Thứ Năm, 26 tháng 6, 2008

Một ngày ở Xứ Đoài

Sáng bắt đầu chuyến đi về xứ Đoài.
Rời khỏi cầu Giấy một đoạn, thấy cái chùa Đình Quán cũng đẹp, ghé vào thăm. Rồi qua Diễn lại gặp một cụm đền chùa ngay bên đường, tạt vào chụp vài cái ảnh trước khi tiếp tục. Con đường 32 di sản của PMU18, phát khiếp lên được.
Tại thị trấn Trôi thì thấy con đường rẽ vào quán Linh Tiên, vốn là một quán của Đạo giáo, sau chuyển thành chùa. Ấn tượng với hệ thống tượng thờ Đạo giáo: tượng Tam Thanh ngồi trên, Ngọc Hoàng ngồi giữa, Văn Xương, Chân Vũ, các loại thần thánh, lại cả Khổng Tử nữa. Rồi tượng Phật, Hộ pháp mới thêm vào. Lúc vào đang khi có đọc văn tế của đạo Mẫu, chiêng trống ùm xòe, người ta gọi là “Tiệc” của ông Ba.
Qua thị trấn Phùng, rẽ phải vào thăm đình Đại Phùng, ngay trước là khu chợ làng. Đình cổ xuống cấp lắm rồi. Đi xuyên trong làng thì qua chùa Phượng Trì, quán Phượng Trì có bộ cổng tiền đường rất lạ. Đi theo đê sông một đoạn, thẳng tiến Sơn Tây. Núi Ba Vì sừng sững góc trời, bên kia sông là dãy Tam Đảo trải dài.
Đường vòng vèo qua đền Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Đường vào có cây đa, bờ đê đẹp lắm. Từ đó đi tiếp đên Sơn Tây. Vào thành cổ Sơn Tây, ngoài hai cái cổng gạch cổ cây mọc ôm lấy, cũng không có gì hay. Hỏi đường đi tiếp.
Đến đền Và, là Đông cung của thánh Tản Viên đã trưa. Ông từ ngủ gật ở sân, xung quanh vắng lặng. Đền cũng xuống cấp lắm rồi, cổ kính u buồn, một vòng tường đá ong bao lấy đền. Phía sau là một rặng lim và bãi trồng keo khá mát. Hỏi tiếp đường sang khu làng đá ong.
Băng qua đường đất và mấy cánh đồng, lọt vào một làng đá ong, là làng Phụ Khang. Những dãy tường đá, đường nhỏ vòng vèo quanh quất rất thích. Một vạt tóc tiên, trưa vắng chó sủa cấm cẳn. Rời làng Phụ Khang, lại theo đường đồng đi sang làng Mông Phụ.
Bỏ qua cổng làng thu vé, chạy thẳng vào giữa sân đình Mông Phụ, ngồi quán nước bà lão uống liền ba bát chè xanh. Bà lão ấy bán nước từ mấy chục năm nay, lên ảnh không biết bao nhiêu lần rồi nhỉ? Chụp ảnh đình Mông Phụ, chán rồi chào bà lão, lại tiếp tục vào làng, sang chùa Mía. Chùa Mía nổi tiếng với hàng trăm pho tượng lớn nhỏ. Ban thờ chính bày chi chít tượng, đằng sau lại còn có ba khu “động Phật” lổm nhổm tượng nữa. Giữa sân chùa mấy chục chum tương đang ủ thơm thơm.
Ngồi quán trước cổng chùa, nói chuyện với cô bán quán một lúc, cô ấy khoe sắp chuyển một cái khung nhà gỗ cổ của tổ tiên về đất của mình, vì mấy ông anh họ đòi phá cái nhà cổ đi xây nhà mới. Hỏi đường đi tiếp sang mấy làng có đình cổ nhất xứ Đoài.
Đường đất lại xuyên làng xóm, qua mấy quả đồi, ra đường nhựa, rồi rẽ vào làng. Đình Thụy Phiêu là ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Đến nơi thì ngẩn ngơ ra: đình cũ đã được “trùng tu” lại thành ngôi đình mới toe mái đỏ tường đá ong kẻ mạch, bậc đá xanh tường trắng toát. Chán chả buồn vào. Cô nàng công nhân lại còn bồi thêm: đình bên kia cũng thế rồi.
Đã một công đi, tìm vào đình Thanh Lũng. Thật vui vì ngôi đình cổ này còn nguyên vẹn chưa bị tu sửa; nhưng cũng buồn vì nó xuống cấp lắm rồi, cột gỗ mối mọt gần hết, xà nhà chắp vá cong queo. Vắng lặng quá.
Tiếp tục đi về quốc lộ, tìm đến làng Chu Minh, thăm đình Chu Quyến. Đình này gọi là đình Chàng, to nhất xứ Đoài. Đến nơi lại thất vọng lần nữa, vì toàn bộ khu vực đang được quây lại để đại tu, đình được dỡ ra hoàn toàn, chắc phải sang năm mới xong.
Sang đến đình Tây Đằng, chỉ có ông từ trong đình. Đã tu sửa xong mấy năm rồi, nên trông cũng đã cũ kĩ đi một chút, còn ra dáng đình cổ. Kết cấu gỗ, đấu của đình này thật đáng nể, người ta làm một tiêu bản gỗ đem đi bảo tàng, vẫn còn bày trong chái đình. Nói chuyện với ông từ một lúc rồi về.
Lên đê sông Hồng một lúc, nhìn chiều dần xuống. Bỏ ý định lên núi Ba Vì, cũng muốn về nhà rồi.
Theo đường 32 về đến Phúc Thọ thì rẽ đi Thạch Thất. Đến ngang chỗ đường vào chùa Tây Phương thì lại rẽ trái vào làng Yên. Làng có một tòa đình Lãng Yên cũng rất đẹp, nằm ngay sau chợ, với một giếng cổ. Rẽ sang chùa Bảo Quang, chùa cũng đẹp, bà giữ chùa nói rằng sư ở đây không thích xếp hạng di tích, nên không có biển di tích, chứ thực ra chùa này nổi tiếng lắm. Công nhận là bình yên dễ chịu.
Chào bà ấy rồi ra về, cũng đã muộn. Hết một ngày ở xứ Đoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét