Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Đi chùa

Hắn hay đi đền chùa, nhiều người biết thế. Nhưng không rõ mọi người có biết cách mà hắn đi chùa hay không.

Hắn đi không cầu không khấn, không mang hương hoa oản quả, chẳng lễ vàng giấy tiền gì sất. Hắn vào đền chùa cũng chắp tay trước bàn thờ, mắt ngước lên thành kính lắm. Những pho tượng trên bàn thờ là tượng các vị Phật, Bồ tát, Thần thánh nào, hắn gần như biết cả, chính vì thế hắn hiểu rằng cầu khấn không phải là con đường đúng đối với hắn. Hoặc có lúc hắn khấn rằng: Xin các ngài tha lỗi nếu mạo phạm, vì hắn có thể sẽ mạo phạm cái hình tượng gỗ đá của các ngài chứ không phải các ngài.

Với kinh nghiệm còi hiện nay, hắn có thể tạm phân biệt được đâu là tượng, hoành phi, câu đối, đồ tế tự cổ; đâu là đồ mới làm, và đâu là đồ cổ mới được sơn thếp lại. Thế rồi, cố gắng tránh lúc có người, hắn sẽ rút máy ảnh ra để bấm lấy vài bức. Tất nhiên là chỉ nhắm những cái đặc trưng, đặc biệt, mà chủ yếu là những thứ cổ kính thôi.

Có những nơi hắn chỉ cần ba hoa bốc phét tí thôi, là các vãi già, các cụ thủ từ, mở cả hậu cung, hậu điện để hắn tha hồ xem và chụp; thậm chí còn khoe hắn là chụp cái này đi, cái này đẹp đấy... Nhưng cũng có nơi hắn vừa chỉ thò cái máy ảnh ra thôi là đã được nhắc nhở, cảnh cáo, cấm đoán, thậm chí gùn ghè cáu kỉnh. Với những nơi biết là khó khăn để chụp, hắn đôi lúc phải dùng cách là cứ để máy trước bụng, bấm bừa. Với các cụ ấy thì phải giơ máy ảnh lên nhìn ngắm thì mới là chụp, còn vẫn để thế kia thì là không sao.

Mà rất nhiều đền chùa chỉ mở cửa ngày rằm, mồng một. Thế nên đôi lúc hắn cũng phải tranh thủ. Những ngày này thì đền chùa đông hơn, nên có lúc dễ để đột nhập hơn vì người ta không trông hết được. Thế nhưng có nơi thì lại có gấp bội, vì có ngay một đội ngũ các cụ ông, cụ bà đông đảo mắt dù kèm nhèm nhưng sao lại nhìn rõ cái máy ảnh của hắn thế không biết....


Đi chùa (tiếp) 4 / 6 / 2008

Hôm qua là mồng một âm. Sau khi xong việc buổi chiều, hắn đi chùa.

Mùng một thì chùa đông rồi. Nhưng còn đông hơn, là bởi trong đợt thi đại học. Cố mà cầu khấn, xin vái những pho tượng gỗ cho những điều họ khao khát.


Đầu tiên hắn vào “cụm chùa” ở cạnh hồ Thiền Quang. Người Hà Nội đi qua khu này chắc ai cũng biết cái cổng chùa, thế nhưng chắc không nhiều người biết là một tí thế thôi mà có đến 3 ngôi chùa sát ngay cạnh nhau. Ngày xưa chỉ có một thôi, nhưng khi người Pháp “giải phóng mặt bằng” cho khu phố tây, đã dời hai ngôi chùa làng vào cùng một chỗ. Thế là tạo thành một cụm lạ lùng.
Đầu tiên là chùa Quang Hoa. Hắn mừng quá vì chùa này còn giữ nguyên bộ tượng cổ sơn màu gụ, chưa bị sơn thếp lại. Màu gụ nâu đỏ này đã sớm mất đi theo các cuộc trùng tu hàng mang tính tiêu tiền nhiều hơn là khôi phục. Sang bên cạnh là chùa Thiền Quang, quả nhiên tượng vàng chóe lọe. Cũng may là chùa này có bức phù điêu Phật bằng đá dựng ở trước sân là có giá trị, vì tượng Phật tạc theo kiểu chạm phù điêu như tượng hậu thế này hiếm lắm. Rời sang chùa Pháp Hoa bên cạnh, thì hẻo quá, tượng tiếc mới tinh cả. Chán.
Rời cụm Thiền Quang, đi xuống khu Bạch Mai, hắn vào chùa Quỳnh, một ngôi Tổ đình rất nổi tiếng từ xưa. Chùa có tên là Hưng Khánh tự, có lịch sử hoành tráng, khuôn viên rộng, đặc biệt là bộ cổng rất đẹp. Chùa Tổ đình nên đông nghịt. Các bà già canh phòng kĩ quá nên hắn chỉ chụp được bộ cổng với sân chùa thôi. Mà trong điện cũng tô trát lại rồi, không thích nữa. Chỉ có đằng sau là khu tháp mộ gạch cổ còn đẹp.
Từ chùa Quỳnh hắn sang chùa Hoàng Mai, tên chữ là Nga My tự. Cái hắn khoái nhất là trong chùa có một gác chuông cổ từ thế kỉ 17, rất là cổ kính, gỗ mục nhiều rồi, nhưng thế lại càng quý. Nghe nói tháp này sắp bị trùng tu. Trùng tu là mất.
Tiện đường, hắn vào chùa Linh Ứng. Ối chà lại càng đông dữ. Tượng sơn chán chết. Nhưng kìa, hắn phát hiện ra cuối hậu điện có hai tượng cổ rất đẹp, theo kiểu mà hắn chưa thấy ở bất kì chùa nào đã đi. Hai tượng Bồ tát, nhưng hình như cũng là biểu tượng của Mặt trăng và Mặt trời ? Phải chăng là Nhật Quang và Nguyệt Quang? Tượng này đặc biệt, nhưng hắn không tiện hỏi, vì các sư tất bật tíu tít.
À, tiếp tục, hắn đi xuống Văn Điển, vì nghe nói chùa Huỳnh Cung có pho tượng đá đất đời Lê, nhưng trong lõi lại là pho tượng đá đời Lý. Chùa nằm gần quê của Văn thánh Chu Văn An, nên trong chùa có bàn thờ Chu thánh. Lại mới được sơn quét. Càng không biết đâu là pho tượng đất lõi đá nữa.
Chán, hắn vòng về, thì gặp chùa Khánh An làng Liệt Tựu. Đã thế thì rẽ vào. Chùa đang dỡ tượng ra sơn, tượng cổ để la liệt ở tiền đường, còn bên trên là mấy pho đã sơn xong, lại vàng chóe lọe.
Ra đường lớn, bóng tháp chùa Tứ Kỳ rõ quá. Thôi thì tạt vào nốt. Chùa này mới xây lại, quy mô khá hoành tráng, và khá đẹp. Không xét tiêu chí cổ kính, mà xét tiêu chí làm cầu kì tốn kém, thì chùa này cũng nên đi.
Thế là trong khoảng thời gian từ 4 rưỡi chiều đến 7 rưỡi tối, hắn lượn qua 9 ngôi chùa. Còn quá chạy sô.
Và có mớ ảnh tư liệu.

Đi chùa (tiếp) 9/6/2008

Trước ngày mồng 1 âm đi 9 chùa phía nam Hà Nội, thì hôm trước đó hắn cũng đã đảo qua một số địa danh ở Bắc Ninh rồi.

Buổi sáng hắn rủ Tuấn qua cầu Chương Dương, qua cầu Đuống thì rẽ phải luôn. Để đến đình Dương Hà ấy mà. Nhưng đình này xấu quá nên đi tiếp xuyên qua chặng đường đồng gập ghềnh để đến chùa Nành ở Ninh Hiệp, nằm cuối chợ vải. Chùa này có thủy đình nhưng đã bị lấn nhiều quá rồi.

Rời chùa Nành, hắn đi sang đình Đình Bảng, ngôi đình đẹp nhất Kinh Bắc. Tòa đình lại mới được tu sửa, đảo ngói, bù những chỗ mối mọt hỏng. Kể ra cũng không khoái lắm, nhưng nếu không tu sửa thì hỏng mất. Có ông trông đình nói chuyện khá lâu, kể lể về những chuyện xa xưa của tòa đình cổ này.

Gần đình Đình Bảng là chùa Đài, có ngọn tháp mới xây tại vị trí được cho là mộ của sư Lý Khánh Văn, tương truyền chính là cha của Lý Công Uẩn. Xế phía ngoài quốc lộ là chùa Cổ Pháp, tên nôm là chùa Dận, mà theo ông giữ đình Đình Bảng thì đó là nơi sinh Lý Công Uẩn, và Dận có nghĩa là "dận đẻ".

Đi tiếp qua làng Phù Lưu. Tòa đình khá đẹp của làng này đang được dỡ ra để trùng tu. Chỗ này có cây bồ đề đẹp. Chùa Phù Lưu ngay bên cạnh đó. Cách không xa là đền Đầm, ngôi đền nằm trên đảo giữ một hồ nước rộng, phong cảnh yên ả đẹp đẽ.

Tiếp tục hắn đi qua chùa Lim trên đồi Lim, cũng không có gì đặc biệt lắm. Đến Bắc Ninh ăn trưa xong, chạy vào đền bà Chúa Kho. Trên đường hắn gặp đìnhchùa Cổ Mễ. Đình Cổ Mễ khá đẹp, nhưng đóng cửa. Chùa Cổ Mễ nằm bên bờ một đầm nước mát rượi. Hắn tiếc, vì trong chùa này có 3 pho tượng đá đời Mạc cổ, mà lại không tìm ra ai giữ chìa khóa chùa chính để vào xem.

Đến cổng đền Chúa Kho đã có cả một đội quân bán hàng ào ra kéo vào gửi xe. Phát ngán, hắn quay lưng đi thẳng lên đê sông Cầu.

 Hắn đến đình Diềm, ngôi đình nhỏ nhưng có bộ cửa võng khắc từ 300 năm, hoành tráng đẹp nhất trong tất cả các ngôi đình trên đất Việt. Trước đó chùa làng đã bị mất 19 pho tượng nên giờ các cụ giữ đình rất nghiêm ngặt, và không cho hắn chụp ảnh. Thật tiếc. Bộ cửa võng kì lạ ấy trải từ nóc thượng lương xuống đến sàn, tầng tầng lớp lớp chạm trổ hoa văn chi chít.

Dọc sông Cầu, trước khi xuống bến đò ngang, hắn ghé chùa Kim Sơn, nhưng cũng chả có gì.

Làng Thổ Hà bên kia sông Cầu êm ả bị khuấy động bởi một đám chửi nhau ngay dưới cổng làng cổ xưa, bên cội đa già trầm mặc. Chùa Thổ Hà rất cổ kính, đẹp và vắng vẻ, có kiến trúc chữ điền hiếm gặp, với những bộ tượng cổ, hang phật ở hậu điện lặng lẽ. Bọn hắn không gặp sư sãi mà chỉ có một bà làm công quả trên chùa.

Hỏi đường đi Bổ Đà, con đường lại tiếp tục men theo sông rất thích. Gần thị trấn Nếnh thì có lối rẽ vào chùa Bổ Đà. Hắn thực sự thích thú khi đến nơi. Chùa nằm dưới chân đồi, cổng vào nhỏ hẹp, bên trong tòa ngang dãy dọc ngoắt ngoéo đến nỗi hắn tìm mãi mới ra lối lên chính điện sau những ô cửa thông nhau. Chùa cổ nằm giữa ba vòng tường bằng đất có hào bao quanh, như một pháo đài vậy. Xưa kia nơi đây có nhiều trộm cướp, mà chùa khuất nẻo, phải tự bảo vệ kiên cố. Chiều xuống, hắn vòng đằng sau khu tháp mộ, và kinh ngạc bởi vườn tháp của chùa. Hắn chưa gặp chùa nào có khu tháp mộ nhiều đến thế, trải khắp một triền đồi...

Cả chuyến đi, chùa Thổ Hà và Bổ Đà là hai nơi có giá trị nhất.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét