Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Một tháng ở Nam Mỹ (4) - Easter Island

 Topic gốc: Một tháng ở Nam Mỹ


Easter Island


Chặng cuối của hành trình, cũng là những ngày thư thái nhất của chúng tôi.


Chúng tôi bay đến Đảo Phục Sinh, hòn đảo có lẽ là kì lạ nhất thế giới. Nó là một trong những hòn đảo cô độc nhất giữa đại dương, cách bờ biển Chile 3500km, cách hòn đảo gần nhất đến 2500km. Nhưng trên hòn đảo này lại có những kì quan của thế giới: Những pho tượng Moai khổng lồ.




Hòn đảo chơi vơi giữa đại dương, được hình thành từ ba ngọn núi lửa nằm ở ba góc. Hàng triệu năm trước, ba ngọn núi lửa phun trào đã tạo nên hòn đảo hình tam giác. Cạnh dài nhất chỉ 24km, hai cạnh còn lại khoảng 17km, nghĩa là chỉ tương đương đảo Cát Bà, hay bằng 1/3 đảo Phú Quốc của mình mà thôi.




Thế mà hàng nghìn năm trước, những người dân Đa đảo (Polynesia) vốn có xuất phát từ vùng biển Đông Nam Á ngày nay, đã bằng cách nào đó dong buồm đến nơi đây, và định cư trên hòn đảo hoang vắng này. Họ không chỉ định cư, canh tác, mà còn tạo tác cả nghìn pho tượng khổng lồ làm sửng sốt bao thế hệ.


Các tài liệu không thống nhất về lịch sử hòn đảo này, có chỗ nói người Đa đảo đã đến đây từ khoảng năm 300, có nơi nói khoảng năm 700, 800, và muộn nhất cho là khoảng năm 1200.


Trong hàng trăm năm định cư trên mảnh đất nhỏ bé chơi vơi giữa biển cả này, họ đã canh tác, khai thác hòn đảo đến kiệt quệ. Thời kì đỉnh cao dân số họ lên đến 15-16 nghìn người, nhưng rồi do tài nguyên bị khai thác quá đà, lương thực thực phẩm không đủ nên họ đã phải di cư, hoặc chết dần, nên dân số giảm dần.


Năm 1722, trong khi dong buồm về phía Đông, những người Hà Lan đã tìm thấy hòn đảo này trong dịp lễ Phục Sinh (Easter) nên đã dùng tên này đặt cho hòn đảo. Khi đó dân số trên đảo chỉ còn khoảng 2-3 nghìn người. Đến những năm 1877, do bệnh tật mà người châu Âu đem đến, và nạn bắt nô lệ, dân số chỉ còn 111 người.


Tuy vậy, người châu Âu đã phải sửng sốt vì những pho tượng Moai đứng sừng sững khắp hòn đảo, dường như được các vị thần tạo tác chứ không phải con người.



Easter Island : the Moai


Những người Polynesia gọi hòn đảo này là Rapa Nui, và những pho tượng họ tạo nên là Moai.


Những tượng Moai được tạo tác trong khoảng những năm 1250 - 1500, và có đến khoảng 1000 tượng rải rác khắp đảo, trong đó có vài trăm tượng vẫn đang được tạc dở dang ở núi Rano Raraku.



Trung bình các tượng cao khoảng 4m, nặng 4-5 tấn. Nhưng có tượng rất to, tượng cao nhất đã hoàn thành và được dựng lên cao đến 10m và nặng đến 90 tấn. Một tượng nữa đang tạc dở trong núi cao đến 21m và nặng 270m. Người dân đảo bằng cách nào đó đã đục núi đá rồi tách khỏi nền gốc, di chuyển chúng đến các vị trí khác nhau khắp đảo. Có ba kiểu dựng tượng, (1) dựng các thềm đá cao rộng gọi là các Ahu, đặt các Moai đứng thẳng lên trên, (2) là xếp đá quanh các tượng Moai riêng lẻ để dựng đứng, (3) là chôn phần thân vào trong đất.


Khi những người Hà Lan đến đảo, các tượng vẫn đứng sừng sững. Nhưng rồi chính những người dân đã xô đổ các bức tượng, và đến cuối thế kỷ 18 thì các pho tượng không chôn chân đều bị đổ hết.


Ngày nay, các người ta đã dựng lại khoảng 40 tượng Moai, phục chế một số pho tượng để giống như thời xưa. Gần một nghin pho khác vẫn còn đổ và rải rác khắp nơi, hoặc vỡ thành nhiều mảng.


Các tượng Moai đa phần tạc bằng đá dung nham núi lửa (đảo hình thành do núi lửa mà), nên rất dễ bị bào mòn. Hàng trăm năm đứng dưới mưa gió đại dương, các tượng bị xói mòn rất nghiêm trọng, các khuôn mặt không còn nguyên vẹn. Chỉ có một số ít tạc bằng đá bazan là còn nguyên vẹn các đường nét.


Bức tượng được coi là đẹp và nguyên vẹn nhất, tuy không lớn, chỉ cao gần 3m, bị người Anh lấy đi và bày trong Bảo tàng Anh quốc.




Những pho tượng chôn sâu vào đất, phần thân trên lộ ra rất ít khiến người ta tưởng đầu tượng to và dài, nhưng hóa ra thân dưới dài hơn rất nhiều.




Các tượng Moai hầu hết được dựng ở ven bờ biển, và quay mặt nhìn vào đất liền, quay lưng ra biển. Chỉ có một cụm tượng là nằm sâu trong đất, và chỉ có 1 pho tượng quay mặt nhìn ra biển.


Ngày nay chỉ có một số điểm chính các pho tượng đã được dựng lại đứng thẳng sau cả trăm năm nằm dài trên đất. Hầu hết vẫn đổ nằm, hoặc bị chôn vùi trong đất.



Người Rapa Nui tạc những pho tượng này để làm gì, chi có các giả thuyết đưa ra. Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là họ tạc để kỷ niệm tổ tiên của mình. Mỗi pho tượng là một vị thủ lĩnh nhóm người, tộc người, lâu dần được tập hợp lại. Trên đảo đã từng phân chia thành các nhóm đánh lẫn nhau, và khi có người thắng cuộc thì họ lại tạc tượng để ghi nhớ.

Cũng có thể tượng là mô tả cho các vị thần, và họ thờ phụng thần qua hình tượng đó. Nhưng nếu là tượng thần thì thường không nhiều và tràn lan thế được.


Trong số gần một nghìn pho tượng tìm thấy, có khoảng 70 pho có mũ đội đầu. Mũ là một khối đá núi lửa màu đỏ sẫm, được khai thác tại một mỏ đá nằm giữa đảo. Những cái mũ rất to nặng hàng tấn, cái nặng nhất đến 12 tấn. Khi các pho tượng bị đổ thì mũ cũng lăn lóc khắp xung quanh. Có những mũ có một cái chóp cao thò lên trên, có mũ đỉnh bằng, chỉ là một khối trụ cao.



Các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều mảnh san hô quanh các tượng bị đổ, và đưa ra giả thuyết rằng các tượng đã từng được gắn đôi mắt bằng san hô trắng, vẽ màu đỏ hoặc xanh đen ở giữa làm con ngươi. Ngày nay chỉ một vài pho được phục chế lại đôi mắt.




Ngoài ra trên đảo còn rất nhiều các tảng đá lớn được chạm khắc các hình thù chim cá, tượng trưng cho biển cả và mưa gió, hoặc các vụ thu hoạch cá mà người dân trông đợi.


Easter Island


Vậy là rời Chile đất liền, chúng tôi bay ra Thái Bình Dương.


Sau mấy tiếng đồng hồ bay giữa biển khơi xanh ngắt, cuối cùng đã thấy mỏm đất có núi lửa Poike cũ của Đảo Phục Sinh bên dưới cánh máy bay. Có thể thấy cái hồ nước con con, là miệng núi lửa cũ Rano Raraku. Đấy cũng là hồ nước tự nhiên duy nhất trên đảo còn lại. Cái quả núi quanh hồ nước đó cũng là mỏ đá nơi tạo tác các pho tượng Moai.


Gần bên trái ảnh có một chấm trắng, đó là bãi biển có bãi cát duy nhất của đảo, bãi Anakena. Đó là nơi thuận tiện nhất cho thuyền cập bến, vì vậy theo truyền thuyết của thổ dân thì đó là nơi đầu tiên tổ tiên họ đặt chân lên đảo.



Máy bay lượn một vòng để hạ cánh đúng hướng của đường bay, chỉ chao nhẹ một cái mà đã thấy hết toàn bộ hòn đảo rồi, nơi này bé quá. Ở giữa kia là khu có cây cối rậm rạp cuối cùng của đảo. Những người thổ dân xưa đã khai thác kiệt quệ cây cối trên đảo rồi.



Bên dưới là phần còn lại của ngọn núi lửa Terevaka, hiện tại cũng là nơi cao nhất của đảo. Cùng với Poike, Orongo, đây là 3 ngọn núi lửa chính đã tạo nên hòn đảo này.



Cuối cùng cũng hạ thấp sát các con sóng



Máy bay hạ cánh, chúng tôi đặt chân xuống hòn đảo kì lạ, và sẽ ở lại đây trong 4 ngày.


Sân bay rất bé và đơn giản, không có khu cách ly nghiêm ngặt gì cả, dù số lượng người đến và đi cũng không hề ít.




Những cô gái trên đảo




Một biểu tượng của nền văn hóa Rapa Nui: Khối đá khắc hình chim và các biểu tượng




Mihinoa Camping


Đón chúng tôi là một chiếc xe bán tải với người lái xe điềm tĩnh ít nói, do chủ nhà nơi chúng tôi nghỉ gửi đến. Xe chở thêm cả mấy người bạn nước ngoài cùng đến khu nhà nghỉ.


Và cũng chỉ một chốc là đến nơi. Trên đường tất cả căng mắt nhìn xem có chỗ nào sẽ bán đồ để có thể nấu nướng ăn uống. Vì ở nhà có bếp và thời gian rất thư thái nên phải nghĩ ngay đến chuyện đó chứ.



Và đến rồi: Mihinoa Camping





Đây là một khu nhà nghỉ rất dễ chịu nằm ngay bên cạnh biển cả. Ở giữa là một sân cỏ rộng dành cho cắm trại, với giá 5$/người / tối. Hai bên là hai ngôi nhà có phòng. Ngôi nhà bên phải có 2 phòng ngủ, và chúng tôi thuê trọn cả hai phòng. Ở giữa có phòng khách thông với phòng ăn rất rộng rãi thoải mái. Vệ sinh có cả ở hai khu rất rộng rãi sạch sẽ. Khu bên trái cao cấp hơn một chút, là các phòng đôi, có quầy bar nữa.





Ở bờ rào của Mihinoa có mấy tượng Moai giả vờ nhỏ nhỏ để chụp ảnh, cũng đủ cả mũ và mắt, tạc bằng đá cứng chứ khá vui mắt.



Một đầu của hòn đảo nhìn từ đây, đó là nơi có miệng núi lửa Orongo, bờ đá dựng đứng sóng vỗ trắng xóa.



Về phía này của đảo thật yên bình với dãy đồi thấp, thoai thoải. Con đường dọc biển chạy đến những vũng nước tắm được, và các khu tượng Moai được dựng lại bên bờ biển



Nhưng nơi đây cũng đã từng hứng chịu những đợt sóng thần



Chúng tôi đến đảo lúc 1h30 chiều, do lệch múi giờ và trời 8h30 mới hoàng hôn. Sau khi nghỉ ngơi mọi người ra cửa hàng gần nhà mua đồ về chuẩn bị nấu ăn.


Tôi lang thang đi về phía Bắc của khu nhà nghỉ, bờ biển ở phía Tây, đón ánh mặt trời cuối ngày.


Ven đường có một vũng nước nông, và một gia đình đang bì bõm trong đó



Một cột mốc đánh dấu và khoảng cách đến các thành phố lớn trên thế giới.



Moais


Pho tượng Moai nguyên bản đầu tiên chúng tôi gặp là ở Ahu Ote Vaikava. Ahu là cái bệ đá được xây để đặt tượng. Tôi cũng không tra ra cái tên Ote Vaikava nghĩa là gì nữa. Những địa danh đều lấy theo cách gọi của thổ dân Rapa Nui xưa.



Pho tượng này được phục chế đôi mắt. Đây là pho Moai duy nhất nhìn ra ngoài biển. Tất cả các Moai khác đều quay lưng về biển và nhìn vào đất liền.


Đôi tai của Moai dài thoòng xuống, và đôi tay thì ôm lấy trước bụng. Pho này không có mũ đội đầu. Không phải tượng nào cũng được đội mũ.


Các tượng Moai là bảo vật, do đó nghiêm cấm chạm vào tượng. Điều này về sau chúng tôi đã có trải nghiệm.



Bở biển ở đây gần khu dân cư, thị trấn Hanga Roa, nên hoạt động nhộn nhịp và nhiều góc thú vị


Một góc bàn mời người ta ngồi xuống



Nơi để tắm biển, tuy không có bãi cát nhưng chỗ này đáy nông, tắm táp được.




Ngoài kia là những tay lướt sóng



Moais


Đi một đoạn nữa gặp hai pho tượng Moai đứng bên bờ biển. Hàng rào gỗ cách tượng một khoảng xa, để mọi người không xâm phạm vào các vị đã được tạo tác từ hàng trăm năm trước.






Một pho tượng phiên bản dành để quảng cáo cho một nhà hàng, trông cũng khá giống



Moais


Một khu bệ đá, trước kia dựng các tượng Moai, nay tượng không còn.


Chẳng biết các vị ấy giờ đã lăn lóc ở những đâu





Gần đó là những khối đá núi lửa màu đỏ nâu được tạo tác hình các con chim, con cá. Đây cũng là đặc trưng văn hóa điêu khắc của ngừoi Rapa Nui, mô tả sự cầu mong có được nguồn cá dồi dào.




Lại qua một vũng đá nữa, nơi người dân và du khách có tắm biển thoải mái. Những người dân ở đây thân thiện lắm. Du lịch chính là nguồn sống chính của nơi này mà.




Một góc bình yên nữa



Lại tiếp những pho tượng rải rác. Con đường biển này có nhiều tượng được phục dựng, rải rác dọc đường đi





Ahu Takai


Từ xa, chúng tôi thấy quần thể Ahu Takai. Khu này gồm một nền đá rộng có 5 tượng Moai, hai tượng đứng gần đó, và một vài tượng đổ chưa được dựng lên.


Những tượng được dựng lên lại này mới chỉ vài chục năm gần đây thôi.




Một pho tượng đổ nằm trên đất. Có thể một số năm nữa sẽ được dựng lại chăng?



Đầu một pho tượng khác lăn lóc, không biết thân của nó đã về đâu?



Những pho được dựng lại thì cũng đã bị tổn hại rất nhiều rồi


[/url]


Một pho chơ vơ trên đất, một pho được dựng trên một nền (ahu) nhưng xem ra hơi rộng. Phải chăng còn nhiều bạn của nó chưa được dựng lại, hoặc thậm chí chưa được đem đến, chưa được tạo tác, chỉ có mình nó đứng trên cái bệ hoành tráng nhưng lẻ loi đó



Ahu Takai


Pho tượng này được phục chế đầy đủ mũ và đôi mắt, lại có cả bệ đá, nên có thể coi là pho hoàn chỉnh nhất trong số các tượng Moai ở đây



Hoàng hôn ở Ahu Takai được coi là đẹp nhất, và cũng thu hút hàng chục tay máy ảnh khủng.


Ngán nhất là có một hàng khoảng 20 bạn Tàu dựng tripod thành một dãy. Xong rồi nghe các bạn ấy bắn ảnh liên tục liên thanh. Một tràng tạch tạch tạch tạch tạch ghê người. Xong rồi nhỡ có ai đi dạo trước dãy người ngợm ấy là các bạn Tàu ấy gầm gào lên Nô Nố Nồ Nô và một mớ tiếng Tàu chết khiếp.

Đến nỗi một bạn Tây ngồi cạnh tôi khi thấy có ai đi ngang lại giễu cợt bắt chước giọng các bạn Tàu cũng Nô nố nồ nô rồi nhìn mình cười cười.


Lúc còn chưa đông vì mặt trời còn cao



Các tay máy lần mò ra




Sunset at Ahu Takai





Có hai bạn ngồi phía ngoài bờ đá, trò chuyện và ngắm hoàng hôn. Chợt thấy mình thật đáng thương khi phải bận tâm với ảnh ọt.




Đổi gam màu tí cho nó đỡ chán



Sunset


Những phút giây cuối cùng trong ngày




Lúc đó có một người đàn ông Trung Quốc thuê hai cô gái ra múa trước bãi biển, để chụp cảnh "đảo nữ" trong ánh hoàng hôn. Một người phụ nữ cầm điện thoại mở nhạc để hai cô gái uốn lượn.


Hai cô này cũng chỉ có vài động tác, và một người có vẻ quá trẻ và quá mới để biểu diễn, cứ vừa đưa tay chân vừa cười khúc khích mãi. Xem chừng ông TQ kia cũng không có được bức ảnh nào đẹp cả.


Còn chúng tôi có ké vài cái





Những hình ảnh cuối cùng của ngày đầu tiên trên đảo Phục Sinh




Sunrise


Sáng hôm sau tôi một mình dậy sớm.


Sau hành trình dài gần một tháng và di chuyển qua nhiều nơi, những ngày cuối trên đảo này thật bình yên, vì thế mọi người ngủ say sưa lấy sức. Còn tôi quyết định không bỏ phí một buổi sáng. Tôi sẽ đi về phía Tây Nam của đảo, nơi rất ít người đến, và trong lịch trình mọi người cũng không định đến.


Từ Mihinoa đến đó cũng khoảng 3-4km, nên tôi dậy đi từ lúc trời còn tối đen, dùng đèn pin để đi. Phải đi vòng qua sân bay.



Gần đến khu phế tích Vinapu, thì mặt trời đang dần lên



Có một cặp đôi đạp xe đạp qua, có lẽ họ đã đạp vòng quanh mũi đất phía Tây của đảo. Tôi không thấy có đường trên bản đồ, chắc chỉ là đường đất thôi.



Và giây phút bình minh lên. Lúc này tôi đã ngồi ở một bệ đá cũ, giữa tĩnh lặng ngày mới, trong tầm mắt không có một ai, chỉ có một con chim nhỏ. Trong chuyến đi dài, những lúc một mình thế này thật cần thiết và xoa dịu con người mình biết bao.


Để nhìn lại bức ảnh, lại thấy mình khi đó trong đó đang thế nào...



Vinapu


Lúc đầu xem trên bản đồ thấy điểm Vinapu có vẻ có nhiều tượng, tôi háo hức nên tìm đến một mình sáng sớm.


Đến nơi mới biết các tượng ở đây đều đổ hết, và không tượng nào được dựng lại. Chỉ còn nền đá và các pho tượng rải rác.






Vinapu




Chỉ có mình tôi, và con chim này



Mặt trời lên cao, tôi cũng lững thững đi bộ về



Tôi đi phía bên này sân bay, nghĩa là sẽ đi tròn một vòng quanh cái sân bay này.






Tấm biển chỉ dẫn vào một khu di tích



Nhưng thực ra chỉ còn là phế tích



Chẳng một bóng người, chỉ có chú cún này là nhất quyết không rời



Một nhà cho thuê xe để di chuyển trên đảo. Trưa hôm đó chúng tôi thuê xe ở gần chỗ này. Xe tính theo 24 giờ, từ lúc thuê là 1 giờ chiều chẳng hạn thì 1 giờ chiều hôm sau là 24 tiếng.



Người đàn ông áo đỏ bán thịt, chắc là dân bản địa. Khi chúng tôi mua thịt và hỏi là có "fresh" không, ông ta liền lấy dao cắt ngay một miếng thịt nhỏ bỏ vào mồm nhai sống và nuốt luôn, thể hiện là thịt của tôi còn mới nguyên. Một câu trả lời thật là đanh thép



Chiếc mũ này độc đáo ghê



Bãi tắm buổi sáng vắng khách



Khu trại khi gần trưa đầy nắng và gió



Ahu Akivi


Chúng tôi thuê một chiếc xe bán tải để đi khắp nơi trên đảo. Trong khoang ngồi được 6 người, còn tôi thì đứng ở thùng đằng sau. Tôi thích đứng đó để ngắm được toàn bộ khung cảnh, và đón nắng gió trên đảo




Điểm đến đầu tiên là Ahu Akivi, là bệ gồm 7 tượng Moai đứng sâu trong lòng đảo. Đây là cụm tượng xa bờ biển nhất



Cụm tượng này được coi là một công trình thiên văn, khi mặt của các tượng quay chính xác về phía Mặt trời lặn vào ngày Xuân Phân, và lưng tượng quay chính xác về phía Mặt trời mọc vào ngày Thu Phân.


Lưu ý rằng không phải ở đâu và ngày nào thì Mặt trời cũng mọc và lặn vào đúng một chỗ, và đối xứng nhau đâu. Do Trái đất nghiêng, lại quay theo hình Elip quanh Mặt trời, nên mỗi ngày điểm Mặt trời mọc lại dịch đi một chút. Và nếu không ở trên Xích đạo thì vị trí Mặt trời mọc và lặn trong một ngày cũng không đối xứng nhau qua vị trí đứng.


Do đó các nhà khoa học đã tính toán và thẩy rằng trên đảo Phục Sinh, duy nhất điểm này có đặc điểm thiên văn như trên. Cũng vì vậy đây là cụm tượng đứng rất sâu trong đất liền, trong khi hầu hết các tượng đều đứng cạnh bờ biển. Các thổ dân xưa kia có khả năng quan sát rất chính xác.



Truyền thuyết kể rằng xưa kia người Rapa Nui sống ở các hòn đảo khác (vùng Đa đảo). Một lần Hau Maka, vị tư tế của vua Hotu Matu nằm mơ. Trong giấc mơ, ông bay khắp nơi, băng qua đại dương, và nhìn thấy hòn đảo xinh đẹp chơi vơi giữa biển. Tỉnh dậy, ông kể giấc mơ cho nhà vua.

Vua Hotu Matu phái một đoàn thuyền đi về hướng trong giấc mơ để tìm hòn đảo. Sau rất nhiều ngày, đoàn thuyền đã tìm được hòn đảo trong mơ. Bảy người trong số họ tình nguyện ở lại đảo, còn lại quay về quê hương để báo tin.


Bảy người trên đảo đã phải chờ đợi rất lâu. Ngày ngày họ đi vào sâu trong đất liền, nơi có ngọn núi cao, để nhìn về hướng Tây - hướng Mặt trời lặn - hướng của quê hương. Không biết khi người dân tìm đến, họ còn sống không. Về sau, để ghi nhớ bảy người này, người dân đã dựng 7 tượng Moai nhìn về phía Mặt trời lặn.


Các tượng có kích thước xấp xỉ nhau, cao khoảng 5m và nặng khoảng 18 tấn, dựng trên một bệ đá rất rộng




Ở trên là truyền thuyết. Xưa kia, phía trước mặt của các tượng có một ngôi làng. Thông thường các tượng Moai được dựng lên đều được coi là để bảo vệ người dân trước mana - các thế lực đen tối của tự nhiên.

Khu vực này là của chi tộc Miru, và họ đã dựng các tượng này bảo hộ cho khu làng.





Road


Rời Ahu Akivi, xe chúng tôi chạy theo con đường xuyên chính giữa đảo.


Khắp đảo hầu như chỉ còn những đám cỏ thấp, với ít cây bụi. Nhưng chính giữa đảo còn lại một đám rừng nhỏ. Gọi là rừng cho vui, vì nơi đó cây vẫn còn cao lớn lâu năm và che bóng.


Từ hàng trăm năm trước, khi tạo tác và di chuyển các pho tượng Moai, có thể rất nhiều cây đã bị đốn hạ. Ngày nay ngoài vùng quanh thị trấn, chỉ còn đám cây này là to. Còn lại bao phủ bề mặt đảo hầu như là cây cỏ, cây bụi. Nhìn xa rộng mênh mông vì thế...



Một ngã ba hiếm hoi giữa đảo, nơi con đường tỏa làm hai hướng: bên trái đi ra bãi biển và kết thúc, bên phải vòng theo bờ đông và nam của đảo.





Anakena beach


Bãi biển Anakena là một trong hai nơi có bãi cát ở đảo Phục sinh, và được coi là điểm có cảnh đẹp nhất ở đảo. Bãi cát phẳng lặng đứng cạnh quả đồi xanh, lại có mấy tượng Moai được dựng ở đó là Ahu Naunau và Ahu Ature.


Hầu hết các phía của đảo đều là bờ đá, chỉ chỗ này có bãi cát, có thể neo đậu tàu thuyền. Do đó xưa kia nhiều khả năng người dân nơi xa đến đã cập thuyền vào đây. Theo truyền thuyết thì các con thuyền của thủ lĩnh Hoto Matu đã cập vào bờ nơi này, và xây dựng đây là nơi định cư đầu tiên. Do đó nơi đây được coi là điểm khởi đầu của văn hóa Rapa Nui.


Cũng tại đây họ đã dựng hai cụm tượng Moai. Một tượng đứng đơn độc trên lưng đồi, và bảy tượng nằm ở dưới chân đồi.


Bảy tượng chân đồi (Ahu Naunau) là cụm tượng được đội mũ nhiều nhất, và còn được bảo tồn tốt nhất (cũng là dựng lại sau hàng trăm năm bị kéo đổ).



Đi xuyên qua một vườn dừa, có thể thấy cụm tượng Ahu Naunau lấp ló




Bãi biển Anakena, với Ahu Naunau và Ahu Ature bên phải



Ahu Nau nau


Bảy pho tượng Ahu Nau nau còn 4 pho có mũ đá trên đầu. Người ta từng tìm được một số mảnh mắt màu trắng rơi ở quanh tượng.



Ahu Ature đứng cao hơn. Tất cả đều quay lưng ra biển



Biển xanh và bãi cát thoải. Chỉ có nước hơi lạnh nên chúng tôi tắm được một lúc là lên bờ



Anakena beach


Chúng tôi còn quay lại đây một lần nữa cơ



Một anh chàng nhặt đá ném dừa. Thật sự kinh ngạc khi cây dừa cao thế mà anh ta ném rơi được hai quả, chắc là ném quen rồi



Te Pito Kura


Rời bãi biển, chúng tôi đi dọc bờ biển phía Đông của đảo, đến với Te Pito Kura.


Nơi đây có pho tượng Moai cuối cùng đã từng được dựng lên bên bờ biển, cũng là pho tượng lớn nhất được vận chuyển và dựng đứng (rồi lại bị kéo đổ). Pho tượng cao hơn 10m và nặng hàng chục tấn.


Cái mũ đá của nó lăn xuống ngay nơi nó đổ xuống. Pho tượng quá to nặng nên khi đổ xuống đã vỡ làm hai, do đó không thể dựng nó đứng lên được nữa.





The Belly Button stone


Ngay gần bên cạnh pho tượng Moai khổng lồ là một địa điểm thú vị.


Đó là một vòng đá thấp vây quanh năm hòn đá. Hòn ở giữa nhẵn lỳ và tròn trịa hoàn hảo. Xung quanh có bốn hòn khác không được tròn lắm. Người ta đã phát hiện hòn đá ở giữa có từ tính. Không nơi nào trên đảo lại có hòn đá được đẽo gọt tròn trịa như vậy, và hòn đá này không cùng chất đá với các tảng đá khác.


Có giả thuyết cho rằng hòn đá ở giữa là một thiên thạch, rơi xuống biển gần đây, và được sóng biển bào mòn nên mới tròn nhẵn đến vậy. Người Rapa Nui đã phát hiện ra nó, đem lên bờ và coi đó là một tảng đá thiêng. Ai chạm được vào nó sẽ có may mắn, và thế là tất cả cùng chạm vào xem sao.




Nhìn lại pho tượng Moai cuối cùng



Chiều xuống, chúng tôi đi về cực Tây của đảo, nơi có cái miệng của ngọn núi lửa đã tắt Rano Kau





Rano Kau


Rano Kau là tên của ngọn núi lửa đã tắt, và cái miệng tròn của nó đã bị ngập đất.


Dươí đáy của nó là một đầm lầy xâm xấp nước. Cái miệng hố này cũng rất rộng. Nếu ngày xưa nó hoạt động thì chắc các phun trào cũng khủng khiếp lắm. Chẳng thế mà từ đáy biển sâu nó tạo nên cả một hòn đảo.





Orongo


Nơi miệng núi lửa tiếp giáp với biển là một nơi thiêng liêng với những thổ dân Rapa Nui. Đây là nơi họ tổ chức các nghi lễ thờ cúng và thi tài.

Nơi đây có một ngôi làng tên là Orongo.


Trên vách núi có những tảng đá được chạm khắc





The Birdman Cult


Người Rapa Nui có một cuộc so tài giữa các chàng trai rất độc đáo.


Hàng năm, trong lễ hội tại Orongo, các chàng trai sẽ trèo xuống vách núi, bơi từ đảo chính sang một hòn đảo rất nhỏ gần bờ, và phải lấy được một quả trứng của chim nhạn biển trên đó. Ai lấy được quả trứng, bơi trở lại bờ, trèo lên vách đá để lên đến Orongo với quả trứng nguyên vẹn đầu tiên là người thắng cuộc, và được gọi là Tangata manu, nghĩa là Người chim. Và chàng trai đó sẽ được mang danh hiệu đó trong một năm, được mọi người tôn kính, như là hiện thân của các vị thần bảo hộ.


Vách đá tại Orongo cao đến 250m, khoảng biển giữa Orongo và hòn đảo nhỏ Moto Nui - nơi có trứng nhạn - rất sâu và có cá mập, do đó đây là một cuộc đua nguy hiểm. Nhiều chàng trai đã chết khi bơi qua biển, hoặc rơi xuống vách đá.


Từ Orongo nhìn ra hòn đảo nhỏ Moto Nui, gần hơn có mỏm đá Moto Ity.



Orongo


Ở ven bờ đá có một số ngôi "nhà đá" được xếp bằng hàng nghìn viên đá, với một cái cửa rất bé và tối om.


Nơi đây được cho là khu mộ của cư dân. Xung quanh hoang vắng trong chiều buồn thê thảm




Hoàng hôn thì tuyệt đẹp, tha hồ tác nghiệp




Guava


Chiều hôm đó trên đường đi chúng tôi băng qua mấy khu đất có rất nhiều ổi. Ổi mọc hai bên đường cả dãy. Thế là tay năm tay mười tôi nhảy vào hái đầy một áo ổi. Tối đó tha hồ ăn cho cứng bụng lại :D


Bữa tối với cơm tự nấu tại bếp của nhà chủ.



Morning


Một buổi sáng rất dễ chịu. Đây là những ngày bình yên thích thú nhất của cả chuyến đi, khi mỗi sáng dậy sớm đều rất thong thả, yên bình, hít thở không khí biển trong lành và đầy năng lượng.





Đi tìm soi bóng mình trên những hòn đá cạnh bờ biển





Ăn sáng thong thả, rồi chúng tôi lên xe đi dọc bờ phía nam của đảo






Akahanga


Ngang qua một tượng Moai bên bờ biển, có vẻ xung quanh không có rào chắn, chúng tôi đỗ xe lại nhảy xuống.



Thấy tượng chơ vơ, cả lũ nhảy vào chụp ảnh tưng bừng.



Đúng lúc đó ở ngoài đường, một người đàn ông chạy xe ngang qua. Thấy chúng tôi chụp sát với tượng, ông ta nhảy xuống hò hét ầm ĩ, đại khái nói chúng mày dám xâm phạm di tích, sẽ bị phạt 2000 đô la. Ông ta tìm chìa khóa xe chúng tôi, nhưng anh bạn đã cầm chìa khóa xe theo. Không làm gì được, ông ấy hò hét rất giận dữ rồi bỏ đi.


Chúng tôi sai thật, dù không có rào chắn, nhưng các tượng Moai nguyên bản đều cấm vào gần và chạm vào.


Vì thế ở đây tôi không đưa ảnh nào có người sát tượng cả.


Rano Raraku


Ngang qua mấy khu tượng Moai đổ nát, chúng tôi đến nơi các tượng Moai ra đời: Núi lửa cũ Rano Raraku





Từ đằng xa đã thấy các tượng Moai đang làm dở trên núi



Dọc đường là những bức tượng đổ nát





Và đây là những cảnh đã lên ảnh không biết bao người





Những pho tượng này có thân chìm sâu trong lòng đất, phần chìm trong lòng đất cũng cao gần tương đương phần lộ ra





Nếu được hoàn thành thì đây sẽ là pho tượng lớn nhất



Bên kia núi có một hồ nước, thực chất là miệng núi lửa cũ. Ngọn núi lửa chính là nguồn đá để các tượng Moai ra đời.


Chắc những người thợ xưa cũng đã dùng nguồn nước này trong thời gian chế tác hàng trăm năm của họ.




Rời xưởng chế tác lớn này, chúng tôi đi sang khu tượng nguyên vẹn nhất






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét