Augustus Forum
Phế tích của khu Hội đường Augustus nằm bên kia đường. Đây khu hội đường lớn với nhiều công trình bao quanh một sân rộng. Con đường lớn Via Dei Fori Imperiali chạy đè lên khu này, tấp nập người xe
Forum Trajan, ở cuối có cột Trajan rất đẹp.
Chỉ còn thế này thôi...
________
Giờ mới có người về cái tiêu đề mà tớ viết, tớ nghĩ lẽ ra có người phải nói sớm hơn chứ.
Thực ra khi chọn cái cụm Thành đô vĩnh hằng tớ cũng nghĩ rồi, chứ không phải là bừa bãi.
Thứ nhất, là cái cụm "Eternal City" trong các tài liệu tiếng Việt người ta đã dịch là "Thành phố Vĩnh hằng" từ lâu rồi. Các sách cũ, tài liệu cũ trước đây thường dùng cụm này để nói về Roma, và trong các sách chính thức nếu có đề cập thì đều dùng cụm từ này. Gần đây hơn thì nhiều người gọi là Thành phố Vĩnh cửu.
Vĩnh: mãi mãi, Cửu: lâu dài (na ná nhau). Vĩnh cửu là lâu dài mãi mãi, cái gì tồn tại mãi thì đều là vĩnh cửu. Nhưng như thế thì chưa thể hiện hết ý nghĩa của Roma.
Vĩnh hằng khác vĩnh cửu ở chỗ: Vĩnh hằng = Vĩnh cửu + thường hằng, nghĩa là không chỉ lâu dài mãi mãi mà còn không thay đổi, vẫn như xưa, bất biến. Dành cho người đã khuất từ Vĩnh hằng là vì lẽ đó (mãi mãi không đổi trong lòng người đang sống - vì đã mất rồi, chứ nếu còn sống thì đã phải thay đổi ). Do quen dùng với người đã khuất nên có thể người ta không để ý nghĩa gốc của nó.
Do đó các cụ gọi Roma là Thành phố Vĩnh hằng là vì nó không những Bất diệt, Vĩnh cửu, mà còn muốn nói đến sự giữ nguyên, sự gìn giữ bất biến của nó hơn bất kì thành phố nào khác trên thế giới. Nhiều thành phố khác cũng có tuổi thọ ngang với Roma, nhưng không còn giữ được gì của diện mạo ban đầu, thì không thể là Vĩnh hằng được.
Còn tớ cố tình đổi Thành phố sang Thành đô, là vì đối với hơn 1 tỉ người Công giáo, thì Roma là Kinh đô, Thủ đô của Công giáo, nên họ còn gọi là Kinh đô Vĩnh cửu, Kinh đô Vĩnh hằng, Đô thành Vĩnh hằng.
Tớ ghép lại là Thành Đô vì lẽ đó.
_________
Capitoline hill
Đồi Capitoline, điểm cao nhất của Roma cổ, nằm bên khu Forum, nhìn xuống Forum từ nóc một ngọn tháp cao. Xưa kia nơi đây là đền thờ các vị thần. Thời gian đã kéo sụp các công trình, và đến thế kỉ 16, một cung điện được dựng lên.
Đường lên là một con dốc rất thoải, những bậc được tạo ra rất rộng và dốc xuống, khiến cho có thể dễ dàng đi lên. Ngay bên cạnh là một con dốc cao hơn lên nhà thờ Santa Maria.
Michealangelo là tác giả kiến trúc của công trình này, mà nay thành nhà bảo tàng. Bức tượng đồng phía trước là hình ảnh của một vị hoàng đế La Mã. Cái sân trước tòa nhà này nhìn từ trên cao xuống đẹp hơn, vì nó được vẽ bởi những vòng cung rất đẹp.
Còn bình thường, có thể gặp nhiều khách du lịch xúm xít chụp ảnh. Híc
Tòa cung điện trên đồi Capitoline theo kiến trúc Phục Hưng, với những khối tường, cột thanh nhã, cầu thang chéo có hai pho tượng thần biển ngồi ôm "cái sừng sung túc". Hình ảnh "cái sừng sung túc" của thần thoại Hy Lạp được đưa vào nghệ thuật Phục Hưng rất nhiều.
Hình tượng này bắt nguồn từ câu truyện về thần Zeus, thời thơ ấu, để trốn tránh người cha là thần Cronus chuyên nuốt sống các con, mẹ Zeus là Rhea đã đem dấu Zeus cho con dê cái Amenda nuôi dưỡng. Một ngày kia Zeus đùa nghịch và với sức mạnh của một vị thần, đã bẻ gãy một chiếc sừng của người bạn - nhũ mẫu đó. Hối hận vì việc đó, Zeus về sau dùng cái sừng đó đựng các phẩm vật thần thánh khi ban phần thưởng cho người khác. Cái sừng của sự sung túc từ đó đi vào điêu khắc khắp nơi.
Tượng Marcus Aurelius cưỡi ngựa đứng giữa quảng trường.
Santa Maria in Aracoeli
Ngay bên cạnh đồi Capitoline là một cầu thang dốc hơn rất nhiều, dẫn lên một nhà thờ mặt tiền cực xấu, thô kệch như một cái nhà tù. Toàn bộ bề mặt là một nền gạch nâu, chỉ có cửa vào ở bên dưới và một cửa sổ ở chính giữa.
Đó là nhà thờ Santa Maria Aracoeli, một nhà thờ cổ (nhà thờ nào ở Roma chả cổ), kiến trúc Roman nặng nề.
Cái tên Aracoeli nghĩa là "Bàn thờ từ Thiên đường" đấy. Nói chung nhìn bên ngoài các nhà thờ Roman không gây thiện cảm lắm.
Nhà thờ này nằm kề vai sát với công trình Đài tưởng niệm Emanuele đồ sộ bằng đá trắng, có gì đó tương phản thú vị. Một bên bề ngòai thô kệch tối tăm, một bên hoành tráng hào nhoáng sáng choang.
Bên trong nhà thờ này cũng hoành tráng như các nhà thờ khác ở Roma, nhưng tớ không vào. Kiến trúc Roman lấy ánh sáng từ bên trên, và cái trần được trang trí cực kì lộng lẫy.
Emanuele II Monument
Kề lưng với nhà thờ SantaMaria Aracoeli là Tượng đài Vittorrio Emanuele, vị vua có công thống nhất nước Italia, xóa bỏ lãnh địa của Giáo hoàng, vị vua đầu tiên của nước Italia thống nhất. Do đó đây là tượng đài Quốc gia, Bàn thờ Tổ quốc (Altar of Fatherland).
Đài tưởng niệm là một công trình rất lớn bằng cẩm thạch trắng, rất bề thế, cao và rộng, mãi đầu thế kỉ 20 mới xây xong.
Ở chính giữa là tượng Emanuele cưỡi ngựa, trên hai bên, cao nhất là tượng hai vị thần Chiến thắng. Bên dưới là nhiều nhóm tượng đài khác.
Quảng trường Venezia trước Tượng Đài xem ra hơi nhỏ và ngắn so với công trình to lớn này.
Công trình này được gọi bằng một biệt danh là "Máy chữ" (typewiter), của đáng tội là nó trông cũng giông giống cái máy chữ thật.
Mỗi phần của công trình đã có thể là một tác phẩm rồi.
Có điều để được trèo lên trên và ngắm nhìn quảng trường Venezia từ đó thì cũng phải mất xiền. Trên đó có Ngọn lửa vĩnh cửu (các bạn Pháp để ở Khải Hoàn Môn còn các bạn Nga để ở Quảng trường Đỏ)...
Một đám cưới, cô dâu chú rể kéo nhau ra trước Đài tưởng niệm để chụp ảnh, lấy "Cái Máy Chữ" làm nền. Cũng làm dáng này nọ, điệu lắm. Họ rất khó khăn để tìm được chỗ chụp vì xung quanh nhiều khách du lịch quá...
Trajan Column
Cột Trajan dựng từ đầu Công nguyên, dành cho hoàng đế La Mã Trajan. Trước kia khu vực quanh nó là Forum Trajan, giờ thì chỉ còn móng gạch.
Cột bằng đá, tổng cộng nặng đến gần nghìn tấn, gồm hàng chục thớt đá ghép lại. Điều đặc biệt là người thợ điêu khắc đã khắc một dải xoáy trôn ốc từ chân lên ngọn, tổng cộng 23 vòng, miêu tả lại vô số cảnh chiến đấu, sinh hoạt, giao thương... của người La Mã. Trình độ tuyệt vời, tại các chỗ ghép giữa các thớt đá, hình điêu khắc vẫn liền mạch không hề gián đoạn. Nhìn vào đây có thể hình dung lịch sử xã hội La Mã thời ấy diễn ra thế nào.
Cột kiểu này còn được dựng ở nhiều nơi nữa. Ở Paris cũng có một cây cột kiểu này kể lại lịch sử Paris bằng điêu khắc, là mô phỏng cây cột này.
Capitoline hill
Lang thang trên đồi Capitoline, từ đó có thể thấy khu vực xung quanh, với những công trình cổ. Tôi đã có một buổi chiều dễ chịu, đi vòng vèo trên đỉnh đồi, giữa những dãy nhà và cả những tàn cây. Không hiểu sao không nhiều người lên đây ???
Từ đỉnh đồi, có thể thấy di tích Theatre Marcellus (Teatro di Marcello), một nhà hát cổ lộ thiên xưa kia, có thể chứa đến vạn người, đằng sau tán cây...
Arch of Janus
Tiếp tục lang thang qua mấy khu di tích đổ nát, tại một ngã đường rộng, gặp một chiếc cổng cổ hình vuông khá lạ. Đó là Cổng Janus (Arch of Janus).
Đằng sau là tháp chuông của một nhà thờ. Kiến trúc tháp chuông hình vuông chằn chặn khô cứng ấy gặp rất nhiều ở Roma. Cái cổng cũng hình vuông, với những ô khoét sâu vào đá. Hình như xưa kia có những bức tượng đứng đó, mà giờ đã mất rồi ???
The Mouth of Truth
Tiếp tục đi xuôi xuống dưới, đến với nhà thờ Santa Maria in Cosmedin. Trong một hướng dẫn du lịch, thì đây là một trong 10 nhà thờ nổi tiếng nên đến thăm khi thăm Roma.Đây cũng là một biểu tượng thú vị của Roma.
Đây là nhà thờ quan trọng nhất của Byzance, của La Mã phương Đông, với phong cách Hy Lạp, với các bức khảm Mosaics rất cổ.
Nhưng điều thu hút nhất ở nhà thờ này là "The Mouth of Truth" (Boca della Verita ) - Cái Mồm của Sự Thật.
Bức điêu khắc hình tròn có hình một khuôn mặt với cái mồm hơi há này có từ lâu rồi, không biết để làm gì. Nhưng truyền thuyết nói rằng nếu kẻ nào nói dối mà dám đút tay vào cái mồm này, nó sẽ cắn đứt tay !!! Vì thế ai đến đây cũng muốn đút thử tay vào đây. Và tất nhiên là tớ cũng không từ chối. Dù rằng nói dối như điên nhưng vẫn nhét tay vào tuốt luốt.
Hercules temple
Đối diện nhà thờ Santa Maria Cosmedin là một ngôi đền hình tròn rất cổ từ thời La Mã, may mắn không bị Thiên Chúa giáo phá hủy. Ngôi đền nhỏ, thờ Hercules, người lực sĩ anh hùng trong thần thoại Hy Lạp.
Phía trước ngôi đền đó có một đài phun nước nhỏ cũng rất đẹp, xưa kia nước do hệ thống dẫn nước đổ vào.
Santa Maria Cosmedin
Trông bên ngoài, nhà thờ Cosmedin có tháp chuông khá cao và dễ nhận ra trên một khu vực toàn nhà màu nâu gạch nung.
Nhà thờ Cosmedin so với các nhà thờ hoành tráng khác ở Roma thì bé, giản dị hơn nhiều. Bên trong nhỏ gọn chỉ như một nhà nguyện với những chiếc cột đơn giản, và một bức khảm mosaics ở cuối. Và bên dưới là một hầm mộ của các tu sĩ Thiên Chúa giáo.
Thế mà nơi đây đã từng diễn ra những sự kiện quan trọng của TCG.
Baths Caracalla
Cách khu Forum, đồi Palatine và Circus Maximus không xa là một khu phế tích cũng rất nổi tiếng, là khu nhà tắm công cộng Caracalla (Caracalla Thermea), được xây khoảng năm 200. Đây là khu nhà tắm lớn nhất Roma, xây trên một diện tích rất rộng. Công trình rộng gấp 4 lần một sân bóng, đủ chỗ tắm cho cùng lúc 1500 người, có bể bơi, tắm lạnh, tắm ấm, tắm nóng, khu tập thể thao, thư viện thư giãn...Một phần của đại sảnh hình tròn ở đầu. Mái vòm cao hơn 30m đã đổ. Phần còn lại vẫn còn cao đến hơn 20m.
Phía dưới chân tường có để những mảnh khảm mosaics từ thời xưa, hình các vị thần biển, các con cá.
Khu nhà tắm công cộng thực tế là cả một tổ hợp giải trí, thư giãn. Các họa sĩ Phục Hưng cũng đã vẽ những bức tranh tưởng tượng cảnh khu nhà tắm nổi tiếng này.
(Các bạn Italia rất thích dùng rào sắt thô thiển thế này)
Một bên của con đường này là khu tắm nước lạnh, một bên là tắm nước ấm và nước nóng. Ngày nay nền khu di tích chỉ bằng mặt đường xung quanh, nhưng xưa kia nền khu này rất cao, để bên dưới là chỗ cho nô lệ đốt than đun nước.
Những bức tường thời xa xưa ắt hẳn được trang trí đẹp đẽ bằng tranh khảm, phù điêu, tượng, các bể tắm đều được lát cẩm thạch... nay thì chỉ còn trơ gạch. Nhưng gần hai nghìn năm không đổ đã là giỏi lắm.
Cả khu vực rất rộng, vì còn có cả một trường đua ở ngoài, những sân thể dục lớn. Cuộc sống thời La Mã xem ra thời nay còn chạy dài mới đuổi kịp.
Tất nhiên, những "công dân La Mã" mới được vào đây, và không phải ai cũng là "công dân La Mã".
Đài tưởng niệm Emanuele buổi tối, đèn đóm thắp lên khá là rực rỡ.
Musical Termini
Một buổi tối rất vui, khi trước sân ga Termini, thanh niên Rome có một show rock (nhẹ) free ngoài trời. Những chiếc loa hết công suất với những âm thanh cuồng nhiệt. Đám thanh niên mắt sáng rực, cười nói, vỗ vai, lắc lư. Chúng uống bia, gầm gào, nói chuyện, vui cười sung sướng.
Một góc quảng trường ngập xe Piago. Thanh niên Rome chủ yếu đi loại xe này. Những chàng trai cao cong người trên chiếc xe, chân dài choãi ra, một phong cách riêng khác hẳn.
Điều ấn tượng nữa là ở đây, chiếc xe nào cũng có một cái khóa dây cực to. Dây xích khóa to như cái dùi cui, kéo thẳng ra dài cả mét. Có lẽ ăn cắp nhiều quá nên xe nào cũng phải khóa lại rất cẩn thận. Lại nhớ đến đám xe đạp ở Amsterdam, mỗi xe đến 3 cái khóa.
Sau cả ngày lang thang giữa những đám di tích của một thời cổ đại, một tối được hòa mình vào với không khí sôi động ấy, cũng thật là một trải nghiệm lạ lùng. Cũng những con người trên đất ấy, hai nghìn năm trước họ đã từng xa hoa hưởng thụ, với đấu trường, trường đua, với nhà tắm công cộng, hí trường, thì nay cũng có những trò tiêu khiển rầm rộ với cả nghìn con người tụ tập.
Xưa kia, họ say sưa ngắm nhìn cảnh đầu rơi máu chảy, cảnh tàn sát, hành hình, thì nay họ cũng điên cuồng theo tiếng nhạc. Hình như cái sự thèm khát được kích động không bao giờ mất trong bản năng mỗi con người, chỉ có khác chăng là thể hiện ra thế nào mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét