12-04-2014, 01:55
Con đường chạy dài về phía đông, đã ra khỏi địa phận Nyingchi để sang Chamdo (Xương Đô).
Bên đường là một hồ nước có màu xanh lờ lợ. Tenzin nói mùa này ít nước nên màu nó xấu thế. Mùa nhiều nước cũng đẹp lắm đó.
Chùm quả đỏ chót, nhỏ như quả găng thôi...
Ngantso - Rawoktso
Rồi hồ Ngantso hiện ra, mặt hồ phẳng lặng như gương. Ở đây có hai hồ "song sinh" là Ngantso và Rawoktso, nối với nhau bằng một đoạn kênh nhỏ. Giữa hai hồ là thị trấn Rawok, cũng là điểm cuối về phía Đông của hành trình chúng tôi. Đêm nay sẽ ngủ lại đây, cũng là đêm Rằm tháng 10. Con đường này dài mãi thì sẽ đến một ngã ba, chia đôi một đường về Thành Đô, một đường về Vân Nam. Những cung đường mơ ước nhưng khóa chặt với chúng tôi.
Tít xa, chính giữa ảnh là thị trấn Rawok bên cạnh hồ.
Nước hồ phẳng lặng như gương, ngày hôm sau quay lại, hồ đã không còn phẳng lặng thế này nữa. Bác Kitcha nhảy xuống xe cũng chụp tơi bời.
20-04-2014, 23:20
Rawok
Thị trấn Rawok nằm giữa hai hồ, mùa đông vắng vẻ và buồn tênh.
Cái nhà nghỉ trên mặt hồ giờ đã đổi chủ, mà chủ người Hán cũng đã về Thành Đô tránh đông, không có khách nên cũng đóng cửa. Mấy cái khách sạn khác cũng đóng cửa. Chúng tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là cái khách sạn ở trung tâm thị trấn. Trông cũng sạch sẽ.
Vào phòng thì giường chiếu cũng tinh tươm. Nhưng bước vào toillet thì cái gì thế này? Toàn bộ các ống nước đều bị tháo ra hết. Tá hỏa hỏi thì người ta bảo mùa đông không có khách, nước có thể đóng băng làm vỡ ống nên phải tháo hết. Rồi người của ks hối hả xách lên mỗi phòng hai xô nước, và mấy phích nước sôi. Còn muốn đi nặng á, xuống tầng một nhé. Ặc ặc.
Chiều thị trấn lãng đãng người, cũng không có hàng quán nào. Lũ chúng tôi cũng không còn ham hố ăn uống, và đi ra khu làng gần đó chơi, nơi gần mặt hồ.
Cánh đồng cuối vụ khô cằn bên đường. Con ngựa lang thang tìm cỏ, toàn cỏ khô xác xơ mà thôi.
Rawok
Mặt trời dần xuống, chiều buông xanh lịm. Có những lúc như thế, thư thái và thấy tâm hồn ấm áp giữa cái lạnh của chiều tắt nắng. Tách ra thành những đốm nhỏ trên đồng, tự tìm lấy những góc riêng, những mảnh không gian riêng, để mỗi lúc như bây giờ, ngồi giữa Hà Nội chật chội mới có cái để nhớ về, để thấy mình cũng không phải là kẻ đã đánh mất bầu trời.
Tôi cũng vẫn biết rằng trong cuộc đời mình đã, và sẽ còn có nhứng lúc còn được thả cái tôi trôi lơ lửng giữa không gian như thế. Nhưng có nhiều không, có đủ cho mình bù đắp những nỗi chật hẹp hàng ngày không?
Khi người ta sống lâu, ở lâu quá một nơi nào đó, người ta sẽ quen đi, quen đến nỗi không biết ngoài kia rộng lớn thế nào. Thế rồi có khi người ta đâm sợ cả sự tự do, sợ sự lạnh lùng mang mang của thiên nhiên, sợ sự hùng vĩ của núi non, sợ bóng chiều tàn; cho nên người ta lại quay về chui vào căn phòng tràn ngập ánh điện và sung sướng với sự làm chủ ánh sáng của mình.
Còn ánh sáng của bầu trời kia, có ai điều khiển nổi?
Ngan- tso & Rawok- tso
[QUOTE=Chitto;1098199
Bên đường là một hồ nước có màu xanh lờ lợ. Tenzin nói mùa này ít nước nên màu nó xấu thế QUOTE]
Có lẽ cũng không cần phải chờ đến mùa nhiều nước thì mới được thấy Rawok- tso thật đẹp. Hơn nữa em lại rất thích cái màu nước “lờ lợ” này
Đây là một góc khác của hồ gần đài quan sát nằm trên quả đồi cao (mà ngày hôm sau cả lũ mới leo lên để ngắm hồ lúc bình minh). Nhiều người vẫn hay có thói quen so sánh và gán cho hồ này cái tên "Swiss lake" vì bao quanh hồ là những cánh rừng thông và những rặng núi tuyết trắng hùng vĩ hệt như cảnh đẹp của đất nước Thuỵ Sĩ. Nhưng bắt gặp Lungta treo trên những cây thông ven hồ hẳn ta sẽ cảm nhận rõ mình đang đứng trên xứ sở của các chư thiên khoáng đạt và đậm dấu ấn tâm linh huyền bí chứ không phải châu Âu.
Trái đất có lẽ không có nhiều nơi có vô cùng nhiều cảnh đẹp vô song như ở mảnh đất Tây Tạng này và vẻ đẹp ấy thu hút đến độ có thể khiến mọi ý niệm về thời gian trong đầu ta biến mất rất nhanh. Hôm ấy nếu không có tiếng còi xe thúc giục rời đi của bác tài chắc là cả lũ chúng tôi sẽ đứng chôn chân mãi trong buổi sớm mai im lặng và trong trẻo lúc bình minh của gương hồ Rawok- tso
Last edited by June; 24-04-2014 at 23:46.
18-05-2014, 15:15
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Tôi nhớ những đòng lúa mạch vàng trong chiều xanh thẳm
Và bóng đen chia đôi ánh nhìn trong mắt. Như một sự chia ly. Chúng tôi đã đến cuối con đường có thể đi được, và ngày mai sẽ là hành trình quay lại, có trên cung đường khác, nhưng cũng là quay lại.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Buổi tối, trong khi những người khác đã về nhà nghỉ, tôi và H còn ngồi lại mãi trên đồi, bên ngôi chùa nhỏ, dưới những chiếc chuông quay.
Bật những bản nhạc mang theo, không gian đông đặc, rồi tan chảy xung quanh.
Không nhớ là chúng tôi đã nói những gì. Về cuộc sống, về các phương trời, về những trải nghiệm, về những buồn vui. Đêm đã dần xuống và sao dần hiện lên. Xung quanh vắng lặng đến nỗi nghe được tiếng của cỏ đang rũ xuống trong giá lạnh. Mặt trời tắt bóng là hơi lạnh tràn ngập, nhưng cũng là lúc ta cảm nhận đất trời được sâu nhất. Mình đã đi hết một chu kỳ nhỏ nhất trong cuộc đời, chu kỳ của một ngày, để rồi ngày mai lại là một vòng tròn nữa. Những vòng tròn sẽ xoay xoay, như bánh xe luân hồi không bao giờ ngơi nghỉ, người ta cứ trôi lăn đi mãi trong cõi này. Có những lúc muốn vượt lên, để rồi rơi xuống, thấm thía hơn, lúc thì nặng nề hơn và có lúc nhẹ nhàng hơn.
Xa xa dưới chân là màu đen sẫm của cánh đồng ban chiều, lấp loáng chút ánh sao trên mặt nước rất xa.
27-05-2014, 03:12
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Và sáng mai ngày mới, chúng tôi lên đường quay về hướng Lhasa.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Và rồi một khung cảnh huyền ảo bên đường loáng qua, nhưng bác tài đã nhanh chóng dừng lại.
Làn sương núi ban sớm tạo nên một khung cảnh huyền ảo kỳ diệu trong nắng mới. Không biết chúng tôi đã đứng đó bao lâu
06-06-2014, 10:39
Nyingchi
Những con đường dài cứ tiếp nối. Đi trong ngày nắng lạnh, khô cong, cứ thò mặt ra ngoài là biết ngay, nhưng trong xe thì ấm áp.
Nếu nói đích đến là đâu, có lẽ cũng không còn quan trọng lắm nữa, chúng tôi đã đi hết hơn nửa độ dài con đường, đã được nhìn mải miết, nhưng mỗi lúc mỗi hào hứng với cảnh sắc bên đường. Những khoảng không gian bao la, màu xanh của trời, của nước, của cây lấp lánh trong mắt.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Có lúc tự sướng
Hoặc tự kỷ
Bomi
Thị trấn Bomi
TRONG CHIỀU
ĐÊM
VÀ BÌNH MINH CHƯA TÀN TRĂNG
11-06-2014, 11:43
Tam bộ nhất bái
Trong các topic khác, nhiều người đã viết và chụp ảnh về những người Tạng làm lễ Tam bộ nhất bái để hành hương.
Người Tây Tạng có một niềm tin tôn giáo sâu đậm, sắt son và cách thể hiện có lẽ cũng mãnh liệt nhất thế giới. Nếu như các tôn giáo khác tín đồ có thể làm các hành động như nhảy lửa, xiên que sắt vào tay chân cơ thể, đóng đinh vào người trong các lễ hội, rầm rộ đắm mình xuống sông và có thể chết ở đó,..., thì người Tây Tạng lầm lũi vừa đi vừa lạy trên các con đường dài cả nghìn km trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm ròng.
Khi hành lễ tam bộ nhất bái, cứ ba bước họ lại lạy một lần. Trình tự là sau bước thứ ba, đứng thẳng, hai tay đưa quá đầu chắp lại, hạ tay xuống ngực, rồi quỳ xuống và xoài tay phía trước cho đến khi hai tay, hai chân, và trán chạm đất gọi là "ngũ thể nhập địa". Quá trình này cứ tiếp diễn và có lẽ không bao giờ kết thúc trước khi cuộc đời kết thúc.
Có những người chỉ hành lễ này trước bàn thờ, quanh các ngôi đền, nhưng có nhiều người đi từ quê nhà lên Lhasa, đến núi thiêng, hồ thiêng,... với đường dài hàng trăm, hàng ngàn km. Họ vừa đi vừa hành lễ trong nhiều tháng, nhiều năm ròng, và trong cuộc đời có thể đi nhiều nơi, hoặc một nơi đi nhiều lần bằng cách đó.
Cách hành lễ này có thể làm xúc động những trái tim khô cằn nhất, bởi sự kiên trì, nhẫn nại. Họ không phô trương việc hành lễ trong các lễ hội đông đúc, mà lặng lẽ trên các cung đường.
Chúng tôi đã gặp nhiều người, thậm chí cả đoàn người như vậy.
Tam bộ nhất bái
Đây là một nhóm người hành hương của thời hiện đại của một nhóm người giàu có: họ có 5 người, trong đó 4 người lễ chính và 1 người phụ giúp. Họ có một chiếc xe giống xe công nông trên đó treo đầy cờ nguyện, chở vật dụng cho chuyến hành hương. Bốn người sẽ liên tục vừa đi vừa lạy trên đường, người còn lại sẽ lái xe đi theo hoặc ở trước chờ. Tuy nhiên người thứ 5 cũng có thể tham gia lễ lạy sau khi lái xe, người đó có thể quay lại và tham gia lễ lạy ở chỗ những người kia đang lễ.
Chiều tối, chiếc xe sẽ chờ ở một nơi có nguồn nước, và đoàn sẽ ngủ bên đường. Các con đường nếu dọc theo các dòng sông thì sẽ thuận lợi hơn cho họ rất nhiều. Cứ tiếp diễn như thế ngày qua ngày.
Họ cũng có thể nghỉ ngơi dọc đường chứ không phải lễ liên tục, nhưng nghỉ tại chỗ và khi di chuyển là lại bằng phương thức vừa bước vừa lạy. Dọc đường những người Tạng khác có thể tặng tiền cho họ, tất cả sẽ lại đưa cho người phụ giúp trên xe.
Tam bộ nhất bái
Vì luôn phải mài tay và cả cơ thể xuống đường, họ đeo vào tay hai tấm gỗ, thậm chí có thể là tấm sắt. Phía trước người đeo một cái tạp dề làm bằng da rất dày. Tuy nhiên có một nơi không có gì che, đó là mặt. Chính vì thế nhiều người có một lớp chai rất dày trên trán, thể hiện họ đã áp mặt xuống đường qua nhiều năm tháng.
Trong ảnh trên là một người giàu có, vì trên đầu họ thấy có đeo trang sức bằng đá quí của người Tạng. Nhiều người hành hương khác không có đeo gì cả. Những người này đã đi 6 tháng từ quê và dự trù sẽ đi 4 tháng nữa mới đến Lhasa.
Chúng tôi còn gặp nhóm chỉ có 2 người với một chiếc xe kút kít đẩy tay, và cả hai cùng lễ lạy, sau khi đẩy xe lên họ sẽ lùi về chỗ cũ để lạy cho đến khi gặp chiếc xe...
Và có cả những người lễ lạy đơn côi, mà trước và sau nhìn mãi cũng không thấy ai.
14-06-2014, 16:10
Làng Tashigang
Chúng tôi ghé lại làng Tashigang, làng nhỏ bên đường mà trong lịch trình đã muốn ngủ lại nhưng không được. Làng này cũng có nhà trọ để nghỉ, nhưng không cho khách nước ngoài ở lại.
Thung lũng giờ trơ trụi cây cối, nhưng chắc mùa xuân cũng sẽ xanh mát. Trong những bức ảnh mùa xuân, quanh vùng này cỏ hoa rực rỡ. Chỉ có điều ba tháng mùa xuân - mùa đẹp nhất nơi đây - thì người nước ngoài không được cấp phép vào nơi này.
Làng Tashigang
Chúng tôi ghé lại làng Tashigang, làng nhỏ bên đường mà trong lịch trình đã muốn ngủ lại nhưng không được. Làng này cũng có nhà trọ để nghỉ, nhưng không cho khách nước ngoài ở lại.
Thung lũng giờ trơ trụi cây cối, nhưng chắc mùa xuân cũng sẽ xanh mát. Trong những bức ảnh mùa xuân, quanh vùng này cỏ hoa rực rỡ. Chỉ có điều ba tháng mùa xuân - mùa đẹp nhất nơi đây - thì người nước ngoài không được cấp phép vào nơi này.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến tu viện Lamaling, tu viện được coi là quan trọng bậc nhất của phái Nyingmapa. Tuy nhiên nơi đến thăm chỉ là tu viện dựng lại, bởi tu viện cổ đã bị cháy năm 1930, được dựng lại rồi lại bị phá bởi người Hán.
Truyền thuyết nói rằng Liên Hoa Sinh đại sư đã đến đây để đánh các pháp sư đạo Bon và đã chiến thắng. Đại sư để lại hai vết chân, một ở trong ngôi làng cách tu viện không xa, và một trên một tảng đá nay được thờ chính giữa điện thờ. Chính Liên Hoa Sinh đã xây dựng tu viện này để truyền đạo, và được các vua Tây Tạng tôn sùng.
Chính điện chỉ là một tòa nhà nhỏ hình bát giác, bên trong có một gian thờ nhỏ hơn xây kín. Giữa hai lớp tường là những người Tạng ngày đêm quỳ lạy vào các bức tượng bày quanh tường. Gian thờ chính giữa có tượng Liên Hoa Sinh và các hóa thân của ngài, cùng tảng đá có in vết chân nhưng để sâu phía trong, và cũng không cho chụp ảnh. Trong số những hình tướng của Liên Hoa Sinh, có hình tướng rất đáng sợ. Lại có cả hình mặt quỷ vương hung dữ, được cho là do ngài hàng phục được và theo hầu.
Một tu sĩ trầm ngâm trong gian thờ, lẩm nhẩm đọc kinh nhưng mắt nhìn rất nhanh, chúng tôi cũng không ai dám chụp ảnh trong này cả.
Lại múc một ít nước trong bát nước trước tượng thờ, bỏ vào cái lọ mang theo...
Ngôi mộ truyền thuyết
Chúng tôi còn vào một tu viện nữa, mà trong LP có viết rằng nơi đây có một ngôi mộ đặc biệt, là mộ người con trai của Văn Thành công chúa.
Tương truyền rằng Văn Thành công chúa khi bị gả đến Thổ Phồn (Tây Tạng) đã rất buồn rầu. Chặng đường từ kinh đô Trường An đến Lhasa kéo dài hơn một năm. Trên đường công chúa đã sinh hạ một người con trai, nhưng đứa trẻ đã không sống được. Đứa trẻ đó con của ai, không ai biết, không ai nói. Vì sao đứa trẻ chết, cũng không ai biết và không ai nói nốt. Nhưng nó được chôn ở chân một quả núi, nằm giữa chặng đường dài dằng dặc, mà về sau đã dựng lên một tu viện.
Tuy nhiên khi đến tu viện đó và hỏi Tenzin về ngôi mộ truyền thuyết, thì cậu ta nhất định nói là không có chuyện đó, không có ngôi mộ nào cả, Văn Thành cũng không có sinh hạ lần nào cả.
Thực hư sao cũng không biết. Nhưng nếu như có truyền thuyết kia thì chắc là người Tạng cũng không thích nó tí nào. Vị công chúa - hoàng hậu thánh thiện đã mang Phật giáo vào Tạng không lẽ lại là một người thất tiết trước khi gặp vua Tạng?
Chúng tôi không có cách nào hỏi được, cũng tản ra tìm xung quanh tu viện đó nhưng không thấy có dấu hiệu công trình nào cả, đành về với một nỗi thắc mắc trong lòng.
Last edited by Chitto; 26-06-2014 at 22:29.
Đường tuyết
Cung đường tiếp tục về phía Tây
Vượt qua những con đèo cao
Bên những đỉnh núi tuyết, dưới những đám mây nặng nề đang rơi tuyết phía sau. Chặng đi trời trong veo, chặng này nhiều mây hơn và đã có tuyết rơi.
Last edited by Chitto; 26-06-2014 at 22:30.
Bình nguyên
Nơi này cách không xa hồ thiêng Lamo Lasto, nhưng chúng tôi đã không được đi qua cung đường đó.
Rồi xe rời đường cái, xuyên vào con đường đất xuống phía Nam. Chúng tôi đi vào vùng đất cổ xưa của người Tạng - bình nguyên dài dọc sông Yarlung Shangpo.
Hai bên đường không còn màu cây lá xanh tươi như phía Đông nữa, mà chỉ có một màu cỏ úa. Mùa này cỏ đã khô hết rồi, những đàn bò yak đã di chuyển về nơi đâu, tôi không biết nữa.
28-06-2014, 22:47
Bình nguyên
Bình nguyên không quá khô cằn như phía Tây của Tây Tạng. Có những dòng suối chảy xuyên qua thung lũng, nhưng mùa này nước cũng đóng băng cả. Đường vẫn hun hút chạy về xa.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Cảm ơn vì vẫn có bạn theo dõi topic này. Cảm xúc ở vùng đất này thực sự rất sâu. Và cũng phải viết vì sợ đến lúc sẽ nhạt hết không còn nhiệt nữa. Và cũng vì lại sắp có chuyến đi khác, sợ rằng sẽ chiếm hết ngôn ngữ trong đầu.
___________________________________________
Buổi tối chúng tôi ngủ lại Tsetang (Zêtang), thành phố lớn thứ ba ở Tibet. Đây là thành phố cổ, nơi các triều đại vua Tạng trước Tùng Tán Cam Bố đã từng ở, có nhiều tu viện và các công trình văn hóa. Nhưng cũng như những thành phố dễ tiếp cận khác, Hồng Vệ Binh của thập kỷ 1960 đã tàn phá sạch các công trình này.
Ngày nay Tsetang là một thành phố rặt Hán, nhiều nhà cao tầng và các công trình của thế giới hiện đại.
Buổi tối khi đến đó, sau nhiều ngày ăn đồ TQ và đồ Tạng, có bốn đứa kéo nhau đi Lotteria làm bữa khoai chiên với thịt gà rán, lại còn kem nữa, rất là sung sướng. Đành rằng đi các nơi thì cố mà thưởng thức thổ sản, nhưng lâu lâu cũng cần phải quay lại với món quen một tí.
Ngày hôm sau, chúng tôi sẽ đến thăm một công trình được coi là cổ nhất Tibet vẫn còn sót lại, và may mắn thay cũng là công trình hầu như không bị Hồng Vệ Binh hủy hoại.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Những chuyến xe của người Tibet giữa bình nguyên
Dòng Yarlung shangpo trong chiều buồn
30-06-2014, 11:39
Yumbulagang
Sáng sớm, chúng tôi rời Tsetang đi Yumbulagang, công trình được coi là cổ nhất của Tibet.
Truyền thuyết (được coi như lịch sử) kể rằng sau thời kỳ văn hóa Zhangzhung ở phía Tây, vị vua đầu tiên thiết lập vương quốc của người Tạng là ở phía Đông, chính tại thung lũng sông Yarlung Shangpo này. Và vị vua Nyatri Tsenpo ấy từ 200 năm TCN đã dựng lên cung điện của mình trên đỉnh một ngọn đồi trông ra toàn bộ thung lũng. Tòa nhà đó sau được gọi là Yumbulagang. Yumbu nghĩa là con hươu cái hay Hươu mẹ, Lagang là nơi thiêng liêng. Cái tên này xuất hiện rất muộn, nhưng là tên chính thức cho đến giờ.
Các triều vua Tibet đặt đô ở dưới chân đồi này, về sau chuyển sang Tsetang, nhưng nơi đây vẫn luôn là cung điện của vua. Cho đến thời Songtsen Gampo (thế kỷ 7) thời đầu nơi đây vẫn là cung điện mùa hè của vua và Văn Thành công chúa, sau đó vua rời đô về Lhasa thì nơi này mới trở thành đền thờ. Có lẽ từ đó mới có cái tên Yumbulagang. Dalai Lama Vĩ đại thứ 5 đã chuyển nơi này thành một tu viện.
Ngọn đồi Hươu mẹ trong nắng sớm
Yumbulagang
Gọi là cung điện, nhưng nơi đây giống một pháo đài, với tường dày và cao. Bên trên chia ra 2 tầng, khá chật hẹp. Ngày nay nơi đây là điện thờ Phật, nên sau khi leo những bậc thang dốc khúc khuỷu, cánh cổng mở vào một gian sảnh có vẽ các Thiên vương giữ cửa như các ngôi chùa khác. Bên trong là điện thờ Phật, có tranh tường vẽ các vị vua Tibet. Phía trong có gian nhỏ dành riêng cho Dalai Lama ngủ khi về đây hành lễ. Tầng trên cũng là điện thờ, đèn nến nghi ngút.
Tòa tháp cao phía sau pháo đài là đài quan sát có thể nhìn ra bao quát khắp cả thung lũng. Rõ ràng nơi này vốn có chức năng phòng thủ hơn là nơi ở.
Có tài liệu viết đây là nơi ít bị hủy hoại nhất sau Cách mạng Văn hóa, hầu như tòa nhà được giữ nguyên vẹn vì Hồng Vệ Binh mải mê tàn phá Tsetang ở cách đó không xa nên bỏ qua nơi này. Nhưng cũng có chỗ nói nơi này cũng bị phá hủy rất nhiều, sau năm 1983 mới xây dựng lại.
Cánh đồng bên dưới Yumbulagang theo truyền thuyết là nơi đầu tiên người Tibet định cư canh tác, trồng cấy. Trước đó người Tibet du cư chỉ chăn thả gia súc trên những đồng cỏ tự nhiên, đến thời vị vua đầu tiên thì họ mới định cư và trồng trọt. Nơi đây như là địa điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử và văn minh Tibet, từ chăn thả sang trồng trọt, từ du cư sang định cư, từ văn hóa bộ tộc sang nhà nước có vua và các thiết chế rõ ràng.
Thung lũng và đường huyết mạch chạy dưới chân pháo đài.
Last edited by Chitto; 30-06-2014 at 12:06.
Yumbulagang
Phía sau Yumbulagang, triền đồi vươn cao hơn nữa. Và đỉnh đồi dầy đặc các lá cờ nguyện, tầng tầng lớp lớp phủ kín.
Chúng tôi mua cờ của những người Tibet bán dưới chân núi, đặc biệt là một bà cụ người Tạng rất vui, tuy không giao tiếp được bằng ngôn ngữ nhưng dường như cụ hiểu hết những điều chúng tôi chúc cụ. À mà thực ra có một câu mà ở đâu chúng tôi cũng có thể dùng được: "chan-xi-tê-lê" !
Treo lungta trong những cơn gió phần phật, cùng nguyện cầu cho một Tibet bình yên, một Tibet của người Tibet, cầu cho nền văn hóa này đừng biến chất, mai một giữa trùng trùng văn hóa thực dân đang xâm lấn.
Toàn cảnh Yumbulagang nhìn từ đỉnh đồi.
Yumbulagang
Yumbulagang, đền thiêng trên đồi Hươu mẹ. Địa danh này là lời nhắc nhở người Tạng về cội nguồn của mình, một nơi như quê cha đất tổ, nơi các vị vua thuở xa xưa dựng nước.
Yumbulagang, như thế với người Tạng cũng giống như đất Phong Châu của người Việt, nơi vị vua đầu tiên trong truyền thuyết - Hùng Vương - dựng nước và giữ nước.
Từ đời vua đầu tiên Nyatri Tsenpo 200 năm TCN hơn 800 năm truyền được 27 đời. Đến vị vua thứ 28 là Songtsen Gampo mới dời đô về Lhasa, và thay đổi tôn giáo chính thống. Cung điện xưa tuy nhỏ nhưng thực sự thiêng liêng trong mỗi tâm hồn người Tạng.
Tôi vẫn nhớ một bà cụ tóc bạc trắng run rẩy phải có hai người đỡ hai bên, nhưng vẫn cố leo từng bậc một để lên đến đỉnh, cụ cười rất tươi và gặp chúng tôi cũng chào "chan-xi-tê-lê". Không biết trong tâm khảm người Tạng, nơi này có vị trí thiêng liêng đến mức nào (vì những nơi như Jokhang, Potala và một số tu viện khác cũng quan trọng lắm rồi).
Thực ra nơi này cách Lhasa theo đường chim bay không quá xa, nhưng đi đường bộ cũng đến 200km, vì phải đi vòng dọc sông rồi theo các thung lũng núi. Ở giữa hai kinh đô là một dãy núi cao ngất chắn lối.
01-07-2014, 13:14
Đền Tradruk
Khu vực thung lũng sông Yarlung Shangpo là đất cội nguồn của các vương triều Tibet, nên kể cả sau này khi đã dời đô về Lhasa thì đây vẫn là vùng đất thiêng liêng.
Chúng tôi quay ngược lại dòng sông, và đến thăm đền Tradruk, một trong những ngôi đền thiêng liêng nhất Tibet. Truyền thuyết nói rằng đền Tradruk dựng cùng thời với đền Jokhang, thậm chí còn trước đền Jokhang. Như vậy đây có thể là ngôi đền thờ Phật giáo đầu tiên hoặc thứ hai ở Tibet. Sau khi lập các tu viện thì đây là một trong ba tu viện của hoàng gia Tibet.
Trước kia đây là một hồ nước, nơi có một con rồng 5 đầu canh giữ. Vua Songtsam Gampo đã dùng thần thông gọi một con chim thần đến giết con rồng rồi lấp hồ làm đền thờ Phật. Tên đền cũng có nghĩa là Chim thần đánh thắng rồng (Tra = chim thần; druk = rồng). Huyền thoại này cũng na ná việc dựng đền Jokhang, là đánh thắng con quỷ rồi mới lấp hồ làm đền.
Trong bức tranh lớn vẽ Quỷ vương Simon bị trấn giữ bởi các ngôi đền, thì đền Tradruk trấn giữ vai trái của con quỷ, đền Jokhang giữ vị trí tim của con quỷ.
Bảo vật của Tradruk
Ngôi đền được coi là rất thiêng liêng, một phần vì nó có cất một báu vật quý giá: Bức thangka ngọc trai.
Truyền thuyết kể rằng bức thangka này do chính tay Văn Thành công chúa thêu bằng ngọc trai, hình Bạch Đala (cũng chính nữ thần hóa thân thành công chúa). Bức thangka có sức mạnh kì diệu trấn át được tất cả các thế lực đen tối. Trước kia mật thất cất bức thangka chỉ mở cửa một lần một năm để làm lễ, ngày nay mọi người đều được vào xem, ở ngay trên tầng hai của tòa điện chính.
Bức thangkia rộng 1,2m, dài 2m, đính 29 nghìn viên ngọc trai, cùng vô số ngọc và đá quý, vàng bạc khác nữa.
Ngoài ra trong gian phòng đó cũng có một bức thangka khác mà Tenzin nói cũng do Văn Thành công chúa thêu, hình Phật Thích ca. Tuy nhiên bức thangka này các tài liệu lại không nói đến nhiều bằng bức thangka ngọc trai.
Chỗ này không được chụp ảnh nên mượn ảnh trên mạng.
Bức thangka ngọc trai:
Bức thangka thêu chỉ mà Tenzin nói cũng do Văn Thành công chúa thêu.
02-07-2014, 11:30
Tradruk
Là một trong hai ngôi đền Phật giáo cổ nhất Tibet, trong nhiều triều đại ngôi đền được trùng tu, xây dựng và mở rộng, mái đã từng được dát vàng. Xung quanh đền đã trở thành một tu viện.
Tuy nhiên, cũng như tất cả các tu viện khác ở Tibet, Tradruk cũng bị tàn phá nặng nề trong thời Cách mạng Văn hóa 1967- 1976. Hai tấm thangka cổ được các tu sĩ liều chết gìn giữ nên may mắn thoát nạn, nhưng các pho tượng cổ nghìn năm thì hầu như đều bị hủy hoại. Đến năm 1988 mới được tu sửa xây dựng lại, chi phí vô cùng lớn.
Công cuộc trùng tu các tu viện ở Tibet không thể không nhắc đến Panchen Lama thứ 10, mà ngày nay ảnh của ngài được treo ở khắp các tu viện. Chính quyền TQ cấm tuyệt đối ảnh của Dalai Lama 14 nhưng cho phép treo ảnh Panchen Lama - một người trung thành với Dalai Lama. Câu chuyện này khá dài....
Trong tu viện Tradruk. Có thể thấy hai bức ảnh, bên trái là Dalai Lama 13 và bên phải là Panchen Lama 10.
Gian thờ ở tầng trên, nơi bày hai bảo vật là hai bức thangka.
Yarlung shangpo
Rời Tradruk, con đường lại chạy dọc sông Yarlung shangpo, lại những cảnh sắc rất khác hiện ra trước mắt. Chuyến đi cho chúng tôi những phong cảnh tuyệt vời, thay đổi hàng ngày, rực rỡ, khô cằn, xanh tươi, tàn tạ dường như đều có đủ.
Thung lũng Yarlungshangpo
Đường lại vượt qua một con đèo nhỏ, đây là con đèo cuối trong hành trình của tôi. Các bạn về sau còn tiếp tục một số chặng đường về sau.
Thung lũng sông khô cằn toàn cát không trồng cấy gì được.
Yarlung shangpo
Như mọi con đèo, đỉnh đèo chăng đầy lungta bay phần phật trong gió.
Chúng tôi đi về phía Samye, tu viện đầu tiên của Phật giáo Tibet, gắn liền với tên tuổi Liên Hoa Sinh đại sư.
Con đường dời đô
Sau khi kết thúc chuyến đi, về xem lại trên bản đồ, tôi mới hiểu được hành trình của các vị vua Tibet xa xưa. Tôi đánh dấu lại trên bản đồ dưới này các điểm dừng quan trọng
Khi kết thúc văn hóa Zhangzung dạng bộ tộc, vị vua đầu tiên trong huyền thoại của Tibet đã đóng đô ở Yumbulagang, một thung lũng sâu phía Nam sông Yarlungshangpo. Những vị vua sau đó thấy địa thế đó quá hẹp nên đã chuyển ra Tsetang, và phát triển ra sát bờ sông Yarlungshangpo. Thế hệ những vị vua này theo đạo Bon, và vì thế vùng đất này cũng là nơi đạo này ăn sâu bám rễ.
Sông Yarlungshangpo chảy từ Tây sang Đông, phình to ra rồi hẹp lại ngay ở cửa ngõ Tsetang. Có thể đoán được rằng nơi đây xưa kia đã có những trận lụt lớn, khi băng tuyết trên núi tan chảy mà cửa núi lại hẹp nên nước sông phá vỡ bờ tạo thành các dòng chảy xiên ngang. Vì thế Tsetang chắc hẳn đã hứng chịu những trận lụt lội trong quá khứ.
Songtsam Gampo - vị vua thứ 28 hùng mạnh đã quyết định thoát khỏi cái thung lũng dễ lụt lội, thoát khỏi cái bóng của các triều đại trước. Ông đi ngược sông Yarlungshangpo, đến ngã ba sông Chusul thì ngược lên theo dòng sông nhỏ từ hướng Bắc. Tại đây ông tìm thấy một thung lũng rộng rãi hơn Tsetang, dòng sông lại hiền hòa hơn. Nơi đó chính là Lhasa, và dòng sông cũng gọi là sông Lhasa.
Last edited by Chitto; 02-07-2014 at 13:30.
Các ngôi đền
Để thể hiện sự giải thoát khỏi đạo Bon, vua Songtsam Gampo đã cho dựng đền Jokhang ở Lhasa, đồng thời là đền Tradruk ở Tsetang để thờ Phật, thể hiện sự thay đổi của mình. Điều này chắc chắn không làm các thế lực cũ hài lòng nên đã có nhiều tranh chấp. Đền Tradruk gặp phải nhiều chống đối. Huyền thoại vua phải dùng pháp thuật để lấp hồ của con rồng thể hiện việc này.
Sau Songtsam Gampo khoảng 100 năm, Liên Hoa Sinh từ Bắc Ấn vào Tibet. Ông đã đặt tu viện đầu tiên của Phật giáo tại Samye, một thung lũng nhỏ cách Tsetang một đoạn và ở bờ bên kia sông. Trong huyền thoại, ông đã phải đánh nhau rất nhiều với các pháp sư đạo Bon tại đây, cũng như quy phục các quỷ thần vùng núi non này theo Phật giáo. Cũng tại Samye này sau đó mấy chục năm nữa đã có cuộc tranh luận lớn giữa Mật tông từ Liên Hoa Sinh và Thiền tông từ Trung Quốc lên. Cuối cùng Mật tông đã thắng và Thiền tông cũng như các tông Phật giáo khác từ Trung Quốc không thể phát triển lên đây.
Có thể thấy vị trí của Samye nằm cạnh sông lớn là con đường giao thương sang phía Đông và xuống phía Nam, trong khi Lhasa phát triển lên phía Bắc. Lhasa với Jokhang; Samye; Tradruk nằm gần như trên một đường thẳng, tuy cách núi cách sông nhưng đều là các thánh địa thiêng liêng của Phật giáo Tibet.
Những dấu mốc địa danh này khi đối chiếu trên bản đồ đã thể hiện được nhiều điều hơn là các dòng chữ lịch sử viết về nó.
02-07-2014, 17:13
Samye
Samye là tu viện đầu tiên ở Tibet, do Liên Hoa Sinh lập. Đại sư đã dùng pháp thuật, thần thông chiến thắng các pháp sư đạo Bon, các quỷ thần và lập tu viện vào năm 775. Trước đây các ngôi đền như Jokhang, Tradruk chỉ là đền thờ, không có tu tập, học tập và truyền bá cho các tu sĩ người Tạng.
Tu viện trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, thay đổi nhiều. Thời cách mạng văn hóa, Hồng Vệ binh từng nuôi gia súc trong tu viện, chính điện dùng để nhốt lợn. Tranh tượng và đồ quý báu bị lấy đi, bị đập phá. Cũng may mắn là các tòa nhà quanh tu viện không bị phá hủy. Ngày nay những gì nhìn thầy thì kiến trúc tương đối nguyên vẹn, còn bên trong thì các bức tượng đa phần là hàn lại, chắp lại từ các tượng cũ bị đập phá.
Tu viện được dựng thành hình một Madala khổng lồ, mà đứng trên núi mới nhìn rõ. Bao quanh là bức tường dài với hơn 1000 stupa nhỏ trắng toát.
Vừa bước vào cửa, một bầy bồ câu bay rộn lên, cảm giác bình yên. Mùa này chẳng có khách du lịch nào, chỉ có vài người dân vào lễ trong tu viện.
Samye monastery
Tu viện xưa kia do nhiều tốp thợ mà vua Tibet mời đến, tòa chính điện thì mỗi tốp xây một tầng. Do đó tầng 1 kiểu Tạng, tầng 2 kiểu Nepal, tầng 3 kiểu Hán, tầng 4 kiểu Ấn Độ.
Chính điện thì tầng 1 thờ Phật, tầng 2 thờ Bồ tát và các ĐaLa, tầng 3 là nơi dành riêng cho Dalai Lama, tầng 4 là nơi cất giữ các bảo vật thiêng liêng, gồm những Mạn đà la, và vài sợi tóc của Liên Hoa Sinh, vài di vật của các thánh tăng thuở xưa. Toàn bộ tòa nhà tạo hình như núi Meru, bốn góc là các tháp nhỏ vàng rực lên trong nắng chiều.
Chính điện Samye
Chính điện của tu viện Sayme khá rộng, trang nghiêm rực rỡ. Phía ngoài là nơi ngồi của các tu sĩ, phía trong là nội điện với tượng Phật Thích Ca ngồi giữa, hai bên là 10 vị Bồ tát, Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba. Những ngọn nến bơ bò cháy lung linh suốt ngày đêm.
Đúng ra trong điện này cũng không cho chụp ảnh, nhưng ngoài chúng tôi không có ai cả, thỉnh thoảng có vài vị sư vào thắp nến, và cũng không tỏ ra quan tâm lắm đến chúng tôi, nên máy ảnh vẫn hoạt động được.
Pho tượng chính giữa cũng được coi là một trong các bức tượng quý, tạc về Phật Thích Ca ở tuổi 38. Những con số tuổi của Phật chỉ là con số tượng trưng, thể hiện sự sùng kính của người Tibet, khi muốn lưu giữ lại các dấu mốc của Đức Phật.
Mural
Trong nội điện rực rỡ hoành tráng, đó đều là những gì làm lại sau năm 1988. May mắn thay, Samye còn giữ được một kho tàng mỹ thuật, không phải các bức thangka bằng lụa thêu chỉ vàng bạc, không phải các bức tượng bằng vàng bạc, mà là các bức tranh tường - Mural.
Tầng một của chính điện là một khối nhà vuông tường dày gần 2m, nhưng có thêm một vòng tường cũng dày như thế bao quanh. Giữa hai bức tường là hành lang rộng cũng chỉ khoảng 2m, mà nếu không có đèn thì sẽ tối om kín mít. Từ sàn đến trần của tường hai bên hành lang đó kín các bức bích họa theo phong cách Tibet, mà tuổi đời thì tùy tài liệu, có nơi nói 500, 800, nhưng ít ra cũng 400 năm. Các bức vẽ chìm trong bóng tối nên còn giữ được nguyên màu sắc, và đặc biệt không bị Hồng vệ binh hủy hoại.
Giờ đây trong hành lang có đèn, và với những chiếc đèn pin mang theo, chúng tôi được ngắm những bức tranh tường quý giá nhất của Tibet.
Mural
Màu sắc dùng để vẽ tranh của người Tibet là loại màu lấy từ tự nhiên. Đất Tibet khô cằn nhưng có rất nhiều loại khoáng thạch với nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng (mà hầu như ai cũng đeo trên tay và quanh cổ). Các họa sĩ xưa kia nghiền mịn các loại đá này, trộn với keo từ động vật để thành chất liệu màu không thể phai. Các mảng tranh có thể bong ra khi tường bị hỏng chứ không phai màu mất nét. Nếu ở nơi khô ráo, màu sắc sẽ vẫn tươi mới sau hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.
Chúng tôi thơ thẩn trong cái hành lang dài tối tăm câm lặng kì diệu đó rất lâu, rì rầm trò chuyện về những gì đã trải qua trên mảnh đất này, thậm chí giữa các bức tường này trong cả nghìn năm qua.
Samye
Tầng 3 vốn là nơi dành riêng cho Dalai Lama, nay ngài đã rời xa mảnh đất này hơn 50 năm. Ngày ngày những vị tu sĩ vẫn thắp đèn trước các bức tượng các tiền thân của ngài.
Chiếc thang kia dẫn vào tầng trên cùng, nhưng luôn đóng cửa. Trong đó là những bảo vật của Samye, những bức Mandala, thangka cổ, sợi tóc của Liên Hoa Sinh đại sư.
06-07-2014, 14:08
Bức họa Dalai Lama
Trong LP có nhắc đến một bức họa Dalai Lama thứ 14 ở tu viện Samye, lại cầu thang từ tầng 3 lên tầng 4.
Đây là một chi tiết rất đặc biệt, vì cần biết rằng TQ coi Dalai Lama 14 là kẻ thù, là tội phạm. Người Tibet nào có giữ chân dung của ngài đều bị trừng phạt, bị tống giam. Các sách vở người nước ngoài mang vào Tibet đều có thể bị khám nếu nghi ngờ có chân dung ngài, và nếu có thì sẽ bị xé ngay tức khắc. Như thế việc nhìn thấy hình ảnh của Dalai Lama 14 nơi đây gần như không thể.
Vậy mà tu viện này lại có được !?
Chúng tôi đi tìm đến hai cầu thang từ tầng 3 lên tầng 4, và cả hai cầu thang đều giống nhau như thế này:
Tại cả hai cầu thang, bức tường vẽ chân dung các vị Bồ tát, Đa la, La hán,... đều có một ô trống trơn, trơ đá.
Mấy đứa đi tìm đều buồn vì chắc rằng bức họa Dalai Lama 14 đã bị xóa bỏ. Chắc rằng người TQ đã biết đến bức họa này nên đã tiêu hủy đi.
Bức họa Dalai Lama
Khi đang thất vọng vì thấy bức họa ở cầu thang tầng 3 lên tầng 4 đã bị phá hủy, bỗng ở góc đằng kia hành lang dài, Lymy cuống quýt gọi "đây rồi, đây rồi".
Chạy ra góc đó, giữa các bức họa trên tường, có một bức rõ ràng khác biệt, đó chính là chân dung của Dalai Lama 14, ngồi trên tòa với tay trong thế đang giảng pháp. Người nhận ra chính là Đốc, vì thấy bức này "xấu" hơn các bức khác, với nét vẽ kiểu tả thực chứ không phải kiểu truyền thống.
Nhưng điều mà chúng tôi thắc mắc nhất, đó là vị trí bức tranh nằm ở cầu thang từ Tầng 2 lên tầng 3, chứ không phải từ tầng 3 lên tầng 4 như LP (bản mới nhất) đã viết !
Lúc đầu chúng tôi nghĩ LP đã viết sai !
Nhưng sau đó nghĩ lại: Nếu LP viết đúng là cầu thang tầng 2 lên tầng 3 thì liệu chính quyền TQ có để bức họa tồn tại hay không?
Rồi còn những ô bị xóa ở cầu thang tầng 3 lên tầng 4 nữa? Liệu có phải đây là một sự "nhầm lẫn cố tình" của LP để bức họa này được tồn tại?
Nhưng nếu chúng tôi đã có thể tìm thấy bức họa này, thì chắc người TQ cũng sẽ thấy được rồi. Tại sao nó vẫn được tồn tại ở đó?
Lại một câu hỏi nữa, chúng tôi không có lời giải đáp, không biết sau này có ai trả lời không?
Bia đá nghìn năm
Tấm bia này dựng cách đây 1200 năm, ghi rằng Phật giáo là quốc giáo của Tibet, bên cạnh một con sư tử đá cũng từ đời đó. Chữ trên bia được dát vàng.
Last edited by Chitto; 08-07-2014 at 16:22.
08-07-2014, 22:40
Samye
Từ tầng trên của Samye nhìn ra xung quanh, có bốn ngọn tháp (stupa) mang bốn màu: đen, hồng, trắng, xanh lục đứng ở bốn phía. Cánh đồng hẹp kéo về phía Nam.
Về phía Đông là một dãy núi thấp, trên đỉnh là một đền thờ nhỏ đánh dấu nơi Liên Hoa Sinh hàng phục các quỷ thần của vùng núi này trước khi dựng tu viện, và các quỷ thần đó trở thành các vị hộ vệ cho tu viện. Đó là nơi chúng tôi định lên ngắm bình minh.
Chúng tôi dành thời gian đi vòng quanh và quay tất cả các chuyển kinh luân này. Bốn cạnh, mỗi cạnh có khoàng trăm cái, đi vòng quanh xuôi chiều kim đồng hồ và quay tất cả. Những tảng đá này đã đón bao bước chân trong cả nghìn năm qua?
Samye
Chiều xuống rất nhanh, do bóng núi tràn về quanh tu viện. Những tu sĩ từ các tòa nhà xung quanh tỏa ra đi về phía cửa tu viện. Chúng tôi không đi theo nên không biết các vị ấy đi đâu, mà lặng ngắm những bóng áo đỏ đổ trong chiều, chậm rãi di chuyển và rì rầm trò chuyện.
Chúng tôi thuê một nhà trọ ngay gần cổng tu viện, lấy hai phòng. Lần đầu tiên mấy nữ lưu phải ngủ cùng với mấy thằng ngáy to. Khỏi nói câu chuyện bàn luận về tiếng ngáy nó lâm ly hào hứng đến thế nào.
Nhà nghỉ này có một hành lang rộng phía trước tràn đầy nắng, mà khi mới đến đứa nào cũng thích thú ngồi ở đó. Một căn bếp ấm áp ngay tầng một, tầng trên dành cho khách.
Chiều sau khi từ tu viện về, tôi hỏi Tenzin về việc trèo lên đỉnh núi đối diện vào buổi sáng, gã bảo "Không được, năm ngoái có mấy du khách nước ngoài trèo lên đó bị cảnh sát bắt giam mấy ngày đấy".
Chập tối, công an TQ đến làm thủ tục nghỉ, tôi lại bảo Tenzin đề nghị lần nữa. Sau một lúc gã bảo: "Được rồi, mai chúng mày đi được".
28-07-2014, 23:23
Bình minh Samye
Trời chưa sáng, ba người chúng tôi lò dò từ nhà nghỉ đi về phía đỉnh đồi. Do tối hôm trước không đi tìm đường trước nên chúng tôi đi vòng xa hơn, từ một hướng khác. Đường này dài và phải leo trên sườn đồi đầy đá trong bóng tối, với cây đèn pin soi đường.
Khi lên lưng chừng núi, mặt trời còn chưa lên. Rồi ánh bình minh xuất hiện, chiếu rạng Samye dưới kia như một Mandala khổng lồ tầng tầng lớp lớp.
Khi còn tối
Buổi sáng Samye
Từ đỉnh đồi, nơi xưa kia Liên Hoa Sinh đại sư thần phục các quỷ thần đất này, nhìn về phía Đông, sông Yarlungshangpo chảy tít phía xa. Một dòng nước nhỏ len lỏi qua đồng khô và các hàng cây rụng lá.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Nhìn về phía Bắc, những hàng cây lá vàng thẳng lối
Dường như đây mới là chủ nhân của khoảnh khắc này
Về Lhasa
Rời đỉnh đồi và rời Samye, chúng tôi tiếp tục con đường về Lhasa, cũng là con đường xưa vua Tsongkham Khambo đã dời đô.
Giờ ngồi đây, sau những ngày mênh mông thảo nguyên Mongolia, đôi ngày cũng gặp những tu viện, những pho tượng Phật mang phong cách Tibet, tôi lại càng thấy thấm hơn với Tibet, một cội văn hóa - tôn giáo rất lớn, một cội của nhân loại đang bị thoái hóa. Một nghìn ba trăm năm sau Liên Hoa Sinh, ai sẽ hồi sinh Tibet một lần nữa?
Những huy hoàng quá khứ giờ chỉ giống như một thứ bảo tàng quá vãng. Giống như rặng cây trên cát bên bờ sông kia, đẹp đó, nhưng không dễ lan tỏa và mạnh mẽ vươn lên cao hơn nữa.
Sông vẫn trôi mãi về Đông
Về Lhasa
Một tu viện dưới chân núi
Lhasa
Trở về Lhasa, chúng tôi nghỉ ngơi cuối buổi chiều, lang thang vào những con phố. Ngày hôm sau tôi mới thăm Potala và Jokhang, khối óc và trái tim của Tibet.
Tôi đã để hai kho báu này lại ngày cuối của chuyến đi, như thế sẽ luôn cảm thấy háo hức và chờ đợi. Hơn nữa, khi đã hiểu một phần về thiên nhiên, phong cảnh, con người Tibet rồi thì sẽ cảm được sâu hơn hai nơi này, mới hiểu tại sao người Tibet bỏ công sức, của cải, từ trí tuệ đến đức tin của mình vào hai công trình thiêng liêng nhiều đến thế.
Từ đồng bằng sông Yarlungshangpo đến đồng bằng Lhasa là một bước chuyển lớn với vương triều Tsongpan Gampo. Từ các đàn tế đạo Bon đến ngôi đền Jokhang là một sự thay đổi văn hóa tín ngưỡng rất dài. Tibet từ thời các bộ tộc du mục lỏng lẻo bước sang vương quốc và đế quốc mới, phát triển trong mấy trăm năm sau đó.
Potala
Từ một cung điện nhỏ trên đồi cao của Tsongpan Gampo, Dalai Lama 5 Vĩ đại đã xây dựng lại thành một khối kiến trúc khổng lồ, với 13 tầng dựa vào quả đồi đá cũ. Công trình có cả nghìn gian phòng, trong đó ba tầng trên cùng là quý giá nhất, là nơi ở, làm việc, thờ cúng, và chôn cất của các Dalai Lama.
Trước khi bước lên những bậc thang đầu tiên, có một cột đá dựng thẳng. Đó là tấm bia dựng khi hoàn thành Potala, để tưởng nhớ tất cả những người đã chết khi xây dựng cung điện này. Có bao nhiêu người Tibet đã chết? Không ai biết chính xác. Trong mấy chục năm xây dựng, có thể đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chết. Tên của họ không được ghi lại, mà chỉ có một tấm bia đá này.
Last edited by Chitto; 02-08-2014 at 20:12.
Lên Potala
Những người mới đến Lhasa đã vội thăm Potala thường dễ thấy mệt vì đường dốc leo thang lên khá cao. Cung Potala không phải chỉ là nơi ở và làm việc của Dalai Lama mà còn là hệ thống các phòng làm việc của các vị Lama chức sắc, giống như các vị quan của một triều đình. Đây còn là kho tàng lớn lưu trữ của cải của Tibet, cũng như vũ khí, lương thực... dùng cho một chính quyền.
Con đường này trước kia Dalai Lama 13 đã cho làm phẳng lại để ông có thể lái xe ô tô lên tận lưng chừng cung điện.
Cửa kia dẫn vào khu vực các tầng phía dưới, nơi ở của những quan chức, người phục vụ cho triều đình Dalai Lama. Theo như Tenzin nói thì 1000 căn phòng của Potala giờ đã trống rỗng, chỉ còn 24 phòng mà mọi người được tham quan là còn giữ được những gì của quá khứ. Đó cũng là nhờ công của Chu Ân Lai dưới thời Cách mạng Văn hóa.
02-08-2014, 20:57
Tường Potala
Các bức tường của Potala được quyện bằng đất sét nện. Ở dưới chân cung điện tường dày đến 4-5 mét, lên cao vẫn còn 2 - 3 mét, và các tầng trên cùng tường dày gần 1 mét. Cũng vì lớp tường dày thế nên cung điện rất vững chắc. Quân TQ đã từng bắn đạn pháo vào tường nhưng cũng không phá được gì.
Những bức tường dày cũng giúp giữ ấm cho cung điện trong thời tiết giá rét nơi đây. Giữa các bức tường này đã có nhiều sự kiện, có cả những mưu mô tranh giành. Đừng tưởng các vị Dalai Lama là các bậc thánh không bị phàm trần chi phối. Trong số các Dalai Lama, có những người đã chịu dựng lên rồi phế bỏ. Người ta cho rằng các Dalai Lama từ thứ 6 đến 12 đều từng chịu những áp lực chính trị và thậm chí một số chỉ là những tù nhân cao sang giữa tòa cung điện này.
Bạch cung
Sau những bậc thang cao, những lớp cửa nặng nề, chúng tôi đến sân phía Đông của cung điện. Sân này đứng ở vị trí nóc tầng thứ 9. Đây là nơi trước kia người Tibet được đến trong những lễ hội, nhảy múa ca hát.
Trước sân là tòa Bạch cung, nơi ở, làm việc và tĩnh tu chính thức của Dalai Lama. Tầng trên cùng căng vải màu vàng, có cửa sổ là nơi Dalai Lama sẽ từ đó nhìn xuống dân chúng đang ca hát nhảy múa và chờ đợi bên dưới. Phía xa hơi của Bạch cung là Hồng cung, khối nhà trát đất sét đỏ, là nơi thiết triều và đặt các tháp mộ của các đời Dalai Lama.
Từ sau cánh cửa của Bạch cung, chúng tôi không được phép dùng máy ảnh. Trong các gian phòng tại đó có hàng chục camera theo dõi. Điều may mắn là chúng tôi có thời gian thoải mái để nhìn ngắm, bàn luận, không phải lo dòng người nghìn nghịt đẩy đi như trong mùa cao điểm.
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Sau 2008 thì Potala và đặc biệt Jokhang còn bị TQ kiểm soát chặt chẽ gấp cả chục lần nữa kia.
Tất nhiên sẽ có những người như bạn, không muốn vào nơi mà bạn cho là "không hồn", cũng có những người vào chỉ để chỉ trỏ, có người vào chỉ để đánh dấu. Đó là quyền và cách nghĩ của mỗi người.
Chúng tôi thường nói rằng: Nếu như Dalai Lama còn ở Tibet, chắc là chúng tôi chả bao giờ được bước chân vào Potala ấy chứ, vì nó là cấm địa, giống như cung điện của các vị vua vẫn còn đang tại vị trên thế giới ấy, có mấy ai được bước vào đâu ! Lúc ấy thì không chỉ "hồn" mà cả "xác" của Potala cũng chả ai được thấy !
Cá nhân tôi nghĩ rằng, công trình này đã là tâm trí, sức lực, niềm tin của Tibet trong hàng trăm năm kiến tạo nên, thì từng viên đá, từng cây cột đều thấm đẫm một phần hồn của người Tạng. Sự linh thiêng của một công trình không phải ở hương khói quanh nó, ở những thầy tu quanh nó hiện tại, mà còn cả trong quá khứ. Tất cả những điều đó đều thật đáng cho tôi trân trọng và mong muốn được nhìn, được chạm vào tận mắt tận tay. Dù là một cung điện sống hay một bảo tàng, nó cũng là di sản của nhân loại và mình mong muốn được tận mắt thấy nó. Cũng vì ý nghĩa quá khứ và ý nghĩa tâm linh của hàng nghìn thế hệ, nên dù không phải người Kitoo giáo, tôi vẫn hôn vào tảng đá liệm Chúa Jesus; không phải tín đồ Mật tông, tôi vẫn hành lễ trước điện thờ.
Các đền đài Ai Cập, liệu có còn cái hồn không khi các Pharaoh chết cả ngàn năm rồi? Cung điện Huế có còn hồn không? Mỹ Sơn có còn hồn không? Các bảo tàng trên thế giới có còn hồn không khi chẳng còn các vua chúa quý tộc lượn lờ trong các lâu đài đó nữa. Và mọi người có đến thăm các chốn đó không?
Tôi thì sẽ không bao giờ vì căm ghét chính quyền Trung Quốc mà lại bỏ không đi thăm kho báu của người Tibet cả !
Vạn pháp do tâm tạo. Chấp cảnh hay chấp người cũng đều là vọng cả. Dalai Lama hay một chú tiểu chân đất, thậm chí một con mèo hoang lang thang trong Potala, cũng đều có sức sống giống nhau cả.
Last edited by Chitto; 02-08-2014 at 23:03.
Re: Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Đại ca TD tung hoành mấy nước Trung Á, đi ngược lại từ Tân Cương về Zanda, rồi nằm vùng ở Kailash cả hơn tuần lễ thì em nghĩ ở chặng sau có muốn cũng không thể có sức ham hố bất cứ cái gì thêm ở Lhasa được nữa rồi, không nói riêng về Potala hay Jokhang nhỉ ?
Tôi vào thăm lại Potala và Jokhang không phải vì mùa đông vắng khách vé được giảm 1/2 hay vì thời gian được thăm Potala không bị giới hạn trong 1h như quy định (vì bạn Tenzin quen với đội cảnh vệ Potala). Có một điều ước nhỏ khi tôi đứng ở sân Potala một ngày mùa hè năm cũ đã đưa tôi trở lại Potala vào một ngày đông... Và rồi tới Jokhang chúng tôi đã có được duyên may lớn lao thật chưa từng bao giờ nghĩ đến... Nhưng tôi để a Chitto sẽ tiếp tục cho đúng mạch câu chuyện đã về Lhasa.
Còn tôi thì vẫn thích nán lại thêm chút nữa ở Lhoka (Shannan Prefecture) vì khu vực này cũng thật đặc biệt. Nó chính là cái nôi của văn minh Tây Tạng khi tập trung những nông trại đầu tiên, cung điện (Yumbulagang) và tu viện Phật giáo đầu tiên (Samye) trên đất Tây Tạng.
Đi từ Ningchi xanh mát vốn được coi là Giang Nam của Tây Tạng về tới Tsetang tôi mới cảm thấy chất Tây Tạng thực sự khi cảnh sắc đã hoàn toàn thay đổi sang địa hình hoang mạc .
Núi trọc, cát sỏi khiến sắc màu của sông nước sắc nét hơn rất nhiều
Chúng tôi đến Samye theo chiều từ Tsetang, chiều ngược lại với con đường kinh điển đi phà trên dòng sông Yarlung Tsangpo để tới tu viện nên được ngắm nhìn dòng sông mẹ của Tây Tạng theo hướng khác trước.
Chưa hết những dư âm của mùa thu với hàng cây lá vàng bên sông
Phía gần chỗ tôi đứng gió thổi rất mạnh và lạo xạo tiếng chân lũ cừu dẫm chạy trên sỏi đá khi thấy người lại gần
Nhưng dòng sông thì vẫn lặng lẽ trong bóng chiều
Potala
Từ lúc vào cho đến lúc ra Bạch cung, Hồng cung, chúng tôi không được chụp ảnh, chỉ ngắm nhìn thôi. Đành lấy ảnh trên mạng vậy. Những gì trong các bức ảnh sau đều chỉ là một góc của không gian thật. Tổng cộng vào thăm 24 phòng trong hai cung điện này.
Phòng nơi Dalai Lama tiếp các Lama cao cấp / các triều thần của ngài. Ngay bên cạnh phòng này là một phòng nguyện với 12 pho tượng bằng vàng rất đẹp, nhưng tìm mãi không có ảnh chụp trên mạng.
Phòng đại triều của Dalai Lama thứ 5, đây là phòng rộng nhất trong Cung điện, với rất nhiều đồ báu.
Phòng đại triều dưới thời Dalai Lama thứ 6. Dù vị này bị đuổi khỏi Potala nhưng căn phòng này vẫn kịp xây.
Bảo tượng
Thời xưa, có hàng nghìn pho tượng lớn, và cả trăm nghìn pho tượng nhỏ trong Potala, nay đã mất nhiều
Pho tượng lớn nhất là tượng Phật Di Lặc (Maitreya), vị Phật của Tương lai, sẽ đến để hóa độ chúng sinh. Hai pho tượng nhỏ bên dưới là Dalai Lama thứ 5 và thứ 13.
Pho tượng đôi, bên trái là Phật Thích Ca, bên phải là Dalai Lama thứ 5. Tượng Dalai Lama cũng được làm to và ngang hàng với tượng Phật, là phong cách riêng của Tibet.
Tomb Stupa
Trong Potala có 8 stupa là mộ của 8 Dalai Lama thứ 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13. Dalai Lama thứ 1 mộ ở Shigate, Thứ 2, 3, 4 mộ tại Drepung, vị thứ 6 bị đuổi chết ở bên ngoài.
Các mộ của Dalai Lama đều là để nguyên thân thể bên trong tháp. Đây là hình thức táng trang trọng nhất. Người thường ngày xưa thì đem xác cho chim ăn (thiên táng) hoặc thả xuống nước (thủy táng); các lama thì được hỏa táng. Ngày nay thì đã khác, thiên táng chỉ dành cho những rất ít những người ở bậc cao, còn nhiều nơi cũng chôn xuống đất.
Các tháp mộ của Dalai Lama đều làm hình stupa kiểu Tạng, bằng kim loại quý. Thường bên trong là bạc và đồng, bên ngoài dát vàng và nạm đá quý.
Bảo vật quý giá nhất của cung Potala là Tháp mộ của Dalai Lama thứ 5, người đã thống nhất và chấn hưng Tibet, người đã dựng lại cung Potala cũng như hàng loạt các tu viện lớn, nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và ngoại giao lỗi lạc của người Tibet. Tháp mộ của ngài cao đến 14 mét, đúc bằng bạc và dát gần 4 tấn vàng, với hàng vạn châu ngọc. Theo truyền thuyết trong tháp còn có xá lợi răng Phật.
Thực tế những bất ổn chính trị từ thượng tầng của Tibet đã xuất hiện từ ngay sau khi Dalai Lama 5 qua đời, và tòa tháp vàng rực rỡ này giống như một nơi nương tựa, kì vọng cho các Dalai Lama đời sau. Nó quá tốn kém và xa xỉ.
12-08-2014, 22:20
Mandala 3D
Cùng tầng trên cùng của Hồng Cung còn có một gian phòng thiêng liêng, nơi đặt ba bảo vật khác, là ba Mandala 3 chiều.
Mandala là hình vẽ tượng trưng của bản thể vũ trụ trong tâm thức và bản đồ pháp giới Chư phật. Mandala được vẽ trên giấy, trên lụa, tạo bằng cát, bằng bơ, hay được dựng thành cả một tòa nhà, một tòa thành như tu viện Samye.
Còn tại đỉnh của Potala, Mandala được làm bằng vàng dựng như những tòa cung điện. Các nghệ nhân xưa đã coi đây như nơi trú ngụ của chư Phật, tưởng tượng đó như những cung điện rực rỡ xa hoa bằng vàng ngọc. Những mandala này có đường kính đến 2 - 3 mét.
Mandala trong cùng này có 170 pho tượng vàng của chư Phật, Bồ tát, Độ mẫu, Minh vương,... (ảnh sưu tầm)
18-08-2014, 11:52
Potala
Sau hơn hai giờ, chúng tôi ra mặt sau của Potala. Nhìn ra chỉ thấy những khối nhà theo một kiểu quen thuộc của đô thị TQ. Nếu không có dãy núi kia thì chắc chúng sẽ lan ra mãi.
Cung điện cũ, chỉ còn lại bóng quá khứ, chưa biết bao giờ mới có tương lai.
18-08-2014, 11:53
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Những người Tạng chân thành vẫn thành kính hành lễ trước những bức vẽ bên tường ngoài Potala, như các đời trước đã làm như vậy.
21-08-2014, 01:35
Jokhang
Tôi đã viết nhiều về Jokhang, không chỉ từ những bài đầu, mà rải rác trong cả topic, tôi vẫn luôn so sánh và hướng về nơi ấy, Trái tim của Lhasa, trái tim của Tibet. Chúng tôi đã đi theo dòng người đi vòng quanh tu viện, và giờ đến lúc bước vào trong đó.
Cũng biết rằng bên trong đã là cái "máy gặt tiền du khách" của chính quyền TQ, nhưng không vào thì cũng không đành lòng. Nơi đây là kho báu tinh hoa của Tibet, cả về vật thể và tâm linh.
Lại một lần nữa bị kiểm tra, lần nữa nhìn thấy cái cột cờ chỏng gọng, cái lều canh trên mái nhà xa xa nhức nhối. Nhưng bỏ qua thôi, chấp vào cái gì cũng đều là vọng cả...
Khi mua vé và bước vào trong, chúng tôi gặp một đoàn người Tibet có vẻ từ xa đến. Những người này khác với những người đang ngày đêm đi vòng bên ngoài tu viện. Tuy mặc toàn bộ đồ truyền thống, nhưng họ có vẻ giàu có, sang trọng hơn một chút. Những bộ quần áo truyền thống sạch và mới. Những người phụ nữ đeo rất nhiều trang sức trên đầu, trên cổ: những chuỗi vòng đá lớn màu xanh đỏ, những chuỗi vòng tay lấp lánh. Tuy tu viện đông đúc thêm, nhưng không phải là những du khách lộn xộn, mà là đoàn người đi lễ nên không gian lại thêm sinh khí thiêng liêng.
Jokhang
Những bức tường của Jokhang được vẽ kín bởi bích họa. Nhưng đây cũng là phục chế lại thôi, những hình ảnh gốc đã bị tàn phá theo sự ngu dốt của một thế hệ thiếu học bị kích động những năm 1960s.
Khung cửa chính dẫn vào Nội điện của Jokhang.
Những tảng đá lát trong hơn nghìn năm qua đã đón nhận bao nhiêu bước chân?
Jokhang
Trên trần của hành lang chính dẫn vào nội điện.
Từ đây không được chụp ảnh nữa. Có thể thấy bên trên là camera theo dõi. Cái này tôi phải zoom từ xa vào. Chính giữa là tượng Dalai Lama thứ 5. Hai bên còn những pho tượng rất lớn của Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba, và các tượng Phật.
Jokhang
Bước vào chính điện của Jokhang, thực sự lúc đầu tôi cũng không có nhiều cảm xúc lắm. Có lẽ vì buổi sáng đã nhìn thấy nhiều báu vật trong Potala rồi, nên những bức tượng ở giữa điện không gây ấn tượng mạnh. Xung quanh chính điện có nhiều điện thờ nhỏ mới là nơi gìn giữ những bảo vật thiêng liêng nhất, nhưng các chỗ đó đều bị một tấm lưới sắt rất lớn ngăn cách. Người ta có thể đứng ngoài nhìn vào bên trong, nhưng không vào được vì các lưới sắt đó rất nặng lại được khóa bốn phía.05-09-2014, 00:05
Lúc đó đoàn người Tibet kia vừa đi vừa lễ đến nơi có căn phòng nhỏ, trong đó có một bức tượng Quán Âm rất thiêng liêng. Bỗng tôi nghe tiếng loảng xoảng: một vị lama mở khóa và kéo tấm sắt sang bên cho đoàn người đi vào trong !
Lặng một lúc, tôi quay lại nhìn June để hỏi: Có vào không? Thế rồi không nói gì, cả hai vội vàng đi vào cùng đoàn người. Chiêm ngưỡng pho tượng ở vị trí gần như thế, nghe tiếng những người Tibet lầm rầm đọc kinh, cầu nguyện,..., tôi nhắm nhẹ mắt lại và cảm nhận cái không khí tràn ngập thiêng liêng.
Lúc đó có một số người Tibet lấy điện thoại ra chụp ảnh bức tượng. Tôi phân vân, nửa muốn nửa không. Cuối cùng tôi đã không chụp ảnh tại căn phòng nhỏ đó.
Đoàn người lục tục kéo ra, để đi đến khám thờ ở cuối chính điện, nơi thiêng liêng nhất của Jokhang, trái tim của trái tim Tibet...
Jowo Sakyamuni
Tấm lưới sắt chắn ngang được kéo lên, cùng đoàn người, tôi và June đi vào giữa và lọt vào hậu điện, nơi thiêng liêng nhất của Jokhang, nơi đặt bức tượng trấn giữ cõi Tibet. Những bài đầu của topic này đã viết rất nhiều về bức tượng này rồi.
Trên mạng cũng có những bức ảnh về pho tượng này, và thực sự nhiều người vào Jokhang cũng đã chiêm ngưỡng bức tượng này qua tấm màn sắt. Bước vào trong, thực ra tôi cũng không thể chạm vào pho tượng vì xung quanh quá nhiều đồ thờ. Phía trước bày các bát nước cúng, tôi lấy một ít cho vào chiếc lọ nhỏ mang theo. Lúc này một vị lama đang lấy dầu thơm xức lên pho tượng, và xung quanh, những người Tibet đọc rền vang những bài kinh.
Lúc này, một số người xung quanh tiếp tục chụp bằng điện thoại. Không nhịn được, tôi cũng rút máy ảnh bấm liên tục !
Chúng tôi đi vòng một vòng quanh pho tượng, trong tiếng đọc kinh của người Tibet, trong ánh sáng những ngọn đèn bập bùng. Nhiều người nhìn thấy pho tượng qua tấm màn sắt, nhưng những pho tượng ở hẳn đằng sau thì chắc rất ít người được thấy, và còn chụp ảnh được nữa. Tôi giữ nó cho riêng mình.
Chúng tôi đứng lặng ở đó, giữa âm thanh, ánh sáng, khói hương, và tâm linh tột độ...
Jokhang
Cũng nhờ đoàn người Tibet đó, tôi có thể chụp ảnh trong chính điện không ngại ngần. Nếu lúc khác thì sự đe dọa tịch thu máy và sự giám sát bởi hàng chục camera của người TQ chắc chắn làm tôi chùn tay.
Pho tượng Liên Hoa Sinh, bày đối diện, nhìn thẳng vào tượng Jowo Sakyamuni
Pho tượng Văn Thành công chúa, bình thường khóa nhưng đã được mở ra cho những người hành hương chạm vào:
24-09-2014, 11:40
Jokhang
Rời chính điện ngập trong tâm linh và hương khói, chúng tôi đi lên phía nóc Jokhang, nơi không gian xanh thăm thẳm mênh mông.
Những mái vàng của Jokhang đang được tu sửa, rực lên trong nắng chiều.
Jokhang và Potala
Đứng từ "Trái tim của Tibet" nhìn sang "Khối óc của Tibet" thấy buồn. Nếu như Jokhang còn giữ được phần nào tâm linh của nó nhờ những người Tibet ngày đêm cầu nguyện, thì Potala đã là một bảo tàng lâu rồi. Trái tim vẫn ấm, nhưng cái đầu đã trống rỗng vô hồn; một sự sống lâm sàng.
03-10-2014, 10:04
Jokhang
Từ trên nhìn xuống, quảng trường Bakhor tràn nắng, những người dân Tibet vẫn cặm cụi lễ lạy bên ngoài, trong vòng vây kiểm soát của người Trung Hoa. Potala xa xa còn bị canh phòng nhiều hơn thế.
Ngay phía trước Jokhang là tấm bia Tibet (hình cột đá có mũ ở trên) ghi lại hòa ước giữa nhà Đường và Tsongphan Khambo, nhấn mạnh rằng cương thổ đã chia, không xâm phạm lẫn nhau. Bên trái là các tấm bia Hán của các triều đại sau này khi đã có uy lực chi phối Tibet.
Jokhang
Có một bà cụ hành lễ ở phía xa khác hẳn với những người khác: Cụ không hề dùng bất cứ đồ hỗ trợ nào. Trong khi người khác có những tấm gỗ, đeo găng tay, tấm da để hành lễ thì cụ cứ tay trần mà sấp mình trên mặt đá trong thời tiết lạnh buốt đến gần 0 độ. Mỗi lạy là cụ lại lần một hạt trong tràng hạt trước mặt, cứ thế, cứ thế. Khi chúng tôi rời quảng trường, nhìn lại vẫn thấy cụ đang nghiêm cẩn quỳ lạy, mái tóc bạc phơ đắm trong niềm tin sâu thẳm.
Jokhang
Trước khi về nghỉ, tôi lại đi một vòng nữa quanh đền Jokhang, hòa vào với dòng người mộ đạo.
Đây là buổi chiều cuối tôi còn ở lại Tibet. Sáng hôm sau đã ra sân bay rời xa vùng đất của Chư thiên. Buổi sáng trước khi đi, tôi và các bạn đã lại đến nơi đây một lần nữa, lặng lẽ hít mùi khói hương đầy ngực, nhìn cho đã mắt. Và cùng với một người bạn, tôi đã nằm xuống áp mặt vào nền đá lạnh trước Jokhang...
12-10-2014, 11:22
Tạm biệt
Ngồi trên máy bay cất cánh từ sân bay Gonggar, tôi thấy như mất một cái gì. Không biết lần sau quay lại sẽ là bao giờ? Khi đó tôi sẽ già thêm bao nhiêu, mảnh đất này sẽ già đi bao nhiêu?
Mới hôm nào hạ cánh xuống đây, những hàng cây vàng rực lá. Hàng cây vẫn đó, nhưng hình như lá đã rụng đi gần hết? Hay là chính trong mình đã rụng rơi nhiều quá? Dòng nước xanh ngọc chảy về Đông, rồi đổ ra biển lớn. Những ngọn núi chầu về trời cao. Còn con người sẽ đi về đâu?
Từ biệt
Dưới kia là tu viện Ganden, ngạo nghễ và cô đơn. Tôi chưa đến đó. Còn nhiều nơi chưa đến được trên mảnh đất thiêng này. Còn nhiều điều chưa làm được, nhiều nơi chưa đến được. Con người ta luôn thế, muốn nhiều mà có được bao nhiêu.
Như trập trùng núi kia, còn chứa đựng bao điều vĩ đại?
Trập trùng núi
Mênh mông thao thiết
Cuối cùng cũng đã đến rìa của vùng núi non chư thiên, rơi trở lại phàm trần
26-10-2014, 01:59
Rơi từ xứ sở chư thiên
Đi máy bay đã nhiều, nhưng lần đầu tiên tôi thấy rõ cảm giác của sự rơi thẳng từ bầu trời thiên đường xuống hạ giới phàm tục rõ ràng như thế.
Đang bay trên các tầng núi non cao ngất trắng tuyết, thấy mình vượt trên núi non, gần bầu trời lồng lộng, bỗng nhiên đám mây mù che phủ. Thế rồi mây giãn ra, từ trên nhìn thẳng xuống mặt đất chằng chịt đường xá, ruộng đồng. Nhìn ngang vẫn là mây, là những đỉnh núi ngạo nghễ, là xứ sở chư thiên lồng lộng nắng gió.
Nhận ra cái kiếp phàm trần đang kéo mình trở lại với cuộc sống đời thường. Mình đang rời bỏ rất nhiều những điều trong sáng thanh cao, để lại tiếp tục với cơm áo gạo tiền tranh giành tham lam. Lúc đó muốn níu kéo vô hạn những đỉnh núi phủ tuyết kia, cố nhìn thêm lần nữa, khi biết rằng sẽ chỉ còn thấy chúng trong những bức ảnh.
Tôi quay lại với cuộc sống đời thường, và nhớ thì viết về nơi ấy...
Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa
Dù đã rời Tibet, câu chuyện về chuyến đi đã kết thúc, nhưng tôi sẽ còn tiếp tục viết về những con người nơi ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét