Phố Paul Bert
Khi quy hoach Hà Nội, con phố được người Pháp quan tâm thiết kế đầu tiên và cũng chú trọng nhất là phố Paul Bert, nay là Tràng Tiền. Phố này xuyên qua khu vực xưởng đúc tiền của nhà Nguyễn trước kia, là con đường nối khu Đồn Thủy của Pháp đi sang đường Hàng Bông để ngược lên Nhà Thờ Lớn rồi vào thành cổ.
Người Pháp đã muốn con phố này là phố mang đặc trưng Pháp nhất, một kiểu Champ Elysee thu nhỏ, để các cuộc diễu hành, nghi lễ sẽ diễn ra ở đây. Đặc biệt sau khi đầu phố được dựng Nhà Hát Lớn, thì con phố càng được xây dựng cẩn thận hơn. Một số tòa nhà xây chỉ mười năm là đập đi xây lại, hoặc trang trí lại. Do đó các bức ảnh chụp phố này cùng một góc có khi khác nhau khá nhiều.
Đầu phố Paul Bert phía Nhà Hát Lớn thời kỳ đầu
Sau đó tòa nhà đầu phố bên trái bị phá đi xây lại, thành tòa nhà này
Rổi trở thành nhà của hãng xe Peugoet (phía xa là nhà in IDEO phía bên phải)
Ảnh chụp Nhà Hát Lớn và đầu phố Paul Bert
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:13.
Phố Tràng Tiền
Tòa nhà của hãng Peugoet xưa nay là sàn chứng khoán, vừa được xây lại. Riêng kiến trúc tròn ở đầu được giữ lại như cũ.
Khi đang sửa
Và lúc đã hoàn thành
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:13.
Đầu phố Paut Bert
Trước kia ở đầu phố Paut Bert còn có ngôi nhà này với kiến trúc thuộc địa, được xây khoảng những năm 1925
Và vị trí đó hiện tại là tòa nhà World Bank
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:13.
Nhà in IDEO
Năm 1907, nhà in IDEO được xây dựng trên phố Paut Bert, là nhà in hiện đại nhất lúc bấy giờ, in các sách báo tiếng Pháp, và về sau là cả tiếng Việt. Tòa nhà xây cao nhất phố, với 6 tầng sừng sững đứng đó hơn một trăm năm rồi.
Nhà in IDEO ở phía xa hơn, cao 6 tầng
Ngày nay cùng góc đó, hiệu sách Ngoại văn đã cao hơn rồi (mà hình như giờ cũng ít người gọi cái tên là hiệu sách Ngoại văn và Quốc văn)
Mặt tiền nhà in IDEO hiện nay, với năm xây dựng 1907 vẫn còn bên trên
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:14.
Khách sạn Hà Nội
Tại góc đường nơi phố Paut Bert cắt với đường Henri Riviere (nay là Ngô Quyền), có một tòa khách sạn hai tầng, tên là Khách sạn Hà Nội (Hanoi Hotel).
Ảnh chụp khi Nhà Hát Lớn còn chưa xây xong, giữa phố còn có cột đèn. Sau cột đèn này bỏ
Một ngày lễ hội của người Pháp tổ chức trên phố Paul Bert, chụp trước Hanoi Hotel. Lúc này thấy cái chóp góc của Nhà Hát Lớn rồi.
Từ góc này có thể thấy chữ HANOI ở xa xa, góc phố Henri Riviere (Ngô Quyền).
Đối diện Hanoi Hotel là Nhà thuốc tây đầu tiên của Hà Nội: Nhà thuốc Blanc
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:14.
Ngân hàng Pháp - Hoa
Đến năm 1930 thì tòa nhà Khách sạn Hà Nội bị phá bỏ, để xây Chi nhánh Ngân hàng Pháp - Hoa (Banque Franco - Chinoise) ở vị trí đó. Tòa nhà này vẫn còn cho đến nay.
Ngân hàng Pháp - Hoa
Nhà thuốc Blanc cũng đã phá đi xây lại
Sau này tòa nhà này thuộc bộ Ngoại thương, sau là bộ Thương Mại, và giờ là bộ Công Thương
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:14.
Rạp chiếu bóng
Đầu thế kỷ 20, chiếu bóng đã đến Việt Nam. Từ một sân khấu chiếu bóng nhỏ, người Pháp đã cho xây dựng rạp chiếu bóng lớn đầu tiên ở Hà Nội trên phố Paul Bert, gọi là "Cinema Palace", năm 1917.
Thời 9 năm kháng chiến, rạp đổi tên là Eden, rồi sau 1954 gọi là rạp Công Nhân cho đến nay, nằm đối diện kem Tràng Tiền.
Cinema Palace xưa
Và Rạp Công Nhân nay
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:17.
Phố Paul Bert
Phố Paul Bert nhìn về phía Bờ Hồ xưa, tận cùng là cái chóp cao của Cửa hàng lớn (Grand Magasins) thời Pháp
Tiệm café và khách sạn, thời đó khách sạn đã khá nhiều dọc con phố này
Sau này dãy nhà trở thành Hiệu sách Quốc văn, nay là Nhà sách Thăng Long. Bên trên vẫn còn chiếc trụ viết bốn mặt bởi các chữ Knuga, Book, Livre, Sách có từ mấy chục năm
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:09.
Nhà Godard
Một công trình có bề dày lịch sử nhưng bị thay đổi nhiều nhất Hà Nội là nhà Godard.
Khối nhà này nằm ở góc phố Paul Bert và đại lộ Đồng Khánh (Tràng Tiền - Hàng Bài), được xây trước năm 1900. Khi đó đây là cửa hàng bán hàng dành riêng cho người Pháp, người Việt không được vào. Vì xây gần hồ Gươm nên tòa nhà không được làm cao như nhà in IDEO. Trong tòa nhà bán các loại hàng hóa đa dạng, là Trung tâm thương mại cao cấp đầu tiên thời đó.
Nhà Godard năm 1900
Tòa nhà này tồn tại được hơn 20 năm, thì phá đi xây lại to cao hơn, gọi là Grands Magasins (Réunis). Cái chóp cao của tòa nhà này xuất hiện trong rất nhiều bức ảnh cũ về Hà Nội.
Thế rồi tòa nhà lại bị làm lại bề mặt, không rõ năm nào, trở nên vuông vức và khắc khổ hơn, với một cái đồng hồ vuông thay vào chỗ mái vòm tròn và cái chóp cao
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:09.
Bách hóa Tổng hợp
Đến năm 1958, nhà nước VNDCCH đã cải tạo nơi đây thành tòa nhà Bách hóa Tổng hợp, cửa hàng bách hóa lớn nhất Hà Nội. Những kỷ niệm về BHTH này với nhiều người Hà Nội rất sâu đậm, khó có thể quên.
Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ lại cái cảm giác chạy trong lòng tòa nhà lát gạch, trèo lên các bậc thang đã mòn, bám vào chiếc tay vịn nhẵn bóng của Bách hóa Tổng hợp xưa, nhìn những món hàng nghèo nàn sau cái quầy gỗ, chiếc xe đạp, đồ phụ tùng xe đạp, mấy bộ quần áo, mấy thứ hàng mà bây giờ chỉ vào bảo tàng may ra tìm được...
Bách hóa Tổng hợp những năm 1980
Năm 1995, Hà Nôi quyết định phá Bách hóa Tổng hợp để xây Trung tâm thương mại, giờ mang tên Tràng Tiền Plaza. Những ngày đó báo chí đã tốn bao nhiêu giấy mực để hoài cổ và phản đối. Mãi 5 năm sau, tòa nhà mới xong như hiện nay.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:10.
msvu .
Bách Hóa Tổng Hợp, nơi mang lại cho lũ trẻ hồi ấy nhiều kí ức. Nhớ có 1 lần đang chơi ở cửa nhà, thấy mẹ đi về mắt mũi đỏ hoe. Thời đó trẻ con đã biết gì đâu. Rồi thấy các bác, các chú ở nhà xúm lại an ủi. Được nghe mẹ kể lại là mới vào Bách Hóa Tổng Hợp có 1 phút để mua chiếc màn nơi xí nghiệp mẹ sản xuất giúp cho người quen, quay ra thì cái xe đạp Thống Nhất đã bị mất. Thế là mẹ vừa đi bộ về vừa khóc. Cả gia tài với cái thời bao cấp ấy. Nhớ sao là nhớ.
Diễu binh
Chỉ chốc nữa (8h00 ngày 10/10/2010) sẽ diễn ra cuộc Duyệt binh và Diễu hành lớn nhất trong lịch sử Hà Nội.
Nhân đây đưa vài bức ảnh của người Pháp chụp cuộc Diễu binh vào ngày Quốc khánh Pháp (không rõ năm nào).
Đoàn diễu binh trên đường đê Quai Clemenceau (Trần Quang Khải)
Đi trước nhà Đoan (BT Cách Mạng) rồi rẽ vào phố De France (cuối Tràng Tiền) để ra trước Nhà Hát Lớn
Qua trước Nhà Hát Lớn để vào phố Tràng Tiền
Rồi diễu dọc phố Paul Bert (Tràng Tiền) ra Bờ Hồ
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:10.
Hội yêu Âm nhạc
Ở phía Bắc hồ Gươm có tòa nhà của hội Ái Nhạc (Societe Philharmonique) được xây vào cuối những năm 1890s, là nơi các nghệ sĩ, nhạc sĩ Việt Nam gặp gỡ và nhiều tác phẩm tân nhạc đầu tiên đã được trình diễn nơi đây.
Ngày nay, tại vị trí toà nhà đó là một khối nhà có kiến trúc kì quái: Nhà hát múa rối nước Thăng Long
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:12.
Café - WC
Sát cạnh bờ hồ Gươm, lùi về phía dưới đền Ngọc Sơn một chút, đầu thế kỷ 20 có một quán café. Nhưng sau đó Đốc lý người Pháp thấy rằng đặt nhà cạnh hồ Gươm là phá hỏng phong cảnh của hồ, nên đã bắt dẹp bỏ quán café này.
Ngày nay, vị trí đất của quán café chính là cái công trình thuộc loại cần thiết nhất ở cạnh hồ: nhà WC cạnh cây lộc vừng chín gốc.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:12.
Tòa báo Avenir du Tonkin
Tờ báo sớm nhất ở Hà Nội được phát hành là Đông Dương tạp chí (Avenir du Tonkin), phát hành năm 1883, ngay sau khi Pháp chiếm Hà Nội. Khoảng hơn mười năm sau, tòa soạn báo được xây dựng bên cạnh bờ hồ Gươm, ở phía Nam. Ngày nay đó là trụ sở báo Hà Nội Mới.
Tòa soạn báo ngày xưa
Và ngày nay
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:12.
Ty cảnh sát
Cạnh tòa soạn báo Đông Dương là Ty cảnh sát Hà Nội, ngày nay tòa nhà đó vẫn còn nguyên, là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, chỉ có điều là ở giữa lại dựng lên một cái chòi cu chẳng hiểu theo kiểu gì, vô duyên tệ.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:06.
Hệ thống Trường học
Một trong những việc người Pháp làm đầu tiên khi chiếm được các vùng đất ở Việt Nam là thiết lập hệ thống trường đào tạo người làm cho Pháp. Sài Gòn là nơi có hệ thống trường sớm nhất, vì Pháp chiếm nơi này đầu tiên. Hệ thống trường học ở Hà Nội thiết lập muộn hơn, nhưng về sau hoàn chỉnh và đầy đủ các bậc cao cấp hơn.
Ngay từ năm 1883, sau khi chiếm Hà Nội, Pháp lập cơ sở đào tạo Thông ngôn đặt ở phố Jean Dupuis (phố Mới - phố Hàng Chiếu), năm 1905 lập trường Thông ngôn chính thức. Tuy nhiên khu vực trường xưa giờ không còn gì để tìm lại.
Năm 1902, Pháp lập trường Công chính, đào tạo những người làm trong việc giao thông, xây dựng. Trường đặt cùng khu vực Nha Giao thông công chính ở phố Hàng Tre.
Năm 1903, lập trường Hậu bổ, các quan lại do nhà Nguyễn bổ nhiệm phải học qua trường này mới được làm quan. Trường đào tạo các kỹ năng quản lý xã hội và đặc biệt là giao dịch với Công sứ Pháp. Trường này đặt tại vị trí trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên phố Hàm Long, giờ không còn dấu tích.
Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp thiết lập hệ thống giáo dục theo kiểu Pháp tại Đông Dương. Hệ thống này gồm nhiều cấp:
- Cấp Ấu học: học 3 năm, chủ yếu học tiếng Pháp
- Cấp Tiểu học: học 3 năm
- Cấp Cao đẳng tiểu học: học 4 năm (tốt nghiệp có bằng Thành Chung)
- Cấp Tú tài (trung học) học 3 năm (tốt nghiệp có bằng Tú tài)
Tốt nghiệp bằng Thành Chung (tương đương hết cấp 2, THCS bây giờ) là đã có thể ra làm việc cho Pháp. Thời đầu toàn Việt Nam chỉ có 12 trường đào tạo cấp này, trong đó Hà Nội có 2 trường, sau này mới thêm 2 trường nữa, và hai trường cho nâng cấp lên đào tạo Tú tài.
Trường Bưởi
Trường Bưởi là trường đào tạo cấp Cao đẳng Tiểu học (cấp bằng Thành Chung) đầu tiên ở Hà Nội, dành cho người Việt Nam, và chỉ cho nam sinh. Trường xây sát hồ Tây, ngày nay là trường Chu Văn An, trường trung học lâu đời nhất Hà Nội.
Thực tế vào khi thành lập năm 1908, trường mới chỉ đào tạo cấp Cao đẳng Tiểu học, đến năm 1925 mới đào tạo cấp Tú tài, thực sự thành trường Trung học, và mang tên là trường Trung học Bảo hộ (Lycée du protecrat). Nhiều danh nhân của Việt Nam đã được đào tạo tại đây.
Trường Trung học Bảo hộ (chụp sau 1925)
Ảnh chụp từ trên cao, với trường Bưởi sát hồ Tây, bên phải là Phủ Toàn quyền Đông Dương, phía trên là cầu Long Biên, phía trái là đường Cổ Ngư.
Quy mô trường thời đó
Last edited by Chitto; 26-09-2011 at 14:55.
Trường Bưởi
Năm 1945, trường đổi tên là Chu Văn An, và cái tên đó vẫn còn đến ngày nay.
Nhà bát giác sát hồ Tây
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:07.
Petit Lycée và Grand Lycée
Sau đó người Pháp mở ra hai trường dành riêng cho Nam sinh người Pháp, hoặc con em các quan lại cao cấp người Việt. Những con nhà thường dân dù học giỏi cũng không được vào hai trường này.
Trường Petit Lycée đào tạo bậc Cao đẳng Tiểu học, xây trên đường Rollandes (nay là Hai Bà Trưng), trường Grand Lycée đào tạo bậc Tú tài, đặt trên đường Carnot (nay là Hoàng Văn Thụ). Năm 1923, trường Grand Lycée đổi tên là trường Albert Sarraut, năm 1954 chuyển trường này về Petit Lycée. Sau đó cả hai cái tên đều xóa bỏ, và Petit Lycée nay là trường Trần Phú.
Kiến trúc Pháp của ngôi trường này vẫn còn khá nguyên vẹn, sàn gỗ, các lớp hồi trước còn có lò sưởi trong phòng học.
Trường Trần Phú, một thời gian ngắn có tên là Albert Sarraut.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:07.
Grand Lycée
Năm 1919, Pháp cho xây một trường đào tạo bậc Trung học có thể nói là lớn và đẹp nhất Đông Dương, là Grand Lycée, năm 1923 đổi tên là Albert Sarraut. Trường chuyên đào tạo nam sinh, cho con em người Pháp và của quan chức cao cấp người Việt. Những quan chức Pháp sang Đông Dương làm việc có thể yên tâm để con họ học ở đây mà không khác với học tại chính quốc, vì giáo viên toàn là người Pháp. Đây cũng là trường cấp bằng Trung học đầu tiên của Hà Nội (trường Bưởi thời đầu chỉ cấp bằng Cao đẳng Tiểu học).
Khu trường này được xây dựng ngay cạnh Phủ Toàn quyền Đông Dương, bốn mặt là bốn phố người Pháp đã quy hoạch. Trường là tổ hợp nhiều khối nhà có kiến trúc đẹp, với đủ khu phòng học, khu ký túc, thể thao, bể bơi, đúng tiêu chuẩn Pháp. Có thể nói đây là quần thể liên hoàn hoàn chỉnh nhất tại Hà Nội.
Học sinh trong trường là giới thượng lưu, giàu có; trong khi trường Bưởi cách đó không xa là con em nhà bình dân, nhưng học giỏi có khi còn hơn. Chính vì vậy thường xảy ra mâu thuẫn giữa hai trường, và khu Bách Thú (sau là Bách Thảo) thường là nơi "giải quyết" của các nam sinh.
Ảnh chụp toàn bộ khu trường, với Phủ Toàn quyền Đông Dương nằm bên trái phía dưới:
Ảnh chụp một góc khác, con đường sát mép dưới là Hùng Vương, mép phải là Hoàng Văn Thụ ngày nay. Có thể thấy mảnh đất mà nay là tòa nhà Bộ kế hoạch đầu tư thì trước chính là sân vận động của trường.
Sau năm 1954, khi những người Pháp rút khỏi Hà Nội, trường chuyển về Petit Lycée rồi giải thể. Khi đó toàn bộ khu vực của trường được chuyển chức năng thành khu làm việc của Trung ương Đảng. Ngày nay đó là khu nhà nằm giữa bốn phố: Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Nguyễn Cảnh Chân. Số 4 Nguyễn Cảnh Chân có thể nói là đầu não của Việt Nam hiện nay, tức là đi vào khu trường học thời xưa này.
Mặt Hoàng Văn Thụ ngày nay
Last edited by Chitto; 26-09-2011 at 14:57.
Grand Lycée
Mặt tiền của trường Albert Sarraut trước kia
Và ngày nay
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:08.
Trường Nữ sinh
Việc đào tạo bậc Cao đẳng Tiểu học và Trung học lúc đầu chỉ dành cho nam sinh, đến năm 1918 thì có trường cho nữ sinh học để làm giáo viên, lúc đầu ở Hàng Vôi, đổi ra Lò Đúc, rồi cuối cùng thành lập trường Nữ trung học, đặt tại vị trí đường Felix Faure (Trần Phú ngày nay).
Năm 1925, Pháp thu hồi lại địa điểm này, xây lại thành trường Nữ trung học Pháp St.Mary, chỉ dành đào tạo cho nữ sinh con em người Pháp và quan chức cao cấp người Việt, còn trường cho nữ sinh người Việt bình dân thì dời ra Hàng Bài.
Trường St.Mary được xây dựng cũng khá quy mô, không kém trường Albert Sarraut của nam sinh, nằm trọn một khu đất giữa bốn con phố. Sau năm 1954 trường giải thể, khu trường trở thành Đại sứ quán Liên Xô, sau khi Liên Xô sụp đổ, thành đại sứ quán Nga một thời gian, và nay là Bộ Tư Pháp.
Trường Nữ trung học St.Mary xưa
Và Bộ Tư pháp nay
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:08.
Khu Ba Đình xưa
Tấm ảnh chụp sau năm 1930, cho thấy quy hoạch toàn bộ khu vực mà nay là khu Ba Đình
Trục đường bên trái là Hùng Vương, bên phải là Chu Văn An. Ba đường ngang từ gần đến xa là Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Hồng Phong, và tít xa là Hoàng Văn Thụ.
Khu nhà gần nhất là bệnh viện St.Paul, vẫn nguyên chức năng và tên gọi từ xưa đến nay.
Tiếp đó là trường Nữ trung học St.Mary, sau là ĐSQ Liên Xô và nay là Bộ Tư Pháp.
Sau đó là sân đua xe đạp (kiểu lòng chảo). Bên cạnh là Sở Tài chính Đông Dương (nay là Bộ Ngoại Giao).
Cách khoảng sân cỏ rộng, tận xa là trường Nam trung học Albert Sarraut.
Góc tận cùng bên phải phía trên là đường Hoàng Diệu.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:08.
Trường Đồng Khánh
Năm 1925, trường Nữ sinh cho người Việt chuyển sang khu vực đầu đường Đồng Khánh. Nguyên trước gọi là phố Hàng Bài, sau này người Pháp quy hoạch hai con đường rộng chạy dọc, một bên là Gia Long (nay là Bà Triệu), một bên là Đồng Khánh (Hàng Bài).
Gia Long là vị vua đầu triều Nguyễn, có nhiều giao lưu mật thiết với Pháp, hàng loạt vua về sau đều giết đạo hoặc chống Pháp, nên Pháp rất ghét, cho đến tận Đồng Khánh. Đồng Khánh cũng là vị vua ký sắc lệnh trao đứt cho Pháp thành phố Hà Nội, trao hẳn, chứ không phải chỉ là Bảo hộ, vì vậy Pháp rất thích vua này, đặt tên ông cho con đường to.
Trường Nữ trung học người Việt trên đường Đồng Khánh cũng mang tên là trường Đồng Khánh. Cái tên "nữ sinh Đồng Khánh" gần như là niềm tự hào của các cô gái được học tại đây. Sau năm 1945, trường đổi tên là Trưng Vương, và giữ nguyên từ đó đến giờ.
Trường Đồng Khánh trên đường Đồng Khánh xưa
Và trường Trưng Vương trên phố Hàng Bài nay
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:03.
Trường Sư phạm
Năm 1918, để đào tạo đội ngũ giáo viên cho cấp Tiểu học, Pháp cho xây dựng trường Sư phạm trên phố Đỗ Hữu Vị (nay là Cửa Bắc). Những người học xong Cao đẳng Tiểu học, học trường này xong có thể đi dạy Tiểu học, và về sau là cả bậc Cao đẳng tiểu học. Cấp Trung học (tú tài) do giáo viên Pháp dạy.
Trường này là cái nôi đào tạo giáo viên Tiểu học cho toàn miền Bắc. Đến năm 1933 thì đổi là Cao đẳng Sư phạm Tiểu học Đông Dương. Năm 1954 thành trường Nội trú và đào tạo Cán bộ sư phạm miền Bắc. Từ năm 1973 thành trường Cấp 3, PTTH Phan Đình Phùng.
Cấp 3 tôi học trường này, vẫn luôn nhớ sân trường rợp bóng của những cây xà cừ, gốc cây ở giữa lớn nhất gần trăm năm tuổi, nơi bọn cùng lớp luôn độc chiếm, nhớ sàn lớp bằng gỗ, cầu thang gỗ, cửa gỗ, nhớ cái lò sưởi ở cuối lớp, mà giờ đã dỡ đi hoàn toàn.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:04.
Đại học Đông Dương
Đào tạo bậc Trung học ở Việt Nam sớm nhất ở Sài Gòn, sau đó có ở Huế và Hà Nội. Tuy nhiên đào tạo cao hơn thì chỉ mở tại Hà Nội.
Hệ thống đào tạo sau bậc Trung học của Pháp có tên tiếng Pháp rất chặt chẽ nhưng cũng rất rắc rối, dịch sang tiếng Việt cũng không được chuẩn, nhất là về sau này đối chiếu với hệ thống đào tạo của Liên Xô, và nay là Anh - Mỹ thì lại càng lằng nhằng. Do vậy đoạn sau tôi viết theo tên gọi thông thường người Việt quen gọi từ trước, chứ về nghĩa so với bây giờ thì không hoàn toàn đúng.
Từ năm 1902, Pháp mở trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương, năm 1904 xây xong cơ sở chính đặt trên đường Bobillot (Lê Thánh Tông). Năm 1903 có trường Hậu bổ, đào tạo lại người thi đỗ của triều Nguyễn để bổ nhiệm làm quan, năm 1902 có trường Công chính đào tạo người làm trong lĩnh vực giao thông công chính.
Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau quyết định thành lập Viện Đại học Đông Dương, trụ sở đặt trong khu Đồn Thủy. Đại học Đông Dương này thu tất cả các trường Cao đẳng vào nó, nâng cấp lên thành các trường: Trường Y khoa Đông Dương, trường Hậu bổ thành trường Luật và Hành chính đào tạo Luật, triết học, hành chính; trường Công chính thành trường Xây dựng Dân chính, lại mở thêm các trường Khoa học đào tạo khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh, trường Sư phạm đào tạo giáo viên, trường Văn khoa đào tạo văn chương lịch sử địa lý.
Tuy nhiên, Đại học Đông Dương chỉ vận hành đúng 1 năm thì giải thể không lý do. Các trường thành viên tách ra thành các Cao đẳng. Đến năm 1917, Toàn quyền Albert Sarraut mới tái lập Viện Đại học Đông Dương, quy tụ các trường Cao đẳng về thành một mối, lại lập thêm trường Thương Mại và trường Mỹ thuật.
Như thế, Đại học Đông Dương thực sự là một trường Đại học đúng nghĩa, phủ rộng tất cả các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kinh tế, y dược học, luật học, mỹ thuật, xây dựng giao thông, hành chính. Cho đến nay, ở VN cũng chưa có trường nào bao quát được như thế. Hàng loạt các trường đại học lớn hiện nay ở Hà Nội và Sài Gòn đều nhận Đại học Đông Dương là tiền thân.
Trường Y Dược
Trường Y khoa Đông Dương được xây dựng năm 1904 trên phố Bobillot, nay là tòa nhà Đại học Dược. Có thể thấy khi đó chưa có khối nhà lớn của Đại học Đông Dương, bên cạnh vẫn là khu đất trống.
Mặt tiền
Tòa nhà ấy ngày nay không thay đổi gì, chỉ có những cây xà cừ đã phủ tán che kín
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:04.
Đại học Đông Dương
Khối nhà chính của Đại học Đông Dương được xây năm 1924, là tòa nhà theo kiến trúc Đông Dương đầu tiên ở Hà Nội. Kiến trúc này kết hợp phong cách của Pháp với phương Đông, thể hiện rõ nhất bộ mái với hệ thống đấu củng nhô ra, trang trí có họa tiết hồi văn của phương Đông.
Khối nhà này nằm ngay bên Trường Y Dược cũ, nhưng lớn hơn nhiều. Và để có tính đối xứng, người ta xây thêm một khối nữa bên kia có kiến trúc giống nhà trường Y Dược.
Mặt tiền của Đại học Đông Dương (1930)
Khu vực của Đại học và đường Bobillot (Lê Thánh Tông). Đằng sau còn thấy cái tháp nước nay ở cuối Trần Hưng Đạo, đối diện viện 108
Một phòng học của Đại học
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:04.
Đại học
Sau đó khối nhà này mang nhiều tên: Đại học Quốc gia, Đại học Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mặt sau của khối nhà
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:05.
Sở Tài chính
Một công trình theo kiến trúc Đông Dương được xây năm 1925 là Sở Tài chính Đông Dương. Sở này nằm ngay giữa khu quảng trường.
Ngày nay tòa nhà Sở tài chính Đông Dương là trụ sở Bộ Ngoại giao. Phía trước của khối nhà có hai vọng gác được thiết kế để phù hợp với cả khối nhà.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:05.
Hàng cây giờ đã che khá nhiều nét đẹp của công trình duyên dáng này. Sắp tới trụ sở mới của Bộ Ngoại giao xây xong, rồi Nhà Quốc hội mới xây xong, thì chỗ này sẽ là là tòa nhà Văn phòng Quốc hội.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:05.
Viện Pasteur
Một công trình kiến trúc thuộc địa có hai vọng gác phía trước nữa cũng rất đặc trưng, đó là Viện Pasteur.
Ngay từ năm 1913, người Pháp đã lập viện Vi trùng học để nghiên cứu. Sau đó cùng các phát minh của bác sĩ Pasteur về vi trùng, miễn dịch, người Pháp thiết lập hệ thống viện Pasteur ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt. Đến những năm 1920, bác sĩ Yersin là tổng giám đốc các viện Pasteur ở Đông Dương.
Năm 1926, viện Pasteur được xây dựng quy mô ở Hà Nội, ở khu phía Đông Nam thành phố. Sau khi bác sĩ Yersin mất, con phố trước viện được mang tên ông. Đó là con phố duy nhất mà Pháp đặt vẫn còn tên lại đến ngày nay, chỉ khác là trước kia là Yersin, giờ là Y-éc-xanh.
Viện Pasteur những năm 1930 với hai vọng gác chóp nhọn (giống của Sở Tài chính - Bộ Ngoại giao)
Viện giờ đổi tên là Viện Vệ sinh dịch tễ, nhưng người dân Hà Nội vẫn quen gọi là Viện Pasteur như xưa.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:06.
Viện Pasteur
Cái chòi gác của viện Pasteur
Khung cảnh khu vực quanh viện Pasteur những năm 1930 cho thấy Hà Nội khi đó vắng vẻ thế nào, và viện chiếm một khoảng không gian rất rộng. Phố Lò Đúc phía dưới là còn có nhà cửa, còn xung quanh nhiều đất trống. Xa xa phía trên là khu Đồn Thủy, lúc đó là bệnh viện Lanessan (nay là Hữu Nghị) và dòng sông Hồng mênh mông ở rất gần.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:06.
Bảo tàng Louis Finot
Công trình theo kiến trúc Đông Dương đẹp nhất có lẽ là bảo tàng Louis Finot được xây ở gần đê sông Hồng.
Viễn Đông Bác cổ viện có trụ sở ở Lý Thường Kiệt, năm 1926 xây dựng nhà Bảo tàng để trưng bày các hiện vật sưu tầm được, là nhà bảo tàng lớn nhất Đông Dương khi đó. Bảo tàng mang tên nhà khảo cổ học người Pháp Louis Finot. Sau năm 1954, nơi đây được đổi là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng Louis Finot thời Pháp
Cả khu vực Bảo tàng sát bờ đê trước kia
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:02.
Bảo tàng ngày nay, kín cổng cao tường hơn xưa nhiều.
Kiến trúc của nhà Bảo tàng vẫn là một điểm nhấn ngay sau Nhà Hát Lớn.
Hiện nay Bảo tàng có một kho lưu trữ rất nhiều hiện vật, nhưng không gian không đủ rộng nên cũng chỉ trưng bày một số hiện vật tiêu biểu. Một số bảo vật khác vì không đủ điều kiện an ninh bảo vệ nên cũng không trưng bày.
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:02.
Viện Radium Đông Dương
Kế tiếp sự phát triển của Y học tại Đông Dương, năm 1923, người Pháp lập Viện Radium Đông Dương (hay Viện Quang tuyến Đông Dương), áp dụng thành tựu của X-quang trong khám và chữa bệnh.
Ngày nay, đây là Bệnh viện K trên phố Phủ Doãn.
Viện Radium Đông Dương trước kia
Viện K ngày nay, dòng chữ Instituv du Radium de Indochina vẫn còn bên trên
Last edited by Chitto; 25-09-2011 at 22:03.
Nhà thương Robin
Tiếp tục topic, không bỏ lâu quá rồi.
Bệnh viện lớn nhất Hà Nội ngày nay là Bệnh viện Bạch Mai, cũng do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ 20.
Vào đầu những năm 1900, các căn bệnh truyền nhiễm phát triển nhanh. Vì vậy năm 1911 người Pháp cho xây một nhà thương để chữa bệnh truyền nhiễm. Vì bệnh lây nên phải đặt rất xa nội ô, họ chọn khu đất Cống Vọng, gọi là Nhà thương Lây Cống Vọng. Trước sông Sét còn rộng, con đường vào Nam phải xây một cống lớn bắc qua sông, khu vực làng Vọng nên gọi là Cống Vọng, nay là khu ngã tư Vọng, vì thế nhà thương mang tên này.
Năm 1929, Robin Réné làm quyền Toàn quyền Đông Dương, muốn xây dựng một bệnh viện lớn cho người Việt và định mở rộng viện Lanessan. Nhưng người Pháp sợ rằng bệnh viện người Việt sẽ ảnh hưởng đến họ, nên cuối cùng Robin Réné đã mở rộng nhà thương Cống Vọng thành bệnh viện đa khoa, mang tên là Nhà thương làm phúc. Đến khi ông làm Toàn quyền chính thức năm 1934, thì tiếp tục mở rộng nữa. Sau khi Réné về Pháp thì bệnh viện mang tên ông, là Nhà thương Robin Réné. Cái tên đó còn được dùng đến năm 1946, thì đổi là Bệnh viện Bạch Mai.
Đến nay bệnh viện Bạch Mai vẫn là bệnh viện lớn nhất trong toàn quốc, tuy nhiên đã được chia thành 7 bệnh viện nhỏ thành viên.
Nhà thương Cống Vọng
Nhà thương Robin Réné, với kiến trúc vẫn còn đến nay
Last edited by Chitto; 04-04-2011 at 11:59.
Ngân hàng Đông Dương
Năm 1925, Ngân hàng Đông Dương (trụ sở chính ở Pháp) cho xây tòa nhà trụ sở chi nhánh tại Hà Nội. Tòa nhà bề thế này nằm trước một quảng trường, gần khách sạn Metropole, Phủ Thống sứ, nhìn sang vườn hoa Paul Bert.
Thiết kế ban đầu của tòa nhà:
Quá trình xây dựng, đến năm 1930 mới hoàn thành
Khi hoàn thành vào năm 1930, ở góc phải ảnh là phố Courbet, nay là Lý Thái Tổ
Sau năm 1954, tòa nhà trở thành trụ sở chính của Ngân hàng Quốc gia, sau đổi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khoảng thời gian 1976 - 1990, một bức chân dung cực lớn - chắc là lớn nhất từ trước đến nay - của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt phía trên cái vành mái tròn nhô ra phía trước tòa nhà này. Sau đó được dỡ đi, không biết do cái khung sắt nặng có thể làm sập cái vành mái, hay do thấy không hợp thời nữa?
(Tìm mãi trên mạng không có cái ảnh nào chụp lúc có cái bức chân dung khổng lồ đó cả, nhưng cứ hình dung nó to cỡ cái hình chữ nhật lốm đốm bên dưới vành mái)
Re: Ngân hàng Quốc gia
Sau năm 1954, tòa nhà trở thành trụ sở chính của Ngân hàng Quốc gia, sau đổi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khoảng thời gian 1976 - 1990, một bức chân dung cực lớn - chắc là lớn nhất từ trước đến nay - của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt phía trên cái vành mái tròn nhô ra phía trước tòa nhà này. Sau đó được dỡ đi, không biết do cái khung sắt nặng có thể làm sập cái vành mái, hay do thấy không hợp thời nữa?
(Tìm mãi trên mạng không có cái ảnh nào chụp lúc có cái bức chân dung khổng lồ đó cả, nhưng cứ hình dung nó to cỡ cái hình chữ nhật lốm đốm bên dưới vành mái)
Em có tấm hình đó này anh Chito ơi
Last edited by hylong; 13-10-2011 at 11:38. Lý do: Không hiện ảnh sau khi up
vietneo
Bác cho em hỏi tại sao lại gọi cái chỗ trên Hồ Gươm là hàm cá mập ạ?em chả hiểu! nghĩ mãi mà ko ra.
Re: Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội
Tôi không biết chắc chắn ai là người đầu tiên gọi như thế, và người đầu tiên có ý gì.
Còn về sau thì tôi được hiểu là do ở đặc điểm hàm răng cá mập: Nếu loài khác thì hàm trên và hàm dưới chỉ có mỗi một hàng răng. Nhưng cá mập thì mỗi hàm có đến 3 hàng răng. Cá mập nhe ra thì có thể thấy trên dưới đến 6 hàng răng.
Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là hình ảnh cụ thể. Cái ý đằng sau đó là: cái hàm răng con cá mập sẽ nuốt hết tất cả những gì trước mặt nó, bất kể đẹp xấu. Cái tòa nhà ấy cũng vậy, nó nuôt chửng cả không gian xung quanh mất rồi.
Đông Dương học xá
Bên kia con đường thiên lý vào Nam là bệnh viện Robin, thì bên này, khoảng năm 1938 cũng được xây dựng thành Đông Dương học xá, là nơi ở cho sinh viên từ khắp Đông Dương. Thời đó khu đất này được coi là xa xôi cách trở lắm. May mà có đường tàu điện chạy thường xuyên.
Khu Đông Dương học xá gồm bốn toà nhà xây theo kiến trúc Đông Dương vây quanh một khu đất trống, nay là sân vận động Bách Khoa. Bốn khối nhà trước kia giờ cũng thành các khoa của trường ĐHBK, Viện đại học Mở,...
Đông Dương học xá thời 1938
Và những khối nhà đó ngày nay
Nữ sinh học xá
Cùng với Đông Dương học xá dành cho nam, cũng có một khu học xá dành cho nữ được xây dựng. Khu học xá cho nữ được đặt ở ngay trung tâm, gần Văn Miếu. Ngày nay tòa nhà đó là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Học xá cho nữ sinh thời Pháp
Nhà thờ Cửa Bắc
Cột cờ Hà Nội giữ vị trí là công trình cao nhất Hà Nội cho đến khoảng những năm 1930 thì nhường vị trí này cho tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc.
Nhà thờ này dựng ngay bên phía bắc thành Hà Nội cũ, theo kiến trúc rất đẹp, không đối xứng như các nhà thờ thường thấy. Nhà thờ mang tên Nữ vương các Thánh, còn gọi là nhà thờ Đức mẹ Hà Nội, nhưng người ta vẫn quen gọi là nhà thờ Cửa Bắc do đứng ngay gần cửa Bắc.
Tám mươi năm sau, nhà thờ không có gì thay đổi, ngoài các trang trí phụ trợ xung quanh như hang đá, bồn cây...
Tháp chuông ngày trước và bây giờ
Nhà thờ Tin Lành
Tin Lành đến Việt Nam muộn hơn Công giáo hàng trăm năm. Tại Hà Nội đến những năm 1920 mới có công trình của Tin Lành. Ngôi nhà thờ Tin Lành đó nằm gần Nhà hát lớn, ngày nay trên phố Tôn Đản, trở thành tòa nhà của Hội Âm nhạc Hà Nội.
Nhà thờ Tin Lành xưa
Ngày nay, vẫn còn quả chuông trên nóc
Nhà thờ dòng Nữ tu thánh Phaolô
Có một nhà thờ của dòng tu nữ là dòng thánh Phaolô (tức Thánh Paul) nằm trên phố Hai Bà Trưng, không rõ xây năm nào, nhưng nhìn vào kiến trúc thì có thể đoán cũng là khoảng những năm 1930. Ngày nay nhà thờ vẫn hoạt động với nhiều lễ, nhưng không mở rộng cửa như nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa bắc hay Hàm Long.
Nhà thờ trước kia
Và ngày nay, mặt tiền bị lấn chiếm hết. Cũng chẳng lạ khi đất Tòa án tối cao ngay cạnh đó mà còn mấy chục hộ dân sống nhếch nhác kia mà.
Có một nhà thờ mà tôi tìm mãi thông tin về nó không được.
Đó là nhà thờ trên đường Hùng Vương, gần Lăng CT Hồ Chí Minh. Hiện nay nó là nhà thuộc khu vực Lăng, không còn chức năng nhà thờ. Kiến trúc tòa nhà này là kiến trúc Đông Dương rất rõ, với mái ngói, đấu củng, họa tiết trang trí chữ vạn. Nếu nhìn không ai nghĩ là nhà thờ, tuy nhiên trên đỉnh của mặt tiền là tháp chuông cũ, và trên nóc còn có cây thập giá. Cây thập giá này mấy năm trước đã bị dỡ bỏ, nên càng khó nhận ra là nhà thờ cũ.
Tượng Nữ thần Tự do
Các thành phố châu Âu không thể thiếu các tượng đài. Ngay từ khi quy hoạch Hà Nội, các kiến trúc sư Pháp đã tính đến các vị trí đặt tượng đài. Những tượng đài thời Pháp phần nhiều đã đi vào dĩ vãng, mà đích đến của một số là một pho ... tượng Phật. Tôi sẽ viết về điều đó sau.
Tượng đài đầu tiên mà Pháp mang đến Việt Nam là tượng Nữ thần tự do, phiên bản nhỏ của pho tượng nổi tiếng nước Pháp tặng nước Mỹ.
Năm 1887, nhân Hội chợ triển lãm (Đấu Xảo) ở Hà Nội, người Pháp đem một phiên bản cao khoảng hai mét rưỡi của tượng đến trưng bày. Sau khi trưng bày tại Đấu Xảo, họ làm một bệ bằng đá gần hồ Gươm rồi đặt tượng lên đó. Vị trí bệ và tượng ở phía trước tượng Lý Thái Tổ bây giờ.
Năm 1890, để kỉ niệm Toàn quyền Paul Bert, người Pháp quyết định lấy vị trí đó đặt tượng ông này, do đó phải rời tượng Nữ thần Tự do đi. Lúc đầu họ định đặt ở vị trí đài phun nước Đông Kinh nghĩa thục, nhưng sau đó đã đặt trên nóc của Tháp Rùa, quay về phía tượng Paul Bert.
Từ tượng Paul Bert nhìn sang, phía sau là là Nhà thờ Lớn
Đến năm 1896, người Pháp chuyển tượng Nữ thần Tự do lên một bệ đá xây ở giữa vườn hoa Cửa Nam, nay là khu ngã năm đầu Hàng Bông. Chỗ này xưa là phía Nam của Hoàng thành, có đặt đình Quảng Văn, nơi bố cáo các thông báo của triều đình đến dân chúng, mà người Pháp phá đi làm vườn hoa.
Lúc này người Hà Nội mới có dịp ngắm kĩ tượng hơn, và vì áo xống lòe xòe của tượng nên gọi là tượng Bà đầm xòe (đồng bạc của Pháp in hình nữ thần nước Pháp cũng gọi là đồng hoa xòe).
Vì thế có thơ rằng:
“Nhớ Quảng Văn Đình tớ đến nghe
Câu Kê chẳng thấy, thấy Đầm xoè
Thập điều bặt tiếng ê a giảng
Choáng óc kèn tây rúc tí toe…”
Đến tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp lập chính quyền Trần Trọng Kim, thì bác sĩ Trần Văn Lai làm thị trưởng Hà Nội, ngày 1/8/1945 ông đã kéo tượng xuống vứt vào kho, cùng hàng loạt tượng khác, có cả tượng Paul Bert. Đến năm 1949 thì lấy tất cả các tượng này ra nấu chảy đúc tượng Phật A Di Đà trong chùa Ngũ Xã ngày nay.
Tượng Bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam
Last edited by Chitto; 09-10-2011 at 17:56.
Tượng Paul Bert
Paul Bert làm Toàn quyền Đông Dương năm 1986 được vài tháng thì chết ở Hà Nội, do đó người Pháp làm tượng ông và đặt ở đúng chỗ Nữ thần Tự do từng đứng. Cái bệ tượng được làm bằng đá chở từ chính quê của ông từ Pháp sang.
Giai thoại kể rằng khi bệ chưa kịp dựng thì tượng Nữ Thần tự do hạ xuống đặt cạnh tượng Paul Bert, xa xa là nhà kèn bát giác, thành ra có vè
Ông Bôn-be lấy Bà Đầm
Trước nhà kèn ò e ý e
Tượng Paul Bert đứng tay cầm lá cờ nước Pháp, tay kia xòe xuống để "bảo hộ" cho một người dân Việt Nam đang ngồi khúm núm ở dưới ngóc đầu lên nhìn. Với người Pháp thì rõ là oai hùng nhưng với người Việt thì thật nhục nhã. Vì thế tượng này cũng có số phận giống bà Đầm Xòe, và cuối cùng thì cả hai cũng "lấy" nhau thật, khi hòa chung trong nhau ở một pho tượng khác.
Tượng đài "France"
Một khối tượng rất lớn cũng mang hình biểu tượng Phụ nữ nữa được dựng từ 1908 đến 1925 là pho tượng "Nước Pháp" (France) ngay trước phủ Toàn quyền Đông dương và trường Alber Sarraut.
Pho tượng đúc bằng đồng hình một người phụ nữ tượng trưng cho Mẫu quốc Pháp đang ngồi trên ngai cao, cũng giơ tay ra như đang chỉ bảo, dạy dỗ cho mấy người dân bản xứ bên dưới, gồm mấy người phụ nữ, anh lính Annam. Một bên có con rắn Naga 5 đầu tượng trưng cho xứ Cambodia, xung quanh có cả rồng Annam, voi Laos. Có hai khuôn mặt to tướng xõa tóc như đang bơi hai bên tượng trưng cho sông Hồng và Mekong.
Thường thì người Pháp dùng hình tượng Nữ thần Mariane - biểu tượng của Tự do và nền cộng hòa, đội mũ mềm, ngực trần. Thế nhưng pho tượng này lại lấy hình người đàn bà kiểu quý tộc, có lẽ để thể hiện sự giàu có và văn minh hơn chăng?
Khối tượng này to lớn nhưng xấu xí, nên cuối cùng chính người Pháp đã phá hủy nó, trả lại không gian cho con đường thẳng vào Phủ Toàn quyền
"Mẫu quốc" đang chỉ bảo cho dân bản xứ, gồm anh thầy khóa, anh phu xe, anh... rỗi việc.
Tượng đài Canh Nông
Cụm tượng đài quy mô nhất mà người Pháp dựng ở Hà Nội là tượng đài Tử sĩ. Tượng đài này dựng sau năm 1918, để kỉ niệm những người đã chết trong Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918). Tượng đài dựng ở khu vực trước kia là hồ Voi phía Nam của Hoàng thành, cách Cột Cờ một con đường do Pháp mở, ngày nay là đúng vị trí tượng đài Lenin.
Công trình có một bệ đá cao, trên có hai người lính đứng qua một khẩu đại bác, một người như chỉ huy giơ tay ra hiệu, người kia giương súng ngắm bắn, mà trớ trêu thay, hướng súng bắn đến lại là Cột Cờ Hà Nội. Bên dưới, bốn phía là bốn cụm tượng sĩ nông công thương. Sĩ là một thầy khóa ngồi xổm; nông là hai người nông dân, một vác cày một đội nón đi theo một con trâu to; công là người đẩy xe cũng ngồi; thương là ba người phụ nữ buôn bán, người quẩy quang gánh, người đang bán hàng!
Dù có bốn cụm tượng, nhưng cụm Nông với con trâu to là nổi bật nhất, thế nên người Việt gọi đó là tượng đài Canh Nông, và rồi cả vườn hoa đó cũng gọi là vườn hoa Canh Nông luôn.
Mặt có tượng Canh Nông
Mặt có tượng Thương nhân, với ba người phụ nữ buôn bán
Last edited by Chitto; 13-10-2011 at 08:12.
Vườn hoa Canh Nông
Không xa tượng đài là một nhà bia dựng theo kiểu Việt, bốn cột tám mái, đặt bia Tử sĩ (hay Chiến sĩ trận vong).
Cùng số phận với tượng Đầm xòe, Paul Bert, tháng 8/1945 tượng Canh Nông bị phá bỏ, bia Tử sĩ cũng bị phá, chỉ còn lại cái đình vuông vẫn còn đến nay. Và ngày nay tại vị trí tượng Canh Nông lại là một ông khác đứng.
Nhà bia tử sĩ vẫn còn đây, bia thì không còn
Toàn cảnh khu vực nhìn từ trên cao.
Tượng đài
Có một tượng đài khá lớn từng dựng trước Nhà hát Lớn, nhưng không tra ra được thông tin về nó xem dựng năm nào, bị phá bỏ năm nào.
Tượng đài này có một trụ đá, trên đỉnh là con gà trống Gauloir (linh vật biểu tượng của nước Pháp) đang nghển cổ gáy. Bệ tượng đài khá lớn, nằm choán ngay trước Nhà hát.
Tượng đài vườn hoa Con Cóc
Khu vực nằm trước Phủ Thống sứ (Bắc Bộ phủ), khách sạn Metropole là một vườn hoa. Thời Pháp khu này gọi là quảng trường Chavassieux, tên của viên Thống sứ Bắc kỳ thời 1891-1893 và 1896.
Chính giữa vườn hoa là tượng đài - đài phun nước kiểu phong cách kết hợp Đông - Tây dựng năm 1901: ở giữa là một trụ đá vuông, có bốn cột thức doric ở bốn góc, trên lại có kiểu mái tam giác La Mã. Bên dưới có 8 con rồng đá lao ra 8 phía, từ ngoài lại có 8 con cóc bằng gang phun nước vào giữa. Do đó người dân gọi là đài phun nước Con Cóc, và gọi là vườn hoa Con Cóc luôn.
Sau vườn hoa này đổi tên là Vạn Xuân, năm 1945 đổi là vườn hoa Diên Hồng.
Đài phun nước Con Cóc xưa
Và nay
Tượng đài vua Lê
Ở phía Tây của hồ Gươm có một pho tượng đồng nhỏ hình vua Lê Thái Tổ đang đứng cầm gươm chúc xuống. Tượng đứng trên một cây cột, phía trước là nhà bia. Tượng hiện nay vẫn còn nhưng ít người để ý.
Tượng đài này được dựng năm 1896, có tài liệu nói là do Kinh lược sứ Bắc kỳ là Hoàng Cao Khải cho dựng.
Ảnh chụp xưa
Và ngày nay
Cây cột ở phủ Kinh Lược
Hoàng Cao Khải không chỉ dựng một cây cột ở hồ Gươm, mà còn dựng một cây cột tương tự ở trong khu vực ấp Thái Hà của ông ta. Chỉ có điều thay vào tượng vua Lê là một biểu tượng gì đó không rõ.
Sau khi Hoàng Cao Khải mất, khu ấp Thái Hà trở thành lăng mộ của ông, vợ và con trai (Hoàng Trọng Phu). Viết về khu lăng mộ này có lẽ sẽ để sau.
Cây cột trong khu ấp Thái Hà (dinh Kinh lược)
Cột ở Nghĩa trang Pháp
Điều ít người biết là ở Hà Nội còn có một cây cột thứ ba nữa cũng với cùng kiểu hai cây cột trên, đó là ở nghĩa trang Pháp.
Người Pháp khi tiến chiếm Hà Nội và các năm sau đó đều có lính tử nạn. Trong một số trường hợp di thể được mang về Pháp, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Bởi thế ở khu phía Nam thành phố, nay có lẽ ở vào khu quanh cuối phố Bạch Mai, người Pháp lấy một khu đất làm nghĩa trang cho họ. Và vào các ngày lễ của Pháp, họ đến đây tưởng niệm.
Tại giữa khu nghĩa trang này cũng có một cây cột tương tự hai cây cột Hoàng Cao Khải dựng. Không rõ cột ở nghĩa trang này dựng vào thời gian nào.
Cổng vào Nghĩa trang Pháp
Và cây cột tưởng niệm
Cho đến nay, chỉ còn cột tượng Lê Thái Tổ là còn lại, hai cây cột kia có lẽ bị phá vào sau năm 1954.
Re: Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội
Trước Nhà hát lớn từng có một tượng đài khá lớn, hình một trụ đá, trên đỉnh là con gà trống Gô-loa (Gauloir), linh vật của dân tộc Pháp.
Không rõ tượng đài này được dựng năm nào và bị bỏ đi năm nào.
Một vài tượng đài Pháp dựng để tưởng niệm người Pháp khác, nay thì không còn dấu vết.
Số phận các pho tượng đồng của Pháp
Mấy pho tượng đồng của Pháp dựng ở Hà Nội có một số phận kì lạ.
Các pho tượng được dựng ở những vị trí rất đẹp, thể hiện sự cai trị và văn hóa của nước Pháp cũng sụp đổ theo sự cai trị của Pháp. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Nhật dựng lên Đế quốc Việt Nam. Khi đó Thị trưởng Hà Nội là ông Trần Văn Lai đã kí lệnh kéo hết các pho tượng thể hiện chính quyền Pháp xuống.
Tượng đồng Nữ thần Tự do, tượng Toàn quyền Paul Bert, thống chế Ferdinand, tượng Canh Nông đều bị tống vào nhà kho phế liệu.
Người Pháp - có lẽ cũng biết người Việt chán ghét các biểu tượng kia thế nào - cho nên dù chiếm lại Hà Nội vào tháng 12 năm 1946 nhưng vẫn mặc kệ chúng trong kho.
Các pho tượng nằm yên ở đó 4 năm, cho đến khi làng đúc đồng Ngũ Xã quyên góp đồng để đúc pho tượng Phật A Di Đà năm 1949, thì các pho tượng được chuyển đến đúc tượng. Pho tượng đúc xong năm 1952 nặng 10 tần, là tượng đồng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Như thế, cuối cùng các vị cũng đã yên vị trong lòng pho tượng Phật, và hi vọng quý vị sẽ bình yên mãi mãi, không còn ai đánh thức các vị dậy nữa.
Pho tượng đồng chùa Ngũ Xã
Last edited by Chitto; 27-08-2012 at 14:44.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét