Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Chùa Đất Việt (3)



TOPIC GỐC: CHÙA ĐẤT VIỆT

Trang 41: http://www.phuot.vn/threads/1296/page41

Chùa Thầy

Cách Hà Nội không xa (và nay thuộc Hà Nội), là một ngôi chùa - mà theo tôi - có giá trị về lịch sử, nghệ thuật, cảnh quan... đứng hàng đầu trong tất cả các ngôi chùa đất Việt. Ngôi chùa ấy được quen gọi là chùa Thầy, tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm dưới chân núi Sài Sơn.

Không biết bao nhiêu lứa học sinh Hà Nội đều đã từng háo hức đến chùa Thầy, từ những thuở kẽo kẹt xe đạp đèo nhau. Mười tám năm trước tôi lần đầu đạp xe đến đây, năm mươi năm trước mẹ tôi cũng vậy... Chùa Thầy như một dấu ấn khó quên trong cuộc đời học trò.

Ngày nay hiểu biết hơn, tôi càng thấm hơn giá trị của ngôi chùa cổ có một không hai này. với những chiều sâu tâm thức của nó.

Tiếc rằng người dân nơi đó không phải là người hiếu khách, và cũng có không biết bao nhiêu lượt người đã từng bị lừa đảo, ăn chặn, hành hung... nơi đây. Có một người Sài Sơn đã từng nói với tôi: Sài Sơn rất đẹp, nhưng người Sài Sơn sống không đẹp. Hi vọng điều này sẽ được thay đổi dần, còn giờ đây, mỗi khi đến đây, tôi đều phải cảnh giác.


Hình ảnh kinh điển này của chùa Thầy không còn nữa. Hai cây gạo đều đã chết và bị đốn bỏ, thay vào đó là hai cây đa. Vậy là màu hoa gạo đỏ mỗi tháng ba âm lịch đã tắt.


(Ảnh sưu tầm)







Tại sao ngôi chùa này đặc biệt đến thế? Nó đặc biệt bởi vì nhiều lẽ lắm, mà có lẽ tôi sẽ kể dần dần.

Người ta viết về chùa Thầy hay kể từ ngoài vào trong, còn tôi thích nói từ trong ra ngoài...

Về kiến trúc còn lại đến nay, ngôi chùa này hình như là duy nhất còn lại trên đất Việt theo kiểu Nhất - Công, ngoại Quốc. Chùa chính có 3 tòa nằm ngang, giống kiểu chữ Tam, gồm 3 chùa Hạ, Trung, Thương. Thế nhưng hai tòa chùa Hạ và chùa Trung lại được nối với nhau bởi một tòa dọc (ống muống), tạo thành chữ Công, còn tòa Thượng lại đứng tách hẳn ra. Và chính tòa Thượng điện này mới là Tòa nhà mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhất mà không ngôi chùa, không công trình thứ hai nào ở Việt Nam có được.

Chùa Hạ và chùa Trung - giống các ngôi chùa truyền thống Bắc bộ, là nơi thờ Phật. Bàn thờ chính đặt ở chùa Trung, với những pho tượng khá đẹp, nhưng nhỏ nhỏ thôi. Trên cùng là tượng Tam Thế, dưới là tượng Tuyết Sơn với A Nan, Ca Diếp hầu hai bên, dưới nữa là Di Lặc với Quan Âm và Địa Tạng hầu hai bên. Dưới nữa là Chuẩn Đề ...

 


Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:13.


Quote Originally Posted by MANHHUNG Xem bài
... trước cổng chùa có cây đa hiện trong bối cảnh đẹp lắm, nhưng nay do sửa chữa nhiều quá theo em làm cây đa "mất giá". ..

Cây đa vẫn đẹp lắm chứ, bác






Quote Originally Posted by Chitto Xem bài
Ngày nay hiểu biết hơn, tôi càng thấm hơn giá trị của ngôi chùa cổ có một không hai này. với những chiều sâu tâm thức của nó.
Quote Originally Posted by vietanh777 Xem bài
Vào Chùa Thầy em ưng nhất Chùa Thượng
Điều tôi muốn nói cũng chính là tòa Chùa Thượng của Chùa Thầy. Trong khi chùa Hạ và chùa Trung được nối với nhau bởi ống muống, thì chùa Thượng, hay Thượng điện được tách hẳn ra, và nền cũng cao hơn hai tòa chùa kia, vì đây là nơi thiêng liêng nhất.

Tòa nhà này thờ Di Đà tam tôn, và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị sư đã được gọi là Thánh Láng, từng được coi là một trong Tứ Bất Tử, sánh ngang với Thánh Tản, Thánh Gióng, Thánh Chử, trước khi nhường chỗ cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ 16.

Từ Đạo Hạnh là vị sư đã từng tu ở đây, dựng am Hương Hải. Tương truyền có hai phiến đá, một đen một trắng là do ngài đặt yểm. Tảng đá trắng nằm cuối chùa Thượng, nhô lên khỏi nền; tảng đá đen nằm cuối chùa Trung, ngang bằng nền. Sau vua Lý Nhân Tông xây lại chùa với quy mô lớn, rồi được trùng tu nhiều lần, đặc biệt là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan vào thế kỷ 16, rồi vào thế kỷ 17, còn nhiều lần trùng tu nữa.

Chính vì thế, trong chùa có dấu ấn của tất cả các triều đại phong kiến tập quyền Việt Nam, mà di vật hiện có đều tập trung ở chùa Thượng.

Thượng điện chùa Thầy


Tòa Thượng điện, được treo tấm hoành "Đại hùng Bảo điện" rất lớn. Thực ra Đại hùng Bảo điện thường là điện thờ Phật Thích Ca, Phật Tam Thế, tức là nên ở chùa Trung, nhưng ở đây lại treo ở chùa Thượng.


 


Theo dòng lịch sử, thì tại tòa điện này còn những di vật đặc biệt sau:

- Tảng đá trắng, tương truyền do Thiền sư Từ Đạo Hạnh đặt, vào thời Lý Nhân Tông. (Có chỗ nói thì đến đời Lê mới đặt vào).

- Hai cây cột gỗ Chò vẩy và Ngọc am (tức là pơmu), được cho là từ đời Lý Nhân Tông, khi dựng chùa, và đã được gần nghìn năm rồi.

- Bệ đá hoa sen đỡ tượng Từ Đạo Hạnh là tác phẩm đời Lý (đã nói ở bài trước).

- Bệ đá hai tầng để tượng Phật có từ đời Trần, là bệ đá kép duy nhất còn lại từ thời đó đến nay, và là bệ đá lớn nhất. Cùng đời Trần còn có bộ lưng ngai của tượng Thánh Phụ (cha Từ Đạo Hạnh).

- Bệ để tượng vua Lý Thần Tông, và khám thờ tượng Từ Đạo Hạnh là tác phẩm từ thời Lê Sơ.

- Bộ tượng Di Đà Tam tôn từ đời Mạc, là bộ Di Đà tam tôn cổ nhất Việt Nam; tương truyền do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tiến cúng.

- Các bộ án thờ, hương án, hạc phượng thờ, long án, tượng tre Từ Đạo Hạnh đời Lê Trung Hưng

- Tượng Từ Đạo Hạnh ở giữa, vua Lý Thần Tông đời Nguyễn. Và nhiều di vật đời Nguyễn khác nữa.

Ngoài ra còn vô số di vật khác không kể hết được, và tôi cũng không nhớ hết được. Nhưng chỉ những gì phía trên thôi, đã có thể thấy đây có lẽ là tòa điện duy nhất ở nước ta còn lưu giữ được di vật của tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam, một kho đồ cổ vô giá.

(Sản phẩm đời nay thì cũng lắm, và mới nhất có lẽ là cái "donation box")
Last edited by Chitto; 30-03-2010 at 23:11.


Bộ Di Đà Tam tôn chùa Thầy được xác định là bộ tượng loại này cổ nhất ở Việt Nam. Có người xác định niên đại là đầu Lê Trung Hưng, cũng có tài liệu cho là tượng thời Mạc. Lại có thuyết cho là tượng do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tiến cúng. Dù thế nào thì tượng cũng trên 400 năm tuổi.

Điều đặc biệt của bộ tượng này là nó không giống bất kỳ bộ tượng Di Đà tam tôn nào về sau.

Bày chính giữa, cao nhất là tượng Phật A Di Đà rất lớn. Bên dưới lại có một pho A Di Đà khác nữa nhỏ hơn có niên đại muộn hơn gần trăm năm, và pho Thích Ca sơ sinh.

Tượng A Di Đà lớn không có chữ Vạn ở ngực, mà đeo nhiều đồ trang sức, hoa tai, vòng ngọc giữa ngực, khuôn mặt được điêu khắc rất đẹp và cân đối. 


 




Hai bên tượng A Di Đà là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Các pho này ở chùa khác nếu trong bộ Di Đà Tam tôn thì bao giờ cũng tạc giống nhau và có tính đối xứng. Nhưng bộ tượng chùa Thầy thì không.

Pho nhìn từ ngoài vào phía bên trái ngồi xếp bằng trên đài sen lớn, hai tay chắp lại. Quanh mình có rất nhiều dây anh lạc (như chuỗi ngọc), áo trùm ra cả đài sen mềm mại.

Còn pho ngồi phía bên phải thì ngồi chân phải co chân trái thả xuống thoải mái, tay trái để ngửa trong lòng còn tay phải cầm một cái phất trần, dáng ung dung tự tại thoải mái. Trên áo cũng rất nhiều dây anh lạc. Pho tượng không ngồi trên đài sen mà ngồi trên bục, áo trùm xuống. Pho này về kích thước cũng nhỏ hơn pho bên trái một chút.

Do đó bộ Tam tôn này mỗi pho có bệ ngồi khác nhau, đài sen của tượng Phật A Di Đà và đài sen tượng bên trái cũng khác nhau. Tôi có cảm giác rằng mỗi pho do một hiệp thợ làm, có cùng quy chuẩn nhưng được sáng tạo nên phong thái tượng khác nhau, do đó vừa độc đáo vừa thống nhất.

Ở tất cả các chùa khác, tôi chưa thấy bộ tượng nào được như thế.

 



(Tôi vẫn nghĩ rằng pho bên phải cầm phất trần là Quán Thế Âm bồ tát, pho bên trái chắp tay là Đại Thế chí bồ tát. Tuy nhiên lại có nguồn tư liệu nói ngược lại. Vì không đủ thông tin kiểm chứng chính xác nên chưa dám khẳng định).
Last edited by Chitto; 11-01-2011 at 16:32.


Đúng là cho đến trước khi viết bài trên, tôi vẫn nghĩ pho ngồi tòa sen là Đại Thế Chí, pho ngồi thõng chân là Quán Thế Âm. Tôi cũng đã từng thấy pho Quán Thế Âm ngồi thõng chân như vậy, cũng như trong các hình tướng của Quán Thế Âm cũng nhắc đến hình tướng này nhiều. Và trong bài trước kia tôi cũng viết thế.

Tuy nhiên, gần đây đọc trên một chỗ khác, theo link này: http://giacngo.vn/vanhoa/2009/07/09/77C440/ thì nói rất rõ pho Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen, pho Đại Thế Chí ngồi thõng chân. Tuy rằng nó trái với suy nghĩ của tôi, nhưng vì là báo đăng trên tạp chí có uy tín, nên tôi lại viết theo đó.

Do vậy, chính bản thân bài viết của tôi cũng có mâu thuẫn. Bản thân tôi cũng không tin là tượng "ngồi thõng chân" cầm phất trần từ 400 năm trước, vì phất trần không thấy xuất hiện mấy trong tượng Phật. Thế nhưng do bài báo trên tạp chí kia có vẻ đáng tin cậy, và tôi cũng chưa tìm được nguồn nào chính xác hơn, nên đành viết theo đó.

Quán Thế Âm vốn có rất nhiều hình tướng, có thể nói là nhiều nhất trong số các vị Phật và Bồ tát. Do đó tượng bắt ấn mật phùng, ấn hiệp chưởng, ấn cát tường, hay cầm pháp khí, ngồi, đứng... đều có thể xảy ra cả.

Về vấn đề này, có lẽ phải tìm nguồn khác chính xác và đáng tin cậy hơn nữa chăng?

Từ Đạo Hạnh

Chùa Thầy gắn với tên tuổi của sư Từ Đạo Hạnh, mà sự tích về ông có lẽ là kỳ dị nhất trong số các vị sư Việt Nam. Có nhiều sự tích không thống nhất.

1. Sự tích rằng Từ Đạo Hạnh là con ông Từ Vinh, bị pháp sư Đại Điên (hoặc Đại Diệu) làm phép hại chết. Từ Đạo Hạnh tức giận đi sang Thiên Trúc tìm học phép thuật nhưng không được, quay về núi Sài Sơn, vào hang núi đọc mười vạn tám ngàn lần chú Đà-la-ni, đạt được thần thông, quay về giết Đại Điên trả thù cho cha. Xong Từ Đạo Hạnh về chùa Láng, sang chùa Thầy tu hành. Đại Điên chết rồi lại đầu thai vào làm một đứa trẻ ở Thanh Hóa, cũng bị Từ Đạo Hạnh giết nữa. Sau đó Từ Đạo Hạnh bèn đầu thai vào làm con của em trai Lý Nhân Tông, mà vua này không có con trai, phải lấy con của em mình làm Thái tử, do đó khi Lý Nhân Tông mất thì hóa thân của Từ Đạo Hạnh lên làm vua, tức là Lý Thần Tông.

2. Từ Đạo Hạnh đi sang Tây Thiên cùng hai người bạn là Minh Không và Giác Hải, đến bến đò gần Tây Trúc thì hai người bạn lên trước, còn Từ Đạo Hạnh ở lại, gặp được thần nhân truyền pháp thuật, nên bỏ về trước, hai người bạn về sau. Đến giữa đường thì có con hổ nhảy ra vồ Minh Không và Giác Hải, hai người cười, vì đó chính là Từ Đạo Hạnh biến hóa trêu bạn.
Giết xong Đại Điên, Từ Đạo Hạnh chán thế sự nên mới vào Sài Sơn lập chùa tu hành, dạy dân làm rối nước. Sau đầu thai vào làm vua Lý Thần Tông, bị bệnh hóa hổ, Minh Không quay lại chữa bệnh cho.

3. Minh Không là đệ tử của Từ Đạo Hạnh, trước khi hóa, Từ Đạo Hạnh dặn hai mươi năm sau đến chữa cho mình. Minh Không về sau đến chữa cho thầy, và do đó được tôn là Quốc sư.

(Một số chùa thờ ba vị Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải làm Lý triều Tam Thánh tổ).

Điều rất đặc biệt là ở gần chùa Láng thờ Từ Đạo Hạnh, còn chùa Duệ thờ Đại Điên. Và cả hai đều được tôn là Thiền sư cả.



Như vậy, Từ Đạo Hạnh có cả yếu tố Đạo giáo, Phật giáo, Vương quyền. Những chi tiết như phép thần thông, đầu thai,..., mang màu sắc Đạo giáo, hoặc Phật giáo Mật tông. Giai đoạn tu hành trong núi thì được tôn là Thiền sư, tức là Thiền tông.

Bên cạnh đó ông cũng làm thuốc cứu người, dạy dân chúng nhiều điều, sáng chế ra trò rối nước, nên được tôn là Thầy của cả một vùng này, chùa ông lập do đó cũng gọi là chùa Thầy. Từ Đạo Hạnh đồng thời cũng là vị Thánh, Thánh tổ, đóng vai trò một vị thần phù hộ.

Vì vậy, thời Lý ông được xếp vào một trong Tứ Bất Tử - 4 vị Thần thánh tối cao của người Việt. Đến đời Lê, với sự ra đời của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì ngôi vị của ông nhượng lại cho Mẫu Liễu Hạnh.

Trong thượng điện chùa Thầy, có 3 tượng thờ rất đặc biệt, thờ 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh: Kiếp Thánh, kiếp Thiền sư, và kiếp Vua.

Từ trái sang: Kiếp vua (Lý Thần Tông): đội mũ bình thiên, ngồi trên ngai vàng
Kiếp Thiền sư: ngồi trên bệ đá đời Lý
Tượng kiếp Thánh là đặc biệt nhất, ngồi trong một khám gỗ rất đẹp. Tượng có cốt bằng tre, phủ vải và sơn, giống kiểu một con rối, có thể cử động đứng lên ngồi xuống được. Xưa kia các nghệ nhân làm tượng đặt hệ thống xích kéo, để khi mở khám thì tượng đứng dậy; nhưng đời sau một vị quan ở đây bảo: "Thánh thì không phải đứng dậy chào ai cả", mới bỏ hệ thống truyền động đi, từ đó tượng ngồi mãi.


Last edited by Chitto; 11-01-2011 at 16:36.



Chùa Thầy không chỉ có tòa thượng điện. Cả ngôi chùa là một công trình gỗ đẹp. Các chạm khắc, cấu kiện đều rất đẹp.

Tòa nhà Tổ đằng sau cũng là chứa nhiều cổ vật quý giá, từ những pho tượng Tổ, tượng Hậu, tượng Mẫu,..., phần lớn đều có niên đại vài trăm năm, được bày kín 5 gian thờ. Xung quanh là hành lang với các pho tượng La hán, rồi các pho Đức Ông, Hộ Pháp đều hiếm có.

Chùa Thầy từ lâu đã trở thành một chốn tổ thiêng liêng của Phật giáo miền Bắc và cũng là của cả nước. Tôi đã đọc về một nhà sư ở miền Nam đã thỉnh một cái mõ từ chùa Thầy, và đội trên đầu liên tục trong suốt quá trình đi về chùa của mình ở miền Nam, ngay cả khi ngủ cũng không nằm, mà ngủ ngồi và để mõ trên đầu, thể hiện lòng thành kính.


Khung cảnh chùa Thầy tựa vào quả núi Sài Sơn, nhìn ra Long Chiểu. Ba tòa chùa ngang, hai cây cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên ở hai biên.

Cầu Nhật Tiên nối sang đảo Tam Phủ, nơi thờ thần Tam phủ của tín ngưỡng đạo Mẫu. Cầu Nguyệt Tiên nối lên lối lên núi, là nơi có chùa Cao, hang Thánh hóa nơi Từ Đạo Hạnh trút xác, lối lên Chợ Trời, hang Cắc Cớ, hang Gió, chùa Một Mái...


Nhìn gần hơn chùa Thầy giữa tán cây




Quote Originally Posted by thocnep Xem bài
- Ba pho tượng Phật với ba gương mặt từ trẻ tới già, nhưng ở dưới bức tượng Đạt ma sư tổ bằng đá đen
Không phải là ba pho tượng Phật bạn ạ. Phật thì không thể ngồi dưới Đạt Ma tổ sư được. Đặc điểm của tượng Phật thì nhiều, nhưng dễ thấy nhất là phải có tóc xoắn ốc trên đầu, có "bạch hào" giống cái nốt ruồi giữa trán, và phải ngồi trên tòa sen.

Ba pho tượng màu trắng mà bạn chụp là Trúc lâm Tam tổ, ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ngồi giữa là Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, hai bên thì vị trẻ hơn là Đệ nhị tổ Pháp Loa, vị già hơn là Đệ tam tổ Huyền Quang (tam tổ còn lớn tuổi hơn nhị tổ).

Vì cả ba đều kế thừa dòng Thiền Tông, nên ngồi dưới Đạt Ma tổ sư là Tổ thứ 28 dòng Thiền tông nói chung, và Tổ thứ nhất dòng Thiền ở Trung Hoa.


Quote Originally Posted by tranquang Xem bài
Ông bạn quên một cái Huyền Thiên quán ở phố Hàng Khoai à?
Cái Huyền Thiên Cổ quán ở phố Hàng Khoai đã biến thành Chùa Huyền Thiên từ lâu mất rồi, không còn là của Đạo giáo nữa.

Các vị Tổ truyền đăng của Thiền phái Trúc Lâm có được liệt kê ở đây, tôi không thấy có Ngô Thì Nhậm.

Tôi nghĩ đã là Tổ sư Thiền phái thì phải là người Xuất gia, Ngô Thì Nhậm chưa bao giờ xuất gia, không thể là sư; hơn nữa Ngô Thì Nhậm sống sau Tổ Huyền Quang đến mấy trăm năm, không thể là Tứ tổ được.

Trong việc kế thừa, chỉ có một nghi vấn là Tam tổ có thể không phải Huyền Quang, vì ông già hơn Pháp Loa nhiều quá, thậm chí còn già hơn cả Sơ tổ Trần Nhân Tông những 4 tuổi. Ít ai lại truyền sự nghiệp cho người còn già hơn cả sư phụ mình !

Có thuyết cho rằng Đệ tam tổ phải là Thiền sư Kim Sơn; còn việc tôn Huyền Quang là Tam tổ chẳng qua vì công lao rất lớn của Huyền Quang, chứ không phải vì Pháp Loa truyền chính thức cho ông.
Last edited by Chitto; 11-11-2009 at 11:57.


Quote Originally Posted by tranquang Xem bài
rất nhiều thư tịch tôn xưng ông là Trúc Lâm đệ tứ tổ ..
Còn chuyện truyền y bát cho Huyền Quang Lý Đạo Tái thì nhiều tài liệu nói.
Tôi không nghiên cứu tư liệu cổ nên không rõ tài liệu nào gọi Ngô Thì Nhậm là Tứ tổ cả. Theo tôi cách gọi như thế - nếu có - chỉ là cách gọi cho đẹp, kiểu như "xứng đáng được xếp vào hàng Tứ tổ", "có thể coi là Tứ tổ" chứ không thể là Tứ tổ chính thức. Vì đã chính thức thì phải tiếp nối thứ tự các vị Tổ; không thể nhảy cách hơn 400 năm mới lại lập ra.

Việc gọi tâng bốc họ Ngô làm Tứ tổ, cá nhân tôi thấy không hợp lý. Dù có viết sách hay đến đâu, đã không xuất gia, không thể làm Sư tổ. Có thể cả đời sát sinh, một ngày bỏ đao quay đầu chứng quả; nhưng chưa từng thụ giới thì cũng chỉ có thể là một Tác giả, Tác gia, không thể là Thiền sư. Dù rằng cái Danh là vô thường, nhưng khi Viết ra, Nói ra thì vẫn cần phải có cái Danh và Chính Danh.

Về Tam tổ Trúc Lâm, tôi cũng chỉ nói "có thuyết", vì đó là thuyết của ông Lê Mạnh Thát, tức Thượng tọa Thích Trí Siêu.

hoagao's Avatarhoagao 

Nơi du nhập Phật giáo đầu tiên vào Việt Nam?

Tối hôm qua em xem truyền hình Hải Phòng nói về việc mới trùng tu lại Chùa Hang, hay còn gọi là Cốc Tự ở Đồ Sơn (ngay mặt đường vào khu 1) và được biết rằng đó là nơi du nhập Phật Giáo đầu tiên vào Việt Nam trước cả khi đến với TQ!!

Nghe 1 bác được phỏng vấn nói rằng: Có một vị thiền sư đã đến và ngồi thiền ở khu vực hang này (hơn 2000 năm trước???) rồi sau đó người ta lập chùa.

Em thì vẫn nghĩ Bắc Ninh mới là đất Phật vì ở đó có chùa Dâu - trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

Bác có thông tin gì về vấn đề này, bác giảng giải cho em hiểu thêm với.

Em cảm ơn!


Có đến vài nơi được cho rằng là nơi Phật giáo lần đầu vào Việt Nam, mỗi tội đều lấy chứng cứ từ huyền sử hoặc dã sử chứ không phải chính sử, vì vào thời đó làm gì có chính sử cho nước Việt !

Có thuyết cho rằng trong truyện Chử Đồng Tử, thì ông đã gặp sư Phật Quang trên hòn đảo Quỳnh Viên ngoài biển, đó là người truyền Phật giáo vào đầu tiên từ thời Hùng Vương. Nhưng đảo Quỳnh Viên ở đâu, thì cả Thanh Hoá lẫn Đồ Sơn đều giành về của mình. Nhưng truyện Chử Đồng Tử chân thực đến mức nào ?

Có thuyết nói xưa đất Tây Thiên (dãy Tam Đảo) có chùa Địa Ngục thành Nê Lê, nên nói Phật giáo đầu tiên vào đây. Nhưng cũng chỉ là những ghi chép rời rạc trong các bộ sách sử xuất hiện sau đó cả nghìn năm !

Hơn nữa, vào thời xa xưa đó, làm gì có khái niệm nước Việt Nam !!! Nước Việt huyền sử thời Hùng Vương là một vùng không rõ ràng từ trung du xuống đồng bằng...

Hiện tại sử gia chấp nhận rằng Phật giáo vào vùng trung du và châu thổ sông Hồng theo cả đường bộ từ đất Miến - Lào sang, và đường biển từ phía Nam lên. Nhưng bên nào vào trước, và chính xác là vào chỗ nào, thì không đủ bằng chứng chính xác chứng minh.

Trung tâm Luy Lâu thực sự được công nhận vì được ghi vào Chính sử, và để lại di tích khảo cổ đem lại bằng chứng vật thể. Còn các truyền thuyết kia, ai thích thì cứ bám vào, cũng khó cấm.


Quote Originally Posted by hylong Xem bài
...cho e hỏi sao a biết đầu đao thứ 3 trong cùng lại là con Si Vẫn- trong khi đầu đao ngoài cùng cũng có 1 con mà lại là rồng chứ không phải Si Vẫn (Li Vẫn) ...
Thực ra đó cũng chỉ là lúc "hứng chí" khi viết đến đó, dựa trên suy luận chủ quan thôi, vì tôi cảm giác cái con vật đó có thân hình không đủ dài như rồng.

Tuy nhiên bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ con đó có thể vẫn là con rồng. Vì người Việt mình không cầu kì rắc rối như Trung Quốc, chỉ cần tứ linh Long lân quy phượng là đủ rồi, không phải sử dụng đến Si vẫn, Trào phong... trên mái công trình. Mái đình chùa đền đài nhà mình toàn là Rồng, Lân, cá chép cả.

Cũng như đội bia ở Việt Nam toàn là rùa, trong khi TQ thì là con Bị hí chứ không phải rùa; treo chuông thì là con Bồ lao, nhưng hình như ở VN cũng toàn là rồng cả.

TriMinh is offlinePhượt thủ   


Con Si Vẫn, hay người Việt mình gọi là con Ngạc Long, con Kìm thường đắp ngậm bờ nóc chứ ở tầu đao thì vẫn gọi là con rồng mà. Vì rằng tầu đao có nghê vờn ở gốc tầu, phượng mớm và rồng chầu. Trí Minh biết theo các cụ nghệ nhân thợ nề làm đình chùa vãn dùng từ đó. Cụ Chitto à theo Trí Minh biết thì quai chuông Việt mình vẫn gọi là con Bồ Lao đó chỉ có đội bia thì vẫn gọi là con rùa mà không gọi là con Bi Hí như Trung quốc. Nhưng ý cụ chitto là rất đúng vì người Việt ta thường dùng tứ linh thôi chứ ít khi làm rắc rối thành 9 loại con của rồng như Trung Quốc.

Quote Originally Posted by linhnam Xem bài
cho em spam cái!
theo em tìm hiểu thì hình anh post lên theo cách gọi của Phật Giáo là bộ ba Thích ca Tam Tôn : gồm thích ca - Bồ tát quan âm - Bồ tát đại thế chí, còn Tam thế phật : bộ ba tượng Phật đại diện ba thế giới Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai là A di đà - Thích Ca và Phật Di Lặc chứ anh?
không biết như thế nào là chính xác!
Thông thường Tam thế Phật 3 pho tương trên cùng được hiểu là 1000 đức Phật ở quá khứ Đại Bảo Trang Nghiêm kiếp, 1000 đức Phật ở hiện tại Hiền Kiếp và 1000 đức Phật ở tương lai Tinh Tú Kiếp.
Dưới đó là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, hay Di Đà Tam Tôn. Gồm A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Hình bác chụp chính điện Quán Sứ thì dưới Tây Phương Tam Thánh là Linh Sơn Tam Thánh gồm Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni, A Nan tôn giả và Ca Diếp tôn giả.
Cũng có chùa thờ Thích Ca Mâu Ni Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Phổ Hiền Vương Bồ Tát thì gọi là Hoa Nghiêm tam thánh ạ.


Quote Originally Posted by danelion131989 Xem bài
Đi ngược chiều kim đồng hồ ạ.
Ví dụ điển hình là động Hương Tích ý ạ 
Vòng quay vũ trụ là thuận chiều kim đồng hồ, kinh hành thì vòng quanh các tháp, quanh chùa, quanh núi theo chiều kim đồng hồ.

Còn chùa Hương (và có thể nơi khác) giờ đi ngược lại, theo tôi nghĩ có thể là do chúng ta đi bên phải đường. Người đông quá, để đi được thì phải đi theo phía bên phải mới không cắt vào nhau gây ách tắc. Do đi bên phải nên phải ngược chiều kim đồng hồ, rồi ra phía cửa bên kia. Dòng người (nhìn từ ngoài vào) thì vào cửa bên phải, ra cửa bên trái. Đó là quy định để không va chạm các dòng người.

Không phải chỉ chùa chiền mà nhiều nơi đều quy định đi ngược chiều kim đồng hồ là để đi theo đúng phía bên phải.

Ngày trước tôi đi vào động Hương Tích thì đi theo chiều kim đồng hồ. Vào cửa bên trái Đụn gạo, bên dưới chữ "Nam thiên đệ nhất động", vào bàn thờ chính trước, lúc đi ra mới qua chỗ hứng nước nhỏ từ trên xuống. Nhưng khi đó là hơn mười năm trước, không đông như bây giờ.


Các thủ ấn của tượng Phật

Trong Phật giáo và nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo, có những quy chuẩn được hình thành và áp dụng từ rất lâu, và vẫn tiếp tục trở thành quy định về sau.

Một trong những quy định quan trọng chính là tư thế của đôi bàn tay, được gọi là Thủ ấn (mudra). Các thủ ấn được quy định khá chặt chẽ: Thủ ấn nào chỉ dành cho Phật, thủ ấn nào dành cho Bồ tát, A la hán, hoặc chư Thiên, chư Thánh, Tổ sư... Bản thân mỗi thủ ấn cũng mang trong nó những dấu tích văn minh lạ lùng.

Các tượng Phật của Việt Nam thực tế không có nhiều thủ ấn lắm, và không đủ hết các loại thủ ấn của Phật giáo. Chủ yếu chỉ là ấn Thiền định, ấn Cát tường, ấn Niêm hoa, ấn Vô uý, ấn Bát ngưỡng, ấn Hiệp chưởng, ấn Mật phùng, ấn Chuẩn đề.

Còn rất nhiều loại thủ ấn khác như Kiếm ấn, Đại Nhật, Chuyển pháp luân, Xúc địa... thì rất hiếm, hoặc thậm chí không thấy tại tượng Phật cổ của Việt Nam. Chỉ gần đây, với sự giao lưu với các quốc gia khác, các dòng phái Phật giáo khác, mới xuất hiện các thủ ấn này trên tượng Phật.




Hôm nay đi một vòng qua mấy ngôi chùa: chùa Pháp Vân (Thường Tín), chùa Đậu, chùa Hội Xá, chùa Bối Khê, chùa Phật Quang.

Trong chuyến đi, giá trị nhất là gặp được cụ Tổ Hội, đại lão hoà thượng Thích Thanh Bích, là vị hoà thượng cao niên nhất của Việt Nam hiện nay. Cụ Tổ Hội năm nay (2010) đã 98 tuổi, tuy nhiên vẫn đọc sách được, vẫn tụng kinh, và hành lễ trên chùa.

Ở chùa miền Bắc, các vị Sư cụ có nhiều đệ tử, các đệ tử đều đã có đệ tử, và tuổi sư cụ đã cao, thì thường được gọi là Tổ. Và người ta không gọi các cụ bằng pháp hiệu, mà gọi bằng tên ngôi chùa các cụ ở.

Trước kia cụ Thích Thanh Bích trụ trì tại chùa Đậu, người ta gọi cụ là Tổ Đậu, sau chuyển sang chùa Hội Xá, nên gọi là Tổ Hội. Cụ Tổ Hội có đặc trưng nổi tiếng, là khi gặp các sư khác, bao giờ cụ cũng tự xưng là CON, cụ chào các sư khác: CON chào các thượng toạ !.

Vì cũng chỉ là đi chơi vãn cảnh, nên cũng chỉ vào chào cụ một câu, và xin phép chụp ảnh cụ. Cụ cười đồng ý, sau khi chụp ảnh cụ xong, cụ bảo : Dạo này ai cũng dùng cái này, đấy, bấm một cái là thấy NHÂN QUẢ xảy ra tức thì !



 


Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:57.

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by Vova Xem bài
Lâu lâu không vào, em đố bác Chitto đây là cái gì? 
Theo tôi đoán thì đây là mộc bản dùng để in. Tuy nhiên in cái gì thì chưa đủ rõ để nhận ra. Trong các ô kia - do là mộc bản nên ngược - không rõ là chữ hay hình biểu tượng. Nếu là hình biểu tượng thì có thể là biểu tượng cho 108 tướng của Phật. Cũng có thể là một bản chữ Phạn.

Tôi chỉ có thể đoán được thế thôi, không rõ thực tế nó là cái gì ?

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by Vova Xem bài
Em thật đoảng, đúng đó là bản mộc, nhưng trên bản mộc thì mọi thứ đều ngược. Em chụp ở chùa Bổ, nơi để bộ kinh khắc trên gỗ thị. Sư trụ trì nói đấy là bát quái, phức tạp hơn nhiều so với hình bát quái mà ta thường gặp bây giờ. Có cả một pho sách chỉ để giải thích về hình bát quái đó. Nhìn nơi để kinh, nhiều lúc em thấy ở nhà mình điều kiện để lưu giữ các di sản văn hóa kém quá. Kiểu như mấy thứ vũ khí cổ của nhà mình xem trong bảo tàng ở Pháp thấy đẹp hơn hẳn ở Việt Nam
À, phải rồi, vậy thì đó là mộc bản của một trang chú giải cho cái La kinh. Tuy nhiên La kinh bây giờ phức tạp hơn cái La kinh kia. Bản mộc La kinh mà bạn chụp mới có 8 tầng thì La kinh hiện tại đã có 16 tầng. La kinh dùng trong Phong thuỷ, xem tiết khí... và cần gắn với một Kim chỉ nam.

Lúc đầu tôi cũng ngờ ngợ là La kinh, nhưng vì nghĩ ở trong chùa, nên có thể là hình tượng các tướng tốt của Phật.



Việc bảo quản cổ vật của mình thì khỏi cần nói cũng biết kém cỏi thế nào. Nhìn ở đây còn khá, chứ sang xem bộ ở chùa La (Vĩnh Nghiêm) bày còn thảm hại hơn. Tôi cứ tưởng tượng nếu có hoả hoạn thì không biết làm sao.

Hô thần nhập tượng

Tối 25/9 tôi và một bạn đồng hành đã xem toàn bộ lễ hô thần nhập tượng pho Đại Phật tượng bằng đá trên núi Phật Tích. Đã nhắn tin và gọi rủ một loạt nhưng chả ai đi, nên chỉ có hai người. Nhưng như thế cũng gọn và tiện.

Tại TRANG 37, tôi có viết về pho tượng bằng đá rất lớn được dựng trên đỉnh núi, theo đúng nguyên mẫu của pho tượng A Di Đà gần nghìn năm tuổi của chùa Phật Tích. Năm ngoái khi đến thăm mới chỉ có bệ tượng và tòa sen, với hàng chục hộc đá rất lớn rải rác xung quanh đang tạc dở. Hoàn thành tượng sẽ cao tổng cộng 27m kể cả bệ, nặng 3000 tấn, đến 2500m3 đá được đục đẽo.

Đến nay, pho tượng đã hoàn thành phần Thân Phật, còn đài sen và bệ vẫn chưa chạm trổ xong. Vì thân Phật đã hoàn thành, và có lẽ cũng vì để kịp với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên lễ Khai Quang (hô thần nhập tượng) được tổ chức quy mô, huy động hơn 400 tăng ni trẻ làm lễ trì chú và hồi hướng, đều là tăng ni sinh của Học viện Phật giáo Sóc Sơn. Lễ Khai quang mà huy động được nhiều tăng ni như thế ở miền Bắc là nhất rồi. Tuy nhiên có lẽ vì PR chưa tốt lắm nên không nhiều người biết về lễ này.

Buổi chiều 4h30 từ Hà Nội chạy đi, trời đổ mưa to. Mưa lớn suốt dọc đường, nhưng đến khi gần vào khu núi thì không có mưa, khô ráo. Tối Khai quang quả thật là trời cực kỳ thuận lợi.

_________________

@TriMinh: Tôi đi du lịch là chính, chứ không nhắm mục đích lễ hay thăm ai. Chùa Ráng giờ tu sửa lại rồi, không còn nét cổ kính xưa nữa, nên tôi cũng cảm thấy không thích đến đó lắm nữa.
Last edited by Chitto; 26-09-2010 at 19:48.

Hô thần nhập tượng

Chùa Phật Tích đã xây lại mới nhưng theo kiến trúc cổ, hoàn toàn bằng gỗ. Chân móng ngôi tháp cổ đời Lý được bảo quản bên dưới nền chùa, chỉ đứng trên nhìn xuống chứ không xuống thăm được.

Đầu tiên vào thăm pho tượng Phật A Di Đà quý giá, là Quốc bảo của Việt Nam.



Sau đó theo con đường lát gạch trèo lên núi, bên đường là một hàng nến soi sáng lung linh.

Và trên đỉnh núi, Đại Phật hiện ra trong ánh sáng của những ngọn đèn sáng rực...

Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:53.

Re: Chùa đất Việt

Tối nay 9 giờ là lễ Khai Quang tượng Thánh Gióng ở đỉnh núi đền Sóc, bạn nào quan tâm thì nên đi sớm.

(Bài này sẽ xóa trong tối nay).

Hô thần nhập tượng

Trên đỉnh núi, pho tượng đứng sừng sững. Tại khoảnh sân bên dưới, các Phật tử bắt đầu vào ngồi kín, mỗi người có một cốc nến. Tôi đi lên phía trên sát chân tượng, hai bên cầu thang đều có công an đứng nhưng đi lại vẫn tự do. May mắn cho tôi là sau khi lên trên khoảng 20 phút thì bên dưới chặn toàn bộ mọi người, chỉ cho tăng ni và người có đeo thẻ lên thôi. Thế là tôi có một tối trọn vẹn ở vị trí cận cảnh, có góc nhìn tốt nhất. Nhìn lên thì tượng ngay cạnh, nhìn xuống thì cả núi Phật Tích và ánh đèn thành phố xa về tận Hà Nội.

Người ta cố gắng trùm một tấm vải đỏ thật lớn ngang qua tượng, sử dụng cả cái cần cẩu ở phía sau (vốn để cẩu các khối đá). Nhưng buổi chiều tối gió to quá, nên việc kéo vải rất vất vả.

Theo dự trù thì tấm vải sẽ căng chéo từ vai trái của tượng chéo xuống phía bên phải, trùm lên cả phần chân phải của tượng. Nhưng cuối cùng tấm vải không giữ được, mà bị tuột dần xuống, lại còn bị rách nữa.


6h30 tối, tăng ni hàng trăm người lục tục kéo lên núi...


Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:53.

7 giờ tối, chư tăng ni đã tụ tập đông đủ ngay trước tượng Phật lớn. Ở trước có một lễ đài sẽ dành cho các vị hòa thượng chủ trì lễ Khai quang, tôi đứng ngay bên đó, hạn chế đi lại vì cũng không còn chỗ nữa.

Tượng Phật sừng sững phía trên, bên dưới là các sư đang chuẩn bị


Các sư ngồi đông xung quanh chân tượng, nhiều người rút trong túi ra điện thoại, máy ảnh chụp ảnh pho tượng.


Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:54.

Hô thần nhập tượng

Bên dưới sân lễ dưới chân tượng Phật một đoạn là một sân khác, mà phật tử ngồi kín, thắp nến sáng lung linh. Lúc này quanh bầu trời vần vũ mây, và sấm chớp lóe lên liên tục, sáng rõ cả vùng. Tiếc rằng máy kém không chụp được ánh chớp rực rỡ ấy.


Đúng 7h30, tất cả tăng ni trên núi bắt đầu tụng bài chú Đại Bi. Bài chú bằng tiếng Phạn (phiên âm qua tiếng Hán), có đoạn thuần là hán văn. Nghe thì có cả kinh Bát Nhã và vài kinh khác. Tiếng kinh, tiếng mõ, tiếng chuông xen lẫn.

Tụng được một lúc thì Chủ tế là cụ Thích Thanh Sam, Phó pháp chủ, người đứng đầu Phật giáo Bắc Ninh; và cụ Thích Thanh Đàm, đứng đầu Phật giáo Ninh Bình mới đến. Có một cụ hòa thượng khác đã đến từ sớm, nhưng vì hai cụ trên chưa đến nên vẫn ở dưới. Lúc này ba cụ mới lên lễ đài chính, và cũng đọc kinh chú theo đại chúng.


Ba hòa thượng ngồi trên lễ đài cao nhất.

Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:54.

Điều đặc biệt là khi trên núi, dưới núi tiếng tụng kinh đang vang rền lên, thì bỗng một góc trời phía bên phải tượng Phật mây bỗng lộ ra một khoảng không. Và giữa những dải mây mỏng, ánh trăng vằng vặc rọi xuống, đẹp huyền ảo.

Lúc này ánh trăng hiện ra trong vắt, tôi bỗng nhớ đến câu: Chân lý như là ánh Trăng, lời của Ta chỉ là ngón tay chỉ Trăng, theo tay Ta mà tìm đến Mặt Trăng...

Ánh trăng sáng lung linh chỉ trong khoảng 15 phút của khóa lễ. Sau đó mây lại dần kéo đến, ánh trăng mờ dần đi. Các tăng ni tụng kinh được khoảng nửa giờ liên tục rồi.

Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:54.

Hô thần nhập tượng

Kết thúc trì chú, tụng kinh, hồi hướng, cụ Đại lão hòa thượng đứng dậy, cầm micro đọc câu dài ngụ ý cầu Quốc thái dân an thế giới hòa bình an lạc, đọc ba lần. Mỗi lần đọc xong trên núi dưới núi lại vỗ tay rào rào.

Xong rồi cụ cầm cây hương huơ bốn phương tám hướng, đọc bài chú gì đó tôi không rõ. Tiếp theo cụ trao mic cho cụ Thanh Đàm. Cụ Thanh Đàm đọc liên tục một bài chú tiếng Phạn khá dài, lên bổng xuống trầm. Trong lúc đó cụ Thanh Sam cầm hương, và một chiếc gương nhỏ chiếu về phía pho tượng. Nếu như pho tượng nhỏ thì sẽ dùng ánh sáng phản chiếu qua gương chiếu vào tượng (phủ vải đỏ). Nhưng tượng này lớn quá, nên chỉ chiếu tượng trưng, còn dàn đèn đồng loạt bật lên chiếu màu sắc loạn xạ lên tượng. Lúc này nhanh quá không chụp kịp. Cụ Thanh Sam tuyên "Phật tượng xuất thế" ba lần nữa, bài chú cũng đọc xong, cũng là lúc nghi lễ Hô thần nhập tượng chính đã xong, tượng đã có linh khí.

Ở sân lễ bên dưới, dàn chữ gắn pháo hoa cháy rực lên, dân tình ồ lên hoan hô rầm rĩ.

Lúc này vì đứng ngay cạnh lễ đài chính nên vô tình tôi biến thành chân chạy mic, vì các người khác đều đang quỳ cả, mà lúc đầu có một mic bị tịt, phải chạy sang chỗ các sư xướng lễ lấy mic lên.

Lễ hô thần nhập tượng như vậy đã là nhanh chóng và giản tiện đi nhiều lắm. Nghe nói trước kia các chùa làm lễ Khai quang cho tượng Phật mới phải kéo dài hàng giờ. Có nơi (như chùa Bích Động) kể là phải đến khi có ánh hào quang hiển thị (???) mới được, cho nên phải làm lễ đến 3 lần mới xong.

Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:54.

Hô thần nhập tượng

Xong phần Hô thần nhập tượng, thì tuyên sớ, bài sớ Hán - Việt đọc xong được đem đốt. Lại tuyên cáo đến tất cả chư thần linh, sơn thần thổ địa, bản cảnh thành hoàng, đến anh linh anh hùng, lại cả chủ tịch HCM nữa.

Trên đỉnh núi làm lễ chính đã xong, thì phía núi bên kia pháo hoa tầm thấp bắn lên rực trời. Có điều pháo nhiều khói quá, mù mịt cả. Các sư tăng ni xong lễ kéo ra xem đông nghịt. Người ở dưới núi đều reo hò khi có quả pháo nào đẹp.

Điều hay là xong lễ rồi thì trời bắt đầu có mưa.

Các sư tranh thủ lấy máy ảnh, điện thoại ra chụp pháo hoa, còn tớ thì chụp các sư


Tất nhiên đứng ở "hậu trường" đại lễ thì cũng có vài điều thấy sạn. Điều sạn nhất là sư có nhiều người hút thuốc lá phì phèo. Có một sư dáng vẻ khá khệnh khạng, trong lúc trên lễ đài đang xướng lễ thì sư kéo cái ghế ra đằng sau, ngồi khệnh ra rồi rút bao thuốc trong người ra châm lửa phì phà rất là hả hê, mở mồm nói với sư bên cạnh những câu rất thô thiển...

Last edited by Chitto; 07-11-2011 at 23:55.

TriMinh 

Re: Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Quote Originally Posted by Chitto Xem bài
Có hôm ngồi xem lại các ngôi chùa quanh Hà Nội, tôi nhận thấy có bốn ngôi chùa đều rất cổ ở ngoài Thăng Long, gần như chính xác bốn phương Đông Tây Nam Bắc, cách trung tâm Thăng Long khoảng 20km. Có thể coi đây như bốn ngôi Trấn Tự từ xa cho Thăng Long chăng?

Đầu tiên, ở phía chính Đông của Thăng Long, là chùa Dâu (Pháp Vân) ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được dựng từ thời Sĩ Nhiếp, thế kỉ 3. Nhiều lần các vua Lý, Trần, Lê đều về đây rước tượng Pháp Vân về Thăng Long để cầu mưa.

Ở phía chính Nam của Thăng Long, cách là chùa Đậu (Thành Đạo) cũng là ngôi chùa rất cổ, được dựng cũng trong thời Sĩ Nhiếp, rất linh thiêng với các lễ hội cầu đảo, và đến triều Lê thì có hai vị Thiền sư để lại tượng Nhục thân nổi tiếng.

Ở phía chính Bắc của Thăng Long là chùa Non (Sóc Thiên Vương), là chùa do Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu lập từ thế kỉ 10, tức là còn trước cả khi có Thăng Long. Chùa nằm ngay tại lưng ngọn núi mà Phù Đổng Thiên Vương lên trời. Khuông Việt đại sư là Quốc sư của ba triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là sư trụ trì chùa Khai Quốc.

Và cuối cùng, phía chính Tây của Thăng Long là chùa Thầy (Thiên Phúc), có muộn nhất, thế kỉ 12, do Thiền sư Thánh tổ Từ Đạo Hạnh dựng, nép vào chân núi Sài Sơn.

Bốn ngôi chùa này có lịch sử ngắn thì 900 năm, dài thì 1800 năm, đã ở đó như những chứng nhân, lúc hưng thịnh, lúc suy tàn. Tất cả đều không phải là nguyên bản, nhưng vẫn mang cái hồn đó, gắn liền với lịch sử thăng trầm, và có lẽ sẽ cùng với Thăng Long trường tồn.


Hôm trước có ngồi hầu chuyện thượng tọa chùa Cót,và cụ Lê Quốc Việt cả 3 người đều không tán thành với ý kiến về Thăng Long tứ trấn hiện nay. Và đều có ý kiến về Thăng Long tứ trấn tự như cụ Chitito, vì rằng khái niệm tứ trấn có lẽ xuất phát từ Phật giáo mà thời Lý, Trần Phật giáo lại là quốc đạo. Hơn nữa Thăng Long còn có những ngôi chùa mà chính tên của nó đã mang nghĩa "trấn" rồi cơ. Trấn Quốc, Hộ Quốc, Báo Quốc, Hưng Quốc, .... Còn nếu khái niệm tứ trấn có từ thời Lê lúc đó Nho Giáo và Lão Giáo cùng mạnh thì có lẽ nó phải là ngũ trấn. Khi xem một số sách dư địa chí cổ thì không thấy có nói về tứ trần Thăng Long mà chỉ thấy sách giới thiệu về đền chứ ko có nói là Trấn Bắc, Trấn Tây, Trấn Đông, Trấn Nam gì cả. Cụ Chitito có tư liệu gì không cho anh em tham khảo với. Cám ơn cụ trước.

Re: Chùa đất Việt

2 cụ đội mũ thất Phật cụ ngỗi giữa là Thích Thanh Sam Phó pháp chủ, cụ bên ngoài là Thích Thanh Dũng trụ trì chùa Hàm Long và Bổ Đà trưởng ban trị sự tỉnh Bắc Giang, cụ bên kia em ko biết chứ có thấy cụ Thanh Đàm đâu, bác Chít có nhìn nhầm hok vậy.

Re: Chùa đất Việt

Thực ra tôi không rõ chính xác, nhưng khi gửi ảnh thì người ta tự động chú thích vào là cụ Thanh Đàm. Ảnh khác của bác MANHHUNG chụp nè. Còn cụ ở xa nhất thì không rõ.



Thời khắc Hô thần nhập tượng (ảnh MANHHUNG)


Chùa Tảo Sách

Vậy là chính điện ngôi chùa Tảo Sách bên bờ Hồ Tây đã cháy hoàn toàn vào ngày 27/1/2011 vừa rồi. Dẫu biết vạn sự vô thường, nhưng cũng thấy xót xa cho một nếp chùa đẹp đến thế, với các pho tượng cũng có tuổi đời vài trăm năm.

Trước kia



Và bây giờ



Trước kia



Nay trống trơn


Mặc định Chùa Tảo Sách

Thương cho những pho tượng cổ, đã được hương khói hàng trăm năm, nay chỉ còn là khúc gỗ cháy dở...

..........

 


Re: Chùa đất Việt

Hôm nay xem chương trình S- Việt Nam ở VTV1: "Hành trình khám phá chùa Việt cổ"
Em tìm đường link của chương trình YouTube , chia sẻ với mọi người đọc topic này:

Chùa Dâu:



Chùa Bút Tháp:



Re: Chùa đất Việt

Tại clip thứ nhất về chùa Dâu, ông nhà văn Hoàng Quốc Hải (được giới tihệu là chuyên viết tiểu thuyết lịch sử) đã nói sai những điều sau:
1). Ông nói Tứ pháp từ bọc trong cây Dâu là sai. Toàn bộ sự tích Man Nương và Tứ pháp đều nói đứa trẻ mà Man Nương sinh ra được bỏ vào cây Dung Thụ, tức là cây Đa già, chứ không phải cây dâu.

2). Ông nói tháp Hòa Phong với Phong nghĩa là gió thì sai bét: chữ Phong trên tháp có nghĩa thịnh vượng tươi tốt, hoàn toàn không phải phong là gió. Ngay trước đó máy quay đã quay ba chữ trên tháp, chỉ cần một người biết chữ Hán sơ đẳng cũng nhận ra chữ Phong đó không phải là gió.

3). Ông nói con cừu là do dân ta nhớ đến con vật của sư Ấn Độ nên tạc. Trong khi các tài liệu khảo cứu đều cho rằng đó là tượng của người Hán (Trung Quốc), dấu tích văn hóa Hán, chứ không phải Việt cũng chẳng phải Ấn. Còn con cừu nữa nữa nằm ở lăng Sĩ Nhiếp, người đưa văn hóa Hán vào Việt Nam.

=> Ông nhà văn mà chữ Hán không đọc được, suy diễn lung tung, tư liệu khảo cổ không đọc, không hiểu viết tiểu thuyết lịch sử kiểu gì???


Tại cái clip thứ hai về chùa Bút Tháp, ở đoạn cuối có phỏng vấn vị sư, nhưng vị sư này cũng nói sai nhiều:

1) Sư nói: Tháp Bảo Nghiêm do hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xây năm 1564 thờ Chuyết Chuyết, trong khi sư Chuyết Chuyết về chùa năm 1633 và mất năm 1644, bà Ngọc Trúc sửa chùa xong năm 1647 => niên đại sai, chắc chắn phải sau 1644

2) Sư nói: pho Quan Âm tạc năm 1561, với 1000 tay, 46 tay lớn. Các tài liệu đều nói tượng tạc năm 1656. Đếm thì chính xác chỉ có 42 tay lớn, còn số tay nhỏ thì nhiều tài liệu viết là 958 (tổng đủ 1000) hoặc chỉ có 789 tay nhỏ.

3) Không rõ cái thông tin "thường gọi là Đức mẹ Quan Âm" từ đâu ra? Theo tôi được biết thì xưa nay dân gian chỉ gọi là Phật bà Quan Âm. Cái cách gọi Đức mẹ là từ Thiên Chúa giáo kéo sang. Sư lại nói nghìn tay nghìn mắt thể hiện "sự tri ân của con người Việt Nam", không hiểu cái ý này từ đâu ra, do ai sáng tác ??? Ý nghĩa của nghìn tay nghìn mắt xuất phát từ việc cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh có từ khởi nguyên Đại thừa, đâu phải của riêng người Việt. Nghĩa gần gũi hơn thì từ chuyện "chúa Ba" chặt tay, móc mắt để cứu cha, nói rộng thì nghìn mắt nghìn tay cứu cho tất cả mọi người...

Túm lại, cái clip đó không chỉ sơ sài, ít giá trị, mà còn sai về thông tin. Có lẽ "cán bộ" ngành thông tin du lịch Việt Nam cũng chỉ biết có đến thế thôi.

Thực sự bức xúc về sự coi thường khán giả này.
Last edited by Chitto; 02-06-2011 at 21:02.

TriMinh is offline

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by Tùy Phong Xem bài
Tiếc là em ko có ảnh của tượng. Nhưng có thể tả như thế này: trên 1 tòa sen hình bầu dục, 2 Phật giống hệt nhau (theo em thì Phật mới ngồi tòa sen, ví dụ như pho Tổ Long Thụ là pho tượng duy nhất trong 18 pho tượng Tổ ở chùa Tây Phương có tòa sen) ngồi song song, mặt cùng hướng về phía trước. Bác chit có bạn nào ở Hải Phòng thì nhờ chụp một bức ảnh, được thế thì tốt quá
Quên dạo qua topic nay không biết bao nhiêu lần mà lại ko để ý comment này. Bác Tùy Phong hỏi đó chính là 2 pho tượng trên tháp Đa bảo chùa Dư Hằng Hải Phòng đó là tượng đức Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa, đức Đa Bảo cổ Phật hiện ra tán dương được đức Thích Ca thỉnh lên cùng tòa ngồi.


Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by Chitto Xem bài
Trong chuyến đi, giá trị nhất là gặp được cụ Tổ Hội, đại lão hoà thượng Thích Thanh Bích, là vị hoà thượng cao niên nhất của Việt Nam hiện nay. Cụ Tổ Hội năm nay (2010) đã 98 tuổi, tuy nhiên vẫn đọc sách được, vẫn tụng kinh, và hành lễ trên chùa.

Năm nay cụ Tổ Hội đã tròn 100 tuổi (cụ sinh năm 1912), hôm qua ở chùa Hội Xá làm lễ mừng Trường thọ cụ rầm rộ lắm.

Kênh thông tin đại chúng nói cụ là vị Hòa thượng thọ nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên có người nói ở Bắc Giang còn một cụ đã 106 tuổi, nhưng không mấy ai biết đến.

Năm ngoái đến thăm cụ, thì cụ cứ thấy ai nói là ở Hà Nội về là cụ bảo: Các cô các chú (các ông các bà) từ trên trung ương về là quý hóa lắm. Hic.

Còn bên cụ Tổ Ráng thì đã 96 tuổi mà nhanh nhẹn minh mẫn tuyệt vời.


Re: Chùa đất Việt

Khi tôi đến chùa Ráng, thấy có một số vị ni sư thập thò ở chùa nói xin được lễ Tổ. Tôi thì đi bình thường vào chùa như khách viếng chùa, đi ra đằng trước thấy cụ đang cùng một cậu thanh niên soạn đống sách cất trong tháp. Cụ phăm phăm lôi sách cũ ra xếp.

Thấy mấy quyển sách cổ bị chuột gặm, buột miệng bảo: Ôi cụ ơi bị ấy rồi ! (định nói là sách bị chuột xơi rồi nhưng ngại nói thế bất tiện)

Cụ ngẩng lên, không cười, nhưng bảo: Cái ấy là nó bị ấy ấy, nên ấy ấy bị ấy ấy !!!

Nghe thế buồn cười quá, cười toe toét. Cụ cầm giũ giũ, đọc chữ rồi bảo: Khang Hi từ điển đây, Đại Thanh Đại tạng đây !!! Rồi cầm chổi quét đám giấy mục.

Lúc ấy cầm máy ảnh, muốn chụp cụ quá mà không dám, thấy quá là bất tiện.

Thế nên đi lên trên, đành chụp cụ từ phía sau vậy. Trông thế này làm sao nghĩ cụ đã 96 tuổi rồi.


Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by hnsg Xem bài
Tượng cổ bằng đất - gần ngàn năm không hỏng dù trải qua lũ lụt, chiến tranh . Thật kì lạ !
Cái thông tin các tượng đất từ nghìn năm ấy là từ một bài báo bốc phét, mà nói đúng hơn là tác giả bài báo không có kiến thức nên bịa ra chuyện đó (hoặc nghe người ta bịa ra chuyện đó).

Nhìn các tượng đất chùa Nôm có thể thấy đó đều là các bức tượng có tuổi đời giỏi lắm là ba trăm năm, mà nhiều khả năng là còn ít tuổi hơn nữa. Các tượng này phong cách kiểu Hậu Lê, nhiều khả năng là thời nhà Nguyễn.

Thực ra từ khi sư chùa Nôm biến thể sang lên đồng, hầu thánh, cầu cúng điên đảo thì chùa chỉ còn cái xác thôi. Hồn chùa đã bị biến chất rồi. Một nửa thành chất Tàu, một nửa thành đạo Mẫu. Ngôi chùa cổ thì bé mà cái cổng thì cao vống lên. Hai cái tháp-lư đồng kia lôi từ Tàu về, vốn không hề ăn nhập gì với chùa Việt cả.

Sư chùa Nôm thì giàu có tiếng rồi. Người quanh vùng ai cũng biết, nhưng cái biết của người dân nó khác với cái biết của những người đến cầu cúng ở đây rất xa.

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by dochanhv Xem bài
Thông thường, điêu khắc con rùa ở Việt nam thì không có tai.( em chưa nói đến miệng, mũi ,hoa văn mai ...). Dưng mà em tự mâu thuẫn với chính mình. Ở đâu đó (VN ) em cũng có thấy rùa có tai. Nhờ bác xác định hộ em xem con rùa này giống Ta hay giống Tàu.
Bạn thấy cả hai loại rùa có tai và không có tai, là vì thấy hai loại: Rùa đội hạc đúc bằng đồng và Rùa đội bia tạc bằng đá.

Nguyên ở Tàu thì đội bia không phải là con rùa, mà là con Bí hí, một chủng "con của rồng". Bí hí có mai giống rùa nhưng gồ lên rất cao, thích đội thứ nặng, nhưng chân giống chân rồng, đầu có nét của rồng như có trán gồ, có tai, mào lửa, thậm chí có râu. Các tấm bia đá lớn ở TQ từ đời Minh đều đặt trên lưng Bí hí. Ngoài ra trên trán bia hoặc hai bên bia còn con Phụ hí, trông cũng tưởng là rồng nhưng cũng chỉ là một loại "con của rồng".
Nguồn gốc của Bí hí thực ra cũng chỉ là rùa, nhưng người TQ thích "nâng cấp" nó lên cho long trọng nên mới phải thế.

Tại VN, các bia đời Lý còn lại không đặt trên lưng rùa, mà trên bệ hoa sen, hoặc bệ ổ rồng (tôi có chụp bia chùa Long Đọi). Sang đời Lê mới thấy các bia đá đặt trên lưng rùa. Không biết do các cụ cố tình phân biệt với Tàu hay muốn đơn giản hóa mà tạc con rùa thuần túy đội bia, không phải con Bí hí nữa. Do đó rùa đội bia không có tai, đầu trơn tròn, thậm chí mũi nhọn ra rất giống thật. Rùa Việt cũng có mai bẹt thấp chứ không gồ cao vồng lên như Bí hí. Một vài rùa đội bia ở Văn Miếu có mào lửa trên mắt, hoặc xoáy trên đầu, nhưng vẫn rõ ra là con rùa.

Nhưng các đồ đúc bằng đồng thì lại không thế, tiêu biểu là con rùa dưới chân hạc. Đúng ra con này phải là thuần rùa, nhưng có lẽ do đúc đồng có nhiều chỗ sáng tạo hơn, nên lại đem các chi tiết của con Bí hí vào: rùa có mũi hếch của rồng chứ không nhọn, mồm rộng, có tai, trán gồ lên. Lúc này đầu con rùa đội hạc lại mang dáng của con Bí hí, hoặc con Long quy.

Nói thêm chút là cùng kiểu con rùa thì Tàu đặt ra các con: Bí hí, Long quy, và tối linh là con Huyền Vũ.
Last edited by Chitto; 04-06-2012 at 17:41.

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by dochanhv Xem bài
Cách đây mấy năm. em dẫn đường cho đoàn tăng-ni trong Nam ra thăm chùa Đậu ( Thường tín ). Sư trụ trì giới thiệu tên '' Chùa Đậu'' vì cầu gì được (đậu) nấy.
Đầu xuân vừa rồi em lại về chùa Đậu. Được các bô lão làng này giải thích theo lối khác : Rằng chùa chính xác tên là '' chùa Bà Đậu ''. Chùa có thờ Bà Đậu từ ngày xưa. Ở làng này vẫn kiêng gọi từ '' bà '' mà phải gọi là '' mụ ''. ''Đậu'' phải gọi là '' đỗ''.
Theo tôi, có lẽ cả hai cách giải thích đều chưa đủ.

Tên chùa, tên đền, miếu, cầu... ở Bắc bộ xưa thường mang tên Làng; tên làng có trước, rồi chùa gọi theo đó mà thành tên. Khi chùa thờ hệ thống Tứ pháp thì ngay vị nữ thần được thờ cũng được gọi theo tên làng luôn.

Xa xưa người Việt thờ các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp, có lẽ cả từ trước khi nền văn hóa Hán tràn ngập. Khi Tàu vào thì gọi mĩ miều là Pháp Vân, Vũ, Lôi, Điện. Nhưng dân gian thì gọi ngôi chùa theo tên làng, và rồi bà nữ thần cũng theo tên đó.

Cho nên nữ thần Mây, tên Hán là Pháp Vân, thờ ở ngôi chùa ở làng Dâu thì gọi là Bà Dâu, thờ ở chùa làng Nành thì gọi là bà Nành, thờ ở chùa làng Keo thì gọi là Bà Keo.
Nữ thần Mưa, thờ ở chùa làng Đanh Xá thì gọi là Bà Đanh, ở làng Đậu thì gọi là Bà Đậu. (Có 2 làng Đậu thờ Pháp Vũ, ở Bắc Ninh và ở Thường Tín nên cũng có hai chùa Đậu).

Theo tôi, tên cổ xưa của làng là Đậu, lý do tại sao thì không rõ, có thể do trồng loại cây đậu làm chiếu, hoặc giống đậu (đỗ). Khi chùa thờ bà thần Mưa (Pháp Vũ) dựng ở đây thì dân gian gọi là chùa Đậu luôn, và cũng gọi là bà Đậu.

Đến nay người ta có thể quên mất cái gốc xưa, nên lại đặt ngược lại các thuyết giải thích khác nhau.


Re: Chùa đất Việt

Trời ơi, đọc tin này mà chua xót quá !!!

http://dantri.com.vn/c20/s20-633898/...g-chua-moi.htm

Chùa Trăm Gian, một trong những ngôi chùa nổi tiếng từ xưa. Từ khi còn là lũ học trò cuối cấp 2, chúng tôi đã từng nghe và muốn đến đây. Lên cấp 3, có xe đạp mới được đi xa, đã mấy lần đạp xe từ Hà Nội đến chùa này, ngồi dưới gác chuông cổ kính của chùa, bên những bậc thềm đá mòn vẹt thời gian.

Giờ nhìn cái bậc đá mới mà vừa thương cho ngôi chùa, vừa căm giận lũ người kia.

Sự tích cực + ngu dốt đang phá dần đi những gì của cha ông để lại.

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by klong4mat Xem bài
Em đang làm phóng sự ngắn khoảng 5' về những di tích cổ kính,những cơ sở Phật Giáo, những vùng văn hóa Phật giáo...hay cách nhìn nhận của những người con Phật về phật giáo, dẫn đến sự an lạc hay thành công cho bản thân, hay những cơ sở Phật giáo làm nhiều chương trình từ thiện..
Tôi không hiểu bạn làm MỘT phóng sự ngắn 5 phút hay nhiều phóng sự 5 phút ? Nếu chỉ một phóng sự thì làm sao mà yêu cầu nhiều thứ thế được, chỉ giới thiệu sơ lược một ngôi chùa cổ thôi cũng đã hết thời gian rồi, làm gì còn thời lượng cho những điều khác.

Ngoài ra yêu cầu bạn đưa ra cũng còn mông lung quá, không rõ ràng nên cũng chẳng biết trả lời sao cho phù hợp.

Re: Chùa đất Việt



Cụ Tổ Hội - cây đại thụ cao niên nhất của Phật giáo Việt Nam đã viên tịch, thọ 101 tuổi.

Giờ đã gần như vắng bóng những vị sư cao niên trong nếp chùa cổ, giản dị bình thường như mảnh đất Việt này.

Re: Chùa đất Việt

Quote Originally Posted by Chitto Xem bài
Năm nay cụ Tổ Hội đã tròn 100 tuổi (cụ sinh năm 1912), hôm qua ở chùa Hội Xá làm lễ mừng Trường thọ cụ rầm rộ lắm.

Kênh thông tin đại chúng nói cụ là vị Hòa thượng thọ nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên có người nói ở Bắc Giang còn một cụ đã 106 tuổi, nhưng không mấy ai biết đến.

Năm ngoái đến thăm cụ, thì cụ cứ thấy ai nói là ở Hà Nội về là cụ bảo: Các cô các chú (các ông các bà) từ trên trung ương về là quý hóa lắm. Hic.

Còn bên cụ Tổ Ráng thì đã 96 tuổi mà nhanh nhẹn minh mẫn tuyệt vời.
Có 2 cụ trên trăm là cụ tổ Tùy Duyên ở tổ đình Phúc Long làng gốm Phù Lãng, Quế Võ Bắc Ninh thì tịch rồi, còn cụ tổ chùa Mụ Soi - Phú Thọ thì vẫn còn, em có viết bài về 2 cụ này trên phattuvietnam.net ạ.





















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét