Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Một tháng ở Nam Mỹ (2) Bolivia

 Link gốc: Một tháng ở Nam Mỹ

Từ trang 6


Bolivia

Đối với đất nước rộng lớn Brazil, thực sự chúng tôi chỉ đến có mỗi thành phố Rio với mục đích chính là sống trong không khí lễ hội Carnaval, nên việc tìm hiểu lịch sử văn hóa đất nước này không được chú trọng lắm.

Tuy nhiên, khi rời sang Bolivia, và được đi lại một phần của quốc gia này, thì việc tìm hiểu lại trở nên có ý nghĩa hơn.

Bolivia, cũng như Peru và nhiều nước Nam Mỹ khác ngày nay, đều từng là xứ thuộc địa của người Tây Ban Nha. Người châu Âu đến đây từ những năm 1500, di dân, chiếm đất, cai trị... còn người bản địa và người gốc Phi (làm nô lệ) dường như bị đứng bên ngoài rìa của các sự kiện chính trị.

Thời đế chế Inca hùng mạnh đã suy rồi, người bản địa nói tiếng Quechua (Kê-choa) chỉ là những người nô lệ trong chế độ xã hội mà người châu Âu làm chủ.

Do đó, các cuộc "đấu tranh giành độc lập" và "dựng nước, giữ nước" của các quốc gia này đều chỉ là các ván cờ chính trị của những lãnh chúa, tướng lĩnh, quý tộc châu Âu mà thôi. Các vị ấy giành độc lập từ hoàng gia Tây Ban Nha, là để được tự mình làm chủ trên mảnh đất của mình chiếm được, để không bị can thiệp từ châu Âu, chứ không liên quan gì đến các dân tộc bản địa đã từng sống ở đó từ trước khi họ đến. (Cũng như việc Hoa Kỳ giành độc lập từ Anh, cũng là do những người da trắng châu Âu thực hiện).

Thực tế từ những năm 1500 đến 1800 (khi các nước giành độc lập) thì trong 300 năm đó, người châu Âu sang rất nhiều. Đã có những sự giao thoa dân tộc với bản địa, nhưng rất ít. Trong lịch sử "giành độc lập", người bản địa đóng vai trò rất nhỏ, mờ nhạt. Có vài người được ghi nhận, nhưng chỉ là vai trò trợ giúp cho các tướng lĩnh da trắng mà thôi.

Bolivia cũng vậy. Từ cuộc đấu tranh giành độc lập của vị quý tộc TBN Simón Bolívar, người mà gia tộc định cư ở đất này đã đủ lâu để coi nơi đây là quê hương, các cuộc giao tranh liên miên trong hàng chục năm đã cho ra đời các nước như Columbia, Venezuela, Peru, Chile, Bolivia (lấy theo tên Simón Bolívar).

Vì thế, lịch sử của đất nước Bolivia là lịch sử của người châu Âu da trắng thực hiện. Trước đó không có đất nước này.

Suốt gần 200 năm sau khi giành độc lập, chính trường Bolivia vẫn do người da trắng lãnh đạo. Mãi đến 2005, lần đầu mới có vị tổng thống người bản địa. Nhưng Bolivia cũng là nước nghèo nhất Nam Mỹ mất rồi.


20 / 2 / 2015: Cochabamba


Như câu chuyện kể từ trang 2 của topic, hãng hàng không Bolivia Airline làm chúng tôi một phen mệt mỏi kinh người.


Ra sân bay Rio từ tối, chờ đến gần nửa đêm để làm thủ tục bay, lại bị nhân viên hoạnh họe cái giấy tiêm sốt vàng da (yellow fever), cãi nhau một hồi rồi cũng cho bay, lại bị dọa là sẽ mất 83$ tiền visa on arrival. Cuối cùng sang đến nơi vẫn là 50$ như đã đọc, cũng không ai hỏi sốt vàng da gì cả.


Bolivia Airline so với Qutar Airway đi chặng trước thì đúng là rơi tụt xuống thảm hại. Máy bay cũ, đồ ăn thì tệ lắm. Mà cái đó không quan trọng lắm. Chỉ là cái lúc nhập cảnh ở sân bay Cochabamba phát buồn cười và bực mình với các bạn Immigration thôi. Tất cả người khác đi hết rồi, chỉ còn mỗi đoàn VN này, thế mà chỉ vì chờ chú Tây đi đổi tiền đô mà họ cứ mặc kệ cả đoàn, cũng không làm trước gì cả. Thằng Tây đi 20 phút hay nửa tiếng cũng cứ chờ đã. Giải quyết 1 thằng Tây xong rồi đến hội này sau! Trong quầy immigration thì chú hải quan áo phông quần ngố ngồi chơi điện thoại và tán phét với chú nhân viên đứng ngoài y như là không có việc làm vậy.


Cũng là vì chuyến bay tiếp từ Cochabamba đi Sucre còn cả mấy tiếng, nên cũng không sợ muộn, chứ không là làm um lên rồi đó.


Sân bay Cochabamba ngày có mây, độ cao 2600m so với mực nước biển, máy bay của BoA



và hãng khác



Sucre


Chuyến bay tiếp theo cũng của BoA đưa chúng tôi đến với Sucre. Chỉ cái tên này mà mấy người trong đoàn đánh vần mỗi người một khác. Người thì gọi là "Suốc-cờ-rờ", người thì "Suốc-cờ-re", người thì "Súc-cờ re". Sau mới thấy người Bolivia gọi là Súc-cờ-rờ.


Sucre là thành phố quan trọng của lịch sử nhiều nước Nam Mỹ, nơi mà từ đây các nhà cách mạng (da trắng) đã họp bàn và tiến hành đòi độc lập từ TBN. Sucre cũng là thủ đô của Bolivia khi mà các mỏ bạc ở vùng này còn đóng vai trò quan trọng nhất đối với nền kinh tế đất nước. Sau này La Paz đã chiếm lấy vị trí thủ đô của Sucre, nhưng nhiều người vẫn coi Sucre là thủ đô Lập pháp, vì nơi đây từng là nơi ra đời Hiến pháp của Bolivia.


Xuống sân bay Sucre, ra thuê xe để đến nhà khách đã đặt, mà chiếc xe phải có thêm 4 tay đàn ông to khỏe chạy ra đẩy thật mạnh một đoạn nó mới nổ máy và chạy được. Cả lũ lo ngay ngáy là nếu giữa đường xe chết máy thì ai đẩy đây. Tưởng tượng đến cảnh ba thằng xuống đẩy, xe nổ máy rồi chạy luôn, mang theo các chị em và chui vào nơi nào đó bí mật thì có giời tìm.


Cuối cùng đến Sucre, thành phố lên dốc xuống dốc nhiều, và khắp nơi là một màu ngói đỏ.


Trên phố có những thanh niên cứ khi xe dừng đèn đỏ là nhảy ra biểu diễn màn tung hứng chán ngắt, rồi ngửa tay xin tiền.



Màu ngói đỏ khắp nơi



Sucre


Nhà nghỉ chúng tôi ở có nhiều hoa cỏ rất ấm cúng dễ chịu. Hình dung ra một buổi sáng trên độ cao 2800 mét, trời hơi lành lạnh, bước vào một căn phòng ấm cúng ở một nơi xa xôi, với những người bạn đồng hành hợp gu thì thích thế nào.


Chúng tôi nhanh chóng lên phòng; hơi cao vì tầng ba, nhưng bù lại phòng rất thích. Giường tầng thôi, nhưng ngoài phòng là gian bếp và ăn rộng, tha hồ tung hoành. Và đến đêm đó là biết ngay.


Nhanh chóng sắp xếp, rồi cả đám kéo xuống đi ra ngân hàng gần đó đổi tiền Bolivia. Từ lúc đầu đến giờ chưa phải chi đồng nào, vì xe đón từ sân bay là của nhà nghỉ, sẽ tính gộp sau luôn.

Bữa trưa được đánh nhanh gọn trong quán địa phương ngay gần nhà nghỉ, và cũng gần bến xe, là nơi ngày hôm sau chúng tôi sẽ từ đó đi Uyuni. Ở đây chí có mấy món cơ bản, nhưng với tôi thì món nào cũng ngon hết. Ở đâu và bao giờ tôi cũng là người dễ ăn nhất nên lúc nào cũng ngon miệng, hà hà.



Sucre - World heritage site


Sucre là thành phố di sản thế giới, với rất nhiều di tích lịch sử chứng kiến sự phát triển của chế độ thuộc địa Tây Ban Nha cho đến sự thành lập nền Cộng hòa cho các nước Nam Mỹ.


Chúng tôi đi dọc theo con đường từ nhà nghỉ đến trung tâm thành phố, dưới lớp ngói đỏ là những ngôi nhà mang nhiều dấu ấn thời thuộc địa.


Ngói đỏ



Con đường này dẫn ra khu vực trung tâm của thành phố, nơi các ngôi nhà được quét vôi trắng, nên còn gọi là thành phố trắng.



Dừng lại dọc đường mua hoa quả của những người bản xứ - hậu duệ của Inca, mà từ giờ ta gọi là người Quechua. Hoa quả ở đây cũng không rẻ, nếu so với những nơi khác chúng tôi sẽ đi qua. Tôi thì không nhớ được giá cả của những loại hàng này, dù rằng có ghi chép tài chính, nhưng chỉ ghi tổng số tiền thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét