TOPIC GỐC: CHÙA ĐẤT VIỆT
Từ trang 20: http://www.phuot.vn/threads/1296/page20
em đi chùa cũng hay ngắm nghía, săm soi các mái đao
nhưng quả thực em chửa rút ra được sự khác biệt nhiều lắm, ... vì em thấy mỗi chùa có kiểu mái đao khác nhau, mà tài liệu nói về cái mái đao này thì ít quá
nói cách khác là em đề nghị bác làm vài đường cơ bản về mái đầu đao ạ
em xin show 1 cái mái đao của chùa Võng Thị - Tây Hồ
Bạn nói là không rút được sự khác biệt nhiều lắm, nhưng lại bảo là mỗi chùa có kiiểu mái đao khác nhau, tức là phân biệt các kiểu rõ ràng thế rồi còn gì?
Tôi nghĩ không nên đem mấy cái mái đao của các công trình mới làm để so sánh đánh giá làm gì, mà nên đánh giá qua các công trình cổ. Các mái đao cổ được tạo hình từ gỗ, với hệ thống các vì kèo, bờ nóc, đấu... gỗ, còn mái ngói mới làm cốt bêtông, khác nhau bản chất nên không so sánh đẹp xấu được (chùa Võng Thị mới làm có mấy năm gần đây bằng bê tông)
Những công trình mới làm gần đây, thì một là làm gần như bắt chước hoàn toàn công trình cổ, mà cụ thể là bắt chước đầu mái chùa Tây Phương, đầu mái chùa Một Cột....; hai là làm theo kiểu tự sáng tác.
Cái đầu mái chùa Võng Thị mang tính tự sáng tác, rõ nhất là cái họa tiết đầu mái cong vòng ngược ra ngoài. Những đầu mái đao cổ bao giờ cũng cong vòng vào trong, hướng về phía đỉnh mái, tạo thành một thế đóng thống nhất, không có kiểu thò ngược ra. Kiểu thò ngược này giống kiểu mái chùa Thái Lan, Campuchia. Người thợ làm mái chùa Võng Thị "sáng tạo" ra kiểu này bằng cách làm sẵn các đầu mái bằng xi măng rồi gắn lên. Không chỉ thế, còn có quá nhiều chi tiết rườm rà lỉnh kỉnh, không làm cho mái đao đẹp lên mà làm cho nó nát vụn, không rõ về đường nét. (đó là nhận xét của riêng tớ)
Cá nhân tớ không thích các "sáng tạo" kiểu ấy.
Last edited by Chitto; 16-07-2008 at 14:57.
Tớ không phải học về kiến trúc, nên không thể nói rõ được, chỉ là cảm nhận thông thường thôi.
Dưới đây là một bộ mái cổ của gác chuông chùa Trăm Gian, tuổi đời 300 năm. Mái đao cong được tạo thành do các xà đấu gỗ, lợp ngói mũi hài (vẩy cá). Bộ mái đẹp hai tầng tám mái được tạo hình khá duyên dáng, cong đều ở bốn góc. Nhìn một tấm mái riêng thì có hình lưỡi rìu, trên thẳng, dưới cong.
Một điều có thể nhận thấy rõ là tầng mái dưới có độ cong vừa phải, trong khi mái trên cong hơn hẳn. Điều này là do gác chuông có độ cao, nên bộ mái cân đối và đẹp hơn hẳn so với khi độ cong hai tầng như nhau. Đầu mũi đao khá đơn giản, chỉ là một cuộn mây nhỏ.
Mái ngói mũi hài giúp cho việc tạo độ cong dễ hơn ngói ống. Vì ngói nhỏ nên có thể xếp theo độ cong bao nhiêu cũng được.
Bộ mái đao chùa Tây Phương có độ cong rất lớn, gần như là cong nhất trong tất cả các mái đao tớ đã từng thấy. Độ cong ấy làm cho đầu mái cong ngược hẳn lên trên cả gốc mái, bờ nóc vút lên trên.
Trên mỗi gờ nóc đắp ba họa tiết: ngoài cùng là một mũi đao mà ở đầu là đầu rồng ngoảnh vào trong; ở giữa là một mũi đao ở đầu có một cuộn mây cũng vòng vào trong; và trong cùng là một con linh thú gần giống rồng cũng đang quay vào trong. Con vật đó nhiều người cho là rồng, nhưng thực tế là con Si vẫn, một trong 9 con của rồng. (Mái đao trên cùng trong ảnh bị gãy mất mũi đao có mây ở giữa).
Chính độ cong, và đầu rồng nhỏ ở mỗi mũi đao tạo thành nét độc đáo riêng cho chùa Tây Phương. Chỉ là một đầu rồng, chứ không phải con rồng. Nếu cầu kì thì đắp nguyên 1 con rồng, đơn giản thì chỉ một gợn mây. Nhưng việc chia làm 3 chi tiết từ ngoài vào trong, làm độ cong của mái thống nhất với phương vị hướng nội, và hướng thiên.
Trên mỗi gờ nóc lại có một con lân đứng quay ra ngay ở gốc mái. Nếu theo truyền thống TQ thì đó là con Trào phong, cũng là một trong 9 con của rồng. Và trên đỉnh mỗi nóc có 2 con Si vẫn quay vào giữa, gắn với một hình mây cuộn, mà có thể coi là rồng cuộn cũng được.
Tổng cộng chùa Tây Phương có 24 đầu mái đao như vậy, tạo thành một thể thống nhất, như muốn nâng cả mái chùa bay lên.
Gần đây, nhiều chùa xây mới hoặc trùng tu cũng bắt chước bộ mái đao này, nên nó không còn là "độc quyền" của chùa Tây Phương nữa. Những bộ mái sau không giá trị bằng bộ gốc là tất nhiên.
Last edited by Chitto; 16-07-2008 at 16:31.
Hô hô, mỗi người một sở thích, Thiếu hiệp đầu đã to thế rồi, chả cần phải thêm cái gì nữa. Tiếp về cái mái nè.
Kiến trúc đình, đền, chùa.... miền Bắc không thể thiếu cái mái đầu đao cong vút. Những người thợ đã tính toán cẩn thận, kì công để có thể làm những bộ mái có độ cong mềm mại duyên dáng. Từ những bộ mái đồ sộ nặng nề như mái đình Đình Bảng, đình Tây Đằng đến những mái nhỏ ở gác chuông... đều cong lên với tạo hình đẹp. Mặt mái vì thế cũng thành một mặt cong chứ không phải mặt phẳng. Cùng với nét cong mái đình chùa, kiến trúc chữ đinh, chữ công là nét đặc trưng rất rõ ràng không thể nhầm lẫn với kiến trúc nhà ở thông thường của miền bắc.
Nhưng từ khi triều Nguyễn lập quốc, dựng đô ở Huế, thì kiến trúc mái cong này biến mất ở Huế. Đã quen với những mái chùa cong, lần đầu vào Huế tôi nhận thấy ngay sự khác biệt ở đây. Tất cả các mái ngói ở đây đều thẳng tắp, thẳng đuột. Những hình thang chằn chặn. Từ mái hoàng cung, mái cổng, mái chùa, mái nhà cổ, mái cầu ngói Thanh Toàn... đều chỉ là những hình học cơ bản, vuông thành ngay ngắn.
Mặc dù trên mái, người ta đã cố đắp lên những hình rồng cuốn rất lớn, cũng cố tạo thành đường cong trên mép mái cầu kì. Thế nhưng vì chính bản thân mái đã thẳng, mặt mái là một mặt phẳng hoàn toàn, nên các hình trang trí cong lên ở góc nhiều lúc trông khập khiễng.
Rõ ràng tạo hình mái thẳng hoàn toàn dễ hơn rất nhiều so với bộ mái cong với các đầu đao vút bay lên như ở chùa Tây Phương.
Bộ mái hai tầng thẳng tắp của Tam quan chùa Thiên Mụ - Huế. Ngọ Môn của Huế cũng có kiểu mái giống thế này, thẳng đuột, chỉ khác là dùng ngói ống chứ không phải ngói bản (ngói liệt).
Tại Huế, kiến trúc chùa cũng giống kiến trúc cung điện, là những tòa nhà ngang liền với nhau lợp mái, không tạo hình chiều sâu chữ công, chữ đinh. Và các bộ mái cũng là mái thẳng hoàn toàn.
Từ xa mà nhìn, thì tạo hình mặt tiền của chùa Thiên Mụ dưới đây cũng giống y hệt điện Thái Hòa, giống như các tòa nhà rộng, không có gì khác biệt. Kiến trúc và kiểu mái thẳng tắp giống nhau, với tôi, tạo cảm giác đơn giản, gần gũi không xa hoa. Thế nhưng cũng lại nhàm và nhạt khi nhìn nhiều, không có sự thanh thoát, duyên dáng như các mái chùa cong.
Last edited by Chitto; 17-07-2008 at 08:34.
Tôi nghĩ đó là tùy quan niệm của người viết. Trước hết là về các vị Kim Cương, thì có nguồn gốc ở Ấn Độ, mà bắt đầu là từ loại pháp khí Kim Cương chử (Vajra), có hình tượng một loại vũ khí thiêng liêng. Những vị cầm Kim Cương chử để bảo hộ Phật được gọi là các vị Kim Cương. Trong kinh điển Ấn Độ nguyên thủy, theo tôi biết thì cũng không khẳng định có chính xác bao nhiêu vị Kim Cương cả.
Trong dòng chảy của mình, các vị Kim Cương hội nhập và dung hòa nhiều ý tưởng khác nhau. Có trường hợp coi các vị Kim Cương là hóa thân của các Bồ tát, có trường hợp coi các Kim Cương chưa phải là Bồ tát. Rồi có dòng thì đặt ra là có 8 vị Kim Cương (Bát bộ Kim Cương); trong khi có trường phái lại không đồng ý và cho rằng có nhiều hơn thế.
Kể cả khi chấp nhận có 8 vị Kim Cương, thì tên của các vị cũng không thống nhất, bởi mỗi trường phái có niềm tin và cách đặt riêng của mình. Trải qua dòng chảy thời gian, sự biến đổi, thêm và bớt xảy ra nhiều, đưa đến những hình tượng khác nhau trong chùa.
Theo tôi, hình tượng hai vị Hộ Pháp trong chùa là biến thể từ hai ông Môn Thần của Trung Quốc. Hai ông môn thần Thần Đồ và Uất Lũy đã có từ trước khi Phật giáo vào TQ, với hình dáng uy mãnh dữ tợn, canh giữ cửa của các công trình kiến trúc lớn. Khi Phật giáo vào TQ, thì hai Môn thần được chuyển thể dần thành hai Hộ Pháp.
Vậy thì hai ông Hộ Pháp có phải là Kim Cương hay không. Tôi nghĩ bảo là "có" cũng được mà "không" cũng được, còn tùy vào quan niệm. Chẳng hạn nếu cho rằng chỉ có 8 vị Kim Cương thôi, và phải đủ Bát bộ Kim Cương, thì Hộ Pháp không phải là Kim Cương. Còn nếu cho rằng có rất nhiều Kim Cương, thì có thể xếp Hộ Pháp vào hàng ngũ các Kim Cương.
Tại TQ, Tây Tạng, Nhật Bản, các Kim Cương còn được hóa thân và nâng cấp hơn nữa thành các vị Minh Vương (Vidyarajas) hay các vị Đại Tôn trông rất dữ tợn. Tại TQ, các vị Minh Vương đã dần biến mất, nhưng lại rất phát triển ở Nhật và Tây Tạng. Và người ta cũng đặt ra nhiều truyền thuyết thêm thắt để mô tả các vị Minh Vương này.
Tương tự thế, ở Việt Nam các vị Môn thần Hộ Pháp được gán với hai chữ Thiện - Ác một cách cụ thể, và làm mặt ông Thiện hiền từ hơn mặt ông Ác; chứ còn ở TQ, thì hai Hộ Pháp này mặt mũi dữ tợn như nhau, trông rất chi là ác quỷ.
Last edited by Chitto; 25-07-2008 at 12:57.
Nếu đúng theo nguyên nghĩa, thì các vị Kim Cương phải cầm kim cương chử. Tuy vậy các tượng Kim Cương ở VN hiện nay đều cầm các binh khí khác: gươm, chùy, gậy, búa, đao,... chứ không cầm kim cương chử.
Hơn nữa, vào trong chùa (miền Bắc) thì tạo hình Bát bộ Kim Cương và tạo hình Hộ Pháp khác nhau rất nhiều:
- Tượng Hộ Pháp to hơn hẳn tượng Kim Cương
- Tượng Hộ Pháp ngồi lên một con thần thú, còn tượng Kim Cương đứng
Do đó, tôi theo quan điểm cho rằng trong tạo hình tại chùa, thì nghệ nhân xưa phân biệt Kim Cương và Hộ Pháp là khác nhau, cho nên tôi cũng cho rằng tượng Hộ pháp không phải là các vị Kim Cương.
Có chùa chỉ có Hộ Pháp mà không có Kim Cương, có chùa chỉ có Kim Cương mà không có Hộ Pháp, có chùa có cả hai.
(Tôi có vào site sinhvienluathn thì hình như Zanghoang có nhầm lẫn: ở chùa Tây Phương không có tượng Hộ Pháp ông Thiện ông Ác, chỉ có tượng Kim Cương thôi).
Mỗi khi nhìn pho tượng này, thấy bình yên lạ.
Nhà tổ
Phía sau chính điện của chùa, thường có một tòa Hậu đường, làm nơi thờ các vị Tổ sư của tông phái, của chùa, gọi là Nhà Tổ.
Nhà tổ có thể bày tượng Phật trong đó, nhưng những ngôi chùa cổ nhất thì thường chỉ bày tượng Tổ mà thôi. Tượng Tổ gặp nhiều nhất ở các chùa là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, vị Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa (cũng là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ). Tượng Tổ sư Bồ Đề thường được đặt ở vị trí cao nhất.
Bên dưới tượng Bồ Đề sư tổ là tượng các tổ sư của chùa. Những vị tổ viên tịch gần đây thường có ảnh, tranh.
Bên dưới là bàn thờ Tổ chùa Quán Sứ, trên cùng là tượng Tổ sư Bồ Đề, bên dưới là tượng các Tổ của chùa Quán Sứ. Dưới cùng là ba di ảnh của các vị Tổ gần đây.
Đặc biệt di ảnh bên phải là của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viên tịch khi 96 tuổi; di ảnh bên trái là ĐL HT Thích Tâm Tịch, Pháp chủ thứ hai của GHPGVN, viên tịch khi 91 tuổi.
(Hòa thượng Pháp chủ thứ ba hiện nay cũng đã 93 tuổi rồi, không biết cụ còn trụ thế được bao lâu nữa)
Bồ đề Đạt Ma sư tổ
Có lẽ người Việt Nam biết đến Bồ đề Đạt ma Tổ sư dưới hình thức Tổ sư của Võ học Trung hoa nhiều hơn là Tổ thiền tông.
Sử ghi rằng Đạt ma Sư tổ đến TQ truyền pháp, đã lên núi Tung Sơn, chùa Thiếu Lâm ngồi quay mặt vào vách đá 9 năm, sau đó mới truyền cho Huệ Khả. Đồng thời Sư tổ cũng truyền thụ cách luyện tập thân thể cho các nhà sư chùa Thiếu Lâm theo khí công, từ đó phát triển rộng ra thành các tuyệt kĩ chùa Thiếu Lâm.
Đến giờ người ta vẫn tôn Thiếu Lâm Tự là cái nôi võ học, và Bồ Đề Đạt Ma là thủy tổ của võ học. Các truyện chưởng khi nói đến Võ tổ thì phải nói đến ông.
Trong tranh tượng, Bồ Đề Đạt Ma có một hình thức cực kì đặc biệt dễ nhận ra: Đôi mắt to trắng dã trông rất hung dữ, râu quai nón rậm rịt lại càng thêm phần dữ dội, thậm chí có tranh vẽ cả lông ngực. Nhưng cái hay chính ở chỗ: bên trong một hình thức hung dữ như vậy lại là một vị Tổ sư Thiền đạt đỉnh cao của Từ bi và Trí tuệ.
Nếu ai vào chùa nhìn thấy tượng Tổ râu quai nón, thì đó chính là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma.
Tượng Thánh tổ
Chùa này mới dựng, nên chưa có tranh tượng Tổ sư nào cả, chỉ có mỗi tượng Bồ Đề Đạt Ma trong nhà tổ.
Theo em đọc được thì Kim Cương Thần tướng mà trong chùa vẫn thờ có 8 vị là: Đại Thần Lực Kim Cương, Bạch Tinh Thủy Kim Cương, Tích Độc Thần Kim Cương, Hoàng Tủy Cầu Kim Cương, Tử Hiền Kim Cương, Xích Thanh Độc Kim Cường Định Trừ Tai Kim Cương, và Thanh Trừ Tai Kim Cương. Nhưng nhìn ảnh bác Chitto pót trang 6 thì em đúng là không biết ông nào mà ông nào.
Trong dòng chảy của mình, các vị Kim Cương hội nhập và dung hòa nhiều ý tưởng khác nhau. Có trường hợp coi các vị Kim Cương là hóa thân của các Bồ tát, có trường hợp coi các Kim Cương chưa phải là Bồ tát. Rồi có dòng thì đặt ra là có 8 vị Kim Cương (Bát bộ Kim Cương); trong khi có trường phái lại không đồng ý và cho rằng có nhiều hơn thế..
Còn về tranh luận là các vị Kim Cương là hóa thân của Bồ Tát hay không thì em có đọc thấy điển tích sau em post các bác tham khảo, có 2 điển tích; là Bát Đại Kim Cương Minh Vương và Bát Đại Kim Cương Đồng Tử.
Trong đó Bát Đại Kim Cương Minh Vương là hóa thân của các bồ tát như: Kim Cương Thủ Bồ Tát hiện ra thành vị Giáng Tam Thế Kim Cương, Đại Cát Tường Bồ Tát hiện ra thành vị Đại Uy Đức Kim Cương, Hư Không Tạng Bồ Tát hiện ra thành vị Đại Tiếu Kim Cương, Từ Thị Bồ Tát hiện ra thành vị Đại Luân Kim Cương, Quán Tự Tại Bồ Tát hiện ra thành vị Mã Đầu Kim Cương, Địa Tạng Bồ Tát hiện ra thành vị Vô Năng Thắng Kim Cương, Hàng Nhất Thiết Cái Chướng Bồ Tát hiện ra thành vị Bất Động Kim Cương, Phổ Hiền Bồ Tát hiện ra thành vị Bộ Trích Kim Cương
Và Bát Đại Kim Cương Đồng Tử là 8 sứ giả của Bất Động Minh Vương bao gồm: Tuệ Quang Đồng Tử, Tuệ Hỷ Đồng Tử, A-Lốc Đát Đa Đồng Tử, Chí Đức Đồng Tử, Ô-Câu Ba-Ca Đồng Tử, Thanh Đức Đồng Tử, Cằng Yết La Đồng Tử và Chế Cha Ca Đồng Tử
Vầng, đọc qua cũng hoa cả mắt vì tên các vị ấy. Mà đấy là tên tiếng Hán, chứ nếu tên tiếng Phạn trước khi phiên âm ra thì còn loằng ngoằng đến thế nào.
Qua đó cũng thấy là các quan niệm về các vị Kim Cương nói riêng, chư Phật, Bồ tát,... nói chung là rất rắc rối phức tạp. Không có hoàn toàn một chuẩn chính xác cho mọi trường hợp.
Ngay bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni, bản thể của Phật cũng không thống nhất giữa các tông phái. Tông Nguyên thủy thì Phật Thích Ca là duy nhất, tối cao vô thượng, và chỉ tôn thờ Thích Ca; Đại thừa thì coi Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là Ứng thân của một Pháp thân Phật Như Lai; Mật Tông thì cho rằng có vô số Thích Ca ở vô số thế giới, tất cả phát xuất từ một đấng tối thượng là Đại Nhật Như Lai - Tỳ Lư Xá Na Phật ở cõi Liên Hoa Đài Tông; Tịnh Độ tông thì tôn thờ A Di Đà hơn cả Thích Ca...
Đi sâu vào những cái này thì phức tạp nhằng nhịt lắm cơ. Tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng thế thôi. Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo, Nho giáo cũng có hiện tượng tương tự.
Tượng Thánh tổ
Trong một số chùa miền bắc có một pho tượng đặc biệt, mà tôi thấy miền Trung, miền Nam không hề có, đó là tượng Thánh Tổ.
Thánh tổ ở đây không phải chỉ đơn thuần là Sư tổ như các tượng ở Nhà tổ, mà còn là Thánh mang nghĩa thần thánh linh thiêng; nghĩa là các vị Thánh tổ không chỉ là Sư mà còn có phép thuật, thần thông, hộ quốc tí dân như các vị thần, thành hoàng làng, các vị thánh linh thiêng vậy.
Có lẽ đó là dấu tích của Mật tông, đề cao phép thuật biến hóa khi tu luyện. Mặc dù Phật giáo không đề cao phép thuật, nhưng dân gian thì thực ra rất thích điều này, và vị sư nào được coi là có phép thuật thì dễ được tôn là Thánh tổ, tôn sùng hơn cả các vị Sư tổ nữa. Các vị Thánh tổ này bên cạnh tên gọi theo Pháp hiệu Phật giáo thì còn tên thánh dân gian nữa.
Tượng Thánh tổ dễ gặp nhất là : Thánh Điềm : Minh Không - Không Lộ, thánh Láng - Từ Đạo Hạnh, thánh Bối - Bình An.
Last edited by Chitto; 29-07-2008 at 09:39.
Thánh tổ
Vị thiền sư được phong Quốc sư đời Lý là Thiền sư Không Lộ, nhưng lại còn được gọi là Thiền sư Minh Không (Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không, chấp nhận cả hai tên đó), vì vậy còn gọi là Lý Triều Quốc sư, còn đền ở phố Lý Quốc Sư. Đền giờ đổi thành chùa.
Quốc sư Không Lộ quê ở làng Điềm, làm thuốc cứu người, tổ chức việc đúc đồng các công trình Phật giáo như Tượng Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, nên được dân gian thần thánh hóa thành một ông Thần đúc đồng, thánh Không Lộ, thánh Điềm.
Truyện cổ tích kể rằng sư Không Lộ tìm đến Tây Thiên học Phật, cùng Từ Đạo Hạnh và Giác Hải (sau gọi là Tam Thánh tổ), nhưng lại học được toàn các phép thuật theo kiểu Mật giáo. Không Lộ sang Tàu xin đồng đen về đúc, chỉ mang một túi nhỏ. Vua Tàu coi thường nên bảo "mình ngươi thì thích lấy bao nhiêu thì lấy"; vào kho, ông liền lấy tất cả đồng đen cho vào cái túi vải của mình mang về, khi qua sông thì thả nón xuống làm thuyền. Vua Tàu sợ quá không dám đuổi.
Không Lộ đúc quả chuông lớn, khi đánh lên tiếng vang sang tận Tàu, con trâu vàng nghe thấy tiếng mẹ gọi (vì đồng đen là mẹ của vàng) vùng chạy sang Thăng Long, lồng lộn tìm mẹ. Dấu chân Trâu vàng tạo thành sông Kim Ngưu hiện nay. Sợ rằng đánh chuông thì vàng bạc tất cả các nơi sẽ tụ về, Không Lộ ném chuông xuống Hồ Tây, trâu vàng cũng lao xuống luôn. Do đó Hồ Tây còn tên gọi là hồ Trâu Vàng. Người ta nói rằng những đêm vắng vẫn còn có thể nghe thấy tiếng chuông và tiếng trâu vọng lên từ mặt hồ.
Tượng Thánh tổ Không Lộ khoác áo vàng ngồi sau tượng Phật tại chùa Lý Quốc Sư. (hai bên là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, tức là Lý triều tam Thánh tổ).
Last edited by Chitto; 28-07-2008 at 20:37.
Ở vùng Ninh Bình, quê gốc thì Thiền sư Không Lộ được biết đến với tên Nguyễn Minh Không; còn tại Thăng Long và Thái Bình, nơi ông tu đến cuối đời thì lại là Dương Không Lộ. Mặc dù hai tên khác nhau nhưng hành trạng và sự tích giống hệt nhau.
Tại Ninh Bình, Điềm Giang, núi Bái Đính được cho là nơi ông hái thuốc chữa bệnh. Truyền thuyết nói là vua Lý Thần Tông - hóa thân của Từ Đạo Hạnh - nổi điên hóa hổ, Minh Không chữa được ngay. Chùa Keo ở Thái Bình và chùa Keo ở Nam Định đều do ông dựng. Dấu tích thờ ông như một vị thánh chữa bệnh kéo dài dọc sông Hồng.
Do đó Minh Không - Không Lộ không chỉ được coi là một nhà sư, mà còn là một vị Thánh thần thông. Nơi thờ ông cũng giống nơi thờ một vị thánh, tức là để trong hậu cung, chứ không phải ở điện thờ hay nhà tổ. Một số nơi như chùa Keo, hậu cung luôn được khóa kín, chỉ đến khi lễ hội mới rước tượng ra, làm các lễ nghi như với các vị thần.
Tượng Thánh tổ chùa Bái Đính, được thờ trong tòa điện riêng.
Từ Đạo Hạnh
Vị Thánh tổ Từ Đạo Hạnh cũng nổi tiếng không kém Minh Không Quốc sư. Ông được gọi là Thánh Láng vì sinh ra và tu ở làng Láng, nay còn chùa Láng nổi tiếng. Sau ông đến tu và mất tại chùa Thầy, một ngôi chùa thậm chí còn nổi tiếng hơn.
Truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh không thấy mấy về Phật giáo, mà hầu hết là phép thuật kể rằng Từ Đạo Hạnh lúc đầu học pháp thuật để giết sư Đại Điên là kẻ thù bằng phép tu kiểu Mật tông. Sau rồi lại làm phép đầu thai làm vua Lý Thần Tông, bị bệnh hóa hổ phải nhờ Minh Không hóa giải.
Từ Đạo Hạnh còn được tôn là ông tổ nghề múa rối nước.
Đến chùa Thầy, tại tòa Thượng điện có 3 tượng Thánh tổ, một là tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp Thánh, một là tượng ở kiếp Vua, và tượng giữa là kiếp Phật - Thiền sư.
Chùa Láng thì tượng Từ Đạo Hạnh được cất kín trong hậu cung cùng những mạn đà la Mật Tông, chỉ những ngày lễ các chức sắc và sư mới được vào, còn không ai được vào xem cả.
Tượng Từ Đạo Hạnh Thiền sư chùa Thầy. Pho tượng này trông ghê ghê, rất sống, cứ như Thánh tổ đang lầm bầm nói chuyện vậy.
Tượng Nhục thân
Một thể loại tượng Tổ rất hiếm nữa, mới chỉ có ở chùa miền Bắc, đó là tượng Nhục thân.
Tượng Nhục thân là toàn bộ thân xác của các vị sư sau khi qua đời được bảo quản dưới dạng tượng, bó sơn trực tiếp ra ngoài. Một số tượng không moi nội tạng, mà nguyên vẹn cả cơ thể.
Hiện nay phát hiện được 4 tượng Nhục thân: ở chùa Đậu có 2 pho Thiền sư Đạo Tâm (Vũ Khắc Minh) và Đạo Chân (Vũ Khắc Trường), cách đây trên 350 năm; ở chùa Phật Tích có pho Thiền sư Chuyết Chuyết; và chùa Tiêu có pho Thiền sư Như Trí.
Nhục thân hai Thiền sư chùa Đậu
Nhục thân của thiền sư Như Trí là pho Nhục thân thứ ba, được tìm thấy trong tháp Viên Thông ở chùa Tiêu.
Chùa Tiêu là ngôi chùa cổ nổi tiếng là nơi sư Thiền sư Vạn Hạnh tu. Lý Công Uẩn sau là Lý Thái Tổ cũng đã học với Vạn Hạnh tại đây, và rồi mẹ của Lý Thái Tổ cũng về đây tu hành. Chùa là một trung tâm Phật giáo trong nhiều thế kỉ, với nhiều thiền sư đắc đạo. Trong vườn chùa có khu mộ tháp với nhiều ngôi mộ, lớn nhất là tháp Viên Minh. Gần đây khi mở tháp đã phát hiện nhục thân của một vị sư ngồi trong tháp đó đã 300 năm, bị hủy hoại khá nhiều. Sử ghi lại thì đó là thiền sư Như Trí, một tác giả Phật giáo viết khá nhiều sách.
Hôm tôi đến chùa Tiêu gặp một ông chụp ảnh trước chùa. Ông này kể rằng khi mở tháp thì chính ông là người có mặt ở đó, và chụp những bức ảnh đầu tiên về pho nhục thân này. Thực ra trước đây đã có kẻ gian đục tháp tìm của, nên làm hỏng tượng khá nhiều. Giờ đây người ta phục chế pho Nhục thân theo kiểu của pho chùa Đậu, rôi đưa vào một gian riêng, đặt trong một lồng kính chứa khí Nitơ.
Last edited by Chitto; 31-07-2008 at 00:18.
Thiền sư Chuyết Chuyết
Pho nhục thân cuối cùng được tìm thấy gần đây nhất là của thiền sư Chuyết Chuyết.
Vị thiền sư này là người Trung Quốc, sang Việt Nam tu, và chủ yếu ở chùa Bút Tháp. Cái tháp đá nổi tiếng của chùa Bút Tháp, trở thành biểu tượng của chùa và của cả tỉnh Bắc Ninh, chính là tháp mộ của ông. Tưởng rằng như thế thì ông phải được chôn trong đó.
Thế nhưng không, đó chỉ là cái tháp thờ vọng. Còn nhục thân của ông lại ở chùa Phật Tích. Vốn là kẻ trộm đột nhập tháp cổ, phá tháp để lộ ra nhục thân của ông. Giờ nhục thân đã được phục chế theo kiểu giống sư Vũ Khắc Minh, và thờ trong lồng thủy tinh chứa khí Nitơ.
Cho đến nay, trên đây là 4 pho nhục thân duy nhất tại Việt Nam. Chưa tìm thêm pho nào khác cả.
Về vấn đề Nhục thân - tượng táng, thì tìm đọc trên mạng cũng có một cơ số bài. Tớ viết ra cũng chỉ là cóp nhặt, copy & paste. Tớ thì thích cái mình hiểu, rồi mình trình bày lại hơn là copy & paste.
Chuyện Nhục thân, lại liên quan đến Xá-lợi ở mấy trang trước. Rất nhiều chỗ thì tôn các pho nhục thân này là "Toàn thân xá-lợi" và có ý cho rằng còn hơn cả các xá-lợi khác. Thế nhưng theo tôi, coi các pho Tượng táng này là xá lợi là quá, bởi xá lợi rất cứng rắn, tác động của thời gian, ngoại cảnh gần như không tác dụng.
Thế nhưng các pho tượng táng rõ ràng cũng chỉ là một phương pháp ướp xác thôi. Và nếu bảo quản không tốt thì cũng hư hỏng xuống cấp, thậm chí là mục nát hết. Như thế làm sao đáng hai chữ "xá-lợi" ?
Nếu nói về Tượng táng - Nhục thân thì ở Trung Quốc có pho Nhục thân của Lục tổ Huệ Năng từ năm 713, đến nay đã 1300 năm mà vẫn ngồi nguyên vẹn kia. Các tượng táng của mình thua đến 1000 năm, cũng không phải là điều gì đáng tự hào quá.
Last edited by Chitto; 06-08-2008 at 00:16.
Lục tổ Huệ Năng
Nói thêm một tí về Lục tổ Huệ Năng. Đây là vị Tổ Thiền tông cuối cùng, vị Tổ thứ sáu tính từ Bồ Đề Đạt Ma, và Ông không truyền Y bát lại cho ai nữa, tức là sẽ không có Thất tổ, Bát tổ (vì lúc đó Thiền tông phát triển mạnh mẽ và rộng rãi đến mức không cần người đứng đầu nữa).
Ông nổi tiếng đến mức những bài giảng của ông được gọi là Kinh, và chỉ có một tập. Đây cũng là trường hợp duy nhất Kinh không phải do Phật thuyết.
Thiền tông từ ông phát triển rực rỡ. Theo đó ai cũng có thể "đốn ngộ" để giác ngộ mà không cần qua quá trình vất vả lâu dài tụng kinh sách công phu. Một bằng chứng rõ ràng nhất là chính ông, xuất thân nông dân, không đọc sách, chỉ nghe lén các bài giảng của Ngũ tổ trong vài năm rồi lưu lạc giang hồ mấy chục năm, thế mà rồi được toàn bộ giới Phật giáo tôn kính là bậc Tổ. Và đến khi qua đời ông vẫn là một người mù chữ !!!
Một số nhà khoa học coi tư tưởng triết học của ông sánh ngang với Lão tử, Khổng tử, Trang tử, Mạnh tử, đủ biết trình độ ông thế nào.
Gần đây, trong trào lưu coi Việt Nam là hậu duệ trực tiếp và gần của Bách Việt, một số "sử gia" đã nhất quyết đòi bằng được hàng loạt nhân vật và triết thuyết là của Việt Nam: Thần Nông là của Việt Nam; Thuyết Âm dương, Bát quái, Kinh Dịch là của Việt Nam; Tư Mã Thiên là người Việt Nam, Tôn Trung Sơn là người Việt Nam....
Và cũng đòi nốt Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam luôn.
Tháp
Một công trình kiến trúc đặc trưng nhưng không phải chùa nào cũng có là ngọn Tháp. Nguyên thủy thì Tháp - Stupa - dùng để lưu giữ thánh tích: Sợi tóc, cái răng, xá-lợi Phật, là Tháp Phật. Nhưng Phật cũng không thể đủ mà phân chia nhiều tháp thế, nên rồi có các tháp mộ sư, tháp-vũ trụ (cũng có thể coi là tháp Phật, vì Phật ở khắp Vũ trụ). Những tháp sau này không còn là stupa nữa.
Đối với các chùa Nguyên Thủy (Nam Tông) như Ấn, Nepal, Thái, Cam, Khơme thì Stupa là bộ phận không thể thiếu, và chính nó tạo thành tên gọi pagoda.
Stupa thường có hình quả chuông, chân đế rộng vững chãi, lên cao nhỏ dần. Tháp gồm 3 phần: Đế, thân, đỉnh, tượng trưng cho toàn bộ Vũ trụ Tam giới: Đế tháp là Dục giới, thân tháp là Sắc giới, đỉnh tháp là Vô sắc giới. Ngoài ra có thể có cái chóp hình cái lọng nhiều tầng, là Niết Bàn.
Stupa - biểu tượng của nước Lào
Những stupa nổi tiếng nhất
Ảnh lấy trên mạng
Stupa Sanchi - Stupa cổ nhất còn đến nay ở Ấn Độ, là kiểu mẫu của Stupa: đủ 3 phần của Tam giới cùng cái lọng Niết Bàn (phần Sắc giới xem ra to nhất, quan trọng nhất, hic)
Cái Stupa rộng nhất thế giới: Borobudur ở Indonesia
Cái Stupa lộng lẫy nhất: Shwedagone ở Myanmar
Hehe, Việt Nam ta chả có cái nào khả dĩ so sánh được với bất cứ cái nào trong số trên, thì thôi, lại có những kiểu của ta vậy.
Tháp chùa Đông Á
Tháp chùa ở Việt Nam thì học theo kiểu Trung Quốc, tất nhiên rồi.
Tháp TQ không giữ kiểu Stupa, mà kết hợp với kiến trúc Lầu, để thành cái tháp nhiều tầng, mở cửa ở mỗi tầng, và mỗi tầng có một lượt mái. Các tháp cổ của TQ cũng có kiểu giật cấp, nhỏ lại rất nhanh, ít tầng, 4 cạnh vững chắc. Nhưng về sau họ đã đạt đến đỉnh cao kiến trúc khi dựng những ngọn tháp cao, thẳng đứng, nhiều tầng, đến mười mấy tầng, các mái đưa ra ngoài treo chuông. Cả ngọn tháp là một khối đa giác, thường là lục giác, bát giác, nổi bật lên nền trời. Tháp có tháp gỗ, tháp gạch đá...
Sang Nhật Bản, tháp chùa mang một kiến trúc khác khi thân tháp nhỏ nhưng mái lại rất lớn. Tháp chùa Nhật chỉ có 4 cạnh, 5 hoặc 7 tầng thôi. Tháp luôn làm bằng gỗ, với những cột gỗ là nguyên cây gỗ cao.
Tháp TQ nổi tiếng có Lầu Hoàng hạc, nhưng đã bị phá, lầu hiện nay dựng lại bằng xi măng cốt thép. Có tháp Lục Hòa ở sông Tiền Đường có hơn nghìn năm nay, (ai đọc Thủy Hử có thể nhớ là Lỗ Trí Thâm đã viên tịch ở chùa này),...
Tháp sáu cạnh tượng trưng Lục hòa, tám cạnh tượng trưng "tám hướng" hay Bát chính đạo của Phật giáo. Tháp bốn cạnh là "bốn phương" của núi Tu Di, số 4 cũng là Tứ Diệu đế.
Tháp chùa Việt Nam có gì khác chăng ?
Tháp chùa Việt
Trong lịch sử Việt Nam ghi lại một số ngọn tháp nổi tiếng: Tháp Báo Thiên (Đại Thắng Tư Nghiêm bảo tháp) là 1 trong Tứ đại khí; tháp Tường Long ở Đồ Sơn, tháp Long Đọi ở Hà Nam, tháp Phật Tích ở Bắc Ninh, đều dựng đời Lý. Nhưng không còn ngọn tháp nào còn cả.
Theo ghi chép thì tháp chùa Việt cổ đời Lý Trần đều xây bằng đá, gạch, không thấy tháp gỗ. Các tháp đều có 4 cạnh, nhiều tầng. Đây là kiến trúc tượng trưng cho Trục Vũ trụ, tháp là hình ảnh của núi Vũ trụ Tu Di (Meru), do đó bốn góc có 4 Thiên vương đứng gác. Tháp có 11, 12, 13, 14 tầng, số tầng không cố định tùy thuộc vào quan niệm.
Lúc này không còn 3 phần tương ứng Tam giới rõ ràng như Stupa; tuy vậy các tầng tháp cũng có thể chia ra:
- Các tầng bên dưới là Dục giới
- 4 tầng tiếp theo là Sắc giới gồm 4 tầng thiên: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền
- 4 tầng trên cùng là Vô Sắc giới gồm:Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Chỉ đến đời Nguyễn mới xây tháp tám cạnh, tiêu biểu là tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ bảy tầng, là vì tương ứng với 7 vị Phật quá khứ.
Một số tháp khác có 9 tầng gọi là tháp Cửu Phẩm Liên hoa, tương ứng với 9 phẩm của Tịnh Độ, từ Hạ phẩm hạ sinh đến Thượng phẩm thượng sinh. Những tháp dựng ngoài trời cửu phẩm này đều dựng muộn, không phải tháp cổ. Nhưng có loại tháp đặc biệt là Tháp gỗ - hay Cối phật, cái này sẽ nói sau.
Last edited by Chitto; 09-08-2008 at 23:53.
Vâng bác ạ. Đọc cũng lâu rồi nhưng không chắc hoàn toàn.
Cái Library ở kiến trúc Angkor là do các nhà khảo cổ Pháp đặt thế, không phải nghĩa hoàn toàn giống với Thư viện trong tiếng Việt. Đó là công trình để lưu giữ các đồ tế, đồ cúng tiến của tín đồ, các đồ quý chỉ dùng trong lễ hội, và cả những cuốn sách thiêng, những tài liệu kinh sách tôn giáo nữa. Như vậy chức năng của tòa nhà này cũng có lưu giữ một phần sách vở, nhưng không phải là cái Thư viện như hiện nay.
Ở khu Mỹ Sơn bác cũng có thể thấy cái tháp gạch có trang trí đẹp nhất phía trước tháp chính, cũng được gọi là "tháp Thư viện", chẳng qua cũng là dịch từ Library mà người Pháp dùng; và đó cũng là tòa nhà để đồ quý thôi.
Có lẽ đó là cách dùng từ của họ, không nên dịch là Thư viện, mà nên theo đúng nghĩa là Kho đồ thánh.
Các bức đắp trên nóc đền chùa là Lưỡng long chầu Nguyệt (hoặc Nhật) chứ không phải tranh châu bác ạ. Lưỡng long tranh châu thường là trên bức họa, bích họa, đắp nổi trên tường, với thế vờn nhau chứ không phải châu đầu vào nhau thế này.
Thực ra cũng có trường hợp là Lưỡng long tranh Châu, thường là của người Tàu. Khi đó hình ở giữa phải là một khối cầu, chứ không phải là mặt phẳng dẹt hình tròn như thế này. Những cái do VN làm thường là mặt Nguyệt hoặc Nhật.
Theo tớ nhận thấy, thì hình thức đắp hai con rồng chầu vào mặt trăng/trời này ở Việt Nam hình như chỉ xuất hiện từ đời Nguyễn trở lại đây thôi.
Các ngôi đền, đình, chùa được dựng từ đời Lê trở về trước (hoặc trùng tu mà vẫn giữ được đúng nguyên bản) thì trên nóc không có 2 con rồng kiểu này. Chùa thời Tây Sơn như Kim Liên, Tây Phương, trên nóc cũng không có. Các chùa cổ, trên đỉnh nóc thường để trơn, hoặc nếu có đắp thì cũng chỉ đắp nổi tấm ngạch đề tên chùa (thường là 3 chữ), và chỉ ở hai đầu đốc mới có đắp đầu rồng, và các đầu đao đắp đắp đầu rồng thôi. Các ngôi đình cổ còn giữ được như đình Đình Bảng, Chu Quyến, Tây Đằng... đều không đắp rồng chầu Nguyệt giữa đỉnh nóc mái.
Ngược lại, một điều dễ nhận thấy là các công trình ở Huế từ Ngọ Môn, cung điện, chùa, Văn miếu... thì đều có hai con rồng chầu. Có thể hai rồng chầu vào giữa (như hình bạn zanghoang post), cũng có thể rồng vươn ra ngoài, quay đuôi vào, nhưng hai đầu rồng cũng lại quay vào trong.
Tớ đã từng đọc đâu đó (không dám chắc) rằng các môtip rồng chầu nguyệt ở miền Bắc chỉ có từ đời Nguyễn. Một số công trình cổ hơn, khi trùng tu dưới thời Nguyễn người ta cũng đắp thêm vào.
Nhấn mạnh là chỉ rồng ở trên đỉnh nóc thì không có thôi, chứ rồng ở hai đầu đốc và đầu đao thì đền chùa cổ miền Bắc đã đạt đỉnh cao từ lâu rồi.
Last edited by Chitto; 14-08-2008 at 14:14.
Lại một điều nhận xét nữa: Các cung điện ở Trung Quốc, đền chùa ở Bắc Kinh cũng không có rồng chầu kiểu này. Mái truyền thống cung điện TQ thì có các con của rồng: Si vẫn, Trào phong ở hai đầu đốc thôi, còn phần giữa mái vẫn thẳng trơn (search Gúc là ra ảnh một loạt). Mái công trình phía bắc TQ trang nhã, phóng khoáng.
Ngược lại, xuống phía nam TQ, Phúc Kiến, Quảng Đông (và theo đó là Đài Loan) thì môtip trang trí mái cực kì rối rắm phức tạp. Nào là bát tiên, nào là tứ quý, nào là tứ hữu... và đặc biệt không thể thiếu con rồng. Rồng bám đầy mái, dù nóc mái bé mấy thì cũng phải có rồng, có hình mặt trăng/trời hoặc bầu rượu ở giữa. Và họ đạt đỉnh cao khi làm các trang trí đó bằng sứ rất đẹp, rồi gắn lên.
Những người Minh hương Phúc Kiến, QĐ vượt biển nhiều nhất, và đi đến đâu họ cũng mang văn hóa, kiến trúc của mình đến đó. Tiêu biểu là các công trình ở Hội An như Hội quán Phúc Kiến ấy.
Thế nên, theo tớ giả định, rất có thể triều nhà Nguyễn đã bắt chước cái kiểu kiến trúc đắp rồng trên đỉnh nóc của người Tàu Phúc Kiến, nam Trung Hoa vào các công trình của mình. Khi triều Nguyễn cai trị toàn bộ VN, thì môtip này được áp dụng khắp nơi. Những ngôi đình chùa cổ miền bắc trong thời gian này trùng tu mà không giữ được nguyên bản thì cũng chịu số phận đắp rồng lên nóc, dù trước đó chưa bao giờ có.
Người Phúc Kiến đạt đỉnh cao khi họ làm toàn bộ những trang trí, toàn bộ con rồng... bằng gốm sứ rất đẹp. Còn triều Nguyễn, không biết vì có phải chưa đủ khả năng làm thế hay không, mà đắp bằng vữa và gắn bằng mảnh sành, mảnh sứ lên, tạo thành một kiểu riêng.
Lưỡng long tranh châu (không phải chầu Nguyệt) ở trên nóc chùa Hưng Ký, vốn dựng theo kiểu TQ.
Có thể thấy rõ các chi tiết được làm bằng sứ rất đẹp, từ con rồng đến các hình người. Bên trên là hạt châu, hình cầu, chứ không phải mặt nguyệt/nhật.
Nếu vào Huế, thì thấy có lúc không phải Châu, cũng không phải Nguyệt, mà có khi là bầu rượu (hồ lô).
Như vậy chi tiết ở giữa có thể là nhiều motif khác nhau, không nhất định, tùy theo quan niệm, thẩm mỹ của người làm. Mỗi motif có ý nghĩa riêng. Theo tớ hiểu thì một số ý nghĩa như sau:
- Lưỡng long tranh châu là motif truyền thống TQ rồi, không cần thắc nhiều
- Bầu rượu (hồ lô) tượng trưng cho Chứa đựng, là khái niệm của Vũ trụ. Vì vậy nhiều đỉnh tháp cũng dựng quả hồ lô.
- Lưỡng long chầu Nhật (mặt trời) là tượng trưng cho Vũ trụ nói chung. Lúc này các lưỡi lửa của mặt trời ngược lên phía trên.
- Trường hợp các lưỡi lửa xòe sang hai bên (nằm ngang) thì đó là Nguyệt, chứ không phải Nhật. Tại sao lại là mặt trăng chứ không phải mặt trời. Tớ có đọc thấy nói rằng: Hai rồng hai bên là hai Hào dương, Mặt trăng ở giữa là hào Âm. Đó là tượng của quẻ Ly. Ly là Lửa, tượng của Phương Nam, của nóng, sáng, linh động, phát triển. Triều nhà Nguyễn lấy biểu tượng mặt trăng ở giữa là khẳng định vị trí Đại Nam của mình.
(Cờ của chính phủ Việt Nam thời Trần Trọng Kim cũng là hình này, coi quẻ Ly là biểu tượng của Việt Nam).
Nếu ở giữa là Mặt trời, thì đó là ba hào Dương, tượng của quẻ Càn (trời). Cờ của chính quyền Miền nam VN trước 75 cũng là quẻ Càn này, gồm ba vạch ngang liền, vì thế còn được gọi là cờ Ba que.
Bây giờ thì hình như chả ai quan tâm ở giữa là Nhật hay Nguyệt. Cứ tùy tiện đắp thế nào thì đắp. Bảo là Nguyệt cũng ừ, Nhật cũng ok !!!
Tháp Phổ Minh
Quay lại với chủ đề tháp chùa.
Ngôi tháp chùa cổ nhất Việt Nam nay còn lại là tháp Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Nam Định, xây từ thế kỉ 13. Ngôi tháp dáng đẹp cao 14 tầng, đế và tầng 1 làm bằng đá, các tầng trên xây bằng gạch. Trước kia gạch mộc đỏ tươi giống tháp Bình Sơn (post sau), đến đời Nguyễn thì trát vữa lên, nên có hình dạng như ngày nay.
Trước tháp có mấy bệ chân cột mà tương truyền là để kê chân Vạc Phổ Minh, các vạc lớn nhất của VN, một trong Tứ đại khí. Vạc to đến độ hai người có thể chạy đuổi nhau trên miệng vạc. Giặc Minh đã phá hủy vạc nên khôgn còn gì cả.
Last edited by Chitto; 15-08-2008 at 23:22.
Tháp Phổ Minh có hình dáng thuôn lên rất đẹp, giống một chiếc bút viết lên trời
Tháp Bình Sơn
Một ngọn tháp nổi tiếng rất đẹp khác, nhưng có lẽ rất ít người biết, là tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc.
Tháp là tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc thời Lý, Trần cách đây 8 trăm năm, làm hoàn toàn bằng gạch nung. Sau bao nhiêu năm mà màu gạch vẫn đỏ tươi, họa tiết khắc chạm vẫn sắc nét. Một số phiên bản của tháp còn được đặt tại Bảo tàng Lịch sử, như sự khẳng định của văn hóa Việt Nam.
Tháp Bình Sơn hiện còn lại có 11 tầng, phần trên cùng đã hoàn toàn mất. Trải tám trăm năm, dù móng bằng gạch khá sâu nhưng cũng bị xói lở, tháp nghiêng. Năm 1969 người ta đã dỡ toàn bộ ngọn tháp ra, thì thấy nhiều viên gạch được kết nối bằng mộng bằng chì. Sau khi đổ móng bê tông chân tháp, sau hơn 2 năm tháp được dựng lại nguyên như trước đó.
Những phần chân đế phải dùng gạch bổ sung do gạch cũ đã bị xói mất. Nhìn là thấy ngay, vì lớp gạch mới sau vài chục năm đã xỉn màu, còn gạch cũ vẫn đỏ tươi.
Những viên gạch cổ tám trăm năm tuổi với những hình hoa cúc xoắn, rồng cuộn, cánh sen, thể hiện quan niệm và mỹ thuật của người xưa.
Tháp Bình Sơn là tháp rỗng lòng, tức là mặc dù có 15 tầng (các tầng trên cùng bị mất), nhưng cái "tầng" đó chỉ là phía bên ngoài, còn bên trong thì rỗng thẳng từ dưới lên trên, như một cái ống. Sau thời gian tu sửa, người ta đã lắp một cột thu lôi bám trong lòng tháp dẫn xuống đất. Thế là trẻ con trong vùng đã tạo ra trò chơi là trèo trong lòng tháp.
Hiện nay tháp đứng chơ vơ, không được bảo vệ, nên càng ngày càng xuống cấp.
Có lẽ bạn không rõ thôi, 18 pho Tổ kế đăng (thường gọi là Alahán) thì hai pho của hai Tổ đầu tiên (Ca Diếp và A Nan) để trên bàn thờ chính, nên phía sau chỉ có 16 pho.Hôm nay bạn Chin không chịu ôm em đi Đường Lâm nên em đánh quả lẻ lên Tây Phương và Cực Lạc. Thực sự em mới mon men lên chùa Tây Phương lần đầu nên đếm đi đếm lại mỏi mắt vẫn không hiểu sao thiếu mất 2 cụ La văn Hán. Bác Chitto em hiểu sâu biết kĩ giải thích giùm em xem hai cụ bỏ đi đâu chơi mà còn có 16 ạ?
Bạn có thể xem lại trang 20, hoặc xa hơn nữa là trang 9 của topic này, tôi có chụp ảnh và chú thích rõ rồi đấy.
Nơi đó cũng vẫn thờ cúng Phật đấy chứ, làm sao có thể bảo là "thờ cúng thực sự" với "không thực sự" ?
Thế nào là một "cái" chùa, hay chùa là gì, chùa ở đâu?. Thực giả không rõ ràng thế được. Nếu cái gì cũng rõ Thị - Phi, Thiện - Ác, thì đã không có khái niệm Trung đạo của Phật giáo.
Nếu theo nghĩa của triết lý một tí, thì có thể cho rằng nơi nào có Phật thì nơi đó là chùa, đó có thể là Phật trong tâm tưởng, Phật trong suy nghĩ, Phật qua thuyết pháp. Với một hành giả - người tu nhưng đi khắp nơi - , thì ngồi đâu cũng có thể là chùa (với chính hành giả đó). Với người khác, khi có một vị tăng thuyết về pháp, thì nơi đó là chùa, dù vị đó ngồi ở giữa ruộng, dưới một tán cây, dưới một dốc đá. Chùa là ở trong lòng người, chứ không phải ở cái nhà, hay pho tượng.
Hiểu theo nghĩa thực tế hơn, thì có lẽ chùa cần phải hiểu là nơi: (1) thờ Phật, (2) có người tu hành theo Phật ở hoặc thường xuyên qua lại (3) có hoạt động truyền bá Phật pháp dưới hình thức này hay hình thức khác.
Thực ra phân biệt quá như thế cũng không phải là đúng hẳn. Có những ngôi "chùa giả" rồi sau lại thành "Chùa thật" đấy thôi.
Ngược lại, có những ngôi chùa mà thực ra không truyền pháp, mà truyền mê tín dị đoan, thì nên đổi là đền, miếu, phủ,... chứ không nên gọi là chùa.
Tôi chưa thấy tượng nào như thế, và cũng không rõ "hai vị ngồi chung 1 tòa sen" thì ngồi theo kiểu gì? Va hai vị đó có phải Phật không hay là Bồ tát, La hán?
Nếu như hai "người" ngồi quay mặt vào nhau, một người ngồi xếp bằng, người kia ôm lấy người ngồi, chân quặp lấy người ngồi, thì có thể là tượng đối ngẫu của Mật tông Tây Tạng.
Tiếc là em ko có ảnh của tượng. Nhưng có thể tả như thế này: trên 1 tòa sen hình bầu dục, 2 Phật giống hệt nhau (theo em thì Phật mới ngồi tòa sen, ví dụ như pho Tổ Long Thụ là pho tượng duy nhất trong 18 pho tượng Tổ ở chùa Tây Phương có tòa sen) ngồi song song, mặt cùng hướng về phía trước. Bác chit có bạn nào ở Hải Phòng thì nhờ chụp một bức ảnh, được thế thì tốt quáTôi chưa thấy tượng nào như thế, và cũng không rõ "hai vị ngồi chung 1 tòa sen" thì ngồi theo kiểu gì? Va hai vị đó có phải Phật không hay là Bồ tát, La hán?
Nếu như hai "người" ngồi quay mặt vào nhau, một người ngồi xếp bằng, người kia ôm lấy người ngồi, chân quặp lấy người ngồi, thì có thể là tượng đối ngẫu của Mật tông Tây Tạng.
Các chùa gần đây cũng bắt đầu dựng nhiều tháp, bên trong đặt các pho tượng Phật. Tháp chùa Trấn Quốc xây bằng gạch đỏ khá đẹp, 11 tầng, mỗi tầng sáu cạnh, mỗi cạnh có pho tượng bằng đá trắng ngồi trong, tổng cộng 66 tượng.
Tháp chùa Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng bày cực nhiều tượng đá, tầng nào cũng nhiều đến mức quá, vì không chỉ xung quanh mà ở giữa cũng chi chít.
Gần đây ở HN có chùa Bằng A dựng tòa tháp - hiện tại là cao nhất - 13 tầng, mỗi tầng tám cạnh, mỗi cạnh trổ cửa sổ, đặt một pho tượng Phật bằng đồng nặng hơn trăm cân. Tổng cộng 104 pho tượng, trở thành tháp đặt nhiều tượng đồng nhất.
Tượng Phật tháp chùa Bằng A, ngồi quay ra tám hướng.
_________________________
@Tùy Phong: Tôi chưa thấy tượng thế bao giờ, và cũng chưa được biết gì liên quan đến hai tượng ngồi cùng tòa sen cả.
_________________________
Toàn bộ ngọn tháp
Last edited by Chitto; 30-04-2009 at 23:52.
Tháp mộ
Bên cạnh các Tháp Phật - Tháp Vũ trụ, các ngôi chùa còn có các tháp mộ.
Tháp mộ là nơi đặt hài cốt của các vị sư đã từng tu tại chùa. Theo như truyền thống của Phật giáo từ Ấn Độ, thì các vị sư sau khi viên tịch sẽ được hỏa táng (lễ trà tỳ), nếu như ở một mức độ nào đó thì có thể còn lại các Xá lị. Xá lị có thể được lưu giữ như báu vật của chùa. Nếu không còn xá lị, thì tro cốt được táng trong các tháp.
Không rõ thời xưa, các vị sư ở Việt Nam có được hỏa táng không, còn gần đây thì hình như đều chôn trực tiếp và xây tháp lên trên. Một số tháp của thiền sư đặc biệt như Chuyết Chuyết, Như Trí,..., thì nguyên vẹn nhục thân ngồi trong tháp.
Tháp mộ sư thường có 3 tầng bốn mặt, tháp nhỏ 2 tầng, nhưng cũng có tháp nhiều tầng hơn, tùy quan niệm và tùy chùa. Tháp xây gạch hoặc đá, thường ở phía sau chùa.
Tháp đá Đăng Minh ở chùa Côn Sơn, nơi táng Xá lị của Thiền sư Huyền Quang, là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm đệ tam tổ). Tháp xưa đời Trần có lẽ cũng bị hư hại nhiều, những chi tiết sửa lại gần đây.
Chùa này nằm ở đường nối giữa khu Linh Đàm với Hà Đông (đường viện 103). Nếu đi từ Linh Đàm, hỏi đường sang Hà Đông, thì đường sẽ chạy dọc 1 dòng kênh đen xì (đổ vào sông Nhuệ). Từ xa đã thấy bên kia kênh là ngọn tháp của chùa Bằng A nổi lên giữa khu vực đồng ruộng. Phải qua 1 cây cầu đầy bụi đất sang chùa. Từ Hà Đông thì cứ đường 70 qua viện 103 đi tiếp, gặp ngã rẽ trái đi 1 đoạn là thấy tháp chùa.
Chùa này nổi tiếng vì là một trong những chùa sớm nhất tổ chức phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc đầu thế kỷ trước. Hai nơi đầu tiên là chùa Bằng và chùa Sở (Phúc Khánh ở Ngã tư Sở), còn trước cả Quán Sứ. Đây cũng là hai chùa đầu tiên lập trường Sơ cấp và Trung cấp Phật học, do đó rất nổi tiếng về việc tu hành.
Tuy vậy ngọn tháp tớ chụp vẫn chưa hoàn thành đâu. Chắc phải sang năm mới có thể xong. Nhưng cũng có thể theo cầu thang trèo lên tận đỉnh trên cùng rồi, và tượng cũng an vị hết rồi.
Tháp mộ sư độc đáo và thuộc loại đẹp nhất có lẽ là tháp của chùa Bút Tháp. Tháp bằng đá hình lục giác, cạnh thẳng đứng chứ không nhỏ lại như các tháp khác. Tầng dưới có mái trùm ra, cột điêu khắc rồng cuốn rất đẹp, bên trong tầng để tượng thiền sư Chuyết Chuyết.
Tuy nhiên, nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết lại được tìm thấy ở chùa Phật Tích. Nếu thế thì tháp này chỉ là thờ vọng, không có di cốt bên trong.
Tượng thờ trong tháp
Last edited by Chitto; 30-04-2009 at 23:53.
Ngôi chùa mà tôi thấy có nhiều tháp mộ sư nhất có lẽ là chùa Bổ Đà ở Bắc Giang. Tôi chưa thấy ngôi chùa nào nhiều tháp đến thế, cả một vạt đồi toàn tháp mộ, trải dài từ trên xuống dưới.
Đã ghép một ảnh panorama rởm chụp toàn bộ các tháp, nhưng chả biết vứt đâu mất...
Những ngôi tháp mộ bằng đá ong ở chùa Nôm
Có lẽ không phải Baxu ạ. Chùa Bổ Đà ở Bắc Giang, nằm ở chân núi, đường vào có cây um tùm, nhưng là um tùm theo kiểu rậm rạp gai góc.Bác Chit cho baxu hỏi cái chùa này có phải cái chùa mà đường đi vào nhiều cây, chùa toàn/nhiều màu trắng, lại có hàng hiên bể nước khá đẹp? Mà hình như kiểu cách hơi khác khác bác nhỉ?
Mà không hiểu sao đang đẹp thế, Tết năm ngoái đến lại thấy người ta đang phá đi làm lại? Không hiểu giờ nom thế nào rồi hả bác?
Xung quanh chùa có hai vòng lũy đất rất kiên cố, lại có cả hào như một pháo đài. Trong chùa ngang dọc khá nhiều tòa. Riêng khu mộ tháp nằm ở ngoài vòng tường thứ nhất, nhưng trong vòng tường thứ hai.
Chùa này không chỉ nhiều mộ tháp bậc nhất, mà còn có bộ ván kinh bằng gỗ thị cổ nhiều nhất nữa. Đến đó thanh tĩnh, và tuy có trùng tu nhưng vẫn theo lối cổ, không sơn vẽ nhiều, còn rất đẹp.
Toàn cảnh vườn tháp mộ chùa Bổ Đà
Gác chuông
Bên cạnh Tháp Phật, Tháp vũ trụ, Tháp mộ, Tháp thờ, tại chùa chiền còn một hình thức kiến trúc đẹp nữa là Tháp chuông, hay chỉ đơn giản là Gác chuông, cũng mang hình dáng một ngọn tháp.
Gác chuông - như tên gọi, mục đích là để treo chuông, để khi gõ chuông tiếng được vang xa, khắp nơi đều nghe được. Chuông, khánh là đồ nhạc khí linh thiêng, theo niềm tin tôn giáo thì khi gõ chuông khánh, thần linh kinh động linh ứng, mỗi lời cầu nguyện theo một tiếng chuông sẽ có tác dụng gấp cả vạn lần. Những quả chuông quý trên khắc các bài kinh văn, mỗi khi gõ lên thì tương ứng với bài kinh đó được tụng cả vạn lần.
Gác treo chuông của chùa cổ thường không được cao lắm, vì các cụ xưa trình độ kiến trúc cũng có hạn, không thể kéo chuông nặng lên những tháp gạch cao, mà cũng không có chỗ để đứng gõ (khác với chuông phương tây kéo dây, treo cao bao nhiêu cũng được). Do đó các gác chuông thường vững chãi và thấp, hoặc làm gác ngay trong chùa.
Càng về sau này, với bêtông ximăng cốt thép, người ta lại bắt đầu dựng tháp chuông chùa cao ngất ngưởng, mỗi lần gõ phải trèo lên rạc cẳng.
Last edited by Chitto; 30-10-2008 at 11:17.
Gác chuông chùa Keo
Gác chuông cổ đẹp nhất mà tớ biết là gác chuông chùa Keo, đã trở thành biểu tượng kiến trúc chùa cổ, và cũng là biểu tượng của tỉnh Thái Bình.
Gác chuông chùa Keo hình dáng tuy không thật cao thanh thoát, nhưng lại vững chãi gần gũi, chắc khỏe, được coi là mang dáng một búp sen chưa nở. Bốn cây cột chính cao từ nền lên đến đỉnh nóc, bốn phía còn các cột phụ cho tầng một.
Tầng một bốn phía để trống, treo một khánh đá lớn. Tầng hai, tầng ba, tầng nóc đều treo mỗi tầng một quả chuông. Toàn bộ gác chuông liên kết bởi những lỗ mộng, con sơn, vì kèo, đấu, đố, cốn, theo như truyền miệng thì không dùng đến đinh.
Tuy nhiên gần đây trùng tu lại gác chuông, đổi các kết cấu gỗ mục, nên trông gác chuông có vẻ mới hẳn lên.
03-11-2008, 09:15
Ngày xưa vua chúa các triều Lý, Trần, Lê đều đến chùa cầu mưa mỗi khi có hạn hán.
Không biết giờ có ai đi chùa cầu hết mưa tạnh ráo không?
Hà Nội thành cái hồ đã là ngày thứ tư, mà mưa vẫn không chịu ngớt.
Ngoài gác chuông chùa Keo có kiến trúc đẹp nhất, nhiều chùa cũng có gác chuông. Gác chuông thường nằm ở trước chùa chính, tại sân trước, cũng có trường hợp nằm ở sân trong. Nhiều chùa thì tam quan cũng là gác chuông luôn.
Gác chuông cũng khá nổi tiếng của chùa Trăm Gian - Hà Tây nằm bên sườn đồi phía trước chùa
Gác chuông một ngôi chùa làng ở Hà Tây
Last edited by Chitto; 28-07-2009 at 23:46.
Có những ngôi chùa không làm gác chuông bên ngoài, mà làm gác ngay trong chùa.
Nghĩa là mái chùa không là những lớp mái lớn đơn thuần nữa, mà được nâng cao một phần tạo thành những gác nhỏ để treo chuông, khánh.
Chùa Nành là ngôi chùa có kiến trúc khá đặc biệt kiểu này. Gian tiền đường được tạo thành hai căn gác nhỏ tạo nên một kiểu rất riêng và cũng đẹp.
Chuông chùa
"Xây chùa, tô tượng, đúc chuông
"Trong ba việc ấy thập phương nên làm
Các cụ ngày xưa đã nói thế, đủ biết vai trò quan trọng của Chuông chùa thế nào. Chùa không có chuông thì còn chưa thể gọi là đầy đủ.
Chuông là loại pháp khí thuộc loại cổ nhất của hầu hết tất cả các nền văn minh, và đặc biệt luôn được dùng trong tôn giáo do âm thanh đặc biệt của nó tạo ra. Tiếng chuông trầm, ngân xa bao giờ cũng gợi đến tâm linh, tôn giáo, huyền bí.
Trong Phật giáo, chuông không chỉ là pháp khí hỗ trợ khi hành lễ, mà còn mang ý nghĩa lời cầu nguyện. Trên chuông khắc các bài kinh, mỗi khi gõ chuông, tức là gửi lời kinh ấy đi theo âm thanh đến khắp mười phương tám hướng. Một lời cầu nguyện kèm một tiếng chuông có thể nhân gấp nhiều lần lời cầu.
Chuông phương đông khác hoàn toàn phương Tây ở chỗ âm thanh tạo ra do gõ từ bên ngoài vào, chứ không phải bên trong ra. Do đó muốn gõ chuông phải đứng cạnh chuông, chứ không thể kéo dây như phương tây. Tiếng chuông phương đông không to như phương tây, nhưng trầm và âm đọng lại lâu hơn. Nếu đứng nghe hồi chuông nhà thờ, có thể thấy tiếng chuông dồn dập liên tục vang xa, nhưng hết chuông thì âm thanh cũng gần như tắt luôn. Ngược lại, không thể gõ thật to chuông phương đông liên tục dồn dập được, mà thường gõ từng tiếng đều, khi hết tiếng ngân mới gõ tiếp. Những khi dồn về sau thì gõ nhẹ lại, tạo thành tiếng ngân nga mãi trong không gian.
Quả chuông thường có hình trụ tròn, treo lên bằng quai có khắc hình đầu rồng. Thực ra đó không phải là rồng, mà là con Bồ Lao, giống con của rồng, là loài thần thú thích nghe âm thanh, gìn giữ bảo vệ cho chuông.
Quả chuông Việt Nam cũng có những đặc trưng khác khá nhiều so với chuông Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Chuông bao giờ cũng được chia thành bốn phần theo chiều dọc bởi các gờ nổi lên. Có ít nhất một gờ ngang chạy dọc phần gần đáy, làm quả chuông được tạo thành các phần trống có thể ghi chữ. Nơi các gờ dọc và ngang gặp nhau tạo thành bốn núm chuông. Thường các núm khắc chữ Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Trên phần trống khắc các bài văn chuông, gọi là bài "minh", hoặc các bài kinh Phật. Các bài minh có thể ghi sự tích, lịch sử chùa giống bia, hoặc công đức của người góp công, hoặc ghi danh những người được tôn thờ. Văn chuông cũng có giá trị không kém văn bia.
Chuông Việt Nam bao giờ thân cũng thẳng đứng, miệng chuông Việt Nam luôn có một gờ rộng hơn thân xòe ra.
Đó là đặc điểm phân biệt với chuông nước khác.
Dưới đây là chuông của TQ, Nhật Bản. Có thể thấy các chuông này thường không có cạnh đứng, mà hoặc phình ở giữa, hoặc loe ở miệng. Thậm chí miệng chuông còn lượn sóng. Phần chia trên thân chuông cũng rất phong phú. Nhiều chuông còn có rất nhiều hàng núm đồng để tạo tiếng vang.
Phải công nhận rằng thật ra chuông TQ, NB muốn đúc phải có trình độ cao hơn hẳn so với đúc chuông VN.
Chuông to nhất trong lịch sử Việt Nam ghi lại là chuông chùa Diên Hựu, hay còn gọi là chuông Quy Điền, do Thái hậu Ỷ Lan cho đúc. Chuông to nặng, bao nhiêu không rõ, có tài liệu cho rằng nặng một vạn hai nghìn cân (cân ta), nhưng có tài liệu lại thấy ghi một vạn hai nghìn cân là quả chuông bé; tức là chuông còn to hơn nữa.
Khi đó đã phải dựng một tòa gác rất lớn để treo chuông, nhưng treo lên thì chuông đánh không kêu, có lẽ là do đúc to quá nên bị nứt. Do đó đành bỏ chuông ra ngoài ruộng, rùa chui vào sống bên trong rất nhiều, nên gọi là chuông Quy Điền. Chuông là một trong Tứ đại khí của nước ta. Chuông Quy Điền để ở ruộng chùa Diên Hựu suốt bốn trăm năm, cho đến khi Vương Thông khi chiếm thành Thăng Long đã phá hủy lấy đồng đúc vũ khí.
Thời gần đây, ở chùa Cổ Lễ cũng đúc một quả chuông lớn, nặng 9 tấn, cao hơn 4m. Sợ Pháp phá hủy, người dân đã vần chuông xuống ao chùa, ngâm ở đó để dấu mấy chục năm. Giờ thì chuông vẫn để ở đó.
Năm 2003 thì đúc một quả chuông nữa với kích thước tương tự, treo trong gác chuông mới xây bằng xi măng. Tuy nhiên chuông này đánh tiếng không trong.
Last edited by Chitto; 12-07-2011 at 12:45.
Giờ tụng kinh chiều
Cùng với chuông là Khánh.
Khánh được làm bằng đồng hoặc đá, có hai núm ở hai mặt, có thể gõ. Tuy vậy tiếng của Khánh tắt rất nhanh, và gần như chỉ có người gõ là nghe rõ, từ xa chả thấy gì hết. Khánh mang tính pháp khí, trang trí nhiều hơn công dụng tạo âm thanh.
Trên khánh cũng là chỗ để khắc chữ, nhưng bài văn, và hình ảnh rồng phượng... Khánh thường là đồ cổ, vì gần đây thấy người ta toàn đúc chuông chứ ít thấy đâu đúc khánh.
Khánh đồng chùa Nành
Khánh đá chùa Kiến Sơ, một cổ vật đặc biệt được treo trên các trụ và đà cũng bằng đá
Chuông gia trì - mõ
Chuông cỡ lớn tại chùa thường được gọi là Đại hồng chung ("Đại" đã là to, mà "hồng" lại cũng có nghĩa là to lớn nữa, nhưng mang hai nghĩa hơi khác nhau. Hồng ở đây mang tính to lớn trừu tượng, tâm linh hơn đại). Chuông lớn còn có tên là U minh chung. Cũng có những chuông nhỏ hơn theo hình dáng giống đại hồng chung thường dùng khi làm lễ, tiếng cũng không ngân dài như đại hồng chung.
Trong chùa còn có một loại "chuông" đặc biệt nữa gọi là chuông gia trì, giống như cái ang bằng đồng để ngửa, khi dùng dùi gõ vào cũng tạo tiếng kêu ngân nga, tiếng cao hay trầm, ngân lâu hay không đều có hình dáng, độ dày, chất liệu đồng đúc lên. Chuông gia trì luôn để ở nơi ngồi tụng kinh hành lễ trước bàn thờ, phía bên trái, đối xứng với mõ.
Mõ nguyên bản là dụng cụ gõ báo thời gian, canh giờ gọi mọi người làm một việc gì đấy. Từ việc dùng mõ gọi các nhà tu hành đến giờ lên tu tập hành lễ, hoặc đi ăn (thụ trai), dần chuyển thành thứ pháp khí dùng khi làm lễ. Nếu mõ xưa chỉ gõ một vài hồi để thông báo, thì nay được gõ đều đặn trong suốt thời gian đọc kinh. Tiếng mõ tốc tốc trở thành âm thanh đặc trưng quen thuộc của chùa.
Mõ bên tay phải, và chuông gia trì bên tay trái
Cái mõ dần trở thành một vật biểu tượng của ngôi chùa. Nói đến sư sãi là thể nào cũng hình dung ra cái mõ, tràng hạt, và cuốn kinh.
Ở nông thôn Việt Nam vẫn thường gặp cái mõ cá dài thượt, có hình một con cá treo ở ngoài đình. Như xưa các cụ kể, thì khi có việc làng, sẽ gõ cái mõ đó lên để tập hợp làng xã. Trong làng có một người làm công việc được gọi là làm Mõ, thường là dân ngụ cư (không phải dân 3 đời ở làng), phải cầm cái mõ đi rao khắp làng xã khi có việc, là người bị coi rẻ nhất làng.
Trong chùa, cái mõ hình tròn, khoét rỗng lòng, có một cái quai, trên khắc hai con cá. Cái mõ liên quan đến con cá là vì Cá được cho là loài vật không bao giờ ngủ, vì mắt chúng bao giờ cũng mở thao láo. Do đó mõ - cá thể hiện sự thức tỉnh, giữ gìn không bao giờ ngủ nghỉ, cũng như những người tu hành không bao giờ thôi trì giới và tinh tiến. Gõ tiếng mõ cá để nhắc nhở cái tâm con người.
Bên cạnh chuông gia trì và mõ, trong chùa còn dùng hai pháp khí tạo âm thanh nữa là trống và chiêng. Trống đánh lên để tạo âm thanh hùng mạnh, thể hiện uy lực của nhà Phật, xua đuổi tà ma yêu quái. Tiếng trống tạo ra âm thanh liên quan với biểu tượng "sư tử hống" - tiếng gầm của sư tử, tượng trưng cho đại hùng đại lực. Tiếng chiêng để giữ nhịp, thức tỉnh người đọc kinh.
Bộ: Trống - chuông gia trì - mõ - chiêng trong một ngôi chùa
Thực ra thì ngôi chùa Phật Tích hiện tại (đang bị phá) cũng không có nhiều giá trị. Đó là ngôi chùa mới dựng lại tầm hơn chục năm, bằng gỗ xấu, gạch vữa bình thường. Vào thập kỷ 90 làm được thế để thờ cúng cũng là tốt lắm rồi.
Do đó dỡ bỏ ngôi chùa hơn mười năm tuổi để dựng ngôi chùa mới cũng không phải là điều đáng bàn. Đáng nói hơn là khi đào lên lại thấy nền móng ngôi tháp cổ từ nghìn năm bên dưới. Thế là bây giờ xây cũng hỏng mà để lại thì chả biết đến bao giờ mới làm được cái gì ra hồn.
honglong
Theo mình biết thì cũng là truyền thuyết do người sau diễn giải như thế. Nhưng nếu nói rõ ra thì cũng không hẳn là sai. Phật nói: "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" là nói đến phật tán, là xưng tán giá trị của phật tánh. Và sau đó phải nói thêm là tất cả chúng sanh đều sở hữu phật tánh. Như vậy mới phù hợp với tinh thần với danh xưng của đức phật là vô thượng sư. Không có người vượt hơn nhưng có thể ngang bằng như nhau.Theo truyền thuyết, khi mới sinh ra, Tất Đạt Đa Cồ Đàm đi 7 bước, dưới chân nở ra 7 đóa hoa sen đỡ chân, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, nói rằng : "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất, ta là tôn quý nhất). Câu này là theo truyền thống người ta ghi thế, chứ chả có kinh sách nào nói vậy. Tôi cũng tin rằng chẳng khi nào Phật lại nói một câu như thế, mà do người đời sau tôn sùng quá nên gán cho Phật.
Mình mới vào nên quote post hơi xa. Mọi người thông cảm. Tuy nhiên vì topic cung cấp những thông tin hay quá nên bây giờ đọc cũng cảm như mới.
Cám ơn bạn Chitto
Cảm ơn bạn đã tham gia.Theo mình biết thì cũng là truyền thuyết do người sau diễn giải như thế. Nhưng nếu nói rõ ra thì cũng không hẳn là sai. Phật nói: "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" là nói đến phật tán, là xưng tán giá trị của phật tánh. Và sau đó phải nói thêm là tất cả chúng sanh đều sở hữu phật tánh. Như vậy mới phù hợp với tinh thần với danh xưng của đức phật là vô thượng sư. Không có người vượt hơn nhưng có thể ngang bằng như nhau.
Đúng là với người theo Phật giáo, cụ thể hơn là Đại thừa, thì khái niệm Phật tính, là như vậy, và Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ là một bậc Phật cụ thể thị hiện tại thế giới này, đại diện cho "Phật" rộng lớn hơn, bao trùm tất cả.
Tuy vậy, tôi muốn viết với cách nhìn lịch sử hơn một chút, thì tuy rằng Phật tính là "duy ngã độc tôn", nhưng gán lời nói đó cho một trẻ sơ sinh, thì có lẽ làm cho độ gần gũi của Phật mất đi phần nào. Phật là bậc Phật cũng bởi vì Phật trước hết về thể xác là con người, một con người bình thường, có sinh, lão, bệnh, tử. Để có được một trí tuệ đỉnh cao, làm "Thiên nhân sư", thì cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn vất vả trong việc học hỏi, nhận tức, tìm tòi.
Kinh sách cũng ghi chép rõ ràng là chỉ sau khi đã theo học nhiều bậc đạo sư, sau thời gian ngồi tu khổ hạnh ép xác không đạt kết quả, đến lúc ngồi dưới gốc Bồ đề khi ba mươi lăm tuổi, thì Thích Ca Mâu Ni mới đắc quả thành Phật. Hơn nữa Phật giáo cũng nhấn mạnh rằng việc thể hiện các phép thần thông không phải là điều đáng để tôn sùng.
Như thế gán lời nói "duy ngã độc tôn" cho một đứa trẻ xem ra có thể là phản cảm. Đứa trẻ ấy mới chỉ sinh ra, chưa có tích lũy tri thức, chưa có kinh nghiệm cuộc sống của kiếp sống hiện tại, liệu đã có thể đắc quả hay chưa để mà tuyên bố như vậy.
Do vậy tôi nói rằng người đời sau đã quá tôn sùng Phật mà đặt ra. Nhưng sự tôn sùng đó có tác dụng với người ít cần suy xét, người cần Phật như một vị thần thánh. Còn đối với người muốn tìm hiểu triết lý của Phật, thì có thể làm mất ý nghĩa sự tu tập vất vả để trí tuệ của Phật đi (vì mới sinh ra đã biết mình là tối cao rồi, thì tu tập hóa ra là thừa sao?)
Bia đá
Một trong những thứ không thể thiếu ở các ngôi chùa, đền cổ, và nhiều lúc là vật cổ nhất, quý giá nhất của một ngôi chùa, đó là các tấm bia đá.
Việc để lại dấu tích trên đá đã có từ thượng cổ, và bia đá trở thành một hình thức lưu giữ dấu tích, bút tích, sự tích phổ biến nhất. Bia đá không chỉ là nơi để khắc chữ, các bài văn, mà còn là nơi thể hiện trình độ điêu khắc, trang trí đá tuyệt vời của cha ông. Xung quanh bia thường có các điêu khắc trang trí hoa văn, rồng phượng...
Bia có nhiều loại: bia hậu chuyên dành để ghi tên những người đóng góp công đức cho chùa, thường làm đơn giản, xung quanh ít trang trí, và để trực tiếp trên bệ đá thường.
Những bia lớn có văn bia (minh) thì viết kỹ lưỡng chi tiết về lịch sử chùa, quá trình hình thành, xây dựng, trùng tu, cùng tên tuổi những người liên quan. Văn bia loại này là tư liệu lịch sử quý giá, là nguồn tư liệu chính xác, lâu bền. Văn bia có độ chính xác thời gian cao, vì thường ghi rõ thời gian tạo lập (niên đại, mùa, tháng). Những bia lớn thường có trang trí cầu kỳ, nhiều họa tiết, mà nhìn vào đó có thể xác định phong cách điêu khắc của các thời kỳ lịch sử.
Bia chùa Keo ở Thái Bình:
Đây là một bia được trang trí rất cẩn thận cầu kỳ. Các điêu khắc và chữ viết khắc rất sâu vào đá. Đặc biệt là vì bia dầy nên còn điêu khắc trang trí cả trên hai cạnh hai bên, điều rất ít gặp trong các bia khác. Bia này không đặt trên rùa như thông thường, mà là trên một loạt các lớp cánh sen có trang trí đẹp.
Bia thường đặt trên lưng rùa với ý nghĩa trường tồn lâu bền. Bia của Việt Nam cũng rất khác bia của Trung Quốc, nhìn là có thể nhận ra sự khác biệt tương đối rõ ràng. Bia của TQ không đặt trên lưng rùa, mà là con Bị hí, một giống con của rồng. Trên trán bia cũng không phải là rồng, mà là con Phụ hí, cũng là một loại con khác của rồng.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:21.
Hai tấm bia đá dựng hai bên cái cổng nổi tiếng của chùa Kim Liên
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:22.
Nhà Mẫu
Nhà Mẫu, hay điện thờ Mẫu là một phần mang đặc trưng riêng của các ngôi chùa miền Bắc. Ngoài Chính điện, thì nhà Tổ và nhà Mẫu luôn được hương khói nghi ngút, và còn người ta cầu khấn ở đây còn nhiều hơn Chính điện.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ xa xưa, nhưng được khôi phục và phát triển mạnh mẽ cách đây khoảng 500 năm, dưới triều Lê trung hưng. Khi đó Phật giáo đang tiêu điều, Nho giáo cũng suy đồi. Người dân quay lai với tín ngưỡng thờ các vị thần bản địa, được tôn phong trong hình tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ Công đồng.
Tứ phủ gồm: Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ (Trời, Đất, Núi rừng, Nước), đặc trưng bởi các màu Đỏ, Vàng, Lục, Trắng.
Tam tòa gồm: Thiên tiên (coi quyền cả thiên địa), Thượng ngàn, Thủy cung. Mẫu Thiên tiên mặc áo đỏ, Mẫu Thượng ngàn áo xanh lục, Mẫu Thoải áo trắng.
Với phong cách Tam giáo đồng nguyên đã có từ thời Lý, khi mà trong chùa các vua Lý cho thờ cả Đạo giáo, Nho giáo, thì việc đưa Tín ngưỡng Mẫu vào trong chùa cũng không khó khăn lắm. Và Phật giáo, với bản chất bao dung hòa đồng nhập thế của mình, cũng đã chấp nhận các vị thần của đạo Mẫu vào khuôn viên của mình một cách hòa nhã. Ngược lại, các tín đồ đạo Mẫu cũng thừa nhận Phật vẫn là đấng cao thiêng hơn hết thảy, và các thánh cũng là quân của nhà Phật.
(Viết về cái này chắc phải có cả topic riêng)
Nhà Mẫu ở mọt ngôi chùa
Bên trên là Tam tòa Thánh Mẫu, dưới một chút là 5 vị Quan lớn, dưới nữa là các ông Hoàng. Gầm bàn thờ chính là nơi thờ Ngũ hổ, hai bên có hai tượng Cậu. Trên đỉnh thường treo hai con rắn còn gọi là ông Lốt, hóa thân của Quan Tuần Tranh.
Lễ vật cúng bàn thờ Mẫu phong phú đa dạng, kể cả đồ mặn, và tất cả các đồ ăn uống thông thường, như cả mì chính (bột ngọt), muối ăn, nước ngọt, bia, thuốc lá.... nhưng thường luôn có trứng.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:22.
Chùa cũng có lúc làm nhiệm vụ của một ngôi đền, khi trong chùa thờ cả các vị nhân thần được nhân dân tôn kính.
Các vị nhân thần được thờ trong chùa gồm:
- Các vị vua chúa: thường là các vua đã ra lệnh xây chùa, có đóng góp của cải cho chùa, hoặc liên quan chặt chẽ với chùa. Chẳng hạn như chùa Kiến Sơ thờ Lý Thái Tổ vì vua đã từng tu ở chùa khi còn bé, chùa Huy Văn thờ Lê Thánh Tông vì vua và mẹ đã từng lánh nạn ở chùa, chùa Bộc thờ lén Quang Trung (câu chuyện về bức tượng Quang Trung chùa Bộc sẽ viết và có ảnh sau).
- Các vị vương công: như Trần Hưng Đạo, chúa Trịnh, chúa nhà Mạc.... nhiều chùa đều có ban thờ riêng.
- Các vị hoàng hậu, công chúa, quận chúa... là những người đã hưng công xây dựng, tu bổ chùa, hoặc về tu ở chùa. Như chùa Mía thờ bà chúa Mía, chùa Bút Tháp có tượng hai bà hoàng hậu và công chúa...
Tượng thờ Lý Thái Tổ chùa Kiến Sơ. Pho tượng này trông rất ngờ ngệch chất phác, rất dân gian và mang phong cách kiểu tượng phỗng. Tuy vậy đây vẫn là tượng Vua, mà còn là một vị vua đầu triều Lý nổi tiếng.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:22.
Hòa thượng
Nói đến chùa, không thể nói đến người trong chùa, đó là các Nam tu sĩ, gọi là Tăng hay Tỳ kheo tăng; và Nữ tu sĩ, gọi là Ni, hay Tỳ kheo ni.
Phật giáo là tôn giáo rất bình đẳng. Ngay từ thuở sơ khai Phật Thích Ca đã chấp nhận phụ nữ tham gia vào giới tu sĩ, và Ni giới cũng tích cực trong việc tu trì không kém Tăng giới. Cho đến nay ở Việt Nam, số chùa do Ni trụ trì nhiều không kém Tăng.
Tuy vậy, cũng giống như các tôn giáo khác, Phật giáo cũng vẫn dành cho Nam giới những đặc quyền lớn hơn. Chỉ có Tăng mới được làm một số vị trí quan trọng như Chứng minh, Đàn đầu, Sám chủ, Giám luật... Một người nữ muốn xuất gia thì bên cạnh Nghiệp sư (thầy trực tiếp dạy dỗ) là Ni, thì cũng cần có sự hiện diện của Tăng, và trong lễ xuất gia chính thức cho Tăng chủ trì.
Về giáo phẩm của Tăng thì cao nhất là Hòa thượng, dưới đó là Thượng tọa, dưới nữa là Đại đức. Hòa thượng từ 80 tuổi trở lên gọi là Đại lão Hòa thượng.
Với Ni giới thì cao nhất là Ni trưởng, dưới là Ni sư, dưới nữa là Ni cô hay Sư cô.
Tại sao đang viết về chùa tôi lại nhảy sang Tăng Ni? Bởi vì hôm nay tôi gặp một vị Tăng đặc biệt tại một ngôi chùa làng, và chụp ảnh vị tăng ấy.
Các bác thử nhìn vị tăng áo nâu, mà áo len trong còn thòi ra áo ngoài, đội mũ len cũng nâu như một ông nông dân đứng bên trái, và đoán xem tại sao vị tăng này đặc biệt ???
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:20.
Thực ra tớ nghĩ ở đây cũng không ai biết được điều gì khác thường ở vị tăng này.
Đây là Sư cụ chùa Ráng, người ta thường gọi là Tổ Ráng, năm nay 93 tuổi nhưng rất khỏe mạnh, không hề cần chống gậy.
Điều đặc biệt nhất ở cụ chính là vì cụ không có vẻ gì khác người. Cụ là vị sư thuần Việt nhất mà tớ từng thấy, áo nâu sồng, răng đen, đi lại liên tục như một ông nông dân, và cụ còn tự cày ruộng đến tận năm 80 tuổi mới nghỉ.
Và điều quan trọng nhất là Cụ chính là Pháp Chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là vị đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của 50 nghìn tăng ni, của hàng triệu Phật tử của Phật giáo Việt Nam.
Khi cụ lên ngôi Pháp chủ, hàng trăm tăng ni già trẻ đã quỳ xuống dập đầu lễ cụ, đoàn người kéo dài hàng km đón cụ. Và mới ngày hôm trước khi tôi đến, thì các vị Sư chức thuộc loại to nhất của Hà Nội cũng vừa mới đến lễ bái cụ xong.
Thế nhưng sau tất cả những nghi lễ màu mè đầy tính tôn giáo đó, Pháp Chủ cũng vẫn là một ông sư già chùa làng, lúc nào cũng áo nâu. Ngay cả khi người ta khoác áo vàng rực, đỏ lòe lên, thì bên trong vẫn là lớp áo nâu, và cả đời cụ hình như chỉ đi dép, chưa bao giờ đi giày.
Cũng ở địa phận Hà Tây cũ, còn sư cụ Đại trưởng lão, thọ bậc nhất Việt Nam, 97 tuổi, nhưng khi nói chuyện với tất cả các tăng ni khác, bất kể là chú tiểu bé cho đến các hòa thượng, thì sư cụ Đại trưởng lão vẫn luôn tự xưng là "Con" !
Sắp Tết cổ truyền, chắc thế nào cũng có người đi chùa cầu an năm mới, quay lại với topic này tí.
Nhân nói đến cụ trưởng lão phía Tăng, cũng xin gửi chân dung cụ trưởng lão phía Ni. Dưới đây là ảnh sư cụ chùa Tây Phương, đã 96 tuổi. Tuy vậy cụ đã nghễnh ngãng nặng lắm rồi, đi đứng cũng không còn nhanh nhẹn như cách đây vài năm nữa.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:20.
Hoa đào chùa Bát Tháp
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:21.
Sau phút Giao Thừa sang năm mới Kỷ Sửu ở chùa Quán Sứ
Cổng chùa
Trong sân chùa, trước điện chính
Trong sân chùa, trước điện chính
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:20.
Chính điện chùa Quán Sứ
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:19.
Hoa đào trên bàn thờ
Đức Phật Thích Ca, Phật Di Đà, và Đại Ca Diếp tôn giả trên thượng điện
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:19.
Cầu nguyện cho năm mới an lành cho chúng sinh
Lễ chùa ngày mùng 2 Tết
Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, bản sao tượng chùa Bút Tháp
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:19.
Hoa hải đường trước điện Phật
Đầu năm, rất nhiều chùa làm lễ "an sao giải hạn", vốn là thủ tục tín ngưỡng pha trộn Đạo giáo, Tử vi, không phải của Phật giáo. Nhưng giờ thành truyền thống, hơn nữa từ thời Lý khi mà Tam giáo đồng nguyên thì các hoạt động cúng lễ tâm linh thế này đã được làm chung trong chùa rồi. Thời các vua thì cầu mưa, cầu tự, cầu phúc cầu thọ trong chùa, thì đến đời sau cầu khấn các thứ trong chùa cũng không có gì là lạ.
Đám hình nhân cho lễ giải hạn ở chùa Xã Đàn ngày Tết
(Hình nhân bày la liệt trong Nhà tổ, nhìn buồn cười).
Hà Nội có cả trăm ngôi chùa, lớn nhỏ, đẹp xấu, rộng hẹp, cũ mới...
Nhân có bạn hỏi về một số chùa ở Hà Nội, tớ liệt kê ra đây một số chùa mà tớ thấy là đẹp, hoặc có những sự tích đáng lưu ý.
Vòng quanh hồ Tây:
- Chùa Trấn Quốc: cổ nhất, đẹp, ý nghĩa, quá nổi tiếng
- Chùa Ngũ Xã: ở giữa bán đảo Ngũ Xã, có pho tượng Phật đồng lớn nhất nội thành HN, chứa đựng trong nó những điều rất thú vị. (Cạnh đó là chùa Châu Long, không đẹp lắm).
- Chùa Kim Liên: ngôi chùa rất đẹp với tam quan độc đáo nhất VN, nay đang tu sửa. Có những tháp mộ giữa hồ.
- Chùa Hoằng Ân, hay Quảng Bá: đường vào Phủ thì rẽ phải, gần ngay "đường Thái Lan", chùa đẹp, nơi có mộ Đệ nhất Pháp chủ VN, vườn tháp. (Gần đó là chùa Phổ Linh nhìn ra hồ sen cũng đẹp).
- Chùa Tảo Sách: trên đường Lạc Long Quân, đối diện UBND Tây Hồ, rất đẹp và nổi tiếng, đông nghịt.
- Chùa Vạn Niên: ngay cạnh Tảo Sách, cũng đẹp. Gần đó có chùa Thiên Niên, Ức Niên, nhưng bình thường.
- Chùa Vĩnh Khánh (Võng Thị): đi đường dọc bờ hồ Tây sẽ thấy đình Võng Thị và chùa, vừa xây lại, to cao hoành tráng, không còn cổ kính nữa nhưng cũng được.
Ngoài ra quanh Hồ Tây còn hàng loạt chùa nữa. Quá lên đê sông Hồng xa hơn cầu Thăng Long sẽ có đình chùa Vẽ...
Khu phố cổ- Hoàn Kiếm
- Chùa Hòe Nhai: phố Hàng Than, chùa rất đẹp, tượng gỗ cổ đẹp, đặc biệt là bộ tượng Vua đội Phật độc đáo nhất VN. Tổ đình Tào Động.
- Chùa Huyền Thiên: ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân: vốn là đạo quán của đạo sĩ biến thành chùa, nên còn tượng Trấn Vũ to đùng ở giữa.
- Chùa Cầu Đông: trên phố Hàng Đường, chùa nhỏ, có tượng Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung (tượng xấu nhưng duy nhất).
- Chùa Lý Quốc Sư: phố Lý Quốc Sư, với tượng đá Quốc sư đặc biệt, và một cây cột đá cổ rất đẹp cạnh cổng
- Chùa Bà Đá: cổng nhỏ trên phố Nhà thờ, nhưng chùa bên trong rất đẹp, tượng lớn, cổ, và đẹp, rất nên đến.
- Chùa Quán Sứ: khỏi nói.
- Bên kia cầu Chương Dương có chùa Bồ Đề cạnh sông Hồng, tĩnh, đẹp, có tháp mộ Đệ nhị Pháp chủ PGVN. Nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Quận Ba Đình - Cầu Giấy
- Chùa Một Cột: khỏi nói
- Chùa Kim Sơn: góc phố Kim Mã - Giang Văn Minh, vườn rộng đẹp, tượng cổ, ít mở cửa.
- Chùa Bát Tháp: mặt phố Đội Cấn gần Liễu Giai, cổng chùa lớn, vườn rộng, yên tĩnh.
- Chùa Hà: phố Chùa Hà, nổi tiếng cầu Duyên.
- Chùa Thánh Chúa: nằm giữa trường ĐH Sư phạm.
Ở phía Tây có cụm ba chùa có liên quan với nhau khá hay:
- Chùa Láng: rất cổ kính, khuôn viên đẹp, chùa đẹp, độc đáo của dòng Mật Tông, nhiều tháp mộ, do Từ Đạo Hạnh xây.
- Chùa Nền: nhỏ, bình thường, nhưng là nền nhà của Từ Đạo Hạnh.
- Chùa Duệ: thờ pháp sư Đại Điên, là người đã giết cha Từ Đạo Hạnh, rồi bị Từ Đạo Hạnh giết (trước khi đi tu).
Quận Đống Đa
- Chùa Phúc Khánh: chân cầu Vượt Ngã tư Sở, phố Sơn Tây, là Tổ đình, cực kỳ nổi tiếng và linh thiêng.
- Chùa Bộc: mặt đường Chùa Bộc, có pho tượng Quang Trung đặc biệt.
- Chùa Xã Đàn: trong ngõ Xã Đàn: chùa rộng, có một số di vật cổ.
- Chùa Nam Đồng: trong ngõ Nam Đồng phố Nguyễn Lương Bằng, có đàn thờ vọng Xã Tắc, chùa đẹp.
Quận Hai Bà - Hoàng Mai
- Cạnh hồ Thiền Quang: là một cụm 3 chùa nhỏ: Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa, vốn là chùa 3 làng bị dồn lại đây.
- Chùa Chân Tiên: trên phố Bà Triệu phía bên trái, gần Tuệ Tĩnh. Chùa rất đẹp.
- Chùa Tào Sách: góc Lê Đại Hành - Bà Triệu, chùa đẹp nhưng đang tu sửa.
- Chùa Liên Phái: ngõ Chùa Liên Phái phố Bạch Mai, chùa rất đẹp, sâu rộng, có ngôi tháp đẹp, phía sau có vườn tháp mộ (phải đi xuyên qua buồng ở của sư).
- Chùa Quỳnh: ngõ Quỳnh, đẹp, rộng rãi.
- Chùa Hưng Ký: ngõ Chùa Hưng Ký, phố Minh Khai, chùa độc đáo với những mảnh ghép sứ, tượng A Di Đà gỗ to nhất Hà Nội.
Ngoài ra còn chùa cạnh đền Hai Bà cũng đẹp, chùa Đức Viên, Hộ Quốc, Hương Thể...
Quận Hoàng Mai còn chùa Hoàng Mai, Tứ Kỳ,....
Đó là đại khái một số chùa mà tớ thấy nếu thích đi chùa có thể đến thăm.
Bản đồ vị trí một số chùa tại Hà Nội mà tôi đã liệt kê ở trên
Chùa Tứ Pháp
Trong các chùa miền Bắc, có một "dòng" đặc biệt. Tôi tạm gọi là Dòng, vì đây là một phong cách chùa riêng, có nguồn gốc xa xưa, được nhiều người cho rằng có trước cả khi Phật giáo vào Việt Nam. Dòng chùa này chỉ có duy nhất ở đồng bằng sông Hồng. Đó là dòng chùa Tứ Pháp.
Những cư dân trồng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng từ xa xưa đã tôn thờ các vị thần thiên nhiên, thể hiện qua bốn vị Nữ thần: Mây - Mưa - Sấm - Chớp, và gọi là Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện.
Mặc dù truyền thuyết về Tứ Pháp và Phật Mẫu Man Nương là ở vùng Bắc Ninh, truyền thuyết từ thời Sĩ Nhiếp - thế kỷ 2-3, nhưng chùa Tứ Pháp thì trải trên một diện rộng hơn nhiều, từ Bắc Ninh qua Hưng Yên, cả Hà Nội, Hà Nam và dọc sông Hồng ra đến Nam Định cũng có.
Điểm đặc biệt của những ngôi chùa Tứ Pháp là Thần tượng của Nữ thần thưởng rất lớn, được đặt trang trọng và có khi còn cao hơn tượng Phật. Trong những ngôi chùa cổ xưa nhất như chùa Dâu, chùa Đậu, tượng Nữ thần đặt chính giữa điện, chiếm vị trí cao nhất, còn tượng Phật chỉ đặt ở phía sau, nhỏ và thấp hơn nhiều.
Những ngôi chùa Tứ Pháp này đã thể hiện tín ngưỡng dân gian lúa nước của người Việt cổ rất khéo léo, lồng một tôn giáo vào niềm tin cổ xưa, không hẳn là Phật giáo thuần khiết, cũng không hẳn là thần thánh đơn thuần.
Về hệ thống chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh, tôi đã có viết trong topic "Kinh Bắc", chỉ nói qua.
Vùng Dâu - Luy Lâu - nơi Phật giáo được truyền vào đầu tiên, có chùa Dâu thờ Pháp Vân, được coi là chùa cổ nhất Việt Nam. Vùng Dâu có truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương, người đã sinh ra 4 chị em Nữ thần, vì vậy có đủ 5 ngôi chùa thờ. Các vùng khác chỉ có tối đa 4 chùa. Cũng vì thế, bộ tượng Pháp ở Dâu là đẹp và đầy đủ nhất.
Một số chùa Tứ pháp nổi tiếng nhất:
- Chùa Dâu ở Bắc Ninh - thờ Pháp Vân (nay thêm cả Pháp Vũ)
- Chùa Keo ở Gia Lâm - thờ Pháp Vân
- Chùa Thái Nhạc ở Hưng Yên - thờ Pháp Vân
- Chùa Đậu ở Hà Tây (cũ) - thờ Pháp Vũ
- Chùa Bà Đanh ở Hà Nam - thờ Pháp Vân
Trong 4 bà, thì Pháp Vân được thờ nhiều nhất. Ngay trong nội thành HN cũng có hai chùa Pháp Vân, mà một chùa nằm ngay đầu đường cao tốc, và đường đó cũng mang tên chùa: Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tôi cũng chụp ảnh được chục pho tượng Nữ thần dạng này, pho cổ nhất có niên đại thế kỷ 17.
Điều đặc biệt của chùa thờ Tứ Pháp là tượng Bà Tứ Pháp được ngồi trên tòa sen, điều chỉ dành riêng cho Phật hoặc Đại Bồ tát (nhiều chùa Bồ tát cũng không được ngồi tòa sen).
Tượng Pháp Vân chùa Dâu - Bắc Ninh.
Tượng Tứ Pháp ở Dâu đều bị bọc trong vải vóc, mũ khăn kín mít, nên không thể thấy được bên trong. Rất may là ở một số chùa khác những phục trang mới thêm này không có, do đó có thể nhìn rõ các cụ xưa đã tạc tượng các Bà thế nào.
Hầu cận bên bà Pháp Vân là hai pho Kim Đồng và Ngọc Nữ cũng rất độc đáo. Pho Ngọc Nữ thể hiện người con gái thuần Việt, đội khăn vấn tóc, đứng trong một điệu múa hầu Bà.
Trong ảnh dưới, ảnh nhỏ là tượng Pháp Vân chùa Dâu (sưu tập), và hai pho Pháp Vân chùa Keo Gia Lâm.
Có thể thấy tượng Pháp Vân chùa Dâu rất đặc biệt, mình trần, chỉ có xiêm từ thắt lưng trở xuống (các tượng ở vùng Dâu đều thế, do đó đều phải "mặc áo"). Tượng chùa Keo thì có khoác tấm phủ vai, mặc xiêm áo đàng hoàng, và không bị phủ vải.
Các pho tượng Pháp này rất đặc biệt, vì là Nữ thần nhưng được mang các dấu hiệu của bậc Đại Phật: Trên đầu có tóc xoắn ốc, có gò nổi giữa đầu, giữa trán có Bạch hào, tai dài, ngồi tòa sen theo thế liên hoa, tay để trong thủ ấn giống Chuyển pháp luân, hoặc ấn Vô úy.
Những biểu tượng này nếu không phải các Đại Phật, bậc Như lai thì không bao giờ có. Ngay như Quán Thế Âm cũng không được có tóc xoắn và gò giữa đầu thế này.
Qua đó có thể thấy sự tôn sùng của cư dân với các Nữ thần, xếp ngang hàng, hay cho các Nữ thần chính là hóa thân của Phật. Điều này chỉ xuất hiện ở đồng bằng Sông Hồng thôi.
Chùa Thái Lạc ở Hưng Yên là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn lại cả tòa điện từ đời Trần, với những cột kèo, trạm chổ từ 700 năm. Chùa cũng thờ bà Pháp Vân, được đặt giữa các tượng khác. Nhưng cũng dễ nhận ra tượng Bà vì pho tượng có màu nâu gụ khác hẳn những pho tượng Phật thếp vàng khác.
Tượng bà Pháp Vũ chùa Đậu (Hà Tây cũ), để trong 1 khám kính tối om, nhện chăng đầy. Pho tượng này có vẻ đặc biệt, với tay bắt ấn giơ lên trời, và đôi mắt được thếp vàng sáng rực lên so với toàn bộ màu nâu gụ xung quanh. Tòa sen cũng rất đẹp. Pho tượng này nổi tiếng linh thiêng.
(Chụp qua kính lại tối, không thể lấy được, hic).
Mặc dù đã nói đến Đại Bồ tát Quán Thế Âm khá kỹ ở phần trước, phần này tôi muốn nói đến những pho tượng Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay cổ ở chùa miền Bắc mà tôi đã gặp.
Cũng may mắn mà tôi đã chụp ảnh được một số pho tượng cổ quý nhất thuộc loại này còn lại ở Việt Nam, là tượng chùa Hội Hạ, chùa Đào Xuyên, chùa Bút Tháp, chùa Mễ Sở, chùa Tam Sơn.
Tượng chùa Hội Hạ được coi là cổ nhất, làm từ đời Mạc, dáng chắc khỏe. Chùa đã đổ nát, tượng được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật.
Từ dưới lên, phần bệ lục giác có những tượng nhỏ ở góc tượng trưng cho Địa ngục, đỡ bên trên là mặt biển cả. Giữa biển nổi lên đầu con thủy quái khổng lồ, đỡ lấy tòa sen (đến chùa Bút Tháp thì thành con rồng). Hai tay con thủy quái đỡ lấy toà sen cũng để cho tòa khỏi đổ.
Từ mặt biển cũng vượt lên hai cuộn mây nhỏ, với hai bông sen nhỏ đỡ cho Thiện Tài đồng tử và Long Nữ, hai hầu cận của Quan Thế Âm. Phật Bà ngồi nghiêm trang trên đài sen, có tổng cộng 42 tay cầm một số loại pháp khí. Tượng đội mũ, ở giữa mũ là hình Phật A Di Đà, tượng đeo hoa tai dài nặng to tướng.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:17.
Những cánh tay cứu độ
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:17.
Pho tượng thể loại "cực nhiều tay" đầu tiên được xác định là ở chùa Đào Xuyên, tuổi thọ gần 400 năm, có đến hơn 600 tay.
Pho tượng này phải nói rất đặc biệt, và tớ rất thích, bởi những cánh tay kỳ lạ, độc đáo. Các cánh tay được tạc đều uốn cong vòng, ôm lấy thân tượng chính, các cánh tay phía sau lại thẳng như mái chèo.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:17.
Nhìn nghiêng pho tượng
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:17.
Câu nói này là khi Phật mới Đản sinh: vừa mới sinh ra đã bước 7 bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói : "Thượng thiên hạ địa Duy ngã độc tôn"; chứ không phải khi Thành đạo.
Theo tôi, đây là hình thức tôn sùng hóa, thần thánh hóa cho Phật, bởi một đứa trẻ mới sinh, hiển nhiên không có khả năng thần thoại đó.
Phải hiểu câu nói này theo nghĩa khác với nghĩa thông thường. "Ngã" ở đây không phải là vị Phật Thích Ca, bởi Phật giáo Vô ngã, thì lấy đâu ra cái Ngã mà Độc tôn?
Cái Ngã này là khái niệm rộng lớn hơn Phật Thích Ca, hoặc các vị Phật từ Quá khứ, Hiện tại đến Tương lai. Ngã ở đây là Chân Như, Pháp Thân, Phật Tính, là cái cội nguồn sâu thẳm tối thượng của mọi chúng sinh đều có. Cái Cội nguồn Phật Tính đó mới là Độc tôn, chứ không phải chỉ riêng "đứa trẻ sơ sinh" Thích Ca khi đó.
Nên nhớ rằng Phật tính là tồn tại vĩnh viễn, Phật Thích Ca chỉ là người giảng cho mọi người thấy cái bản chất đó, chứ không phải là người "sáng tạo" ra Phật tính. Phật pháp có trước Phật Thích Ca, và Thích Ca nhận thức, truyền đạt lại Phật pháp.
Đây là quan điểm của Đại Thừa, đề cao Phật Tính trong mỗi người, Phật Tính đó là hằng hữu, vốn có. Trước khi Thích Ca ra đời, thời kiếp này thì chưa ai nhận ra Phật Tính đó, khi Thích Ca ra đời, Ngài là người chỉ ra cho nhân loại cái bản chất Độc tôn của Phật tính, do đó mới có truyền thuyết này.
Last edited by Chitto; 11-01-2011 at 16:57.
Tiếp với những pho tượng cổ
Pho tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở là pho có nhiều tay nhất còn lại đến nay, pho tượng hơn 300 tuổi.
Tượng có tổng cộng 1113 tay nhỏ, không xòe tròn ra xung quanh, mà lại vươn lên, khum lại thành một vòm cổng, tạo ra một khoảng trống sau lưng tượng. Hai cánh tay chính của Quán Âm kết ấn Chuẩn đề, 40 tay khác xòe ra xung quanh rất đẹp.
Trên cùng, các tay đỡ một vầng mây, mà ở giữa là Phật A Di Đà ngồi, hai bên là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng, có lọng mây che trên đầu, và các tay tỏa ra như hào quang nhỏ. Bệ tượng cũng đặc biệt, không phải đài sen như thông thường, mà là những lớp sóng biển cuộn lên dồn dập.
Ngày hôm nay (15/3) - 19/2 Âm lịch là Vía Quán Thế Âm.
Pho tượng cổ Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Tam Sơn. Pho tượng đã từng bị hỏng khá nhiều trong chiến tranh, mới được tu sửa lại gần đây.
Đại từ Đại bi, Cứu khổ Cứu nạn, Quán Thế Âm bồ tát
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:15.
Cối phật
Tại các ngôi chùa cổ miền Bắc, còn có một cấu trúc rất độc đáo, là CỐI PHẬT, hay Cối Kinh.
Tên chính thức của cấu trúc này là Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, có hình thức là tòa tháp gỗ cao 9 tầng, 6 cạnh, mỗi tầng là một đài sen lớn. Toàn bộ cấu trúc dựa trên một trục gỗ ở chính giữa, đặt trên một cối đá, có thể quay được.
Trên mỗi tầng, mỗi mặt có một tượng Phật ngồi giữa hai Bồ tát. Như vậy có tổng cộng 9x6 = 54 tượng Phật, 9x12 = 108 tượng Bồ tát. Mỗi khi quay Cối Phật, thì như cả thế giới chuyển động.
Cửu Phẩm Liên Hoa tượng trưng cho 9 bậc trong cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Cõi Tịnh Độ gồm 3 bậc là Hạ phẩm, Trung phẩm, Thượng phẩm; mỗi Phẩm lại chia làm 3 là : Hạ sinh, Trung sinh, Thượng sinh. Như vậy từ Hạ phẩm Hạ sinh đến Thượng phẩm Thượng sinh là 9 bậc.
Chín bậc này dành cho tất cả mọi chúng sinh có lòng hướng đến cõi Tây phương Cực Lạc của phật A Di Đà, tùy vào phẩm hạnh của kẻ đó mà được tái sinh vào các cõi tương ứng.
Cối Phật chùa Bút Tháp, hai bên có hai tượng Phật ngồi quay ra hai hướng.
Theo văn bia thì cối Phật được dựng từ đời Trần, đến năm 1739 làm lại,
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:15.
Cối Phật chùa Đồng Ngọ - Hải Dương, được làm năm 1692, mới được/bị sơn thếp lại, trông choáng lộn rực rỡ ...
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:16.
Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám
Theo tôi, tòa Cửu phẩm liên hoa đẹp nhất là của chùa Giám.
Chùa Giám là nơi Nam dược Thánh Y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng tu hành, chữa thuốc đời Trần. Ngôi chùa có lịch sử từ đời Lý, trải nhiều lần trùng tu vẫn mang được nhiều nét kiến trúc cổ.
Năm 1971, chùa được dời từ bãi sông vào nơi mới, cách 8km. Vì ngôi chùa cổ bằng gỗ hoàn toàn, nên người ta đã dỡ ngói, dỡ mộng gỗ ra, rồi ghép lại, mà không ảnh hưởng đến kiến trúc. Cũng là một kỳ công.
Chùa rất đẹp, nhưng đẹp nhất là tòa Cửu phẩm liên hoa, hiện nay vẫn còn quay được. Tòa tháp gỗ này được sơn màu đỏ gạch, với các góc được trang trí như đốt trúc, có cả các mấu tre rất độc đáo. Số cánh sen ở mỗi lớp cũng nhiều và đẹp. Tòa Cối phật nằm ở giữa một tháp gỗ trong sân chùa, sáng sủa hơn nhiều so với tháp gỗ chùa Đồng Ngọ.
Tôi chưa thấy ở đâu nói chùa Cầu Đông (phố Hàng Đường) là đền cả. Các nguồn thông tin đều nói đó là ngôi chùa từ xa xưa, có nguồn gốc từ đời Lý, được dựng lại đời Lê, chứ không có ngôi đền nào bị biến thành chùa ở đó hết.
Có thể nhầm lẫn vì trong chùa có tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Quốc mẫu Trần Thị Dung, nhưng với hình thức là thờ người có công với chùa, kiểu "hậu phật" chứ không phải thờ theo kiểu là đền.
Đạo quán của Đạo giáo trở thành chùa thì tôi gặp ít nhất là 5 nơi rồi, và đền sát cạnh chùa thì cũng nhiều, nhưng còn đền biến thành chùa (mà mất dấu đền) thì chưa nhớ ra chỗ nào.
Các làng cổ đồng bằng Bắc bộ, nếu đủ điều kiện thì thường làm cả ba: Đình, đền, chùa; đền có thể bị phá, hỏng, mất, nhưng biến thành chùa thì có lẽ là khó xảy ra. Những cụm đình - đền - chùa còn có thể gặp khá nhiều.
Tượng chùa Phật Tích
Sắp tới Phật Đản, lại tiếp tục với chủ đề này. Bắt đầu từ đây tôi sẽ kể về một ố pho tượng cổ đặc biệt của các ngôi chùa, và về những ngôi chùa nổi tiếng mà tôi đã từng qua.
Đầu tiên, không thể không quay lại với pho tượng Phật cổ nhất, đẹp nhất của Việt Nam, mà tôi đã từng viết. Pho tượng chùa Phật Tích.
(Hiện trạng pho tượng khi chùa đang làm lại, ảnh Zanghoang)
Theo sử sách, năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho dựng chùa, làm pho tượng vàng cao 6 thước, đặt trong một ngôi tháp cao vút. Hàng thế kỷ trôi qua, tháp đổ xuống, thì pho tượng lộ ra. Ngày nay ta còn thấy pho tượng tạc bằng đá xanh, thời Lý có lẽ được dát vàng.
Tượng của vị Phật nào, thì sử sách không ghi rõ. Các tài liệu đều cho rằng là tượng Phật A Di Đà, tuy nhiên vị sư trụ trì hiện nay thì cho là tượng Đại Nhật Như Lai - Tỳ Lô Xá Na - Vairocana.
Tượng nguyên bản ra sao, không ai hoàn toàn chắc chắn. Tôi đọc nhiều tài liệu cho rằng tượng hiện tại đã trải qua nhiều thay đổi. Chẳng hạn tòa sen có vẻ quá nhỏ so với tượng, các nếp áo bị đứt giữa tượng và đài sen, do đó có thể là cho rằng đài sen là do đời Lê làm lại. Và giữa tòa sen và bệ bát giác của tượng dường như bị hẫng, ở giữa phải có một khối đệm nữa mới đúng.
Tiếp theo là thế ngồi của tượng: Pho tượng được tạc rất khéo, dáng ngồi không hoàn toàn thẳng, mà nghiêng ra phía trước khá rõ. Nếu theo cùng tư thế đó, thì đầu tượng cũng phải cùng hướng, là nhìn xuống dưới.
Tuy nhiên, năm 1947, khi Pháp đốt chùa, pho tượng lộ ra giữa trời, quân Pháp đã lấy tượng là bia ngắm bắn, và khiến đầu tượng đổ xuống. Phần cổ và tai của tượng bị gẫy, cũng như có rất nhiều vết hỏng trên thân tượng, nên bây giờ trông tượng đầy vết sẹo, cũng như có vết của việc kết nối chống vỡ.
Khi lắp lại đầu tượng, thì vì cổ đã gãy, không thể giữ nổi đầu tượng cúi xuống nữa, người ta đành phải làm cho đầu tượng thẳng đứng lên thì mới giữ được. Do đó dáng vẻ của Đức Phật đang cúi xuống chúng sinh đã bị mất.
Tượng khi chùa bị phá hủy, lộ thiên giữa núi Lạn Kha
Và dáng cúi về phía trước, cùng những vết thương trên thân tượng
Khuôn mặt đức Phật đời Lý, với phần tai đã bị gãy, và đầu được gắn lại
Và pho tượng phục chế để trong bảo tàng, trông nuột nà hơn rất nhiều, cũng như có phần đế không hoàn toàn giống tượng ở chùa.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:12.
Đóa sen Phật ngự được trang trí rất đẹp, mỗi cánh sen có hai con rồng chầu vào giữa. Bên dưới các tầng bát giác cũng có trang trí rồng đời Lý, và các họa tiết sóng nước rất đẹp. Có thể nói mỹ thuật đời Lý là đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam, với những đặc trưng riêng có.
Đài sen Phật ngự có phải là nguyên từ đời Lý không? Không ai dám chắc.
Tôi đã từng tìm đến một ngôi chùa nghèo nhỏ bé bên chân núi Trầm, là chùa Một Mái. Tại đây có pho tượng đời Lý thứ hai còn sót lại. Theo tài liệu, thì chỉ còn đúng 3 pho tượng Phật đời Lý còn lại mà thôi. Pho chùa Phật Tích tạc năm 1057, pho chùa Một Mái năm 1099.
Pho tượng chùa Một Mái nhỏ hơn tượng chùa Phật Tích nhiều. Tiếc rằng tượng đã bị Pháp chặt đầu mang đi, và tay cũng bị hỏng trong thời chiến tranh loạn lạc. Hiện nay người làng dùng đất trộn để đắp đầu và tay mới, sơn thếp lên trên, nên không ăn khớp.
Tuy vậy, qua pho tượng này, cũng có thể thấy một tòa sen Phật đời Lý thế nào: Từ dưới là các tầng bát giác, rồi có một con sư tử khoanh tròn, trên đó mới đội tòa sen.
Pho tượng hơn 900 năm tuổi
Một bệ tượng đá đời Lý nữa tại chùa Thầy, là bệ để pho tượng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tượng thì mới từ thời Nguyễn nhưng bệ thì rất cổ.
Một lần nữa, cấu trúc con sư tử nằm giữa bệ bát giác và đài sen được xác nhận. Ngoài ra còn bệ tượng ở chùa Dâu cũng vậy.
Qua đó, có thể cho rằng bệ tượng chùa Phật Tích đã bị mất phần ở giữa là con sư tử cuộn tròn (có thể là 1 hoặc 2 con).
Cũng không khó để tìm thấy những di vật bằng đá đời Lý ở chùa Phật Tích. Ngay đằng sau chùa để lăn lóc một chân cột bằng đá, một đài sen, một con sư tử đá (nằm ở giữa bệ của một pho tượng khác). Có điều thấy đáng buồn là những di vật quý giá này bị bỏ ngoài mưa gió hoang phế.
Cách đây mười mấy năm tôi lên đây đã thấy thế, năm đó thấy có 1 mảnh đá bằng ba ngón tay bong ra từ một bệ cột, nằm thảm hại dưới đất, trên mảnh đá đó có điêu khắc hoa dây. Lần đó đã định, hic, thó mang về. Nhưng bạn đi cùng khuyên không nên, và không lấy. Tất nhiên sau đó quay lại thì không thấy mảnh đá đó đâu nữa.
Nhìn thấy di vật nằm lăn lóc mà xót. Hoặc giả đây chỉ là đồ phiên bản không có giá trị lịch sử, còn bản gốc đã nằm trong bảo tàng rồi chăng?
Tấm chân cột (ảnh dưới cùng) là tảng chân cột đẹp nhất của điêu khắc cổ Việt Nam, với những hình vũ công, nhạc công nhảy múa, đã được in trên rất nhiều cách. Nếu ngày xưa các tảng chân cột đều được điêu khắc cầu kỳ thế này thì ngôi chùa này hẳn phải đẹp lắm lắm.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:13.
Con rồng chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích còn có một điều đặc biệt nữa, mà có lẽ cũng ít người để ý, đó là Con rồng nằm dưới chùa. Ắt hẳn nghe đến Long mạch thì nhiều người biết, nhưng ở chùa Phật Tích thì khái niệm Long mạch rất đặc biệt.
Đằng sau chùa, cũng là lưng chừng núi Lạn Kha, có một bể đá sâu hình chữ nhật, không biết xưa kia có nước không, nhưng giờ thì cạn rồi. Bể đá được gọi là Long trì - Ao rồng
Và dưới đáy bể có một khối đá lớn hình bán nguyệt, ở giữa khối đá có chạm một khúc thân rồng, với hai chân rồng ở hai bên. Có thể tưởng tượng đó là một con rồng nằm sâu dưới đất, chỉ lộ hai chân lên dưới đáy bể đá này.
Hai chân rồng này đã được biết đến lâu rồi, nhưng gần đây, khi nạo vét cái giếng cổ dưới chân núi trước đường lên chùa, người ta đã phát hiện ở dưới cùng của đáy giếng sâu có một đầu rồng lớn được chạm thẳng xuống khối đá đáy giếng. Chỉ khi khô cạn nước, mới có thể đứng bên trên soi đèn nhìn xuống được, còn không thì đầu rồng chìm dưới nước.
Như vậy, thời Lý khi xây chùa, người ta đã tạo ra Long mạch của chùa, là một con rồng rất lớn có đầu ở đáy giếng dưới chân núi, thân mình uốn lên núi, để lộ hai chân ở ao sau chùa. Pho tượng Phật như vậy nằm trên đúng giữa lưng rồng. Rộng hơn, cả ngọn tháp cổ, ngôi chùa cổ cũng đều đặt trên lưng rồng. Rất có thể trên núi, ở nơi nào đó còn ẩn chứa đuôi rồng mà chưa phát hiện ra.
Điều đặc biệt này, có lẽ không ngôi chùa nào có được.
Đôi chân rồng dưới đáy Long Trì sau chùa Phật Tích.
Chùa Phật Tích còn một bộ gồm 10 con thú đá từ đời Lý cũng là di tích vô giá. Mười con thú xếp thành hàng hai bên lối lên chùa, mỗi bên 5 con, xếp từ giữa ra gồm: Nghê (hoặc sư tử), voi, trâu, tê giác, ngựa.
Một số con đã bị hư hại, một số còn khá nguyên vẹn. Nhưng những chi tiết như tai ngựa, tai trâu... là được tạc riêng, rồi lắp vào thân tượng, thì đều mất cả.
Mỗi thời đại đều để lại dấu ấn bác ạ. Thời đại hiện tại để lại dấu ấn của sự gọi là "đểu", nên không tránh khỏi đểu trong rất nhiều việc, làm đểu, đồ đểu tràn lan, trùng tu thì cũng là trùng tu đểu thôi.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:11.
vietanh777
đâu ,à tôi tớ tưởng địa tạng bồ tát là riêng chứ sao lại liên quan đến Mục liên ở đây. địa tạng bồ tát nói rất rõ trong quyển kinh địa tạng bồ tát bản nguyện í ngài đáng nhẽ thành phật lâu rồi nhưng vì nguyện lực từ bi nên mỡi vẫn làm bô tát còn mục liên chỉ là đại đệ tử cúa đức thích ca thôi cậu ah. Phải chăng cậu nhầm giữa 2 ông vì miền bắc thường đúc tượng 2 vị này đàu trọc cầm gậy tích màĐịa Tạng Bồ tát là của Phật giáo từ Ấn Độ.
Địa Tạng Vương Bồ tát tên là Mục Kiền Liên, là một trong 10 Đại đệ tử của Phật Thích Ca, nhiều khả năng là một người có thật. Ông được tôn là "thần thông đệ nhất".
Truyền thuyết thần thoại hóa kể rằng sau khi tu hành đắc đạo, ông tìm mẹ là bà Thanh Đề thì thấy mẹ đã sa địa ngục. Trái ngược với con trai tu hành theo Phật, bà này rất ác độc và tạo vô vàn ác nghiệp, nên khi chết luân hồi xuống ngục A Tỳ, là ngục sâu nhất, chịu hình phạt thảm khốc.
Dù rằng rất thần thông, nhưng Mục Kiền Liên cũng không thể cứu mẹ một cách dễ dàng. Ông phải xuống tận địa ngục thuyết pháp cho mẹ, để mẹ hồi tâm chuyển hướng ăn năn sám hối, loại bỏ dần ác nghiệp, đồng thời cầu xin chư Phật gia trì cứu mẹ. Cuối cùng bà Thanh Đề cũng được thoát địa ngục, luân hồi lên làm người.
Nhưng cũng chính vì xuống địa ngục, thấy cảnh vô vàn chúng sinh ở đó đau khổ, nên Mục Kiền Liên phát tâm ở lại Địa ngục để cứu độ cho tất cả chúng sinh đó. Phát nguyện của ông là : "Nếu còn chúng sinh phải sa địa ngục thì không lên Niết Bàn". Do đó dù đã đắc quả nhưng ông không thành Phật, mà chỉ là Bồ tát.
Bởi thế Mục Kiền Liên được mang tên Địa Tạng Vương Bồ tát, là Giáo chủ của cõi U Minh. Vì Phật còn ở trên chư Thiên, nên Địa Tạng cũng ở trên Thập điện Diêm vương.
Ngày nay ở chùa, cầu khấn cho người đã khuất thì tìm đến với Địa Tạng.
Ôi, đúng là tôi nhầm thật. Lẫn lộn Mục Kiền Liên với Địa Tạng bồ tát.đâu ,à tôi tớ tưởng địa tạng bồ tát là riêng chứ sao lại liên quan đến Mục liên ở đây. địa tạng bồ tát nói rất rõ trong quyển kinh địa tạng bồ tát bản nguyện í ngài đáng nhẽ thành phật lâu rồi nhưng vì nguyện lực từ bi nên mỡi vẫn làm bô tát còn mục liên chỉ là đại đệ tử cúa đức thích ca thôi cậu ah. Phải chăng cậu nhầm giữa 2 ông vì miền bắc thường đúc tượng 2 vị này đàu trọc cầm gậy tích mà
Vì hai vị có sự tích giống nhau nên bị nhầm lẫn, cùng là phát nguyện cứu mẹ bị sa địa ngục. Nhầm thật, xin lỗi.
Mục (Kiền) Liên cứu mẹ là nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng Bảy.
Địa Tạng bồ tát giáo chủ cõi U minh không phải Mục Liên.
Vâng, câu này có lẽ tôi cũng hơi quá. Không phải tất cả đều là đểu, nhưng cái đểu lên ngôi và trở thành dòng chảy chính, chủ đạo của cách ứng xử xã hội ở tầm cao. Tôi nhớ đến chuyện người ta nói về đặc trưng của các thời đại, cũng chỉ là câu chuyện vui
- Thời Lý là thời đại từ bi
- Thời Trần là thời đại anh hùng
- Thời Lê sơ là thời đại thịnh
- Thời Lê trung hưng là thời đại loạn
- Thời Nguyễn là thời đại thảm
- Thời nay là thời đại...
Những chuyện lăng nhăng thì dài dòng, cũng không dám viết nhăng trong topic này....
Tượng Ông Sấm
Trong những chuyến đi lang thang đồng bằng sông Hồng, tôi để tâm tìm một số di tích cổ. Tượng đời Lý còn ở ngôi chùa Ngô Xá tỉnh Nam Định, tôi chưa đến được. Nhưng tôi tìm được mấy tượng Ông Sấm, cũng là một di tích kỳ lạ.
Như trên có nói, bệ tượng đời Lý sử dụng con sư tử làm bệ đội tòa sen. Có những bệ tượng sư tử rất lớn, nhưng các pho tượng trên đó không còn.
Trong lần đi ở Hưng Yên, nghe người ta nói đến "chùa ông Sấm", lần đầu tiên tôi nghe tên đó, hỏi ra thì biết ngôi chùa đó có pho tượng đá sư tử cổ từ đời Lý, lớn nhất trong số các di tích còn lại. Thế là tìm đến chùa Ông Sấm xem sao.
Tên của chùa là chùa Hương Lãng, xưa kia rất rộng lớn. Ngày nay đất chùa cũng còn đến gần hecta.
Toà hậu điện để ông Sấm, dài gần 2m, cao hơn 1m, được tạc nguyên từ một khối đá. Tòa sen bên trên bị vỡ nhiều, mới đắp thêm bằng ximăng.
zanghoang
hôm rồi em lượn Hưng Yên, có tiện đường rẽ qua chùa Nhạn Tháp - Văn Giang, chùa này nằm chơ vơ ngoài bãi sông Hồng, trong chùa cũng có bệ đá to, đẹp vào loại nhất nhì miền Bắc, nghe các cụ già trong làng nói: miền Bắc có 3 bệ đá thì bệ đá chùa Nhạn Tháp là to nhất, đẹp nhất, em có mon men vào chiêm ngưỡng, nhưng lại đúng ngày rằm, các cụ lễ nên không ghi lại được cận cảnh, chỉ ghi được 1 phần
ở Hưng Yên, em thấy có mấy chùa có các công trình kiến trúc đá cổ cũng nổi tiếng, như chùa Hương Lãng bác Chít to nói ở trên ( ngoài bệ đá ra, chùa này còn có hơn chục cái tay vịn đá cũng hay phết ), chùa Nhạn Tháp... (mấy cái chùa nữa, dưng em toàn quên tên )...
xét về tổng thể, em đoán chùa Nhạn Tháp này không thể có từ đời Lý, nhưng cái bệ đá thì ít nhiều em thấy có dáng dấp đời Lý.
- thứ nhất: cánh hoa sen trang trí có nhiều nét giống cánh sen đời Lý
- thứ hai: cũng có sử dụng hình ảnh sư tử đội bệ đá, tuy nhiên là em đoán thế chứ ở 4 góc của bệ đá quả có 4 cái đầu nhô ra nhưng trông chả giống ai, nửa quỷ nửa người, trông dị nhân lắm ...
chắc em nhầm, chùa này cũng mới xây thôi...
Bệ đá chùa Nhạn Tháp là từ đời Trần.
Đời Trần để lại nhiều bệ đá lớn ở nhiều nơi: Chùa Nhạn Tháp, chùa Khúc Lộng, chùa Dương Liễu, chùa Thầy, chùa Viên Nội, chùa Thông, chùa Bối Khê...
Bốn con vật ở bốn góc các bệ đá đời Trần mà Zanghoang nhìn thấy là hình chim thần Garuda, vốn có nguồn gốc Chiêm Thành, do các vua Lý, vua Trần có nhiều nô lệ là tù binh Chiêm Thành, trở thành các thợ thủ công chuyên làm các công trình cho triều đình, nên để lại dấu ấn đó.
Các di tích đời Lý chỉ còn di tích bằng đá, đời Trần còn một số di tích gỗ và gạch như chạm khắc chùa Thái Lạc, cổng chùa Phổ Minh, tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn.
Tượng ông Sấm (tiếp)...
Ông Sấm trong chùa Lạng (tên nôm của của Hương Lãng) chỉ được tạc phần đầu và phần đuổi thôi, khúc giữa còn nguyên là một khối đá xù xì.
Đầu con sư tử được chạm khắc rất đẹp, mắt lồi ra, có các trang trí hình mây, hình lửa cuộn tròn, giữa trán nổi hình hoa cúc, miệng ngậm một viên ngọc. Trên trán còn có một hình phù chạm chữ Vương, ngụ ý Sư tử là vua các loài thú, mà cũng phải quỳ để làm bệ.
Đuôi của ông Sấm có đeo dây nhạc, thể hiện là sư tử đã bị thuần hóa
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:11.
Một vấn đề là vào thời xưa, bệ đá này để kê cái gì? Nếu cái đài sen nguyên bản to đúng như phần người ta mới làm lại bằng xi măng, thì pho tượng Phật bằng đá trên đó hẳn phải to lắm. Nhưng tôi không tìm được chính xác tài liệu nào nói, chỉ có giả thuyết rằng pho tượng rất lớn đã bị phá hỏng hoàn toàn.
Hiện tại, trên tòa sen sư trụ trì đặt tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn theo mẫu của chùa Bút Tháp. Đài sen vừa là bệ tượng vừa là bàn thờ.
Kích thước bệ đá so với bà vãi trông chùa.
Last edited by Chitto; 31-03-2010 at 00:12.
Ngoài tượng Ông Sấm, chùa Hương Lãng còn có hơn chục thành bậc thang tạc bằng đá đời Lý (bạn Zanghoang có nói đó). Tất cả đều cùng một kiểu, là một tấm tam giác có chạm hình chim phượng, bên trên có một con sóc đá nằm quay đầu xuống, với cái đuôi rất dài. Có người gọi là con sấu.
Có điều là tất cả các con sóc đá này đều bị mất hết đầu !!!
Con chim phượng ở thành bậc cũng rất đặc biệt, với một cái đuôi dài to y như của con sóc bên trên, cánh nhỏ mà ngắn, chân dẫm lên đóa hoa sen.
Con phượng cũng như con sóc, đều có các bờm uốn cong quanh đầu và thân, giống như con rồng đời Lý. Đây là đặc trưng của sự hòa nhập điêu khắc Champa vào Đại Việt thời Lý.
Bậc thành đá này còn một tấm nữa ở chùa Bà Tấm ngay ngoại thành Hà Nội, nhưng con sóc cũng bị mất đầu.
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:18.
Ngoài Ông Sấm ở chùa Lạng, còn hai ông sấm nữa ở chùa Bà Tấm, tức là gần đền thờ Ỷ Lan ở Gia Lâm.
Hai tượng sư tử đá này giống nhau, cũng giống tượng chùa Lạng, nay trở thành bệ thờ cho các tượng Phật. Người ta xây xi măng bịt xung quanh tượng, chỉ để hở hai cái đầu, nên cũng không rõ đuôi thế nào. Để chụp ảnh này tớ phải chui xuống gầm bàn thờ.
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:19.
Hôm nay là 8/4 Âm lịch. Theo truyền thống trước kia thì Phật Đản là ngày 8/4, tuy nhiên gần đây đã đổi lại là ngày Rằm tháng Tư, tức là ngày Tam Hợp Vesak: Đản sinh - Thành đạo - Niết Bàn.
Thế nên trong 1 tuần, tính từ hôm nay đến Rằm, được coi là Tuần Phật đản.
Năm nay tưởng là hữu duyên, ai dè vô duyên với Yên Tử.
Tôi đi Yên Tử lần đầu từ 15 năm trước, khi đó còn hoang sơ lắm. Đi 3 lần liền chỉ trong có chưa đầy 2 năm. Nhưng rồi từ đó đến giờ chưa bao giờ đặt chân lại nơi đó.
Rằm tháng tư vừa rồi, là mùa Phật đản, có việc làm buổi sáng ở Hạ Long, đã sắp xếp và đinh ninh lên kế hoạch đi Yên Tử, nếu tiện thì sẽ ngủ một đêm để sáng lên chùa Đồng đón bình minh. Đi chỉ vì để đi, không phải để lễ bái hay cúng kiếng gì hết.
Thế nhưng trong suốt 3 ngày, mưa tầm tã. Trời mù mịt mây. Điều đó cũng đồng nghĩa là trèo lên thì chỉ để ngồi ru rú trong trời mây mù và mưa mà thôi. Thế là thôi, quay về Hà Nội. Hẹn Yên Tử một lúc khác vậy.
@viet777: đó là cổng chùa Bát Tháp trên đường Đội Cấn, không phải chùa Kim Sơn ở Giang Văn Minh.
Hẹn bạn lúc khác viết về điều bạn hỏi. Tôi đang theo mạch nên sẽ viết cho xong, nhé.
Con rồng đời Lý
Mặc dù đã viết trong topic Kinh Bắc rồi, nhưng khi nói đến di vật chùa đời Lý, không thể không nói đến cột đá chùa Dạm.
Những ngôi chùa lớn đời Lý đều là chùa hoàng gia, nghĩa là xây theo lệnh của vua, và là nơi vua làm lễ. Vạn Phúc, Sùng Thiện Diên Linh, Cảnh Long Đồng Khánh, Đại Thắng Tư Nghiêm... những cái tên huy hoàng, mà về sau dân gian gọi là Phật Tích, chùa Đọi, chùa Dạm, chùa Báo Thiên... đều là nơi có những di vật quý còn sót lại.
Chùa Dạm xưa được vua Lý Nhân Tông xây trong 8 năm, dành tặng mẹ là bà Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, tức bà Ỷ Lan. Người đàn bà tài năng và quyền lực bậc nhất của nước Việt, về cuối đời sám hối tội lỗi đã giết vợ cả của chồng và 72 cung nữ - tức Thượng Dương hoàng hậu, đã về đây và Phật Tích theo Phật pháp.
Tất cả đến nay hoang phế hết, chỉ còn những nền móng đá, và một cây cột đá đứng giữa trời. Cột đá để trên một đài hình sóng nước vòng tròn. Đối xứng qua bên kia trục chính có một đài sóng nước hình vuông nữa, không biết xưa kia có gì. Có thể là một cặp biểu tượng Linga - Ioni vì thời Lý chịu ảnh hưởng Chămpa, cũng có thể là một công trình đặc biệt. Trên thân cột còn một số vết khắc sâu vào đá, không rõ để làm gì.
Cột nửa dưới vuông, trên tròn, và quanh thân có một đôi rồng đá, đôi rồng đời Lý đẹp nhất...
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:01.
Oai hùng con rồng đời Lý
Về con rồng này, và phiên bản tệ hại trong bảo tàng Mỹ thuật, tôi đã viết trong topic Kinh Bắc, một miền cổ tích, nên không viết lại nữa.
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:19.
@ Một ngôi chùa có thể có nhiều chuông, khi có người công đức có thể đúc chuông để dâng chùa. Còn việc chùa treo quả chuông đó ở đâu thì tùy chùa, chưa bao giờ có quy định nào về việc một gác chuông chỉ được treo 1 quả cả. Gác chuông chùa Keo treo 2 chuông, 1 khánh; gác chuông Cổ Lễ cũng treo 2 chuông,... chẳng qua là bạn chưa gặp thôi.
------------------------------
Vừa rồi có sự kiện pho tượng Phật bằng ngọc bích Canada được trưng bày ở Việt Nam, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, Vũng Tàu, cả triệu lượt người đã đến để tham quan và lễ bái pho tượng. Rồi pho tượng ra Bắc Ninh từ chiều ngày 16/5 vừa rồi, sẽ ở đây đến 22/5. Tiếc là trong suốt mấy ngày vừa rồi, và dự báo mấy ngày nữa, trời sẽ còn mưa to, mưa tầm tã u ám, cho nên số người đến sẽ giảm đi rất nhiều.
Tớ cũng bon chen đến đó sáng nay, may lúc trời không mưa. Từ rất xa xe cộ đã bị chặn lại. Các đoàn ôtô nghìn nghịt từ khắp miền Bắc, đều bị chặn lại từ cách 5km, làm giàu cho xe ôm. Với xe máy và chịu khó lần mò đi vào làng, tớ đi vào đến tận sát chùa, chỉ cách chỗ để tượng vài chục mét thì gửi xe.
Và theo dòng người, tớ cũng vào tham quan.
Từ bên kia hồ nước, tượng Phật ngọc để trong tòa nhà dựng bằng khung sắt hình ngôi chùa miền Bắc. Hàng đoàn người kéo đến tham quan, chủ yếu là các đoàn đi lễ. Tôi nghĩ thầm may là trời mưa, cho nên đám thanh niên hiếu kỳ (và cả vô công rồi nghề) mới không phóng xe máy từ Hà Nội đến, và các cụ già không đến nỗi bị chúng chen lấn bẹp ruột...
Trên đỉnh núi Lạn Kha phía sau là bệ một pho tượng Phật rất lớn (theo nguyên mẫu tượng Phật Tích) bằng đá khối sẽ được dựng lên, từ đây cũng nhìn rõ.
Một lá cờ Phật giáo rất lớn bay lồng lộng trong gió, trời sầm sì muốn mưa mà
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:17.
Bầu trời phía trên nơi để tượng
Từ xa đã thấy pho tượng. Tuy nhiên, xung quanh tượng không phải các vị sư, các bà vãi, mà là lực lượng bảo vệ. Và không chỉ là các "anh" bảo vệ đội mũ kiểu cảnh sát, mà còn một lô các "đại ca" mặc đồ Cảnh sát cơ động, tay cầm dùi cui dài nửa mét, đeo còng số tám sáng choang cũng đày ra đó. Trông chán ngán vô cùng,
Tất nhiên họ có nhiệm vụ bảo vệ pho tượng quý, đồng thời yêu cầu đoàn người di chuyển nhanh theo một lộ trình một chiều để tránh ùn tắc cũng là hợp lý. Nhưng nhìn cách ăn mặc đầy chất hình sự, và tư thế đứng nhìn Phật tử đầy lạnh lùng mà thấy cũng lạnh người theo.
Bên trên thì Phật vẫn cười, môi đỏ chót !
Tôi đã thấy rất rõ chất xanh lục thẫm của tượng khi đi qua phía đằng sau lưng tượng ngó vào. Chỗ đó cũng được bảo vệ nhưng lại rất gần. Khi đó tôi đã nhìn khá rõ chất ngọc xanh, thế nhưng lại không chụp ảnh vì khuất góc, nghĩ rằng ra phía trước sẽ rõ hơn.
Tiếc rằng ra phía trước thì phải đứng quá xa, hơn nữa ánh sáng lại quá yếu, bên ngoài thì trời mù mịt không có bóng mặt trời, trong tòa nhà thì chỉ có mấy cây nến cháy leo lét, nên màu xanh ngọc kia chỉ còn là một màu thẫm gần đen, chụp kiểu gì cũng không lên được, mà máy ảnh mình ko phải máy chuyên nghiệp để có thể lấy chuẩn. Tôi nghĩ với trời không nắng, lại để sâu trong cái nhà tạm đó, thì khó mà thấy được màu xanh của chất ngọc ở vị trí quá xa như vậy.
Do đó ảnh của tôi cũng chỉ được thế này (ảnh crop hết hoa, chỉ có tượng thì màu sắc cũng không khá hơn).
Pho tượng được làm từ một khối ngọc bích nguyên khối, với đúng kiểu tượng đặt ở trong tháp Đại Giác ngộ ở Ấn Độ, nơi Phật thành đạo. Phong cách tượng Nguyên Thủy, với đôi mắt mở và mí mắt kéo trũng ở giữa, và nụ cười khá "tươi", chứ không phải mắt lim dim và nụ cười chỉ phảng phất như các tượng Phật Việt Nam. Khuôn mặt được dát vàng, giữa trán có viên ngọc màu tím, hai mắt có cả màu xanh đỏ, môi tô đỏ chót, cũng khác với kiểu tượng Phật quen thuộc của Việt Nam.
Tượng Phật ngồi kiết già, tay phải bắt ấn xúc địa, trỏ tay xuống đất (khi chưa thành đạo thì là để lấy đất làm chứng, thề không đứng dậy nếu không Thành đạo; khi đã Thành đạo thì là hàng phục ma quỷ). Tay trái ngửa trong lòng là thế Phật bát ấn, trong tay để một bình bát, vừa là đồ dùng thực của Phật, vừa là thể hiện sự chứa đựng giáo lý.
Đặc biệt là bộ ngực của tượng kiểu Ấn Độ, ngực nổi lên rất to, mang dáng dấp của nữ giới, theo truyền thống tạc tượng Phật mang tính phi giới tính.
Tượng Phật theo trường phái Nguyên thủy không làm to và rõ tòa sen như phong cách Đông Á.
Ảnh sưu tầm trên mạng, khi tượng để ở chùa Hoằng Pháp.
Theo các bài báo ca ngợi thì khối ngọc đẹp không một tì vết. Tuy vậy, qua ảnh dưới (và một số ảnh khác) thì có thể thấy viên đá có một vết lỗi khá lớn nằm ở vị trí vai phải của tượng, nơi đá không đồng chất
Rời tượng ngọc để dưới chân núi, lên trên mấy chục bậc đá là đến nền chùa cổ, với pho tượng Phật A Di Đà đời Lý đã gần nghìn năm, quốc bảo của Việt Nam.
Gần đây, khi trùng tu chùa Phật Tích, đào dưới nền lên thì phát lộ ra chân móng của một ngôi tháp gạch lớn, mỗi cạnh đến gần chục mét. Dự đoán thuở xưa tháp phải cao hơn 40m (khoảng cao hơn Cột cờ Hà Nội kể cả cờ). Lúc đầu định cứ xây chùa mới lên trên, nhưng bị phản đối dữ quá nên giờ đang để nguyên trạng khu khai quật, chưa biết cuối cùng quyết định thế nào.
Các gạch để làm móng ngôi tháp là gạch vuông và mỏng, xây rất khít, trên gạch đều có chữ "Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo", tức là được tạo vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4, đời hoàng đế thứ ba triều Lý (Lý Thánh Tông, 1058).
Dân tình mê tín thì vứt rất nhiều tiền lẻ xuống chỗ khai quật, thật là chán.
Thì lúc tôi đến, trời cũng thế này, chứ khá khẩm gì
Mười con thú đá nằm ở hai bên bậc lên chùa thì tôi xem và chụp chán rồi, trong các bài trước của tôi cũng đã đề cập đến. Khu tháp mộ các vị sư chùa Phật Tích thì cũng nhiều nơi nhắc đến, tôi cũng chụp nhiều ảnh, từ lâu lắm chứ không phải chỉ bây giờ. Đợt rồi đi không chụp, vì người ta lợi dụng khu tháp để bán hàng quán, chăng bạt làm hỏng hết cảnh quan. Chỗ không có hàng quán thì trời mưa tối quá. Trong các tháp thì một số tháp mới tu sửa lại, không được như tháp cổ.
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:18.
Trên đỉnh núi Lạn Kha đang xây Đại Phật Thành, là bản phóng to của pho tượng đá đời Lý, sẽ cao 27m. Bản phóng to này cũng được làm bằng đá, do đó bon chen danh hiệu "Pho tượng Phật bằng đá to nhất Việt Nam", để sánh với các pho tượng Phật rất to ở Nha Trang, Bà Nà, Đà Lạt,... nhưng là bằng xi măng cốt thép, còn đây bằng đá.
Tượng bằng đá, nhưng phần bệ vẫn phải là xi măng cốt thép. Phần bệ tượng cũng làm giống bệ tượng nguyên bản, ốp đá ra bên ngoài. Đường từ chùa Phật Tích lên còn khó đi, chứ đường bên kia núi đi xuống khu chùa Tấm thì làm to rộng hơn, cũng là đường vận chuyển vật liệu lên xây.
Tượng đang xây dựng đến phần đài sen
Trong gầm bệ tượng còn ngổn ngang
Có một phiên bản của pho tượng gốc làm bằng thạch cao, trên đó có các đường kẻ ngang dọc và chi chít con số để người thợ tính toán các khối đá lắp ghép lên tượng. Thế nhưng tượng này cũng đầy tiền lẻ !
Lại nói về bức ảnh này của bạn MH: đỉnh núi Lạn Kha bằng phẳng kéo khá dài, từ đây sẽ hình thành nên một tổ hợp mà tâm điểm là Đại Phật thành.
Tít xa phía các bụi cây là khu đá Mào Phượng, hay còn gọi là Bàn cờ tiên, với truyền thuyết tiên xuống đây vui chơi. Trong các truyền thuyết về Tiên, có lẽ nổi tiếng nhất là truyện Từ Thức.
Tri huyện Từ Thức trong hội chùa ở Tiên Du, gặp một người con gái đẹp lỡ tay làm gẫy cành hoa mẫu đơn trong vườn mẫu đơn trên đỉnh núi, bị nhà chùa bắt đền mà không có tiền trả (của nhà chùa mất một đền mười, của nhà Phật mất một đền trăm). Từ Thức đã cởi áo đền cho người con gái ấy. Về sau cưỡi thuyền ra cửa Thần Phù tìm được động tiên, gặp nàng Giáng Hương chính là người con gái khi xưa, kết duyên vợ chồng. Sau một năm Từ Thức đòi về thăm quê, thì ở trần gian đã hơn trăm năm.
Người vùng Phật Tích cho rằng nơi mà Từ Thức gặp Giáng Hương chính là đỉnh núi này. Ngoài ra núi Lạn Kha có nghĩa là Rìu mục, cũng vì chuyện người tiều phu xem hai vị tiên đánh cờ, lúc tàn cuộc nhìn lại thì cán rìu đã mục từ khi nào, trăm năm đã trôi qua. Do đó nơi này được cho là cõi tiên.
Từ phía đó đến chân tượng Phật còn có khu nghĩa địa của người dân đem lên núi chôn. Do đó nơi đây có kế hoạch xây dừng thành tổ hợp Tiên - Người - Phật, con đường nối cõi Tiên (đã thoát tục nhưng chưa thoát luân hồi) qua cõi Người để đến cõi Phật. Và sẽ tạo dựng khu vườn hoa mẫu đơn để nhớ chuyện Từ Thức năm xưa.
(Không biết hoa mẫu đơn thực không, hay lại hoa đơn? Vì mẫu đơn không thấy mấy)
Xin lỗi bạn Taydoc, bài của bạn có nhiều điều sai sót cần điều chỉnh quá, từ lỗi chính tả đến thông tin, e rằng với 1 bài viết tôi không điều chỉnh được hết.
Mặc dù topic này tôi chủ yếu nói về ngôi chùa Việt, cụ thể hơn là chùa cổ đất Việt, chứ không bàn về lý luận tôn giáo, triết học. Tuy nhiên chắc phải đính chính lại những điều - theo tôi - là chưa đúng của bạn, kẻo mọi người có thể nhầm.
@ Manhhung & Zanghoang: Topic cũng không đến nỗi cứng nhắc là cứ phải hết phần này mới đến phần khác. Bạn có thể xen lẫn những bài viết, bức ảnh bạn tâm đắc, hoặc những vấn đề bạn quan tâm thì bạn có thể viết câu hỏi vào đây, mọi người sẽ cùng thảo luận trả lời. Tôi biết được điều gì sẽ xin cố gắng hết sức trả lời bạn.
1. Cách gọi Đại thừa - Tiểu thừa là một cách gọi sai, và nên loại bỏ. Khi tư tưởng Đại thừa (cỗ xe lớn) phát triển, phái này có xu thế gọi những phái khác với họ là Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ) với ý coi thường. Do đó cách gọi Tiểu thừa là không có trong chính thống, không phù hợp.Về mặt giáo lý tư tưởng
Căn bản là tư tưởng phật giáp của chúng ta chia ra 2 trường phái. ĐẠI THỪA (NAM TÔNG) và TIỂU THỪA (BẮC TÔNG).
...
Vậy cơ ĐT và TT khác nhau chổ nào.
THỪA: Tiếng Hán là chiếc xe, cỗ xe.
Người tu theo tư tưởng Đại Thừa thì họ tu để PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH. Tức là tu để cứu khổ cho nhân loại.
Còn những người theo tư tưởng TIỂU THỪA thì họ tu với tiêu chí cứu mình trước. Tôi không bàn chuyện chúng sai của 2 tư tưởng này.
2. Cách gọi thông thường hiện nay là Đại thừa - Mahayana (Bắc tông, Bắc truyền) và Nguyên thủy - Theravada (Nam tông, Nam truyền).
Bạn nhầm lẫn giữa Nam và Bắc.
Cách gọi chính xác là Phật giáo Phát triển và Phật giáo Nguyên thủy.
3. Cách mà phái Đại thừa nhìn phái Nguyên thủy, cho rằng họ tu cho mình trước, và tự đề cao mình tu cho mọi người như đa số người Việt Nam hiểu hiện nay, cũng chỉ là cách nhìn sai lệch, chịu ảnh hưởng của Đại thừa Trung Hoa, là điều cũng nên xem xét lại.
Người theo phái Đại thừa đôi khi vẫn đánh giá không khách quan như vậy, điều này theo tôi là rất không nên với người tìm hiểu.
Tốt nhất là bạn nên đọc sơ lược trang web nổi tiếng này: Wikipedia: Lịch sử Phật giáo
Last edited by Chitto; 27-05-2009 at 14:45.
Về mặt giáo lý tư tưởng
Căn bản là tư tưởng phật giáp của chúng ta chia ra 2 trường phái. ĐẠI THỪA (NAM TÔNG) và TIỂU THỪA (BẮC TÔNG).
Đại THỪA là do vua LÝ THÁI TỔ khởi xướng (TRUNG QUỐC,now 82% tăng ni phật thử tu theo ĐT ở VN)
Tiểu Thừa là tưởng du nhập từ ẤN ĐỘ, (Bà con với khất sĩ)
1. Tôi chưa bao giờ nghe / đọc thấy tài liệu nào nói Đại thừa từ Lý Thái Tổ. Không hiểu bạn lấy thông tin mới mẻ này từ đâu.
Tôi đọc thì chỉ biết rằng tư tưởng Đại thừa xuất hiện từ lần Kết tập kinh điển thứ hai của Phật giáo, khoảng 400 năm TCN, khi tăng chúng chia làm hai phái là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Đại chúng bộ chính thức thành Đại thừa sau Tổ Long Thọ với bộ Đại thừa Khởi tín luận. Đại thừa truyền sang Trung Hoa và cả Việt Nam gần như cùng lúc, thậm chí có người cho rằng vào VN còn trước TQ. Tuy nhiên sau đó phát triển rất mạnh ở TQ, và rồi truyền lại vào VN, nên ta mới gọi là Bắc Truyền.
Như thế thì Đại thừa Phật giáo có trước Lý Thái Tổ đến 1400 năm.
(Tự nhiên nhớ đến trước đây bạn nào copy từ trang web về đạo Tứ phủ nói rằng tượng Phật chùa Quỳnh Lâm có 360 viên đá lấy từ các đền thờ các thánh Việt Nam nên linh thiêng lắm..., nghĩ lại vẫn thấy buồn cười)
Không biết bạn hiện sống ở đâu, và nhìn thấy tu sĩ Nguyên thủy mặc đồ nâu khi nào? Cá nhân tôi thấy tăng sĩ Phật giáo Nguyên thủy (Thái, Cam, Lào, Miến, và miền Nam) đều mặc y màu vàng đậm, đậm sang màu cam, và nâu đỏ.
Phái Bắc Tông thì mới nhiều màu: nâu, xám, vàng. Các vị tăng Việt Nam bình thường đều có thể mặc áo màu nâu, khi hành lễ thì khoác y màu vàng, choàng cà sa vàng hoặc đỏ (tùy vai trò). Ni giới thì khi hành lễ mặc áo màu ghi, khoác cà sa vàng.
...
Ôi, tạm mấy điều thế thôi. Chuyện con rồng trên mái của bạn thì tôi đã viết rất kĩ từ lâu rồi, chuyện kiến trúc của bạn, tôi viết ra e là dài dằng dòng và lạc đề quá xa mất rồi.
Last edited by Chitto; 27-05-2009 at 14:49.
Đúng là tôi cũng nghe lần đầu "trùng diêm bất trùng lương"
Diêm, hay Thiềm - là mái nhà. Trùng diêm, trùng thiềm, hay chồng diêm là hai tầng mái, hay mái kép.
Lương là cái xà nhà, thượng lương là xà nóc trên cùng. Đã là Chồng diêm thì tất nhiên phải có cùng xà nóc, nên nói Trùng diêm Trùng lương là thừa phần.
Có kiểu kiến trúc "trùng thiềm điệp ốc" thì lại không nhất thiết là hai tầng mái, mà là kiến trúc hai (hay nhiều) tòa nhà nằm sát nhau, các mái được nối với nhau, thành ra cái thế : mái tiếp mái, nhà nối nhà, nên mới gọi là trùng thiềm điệp ốc.
Như chùa Thiên Mụ ở Huế, chính điện là hai tòa nhà ngang nối sát với nhau, bước vào trong thì các mái nối mái. Còn chùa Tây Phương, Kim Liên ở Hà Nội thì các tòa nhà và mái cách nhau, tạo thành một khoảng không gian ở giữa, thì không phải trùng thiềm điệp ốc.
Nói về kiến trúc chùa, thì nên nói về chùa cổ, miền Bắc và Huế thôi, còn miền Nam đều là làm sau này bằng bê tông cả, không phải kiến trúc cổ.
Giờ mới đọc đoạn sau của bác này bên topic khác. Nếu đúng thế thì chịu khó tìm tòi như bác là điều đáng quý. Có điều, theo mình thì đừng vội tham hiểu sâu quá về mấy cái lằng nhằng rắc rối khó nhớ như tôn giáo, triết lý, kiến trúc cổ... làm gì vội.
... Mình còn trẻ thôi, mình mới về sống và làm việc ở VN đây. Mình không biết nhiều điều lắm về đất nước của mình. Ba mẹ thì ít khi nói đến...
Mình tự học mọi chuyện về nước Việt mình. Khó nhất là phần lịch sử. Sao mà nhiều vua quá trời đặc biết là nhà Nguyễn và Lý....
Tuy nhiên nói thiệt(thật) là còn nhiều cái các bạn viết mình đọc rồi nhưng không hiểu nhiều lắm.
Mình chính thức học tiềng việt được 5 năm nay từ ba mẹ, và các staffs của mình, Mình đang có một cô giáo trường gì đó (quên tên rồi) dạy TV và nhiều cái thứ khác.
Mình nghĩ tham gia forum này sẽ giúp mình có nhiều may mắn xài tiếng mẹ sinh tốt hơn.
có gì sai sót mong các bác chỉ giùm (tui biết chữ Giùm này đúng 100%)]
cảm ơn các bác vô cùng
Last edited by Chitto; 27-05-2009 at 16:28.
Bức tượng chùa Phật Tích sẽ được tạo nên từ những khối đá như thế này, mỗi khối nặng gần 3 tấn. Tất cả là đá xanh Thanh Hóa. Đá xanh xứ Thanh luôn được đánh giá là tốt nhất. Loại hạng 1 dành để tạc tượng thờ, làm hương án, bia mộ. Tiếp theo là làm lư, đèn đá,..., cuối cùng là lát đường, làm bậc thang. Bậc lên tượng chùa Phật Tích cũng được lát bằng đá xanh xứ Thanh.
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:15.
Hôm đó tôi còn gặp nhân vật này, có vẻ ông cũng là một người lập dị, cũng thích thú khi người ta chụp ảnh mình. Tôi thì không chụp trước mặt, mà chỉ chụp sau lưng ông thôi.
Bài báo về ông: Dị nhân đội tóc rồng
Thời kỳ gần đây, Phật giáo nhận được sự ưu ái rõ rệt của nhà nước. Tại miền Bắc đã quy hoạch bốn ngôi Đại Danh Lam, có thể coi như bốn Quốc tự:
1. Quần thể Phật Tích
Chùa Phật Tích là cổ nhất trong cả 4, với nhiều di vật đời Lý nhất, nằm ở phía Đông Bắc của Hà Nội, thuộc vùng Luy Lâu xưa, được cho là nơi Phật giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên.
Tại đây có pho tượng cổ đẹp nhất, và đang dựng pho tượng Phật bằng đá lớn nhất. Tâm điểm là thờ Phật A Di Đà
2. Quần thể Yên Tử
Hình thành cuối đời Lý đầu đời Trần, nổi tiếng với vị vua mà gần đây được tôn vinh tột đỉnh Trần Nhân Tông, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử còn nhiều di tích đời Trần như Tháp tổ, gạch cổ. Chùa Đồng mới làm là chùa bằng đồng đầu tiên và hiện là lớn nhất. Sắp tới lại có pho tượng Trần Nhân Tông bằng đồng trăm tấn dựng trên núi.
Tâm điểm là thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông.
3. Quần thể Chùa Hương
Hình thành muộn nhất trong số 4 chùa, nhưng có lễ hội lớn và dài nhất, với cảnh quan phong phú nhưng cũng lộn xộn loạn xạ nhất.
Tâm điểm là thờ Quán Thế Âm.
4. Quần thể Bái Đính
Theo lịch sử thì chùa cổ có từ đời Lý, nhưng chùa mới thì mới dựng mấy năm nay, đạt nhiều kỷ lục Việt Nam: tượng đồng to nhất, chuông đồng lớn nhất, nhiều tượng đồng lớn, tượng đá lớn, tam quan gỗ, giếng, tòa điện to... nói chung là hoành tráng.
Trong mấy nơi này, về chính thức chỉ có chùa Hương là chưa đón nguyên thủ về thăm thì phải.
Theo tôi là có đấy.
Nghĩa trang thì là nơi quy tập hài cốt rồi. Đài tưởng niệm thì đúng như tên gọi, chỉ có tính chất "tưởng niệm", ghi nhớ công ơn; không có tính chất và chức năng cầu cúng, lễ bái, thờ phụng. Do đó đài tưởng niệm thường chỉ có 1 bát hương nhỏ, còn khi đến thì viếng bằng vòng hoa, thể hiện sự tưởng nhớ, biết ơn.
Còn một khi lập Đền, thì đã mang tính tâm linh, thờ cúng, lễ bái. Vào đền, bên cạnh hương hoa, còn có lễ vật khác. Khấn vái trước đền, không chỉ tưởng nhớ công ơn mà còn có thể có văn tế, nghi thức đầy đủ. Có thể áp dụng các hình thức cúng lễ của Phật giáo, tín ngưỡng bản địa... tại đền.
Điều quan trọng hơn, khi lập thành Đền, thì tức là đã coi Anh linh của Liệt sỹ đã thành Thần - Nhân thần. Điều này trước kia không được chấp nhận và bị coi là mê tín dị đoan. Một khi đã là Thần, thì ngoài việc sống hi sinh vì nước, mất đi anh linh cũng bảo hộ cho đất nước, cho làng xã.
Điều này thể hiện tư tưởng đã thoáng hơn, chấp nhận tín ngưỡng thờ cúng người có công.
Dưới thời phong kiến, người tử trận là Tướng lĩnh thì mới được lập đền thờ, còn binh lính thường coi như cỏ rác không được nói đến. Ngày nay thì khác. (Đôi lúc còn ngược lại, tướng lĩnh thì "không tiện" lập đền thờ như liệt sỹ).
"Cái mới xây" bạn chụp góc hẹp quá nên không thể nhận hết được ý nghĩa của "nó". Bạn có thể cho biết rõ là chụp ở đâu, bao giờ, và bên trong như thế nào được không?
Tất nhiên nhìn thì thấy đây là một ngôi tháp, nhưng là bao nhiêu tầng, theo kiểu gì... thì nhìn ảnh không thể hiện được. Chỉ có cái mái cong bên trên cùng còn cho thấy nó liên quan đến đền chùa.
Nếu là tháp trong chùa, thì trước kia chỉ có mấy loại: Tháp Phật, Tháp Cửu phẩm và Tháp mộ (hoặc thờ vọng). Gần đây thêm kiểu tháp Thờ vong nữa.
Tháp Phật - còn tượng trưng cho cả Thế giới - đặt tượng Phật ở giữa, hoặc nếu có nhiều tầng gác thì để nhiều tượng Phật. Tiêu biểu là tháp Phổ Minh, tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, gần đây là tháp ở Ngũ Hành Sơn, tháp chùa Trấn Quốc. Tháp Cửu phẩm chín tầng tượng trưng cho Tịnh độ.
Tháp mộ sư thì cao hay thấp, nhiều tầng hay ít tùy quan niệm. Tháp đá xây cao có tháp chùa Hàm Long, hay gần đây là tháp đá chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn. Có tháp xây thờ vọng như tháp chùa Bút Tháp...
Cái tháp bạn chụp xem ra rất mới, cửa giả các phía đều to rộng. Theo tôi đoán nhiều khả năng là tháp thờ vong, một kiểu mới được một số chùa gần đây xây dựng. Tháp sẽ có tượng Phật, tượng Địa Tạng bồ tát, và là nơi để các di ảnh, bài vị, ký thác ở chùa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét