám sát 3 năm đấy...
- Hai tuần trước mà qua đây thì con suối này không đi được đâu
- Nếu tối quá thì vào đồn 717 ở Sêsan mà nghỉ, cứ nói trong này gửi...

Đồn 719.
- Mình quê ở...
- Trời lạnh lắm không? Nhưng đi có bạn thế này thì lạnh gì, chỉ có bọn mình ở đây lạnh thôi...
- Nếu các bạn mà vào đồn 717 thì thế nào cũng bị giữ lại uống rượu
- Thôi thì đã đến đây, giờ làm gì ăn cũng không kịp, ra đằng sau uống chén rượu...
- Bọn mình ở đây suốt ngày hát bài : "Cuộc đời vẫn đẹp sao, mà tình yêu không ra làm sao"
...
Trạm 731.
- Bọn mình là lính xanh, bên kia là lính đỏ
- Mình là trinh sát, ăn ngủ cùng bà con dân tộc hàng năm trời, không được nói mình là lính
- Giờ về trạm này cũng nhàn hơn...
...

Nhớ những khuôn mặt, câu chuyện, nụ cười của những người lính ấy. Có lẽ sự ghé thăm của bọn chúng là một xáo trộn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày giữa rừng của các anh. Có người sẽ nhớ bọn chúng đấy, dù chỉ trong phút chốc. Hắn cũng sẽ không quên những người lính đó, những người lính hắn sẽ còn gặp trên nhiều cung đường biên giới.

"Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở, chiều xuân"

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Tây Nguyên - Đường mòn Hồ Chí Minh (27/12/07 - 3/1/08)

 Topic gốc: https://www.phuot.vn/threads/tay-nguyen-duong-mon-ho-chi-minh.1197/


F19_BCS hoàn thành một cung đường Tây Nguyên lần thứ hai.

Khác với lần trước đi theo đường 14, qua các thành thị Pleiku, Kontum, lần này đoàn chạy theo đường 14C, đây mới thực là Đại ngàn Trường Sơn, xuyên qua những cánh rừng và vùng đất đỏ bazan.


Tổng thời gian: 7 ngày 7 đêm, từ tối 27/12/07 đến tối 3/1/08


Hành trình:

Xe khách 700km : Hà Nội - Đà Nẵng (1 đêm)

Xe máy 1450 km : Đà Nẵng - Quy Nhơn (6 ngày 5 đêm)

Tàu hỏa 1000km : Quy Nhơn - Hà Nội (1 đêm 1 ngày)




Gửi các bác vài cái ảnh dọc cung đường phượt. Mấy cái này cũng post bên TTVN, còn đây là upload lên photobucket.


Xe khách đến gần chân hầm xuyên đèo Hải Vân, thì có một cảnh tượng rất lạ: Một đám mây trắng lơ lửng dưới chân đồi. Lúc đầu đinh ninh đó là mây mù, sương mù buổi sớm.




Sau mới biết đó là khói do một xưởng sản xuất đốt cái gì ấy phun ra, buổi sớm trời lạnh, nó không bay lên được mà cứ là là chân núi thành tấm màn dày.


Đường 14, sau cơn mưa. Con nghẽo "gánh nạn cả đoàn" đang được dong đi.




Suối và cây bên đường đèo



Thác nước bên đường




Trên đèo Lò Xo. Nơi đây bên đường có nhiều nấm mộ những người xấu số đã tử nạn trên con đèo này. Nay đường đã làm tốt hơn nhiều, nhưng không vì thế mà tai nạn ít đi, vì dường như đường càng đẹp thì người ta phóng càng nhanh và càng bất cẩn hơn.


Đoạn dừng chân chụp ảnh trên đèo, xe phóng qua từ trên xuống tốc độ rất lớn.



Thị trấn Pleikần (Ngọc Hồi) nằm ở ngã tư đường.

- Phía bắc là đường 14 (E) từ Khâm Đức xuống.


- Đường 14 quành sang phía đông là Đắk Tô, là cung đường mà các đoàn Tây nguyên vẫn chạy, đi Kon Tum. Đường này to đùng, đường tốt, chạy băng băng.


