Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2008

Bộ ba trong Phật giáo

Hình tượng các bộ ba (trinity) trong tôn giáo khá phổ biến, nhưng có lẽ không tôn giáo nào sử dụng các bộ ba nhiều như Phật giáo. Hắn sẽ điểm qua một số bộ ba quan trọng nhất mà hắn đã biết. Các khái niệm của các từ trong Phật giáo rất phức tạp, gồm cả Phật giáo Nam và Bắc tông, Tiểu thừa và Đại thừa, và hắn cũng không hiểu hết được, chỉ nói sơ sơ thôi.

Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng
Là ba điều cao quý nhất trong Phật giáo. Mọi tín đồ đều phải tôn kính, sùng bái Tam bảo.
Tam Tạng: Kinh – Luật – Luận
Ba loại đại điển, thánh thư. Kinh là lời giảng của đức Phật; Luật là giới luật mà Phật đặt ra; Luận là các luận giải mà theo truyền thống thì chủ yếu cũng là do Phật, ngoài ra phần mở rộng có thể do các vị đệ tử, thiền sư. Để học Phật thì Luận tạng là quan trọng nhất.

Tam Thế: Quá khứ - Hiện tại – Vị lai
Ba thế giới mà các vị Phật đã, đang, sẽ giáo hóa. Nhiều thuyết lấy ba vị Đại Phật làm đại diện ba thế giới: A Di Đà là vị Phật Quá khứ, Thích Ca Mâu Ni là vị Phật hiện tại, và Di Lặc là vị Phật tương lai.
Tam Giới: Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới
Ba cõi mà chúng sinh, gồm cả nhân và phi nhân, thiên và phi thiên ở trong. Chỉ có bậc Giác ngộ, chứng quả mới thoát được Tam giới.
Tam Độc: Tham – Sân – Si
Còn gọi là Tam chướng, ba chướng ngại lớn trên con đường nhận ra chân lý. Tham là tham lam những điều để thỏa mãn dục vọng, lục căn. Sân là sân hận, ghen ghét, đố kị, tức giận, thù oán. Si là ngu si, si mê cố chấp mà không nhận ra được Chân như, Phật tính.
Tam Quán: Không quán – Giả quán – Trung quán
Còn gọi là Tam pháp quán, là ba cách nhìn, quán được tướng Không của mọi sự, tướng Giả, và đạt vượt trên đó mới quán được Trung tướng. Dựa trên đó, các chùa đều xây Tam quan tượng trưng cho Tam quán.
Tam thiên thế giới: Tiểu thiên – Trung thiên – Đại thiên thế giới
Nói đến sự vô cùng vô tận của không-thời gian và chúng sinh. Nơi loài người này đang sống là một cõi Ta Bà, vô lượng cõi Sa Bà thành một Thế giới, một ngàn Thế giới thành Tiểu Thiên thế giới, Một ngàn Tiểu Thiên thế giới là một Trung Thiên thế giới; một ngàn Trung Thiên thế giới thành Đại Thiên thế giới. Phật pháp tỏa khắp chúng sinh của cả Tam Thiên thế giới, tức là vô cùng vô tận.
Tam Thân: Pháp thân – Báo thân - Ứng thân
Là ba thân của Phật. Pháp thân hay Tự tính thân, là thân thường trụ bất sinh bất diệt bản thể, Phật tính của tất thảy; Báo thân hay Thụ dụng thân, là nhục thân, sắc thân do cha mẹ sinh ra và vật chất nuôi dưỡng của Phật; Ứng thân hay Biến hóa thân là thân biến hóa cứu độ chúng sinh khắp các cõi của Phật.

Còn vô số khái niệm bộ ba nữa không thể viết hết:

Tam ác đạo, tam hạnh, tam ái, tam ấn, tam báo, tam Bồ đề, tam ma, tam quang, tam sắc, tam thân khổ, tam thiện thân, tam tướng, tam giả, tam giác, tam giải thoát, tam lậu hoặc, tam học, tam huệ, tam khổ, tam không, tam lạc, tam luân, tam mật, tam minh trí, tam quả báo, tam thời, tam thừa,...v...v...



Các hình tượng chư Phật, Bồ tát thường đi với nhau thành bộ ba, gọi là Tam tôn hoặc Tam thánh. dưới đây là một số bộ chính

Thích Ca Tam Tôn: 
Thích Ca Mâu Ni – A Nan Đà – Đại Ca Diếp

Là ba vị có thật trong lịch sử, ba vị Tổ của Phật giáo, đồng thời là Sư phụ và hai đồ đệ. Phật Thích Ca là vị Phật lịch sử, đản sinh hơn năm trăm năm trước Công nguyên, là đức Thế Tôn, Bản sư, Từ Phụ của Phật giáo. A Nan và Ca Diếp là tôn giả, hai đại đệ tử của Phật Thích Ca, sau khi Phật nhập Niết Bàn thì truyền y bát lại cho Ca Diếp làm Sơ tổ, Ca Diếp truyền cho A Nan làm Nhị tổ. Ba vị liên quan đến tích Niêm hoa vi tiếu nên còn gọi là Niêm Hoa Tam Thánh, hay Nhất Phật nhị Tôn giản.
Phật giáo Nguyên thủy, Nam tông chỉ thờ Thích Ca Tam Tôn mà thôi. Các chùa trong nam chủ yếu thờ Tam tôn này.


Tam Thế PhậtĐại diện cho tất cả các vị Phật của Quá khứ, Hiện tại, Vị lai.
Cũng có thể là các vị Phật của Tam thiên Đại thiên thế giới. Lại cũng có thuyến gắn với ba vị là Phật A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc, là ba đấng Đại Phật của ba thế giới Quá khứ, Hiện tại, Vị lai; cũng đồng thời của ba cõi Tây phương Cực lạc, Trung thổ, Đông phương Tịnh Độ, là các đấng  Tiếp dẫn, Khai mở, Cứu độ trên con đường Phật pháp.
Các chùa miền bắc luôn luôn có bộ Tam Thế ở vị trí cao nhất
Hoa Nghiêm Tam Thánh: Phật Thích Ca – Văn Thù Bồ tát – Phổ Hiền Bồ tát
Văn Thù Bồ tát tượng trưng cho Đại trí: Trí - Tuệ - Chứng. Phổ Hiền bồ tát tượng trưng cho Đại hạnh: Lý - Định – Hành. Ba vị có lúc cũng gọi là Thích Ca Tam tôn.

Hoa Nghiêm Tam Thánh cũng có thể là Đại Nhật Như Lai – Văn Thù – Phổ Hiền


Đại Nhật Như Lai Phật – Ma Ha Tỳ Lư Xá Na (nghĩa là Biến Nhất Thế Xứ, Tịnh Mãn, Quảng Bác Nghiêm Tịnh, Quang Minh Biến Chiếu) là đấng Chí Tôn Phật của khắp không-thời gian, là đấng Đại Phật Bản Thể, Pháp thân của mọi Báo thân, Ứng thân Phật. Trong cõi Liên Hoa Đài Tông, từ đấng Đại Nhật Như Lai mới phát xuất tất cả chư Phật, chư Bồ tát. Thích Ca Mâu Ni là  một Báo thân của Đại Nhật Như Lai.
Nếu chùa đặt bộ Hoa Nghiêm Tam thánh thì không đặt bộ Thích Ca Tam tôn nữa.

Quang Minh Tam Tôn: Đại Nhật Như Lai – Thích Ca – Dược Sư 


Đại Nhật Như Lai tượng trưng Pháp thân Phật, Thích Ca Như Lai là Báo thân Phật, Dược Sư Như Lai là Ứng thân Phật trong vô lượng thế giới.
Quang Minh Tam tôn rất hiếm gặp.

Di Đà Tam Tôn: Phật A Di Đà – Quán Thế Âm Bồ tát – Đại Thế Chí Bồ tát

Phật A Di Đà tức Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ Phật, là giáo chủ Tây phương Cực lạc thế giới, là bậc Đại trí. Quán Thế Âm Bồ tát thấu được lời nguyện cầu của chúng sinh, bậc Đại bi. Đại Thế Chí Bồ tát thấu được ý nguyện thế gian, bậc Đại dũng. Ba vị là bậc Trí, Bi, Dũng, tiếp đón dẫn dắt chúng sinh vào cõi Phật, nên còn gọi là Tây Phương Tam thánhTịnh Độ tam thánhTiếp Dẫn tam tônLai Nghênh tam tôn.
Các chùa miền bắc luôn có Di Đà Tam tôn, thường đặt chỉ dưới bộ Tam thế.

Dược Sư Tam Tôn: Phật Dược Sư – Nhật Quang Bồ tát – Nguyệt Quang Bồ tát

Phật Dược Sư, hay Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Đại Y Vương Thiện Thệ Phật, bậc chữa bệnh cả thể xác, tinh thần, trí tuệ cho mọi chúng sinh. Ngài là Giáo chủ của thế giới Đông phương Tịnh Lưu Ly. Nhật Quang Biến Chiếu Bồ tát cứu độ chúng sinh khi ban ngày, tượng trưng cho Căn bản trí; Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ tát cứu độ chúng sinh ban đêm, tượng trưng cho Hậu đắc trí. Ba vị còn gọi là Đông Phương Tam thánh.
Ở chùa miền bắc, có bộ Dược Sư tam tôn ở chùa Hòe Nhai.
Di Lặc Tam Tôn: Phật Di Lặc – Pháp Hoa Lâm Bồ tát – Đại Diệu Tường Bồ tát

Bồ tát Từ Thị hiện nay sẽ đến trong tương lai, trở thành Phật Di Lặc, hay Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật. Bồ tát Pháp Hoa Lâm cũng chính là Phổ Hiền, và Bồ tát Đại Diệu Tường cũng chính là Văn Thù, sẽ cùng Di Lặc Phật cứu độ trong tương lai. Ba vị sẽ kéo dài ánh sáng Phật pháp mãi mãi, nên còn gọi là Diên Quang Tam muội.
Bộ Di Lặc Tam tôn được đặt dưới bộ Hoa Nghiêm Tam thánh hoặc Thích Ca Tam tôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét