Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

Chả đi được đâu, lại lượn di tích

Không có chuyến nào đi xa, nên lại loanh quanh với những di tích quanh Hà Nội. Mà kể ra cũng không phải là dở, khi đến, và nhìn, và chạm tay vào những tạo tác của cha ông từ nhiều thế kỉ...


Tuần trước, lượn vào đền Voi Phục, sang chùa Láng, vào Quán Sứ, Bà Đá chụp ảnh. Lại lên đỉnh Cột Cờ nhìn toàn bộ khu vực, tạt qua chùa Hà ngó nghía.

Rồi đi làm ở Hà Tĩnh một tuần. Nơi ấy không có gì hay ho cả. Mấy năm rồi quay lại, vẫn thế. Buồn một chút.

Về Hà Nội, lại cầm chiếc P&S đi dạo. Từ chợ Đồng Xuân vào chùa Huyền Thiên; nơi đây xưa kia là một đạo quán, vì vậy còn pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ rất lớn, cao đến 4m, nhưng không phải bằng đồng như ở Quán Thánh. Vào chùa Cầu Đông, nơi có hai bức tượng Trần Thủ Độ và phu nhân - bà Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (*)

Hôm qua đã vào đình nội Bình Đà, thực ra là đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Trong hậu cung của đình có một bức phù điêu cổ rất lớn, tạc Lạc Long Quân và trăm quan dân, cảnh bơi thuyền rồng, tuổi vài trăm năm, là báu vật của đình. Nhưng chỉ được ngắm, chứ không được chụp ảnh.

Tiếp đó đi sang chùa Bối Khê, một ngôi chùa cổ nổi tiếng với những mạng chạm khắc gỗ và chiếc hương án đá dài 4m đời Trần tuổi hơn 600 năm; bộ đèn gốm và tượng Quan Âm đời Mạc hơn 400 năm, các pho tượng cổ cũng đã 300 năm tuổi. Nhưng tuyệt đối không được chụp ảnh. Hic. Bên ngoài có cây sen cạn đã đi vào báo chí, luận bàn chán chê. Có điều đã gặp giống cây này ở bên UK nhiều rồi, nên không thấy có gì lạ cả.

Từ chùa Bối Khê đi qua chùa Sổ, ngày xưa vốn là Hội Linh quán của Đạo giáo, sau thành chùa, vốn có nhiều di vật đời Lê. Chùa nằm giữa một ốc đảo cây xanh rì giữa đồng, thâm u tĩnh lặng. Xung quanh có nhiều lăng mộ, nhiều ngôi mới xây bằng đá rất hoành tráng.

Cuối cùng là chùa Đậu, (Thành Đạo tự) ngôi chùa rất nổi tiếng với hai pho tượng Nhục thân. Chùa chính bị đốt phá thời Pháp, may còn pho Pháp Vũ rất đẹp, có tạo dáng đặc biệt để ở giữa, với nhiều tượng Phật khác. Một số tượng đất ở hai bên nữa.
Nhục thân hai Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường viên tịch cách đây 300 năm để trong nhà tổ, thân xác được sơn phủ nên vẫn còn nguyên, làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, công sức của các nhà khảo cổ, nghiên cứu. Ở đây lại được chụp ảnh thoải mái, nên bắn một loạt.



Rời chùa Đậu trời đã tối mịt. Tiếng chuông tụng kinh trong chùa cũng dần tắt.

Lại một tuần nữa. Sẽ còn đi thăm các di tích. Chừng nào chán thì thôi.

Trời Hà Nội đang lúc đẹp quá. Có nắng và gió nhẹ, lành lạnh.


________________________________

* Bà Trần Thị Dung là người đã trải qua quá nhiều tước vị, nhiều nhất trong số những người phụ nữ quyền quý Việt Nam. Từ tài nhân, chiêu nghi, lên Hoàng hậu, rồi Hoàng thái hậu. Triều Lý đổ, bà lại bị xuống thành Thiên Cực công chúa, rồi lại lên Linh Từ Quốc mẫu, Thái sư Thái quân phu nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét