Thứ Tư, 5 tháng 12, 2007

Chín con của Rồng

Rồng sinh ra chín con, là chín loài thần thú nhưng không phải là rồng. Chín loài ấy, có 2 thuyết khác nhau, với thứ tự cũng khác nhau:

Thuyết 1: Tù ngưu - Nhai xế - Trào phong - Bồ lao - Toan nghê - Bí hí - Bệ ngạn - Phụ hí - Si vẫn
Thuyết 2: Bí hí - Si vẫn - Bồ lao - Bệ ngạn - Thao thiết - Công phúc - Nhai xế - Toan nghê - Tiêu đồ


Vì thế ở đây lôi hết ra.

1. Tù Ngưu: là loài có sừng vẩy giống rồng, đặc điểm là thích âm nhạc, có tài thẩm âm. Vì thế nên Tù Ngưu thường được khắc trên đầu cây đàn hồ cầm, nguyệt cầm, tì bà.

2. Nhai Xế (Nhai tí) loài mình rồng, đầu chó sói, cương liệt hung dữ, khát máu hiếu sát, thích chém giết chiến trận. Vì thế Nhai Xế được khắc ở thân vũ khí: ngậm lưỡi phủ, lưỡi gươm đao, trên vỏ gươm, chuôi cầm khí giới để thêm phần sát khí.

3. Trào Phong: có thân phượng, có thể hóa thành chim, đặc điểm thích sự nguy hiểm, nhìn ra vọng rộng. Do đó Trào Phong được tạc ngồi trên nóc nhà, đầu mái nhà nhìn về phía xa.

4. Bồ Lao: thích tiếng động lớn, âm thanh vang dội. Vì thế quai chuông khắc hình Bồ lao hai đầu quay ra hai bên ôm chặt quả chuông.

5. Toan Nghê: hình thù giống sư tử, thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương. Do đó Toan nghê được khắc trên các lư hương, đỉnh trầm, ngồi trầm mặc trên đỉnh hay bám hai bên.

6. Bí Hí, còn gọi là Quy phu: giống con rùa, thích mang nặng, có thể cõng được tam sơn ngũ nhạc không bao giờ mỏi. Vì thế Bí hí cõng bia, trụ đá. Nhiều người nhầm với rùa.

7. Bệ Ngạn (Bệ hãn), còn gọi là Hiến chương: như con hổ, thích nghe phán xử, phân định. Vì thế Bệ Ngạn được tạc ở công đường, nhà ngục, trên các tấm biển công đường.

8. Phụ Hí: mình dài giống rồng, thích văn chương thanh nhã, lời văn hay chữ tốt. Vì thế Phụ hí tạc trên đỉnh hoặc hai bên thân bia đá.

9. Si Vẫn (Li vẫn, Si vĩ): miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si vẫn được tạc trên nóc nhà để phòng hỏa hoạn, khác với Trào phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc.

10. Thao Thiết: thích ăn uống, càng nhiều đồ ăn càng tốt. Vì thế được khắc trên các vạc lớn, lại tượng trưng cho việc thu lấy tài lộc giống Tì Hưu.

11. Công Phúc (Bát phúc, Bát hạ): thích nước, nên được khắc tạc ở chân cầu, đê đập, cống nước để canh giữ.

12. Tiêu Đồ (Thúc đồ, Phô thủ): đầu giống sư tử, thích sự kín đáo yên tĩnh. Vì thế được tạc ngoài cửa, ngụ ý giữ yên cho ngôi nhà. Đầu Phô thủ ngậm thêm cái vòng để khách đến dùng nó mà gõ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét