Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Lượn một mình một vòng

Lại một vòng đi tìm các di tích quanh Hà Nội, không rủ ai. Qua đến 20 di tích.

Đường đê qua Bát Tràng, rẽ vào (1) chùa Thổ Khối, rồi (2) đình Thổ Khối thờ 6 vị Đại vương, lượn qua (3) chùa Đa Tốn chụp ảnh tượng Phật.

Đến (4) chùa Mễ Sở, nơi có pho tượng Quán Thế Âm Thiên thủ thiên nhãn cổ nhiều tay nhất, với 1113 cánh tay. Pho tượng quý đã từng bị ăn cắp trong đêm, nhưng lấy lại được. Pho tượng này cao khoảng 2m, tuy không to bằng nhưng còn nhiều tay hơn tượng chùa Bút Tháp. Ảnh trên tường cho thấy các ông to nhà mình nhiều người cũng đã đến lễ trước pho tượng này cả rồi. Bên cạnh chùa là (5) đền Mễ Sở thờ Phạm Tu.

Tiện đường rẽ qua (6) chùa Phú Thị. Gặp (7) chùa Nhạn Tháp nhưng vào đến sân thấy thấy cửa chùa đóng lại không vào. Sau mới tiếc hùi hụi vì nhớ ra trong chùa có cái sập đá đời Trần. Qua (8) đền Nhạn Tháp nhưng bên trong không đẹp lắm. Vào (9) chùa Công Luận, khu nhà tổ còn bằng gỗ khá nguyên vẹn rất đẹp, với tượng Khổng Minh Không.

Đường rẽ Văn Giang, tìm chùa ông Khổng lại lạc vào (10) chùa Ông khác. Trên đường đi Khúc Lộng gặp (11) miếu Thiên Đế, và (12) đình làng đã quên tên. Tình cờ vào (13) đền Khúc Lộng, nơi thờ Triệu Việt Vương, có ít lộc, rồi mới sang (14) chùa Khúc Lộng, nơi có một bệ tượng Phật Tam Thế rất lớn bằng đá chạm hoa sen, và rồng đời Lý - Trần, dài 4m, ngang 2m, cao 1m, xưa kia bên dưới còn có một căn hầm nơi Việt Minh trốn Pháp đi càn và sau này để tránh bom đạn Mỹ thả xuống miền Bắc.

Rời Văn Giang, ra Quốc lộ 5, gặp (15) chùa Pháp Điện, trong hệ thống Tứ pháp vùng Lạc Hồng. Vào lại chùa Nhạc Miếu nhưng không mở cửa.

Về đến Dương Xá thì vào (16) đền Bà Tấm(17) chùa Bà Tấm, nơi thờ Ỷ Lan. Trong khuôn viên có bức lan can đá đời Lý, và trong chùa có 2 đầu sư tử đá rất to (ngang 1,3m, cao 1m) làm bệ thờ Phật cũng từ đời Lý, giống chùa Hương Lãng.

Về đến Cầu Chui thì đi tìm (18) đình làng Lệ Mật, đình có cái cổng rất đẹp vốn xưa là cổng chùa. Đình thờ vị thành hoàng đã có công với cả Thập tam trại Thăng Long. Cạnh đình là (19) miếu Công chúa gắn chặt với cây đa to, trên ngọn cây đa có một cây cọ mọc.

Nơi cuối cùng rẽ qua trước khi về nhà là (20) chùa Kim Liên bên hồ Tây, đang trong đợt đại trùng tu. Vậy là có lẽ cả năm nữa cũng sẽ không thể đến thăm ngôi chùa có cái cổng độc đáo bậc nhất nước Việt ấy.


Vẫn còn một di tích định đến mà không kịp, đó là đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn, nơi có pho tượng đồng cổ to không kém tượng ở Quán Thánh. Hẹn một lần khác vậy...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét