"Thành đô vĩnh hằng" (Eternal City) là tên mà người ta dành riêng gọi thành Rome. Cũng không có gì là quá, khi thành phố hùng vĩ này đã là Kinh đô của La Mã trong suốt 500 năm Cộng hòa, 400 năm Đế quốc, và là Kinh đô của Giáo hội lớn nhất trên thế giới cho đến tận ngày nay.
Đã từng đến thăm Rome, cũng chỉ trong ba ngày, quá ngắn cho một thành phố nổi tiếng đến thế, nhưng cũng muốn viết chút gì cho Rome, dù biết rằng viết về Rome thì cả chục cuốn sách cũng không đủ, và tìm trên mạng về Rome thì cũng vô thiên lủng.
Rome nằm ở Trung Italia, cạnh biển, nên có khí hậu ấm áp của biển cả, khí hậu rất tuyệt vời.
Rome, tên đúng tiếng Latin gốc là Roma. Thực tế hiện nay ở Italia người ta dùng Roma để chỉ thành phố cổ (nội thành), Rome để chỉ cả khu vực rộng lớn hơn bao quanh thành cổ.
Lịch sử Roma cũng là lịch sử của Roman (La Mã), của nền văn minh bao quanh Địa Trung Hải.
Truyền thuyết về Roma là một câu truyện cổ tích đậm màu sắc Hy Lạp, và người La Mã yêu truyền thuyết đó đến độ nó xuất hiện ở khắp nơi, không chỉ ở Roma mà còn khắp nước Italia.
Truyền thuyết Thành Roma
Truyền thuyết kế tục Thần thoại Hy Lạp về thành Troy huyền thoại, đô thành vĩ đại nhất châu Á. Khi quân Hy Lạp tấn công và tiêu diệt Troy, một vị vương tử là Aeneas, con một người em của vua Priam và Nữ thần Aphrodite đã mang cha già, vợ con, và đặc biệt là những bức tượng thờ thiêng liêng của tổ tiên dân tộc mình chạy sang vùng bán đảo Italia. Tại đây ông tạo dựng vương quốc của mình, đóng đô tại Alba Longa, kế thừa các đô thành Troy huy hoàng trong quá khứ.
Aeneas truyền được 13 đời, đến vua Numitor. Em trai của Numitor là Amulius đã cướp ngôi của anh, giam cầm anh mình. Được một lời tiên đoán rằng đứa con do con gái Numitor sinh ra có thể lật đổ mình, kẻ cướp ngôi buộc người con gái của Numitor, tên là Rhea Silvia trở thành thánh nữ hiến tế, giam cầm để giữ trinh tiết trong đền thờ.
Nhưng nàng công chúa Rhea Silvia đã được thần Ares (thần chiến tranh, tên Latin là Mars) yêu thương trong đền, nên sinh đôi hai đứa con trai. Chúng liền bị bỏ trong một cái giỏ để ra ngoài đồng trống cho chết. Nhưng nước sông Tiber dâng lên, cuốn cái giỏ ấy đến một bờ bụi. Và tại đó, một con sói cái đã cho hai anh em bú sữa lớn lên.
Đến ngày nọ một người chăn cừu phát hiện hai đứa trẻ trong ổ sói, đã đem về và đặt tên là Romulus và Remus, nuôi chúng trưởng thành, thành những chàng trai phi thường. Trong cuộc đấu thể thao tại kinh thành, Amulius nhận thấy đây không thể là con của một người chăn cừu, và hỏi cặn kẽ. Hai anh em sau khi biết được thân phận mình đã giết Amulius, giải phóng cho mẹ và lấy lại ngôi cho ông ngoại Numitor.
...
Thấy vùng Alba Longa của ông ngoại quá chật hẹp, hai anh em đã tìm đến nơi họ được con sói cái nuôi dưỡng, xây dựng lên thành phố của riêng, cùng nhau cai trị. Romulus chọn đồi Palatine để dựng thành phố, cạnh con sông Tiber.
Khi Romulus đang xây dựng tường thành, thì người em Remus bước qua bức tường xây dở. Đó là điềm gở báo rằng thành phố sẽ bị xâm chiếm và sụp đổ. Trong cơn giận dữ, Romulus đã giết người em của mình, và trở thành vị vua duy nhất. Romulus chiêu mộ tất cả những người lưu lạc, tha hương, tội phạm, tù bỏ trốn..., đến vùng đất của mình.
Thành phố ấy từ đó mang tên ông là Roma, và quốc gia được xây dựng từ nó cũng mang tên Roman.
Rhea Silvia trở thành Tổ mẫu của La Mã, và Romulus cũng trở thành vị thần Quirinus của La Mã.
Như vậy, người La Mã cho rằng tổ tiên của họ có họ nội là thần Chiến tranh Ares - mà họ gọi là Mars, họ ngoại là vua đô thành vĩ đại nhất châu Á và thần Aphrodite - mà họ gọi là Venus.
Năm mà Roma được dựng, cũng là năm Remus bị giết là năm 753 TCN. Từ đó năm 753 TCN được coi là năm khai sinh của Roma và La Mã, trở thành năm gốc trong các hệ thống lịch La Mã, cho đến tận những năm 300 mới dùng năm sinh Jesus là năm gốc.
Bức tượng con sói cái cho Romulus và Remus bú có từ thời La Mã trở thành biểu tượng của thành Roma và La Mã. Bạn có thể gặp nó ở rất nhiều nơi tại Rome cũng như các thành phố khác ở nước Italia.
Sơ lược lịch sử Roma
1. Thời kì vương quốc Etrusca (753 TCN - 509 TCN)
Trước khi Romulus khai sinh Roma năm 753 TCN, đây là vùng đất của dân bản xứ. Dân di cư Etrusca đến từ Tiểu Á đã dựng lên vương quốc của họ. Đây chính là nguồn gốc của truyền thuyết Numitor đến từ Troy. Lúc ấy tại bán đảo Italia có cả người Hy Lạp di cư, người Latin bản xứ.
Vương quốc Etrusca xây dựng Roma trên 7 quả đồi, và truyền được 7 đời vua (con số 7 là số thần thánh, bắt nguồn từ văn minh Babylon).
Bảy quả đồi đó là: Palatium (Palatine) ở trung tâm, và 6 đồi Aventinus, Caelius, Capitolium, Esquiliae, Quirinalis, Viminalis bao quanh.
Năm 509 TCN, người Etrusca bị đánh đuổi, người Latin chiếm Roma, bắt đầu thời kỳ Cộng Hòa La Mã nổi tiếng
2. Thời kỳ Cộng hòa La Mã (509 TCN - 31 TCN)
Người Latin chiếm Roma năm 509 TCN, thiết lập nền cộng hòa, quyền lực thuộc về Viện Nguyên lão gồm 300 người, bầu ra một số vị Chấp Chính có nhiệm kỳ. Thời kỳ này La Mã mở rộng khắp quanh Địa Trung Hải, được gọi là thời Thái bình La Mã - Pax Romana, mặc dù họ phải chống trả với các cuộc chiến tranh với Carthage từ Bắc Phi tiến đánh.
Viện Nguyên lão họp tại một nơi gọi là Foro Romano, chính là từ gốc của Forum - Diễn đàn ngày nay.
Julius Ceasar là vị tướng danh tiếng, đánh dấu sự kết thúc của thời Cộng hòa La Mã. Ông chưa bao giờ là Vua La Mã, nhưng nhiều tài liệu gọi ông là Hoàng đế, và tên ông cũng mang nghĩa là Vua La Mã (Ceasar - Xêda - Hoàng đế).
3. Thời kỳ Đế quốc La Mã (31 TCN - 476)
La Mã trở thành Đế quốc, với sự cai trị của Hoàng đế chứ không phải Viện Nguyên lão nữa. Trong giai đoạn này Thiên Chúa giáo phát triển ở Roma, mà nổi tiếng nhất là sự kiện vụ cháy thành Roma dưới thời vua Nero, và sự tàn sát người Thiên Chúa giáo sau đó.
Năm 313, Hoàng đế Constantinope cải sang đạo Thiên Chúa, Roma trở thành Kinh đô của tôn giáo này. Đến năm 395 thì La Mã chia đôi, và năm 476 thì Tây La Mã sụp đổ.
4. Thời kỳ bị tranh giành (476 - 800)
Các thế lực tranh giành đất Italia và Roma, lúc thì đế quốc Đông La Mã Byzantine nắm giữ, lúc thì các tộc Goth, tộc Frank, German tiến đánh Roma. Các Giáo hoàng phải khéo léo để tồn tại, duy trì quyền lực và truyền đạo trong lòng các thế lực chiếm đóng.
Có lúc Giáo hoàng nắm được thế chủ động, quyền lãnh đạo tinh thần cả Đông La Mã, nhưng có lúc cũng chỉ là bù nhìn trong tay các vị vua quyền lực hơn.
5. Đế quốc La Mã thần thánh (800 - 1433)
Năm 800, vua Charlemange người Frank thôn tính Tây Âu, và Giáo hoàng vội vàng phong ông là Đại đế La Mã để ông bảo vệ mình, từ đó thiết lập Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire). Đế quốc này bị xâu xé, rồi thâu tóm bởi rất nhiều vua châu Âu. Các nước Đức, Phổ,..., cũng từ Đế quốc này mà tách ra sau này. Bán đảo Italia cũng bị chia cắt thành nhiều tiểu quốc. Giáo hoàng nắm giữ một vùng đất quanh Roma gọi là Lãnh địa Giáo hoàng (Papal State)
Đây cũng là thời kỳ của những cuộc Thập tự chinh đi đến Thánh địa mà tớ đã viết khá nhiều trong topic Jerusalem, và cũng là thời kỳ của Tòa án Trung cổ khủng khiếp tàn bạo.
6. Thời kỳ Phục hưng (1433 - 1798)
Lúc này quyền lực của Giáo hoàng đạt đến đỉnh cao, thời kỳ của sự phục hưng trong nghệ thuật, khoa học, nhưng chưa hề giải phóng trong tư tưởng, chính trị.
Các tiểu quốc Italia xâu xé bán đảo, Giáo hoàng giữ vững ngai vàng tại thành Roma, can thiệp vào các cuộc giao tranh, tranh giành chính trị ở cả châu Âu và các vùng thuộc địa của các nước. Đây là thời kỳ của các nhà truyền đạo đi khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ.
Những học thuyết cổ hủ của Roma đã lung lay và sụp đổ dưới sự phát triển của khoa học.
7. Italia thống nhất (1798 - nay)
Italia được thống nhất rồi bị chia cắt, cuối cùng chính thức trở thành một quốc gia hoàn toàn thống nhất vào năm 1870 dưới thời vua Emmanuel. Lãnh địa Giáo hoàng bị xóa bỏ, các Giáo hoàng chỉ còn một mảnh đất nằm lọt trong Roma, đến nối Giáo hoàng Pius IX tự gọi mình là "người tù Vatican".
Roma trở thành Thủ đô của đất nước Italia thống nhất cho đến ngày nay, và Vatican chỉ còn là một quốc gia nhỏ bé nằm trong lòng nó, một quốc gia kì lạ nhất thế giới nhưng đầy quyền lực.
Trước khi đến với Rome, tôi đã tìm đọc thông tin và tìm hiểu bản đồ Rome, cũng như những địa danh nổi tiếng.
Đi lại ở Rome có ba phương thức chính cho người ít tiền (vì nhiều tiền thì đi taxi):
1. Tàu điện ngầm: Trong khu vực nội thành Rome Tàu điện ngầm không thuận tiện lắm, chỉ có hai tuyến chính bắt chéo nhau ở ga Termini, hai tuyến này không thuận tiện cho đi thăm các địa điểm lắm, vì các ga không gần các di tích nổi tiếng. Hệ thống ga và đường cũng không hiện đại đẹp đẽ lắm.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi bên dưới lòng đất Rome có quá nhiều công trình cổ, di tích cổ, mà nếu phát triển hệ thống tàu điện ngầm chắc chắn sẽ phá hủy chúng.
2. Xe bus: Xe bus ở Rome chạy khá gần các địa điểm du lịch, nếu có một bản đồ bus, ta có thể đi đến tất cả các điểm nổi tiếng. Tuy nhiên xe bus ở Rome thường xuyên quá tải, số người nhiều lúc đông chen chúc, phải đứng là chuyện thường.
Hơn nữa, tình trạng ăn cắp ở Rome rất phổ biến. Nhiều người đã là nạn nhân ở Rome, do đó không nên thường xuyên tham gia vào những chỗ chen chúc ở Rome, vì có thể bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Tại Rome có loại vé chung cho Metro và Bus, giống như các thành phố lớn ở châu Âu khác.
3. Phương tiện tốt nhất là đi bộ.
Khu trung tâm của Rome không quá rộng, nếu sắp xếp lịch trình khéo léo, hoàn toàn có thể đi bộ giữa các điểm. Hơn nữa, từng con phố, từng công trình nhỏ ở Rome đều mang đậm dấu ấn lịch sử, đi bộ dọc phố sẽ có cơ hội ngắm nhìn những tòa nhà, những quảng trường, những đài phun nước, những nhà thờ, những cung điện, những phế tích,..., mà nếu đi bus ta sẽ dễ dàng bỏ qua.
Rome có rất nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ chỉ đi vừa 1 xe ôtô, cùng những quán ăn, cafe chiếm diện tích ngay trên những con phố đó. Gần gũi với Việt Nam lắm.
--------
Lúc ban đầu khi đi bus từ sân bay về ga Termini, tôi cũng có cảm giác thất vọng về một thành phố nổi tiếng như thế, mà sao lại tệ thế?
Con đường chạy giữa những dãy nhà 5 tầng phơi đầy quần áo, sân nhà ngập rác, lốp xe, đồ cũ..., những dãy nhà lộn xộn, không có quy hoạch chuẩn như Paris, khách du lịch thì đông vô kể khiến cho nhìn người cũng lộn xộn. Xe ôtô xen với xe máy vè vè, phố cong queo, nhà nhấp nhổm.
Lại khi đến các công trình nổi tiếng, nhìn chỗ thì điêu tàn, chỗ thì nhuôm nhoam. Các tòa nhà nổi tiếng thì bên ngoài trông đều bình thường, một màu ương ương, mái thảy đều chéo chéo đơn điệu. Nhìn ra thì độ cổ kính còn thua xa các lâu đài, nhà thờ Gothic ở Anh, lại thiếu hẳn độ duyên dáng như ở các thành phố Châu Âu khác.
Tôi lại gặp cả đám người bán hàng rong bày đồ đầy đường, rao tướng lên như đấm vào tai người ta. Khi xe cảnh sát đến thì họ ôm đống hàng chạy tung tóe, mặt mũi dớn dác chờ khi xe police đi thì lại bày ra. Xe bus thì chặt như nêm, chả ai tỏ ra lịch thiệp cả, chỉ cốt lên xe đến nơi cần đến...
Thực ra cảm giác đầu tiên của tôi khi đến Rome là : Sao mà nó giống Việt Nam thế !!?? Tôi thấy như đang ở nhà của mình vậy !!!
Nhưng rồi chỉ ngay ngày đầu tiên, cách nhìn của tôi về Rome đã khác. Cũng rất khó nói rõ nó là thế nào. Tôi tìm thấy một Rome thủ đô cổ và một Rome thủ đô hiện đại đang cố chen nhau trong một khung đất chật hẹp, nhưng vẫn hòa hợp. Rome ấy khiến người ta có thể ngắm nghía, có thể cáu kỉnh, có thể trầm ngâm, có thể cười toác chỉ trong một ngày.
Có thể tôi may mắn hơn bạn, vì một đêm trước được xem một đêm nhạc rock của hàng nghìn thanh niên trước cửa ga Termini, và sáng hôm sau được xem một thánh lễ trong nhà thờ ở Vatican, được đi thăm toàn bộ khu Forum không trừ chỗ nào suốt cả một buổi chiều (vắng lặng và chỉ có tôi + 1 người bạn đồng hành).
Một điều tôi nhận ra là những tòa nhà ở Rome không bộc lộ ra bên ngoài, mà hình như dấu tất cả những cái gì đẹp và quý vào hết bên trong, khiến bên ngoài chỉ còn là một lớp vỏ đôi khi thô kệch, nhạt nhẽo. Những đường phố của Rome chồng chéo qua thời gian từ cổ đại, trung đại đến cận đại, nên thiếu hẳn sự hoành tráng của nhiều nơi khác, các ngôi nhà phải tránh né, chen chân nhường chỗ nhau, nhưng tại mỗi góc đều có chứa một điều gì đó thú vị.
Nó khác hẳn với Paris, nơi mà người ta quy hoạch nó mấy trăm năm nay, nên hoàn chỉnh, hoành tráng, hoa lệ thể hiện lồ lộ ra bề mặt. Từng tòa nhà, góc phố, vườn hoa ở Paris dường như đều được tính toán chi tiết sao cho thật đẹp, thật quy chuẩn. Paris cái đẹp thể hiện ra bên ngoài quá nhiều.
Như vậy, Rome không phải là một thành phố Trình diễn (như cách dùng từ của bạn) Rome là thành phố để người ta phải tìm hiểu.
Rất tiếc là tôi cũng có quá ít thời gian ở Rome để có thể tìm hiểu hơn về Rome. Tôi cũng không có nhiều thời gian ở Paris, nhưng với những gì mình trải qua, thì tôi thích Rome hơn Paris, vì với Rome, tôi phải tìm hiểu mới thấy cái đẹp, còn với Paris thì cái đẹp thể hiện ra hào phóng quá mất rồi.
---------
Ngồi mất công làm cái bản đồ địa danh dưới đây. Có thể nó không giúp gì cho người tìm hiểu Rome, nhưng có giá trị nhắc nhớ cho chính mình. Đó là những nơi đã đến và những nơi muốn đến nhưng chưa đến được.
Những điểm màu lơ là của thời La Mã
Những điểm màu xanh lá là một số nhà thờ nổi tiếng
Những điểm màu vàng là các quảng trường
Những điểm màu cam là các công trình
Nhà ga chính Termini ở bên phải, tòa thánh Vatican ở bên trái, khu Forum La Mã ở bên dưới, ở giữa là dòng sông Tiber.
Vâng, cái này cũng chưa kịp nói đến. Là vì Rome mà những người du lịch ít ngày đến thăm chỉ là Roma, chứ chưa phải Rome đầy đủ. Tức là du lịch chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực thành Roma cổ, còn Rome thì gồm khu Roma ở trung tâm nhưng còn phát triển rộng ra khắp các phía. Khu Roma chỉ chiếm khoảng 1/4 diện tích của Rome thôi.
Do đó những người du lịch ngắn hầu như không biết được về sự "thời thượng", không biết đến một Rome hiện đại, thủ đô của cường quốc đứng thứ 7 trên thế giới.
Những sàn diễn thời trang, các công ty, tập đoàn,câu lạc bộ bóng đá,...không nằm trong Roma, mà nằm ở khu vực khác của Rome.
Và cũng vì Roma chủ yếu là khu Di tích, Du lịch, Tôn giáo,..., nên mới đông dân nhập cư, bán hàng dạo, hàng lậu, ăn cắp, chen chúc, và dễ khiến người ta hiểu nhầm rằng Rome chỉ có vậy.
Theo tôi hiểu thì kiến trúc ở Rome, cụ thể là các nhà thờ, cung điện, chủ yếu là kiến trúc Rô-măng (Romanesque). Kiến trúc Roman này lấy tường làm nơi chịu lực, do đó tường phải dầy, chắc, ít cửa. Mái vòm của kiến trúc Roman là vòm tròn, đặc biệt ở Rome các nhà thờ kiến trúc Roman hay làm thêm trần giả là trần bằng.
Do đặc điểm lấy tường chịu lực nên bên ngoài tường của nhà thờ Roman không trang trí gì cả, mà nguyên những mảng tường lớn lát đá hoặc gạch. Mái tách thành hai lớp để lấy ánh sáng, nhưng thường cũng rất hạn chế. Các khối của loại này toàn là những hình cơ bản: vuông, tròn, tam giác, lục giác.
Kiến trúc Roman do đó trông vững chãi, thô ráp, bên ngoài trông đơn giản. Nhưng những mảng tường bên trong lại trang trí rất đẹp.
Nhà thờ kiến trúc Roman chủ yếu là loại Chữ Thập Latin, có hình dáng và tỉ lệ giống hệt Thánh giá, cánh dài và mảnh.
Nhà thờ Lateran ở Rome, kiến trúc Roman, chỉ có phần mặt tiền kiến trúc Baroque. Phần chính nhà thờ trông bên ngoài rất đơn điệu.
Kiến trúc Gothic ra đời muộn hơn, khoảng thế kỉ 11 - 12.
Đặc trưng của Gothic là không dùng tường chịu lực như Romanesque, mà dùng cột chịu lực, và các cột này có các cột đỡ đổ ra bên ngoài. Do đó kiến trúc Gothic nhìn bên ngoài rất nhiều cột, chân, vòm.
Do lực đổ ra ngoài, nên kiến trúc Gothic có trần rất cao, và kiến trúc sư cố làm càng cao càng tốt !!. Đặc trưng nữa là nhìn từ bên trong thì vòm Gothic nhọn lên trên, chứ không tròn, nên mái dốc.
Do không dùng tường chịu lực nên kiến trúc Gothic có thể mở nhiều cửa sổ lớn (gắn kính màu) rất đẹp. Hơn nữa những cột bên ngoài, vòm ngoài... tạo ra những khoảng trống, lồi lõm, là không gian cho nghệ sĩ tha hồ đặt các điêu khắc trang trí. Có thể nói Gothic là phong cách kiến trúc có nhiều trang trí nhất bên ngoài.
Nhà thờ Gothic có hình chữ thập không đúng tỉ lệ như chữ thập Latin, có thể vài cánh ngang, chỗ giao nhau có tháp nhọn, nhưng tháp được đặt ở đầu cánh dài nhiều hơn, và cũng ngày càng cao hơn.
Tại Rome chỉ có 1 nhà thờ theo phong cách này mà thôi. Do đó tớ tạm lấy công trình tiêu biểu nhất cho kiến trúc Gothic là nhà thờ Notre Dame ở Paris làm ví dụ. Ở Italia có nhà thờ Milan theo Gothic, bên ngoài có đến hơn 3000 bức tượng trang trí.
Ở Rome, kiến trúc Roman là nhiều nhất, sau đó là kiến trúc Phục hưng và Baroque. Kiến trúc Phục hưng tìm lại những kiểu dáng cổ đại, với những hàng cột, mái vòm thanh thoát, ...
Sau thời dùng cột đổ ra ngoài để chịu lực, kiến trúc Phục hưng dựng những vòm tròn dựa trên những cột đứng thẳng. Bề mặt được cột chia thành những phần đối xứng, với những mảng vừa đủ duyên dáng. Cách lấy ánh sáng của Phục hưng cũng là đột phá với những luồng sáng từ cửa sổ trên cao, cửa sổ giữa mái và mái vòm lớn...
Đặc trưng rõ nhất của Phục hưng là những mái vòm tròn lớn ở giữa công trình. Những mái vòm (Dome) này thường dựng trên một hàng cột cao trên mái, đồng thời có nhiều cửa lấy ánh sáng độc đáo.
Nếu như trang trí của Phục Hưng mang nhiều tính hình học, đối xứng, chia mảng nhỏ, trang trí giới hạn trong những hình khối, thì Baroque phóng khoáng tự do hơn nhiều, nhiều khi trở thành cầu kì xa hoa quá mức. Baroque nặng về phô trương hơn, những cột, vòm, trang trí trên cửa sổ với nhiều họa tiết...
Với kiến trúc Nhà thờ, Phục hưng và Baroque theo Chữ thập Hy Lạp, mở rộng các cánh của Chữ thập ra rất nhiều, khiến cho các cánh trông như ngắn lại, đôi khi toàn khối gần như chữ nhật. Điều này cũng khiến các kiến trúc sư dễ tạo những hình khối thống nhất hơn.
Nói chung không phải dân kiến trúc nên tớ chỉ hiểu thế nào thì trình bày thế ấy.
Kiến trúc Phục hưng, Baroque, và Cổ điển về sau rất tinh tế, lại không chỉ dừng lại ở kiến trúc một tòa nhà, mà mở rộng ra là kiến trúc cả khối nhà, vườn, quảng trường, phong cảnh, đường phố... Do đó nếu thành phố ở châu Âu nào được quy hoạch, xây dựng mới hoặc dựng lại từ thời Phục hưng trở đi đều có một vẻ đẹp tuyệt vời, thống nhất, hài hòa, khiến người ta như được ở trong một cung điện cực kì rộng lớn mênh mông. Điều đó thể hiện rất rõ ở Paris, hoặc St Peterbourgh của Nga.
Ngược lại, Rome trải qua lịch sử quá dài, các lớp kiến trúc đè lên nhau, phải nhường chỗ cho nhau, nên không có được một Đại cảnh tổng thể như vậy. Những kiến trúc sư Phục hưng chỉ có thể sáng tạo tại từng công trình riêng lẻ, rộng nhất cũng chỉ là ở Vatican - vốn là khu vực bên ngoài Roma cổ đại - chứ không thể cải tạo toàn bộ. Hơn nữa, những công trình kiến trúc Roman cổ, có bên ngoài ít trang trí lại chủ yếu là Nhà thờ, loại chỉ có thể cải tạo chứ không thể đập đi xây lại. Mà do kiến trúc Roman lấy tường chịu lực, nên cũng không thể cải tạo bằng cách trổ cửa, trang trí được.
Rốt cục, Rome mang sự trộn lẫn của nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, xét về Tồng thể là không thống nhất. Do đó những ai quen với một thành phố như Paris sẽ thấy Rome thật lộn xộn, nhà cửa lô nhô nhấp nhổm, thò thụt, bên ngoài xấu, thô, quá nhiều phế tích đổ nát.
Đó có thể là cảm nhận của mỗi người.
Tôi sẽ viết về những gì tôi biết, nơi tôi quan tâm, thích thú, kể cả đã đến cũng như chưa đến. Trong bài sẽ dùng cả ảnh tự chụp (không đẹp vì hồi ấy chưa biết chụp), cả ảnh sưu tầm cả từ trước và sau khi đến Rome ...
____________________________________
Rome là Kinh đô của Thiên Chúa giáo nói chung và Công giáo La Mã nói riêng, nên để hiểu Rome hơn, cũng cần biết sơ qua về lịch sử Công giáo La Mã tại Rome.
Thiên Chúa giáo (chính xác hơn là Kitô giáo) được thiết lập với sự rao giảng của Jesus Christ (chúa Giêsu Kitô) tại đất Do Thái, lúc đó đang do La Mã cai trị.
Năm 27: Jesus chịu phép rửa từ Gioan Tẩy giả (St. John the Baptist), và thu nhận đồ đệ. Jesus chọn một người đánh cá làm trưởng đồ đệ, đặt tên cho ông là Peter (với nghĩa gốc là Tảng đá) với câu nói được ghi trong Kinh thánh "Ngươi là Peter, trên tảng đá này ta sẽ xây Giáo hội của ta, và ta trao cho người chìa khóa để vào nước thiên đàng".
Năm 30: Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập giá tại Jerusalem, rồi Phục sinh. 10 ngày sau, Peter và các Tông đồ khác làm phép rửa cho 3000 người, chính thức bắt đầu sự nghiệp rao giảng đạo. Giáo hội Thiên Chúa giáo hình thành.
Năm 33: Hai tông đồ Peter và Paul cùng đến Roma truyền đạo, Peter trở thành Giám mục đầu tiên của Roma.
Thiên Chúa giáo tại Roma lúc đó là tôn giáo phi pháp trong tầng lớp thường dân, hoạt động lén lút tại ngoại ô, hành lễ dưới những căn hầm.
Năm 64: Vụ hỏa hoạn khủng khiếp tại Roma trong 6 ngày thiêu trụi 1/2 thành Roma. Hoàng đế Nero, để xoa dịu sự căm giận của dân chúng, đã đổ lỗi cho tín đồ Thiên Chúa giáo và hành hình họ bằng những cách tàn khốc nhất như cho thú dữ ăn thịt, thiêu sống, đóng đinh, dìm sông...
Peter cũng bị bắt và bị đóng đinh lên cây thập ác giống Jesus, nhưng ông không dám sánh với Chúa bởi việc chết trên thập ác giống Chúa, nên đã xin để quay ngược đầu xuống. Do đó Peter bị đóng đinh và cắm ngược bên bờ sông Tiber ngoài thành Roma đến chết. Xác ông được chôn ngay ở bờ sông. Trước khi chết, ông nói rằng "Chính nơi đây sẽ dựng lên đền thờ của Chúa".
Peter trở thành Thánh Tông đồ của TCG. Nơi mộ ông giờ là Đại Giáo đường St. Peter vĩ đại và tòa thánh Vatican.
Tác phẩm văn học nổi tiếng Quo Vadis viết về thời kì này, đã được dựng thành phim.
Khi người TCG bị Nero tàn sát, các đồ đệ đã khuyên Peter tạm lánh đi. Ông vừa rời Roma đến ngoại ô thì bỗng gặp một người đi ngược lại, mà ông bỗng nhiên nhận ra đó chính là Chúa Jesus. Hoảng hốt, ông hỏi "Domino, Quo Vadis" (Thưa Chúa, người đi đâu?), nhưng Chúa không trả lời mà tiếp tục đi về phía Roma đang tràn ngập máu người TCG.
Peter hiểu rằng ông không thể bỏ các tín đồ, và vội vàng quay lại Roma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trong sự thanh thản vì đã theo trọn vẹn con đường của Jesus.
Nơi Peter gặp Chúa, về sau được dựng một nhà thờ mang tên Domino Quo Vadis.
Năm 70, Ngôi đền thứ hai ở Jerusalem sụp đổ, năm 100, Tông đồ cuối cùng là John cũng chết.
Sau khi bị tàn sát, TCG với giáo lý của mình vẫn phát triển từ Roma ra toàn La Mã, lan rộng khắp trong tầng lớp bình dân, các Hoàng đế La Mã ra sức tàn sát nhưng càng giết nhiều thì lại càng nhiều người theo. La Mã đã coi TCG nguy hiểm hơn bệnh dịch.
Năm 313: Hoàng đế Constantine I, trước một trận đánh, bỗng nhìn thấy trên trời dấu hiệu Thập giá và dòng chữ "vì dấu hiệu này mà thắng", ông thắng trận đó và ra lệnh công nhận Thiên Chúa giáo là Tôn giáo chính thức, cho phép phát triển. Cuối đời ông cải đạo Thiên Chúa và tuyên bố TCG là Quốc giáo. Các hoàng đế La Mã về sau đều theo TCG.
Ngay sau đó, Nhà thờ TCG đầu tiên - St. John Lateran được xây dựng, là tòa Giám mục của Roma, là Tổ đường của mọi nhà thờ Công giáo sau này.
Năm 325: Công đồng TCG đầu tiên ở Nicaeas, xác nhận các niềm tin tôn giáo, xây dựng các hội thánh, mà Roma là một trong số đó.
Năm 330: Constantine rời đô về Constantinople, gọi đó là Roma Mới. Roma tạm thời mất vị trí thủ đô.
Năm 395: La Mã chia đôi về địa lý: Đông La Mã nói tiếng Hy Lạp, thủ đô ở Constantinople, Tây La Mã nói tiếng Latin, thủ đô ở Roma.
Khi đó TCG có 5 Giáo hội (Church): Roma, Constantinople, Alexandria, Antiorch, Jerusalem, với 5 vị Giáo Trưởng (Patriarch) 4 ở Đông, chỉ có Roma ở Tây La Mã. Giáo trưởng Roma và Constantinople tranh giành nhau vị trí lãnh đạo.
Tại Roma, do đó có 5 Tòa Thánh đường Giáo trưởng (Patriarch Basilica), đại diện cho 5 Giáo hội TCG.
Năm 404: Một tu sĩ TCG đã nhảy vào giữa hai võ sĩ giác đấu can ngăn họ, và bị đâm chết. Hoàng đế Honorius ra lệnh từ đó chấm dứt trò dã man này.
Năm 452: Rợ Goth do Attila Hun lãnh đạo tấn công Roma. Người La Mã sợ kẻ này đến nỗi gọi ông ta là "Kẻ trừng phạt từ Chúa". Giáo hoàng Leo I đàm phán và Attila tha cho Roma. Nhưng sau đó rợ Vandals chiếm Roma và cướp hết các báu vật của Roma.
Năm 476: Rợ German tấn công, Tây La Mã sụp đổ. Giáo hội Constaninople trở thành kinh đô TCG, giáo hội Roma trở thành bậc dưới.
Sau đó người Đông La Mã (Byzance) đuổi German, Roma thuộc Byzance, như là một thành phố phụ thuộc. Các giáo hoàng Roma phải được Thượng phụ Constantinople công nhận thì mới hợp pháp. Hoàng đế La Mã phương Đông cai trị trên cả giáo hoàng.
Năm 800: Vua người Frank là Charlemagne đánh chiếm toàn bộ tây Âu, tiến vào Roma. Giáo hoàng vội phong ông là Đại đế La Mã để ông bảo vệ mình. Đế quốc của Charlemangne sau này bị chia cắt, và Roma thuộc về Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire).
Để hợp thức hóa vùng đất rộng lớn mà mình chiếm giữ, trong đó có cả Roma, các giáo hoàng đưa ra một văn bản của Charlemagne ghi rằng ông đã trao tặng giáo hoàng vùng đất ấy. Nhưng văn bản đó thực chất là giả mạo.
Lãnh địa Giáo hoàng lúc thì độc lập, lúc thì phụ thuộc Đế quốc La mã thần thánh.
Giáo hoàng phong Charlemagne làm Đại đế, tranh Raphael, Bảo tàng Vatican
Sau khi có được Lãnh địa Giáo hoàng, với quyền lực cả về Tinh thần và Thế tục (Thần quyền và Thế quyền: quyền Giáo Trưởng và quyền làm Vua), và tuyên bố Thần quyền cao hơn Thế quyền, các Giáo hoàng nhiều lần xung đột với Hoàng đế của Đế quốc La Mã thần thánh.
1054: Giáo hoàng đòi quyền Tối thượng trên Thiên Chúa giáo, nên xảy ra Đại Ly giáo (Great Schism), Giáo hoàng Roma và Thượng phụ Constantinople rút phép thông công của nhau. Thiên Chúa giáo chính thức chia đôi: Công giáo La Mã ở phương Tây, Chính Thống giáo ở phương.
1095: Giáo hoàng Roma phát động Thập tự Chinh (Crusades) đi lấy lại Thánh địa Jerusalem.
1204: Quân Thập tự chinh chiếm được Constantinople, các Giáo hoàng thỏa được cái hận xưa kia bị Byzance cai trị, lúc này Thượng phụ Constantinople lại ở dưới quyền Giáo hoàng. 57 năm sau Thập tự chinh mới rút khỏi Constantinople.
1232: Chính thức thành lập Tòa án Dị giáo (Inquisition), một Cơ quan tàn bạo, khủng khiếp nhất trong lịch sử. Trong suốt 600 năm tồn tại, Tòa án Dị giáo đã thiêu sống 5 triệu phụ nữ, tàn sát 50 triệu người ở châu Mĩ, và cả chục triệu người khác trong các nhà tù.
Từ đây, quyền lực của Giáo hoàng ngày càng bành trướng, các Giáo hoàng dần rời xa yếu tố tinh thần, mà sa vào thế tục. Roma cũng được xây dựng huy hoàng, với vô số nhà thờ, của cải mang tập trung.
Lúc này các Giáo hoàng vẫn ở tại Cung điện Lateran.
1305: Nước Pháp hùng mạnh đã bắt giáo hoàng về Avignon nằm trên đất Pháp, Roma vô chủ.
1378: Giáo hoàng trở về Roma, thấy Cung điện Lateran đổ nát quá, mới chính thức đổi sang Vatican.
Thế kỉ 15 - 16, thuộc địa Châu Mĩ được khai thác. Vàng từ châu Mĩ đã được dát lên rất nhiều nhà thờ ở Roma. Các giáo hoàng càng ăn chơi suy đồi. Roma xa xỉ cực độ. Cái mũ miện ba tầng đính ngọc trở thành biểu tượng của Vatican, có thể thấy trên hầu hết các công trình của thời kì này ở khắp Roma.
1529: Trước sự suy đồi của Roma, Luther viết 95 điều phản kháng, từ đó hình thành Tin Lành, tách khỏi Công giáo. Tòa án Dị giáo lại tàn sát vô số người Tin Lành.
Các giáo hoàng cũng dần phải cải cách. Roma phục hưng, Đại giáo đường St. Peter được xây dựng, nhiều công trình đẹp khác được làm trong thời kì này.
1870: Nước Italia thống nhất được thành lập. Lãnh địa Giáo hoàng bị xóa bỏ, Roma (Rome) thuộc Italia, các giáo hoàng thành "người tù Vatican"
1908: Văn phòng thánh - lãnh đạo Tòa án Dị giáo khủng khiếp - được chuyển thành Bộ Giáo lý và Truyền bá Đức tin.
Đăng quang của Giáo hoàng năm 1939. Sau năm 1963 không còn những lễ thế này nữa vì quá xa hoa tốn kém và hình thức
Những công trình, di tích tiêu biểu chính ở Roma gồm:
Nhà thờ (Basilica)
Rome có đến gần 900 cái nhà thờ, chỗ nào cũng có, phố nào cũng giáp ít nhất một nhà thờ. Nhiều lúc không để ý là không biết ở đó có nhà thờ, chỉ đến lúc nhìn lên nóc thấy cây thập giá thì mới nhận ra. Nhà thờ đa phần bên ngoài khá bình thường, tường đá, gạch không trang trí. Có chăng là mặt tiền được dựng lại đẹp hơn cạnh bên, nhưng không so sánh được với các nhà thờ Gothic.
Quan trọng nhất trong các nhà thờ là 4 Giáo trưởng Thánh đường, theo thứ tự là
1. Nhà thờ St. John Lateran - Thánh đường Giáo trưởng Roma.
2. Nhà thờ St. Peter - Thánh đường Giáo trưởng Constantinople
3. Nhà thờ Santa Maria Maggiore - Thánh đường Giáo trưởng Antiorch.
4. Nhà thờ St. John Outside the Walls - Thánh đường Giáo trưởng Alexandria
Đúng ra còn nhà thờ Giáo trưởng Jerusalem, nhưng bé và ít người nói đến.
Các nhà thờ Santa Maria là thờ Đức Mẹ Mary, còn các nhà thờ khác thì vô thiên lủng, mang tên tất cả các vị thánh tông đồ: Peter, Paul, John, Mathew,....
Di tích La Mã cổ
Tập trung chủ yếu ở khu đấu trường Colloseum và Forum, trường đua Maximus, rải rác đến pháo đài Angelo, nhà tắm Deoclietian, Pantheon
Quảng trường (Piazza)
Rất nhiều quảng trường đẹp, hầu hết là từ thời Phục hưng như St. Peter, Nanova, Popolo, Republica, Venezia, Spanish... Quảng trường thường có những cột của Ai Cập (Obelisk), đài phun nước (Fontana), trong đó nổi tiếng nhất là đài phun nước Trevi (Fontana di Trevi)
Cung điện, bảo tàng (Palazzo, Museo)
Nổi tiếng nhất tất nhiên là tòa La Mã Hoàng cung - Tòa thánh Vatican, ngoài ra các tòa lâu đài, bảo tàng khác cũng rất nhiều
Các vườn
Trong khu vực Roma có nhiều vườn đẹp, nằm rải rác cùng với các khu di tích hoặc trong các tòa nhà
----
Termini railway station
Cuối mùa du lịch, Rome vẫn đông khách lắm. Hình như nơi này lúc nào cũng đông.
Chuyến bay đổ đám người xuống một sân bay nhỏ (tên là gì chả nhớ nữa) trong cái nắng chang chang. Nơi này gần Địa Trung Hải, khí hậu đại dương dễ chịu. Chuyến xe bus đưa vào trung tâm Rome chờ sẵn, với giá hình như là 10 euro một người.
Ngồi trên xe, nhìn cảnh từ ngoài vào trong Rome mà thoáng lặng vì thấy sao giống Việt Nam mình quá. Những dãy nhà tập thể năm tầng xếp đều đều, quần áo phơi đầy. Hàng rào ngăn cách khu nhà với xa lộ treo đầy những lốp xe, ván gỗ, đồ chơi cũ, xe đạp hỏng. Tiếng hò hét của một lũ choai choai xa xa, tiếng còi xe í ới ở gần, tiếng người nói bằng đủ các thứ tiếng ngay sát bên tai.
Rồi cũng đến cửa ga Termini, ga lớn nhất Rome. Trái với suy nghĩ về một nhà ga cổ kính đẹp đẽ như Amsterdam, Brussel, ga Termini hiện ra giống như những nhà ga bình thường nhất, chỉ có điều to hơn thôi. Mới được xây dựng lại nên ga trông chỉ toàn những nét ngang và dọc, kính và ximăng.
Bước vào bên trong (để tìm information office) mới thấy một nét dễ chịu, khi trần ga làm uốn hình sóng. Chỉ có thế thôi.
Lockers in station
Sau tôi mới biết thêm một điều nữa về ga Termini cũng như một số ga khác ở Italia. Đó là hệ thống Tủ gửi đồ (Locker) ở ga khá lớn nhưng không hoạt động.
Thông thường ở một số ga lớn đông khách, những locker giúp khách gửi túi vào trong, với giá 1 - 2E cho 24h, rất tiện lợi. Nếu bạn chỉ định đi dạo thành phố trong ngày, hoặc đến sớm quá chưa vào khách sạn được, hoặc chuyến tàu rời đi quá muộn (tàu đêm) trong khi bạn phải ra khỏi khách sạn từ 12 giờ, khi đó bạn chỉ cần đến ga, bỏ đồ vào 1 ngăn tủ, bỏ 1E, khóa lại và cầm chìa khóa đi, đi chơi thoải mái.
Ở ga Termini cũng có nhiều locker, nhưng khi tớ đến, đều không có chìa khóa. Và muốn gửi đồ, bạn phải gửi dịch vụ, với giá 3e cho một túi, lấy vé như gửi xe máy. Đếm túi trả tiền, kể cả túi ngủ cũng thế, hai người 4 túi là 12e, trong khi nếu dùng locker chỉ cần 2e là thoải mái !
Tớ không biết họ không cho khách sử dụng hệ thống locker là do muốn kiếm tiền dịch vụ, hay do tệ nạn ăn cắp ở Rome mạnh quá, kẻ gian dễ dàng mở được khóa locker nên họ không dùng nữa ???
Baths Deoclatian
Ngay trước cửa ga Termini, nhìn sang bên phải sẽ là di tích của bức tường cổ thời La Mã, nhìn thẳng là một quảng trường rộng, rải rác bồn cây, bục gạch, và thùng đựng rác. Xa hơn nữa, sau đám cây lùm lùm là một khu di tích cũng nổi tiếng là Nhà tắm La Mã cổ (Bath). Đó là khu nhà tắm công cộng to nhất thời La Mã, nghe nói nay thành bảo tàng rồi, với nhiều hiện vật đẹp, chỉ có điều không được tắm ở đấy nữa thôi.
Thời La Mã, nhà tắm công cộng là một văn hóa đặc sắc, nơi các "công dân" đến để thư giãn, nghỉ ngơi, và cả trao đổi, bàn bạc, trò chuyện, do đó được làm rất đẹp (lại nhớ đến kiểu nhà ga tàu điện ngầm ở Nga rất đẹp). Nhà tắm công cộng còn là nơi chung đụng rất thoáng, nên vớ vẩn truyền bệnh cho nhau cũng nhiều.
Nói thế, nhưng tớ cũng không có cơ hội đến thăm được cái nhà tắm to nhất Roma đấy. Bên cạnh bây giờ lại là một nhà thờ thì phải. À mà chỗ nào ở Rome chả có nhà thờ...
Đường phố tiếng Ý là Via, toàn là chữ Via. Theo hướng dẫn của bản đồ, đi dọc theo một con phố khá rộng. Phố dốc lên trên, rồi lại thoai thoải đổ xuống giữa những dãy nhà bốn năm tầng. Có thể tưởng tượng rằng xưa kia đây là những triền đồi thấp, nay dù sau hàng nghìn năm, đồi đất đã được san dần, nhưng vẫn không bằng phẳng.
Một nhà thờ nhỏ nhìn thấy bên cạnh một phố đông, có mặt tiền thời Phục hưng trang nhã. Những nhà thờ nhỏ là một nét riêng của Roma.
Tại các thành phố châu Âu khác, nhà thờ thường là một công trình lớn, nằm ở vị trí rộng rãi, có không gian, dễ dàng nhận thấy. Còn ở đây, nhà thờ nằm lẫn vào các khu nhà khác, đôi khi lầm tưởng là nhà thường. Cũng chẳng cần một cái sân, một mặt tiền gì cả. Tức là cũng một kiểu nhà thờ của "khu phố".
Bỗng nhiên nhớ đến những ngôi "chùa làng" giữa lòng Hà Nội, cũng cả trăm ngôi chùa cũng nhỏ, cũng ẩn sâu vào trong lòng phố, đến nỗi nhiều người đi qua mà không biết nơi đó có chùa. Bởi xưa kia là đất làng, mỗi làng một chùa, nay làng lên phố, chùa bỗng nhỏ nhoi lọt thỏm.
Phải chăng Roma xưa kia mỗi khu phố, mỗi gia tộc cũng phải dựng một nhà thờ cho mình, để đến bây giờ mới nhiều thế?
Bỏ qua sự khác biệt văn hóa và tôn giáo, cái phong cách ấy lại một lần nữa khiến tớ cảm thấy nó rất gần gũi với Việt Nam.
Tại các thành phố châu Âu khác, nhà thờ thường là một công trình lớn, nằm ở vị trí rộng rãi, có không gian, dễ dàng nhận thấy. Còn ở đây, nhà thờ nằm lẫn vào các khu nhà khác, đôi khi lầm tưởng là nhà thường. Cũng chẳng cần một cái sân, một mặt tiền gì cả. Tức là cũng một kiểu nhà thờ của "khu phố".
Bỗng nhiên nhớ đến những ngôi "chùa làng" giữa lòng Hà Nội, cũng cả trăm ngôi chùa cũng nhỏ, cũng ẩn sâu vào trong lòng phố, đến nỗi nhiều người đi qua mà không biết nơi đó có chùa. Bởi xưa kia là đất làng, mỗi làng một chùa, nay làng lên phố, chùa bỗng nhỏ nhoi lọt thỏm.
Phải chăng Roma xưa kia mỗi khu phố, mỗi gia tộc cũng phải dựng một nhà thờ cho mình, để đến bây giờ mới nhiều thế?
Bỏ qua sự khác biệt văn hóa và tôn giáo, cái phong cách ấy lại một lần nữa khiến tớ cảm thấy nó rất gần gũi với Việt Nam.
Những người La Mã khi xâm chiếm Ai Cập (câu chuyện Ceasar và nữ hoàng Cleopatre) đã lấy đi những cây cột Obelisk vốn trang trí cho các lăng mộ Pharaoh, hoặc đền đài cung điện. Những cây cột nặng cả chục tấn được mang vượt Địa Trung Hải về dựng tại Roma, như là biểu tượng chinh phục các vùng đất của các hoàng đế.
Thấy cây cột đó, tớ nghĩ rằng đây là mặt trước của nhà thờ, và ngạc nhiên vì mặt tiền kì lạ của nhà thờ này, chỉ có hai cửa nhỏ hai bên ??? Sau mới biết mình nhầm vì đây là mặt sau chứ không phải mặt trước.
Khi ấy vô tình không để ý, vội về chỗ nghỉ, rồi xem bản đồ mới biết vừa đi ngang qua phía sau nhà thờ Santa Maria Maggiore (Saint Maria Major basilica), tức là Nhà thờ Chính Thánh mẫu Maria, hay Nhà thờ Đức Bà Cả (tùy cách gọi). Đây là nhà thờ quan trọng thứ ba ở Roma, là Thánh đường Giáo trưởng Antiorch, nhà thờ Chính lớn nhất để thờ Đức mẹ Maria. Các nhà thờ Santa Maria khác chỉ là cấp dưới.
Chỗ tròn cong chính giữa hai cái cửa trông bên ngoài bình thường thế, nhưng bên trong là tròn vòm nơi có bức khảm tranh về Đức Mẹ rất đẹp mà sẽ thăm sau.
Dọc theo con phố, lại nhìn thấy nhà thờ Santa Maria Maggio qua một con phố nhỏ bắt chéo, với một ngôi nhà ở góc hẹp, nhiều chú tây chụp ảnh gọi là "funny house". Chợt nghĩ nếu họ nhìn thấy những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội, họ sẽ phải gọi là gì đây ? "Crazy house" chăng?
Chỗ tròn cong chính giữa hai cái cửa trông bên ngoài bình thường thế, nhưng bên trong là tròn vòm nơi có bức khảm tranh về Đức Mẹ rất đẹp mà sẽ thăm sau.
Dọc theo con phố, lại nhìn thấy nhà thờ Santa Maria Maggio qua một con phố nhỏ bắt chéo, với một ngôi nhà ở góc hẹp, nhiều chú tây chụp ảnh gọi là "funny house". Chợt nghĩ nếu họ nhìn thấy những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội, họ sẽ phải gọi là gì đây ? "Crazy house" chăng?
Basilica directions?
Sau khi biết đó là nhà thờ Santa Maria Maggiore nổi tiếng, và đối chiếu với bản đồ, tớ đã có một thắc mắc. Thắc mắc ấy càng rõ hơn khi xem bản đồ Nhà thờ St. Peter, nhà thờ chính của Vatican.
Đó là hướng nhà thờ ở Roma.
Theo truyền thống Thiên Chúa giáo, vì Nơi Cực Thánh của TCG là ở Thánh địa Jerusalem, nên các nhà thờ đều xây bàn thờ quay về hướng đó, trừ khi địa thế bất lợi hoặc lý do bất khả kháng không thể làm được mà thôi.
Do châu Âu nằm ở phía tây của Jerusalem, nên nhà thờ truyền thống hình chữ thập sẽ xây theo hướng đông - tây, cửa ở cuối cánh dài phía tây, bàn thờ ở cuối cánh ngắn phía đông. Như thế từ ngoài vào sẽ hướng đến bàn thờ, hướng đến Thánh địa. Các nhà thờ lớn ở châu Âu hầu như đều tuân thủ nguyên tắc này.
(Ngược lại, các nước ở phía đông Jerusalem, như Việt Nam, thì cửa nhà thờ quay về hướng đông, bàn thờ quay về hướng tây, hướng về Jerusalem. Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đều thế cả, tuy có hơi lệch do địa thế).
Thế nhưng, ba tòa nhà thờ Giáo trưởng quan trọng nhất Roma là St. John Lateran, St.Peter Vatican, Santa Maria Maggiore đều ngược lại, tức là cửa quay ra hướng đông, cửa quay về Jerusalem.
Điều này càng được khẳng định khi tớ có công cụ Google, thì thấy ở châu Âu, ngoại trừ nhà thờ ở Roma, không nhà thờ nào quay cửa về hướng đông cả.
Nhưng khác với 3 tòa nhà thờ quan trọng ở trên, tòa thứ 4 là St.Paul thì lại quay đúng hướng truyền thống (cửa hướng tây)
Còn các nhà thờ nhỏ ở Rome, theo kiểu "khu phố" quay lung tung thì không kể.
Tại sao các nhà thờ quan trọng ở Roma lại ngược với hướng truyền thống đến vậy? Tớ search trên mạng không thấy thông tin. Tuy nhiên điều đó được giải thích khi bước vào trong và tìm hiểu về đặc trưng riêng nhà thờ ở Roma.
Cathedrals from aerial
Ảnh Google một số nhà thờ lớn (không cùng tỉ lệ)
Bên trái là 3 nhà thờ quan trọng nhất ở Roma, từ trên xuống:
St.John Lateran - St.Peter - Santa Maria Maggiore
Bên phải là 3 nhà thờ lớn ở châu Âu, từ trên xuống:
Notre Dame, Paris - Cologne, Đức - St.Paul, London
Dễ thấy sự ngược nhau về hướng của chúng. Nhà thờ Roma có cửa quay hướng đông, các nhà thờ kia cửa quay hướng tây.
Hostel
Chỗ nghỉ của tôi và anh bạn nằm trong một ngõ thông ra Via Cavour, nằm gần giữa Santa Maria Maggiore và Colloseum. Đó là một ngôi nhà 4 tầng, bề ngoài ghi Hotel, nhưng có lẽ chỉ là Hostel, bên trong khá ấm cúng. Cô gái receptionist mặt mũi xinh xắn nhưng không vồn vã lắm, có lẽ vì khách hạng bét thì không cần phải thế .
Cô gái tiếp tân ít nói bao nhiêu thì bà làm công (chỉ phòng luôn) lại lắm lời bấy nhiêu. Bà này người Thổ thì phải, và chả cần biết người khác có hiểu không, bà ta tuôn ra hàng tràng tiếng Ý liên tục từ khi bắt đầu lên thang đến khi xuống thang.
Phòng 6 giường, ở chung với 2 cặp đến từ Venice. Phải nói là họ đẹp quá, quá đẹp. Hic. Trong 4 người ấy chỉ có 1 anh chàng nói được tiếng Anh, còn 3 người kia xổ ra một tràng tiếng Ý, chịu chết. Họ là sinh viên, cũng đến Rome chơi, có lẽ ít tiền, chứ không thì đã thuê phòng riêng rồi !!!
Hehe
Colosseum / Colosseo
Điểm đến đầu tiên - và gần chỗ nghỉ nhất - chính là Coloseum, Đại đấu trường, Hí trường La Mã. Tên tiếng Italia là Colosseo, công trình nổi tiếng nhất Roma, lọt vào danh sách 7 kì quan thế giới mới (New Wonders of the World) vừa công bố ngày 07/07/07, cùng này Khai trương Phượt !!!
Công trình này bắt đầu được xây năm 70, sau vụ tàn sát người Thiên Chúa giáo vài năm, cũng là năm Ngôi đền Thứ hai của Jerusalem bị phá hủy. Colosseum là Đấu trường và cũng là Hí trường, nơi diễn ra các cuộc Giác đấu giữa các võ sĩ (Gladiator), giữa các võ sĩ với thú dữ như sư tử, gấu,..., là nơi hành hình các tội nhân, lại cũng là nơi diễn các vở kịch, đại nhạc hội cho công chúng xem. Mảnh đất nơi đó vừa thấm đầy máu vừa ngập đầy hoa.
Con đường hướng đến Colosseum leo cao dần lên một triền đồi, còn Colosseum nằm dưới chân đồi, nên lúc đầu, tớ chỉ nhìn được ba tầng trên của nó, còn tầng dưới khuất. To thật, chiếm cả một góc trời.
Xuống dưới chân dốc, càng thấy sự to lớn của công trình này. Nếu ngày nay với kĩ thuật hiện đại, các sân vận động to lớn không có gì lạ. Nhưng Colosseum đã rất cổ, từ 2000 năm trước, chỉ bằng đá và gạch mà người La Mã có thể dựng được lên nó, đứng vững trong hai nghìn năm, thì quả là đáng khâm phục.
Colosseum được xây dựng thành 4 vòng, mỗi vòng ngoài cao lên. Một phần vòng ngoài cùng đã đổ, nên có thể thấy rõ cấu trúc bên trong. Thoáng trông, tớ cảm tưởng như nó vòng trôn ốc vậy.
Có hai điều chướng mắt đập vào ngay đầu tiên: Đó là hàng rào sắt, và tấm biển đá của nhà thờ.
Colosseum tạo thành nhiều mái vòm trống bên dưới, và thế là người ta lấy rào sắt vây hết lại, để ngăn người ngoài vào. Có điều cái rào ấy xấu tệ, nó dựng tua tủa, chọc vào mắt người nhìn, lạc lõng với công trình cổ.
Đây cũng là một điều gây phản cảm về Rome: Những cái rào quanh các điểm di tích rất phản mỹ thuật. Không biết tại sao họ không dùng những cách ngăn khách vào khu vực cấm bằng những thứ đẹp đẽ hơn nhiều nơi khác làm, mà luôn dùng những cái rào rất thô thiển, ngứa mắt? Hay lại là vì sợ những cái rào đẹp thì không ngăn được trộm cắp ???
Ngay cả ở Vatican và các Nhà thờ cũng dùng những cái rào sắt xấu y như ở đây.
Colosseum
Bức ảnh này lấy từ trên mạng, để có thể thấy tổng thể khu vực này.
Khu đất trống trồng cây bên phải là Cung điện Nero xưa kia, nay chỉ còn vài phế tích. Sát mép bên phải là cổng Constantine, lối vào khu Forum.
Xưa kia, tại mỗi vòm cuốn của Colosseum có một pho tượng, tượng những vị thần La Mã, hoàng đế La Mã, tướng La Mã, và cả những người chiến thắng trong các cuộc đấu. Trò giác đấu đến tận năm 404 mới dừng, sau khi một tu sĩ TCG chết vì can hai võ sĩ giác đấu tại đây. Các hoạt động khác đến khi Tây La Mã sụp đổ mới dừng.
Nếu ai đã xem phim Võ sĩ Giác đấu (Gladiator) sẽ thấy cảnh tái hiện lại Colosseum gần 2000 năm trước, với các khán đài chật ních người, cờ xí, hoa chăng xung quanh các cây cột.
Vòng ngoài cùng, cao nhất của Colosseum đã bị đổ một nửa sau một trận động đất bảy trăm năm trước. Gạch đổ thành từng đống lớn. Người dân Roma đã lấy gạch đá ấy về xây nhà, và người vét sạch những viên đá cuối là các Giáo hoàng.
Truyền thuyết kể rằng khi quân La Mã tấn công Jerusalem vào năm 70, đã phá hủy Ngôi đền Thứ hai của người Do Thái, tức là Đền thờ Thiên Chúa. Họ mang những tảng của Ngôi đền về Roma, làm móng cho Colosseum. (ở Jerusalem chỉ còn lại Bức tường Phía tây của Ngôi đền đó).
Do vậy mà khi xây dựng lại Đại giáo đường St.Peter vào năm thế kỉ 16, các giáo hoàng đã sai lấy đá móng của phần tường đổ về xây, vì cho rằng nó là đá từ Đền Thánh Jerusalem. Hơn 2000 tảng đá móng từ Colosseum đã được đem về dựng lên tòa nhà thờ lớn nhất thế giới, mà các Giáo hoàng coi đó là Ngôi đền Thứ ba.
Trước khi xây Colosseum, khu đất đó đã từng là nơi hành hình các tín đồ TCG, bằng cách đóng họ vào cột, tẩm dầu mỡ làm đuốc sống cho các đêm hội của Nero. Do đó các Giáo hoàng cũng tuyên bố Colosseum là Nơi thánh của các vị thánh Tử vì đạo. Cái biển đá đóng trên lối vào chính, và cây thập giá ở cửa Colosseum khẳng định điều đó. Hàng năm, vào lễ Phục sinh, Giáo hoàng lại làm lễ diễn tả lại Con đường Khổ nạn của Chúa ngay trên những vòng tường của Colosseum.
Đây quả thật là mảnh đất thấm máu.
Nơi tôi đứng chụp ảnh là chỗ ngồi của các vị hoàng đế La Mã xưa kia, trên một cổng vòm. Đối diện là một cổng khác để những võ sĩ vào tử chiến, hoặc những đoàn rước, đoàn lễ hội, kịch, ca vũ tiến vào chào Hoàng đế trong tiếng hò reo của 50 nghìn khán giả hai bên.
Tại chỗ này, ngón tay cái bàn tay phải giơ lên hay quay xuống của hoàng đế sẽ cứu sống hay kết liễu đời của võ sĩ thua trận.
Xưa kia mặt Colosseum lát đá phẳng, ngang với con đường ở giữa. Phần bên dưới mà ta nhìn thấy trong ảnh là những căn hầm tối, nhốt nô lệ, tù nhân, và dã thú. Khi vận động hệ thống cửa, sàn Colosseum sẽ mở ra để cho nô lệ khiếp hãi và dã thú lồng lộn đi lên, các cửa khác quanh đấu trường sẽ đóng lại, và khán giả ngồi trên các khán đài chăng hoa sẽ hồi hộp phấn khích theo dõi những màn ghê rợn bên dưới họ 4 - 5m.
Vô phúc cho ai vì chen lấn xô đẩy hoặc tò mò nhòm mà lộn cổ xuống. Sẽ không ai kéo lên cả đâu !!!
Một trong những điều đáng kinh ngạc nhất là ngoại trừ phần móng và một số con đỡ, vị trí quan trọng làm bằng đá, còn thì Colosseum chủ yếu xây bằng gạch nung. Cứ tưởng tượng một bức tường gạch thẳng đứng cao đến gần 50m, tương đương nhà 15 tầng (Cột cờ Hà Nội, kể cả cột sắt treo cờ chỉ có 40m), không xây liền mà toàn là các vòm đỡ nhau, thật quá giỏi.
Thông thường các vòm được làm bằng đá sẽ chắc chắn hơn, gồm càng ít viên đá càng chắc, vì lực dồn đều ra. Nhưng vòm bằng gạch thì không hiểu gắn kết kiểu gì, vì cả trăm viên gạch mới nối thành một vòm. Dù biết người La Mã đã biết dùng một loại ximăng, nhưng ximăng gì mà sau 2000 năm không hỏng, trong khi xi măng của mình giờ chỉ vài chục năm đã bong tróc, nứt vỡ...
Nhiều người có thể cho rằng Colosseum không có gì đáng xem, còn với tớ, nó thực sự là một điểm đến có ý nghĩa. Có thể nó không đẹp, không nguyên vẹn, nhưng nó là biểu tượng về công sức, trí tuệ, nỗ lực đã thành công của những kiến trúc sư và thợ xây cổ đại.
Hình Colosseum cũng được dập nổi trên mặt sau đồng 1 cent tại Italia (Đồng Euro chung, mặt trước giống nhau nhưng mặt sau thì tùy nước nào sẽ in của nước ấy)
Cái ành này trên wikipedia, trang trí vào đây một tí, các bác thông cảm, tớ không chụp được thế này là chắc chắn rồi.
Constantine Arch
Ngay cạnh Colosseum là một công trình nhỏ hơn rất nhiều nhưng cũng rất đẹp và nhiều ý nghĩa.Cổng Constantine làm bằng đá cẩm thạch, cao 21, ngang 26 và dầy 8 mét. Trên cổng trang trí bởi rất nhiều phù điêu cẩm thạch, diễn tả lại những chiến công của Constantine và cả những vị hoàng đế trước ông. Có những phù điêu, tượng được làm cùng thời với cổng, có cái được lấy từ nơi khác đem đặt vào. Qua thời gian, đá cẩm thạch trắng và vàng đều đã đổi màu, nhưng những nét điêu khắc vẫn còn rất rõ.
Đó là Cổng Constantine (Constantine Arch / Arco di Constantino), được xây dựng năm 315 để kỉ niệm chiến công của hoàng đế Constantine. Trong số 3 cổng còn nguyên vẹn hiện nay tại Roma, đây là cổng xây muộn nhất. Phía bên kia cổng là đồi Palatine, ngọn đồi trung tâm, nơi Romulus khai phá thành Roma.
Hình thức dùng Cổng để kỉ niệm Chiến thắng (Khải hoàn môn) được người La Mã mượn từ người Hy Lạp cả nghìn năm trước, và đến lượt nó, lại được các vương quốc khắp châu Âu bắt chước. Dễ thấy Khải hoàn môn của Pháp, của Bỉ; Cổng Cẩm thạch của Anh,..., có hình dáng y hệt cổng này.
Xưa kia, những đoàn quân La Mã sau khi thắng trận sẽ đi qua cổng này, người dân đứng trên Colosseum (như tớ đang đứng) sẽ chiêm ngưỡng toàn bộ đoàn quân chiến thắng. Đoàn người đi qua cổng rồi đi vòng quanh đồi Palatine, qua cổng Severius, nơi các Nguyên lão, Quý tộc đón chào, rồi qua cổng Titus ra khu dân cư bên ngoài. Khu khai quật phía trước cổng chỉ rõ con đường diễu hành đó.
Do năm 313 là năm Constantine ra lệnh công nhận Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính thức hợp pháp ở La Mã, nên với người Thiên Chúa giáo, cổng này cũng coi như một công trình kỉ niệm chiến thắng của Thiên Chúa trước các tôn giáo khác. Không phải vô cớ mà cổng này đã được trùng tu lại trước Năm Thánh 2000 (Holy Jubilee Year)
Chỉ tiếc rằng họ lại vây cổng bằng lớp rào sắt tua tủa ken đặc, khiến cho không thể cảm nhận trọn vẹn nó
Roman Forum / Foro Romano
Roman Forum hay Foro Romano trong tiếng Ý, hay Fora Romanium trong tiếng Latin, là khu trung tâm hành chính, quyền lực của La Mã cổ đại. Chữ Forum - diễn đàn - từ đây mà ra.
Bên cạnh con đường chính dẫn vào có một ngôi đền cổ rất lớn dựng từ năm 121, nay đã đổ gần hết. Ngôi đền thờ các nữ thần, cả thần Tình yêu và Sắc đẹp Vệ Nữ (Venus) và Nữ thần thành Roma. Ngôi đền dài bằng và rộng gấp rưỡi một sân bóng đá, nay chỉ còn một phần tường vòm cuối. Xung quanh, những hàng cột đá đứng đó như dấu tích của một thời xa xưa. Đền dựng trên một nền đất cao, không biết là cao tự nhiên hay đắp lên, vì xung quanh toàn thấy xây vòm như cổng?
Bên trái con đường chính vào khu Forum là đồi Palatine. Cuối con đường vào, đánh dấu khu Forum là cổng Titus bằng cẩm thạch cũng rất đẹp.
Cả một khu vực khá rộng chứa các di tích quan trọng nhất của La Mã cổ đại. Toàn khu vực gồm 3 khu chính: Forum, đồi Palatine, đồi Capitoline, giới hạn ở mặt nam bởi Trường đua lớn Circus Massimus, phía bắc bởi Đài tưởng niệm Emanuele, phía đông bởi Colosseum.
Trên thực tế khung cảnh Forum quá nhiều đổ nát, toàn nền đá gạch, cột đứng trơ trọi, lộn xộn đan xen, chồng lên nhau.
Đồi Palatine là cung điện cũ của các Hoàng đế La Mã, cũng chỉ còn nền và một số bức tường trên bề mặt. Tuy nhiên có thể thấy những phần ngầm trong lòng đồi rất rộng lớn, cả một khu vườn Liberian lưng chừng đồi.
Đồi Capitoline là đỉnh cao nhất, xưa kia trên đó có những ngôi đền thờ, ngày nay là bảo tàng. Capitoline với nghĩa trung tâm đã là gốc của từ Capitol (thủ đô, thủ phủ) ngày nay
Không như cổng Constantine bị rào kín mít, cổng Titus để cho người đến thăm thoải mái đi qua lại và sờ mó.
Cổng Titus xây bằng cẩm thạch trắng, bên ngoài trang trí ít, nhưng vòm cổng phía bên dưới được điêu khắc đá rất đẹp, với những hình ô vuông trong đó có những bông hoa tròn. Kiểu trang trí này còn gặp rất nhiều trên trần các nhà thờ ở Roma, cầu kì hơn, chi chít hơn.
Trên nóc của cổng ghi đại khái rằng: Nghị viện và Nhân dân La Mã xây tặng hoàng đế Titus cái cổng này. Cũng là do vua và cho vua cả, nhưng ghi thế ít ra cũng thấy là có sự dân chủ hơn các giáo hoàng về sau nhiều lắm.
Cổng này xây sau khi Titus đánh bại người Do Thái tại Jerusalem, trên cổng còn có bức điêu khắc mô tả cảnh người La Mã khênh các báu vật của Đền thờ Jerusalem đi, trong đó có chân đèn 7 nhánh, biểu tượng của Do Thái giáo.
Bước qua cổng Titus, phế tích của Forum rải rác khắp nơi. Những nền nhà, những chân cột,... của các ngôi đền, các tòa hội đường, phòng họp, nơi bàn việc.... dầm mưa dãi nắng.
Xa kia là hàng cột của ngôi đền Saturn - thần Bầu trời, gần hơn là của đền Castor, rồi đền Antonius, Faustina, tòa nhà Vestal, đại đường Maxentius, đại đường Aemilla, viện Nguyên lão,... tất cả chỉ còn là phế tích. Phải tưởng tượng nhiều lắm mới có thể hình dung cái bãi gạch đá đổ nát này ngày xưa đã từng sừng sững những công trình, tấp nập các Nguyên lão, quý tộc, tướng lĩnh La Mã thế nào.
Ngọn tháp vươn đằng xa đánh dấu đỉnh đồi Capitoline với tòa nhà bảo tàng. Bên phải, xa nhất là Đài tưởng niệm Emanuele bằng đá trắng.
Khu Forum là thế, phải tưởng tượng thật nhiều.
Thực tế khi đi vào giữa khu Forum, cảm giác không được thoải mái lắm. Có một cái gì đó lộn xộn, chồng chéo, khúc khuỷu ở đây.
Tôi tưởng tượng đến một khu vực - dù chỉ còn nền móng - thì ít ra cũng phải có quy hoạch rõ ràng, đường thẳng, rộng, các khối nhà đối xứng, cân đối.
Nhưng khu Forum này, cái nọ xọ sang cái kia. Đền nằm giữa các khu hội đường. Đền thì cái to cái nhỏ, cái nền cao cái nền thấp (do móng còn lại đến nay), cái thò cái thụt, khiến cho con đường xuyên qua giữa khu Forum không thẳng, mà phải quặt sang phải.
Hai cổng Titus và Severus đánh dấu hai đầu của khu, nhưng chúng không thẳng hàng. Các tòa nhà trong khu cũng cái quay ngang, cái nằm dọc. Cái thì cửa quay ra đầu này, cái quay ra đầu kia...
Tóm lại, vào khu Forum tôi thấy không thích thú lắm. Chỉ có phế tích một công trình rất lớn là tôi thấy ấn tượng hơn cả, đó là Hội đường Maxentius (Massentius Basilica)
Bước qua cổng Titus, phế tích của Forum rải rác khắp nơi. Những nền nhà, những chân cột,... của các ngôi đền, các tòa hội đường, phòng họp, nơi bàn việc.... dầm mưa dãi nắng.
Xa kia là hàng cột của ngôi đền Saturn - thần Bầu trời, gần hơn là của đền Castor, rồi đền Antonius, Faustina, tòa nhà Vestal, đại đường Maxentius, đại đường Aemilla, viện Nguyên lão,... tất cả chỉ còn là phế tích. Phải tưởng tượng nhiều lắm mới có thể hình dung cái bãi gạch đá đổ nát này ngày xưa đã từng sừng sững những công trình, tấp nập các Nguyên lão, quý tộc, tướng lĩnh La Mã thế nào.
Ngọn tháp vươn đằng xa đánh dấu đỉnh đồi Capitoline với tòa nhà bảo tàng. Bên phải, xa nhất là Đài tưởng niệm Emanuele bằng đá trắng.
Khu Forum là thế, phải tưởng tượng thật nhiều.
Thực tế khi đi vào giữa khu Forum, cảm giác không được thoải mái lắm. Có một cái gì đó lộn xộn, chồng chéo, khúc khuỷu ở đây.
Tôi tưởng tượng đến một khu vực - dù chỉ còn nền móng - thì ít ra cũng phải có quy hoạch rõ ràng, đường thẳng, rộng, các khối nhà đối xứng, cân đối.
Nhưng khu Forum này, cái nọ xọ sang cái kia. Đền nằm giữa các khu hội đường. Đền thì cái to cái nhỏ, cái nền cao cái nền thấp (do móng còn lại đến nay), cái thò cái thụt, khiến cho con đường xuyên qua giữa khu Forum không thẳng, mà phải quặt sang phải.
Hai cổng Titus và Severus đánh dấu hai đầu của khu, nhưng chúng không thẳng hàng. Các tòa nhà trong khu cũng cái quay ngang, cái nằm dọc. Cái thì cửa quay ra đầu này, cái quay ra đầu kia...
Tóm lại, vào khu Forum tôi thấy không thích thú lắm. Chỉ có phế tích một công trình rất lớn là tôi thấy ấn tượng hơn cả, đó là Hội đường Maxentius (Massentius Basilica)
Basilica of Maxentius
Basilica of Maxentius - Constantine là tòa Hội đường rộng lớn và cao nhất toàn bộ khu Forum cũng như Roma cổ, với mặt bằng lên đến 4000 m vuông, vòm cao nhất 35m. Nghĩa là có thể đem cả Cột cờ Hà Nội đặt lọt trong chỗ cao nhất của lòng tòa Đại đường này.
Tòa nhà xây chủ yếu bằng gạch, những mố ở góc để đỡ vòm mái làm bằng đá, những khối đá cực lớn ở độ cao vài chục mét. Những tảng đá rơi xuống cho thấy độ lớn của nó như thế nào (so với người đứng ở dưới thì rõ).
Với những gì còn lại, tôi cảm thấy thật nhỏ bé. Xưa kia cả nghìn người có thể tụ tập trong căn phòng này. Khả năng xây vòm bằng gạch của người La Mã đạt đến đỉnh cao, mà về sau không còn làm được như thế nữa.
Một trong những điều khiến tôi thực sự xúc động khi đứng dưới vòm tòa nhà này, là vì trong kí ức của tôi, tôi đã từng thực sự được ngắm mái vòm này, lâu lắm rồi...
Khi còn bé, ở nhà tôi có một số những quyển sách nước ngoài in những tác phẩm nghệ thuật của châu Âu, in trên giấy trắng rất dầy và tốt, mà bố tôi mang về, và về sau này có bán, do Nga in. Trong những quyển tranh đó, khi còn bé tôi không thích và không hiểu những bức chân dung, nhưng lại rất say sưa với những bức tranh phong cảnh và tranh vẽ công trình lâu đài kiến trúc châu Âu.
Hình ảnh của những cung điện đền đài đổ nát được nhiều họa sĩ vẽ, với một vẻ đẹp điêu tàn, thường là trong nắng chiều, với những đám mây lớn và bầu trời rộng. Những bức tranh đó cuốn hút bởi nó cho tôi thấy một thế giới cổ kính mà khi đọc truyện cổ tích, tôi có thể tưởng tượng ra rõ ràng.
Và trong số đó, chắc chắn đã có một bức tranh vẽ về những mái vòm Maxentius này. Tôi không nhớ nổi chính xác bức tranh như thế nào, vì xem nó đã quá lâu. Nhưng khi đứng dưới mái vòm, thì kí ức lại trở về, và tôi thấy mình đang đứng trong bức tranh ấy, trên trang giấy ấy. Và những gì trong tưởng tượng thuở trẻ con, nay thành hiện thực...
Cái cảm giác này còn trở lại rất nhiều, khi được đến xem tận mắt những nơi mà mình đã từng đến, từng đến rồi...
Cung điện Tiberian xưa đứng trên lưng chừng đồi Palatine, nằm giữa một vườn cây. Ngày nay cây cối xanh tươi, nhưng cung điện chỉ còn đống gạch.
Trong một hang đá lưng chừng đồi, có đài phun nước, những bức tượng đứng im lìm. Còn có một đài phun nước cao hơn cả chỗ đó, ngay sát đỉnh đồi. Điều này khiến tôi hơi ngạc nhiên, vì tại vị trí trên đỉnh đồi cao, lấy đâu ra nhiều nước để có thể chảy thành những dòng nước như những ngọn thác nhỏ, những bể tràn?
Sau đó mới nhớ ra là để cung cấp nước cho Roma, người La Mã đã xây dựng 1 hệ thống mương dẫn khổng lồ dựng trên những cây cột, cao đến hàng chục mét. Nước từ các đỉnh núi xa đến cả trăm km được dẫn theo những mương ấy về thẳng đỉnh đồi Palatine, để tạo thành những đài phun, bể tràn cho cung điện các vị hoàng đế.
Xưa Rome có 2 đường dẫn nước lớn, và người ta tính rằng lượng nước trung bình/người thời Roma cổ đại còn nhiều hơn hiện tại. Các nhà tắm công cộng, đài phun nước trong các gia đình quý tộc, cung điện không lấy nước từ sông, mà từ các hệ thống dẫn nước vĩ đại gọi là Aquaduct như thế này:
Đỉnh đồi Palatine cũng chỉ còn những dấu tích cung điện mà thôi. Người ta dựng một ngôi nhà để làm bảo tàng, gìn giữ những bức tượng, phù điêu, chân và đỉnh cột, một ít đồ kim loại tìm được.
Khu đồi chỉ là những lớp thềm gạch, chân cột đá trống trải, hoang vu, với những cái cây mọc trơ trọi. Nhớ đến Đại Nội Huế, nơi chỉ còn những nền điện mang tên Cần Chính, Chương Đức,... xưa kia. Ở đây cũng vậy, chỉ là những cái tên.
Bên sườn đồi, có một khu sân lộ thiên khá lớn, gọi là Stadium. Đó là nơi giải trí của hoàng đế, với những dãy cột hình ôvan, hình tròn. Nơi đây xưa kia người ta biểu diễn xiếc, các trò với thú, với lửa.... để hoàng đế và quần thần ngồi xung quanh hoặc bên trên xem. Bên ngoài là khu nhà tắm hoàng gia, dành riêng cho hoàng đế và các cận thần.
Đôi lúc không biết rằng mình đang đứng trên một quả đồi, hay đứng trên tầng 3 của cả một tòa nhà ngầm trong lòng cái mà mình gọi là đồi? Không biết dưới chân là đất liền hay là những mái vòm trống rỗng, mà bỗng dưng có thể sụt xuống, và mình sẽ rơi xuống một cái hầm sâu đen ngòm toàn những dấu tích xa xưa???
Bên phải là Trường đua Lớn (Circus Massimus), nơi dành để đua chiến xa thời trước. Những trường đua La Mã chính là tổ tiên của những đua xe F1 bây giờ, chỉ có điều thay 4 con ngựa bằng động cơ, thay cây roi bằng chân ga, thay dây cương bằng volant mà thôi.
Aqua Claudia
Lang thang sang bên dưới khu nhà tắm hoàng gia của đồi Palatine, bắt gặp phần cuối cùng của hệ thống dẫn nước Aqua Claudia. Những cột vòm này đỡ một mương nước lớn chạy hàng trăm km từ các đỉnh núi xa, để rót nước lên đỉnh đồi, chảy tràn xuống nhà tắm hoàng gia và các khu vườn xanh tươi bên dưới. Những phần khác của công trình này đã hoàn toàn đổ mất, chỉ còn lại phần cuối cùng này.
Nắng chiều chiếu xiên cây, nơi này thật yên lặng. Du khách có lẽ cũng ít người đến tận phía bên này...
Những gì còn lại của các khu đền Saturn, Julia,... Đằng sau là đồi Palatin với dấu tích của những cung điện cũ.
Viết về khu Forum còn quá nhiều điều, chằng nào ta đến và thực sự muốn tìm hiểu, sẽ còn vô số điều ý nghĩa.