Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

Chả đi được đâu, lại lượn di tích

Không có chuyến nào đi xa, nên lại loanh quanh với những di tích quanh Hà Nội. Mà kể ra cũng không phải là dở, khi đến, và nhìn, và chạm tay vào những tạo tác của cha ông từ nhiều thế kỉ...


Tuần trước, lượn vào đền Voi Phục, sang chùa Láng, vào Quán Sứ, Bà Đá chụp ảnh. Lại lên đỉnh Cột Cờ nhìn toàn bộ khu vực, tạt qua chùa Hà ngó nghía.

Rồi đi làm ở Hà Tĩnh một tuần. Nơi ấy không có gì hay ho cả. Mấy năm rồi quay lại, vẫn thế. Buồn một chút.

Về Hà Nội, lại cầm chiếc P&S đi dạo. Từ chợ Đồng Xuân vào chùa Huyền Thiên; nơi đây xưa kia là một đạo quán, vì vậy còn pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ rất lớn, cao đến 4m, nhưng không phải bằng đồng như ở Quán Thánh. Vào chùa Cầu Đông, nơi có hai bức tượng Trần Thủ Độ và phu nhân - bà Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (*)

Hôm qua đã vào đình nội Bình Đà, thực ra là đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Trong hậu cung của đình có một bức phù điêu cổ rất lớn, tạc Lạc Long Quân và trăm quan dân, cảnh bơi thuyền rồng, tuổi vài trăm năm, là báu vật của đình. Nhưng chỉ được ngắm, chứ không được chụp ảnh.

Tiếp đó đi sang chùa Bối Khê, một ngôi chùa cổ nổi tiếng với những mạng chạm khắc gỗ và chiếc hương án đá dài 4m đời Trần tuổi hơn 600 năm; bộ đèn gốm và tượng Quan Âm đời Mạc hơn 400 năm, các pho tượng cổ cũng đã 300 năm tuổi. Nhưng tuyệt đối không được chụp ảnh. Hic. Bên ngoài có cây sen cạn đã đi vào báo chí, luận bàn chán chê. Có điều đã gặp giống cây này ở bên UK nhiều rồi, nên không thấy có gì lạ cả.

Từ chùa Bối Khê đi qua chùa Sổ, ngày xưa vốn là Hội Linh quán của Đạo giáo, sau thành chùa, vốn có nhiều di vật đời Lê. Chùa nằm giữa một ốc đảo cây xanh rì giữa đồng, thâm u tĩnh lặng. Xung quanh có nhiều lăng mộ, nhiều ngôi mới xây bằng đá rất hoành tráng.

Cuối cùng là chùa Đậu, (Thành Đạo tự) ngôi chùa rất nổi tiếng với hai pho tượng Nhục thân. Chùa chính bị đốt phá thời Pháp, may còn pho Pháp Vũ rất đẹp, có tạo dáng đặc biệt để ở giữa, với nhiều tượng Phật khác. Một số tượng đất ở hai bên nữa.
Nhục thân hai Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường viên tịch cách đây 300 năm để trong nhà tổ, thân xác được sơn phủ nên vẫn còn nguyên, làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, công sức của các nhà khảo cổ, nghiên cứu. Ở đây lại được chụp ảnh thoải mái, nên bắn một loạt.



Rời chùa Đậu trời đã tối mịt. Tiếng chuông tụng kinh trong chùa cũng dần tắt.

Lại một tuần nữa. Sẽ còn đi thăm các di tích. Chừng nào chán thì thôi.

Trời Hà Nội đang lúc đẹp quá. Có nắng và gió nhẹ, lành lạnh.


________________________________

* Bà Trần Thị Dung là người đã trải qua quá nhiều tước vị, nhiều nhất trong số những người phụ nữ quyền quý Việt Nam. Từ tài nhân, chiêu nghi, lên Hoàng hậu, rồi Hoàng thái hậu. Triều Lý đổ, bà lại bị xuống thành Thiên Cực công chúa, rồi lại lên Linh Từ Quốc mẫu, Thái sư Thái quân phu nhân.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2008

Nghìn tay nghìn mắt

Cứu khổ cứu nạn, bao nhiêu mắt, bao nhiêu tay cho đủ ? Bồ tát dù có nhiều gấp trăm nghìn lần thế này nữa, liệu có đủ pháp lực cho thế gian khốn khổ này ?

Thôi, quên đi ý nghĩa khát vọng bắt nguồn từ nỗi thống khổ sâu xa vạn kiếp người đời đi. Hãy ngắm nhìn và thấy bình yên, cảm nhận dòng chảy mà cha ông truyền lại qua những tác phẩm bất hủ này.

Pho tượng cổ Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn nhiều tay nhất (1113 tay) chùa Mễ Sở. Trong mỗi bàn tay có một con mắt.


Pho tượng nổi tiếng nhất của chùa Bút Tháp, tổng cộng chỉ 831 tay.

 

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Lượn một mình một vòng

Lại một vòng đi tìm các di tích quanh Hà Nội, không rủ ai. Qua đến 20 di tích.

Đường đê qua Bát Tràng, rẽ vào (1) chùa Thổ Khối, rồi (2) đình Thổ Khối thờ 6 vị Đại vương, lượn qua (3) chùa Đa Tốn chụp ảnh tượng Phật.

Đến (4) chùa Mễ Sở, nơi có pho tượng Quán Thế Âm Thiên thủ thiên nhãn cổ nhiều tay nhất, với 1113 cánh tay. Pho tượng quý đã từng bị ăn cắp trong đêm, nhưng lấy lại được. Pho tượng này cao khoảng 2m, tuy không to bằng nhưng còn nhiều tay hơn tượng chùa Bút Tháp. Ảnh trên tường cho thấy các ông to nhà mình nhiều người cũng đã đến lễ trước pho tượng này cả rồi. Bên cạnh chùa là (5) đền Mễ Sở thờ Phạm Tu.

Tiện đường rẽ qua (6) chùa Phú Thị. Gặp (7) chùa Nhạn Tháp nhưng vào đến sân thấy thấy cửa chùa đóng lại không vào. Sau mới tiếc hùi hụi vì nhớ ra trong chùa có cái sập đá đời Trần. Qua (8) đền Nhạn Tháp nhưng bên trong không đẹp lắm. Vào (9) chùa Công Luận, khu nhà tổ còn bằng gỗ khá nguyên vẹn rất đẹp, với tượng Khổng Minh Không.

Đường rẽ Văn Giang, tìm chùa ông Khổng lại lạc vào (10) chùa Ông khác. Trên đường đi Khúc Lộng gặp (11) miếu Thiên Đế, và (12) đình làng đã quên tên. Tình cờ vào (13) đền Khúc Lộng, nơi thờ Triệu Việt Vương, có ít lộc, rồi mới sang (14) chùa Khúc Lộng, nơi có một bệ tượng Phật Tam Thế rất lớn bằng đá chạm hoa sen, và rồng đời Lý - Trần, dài 4m, ngang 2m, cao 1m, xưa kia bên dưới còn có một căn hầm nơi Việt Minh trốn Pháp đi càn và sau này để tránh bom đạn Mỹ thả xuống miền Bắc.

Rời Văn Giang, ra Quốc lộ 5, gặp (15) chùa Pháp Điện, trong hệ thống Tứ pháp vùng Lạc Hồng. Vào lại chùa Nhạc Miếu nhưng không mở cửa.

Về đến Dương Xá thì vào (16) đền Bà Tấm(17) chùa Bà Tấm, nơi thờ Ỷ Lan. Trong khuôn viên có bức lan can đá đời Lý, và trong chùa có 2 đầu sư tử đá rất to (ngang 1,3m, cao 1m) làm bệ thờ Phật cũng từ đời Lý, giống chùa Hương Lãng.

Về đến Cầu Chui thì đi tìm (18) đình làng Lệ Mật, đình có cái cổng rất đẹp vốn xưa là cổng chùa. Đình thờ vị thành hoàng đã có công với cả Thập tam trại Thăng Long. Cạnh đình là (19) miếu Công chúa gắn chặt với cây đa to, trên ngọn cây đa có một cây cọ mọc.

Nơi cuối cùng rẽ qua trước khi về nhà là (20) chùa Kim Liên bên hồ Tây, đang trong đợt đại trùng tu. Vậy là có lẽ cả năm nữa cũng sẽ không thể đến thăm ngôi chùa có cái cổng độc đáo bậc nhất nước Việt ấy.


Vẫn còn một di tích định đến mà không kịp, đó là đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn, nơi có pho tượng đồng cổ to không kém tượng ở Quán Thánh. Hẹn một lần khác vậy...