- Phía Tây là đường đến ngã ba Đông Dương, đi cửa khẩu Bờ Y với Lào, cách 18km.


- Phía Nam là đường 14C xuyên rừng, đường mòn HCM, là mục đích chính của chuyến đi lần này.


Buổi chiều Pleikần.



Cửa khẩu Bờ Y gần ngã ba Đông Dương.

Từ ngã ba Đông Dương, con đường rẽ phải sang cửa khẩu Bờ Y nối với Lào. Bên trái sang Campuchia, chưa có cửa khẩu.


Dò hỏi về cột mốc ngã ba Biên giới như ở Apachải thì được biết đường biên giới khu vực với Campuchia vẫn chưa cắm mốc. Do đó cột mốc biên giới chưa được phân định.



Con đường thẳng đến ngã ba Đông Dương buổi sáng sớm. Ngã tư xa xa, rẽ trái là đường 14C đang chờ



Triền đồi núi quanh Plei Kần, với những cánh rừng cao su



Tây Nguyên là đây



Rừng Chư Mom Ray



Nguyên là ở nhà xem bản đồ đường bộ, thì thấy trên cung đường 14C này có 3 chỗ ghi "Biên phòng", trong đó đặc biệt Biên phòng 729 được đánh dấu rõ ràng là chắn ngang đường !!!, lại có những thông tin khác nhau, đặc biệt là buổi tối ở PleiKần có liên lạc với các đồng chí kiểm lâm rừng Chư Mom Ray, thì họ nói ngay là đi vào đường này sẽ bị Biên phòng đuổi ngay. Bởi thế ngày hôm sau, bọn tớ chuẩn bị tinh thần là trường hợp xấu nhất có thể phải quay ra Sa Thầy rồi về đường 14.


Sau khi vào rừng Chư Mom Ray rồi, qua trạm kiểm lâm cửa rừng, thông tin nơi đây chưa có là bao, chúng tớ vào đến trạm thứ hai giữa rừng, thì được biết ngay trong khuôn viên rừng có Đồn biên phòng 705, là đồn đầu tiên của cung đường 14C, và phải vào trình diện. Đồng thời anh kiểm lâm thông báo ngay cho biết : Đây là khu vực biên giới, nghiêm cấm mọi hành vi quay phim chụp ảnh, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm !!!


Đây, cái đồn 705 ấy đây



Qua đồn 705 là trạm kiểm lâm Moray ngoài cửa rừng Chư Mom Ray. Từ đây 45km đường nhỏ và xấu nữa thì về đến Sa Thầy. Nhưng không theo đường đó mà tiếp tục 14C.


Một ngôi nhà rông mái lợp... tôn bên đường, cạnh doanh trại quân đội, xã Moray.



Bà cụ người Gia Rai ở Moray



Một vật đặc biệt của người Gia Rai.



Thoạt trông thì cũng chỉ nghĩ đó là một khúc cây bình thường để ngoài vườn.

Nhưng sau mới biết đó là cái... quan tài để dành sẵn cho người già. Người Gia Rai khoét vào trong khúc cây đó, khi có người qua đời, sẽ khéo léo để di thể vào trong.


Lúc bình thường thế này, phần khoét rỗng quay xuống dưới nên không nhìn thấy, cứ tưởng là khúc cây bình thường mà thôi.


Hè, nhà Black kể lể hết rồi. Vài cái ảnh vậy.


Đường đất đỏ xuyên rừng



Nhiều chỗ đường mới mở còn nguyên gốc cây lăn lóc bên đường. Khu này rừng vẫn còn rậm lắm.



Cây nêu trước nhà, Bob chụp



Lội suối



Suối cũng sâu phết



Đường rừng Trường Sơn, đường đất đỏ





Rời trạm 709, con đường còn xuyên qua mấy con suối nữa. TCC mặt mũi đỏ bừng vì chén rượu, thế quái nào lao xuống suối, bị nước vào dầu. Oạch.


Đồn 711 khá to, với các anh biên phòng trông phong độ thể thao lắm, chơi bóng chuyền đầy sân. Nhà Bob lén lôi máy ảnh ra chụp, thấy từ xa các đồng chí quay lại hỏi nhau "chụp ảnh à, chụp ảnh à ?", thị liền dấu vội máy ảnh đi.


Xin được ít dầu ô tô cho tạm vào xe máy. Khai báo với đồn khá nhanh chóng. Trưởng đồn hí hoáy viết thông tin cả bọn vào trong một tờ giấy mà trên đó có in "Điện mật đi". Không hiểu có phải gửi điện thực đến các trạm dọc đường không? Nếu thế thật thì không biết là may hay không may.


Theo đúng lộ trình, đường 14C sẽ đi qua thủy điện Sê san 3 bằng đập tràn. Nhưng các anh nói là sau 12h trưa thủy điện sẽ xả lũ., đập tràn nước ngập ngang ngực, không xe nào đi được. Có một con đường khác xa thêm 10km nữa, nhưng nằm trong rừng, sẽ đến được cầu Sê san 4. Các anh cẩn thận chỉ dẫn cặn kẽ lối đi.


Thế là đoàn tiếp tục, khi trời dần chiều tối. Con đường càng đi càng nhỏ lại, và tối mù. Cây rừng hai bên càng rậm, không phải đường chính nên lổn nhổn toàn đá, và mặt đường bị nước cuốn trôi hết đất, còn toàn đá hộc. Thỉnh thoảng những cành cây lại vươn ra quét ngang mặt.


Và qua một con suối nhỏ nhưng toàn đá to, và trời tối, tớ ngã oạch. Ướt một số thứ trên người....



Rồi cũng đến Chư Ty (Đức Cơ). Cả thị trấn chỉ có 2 nhà nghỉ, một thì hôm đó làm đám cưới nên mệt ko muốn dọn phòng, một thì hôm sau đám cưới, may mà vẫn còn chỗ...


Buổi sáng Chư Ty



trong rừng cao su



Phương tiện đi lại trong rừng cao su



Xe nhà Bob




Từ Chư Ty ra cửa khẩu Lệ Thanh khoảng 20km, đường rất tốt. Hai bên là rừng cao su, rồi những cánh đồng bằng phẳng.


Đường ra cửa khẩu Lệ Thanh.



Loắng ngoắng trước cửa khẩu Lệ Thanh mới khánh thành (nhưng chưa sử dụng).

Đằng sau cửa khẩu vẫn là khu đất trống, và con đường sang Campuchia vẫn chỉ là đường đất, với một cái barie bằng tre chắn giữa đường, một chốt kiểm tra với 2 anh biên phòng.



Rừng cao su tiếp



Những con nghẽo già



Trời xanh trên tán lá cao su



Đường đi



Lại nối đường rừng cao su



Ảnh nhà Bob chụp nhá. Mãi không post thì thôi lấy cắp vậy nhá


Con đường ngập cát






Bản Đôn



Buôn Ma Thuột.



(lâu không lục lại, ngại thế)


Đường từ Buôn Ma Thuột đi thác Drây Nưr, Drây Sáp



Đường đi tiếp tục, với những đám hoa lau.



Từ xa đã bắt đầu nghe tiếng thác nước chảy. Cụm thác nổi tiếng sắp đến rồi.


Trước khi đến, cả lũ chỉ lo thác mùa khô không có nước. Nhưng thật là lo bò trắng răng. Dòng Sêrêpok luôn luôn tràn đầy nước, dòng thác dần hiện ra, hùng vĩ tuyệt vời.




Thác Dray Nưr - thác Vợ - bề ngang 140m, chiều cao hơn 10m, đổ ầm ầm ngày đêm không bao giờ ngưng nghỉ. Những làn hơi nước tỏa rất xa...


(hic, lâu lâu rồi đâm ra chả biết viết gì hết)



Bên thác Vợ



Thác Con (nằm giữa thác Vợ và thác Chồng)



Thác Chồng Dray Sáp, còn gọi là thác Khói.

Thác này đẹp thật, tuyệt vời luôn. Mỗi tội lúc đến ánh sáng đúng giữa trưa, máy lởm, góc hẹp, nên xấu ỉn.



Dray Sáp là cả một cụm gồm nhiều thác, uốn lượn quanh cả một triền đá. Chỗ tập trung nhất gồm 2 dòng chính và 2 dòng nhỏ. Nhưng bên trái nó, trải dài trên hơn trăm mét nữa có đến 3 - 4 dòng thác khác cũng chảy ầm ầm.


Sau này thủy điện Sesan mà làm xong (phía trên thượng nguồn), lúc đóng cửa đập thì chắc không có nước chảy thế này, lại chỉ mùa xả lũ mới có nước. Mà mùa xả lũ thì nước sẽ rất khủng.




Hai km phía trên thác Dray Sap, Dray Nưr là thác Gia Long, cùng có chung một dòng nước sông Sêrêpôk. Thác Gia Long không rộng như hai thác dưới, nhưng cũng rất ấn tượng



Một nửa đoàn trên thác Gia Long



Cội cây già bên thác Gia Long





Thoắt cái mà cũng đã mười tháng rồi.


Không biết khi nào mới có thể lại đi được những cung đường thế nữa. Ôi Tây Nguyên, ôi những cung đường dài dặc, qua rừng, qua suối, qua sông, qua đèo, qua những triền cát, qua những sườn đồi...


Đón Giao thừa trong đêm dưới chân đèo, đón bão nơi hải đăng, đón bình minh giữa rừng cao su bạt ngàn.


Mỗi chuyến đi đều có những điều rất riêng, riêng đến nỗi không thể nào nhớ hết. Và không thể nào viết hết.


Bớ bác Black và các bác,


Em có nghe bác Black đề cập đến "bùa ngải" khi đi 14C (giấy phép để thông quan); em đang tính đi cung 14C trong Tết này. Bác Black và các bác chỉ bảo em về vụ "bùa ngải" với (nó là cái gì, làm thế nào để có, ....)


Em cám ơn các bác.


Hồi bọn tớ đi thì có nhờ một bác làm Du lịch lấy một giấy giới thiệu là đoàn đi khảo sát du lịch khu vực đường mòn HCM. Giấy giới thiệu của một công ty chi nhánh của một công ty nhà nước.


Nói chung chỉ cần có dấu đỏ có vẻ đáng tin cậy, địa chỉ điện thoại rõ ràng là có thể ok rồi. Nhớ trong phần giấy giới thiệu có danh sách tên cụ thể những người trong đoàn cho chắc ăn.


Và tất cả phải có giấy tờ tùy thân đầy đủ, giấy tờ xe máy đầy đủ. Vào những khu vực này không nên thiếu sót gì hết.


Bác Chitto có thể cho em xin số đện thoại được k ạ? E muốn hỏi thêm bác 1 số thông tin về chuyến đi và về cung đường 14C. Bọn e cũng đang có kế hoạch chạy cung đường này đợ 30-4 tới. Thanks!!!


Bạn cứ hỏi trực tiếp trên này đi. Mọi người đều có thể trả lời cho bạn chứ không phải chỉ tôi. Nhiều điều mọi người biết mà tôi không biết.


À, có thông tin (đáng tin cậy) rằng cung đường này giờ cấm rồi, vì vụ khai thác bauxide mà.



Hình như nhóm của bạn Chitto cũng chỉ có giấy giới thiệu của Cơ quan mà vẫn có thể đi được cung 14C này (dù chưa hết). Mình post cái lịch trình bọn mình định chạy cuối tháng 4 này, các bạn góp ý hộ mình nhé (những đoạn nào có thể đi được :D)


Đối chiếu với lịch trình F19 chạy (có bản đồ trang 1) thì trùng khít rồi.


Vấn đề là vào thời điểm đó (cuối 2007 - đầu 2008) thì chỉ cần giấy giới thiệu của 1 công ty nhà nước là đi khảo sát du lịch là cũng có thể qua hết được các cửa ải. Lưu ý rằng trước khi "lao vào" thì cũng nhận được nhiều thông tin từ dân là : khó đi lắm, không đi được đâu..., nhưng cuối cùng vẫn đi được (nhờ sự quyết tâm của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai).


Tuy vậy, đến thời điểm này, nghe nói rằng vì vụ bauxide ở Tây Nguyên, nên an ninh xiết chặt hơn rất nhiều, không đơn giản như cách đây hơn 1 năm nữa, cho nên không ai có thể dám chắc điều gì.


Bác Mì thì đi vào khu vực này gần đây, thông tin rõ ràng cập nhật hơn, và đáng quan tâm hơn. Nếu quyết tâm, thì tính phương án dự trù, nếu không thể đi được (sau khi đã biết chắc chắn chứ không phải là nghe ai nói lại) thì phải tính đường khác bù đắp cung đường.


Bây giờ ngồi đây, không ai dám chắc điều gì cả.




Đường 14C giờ đã tốt rồi, ô tô đi ngon rồi, chỉ cần giấy tờ tùy thân đầy đủ là có thể chạy dọc biên giới. Đó là thông tin từ nhiều người ở Buôn Ma Thuột nói.

Vậy là cung đường trước kia mình chạy với bao khó khăn vất vả, thì nay đã ngon rồi. Cái thông tin đường 14C bị hạn chế do các dự án baucide cũng không chính xác lắm. Có thể đoạn dưới - xuyên qua tỉnh Đăk Nông thì có hạn chế, chứ đoạn trên từ Pleikan đến Buôn Ma Thuột thì không vấn đề gì.

Sau này có khi nào quay lại vùng này, chắc phải cố đi 1 chuyến.

Còn ngã ba biên giới, lại một lần lỗi hẹn.

Chà, sao cái đồn này nó to và hoành tráng thế nhỉ ?

Lần đấy bị túm trong đêm, cũng lại thả trong đêm, lúc đi thì theo xe đồng chí biên phòng mặc thường phục, lúc ra thì các anh ấy trỏ đường khác, bảo cứ đi thế nọ, thế kia, gặp cái nọ cái kia thì rẽ trái rẽ phải..., cho nên không rõ được khu vực cái đồn ấy thế nào. Tuy nhiên chắc chắn là nhỏ bé xinh xắn và tồi tàn hơn thế này. Còn nhớ đứng từ trong phòng trực ban có thể nhòm qua cửa ra thẳng sau khu bếp (mà các anh í mời ở lại uống rượu ở đó).

Vẫn nhớ anh chàng đồn trưởng đẹp trai mặt buồn thiu khi nhìn đội hình "đẹp như mơ 5 nam 5 nữ 5 xe" của bọn tớ !

Hay là đồn được xây lại mới rồi ?

Không biết bạn Lonely_Rebel đi đường 14C thế nào rồi. Chờ thông tin của bạn để topic này lại được "sống lại" một lần nữa.

Sống lại trong kỉ niệm của những người đã đi cung đường năm ấy. 14C vẫn còn đó, chỉ có người là thay đổi quá nhiều rồi thôi.

Bài này hay quá, hiểu được nhiều vấn đề. Nhớ hồi năm 2012 em đi Tây trường sơn cũng bị các anh công an xã Trường sơn hỏi. Bực mình em dọa mấy câu thì đồng chí ấy im luôn, giờ thì mình cũng thông cảm tất cả vì an ninh quốc gia nên họ phải làm vậy.

Nếu đúng là Công an xã thì có thể "im luôn" chứ gặp Biên phòng thì người phải im sẽ không phải là các anh biên phòng. Tại khu vực biên giới thì Biên phòng có trách nhiệm cũng như quyền hạn lớn nhất, chính quyền xã cũng phải chịu ở dưới.

Có người lôi lại topic này lại thấy bồi hồi. Chuyến đi này cùng thời với khi Phuot.vn ra đời, cũng đã sắp tròn 7 năm rồi. Trong 7 năm đó chắc chắn cung đường này đã có nhiều thay đổi, và chắc cũng đã có nhiều người đi lại những nơi này. Có điều ngay cả cho mình đi lại, thì cảm xúc cũng sẽ rất khác, rất khác ngày trước.

Trong sô 10 người đồng hành, 8 người vẫn gặp nhau; còn người bạn miền Nam thì không liên lạc lâu lắm rồi, trong đó có người chủ động cắt liên lạc...

Đường thì tìm cách nối với nhau, nhưng người thì không phải lúc nào cũng vậy.