Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội - (phần 1)

Topic gốc: KỂ CHUYỆN THĂNG LONG HÀ NỘI

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
Last edited by Chitto; 15-03-2010 at 18:19.

Từ cội nguồn xa xưa


Mặc dù người ta nói Thăng Long nghìn năm, nhưng đô thành này có cội nguồn lịch sử xa xưa hơn thế.

Khi người Việt - Mường từ vùng trung du của các vua Hùng xuôi xuống đồng bằng, An Dương Vương đã
định đô ở Cổ Loa. Hai Bà Trưng khởi nghĩa, định đô ở Mê Linh. Bắc thuộc nghìn năm, trị sở xứ
này đầu tiên đặt tại Luy Lâu, gắn liền với tên của thái thú Sĩ Nhiếp. Sau đó dời về Mê Linh, rồi sang
Long Uyên - Long Biên. Những đô thành này nằm ở phía Đông sông Hồng, từng bị giặc Chà Và từ
biển đánh vào, giặc Nam Chiếu từ tận Vân Nam đánh xuống.

Đến năm 824, người Tàu cai trị đã đắp thành ở bờ Tây sông Hồng địa phận huyện Tống Bình, và
đến năm 866 thì Tiết độ sứ Cao Biền đắp lại thành Đại La với quy mô lớn. Đây là cơ sở để
năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về và đặt cái tên oai hùng: THĂNG LONG.

Truyền thuyết nói rằng Cao Biền là người rất giỏi phong thuỷ, thấy địa thế Đại La cực tốt, nơi hội tụ đủ cả
sông núi, long mạch linh huyệt của đất Giao Châu, nên vừa là đắp thành trấn giữ, vừa tìm cách triệt hạ
long mạch, nhưng không thành.

Và Thăng Long có được long mạch nội tại của "Nùng sơn chính khí, Tô Lịch giang thần" (Cái khí
thiêng của núi Nùng, cái thần của sông Tô). Bên ngoài có long mạch của Tam Giang, Tam Đảo, Tản Viên
hội tụ, xa hơn nữa là các mạch núi của cả vùng Bắc Bộ.

Last edited by Chitto; 29-03-2010 at 23:45.

Nhìn vào bản đồ trên, có thể thấy ba dòng sông Hồng, sông Đà, sông Lô tụ tại ngã ba Bạch Hạc, dồn về
Thăng Long. Từ phía Bắc, mạch núi Tam Đảo hùng dũng chầu về, mà điểm cuối cùng là núi Sóc Sơn. Thế
núi đó rất mạnh, nhưng đã cách dòng nước sông Cái, và Thăng Long nằm bên trong chỗ sông Cái đổi
hướng, tránh được cái hướng lực đạo quá mạnh của núi sông như Long Biên, Luy Lâu, mà vẫn đón được
sinh lực của long mạch.

Tuy nhiên, long mạch quan trọng nhất của Thăng Long lại chính là núi Tản Viên (Ba Vì) ở phía Tây.
Đây là án lớn nơi để Thăng Long dựa vào mà trông ra phía Đông của sông và biển.

Tản Viên Sơn - núi Ba Vì - tuy không thật cao, nhưng đứng ở vị trí rất hiểm sát sông Đà, và được coi là
Núi Tổ của tất cả các núi ở trời Nam. Vị thần của núi ấy - Tản Viên Sơn Thánh - được gọi là
Nam Thiên Thần tổ, vị tổ của tất cả các Thần nước Nam, là vị đứng đầu Tứ Bất Tử. Vào những ngày trời
trong, đứng ở Hà Nội dễ dàng thấy núi Tản Viên. Trục Tản Viên - Hồ Tây là trục thần đạo của Hà Nội.

Tương tự, núi Sóc Sơn thiêng liêng ở phía Bắc là nơi vị Thánh Bất tử thứ hai - Phù Đổng thiên vương
- lên trời. Từ Hà Nội cũng có thể thấy Sóc Sơn. Phía Đông Nam Thăng Long là nơi của vị Thánh Bất tử thứ
ba - Chử Đồng Tử.

Có thể nói thời Cao Biền, chắc là không thể quan sát được long mạch của các dãy núi quá xa, nhưng địa
thế của Tản Viên và Sóc Sơn thì rất dễ nhận ra, lại thêm cái thế của Tam giang cũng không phải khó thấy,
nên Cao Biền mới quyết tâm trấn đất này.


Núi Tản Viên - Ba Vì nhìn từ hồ Tây, khoảng cách gần 50km. đây là trục Thần đạo của cả vùng.

Last edited by Chitto; 29-03-2010 at 23:46.

Mặc định

Bạn quả là người nghiên cứu rất kỹ về lịch sử và truyền thuyết của Đất Việt ta; Lúc bé tôi hay đọc truyện của tác giả "Nguyễn Đổng Chi dịch và sưu tầm", cũng thấy nhắc đến Cao Biền trấn thủ Giao Châu, làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Cao Biền một thầy địa lý rất giỏi thời Đường Trung Hoa, Cao Biền đã đi khắp nước Việt ta để trấn và triệt phá Long mạch, đặc biệt trong truyền thuyết "Trâu vàng, Đoài hồ", theo dân gian ông cũng là người đã đắp đê bao xung quanh thành Đại La. Nghe các cụ kể chuyện lại từ thời các Vua, Chúa phong kiến nước ta cũng phái nhiều Thầy địa lý giỏi đi phá những nơi Cao Biền đã trấn...??? "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" 
Last edited by sang30tet; 15-03-2010 at 14:16.
Truyện về Cao Biền trên mạng có rất nhiều, nhưng tôi muốn kể cả về những dấu tích trước thời đó, thời kì trước khi có Đại La.

Các vị thánh thần đất Việt đã có trên vùng đất này từ xa xưa, mà truyền thuyết còn lưu truyền mãi trong dân gian. Có các bậc Thần sau: (1)Nhiên thần là thần của tự nhiên sông núi, trường tồn với non sông (2) Thiên thần là thần từ trời giáng sinh rồi trở về trời (3) Nhân thần là người, rồi hiển thánh hoá thần (4) Thú thần là loài thú tu luyện thành thần như hổ báo rắn thuồng luồng (5) Quỷ thần là yêu quỷ thành thần. Ba bậc đầu thường được tôn làm Thánh.

Hãy thử xem các vị Thánh bất tử của người Việt ngự ở đâu quanh Thăng Long?

Thánh Tản Viên, vị Thần tổ, là Nhiên thần, ngự trên đỉnh Tản Viên. Người Mường cũng tôn kính gọi là Thánh Cả Ba Vì. Có 4 đền chính gọi là bốn Cung thờ Thánh, mà lớn nhất là Đông cung - Đền Và ở Sơn Tây. Tản Viên đã từng nhổ nước bọt khinh bỉ khi Cao Biền định yểm núi này.
Thánh Tản Viên là biểu tượng Chinh phục thiên nhiên của người Việt.

Thánh Gióng, Phù Đổng thiên vương là Thiên thần, quê ở Phù Đổng phía Đông Thăng Long, nhưng lại thăng thiên hoá thánh ở phía Bắc, trên đỉnh Sóc Sơn.
Thánh Gióng là biểu tượng chống ngoại xâm của người Việt.

Thánh Chử Đồng Tử, Chử Đạo tổ, là Nhân thần, ở Đa Hoà, gặp Tiên Dung trên bãi Tự Nhiên phía Nam thành Thăng Long, dạy dân buôn bán, tu hành rồi hoá thánh lên trời tại đầm Dạ Trạch.
Thánh Chử là biểu tượng của hôn nhân, cuộc sống sung túc.

Các đền thờ của ba vị Bất Tử trên đã bao bọc mảnh đất này từ trước khi Cao Biền xây thành.

Đến đời Lý, dân gian đã tôn thêm một vị nữa cho thành Tứ Bất tử, đó là Từ Đạo Hạnh, biểu tượng của tu hành, của Phật giáo. Từ Đạo Hạnh là người Thăng Long, nơi thờ chính là chùa Láng và chùa Thầy. Mãi đến đời Lê, người ta mới thay Thánh mẫu Liễu Hạnh vào chỗ của Từ Đạo Hạnh.

Như vậy, thành Thăng Long đã được các Thánh Bất tử của tâm linh người Việt bảo hộ từ bốn phía trong cả nghìn năm.

Last edited by Chitto; 10-06-2010 at 22:28.

Núi Nùng - sông Tô

Vậy phải chăng Thăng Long chỉ trông cậy vào thần thiêng của các vị Thánh bên ngoài, mà không có Thần của riêng mình? Không phải, Thăng Long có vị Thần chủ, đó là Thần Long Đỗ.

Long Đỗ nghĩa là Rốn rồng, sông Cái chỗ này uốn cong như bụng rồng, và đất này chính là Rốn rồng. Thần Long Đỗ là vị Nhiên thần cai quản Núi Nùng sông Tô, tụ hội linh khí của cả hai. Núi Long Đỗ truyền thuyết, hay là núi Nùng, là núi đất cao lên giữa thành, bên cạnh có vực sâu ăn thông vào lòng đất. Sông Tô Lịch bao quanh thành tạo thành long mạch thiêng.

Núi Long Đỗ ở đâu? Nếu như cho rằng các triều Lý, Trần, Lê đều dựng điện chính trên núi Nùng, thì ngày nay đó chính là thềm điện Kính Thiên trong khu di tích hoàng thành, và đã thấp đi rất nhiều so với nghìn năm trước.

Sông Tô ngày xưa là sông nào? Tô Lịch giang xưa kia chạy vòng quanh thành từ bắc sang tây xuống nam. Từ nơi nối với sông Hồng là Giang Khẩu, Tô Lịch chảy phía dưới hồ Tây, nối với hồ Tây tại Hồ Khẩu (nay vẫn còn làng Hồ Khẩu), gặp sông Thiên Phù ở Bưởi rồi chảy xuống phía nam. Sau lời nguyền của ông Dầu bà Dầu, dòng Thiên Phù bị lấp từ đời Lý. Phần phía Bắc Tô Lịch bị lấp dần vào đời Nguyễn, mới chỉ hơn trăm năm trước, ngày nay chỉ còn dòng nước thải đen ngòm thay cho:

"Nước sông Tô vừa trong vừa mát
"Em đỗ thuyền ghé sát thuyền anh...


Last edited by Chitto; 15-03-2010 at 18:31.

Quote Originally Posted by zanghoang Xem bài
em thấy hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về thời đại đầu tiên đóng đô trên đất Hà Nội - thời đại An Dương Vương.
Hai năm trước tôi có đi chơi qua Cổ Loa. Sau khi rời khu trung tâm đi lên phía đền Sái, được khoảng hơn một cây số thì gặp một đoạn bờ đất cao, phía dưới có một khu đào vào chân bờ đất sâu đến hơn 2m. Tôi hiểu đây là dấu vết vòng thành Cổ Loa, và người ta đang đào khảo cổ.

Tôi dừng lại xem, và có nói chuyện sơ qua với một người đàn ông ngồi ở đó. Tôi không có chuyên môn gì nên nhìn vào lớp đất bị cắt chỉ cảm thấy có vài lớp hơi khác với chỗ khác,.. Còn người đàn ông kia nói rằng với chuyên môn khảo cổ thì có thể thấy tường thành này đã được đắp rất lâu, có thể từ hai nghìn năm trước.

Nếu đúng như ông ấy nói, thì thành Cổ Loa có thể đã được đắp từ thời đầu Công nguyên. Và thời đó dù người ra lệnh đắp thành có thực tên là An Dương Vương không, thì đó cũng phải là người có quyền hành lớn mới có thể sai người đắp một vòng thành rộng đến vậy (và còn nhiều vòng thành nữa). Dù sau này có thể là Ngô Quyền định đô ở đây như sử ghi, có cho đắp thêm, thì sự tồn tại một chính quyền tại đây vào đầu Công nguyên có thể chứng minh bởi bằng chứng vật thể khảo cổ được, chứ không phải chỉ là chuyện ghi chép trong chính sử hay dã sử, huyền sử.
Last edited by Chitto; 09-04-2010 at 17:43.

Thần chủ của Thăng Long


Tiếp tục quay lại chuyện vị Thần chủ của Thăng Long.

Truyện Lĩnh Nam chính quái và Việt Điện U linh chép rằng (vắn tắt) khi Cao Biền đi thuyền trên sông Tô Lịch thì thấy một vị thần hiện ra trên sông, rồi làm phép khiến sóng gió mù mịt mà biến mất. Lại lần nữa khi đang xây thành Đại La, Cao Biền đi ra phía đông thành, bỗng nhiên thấy mây khói mù mịt, trong đó có vị thần đang ngự, xung quanh âm nhạc nổi lên, Cao Biền kinh hãi ngã lăn. Đêm đó vị thần hiện ra báo mộng, xưng là "Long Đỗ chính khí Thần quân" của đất này đến xem xây thành, không việc gì phải sợ.

Vốn hay trấn yểm các quỷ thần, long mạch, Cao Biền dựng ngôi đền, làm tượng thần, lấy nghìn cân sắt để trấn yểm chỗ thần hiện ra. Bỗng nhiên trời nổi cuồng phong sấm, sét đánh nghìn cân sắt vụn ra thành tro bụi. Cao Biền kinh sợ lập đền thờ thần Long Đỗ và nói rằng "Ta phải về Bắc thôi". Sau này Biền bị vua nhà Đường gọi về và xử tội chết.

Thần Long Đỗ của Núi Nùng và thần sông Tô Lịch là một hay là hai? Đến nay đa số đều cho rằng chỉ là một vị, là Thần chủ của đất này; nhưng cũng có thuyết cho là hai vị thần. 

Đến khi Lý Thái Tổ dời đô, tương truyền xây thành bị đổ mãi, bèn đến cầu ở đền thần Long Đỗ có từ thời Cao Biền, thì có con ngựa trắng chạy ra, xây thành theo vết chân ngựa thì mới không đổ. Bởi thế vua tôn là thần Bạch Mã. Hiện nay đền ở phố Hàng Buồm, là đền Trấn Đông nổi tiếng của Thăng Long.

Và Thần chủ Long Đỗ trở thành Thành hoàng của thành Thăng Long. Thần có rất nhiều tôn hiệu qua các triều đại:

- Quảng Lợi Bạch Mã Tối linh Thượng đẳng thần

- Quảng Lợi Thánh hựu Uy tế Phu ứng đại vương

- Long Đỗ Thần quân Bạch Mã Hựu chính Đại vương

- Đô phủ Thành hoàng Thần quân

- Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng đại vương

Lại có thuyết cho rằng cái tên Long Đỗ là tên của một làng Việt cổ đã có tại đây từ rất lâu trước khi lập thành Đại La, và Tô Lịch là tên của người có công lập làng từ xa xưa. Như thế Thần Long Đỗ - Tô Lịch là một vị Nhân thần.

Còn nếu không theo thuyết đó, thì Thần Long Đỗ là vị Nhiên thần. Cá nhân tôi thích đó là một vị Nhiên thần trường tồn với sông núi hơn!

Bên cạnh đó, hình tượng Bạch Mã không phải chỉ là Ngựa trắng đơn thuần, Ngựa tượng trưng cho khí Dương, màu Trắng tượng trưng sự khởi đầu, và Bạch Mã còn là hình tượng của Mặt Trời mọc, đại diện cho hướng Đông.

Nếu có con ngựa trắng chạy ra từ đền, thì đó cũng chỉ là do Thần Long Đỗ sai khiến, chứ đó không phải là thần.

Do đó, đến thăm đền Bạch Mã, thì khấn Long Đỗ Thần quân, chứ đừng cầu xin gì ở con ngựa trắng cả.



Quote Originally Posted by Miên Nữ Xem bài
@ anh Chitto: Nguyễn Minh Không có được chính thức tính vào trong Tứ Bất Tử không ạ? Hay chỉ Từ Đạo Hạnh thôi và sau đó thay bằng Đức Mẫu Liễu. Thanks anh!
, tôi cũng chờ câu hỏi này, giờ mới có Miên Nữ hỏi.

Nếu nói là "chính thức" thì không có ai cả, mà Tứ Bất tử chỉ là lưu truyền dân gian. Chỉ khi có sắc phong từ Triều đình thì mới là chính thức không thay đổi. Còn Tứ Bất tử là do tín ngưỡng dân gian, nên ai vào ai ra, ai có ai không rất thoáng, tuỳ thời gian và địa điểm.

Tôi cũng từng viết trong topic "Chùa đất Việt" là Quốc sư Minh Không cũng được xếp vào trong Tứ Bất tử, tương tự như Từ Đạo Hạnh, và tuỳ vào vùng miền nào tôn sùng vị Thánh tổ nào mà sẽ lấy vị đó.

Về Quốc sư Minh Không, sách cổ và cả lưu truyền dân gian rất hỗn độn giữa các danh: Nguyễn Minh Không, Khổng Minh Không, Dương Không Lộ, Không Lộ thiền sư... Có thuyết nói là hai người, có thuyết nói là một mà mang các tên khác nhau. Có thuyết đề cập Minh Không là Quốc sư chữa bệnh cho vua, lại cũng có thể là ông tổ nghề đúc đồng, dùng thần thông lấy đồng từ Trung Quốc về, lại cũng có thể là ông tổ của một loạt chùa vùng Nam Định - Thái Bình. 

Dù trong thuyết nào thì Minh Không - Không Lộ cũng có tên tuổi và năm sinh năm mất tương đối rõ ràng. 

Còn Từ Đạo Hạnh không bị nhầm lẫn với ai, và cá nhân tôi cảm thấy tính "huyền bí" của Từ Đạo Hạnh mạnh hơn. Đặc biệt là về huyền thoại Hoá thân của ông. Ông không chết, mà chỉ hoá từ kiếp Thánh sang kiếp Vua, và người ta tin rằng khi kiếp Vua hết, ông lại hoá trở về kiếp Phật. Vì thế trong chùa Thầy thờ cả ba kiếp của ông, với kiếp Phật ở giữa, là kiếp quan trọng nhất và cũng là kiếp trường tồn.

Như thế, với tâm linh dân gian, tôi thấy tính Bất tử của Từ Đạo Hạnh rõ ràng hơn. Vì vậy tôi đã chọn Từ Đạo Hạnh khi xét đến các vị Thánh hộ trì Thăng Long trong bài viết này.


Hồng Hà - Tản Viên, long mạch của đất Thăng Long



Thăng Long

 Người ta nói rất nhiều về truyền thuyết Lý Thái Tổ khi đi thuyền từ Hoa Lư (theo sông Hoàng Long, nối sang sông Đáy, Châu Giang ra sông Hồng rồi ngược lên Đại La), đã thấy Rồng hiện lên, mà đặt tên thành là Thăng Long.

Khi viết bài này, tôi có ý nghĩ thêm một chút.

Vùng đất này gắn với chữ Long từ lâu đời rồi. Trước đó bên kia sông là Long Uyên, tức vực rồng, (có thể do kiêng huý Đường Thái Tổ là Lý Uyên) rồi đổi sang Long Biên, nghĩa là rồng lượn xung quanh, và đất Long Đỗ là rốn rồng trên núi Nùng.

Như thế, trong hàng trăm năm, con Rồng đó vẫn bị giam hãm. Đầu tiên là nằm dưới vực sâu, sau lượn trên sông, cuối cùng lên đến núi là hết. Nhưng ngay cả khi là Long Đỗ, thì cũng bị Cao Biền xây cái thành Đại La - nghĩa là cái Lưới lớn - vây bọc xung quanh giam giữ. Con rồng thiêng ấy bao thế kỉ phải nằm yên.

Đến khi Lý Thái Tổ dời đô, đã phá bỏ cái lưới kia, mà cho con rồng bay lên, mà lên trời thực sự, và có một Thăng Long đến ngày nay.
Quote Originally Posted by TriMinh Xem bài
trong điện thần Việt Nam có 58 vị thần chính thức trong đó có tứ bất tử và ngũ bất diệt.
Tôi chưa được nghe về Ngũ bất diệt bao giờ, nên không dám nói về điều này. Theo tôi nghĩ, khái niệm "điện thần Việt Nam" gồm bao nhiêu vị thần thì cũng tuỳ nơi, tuỳ phong tục. Nếu như thống kê thành hoàng ở đồng bằng Bắc Bộ thì cũng vài trăm vị rồi.

Tứ Bất tử được lưu truyền trong dân gian, và được ghi vào trong cuốn Hội Chân Biên và in ấn từ hơn trăm năm trước, nên trở thành quen thuộc với tất cả mọi người. Cuốn đó viết về các Thần chính của Việt Nam, chỉ có 27 vị thôi (tôi cũng chưa đọc nên không rõ là các vị nào).

Về 5 vị "bất diệt" mà bạn kể, tôi thấy có 3 vị đầu tiên vốn đã được thờ chung với nhau từ lâu, gọi là Lý triều Tam Thánh tổ, tượng thờ được làm thành bộ ba với nhau như chùa Lý Quốc sư, chùa La Cả, chùa Thầy, nghĩa là khá gắn kết. Hai vị đưa thêm, thì có Thánh Bối thuộc đời Trần, dù sao cũng gần gũi với ba vị trên vì cùng là người tu hành theo Phật, lại có màu sắc Đạo giáo, được thờ ở chùa. Riêng việc ghép Thánh Trần vào chỗ của bốn vị sư, cá nhân tôi thấy có hơi gượng ép chăng? Trần Hưng Đạo thì được tôn sùng còn hơn cả bốn vị kia nhiều, nhưng có lẽ không thống nhất lắm. Và tôn phong này có lẽ cũng không phổ biến.

Tuy nhiên, dân gian luôn có lý của dân gian, mà ở đây chắc tôi không thể hiểu hết được.

Quy mô thành Thăng Long

Sách cũ chép rằng Cao Biền đắp thành Đại La dài gần 2000 trượng, tức khoảng 6 km. Như thế thành này rộng khoảng bằng khu phố cổ ngày nay thôi.

Khi Lý Thái Tổ dời đô về, đã đắp lại thành với quy mô rộng hơn rất nhiều. Sách của ta không chép chi tiết về thành, nhưng có thể suy đoán được thông qua chính sử, các dấu tích còn lại ngày nay.

Thời Lý lấy thành cũ của Cao Biền làm trung tâm, mở rộng về phía Tây sát đến sông Tô Lịch, phía Đông sát đến sông Hồng. Có rất nhiều giả thiết, nghiên cứu của nhiều người về tường thành qua các triều đại, tôi không thể viết ra được hết, chỉ là sơ lược thôi.

Giả sử thành Thăng Long đời Lý, Trần, Lê có quy mô giống nhau, thì với các dấu tích còn lại, thành sẽ có hình dáng như bên dưới đây, với căn cứ là bản đồ Hồng Đức đời Lê và cả trên thực địa.

Khu hoàng thành màu vàng, lấy núi Long Đỗ làm trung tâm, phía Bắc sát sông Tô Lịch (cũ), đến ngã ba Tô Lịch - Thiên Phù (Bưởi) vòng xuống đến Cầu Giấy, theo đường Đê La Thành đến ô Chợ Dừa, tiếp đến nút Kim Liên, nối sang cuối Trần Khát Chân ra đên Nguyễn Khoái rồi theo đê sông Hồng lên tận Yên Phụ.

Trong các đoạn thành đó, ngày nay vẫn còn thấy khá rõ hầu hết, chỉ có đoạn phía Nam đã bị san bằng, thành đường Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân.

Lại có một đoạn thành chạy dọc Giảng Võ đến Nguyễn Thái Học, vòng phía nam Hoàng thành sang phía đông. Đoạn thành này chỉ còn lại chút dấu tích là sự chênh lệch cốt đường giữa hai nửa của phố Giảng Võ mà thôi.

Last edited by Chitto; 17-03-2010 at 10:42.

Bản đồ trên lấy Hoàng thành (màu vàng) là Thành Hà Nội đời Nguyễn. Các tài liệu đều cho rằng Hoàng thành thời Lý - Trần - Lê rộng hơn thế về cả ba phía. Trong Hoàng thành, chính giữa là điện Càn Nguyên dựng trên núi Long Đỗ. Hoàng thành mở bốn cửa là Đại HưngTường PhùDiệu ĐứcQuảng Phúc.

Bao quanh Hoàng thành là Kinh thành, hoặc La thành. Trong sử chỉ từng đề cập đến 5 cửa của Kinh thành là: cửa Triều Đông ở chỗ dốc Hoè Nhai bây giờ, cửa Tây Dương là Cầu Giấy bây giờ, cửa Trường Quảng là ô Chợ Dừa bây giờ, cửa Nam là ở nút Kim Liên hoặc cuối Bà Triệu bây giờ, cửa Vạn Xuân ở Đông Mác bây giờ. Nhưng có thể còn nhiều cửa khác nữa, đặc biệt là cửa thông ra sông Hồng.

Từ sông Hồng có sông Tô Lịch chảy xuyên vào thành rồi lại ra khỏi thành ở chỗ hồ Trúc Bạch, lại có lối thông từ sông Hồng vào hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm). Mùa lũ nước sông có thể tràn vào thành gây ngập khắp nơi. 


Người ta nói rất nhiều đến Tứ Trấn Thăng Long là bốn ngôi đền ở bốn phía, tuy nhiên chúng không phải chủ ý ban đầu của các vua Lý, mà có lẽ đời sau "nâng tầm" lên:

- Đền Bạch Mã hướng Đông: là ngôi đền cổ do Cao Biền dựng, có từ trước thành Thăng Long.

- Đền Trấn Vũ hướng Bắc: người ta nói là Lý Thái Tổ dựng, nhưng tôi nghi ngờ điều này vì nhiều nguyên nhân sẽ viết sau. Lai lịch ngôi đền này không rõ ràng, năm dựng cũng không rõ, thờ một vị thần rất Tàu.

- Đền Voi Phục hướng Tây: dựng đời Lý Thái Tông hoặc Lý Thánh Tông, cũng không cụ thể.

- Đền Kim Liên hướng Nam: mãi đến đời Lê mới thấy "xuất hiện" trong ghi chép, trước đó không ai biết lai lịch có hay không, như thế nào.

Hơn nữa bốn ngôi đền này quay hướng rất lộn xộn, mỗi cái một kiểu. Đền Trấn Vũ thực ra không phải là đền mà là Đạo quán, lại còn nằm ngoài vòng Kinh thành, cách sông Tô Lịch. Những điều này khiến tôi cho rằng cái truyền thống về Thăng Long tứ trấn chỉ có từ đời Lê, chứ không phải từ đời Lý.


Những dấu xưa


Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi, dời đô liền cho xây 8 ngôi chùa ở quê mình tại Cổ Pháp, và hàng loạt chùa ở Thăng Long. Trong suốt đời Lý, những ngôi chùa lớn được dựng lên, song sử sách ghi lại đến hàng chục chùa. Thế nhưng vết tích của các ngôi chùa đó còn lại đến nay không nhiều.

Ngôi chùa cổ nhất của đất Thăng Long là chùa Khai Quốc dựng từ thời Lý Nam Đế, 500 năm trước Lý Thái Tổ, ngoài bãi sông Hồng, cho nên thực tế là ngoài vòng thành Thăng Long. Mãi đến đời Lê mới dời vào vị trí cung Thuý Hoa, là hòn đảo giữa hồ Tây, và đổi là Trấn Quốc

Chùa Chân Giáo dựng năm 1024 là ngôi chùa lớn, gắn liền với sự kiện bi thảm là vua Lý Huệ Tông phải thắt cổ tự tử tại đây khi bị Trần Thủ Độ ép, chấm dứt nhà Lý. Dấu tích không còn gì, chỉ ngờ rằng nằm tại khu phía đường Đội Cấn.

Chùa Diên Hựu với đài Liên Hoa (được gọi là chùa Một Cột) đã quá nổi tiếng, dựng đời Lý Thái Tông năm 1049, ngay bên cạnh Hoàng thành. Vị trí chính xác vẫn không xê dịch, chỉ có chùa xưa không còn gì. Cái chùa Một Cột hiện nay dựng lại năm 1955 tại vị trí chùa cũ.

Chùa Báo Thiên dựng năm 1057, mà tên chính xác là Sùng Khánh Báo Thiên, ngôi Quốc tự lớn nhất trong triều Lý - Trần, với ngọn bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên được coi là công trình đồ sộ và cao nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam, đã đi vào huyền thoại. Ngày nay đó là vị trí nơi khu vực đặt Nhà thờ Lớn.

Chùa Hoè Nhai nằm gần bến sông, đến nay vẫn còn nguyên. Đây cũng là dấu tích của Đông Bộ Đầu với chiến thắng lịch sử triều Trần.

Chùa Láng gắn liền với Từ Đạo Hạnh, dựng thời Lý Anh Tông, ngày nay vẫn là ngôi chùa rất đẹp, đặc biệt là giữ nguyên được khuôn viên chùa rộng vào bậc nhất Hà Nội.

Chỉ riêng trong triều Lý Thái Tổ, tại Thăng Long đã dựng lên các chùa: Hưng Thiên, Vạn Tuế, Thiên Quang, Thiên Đức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Chân Giáo, Đại Giáo. Ngày nay chẳng ngôi nào còn dấu tích.

Last edited by Chitto; 10-04-2010 at 10:44.

Lý Thái Tổ xuất thân từ chùa nên lên ngôi là dựng chùa, chứ không dựng các đền đài Nho giáo, Đạo giáo kiểu Trung Quốc. Có điều làm tất cả các sử gia đời sau đều phân vân là trong sử ghi rõ Lý Thái Tổ tôn phong cho cha mình làm Hiển Khánh Vương, chú làm Vũ Đạo Vương, rồi lại phongbà nội làm Thái Hậu, trong khi không ai biết cha của ông là ai ! Người ta chỉ biết mẹ đẻ là bà Phạm Thị, còn cha ruột thì chính sử, dã sử đều chịu chết !

Sử thì ghi Lý Thái Tổ là con "người thần", có thuyết thì nói là con sư Lý Khánh Văn, hoặc con Lý Vạn Hạnh, nhưng đều không đủ chứng cứ. Vậy Hiển Khánh Vương, Vũ Đạo Vương là ai ??? Đến giờ vẫn chịu như các cụ xưa từng chịu.

Đến đời con cháu của Lý Thái Tổ, tại Thăng Long mới dựng các công trình thờ cúng quốc gia theo kiểu Trung Hoa: đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Thái Miếu, Văn Miếu.

Đàn Nam Giao, còn gọi là đàn Viên Khâu (có nghĩa là gò đất tròn) vì đàn đắp bằng đất, hình tròn, dùng để tế Trời, cụ thể là Thiên hoàng Thượng đế. Mãi đến năm 1154, vua Lý Anh Tông mới dựng đàn Nam Giao ở phía Nam thành Thăng Long để khẳng định vị thế Thiên tử sánh ngang với Trung Hoa. Các triều đại sau tiếp tục tế trời ở đó. Triều Lê dựng điện Nam Giao, sau bị Pháp phá xây nhà máy diêm. Rồi nhà máy diêm lại thành Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - 114 Mai Hắc Đế.

Đến nay nhà máy cơ khí trở thành đất của khu tháp Vincom. Tuy nhiên đến giờ vẫn không thể xác định chính xác vị trí của đàn Nam Giao, mà chỉ áng chừng ở khu vực đó mà thôi.
Last edited by Chitto; 20-03-2010 at 01:00.


Dấu tích Nam Giao


Khi người Pháp phá điện Nam Giao, họ chỉ giữ lại một tấm bia lớn rất đẹp là "Nam Giao điện bi ký" của triều Lê, mang về bảo tàng của viện Viễn Đông Bác Cổ giữ, nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tấm bia lưu giữ dấu tích của một Tế đàn quan trọng nhất thời phong kiến, nay dầm mưa dãi nắng cùng nhiều di vật khác, mà hoài tưởng về thời huy hoàng trong quá khứ.


Có câu chuyện rằng khi Mỹ nối lại quan hệ chính thức với Việt Nam, đi tìm nơi đặt Đại sứ quán, và họ nhắm cái nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đó. Tuy nhiên khi tham khảo ý kiến của GS. Trần Quốc Vượng, thì cụ Vượng bảo rằng: Đó là đất đàn Nam Giao, đất thiêng của người Việt, các ông mà làm Sứ quán ở đó thì không được đâu. Và thế là họ chuyển sang Láng Hạ.

Nhưng sau đó, mảnh đất này cũng thuộc về Vincom, nơi xây toà tháp thứ ba.
Last edited by Chitto; 26-09-2011 at 17:43.

Đàn Xã Tắc


Đàn Nam Giao để tế trời, khẳng định Thiên mệnh. Đàn Xã Tắc để tế thần Xã (Hậu Thổ) là thần Đất, và thần Hậu Tắc là thần Lúa.

Đàn Xã Tắc phải đắp bằng đất, hình vuông, khác với đàn Nam Giao hình tròn (trời tròn đất vuông), lấy đất từ khắp các địa phương trong toàn quốc về đắp, tượng trưng cho chủ quyền quốc gia. Xã Tắc do đó cũng để chỉ đất nước của vua.

Triều Đinh đã lập đàn Xã Tắc tại Hoa Lư rồi, tuy nhiên Lý Thái Tổ không quan tâm đến việc này khi dời đô về Thăng Long. 38 năm sau, đời con của ngài là Lý Thái Tông, năm 1048 mới lập đàn ở phía Tây Nam, sử ghi là ngoài cửa Trường Quảng, tức khu vực phía ngoài Ô Chợ Dừa ngày nay (Tuy nhiên vẫn có người nghi ngờ vị trí này).

Triều Trần phong tôn hiệu ghép chung hai thần là: Thiên tổ Địa chủ Xã Tắc Đế quân

Triều Nguyễn chuyển vào Huế, đàn bị bỏ hoang, không ai thờ cúng nữa.

Ngày nay không rõ chính xác nền đàn Xã Tắc ở đâu, chỉ có địa danh Xã Đàn, gồm cả một làng rộng, một hồ, một chùa, và gần đây nhất là con phố "đắt nhất hành tinh" cũng mang tên Xã Đàn. Chỗ đầu phố mà người ta xôn xao là tìm thấy nền đàn Xã Tắc cũng chỉ là nghi ngờ, chứ chẳng chứng minh được, giờ dựng cục đá rõ to đánh dấu.

Trong chùa Nam Đồng gần đấy, năm 2008 có dựng một bàn thờ, cột đá xà gỗ mái ngói khá đẹp, đề chữ Thiên Tổ Địa chủ Xã Tắc đế quân để thờ vọng, coi như là để khôi phục hương hoả đã bị dứt từ hơn hai trăm năm trước.

Bàn thờ vọng thần Xã Tắc trong chùa Nam Đồng

Last edited by Chitto; 02-01-2011 at 01:44.

Đền Đồng Cổ

Công trình mà Lý Thái Tông dựng ngay sau khi lên ngôi không phải chùa như cha mình, mà là đền Đồng Cổ.

Lý Phật Mã khi còn là Thái tử, đi đánh Chiêm Thành qua vùng Thanh Hoá, núi Khả Phong gần sông Mã, núi ấy còn gọi là núi Đồng Cổ (tức Trống đồng), và khúc sông Mã cũng gọi là sông Đồng Cổ. Thái tử nằm mộng thấy vị thần núi Đồng Cổ báo mộng và hứa âm phù, do đó khi về Thăng Long đã dựng miếu nhỏ thờ thần. Có lẽ khi đó vì chỉ là Thái tử, chưa có nhiều quyền, nên miếu phài nằm phía ngoài thành, đúng hơn là ở chân thành.

Ngay khi Lý Thái Tổ vừa mất, ba người em trai của Lý Phật Mã đều làm Vương làm loạn định cướp ngôi của anh. Nhờ Lê Phụng Hiểu sức khoẻ hơn người, chém chết một người, hai người kia bỏ chạy, mà Lý Phật Mã lên ngôi, tức Lý Thái Tông, sau rồi tha tội cho hai em, đời sau gọi là Loạn tam vương. (lịch sử lặp lại: triều Đinh thì Nam Việt vương Đinh Liễn giết em là Đinh Hạng Lang, triều Tiền Lê thì Lê Long Đĩnh giết vua anh để lên làm vua, nên các 3 vương kia cũng định theo lối đó. Lê Phụng Hiểu về sau cũng được phong làm Thần).

Tương truyền đêm trước đó Lý Phật Mã lại nằm mộng thấy thần Đồng Cổ báo trước, nên mới có sự chuẩn bị kịp thời. Vì thế ngay sau khi lên ngôi, Vua cho dựng đền thờ thần Đồng Cổ, coi vị Thần chủ chuyên bảo hộ cho Vua, phong là Thiên Hạ Minh Chủ thần.

Và cứ vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm, toàn bộ hoàng gia và triều đình đều phải ra lễ đền, đọc lời thề: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, nếu trái lời thề, thần minh tru diệt". Lệ này đến đời Trần và đầu đời Lê vẫn còn tiếp tục. Đời Trần phong hiệu thêm là Thiên hạ Minh chủ Linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương.

Thề thì cứ thề, giết vua như Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông tự tử, Hồ Quý Ly giết Trần Thuận Tông dã man, Lê Thái Tổ giết Trần Cảo, thì cứ làm. Ai mạnh hơn, thời cơ cho ai thì Thần cũng phải theo thôi.


Đền Đồng Cổ ngày nay ở phố Thuỵ Khuê, đã bị lấn chiếm rất nhiều. Một lạch nước đen sì chảy ngang qua, là dấu tích của sông Tô Lịch ngày xưa còn lại.



Toà phương đình phía trước điện thờ đang được tu sửa, sẽ treo tấm biển "Đồng Cổ linh từ"

Last edited by Chitto; 24-03-2010 at 22:16.

Đền Hoằng Thánh

Có vị thần chủ trông coi cho ngôi vua rồi, năm 1037, Lý Thái Tông lại phong thần cho Phạm Cự Lượng làm vị thần chủ về hình ngục, xử án.

Phạm Cự Lượng làm tướng triều Đinh Tiên Hoàng, rồi theo Lê Đại Hành làm đến Thái Uý, đứng đầu các võ quan. Nay Lý Thái Tông phong làm Đô hộ phủ Ngục Tung Minh chủ Hoằng Thánh đại vương, lập đền ở phía nam hoàng thành để thờ cúng.

Đời Trần gia phong làm Hoằng Thánh Khuông quốc Trung vũ Tá trị Đại vương, đến đời Lê vì kiêng huý mà đổi thành Hồng Thánh. Ngày nay đền Hồng Thánh chính là đình Lương Sử. Như thế có thể đoán phía ấy xưa kia có nhà ngục của triều Lý.

Đình Lương Sử ngày nay, trên đề: Phạm Thái Uý linh từ, nguyên là đền thờ Thần Ngục.


Từ đời Lý Thái Tông trở đi, thỉnh thoảng đánh Chiêm Thành lại bắt người Chiêm mang về, trở thành nô lệ cho riêng vua. Từ đấy các công trình xây dựng thường có dấu tích Champa rất rõ. Con rồng đời Lý nổi tiếng cũng mang nhiều hình ảnh Champa. Phía Tây thành Thăng Long và bên kia sông Hồng trở thành chỗ người Chiêm sinh sống. Có điều giờ không còn gì cả, họ bị đồng hoá hết hoặc tuyệt diệt cả rồi chăng?
Last edited by Chitto; 22-03-2010 at 00:23.

Đời Lý Thái Tông để lại một công trình mà người ta còn nhắc mãi đến ngày nay, đó là chùa Một Cột. Cái này thì người ta nói nhiều quá rồi, viết sơ qua chứ không lại nhàm.

Năm 1049, Lý Thái Tông nằm mơ thấy Quan Thế Âm dắt lên đài sen, cảm thấy điềm báo không tốt. Sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa hình đài sen để thờ Quan Âm, dựng chùa lớn để thờ Phật. Thế là chùa Diên Hựu (nghĩa là kéo dài sự phù hộ, kéo dài cõi phúc), và đài Liên Hoa được dựng. Đài Liên hoa chỉ là một bộ phận của chùa, nhưng giờ đây lại thường được gọi là chùa Một Cột.

Tương truyền rằng năm 1954, trước khi rút đi, quân Pháp nổ mìn phá huỷ đài Liên Hoa, và năm 1955 mới dựng lại như thấy ngày nay, nhỏ hơn nguyên bản một chút. Cây cột chính giữa đỡ đài làm bằng đá, phía trên toàn bộ bằng gỗ, lợp ngói, trong để tượng Quan Âm, chỉ một người quỳ là hết chỗ.


Ngôi "chùa" nguyên bản 850 tuổi (??) những năm 1900, và ngôi chùa hiện tại, mới 50 năm tuổi. 

 ....

Quote Originally Posted by KK172 Xem bài
Chùa Một Cột hồi xưa "chân dài" hơn chùa bây giờ nhỉ 
Chân không dài hơn, mà là nước cạn hơn.

Cái ao mà đài Liên hoa nằm giữa gọi là hồ Linh Chiểu, nghĩa là cái ao tròn linh thiêng. Như thế xưa kia ao là tròn, không biết từ bao giờ mới làm thành hình vuông? Trong đời Lý chùa có quy mô lớn, với các tháp, lầu, toà ngang dọc. Nhưng rồi theo thời gian biến đổi, chẳng còn lại gì, ngoài đài Liên hoa và một nếp chùa nhỏ mà thôi.

Hai người phụ nữ với nón thúng quai thao, áo dài cổ bên "chùa Một Cột" những năm 1900:

Last edited by Chitto; 23-03-2010 at 11:36.

Quán Trấn Vũ

Người ta vẫn hay nói đến đền Trấn Bắc của Thăng Long là Quán Thánh, hay đền Trấn Vũ, tương truyền do Lý Thái Tổ dựng.

Tuy nhiên, xét ra điều này có lẽ không được phù hợp. Trước hết Lý Thái Tổ chủ yếu lo dựng chùa, ngay cả đàn Xã Tắc cũng không quan tâm, và ngay cả ngôi đền thờ Long Thần ở phía Nam cũng đổi thành chùa thờ Phật, liệu có thể cho dựng một ngôi đạo quán cho Đạo giáo được chăng?

Trong khi đó Lý Thái Tông dựng khá nhiều đền thờ thần, và sử cũng ghi rằng khi các đạo sĩ xin được hành đạo, vua đã cho dựng Quán Thái Thanh. Cho nên tôi nghĩ có thể đền Quán Thánh (như ta quen gọi) được lập vào thời Lý Thái Tông thì phù hợp hơn. Tuy nhiên thời đó vẫn còn rất nhỏ hẹp, nên không được ghi vào sử.

Thực tế đây là ngôi Đạo quán, mang cả hai tên: Chân Vũ quán, và Trấn Vũ quán. Đây là một điều khá thú vị, khi mà tại Trung Quốc chỉ có tên Chân Vũ, còn Việt Nam đặt chệch thành Trấn Vũ, và dùng cả hai tên. Có lẽ từ Trấn Vũ là ghép của Trấn Thiên Chân Vũ, là vị thần được tôn thờ rất mực trong Đạo giáo (tôi sẽ viết kĩ hơn khi đến bài dành riêng cho ngôi đền / đạo quán này).

Tên của ngôi đạo quán này không được nhắc đến trong bất kì sử sách nào đến mãi đến tận đời Hậu Lê, khi Đạo giáo được khôi phục, và Quán Trấn Vũ được tu sửa to lớn, đúc tượng đồng lớn. Thế là từ ngôi Đạo quán không tên tuổi đời Lý, được tôn sùng như là ngôi đền Trấn phương Bắc của thành Thăng Long, và được gọi là đền Trấn Vũ hay Quán Thánh.


Quán Thánh - Quán Trấn Vũ năm 1929, có thể thấy hồ Tây ra sát đến bốn cột trụ của đền (nay nằm trên vỉa hè).


(Dòng chữ viết: Chùa Phật lớn, phía Nam của hồ Lớn. Người Pháp nhầm đây là chùa, và nhầm tượng đồng Trấn Vũ là tượng Phật. Hồ Lớn - Grand Lac - là hồ Tây, hồ Nhỏ - Petit Lac - là hồ Gươm)
Last edited by Chitto; 24-03-2010 at 00:49.


Lý Thánh Tông

Sau thời Lý Thái Tông phong thần, dựng đền, Lý Thánh Tông nối ngôi cũng cho xây dựng nhiều công trình, mà vang danh đến nghìn năm sau làVăn Miếu (1070). 

Lý Thánh Tông dù sùng Phật giáo, nhưng cũng chuyển hướng trong cai trị sang trọng dụng Nho học. Không chỉ thờ Phật như ông nội, thờ thêm các Thần linh mang màu sắc Đạo giáo như cha, vua chính thức tôn thờ vị Thánh triết của Trung Hoa là Khổng Tử, đặt tại phía Nam của hoàng thành. 

Cũng tại khu vực Văn Miếu, học theo Trung Quốc, đến đời sau là Lý Nhân Tông đã lập Quốc Tử Giám (1076), để ngày nay khắp mọi nơi tung hô là Đại học đầu tiên của nước ta. Đại học chuyên giảng dạy về Văn thơ, Lịch sử Tàu, Triết học Tàu, và hoàn toàn bằng chữ của Tàu. Bốn trăm năm sau, những tấm bia Tiến sĩ được dựng lên tại đây. 

Những gì mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có là di sản rất lớn, đến nỗi kể cả khi triều Nguyễn dời đô vào Huế, và cố tình triệt hạ tầm vóc của Thăng Long, thì Văn Miếu Huế cũng vẫn rất tầm thường nhỏ bé, kém xa so với Văn Miếu Thăng Long.

(Viết về Văn Miếu, lại phải có những bài viết riêng, đầy đặn hơn, công phu hơn. Ở đây chỉ là liệt kê một số dấu thời Lý Thánh Tông với Thăng Long mà thôi.)

Cổng Văn Miếu những năm 1900, chỉ riêng toà cổng này đã thể hiện tầm vóc lớn hơn Văn Miếu Huế, Văn Miếu Hưng Yên, Mao Điền.



Tháp Báo Thiên

Đời Lý Thánh Tông xây dựng một công trình để lại nhiều huyền thoại nhất, thậm chí còn liên quan đến cả một số sự kiện chính trị - xã hội gần đây, đó là Chùa - tháp Báo Thiên.

Hai năm sau khi lên ngôi, năm 1056, Lý Thánh Tông cho dựng ngôi chùa lớn nhất của Thăng Long, và cũng là lớn nhất toàn quốc: chùa Sùng Khánh Báo Thiên, đúc chuông nặng 1,2 vạn cân (chắc khoảng hơn 4 tấn) đặt trong chùa. Sang năm sau lại cho xây tháp Đại Thắng Tư Thiên 12 tầng, cao "vài chục trượng". Về sau để ngắn gọn hay gọi tắt là chùa Báo Thiên và tháp Báo Thiên.

Tháp chính xác cao bao nhiêu không rõ. Cứ coi như hai chục trượng, thì cũng hơn 60m rồi, gần gấp đôi Cột cờ Hà Nội ngày nay. Tầng trên cùng của tháp được dát đồng có ba chữ Đáo lý thiên (đến tận trời). Nhiều chỗ viết đúc bằng đồng, tôi nghĩ không thể làm được ở độ cao thế. Do đó tháp (hay đỉnh tháp?) được coi là một trong An Nam tứ đại khí, bốn báu vật lớn của nước Nam: gồm Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh. Bốn thứ đều to lớn làm bằng đồng, tuy nhiên không phải cùng lúc, mà từ cái đầu đến cái cuối cách nhau hơn một trăm năm.

Chùa và tháp Báo Thiên là chùa lớn nhất cho đến hết triều Trần. Khi giặc Minh xâm lược đã phá tháp Báo Thiên (và cả tứ đại khí). Đến triều Lê và đầu Nguyễn vẫn còn chùa, nhưng khi Hà Nội thất thủ, binh lửa tràn lan thì chùa bị bỏ hoang, cho nên khi Pháp vào thì dùng đất đó xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Ngày nay, tất cả những gì còn lại của chùa Báo Thiên xa xưa chỉ còn lại một chiếc miệng giếng bằng đá nay để trước hang đá sau Nhà thờ Lớn. Miệng giếng gồm hai thớt đá liền khối lớn tạc hoa văn có lẽ của triều Lê, trên miệng còn nhiều vết hằn của dây gàu qua hàng trăm năm. Giếng xưa đã bị lấp lâu rồi, chỉ còn miệng giếng người ta mang bỏ sang đây.


Đền Voi Phục

Ngôi đền Trấn Tây - Voi Phục có một lai lịch không rõ ràng, và vị thần được thờ trong đó cũng vậy. Người ta đều viết đền thờ thần Linh Lang, nhưng Linh Lang là ai? mỗi chỗ viết một kiểu. 

- Linh Lang là hoàng tử Hoằng Chân, sống tại vùng Thủ Lệ.
- Linh Lang con của Lý Thái Tông, hoặc Lý Thánh Tông (?). 
- Đền thờ do Lý Thái Tông hoặc Lý Thánh Tông sai dựng (?)
- Hoàng tử Hoằng Chân có công đánh giặc Tống, trở về Thủ Lệ hoá thành thuồng luồng lặn xuống hồ; hoặc là hi sinh trên sông Như Nguyệt (?), nên được phong làm thần.

Thoáng qua đã thấy vô lý: không lẽ cha dựng đền thờ con? Hơn nữa trận chiến chống Tống (1075 - 1076) xảy ra vào đời Lý Nhân Tông, khi đó cả Thái Tông, Thánh Tông đều đã chết rồi, thế thì làm sao Hoằng Chân đã chết trận mà dựng đền thờ được?

Có nhiều người đã cố giải thích chuyện này. Linh Lang thực ra là vị Thuỷ thần vùng sông nước suốt một dải đồng bằng sông Hồng, được cư dân ven sông tôn thờ từ rất lâu đời. Đến đời Lý Thái Tông hoặc Thánh Tông dựng đền thờ ở phía Tây, khu vực nhiều đầm hồ, lại thông với hồ Tây. 

Hoàng tử Hoằng Chân là con của Lý Thái Tông, em Lý Thánh Tông từng sống ở đây, là một tướng giỏi về đánh thuỷ chiến, cùng Chiêu Văn thống lĩnh cánh quân thuỷ trong trận chiến với quân Tống trên sông Như Nguyệt. Hoằng Chân hi sinh, được người dân tôn thờ và đồng nhất với thần Linh Lang, coi Hoằng Chân là một hoá thân của Linh Lang. Các truyền thuyết kì quái về Hoằng Chân được dựng lên sau đó để thần thánh hoá.

Đền thờ Linh Lang có suốt một dải đến tận Hải Phòng. Khu vực nhà cũ của Hoằng Chân - Linh Lang được gọi là Thủ Lệ, nghĩa là nơi giữ gìn lệ cũ thờ thần Linh Lang.


Đền thờ thần có hai con voi chầu ở hai bên, nên dân gian goi là đền Voi Phục, được coi là Trấn Tây của Thăng Long, ảnh chụp từ năm 1883.

(Cũng nói thêm là ở Thuỵ Khuê cũng có một đền Voi Phục, thờ Uy Linh Lang, lại là vị thần đời Trần, chứ không phải Linh Lang)



Thờ thần Chămpa


Lý Thánh Tông sau khi đánh Chiêm Thành đã đem về Thăng Long một vị thần rất mới với người Việt: đó là vị nữ thần Chămpa.

Sử sách chép rằng vua khi đi đánh Chiêm Thành, qua cửa biển sóng to gió lớn, đêm được vị nữ thần báo mộng, xưng là chủ của đất này. Vua thờ cúng nữ thần đó thì sóng yên gió lặng. Đánh thắng, bắt được vua Chiêm là Chế Củ, Lý Thánh Tông lấy sạch kho tàng Chiêm Thành, lại bắt thêm 5 vạn người Champa về làm nô lệ riêng cho hoàng gia. Vua về Thăng Long bèn lập đền thờ vị nữ thần Chămpa đó, đầu tiên gọi là Hậu Thổ Phu nhân, còn gọi là Nam Quốc Chủ đại Địa thần. Chữ Nam quốc là để chỉ nước phía Nam của Đại Việt, tức Chiêm Thành. Đền thờ ở làng Yên Lãng cạnh sông Tô Lịch, phía Nam, ngoại thành.

Đến đời Trần tôn phong là Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân.

Nhiều người cho rằng vị Nữ thần này chính là Bà mẹ xứ sở Ponagar của người Chăm. Lý Thánh Tông đem về lập đền thờ là một kiểu xâm lấn tâm linh, tất cả các thần của các vùng đất đều phải về cùng chỗ với vua.

Ngày nay đền đó trở thành đình Ứng Thiên, cuối phố Láng Hạ. Và cũng vì Nữ thần là Thần đất, cho nên khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, thì Nữ thần này cũng được coi là Mẫu Địa.


Con rồng Thăng Long


Những người Chiêm Thành bị bắt về Thăng Long được giao cho việc thổ mộc, xây dựng các công trình cho Hoàng gia. Chính những người thợ tài hoa này đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc Champa và Đại Việt, để tạo nên những tác phẩm rất đẹp, rất riêng cho triều Lý, không đâu có và cũng không lặp lại ở các triều đại sau.

Hình tượng con rồng đời Lý độc đáo rất riêng chỉ có từ sau đời Lý Thái Tông - Lý Thánh Tông, và là một biểu tượng đẹp. Cho đến về sau này, khi con rồng của Việt Nam có dáng vẻ dần giống rồng Trung Hoa (triều Nguyễn thì y hệt, chả khác gì), thì mới thấy con rồng đời Lý thật độc đáo.

Không chỉ con rồng, mà con phượng, con sư tử, sóc đá đời Lý cũng độc đáo, là tác phẩm kết hợp giữa văn hoá Trung - Việt - Chăm. Ngày nay các tác phẩm đó không còn nhiều, nhưng cũng vẫn là những đỉnh cao nghệ thuật tạo hình. Hai chữ Thăng Long có lẽ gắn liền với con rồng đời Lý hơn là bất cứ con rồng nào khác.


Con rồng đời Lý nguyên bản trên cột đá chùa Dạm



Và hình tượng con rồng đời Lý trên con đường gốm sứ, vị trí cầu Chương Dương




Thái hậu Ỷ Lan


Lần đầu tiên trong lịch sử Thăng Long có người phụ nữ nắm quyền tối cao, là bà Ỷ Lan. Sự tích về bà phần nào giống như truyện cổ tích.

Năm 1063, Vua Lý Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi mà không có con trai, đi chùa Dâu để cầu tự. Dọc đường, ngang làng Thổ Lỗi (nay là làng Siêu Loại, Gia Lâm, Hà Nội) đã gặp người con gái đẹp hái dâu, đứng tựa gốc lan, vua thấy lạ rước về cung, và gọi là Ỷ Lan để ngụ ý đứng tựa gốc lan. Tuy nhiên Ỷ Lan không được vào hoàng cung ngay mà phải bên ngoài, sát hoàng cung, chỗ chùa Kim Cổ bây giờ.

Ba năm sau, 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh con trai, nên được phong làm Thần Phi, rồi Nguyên phi, đưa vào hoàng cung. Con trai bà đặt tên là Lý Càn Đức (cái đức của Trời), chưa được 1 tuổi đã phong làm Thái tử. Sau đó bà còn sinh một con trai nữa được phong là Sùng Hiền Hầu. Dù xuất thân dân dã nhưng bà tích cực học hỏi chính sự, tỏ rõ tài năng trong việc quản lý quốc gia.

Khi Càn Đức 3 tuổi, Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1069). Thường vua đi chinh chiến thì giao Thái tử giám quốc, nhưng Càn Đức còn nhỏ, mà Ỷ Lan lại có tài, nên vua giao cho bà làm Nhiếp chính, chứ không tin cậy vào hoàng hậu, khi đó bà mới khoảng 25 tuổi. Lần nhiếp chính này của Ỷ Lan thành công đến nỗi vua đánh không thắng, chán nản kéo quân về, thì nghe dân gian ca ngợi Nguyên phi Nhiếp chính là Phật bà Quan Âm. Thấy thế vua xấu hổ quyết tâm quay lại. Trận ấy thắng Chiêm Thành, bắt Chế Củ, cướp về của cải nô lệ rất nhiều, lại càng sủng ái Ỷ Lan.

Ba năm sau nữa, 1072, Lý Thánh Tông mất, khi đó Ỷ Lan 28 tuổi, làm Hoàng thái phi. Càn Đức lên ngôi, bà hoàng hậu vợ chính trở thànhThượng Dương hoàng thái hậu, liên kết với thái sư Lý Đạo Thành buông rèm nhiếp chính. Nhưng Ỷ Lan cao tay hơn, liên kết với Lý Thường Kiệt, và lại có con trai làm vua mới có 7 tuổi, nên đã lật ngược lại thế cục. Trước hết bà được phong Linh Nhân hoàng thái hậu, sau đó bắt giam Thượng Dương hoàng thái hậu, rồi bỏ chết đói cùng hơn 70 cung nữ (hoặc bắt tự tử để chôn theo Thánh Tông).

Sau khi loại bỏ Thượng Dương một cách khá tàn nhẫn, Ỷ Lan nhiếp chính lần thứ hai cho đến khi con trai đủ lớn để nắm quyền, thì lui về tìm hiểu Phật giáo. Cuối đời bà sám hối vì tội lỗi giết hoàng hậu trước kia, cho xây dựng hơn trăm ngôi chùa khắp nơi và thường xuyên tu ở chùa.

Ỷ Lan được coi là người phụ nữ không chỉ có sắc đẹp mà còn có tài và uyên bác bậc nhất của nước Việt, xuất thân bình dân nên khi ở ngôi cao cực phẩm vẫn hiểu dân chúng. Tuy có thủ đoạn trong chính trị nhưng công vẫn gấp hơn nhiều lần.
Last edited by Chitto; 05-04-2010 at 00:47.

Ỷ Lan được thờ ở nhiều nơi. Trong nội thành là ở đình Yên Thái ngõ Yên Thái.

Đền chính của Thái hậu Ỷ Lan tại quê bà, nằm ở ngoại thành Thăng Long xưa, nay thuộc huyện Gia Lâm. Đền tuy bằng gạch đơn sơ nhưng khá đẹp. Cạnh đền là chùa, nơi xưa kia bà Ỷ Lan đã cho xây dựng để sám hối.



Trong khu vực đền - chùa, còn lại ba di vật từ thời Lý, cùng thời với Ỷ Lan. Đó là đôi sư tử đá và một bệ thành bậc bằng đá chạm con sóc, với con phượng ở thành. Nét điêu khắc mang đậm dấu ấn kết hợp Việt - Champa.




Hầu hết những con sóc (hay sấu) đá ở thành bệ đều bị vỡ mất phần đầu. Chỉ còn lại duy nhất 1 con còn nguyên vẹn, đào được tại khu Bách Thảo ngày nay. Có thể đó là khu vực cung điện phía Tây hoàng cung.

Có thể thấy điêu khắc bệ tượng hoa sen, thành bậc đá... đã được đặt thành chuẩn mực. Các thành bậc còn lại đều giống hệt nhau về trang trí, hình con sóc, chim phượng, hoa cúc dây. Nghệ thuật đời Lý không những rất độc đáo mà còn được chuẩn hoá rõ nét.


Last edited by Chitto; 10-04-2010 at 10:45.

Thánh Chúa và Thánh Đức

Chuyện cầu con của Lý Thánh Tông còn liên quan đến hai ngôi chùa trên đất Hà Nội (nhưng là ngoại thành Thăng Long).

Khi có Ỷ Lan rồi, Lý Thánh Tông vẫn chưa có con, thường đi cầu tự ở ngôi chùa phía Tây thành Thăng Long. Khi không đến được thì vua sai nội thị là Nguyễn Bông thường xuyên đến đó khẩn cầu. Truyền thuyết kể rằng có pháp sư là Đại Điên bảo với Bông là có thể làm thuật để Bông thoát xác đầu thai làm con vua. Việc bị lộ, Nguyễn Bông bị chém đầu ở ngoài cổng chùa, còn Đại Điên thì không thấy nói đến nữa, nhưng lại xuất hiện trong truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh sau này.

Đến khi Ỷ Lan sinh được con trai, vua mừng rỡ sai đổi tên chùa thành Thánh Chúa, dọc đường từ chùa Thánh Chúa về hoàng thành lại cho dựng chùa Thánh Đức, ngụ ý mong cho con mình sẽ thành vị vua tài giỏi và đức độ. Điều mong ước đó trở thành hiện thực, thái tử Càn Đức sau này là vua Lý Nhân Tông là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, là vị vua tài giỏi anh minh bậc nhất.

Ngày nay chùa Thánh Chúa nằm lọt trong khuôn viên trường ĐH Sư Phạm. Còn chùa Thánh Đức thì chính là chùa Hà nổi tiếng về cầu duyên, nằm cuối phố Chùa Hà.


Cổng chùa Thánh Chúa




Và chùa Thánh Đức (chùa Hà)


(Có truyền thuyết khác nữa về chùa Hà, nhưng riêng tôi thấy truyền thuyết này hợp lý, lại cũng thật hay)

Thập tam trại


Lý Nhân Tông nối ngôi, là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam, 56 năm.

Thời đầu, Thái hậu Ỷ Lan cùng Thái uý Lý Thường Kiệt nắm quyền, Đại Việt hùng mạnh đã mang quân sang đánh nhà Tống, phá Ung Châu, Khâm Châu, làm cỏ cả thành Ung Châu. Quân Tống sang đánh nhưng bị chặn lại tại Như Nguyệt rồi rút về. Thăng Long không hề bị thương tổn nào. Đền thờ Lý Thường Kiệt được lập ở phía nam Thăng Long. Về Văn, đời Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám là trường học quốc gia đầu tiên.

Có truyền thuyết rằng con gái Lý Nhân Tông đi thuyền trên sông Đuống, bị chết đuối. Có người làng Lệ Mật vớt được xác, Lý Nhân Tông ban thưởng bằng cách cho người dân Lệ Mật vào lập 13 trại tại phía Tây của Thăng Long, khi đó còn ít người sinh sống, chỉ có một số quan, lính. Từ đó hình thành nên tên gọi Thập tam trại.

Thập tam trại chính xác gồm những nơi nào không rõ, ngày nay về lễ đình Lệ Mật thì gồm các nơi: Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Kim Mã, Xuân Biểu, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Yên.

Đình Lệ Mật, nơi thờ thành hoàng làng, cũng là người có công lập ra Thập tam trại. 




Lý Thường Kiệt

Một trong những người Thăng Long nổi tiếng nhất là Lý Thường Kiệt, vị tướng giỏi nhất triều Lý. Ông tên thật là Ngô Tuấn, quê ngay tại khu vực phía Nam thành Thăng Long. Khi Lý Thái Tổ dời đô thì một phần làng quê ông thuộc về kinh thành.

Sinh ra dưới thời Lý Thái Tông, ông là nội thị (hoạn quan) của Lý Thái Tông, nhưng do có tài nên đến thời Lý Thánh Tông thì được nắm giữ quân đội. Sang đến triều Lý Nhân Tông, ông được phong Thái Uý, đứng đầu hàng Võ, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Ông liên kết với Thái hậu Ỷ Lan, đã thắng phe của Thái hậu Thượng Dương và Thái sư Lý Đạo Thành năm 1069.

Cùng Thái hậu Ỷ Lan nắm quyền, trước tin nhà Tống định đánh chiếm Đại Việt, ông quyết định chủ động đánh trước. Và trận đánh năm 1075 đó là lần duy nhất người Việt chính thức đánh Trung Quốc, phá tan Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, làm cỏ thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay) giết 58 nghìn người trong thành đó. Tổng cộng giết quân và dân Hán gần 100 nghìn, rồi rút về nước.

Nhà Tống đem quân sang báo thù, ông lập phòng tuyến Như Nguyệt, giằng co, cuối cùng quân Tống phải rút về. Tại phòng tuyến này đã vang lên bài thơ bất hủ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Lý Thường Kiệt từ họ Ngô được ban họ Lý, gia phong rất nhiều tước, có thể nói là thuộc loại bậc nhất trong các quan lại triều Lý: Thượng trụ quốc, Phụ Quốc Thái phó Thượng tướng quân, tước Khai Quốc công.
(Tước từ cao xuống thấp có Công - Hầu - Bá - Tử - Nam, hoàng tử thời Lý Thánh Tông cũng chỉ phong tước Hầu, mà ông tước Công, thì còn cao hơn).

Ông mất khi 87 tuổi, được truy phong Việt Quốc Công, là tước Quốc Công cao nhất có thể có.
Last edited by Chitto; 05-04-2010 at 00:40.

Đền thờ Lý Thường Kiệt được lập tại quê nhà ông là làng An Xá, sau là Cơ Xá, nay thuộc khu vực gần viện Pasteur. Đền gọi là đền Cơ Xá, nằm đầu phố Nguyễn Huy Tự


Tương truyền khi mất Lý Thường Kiệt được chôn ngay trong thành Thăng Long, khu vực đất làng Nam Đồng ngày nay, nơi đó nay là đình Nam Đồng, trên phố Nguyễn Lương Bằng.


Ngoài ra còn đình Phúc Xá, đền Tiên Thiên cũng thờ Lý Thường Kiệt.

Quote Originally Posted by linhnam Xem bài
sao lại là tương truyền hả bác?
Là vì bên cạnh hầu hết các tài liệu đều ghi là quân Pháp phá huỷ chùa Một Cột, vẫn có nguồn tin cho rằng không phải thế. Điều nghi ngờ đó cũng có thể có lý, khi mà tôi thấy rằng người Pháp rất cẩn thận lưu giữ các công trình kiến trúc cổ Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội. Trong thư viện của họ còn giữ bản vẽ chi tiết các ngôi chùa ở HN, thiết kế, cấu trúc... một cách tỉ mỉ. Tất cả các tấm bia đều được họ làm bản dập lưu trữ, những việc đó người Việt mình còn không làm nổi. Nhất là phải nhớ lại giai đoạn chính chúng ta đã tiêu huỷ vô số công trình văn hoá của mình thế nào.

Cho đến nay các nguồn tài liệu đều chỉ ghi chung chung là "quân Pháp nổ mìn phá huỷ chùa Một Cột", nhưng phá khi nào, lúc nào, có bằng chứng gì, có ai chứng kiến ... thì hoàn toàn không. Vì vậy tôi cũng không thể khẳng định điều đó (như các báo chí khác) được.

@DUNG_BTT: Cảm ơn bạn, tôi cũng chỉ làm điều gì mình thích, và viết ra những điều mình biết để chia sẻ với mọi người, kẻo rồi chính mình lại quên đi thôi. Gặp tôi ngoài đời thì là một người chán ngắt ấy mà.

Lăng Phùng Hưng

Nhân nói đến phần mộ Lý Thường Kiệt được cho rằng nằm trong khu vực đất đình Nam Đồng, không thể bỏ qua một lăng mộ khác cũng nằm giữa Thăng Long, là mộ của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Phùng Hưng người làng Đường Lâm, mảnh đất sau này còn có vua Ngô Quyền. Nổi dậy chống lại nhà Đường đô hộ trong khoảng 766 - 790, ông đã có nhiều thành công, vây được quân nhà Đường đóng ở huyện Tống Bình (khu vực Thăng Long sau này), đuổi được quân Đường sang bên kia sông. Sự nghiệp chưa thành thì Phùng Hưng qua đời năm 791, khi mới ngoài 40 tuổi.

Đến nay, có một lăng mộ được nhân dân ngàn năm tôn thờ là mộ của Phùng Hưng, nằm ngay giữa thành Thăng Long. Thực tế là có thể chỉ là lăng thờ tượng trưng, vì sau khi Phùng Hưng mất, quân Đường chiếm lại đất Tống Bình, mà sự trả thù của người Tàu đều không đơn giản, liệu mộ Phùng Hưng nếu chôn ở đây có thể nguyên vẹn được không? 

Ngày nay, lăng Phùng Hưng nằm ngay phía sau bến xe Kim Mã, đường vào trên đoạn cuối của phố Giảng Võ.






Quốc Tử Giám

Về Võ, chíến dịch đánh Tống và chống Tống thể hiện sức mạnh triều Lý. Về Văn, triều Lý Nhân Tông được đánh dấu bởi việc mở Quốc Tử Giám, trường học Quốc gia đầu tiên. Có một điều thú vị là thời Thánh Tông, năm 1069 đánh thắng Chiêm Thành liền sau đó, năm 1070 lập Văn Miếu; thời Nhân Tông, năm 1075 đánh thắng Tống thì liền sau đó năm 1076 lập Quốc Tử Giám. 

Lịch sử ghi công này cho Lý Nhân Tông, nhưng thực ra khi đó vua mới chỉ có 11 tuổi, nào đã biết gì về Võ hay Văn, mà đó là công của Thái hậu nhiếp chính Ỷ Lan, và thái sư Lý Đạo Thành. Trước kia Lý Đạo Thành theo phe Thượng Dương, bị dời vào trấn thủ Nghệ An, nhưng Thái hậu Ỷ Lan bỏ qua chuyện cũ, lại mời ông ra làm Thái sư như cũ. Có thể cho rằng chính ông là người đã hậu thuẫn cho việc mở trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Triều đại mà Võ thì có Lý Thường Kiệt, Văn thì có Lý Đạo Thành, lại có bà Thái hậu uyên bác quyết đoán, thì dù là vua bé vẫn cứ hưng thịnh, và Thăng Long ngày càng được xây dựng hoàn thiện, to đẹp.




Dâm Đàm

Triều Lý Nhân Tông có vụ án nổi tiếng liên quan đến hồ Tây, tức là vụ án Dâm Đàm.

Ngay từ khi định đô trên đất này, hồ Tây đã là một phần không thể tách rời của thành Thăng Long. Tên hồ đời Lý là Dâm Đàm, tức là đầm mù sương. Ngày nay mỗi ngày có sương, thì cảnh sắc hồ Tây cũng vẫn rất huyền ảo. Hồ lại có tên là đầm Xác cáo, do truyền thuyết xưa đây là nơi Hồ ly tinh đào hang sống, Lạc Long Quân đã giết cáo tinh rồi vứt xác ở đây. Lại còn gọi là hồ Kim Ngưu - Trâu Vàng, theo truyền thuyết Khổng lồ đúc chuông (sẽ nói sau). Đến đời Lê mới gọi là Tây hồ, có lẽ để đối ứng với tên gọi Đông Đô chăng, vì hồ đâu có nằm ở phía Tây của Thăng Long, mà ở phía Bắc.

Với Thăng Long, hồ Tây là thắng cảnh đệ nhất. Nếu sông Cái - Nhĩ Hà là con đường giao thông, lưu thương buôn bán, là cái hào tự nhiên vĩ đại ngăn giặc Bắc, thì hồ Tây là nơi thưởng ngoạn tuyệt vời. Vì thế tại hòn đảo Kim Ngư (Cá vàng) giữa hồ, nhà Lý cho dựng cung Thuý Hoa, bờ bắc còn làm cung Từ Hoa, là nơi vui chơi nghỉ ngơi của các vua Lý. Lúc này con đê chia đôi hồ chưa có, nên đảo Kim Ngư chơi vơi giữa mênh mông sóng nước, bình minh hay hoàng hôn đều rực rỡ cả, chắc hẳn là rất đẹp.

Tại Dâm Đàm, từ đời Lý đã có các địa danh Hồ Khẩu (cửa sông Tô Lịch nối với hồ), Giang Tân (bến sông), Lãng Bạc (bến sóng), Trích Sài (hái củi), Võng Thị (chợ bán lưới)... rồi Nghi Tàm, Nhật Tân,..., những cái tên còn đến ngày hôm nay. Vua chúa từ thời đó đã thường thích đi thuyền trên hồ ngắm cảnh, xem dân gian buôn bán, đánh cá.

Và cũng từ một lần vua đi xem đánh cá mà có vụ án Dâm Đàm.



Lê Văn Thịnh

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông (thực ra là Thái hậu Ỷ Lan) mở khoa thi đầu tiên của nước Việt, Lê Văn Thịnh đỗ đầu, thời ấy chưa gọi là Trạng Nguyên, nhưng có thể coi ông là Trạng Nguyên đầu tiên của nước ta. Ông khi đó 37 tuổi, được vào cung dạy dỗ cho ông vua bé 11 tuổi.

Mười năm sau, 1085, ông đi sứ Trung Quốc, bằng tài ngoại giao của mình đã lấy lại được tất cả phần đất mà nhà Tống chiếm chưa chịu trả, nên khi về triều được phong Thái sư, vừa là thầy học của vua, vừa là vị quan đầu triều.

Sử chép năm 1096, vua Lý Nhân Tông (30 tuổi) đi chơi Dâm Đàm xem dân đánh cá, Thái sư khi đó 58 tuổi, đi theo hầu. Bỗng sương mù bao phủ, trong thuyền bỗng xuất hiện con hổ định vồ vua. Người đánh cá là Mục Thận vội quăng lưới lên con hổ, vua cũng lấy giáo đâm. Sương tan thì thấy trong lưới chính là Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông bị kết tội hoá hổ để giết vua, bị đày đi Thao Giang đến chết.

Chuyện này là vụ án chính trị, có lẽ vì những bất đồng của Thái sư già và vua trẻ, và có thể cả thế lực khác nữa, nên mới đặt ra chuyện huyễn hoặc này. Chứ theo luật của mọi triều đại, thì giết vua là chắc chắn phải chết, không có chuyện chỉ bị đi đày.

Nỗi oan của Lê Văn Thịnh được người dân đời sau thấu hiểu, nên lập đền thờ ông tại quê, và tạc hình con rồng đá cắn vào thân, chân cào vào bụng đầy uất ức.

Còn ông Mục Thận "có công cứu vua" là người làng Võng Thị, cũng được lập đền thờ, và là thành hoàng làng. Ngày nay đình Võng Thị thờ ông này.


Cổng chùa Võng Thị, ngay sát với đình Võng Thị (đình này thì tu sửa mới toe rồi)

Last edited by Chitto; 06-04-2010 at 13:38.


DUNG_BTT

Quote Originally Posted by Chitto Xem bài
....Nỗi oan của Lê Văn Thịnh được người dân đời sau thấu hiểu, nên lập đền thờ ông tại quê, và tạc hình con rồng đá cắn vào thân, chân cào vào bụng đầy uất ức....
Thế nhưng theo em được biết thì con Rồng Đá này lại tượng trưng cho nhà vua vì nghe lời xiểm nịnh nên bức hại trung thần, sau đó dằn vặt bản thân vì "...một tai thông, một tai đặc..." thể hiện rõ nét trên tượng. Đặc điểm khác nữa là con rồng này có năm móng, tượng trưng cho Vua mà thôi. 
Bác Chitto giảng giải hộ cái...


Theo tôi thì đó không phải tượng trưng cho vua vì:

1. Trước hết, đó không phải con rồng (!). Con vật đó có thân rắn, có vẩy, có chân, nhưng không có các đặc điểm để làm rồng: không sừng, không bờm, không râu. Nó giống con rắn có chân hơn, hay còn gọi là loài Ly. Nếu không phải là rồng thì nó cũng không tượng trưng cho vua.

2. Lý Nhân Tông là ông vua giỏi được lịch sử công nhận, trong sử sách cũng không ghi điều gì về việc vua nghe xiểm nịnh. Dù người làng quê Lê Văn Thịnh ghét vua thế nào cũng không thể bất kính đến mức biến con Rồng - Vua thành con vật khác.

3. Thực sự mối quan hệ giữa vua và Lê Văn Thịnh thế nào, Lê Văn Thịnh đã làm được gì trong 10 năm trước đó, có công và tội gì (sau việc đi sứ TQ) thì hoàn toàn không có sử liệu gì. Vậy cũng chẳng thể nói ông hoàn toàn vô tội trong vụ việc đó. Ông có làm gì trái với chức phận, trái với ý vua, Thái hậu (khi đó Ỷ Lan vẫn còn sống), với quốc gia... hay không, chúng ta hiện nay không một ai biết.
Chỉ có câu chuyện hoá hổ là bày đặt ra để có lý do đày ông đi, còn nguyên nhân sâu xa, có lẽ chỉ có ông biết, vua biết, mà cả hai đều đã chết rồi.

Sự thực về thâm ý con Rồng - rắn đá đó thế nào, đến giờ người ta cũng không rõ nổi, vì vậy bàn luận cũng chỉ là cho vui thôi. Hơn nữa topic này tôi chủ yếu nói về Thăng Long, do đó những sự việc quá xa ra ngoài như thế cũng sẽ không bàn luận tới, cũng vì thế tôi không đưa ảnh con rồng - rắn đá đó vào topic này, trong khi đưa ảnh cổng chùa Võng Thị, vì nó nằm ở Hà Nội.

Nhân nói chuyện ngoài, có bạn gửi tôi link của một bài viết trong đó đề cập chuyện nhà viết kịch Tào Mạt viết về Lê Văn Thịnh là phản thần. Và tác giả viết ý rằng sau đó Tào Mạt và con trai ông phải chết thảm, cũng là do Tào Mạt đã xúc phạm nên bị "thánh vật". Tôi hết sức coi thường cái tư tưởng mê tín kiểu "thánh vật" của tác giả đó. Nếu thực sự có cái hồn của Lê Văn Thịnh làm việc đó, thì đó là một con quỷ, một thứ yêu ma quái quỷ tởm lợm đáng khinh bỉ.
Last edited by Chitto; 06-04-2010 at 23:17.

Chuông Quy Điền

Thời Lý Nhân Tông, Thái hậu dựng trên trăm ngôi chùa khắp nơi, tại Thăng Long vua cũng dựng thêm đến năm bảy ngôi chùa, lại tu sửa và mở rộng chùa Diên Hựu, dựng thêm các tháp, làm cầu, đào hồ.

Thái hậu Ỷ Lan lại cho đúc quả chuông gọi là Giác Thế Chung (chuông để thức tỉnh thế gian), nặng 1 vạn 2 nghìn cân (khoảng 6 tấn) để treo ở chùa Diên Hựu. Nhưng do đúc không tốt nên khi đánh chuông không kêu, có lẽ bị rạn trong quá trình đúc. Chuông không treo lên nữa, mà bỏ ở ruộng ngoài chùa, có nhiều rùa sống tại đó nên gọi là chuông Quy Điền. Chuông trở thành Đại khí thứ hai của Đại Việt, làm sau cái thứ nhất là Tháp Báo Thiên hơn 50 năm. Về sau giặc Minh đã phá huỷ chuông.

Về chuông Quy Điền, dân gian lưu truyền câu truyện về Khổng Minh Không. Ông có phép lạ, sang Trung Quốc xin đồng về đúc chuông, vua Tàu coi thường bảo vào kho thích lấy bao nhiêu thì lấy. Chẳng ngờ ông lấy tất cả đồng trong kho bỏ vào cái đãy, lại lật ngửa nón tu lờ ra để chèo qua sông, mang về đúc chuông. Khi chuông đánh lên, tiếng vang tận sang Tàu, ở cửa kho có con trâu vàng nghe tiếng chuông liền vùng chạy sang, chạy quanh Thăng Long tạo thành sông Kim Ngưu, rồi không chịu rời đi. Khổng Minh Không thấy thế ném chuông xuống hồ Tây, trâu vàng lao xuống theo, nên hồ cũng có tên hồ Kim Ngưu.


Trâu vàng đang ẩn náu nơi nào dưới đáy hồ này ???

Last edited by Chitto; 06-04-2010 at 23:00.

Lý Thần Tông và Từ Đạo Hạnh

Lý Nhân Tông trị vì lâu, nhưng dù lập đến ba bà Hoàng hậu, mà vẫn không có con, phải lấy con trai của em ruột làm Thái tử. Vị thái tử này lại liên quan đến một câu chuyện huyền hoặc nữa tại đất Thăng Long.

Chuyện kể là ở làng Láng, sát ngoài thành Thăng Long, có ông Từ Vinh, vì có hiềm khích, Diên Thành hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép giết Từ Vinh (lại là ông Đại Điên trong giai thoại Nguyễn Bông muốn đầu thai). Con trai Từ Vinh là Từ Đạo Hạnh quyết tâm đi học pháp thuật để báo thù.

Từ Đạo Hạnh đi học theo Mật tông của Phật giáo, niệm chú điều khiển chư thiên, đánh chết được Đại Điên. Trả thù xong, Từ Đạo Hạnh quay về tu hành tại Sài Sơn, dựng chùa Thiên Phúc (tức là chùa Thầy ngày nay). Bấy giờ Sùng Hiền hầu là em Lý Nhân Tông cũng hiếm muộn, đến cầu con. Từ Đạo Hạnh bèn trút xác tại hang Thánh Hoá ở Sài Sơn, đầu thai vào làm con trai Sùng Hiền hầu, sau lên ngôi là Lý Thần Tông

Bởi huyền tích này mà Lý Anh Tông, con của Thần Tông cho xây lại chùa Chiêu Thiền (tức chùa Láng) tại nơi Từ Đạo Hạnh tu đầu tiên, chùa Đản Cơ (tức chùa Nền) tại nền nhà Từ Vinh, chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) tại Sài Sơn. Ngày nay trong chùa Thầy vẫn còn một toà sen đời Lý, và hai cây cột gỗ được cho là có từ thời Từ Đạo Hạnh. Trong chùa Láng thờ tượng Từ Đạo Hạnh và tượng Lý Thần Tông.

Điều tôi thấy thú vị nhất là hiện nay bên này Tô Lịch có 2 chùa thờ Từ Đạo Hạnh là chùa Láng và chùa Nền, thì bên kia sông Tô Lịch có chùa Duệthờ Đại Điên !!! Đại Điên có công lao gì mà nghìn năm vẫn được thờ phụng, thì tôi chưa tìm hiểu được. Phải chăng đây là sự "cạnh tranh" tâm linh của hai làng ở hai bên bờ sông ???

Chùa Láng, cụ Võ An Ninh chụp năm 1941




Lý triều Quốc sư


Lý Thần Tông lên ngôi năm 11 tuổi, đến 20 tuổi thì bị bệnh, các thái y đều bó tay. Sau có sư Nguyễn Minh Không (tên thật là Nguyễn Chí Thành, người Ninh Bình) chữa được bệnh cho vua, được phong là Quốc sư. Tuy nhiên vua cũng chỉ sống được đến 23 tuổi thôi, chính sử cũng không ghi là bệnh gì. Do đó Minh Không được tôn là vị thánh chữa bệnh.

Theo truyền thuyết thì khi trước Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải ba người đi học đạo cùng nhau, Từ Đạo Hạnh đã hoá hổ để trêu hai người, nên khi đầu thai làm Lý Thần Tông thì cũng bị bệnh hoá hổ, lông lá mọc ra, gào rống như hổ (lại chuyện hoá hổ và đầu thai !!!). Chỉ có Minh Không là người đã từng học đạo cùng mới chữa được. Minh Không có nhiều tài phép, được tôn là ông tổ nghề đúc, và gắn với ông Khổng Minh Không trong truyền thuyết chuông đồng trâu vàng. Sau Minh Không còn được gắn với Không Lộ, tạo thành một hình tượng vừa thiêng liêng vừa hoà trộn lộn xộn khó phân biệt.

Có thể thấy triều Lý với thuyết Tam giáo Đồng nguyên (ba tôn giáo là Nho - Phật - Đạo cùng được trọng) nên các truyền thuyết đều hoà quyện. Những người như Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Đại Điên vừa được coi là các Thiền sư Phật giáo, vừa là Pháp sư Đạo giáo, lại có tước vị thế quyền Nho giáo.

Khi Minh Không mất, rất nhều nơi từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, Thái Bình đều tôn thờ làm Thánh tổ của các ngôi chùa. Tại Thăng Long, vua cho lập đền thờ, gọi là đền Lý triều Quốc sư ngay cạnh chùa Báo Thiên. Sau đền chuyển thành chùa, tức là chùa Lý Quốc Sư trên phố Lý Quốc Sưbây giờ.


Ba pho tượng Lý triều Tam Thánh Tổ (sau tượng Phật), với Quốc sư Minh Không ngồi giữa, hai bên là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải tại chùa Lý Quốc Sư.




Có hôm ngồi xem lại các ngôi chùa quanh Hà Nội, tôi nhận thấy có bốn ngôi chùa đều rất cổ ở ngoài Thăng Long, gần như chính xác bốn phương Đông Tây Nam Bắc, cách trung tâm Thăng Long khoảng 20km. Có thể coi đây như bốn ngôi Trấn Tự từ xa cho Thăng Long chăng?

Đầu tiên, ở phía chính Đông của Thăng Long, là chùa Dâu (Pháp Vân) ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được dựng từ thời Sĩ Nhiếp, thế kỉ 3. Nhiều lần các vua Lý, Trần, Lê đều về đây rước tượng Pháp Vân về Thăng Long để cầu mưa.

Ở phía chính Nam của Thăng Long, cách là chùa Đậu (Thành Đạo) cũng là ngôi chùa rất cổ, được dựng cũng trong thời Sĩ Nhiếp, rất linh thiêng với các lễ hội cầu đảo, và đến triều Lê thì có hai vị Thiền sư để lại tượng Nhục thân nổi tiếng.

Ở phía chính Bắc của Thăng Long là chùa Non (Sóc Thiên Vương), là chùa do Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu lập từ thế kỉ 10, tức là còn trước cả khi có Thăng Long. Chùa nằm ngay tại lưng ngọn núi mà Phù Đổng Thiên Vương lên trời. Khuông Việt đại sư là Quốc sư của ba triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là sư trụ trì chùa Khai Quốc.

Và cuối cùng, phía chính Tây của Thăng Long là chùa Thầy (Thiên Phúc), có muộn nhất, thế kỉ 12, do Thiền sư Thánh tổ Từ Đạo Hạnh dựng, nép vào chân núi Sài Sơn.

Bốn ngôi chùa này có lịch sử ngắn thì 900 năm, dài thì 1800 năm, đã ở đó như những chứng nhân, lúc hưng thịnh, lúc suy tàn. Tất cả đều không phải là nguyên bản, nhưng vẫn mang cái hồn đó, gắn liền với lịch sử thăng trầm, và có lẽ sẽ cùng với Thăng Long trường tồn.

Last edited by Chitto; 07-04-2010 at 20:17.

Lý Anh Tông

Thần Tông mất quá trẻ, mới 23 tuổi, con mới 3 tuổi lên ngôi là Lý Anh Tông. Trong những năm đầu Thái hậu nhiếp chính, tình nhân của Thái hậu cũng coi chính sự, nhưng cũng không có ý làm phản. Rồi đến khi Tô Hiến Thành nắm quyền, củng cố chính sự, chấn hưng lại đất nước.

Đến thời Anh Tông thì Trung Quốc mới phong làm An Nam Quốc vương, trước đó chỉ chịu phong là Giao Chỉ Quận vương. Quốc vương là công nhận là Vua một Quốc gia độc lập hoàn toàn, còn Quận vương thì tức là vẫn cố tình coi là một Quận thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên với Đại Việt thì cũng không quan trọng vì độc lập tự chủ lâu rồi.

Lý Anh Tông
 là vua đã cho lập đàn Nam Giao tại phía Nam thành Thăng Long, cầu mưa và cầu tạnh mưa cũng ở đó. Rồi hàng loạt chùa chiền cũng được xây dựng tại Thăng Long, như chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, Bảo Thiên, Trừng Minh, Quảng Giáo, Quảng Hiếu, Phụng từ; nhưng đồng thời cũng có các quán của Đạo giáo như Thái Thanh, Cảnh Linh, Ngũ Nhạc !

Vua mở hội đèn Quảng Chiếu cúng Phật trong 7 ngày đêm, là hội lớn nhất thời bấy giờ. Hội đèn đó như thế nào không còn tài liệu chi tiết, chỉ được ghi rất sơ sài tại văn bia chùa Đọi. Gần đây một số người, nhất là bên Phật giáo đang muốn phục dựng lại hội đèn này, tuy nhiên nếu có làm thì đa phần cũng chỉ là “sáng tạo” và dễ bị là “bịa ra” vì không có tư liệu gì cả.

Bia chùa Long Đọi, tấm bia cổ đời Lý cuối cùng còn sót lại, trong đó có nhiều ghi chép về Thăng Long thời Lý Anh Tông.


Last edited by Chitto; 09-04-2010 at 00:41.

Lý Cao Tông

Lý Anh Tông là vị vua anh minh cuối cùng của triều Lý. Con trai cả của vua thì tồi bại nên bị phế làm dân thường, con thứ hai được lập làm vua, là Lý Cao Tông khi mới 3 tuổi. Tô Hiến Thành mất đi rồi, vua lớn lên không làm được gì cho Đại Việt, chỉ chuyên chơi bời hoang phí, xây dựng cung thất đền đài, triều đình cũng suy đồi, nên trộm giặc nổi lên khắp nơi.

Năm 1209, Lý Cao Tông bắt giam vị tướng có công là Bỉnh Di, bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân đánh vào kinh thành để cứu chủ. Thật thảm hại là Thăng Long thất thủ, vua bỏ mặc vợ con chạy tuốt lên mạn ngược, còn Hoàng hậu và Thái tử chạy té xuống phía biển !!! Sau 200 năm, lần đầu tiên Thăng Long rơi vào tay họ khác.

Có lẽ Thăng Long đã yên bình quá lâu, lần cuối cùng bị quân giặc đe doạ là quân Tống cách cũng đã 130 năm, mà cũng chưa phạm đến gần kinh đô, còn thì toàn giặc giã ở ngoài biên, nên triều đình không thể phản ứng và chống cự dù chỉ một cuộc tấn công nhỏ. Vua thì hèn và bất tài chỉ biết chạy.

Thái tử thì chạy về Hưng Hà, Thái Bình, nương nhờ gia tộc họ Trần. Tại đây vị thái tử mới 16 tuổi khi gặp cô gái Trần Thị Dung đã lấy luôn làm vợ, và từ bấy họ Trần bước vào lịch sử Việt Nam. Anh ruột Trần Thị Dung là Trần Tự Khánh và cậu là Tô Trung Từ mộ quân về lấy lại Thăng Long, đưa Cao Tông về, nhưng khắp nơi đã loạn cả, mỗi địa phương có các hào trưởng cát cứ đánh nhau.

Cao Tông về Thăng Long chỉ được một năm thì chết, truyền ngôi cho Thái tử, tức là Lý Huệ Tông, vị vua thứ 8 của triều Lý.

Lý Huệ Tông

Lý Huệ Tông 17 tuổi làm vua, không có quyền hành gì cả. Vua không tin họ Trần, muốn nhờ thế lực khác diệt họ này (nhưng vẫn yêu Trần Thị Dung hết sức), nên lại lần nữa bỏ chạy khỏi Thăng Long. Trần Tự Khánh là anh ruột Trần Thị Dung đem quân vào Thăng Long, đốt phá cung điện, cướp sạch kho tàng, ngày càng mạnh hơn, thậm chí lập một vua khác thay cho Huệ Tông. Sau hơn 200 năm hưng thịnh, Thăng Long lần đầu bị đốt phá tan hoang.

Huệ Tông chạy khắp nơi, nhờ các thế lực khác, nhưng ai cũng thua họ Trần. Bất đắc dĩ lại phải quay về nhờ vào họ này. Trần Tự Khánh phế vị vua tạm kia đi, lại tôn Huệ Tông, Trần Thị Dung thành Hoàng hậu. Họ Trần chia nhau quyền lực trong triều. Trần Tự Khánh chết thì anh trai là Trần Thừa và em họ là Trần Thủ Độ nắm hết quyền bính.

Huệ Tông chỉ sinh 2 con gái, lại nửa tỉnh nửa mê, năm 1224, vua 31 tuổi, Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái bé là công chúa Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng, rồi phải vào chùa Bút Tháp mà tu. Nhưng thỉnh thoảng Huệ Tông vẫn ra ngoài chùa, người dân nhớ ơn nhà Lý nhìn thấy đi theo khóc lóc. Thấy thế Thủ Độ đem vua vào chùa Chân Giáo không cho đi đâu nữa. Năm sau (1225) Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý, thì Lý Huệ Tông vẫn còn đó.

Một ngày năm 1226, Trần Thủ Độ vào thấy cựu hoàng nhà Lý, Thái thượng hoàng Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ, bèn nói: Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ.

Huệ Tông bảo: Lời ngươi ta hiểu rồi, rồi thắt cổ mà chết, mới có 33 tuổi.

Tương truyền trước khi chết, Huệ Tông nguyền rằng: Thiên hạ của nhà ta ngươi đã cướp rồi, nay ngươi lại còn ép ta chết, ngày sau con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế. Lời nguyền ấy về sau ứng nghiệm khi họ Hồ cướp ngôi và giết 2 vua họ Trần.


Chùa Bát Tháp ở phố Đội Cấn ngày nay, có người cho là chính là chùa Bút Tháp đời Lý, có người cho là chùa Chân Giáo. Vậy thì dù thế nào, đây cũng có thể là nơi ghi dấu những ngày cuối đời của ông vua bất hạnh nhất triều Lý.


Chùa Bát Tháp ngày nay, phải chăng xưa kia sau vườn chùa này Lý Huệ Tông đã thắt cổ tự tử ???

Last edited by Chitto; 26-06-2014 at 11:50.

Kết thúc triều Lý

Năm 1225, Thăng Long chứng kiến sự kết thúc của triều Lý sau 215 năm.

Lý Chiêu Hoàng (8 tuổi) trong sự bất lực của cha, sự hoan hỉ ngấm ngầm của mẹ, sự lạnh lùng mưu mô của ông cậu gian hùng, đã lấy người anh họ Trần Cảnh (7 tuổi), rồi sau đó nhường ngôi cho chồng. Nữ hoàng không được họ Lý công nhận, do đó chỉ tính Lý Bát đế, tương ứng với 8 ngôi chùa mà Thái Tổ đã dựng xưa kia ở quê. Ngoài ra còn 2 vua Lý nữa không được công nhận chính thức, được lập tại Thăng Long khi Cao Tông và Huệ Tông bỏ chạy.

Thời kỳ 200 năm bình yên, hưng thịnh của nhà Lý cũng là thời kỳ Thăng Long được yên ổn lâu dài nhất trong lịch sử của nó. Về sau không bao giờ Thăng Long được bình an lâu đến thế.

Trong số 9 vua chính thức, 2 vua không chính thức của nhà Lý, chỉ có mỗi một vua được đặt tên phố tại Hà Nội ngày nay là Lý Thái Tổ, con phố đẹp cách phía Đông hồ Gươm một chút.

Một số đại thần nhà Lý cũng được đặt tên phố: Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Tôn Đản, Lý Đạo Thành, có lẽ hơi quá ít cho một triều đại đặt nền móng rất vững chắc cho Thăng Long và Đại Việt.
Last edited by Chitto; 11-04-2010 at 11:00.


Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung

Cuộc chuyển giao từ Lý sang Trần hoàn toàn nằm dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, một bậc gian hùng hết lòng vì sự vững chắc của dòng họ, mà sẵn sàng nhẫn tâm tàn bạo với triều vua trước, và lạnh lùng cả những người cháu mà chính mình dựng lên làm hoàng đế, làm vương. Bên cạnh đó là bà chị họ của ông, về sau cũng là vợ của ông, Trần Thị Dung, bỏ mặc nhà chồng, bỏ mặc con gái để củng cố cho gia tộc họ Trần của mình. Cũng nhờ đó mà nhà Trần vững mạnh và oai hùng bậc nhất trong lịch sử.

Trần Thủ Độ được phong là Thái sư, Thượng phụ, Thống quốc, quyền trên cả vua. Tuy nhiên đến khi mất rồi mới được truy phong tước Vương (Trung Vũ đại vương).

Còn Trần Thị Dung là người phụ nữ trải qua nhiều tước vị nhất trong lịch sử. Từ con gái một gia đình dân thường, thành Vương phi của Thái tử, rồi Nguyên phi của Hoàng đế, bị giáng làm Ngự nữ, nâng lên Phu nhân, rồi lập làm Hoàng hậu. Chồng nhường ngôi rồi thì làm Thái thượng hoàng hậu, chồng bị ép chết thì thành Hoàng thái hậu triều Lý, nhưng chỉ là Công chúa triều Trần, ở bậc Hoàng cô nên còn gọi là Thái trưởng công chúa. Rồi không lâu sau lại lấy Trần Thủ Độ, thành phu nhân của Thái sư.

Với vua Trần Thái Tông, bà Trần Thị Dung vừa là cô ruột, vừa là mẹ vợ (mẹ của cả hai bà vợ), lại vừa là bà thím. Do đó gọi luôn là Quốc mẫu:Linh Từ Quốc mẫu.

Tại Thăng Long sau này không có đền thờ các vua Trần, nhưng lại có một nơi thờ Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, là chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường. Tương truyền hai người đã cho trùng tu ngôi chùa này, nên chùa lập tượng để thờ. Đó cũng là một di tích rất đặc biệt, vì đây là nơi duy nhất lập tượng hai người được để cạnh nhau với tư cách hai vợ chồng.

Tượng vợ chồng Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung tại chùa Cầu Đông

Last edited by Chitto; 20-03-2011 at 15:53.

 Trần Liễu và Trần Cảnh

Trần Cảnh làm vua Thái Tông ở Thăng Long, thì anh trai là Trần Liễu ở quê, lấy được công chúa nhà Lý là Thuận Thiên nên cũng yên lòng. Nhưng rồi cũng lên Thăng Long cùng em và cha. 

Nhà Trần xuất thân dân dã, nên thời đầu lễ nghi khá tự do không câu nệ. Em trai làm hoàng đế, tôn cha làm Thượng hoàng rồi, thì cũng gọi ông anh trai là Hiển hoàng, nghĩa là cũng có tước hoàng đế nốt. Điều này cũng khiến Trần Liễu (mới ngoài 20 tuổi) có hi vọng ngôi về mình.

Thời Lý chưa đắp đê dọc sông Cái, chỉ đắp đê quanh Thăng Long. Năm ấy đê vỡ, nước tràn cả vào thành, Trần Liễu 25 tuổi bơi thuyền vào Hoàng cung, thấy cô cung nữ của vua Lý cũ vén áo lội nước, liền cưỡng bức luôn. Chuyện lộ ra, Trần Liễu mất cái tước "Hoàng", lại làm Vương, Trần Thủ Độ ghét đứa cháu phóng túng lắm.

Năm sau, thấy Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng mãi mà không có con (hai người mới 19 tuổi chứ mấy), trong khi cô chị Thuận Thiên 21 tuổi đã kịp sinh một con trai, lại đang có mang người thứ hai với Trần Liễu, nên Trần Thủ Độ lạnh lùng bắt Trần Cảnh bỏ Chiêu Hoàng, bắt Thuận Thiên đang là vợ anh sang làm vợ em, để có gì thì còn có người nối dõi. Trần Cảnh kinh sợ mưu mô trái đạo của ông chú gian hùng, bỏ trốn khỏi Thăng Long lên Yên Tử. Trần Liễu cũng đem quân làm loạn.

Thế là lần đầu tiên trong triều Trần, vua bỏ trốn khỏi Thăng Long.

Thủ Độ đón vua về xong, ép được vợ anh sang làm vợ em, muốn giết Trần Liễu nhưng Trần Cảnh ngăn được. Thế là Trần Liễu phải rời Thăng Long, về đất Yên Sinh làm Yên Sinh Vương, ở đó đến khi chết không về kinh. Thuận Thiên thì sinh được hai trai nữa với Trần Cảnh, khiến Thủ Độ khỏi lo. 

Trần Thái Tông cũng là người sai dựng các ngôi Đình trên khắp đất nước để làm chỗ nghỉ chân cho vua quan khi kinh lý, đặt tượng Phật để thờ. Các ngôi đình làng ra đời từ đó.

Cũng sau vài lần vỡ đê nước ngập Thăng Long, nhà Trần mới cho đắp đê dọc sông Cái, tạo thành hệ thống đê cho đến nay.


Chống Nguyên lần 1

Thời Trần Thái Tông, Đại Việt có được khoảng 30 năm bình yên. Nhà Trần sau khi dẹp xong các thế lực, củng cố vương quyền, đắp đê ngăn lũ, tu sửa cung điện tại Thăng Long, lại lập cung điện tại quê và phủ Thiên Trường.

Bấy giờ tại phương Bắc, Mông Cổ hùng mạnh đã thôn tính hàng loạt nước, một cánh quân của Ngột Luơng Hợp Thai đánh thẳng xuống nước Đại Lý (Vân Nam), rồi định vòng từ phía Nam lên để làm hai gọng kìm tiêu diệt nhà Tống.

Năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai sai sứ giả sang Thăng Long yêu cầu hàng phục để lấy đường diệt Tống. Có lẽ lúc đó nhà Trần chưa nắm chắc được sức mạnh quân Mông Cổ, nên bắt giam 3 sứ giả, rồi cho quân lên chặn. Ngột Lương Hợp Thai tức giận xua 3 vạn quân xuôi sông Hồng, phá vỡ các phòng tuyến. Vua Trần đích thân cầm quân cũng không chống nổi, vội vàng bỏ cả Thăng Long chạy về mạn biển. Các vương hầu chạy theo vua, còn đám phụ nữ chậm chân, may có Linh Từ Quốc mẫu bình tĩnh, nên sơ tán được hết cả sang bên kia sông Hồng, bỏ chạy.

Thành Thăng Long lần đầu gặp đội quân tấn công mạnh, thất thủ gần như ngay lập tức. Ngột Luơng Hợp Thai vào thành, thấy ba sứ giả còn bị trói ở đó, một người chết, tức giận sai tàn sát tất cả dân trong thành chưa kịp chạy. Lần đầu Thăng Long rơi vào tay giặc từ phương Bắc.

Vua Thái Tông (40 tuổi), lo lắng hỏi Trần Thủ Độ. Vị Thái sư 64 tuổi khảng khái trả lời bằng một câu nổi tiếng: Đầu thần hãy còn, bệ hạ đừng lo !

Thế là, 10 ngày sau khi thất thủ, nhà Trần đem thuyền ngược sông Cái tiến đánh ở Đông Bộ Đầu, quân Nguyên cũng không có kế hoạch chiếm đóng lâu, nê lập tức rút lui. Chiến thắng Đông Bộ Đầu đã kết thúc cuộc chiến chống Nguyên lần 1, cuộc chiến chỉ trong vòng nửa tháng.


Đông Bộ Đầu là đây ! Ai có thể nghĩ rằng cái bãi sông Hồng mùa nước cạn, với bãi bồi giữa sông này 750 năm trước lại là nơi đi vào lịch sử! Trăm năm biến đổi, xoá hết dấu tích xưa rồi !

Last edited by Chitto; 12-04-2010 at 22:46.

Chống Nguyên lần 2 và 3

27 năm sau trận chiến Đông Bộ Đầu, năm 1285 quân Nguyên quay lại lần 2, và năm 1288 quay lại lần 3. Giai đoạn lịch sử này nổi tiếng quá rồi, không dám viết lại nữa.

Tại Thăng Long, sự kiện lịch sử diễn ra cuối năm 1284 là Hội nghị Diên Hồng, khi Thượng hoàng Thánh Tông triệu tập các bô lão tại thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi hoà hay đánh, thì tất cả đồng thanh ĐÁNH. Đây là chiến lược lấy lòng dân đồng thời truyền chính kiến của triều đình rất hiệu quả.

Năm 1285, nhà Trần rút khỏi Thăng Long, nhưng khác trước, đã có sự chuẩn bị từ trước nên khi quân Thoát Hoan vào, Thăng Long trống rỗng không người, không lương, không kho tàng. Do đó Thoát Hoan không ở lại đây mà đóng bản doanh bên kia sông, chỉ để quân giữ thành. Bốn tháng sau, sau trận Chương Dương, Hàm Tử, Trần Quang Khải lấy lại Thăng Long, rồi rước hai vua về. Ông đã làm bài thơ nổi tiếng:


Tụng giá hoàn kinh sư (Theo vua về kinh đô)

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.


Năm 1288, Thoát Hoan lần nữa chiếm được một Thăng Long rỗng không, rồi hai tháng sau phải rút chạy. Trước khi rút, quân giặc đốt cung điện, phố xá. Nhà Trần sau khi hoà bình phải xây dựng lại từ đầu.

Sau 3 lần thất thủ trước quân Nguyên Mông, Thăng Long được yên ổn hơn 80 năm, cho đến khi lại bị thất thủ trước quân Chiêm Thành 4 lần nữa.
Last edited by Chitto; 20-03-2011 at 15:57.

Trần Hưng Đạo

Ba lần chống Nguyên anh hùng là thế, các vương hầu, tướng lĩnh có công về sau được lập đền thờ ở rất nhiều nơi, tại Thăng Long cũng có nhiều, nhưng đến nay còn lại thì rất ít.

Quốc công Tiết chế, Thượng phụ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là người được người dân tôn thờ nhiều nhất, tôn là Đức Thánh Trần, được phối thờ ở nhiều ngôi đền, chùa. Cách gọi Họ + tước là Trần Hưng Đạo vốn là cách gọi dành riêng cho vua, trong lịch sử chỉ duy nhất Trần Quốc Tuấn không phải vua mà được dùng cách gọi này. (chỉ có vua mới dùng Họ + Miếu hiệu: Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông; người khác dùng Tước + tên: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải).

Xưa kia ở phía đông hồ Lục Thuỷ (tức là hồ Gươm) có đền Hựu Linh thờ Trần Hưng Đạo, nhưng sau Pháp phá đi, thì dân đã chuyển tượng thờ vàođền Ngọc Sơn.

Và đến nay, ngôi đền địa thế đẹp nhất Hà Nội có gian Thượng điện dành để thờ vị Võ Thánh của người Việt. Pho tượng thờ có khuôn mặt màu đỏ thể hiện tấm lòng son sắt với vua, với dân, với nước của ông. Tôi đã thăm một số nơi có tượng cổ thờ Trần Hưng Đạo, nhưng cảm thấy pho tượng trong đền Ngọc Sơn là đẹp nhất, có thần nhất, sống động, oai nghiêm mà lại cũng gần gũi.

Last edited by Chitto; 13-04-2010 at 02:20.

Uy Linh Lang

Tại Thăng Long còn tôn thờ thần Uy Linh Lang từ đời Trần (lưu ý, không phải Linh Lang đời Lý).

Truyền thuyết kể rằng Uy Linh Lang là con vua Trần Thánh Tông và bà Chính Cung Minh Đức hoàng hậu, có tên Trần Văn Lang. Ông chiêu tập được cả vạn binh mã, đặt tên là Thiên tử quân cùng chống giặc Nguyên. Sau khi dẹp yên giặc, ông không bệnh mà mất ở phủ tại khu vực Nhật Tân. Vua Trần thương tiếc sai dựng điện Nhật Chiêu để thờ, đến nay là đình Nhật Tân trên đường Âu Cơ.

Tuy nhiên trong sử thì vua Trần Thánh Tông không có bà vợ nào là Minh Đức cả, mà cũng không có con trai nào tên như thế, hoặc có hiệu như thế. Dân gian đã sáng tạo nên hình tượng vị thần có phần mang màu sắc Thuỷ thần, gán vào làm con vua, có công đánh giặc rồi thành thần.

Uy Linh Lang đời Trần như thế rất giống với Linh Lang đời Lý, cùng có truyền thuyết là con vua, cùng chống giặc, cùng gắn với sông hồ, cùng mơ hồ như nhau. Phải chăng cả hai là một, nhưng được thần thánh hoá vào hai triều đại khác nhau ?


Đình Nhật Tân, theo truyền thuyết thì nguyên là điện Nhật Chiêu, nơi thờ Uy Linh Lang



 Quanh hồ Tây còn vài nơi thờ Uy Linh Lang. Có ngôi đền trên phố Thuỵ Khuê thờ Uy Linh Lang, ngoài cửa cũng có hai con voi, nên cũng có tên là đền Voi Phục, khiến có người nhầm lẫn. 

Một số báo chí cũng không phân biệt được vị thần ở đền Voi Phục Thuỵ Khuê là thần Linh Lang của Voi Phục Thủ Lệ, vì chỉ khác nhau chữ Uy mà thôi (hồi trước tôi cũng thế). Cũng vì vậy có bài báo nói những cây cổ thụ trong đền Voi Phục Thuỵ Khuê là có từ nghìn năm trước, như bài báo này (nhấn vào link để xem)


Đền Voi Phục Thuỵ Khuê, thờ Uy Linh Lang là vị nhân thần đời Trần.


 Dẹp xong giặc Nguyên, Trần Nhân Tông đi tu ở Yên Tử, truyền ngôi cho Trần Anh Tông, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trờ thành dòng chính thống chủ đạo. Từ Yên Tử, Đông Triều, Hải Dương, Nam Định có hàng loạt ngôi chùa mới dựng theo thiền phái. Tuy nhiên tại Thăng Long thì sử dụng chùa Chân Giáo, chứ triều Trần không dựng thêm chùa mới. 

Sau chiến tranh, dân cư lại tập trung đông đúc về Thăng Long, khu phố chợ bên ngoài hoàng thành chắc cũng đông vui lắm, nên vua Anh Tông đến buổi tối là trốn ra khỏi hoàng cung để đi chơi, có lần còn bị ném đá vỡ cả đầu. 

Bấy giờ các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao cũng giao thiệp thường xuyên, nên đã có khu Quán Sứ để đón tiếp sứ giả các nước. Quán Sứ đời Trần có nằm ở vị trí Quán Sứ đời Lê và chùa Quán Sứ hiện nay không thì không dám chắc.

Trong hai triều Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, đất nước yên ổn, Thăng Long lấy lại sự huy hoàng xưa, và có lẽ còn đẹp đẽ hơn trước.

Nhưng cũng chỉ được vài chục năm...


Hình con rồng đầu đời Trần, mạnh mẽ oai phong



Chu Văn An

Hào quang anh hùng của cha ông qua đi, con cháu nhà Trần được sống trong nhung lụa dần quay sang thối nát, còn tệ hơn cuối triều Lý trước kia. Trần Minh Tông mất rồi, Dụ Tông bắt đầu tàn phá cơ nghiệp họ Trần từ năm 1358.

Chu Văn An, người Thanh Trì, Hà Nội hiện nay, là nhà nho danh tiếng bậc nhất bấy giờ, làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ông dâng Thất trảm sớxin chém 7 kẻ gian thần, nhưng vua không nghe, nên về Chí Linh ở ẩn. Đời sau tôn ông là Văn Thánh của Đại Việt, coi là Thiên Nam sư biểu, cùng với Võ Thánh Trần Hưng Đạo, là hai bậc thánh nhân của triều Trần.

Ngày nay, tại nhà Thái Học mới làm lại phía sau Văn Miếu, chính điện thờ tượng của ông, là vị thầy tiêu biểu cho Chính học trời Nam, cũng là cho nền Học thuật nước nhà.


Tượng Chu Văn An trong nhà Thái Học



Chiêm Thành 4 lần phá Thăng Long


Hết thời Dụ Tông u tối lại đến loạn Dương Nhật Lễ. Em trai vua lấy người con hát làm thiếp, khi đó người này đã có mang với một người họ Dương, sinh ra đứa con là Dương Nhật Lễ, ai cũng biết là không phải họ Trần. Thế mà bà Hoàng thái hậu lại nhất quyết lập đứa cháu nhận vơ để làm vua, để rồi bị chính Dương Nhật Lễ giết chết luôn ! Trần Nghệ Tông giành lại ngôi thì trong nước loạn rồi.

Nhân thấy nhà Trần loạn, năm 1371, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem quân ngược sông đánh vào Thăng Long. Vua Trần vội bỏ chạy. Quân Chiêm tha hồ cướp bóc của cải, bắt người, kho tàng cái gì cướp được thì cướp, không thì đốt sạch. Nhiều sách cổ, sổ sách của Đại Việt cũng ra tro.

Năm sau, vua Trần Duệ Tông đem quân đi rửa hận, mắc mưu Chế Bồng Nga, bị giết tại Đồ Bàn. Lần đầu tiên Đại Việt có một vị vua chết trận.

Thấy nhà Trần yếu lắm rồi, quân Chiêm liên tục tấn công, và đánh chiếm Thăng Long liên tiếp vào các năm 1377, 1378, 1388. Trong 17 năm mà Thăng Long thất thủ và bị cướp đến 4 lần, vua Trần chỉ lo mang của cải đi chôn dấu và bỏ chạy, làm hổ mặt là hậu duệ của Đức Thánh Trần.

Thế là sau 3 lần thất thủ trước quân Nguyên Mông hùng mạnh từ phía Bắc, 80 năm sau, Thăng Long lại 4 lần thất thủ trước quân Chiêm Thành từ phía Nam. Dường như là điềm báo cho thời kỳ đen tối nhất của Thăng Long sắp đến.


Cái con rồng đời Trần đầy vẻ thoả mãn này sắp giãy chết...

Last edited by Chitto; 14-04-2010 at 22:26.

Thăng Long thành Đông Đô


Trần Nghệ Tông u tối, đem cơ nghiệp đặt cả vào tay người anh họ ngoại là Hồ Quý Ly, lại gả bà chị ruột nữa.

Hồ Quý Ly xây thành Tây Giai ở Thanh Hoá, gọi là Tây Đô, năm 1396, dời cả triều đình về đó. Thăng Long mang tên là Đông Đô, nhưng không còn là kinh đô nữa. Năm 1400, Quý Ly phế ông vua triều Trần cuối cùng (cũng là cháu ngoại mình), lên làm vua. Trong thời thuộc Minh, có hai vị tôn thất nổi dậy xưng đế, nhưng không giành được độc lập, cho nên coi như nhà Trần kết thúc năm 1400 này.

Nhà Trần kết thúc sau 175 năm với 12 đời vua, trong đó chỉ có 2 vua được đặt tên phố tại Hà Nội ngày nay, là Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. (năm 2010 đặt thêm phố Trần Thái Tông)

Các danh nhân họ Trần dười triều Trần có tên phố: Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư, Trần khát Chân.

Các danh nhân khác: Chu Văn An, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Đặng Dung, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Trương Hán Siêu, Hàn Thuyên, Nguyễn Biểu.
Last edited by Chitto; 20-03-2011 at 16:02.

Truyền thuyết Hồ Quý Ly

Có một truyền thuyết về Hồ Quý Ly, rằng khi còn hàn vi, có lần ông đọc được trên bờ sông dòng chữ ai đó viết trên bờ cát "Quảng Hàn cung lý nhất chi mai" (Cung Quảng Hàn có một cành mai), thấy hay nên nhớ trong lòng.

Đến khi làm quan nhà Trần, một lần theo vua Trần đi chơi điện Thanh Thử, vua thấy có nhiều gốc quế đẹp quá, ra câu đối: "Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế" (Điện Thanh Thử phía trước có nghìn cây quế), Hồ Quý Ly bỗng nhớ câu thuở xưa trên bờ cát, đối lại, thành ra một đôi câu đối rất hoàn chỉnh:

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế
Quảng Hàn cung lý nhất chi mai


Điều đặc biệt là vua Trần có cô công chúa tên là Nhất Chi Mai rất được yêu chiều, sống tại một cung mà vua thường hay gọi là Quảng Hàn (cũng là tên cung của Hằng Nga trên cung Trăng). Vua hỏi sao nghĩ ra câu đó thì Hồ Quý Ly cứ thành thực mà trả lời. Vua cho rằng có duyên nên gả công chúa Nhất Chi Mai cho Hồ Quý Ly, từ đó ông ngày càng vinh hiển.

Câu truyện trên là một truyền thuyết đẹp, tuy nhiên điện Thanh Thử ở đâu, cung Quảng Hàn là cung nào, công chúa Nhất Chi Mai là ai thì trên thực tế không rõ ràng.

Sự thực lịch sử là Hồ Quý Ly có hai bà cô đều làm phi của vua Minh Tông, một bà sinh ra vua Nghệ Tông, một bà sinh ra vua Duệ Tông. Nghệ Tông có bà chị là công chúa Huy Ninh, goá chồng, nên vua làm mai cho Hồ Quý Ly luôn, thành ra Hồ Quý Ly vừa là anh đằng mẹ, vừa là anh rể. Rồi lại cưới con gái Hồ Quý Ly cho con trai vua, thành ra lại còn là thông gia. Lằng nhằng thế nên quyền về tay Quý Ly hết.

Vị vua cuối cùng triều Trần bị Hồ Quý Ly phế bỏ cũng chính là cháu gọi ông ta bằng ông ngoại.

Thăng Long thương đau

Họ Hồ dời đô vào thành Tây Đô, và giặc Minh sang xâm lược, năm 1407 Thăng Long thất thủ, Hồ Quý Ly bị bắt sang Tàu, đi đày làm lính, gia tộc họ Hồ và quan lại bị bắt về Minh. Đại Việt mất về tay giặc Minh.

Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên bị Tàu bắt, lại sợ chết không dám tự tử, chịu nhục nhã để sống đời lao dịch ở Tàu. Hai con của ông thì đi theo làm quan cho Tàu.

Hồ Nguyên Trừng nổi tiếng về chế tạo súng thần công nên nhà Minh trọng dụng. Người ta vẫn ca ngợi đó trí tuệ người Việt, riêng tôi thấy chả hay ho chút nào. Trí tuệ đó không giúp nước, giúp vua cha, mà sau lại đi giúp quân giặc, làm quan cho giặc. Bao nhiêu khẩu súng thần công nhà Minh chĩa bắn vào người dân Việt đều có phần của Nguyên Trừng đó !!!

Trong thời loạn, có hai tôn thất nhà Trần nổi lên làm vua, xưng đế là Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng. Trần Ngỗi thì bị giêt trong chiến trận, còn Trần Quý Khoáng bị giặc bắt giải về Bắc, đã nhảy xuống biển tự tử, chứ không chịu nhục như Hồ Quý Ly để cầu sống. Các tướng lĩnh của ông cũng oanh liệt tử tiết chứ không chịu nhục để bị giải về Tàu. Con cháu nhà Trần như thế vẫn còn giữ được khí tiết oai hùng của cha ông.

Từ đây bắt đầu giai đoạn 20 năm đau thương khi giặc Minh đô hộ Đại Việt, trị sở đóng tại Thăng Long, nhưng bị đổi thành Đông Quan.


Con rồng triều Hồ, một con rồng đã mất đầu. Cái oai của nó chỉ còn nằm khoe với ruộng lúa mà thôi. Cái tội để cho đất nước rơi vào tay giặc, đều được quy cho Hồ Quý Ly, vì quá tham quyền vị mà để mất lòng dân, làm tan tác tinh thần đoàn kết của người Việt.




Thăng Long trong tay giặc

20 năm Thăng Long dưới thời Vương Thông cai trị chịu nhiều tàn phá thâm độc nhất, đặc biệt về mặt văn hoá. Triều đình nhà Minh hạ lệnh:Ngoại trừ kinh Phật, Lão, Nho, tất cả các sách vở của An Nam cái gì mang được về Tàu thì mang hết, còn không thì phải huỷ cho bằng sạch, kể cả sách cho trẻ con

Sự tàn phá không chỉ dừng lại ở cung điện, kho tàng như khi Chiêm Thành chiếm, mà còn ở tất cả các nơi. Tất cả sách vở, tư liệu của triều Lý, Trần đều bị cướp hoặc đốt sạch. Ngay cả các ngôi chùa, đền là nơi Chiêm Thành không dám phạm, thì triều Minh cũng không tha. Các tấm bia - những nguồn tài liệu vô giá - cũng bị đập sạch. 

Sau đó, khi bị Lê Lợi vây hãm, Vương Thông còn phá huỷ tất cả các đồ đồng trong Thăng Long. Chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên bị phá trong thời gian này. Trước đó thì các sách đồng, sau thì các chuông chùa, đồ tế khí... đều bị nấu chảy.

Có thể nói bên cạnh sự vơ vét của cải vật chất, sự tàn phá về văn hoá dưới thời Minh đô hộ là vô cùng thảm khốc. Chính vì thế cho đến nay, trong phạm vi Thăng Long, không còn bất kỳ một tấm bia, một quả chuông, một mảnh công trình kiến trúc lớn nguyên vẹn nào còn lại từ trước thời Lê. Trong khi tại các vùng khác thì vẫn còn rải rác nhiều di vật bằng đá và cả gỗ thời Lý Trần, thì chính tại Thăng Long lại sạch sành sanh. 

Những mất mát này vô cùng đau xót, chúng ta ngày nay không thể biết được các bộ Luật, các chế định của đời Lý Trần, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Hưng Đạo, các bài sách thuốc xưa... ra sao. Các đền chùa ở Hà Nội ngày nay thì các tấm bia cũng từ đời Lê về sau, nên thường cũng khuyết phần lịch sử trước đó. Những lỗ hổng tư liệu đó không bao giờ bù đắp được.

Tội của các vị vua, không gì lớn bằng tạo điều kiện để quân ngoại bang vào cai trị đất nước.

Quote Originally Posted by TYYT Xem bài
Thảo nào ngày trước bác bảo bọn tàu nó "cưỡng hiếp" văn hóa các dân tộc khác. thế mấy bộ binh thư yếu lược bán ngoài hàng là fake hả bác?
Theo tôi biết thì mấy quyển Binh thư yếu lược bán ngoài hàng đó là gần đây bịa ra, lý do tại sao thì tôi không dám chắc.

Theo Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú liệt kê hàng chục bộ sách của Đại Việt thời Lý Trần, gồm các sách Hình luật, Điển chế, Thông lễ, Thực lục, Thi tập, Tuỳ bút, Đại điển... của các triều, các vua và các học giả Đại Việt, trong đó có sách của Trần Hưng Đạo đem về Kim Lăng (Nam Kinh). 

Một số sách như Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần, vì được khắc bản in ra nhiều và lưu trữ ở nhiều nơi, nên còn giữ được. Một số thi tập của Chu Văn An, vua Trần,..., còn lưu giữ là vì để ở nơi khác. Sách thiền của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cũng vậy. Nhưng cũng nhiều thi tập khác đã mất mãi mãi.

Ngược lại, Tàu đem tống sang Đại Việt rất nhiều sách Tứ thư, Ngũ kinh, sách Tu thần luyện đan của Đạo giáo. Phải chăng vì thế mà sang đời Lê thì Đạo giáo lại hưng thịnh trở lại, và rồi Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng mang màu sắc Đạo giáo lại phát triển ?

Cái ý "cưỡng hiếp văn hoá" là của ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Bến Bồ Đề

Nhà Minh cai trị 20 năm, nhưng liên tục gặp khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng để giành lại giang sơn của Lê Lợi từ Lam Sơn năm 1418, sau gần mười năm gian khổ đã tiến ra vây thành Đông Quan.

Đại quân của Lê Lợi đóng ở bến Bồ Đề tại Gia Lâm, nay là khu vực chùa Bồ Đề, có lẽ vì thời đó có trồng nhiều cây này. Từ đây, Bình Định vương Lê Lợi lên lầu nhìn về cố đô trong tay giặc. Còn giặc thì chờ đợi tiếp viện.


Từ bến Bồ Đề nhìn qua sông Hồng về Hà Nội ngày nay. Gần 600 năm trước Lê Lợi cũng nhìn về Thăng Long như thế này chăng ?





Hoàn Kiếm

Năm 1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi sau khi vị vua giả tạm là Trần Cảo đã (bị bức) chết. Công của nhà Lê giành lại giang sơn người dân Việt không bao giờ quên, kể cả sau này khi con cháu họ Lê suy đồi thì người dân vẫn vì ơn trước mà luôn ủng hộ.

Truyền thuyết ý nghĩa nhất về Lê Lợi là huyền thoại trả gươm, mà mỗi người dân Việt đều biết. Dưới thời Lý Trần, khu vực Đông của Thăng Long không được chú trọng nhiều, và hồ nước ở đó gọi là hồ Lục Thuỷ, thông với sông Hồng. Hồ có tên đó do màu nước xanh đặc biệt. Vua Lê đi thuyền từ sông Hồng có thể vào hồ, từ đây lên chùa Báo Thiên. Tại đây Lê Lợi đã trả lại gươm thần Thuận Thiên cho rùa vàng, gửi lại Long Quân. Từ đó hồ có tên là Hoàn Kiếm.

Trong hầu hết tài liệu ghi nguồn gốc tên hồ đều viết: "Sau đó hồ Tả Vọng được gọi là hồ Hoàn Kiếm", điều này không phù hợp, bởi cái tên hồ Tả Vọng mãi đến mấy trăm năm sau Lê Lợi mới có !

Cũng không rõ truyền thuyết trên xuất hiện ngay sau khi Lê Lợi lên ngôi hay không, vì sử sách đời Lê vẫn ghi tên hồ là Lục Thuỷ, hoặc Thuỷ Quân, sau đời Chúa Trịnh lại có tên là Tả Vọng, chứ không ghi tên Hoàn Kiếm. Có vẻ như cái tên Hoàn Kiếm được trở thành phổ biến và chính thức từ cuối Lê đầu Nguyễn.

Ngày nay, bên phía Tây hồ Hoàn Kiếm, phố Lê Thái Tổ, có đền thờ Lê Lợi, và bức tượng đồng của vua đứng cầm gươm chĩa xuống hồ, đứng trên một cây cột đá. Tượng được dựng năm 1888, cây cột được làm theo kiểu phương Tây. Không nhiều người để ý đến di tích này.





Hồ Hoàn Kiếm, nơi vẫn còn cụ rùa thiêng mà mấy năm nay ngoi lên mặt nước hơi bị nhiều.

Phải chăng chính Lê Lợi đã mang giống rùa (đúng ra là con giải, mai mềm) đến thả vào đây từ gần 600 năm trước? Hay giống giải đó bơi từ sông Hồng vào và tìm thấy nơi trú ngụ lâu dài tại đây? Bí mật đó chưa ai giải thích được.

Gò nhỏ giữa hồ gọi là gò Rùa, khi hồ còn thông với sông Hồng, nước lên thì gò chỉ còn lại rất bé, hàng trăm năm vẫn bỏ hoang. Có tài liệu nói vua Lê, chúa Trịnh dựng đài câu cá, lầu vọng cảnh ở đây, nhưng có lẽ nhầm với đảo Ngọc Sơn.

Chỉ đến cuối thế kỷ 19 ông bá hộ Kim mới dựng một cái lầu nửa Tây nửa Ta không có giá trị lịch sử gì. Thế nhưng cái lầu đó - được gọi là Tháp Rùa - lại trở nên một hình ảnh quen thuộc với người dân đến nỗi dù gần như không ai biết nguồn gốc ý nghĩa của nó, mọi người vẫn coi đó là một hình ảnh biểu tượng của Hà Nội, và giận sôi lên khi có lần người ta trát vữa lại làm mới nó.

Và đến giờ, chính sự thân quen của Tháp Rùa đã trở thành giá trị văn hoá tinh thần vô giá, không gì thay thế được, bất khả xâm phạm với Hà Nội.

Last edited by Chitto; 18-04-2010 at 14:34.

Quote Originally Posted by Gia lang Xem bài
Bạn Chitto cho mình hỏi một chút, thế rốt cục ở Hà Nội thì đền nào là đền chính ( đền của các đền) ý. Vì mình thấy các làng đều có chùa hoặc đền thờ quan trọng nhất.
Ngay ở làng đôi khi cũng có nhiều nơi thờ: Chùa, đình, đền, văn chỉ. Kinh đô không giống như các làng, mà có tầm cỡ quốc gia, nên không đơn giản như ở làng được. Nếu như ở các nước có duy nhất một Quốc giáo, thì đền thờ lớn nhất của Quốc giáo đó là đền chính, ví dụ như Thái Lan, Lào theo Phật giáo thì đền chính là chùa Phật Ngọc, là That Luang; hay với nước theo Thiên Chúa giáo thì nhà thờ lớn là đền thờ chính. Nhưng người Việt lại theo nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng hoà trộn, cho nên không thể xác định nơi nào là chính nhất.

Tương đương với Đình ở làng thì ở Hà Nội là đền Bạch Mã, thờ vị Thành hoàng của Thăng Long, vị thần giữ cho vùng đất này.

Cấp cao nhất của các Văn chỉ thì là Văn Miếu: vị Thánh tối cao của Nho giáo.

Với Hoàng tộc, thì nơi thờ quan trọng nhất là Thái Miếu thờ tổ tiên: ở Hà Nội không còn.

Tầm cao nhất là đàn Nam Giao thờ Trời và đàn Xã Tắc thờ Đất đều không còn.

Với Đạo giáo thì không có đền nào thờ Thượng đế tối cao Tam Thanh, nên đền Trấn Vũ thành đền chính.

Với người theo Tín ngưỡng Mẫu thì đền chính là Phủ Tây Hồ.

Với người theo Thiên Chúa giáo thì đền chính là Nhà thờ Lớn.

Với Phật giáo thì chùa Báo Thiên là chính, nhưng đã không còn; về lịch sử lâu dài thì chùa Trấn Quốc là dài nhất. Còn về hành chính thì chùa Quán Sứ.

Như thế, không thể nói nơi nào là Chính nhất ở Hà Nội được.

Có nơi quan trọng nhất về mặt chính trị trong lịch sử, nhưng không phải là đền thờ, đó là điện Kính Thiên.

Điện Kính Thiên

Triều Lê tiếp quản một Đông Quan đổ nát, được gọi lại là Đông Đô, nhưng vẫn song song với tên Thăng Long.

Hàng chục ngôi chùa, đền, đạo quán triều Lý Trần được nhắc đến trong sử, từ đời Lê về sau không còn thấy tên nữa, có lẽ đã bị phá huỷ hết rồi. Những chùa như Chân Giáo, Đại Giáo, Hưng Thiên, Vạn Tuế, Thiên Quang, Thiên Ðức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Thọ, Linh Quang, Sùng Nghi, Tư Thánh, Thiên Minh, Thiên Thành, các đạo quán Thái Thanh, Cảnh Linh, Linh Tiên, Ngũ Nhạc... đều mất dấu. 

Ngọn tháp Báo Thiên bị phá đổ rồi, nhưng chùa vẫn còn, vẫn là chùa lớn nhất Thăng Long.

Hoàng cung cũng tan hoang. Vì vậy triều Lê phải dựng lại gần như toàn bộ. Tại nơi trung tâm, thiêng liêng nhất của Thăng Long, khi xưa là điệnCàn Nguyên đời Lý, sau đổi là Thiên An, cũng bị phá huỷ. Lê Thái Tổ đã dựng lại điện chính của triều đình tại đây, đổi là điện Kính Thiên, là toà điện quan trọng nhất của Hoàng cung.


Chín bậc đá thềm điện Kính Thiên đời Lê, trải hơn năm trăm năm biến đổi...
(So với thềm điện Thái Hoà ở Huế sau này, bậc thềm này đẹp hơn rất nhiều. Thăng Long cũng không sử dụng những tên gọi rập khuôn bắt chước y sì Trung Quốc kiểu Ngọ môn, Ngũ Phụng, Thái Hoà như triều Nguyến dùng ở Huế)





Con rồng đời Lê

Con rồng đầu đời Lê đầy sức mạnh, hùng dũng oai hùng, thể hiện khí phách của một thuở Bình Ngô ! 

Phía sau đầu rồng vẫn là lớp bờm dài uốn sóng giống triều Lý, Trần, Hồ, chân cuộn cơ bắp, sừng dài uy lực. Những con rồng đẹp mạnh mẽ thế này về sau không còn nữa. Rồng đời sau mang đầy vẻ tròn trịa hiền hoà, và càng ngày càng giống rồng Trung Quốc. Đặc biệt rồng đời Nguyễn thì y hệt rồng Tàu, không còn mang được dáng vẻ nào riêng cả.

(Chòm râu dưới cằm rồng được chân trước nắm chặt, nay đã bị vỡ mất)




Đoan Môn

 Hoàng thành thời Lê chia làm ba khu chính: Khu phía Đông làm Thái Miếu và Đông cung (cho Thái tử ở), ở giữa thì phía Nam là khu dành cho các toà trụ sở các Bộ, nơi tổ chức thi Đình, làm các lễ mang tính cộng đồng. Khu phía trong là Chính điện và nơi ở của Hoàng gia.

Giữa khu ngoài và khu trong là cửa lớn Đoan Môn, Đoan nghĩa là Chính giữa, chính thống. Cửa này xây đời Lê, bên dưới toàn bằng đá, trổ 5 cửa. Cửa giữa cho vua, hai bên cho quan và hoàng tộc, hai bên nữa cho lính, bên trên có lầu. Cửa hình chữ U, với hai cánh quay vào trong phía điện Kính Thiên.

Triều Nguyễn, gần 400 năm sau cũng làm Ngọ Môn theo kiến trúc tương tự, nhưng với kích thước lớn hơn, sử dụng chủ yếu là gạch, và hướng của hai cánh hai bên quay ra ngoài. Lúc đầu cửa ở Huế cũng gọi là Đoan Môn, sau đó mới đổi là Ngọ Môn cho nó ... giống Tàu. Cửa Đoan Môn ở Thăng Long chỉ là cửa nằm giữa, phân tách nửa ngoài Hoàng thành với Cấm thành, còn cửa Ngọ Môn ở Huế là cửa vào Hoàng thành.

Vì Đoan Môn nằm giữa Hoàng thành, nên từ trên có thể nhìn bao quát cả Hoàng thành, với các cơ quan ở phía Nam, Thái Miếu phía Đông, Cấm thành phía Bắc.


Góc chụp này quá hẹp do bên trái có cái nhà của quân đội choán mất. Nay cái nhà ấy đang được phá đi, hi vọng sửa sang xong, có thể thoải mái chụp trực diện.



Chùa Huy Văn

Trong các ngôi chùa ở Thăng Long, chùa Huy Văn chỉ là chùa nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất đặc biệt, là nơi ra đời của vị vua được coi là văn võ toàn tài bậc nhất Việt Nam.

Lê Thái Tổ mất rồi, con là Thái Tông nối ngôi, khi 16 tuổi đã có con trai đầu, năm sau có con thứ hai, và năm 19 tuổi thì bà phi Ngọc Dao có mang. Cùng lúc đó bà phi được sủng ái là Nguyễn Thị Anh cũng có mang, dèm với vua xin đem bà Ngọc Dao giết đi. May nhờ Nguyễn Trãi xin giúp mới đổi từ án tử sang bị giam ở chùa Huy Văn. Tại đây, bà Ngọc Dao đã sinh ra hoàng tử Lê Tư Thành năm 1442.

Thái Tông mất khi 20 tuổi tại Lệ Chi Viên, trở thành vụ thảm án oan khốc nhất lịch sử, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Vua Nhân Tông nối ngôi, rồi lại bị anh cả giết chết. Các đại thần lại giết luôn ông vua mới cướp ngôi, mà đưa Lê Tư Thành lên ngôi, tức là Lê Thánh Tông.

(Lê Thánh Tông giết nốt ông anh trai còn lại, thế là 3/4 con trai của Thái Tông đều bị giết; bản thân Thái Tông cũng đã từng giam anh ruột đến chết, mà chính Thái Tông cũng chết mờ ám, có thể do bị giết. Những vua đầu triều Lê tàn hại nhau như thế...).

Lê Thánh Tông lên ngôi rồi, nhớ đến nơi mình sinh ra là chùa Huy Văn, nên cho dựng điện Dục Khánh ở đó. Sau bà Ngọc Dao mất thì chuyển điện thành đền thờ bà.

Trong chùa ngày nay thờ cả Lê Thái Tông, hoàng hậu vợ Lê Thái Tổ (mẹ Thái Tông, bà nội Thánh Tông), Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ.

Ngày nay điện Dục Khánh chùa Huy Văn thờ vua Thánh Tông, bà Thái hậu Ngọc Dao, và bà hoàng hậu Trường Lạc. Pho tượng Lê Thánh Tông này cũng có lai lịch chìm nổi, nguyên là ở chùa Khán Sơn trên Khán Sơn, đến đời Tây Sơn thì chùa này bị phá nên mới đem về chùa Huy Văn để thờ. Tượng Thái hậu Quang Thục (tức bà Ngọc Dao) trước để ở chính giữa điện, đến lúc đó lại để sang bên cạnh.

Last edited by Chitto; 22-04-2010 at 09:15.

Quote Originally Posted by Dawn Xem bài
Điện Dục khánh ở đâu thế bác?
Ngay trong khuôn viên chùa Huy Văn (như tôi viết ở trên). Chùa Huy Văn nằm trong một ngách nhỏ là ngách Chùa Huy Văn, trong ngõ Văn Chương. Cái cổng nhỏ xập xệ đến nỗi nếu không có lá cờ Phật giáo treo bên trên thì dù đã từng đi vào rồi, tôi vẫn không tìm lại ngay được. Đối diện có Văn chỉ của làng, hay gọi là đền Văn Chương, nhưng cũng bị nhà dân lấn hết rồi.

Bức ảnh dưới đây chụp từ ngách vào Văn chỉ sang bên ngách vào chùa Huy Văn; ở giữa là ngõ Văn Chương.


@home: Khi nào có thời gian đi lên phía đó tôi sẽ thử tìm hiểu xem. Có nhiều bài báo cho biết những điều rất hay, nhưng cũng có nhiều bài hay nói quá.

Những tấm bia tiến sỹ


Mặc dù nhà Lý đã tổ chức các khoa thi từ năm 1075, nhưng đến Lê Thánh Tông mới cho dựng các bia tiến sỹ, ghi danh những người đỗ đại khoa, đặt ở trong Văn Miếu để vinh danh. 

Tấm bia đầu tiên được dựng năm 1484, cách đây hơn 500 năm, ghi danh các tiến sỹ đỗ năm 1442, trước đó hơn 40 năm. Truyền thống dựng bia tiến sỹ đó được tiếp tục cho đến cuối triều Lê, triều Nguyễn dời vào Huế. Chính xác có bao nhiêu tấm bia không rõ, chỉ biết đến nay còn lại 82 bia, là di sản văn hoá đặc biệt của quốc gia.

Công của Lê Thánh Tông với nền nho học rất lớn, do đó hiện nay tượng của ông được thờ cùng Lý Thái Tông (người lập Văn Miếu), Lý Thánh Tông (người lập Quốc Tử Giám) trong nhà Thái học.

Lê Thánh Tông rất thích văn thơ, lập hội Tao Đàn và tự mình làm Đàn chủ, để lại nhiều bài thơ. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia chinh chiến đánh dẹp, mà chiến công lớn nhất là dẹp yên Chiêm Thành, tiến đến tận Bình Định. Hơn thế nữa, ông đã dùng chính sách "chia để trị", chia ba nước Chiêm Thành, lập ba vua để họ đánh lẫn nhau. Từ đó Chiêm Thành suy yếu, không bao giờ hồi phục được nữa, và cũng không bao giờ là mối đe doạ với Đại Việt như thời triều Trần nữa.

Lê Thánh Tông được tôn vinh là vị vua văn võ toàn tài, tài giỏi bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.




Bản đồ Hồng Đức

Thời Lê Thánh Tông còn để lại cho hậu thế một số tài liệu quý giá nữa, đó là luật Hồng Đức và Hồng Đức bản đồ, ghi lại các địa danh toàn quốc. Trong đó, bản đồ Thăng Long lần đầu tiên được vẽ lại cụ thể, với các địa danh lớn được xác định chi tiết.

Căn cứ vào bản đồ Hồng Đức, đối chiếu với các di tích còn lại, có thể xác định khá chính xác thành Thăng Long đời Lê.

Dưới đây là bản đồ (vẽ lại từ bản đồ Hồng Đức) và tôi đối chiếu các địa danh xưa với vị trí của chúng ngày nay trên bản đồ Google Earth.



Last edited by Chitto; 22-04-2010 at 00:59.

Đối chiếu xưa và nay

Bản đồ cổ cho thấy sông Tô Lịch chảy vòng phía Bắc, ngay sát hồ Tây, đổ vào sông Hồng ở quãng phố Chợ Gạo, gần chợ Đồng Xuân ngày nay. Thành Thăng Long dựa vào sông mà đắp sang phía Tây.

Ba ngôi đền Bạch MãTrấn VũLinh Lang vẫn còn đó, nhưng bản đồ cổ không có đền Kim Liên, chứng tỏ thời đó chưa có hoặc không quan trọng, tức là cũng chưa có cái gọi là "Tứ Trấn" như về sau tôn vinh.

Trong vòng Kinh Thành (Long Thành, vẽ hình tường gạch) gồm Hoàng thành, và phía Tây là một hồ nước lớn, nay còn dấu tích là hồ Thủ Lệ, là nơi luyện tập quân thuỷ. Địa danh Khán Sơn ở phía Bắc khu Núi Bò (phố Núi Trúc) ngày nay. Khu Giảng Võ để luyện tập quân đội, có hồ nước nữa, dấu tích còn lại là hồ Giảng Võ. Gần đó là nơi tổ chức thi của triều đình.

Cửa Đông Hoàng thành và Kinh Thành trùng nhau, nằm ra đến tận phố Hàng Gà, Hàng Cót bây giờ. Cửa Nam ra đến ngã tư Cửa Nam bây giờ, là đầu của con đường Thiên lý đi vào Nam.

Vòng Kinh Thành này là phủ Phụng Thiên. Bên ngoài, trong vòng La Thành chạy vòng phía Nam, có hai huyện Quảng Đức và Thọ Xương. La Thành đắp bằng đất, được vẽ bởi hai nét cách nhau.

Phía Nam của thành có một vùng hồ nước mênh mông, gọi là Đại Hồ, bao quanh cả Quốc Tử Giám và đài Khâm Thiên Giám. Dấu tích còn lại là các hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Thiền Quang, Linh Quang, Xã Đàn.

Ở phía Nam là đàn Nam Giao, thuộc huyện Thọ Xương. Hồ Hoàn Kiếm còn thông với sông Hồng, bên cạnh là chùa Báo Thiên. Gần đó là Trị sở củaPhủ Doãn phủ Phụng Thiên (tức là quan trông coi Kinh đô, như ông thị trưởng ngày nay), nay vẫn còn lại với tên phố Phủ Doãn.

Bên ngoài La Thành, phía Tây cũng có một vùng hồ nước nữa, mà dấu tích còn lại là hồ Đống Đa (hồ Thành Công là hồ đào, không phải có từ xưa, nhưng trước kia cũng có thể vùng này ngập nước mênh mông)

Đối chiếu bản đồ xưa với địa thế nay, tìm lại dấu tích của năm trăm - một nghìn năm trước, thật rất thú vị.
Last edited by Chitto; 22-04-2010 at 01:02.

Chùa Ngọc Hồ

Lê Thánh Tông không chỉ là vị vua văn võ toàn tài, mà còn là bậc quân tử đa tình, đã được gặp tiên.

Truyện rằng ở phía Nam hoàng thành, gần Quốc Tử Giám có chùa Ngọc Hồ là ngôi chùa đẹp, Lê Thánh Tông ngự thăm chùa. Tại đây vua gặp một người đẹp ngâm thơ, cùng đối thơ xướng hoạ, rất lấy làm hợp ý. Vua muốn đón nàng về cung, nhưng khi kiệu đi đến Cửa Nam thì cô gái biến mất. Lúc bấy giờ mới biết là gặp tiên nữ, vùa bèn cho xây một cái lầu ngoài Cửa Nam, gọi là lầu Vọng Tiên để trông ngóng.

Lầu Vọng Tiên đã bị phá lâu rồi, nhưng chùa Ngọc Hồ ngày nay vẫn còn đó, trên phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến). Khuôn viên đã bị thu hẹp rất nhiều, cảnh trí khác xưa nhiều lắm, nhưng vẫn còn đó câu truyện vua gặp tiên, rồi sau đó là truyện Tú Uyên gặp tiên...




Bích Câu đạo quán

Lê Thánh Tông không phải là người duy nhất gặp tiên ở chùa Ngọc Hồ, mà còn có chàng thư sinh Tú Uyên.

Truyện "Bích Câu kỳ ngộ" kể rằng chàng tú tài tên là Trần Uyên, nên thường gọi là Tú Uyên, văn thơ tao nhã, một lần ra chơi chùa Ngọc Hồ, ngồi nghỉ dưới gốc cây bỗng có chiếc lá đề thơ bay ngang mặt, vội nhặt lên xem, đồng thời nhìn ra thấy có người con gái rất đẹp. Tú Uyên làm quen, nói chuyện văn thơ với cô gái, đi đến tận lầu Quảng Văn thì cô gái biến mất. Tú Uyên về nhà sinh ốm tương tư.

Chàng đến đền Bạch Mã cầu xin, đêm nằm thấy thần bảo sáng ra chợ Cầu Đông mà tìm. Hôm sau ra chợ Cầu Đông, gặp ông già bán tranh, bức tranh Tố nữ vẽ y hệt người đẹp đã gặp, bèn mua về treo trong nhà, ngày ngày trò chuyện, mời cơm. Thế rồi mấy hôm sau về thấy cơm canh đã sẵn, chàng rình thì thấy cô gái từ trong tranh bước ra. Tú Uyên giữ lại, xé tranh đi, hỏi tên thì là tiên Giáng Kiều, hai người nên vợ chồng.

Nhưng có vợ rồi Tú Uyên đâm ra bê tha, chỉ thích rượu chè đàn hát. Giáng Kiều khóc rồi bay về trời. Tú Uyên hối hận đau khổ, định tự tử nên Giáng Kiều quay lại, rồi dạy chồng cách tu tiên. Về sau hai người cưỡi hạc bay về trời.

Nền nhà cũ của Tú Uyên khi xưa, ngày nay thành Bích Câu Đạo quán, là một trong hai ngôi Đạo quán của Thăng Long xưa còn giữ nguyên được, không bị đổi thành chùa.

Bích Câu đạo quán trên phố Cát Linh, xung quanh đã bị lấn chiếm làm nơi buôn bán.




 Triều Lê trọng Nho mà nhạt Phật. Nhưng Nho giáo thì không có cầu cúng, lễ lạt, kinh sách thì chỉ giới học chữ Hán mới đọc được và hiểu được, còn dân chúng đa số không biết đọc. Cho nên Phật giáo vẫn sống mạnh mẽ trong các làng xã. Tại kinh thành Thăng Long, Phật giáo không được coi trọng như trước, nhưng tại các làng quê, trước kia chỉ có chùa lớn của vua, quan dựng, nay thì các làng cũng dựng chùa cả.

Rồi Đạo giáo cũng phát triển, tại Thăng Long dựng lên các đạo quán mới như Đồng Thiên, Huyền Thiên, thờ cúng kiểu tu tiên luyện thuốc. Câu truyện Lê Thánh Tông, Tú Uyên gặp tiên cũng thể hiện sự khôi phục và hưng thịnh của tư tưởng tu luyện thành tiên.

Bên cạnh đó, xuất hiện tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh, xuất phát từ Nam Định, dần phát triển khắp nơi. Tín ngưỡng này về sau sử dụng nhánh Saman của Đạo giáo, lên đồng, cầu đảo. Đạo giáo truyền thống thì đã tàn lụi hoàn toàn ở Việt Nam, nhưng Tín ngưỡng Mẫu và lên đồng thì đến nay ngày càng phát triển.

Đền Kim Liên

Sau thời Lê Thánh Tông rực rỡ, nhà Lê suy đồi nhanh chóng. Lê Uy Mục lên ngôi liền giết ngay bà nội (là vợ Lê Thánh Tông), làm nhiều điều bạo ngược, đến nỗi bị gọi là Vua quỷ.

Lê Oanh đem quân về giết Uy Mục, tự lên làm vua tức là Lê Tương Dực, bị gọi là Vua Lợn, tham tàn chả kém vua trước. Trong sử ghi rằng Tương Dực cho làm lại thành Thăng Long, đắp thành chắn cả sông Tô Lịch, dựng tòa Cửu trùng đài hùng vĩ, sai Vũ Như Tô làm điện trăm nóc, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, dân tình kêu than.

Do đó khắp nơi lại nổi loạn, quan ngay trong triều giết Tương Dực (khi đó mới 24 tuổi), Thăng Long đại loạn, cướp phá khắp nơi. Của cải triều Lê tích trữ trong trăm năm bị cướp sạch. Chỉ vài năm sau, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, dựng lên nhà Mạc.

Tương truyền Lê Tương Dực khi khởi quân đánh Uy Mục, nằm mộng thấy thần Cao Sơn hứa phù trợ, nên sau khi lên ngôi cho dựng ngôi đền thờ ở phía Nam thành Thăng Long, tức là đền Kim Liên ngày nay (dựng mới hay trên nền ngôi miếu nhỏ cũ của làng thì cũng chưa rõ). Đến lúc này ngôi đền "trấn Nam" của Thăng Long mới được xuất hiện trong sử sách.

Tuy nhiên trong các bản đồ Thăng Long thời Trịnh sau cũng không thấy vẽ đền này, chứng tỏ cũng không phải là quan trọng. Cho nên cái thuyết "Tứ Trấn Thăng Long" có lẽ còn xuất hiện muộn nữa, có khi phải từ cuối Lê đầu Nguyễn mới có.

Đền Trấn Nam - Kim Liên, mới có từ đời Lê Tương Dực (1510)


Đúng một trăm năm sau khi Lê Thái Tổ giành lại Thăng Long từ tay giặc Minh, thì con cháu của ngài lại để mất Thăng Long vào tay nhà Mạc.

Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời của Mạc Đĩnh Chi, danh thần triều Trần, đã phế vua để lên ngôi. Một số đại thần chạy vào Thanh Hoá lập lên triều Lê Trung Hưng, chia ra Nam Bắc triều đánh nhau liên tục.

Triều Mạc giữ được Thăng Long trong hơn 60 năm, rồi chạy lên Cao Bằng. Điều đặc biệt là dù trong thời gian đó đánh nhau liên miên, nhưng triều Mạc vẫn tu sửa được Thăng Long rất nhiều, tổ chức đều đặn các khoa thi, làm đầy thêm kho bia Tiến sỹ tại Văn Miếu. Những dấu tích thành Đại La còn lại rõ ràng đến nay đều do sự bồi đắp lớn triều Mạc. Thậm chí có giai đoạn nhà Mạc cai trị tốt đến nỗi sử phải ghi là "người đi đường không nhặt đồ rơi, tối đi ngủ không phải đóng cửa".

Trong các công trình cung điện đền đài, nhà Mạc không để lại gì nhiều, có vài ngôi chùa, nhưng chủ yếu ở quê Dương Kinh chứ không phải Thăng Long.
Last edited by Chitto; 11-05-2010 at 12:39.

Cấm Chỉ !


Sau hơn 60 năm, triều đình vua Lê - do chúa Trịnh nắm quyền - trở lại Thăng Long (1592).

Có một truyền thuyết lạ về một con ngõ ở Thăng Long, là ngõ Cấm Chỉ.

Truyện rằng khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, giam lỏng vua Lê Chiêu Tông bên ngoài cung, thì có một người con gái hay qua lại, rồi mang thai, Lê Chiêu Tông giao cho chiếc ấn để làm tin. Sau đó Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết, người con gái sinh được hoàng tử, nhưng dấu kín tung tích.

Người con trai của Chiêu Tông khi bé gọi tên là Chổm, sống giữa dân chúng ở chợ Đông, suốt ngày ăn nợ các hàng, nhưng hễ ăn hàng nào thì hàng đó hôm ấy đắt khách, nên ai cũng cho nợ, nợ khắp cả chợ cả phố.

Sau Nguyễn Kim tìm hậu duệ nhà Lê, gặp được Chổm, tôn lên làm vua Lê Trang Tông, nên gọi là Chúa Chổm. Khi trở về Thăng Long, kiệu vua đi vào thành thì bao nhiêu con nợ từ trước a lô xô ra đòi, không biết bao nhiêu cho đủ! Vua phải quăng túi tiền ra, rồi tại đó ra lệnh Cấm Chỉ không được đòi nữa.

Từ đấy nơi cấm dân đòi nợ vua gọi là ngõ Cấm Chỉ, ở ngoài Cửa Nam, nay vẫn còn tên đó.

Lại có bài vè rằng:

Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì (vay nợ tì tì)
Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô !!!



Truyện này là truyền thuyết thôi, vì Lê Trang Tông chết ở Thanh Hoá, chưa về khôi phục Thăng Long được. Cái tên Cấm Chỉ có thể là do đây là cửa Đông Nam của hoàng thành, khi vua đi ra đều theo đường này, nên cấm chỉ dân chúng tụ tập buôn bán ở đây.
Last edited by Chitto; 04-06-2010 at 01:41.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét