Link gốc: Một tháng ở Nam Mỹ
Từ trang 20
Bolivia - Peru
Chào mừng đến với Perú úúúúúúúúúúúúúúú !!!
Cái biểu tượng Peru với chữ P xoáy tít kia gặp ở khắp đất nước này
Nhìn lại Bolivia bên kia biên giới
Peru
Ngày thứ 15 của hành trình, chúng tôi đã sang đất Peru.
Peru đón chào với khung cảnh bình yên
Nhưng lại cũng rộn ràng cùa một đám hội làng, hay là đám vui gì đó không biết nữa. Có cả sân khấu ca nhạc nha
Puno
Xe dừng lại tại Puno, môt thành phố đông đúc bên bờ hồ Titicaca. Cũng phải lóc cóc khá lâu chúng tôi mới đến được nhà nghỉ đã đặt trước. Chỗ này trong ngõ hơi tối tăm, lại đúng lúc cơn mưa nên nước lênh láng khắp ngõ.
Nhà không được sạch lắm, có bếp, là nơi buổi tối chúng tôi sẽ phải làm bữa đánh chén.
Thế là tong tả ra chợ ở cách đó không xa. Trên đường ra chợ thấy cả cửa hàng điện thoại di động, có cả lịch của Viettel ở đó, vì Viettel đang liên kết và làm ăn ở đây.
Chợ Puno, rau củ thịt thà đủ cả.
Trước lối vào chợ là bàn thờ Chúa màu sắc rực rỡ và nến cháy ngày đêm
Tối đó chúng tôi đánh vật với cái bếp, vì thiếu đồ dùng, thiếu nồi, bát đĩa. Nhưng dù sao cũng được một bữa ăn ngon lành với hương vị quen thuộc. Trời vẫn mưa nên ăn xong chẳng còn biết làm gì ngoài tắm rửa rồi đi ngủ sớm. Mấy cái khóa cửa phòng ở đây rất khó mở, làm mọi người đánh vật mãi...
Giấc ngủ đến ngon lành, ngày mai sẽ đi thăm hồ Titicaca...
Titicaca lake
Ngày thứ 16
Sáng chưa đến 7h xe đã gom để ra bến tàu. Chúng tôi đặt trước một tour đi hồ Titicaca trong ngày hôm nay. Trong đoàn đi có một số sinh viên từ Nhật, một số người Âu, và Nam Mỹ. HDV người Quechua hướng dẫn cách nói một số câu bản ngữ, nhưng tôi vốn rất dốt ngoại ngữ nên mù tịt không theo được.
Thuyền rời bến Puno, rẽ sóng đi ra hồ, để đến thăm một trong những điều thú vị nhất: các đảo nổi Uros.
Uros là các đảo nổi bồng bềnh được tết bằng cây sậy của hồ Titicaca. Người Quechua từ hàng trăm năm trước đã biết bứt các cây sậy tươi, để nó khô rồi xếp chồng lên nhau tạo thành những bè lớn, dày khoảng 2m, kích thước mỗi chiều hàng chục mét. Các bè như vậy chịu được sóng của hồ, và có thể trôi nổi. Họ thường cắm những cây gỗ ở chỗ nước nông và neo bè lại. Trên bè họ dựng lều cũng bằng sậy, sinh hoạt ngay tại đó.
Hiện nay trên hồ có khoảng hơn 50 đảo, trong đó chỉ có một số dành cho du lịch, còn lại cắm sào ở khu vực khác, không tiếp đón du khách.
Mỗi thuyền du lịch thường cộng tác với một vài đảo nổi quen thuộc, đưa khách đến đó. Có những đảo lớn cho khách nghỉ lại qua đêm, dạng homestay. Các đảo nhỏ chỉ đến thăm rồi về.
Rời Puno trong buổi sáng mù mưa
Bè sậy đơn sơ
Còn đằng kia là cả một quần thể bè nổi làm du lịch: quạt gió tạo điện, mái tôn, bể nước...
Uros
Hai bè nổi trên mặt hồ
Neo vào cây cọc cắm xuốngd đáy hồ
Trên bè, những cây sậy vẫn đang sinh trưởng
Một cái chòi quan sát tạo hình con chim rất hay
Thuyền chúng tôi ghé vào đảo này tham quan. Trên đảo có cả tấm năng lượng mặt trời.
Mỗi đảo nổi - bè sậy nhỏ thường là một gia đình sinh sống, có vài túp lều và các vận dụng thiết yếu. Ngày nay thì không thể thiếu chỗ ngồi cho du khách và chỗ bán đồ lưu niệm.
Bà chủ nhà giới thiệu thao thao bất tuyệt bằng tiếng TBN, và HDV dịch ra tiếng Anh. Bà nói về cách làm các bè sậy, chế tác các con thuyền, hình đầu thú ở mỗi đầu thuyền, cách bắn súng săn chim, bắt cả, làm bếp, nấu nướng....
Taquile island
Tuy không lên được đảo Mặt trời, Mặt trăng, nhưng chúng tôi dành thời gian ghé thăm đảo Taquile nằm ở giữa hồ Titicaca.
Hòn đảo nhỏ nhưng trên đó có đầy đủ các đặc trưng của người Quechua: nông nghiệp, chăn nuôi, nghề dệt, thủ công nghiệp. Chúng tôi đã có một buổi đi bộ trong cái nắng trên độ cao 4000m, băng ngang qua đảo từ bến thuyền đầu này sang đầu kia.
Đảo Taquile từ đằng xa
Cập bến và đi bộ dọc theo con đường lát đá trên đảo
Những cánh cổng đá ở đây được làm rất khéo, chỉ là một vòm đá mỏng, điểm hình những đầu người Quechua đội mũ
Đường đá đi men qua cá sườn đồi trồng cây, được ngăn bởi các bờ rào đá, đôi lúc khiến tôi nhớ đến Hà Giang...
Thỉnh thoảng có một đàn cừu được thả bên đường, có người ngồi trông. Chỉ không thích là khi giơ máy chụp ảnh thì họ lại giơ tay xin tiền, cảm giác bị thương mại quá mức
Sau một hồi lang thang thì chúng tôi đến quảng trường ở giữa đảo. Nơi đây có một nhà thờ và một số tòa nhà công cộng. Đây là nơi diễn ra các lễ hội của đảo, nơi bán hàng, và là nơi du khách nghỉ ngơi.
Từ đây nhìn xuống mặt hồ xanh ngắt bên dưới và bờ hồ bên kia, cũng thuộc Peru.
Lối vào quảng trường
Quảng trường với hai cổng vòm bằng đá:
Có một cái cột đánh dấu khoảng cách đến những nơi nổi tiếng khác trên thế giới và hướng đến đó. Cái kiểu này nhiều nơi có rồi. Hồi trước tôi cũng làm cho cái quán cafe một cái cột thế này.
Taquile island
Trưa, chúng tôi ghé một nhà hàng dành cho du khách, do nhà tour dẫn đến. Tiền ăn không nằm trong tiền tour, và mỗi người tự chọn một trong số 3 lựa chọn ở đây.
Trong lúc đó có một chàng trai Quechua biểu diễn các nhạc cụ truyền thống ở đây và hát mấy bài hát dân ca. Mọi người vui vẻ nghỉ ngơi, vì trời cũng khá nắng và nóng.
Từ căn nhà nơi ngồi ăn nhìn xuống làng, cảnh bình yên dễ chịu
Chiếc vòi nước cũng có một anh Quechua đứng gác thế này
Titicaca lake
Chiều về trên hồ Titicaca, và con thuyền đưa chúng tôi quay lại Puno, lần cuối bồng bềnh trên mặt hồ huyền thoại.
Những lớp sóng do tàu tạo ra rẽ sang hai bên, lan mãi ra xa. Có lúc vượt qua những con thuyền nhỏ của người dân, khiến nó tròng trành. Những lớp lau dập dờn lùi lại, hồ dần lùi lại cho thành phố hiện ra rõ hơn, xấu xí hơn...
Những con thuyền và đảo sậy lùi lại phía sau, thuyền quay về bến, bên bờ có một sinh hoạt cộng đồng gì đó có vẻ rất vui vẻ, mua bán, trò chuyện, tươi cười... và một lũ trẻ chơi bóng nhảy cẫng lên chào chúng tôi. Những hình ảnh cuối về hồ Titicaca trong tôi là vậy
Puno lake light
Bên bờ là ngọn hải đăng duy nhất mà chúng tôi nhìn thấy. Ờ mà phải gọi đó là "hồ đăng" chứ nhỉ. Ở đây có phải biển đâu.
Cây "hồ đăng" cũng là một điểm nhấn của thành phố Puno, vì đây là thành phố lớn nhất ven hồ, cũng là thủ phủ của vùng Puno rộng lớn của đất nước Peru.
Puno
Buổi tối cuối ở Puno, chúng tôi lang thang trong thành phố, sau khi ghé một quán Tàu ăn cơm rang (thừa quá nửa).
Thành phố thuộc địa của Tây Ban Nha nên có những tượng đài, và các quảng trường phía trước các nhà thờ. Cảm giác lang thang tại một thành phố xa lạ, những người với ngôn ngữ khác, văn hóa khác, càng làm mình thấy hiểu hơn giá trị cuộc sống này. Hãy cứ sống đi, mỗi ngày đều là ngày mới. Đừng so sánh so kè gì nhiều. Người ta vẫn hạnh phúc theo mỗi cách riêng, đâu cần phải nghe người khác đánh giá mới thấy vui?
Puno at evening
Con phố đi bộ của Puno vắng vẻ trong một buổi tối mùa đông ở độ cao 4000m này.
Chúng tôi dạo một lúc, mua một vài đồ lưu niệm nhỏ nhỏ, có người mua được khăn len dệt từ lông llama. Tôi cũng mua một món đồ lưu niệm ở đây.
Juliaca
Ngày thứ 17
Sáng dậy sớm pack đồ, ăn sáng đồ còn từ tối hôm trước. Chúng tôi ra taxi đi Juliaca, một thành phố nhỏ cách Puno một giờ đi xe. Nhưng lái xe không biết đường nên đi lòng vòng mãi mới đến nơi.
Sân bay Juliaca bé tí, còn không có màn hình chiếu các chuyến bay nữa. Chuyến bay từ Juliaca đến Cusco chỉ khoảng 1 giờ, chuyến bay ngắn của hàng không Peru không cho ăn gì ngoài hai cái kẹo !
Chỉ một tẹo là hạ cánh xuống sân bay, rồi lại đi taxi về hostel đã đặt. Đó là một ngôi nhà 3 tầng mà chủ là một người phụ nữ vui vẻ phúc hậu. Bà quản lý nhà và cùng chung với một người khác, nhưng bà ở đây là chính. Ngoài cổng luôn khóa nhưng nhấn chuông là có người mở.
Chúng tôi lấy một phòng 5 trên tầng cho nữ và một phòng 4 cho nam ở ngay tầng 1, bên cạnh quầy tiếp tân. Bà chủ nhà rất nhiệt tình chỉ dẫn: nào là nơi ăn, nơi có cửa hàng giặt, đường đi lối lại...
Lúc đến nơi cũng đã chiều, chúng tôi ra quán ăn Tàu đánh chén một bữa...
Inca history
Chúng tôi đã đi trên vùng đất của đế quốc Inca từ lâu rồi, từ tận Boliviar kia. Nhưng từ đây trở đi, hành trình mới gắn với dấu tích Inca rõ nét. Vì thế để hiểu hơn về hành trình, có lẽ cũng nên nói sơ lược về lịch sử của nền văn minh này.
Từ rất lâu rồi trên vùng đất Nam Mỹ, dọc dãy Andes đã có nhiều bộ tộc sinh sống, và có lúc thành lập được những vương quốc có khả năng tập trung dân cư cao, tạo tác các công trình lớn, như Tiwanaku, Pumapunku mà chúng tôi đã từng đến thăm.
Tuy nhiên đến thế kỷ 15 thì một thể chế mới lớn mạnh hơn tất cả, bao trùm toàn bộ vùng dãy Andes và để lại vô số thành quả trong xây dựng, khoa học, y tế, chế tác, thiên văn, toán học,...., chỉ trừ chữ viết: nền văn minh của đế chế Inca.
Trong số rất nhiều ngôn ngữ của các bộ tộc ở vùng Andes, ngôn ngữ Quechua phổ biến hơn cả, và nhiều bộ tộc sử dụng nó như ngôn ngữ chính thức, Quechua là cách gọi chung của những người cùng nói thứ ngôn ngữ này. Như vậy những "người Quechua" không nhất thiết cùng dân tộc, nhưng có chung ngôn ngữ, và có trước Inca rất lâu.
Trong tiếng Quechua, Inca có nghĩa là "thủ lĩnh", "vua" thực tế không dùng để chỉ đế quốc nói chung, mà chỉ là nhóm người thống trị, tức là bộ tộc của vị vua mà thôi. Nhưng người TBN khi xâm chiếm Nam Mỹ đã dùng từ này để chỉ cả đế quốc, và dần trở thành chính thống.
Người Quechua, Inca không có chữ viết, nên những gì người TBN dùng gọi họ, trở thành chính thống như thế đó.
Sapa Inca
Nền văn minh quanh dãy Andes được coi là nền văn minh thuần khiết, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nền văn minh nào khác, có lẽ bởi sự biệt lập về địa lý của vùng này.
Từ thế kỷ 12, 13, có một bộ tộc định cư tại thung lũng mà sau này mang tên Cusco, và phát triển lên thành một lãnh địa với khoảng hơn 10 nghìn dân. Vào khoảng năm 1438, thủ lĩnh của bộ tộc vùng Cusco nổi lên lãnh đạo quân đội chiếm lĩnh các vùng đất xung quanh, và nhanh chóng thống trị cả một vùng đất rộng lớn. Vị thủ lĩnh đó tên là Pachacuti, và được gọi là Sapa Inca (sapa = tối cao, Inca = thủ lĩnh). Pachacuti được cọi là vị Vua chính thức đầu tiên của đế chế. Bộ tộc vùng Cusco của ông được người dân tôn trọng gọi là Inca.
Trong thời kỳ bành trướng mở rộng, từ vùng Cusco, đế chế lan nhanh ra khắp dãy Andes, và vào thời kỳ đỉnh cao có đến hơn 10 triệu dân.
Các vị Sapa Inca - nắm quyền thực tế - lần lượt là:
1. Pachacuti (1438 - 1471): vua lập quốc, xây dựng Cusco và Machupichu
2. Túpac Inca Yupanqui (1471 - 1493): xây dựng Choquequirao
3. Huayna Cápac (1493 - 1525)
4. Huascár : (1525 - 1532) con cả của Huaya Cápac, làm vua ở Cusco, bị em trai giết
5. Tópa Huallpa: (1525 - 1533) con thứ của Huaya Cápac, chiếm ngôi của anh, bị người TBN giết
Sau đó người TBN thống trị, nhưng một hậu duệ Inca trốn đi và cố giữ một thời gian nữa
6. Tópa Huallpa (1533) xây dựng Vilcabamba
Sau đó người TBN lập lên 4 vị Sapa Inca bù nhìn để dễ cai trị, từ 1533 đến 1572 thì chấm dứt.
Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các vị vua chúa trên đời, muốn được thể hiện rằng mình chính thống, và có dòng dõi từ thần thánh, các vị Sapa Inca tạo dựng lên một huyền thoại về dòng dõi của mình, coi mình là thần thánh.
Theo huyền thoại đó thì vị Sapa Inca đầu tiên là Manco Cápac, là con trai Thần Mặt trời Inti.
Và như thế dòng dõi của các Sapa Inca là:
00. Viracocha: Thần Sáng tạo thế giới: tạo ra Mặt trời - Mặt trăng
0. Inti: Thần Mặt trời
1. Manco Cápac : con trai thần Mặt trời, lấy Mama Ocllo là con gái thần Mặt trăng
2. Sinchi Roca
3. Lloque Yunpanqui
4. Mayta Cápac
5. Cápac Yupanqui
6. Inca Roca
7. Yahuár Huacác
8. Viracocha (1410 - 1438)
9. Pachacuti
10. Túpac Inca
11. Huayna Cápac
12. Huascár
13. Atahualpa
Như vậy 7 vị vua đầu là huyền thoại, vị thứ 8 là cha của Pachacuti, là thủ lĩnh bộ tộc thực sự, được con trai - sau khi trở thành Sapa Inca - tôn phong lên, với tên gọi giống như Thần sáng tạo. Có lẽ đây là một cách để tôn vinh mình giống như thần Mặt trời vậy.
Như vậy người Inca tôn sùng Các vị thần, và coi Manco Cápac là vị vua đầu tiên trong huyền thoại. Còn vua thực tế đầu tiên là Pachacuti.
Lịch sử thực sự của đế chế Inca chỉ có khoảng 100 năm, từ 1438 đến 1533, nhưng lịch sử tiền Inca được lấy về từ thế kỷ 12.
Inca history
Từ vị vua đầu tiên đến vị vua cuối, đế chế Inca không ngừng được mở rộng thêm.
Tên trong tiếng Quechua của đế quốc này là Tawantinsuyu, nghĩa Bốn vùng đất, là bốn vùng lãnh thổ mà mà các Sapa Inca chiếm được. Bốn vùng này có góc chung duy nhất chính là thành phố Cusco - thủ đô của đế chế, cũng là nơi phát tích của đế chế.
Những người từ bộ tộc vùng Cusco đầu tiên của Sapa Inca được gọi là người Inca để phân biệt với người khác trong cùng đế quốc nhưng không cùng bộ tộc với vua. Tuy nhiên sau này chữ Inca được người TBN dùng chung cho cả đế quốc.
Trên bản đồ, điểm chụm của 4 màu (4 vùng đất) chính là thủ đô Cusco - cái rốn của thế giới.
Trên khắp đế quốc, một hệ thống đường sá được phát triển mạnh, nhưng chỉ là đường núi và do người chạy bộ, không dùng bánh xe, không dùng xe, và cũng không cưỡi súc vật để di chuyển.
Để thêm chi tiết, có thể đọc thêm các topic này:
Đi tìm đế chế đã mất - trang 11: https://www.phuot.vn/threads/326837/page11
Classic Inca Trail to Machu Picchu – Hành Trình Theo Chân Người Inca Xưa: https://www.phuot.vn/threads/342887
Cusco
Cusco là thành phố cổ nhất của Nam Mỹ, nằm ở độ cao 3400m. Một số nguồn nói rằng nơi này đã có người định cư từ 3000 năm trước, khảo cổ cho thấy các dấu tích định cư khoảng những năm 800.
Đến thể kỷ 12 - tương ứng với thời gian của vị vua huyền thoại Manco Cápac - thì Cusco trở thành một thành phố trung tâm của bộ tộc người sống quanh đó.
Cái tên Cusco nhiều cách giải thích. Có cách cho rằng đó là từ "Qosqo" trong tiếng Quechua nghĩa là cái Rốn, vì đây được coi là rốn của thế giới. Cũng có thuyết cho đó là từ "qusqu wanka" nghĩa là tảng đá của con cú, vì theo huyền thoại thì một vị á thần con của Mặt trời đã hóa thành con cú bay từ hồ Titicaca đến đây và hóa đá, dẫn đường cho Manco Cápac xây dựng thành phố.
Như vậy từ thế kỷ 12, Cusco đã là một khu dân cư tập trung. Và đến thời kỳ đế quốc Inca hình thành, Cusco là thủ đô của đế quốc, là trung tâm thế giới của người Inca, là nơi bốn vùng đất cùng tụ về. Cusco được cho là có hình con báo, con vật thần thánh. Ngôi đền thờ ở Cusco là quan trọng nhất, và cung điện các vị vua Inca cũng được xây dựng tại đây.
Trong 100 năm của đế chế Inca, Cusco là thành phố rất giàu có với rất nhiều vàng được sử dụng để trang trí trong các đền đài, cung điện. Sau sự kiện vua Atahualpa bị người TBN bắt và đòi chuộc bằng một căn phòng lớn đổ đầy đồ chế tác bằng vàng (ngập vàng cho đến bằng chiều cao mà tay của Atahualpa có thể với đến), và việc người TBN chiếm thành phố, thì vàng ở đây đã bị mang về châu Âu.
Người TBN quy hoạch lại thành phố, và xây dựng các công trình theo kiến trúc thuộc địa. Đền thờ chính bị chiếm làm nhà thờ, các tòa nhà mới xây trên nền các kiến trúc Inca. Nhiều con phố mới được quy hoạch, nhưng nhiều phố cũ vẫn được sử dụng.
Ngày nay Cusco là thủ đô lịch sử của Peru, là điểm buộc phải đến nếu muốn đến Machupichu, là thành phố di sản thế giới.
Cusco
Sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi, chúng tôi đi bộ vào trung tâm thành phố. Khu bên ngoài này cũng bình thường, chưa có gì đặc sắc.
Dọc đường có một tượng đài ông nào đó người Châu Âu....
Chúng tôi ấn tượng với cột đèn đường với biển chỉ dẫn được làm bằng sắt này: nó rất cầu kỳ và đẹp. Các cột đèn đường ở đây đều thế cả.
Và ấn tượng với cả cô cảnh sát giao thông này nữa. Đến nỗi đồng chí này phải giả vờ hỏi đường để được đứng gần chụp ảnh một cách rất tự nhiên !!
Cái cổng đá chắn ngang đường này trở thành điểm đánh dấu mốc với chúng tôi rằng sắp trở về chỗ nghỉ: chúng tôi ở đây đến 4 đêm trong hành trình, ngôi nhà thân thiện, và thành phố đặc biệt không thể nào quên.
Con đường dẫn vào trung tâm thành phố lát đá kiểu châu Âu cổ. Hai bên là các tòa nhà dựng trên móng đá từ hàng trăm năm trước. Nhìn vào trong, đây đều là các ngôi nhà cổ, nhưng được xây dựng rất chắc chắn vì nơi đây thường có động đất.
Đường dẫn đến một quảng trường nhó, cách quảng trường chính chưa đến trăm mét. Có thể thấy xa xa là triền đồi cao hơn, nơi được coi là đầu của con báo tạo nên hình dáng thành phố.
Có thể bắt gặp những khối nhà cổ ở đây còn giữ lại các dấu tích của người Inca. Ngôi nhà kia còn một khung cửa đá từ hơn 500 năm trước. Ngày xưa đó có thể là một công trình rất lớn, vì khung cửa khá cao, được ghép bởi những tảng đá xếp mạch thẳng và rất khít. Người Inca là những bậc thầy về xếp đá để chống lại động đất. Các bức tường, công trình đều có tường hơi thu vào khi lên trên, tạo độ vững chắc và khó đổ hơn.
Kiến trúc TBN vùng gần châu Phi có các ban công nhô ra ngoài khá đặc trưng.
Lại một quảng trường nhỏ nữa cạnh hai quảng trường kia
Chúng tôi đến làm việc với nhà tour đã liên lạc từ trước, về tour đi Machupichu.
Muốn đến Machupichu bắt buộc phải qua Cusco. Đây là nơi gần nhất có sân bay. Từ Cusco đi Machupichu có hai cách: phổ thông là đi bằng phương tiện giao thông đến chân núi Machu; và trekking đi đường núi và đến Machupichu từ trên núi. Nhưng dù đi theo cách nào thì cũng phải đi đến Ollantaytambo bằng đường bộ. Từ Ollantaytambo ai leo núi sẽ leo, ai không leo thì đi tàu hỏa dọc theo dòng sông. Một ngày có hai chuyến tàu lúc 8h sáng và 9h tối.
Việc di chuyển và lưu trú không đơn giản, nên chúng tôi quyết định mua tour. Với việc đi Machupichu trekking thì bắt buộc phải mua tour thì mới được cấp giấy phép. Đi cách phổ thông thì đa số cũng mua tour để có thể mua được vé tàu hỏa. Chúng tôi cũng đặt trước từ ở nhà và đến đây để xác nhận, và thanh toán tiền.
Theo kế hoạch, ngày đầu tiên chúng tôi ở Cusco, sáng ngày thứ hai đi Machupichu, ngủ đêm ở thị trấn dưới chân núi, ngày thứ ba lên Machu và trở về Cusco buổi chiều. Ngày thứ tư chơi quanh Cusco, ngày thứ năm rời đi Lima. Câu chuyện hay ho bắt đầu từ đây.
Con phố nơi nhà tour đặt văn phòng:
Từ đây nhìn ra nhà thờ lớn và cổ nhất của Cusco:
Chiếc xe chở du khách được thiêt kế giống như toa tàu điện
Việc gặp nhà tour mở đầu cho một chuỗi sự việc nho nhỏ đáng nhớ với chúng tôi.
Theo như kế hoạch đặt tour thông thường, 6h sáng hôm sau xe của nhà tour sẽ đón chúng tôi tại hostel và đưa đến trụ sở của PeruTrain, là công ty nhà nước, là đầu mối của tất cả những người đi Machupichu đường bộ. Tại đây sẽ có xe loại 50 chỗ chở đến Ollantaytampo, mất khoảng 1 giờ. Từ Ollantaytampo đón tàu hỏa lúc 8h sáng đi Machupichu.
Tuy nhiên mấy ngày này đã nảy sinh một sự kiện: đó là người dân bên đường quốc lộ từ Cusco đi Ollantaytampo biểu tình chống chính phủ, phản đối chính sách. Họ đã phong tỏa con đường bộ đến Ollantaytampo vào ban ngày, nên các xe to không thể đi được. Vì thế để tránh việc người dân chặn đường, Perutrain yêu cầu các chuyến xe từ Cusco phải xuất phát từ 3 rưỡi sáng, cố gắng đến sớm hơn trước giờ dân chặn đường.
Vậy là sáng hôm sau chúng tôi phải dậy và rời hostel từ 3 giờ sáng.
Sau khi trả tiền, nhận thông tin, kiểm đồ ăn, chúng tôi lại tiếp tục lang thang trung tâm Cusco.
Plaza de Armas
Đi một chút là chúng tôi đến Quảng trường trung tâm của Cusco, nơi đẹp nhất và tập trung các công trình quan trọng nhất, cũng như đông du khách đi dạo nhất.
Xưa kia dưới thời đế chế Inca, quảng trường trung tâm gọi là Haukaypata, nơi cung vua Inca xây xung quanh. Người TBN khi xâm chiếm đã quy hoạch lại. Người TBN đã xây dựng tòa nhà thờ đầu tiên trên vị trí của cung vua Viracocha (cha của Pachacuti) - nhà thờ Triunfo (Iglesia del Triunfo) năm 1539, tức là 6 năm sau khi chiếm được thành phố. Sau này nhà thờ Chính tòa được dựng bên cạnh nhà thờ đầu tiên đó.
Lúc chúng tôi đến nơi trời sắp mưa
Bên trái là nhà thờ Chính tòa - Vương cung thánh đường Đức Mẹ thăng thiên, và bên phải là nhà thờ Cộng đoàn Chúa (Iglesia de la Compañía de Jesús)
Do đã chiều nên chúng tôi chỉ đi dạo trung tâm ngắm cảnh. Lúc này tự do mỗi người một nơi. Hẹn tối quay về hostel và đi ăn tối ở quán.
Cusco
Buổi tối lại lang thang ở quảng trường chính. Quanh quảng trường có nhiều quán cafe, quán ăn đẹp.
Giữa quảng trường là đài phun nước với bức tượng Pachacuti - vị vua lập quốc của đế chế Inca - đứng hiên ngang. Đằng sau là bóng của tòa nhà thờ châu Âu lừng lững...
Không gian rất bình yên, không ồn ào, trời lành lạnh, dễ chịu lắm.
Chúng tôi về đi ngủ sớm để mai còn dậy sớm. Chuẩn bị các đồ mang theo cho 2 ngày...
Accident !
Đêm đó chúng tôi ngủ sớm để dậy sớm, từ 2h30 sáng đã dậy đánh răng rửa mặt rồi.
Machupichu là đích đến quan trọng bậc nhất của chuyến đi này, nên không ai muốn để lỡ điều gì cả.
3h sáng, xe 12 chỗ của nhà tour đến đón chúng tôi, một anh chàng nhân viên đếm đủ số người, rồi xe chạy đến nhà trạm của Peru Train, nơi có 4-5 xe lớn loại 50 chỗ chờ sẵn để khởi hành đi Ollantaytampo. Tất cả đều là du khách quốc tế đã mua tour của các hãng nhỏ, hoặc tự liên hệ và đến đó. Chúng tôi lên một xe, theo thói quen, tôi ngồi ở gần cuối xe, và ngủ gà ngủ gật.
Xe khởi hành ngay trong đêm tối, nối đuôi nhau chạy khá nhanh. Chỉ một chốc sau là tôi ngủ thiếp đi, cũng như hầu hết mọi người trên xe.
Khoảng 4h rưỡi, tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng ồn ào trên xe. Tất cả mọi người đều đã thức dậy, còn xe đã dừng từ lúc nào. Tôi ngủ say quá nên không biết lúc xe dừng, bạn đồng hành có người đã đứng cả dậy và nhìn mặt ngơ ngác. Tôi nhìn ra ngoài kính xe và hiểu ra: Hai bên đường rất đông người dân đang vung tay vung chân nói những gì đó. Ánh đèn pin của họ loang loáng, và dưới đường là những tảng đá lớn được lăn ra để chặn xe. Còn có mấy con bò rất to cũng được lôi ra để chặn xe.
Thì ra những người dân biểu tình đã quyết tâm hơn. Nếu như ngày hôm qua họ chặn xe từ lúc 5h sáng, thì hôm nay họ đã chặn sớm hơn, mà có thể là thức thâu đêm. Mới 4 rưỡi mà đã đầy người là người. Họ nhất quyết không cho một xe nào đi qua con đường đó, mà đây là đường lớn duy nhất đến Ollantaytampo, xe loại 50 chỗ không còn đường nào khác để đi.
Sau đến gần 1 giờ dừng lại và công ty đàm phán, tài xế năn nỉ đủ thứ, tình hình không sáng hơn, mà còn tệ đi khi người dân kéo ra ngày một đông hơn, và hò hét ầm ĩ hơn. Tình hình sẽ phải quay về Cusco.
Lúc này trên xe mọi người đều rất hoang mang, bối rối. Một người đàn ông cạnh tôi nói rằng ông chỉ còn đúng hôm nay và ngày mai ở Peru và đã đặt vé về Canada, nếu không đi được thì mục đích chuyến đi của ông đổ cả.
Chúng tôi cũng lo lắng. Thậm chí có một thành viên lo việc lên lịch trình còn nghĩ chuyện sẽ phải tìm điểm nào khác để thay thế. Nhưng tôi thì nói kiên quyết, nhất quyết phải đi, cách nào cũng phải đi. Dù chỉ đi trong một ngày, leo lên trong một giờ cũng phải đi. Điều may mắn là chúng tôi còn 3 ngày, nên nếu bị dừng lại 1 ngày thì vẫn đủ thời gian.
Thế rồi các chuyến xe chở du khách lần lượt quay lại Cusco trong tâm trạng nặng trĩu của hành khách. Trao đổi râm ran nhưng xem ra không có kế hoạch nào khả thi.
Xe quay lại Cusco, chúng tôi thấy rõ tinh thần trách nhiệm của nhân viên công ty Peru Train, khi họ khuân hết tất cả các ghế băng bên trong tòa nhà ra ngoài cho khách ngồi. Có những người công ty tour biết tin đã đưa xe đến đón, có người lần lượt tản đi, nhưng còn rất nhiều người ở đó bàn tán và bực bội.
Nhân viên công ty lại là người đi giải thích rất tận tình, và đặc biệt họ còn gặp từng nhóm khách hỏi xem có giúp gì được không, có ai cần điện thoại để gọi đi đâu không.
Chúng tôi nhờ nhân viên Peru Train gọi điện cho nhà tour, gọi mãi không được. Mãi sau mới có anh chàng nhân viên lúc sáng trả lời, nói là giám đốc đang vắng, không có đó giải quyết. Chúng tôi bực bội nói ầm lên là anh phải đưa xe đến đón chúng tôi, để có câu trả lời rõ ràng hỗ trợ thế nào chứ !!!
Trong khi những người khác dần tản vê, thì chúng tôi vẫn "bơ vơ" ở trạm xe. Chờ rất lâu không thấy nhà tour đâu. Nhân viên nhà xe cũng gọi giúp dễ đến gần chục cuộc điện thoại.
Cuối cùng, lúc gần 9h sáng thì chiếc xe 12 chỗ của nhà tour với anh chàng kia cũng chạy đến. Anh ta phân bua là tình huống bất khả kháng, chúng tao cũng không thể làm gì khác được, giám đốc cũng đang bận này nọ, tao sẽ đưa bọn mày về hostel rồi tính phương án khác.
Lúc đó chúng tôi đã bàn nhau và quyết là phải làm tới cùng. Chúng tôi được biết nhà tàu Peru Train đã thông báo cho tất cả các nhà tour từ cả tuần là các tour đi Machupichu có thể bị đóng, nên các nhà tour phải cảnh báo khách. Thế nhưng chúng tôi không nhận được cảnh báo gì cả, thậm chí hôm qua nhà tour vẫn còn nói chắc chắn đi được, đã đặt khách sạn cho chúng tôi và mua vé Machupichu cho tất cả rồi.
Với lý do không được báo trước, chúng tôi nói sẽ quay lại trụ sở công ty tour chứ không về hostel, quyết tâm yêu cầu giám đốc giải quyết. Anh chàng kia thì khổ sở nói là giám đốc không có ở đó, chúng tôi hỏi bao giờ về, anh ta nói không biết. Chúng tôi bảo kiểu gì cũng về công ty, chờ bằng được thì thôi, cuối cùng anh ta phải đồng ý.
Vì công ty tour là nơi cuối cùng chúng tôi có thể bám lấy để đi Machupichu lúc này, các phương án khác đã tính nát rồi không được, nên phải làm găng.
Cũng vì chuyện làm căng hay là ôn hòa, mà có mâu thuẫn trong nhóm, đó là chuyện riêng.
Còn lúc này, chúng tôi lên xe quay về nhà tour....
Accident !
Anh chàng nhân viên thì nói là giờ cũng có thể còn phương án khác là chúng tôi thuê riêng xe khác đi vòng đường núi, có thể đến Ollantaytampo, nhưng mỗi người sẽ phải mất thêm 50usd.
Thế là cả đám ầm ầm lên là không được, không chấp nhận phương án đó, nếu có đi thì nhà tour phải trả tiền xe đó, còn chúng tôi đã trả đủ tiền tour từ Cusco và về lại Cusco, hợp đồng rõ ràng... Cứ thế hai bên găng nhau.
Quay lại nhà tour, cả đám chiếm hết mấy cái ghế, và ngồi chờ giám đốc. Có người thì đoán giám đốc đang trốn đâu đó, hi vọng chúng tôi không làm căng và có thể giải quyết bằng cách xoa dịu hoặc thế nào đó.
Trong lúc chờ giám đốc thì bỗng ngoài phố ồn ào hết cả lên. Thì ra đoàn biểu tình kéo về Cusco đang đi diễu qua khắp các phố hô khẩu hiệu, trương biểu ngữ. Nhân viên nhà tour bảo chúng tôi vào trong, đóng cửa lại vì lo họ có thể gây khó gì đó.
Chờ đến 11 giờ thì giám đốc tour đến. Đó là một phụ nữ trẻ người châu Âu.
Chúng tôi phân định một người sẽ đàm phán chính, hai người hỗ trợ, còn mọi người khác sẽ im lặng nghe và ghi nhận. Để đảm bảo, còn quyết định ghi âm và quay lại quá trình trao đổi, để đề phòng bên tour không thực hiện đúng.
Thực ra giám đốc cũng khá là linh hoạt, hiểu biết, nên sau một hồi thảo luận cũng nghiêm trọng, cuối cùng chúng tôi đạt được thỏa thuận, có ba phương án theo mức độ ưu tiên:
1. Nhà tour bố trí xe để chúng tôi đi trong chiều tối hôm đó, thay vì đi chuyến tàu sáng 8h thì sẽ đi chuyến tàu tối 9h đến Machupichu, khách sạn đã đặt vẫn giữ nguyên, chúng tôi bị phí mất nửa ngày đáng ra chơi ở chân núi Machupichu thì nay không có. Phương án này không mất thêm chi phí nào cả, nhà tour bố trí xe.
2. Nếu chuyến xe tối vẫn không thể đến được chuyến tàu 9h tối thì phải về lại Cusco, lùi lịch trình 1 ngày, hôm sau mới lại đi. Phương án này chúng tôi phải bỏ thêm tiền khách sạn cho đêm sau, vì họ đã đặt không thể hủy. Vé tàu, vé Machu có thể dời ngày nhưng khách sạn thì không.
3. Nếu ngày hôm sau vẫn không thể đi được, thì nhà tour trả lại tiền, trừ tiền khách sạn. Chúng tôi xui xẻo không đi được, nhà tour cũng mất chi phí các chuyến xe chở chúng tôi đi về, cả hai bên cùng chia sẻ.
Chúng tôi yêu cầu giám đốc viết tay ba phương án ra giấy, và ký tên đóng dấu vào làm bằng chứng.
Đàm phán xong đã qua trưa. Xe đưa chúng tôi về hostel. Nghe kể lại mọi chuyện, bà chủ nhà vui vẻ mời vào. Nếu chiều nay đi được chúng tôi không phải trả tiền phòng đêm, nếu không thì trả thêm 1 đêm. Hostel cũng không đông khách nên không lo chuyện đó.
Vậy là có cả buổi chiều lại đi chơi, và chờ đến 6h sẽ tiếp tục hành trình.
Coricancha
Nơi đầu tiên phải đến thăm ở Cusco có lẽ là Coricancha (Qorikancha), đền thờ quan trọng nhất của đế chế Inca, trái tim tâm linh của Cusco, hoàng gia, và đế quốc.
Vị vua khai quốc Pachacuti đã xây khu đền để thờ thần Mặt trời Inti, và sau đó thờ thêm các thần Sáng tạo, thần Đất mẹ, và thần Mặt trăng. Nhưng thần Mặt trời - tổ tiên của vua Inca vẫn là đối tượng được tôn sùng nhất. Ngôi đền thực chất cũng không lớn, chỉ là bốn ngôi nhà một tầng xây bằng đá quây hình chữ nhật, trên lợp mái rơm. Các tòa nhà đá này được làm rất kỹ lưỡng bởi các tảng đá rất cứng, ghép rất khít và được mài phẳng. Xung quanh bốn ngôi nhà có một bức tường cao bao lại.
Điều ấn tượng của ngôi đền được ghi lại là nó được dát bằng vàng: tường ngoài được dát vàng trên đỉnh và mặt trong, các ngôi nhà cũng dát vàng, bàn thờ dát vàng... Tuy nhiên vàng này đã phải dỡ đi để chuộc mạng vua Inca, và sau đó người TBN cướp nốt.
Sau khi chiếm được Cusco, người TBN sử dụng đá của bức tường ngoài và một số tòa nhà để làm móng dựng lên nhà thờ thánh Domingo. May mắn là một tòa nhà - thờ thần Inti và một phần bức tường bao vẫn còn lại đến ngày nay, để người ta có thể hình dung chi tiết về công trình xưa.
Nhà thờ Santa Domingo ngày nay, trên nền ngôi đền Corichanca, có thể thấy một phần bức tường gốc ngày xưa có màu đen đậm hơn ở bên trái
Một số dấu vết hệ thống thoát nước của ngôi đền từ thời xưa
Bức tường nguyên bản ngày xưa của người Inca, những tảng đá được ghép rất chắc chắn và khít. Nên nhớ rằng khu vực này thường xuyên xảy ra động đất, nên bức tường đứng vững sau gần 600 năm thế này là không hề dễ dàng.
Những tảng đá dưới chân tường nhà thờ kia vốn là từ ngôi đền cũ
Để vào thăm nhà thờ, phải mua vé. Sau này chúng tôi mới biết rằng ở vùng Cusco có một loại vé combo, đi 10 điểm di tích nổi tiếng với giá rẻ hơn so với mua vé lẻ tại từng điểm, và đặc biệt loại vé combo này có thể được giảm 1/2 nếu có thẻ sinh viên quốc tế. Sau trong nhóm có 5 người mua được vé này, nhưng đã lỡ mua vé Corichanca và nhà thờ Chính tòa rồi.
Bên trong nhà thờ
Và ngoài hành lang
Nhưng cái mọi người quan tâm nhất nằm ở một hành lang lớn của nhà thờ: Tòa nhà của đền thờ thần Inti từ thời Inca
Gian thờ chính, có một bàn thờ nhỏ bằng đá đặt ở giữa:
Và mô phỏng thời còn chưa bị cướp phá thì gian thờ này như thế này:
Coricancha
Một gia đình bản địa đang xem mô hình của ngôi đền thuở xưa: Ngôi đền được lợp bằng rơm, quy mô không lớn lắm, có thể thấy qua kích thước các tòa nhà nguyên bản.
Những ô cửa được làm chính xác thẳng hàng nhau, nên có thể nhìn xuyên qua toàn bộ dãy nhà.
Một khung cửa còn lại, nhìn sang nhà thờ dựng sau này
Người Inca thờ các vị thần của họ tại những nơi thuận tiện: có thể là một ngôi nhà, ngôi đền, một quảng trường, hoặc đơn giản là một tảng đá lớn, một nguồn nước, một vách núi thẳng. Mỗi nơi thờ cúng như vậy gọi là waka. Trong thành phố Cusco có 16 waka như vậy.
Theo quan niệm của người Inca, tất cả các waka đều nằm trên những đường thẳng vô hình đồng quy tại Coricancha, gọi là seqe. Từ Coricancha tỏa đi các seqe. Người TBN khi chiếm được đế quốc đã liệt kê 328 waka, nằm trên 41 seqe. Mỗi seqe có từ 3 đến 15 waka.
Một số nhà khoa học cho rằng hệ thống seqe và waka chính là quan sát thiên văn của người Inca, mỗi waka là một điểm quan sat, và số waka gần bằng số ngày trong năm.
Đế quốc bao gồm 4 vùng. Có ba vùng có 9 đường seqe, và vùng Kuntisuyu có 14 đường seqe.
Bức tranh treo trên tường nhà thờ mô tả bốn vùng:
- Màu cam là Chinchaysuyu
- Màu vàng là Antisuyu
- Màu lục là Qollansuyu
- Màu đỏ là Kuntisuyu
Milky Way
Nhìn lên bầu trời đêm, dòng Ngân hàng lấp lánh vắt ngang, người Inca tưởng tượng ra các hình ảnh khác nhau.
Đám tối giữa Ngân hà được tưởng tượng từ trái qua phải gồm: một người chăn gia súc, một con cáo, một con llama con, con llama mẹ, một con gà, một con ếch, và một con rắn nước.
Phần còn lại của bức tường đền thờ xưa
Sau nhiều lần bị động đất ảnh hưởng, các tảng đá không còn hoàn toàn khít như xưa
Nhưng vẫn còn rất chắc chắn
Cusco
Bên ngoài nhà thờ có mấy người phụ nữ mặt đồ truyền thống ngồi bên con llama được trang trí rất đẹp. Họ ngồi đó cho du khách chụp ảnh cùng lấy tiền.
Chúng tôi lại đến quảng trường trung tâm, nơi nhìn lên phía quả đồi - đầu của con báo.
Cathedral of Cusco
Nhà thờ chính tòa Cusco - Nhà thờ Đức mẹ đồng trinh Thăng thiên là công trình Kito giáo lớn nhất ở đây, được dựng ở quảng trường trung tâm. Trước kia ở đây có tòa cung điện của vua Inca, sau đó người TBN xây một nhà thờ nhỏ trên đó, tiếp đó lại xây nhà thờ lớn hơn bên cạnh.
Tòa nhà thờ dựng từ năm 1559, đến năm 1654 mới xong, tức là gần 100 năm. Hầu hết các tảng đá để xây nhà thờ được lấy từ pháo đài - và là đàn tế Saqsaywaman ở ngọn đồi phía trên thành phố. Người TBN đã lấy những tảng đá thiêng liêng nhất của đàn tế để xây nhà thờ. Tuy nhiên vì Saqsaywaman quá vĩ đại nên chỉ những tảng đá nhỏ mới bị lấy đi, còn các tảng lớn hơn vẫn còn nguyên vẹn tại chỗ. Quảng trường trung tâm Cusco của người Inca được trải đầy cát, cũng mang ý nghĩa thiêng liêng đối với người Inca, nên người TBN đã cố tình xúc hết cát ở đây để trộn vữa xây nhà thờ. Như vậy thực dân TBN đã lấy những gì thiêng nhất của người Inca đem vào tòa nhà thờ này.
Bàn thờ chính của nhà thờ được làm bằng gỗ dát vàng. Rồi sau đó lại được làm một bàn thờ mới đúc bằng bạc, trở thành báu vật quý giá nhất của nhà thờ. Khắp nơi là các tác phẩm điêu khắc gỗ, tranh vẽ trang trí, đồ vàng bạc được tạo tác trong mấy trăm năm.
Vào nhà thờ phải mua vé, và không được chụp ảnh. Cũng phải xin lỗi những người trông nhà thờ, tôi đã chụp một số ảnh bên trong, nhờ đó mới có cái để giới thiệu ở đây.
Cánh hai bên của nhà thờ
Hai bên là các bàn thờ riêng, được bảo vệ bằng các cửa gỗ cao chót vót
Ở giữa có một gian là nơi các trợ tế ngồi đọc kinh hoặc hát thánh ca, dành riêng cho những tu sĩ. Những mảng chạm khắc gỗ ở đây rất đẹp.
Bàn thờ chính được đúc bằng bạc, nặng 1,25 tấn do giám mục của vùng có mỏ bạc cung tiến cách đây hơn 200 năm.
Gian giữa của nhà thờ
Trong này còn vô số báu vật, hơn 300 bức tranh quý. Nói chung đây là một kho tàng và một bảo tàng lịch sử tôn giáo.
Ngay sát nhà thờ chính là nhà thờ Triunfo, là nhà thờ đầu tiên của Cusco, được xây trên cung vua Inca xưa. Giờ hai nhà thờ thông nhau, và nhà thờ cổ hơn chỉ còn là một phần phụ của nhà thờ chính.
Bên kia lại một nhà thờ nữa
Quảng trường nhìn về phía núi
Lại lang thang ở quảng trường và khu vực xung quanh
Lang thang theo những con phố lát đá
Một ngôi nhà cổ với sân trong có đài phun nước - đặc trưng kiến trúc TBN - có ảnh hưởng của Hồi giáo
Và chúng tôi đến một con phố nổi tiếng vì những dấu tích Inca còn nguyên vẹn: Những bức tường được xếp bằng những khối đá rất lớn.
Người Inca đã đạt đến trình độ rất cao khi xây dựng bằng các khối đá lớn mà không dùng vữa: các khối đá có nhiều cạnh, thò ra thụt vào khớp với nhau tạo thành sự giằng giữ chắc chắn, chống lại được động đất. Các bức tường nghiêng vào trong càng đảm bảo độ vững bền theo thời gian. Người TBN đã tận dụng các khối tường này để xây dựng. Công trình bên trên có bị đổ, hỏng, xây lại nhiều lần, nhưng chân tường từ thời Inca vẫn nguyên vẹn.
Nổi tiếng nhất là tảng đá 12 cạnh: và được xếp giữa 11 tảng đá khác
Hai bức tường hai bên đường được xếp đá khác nhau
Sân trong một ngôi nhà bán đồ lưu niệm
Đi dần lên đồi cao, nơi có một nhà thờ nhỏ
Và nhìn xuống thành phố phía dưới
Saksaywaman
Đi lên phía đỉnh đồi, chúng tôi đến pháo đài Saksaywaman, mà về sau gọi vui là Sexy Woman.
Đây là đỉnh ngọn đồi cao phía trên thành phố, được coi là vị trí đầu của con báo. Nơi đây từ năm 900 đã có dấu tích xây dựng của những người tiền Inca, và tiếp tục được mở rộng trong suốt hàng trăm năm sau. Tuy nhiên đến khi đế quốc Inca hình thành thì nơi đây mới đựoc xây dựng lại với quy mô lớn.
Đầu tiên, do vị trí cao nhất thành phố, nơi đây là nơi thờ cúng, nơi thiêng liêng cúng tế các vị thần. Sau đó trở thành nơi thực hiện các nghi lễ của vua Inca, và để bảo vệ nơi thiêng liêng nơi đây trở thành pháo đài quân sự. Thực tế là các cuộc chiến tranh giành quyền lực đều diễn ra quanh khu vực này.
Người Inca đã khai thác đá và dựng lên những bức tường cao đến 6m, dài 400m, chia thành ba bậc vây quanh đỉnh đồi. Các tảng đá ở đây cực kỳ lớn, có tảng nặng đến 200 tấn, được ghép khít với nhau ở mức độ gần như hoàn hảo.
Sau khi người TBN chiếm được thành phố, họ đã phá hết những tảng đá nhỏ để đem về xây các công trình. Chỉ còn những bức tường được ghép bằng đá quá lớn không phá nổi là còn lại mà thôi.
Saksaywaman
Chúng tôi đến cửa khu di tích Sexy Woman lúc trời đã chiều và đang mưa, thời gian không có nhiều mà thời tiết cũng không thuận lợi. Vé vào cửa lại khá, tương đương 15$/người đắt nên ngần ngại nửa muốn nửa không.
Lúc đó có một gã giả vờ vô tình đi ngang qua và nói rằng gã có thể dẫn chúng tôi vào trong với giá bằng một nửa, tức là đi trốn vé. Thấy gã nói vậy và không đòi tiền trước, chúng tôi sau một lúc để lương tâm cắn rứt bèn đi theo.
Gã dẫn đi ra ngoài, vòng vèo một hồi rồi đi xuống một rãnh đất, trèo qua bên kia rồi trèo qua một hàng rào để vào trong, nhưng không đi vào giữa được mà vẫn đi men bên ngoài khu vực. Khu này rộng quá nên không phải phía nào cũng được rào cẩn thận. Gã đi trước, tôi đi cách một đoạn, và sau đó một đoạn là các bạn còn lại.
Tôi đang đi thì bỗng phía trước xuất hiện một nữ bảo vệ. Cô này hẳn đã biết con đường trốn vé này nên đi ra phía đó. Tôi nhìn lên thì gã dẫn đường đã biến đằng nào mất. Cô bảo vệ thổi còi và vung tay ra hiệu. Xấu hổ chết đi được, tất cả quay ngược lại đường cũ và đi ra ngoài. May mà chưa đưa đồng nào cho gã dẫn đường.
Từ xa nhìn Saksaywaman
Những tảng đá lớn là nguyên bản, những đá nhỏ hơn là mới xếp lại
Chỗ mà chúng tôi trốn vé đi vào rồi lại đi ra
Một vòng tròn đá nhìn từ xa
Hoa cỏ trên đá
Fleers
Chiều tối, theo thỏa thuận đã đặt với nhà tour, chúng tôi chuẩn bị để 6h lên xe.
Con đường từ Cusco đi Ollantaytampo bình thường xe to đi mất chưa đến một giờ, xe nhỏ đi còn nhanh hơn, nhưng chúng tôi phải đi trước 3 tiếng.
Xe 16 chỗ, trên xe ngoài chúng tôi 8 người thì còn 8 người nữa mặc đồng phục áo jacket đỏ. Đó là porter và guide cho một đoàn trekking đi Machupichu. Những du khách đó đã đến Ollantaytampo từ trước, và những nhân viên này đến đấy đêm nay để sáng mai bắt đầu. Họ đều là người Peru. Thấy trên xe có 8 người Peru đều khỏe mạnh lực lưỡng, lại hiểu biết về du lịch thế này, chúng tôi thấy yên tâm hẳn. Nếu có gì xảy ra họ chắc sẽ giải quyết được ổn thỏa.
Xe lăn bánh, và trong bóng tối đổ xuống, mấy porter rì rầm trò chuyện, chúng tôi cũng nói chuyện rất nhỏ. Có vẻ ai cũng lo lắng, và cầu mong "trốn thoát" được đoạn đường đầy đá.
Chẳng mấy chốc đến gần chỗ đã bị chặn buổi sáng, xa phía trước đường vẫn bị lăn đá chặn. Xe rẽ trái xuống một con đường nhỏ, đường đất xóc tưng tưng. Có vẻ đã đi xuyên qua được gần một khu làng mà không bị chặn, phía trước cũng tối mù mịt. Chúng tôi mừng thầm.
Đi được một lúc nữa, thế rồi thấy xe dừng lại, lái xe ngoảnh sang nói gì đó. Nhìn ra phía trước thì thấy một tảng đá to đùng chắn ngang đường.
Những người porter lập tức nhảy xuống, và trong sự im lặng, họ vần tảng đá sang bên đường.
Chúng tôi òa lên sung sướng khi đường đã thông và xe tiếp tục chuyển bánh.
Đi được một đoạn nữa, đường lại bị chặn bởi đá tảng. Những người porter lại nhảy xuống vần đá
Bỗng nhiên, từ phía xa có tiếng hét lên gì đó, rồi hàng tràng tiếng quát tháo hò hét ở xa, nhưng có vẻ chỉ của một phụ nữ chứ không phải của một đám đông. Chúng tôi không nhìn rõ, nhưng đoán là một người được cử ra canh đường đang quát tháo (chứ không phải đánh động dân làng).
Thấy người porter lớn tuổi nhất đi ra phía đó nói gì đó, nhưng người phụ nữ kia vẫn hét lên hàng tràng dài. Những porter còn lại đứng nhìn nhau ngao ngán thở dài.
Thế rồi, họ lắc đầu, đẩy tảng đá nằm lại vị trí giữa đường như cũ, và lặng lẽ lên xe.
Lòng chúng tôi nặng trĩu. Con đường vậy là đã không thông.
Lúc này xe phải quay ngược trở lại, quay hẳn ra đường quốc lộ, nơi có tảng đá đã vần sang lần trước. Chúng tôi lo lắng vô cùng, e rằng sẽ không còn kịp nữa, vì đã là gần 8h rồi.
Quay ngược lại một đoạn nữa, lái xe lao vào một đường đất khác, và nhấn ga chạy trong bóng tối mịt mùng. Đường này có vẻ vòng rất xa, nhưng tránh được khu làng có biểu tình. Xóc nảy người, nhưng không ai kêu câu nào. Ai cũng mong đường thông và đến kịp giờ...
Last minute
Xe chạy như điên và chúng tôi sốt ruột vô cùng. Kim phút gần đến số 12 mà kim giờ đã chỉ số 9.
Cuối cùng xe lao vào cửa ga Ollantaytampo, người lái xe lao vào cửa ga nói rất nhanh, chúng tôi lao theo như ma đuổi. Một nhân viên nhà ga xì xồ gì đó rồi chỉ vào cửa lên tàu.
9 giờ kém 4 phút chúng tôi ngồi phịch xuống ghế, và đúng 9 giờ tàu chạy. Chúng tôi là những hành khách cuối cùng cùa chuyến tàu này. Xung qunah đông đủ cả.
Thú thực cũng thấy ngạc nhiên không hiểu các hành khách khác đến đây bằng cách nào? Nhưng thôi mệt quá nên chẳng buồn hỏi han nữa. Thở phào và tận hưởng cảm giác thoát nạn.
Đoàn tàu xình xịch lao đi trong đêm. Lúc này mới để ý trần tàu bằng kính để ngắm cảnh, nhưng giờ thì cảnh nào mà ngắm nữa.
Và hơn 10h đêm, chúng tôi đến ga Aguas Calientes, nằm dưới chân Machupichu. Chào đón lại là ông vua Pachacuti, người sáng lập đế quốc Inca và người cho xây dựng Machupichu.
Chúng tôi theo chân một người của nhà tour chờ sẵn đến khách sạn đã đặt. Đói meo mà tối chẳng còn gì ăn, may có nước nóng để tắm rửa sạch sẽ. Tôi ngâm người trong bồn tắm khá lâu khiến đồng bọn lo rằng thăng thiên mất rồiiiii.
Một giấc ngủ ngon lành và sâu tít mít.
Aguas
Sáng dậy, tôi mò lên tầng trên ăn sáng. Thấy ks này có một cái chòi bốn phía bằng kính cao vượt hẳn lên, tôi trèo lên ngay.
Trời mây mù mịt, nặng hơi nước. Cái chòi rất thích, ở giữa kê bàn ghế và bộ cờ vua. Bốn phía nhìn ra núi non và thị trấn.
Aguas
Thị trấn nằm ở thung lũng dưới chân núi, cạnh con sông Willkanuta. Trên đỉnh núi, cao hơn thị trấn 400m là Machu Picchu huyền thoại.
Thuở xưa Machu Picchu được dựng trên đỉnh núi, và người Inca đến đó bằng con đường đi trên đỉnh núi, chứ không phải đi dưới đáy thung lũng. Từ dưới lên không có đường. Chính vì vậy đứng từ dưới nhìn lên cũng không nhận thấy dấu tích gì của thành phố đó. Con đường từ Ollantaytampo đi Machu Picchu là Inca trail, dành cho người trekking.
Từ khi tìm lại được Machu, người ta mới làm một con đường bộ leo thẳng lên đỉnh từ dưới chân, và leo phải mất 2-3 tiếng. Sau này mới làm con đường xe ô tô đi lên, chỉ dành cho xe chuyên chở khách, với giá khứ hồi là 24$, không có bất kỳ loại phương tiện nào khác. Ai leo bộ thì không mất tiền, nhưng rất vất vả. Còn xe chạy mất khoảng 20p.
Muốn vào Machu phải mua vé, mà vé chỉ bán ở dưới chân núi, tại thị trấn Aguas, hoặc tại Cusco, Ollantaytampo. Cho nên nếu lên đến cửa mà chưa mua vé cũng không được vào.
HDV nhà tour đưa chúng tôi ra bến xe, đưa vé để lên xe. Lên đến nơi đưa vé để vào, qua cổng phải xuất trình hộ chiếu.
Và cuối cùng, vượt qua trắc trở, chúng tôi đã đến được Machu Picchu - đích đến lớn nhất của chuyến đi.
Machu Picchu
Một năm ở Machu Picchu có đến hơn 200 ngày có mưa, cho nên cũng không lạ khi chúng tôi không gặp được nắng nơi này.
Sau khi vào cửa, HDV dẫn theo đường chính đi vào khu phế tích.
Machu Picchu được dựng từ những năm 1430, do vua thực tế đầu tiên của đế chế Inca xây dựng. Thời đầu người ta giả thiết đây là một pháo đài, hoặc một nơi cúng tế thiêng liêng. Về sau các nhà khảo cổ đã kết luận đây là một khu phức hợp nhiều chức năng: nơi nghỉ dưỡng của hoàng gia, nơi cúng tế, quan sat thiên văn, trường học cho giới quý tộc. Lúc đông đúc nhất cũng chỉ có vài trăm người tầng lớp trên ở đây, và cũng có vài trăm người dân trồng cấy lương thực ở bên cạnh, cũng như phục dịch giới quý tộc.
Tại đây có khu nhà ở cho vua và quý tộc, khu đền thờ thần Inti (Mặt trời), thần Sáng tạo Cochapati, khu nhà cho các nữ tư tế, các nhà kho, tảng đá thiên văn.
Nơi này được chọn một phần vì ngọn núi Huayna Picchu bên cạnh có hình giống một người đàn ông Inca nhìn lên bầu trời.
Nơi chúng tôi bắt đầu những bước thăm viếng Machu, nhìn sang bên này là các ngôi chòi lợp rơm - khu của nông dân trồng cấy và nhà kho lương thực.
Bên kia là khu nhà ở, đền đài. Xưa kia tất cả đều lợp rơm, nay không còn mái nữa
Vị trí cao nhất ở chính giữa là đền thờ thần Mặt trời (Inti) được ghép bằng đá rất nhẵn và đẹp.
Bên dưới là hệ thống dẫn nước chảy đi các nơi
Hầm mộ hoàng gia - nơi khi cần sẽ tiến hành đặt thi thể. Nhưng không có vị vua Inca nào chết ở đây, nên nơi này cũng chỉ là giả thuyết của các nhà khảo cổ.
Phía xa kia là đỉnh núi Huayna Picchu, nơi 6 người trong số chúng tôi đã đặt vé để leo lên.
Những bức tường đá của khu đền thờ, và nơi ở của vua Inca.
Khoảng sân rộng, phía bên kia là khu của các trinh nữ phục vụ đền thờ (và có thể cả vua nữa)
Khu đền lớn phía trên, các tảng đá rất lớn được ghép khéo léo
Nhưng cũng không tránh được tác hại của động đất và sụt lún
Nhìn sang phía các mảnh ruộng bậc thang, nơi canh tác khoai tây nuôi sống các quý tộc tư tế bên kia
Những tường đá được xếp khéo léo không cần vữa, có những mấu nhô ra để gác các xà mái và lợp rơm.
Một công trình được quan tâm rất nhiều: tảng đá thiên văn. Khối đá này có bốn đỉnh chiếu về đúng bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, các cạnh của trụ đá chiếu lên các vị trí đặc biệt trên bầu trời. Nói chung người ta tìm thấy nhiều điều thú vị lắm, tôi nghe và đọc mà không nhớ hết.
Toàn cảnh
Nhìn về núi bên kia
Và dòng sông phía dưới
Machu Picchu
Từ trên cao nhìn về phía núi Huayna Picchu có hai ngôi nhà lợp rơm, ở đó có tảng đá thiêng, là một waka (đàn tế) quan trọng. Đó cũng là hướng để leo đỉnh Huayna Picchu.
Tảng đá thiêng là một phiến đá phẳng ở mặt trong, có hình hơi giống con cá. Khoảng sân phía trước là nơi làm các lễ hiến tế thờ cúng Đất mẹ. Như vậy tại Machu Picchu có ba khu thờ cúng lớn: Đền thờ thần Mặt Trời, đền thờ thần Sáng tạo, và Đàn tế
Đất mẹ. Hai ngôi đền trước dựng bằng các khối đá lớn mài nhẵn nằm trên cao, thì đàn tế này hướng vào tảng đá lớn nhất của Macchu Picchu, và lộ thiên.
Tảng đá này đặc biệt ở chỗ nó mang hình dáng của dãy núi phía sau, nhưng chỉ thấy rõ vào ngày trời quang. Chúng tôi không nhìn được hình ảnh ấy.
Ảnh trên mạng :
Huayna Picchu
Trong số 8 người có 6 người đăng ký mua vé leo đỉnh Huayna Picchu, là đỉnh núi cao nhất kế sát bên Machu Picchu. Nơi này có các phế tích Inca xây dựng lên tận đỉnh núi, rất cheo leo và dễ bị tổn hại, do đó mỗi ngày chỉ cho tối đa 400 người leo, và vé phải mua trước. Từ Machu Picchu lên đỉnh Huayna Picchu cao thêm 260m nữa, một khoảng cách cũng không dễ dàng, nhất là leo trong thời tiết có mưa ướt thế này.
Qua cửa kiểm soát, chúng tôi viết họ tên và thời gian vào lên một quyển sổ, để khi ra sẽ điền thời gian ra, đánh dấu thời gian trên đỉnh núi.
Qua khỏi cửa, là con đường nhỏ men theo vách núi
Cách một bức tường đá tự nhiên, bên này là đường đi, bên kia là vực, dưới cùng là dòng sông uốn lượn
Đường leo khá dốc.
Con đường lúc đầu còn chưa dốc lắm, càng lên càng khó khăn hơn. Người Inca 600 năm trước đã xếp lên những bậc đá này để leo lên đỉnh núi. Đường lên chỉ vừa một người đi và dốc đứng, lại trơn trượt nên không dễ dàng chút nào
Leo một hồi lâu, chúng tôi vừa nóng vừa lạnh. Nóng vì dùng sức mồ hôi túa ra, bức bách mà lại phải mang áo chống nước bên ngoài mưa ướt. Trên núi cao nhiêt độ cũng thấp, mà không khí ẩm rất khó chịu.
Nhưng bù lại, nhìn xuống thật hùng vĩ
Thị trấn tít xa bên dưới, khoảng cách là 600m, và con đường zic zac ô tô đi lên
Machu Picchu tít xa bên dưới kia. Có thể thấy rõ hai phần: ở gần hơn là các tòa nhà, đền đài cho giới quý tộc. Phía bên kia là các ruộng bậc thang và nơi ở của những người phục vụ.
Một đài quan sát được xây từ xa xưa
Tôi gọi đây là "thang kiểu Inca": những viên đá chênh vênh thò ra từ tường, chỉ vừa đủ cho một bàn chân đặt vào
Leo lên cao hơn nữa
Và cuối cùng, đỉnh núi cao nhất !!!
Đây là hình ảnh của đỉnh Huayna Picchu trên mạng, chụp bằng flycam
Đường xuống cũng đi qua những công trình Inca cũ
Trời mưa khiến đường thang thêm trơn trượt
Quay lại cổng Huayna Picchu, để vào lại Machu Picchu, chúng tôi viết lại thời gian mà mình ra, để xem đi mất bao lâu
Machu Picchu
Ngược trở lại khoảnh sân rộng ở giữa, tôi và một bạn đi sang phía bên kia. Các bạn khác tản mạn đâu đó hết rồi.
Nhắm đến cái chòi cao ở trên kia
Trong nền núi trập trùng và mây phủ, Machu Picchu thật quyến rũ. Đúng là nếu có một gian phòng nghỉ ở đây, ấm ấp và đầy đủ tiện nghi, lại có cung tần mỹ nữ vây quanh, thì có thể coi là ở thiên đường được rồi.
Trèo lên cao, và chúng tôi có được cái nhìn toàn cảnh Machu Picchu, với ngọn Huayna Picchu hiện lên như là gương mặt của một người đàn ông Inca nằm ngửa. Đây là góc nhìn kinh điển nhất của nơi này.
Machu Picchu
Chú thích các điểm của Machu Picchu - mượn từ trên mạng
Gần nhất là cầu thang chính (main stair), dẫn từ đường Inca Trail, nối với Cusco. Cầu thang này cũng là nơi chia đôi, bên kia là khu của Quý tộc, bên này là của người phục vụ, trồng trọt, nhà kho.
Dọc cầu thang ở dưới có đường sang, dành cho những người phục vụ qua lại. Cửa chính (main gate) nằm trên cao, góc trái của ảnh, dành cho vua và quý tộc đi. Khu cao hơn là nơi thờ phụng và vua ở.
Từ cửa chính đi vào, hai bên là khu ở của vua và tầng lớp quý tộc. Tận xa là một đồi cao trên đó có đài quan sát thiên văn (Intiwatana), nơi có tảng đá bốn góc. Dưới chân đài thiên văn là sân nối với các ngôi đền lớn: đền 3 cửa sổ thờ thần Sáng tạo (Temple of 3 windows)
Bên dưới một chút cũng là khu ở của vua, có đền thờ thần Mặt trời Inti (Temple of the Sun), mà dưới chân nó là hầm mộ. Gần đó có hệ thống tích trữ nước (Aquedate).
Khoảng sân trống ở giữa tạo ra khoảng cách với khu bên kia, là nơi ở của các tăng lữ, có thể là các trinh nữ, và khu ở của các thanh niên quý tộc được đến đây nghỉ ngơi, học tập. Đó có thể là một trường học cao cấp.
Phía nền là ngọn núi Huayna Picchu nhô cao hẳn, giống cái mũi, và ngọn Una Picchu thấp hơn giống cái cằm của một gương mặt khổng lồ nhìn lên bầu trời.
Ngẩn ngơ ở đây cũng lâu, rồi cũng đến lúc chúng tôi phải ra về.
Không thể không thò người vào cái ảnh để đánh dấu chỗ này
Khi tôi rời Machu Picchu, lại là lúc nắng lên rực rỡ. Hơi tiếc chút, nhưng dù sao cũng đã thỏa lòng mong chờ rồi.
Xuống chân núi, tôi về khách sạn lấy đồ, đi ra trung tâm tìm quán ăn, rồi ra ga cho kịp chuyến tàu chiều.
Người làm du lịch ở đây rất khéo, con đường đi ra ga phải xuyên qua khu chợ bán các đồ lưu niệm, níu chân du khách.
Chuyến tàu mái kính để nhìn được trọn vẹn cảnh sắc
Đọc đường về có những khu di tích Inca, mà lúc đi trong đêm tối đã không thể nhìn thấy
Những vệt nắng chiều dần đổ xuống cuối ngày một màu vàng rực của sự tiếc nuối
Cusco
Trở về Cusco khi trời đã tối, một đêm ngủ ngon lành chào đón.
Sáng hôm sau, với gợi ý của bà chủ nhà thân thiện, chúng quyết định đi tour một số điểm quanh vùng.
Ở đây có một điều cần lưu ý, bà chủ nhà đã có nói nhưng chúng tôi đã bỏ qua: Đó là tại Cusco có bán một số loại vé combo cho nhiều điểm tham quan. Có loại 1 điểm, loại 10 điểm (tất nhiên không bao gồm Machu Picchu, và không có Qurichanka). Lúc đó chúng tôi không để ý lắm vì nghĩ mình không đủ thời gian và không tham quan hết.
Vì vậy chúng tôi đã mua vé vào nhà thờ Chính tòa (có trong vé combo). Sau này mới biết thêm là thẻ sinh viên quốc tế có thể được giảm giá 1/2, nhưng có thể bị kiểm tra khá kĩ lúc mua, tùy nơi. Các bạn đi sau có thể check kĩ cái này.
Chúng tôi mua tour đi hai điểm là Moray và mỏ muối Salineras.
Trên đường đi dừng lại một làng dệt, nghe giới thiệu về nghề dệt truyền thống, dệt vải và len từ lông llama, và tất nhiên là được chào mời mua các sản phẩm rồi. Cũng không phải là quá đắt, nhưng tôi không có nhu cầu lắm. Tại đây được mời uống loại nước làm từ bột ngô lên men.
Rời làng dệt, xe chạy giữa một vùng cao nguyên đẹp như tranh. Cả đám đều ngất ngây với cảnh sắc này.
Những khu làng nhỏ đẹp mơ màng
Moray
Chúng tôi đến cửa khu di tích Moray.
Tại quầy bán vé, cả đám mới nhận ra rằng việc mua vé combo sẽ đỡ tiền hơn rất nhiều, nếu như có thể lợi dụng thẻ sinh viên. Lúc đó chỉ có 5 người mang thẻ sinh viên quốc tế.
Bà bán vé có vẻ nghi ngờ - cũng đúng vì trông ai cũng già cả - nên sau khi bán vé combo cho 2 người đầu tiên thì đến tôi lại đột nhiên hỏi "mày sinh năm nào" - tôi nhớ đúng số năm trên thẻ nên mua được và qua. Đến bạn cuối thì trông già quá nên bà ấy không bán cho. Còn hai bạn khác thì mua vé lẻ.
Có lẽ ở đây là khu vực xa nên việc kiểm tra thẻ sinh viên cũng còn sơ sài, nếu trong thành phố có lẽ sẽ khác.
Moray là một di tích đặc biệt của người Inca, nó không xây bằng đá trên mặt đất, mà là đào xuống đất. Hệ thống các vòng tròn đồng tâm sâu dần xuống, từ miệng đến đáy chênh lệch nhau đến 30m.
Người ta đã phát hiện rằng với vị trí, hướng gió của Moray, thì nhiệt độ trên miệng và dưới đáy hố có thể chênh nhau đến 15 độ, và mỗi bậc thang lại có nhiệt độ khác nhau. Và các dấu tích cho thấy đây là nơi trồng khoai tây giống, ngô giống. Hệ thống hình tròn này tạo thành một hệ vi khí hậu độc đáo.
Di tích này cho thấy người Inca cổ đã có nghiên cứu về nông nghiệp: họ nhận thấy khoai nảy mầm ở các nhiệt độ khác nhau sẽ có đặc tính khác nhau, do đó đã tạo ra hệ thống Moray như là phòng thí nghiệm nông nghiệp để tạo ra các cây giống có đặc thù khác nhau.
Moray
Hệ thống bậc thang dẫn từ trên xuống của Moray
Chúng tôi chỉ được ở trên miệng hố để quan sát chứ không được xuống dưới đáy.
Thực ra bờ đá đã được tu sửa. Ở một phía còn có nhiều cây gỗ chống, do trong mùa mưa nước chảy xuống đã làm xói lở đávaf đá đã đổ xuống. Tôi cũng nghĩ nếu mưa to thì nơi này trở thành một bể chứa nước rồi còn gì.
Maras salt mines
Cách Moray một quãng đường là mỏ muối Maras, được tạo thành đồng muối trên núi độc đáo.
Trong lòng núi nơi này có một mỏ muối rất lớn nhưng nằm sâu trong lớp đất đá. Nước ngầm chảy qua các lớp đá chứa muối cuốn trôi muối ra tạo thành các dòng suối nước mặn. Ngay từ trước thời Inca, người bản địa đã biết dùng nước mặn này trong nấu ăn, và xây dựng hệ thống làm muối trên núi.
Nước suối có muối được dẫn theo các kênh chảy ra các mảnh ruộng nhỏ thấp dần, sao cho lớp nước rất mỏng để nước bay hơi. Khi nước đủ sẽ đóng ruộng để nước chảy xuống thấp hơn nữa. Cứ như vậy từ trên xuống dưới có cả trăm mức ruộng khác nhau. Tổng cộng khu vực này có đến hàng nghìn mảnh ruộng muối nhỏ, mỗi mảnh chỉ bé bé thôi.
Vì là điểm du lịch nên nơi đây cũng bán các sản phẩm từ muối mỏ: các bức tượng nhỏ, đá muối,... khá hay.
Từ triền núi bên này nhìn xuống:
Khu nhà dưới kia là nơi bán đồ lưu niệm, dừng chân cho khách
Có thể mua vài thứ ăn tạm ở đây trong lúc chờ quay lại thành phố, vì dọc đường không có gì ăn.
Đã sang chiều, chúng tôi trở lại Cusco. Mây hé ra một chút để thấy đỉnh núi tuyết phía xa. Đây là lần cuối chúng tôi thấy núi tuyết. Từ giờ sẽ đi xa khỏi dải Andes hùng vĩ.
Những cánh đồng lại trải dài rất đẹp, nơi người dân đang thu hoạch cây gì đó
San Pedro market
Quay trở lại thành phố Cusco, chúng tôi nói với HDV cho xuống chỗ nào gần chợ ấy.
Và thế là xe tống cổ lũ Việt Nam xuống quảng trường Francisco, gần đó là chợ San Pedro.
Chúng tôi vừa vào trong chợ thì bên ngoài kéo mây đen kịt, và một trận mưa rất to ào ào đổ xuống. Nhưng lúc này trong chợ thật là vô tư. Mưa thế mưa nữa cũng sao đâu.
Hàng quán sát nhau, quầy thịt tươi sống với quần áo sát cạnh nhau cũng chả sao
Những quả dâu ở đây sao nó to thế, to khủng luôn
Chúng tôi đánh chén bữa trưa muộn bằng món dân dã thế này:
Rồi mỗi ngừoi một cốc nước hoa quả tú hụ kiểu thế này
Vùng này nhiều hoa quả tươi ngon lắm
Saksaywaman
Cơn mưa to ào ạt làm đường ướt sũng. Lúc này mấy người có vé combo quyết định quay lại Saksaywaman - Sếch si ua mần - đã lỡ lần trước.
Vé vào cái Saksaywaman này đã là 70 đồng rồi, trong khi vé combo là 130 đồng, có thẻ sinh viên quốc tế thì còn 70 đồng. Như vậy chúng tôi đã lãi được khá nhiều đó chứ, vì sau Saksaywaman còn một màn đi xem ca nhạc nữa, mà vẫn còn nhiều điểm trong vé combo chưa sử dụng hết.
Khu di tích đá lớn nhất Cusco này hiện ra sừng sững: ba vòng tường đá cao dần lên từng là pháo đài bảo vệ cho khu ở của hoàng gia, và một khu thờ cúng ở trên đỉnh đồi kia. Không còn các tòa nhà, chỉ còn tường đá, mà tường đá này cũng đã bị thực dân TBN phá đi khá nhiều để lấy đá xây dựng thành phố
Người Inca xưa, không sử dụng bánh xe, không hiểu bằng cách nào đã khai thác, vận chuyển, đục đẽo và ghép các khối đá khổng lồ này lại với nhau được. Tảng đá lớn nhất nặng đến 200 tấn, và có nhiều tảng nặng đến gần trăm tấn. Các tảng đá không được đẽo hình chữ nhật, mà có rất nhiều cạnh, lồi lõm, và được ghép khít đến mức không đút lọt được lưỡi dao. Chính nhờ cách xếp đá lồi lõm này mà dù không có chất kết dính, trọng lượng đá cũng giúp chúng đứng vững hàng trăm năm trong điều kiện động đất thường xuyên.
Tảng đá lớn nhất ước tính nặng khoảng 200 tấn.
Saksaywaman
Từ đây có thể nhìn thấy phía bên này núi, nhà cửa đã leo dần lên triền dốc hết rồi
Từ đây nhìn xuống Cusco bên dưới rõ mồn một. Nơi này là đầu của con báo, mà Cusco là thân của con báo.
Biểu tượng tôn giáo mới đã thay thế cho tôn giáo cũ của người Inca
Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống Cusco rõ mồn một. Chúng tôi chỉ còn một buổi tối cuối ở đây trước khi bay đi Lima.
Quảng trường trung tâm thành phố, nơi từng có các cung điện Inca, và giờ là các nhà thờ, tòa nhà chính quyền.
Thành phố cổ di sản thế giới
Cusco
Buổi tối cuối cùng tại Cusco, chúng tôi vào xem biểu diễn văn nghệ tại rạp hát trên con phố chính. Nếu mua vé rời cũng không rẻ, nhưng có vé combo rồi nên đi luôn thôi.
Lúc đầu xem các tiết mục thấy hay, nhưng càng xem càng chán, vì các điệu múa khá đơn điệu, hầu như giống nhau về âm điệu và động tác cũng không thay đổi gì lắm.
Một bạn trong nhóm kêu lên là về xem văn nghệ dân tộc ở Thái Nguyên còn hay hơn thế này nhiều.
Mỗi tiết mục cuối cùng là hay nhất, thì lại không phải là truyền thống bản địa, mà là nhảy Tango và Pasodoble
Lima
Ngày thứ 22.
Buổi sáng, chúng tôi chia tay bà chủ nhà dễ thương ở Cusco, ra sân bay. Có một thành viên ở lại để đi hướng khác, vì bạn không book được vé đi Easter Island. Tại sân bay Cusco, lại một màn dạo quanh và mua đồ diễn ra. Ở sân bay này có nhiều đồ đẹp và giá cả hợp lý lắm, một nơi có thể mua đồ lưu niệm được.
Chuyến bay hạ cánh xuống Lima lúc hơn 1h chiều, mà đến gần tối mới bay tiếp đi Chile, nên chúng tôi có cả một buổi chiều. Thế là gọi xe chất hết lên để vào thành phố.
Sân bay Lima
Dọc đường vào thành phố, thấy bức tường vẽ về các đất nước, và một gương mặt quen quen
Một góc phố gần trung tâm
Kiến trúc Tây Ban Nha với cái ban công thò ra của tòa nhà.
Và quảng trường trung tâm của thành phố
Quảng trường trung tâm là Trái tim của Lima, nơi khởi phát của thành phố.
Chính giữa quảng trường là một đài phun nước bằng đồng. Bên kia là nhà thờ chính tòa Lima, với hai tháp chuông là công trình cao nhất ở khu vực này.
Bên sát nhà thờ là Tòa tổng giám mục
Góc bên này là tòa Phủ tổng thống của Peru, một công trình đẹp và không cao lắm
Bên kia là Tòa thị chính Lima
Phía còn lại là tòa nhà Liên hiệp (Club de la Union)
Đây đều là các công trình lịch sử.
Lima
Lima là thành phố lớn nhất của Peru, và là thành phố đông dân thứ 3 ở châu Mỹ, sau Mexico city của Mexico và Sao Paolo của Brazil. Thành phố có tuổi đời 500 năm, do người Tây Ban Nha thành lập, nằm bên bờ Thái Bình Dương.
Tòa nhà chính phủ của Peru (Government palace), cũng là Phủ Tổng thống, vì là nơi ở và làm việc của Tổng thống, đặt tại một cạnh của Quảng trường trung tâm. Tòa nhà được xây đi xây lại nhiều lần, lần cuối mới cách đây chưa đến trăm năm.
Một phiên đổi gác trước phủ Tổng thống
Ba phương tiện của Lima: xe hơi, xe điện công cộng, và xe ngựa du lịch
Một góc phố trung tâm
Xe đám cưới ngang phố
Một vài hình ảnh trong kí ức về Lima
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét